MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 23)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 111
VẤN: Cụ Vũ Hồng Phát, Westminster. Có mấy câu tục ngữ của Trung Hoa sau đây, nhờ bà cụ giải hộ:
1. Hảo cẩu bất hòa kê nhi đấu
Hảo nam bất hòa thê tử đấu.
2. Nhân xú tâm tính
3. Nhất nhân nan xứng bách nhân ý.
ĐÁP:
Câu 1:
Chó khôn không đuổi gà,
Trai tốt không đánh nhau với vợ.
Ta cũng có câu tương tự như vậy:
Khôn ngoan đá đập người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
Câu 2:
“Nhân xú tâm tính”
có nghĩa:
Xấu người tốt nết.
Tục ngữ ta cũng có câu:
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.
Hoặc:
“Xấu mặt chặt dạ”.
Câu 3:
Nhất nhân nan xứng bách nhân ý.
Có nghĩa:
Một người khó vừa bụng trăm người
Ta cũng có câu:
Ở sao cho vừa lòng người
Ở rộng người cười ở hẹp người chê.
Hoặc:
“Quay đầu về Sở e Tề giận
Ngoảnh mặt sang Tề sợ Sở ghen.”
VẤN: Ong Trần Uyên Bác, (Maryland): Bà cụ có nhớ học giả Phạm Quỳnh ngày xưa định nghĩa thế nào là tục ngữ, ca dao không? Nếu còn nhớ xin bà cụ nhắc lại hộ.
ĐÁP:
Theo tạp chí Nam Phong số 46 có đăng tải bài nói chuyện của học giả Phạm Quỳnh đọc ở Hội Trí Tri ngày 21-4 -1921, như sau:
-“Tục ngữ hay ngạn ngữ là những câu nói thường hoặc vì cái thể nó gọn ghẽdễ nhớ mà người trong nước đều nhắc nhở đến và truyền tụng từ người này sang người nọ, đời nọ sang đời kia…Bởi chưn ở miệng người bình dân ít học, thật thà, không hoa mỹ, chải chuốc nên gọi đó là tục, chứ không phải là thô bỉ tục tằn…”.
Còn phương ngôn theo ông bảo là những câu tục ngữ riêng của từng địa phương, rất có thể phương này thông dụng, nhưng phương kia lại ít dùng đến hoặc không biết đến. Cao hơn một tầng nữa là những câu cách ngôn. Theo học giả Phạm Quỳnh thì bất kỳ câu châm ngôn tục ngữ nào có ý nghĩa cao xa thì thì ta có thể gọi đó là cách ngôn. Tuy nhiên cách ngôn là một thể riêng đã triết lý, văn chương rồi không còn là những câu thông thường truyền khẩu nữa như những tục ngữ và phương ngôn khác.
Tóm lại, theo nhà học uyên thâm này cho rằng tục ngữ là những câu truyền khẩu tự nhiên hoặc chỉ những sự lý công nhiên dẫu người dân nước nào cũng đều cho là phải…hoặc chỉ những phong tục riêng của quốc gia dân tộc đó.
Như các câu:
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
Hay:
“Cao nấm ấm mồ”
Tục ngữ thường có một hay hai câu đối chọi nhau, nhưng lắm lúc cũng có nhiều khi thành hai câu “lục bát” hay “song thất lục bát”. Như câu:
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẽ mà thương con chồng.
Hay:
Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi mẹ lót lá mà nằm
Theo ông:
“Ca dao là những câu hát nhỏ, từ hai câu trở lên, không dài lắm. Tất nhiên là do truyền khẩu dễ phổ cập trong toàn thể nhân dân. Ca dao chẳng khác gì như “Quốc Phong” trong Kinh Thi, thường là ngâm vịnh đối đáp giữa nam và nữ lẫn nhau trong việc đồng áng…
VẤN: Ông Đỗ Phú Nhiễu (Orange County). Xin bà cụ giải thích hộ câu “Cái cướp nào không phải là cướp?”
ĐÁP:
Nếu đi cướp tền bạc của cải thiên hạ thì bị xem là kẻ trộm; nhưng nếu đi cướp nước người thì là ông vua.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 112
VẤN: Bà Vương Hà, Houston Texas: Âm nhạc có thể điều hòa tình cảm, từ chỗ chưa hề quen biết nhau đến chỗ sơ giao, rồi thời gian đẩy đưa đến tình bằng hữu và cuối cùng trở thành tri âm, tri kỷ. Theo cụ nghĩ ý niệm này có đúng chăng?
ĐÁP:
Đúng như bà nói. Âm nhạc có thể điều hòa tình cảm con người, nó có thể rút ngắn sự ngăn cách như bà chị nói. Thế có nghĩa đôi bạn từ chỗ chưa hề biết nhau, gặp nhau trong tiếng đàn giọng hát, trở thành quen nhau, mến mộ nhau, và càng lúc càng nễ vì tôn trọng yêu mến nhau…và, cuối cùng họ trở thành đôi bạn tri âm tri kỷ.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc, có ông quan họ Dư, tên Bá Nha chơi đàn thuộc hàng tài ba tuyệt diệu, có điều không tìm được người nào hiểu được tiếng đàn của ông.
Một hôm, ông đang rong thuyền đi chơi, đến một nơi có núi non thanh cảnh tợ chốn thần tiên, bèn neo thuyền lại mang đàn ra gẩy. Tiếng đàn nỉ non thánh thót, càng lúc càng làm cho tâm hồn ông chìm đắm trong cảnh đẹp của đất trời giữa ngày đầu Xuân mát mẻ. Hồi lâu, ông nhát trông thấy có người tiều phu ngồi trên bờ sông lắng nghe quên cả đi vào rừng đốn củi, bèn lên tiếng hòi:
- Anh bạn có hiểu được tiếng đàn của ta không?
- Có. Chẳng những hiểu mà còn cảm thấy tiếng đàn của ông nhịp nhàng réo rắc như tiếng suối chảy. Cũng chẳng chỉ réo rắc như tiếng suối chảy mà lại còn tợ tiếng thông reo cao vút trên ngàn... Tuyệt. Thật tuyệt vời.
- Vậy anh có hiểu trong tiếng đàn của ta muốn nói gì không?
- Có. Người tiều phu đáp lại. Tôi xin được phép ca tụng, tiếng đàn của ông xứng đáng là bậc kỳ tài.
- Vậy bây giờ tôi gảy tiếng đàn, anh nghe rồi nói lên ý nghĩa của ta muốn nói gì? Được chứ?
- Vâng. Tôi xin lắng tai nghe đây.
Ba Nha bèn tấu lên một khúc. Người tiều phu liền lên tiếng:
- Thưa, tiếng đàn diễn tả về Cao Sơn…
Bá Nha im lặng, đánh tiếp thêm khúc nữa. Người tiều phu lại nói:
- Thưa khúc đàn này diễn tả về lưu thủy. Tôi nghe cả y như tiếng nước róc rách phát ra từ trong dây đàn.
Bá Nha khẽ đưa mắt nhìn người tiều phu đoạn tấu lên đoạn cuối. Lần này người tiều phu reo lên:
- Sao ông tài tình quá…Đây là tiếng tợ “thiên quân vạn mã”, nghe như tiếng nước thác đỗ xuống ghềnh… Quả đây là bài “Lưu Thủy Hành Vân”.
Bá Nha mừng khôn tả, biết mình từ nay đã có người hiểu được tiếng đàn của ông. Thế là hai người kết nghĩa anh em. Người tiều phu này chính là Chung Tử Kỳ. Rồi hai người ước hẹn với nhau ngày này năm sau, Bá Nha sẽ đến thăm nhà Chung Tử Kỳ và cũng để cho Tử Kỳ thưởng thức tài “cầm nghệ” của mình.
Thời gian trôi nhanh. Thấm thoát như thoi đưa đã đến ngày hẹn. Bá Nha bèn sắp xêp hành trang đế đi thăm người bạn tri âm tri kỷ. Nhưng, vừa đến nơi thì nghe tin Tử Kỳ đã lâm trọng bệnh qua đời. Quá đau thương, Bá Nha bèn mang đàn ra nơi an nghỉ của Tử Kỳ, ngồi ngay ngắn trước mộ phần người bạn tri âm tấu lên khúc thật bi ai sầu thảm. Tấu xong, Bá Nha khóc ròng, đem đàn đập vỡ, và thề rằng từ nay sẽ không chơi đàn nữa, vì biết rằng, sau Tử Kỳ sẽ không còn ai hiểu được tiếng đàn của mình nữa.
VẤN: Cụ Hà Huy Đạo, Alhambra (LA): Bà cụ có nhớ bài thơ của Đặng Dung, từng được Học sĩ Viện Hàn Lâm thời đầu Lê đã phê lời ca tụng không?
ĐÁP:
Học sĩ Viện Hàn lâm thời tiền Lê là Lý Tữ Tấn đã phê: ”Phi hào kiệt chi sĩ bất năng”. Câu này có nghĩa: ”Không phải tay hào kiệt thì không thể nào làm nổi”.
Nguyên văn bài thơ như sau:
“Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Sự khứ anh hùng ẩm hậu đa;
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn sơn hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ lộ Long tuyền đái nguyệt ma.
Dịch:
Việc đời man mác, tuổi già thôi!
Đất rộng trời cao, chén ngậm ngùi.
Gặp gỡ thời cơ may những kẻ
Tan tành sự thế luống cay ai?
Phò vua bụng những mong xoay đất,
Cột giáp sông kia khó vạch trời.
Đầu bạc giang san thù chửa trả,
Long tuyền mấy độ bóng trăng soi.
Tản Đà dịch
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 113
VẤN: Ông Bùi Danh, San Jose: Bà cụ có biết về lịch sử tiền tệ cổ đại ở Trung Hoa không?
ĐÁP:
Trung Hoa là một quốc gia có nền tiền tệ sớm sủa nhất trên thế giới. Loại tiền đầu tiên là “hải bối xác” tức là vỏ sò biển. Loại hải bối xác có răng cưa, còn có tên gọi là “hải bối”. Các nhà khảo cổ đã phát hiện loại tiền cổ đại này trong một ngôi mộ táng cuối thời kỳ nguyên thủy tức đời nhà Thương.
Các nhà khảo cổ còn tìm thấy ở vùng phụ cận Diên Trì thuộc tỉnh Vân Nam. Thời Chiến Quốc, Tây Hán các nhà khảo cổ tìm thấy các hải bối xác đựng trong các họp bằng đồng xanh và được điêu khắc văn tự cùng những hình ảnh đầy vẻ mỹ thuật.
Cuối đời nhà Thương hải bối xác không còn nữa mà thay vì các “đồng bối”, tức tiền được đúc ra bằng đồng. Loại tiền đồng đầu tiên khám phá tại thôn Đại Tư Không thuộc An Dương Hà Nam. Đây là loại tiền đúc bằng kim khí sớm nhất thế giới, sớm hơn cả người Lữ Tế Á trước CN đến hàng mấy trăm năm.
Tiền đúc có nhiều loại và rất đa dạng. Ví như “bố tệ” tiền hình xẻng, hay loại “đao tệ” hình lưởi dao, hình “xưng kim” tức hình vuông, hình“nghị tị tiền” tức hình bầu dục v.v…Lúc bấy giờ Trung Hoa đã có văn tự, nên các loại tiền đúc đều khắc chữ chỉ về thời đại, số lượng, nơi sản xuất tiền v.v...Lúc bấy giờ các loại tiền kim loại này chủ yếu giao thương với các nước Tề, Yên, Triệu v.v…
Thời kỳ loạn lạc qua đi, đất nước trở lại cảnh thanh bình, nhà Tần tóm thâu một mối. Chế độ tiền tệ được thống nhất. Đổi lại lối danh xưng của tiền tệ như quý kim thì gọi là “thượng tệ”, có giá trị 20 lượng, còn đồng là “hạ tệ” có giá trị nửa lạng. Hình dạng tiền lỗ vuông, thay vì hình tròn v.v…Kể từ thời Tần Thủy Hoàng tiền tệ lỗ vuông được xem là cố định về hình thức. Đến đầu nhà Hán được xác định lại về giá trị của đồng tiền để đảm bảo tài sản của toàn dân, như phân định tiền vàng và tiền đồng…Tiền vàng thì đúc thành khối, trọng lượng một cân, giá trị một vạn tiền đồng, trị giá 625 đồng tiền đồng v.v…Đến thời Hán Vũ Đế thu lại quyền đúc tiền về cho triều đình, người dân không còn quyền hành sử đúc tiền nữa. Từ đó các hình dạng tiền có đổi thay, bãi bỏ tiền nửa lượng…
Đời Đường thông dụng tiền đồng “Khai nguyên thông bảo” và “Càn nguyên trọng bảo”. Đời Tống Nhân Tông thứ nhất vì nền kinh tế tăng trưởng phôn vinh chưa từng có ở các thời đại trước nên lượng tiền được đúc ra tăng vọt. Càng ngày lưu lượng tiền bạc càng lớn, việc chuyên chở bất tiện nên Vua Tống Nhân Tông phát hành tiền giấy để nhẹ nhàng hơn.
Kịp đến hai nhà Minh, Thanh 1904 Trung Hoa bắt đầu lập ra ngân hàng bạc giấy gọi là “Nguyên”.
VẤN : ÔngTrang Lữ, Monterey Park: Khang Hy thuộc niên hiệu nào? Xin bà cụ giải thích cho.
ĐÁP:
Khang Hy là niên hiệu Thánh tổ đời Thanh tức vào năm 1662-1723).
VẤN: Cụ Đào Trong San, Florida: Bài “Thiện Tịnh Sa, Thu Tứ” của tác giả nào? Bà cụ biết xin ghi lại giúp cho.
ĐÁP:
Bài thơ này của Mã Trí Viễn. Xin ghi lại bên dưới:
Khô đằng lão thụ hôn nha
Tiểu kiều lưu thủy nhân gia
Cố đạo tây phong sấu mã
Tịch dương tây hạ
Đoạn trường nhân tại thiên nha.
Có nghĩa:
Chiều về quạ đậu cây đằng, nhà ai dựng mé bờ sông ven cầu.
Ngựa gầy ta cưỡi, gió lộng đường xưa, mặt trời sắp lặn về tây,
Người thì góc biển, kẻ ở chân trời, bỗng dưng ta đứt từng khúc ruột.
VẤN: Bà Tô Thị Hiền, LA. Tôi muốn được nhắc lại một số danh tác trong Quốc Phong. Xin bà cụ nhắc nhở hộ.
ĐÁP:
Như các bài: SÂM SI HẠNH THÁI
Bài thứ 1.
Sâm si hạnh thái,
Tả hữu lưu chi.
Yểu điệu thục nữ,
Ngụ my cầu chi.
Dịch thơ:
Vắn dài rau hạnh ven sông
Kiếm tìm mà hái theo dòng đôi bên.
Được người thục nữ chính chuyên
Mến nàng, cầm sắt đánh lên vang dầy.
Tạ Quang Phát dịch
Bài thứ 2
Sâm si hạnh thái
Tả hữu mạo chi
Yểu điệu thục nữ
Chung cổ lạc chi.
Dịch thơ:
Muốn ăn rau hạnh hái về
Muốn cô thục nữ,nay về cùng ta.
Tiếng chuông tiếng trống vui hòa
Tiếng cầm tiếng sắt mặn mà yêu đương.
Tản Đà dịch
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 114
VẤN: Ô. Hoàng Hoa, E.Valley Bivd. (CA) Tác giả Hồng Lâu Mộng là ai? Nghe như tác phẩm này có những hai tác giả, có đúng như vậy không?
ĐÁP:
Đúng là tác phẩm Hồng Lâu Mộng có hai tác giả. Tác giả sáng tác đầu tiên là Tào Tuyết Cần. Tên là Triêm, tự là Mộng Nguyễn hiệu là Tuyết Cần. Ông còn có hiệu là Cần Phố, Cần Khê. Tào Tuyết Cần sinh năm 1716 mất năm 1763, có sách ghi là ông qua đời 1764 thọ 48 tuổi. Ông thuộc dòng dõi đời Hán, nhưng tổ tiên nhập tịch sắc dân Kỳ Chính bạch Phủ Mãn Châu. Gia đình ông được vua Khang Hy tương đắc, cứ 5 lần kinh lý phương Nam thì hết 4 lần lưu trú tại nhà ông, cho thấy là họ Tào được triều nhà Mãn trọng vọng đến chừng nào. Nội tổ ông là Tào Dần, được xem là nhà quản thủ sách nổi tiếng đương thời. Đặc biệt là nội tổ ông đã đứng ra chăm sóc và in ấn tác phẩm “Toàn Bộ Đường Thi” nổi tiếng được giới văn học khen tặng không tiếc lời.
Trong thời niên thiếu, Tào Tuyết Cần nổi tiếng sống cuộc sống cực kỳ hào hoa phong nhã. Nhưng đó chỉ là một thời gian ngắn, sau khi thân phụ ông phạm trọng tội bị cách chức, toàn bộ gia sản bị tịch thu nên hoàn cảnh trở thành nghèo khổ.
Khi trưởng thành, dời nhà về ở ngoại ô, nằm về phía Tây Bắc Kinh, đã túng quẩn lại càng túng quẩn, lấy cháo rau làm món ăn chính, vốn sở thích rượu, nhưng không tiền đành khép mình mua chịu.
Buồn cho thế thái nhân tình và nhìn thấy rõ cảnh ở trong triều chỉ lo tranh giành quyền lực, sống một cuộc sống đầy lãng mạn, xa hoa, luôn luôn hà hiếp kẻ thế cô… không còn luân thường đạo lý, Tào Tuyết Cần viết tập Thạch Đầu Ký được nhiều người ngưỡng mộ, sau đổi thành Hồng Lâu Mộng. Viết được 40 hồi, thì Tào Tuyết Cần không còn nữa. Tưởng đâu Hồng Lâu Mộng chẳng bao giờ có đoạn kết. Nhưng Cao Ngạc nhận thấy câu chuyện Tào Tuyết Cần dựng lên đúng với những chuyện tình lãng mạn và cuộc sống xô bồ thiếu nhân tình đạo lý, bèn quyết định viết thay cho người đã ra đi muôn thuở. Thế là 40 hồi sau thành hình.
Năm Kiền Long thứ 56-57, Trình Vĩ Nguyên góp bản 40 hồi của Tào Tuyết Cần cùng 40 hồi sau của Cao Ngạc viết tiếp, tự là Hồng Lâu Mộng, cũng tự là Lan Thư, còn có tự là Vân Sĩ, lấy biệt hiệu là HỒNG LÂU MỘNG NGOẠI SỬ gồm 80 hồi. Tuy rằng 40 hồi sau của Cao Ngạc không sánh kịp nhưng có điều tiếp lại được mạch của “tình yêu” giữa Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, hoàn thành được chủ đề theo ý của của Tào Tuyết Cần.
Vấn: Bà Nguyễn Như Nguyện, San Jose: Tôi nghe qua về sự tích ngôi chùa Không Lộ có một nhà sư thần thông biến hóa, có thât không? Nếu bà cụ biết xin thuật lại. Cám ơn bà cụ nhiều.
ĐÁP:
Ngôi chùa có tên Không Lộ ở làng Giao Thủy thuộc đất Giao Chỉ. Theo sử chép, trụ trì của ngôi chùa này có vị sư họ Nguyễn tên là Minh Không. Nhà sư Minh Không xuất gia vào năm Khai Bình, được ca tụng là nhà sư đức hạnh dân chúng quanh vùng đều mến phục.
Có giai thoại: Một hôm nọ, nhà sư Minh Không từ đường xa về vào thẳng phòng thì một nhà sư bạn cùng tu tại chùa, ẩn núp sẵn, bông đùa nhảy ra gào lên như tiếng hổ để dọa. Chẳng những không hoảng sợ, nhà sư Minh Không còn cười lên thành tiếng rồi nhỏ nhẹ nói:
-”Chẳng lẽ đang là người tu hành lại muốn trở thành hổ sao?”
Nói rồi chăm chăm nhìn mặt bạn, gật đầu:
-”Được, ta nguyện sẻ cứu anh”.
Đúng một năm sau đó, người bạn tu hành giả làm hổ qua đời, tìm đến đầu thai vào Lý Quốc Vương. Khi vừa lớn lên, toàn thể châu thân mọc đầy cả lông, nhảy nhót cùng khắp trong cung, đã vậy đầu của Thế Tử dần dần biến thành như đầu hổ. Nhà vua lo sợ cho triệu các nhà đông y cũng như các nhà vu thuật để chữa trị cho Thế Tử, nhưng hoàn toàn bất lực. Thời gian sau, có quan triều tâu trình với nhà vua, xin mời nhà sư Minh Không nổi tiếng pháp thuật cao cường, may ra mới mong chữa trị được. Nhà vua bèn sai Sứ giả mang hàng mấy mươi quân sĩ rong thuyền đến ngôi chùa Không Lộ triệu nhà sư đến..
Sư Minh Không lấy cái am (nồi đất nhỏ thường dùng nấu cho một người ăn), bảo:
-“Các anh thổi lấy cơm ăn.”
Sứ giả – người cầm đầu toán quân lính cười:
-”Thưa Sư, chúng tôi nhiều người có mang gạo theo, xin tự nấu lấy mà ăn, không dám nhận làm phiền lòng bậc tu hành!”.
Nhà sư Minh Không cười:
-”Sứ giả hảy thử xem, cho dù mỗi người mỗi bát cơm đầy cũng không hết được cơm trong cái am nhỏ này”.
Và quả như vậy. Đám binh sĩ ngạc nhiên, bắt đầu ăn nói nghiêm trang và tỏ ra tôn kính đối với nhà sư. Theo chân đám binh sĩ xuống thuyền nhà sư lại bảo:
-”Xin sứ giả cùng toàn thể anh em binh sĩ cứ ngủ cho đở mệt, chờ trăng lên bần tăng gọi dậy sẽ cùng lên đường”.
Sứ giả bèn vâng theo lời nhà sư cùng đám quân binh ngủ một giấc, mãi đến khi nhà sư kêu dậy, thì thuyền đã cấp bến từ bao giờ.
Vào cung, nhà sư tự tay nấu nước sôi tắm cho thế tử, tay thì liên hồi nhổ sạch lông trong người. Đầu cổ cũng nhỏ dần rồi trở lại như xưa, mặt mày trắng trẻo xinh đẹp bội phần. Vua hỏi:
-”Làm sao có phép vậy?”.
Sư đáp:
-”Chỉ cần một niệm mê chấp, sám hối rửa sạch ắt lành bệnh, chẳng gì là khó?”
(Tu hành nhân, nhân niệm mê trước sả tẩy nhi dĩ, vô nan dã).
Nhà vua ban thưởng tiền, Sư không nhận, bèn phong cho tước hiệu Thần Tăng, nhân đó lấy từ Không Lộ mà đăt tên cho ngôi chùa và mãi đến ngày nay vẫn còn vậy.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 115
VẤN: Cụ Đỗ Vĩnh Sanh, Houston TX. Tôi có mấy điều không được rõ lắm như sau:
1. Vị vua nào đã đổi quốc hiệu Đại Cồ Việt ra Đại Việt?
2. Vị vua nào nước ta đã dung hòa được các khuynh hướng tôn giáo?
3. Bà cụ có nhớ bài thơ của vua Nhân Tông tặng cho nhà sư Giác Hải cũng như bài thơ tặng cho nhà sư Vạn Hạnh không? Nếu được xin vui lòng chép lại các bài thơ này.
ĐÁP:
1. Vua Lý Thánh Tông đổi quốc hiệu Đại Cồ Việt ra Đại Việt vào năm 1054.
2. Chính vua Nhân Tông đã dung hòa được các tôn giáo cũng như các khuynh hướng về sùng bái, tín ngưỡng…
3. Tiếp đến vua Nhân Tông tuy không phải đạo Phật song nhà vua này rất mến mộ và chẳng những đối với đạo Phật mà còn tỏ ra ái mộ cả đạo Nho lẫn huyền học. Chính vua Nhân Tông làm bài thơ tặng cho Thiền sư Giác Hải cùng Đạo sĩ Thông Huyền như sau:
Giác Hải tâm như hải
Thông Huyền đạo hựu huyền.
Thần thông kiêm biến hóa
Nhất Phật nhất Thần tiên.
Giác Hải lòng như bể giác.
Thông Huyền huyền nhiệm thần thông.
Thần thông tinh thông biến hóa
Bên Phật, bên đạo Thần tiên.
Ngoài ra, để nhớ ơn nhà sư Vạn Hạnh, có công góp phần cùng vua Lý Thái Tổ khai quốc dựng nên cơ nghiệp, vua Nhân Tông viết lên bốn câu thơ đề tặng được xem như thần bút:
Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm ky.
Hương quan danh Cổ pháp
Trụ tích trấn vương kỳ.
Có nghĩa:
Vạn Hạnh hợp Ba cõi *
Sấm ký viết nên lời **
Quê hương làng Cổ Pháp ***
Trượng Phật giúp ngôi trời.
* Tam tế: Quá khứ, hiện tại, vị lai
** Chân ngôn của lời sấm ký.
*** Cổ Pháp làng của nhà Phật.
VẤN: Bà Vương Như Hà, Trinity St. Philadelphia: Tôi muốn được biết trong Tam Thiên Tự có đề cập đến lối xưng hô cho đúng phép trong gia đình kể từ đời Ông Tằng Tổ đến chín đời sau. Bà cụ nhớ xin chỉ giáo cho.
ĐÁP:
Có tám câu, xin ghi lại như sau:
“Phụ Tử An, Phu Phụ Tòng, Huynh Tắc Hữu, Đệ Tắc Cung.
Trưởng Au Tự, Hữu Dữ Bằng, Quân Tắc Kính, Thần Tắc Trung.”
Nghĩa từng chữ:
ÂN: Ân tình.
TÒNG: Thuận theo, Hòa thuận.
HỮU: Hữu ái, yêu thương.
CUNG: Tôn kính, Kính nể.
TỰ: Thứ tự.
HỮU: Người có sở thích và hứng thú giống nhau.
QUÂN: Vua Chúa, Người Chủ.
THẦN: Thần dân, Người cấp dưới.
KÍNH: Tôn kính, tôn trọng.
TRUNG: Tận tâm, tận sức để làm việc.
Nghĩa chung: Làm người cần phải chú trọng ân tình giữa cha và con. Cha hiền, con hiếu, vợ chồng cần phải thuận hòa, chồng xướng, vợ tùy, làm anh chị cần phải biết thương yêu nhau. Làm em phải biết kính nể anh chị.
Người lớn và bé ở với nhau, cần chú ý về tôn ti trật tự. Không được vô lễ với người trên. Bạn bè đối xử với nhau cần phải thành thật, tôn trọng lẫn nhau. Làm vua của một nước hay làm một người lãnh đạo, cần phải tôn trọng thần dân hay cấp dưới. Như vậy thì thần dân hay cấp dưới sẽ tận tâm, tận sức để làm việc cho nước nhà, cho công việc do mình lãnh đạo.
Còn tiếp
THINH QUANG