Lời giới thiệu.
Nhằm giới thiệu với đồng hương, thân hữu Quảng Ngãi cũng như độc giả của www.nuiansongtra.net các Đặc San được các Hội đồng hương Quảng Ngãi thực hiện được, Ban Điều Hành sẽ lần lượt upload các Đặc San Xuân của các Hội Quảng Ngãi lên diễn đàn nầy khi nhận được.
Trong loạt bài nầy, xin giới thiệu Đặc San Quảng Ngãi Georgia Xuân Canh Dần 2010.
Ban Điều Hành.
- - - - - - - - -
ĐẶC SAN XUÂN QUẢNG NGÃI GEORGIA
XUÂN CANH DẦN 2010
Phần 1.
Trang 8
LÁ THƯ XUÂN
Kính thưa quí đồng hương và thân hữu của Hội Ái Hữu Đồng Hương Quảng Ngãi Georgia.
Kính thưa quí vị Mạnh Thường quân, các cơ sở thương mại và các văn thi sĩ đã đóng góp để bảo trợ cho Đặc San Xuân Canh Dần 2010.
Mới ngày nào, chúng ta họp mặt cùng nhau trong đầu xuân Kỹ Sửu, âm vang, hình ảnh như còn phảng phất đâu đây; vậy mà nay xuân Canh Dần lại đến. Chúng ta đã trải qua bốn mùa với đầy đủ khí hậu của vùng Đông Nam Hoa Kỳ, và chúng ta cũng đã trải qua bốn mùa đầy biến động với bao nỗi ưu tư:
- Không ưu tư sao được khi nơi quê hương tỵ nạn đang đi vào thời kỳ suy thoái về kinh tế khiến cuộc sống không được thoải mái như xưa.
- Không ưu tư sao được khi nơi đất nước thân yêu của chúng ta với bao bà con còn kẹt lại phải chịu những thiên tai khắc nghiệt hầu như càng ngày càng nhiều hơn với mức độ lớn hơn.
- Và nhất là không ưu tư sao được khi kẻ thù ngàn đời của chúng ta là bọn bành trướng phương Bắc nay đã quay trở lại ngang nhiên chiếm biển chiếm đất, khai thác tài nguyên, ức hiếp dân lành trước sự cuối đầu khuất phục của bọn cầm quyền bù nhìn chỉ lo giữ địa vị để làm giàu hơn là lo cho dân cho nước.
Mùa Xuân năm nay đã về giữa lúc quanh chúng ta có lắm chuyện không vui nhưng dù sao chúng ta cũng hy vọng ở ngày mai tươi sáng hơn vì chúng ta vẫn còn nghị lực và còn tinh thần dân tộc. Chúng ta cố gắng duy trì và phát huy đức tính ấy. Trong xã hội đa chủng tộc, đa văn hóa này, ngoài việc mưu sinh hằng ngày, mỗi sắc dân phải biết duy trì tinh thần sinh hoạt cộng đồng thông qua các lễ hội truyền thống dân tộc.
Trong tinh thần đó, Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Đồng Hương Quảng Ngãi và Ban Biên Tập Đặc San Xuân Canh Dần mong mỏi quí đồng hương, quí thân hữu và quí cơ sở kinh doanh tiếp tục ủng hộ đặc san xuân hàng năm và cố gắng tham dự đông đủ các buổi họp mặt đầu năm.
Xứ Quảng chúng ta không giàu có về tài nguyên nhưng tình yêu quê hương đất nước hẳn là không thiếu. Cái khó là làm sao chúng ta tập họp tất cả những tình cảm đó để trở thành sức mạnh giúp ích cho quê nhà.
Trước khi dừng bút, chúng tôi xin cầu chúc tất cả quí đồng hương, quí thân hữu và quí thương gia nghiệp chủ một năm Canh Dần dồi dào sức khỏe, tràn đầy hạnh phúc và làm ăn ngày càng phát đạt.
Xin kính chào toàn thể quí vị.
Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Đồng Hương Quảng Ngãi Georgia
Ban Biên Tập Đặc San Xuân Canh Dần 2010.
- - - - - - - -
Trang 10
NĂM DẦN KỂ CHUYỆN ĐUỔI CỌP
Tấn Bạch
Kính dâng hương hồn Ba.
Năm ấy tôi còn nhỏ lắm vào năm 1948 đến 1952. Thời mà Việt Minh chiếm vùng liên khu năm (Nam, Ngãi, Bình, Phú). Trong thời gian nầy, chị Hai tôi, chú tôi thường đi làm với Ba tôi ở quận (huyện) Sơn Hà tỉnh Quảng Ngãi.
Ba tôi là một y tá ở thời Pháp thuộc, nên sau khi Việt Minh cướp chính quyền thì ông bỏ, về quê làm y tá tư. Thời kỳ nầy ở các quận miền núi có nhiều người Thượng mắc bệnh sốt rét; nên việc điều trị bằng thuốc Tây (chích quinine force) là có thể trị bệnh sốt rét được. Ba tôi mua thuốc Tây từ những người đi buôn hàng chuyến từ An Tân (Tam Kỳ) đem về và đi bộ lên quận Sơn Hà để điều trị cho người Thượng. Thường khi lành bịnh, người Thượng trả công cho Ba tôi bằng nhiều hiện vật: Nồi bung, nồi bảy, lúa, bắp. Đậu...Vì vậy nên phải có người đi theo Ba tôi để gánh gồng, chuyên chở. Nhiều khi phải xuôi ghe về bến đò Tịnh Sơn để bán hay đổi chác...Nói lung tung chưa có gì là chuyện cọp, beo cả. Bây giờ tôi xin được vào chuyện đây.
Trước khi đi lên Sơn Hà, ba tôi thường cúng một con gà giò (xem giò con gà để biết lành dữ). Hôm nay, sau khi cúng, xem giò, Ba tôi nói:
-”Giò không tốt”.
Trong chuyến đi nầy có ba người: Ba tôi, chi Hai tôi và chú Bốn trong họ. Đi từ nhà tôi (Tịnh Bình) lúc gà gáy đầu (độ 4 giờ sáng), mãi đến trưa (đứng bóng), thời bấy giờ xem mặt trời thay cho đồng hồ, thì đến chân đèo BẺ LÁ. Xin giải thích một chút về đèo Bẻ Lá: Ai muốn đi qua đèo nầy ngược hoặc xuôi đều dừng ở chân đèo, bẻ một nhánh lá tươi cầm lên đến đỉnh đèo bỏ vào đống lá người trước đã bỏ. Nếu lá còn tươi nhiều, chứng tỏ có nhiều người qua lại. An toàn xuôi, ngược. Trái lại lá héo, vắng người đi. Coi chừng, cẩn thận. Thú dữ ở đây là cọp (hổ, thầy, ông, chuá sơn lâm...). Đèo nầy nằm ở giữa Ruộng Khay, Hà Thành và Sơn Cao, Cà Dong. Đèo nầy có một con cọp rất dữ, cọp ba chân (một chân bị gãy vì sập bẫy của dân làng Thượng). Khi Ba tôi lên gần tới đỉnh đèo Bẻ Lá, cách khoảng 50 mét, ông thấy một con cọp ba chân đang ngồi bên lề đường, sát một bụi cây, bên cạnh đống lá tươi đó. Ba tôi nói với chị Hai và chú tôi:
-”Gặp Ông rồi!”.
Chị và chú tôi sợ xanh mặt đứng như trời trồng. Tiến tới cũng khó, lui cũng không xong, sao đây? Sau một lát suy nghĩ, Ba tôi tiến lên đỉnh đèo, dĩ nhiên là phải nhẹ nhàng, cách độ 10 mét, Ba tôi bảo chị Hai tôi đưa chiếc nón lá đang đội cho ông và nói với chú Bốn tôi:
-”Anh và em đồng loạt xé toạt hai chiếc nón lá khi đến sát con cọp đang ngồi”.
Đến sát chỗ cọp đang ngồi lim dim, đồng loạt hai chiếc nón lá cùng xé tạo một âm thanh như pháo nổ. Ông cọp đang lim dim nghe tiếng động quá lớn hoảng hồn ba chân cà thọt vội chạy vào rừng. Sau khi cọp chạy rồi, Ba tôi bảo chị và chú tôi phải chạy thật mau chứ nó trở laị ăn thịt ta bây giờ. Đúng như lời Ba tôi nói, sau một chút là chú cọp trở lại, nó đào xới, hất tung đống lá, quần nát cả đình đèo. Ngày ấy không có ai qua lại đèo nầy!
Chuyện đuổi cọp để qua đường của Ba tôi là thế đấy, đơn giản nhưng nói lên được ứng xử kịp thời trước nguy hiểm đến tính mạng. Đây là chuyện kể lại của chi Hai tôi. Nay tôi xin ghi lại đầu năm Dần nói về cọp một chút cho vui. Ba tôi đuổi cọp để sống, sau nầy Ba tôi bị Cọng Sản giết cũng vào năm Dần (1962). Chị tôi kể lại trong một lần kỷ niệm Ba tôi trước ngày gia đình tôi sang Mỹ. Nay thì đi đường núi hết sợ thú rừng heo rừng, cọp, beo nhưng lại sợ: “chó vàng” đón đường uy hiếp.
Tháng 7, tháng kỷ niệm Ba tôi
TẤN BẠCH.
- - - - - - - -
Trang 12
TẾT QUÊ
Nắng rực rỡ reo vui đôi cánh én
Hoa muôn màu ngào ngạt rủ bứơm về
Lời sơn ca cao vút tận sơn khê
Sương lấp lánh kim cương trên phiếm lá
Tiếng trống, tiếng chiêng xóm làng vui quá
Khoe áo nhau, bầy trẻ rộn khắp đừơng.
Nẻo lên chùa hoa qủa lẫn vàng hương
Theo các cụ, tiếng ai cừơi khúc khích
Lời chúc tụng, muôn vạn điều yêu thích
Một năm đầy thịnh vựơng với vạn an
Gió se se rung nhẹ cánh mai vàng
Và đây đó đì đùng dăm tiếng pháo
Mấy bô lão trang nghiêm trong khăn áo
Để cùng nhau đĩnh đạt đến đình làng
Sắp dâng hương lễ vật tế thần hoàng
Mong quốc thái dân an trong năm mới
Có phải tiếng trống, tiếng chiêng vang dội?
Không! giật mình chuông điện thọai đang reo!
Thức giấc rồi, nhưng giấc mộng vẫn theo
Qua khung cửa bên ngòai đang tuyết đổ
Tuổi già tha hương, ngày Xuân thế đó
Nhà vắng tanh, còn laị nén hương thừa
Tết quê người chỉ có giấc mơ xưa
Và rét mướt bên ngoài đang gào thét
Atlanta, 9/2008
Lê Phổ Nhơn
- - - - - - - -
Trang 13
NÚI THIÊN ẤN VÀ 3 KỲ TÍCH
Tạ Hành
Quảng Ngãi, cái tên gọi thân thương đã trở nên niềm nhung nhớ không những đối với ai sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất nầy mà còn đối với những du khách đã từng có dịp ghé qua nơi đây.
Người dân Quảng Ngãi cũng đã gian truân sống với thù trong giặc ngoài, vẫn tận lực trong công cuộc bồi đắp mở mang bờ cõi. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, hồn thiêng sông núi của đất địa linh nhân kiệt đã sinh sản ra biết bao danh nhân sĩ khí, nhiều thắng cảnh đẹp và không thiếu những tài-nguyên và đặc-sản hiếm-có và nhất là trong kho-tàng về các truyền thuyết, giai thoại đã sản sinh ra tại quê hương Quảng Ngãi thì thật là phong phú. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết tôi xin kể lại huyền thoại vài kỳ tích hiện còn tọa lạc tại khuôn viên của một thắng cảnh vào bật nhất mà đối với ai là người xứ Quảng Ngãi hoặc ai đã đặt chân du lịch tại xứ nầy thảy đều biết đó là: NÚI THIÊN ẤN. Nhưng tại khuôn viên núi Thiên Ấn vẫn còn ba kỳ tích đó là: Tổ đình Thiên Ấn, Chuông thần và Giếng Phật mà đa số người dân Quảng ngãi đều biết và được nhìn thấy. Riêng tôi, qua thấy tận mắt và nhớ lại đã đọc các sự tích nầy qua sách báo và xin lượt kể lại như sau:
* Tổ đình Thiên Ấn:
Đứng ở đâu nhìn đều thấy núi hình thang giống như cái ấn, núi có mặt đỉnh rộng thoáng mát, phong cảnh như hữu tình xen như bậc nhất thắng cảnh được liệt vào hàng tổ sơn ở trung châu Quảng Ngãi. Từ thời Lý Thánh Tôn (1054-1071) đến Lê Gia Tông (1672-1675), núi Thiên Ấn còn hoang sơ, nhưng dần dần về sau dân quanh vùng bắt đầu tiếp cận cắt tranh, đốn củi...và mới phát hiện một lối đi nhỏ từ đỉnh núi xuống lưng chừng đồi. Người dân rất sợ vì cho đó là lối đi lấy nước của năm ông hổ đi tu. Nhưng sau đó dân địa phương mới biết cứ đúng ngọ (trưa) hằng ngày có một vị thầy tu đi lấy nước ở tận chân đồi. Ngài tu tại một thảo am ở trên đỉnh đồi (thảo am nầy là tiền thân của tổ đình Thiên Ấn). Hỏi ra mới biết ngài là người giòng họ Nguyễn tự Phật bảo, pháp danh Minh Hải, hiệu Pháp Hoá hoà thượng. Ngài từ chùa Chúc Thánh ở Quảng Nam vào và dừng chân nơi đây vì thắng cảnh quá đẹp, nằm giữa “vương địa linh quyền” và lập ra dòng kệ “Lâm tế” lấy chữ Minh đứng đầu là pháp danh Minh Hải. Pháp Hoá hoà thượng tu tịnh và tuyệt cốc, ngài chỉ ăn rau mọc tự nhiên, lấy nước uống ở khe đá. Khe đá nầy nay vẫn còn thấy trước cổng tam quan tổ đình nhìn xuống. Rồi từ đây khách thập phương về đây lễ bái phụng Phật ngày một đông và công đức, tài sức lập nên chùa. Ngài dựa theo địa danh đặt tên chùa là THIÊN ẤN TỰ. Thiên Ấn tự được xếp vào bậc tiền hiền của các chùa ở Quảng Ngãi và sau nầy ngài là vị sư tổ.
* Chuông thần:
Câu chuyện được xảy ra vào đời vị tổ thứ ba của tổ đình Thiên Ấn, đó là Bảo Ấn hoà thượng tức Thiệu Trị năm thứ năm, Ất Tỵ (1845). Khác với mọi hôm trong giờ thiền định Bảo Ấn hòa thượng thấy một vị hộ pháp đến dâng lễ và bạch rằng:
-”Tại làng Chú Tượng hiện là thôn Chú Tượng xã Đức Hiệp quận Mộ Đức Quảng Ngãi có một quả đại hồng chung xin ngài cho chư tăng vào thỉnh về cho tổ đình”.
Với tâm nguyện mong ước làm sao có được đại hồng chung cho tổ đình, nay có điềm báo nầy, Hoà thượng Bảo Ân ngay sáng hôm sau đã cho một sư tăng vào ngay làng Chú tượng hỏi dân làng sở tại để thỉnh, nhưng người dân làng trả lời là không có. Sư tăng lòng thất vọng về bạch lại với hòa thượng và cũng trong giờ thiền định hôm đó lại cũng người hộ pháp đến bạch với hòa thượng là quả đại hồng chung vẫn còn và chờ ngài vào thỉnh. Lần nầy hoà thượng Bảo Ấn đích thân vào làng Chú Tượng và hỏi thì dân làng trả lời là có, nhưng nó không kêu, nên định phá đúc lại. Nếu ngài cần thì làng tôi xin bán. Sau khi lập giấy tờ và giao tiền xong, đại hồng chung được chuyển về tổ đình và hòa thượng đã cho thiết trí qủa đại hồng chung và làm lễ trai đàn chẩn tế. Quả thật linh thiêng với oai danh linh hiển đã cho tiếng chuông đầu tiên của hòa thượng ngân vang trong pháp giới trước sự ngạc nhiên kính cẩn của mọi người. Quả đại hồng chung nầy lâu nay đã câm tiếng nay bỗng ngân nga lanh lảnh khắp bốn phương. Thật thỏa lòng của hoà thượng và tăng chúng và từ đó mới có tên gọi là CHUÔNG THẦN. Hôm ấy là ngày 10 tháng 4 - Ất Tỵ 1845 Thiệu Trị năm thứ 5, qủa đại hồng chung có ghi: “Làng Chú tượng” hiện còn treo ở gác chuông phía trước chánh điện của tổ đình.
* Giếng Phật:
Nước là nhu cầu cần thiết đối với con người nhất là những người sống trên đỉnh núi cao. Khe nước từ thủơ xưa, nay đã cạn. Ngài Pháp Hóa hoà thượng phải xuống tận chân núi để lấy từng bát nước ruộng về để lọc mà dùng nên ngài đã phát tâm cầu nguyện làm sao để có được nguồn nước uống dồi dào. Mặc dầu núi cao đá sỏi, thiếu phương tiện, nhân lực, nhưng Pháp Hóa hoà thượng vẫn phát tâm thực hiện đào một giếng nước nằm trước sân chùa. Ngài đã định hướng, lấy hướng Đông Nam thuộc cung Tốn (tốn chỉ thuận chi) vốn là để thu phục nhân tâm. Sau khi khởi công được mười ngày, hoà thượng tuy một mình, mệt mõi, nhưng vẫn vui vẻ cố gắng. Bỗng một hôm có một nhà sư trẻ, khoẻ mạnh đến và xin cọng tác với ngài. Qua một hồi đàm đạo nêu rõ ý nguyện, rồi hai người trì chí thực hiện, công việc trở nên nhanh hơn. Những tưởng có lúc cũng gần như tuyệt vọng vì gặp phải tảng đá bàn chắn ngang, họ vẫn kiên tâm trì chí đục viên đá ra từng mảnh rồi tiếp tục công việc đến khi hoàn tất. Giếng sâu khoảng 55 mét, nước trong mát, uống vào không bị ngả nước mặc dầu từ đâu đến.
Nỗi vui mừng khôn xiết. Tiếng đồn truyền đi khắp nơi, khách thập phương đổ về để xem giếng linh, chùa thiêng và gặp được người có công đào giếng. Hoà thượng nổi tiếng là đã cảm hoá được lòng dân cảm tình với Phật giáo, nhưng mọi người vẫn băn khoăn là sau khi cọng tác với hoà thương hòan thành xong giếng nước nhà sư trẻ lại biến mất vào lúc nào không ai hay. Nhà sư đi đâu? Tương truyền rằng “long thần hộ pháp” đến thử lòng kiên nhẫn và trợ giúp ngài hoàn thành giếng nước. Chai nước đầu tiên mừng ngày khánh lễ đã dâng về triều đình chúa Nguyễn đời vua Lê Dụ Tông niên hiệu Bảo Thái thứ 8 (1727) và triều đình đã phong sắc tứ THIÊN ẤN TỰ cho tổ đình mà ngày nay vẫn còn khắc ghi ở chùa. Giếng nước nầy Phật tử và khách thập phương thường gọi là giếng Phật.
Với tâm tình nhớ thương về quê hương nơi chôn nhau, cắt rốn nhất là mỗi độ xuân về lại càng trỗi dậy, kể cho nhau nghe những chuyện vui, buồn của qúa khứ, hiện tại và vị lai thì cũng lắm lắm...Và đây một vài giai thoại xảy ra trên quê hương mình, âu cũng là món quà Xuân hầu với tâm ý góp phần gìn giữ và làm phong phú thêm cho văn hóa quê hương, góp phần giáo dục tình yêu quê hương đát nước cho thế hệ trẻ và cũng hầu góp phần nào cho nhu cầu tinh thần của đời sống.
Forworth, TX 21-9-2009
Tạ Hành
Danh Ngôn:
“Men of character are the conscience of the society to which they belong”. (Ralph Waldo Emerson)
“Người công chính là lương tâm của xã hội họ đang sống”.
- - - - - - - -
Trang 17
EM Ạ! MAI ANH VỀ QUẢNG NGÃI
Em ạ, mai về Quảng Ngãi
Dòng sông xanh luyến bóng Hà Nhai.
Thuở trong vắt, bống Trà rỡn nước
Trăng thượng nguồn viễn khứ vị lai.
Em ạ, mai về Quảng Ngãi
Lên non xưa Thiên Ấn dấu hài.
Mắt tít tắp, biển, trời và đất
Ủ tận hồn, thuỷ mặc tương lai.
Em ạ, mai về, mai về!
Tắm Sa Huỳnh reo gọi Mỹ Khê.
Cổ Luỹ xưa, La Hà trận đá,
Nhớ người xưa Đỗ Mãn huyết thề.
Em ạ, mai về, tình quê nhoi nhói.
Dục bước cha ông thời mở cõi
Thiên Bút vẽ trời vòi vọi
Long Đầu hí thuỷ sáng soi.
Em ạ, mai về bến Tam Thương,
Thắp nén hương cố ngoại thuở xa trường.
Rồng vươn dậy nối dài chữ S,
Quặn Thu Xà, Nam Chiếu sử chương.
Em ạ, mai về quyến luyến
Tắm An Bàn thoả mộng hoa niên.
Chân nóng bỏng cát bồi năm tháng
Ngực phồng căng gió lộng nhân duyên.
Em, mai về thành cổ Châu Sa
Réo rắt Chăm Pa - Việt huyết hoà
Quan họ Bắc Ninh mang màu bài chòi, hát bội.
Bổi hổi, bồi hồi điệu lý Nam ca.
Mai về, mai về, quê mời gọi
Một chút đường phèn, tô don, đường phổi.
Tí nước chè hai, quế cay, mía cội.
Bắp nướng nà xưa, dưa ngọt bãi bồi.
Em ạ, dẫu vạn dặm toả mọi miền
Sen Liên Trì vẫn hồng bất diệt.
Tri!
Tri!
Rửa màu hơn thiệt.
Yêu quê mình-Quảng Ngãi, nỗi nhớ và tình yêu!
Đào Duy An
2/6/2009
Giới thiệu tác giả: Sinh trưởng tại Quảng-Ngãi, là Thạc sĩ, hiện là Bác sĩ trưởng của Vietcare Co. Ltd. HCM City, Hiện cư ngụ tại Sài Gòn.
Toán số giải trí: Những con số vui:
Nhiều nhà chuyên môn, sưu tầm các con số lạ lùng để viết nên những loại sách “Toán số giải trí”. Xin nêu một thí dụ, con số dị kỳ: 1089.
Mời quý vị hãy tham-gia “trò chơi số” sau đây:
1- Chọn 3 con số khác nhau rồi viết ngược lại. Ví dụ 238 (1) thành 832 (2).
2- Ta hãy lấy (2) trừ (1): 832 – 238 = 594 (3).
3 Lật ngược kết quả (3) thành ra 495 (4).
4- Lấy (3)+(4) sẽ thành 1089.
Bây giờ, ta có thể kiểm chứng cách thức trên bằng cách lựa bất cứ con số nào rồi làm theo kiểu trên, kết quả đều là 1.089 cả. Lưu ý:
a. Trường hợp gặp con số 0 (trong bất cứ vị trí nào) cũng phải ghi vào cho có đủ ba con số.
b. Luôn luôn lấy số lớn trừ đi số nhỏ, nghĩa là không bắt buộc phải lầy (2) trừ (1).
Ví dụ: chọn số 680 (1), viết ngược lại là 086(2). Trường hợp nầy, lấy (1) - (2): 680 - 086 = 594 (3). Viết ngược lại sẽ là 495 (4).
Lấy (3) + (4) = 1089.
Chúc quý vị có được vài phút ngạc-nhiên thú-vị với những con số.
LCT sưu tầm
- - - - - - - -
Trang 19
DU LỊCH THÁI-LAN QUA NHÃN THỨC MỘT NGƯỜI VIỆT
Trương Quang
Dịch vụ du lịch đương phát triển sâu rộng tại khắp các quốc gia như nhịp cầu của thông cảm và hòa đồng giữa các sắc dân trên thế giới sau thời kỳ chiến tranh lạnh. Là người Việt-Nam đi thăm chơi đất nước Thái-Lan, tôi có được cái thích thú ngọt ngào (là phần chính của bài) lẫn chút đắng cay bởi “thấy người mà nghĩ đến ta” nên chua xót; bởi lẽ: Trên bình diện quốc tế, Thái-Lan và Việt-Nam được xem là hai nước đồng đẳng và đồng vị, từng có liên hệ lịch sử, tại sao VN hôm nay quá thua kém? Thât ra, trước 1975 nước Việt Nam Cọng-Hòa có phần trội hơn Thái-Lan về nhiều mặt; nước VN xã hội chủ nghĩa sau 40 năm thống nhất Tổ quốc lại tụt hậu sau Thái-lan về mọi mặt là tại sao? Đành rằng do chế độ chính trị khác nhau, nhưng chưa đủ là nguyên nhân. Chính yếu là do người cầm quyền lãnh đạo có yêu nước có tài năng mới định đoạt được vận mệnh quốc gia dân tộc của mình.
Chỉ cần nhìn lại thế kỷ 19, trước làn sóng xâm lăng của các cường quốc cơ khí Tây phương chiếm cứ toàn vùng Đông Nam Á, thì ở VN triều đình nhà Nguyễn nhắm mắt bế quan tỏa cảng và cấm đạo, tạo cớ cho quân Pháp đánh chiếm nước ta làm thuộc địa. Trong khi đó Xiêm-La (tên cũ của Thái-Lan) tự biết nhược tiểu bèn mở cửa giao thương bình đẳng với các cường quốc nên Xiêm-La không bị thực dân nào xâm phạm vì họ tránh đụng đầu nhau. Sự hiểu biết của nhà cầm quyền đã giữ vững nền độc lập cho dân và nước Thái-Lan.
Ngày nay lịch sử lại tái diễn bởi chính sách bành trướng tàm thực của Trung-Cọng về phía Nam. Các nước ở sát nách phía Nam là Diến-Điện, Thái-Lan thì Trung-Cọng không đụng tới vì còn e ngại đụng đầu với quốc-tế. Còn chính-phủ Xã-hội chủ nghĩa VN lần lượt dâng hiến hải đảo, lãnh thổ đến lãnh hải cho Trung-Cọng như cống phẩm để được bảo vệ cho độc quyền đảng trị và đặc lợi cho mình, đó là màn đầu của vong quốc sử. Chuyện nội bộ và thần phục trong khối Cọng sản là ngoài tầm can thiệp của quốc tế.
Đến thế hệ hôm nay, Thái-Lan đã vươn lên thành một con Rồng kinh tế trong số ngũ long Á-châu. Ngoài sản phẩm kỹ thuật công nghệ, thế mạnh kinh tế Thái-Lan còn ở thực phẩm chế biến, gạo xuất cảng và nghiệp vụ du lịch. Ngành du lịch nước nào cũng dựa vào thắng cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử; riêng Thái-Lan còn chú trọng vào các màn trình diễn (show business) hấp dẫn du khách đã xem qua còn muốn trở lại. Đầu 2007, thân quyến chúng tôi hợp đồng trọn gói với công ty Vietravel đi du lịch Thái-Lan một tuần lễ với giá 300 mỹ kim (USD) mỗi người. Giá rẻ đến ngạc nhiên, vì nếu tự đi, chỉ 1vé máy bay khứ hồi là 240 USD, như vậy có thể hiểu là mọi chi phí ăn ở + xe tàu đã có liên hợp với giá tối thiểu nhằm thu hút du khách đến Thái xài tiền và mua sản phẩm.
* NƯỚC THÁI-LAN VÀ THỦ ĐÔ BANGKOK CÓ GÌ LA?
Sau hơn một giờ rời Tân-Sơn-Nhất, phi cơ lượn trên vòm trời Bangkok, bên dứơi là cao ốc san sát, hệ thống cầu đường kênh rạch dày đặc, trù phú và bề thế không kém gì Hồng-Kông, Singapore. Phi cơ hạ cánh trên phi cảng Don-Mueang là một trong nhiều sân bay quốc tế của Thái-Lan. Thủ tục nhập cảnh hoàn tất chỉ 7 phút, khác với VN đã mất cả giờ và hành lý bị lục soát tứ tung để kiếm chuyện. Chờ đón chúng tôi tại cửa phi trường là cô hướng dẫn viên (hdv) tên Huệ, người Thái gốc Việt, cùng phối hợp với anh Cường, hdv đã đưa đón chúng tôi từ VN. Cả hai nói được 4 thứ tiếng: Việt, Thái, Anh, Hoa để giao tiếp, giúp đỡ chúng tôi trong suốt tuần lễ.
Về địa lý và nhân văn, Việt và Thái có nhiều điều tương hợp mà không tương đồng. Chiều dài bờ biển của 2 nước bằng nhau. Diện tích Thái-Lan 514,000 km2, nuôi sống dân số 56 triệu người. Diện tích VN 326,000 km2, nuôi sống dân số hơn 80 triệu người; như vậy mật độ dân số VN cao gấp 3 lần Thái-Lan. Dân số Thái khá ổn định, dân số Việt tăng quá nhanh trong 30 năm qua, có nghĩa kế hoạch hóa gia đình của VN không hơn trò múa rối.
Dân Thái có 10% gốc Trung-Hoa nắm 80% kinh tế nước Thái. Người Việt ở rải rác trên đất Thái và tập trung nhiều ở Ubon, nơi giáp giới với Lào, Campuchia. Dân Thái 95% theo đạo Phật, bản chất hiền hòa hiếu khách, không cướp giựt móc túi, ngoài đường không có kẻ ăn xin. Vậy tại sao có bọn hải tặc Thái-Lan đã cướp bóc hãm hại thuyền nhân VN vượt biển tìm tự do trong thập kỷ 1980? Theo tôi tìm hiểu thì đó là một số rất ít ngừơi Thái vô đạo hay Thần giáo sống lẩn quất dọc bờ biển Songkla, Pattani ở bán đảo cực Nam Thái-lan.
Đạo Phật là quốc giáo, nên con trai vị thành nhân đều có vào chùa tu ít nhất 3 tháng trước khi về cưới vợ (ở đây bằng đi tu không mua được, ở VN ngày nay muốn mua bằng gì cũng có). Những ngày lưu trú tại Bangkok và Pattaya chúng tôi ở Prince Palace hotel (viết chữ Hán là Hoàng-đô khách sạn) hạng 3 sao, có đầy đủ tiện nghi hiện đại, mỗi sáng xuống sảnh đường ăn điểm tâm buffet trước khi xe rước đi thăm các nơi. Đổi ngoại tệ ra tiền Thái ngay tại khách sạn hay bất cứ điểm tham quan nào theo hối suất đương thời $1 USD = $405 pat. Cô hdv dạy cho ít tiếng Thái thiết dụng như: sa wa đi khap = chào, xa buôi khap = cám ơn, hôn nám = đi toilet, lò mác mác = anh kẻng trai!, chuối chiên chiên = cô đẹp gái!...
Xe ở đây chạy phía bên trái như ở Anh, Ấn, Úc, Singa-pore...,thuế xe căn cứ vào số bánh xe nên xe trọng tải 8 bánh chịu thuế gấp đôi xe 4 bánh (cứ 10pát/ bánh). Giá đi taxi bằng giá VN, di chuyển nhanh gọn trong nội thành còn có xe “tuc-tuc” với một băng ghế sau. Lên cao ốc 86 tầng ở Bangkok tôi mới nhận thấy sự biểu hiện sức phát triển mạnh về kinh tế, nhìn rõ đường sá dày đặc với nhiều tầng và cầu vượt vẫn không đáp ứng nổi lưu lượng xe tàu quá lớn lao nên thường bị nạn kẹt xe vào hàng đầu thế giới. Không thấy bóng dáng xe đạp trên đường phố, khác với Quảng-Châu xe đạp như mắc cửi 2 bên lề đường có phải là cách tránh tắc nghẽn lưu thông của Trung-cọng? Một thuận lợi về vận chuyển của Bangkok là nhờ hệ thống sông rạch (klong) dàn trải cặp kè với đường bộ, rất nhiều cầu và chợ bên sông tạo nên cảnh trên xe dưới thuyền tấp nập. Tất cả kênh rạch nầy đều phát xuất từ trường giang Chao-phraya êm đềm chảy qua Bangkok mang theo tàu thuyền trước khi đổ ra vịnh biển Thái-Lan.
Ở một đại lộ có tượng voi 3 đầu khổng lồ màu đen huyền là biểu tượng của thủ đô Bangkok. Trên công thự và ngõ công viên đều có dựng 2 lá cờ: Lá quốc kỳ Thái-Lan ở giữa màu xanh chiếm 1/3 (chỉ quân quyền) 2 sọc trắng hai bên (chỉ Phât giáo) 2 sọc đỏ ngoài bìa (chỉ quốc thổ). Và lá hoàng kỳ của Vua màu vàng giữa có huy hiệu đỏ của Vua. Thái-Lan theo chế độ quân chủ lập hiến: quyền cai trị đất nước trong tay Thủ tướng & Nội các, Vua là bậc tối cao, được quốc dân tôn sùng tuyệt đối. Quốc vương Thái hiện nay là Bhumibol Adulyadeij đã 82 tuổi, trị vì hơn 55 năm. Chân dung vua và hoàng hậu được trưng bày tại các nơi trang trọng nhất ở Bangkok. Triều đại Rama của Xiêm-La từng tranh giành ảnh hưởng thần phục của Cao-Miên (tức Campuchia) với triều Nguyễn VN suốt đầu thế kỷ 19. Các đại danh thần Trương Đăng Quế, Trương Minh Giảng, Lê Văn Duyệt lần lượt đánh bạt quân Xiêm và đặt Cao-miên là Trấn-tây thành lệ thuộc vào nước ta. Sự kiện nầy còn di lụy đến ngày nay.
VIẾNG CHÙA PHẬT NGỌC VÀ CỐ CUNG CHIDRALADA
Quần thể kiến trúc hoành tráng và rực rỡ nầy được xây dựng năm 1782. Phật ngọc tự qua mấy lần trùng tu vẫn giữ nguyên phong cách mỹ thuật Thái-Lan với mái đuôi long cong lên và đỉnh tháp nhọn cao vút kiểu Ấn-độ giác vàng sáng chói. Trong chùa thờ tượng Phật bằng ngọc thạch tọa thiền cao 66 cm được chính nhà vua thay áo cho tượng ngọc mỗi năm 3 lần thích ứng theo thời tiết. Quanh chùa có 8 bảo tháp thờ 8 vị vua dòng Rama, tùy theo lọng có mấy tầng ta biết là vua Rama thứ mấy. Bên ngoài có những tựơng hộ pháp bằng sành sứ cao lớn, oai phong dữ tợn đứng canh giữ và trấn áp tà ma. Các tu sĩ ở đây đều cạo nhẵn cả tóc lẫn chân mày. Trước cửa chính điện, du khách xếp 3 hàng, lần lượt dùng hoa sen vẩy nước Phật ngọc lên đầu để cầu mong tẩy sạch khổ đau của cuộc đời ô trọc.
Cố cung Chidralada dựng lên từ vua Ra Ma đệ nhất theo kiểu Victoria (Anh) với mái kiểu Thái, hiện dùng tiếp đón thựơng khách chứ Vua ở nơi khác. Vườn ngự uyển có mấy hàng cây bonsai qúa đẹp, có con kênh đi thuyền vào hoàng cung. Ngự lâm quân vẫn giữ lệ thay phiên lúc 10 giờ theo cung cách nghiêm cẩn. Cung điện 2 tầng lầu rất nguy nga với nhiều phòng mỹ lệ, được cho biết còn giữ nguyên long sàng bằng vàng, vật dụng ngà ngọc và nhiều quốc bảo.
Chính trong nội cung nầy vào tháng 2 năm Giáp thìn (1784) vua Thái tiếp kiến Nguyễn vương (tên Nguyễn Ánh, tức vua Gia-long) và tùy tướng Châu Văn Tiếp sang cầu viện, được quốc sử ta chép rằng:
-”Châu văn Tiếp quì bảo đế tất khốc bất chỉ. Xiêm chúa viết: Nam quốc hữu thần như thử, thiên ý khả tri, toại ước tư binh (=Châu Văn Tiếp quì ôm vế vua mà khóc không ngừng. Vua Xiêm nói: Nước Nam có bề tôi như thế đủ khá biết ý Trời, bèn ước hẹn cho viện binh). Vua Xiêm sai 2 tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn quân và 300 chiến thuyền sang giúp. Tướng Tây-Sơn là Nguyễn Huệ (sau lên ngôi là Quang-Trung) tiêu diệt quân Xiêm tại Rạch-Gầm Xoài-Mút phía trên Mỹ-Tho, chỉ vài ngàn quân sống sót theo thượng đạo chạy về Xiêm.
Cổng cố cung Chitralada rất hùng vĩ với 2 lớp cửa, kiên cố hơn cả Thiên-An-Môn ở Bắc Kinh, qua 2 thế kỷ vẫn còn mới hơn cửa Thượng-tứ của cố đô Huế. Riêng vợ chồng tôi còn tìm đến lăng tẩm vua Rama 9 đứng riêng giữa vùng khoáng đãng, kiến trúc theo kiểu Âu Mỹ, nơi tháp tròn kiểu Hồi-giáo có hòm kính đựng ngọc Xá-lợi-phất.
XEM SHOW Ở TRẠI CÁ SẤU LỚN NHẤT THẾ GIỚI.
Đường chính vào trại cá sấu có dựng một thân cây lớn hơn 2 người ôm, cao quá tầm tay với, đã chôn vùi dưới biển hàng triệu năm từ thuở hoang sơ, thân và vỏ cây hóa thạch còn nguyên vẹn hình dáng. Chủ trại cá sấu là cụ Vương Khải Điền, đã khởi nghiệp từ nghề làm da cá sấu. Trong nhà ấp, trứng cá sấu được xếp từng lớp giống như trứng vịt ở nhiều phòng. Trong ao nuôi, vô số cá sấu nhỏ như con thằn-lằn chờ bán đi khắp nơi. Trong hồ rộng, chứa hàng trăm cá sấu to lớn, có con dài 8m nặng hơn 1 tấn. Du khách đứng tựa vào lan can trên cầu quanh bờ hồ, chú mục vào 3 thanh niên săn chắc đầu chít khăn, quần cụt áo cánh cùng một màu đỏ, tay cầm khúc cây ngắn, đều đã được tom phép để biểu diễn với tử thần cá sấu. Anh quì lạy tổ, 2 anh kia trợ lực đọc thần chú rồi anh rà cây trước mỏ cá sấu để khoán phép. Gặp con sấu ương ngạnh há mõ táp thì anh lôi đuôi nó cho vào hầm. Dò gặp con ngậm mõ thì anh nắm đuôi kéo lên gò giữa hồ, đoạn anh bái con sấu và chấp tay bắt ấn cho mõ cá sấu từ từ há rộng. Anh lùi lên cao, nằm trượt vào miệng sấu, bỗng ngừng lại. Anh lại đưa cây làm phép cho miệng sấu như chết tê không ngậm lại, anh đút đầu lọt thỏm vào miệng sấu. Anh còn thọc tay vào kéo lưỡi cá sấu ra và đẩy giấy bạc vào tận cổ họng cá sấu. Ai cũng chụp hình và vỗ tay. Riêng tôi không tán thưởng trò chơi quá nguy hiểm, vì “sinh nghề tử nghiệp” là lẽ thường. Cũng ở đây, có thể chụp hình với cọp vằn, 2 người vác một con trăn dài thượt, đều đã thuần hóa, mỗi tấm 30pat.
THĂM SỞ THÚ SAFARI WORLD, LỚN NHẤT ĐÔNG-NAM Á.
Jungle cruise restaurant có sức chứa 1200 người đón tiếp chúng tôi và nhiều sắc dân vào giờ cao điểm ăn trưa với thức ăn tự chọn “buffet” rất khoái khẩu. Nhà hàng diễm lệ nầy ở lối vào Safari world tạo thuận tiện cho du khách gần gũi với đủ loại chim két muôn màu và đứng trên cầu ngắm nhiều loại bạch nga, huyền nga, hồng nga và ngỗng trời bơi lội thong dong bên chợ nổi (giả) trên sông.
Ngồi trên xe chạy chậm trong sở thú, du khách tha hồ nhìn các dã thú hiền như các giống nai có sừng chà gạc, sừng xoắn, sừng thẳng nhọn. Từng bầy ngựa vằn thung dung trước đầu xe. Nhóm lạc đà khắc khổ, lầm lì bên cạnh đàn hươu cao cổ ăn lá trên ngọn đại thụ. Phía bờ hồ vô số chim cò, chim sếu, chim vạc...,có giống thanh nhã như chim bạch hạc, chim thiên nga, chim oanh vũ... cùng chung sống tự do mà không bay mất, tôi không hiểu vì sao? Đến khu vực thú dữ, hdv cho đóng kín cửa sổ xe. Năm bảy con sư tử gốc Phi châu nằm soãi mình trên gộp đá, mươi con cọp gốc Bengal và châu Á dương oai với thân mình vằn vện, vài con tê giác kệnh cợm lầm lì và nhóm gấu nằm ngủ như khóm đá đen. Sau hết đến khu rừng trúc yên tĩnh là nơi sinh dưỡng loài chim trĩ, chim công, gà rừng...
NONG NOOCK VILLAGE VÀ THAILAND CULTURAL SHOW.
* Nong Noock là tên người phụ nữ Thái đã khai trương làng thanh lịch nầy vào năm 1981. Các vườn lan trong mát, ngoài nắng có hơn 600 giống từ chi lan, diệp lan, thảo lan và các loại lan phối giống được bán ra thị trường năm châu. Trong làng tập hợp nhiều kỳ hoa dị thảo, hàng tùng bách viền lối đi quanh hồ rộng với nhiều nhà mát có thú giải trí riêng.
* Kịch trường Thailand Cultural show tọa lạc ngay cạnh Nong Noock village. Mở màn 2 tốp nghệ sĩ nam nữ trang phục theo phong cách Thái, áo mão kim tuyến, chân đeo lục lạc cùng múa hát tưng bừng theo đàn, trống. Đáng chú ý nhất là các điệu múa gáo (giống múa gáo Kmer), điệu nhảy sạp (như nhảy sạp miền Tây-bắc VN) và nhạc khúc hòa tấu với 10 cái trống (thôi thúc hơn trống múa lân của Tàu). Rồi chiến trận bùng nổ: trên sân khấu đánh nhau bằng mã tấu, quyền Anh tự do; dưới hội trường có 6 con voi xung trận, chiến sĩ trên lưng voi sát phạt bằng đao và trường thương. Quân giặc bại tẩu, cửa thành mở rông cho tài tử giai nhân dập dìu múa hát giao duyên mừng mùa lúa bội thu. Âm nhạc rộn ràng, màu sắc rực rỡ, vũ điệu uyển chuyển đã thể hiện nghệ thuật Thái-lan.
* ELEPHANT SHOW LÀ ĐẶC TRƯNG CỦA XỨ SỞ VOI.
Một đàn voi da tím láng, chỏm đầu đội beret, con sau nắm đuôi con trước ra chào khán giả.
- Voi cởi xe đạp 3 bánh; vòi nó giữ tay lái, 2 chân trước đạp trên bàn đạp cho xe chạy tới, 2 chân sau đứng trên sườn xe.
- Voi đi cầu: thanh gỗ hẹp 1 gang bắc cầu, voi đặt 4 chân thẳng hàng bước tới, kỳ diệu nhất là khi voi quay trở đầu, thân hình nó cuộn lại như tảng đá tròn xoay trên cầu chênh vênh.
- Voi vẽ tranh: mỗi con voi đứng trước khung vải dựng sẵn, trước tiên người quản tượng đưa cọ sơn màu lam, voi nắm bằng vòi chấm lên khung vải vẽ nền đất, tuần tự cọ sơn được thay màu đỏ cho voi chấm hoa, màu lục để vẽ lá...Hoàn thành như bức tranh lập thể trên vải hay áo T shirt, được bày bán với giá cao.
- Trên sân mấy con voi nắm quả banh bằng vòi ném lọt thỏm vào rỗ basket ball. Nhóm voi khác chơi với quả bóng tròn to lớn, voi dùng chân trước lừa bóng rồi đá vào khung thành khiến voi thủ thành quơ vòi chụp quả dính quả vuột.
- Nhiều du khách “cầu hên”, tự nguyện nằm xuống sân cho voi dùng vòi massage rồi bước qua trên người. Voi cũng rất tếu, có khi đưa vòi sờ mó trên ngực phụ nữ hay hạ bộ nam giới, chọc cười cho khán giả.
- Cuối mỗi pha diễn, voi thường ra bìa khán đài, kẻ cho chuối cho mía, voi cuỗm bằng vòi đưa ngay vào miệng, người cho tiền bạc, voi đưa cho quản tượng và không quên quì xuống cám ơn.
- To lớn kếch xù và chậm chạp mà voi đã trình diễn nhiều trò ngoạn mục đến thế, thể hiện nét đặc trưng của Thái.
* DOLPHIN SHOW rất phổ biến ở khắp nơi. Có khác chăng là ở đây diễn trường qui mô lộ thiên, cá heo (dolphin) biết lắc vòng, đồng loạt phóng lên cao, đồng loạt phun nước thành cầu vồng (rainbow) và đồng loạt lặn thành hàng ngang có nữ diễn viên nắm vi lặn kèm.
* SPY WAR & ACTION SHOW.
Buổi trình diễn chiến đấu khủng khiếp giữa thiên nhiên, thật sự táo bạo, chỉ khác là bom nổ không tung mảnh, bắn đạn mã tử và đốt người còn trơ bộ xương (holocaust) là ảo thuật mà thôi. Điệp viên 007 đầy mưu trí dùng võ thuật đánh đấm cận chiến, có trực thăng giải cứu và nhảy dù từ dây cáp căng lưng trời. Khói lửa nổ bùng từ lầu cao, cây đuốc người phóng xuống sông, súng đại liên nhiều nòng quạt tới tấp, canô chạy hết tốc lực bỗng quay vòng làm tung nước đến khan đài... Dàn dựng Spy war đòi hỏi nam nữ diễn viên phải có thể lực cường tráng, dày công tập luyện và chi phí cao hơn Action của Hollywood.
* KING COBRA SHOW.
Du khách đứng quanh nhìn xuống hầm sâu chừng vài mét chứa đủ loại rắn độc như cạp nong, hổ đất, hổ lửa, rắn lục, nhiều nhất là hổ mang. Vài người đàn ông đầu cột băng vải đỏ, cầm cây gậy đều có sên phép vào, đi lại giữa hồ chọn rắn. Ông đưa gậy vít rắn hổ mang, con nào cất đầu khè là bị loại vào hầm, con nào quấn trên gậy là ông lừa nắm lấy đầu rồi nặn nọc độc từ răng hổ mang ra dĩa cho khách xem. Có người rờ vào bộ phận sinh thực của rắn để cầu may. Rắn hổ mang mỗi lần giao phối lâu 24 đén 36 giờ (ngược với gà quá nhanh, nên chị gà mái mắng “ghét quá!”, anh trống chữa thẹn “ghét gì mà ghét”). Tội nghiệp chị rắn lục, lúc đẻ quấn đầu và đuôi vào 2 nhánh cây, nứt bụng ra sinh con xong là chết.
Rắn hổ mang chúa (king cobra) dài to, da vàng bóng, có vẻ chậm chạp, nhưng chạm đến lập tức nó cất cao đầu, phùng mang bạnh lớn ra với mõm nhọn và đôi mắt nảy lửa. Rắn hổ mang chúa không thèm ăn chim chuột mà ăn các loại rắn khác, nó chỉ cần trừng mắt là con rắn ấy run rẩy bò vào miệng nó. Hổ mang chúa không cần cắn, nó phun nọc độc xa tới 3 mét làm thú vật bị mù mắt và tê liệt ngay. Rắn hổ mang chúa biết múa theo điệu nhạc: khi người đùa với rắn đưa đầu gậy qua lại vòng vo trước mắt nó thì thân mình rắn cất lên uốn lượn theo đầu gậy như múa (đó chỉ là phản xạ tự nhiên, rắn theo sát đầu gậy để sẵn sàng đối phó). Trong trại rắn có dược phòng, rắn độc ngâm rượu nguyên con dùng uống trị bệnh tê bại, thấp khớp rất hiệu quả. Tôi có mua thử lọ thuốc rắn trị sổ mũi giá 70 USD. Rắn hổ mang chúa được bào chế ra nhiều loại thuốc, đó là đặc quyền được thế giới công nhận cho 2 nước Thái-Lan và Ấn-Độ. Có lẽ trại rắn ở khắp nơi đều chào thua trại rắn Đồng-Tâm ở Mỹ-Tho do người chủ học nghề từ Thái, Ấn về lập nên. Đến kỳ lấy nọc, chủ trại đi quanh rào tường đọc thần chú là rắn trong hang trên cây tự động bò vào trại, tự xếp loại và tự động nhả nọc độc vào dĩa đặt sẵn.
Trong chiến tranh VN, lữ đoàn Mãng-xà của quân đội Thái-Lan đóng tại căn cứ Long-Thành đã sử dụng rắn để phòng vệ. Ban đêm, hạ sĩ quan thả rắn mãng xà, hổ mang ra hàng rào chung quanh doanh trại, sáng ngày họ có thể đếm xác đặc công Việt-Cọng bị rắn cắn chết. Hàng ngày, viên sĩ quan thầy rắn đi dọc rào đọc thần chú rồi rải đồ ăn cho rắn. Khi quân Thái triệt thoái, họ thâu hồi hầu hết số rắn nầy.
* PATTAYA, THÀNH PHỐ DU LỊCH LÀNH MẠNH & TRỤY LẠC.
Từ Bangkok đi Pattaya, đường xe xuyên qua 2 tỉnh, chúng tôi thấy một số nhà có đặt cái lu rỗng trước ngõ. Thấy lạ nên tôi hỏi, cô hdv Huệ giải thích:
-”Nhà nào có một con gái đến tuổi lấy chồng thì đặt một lu, nếu thấy 2, 3 lu là có 2, 3 cô đương kén chồng. Cậu trai gắm ghé thì đến thổi kèn và hát, cô gái ưng thì dắt vào nhà; nếu chê thì bà mẹ ra lấy chổi đuổi đi”.
Phong tục nhà quê Thái cũng ngộ! Bữa ăn trưa nơi đồng quê tại Ho kitchen có hương vị riêng. Chủ nhân tiệm ăn họ Hồ là người Thái gốc Hoa biết chiều theo khẩu vị của mỗi sắc dân nên có thực đơn kiểu Triều-Châu, Thái, Ấn, Việt, Ý. Đã ngán lối ăn béo mọng của Tàu, cay xè của Thái, đặt món cà pháo mắm tôm của quê nhà cũng sẵn sàng. Hoa quả ở Thái rất dồi dào, tràn ngập trái vãi, vú sữa, nhãn lồng, sầu riêng, mãng cầu, xoài, mít, măng cụt... đều căng tròn ngon ngọt, giá rẻ hơn VN, chỉ bằng 1/6 giá ở Mỹ.
Pattaya vốn là một làng đánh cá được khai lập làm nơi nghỉ ngơi cho lính Mỹ khi tham chiến tại VN, sớm phát triển thành trung tâm du lịch tách ra từ tỉnh Sampouring. Tượng cặp cá dolphin ở quãng trường là biểu tượng của thành phố Pattaya. Ở đây, du khách tự do thuê xe mô tô, xe jeep tha hồ chạy lả lướt mà không sợ Cảnh sát hỏi thăm. Xe “thỏng-thẻo” giống như xe Lambretta với 2 hàng ghế dọc là phương tiện vận chuyển nội thành, còn xe taxi là từ nơi khác đổ về. Thành phố nhộn nhịp hẵn lên sau 4 giờ chiều, có cả đại lộ hào nhoáng cấm xe vào, dành riêng cho khách bộ hành đi mua sắm, nhiều nhà hàng, vũ trường sexy còn hơn cả con đường đi bộ ăn chơi ở New Orleans, USA. Xoa bóp khỏe (massage) do nhà sư huấn luyện, 200 pat/giờ (=50 cents USD); nếu ngã mặn là ‘xoa bóp đẹp’ có nhiều nơi đón mời ‘mại dzô’. Nơi xe bus dập dìu là trước các rạp của 3 show, vé vào cửa mỗi show 800pat, xem đủ 3 show chỉ tốn 6 USD, và nhớ không được chụp hình.
- Fantasy show do người đẹp da trắng của Âu châu vũ thoát y có tính nghệ thuật và kích dục.
- PD show do nhóm gay đã qua phẫu thuật đổi giới tính, họ dùng thuốc King cobra để tạo làn da trắng mịn. Những động tác luyến ái sau màn vôn và trên sân khấu nâng lên chìm xuống chỉ là trình diễn.
- Areana show do nhóm nữ diễn viên Thái-Lan, không tấc vải che thân (miễn mô tả)! Các trò ở Areana lạm dụng quá đáng bộ phận thiêng liêng để truyền giống cho loài người, xem nhẹ nhân cách và thuần phong mỹ tục mà sao hoàng gia Thái làm ngơ? Từ trụy lạc dẫn đến sa đọa, nên dù show nầy có thu được bộn tiền, đồng tiền ấy có hôi tanh không?
- Còn mấy Girls show như Alcaya chú trọng về sân khấu và trang phục, đặc biệt có diễn viên nghiêng mình phía trái là nam, phía phải là nữ và hát được 2 giọng.
- Show Tiffani là những PD đẹp tuyệt trần, trình diễn rất điêu luyện. Tìm hiểu về người đẹp mơí biết khi hát cô chỉ chép miệng theo máy hát (cô vẫn còn giọng nam, cô không thể có con, không thọ quá 60 tuổi) Vãn hát, những người đẹp nầy ra trước tiền sảnh, ai muốn chụp hình lưu niệm với cô, mỗi tấm 40pat.
* HẢI ĐẢO SAN-HÔ, NƠI GIẢI TRÍ LÀNH MẠNH.
Bãi biển Pattaya vô cùng sinh động: đông đảo nam nữ đùa vui trên nước mát và phơi mình trên bãi cát phẳng phiu. Các môn thể thao như lái mô tô nước lao vút, trượt ski do canô kéo làm mặt biển dậy sóng. Vài du thuyền lộng lẫy bên thuyền buồm di chuyển ngòai xa. Chúng tôi lên canô cao tốc cập vào tàu xà lan đậu cách bờ chừng 4 hải lý, mua vé đi dù bay 300pat trong 5 phút. Trên sàn xà lan, chuyên viên nai nịt dù cho khách xong là canô kéo chạy, dù bung ra mang người lên cao, nổi bật trên nền trời cùng với các người lượn dù từ trực thăng nhảy ra. Canô cao tốc chở chúng tôi tiếp tục phóng trên mặt biển 20 phút mới tới đảo San hô. Cát trắng muốt, nuớc pha lê, trời cao xanh, trùng dương bát ngát, một ngôi chùa thấp thoáng trên núi khiến tâm hồn thanh thoát, tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ đã thuộc tự bao giờ
Bởi vì mắt thấy trời xanh,
Cho nên mắt cũng long lanh màu trời .
Bởi vì mắt thấy biển khơi,
Cho nên mắt cũng xa vời đại dương.
Nhà hàng và kiosk kế bên bãi tắm. Dừa Xiêm ngọt thanh khiết 20pat mỗi trái. Ở VN cũng có dừa xiêm, vịt xiêm, mãng cầu xiêm...nguyên từ cống phẩm của Xiêm-La hiến vua nhà Nguyễn để cầu hòa.
Đảo San hô, như tên gọi, có dịch vụ lặn xuống đáy biển san hô chiêm ngưỡng cá nhiệt đới muôn màu muôn vẻ bơi lượn chung quanh Giá vé 1600pát (= 4USD) mỗi xuất lặn 25 phút. Các gian hàng bán vật lưu niệm rất bắt mắt, du khách khó làm ngơ.
* THĂM CHÙA PHẬT VÀNG.
Trong quá trình du lịch, 2 hdv có đưa nhóm chúng tôi tham quan một số cửa hàng và chợ Thái-lan:
- Cửa hàng da cá sấu, cá đuối, cá nhám, da voi làm ra túi xách, ví da, giây nịt... Tiện đó thăm siêu thị Tokyu mua bán theo kiểu Nhật Bản.
- Thăm trung tâm Thái yến cục, tôi đã mua hớ 4 tổ yến huyết theo bảng giá ghi 700 USD (đắc hơn VN gấp chục lần!).
- Thăm SG center, được biết cách gia công ngọc thạch, kim cương.
- Và thăm chợ Patpong về đêm bán đủ mặt hàng cao cấp. Nhớ trả giá kẻo bị hớ. Cẩn thận kẻo lầm đồ giả, cùng lò “đồng hồ Hồng-Kông bên hông Chợ-Lớn” với VN.
Ngày chót ở Bangkok, nhóm chúng tôi đến viếng chùa Phật vàng (Grand Palace the temple of Ineral Buddha), một ngôi chùa giác vàng rực rỡ. Trong chánh điện thờ tượng Phật bằng vàng nặng 5 tấn rưởi, cao 3,8m, ngang 2,8m. Sự tích rằng: khi quân Diến-Điện xâm chiếm Thái-Lan, phật tử liền trát lớp vữa dày bao bọc tượng rồi đưa xuống hồ sâu để tránh bị cướp. Khi người Hoa đến lập nghiệp, xây chùa thì một nhà sư phát hiện ra tượng, xin vua Thái ngài thuận cho. Lúc trục vớt lên bị bể một miếng vữa mới biết là tượng vàng. Tôn trí tượng xong mới xây cửa chùa nhỏ hơn tượng và các chi được khóa cứng vào thân là đề phòng bị mất khi biến loạn. Đặc biêt trong chùa còn có ngai vàng để vua Sãi ngồi làm lễ đăng quang cho vua mới.
Chùa rất thiêng, nên rất đông khách đến xin xăm, họ đứng quanh bàn tròn lần lượt đến quay bánh xe, đèn chớp dừng ở số nào là Phật cho số xăm ấy. Các tượng Phật đính chi chít giấy vàng là do các tín hữu dán lên nơi nào là cầu tốt đẹp cho nơi đó. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy người Âu Mỹ lại mặc xà rông? Anh hdv Cường cho biết là vào chùa Phật vàng phải ăn mặc tươm tất, không được mang giày dép vào chánh điện, nên ban quản trị cho họ thuê xà rông mặc vào lễ Phật.
Chúng tôi noi theo thông lệ viết về du lịch là thuật lại những sự khác lạ, thích thú của chuyến đi chơi xa. Nhân viết về Thái-Lan, chúng tôi muốn đề cập đến những khác biệt với VN về văn hóa, xã hội của một lân bang được xem như “gần nhà xa ngõ”. Cám ơn quí bạn đã đọc và có sự tương ứng với chúng tôi.
Connecticut, Thu phân năm 2009
Trương Quang
- - - - - - - -
Trang 32
HỌC HẠNH NHẪN NHỤC Hay DIỆT TRỪ SÂN HẬN
Lời người viết: Sau rất nhiều năm đi chùa và nay ngồi nhận xét về mình, tôi tự thấy bản thân không có nhiều chuyển biến về những điều Phật dạy như việc TU PHƯỚC (trong đó có BỐ THÍ) và hạnh NHẪN NHỤC. Do đó tôi đã cố tìm những chi tiết có liên quan tới hai vấn đề và gom lại thành hai bài thơ để tự nhắc nhở mình hằng ngày luôn nhớ để thực tập. Nay tôi xin gởi đăng bài HỌC HẠNH NHẪN NHỤC này với mục đích để bạn đọc xem chơi và quí vị nào thấy thích có thể ghi nhớ và gắng thực tập, chắc sẽ đem lại một ít lợi lạc cho cuộc sống.
Tâm Lương
VÀI LỜI TỰ NHỦ: HỌC HẠNH NHẪN NHỤC Hay DIỆT TRỪ SÂN HẬN (1)
Một niệm sân hận khởi lên,
Muôn ngàn nghiệp chướng chực bên liền liền.
Vậy điều cần nhớ trước tiên:
Học hạnh nhẫn nhục để yên mọi bề.
Dù ai bêu xấu, mắng, chê …
Ta xem như thể không hề chi đâu,
Chú tâm hít thở thật sâu,
Hoặc là niệm Phật nhiều câu chí thành,
Cơn giận sẽ xuống rất nhanh,
Cứ theo cách ấy thực hành nhiều đi.
Làm vậy có lợi những gì?
Trừ được cái họa một khi im lời.
Tâm hồn an ổn, thảnh thơi,
Phát sinh trí huệ, cuộc đời vui tươi.
Còn xem “ta” lớn tựa trời,
Ai mà đụng đến tức thời nổi sân,
Sẽ chuốc lắm bệnh vào thân,
Tim mạch, mất ngủ bần thần canh thâu,
Cao huyết áp khổ làm sao!
Quá giận, đứt mạch máu đầu chết ngay!
Lửa sân thiêu đốt ngày ngày,
Tức giận, phiền não... vò, vày tâm ta,
“Sân nhập, khẩu xuất” phóng ra
Bao nhiêu lời ác, nghiệp ta lãnh tròn.
Có người sân giết vợ con,
Gây bao án nặng chẳng còn tính “nhân”.
Người sân chết khổ vô ngần,
Đoạ ba đường ác muôn ngàn đắng cay.
Ôm sân quá khổ thế này!
Nên mau cố bỏ chớ chầy nữa chi.
Được vậy có lợi tức thì,
Thân, tâm bớt bịnh còn gì sướng hơn.
TÂM LƯƠNG ĐÀO MẠNH XUÂN
Stone Mountain, Georgia
(1) Phật dạy tham, sân, si là tam độc, nhưng sân là cái độc nguy hiểm nhất. Vì vậy, chúng ta cố gắng tìm hiểu nguyên nhân nào đã đưa đến cái sân, những hậu quả phải gánh chịu và rồi tìm cách trừ hoặc hạn chế bớt để cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn. Chúng tôi xin được trích dẫn các đoạn trong sách “Hạn chế sân hận. Trải rộng tình thương” của tác giả Tỳ Khưu VISUDDHÀCÀRA do Minh Tâm biên dịch để chứng dẫn những điều chúng tôi trình bày.
a) Nguyên nhân gây ra sân hay tức giận:
- Cho cái “ta”, cái bản ngã quá lớn nên có ai chạm tới, ta xem như bị xúc phạm, bị xem thường, bị trêu chọc, bị thách đố, bị nhục mạ, bị bêu xấu, bị mắng chê, bị chỉ trích v.v...nên cơn sân đùng đùng nổi dậy.
- Ngoài ra những người có tính hay đa nghi cũng thường hay sân lắm. Ví dụ nghi người nọ, người kia nói xấu mình, hay làm một điều gì đó có hại cho mình v.v... Rồi cứ tưởng tượng ra đủ thứ và đâm ra tức tối, hậm hực, chứ mọi việc nào đã xảy ra. Suy nghĩ kỹ mới thấy mình thật vô lý
- Người có máu ghen cũng có tâm sân dữ dội lắm.
b) Hậu quả đưa đến do sân hận:
- Chính tâm mình bị giày vò, bị khổ trước trong khi người mình
giận, mình ghét không hay biết gì.
- Lúc cơn giận lên có thể đưa đến:
* Khẩu nghiệp: cãi cọ, nói lời độc ác v.v...
* Thân nghiệp: ẩu đả, gây thương tật cho người khác, giết người v.v...
* Ý nghiệp: Tìm cách trả thù v.v...
- Người thường hay sân hận rất dễ bị đọa vào ba đường ác vì trong tâm lúc nào cũng nóng như một hỏa diệm sơn nên không tránh khỏi lúc gần chết, tâm cũng mang sự giận dữ. Theo Đạo Phật “sự thọ báo kiếp sau tùy thuộc vào tư tưởng, suy nghĩ sau cùng của ta vào giây phút lâm chung. Nếu ta qua đời với niệm tưởng bất thiện, ác nghiệp, ta sẽ có sự tái sanh tương ứng - với niệm tưởng tốt lành, thiện nghiệp, ta có một kiếp sau tốt đẹp.” (Trang 70 sách đã dẫn)
- Người sân nhiều, tâm rất đau khổ: xin được trích dẫn:
“Sân hận làm đời ta đau khổ, nếu ta tiếp tục chấp nhận và không cố gắng chế ngự nó, có nghĩa là ta tiếp tục sống cuộc sống hỗn loạn. Cứ mỗi lần bực mình, khó chịu, tức giận, chúng ta lại bắt đầu thiêu đốt chính mình. Cảm giác cháy bỏng gia tăng theo cường độ của cơn giận; càng giận dữ, ta càng cháy bỏng nhiều hơn. Quả là một cảm giác vô cùng đau khổ. Bạn có thể quan sát điều này nơi chính bạn. Khi bạn rơi vào tâm trạng bực mình, tức tối, hãy quan sát trạng thái của tâm rồi bạn sẽ phát hiện ra được nỗi đau đớn thống khổ mà bạn đang chịu đựng trong lúc tức giận hoặc rối loạn...” (trang 8 sách đã dẫn)
- Người có nhiều sân hận sẽ mang một số bệnh như sau:
“Ngoài việc gây độc hại cho tinh thần, cơn sân hận và lòng thù địch còn tạo ra mối hiểm nguy cho cơ thể chúng ta. Y học đã khẳng định sự tức giận cùng những cảm xúc vô bổ khác đều góp phần tạo nên bệnh tật. Khi tức giận, cơ thể phóng thích một số hóa chất làm rối loạn sự điều hòa cơ thể. Nếu buồn phiền sân hận thường xuyên thì lâu dài sẽ dẫn đến nhiều bệnh tật như loét bao tử, rối loạn tiêu hóa, táo bón, cao huyết áp, rối loạn tim mạch, thậm chí ung thư” (trang 10 sđd)
c) Cách trừ hoặc hạn chế sân hận: Xin được trình bày nhiều cách và mỗi người tùy theo ý thích của mình hãy chọn lấy một và cố gắng thực tập, làm cho sự sân hận giảm bớt để thân và tâm được bớt bịnh.
-”khi sân hận sanh khởi, ta nên kiềm chế, lặng im bất động như một khúc gỗ”... vì trong tâm trạng đó những gì ta nói hoặc làm đều vụng về, thô lỗ, gây ra những tai hại mà sau này ta phải hối tiếc” (trang 30 sđd) Ai đã từng ân hận vì do giận dữ, nóng nảy đã làm điều sai quấy thì nên ghi nhớ áp dụng cách này.
- Lúc cơn giận nổi lên và ta nhận biết được thì nên hoặc chú tâm liên tục hít thở thật sâu hoặc liên tục niệm Nam Mô A Di Đà Phật nhiều lần thật chí thành, cơn giận sẽ hạ xuống rất nhanh.
- Nếu ta tin rằng mọi việc xảy ra cho ta, tốt hoặc xấu, đều là cái quả mà nhân của nó do ta tạo ra từ nhiều kiếp trước hoặc trong kiếp này. Vậy những điều không tốt đến với ta như bị người nhục mạ, mắng chê, bị vợ, chồng ruồng bỏ v.v…ta xem như một lúc nào đó trong tiền kiếp hoặc trong kiếp này ta đã làm điều đó với họ, hoặc với người nào khác nên kiếp này ta phải nhận lại quả đó. Nếu ai tin và thực hành được điều này mỗi khi gặp chuyện bất ưng ý thì sẽ thấy tâm nhẹ nhàng ngay. Phải nói thật hạnh phúc thay cho những ai làm được như vậy.
Bạn có biết? Vũ-Khí Hạt Nhân của Khối NATO
Người ta chia vũ-khí hạt-nhân chiến-thuật (tầm xa dưới 5,500 km, xa hơn vũ-khí hạt-nhân chiến-lược, vũ-khí liên lục-địa) ra làm nhiều loại:
* Loại 150 km: short range nuclear forces (loại ngắn)
* Loại 150-1,000 km: Shorter range intermediate range (loại trung gian ngắn).
* Loại 1,000-5,500 km: Longer range intermediate range (loại trung-gian dài).
Về vũ-khí quy-ước (cổ-điển), tổ-chức NATO (North Atlantic Treaty Organization: Minh Ước Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương) có các kho chứa ở nhiều nước, quân số NATO có khoảng 50 sư-đoàn, 15,000 chiến xa. Nhựơc điểm của NATO: do là đa quốc-gia nên không đồng-nhất nhưng ưu-điểm là có khoa-học kỹ-thuật tối-tân; có 350,000 quân Mỹ đóng ở Tây-Đức, Anh, Bỉ, Hòa-Lan, với Hạm-đội 6 ở Địa-Trung Hải để làm liên-lạc. NATO xử-dụng 3,500 máy bay, 14 Hàng-không Mẫu-hạm, 188 tàu ngầm, là một lực-lượng đáng kể sẵn sàng tham chiến nếu có chiến tranh xảy ra. Ngoài ra, tàu chiến của Hải Quân Mỹ được trang bị các loại vũ khí chiến lược, nhiều loại có mang đầu đạn hạt nhân.
(LCT sưu tầm)
- - - - - - - -
Trang 36
TÂM SỰ
Quê em cát bỏng miền Trung
Gởi thương, gởi nhớ vô cùng về anh
Từ ngày mộng ứơc không thành
Mỗi ngừơi một nẽo lìa cành , đứt dây
Bến đò Mốc, nứơc vẫn đầy
Nhưng thưa vắng khách, bên nầy, bên kia
Chợ chiều Liên Chiểu dầm mưa
Vắng người lui tới, sớm trưa rộn ràng
Liên Trì dục nguyệt mơ màng
Gìơ tìm đâu thấy sắc vàng hương sen
Đâu còn những buổi chờ em
Một thời áo trắng bên thềm Đăng Khoa (*)
Hôm nay trong ánh nắng tà
Giáo đường đổ gạch, Đăng Khoa không còn
Trở về Đức Phổ ghé thăm
Trừơng Lê Văn Duyệt, bao năm miệt mài
Gìơ nhìn quang cảnh đổi thay
Tên trường đã mất, hàng cây lặng buồn
Gịot dài, gịot ngắn mưa tuông
Em nghe chát mặn, muối sương Sa Huỳnh
Mỗi ngày trước ánh bình minh
Nhìn ra Mỹ Á nhớ hình bóng anh
Trời xanh rồi biển cũng xanh
Trà Câu nước cạn sao tình lại sâu
Anh xa trời đất u sầu
Đêm đêm em nguyện khấn cầu trời cao
Hai ta là hai vì sao
Ngưu Lang, Chức Nữ, cầu nào bắc ngang?
Bây giờ tóc đã úa vàng
Quê hương Đức Phổ em mang nặng tình
Anh còn lưu giữ chút tình
Riêng em nhớ mãi bóng hình năm xưa.
Lê Phổ Nhơn
Atlanta 8-2008
(*) Trường Trung học Đăng Khoa ở Trà Câu.
- - - - - - - -
Trang 37
CẢNH SÁT MỸ THƯỜNG “BÉ CÁI LẦM”
Nguyễn Hữu Thời
Lời người viết: Nhân vụ Cảnh sát Mỹ hành sự mạnh tay với sinh viên Hồ Phương, người viết nhớ lại chuyện gặp Cảnh sát hồi mới qua Mỹ tỵ nạn. Đây là câu chuyện thật không phải là hư cấu hay tường tượng. Xin thuật lại hầu bạn đoc.
Hồi mới qua Mỹ tỵ nạn Cộng sản, gia đình chúng tôi được nhà thờ bảo trợ, và họ xin cho tôi một chân “housekeeping” ở nhà thương Methodist, cách nhà tôi đang trú ngụ 8 miles. Tuần làm 40 tiếng căn bản, chưa kể giờ làm phụ trội. Mỗi giờ được trả 2$58, hơn “minimum wage” thời đó chút đỉnh. Tôi tình nguyện làm “over time” cả thứ Bảy và Chủ Nhật nên cũng đắp đổi qua ngày.
Thời đó thức ăn, xăng, nhà thuê, các thứ còn rất rẻ. Gia đình tôi lại không tốn tiền mua áo quần vì dùng toàn đồ cũ nhà thờ cho. Mặc vào có cái thì quá rộng thùng thình, có cái thì quá chật bó sát người, màu sắc lung tung, cái xanh, cái đỏ, cái dày, cái mỏng, bông hoa sặc sỡ. Nhiều cái áo đầm, đứa con gái lớn 8 tuổi mặc vào như nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn trong phim ảnh thời xưa. Tụi nhỏ giờ nầy ngồi nhắc lại chuyện cũ, chị em nó cứ cười ngất, nói là không có “fashion, up date” gì hết. Tiền thuê nhà mỗi tháng chỉ có 160 đô-la mà nhà có tới bốn phòng ngủ, hai phòng tắm, vườn tược rộng rãi. Bên cạnh là khu đất trống cũng của chủ nhà, ông bà chủ cho phép tôi trồng rau, trồng hoa tùy thích. Chủ nhà là hai vợ chồng người Mỹ trắng đã hưu trí. Con cái ở rải rác khắp nước Mỹ, có người ở tận kênh đào Panama, Trung Mỹ. Họ là hội viên nhà thờ có ý giúp đỡ gia đình tỵ nạn; nên lấy tiền thuê nhà rẻ hơn nơi khác.
Hàng ngày, tôi phải dậy từ 5 giờ sáng và đi bộ qua nhiều đoạn đường mới đến bến xe buýt. Làm lao công, nhưng sáng phải đi sớm, tôi choàng cái áo vest cũ nhà thờ biếu cho đỡ lạnh. Tôi nhớ mãi, một buổi sáng sớm gần ngày lễ Giáng Sinh, tôi đang hăm hở rảo bước đến trạm xe buýt, tay trái xách thùng cơm, tay phải đưa lên miệng phì phà điếu thuốc. Bỗng nhiên, tôi nghe tiếng chó sủa sau lưng. Nhìn lại đằng sau, tôi thấy hai con chó to như hai con gấu từ sân nhà bên phải vừa sủa, vừa xông ra, tôi hoảng quá, ném cả thùng cơm vào chúng, ném luôn điếu thuốc đang hút dỡ, trật luôn áo vest cầm tay đề phòng khi chúng tấn công sát quá thì làm vật cản như các tay đấu bò ở Tây Ban Nha và cắm đầu chạy bá thở thoát thân, vừa chạy vừa kêu cứu. Thời đó, tôi chỉ nặng có 140 pounds, trẻ tuổi nên chạy nhanh lắm, chứ giờ nầy nặng gần 190 pounds, có tuổi, cái chân lại bị đau, đi đứng khập khểnh, chắc là ngồi chịu chết!
Vừa phóng nhanh tới một ngã tư, tôi quẹo phải để thằng đường đến trạm xe buýt. Vừa quẹo cua, tôi mừng rỡ thấy xe cảnh sát mở đèn xanh đỏ chận ngang đường. Lúc đó mấy con chó cũng tản lờ đâu mất; không thấy chúng đuổi theo nữa. Chắc chúng thấy cảnh sát trước tôi! Tôi cứ ngỡ là cảnh sát nghe mình kêu cứu nên chận chó giúp mình. Hai vị cảnh sát thấy tôi vừa chạy đến; liền mở tung cửa xe, nhanh như chớp nhảy xuống, hung hăng, nét mặt đằng đằng sát khí, tiến đến làm tôi rất ngạc nhiên, ngỡ ngàng, một vị chỉa súng vào người tôi, vị kia tiến sát gần, bảo giơ tay lên, và lục xét khắp người. Tôi làm y như lời họ bảo. Khi họ xét trong túi áo trên thấy cái thẻ làm việc, xét trong bóp thấy thẻ an sinh xã hội, cái thẻ bảo hiểm sức khoẻ Blue Cross của nhà thường, cái ID của DMV và cái giấy I-94. Họ cũng chưa tin tôi là dân lương thiện, chắc họ nghĩ tôi là kẻ trộm bị phát giác; nên bỏ chạy thoát thân. Tôi giãi thích cho họ biết; tôi bị chó đuổi cắn trên đường ra trạm xe buýt để đi làm. Tuy vậy, họ vẫn giữ tôi lại gần ba mươi phút, và gọi máy về nhà thương xác định, sau đó mới để tôi đi, và nói “sorry”! Hôm đó, tôi hụt chuyến xe buýt phải chờ chuyến sau. Đến sở trể gần hai tiếng đồng hồ. Đó là lần đầu tiên, tôi đụng với Cảnh sát Mỹ.
Lần thứ hai, giữa năm 1976, chúng tôi mua được chiếc xe Volkswagen con cóc giá 450 đô-la của một người Mỹ trắng dời nhà đi tiểu bang khác. Đời nào tôi không nhớ, máy móc còn rất tốt nhưng sơn đã bạc màu, loang lỗ nhiều nơi, “body” móp méo tùm lum. Hai bánh trước bình thường. Hai sau bánh sau lớn hơn và cao hơn. Có lẽ, người chủ cũ thay hai bánh xe đàng sau to hơn, cao hơn để chạy trên bãi cát hay sa mạc. Mỗi lần chạy, phần sau xe ngẩn cao lên, bành ra giống như con ngỗng cúi đầu kiếm mồi trên những thửa ruộng vừa gặt còn trơ gốc lúa ở quê tôi. Xe volkswagen con cóc cái máy đặt đàng sau, cái cốp xe lại đằng trước. Mỗi tuần vào chiều chủ nhật, trên đường đi làm về, tôi thường ghé qua chợ Tàu trên Los để mua các thứ lặt văt. Tôi nhớ lúc đó có ông chủ chợ người Việt gốc Hoa, thấp bé, có hàm râu giống hề Thanh Việt trước năm 1975, ông thường đứng trước cửa chợ rao hàng. Giọng nói tiếng Việt không chỉnh:
-“Mời bà con mại dô! mại dô! Hôm nay có nước mắm ngon mới về. Có bánh phở, hủ tiếu bán sale. Có dầu cù-là Hồng Kông vừa mới gởi qua. Ba đồng một một lô bốn hộp. Mại dô! Mại dô bà con ơi! người Việt Nam đi chợ Viêt Nam”.
Có lúc ông cao hứng ca cải lương tiếng Việt, tiếng được, tiếng mất, có khi ông hát nghêu ngao bài hát tiếng Tàu. Chợ nhỏ thôi ở hẻm ở đường Hill. Trong chợ chỉ có một người tính tiền. Bà nầy là vợ ông chủ nhợ, nét người giống y hệt danh ca cải lương Thanh Nga ở Sài gòn. Sau nầy mới rõ, bà nầy là người Minh Hương gốc dân Thu Xà Quảng Ngãi cùng quê. Tôi mua bánh phở, nước mắm và các thứ lặt vặt khác chất vào cóp xe đàng trước.
Lúc trở về đến đường Green, Pasadena (đường một chiều). Tôi chạy đúng tốc độ sở lộ vận cho phép là 35 miles/giờ. Mở băng cassette nghe danh ca Thanh Thúy hát bà “Về Miền Trung”. Khi gần tới đường Lake, tôi phát hiện thấy xe cảnh sát chớp đèn xanh đỏ chạy sau. Nhìn đồng hồ xăng sắp cạn, tôi từ từ tấp vào cây xăng để tránh xe cảnh sát, tiện thể đổ xăng luôn, xe cảnh sát cũng theo vào. Họ đến hỏi thẻ chủ quyền, bằng lái xe, tôi trình đủ. Lúc đó, không thấy họ hỏi thêm thẻ bảo hiểm như bây giờ. Tôi nghĩ họ nghi ngờ gì chăng. Dáng dấp tôi giống Mễ, lại lái xe con cóc biến cải, đầu đội mũ rộng vành cao bồi Texas, để râu, mắt mang kiến đen, cả người và xe không giống ai. Họ nghi tôi là dân ở lậu hay trong băng đảng “gang” Mễ gì đây! Họ bảo mở cóp xe, thấy mấy chai nước mắm tưởng là rượu, họ cầm lên nguởi và nhăn mặt, tôi nói đó là “fish sauces”, người Việt chúng tôi thích dùng trong các bữa ăn. Họ trả lại tôi giấy tờ; rồi lặng lẽ bỏ đi không nói một lời xin lỗi. Tôi tần ngần đứng nhìn theo một chút rồi lái xe ra về. Đó là lần thứ hai tôi đụng với Cảnh sát Mỹ mà không bị “ticket” phạt như những lần sau nầy; vì chạy xe quá tốc độ cho phép hay tới bảng stop quên không ngừng.
Cuối năm 1977, tôi “quit” công việc ở nhà thương, và kiếm được việc làm thợ điện tử ở công ty Sperry Univac đường Micheson, Irvine. Mỗi ngày, tôi lái xe xuống Irvine làm việc. Công ty điện tử Sperry Univac là một công ty lớn. Họ tuyển nhiều người Việt. Công ty nầy hồi cuối năm 1978 thời Tổng thống Mỹ Carter có đón Đặng Tiểu Bình của Trung Cộng đến thăm, trước khi ông ta về Tàu lệnh xua quân sang dạy cho Cộng sản Việt Nam bài học. Mấy năm sau, công ty dời đi tiểu bang Utah, một số anh chị em dọn nhà theo hãng, một số đi kiếm việc khác trong đó có tôi, số còn lại ghi danh đi học. Những anh bạn đồng nghiệp với tôi cùng làm chung Dept. là anh Trung tá Thành (Không quân), anh Nguyễn Thiện Nhơn, anh Đại tá Chung (Thuỷ Quân Lục Chiến) anh Lê Sáng Nghiệp (em nhà văn Lê Tất Điều), anh Huỳnh Văn Mạnh (Hải quân Trung uý), anh Quí, anh Hồ (sinh viên), anh Quang (Biên tập viên Cảnh sát), chị Hồng, chị Thủy (người Huế), chị Hằng (người Bắc), và còn nhiều bạn nữa mà tôi quên tên. Hằng ngày, từ Pasadena, tôi phải dùng ba xa lộ mới đến sở làm (210, 605 và 405) đường dài hơn 60 miles. Có hôm, một ngày tôi bị tới hai lần cảnh sát chận phạt, cho ticket vì lái quá tốc độ. Đến lần thứ hai, tôi bị ticket cảnh cáo chứ không phải ticket phạt. Khi tôi qua khỏi phi trường John Wayne, và exist vào đường Ramborey, tôi giảm tốc độ nhưng trớn xe vẫn còn nhanh liền bị cảnh sát chận lại. Tôi nghĩ lần nầy coi như xui tận mạng rồi! Người nữ cảnh sát Mỹ trắng, trẻ tuổi bảo trình bằng lái xe và thẻ chủ quyền. Tôi vừa đưa các giấy tờ cho cảnh sát vừa nói như mếu:
- Tôi ở Pasadena, vừa mới có việc làm tốt ở đây, tôi sợ tới sở trễ sẽ không “pass probation”. Xin cảnh sát thông cảm bỏ qua cho!
Cô cảnh sát mặt lạnh như tiền, không trả lời, lặng lẽ cầm bằng lái,và thẻ chủ quyền về xe cảnh sát. Tôi nhìn kính chiếu hậu thấy cô loay hoay viết giấy phạt. Tôi bụng bảo dạ rằng, số mình sao xui quá, mới bị ông cảnh sát biên phạt ở xa lộ 605, giờ lại bị cô Cảnh sát phạt nữa đây, chắc là kỳ nầy phải trở lại xin việc cũ ở nhà thương rồi, và còn rắc rối với DMV nữa. Cô cảnh sát trở lại xe bảo tôi ký, tôi đọc thấy trong ticket “Warning” thôi. Cô trao giấy màu vàng ticket cho tôi, và còn dặn dò nên lái xe cẩn thận, và chúc Good Luck. Thật hú hồn!
Tóm lại, khi bị cảnh sát chận xét, họ bảo gì mình làm y như vậy là êm. Có khi mình có lỗi nhẹ, họ cũng bỏ qua. Chống cự, lời qua, tiếng lại chỉ thêm rắc rối cho mình. Hồi đó báo Việt không có nhiều như bây giờ. Thỉnh thoảng mới thấy tờ Nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong ở Virginia hay Đất Mới từ tiểu bang Washington, Hồn Việt ở San Diego gởi đến; nếu mình có đặt mua. Để có món ăn tinh thần hằng ngày, tôi đọc thêm báo Mỹ.
Tôi nhớ không rõ năm nào, tôi đọc trên tờ Los Angeles Times có thuật chuyện em bé Mỹ đen năm tuổi đang chơi trong nhà, cha mẹ em cãi cọ, lời qua tiếng lại sao đó, ông chồng nổi nóng; giở thói vũ phu tát tai bà vợ, bà liền gọi cảnh sát. Cảnh sát tông cửa vào nhà, em bé cầm cái súng lục nhựa đang chơi chỉa vào Cảnh sát; liền bị cảnh sát bắn chết ngay. Truyền thông, báo chí Mỹ lúc đó lên tiếng chỉ trích nhiều tuần lễ, và rất tiếc là tôi không theo dõi đến hồi kết thúc ra sao; vì ham làm over time nên không có thời giờ rảnh rỗi nhiều, về nhà là lăn ra ngủ bù. Bây giờ báo Việt có nhiều, tôi thích đọc báo Việt hơn. Đọc báo Việt thấy mình gần gũi với Sài Gòn trước năm 1975 nhiều lắm.
Năm 1992, Việt Báo có đăng tin anh Bùi Tấn Hoàng ở Westminster, chạy xe quá tốc độ, cảnh sát chận lại, anh sợ quá lái xe chạy thẳng về nhà gần đó, cảnh sát đuổi nà quá, và tai nạn đã xảy ra, anh bị tử thương trước sân gần nhà. Dư luận đồng hương phản đối mãnh liệt, nội vụ được đưa ra Tòa. Năm 2003, truyền thông và báo chí Mỹ Việt có thuật lại chị Trần Thị Bích Câu ở San Jose có chuyện xích mích với chồng, anh chồng gọi Cảnh sát. Cảnh sát vào nhà thấy chị đang gọt củ khoai tây, tay cầm con dao bào võ cong cong, loại dùng để gọt vỏ trái cây, vỏ củ khoai, chị liền bị cảnh sát bắn chết trước mặt hai con nhỏ. Lúc đó, cộng đồng người Việt ở San Jose biểu tình phản đối cảnh sát dữ dội, cảnh sát phải bồi thường xứng đáng cho gia đình chị Bích Câu. Theo tin chị Nguyễn Thị Bình An cho biết: ngày 25 tháng 11 năm qua, cô Nguyễn Kim Loan, 24 tuổi ở San Mateo, Bắc Cali đã bị cảnh sát bắn chết sau khi được người chồng báo cho cảnh sát biết vợ mình đang bị một người đàn ông lạ mặt dùng dao uy hiếp ở nhà. Theo tin cảnh sát, khi đội cảnh sát tác chiến S.W.A.T. đến, họ nhìn thấy một thanh niên vũ trang đang đánh một người đàn bà bên trong căn nhà. Cô gái chạy trốn vào căn phòng sau trên lầu, xong khóa cửa lại. Từ cửa sổ buồng tắm cô gái nói với cảnh sát là muốn chuyền hai con nhỏ (1 và 3 tuổi) ra ngoài cửa sổ cho cảnh sát. Chiếc xe van của cảnh sát dã chiến lái đến cửa sổ, và một cảnh sát leo lên thành xe để nhận hai đứa bé từ tay cô Kim Loan. Ngay sau khi đứa bé thứ hai chuyền xong thì nghe tiếng súng nổ, và cô Kim Loan đã ngã gục liền sau đó. Khi cảnh sát tiến vào nhà bằng cửa trước đã nhìn thấy xác hung thủ tự bắn từ cầm xuyên qua đầu để tự sát trước khi bắn cô Kim Loan, đạn xuyên qua tường buồng tắm, và cô Kim Loan đã chết trên đường đưa đến nhà thương.
Đó là những gì từ phía cảnh sát đưa ra. Nhưng theo đoạn phim từ người hàng xóm quay, sự việc lại khác. Khi cảnh sát đến, căn nhà đóng cửa kín mít, các cửa sổ cũng được kéo màn xuống. Thêm nữa đứng phía dưới thì không thể nào nhìn thấy phía trên lầu; nên không có chuyện cảnh sát khi đến, họ thấy một thanh niên có vũ trang đang hành hung cô gái bên trong căn nhà. Đoạn phim cho thấy nhiều cảnh sát đã cùng bắn vào nhà hàng chục viên đạn trong lúc nạn nhân đang đưa con xuống từ phía cửa sổ trên lầu, chứ không có chuyện khi cô Loan đưa đứa con thứ hai xuống xong thì súng mới nổ. Trong video chúng ta có thể nhìn thấy một cảnh sát áo trắng và một cảnh sát sắc phục đứng từ bên ngoài đã xả súng bắn về phía buồng tắm. Cảnh sát nói, họ chỉ bắn có hai mươi phát đạn; nhưng trong đoạn phim nghe tới bốn mươi tiếng đạn nổ. Có thể nạn nhân bị đạn lạc khi cảnh sát ào ào bắn vào nhà! Cô Bình An cũng cho biết một câu chuyện khác xảy ra ở Sunnyvalve, Cali. Bà mẹ VN có đứa con trai đang làm trò chơi Tề Thiên Đại Thánh, la lối om sòm, bà mẹ bảo dẹp, nó không nghe, giận quá bà gọi cảnh sát. Cảnh sát vào nhà thấy đứa con trai đang cầm cây gậy, phía trên cột con dao cắt pizza (tròn) đang múa. Cảnh sát liền băn chết con bà lấy cớ là tự vệ. Cách đây mấy năm, ở Texas, hai vợ chồng trong gia đình Việt Nam gây lộn tới hồi gay cấn, người nhà gọi cảnh sát, lúc cảnh sát vừa vào nhà. Người cha già trên lầu chống gậy bước xuống liền bị cảnh sát bắn chết ngay.
Cảnh sát Mỹ họ làm việc theo nguyên tắc, theo “procedure” đã được huấn luyện, chỉ dạy khi học trong trường, khi ra làm việc, họ áp dụng ngay những điều đã được hấp thụ, ngang ngay, sổ thẳng, logic khác với cảnh sát VNCH trước năm 1975, họ thường uyển chuyển, xoay xở sao cho công việc giải quyết êm xuôi thôi. Còn cảnh sát Việt Cộng hiện nay, họ giải quyết mọi việc là phải có thủ tục “đầu tiên” sẽ được “xuôi chèo mát mái”, còn không thì chuyện bé xé ra to. Những ngày gần đây dư luận đồng hương thường bàn tán vụ cảnh sát đánh sinh viên Hồ Phương quá đáng ở Bắc Cali, người Viêt tỵ nạn biểu tình phản đối. Ban đầu, Việt Cộng trong nước êm rơ, tưởng là sinh viên quốc gia. Sau họ biết Hồ Phương là con cái của một tên cán bộ cao cấp Đảng, các đài phát thanh ở Việt Nam, phát ngôn viên Việt Cộng la ó, phản đối ầm ỷ, đòi làm lớn chuyện. Thật là buồn cười, lố bịch không chịu được. Dân quê chúng tôi thường gọi những hành động đó của Việt Cộng là ăn có, đánh hôi. Sao cảnh sát Mỹ đánh, bắn người Việt “Khúc Ruột Ngàn Dặm” như đã ghi trên; sao phát ngôn viên Hà Nội êm rơ, không lên tiếng. Kẻ viết bài nầy thử hỏi bà phát ngôn viên Việt Cộng: Mấy năm trước đây, hải quân Tàu Cộng bắn giết ngư dân Thanh hóa và gần đây họ bắt giam ngư dân Quảng Ngãi khi trốn bão ở gần đảo Hoàng Sa, đánh đâp, tra điện, cướp tài sản trên ghe, đòi tiền chuộc, sao phát ngôn viên nhà nước câm như hến, và mới gần đây thôi, ngày 27-10-2009, hải quân Tàu Cộng đã đâm chìm tàu cá KG 90077 TS của ông Quách Văn Chóc ngư dân Cà Mau làm chết 2 người, 6 người bị mất tích, hiện giờ vẫn tìm chưa ra xác, sao cũng không nghe những cái loa Hà Nội phản đối??
Thực ra, sinh viên Hồ Phương cũng chẳng hiền lành gì, hung hãn, đòi giết người bạn đùa quá trớn với câu nói “Nếu ở Việtnam tao giết mầy”. Anh sinh viên bạn sợ quá, mới gọi Cảnh sát. Khi cảnh sát đến, Hồ Phương chống cự như quen thói dựa thế cha ông ở Sài Gòn; xem thường luật pháp ở đây; nên bị cảnh sát nện cho thôi. Công bằng mà xét, cảnh sát Mỹ và sinh viên Hồ Phương đều có lỗi, một đàng chống cự lại nhân viên công lực đang thi hành nhiệm vụ, một đàng dùng vũ lục quá đáng với người dân. Đem hết hai người đó ra Tòa để tùy quan Tòa và Bồi Thẩm Đoàn luận tội.
Người viết mong rằng cái loa tuyên truyền ở Hà nội nên tập trung “minh họa” dùm cái xã hội mà Phương mang ra để hù dọa “Nếu ở Việt nam tao giết mầy”. Việt Nam là xứ nào mà một công tử con quan chức đó muốn giết ai thì giết? Hồ Phương hẵn đã biết anh ta không ở Việt Nam mà đang sống ở Mỹ, nơi có luật pháp rõ ràng. Những người Cảnh sát Mỹ nếu có quá tay với anh ta sẽ bị điều tra và xét xử.
Nguyễn Hữu Thời
Giới thiệu tác giả:
Trước năm 1975: Dạy học. Quân nhân QLVNCH (khóa 18 Thủ Đức). Hiện giúp việc part time cho Sypris Data System, Los Angeles, California.
- - - - - - - -
Trang 45
BLOSSOMING
Ban biên tập xin giới thiệu em Lauren Quỳnh Nguyễn là mầm non của xứ Quảng tại Georgia. Em làm bài thơ nầy tặng cho Bố của em.
A seed was planted
And watered with love and hope.
The roots started to grow
And burrowed themselves
Deep in Vietnam”s soil.
A shoot broke through
On America”s free land
But still remembers
Where it come from.
* * *
I’m from the weet salty air
That blew through the ricefields
I’m from the melodies that drift
On the breeze
From worker’s lips
I’m from the ring of a bicrcle bell
As the owner pedals through crowded streets
I’m from the chalk powder
That settles on desks in a schoolroom
I’m from the aromatic smoke
As it drifted through a thatched roof
From a cooking fire
I’m from the roaring storms
Tht raced through cities
An flooded the streets
I’m from the white crested waves
Tht bashed against
The wooden fisherman”s raft
I’m from the expressions
Of bewildered people
As they were told their country
Was at war.
I’m from the deafening roar of helicopters
As they dropped off solders in camouflage
I’m from the blinding flash as bombs exploded
On innocent people
I’m from the sun bleached wooden boat
That carried survivors to freedom
I’m from the silent untold cries
That rang through a town
After battle left it in ruins
And from remembering
I shall mature like a newly born blossom
Of the mango tree
Lauren Quỳnh Nguyễn
11/2008
Bài thơ Blossoming đựơc Cậu của Lauren là ông Lê Phổ Nhơn phỏng dịch sang thơ tiếng Việt.
CHÙM HOA CHỚM NỞ
Tôi là hạt giống vừa deo
Tưới nước hy vọng tình yêu cuộc đời
Đất Hiệp Chủng quốc tuyệt vời
Mầm non đã lớn đâm chồi kết hoa
Rễ sâu len tận quê nhà
Lòng đất cằn cỗi quê nhà Việt Nam
Nhẹ nhàng gió thổi miên man
Lướt qua đồng lúa như ngàn điệu ca
Điệu dân ca tự ngàn thu
Ngọt ngào trên những bờ môi dân nghèo
Len ken xe đạp đuổi theo
Giữa lòng phố nhỏ qúa nhiều người qua
Đó đây bụi phấn trắng ngà
Trên bàn lớp học trên tà áo ai
Mùi thơm khói bếp chưa phai
Làng quê mái rạ vươn dài trời cao
Hàng năm bão tố thét gào
Làng nào xơ xác, phố nào nước dâng
Bao con thuyền bé ngư dân
Những con song dữ chẳng khoan, chẳng nhừơng
Còn nhiều nữa thật đau thương
Chiến tranh đày đọa quê hương bao ngày
Ầm ầm tiếng trực thăng bay
Đoàn quân đổ xuống bủa vây quân thù
Ánh chớp lòa, khói mịt mù
Bao ngừơi vô tội nghìn thu cắt lìa
Máu rơi nước mắt đầm đìa
Bình yên vùng đất bên kia nơi nào
Còn vang vọng mãi tiếng gào
Chiến tranh tàn phá, trời cao có từơng?
Những lời bố kể đau thương
Con luôn tâm niệm trên đừơng lớn khôn
Mầu nầy phát triển mạnh hơn
Chùm hoa chớm nở, để thơm cho đời
Hoa quê hương, hoa lòai xoài
Lớn trên đất Mỹ, tim hòai Việt Nam.
Lê Phổ Nhơn
Bạn có biết? Từ ngữ khó dịch nhất.
Theo ý kiến của khoảng 1.000 nhà ngôn ngữ học trên thế giới, từ ngữ khó dịch và khó nhớ nghĩa của nó nhất là chữ “ilunga” trong tiếng Tshiluba, ngôn ngữ người ở phía Nam Congo sử dụng.
Chữ nầy có nghĩa: “một người sẵn sàng tha thứ bất kỳ sự xúc phạm nào lần đầu tiên, khoan nhượng đến lần thứ hai nhưng không bao giờ đến lần thứ ba”.
Quả là rắc rối!
(LCT sưu tầm)
- - - - - - - -
Trang 48
THỐNG TƯỚNG LỤC QUÂN (HOA KỲ) GENERAL OF THE ARMY (US)
Trương Ngọc Tuệ
General of the Army (GA hay GOA) là sĩ quan cấp tướng 5 sao và hiện nay là cấp bậc cao nhất trong hệ thống quân giai của Quân Đội Hoa Kỳ. Một cấp bậc đặc biệt là General of the Armies of the United States cao hơn cấp GOA, không còn tồn tại nữa, nhưng đã có 2 lần trong lịch sử Lục Quân Hoa Kỳ. Cấp GA (O-11) cao hơn cấp General, 4 sao (O-1O) và tương đương với cấp Fleet Admiral của Hải Quân và General of the Air Force của Không Quân. Không có cấp bậc tương đương cho những binh chủng khác như Phòng Duyên (US Coast Guard), Thủy Quân Lục Chiến (US Marine Corps), PHSCC (1) và NOAACC (2). Cấp thống tướng chỉ được dùng trong thời chiến (thời kỳ mà Quốc Hội tuyên bố đặt đất nước vào tình trạng chiến tranh) và hiện nay không có ai giữ cấp bậc nầy.
Giai đoạn từ thành lập Quân đội cho đến thời kỳ nội chiến
Ngày 25-7-1866, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thiết lập cấp bậc “General of the Army of the United State cho Tướng Ulysses S. Grant (3). Khi Grant được phong cấp General of the Army, Grant đeo cấp hiệu 4 sao màu trắng trên nền xanh đen nằm trong khung hình chữ nhật màu vàng kim loại nơi cầu vai áo và nơi hàng nút áo khoát (coat) có 3 nút áo, mỗi nút thiết kế một nhóm 4 sao.
Không giống thời đệ II Thế Chiến, cũng một danh hiệu tương tự, cấp General of the Army năm 1866 chỉ có 4 sao. Cũng không giống như cấp bậc đại tướng 4 sao như bây giờ, cấp GA thời nội chiến chỉ 1 sĩ quan duy nhất giữ (không có người thứ hai đồng thời).
Sau khi Grant trở thành Tổng Thống (1869), người kế tiếp Grant mang cấp bậc General of the Army là trung tướng William T. Sherman có hiệu lực ngày 4-3-1869. Đến năm 1872, tướng Sherman cho thay đổi cấp hiệu, thiết kế cấp hiệu màu sắc như trên, nhưng 4 sao còn lại 2 sao với quốc huy màu vàng của Hoa Kỳ nằm giữa.
Bằng một đạo luật của Quốc Hội ngày 1-6-1888, cấp trung tướng 3 sao bị cắt bỏ và nhập vào cấp General of the Army. Sau đó, phong cho Philip H. Sheridan (trên bià tập hồi ký của Sheridan thiết kế 4 ngôi sao trong hình chữ nhật gợi nhớ lại cấp hiệu 4 sao nơi cầu vai của Grant). Cấp bậc General of the Army ngưng xử dụng sau khi Sheridan chết ngày 5-8-1888, và cấp bậc cao nhất của Lục Quân Hoa Kỳ trở lại là thiếu tướng 2 sao.
Như vậy, tóm tắt lại cấp General of the Army 4 sao thời nội chiến do 2 người mang: Ulysses S. Grant (1866-1869) và William T. Sherman (1869-1872). Cấp General of the Army 2 sao với quốc huy Hoa Kỳ nằm giữa do 2 người mang: William T. Sherman (1872 -1888) và Philip H. Sheridan (6/1888-8/1888).
Thời Kỳ đệ nhị Thế Chiến
Danh hiệu General of the Army thứ hai được thiết lập bởi đạo luật Public Law 482 của Quốc Hội khóa 78 được thông qua ngày 14-12-1944. Lúc ban đầu, chỉ là cấp bậc tạm thời. Sau đó, trở thành chính thức ngày 23-3-1946 bởi một đạo luật của QH khóa 79. Nó được thiết lập để phong cho các sĩ quan tư lệnh thâm niên nhất của QĐHK cho ngang hàng với các sĩ quan của Quân Đội Anh là cấp bậc “Field Marshal” (Thống Chế). Đạo luật trên cũng thiết lập cấp “Fleet Admiral” 5 sao (Thủy Sư Đô Đốc) cho HQHK. Cấp General of the Army thứ hai nầy không thể so sánh với cấp General of the Army thời nội chiến.
Cấp hiệu General of the Army được lập năm 1944, thiết kế 5 sao, các đầu nhọn nối với nhau thành một vòng tròn ngũ giác. Những sĩ quan lục quân giữ cấp bậc được thiết lập trong năm 1944 là:
1) George Marshal, sinh 16-12-1944, chết 10-1959
2) Douglas Mac Arthur, sinh 18-12-1944,chết 4-1964
3) Dwight D. Eisenhower, sinh 20-12-1944,chết 3-1969
4) Henry H. Arnold, sinh 21-12-1944, chết 1-1950
5) Omar N. Bradley, sinh 20- 9-1950, chết 4-1981
Trong thời gian phong cấp General of the Army cho 4 sĩ quan của Lục Quân, thì Quốc Hội cũng phong cấp Fleet Admiral 5 sao cho 4 sĩ quan (4) thâm niên của Hải Quân cho cân bằng giữa 2 quân chủng.
Lục Quân Hoa Kỳ không đề nghị và giới thiệu danh hiệu “Marshal”. Truyền thống của Hoa Kỳ, từ “Marshal” chỉ dùng cho những sĩ quan thâm niên trong ngành cưỡng chế luật pháp, đặc biệt là “U.S. Marshal”, cũng như trước đây cho cảnh sát trưởng tiểu bang hay cảnh sát trưởng điạ phương.
* Thống tướng Eisenhower đã từ nhiệm trong lục quân vào ngày 31-5-1952 để chạy đua vào tòa Bạch Ốc. Sau khi đã phục vụ thành công 2 nhiệm kỳ tổng thống, TT John F. Kennedy đã ký đạo luật Public Law 87-3 ngày 23-6-1961 để đưa Eisenhower trở lại quân ngũ với cấp bậc General of the Army có hiệu lực kể từ 12-1944. Cấp bậc này, ngày nay được kỷ niệm trên bảng chỉ đường các xa lộ xuyên bang là một phần của hệ thống xa lộ xuyên bang Eisenhower, mà hiện ra 5 ngôi sao bạc trên nền phiá sau, trong đèn xanh.
* Henry H. Arnorld, là đại tướng lục quân, chỉ huy trưởng Không Lực Lục Quân, đã được phong cấp thống tướng lục quân. Sau khi quân chủng Không Quân được thành lập và trở thành 1 ngành riêng biệt vào ngày 18-9-1947, cấp bậc của Arnold được chuyển qua Không Quân cùng các nhân sự cũng như các dụng cụ, khí tài của Không Lực Lục Quân. Arnold là người đầu tiên cho tới bây là một thống tướng không quân duy nhất. Ông cũng là người duy nhất giữ cấp bậc thống tướng của 2 quân chủng Không Quân và Lục Quân của Quân Đội Hoa Kỳ.
General of the Army ngày nay
Không có một sĩ quan nào được phong cấp General of the Army kể từ sau Omar N. Bradley. Tuy nhiên, cấp bậc nầy vẫn còn được duy trì là một cấp bậc quân sự của Quân Đội Hoa Kỳ và có thể được phong tặng lại trong thời chiến, đang chờ đợi sự chấp thuận của Quốc Hội. Hiện nay, chính sách quân sự của Hoa Kỳ là cấp bậc thống tướng không quân, thống tướng lục quân, thủy sư đô đốc chỉ được dùng khi nào một chỉ huy trưởng của Quân Đội Hoa Kỳ cần có để bằng hay cao hơn cấp bậc của những chỉ huy trưởng của các nước khác.
Trong những năm của thập niên 1990, bộ Quốc Phòng đã đề nghị rằng: văn phòng của Tổng Tham Trưởng sẽ có một ngày ở vị trí của cấp bậc thống tướng 5 sao. Nhưng điều nầy sẽ bị một trở ngại trong trường hợp nếu một sĩ quan của TQLC được lưạ chọn ngồi vào ghế Chủ Tịch Ủy Ban Tham Mưu, vì, không có cấp tướng 5 sao cho TQLC. Nguồn tin từ Quốc Hội cho biết rằng, hiện nay không có chương trình nào phong cấp tướng 5 sao một ngày cho các đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng.
General of the Armies of the United States
Cấp bậc General of the Armies được xem như thâm niên hơn cấp bậc General of the Army và đã ân thưởng cho 1 sĩ quan duy nhất, tướng John J. Pershing (5) trong năm 1919 cho quân vụ của ông trong thời đệ nhất Thế Chiến và trước đó.
Khi cấp bậc General of the Army 5 sao được giới thiệu, thì đã được quyết định rằng cấp bậc của tướng John Pershing (vẫn đang còn sống) sẽ cao hơn cấp bậc mới được chấp thuận, General of the Army. Bộ trưởng bộ Chiến Tranh (6) Henry L. Stimson khi được hỏi, liệu cấp bậc của Pershing có phải là tướng 6 sao không. Stimson trả lời rằng:
-”Nếu Lục Quân đã có ý thiết lập cấp General of the Armies cao hơn cấp General of the Army. Tôi đã khuyên Quốc Hội rằng, bộ Chiến Tranh tán thành đề nghị đó”.
Cố Tổng Thống George Washington (7) đã được thụy phong cấp bậc “General of the Armies of the United States” (8) nhân kỷ niệm 200 năm ngày thành lập Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ với sự chuẩn y của lưỡng viện Quốc Hội dưới đạo luật Public Law 94-479 và được Tổng Thống Gerald R. Ford ký ngày 19-10-1976 có hiệu lực hồi tố kể từ ngày 4-7-1976. Điều luật cũng minh thị rằng:
-”Cấp bậc của Washington là cấp bậc quân sự cao nhất của Quân Đội Hoa Kỳ trong hiện tại, quá khứ lẫn cả tương lai” (trên cả Pershing mặc dù cùng một danh hiệu).
Các cấp bậc tương đương với General of the Army.
* Các ngành chị em trong Quân Đội Hoa Kỳ: Cấp bậc General of the Army (GOA) của Lục Quân tương đương với cấp General of the Air Force (GOAF) của Không Quân và Fleet Admiral của Hải Quân. Các binh chủng mặc sắc phục, mang cấp hiệu quân đội khác (TQLC, PD, PHSCC, NOAACC) không có cấp bậc tương đương.
* Các quốc gia trong khối NATO: Cấp bậc General of the Army (Thống Tướng) của LQHK tương đương với cấp Field Marshal của Anh, Stozerni của Croatia, Marszaled của Ba Lan, Maréchal de France của Pháp, Marechal của Bồ Đào Nha, Capitán General của Tây Ban Nha, Maresal của Thổ Nhĩ Kỳ (còn những nước trong khối NATO mà không đươc liệt kê nghĩa là không có trong hệ thống quân giai của họ).
* Vài quốc gia khác: General Field Marshal (dịch từ Nga ngữ) của Nga, First Class General (dịch từ Hoa ngữ Yi Ji Shang Jiang) của Trung Cọng, Commandante en Jefe của Cuba, Field Marshal của Ấn Độ, Farmandeye Kole ghova của Iran, Mosheer của Jordan, wonsu của Bắc và Nam Hàn, Chon Phon của Thái Lan, First Class Field Marshal của Serbie, Field Marshal (dịch từ tiếng Irak) của Irak... Còn lại những nước không được liệt kê thì hầu như cấp cao nhất là đại tướng, có khi chỉ là trung tướng.
Trương Ngọc Tuệ
Lilburn, 14-7-2009
Tài liệu tham khảo:
- General of the Army of the United States
- General of the Armies of the United States.
- List of US military leaders by military ranks.
- International comparable military ranks.
Chú thích:
(1) PHSCC (United States Public Health Service Commissioned Corps) tạm dịch là “Binh Đoàn Phục Vụ Y Tế Công Cọng Hoa Kỳ”, trực thuộc bộ Y Tế Hoa Kỳ. Gồm những sĩ quan quân y và những môn có liên quan tới ngành y. Phục vụ khắp toàn cầu cho dân sư như công dân Hoa Kỳ ở hải ngoại, các thổ dân Da Đỏ, thổ dân ở hải đảo thuộc quyền ủy tri của HK, Alaska..., còn cho quân sự thì phải có lệnh của Tổng Thống hay có được sự chỉ định rõ ràng. Cầm đầu là 1 y sĩ trưởng, cấp phó đô đốc, 3 sao.
(2) NOAACC (National Oceanic and Atmospheric Administration Commissioned Corps) tạm dịch là “Cơ Quan Quản Trị Khí Quyển và Đại Dương Quốc Gia”, trực thuộc bộ Thương Mại Hoa Kỳ. Gồm những sĩ quan thuộc các ngành khoa học có liên quan tới hải dương, thiên văn, không gian, toán học... Cầm đầu là 1 sĩ quan cấp phó đô đốc, 3 sao.
* Cả hai, PHSCC và NOAACC đều thuộc tổ chức của chính phủ liên bang, mặc quân phục và mang cấp hiệu của HQ và PD.
(3) Ulysses S. Grant (1822-1885), là Tổng Thống thứ 18 (1869-1877). Trước khi được phong cấp General of the Army là trung tướng 3 sao, người thứ hai sau Washington (là cấp bậc cao nhất của LQHK vào thời đó (nghĩa là chưa có cấp bậc đại tướng 4 sao như bây giờ). Lúc đó, Tướng Grant là Tư Lênh Quân Đội Liên Bang Bắc Quân (Union Armies), là người tiếp nhận sự đầu hàng của Tướng Robert E. Lee, Tư lệnh Quân Đội Liên Bang Nam Quân (Federal Armies).
(4) 4 TSĐĐ là: 1) William D. Leahy, sinh 16-12-1944, chết 7-1959. 2) Ernest J. King, sinh 17-12-1944, chết 6-1956. 3) Chester W. Nimitz, sinh 19-12-1944, chết 2-1966. 4) William F. Halsey, sinh 11-12-1945, chết 8-1959.
(5) Tướng Pershing (1860-1948) được ân thưởng cấp General of the Armies ngày 3-9-1919 cho những công lao trong các trận chiến với các bộ tộc Da Đỏ, Tây Ban Nha, đệ I Thế chiến. Ông hồi hưu với cấp bậc nầy ngày 13-9-1924 và giữ cấp bậc nầy cho tới khi chết (15-7-1948). Ông là sĩ quan lục quân duy nhất giữ cấp bậc nây khi còn sống. Trong quá khứ, cấp hiệu của ông đeo không quá 4 sao.
(6) Trước năm 1947 chưa có bộ Quốc Phòng, bộ Hải Quân và bộ Chiến Tranh đều là thành viên của Nội Các, có chức vụ tương đương, cùng phụ trách những vấn đề quốc phòng của đất nước. Sau nầy, bộ Chiến Tranh trở thành bộ Lục Quân và là 1 nhánh của bộ Quốc Phòng.
(7) George Washington (1732-1799). Cấp bậc của ông trong Lục Quân Hoa Kỳ là thiếu tướng 2 sao trước khi làm Tổng Thống (1789) và được phong cấp trung tướng 3 sao, 1 năm trước khi chết (1798). Ông là sĩ quan thâm niên nhất và là trung tướng duy nhất của LQHK (Continental Army) vào lúc đó. Vì ông vừa là Tổng Tư Lệnh Quân Đội vừa là Tổng Thống (1789-1797), nên từ đó Hiến Pháp của Hoa Kỳ chấp nhận chức vụ Tổng Tư Lệnh Quân Đội dành cho các tổng thống (dân sự).
(8) Cấp General of the Armies of the United States của LQHK tương đương với cấp Admiral of the Navy của HQHK (do George Dewey giữ) và Grand Marshal hay Generalissmo của Châu Âu. Không Quân Hoa-Kỳ cũng không có cấp bậc tương đương với cấp nầy.
Bạn có biết? Chiếc mỏ neo có từ bao giờ?
Theo lịch-sử tàu thuyền, việc neo tàu thuyền được người Trung-Hoa và Ai-Cập biết dùng đến đầu tiên, vào thế-kỷ thứ 2 trước Công-nguyên. Lúc đó, họ chỉ biết dùng các túi cát, buộc dây vào tàu và thả xuống khi muốn giữ tàu lại một chỗ. Theo sử gia Strabon và Pline, có nói đến chiếc neo bằng kim-loại nhưng không rõ thời-gian chính-xác. Đến vào khoảng năm 600 trước công-nguyên mới có neo bằng kim loại một chân.
Mãi đến năm 1770, cái neo với thanh ngang làm bằng sắt được dùng thay cho thanh ngang bằng gỗ. Đến năm 1821, ông Hawkins người Anh phát-minh ra neo nhiều chân, được treo gần mũi tàu. Lúc đó, người ta neo tàu ở phía mũi tàu. Trước đó, neo tàu được buộc vào sau lái.
Bằng phát-minh cho cái neo đầu tiên được trao cho Sir Geoffrey Ingram Taylor OM (7 March 1886 – 27 June 1975), người Anh vào năm 1933 về loại neo “Lưỡi cày”, loại neo bám dính gấp mấy lần hơn các loại neo cũ. Từ đó đến nay, neo được cải-tiến để hoàn-thiện hơn.
(LCT sưu-tầm).
- - - - - - - -
Trang 55
NGÀY XƯA ẤY.
Bạn bè ngày xưa ấy
Còn sót dăm ba người
Đang sống đời Do Thái
Lưu lạc bốn phương trời.
Quê hương xa lăng lắc
Càng nhớ càng đau lòng
Bao giờ tan hết giặc
Về thăm thỏa nhớ mong.
Thân thương xa cách qúa
Lâu ngày chẳng gặp nhau
Được tin lòng mừng lạ
Tưởng chừng như gần nhau.
Kỷ niệm ngày xưa cũ
Chừng sống dậy trong lòng
Ôi nhớ sao là nhớ!
Càng nhớ càng chờ mong.
Mong một ngày tao ngộ
Trên mảnh đất quê hương
Cùng nhau ôn chuyện cũ
Vui trong niềm nhớ thương.
Ngày 09-10-2006
THIÊN HÀ
(Trích trong“Xế bóng”).
Danh ngôn:
For the ignorant, old age is as winter, for the learned, it is a harvest (Jewish proverb)
(Đối với người thiếu hiểu biết, tuổi già giống như mùa Đông, đối với kẻ có học, đó là mùa gặt (Châm ngôn Do Thái).
- - - - - - - -
Trang 56
THƯ CẢM ƠN
Kính gởi: Hội Ái Hữu và Đồng Hương Quảng Ngãi Georgia
Thưa quý vị và bà con,
Chúng tôi đến Mỹ ngày 22-3-2009, vài ngày sau các anh trong Ban Cố vấn, Ban Chấp hành của Hội Ái Hữu và Đồng Hương Quảng Ngãi đã thay mặt cho tất cả bà con định cư tại Georgia đến thăm và tặng quà. Chúng tôi rất ngạc nhiên và cảm kích tấm lòng của các anh. Các anh thân mật như anh em ruột thit, ngoài việc hỏi han hoàn cảnh gia đình, chuyện bên nhà, các anh còn cho biết về cách làm ăn sinh sống của cộng đồng người Việt tại đây. Các anh cũng tặng chúng tôi tập Giai Phẩm Xuân mới nhất. Vậy là hằng năm, vào đầu Xuân ban Chấp hành Hội có tổ chức gặp mặt để bà con mình vui chơi tâm tình. Việc làm rất ý nghĩa, rất giá trị và cần thiết cho những người vì hoàn cảnh phải xa quê hương không được đoàn tụ với đại gia đình mà luôn tiếc nhớ cái không khí ấm áp ngày Tết Cổ Truyền của dân tộc. Chúng tôi như trẻ con mong mau đến Tết để gặp nhiều bà con thân thương.
Thật bất hạnh, ngày 17-4-2009 nhà tôi đau rất nặng, phải cấp cứu vì bệnh Nhiễm trùng máu! Mọi việc đều kịp thời, nếu còn ở Việt Nam chắc nhà tôi không thể sống được. Nhà tôi nằm tại bệnh viên Gwinnett 25 ngày trong đó 16 ngày mê man ở phòng Săn sóc đặt biệt.
Cũng trong những ngày đen tối nầy các anh trong ban Chấp hành như anh Sanh, anh Ninh, anh Huấn đến bệnh viện thăm hỏi, tặng hoa và nhiều lần giúp chở tôi đi việc cần. Các anh Ánh, anh Lâm, anh Lê Ba ân cần điện thoại thăm hỏi.
Khi nhà tôi xuất viện các anh trong ban Chấp hành lại một lần nữa đến thăm và lần nầy với tính cách cá nhân các anh cũng tặng quà mừng nhà tôi thoát chết.
Chúng tôi cũng không quên cảm ơn ông Nguyễn Một và con rễ, anh chị Xuân, anh chị Luận có điện thoại thăm hỏi những ngày còn ở bệnh viện và mang quà mừng đến tận nhà khi chúng tôi về lại nhà của vợ chồng con gái ở thành phố Buford.
Một lần nữa chúng tôi xin ghi nhớ sự ưu ái, mối thân tình của các anh chị đã kịp thời chia sẻ cùng chúng tôi những vui buồn trong những ngày bỡ ngỡ và hoảng loạn vừa qua. Chúng tôi cũng không quên cảm ơn nền Y học hàng đầu của nước Mỹ đã cứu chữa bệnh tình nhà tôi.
Ngày cuối năm Kỷ Sửu 2009
Võ Hữu Cảnh
Phạm Thị Hồng-Hạnh
- - - - - - - -
Trang 57
Mùa Xuân mộng
Lại một mùa Xuân ngan ngát hương
Nắng hồng cài tóc má băng sương
Đời vui như vạn mùa hoa đượm
Non nước xanh ngời gió viễn phương.
Cô gái ngây thơ tuổi dậy thì
Đón mùa Xuân mộng mở hàng mi
Mi xanh lóng lánh sương xuân đọng
Tay hứng mai vàng rơi lối đi.
Gót mộng bâng quơ đếm áo hồng
Một mùa Xuân xanh thắm mi trong
Tóc mai một lối môi mòng mọng
Cô gái cười mơ những chuyện lòng.
Xuân chở mộng lòng êm như mơ
Muôn bài thơ gợi ý mong chờ
Ngây thơ em hàt lời hoang dại
Hoa lá thẹn thùa em ngẫn ngơ.
Đỗ Vĩnh Khanh
- - - - - - - -
Trang 58
TIẾNG NÓI TỪ MỘ ĐỨC
Đỗ Mai Lộc
Tưởng niệm 50 năm ngày ông Phạm Văn Đồng ký công hàm công nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc. (ĐML.).
Tôi xin tự giới thiệu: Tôi là một công dân sinh ra và lớn lên trên quê hương Mộ Đức của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, được đào tạo liên tục từ tiểu học lên đại học một cách chính quy dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Về mặt gia đình, tôi gọi ông Đồng bằng ông. Do nhà gần và có quan hệ nhất định nên trong gia đình tôi có người cũng theo ông Đồng rồi bị Pháp bắt và sát hại từ những năm 1930.
Tôi không có ý khoe khoang nhưng tôi muốn nói rằng không có lý do gì mà bản thân tôi lại không tự hào và kính trọng ông Phạm Văn Đồng. Đúng là thế hệ chúng tôi đã từng rất tự hào là quê hương đã sinh ra một người con ưu tú. Một sự tự hào đã được giáo dục để trở thành “bản năng”, như là một “phản xạ không điều kiện”, mà trong tất cả các bài tập làm văn chúng tôi đều phải có những câu đại loại: “tự hào là một học sinh dưới mái trường XHCN, tự hào được sống trong thời đại Hồ Chí Minh, tự hào quê hương đã sinh ra Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, v.v... và v.v...
Nhận thức về sự kính trọng và tự hào cũng được đúc ra từ những khuôn mẫu có sẵn nhưng rồi cũng đến lúc chúng tôi cần tìm hiểu về những gì mình đã từng tự hào kính trọng. Chẳng hạn, cái gọi là mái trường XHCN mà chúng tôi ca ngợi cho đến bây giờ như thế nào vẫn chưa định hình được. Ngày xưa học dưới mái trường XHCN còn bây giờ đang “định hướng” XHCN nhưng lại được đánh giá là xã hội phát triển, có nghĩa là càng đi xa CNXH thì xã hội càng phát triển!
Còn về ông Hồ Chí Minh thì nhiều người đã nói rồi, tôi chỉ có thể ghi thêm lời dân gian quê chúng tôi ta-thán:
“Sống dưới triều đại Cha Hồ
Làm con thì được, làm người thì không.”
Hôm nay, là người dân Mộ Đức, tôi nói về ông Đồng, hơn 30 năm làm Thủ tướng, ông đã làm được gì cho đất nước, quê hương?
Gọi ông là một nhà ngoại giao, một nhà chính trị tài ba đã giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là không đúng, bởi vì cuộc chiến tranh này có thể tránh được. Vả lại “thắng” nhưng không có “lợi”, những người Mỹ, chính sách Mỹ mà ông chống, bây giờ được mời quay lại Việt Nam. Cũng không có “nhà ngoại giao tài ba” nào lại ký công hàm công nhận lãnh thổ của mình cho quốc gia khác.
Nếu gọi ông là một nhà kinh tế cũng không đúng; vì lúc có một nửa đất nước ở miền Bắc ông không đưa ra được quốc sách nào có tính vĩ mô để tăng trưởng kinh tế, ngoài chính sách “tiết kiệm” để tích lũy, kiểu như “hạt gạo cắn làm hai, làm ba”. Còn sau tháng 4/1975 với chính sách hợp tác xã nông nghiệp và di dân đi kinh tế mới, ông đã bần cùng hóa cả miền Nam, vốn trước đó là một nước mạnh trong khu vực Đông Nam Á.
Nói ông là một nhà lý luận, một nhà văn hóa cũng không ổn. Ông có câu nói với thanh niên, học sinh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội cần phải có những con người mới xã hội chủ nghĩa” nhưng ông lại vòng vo về cái chủ nghĩa xã hội và con người xã hội chủ nghĩa của ông. Con người mới khác con người cũ cái gì? Kiểu như “con gà, cái trứng” hay chính sách “có hộ khẩu mới có việc làm, có việc làm mới cho nhập khẩu” dưới thời của ông. Còn về văn hóa thì hình như ông hơi thiếu vốn tiếng Việt nên thường dùng đệm tiếng Pháp trong văn nói.
Người dân Mộ Đức “kính trọng” ông lắm! Tôi xin kể một số giai thoại về ông Đồng ở quê hương Mộ Đức:
Thời kỳ còn hợp tác xã nông nghiệp, mỗi lần ông về quê là dân Mộ Đức tới khổ. Trước khi ông về là tập trung “ngụy quân, ngụy quyền” tham gia chế độ cũ lên núi để tiếp tục học tập cải tạo cho đến khi nào ông đi mới thả về.
Trên tuyến đường ông qua, hai bên đường được bón rất nhiều phân urê, lúa xanh đậm thấy rất đẹp mắt. Ông khen địa phương làm ăn giỏi, chẳng mấy chốc nữa sẽ tiến lên Chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng đến khi ông đi thì chỗ phân nhiều bị cháy, chỗ thiếu phân còm cõi không trổ bông nổi. Mỗi lần ông về quê, một ngày công của xã viên được 4 lạng lúa (0,4 kg)!
Có một năm các xã ven biển ở Mộ Đức như Đức Lợi, Đức Minh, Đức Phong có con cá ông (dân biển gọi cá voi là cá ông, cá bà) cứ bơi lởn vởn ngoài biển ngang làm ghe tàu nhỏ của ngư dân không dám ra biển đánh cá; còn ở xã miền núi Đức Phú thì đêm đêm nhiều bầy heo rừng ra phá hoại hoa màu của dân, chính quyền địa phương bất lực. Gặp lúc ông Đồng về quê, nghe báo cáo tình hình địa phương xong, sáng hôm sau ông xuống biển chờ cho cá ông nổi lên ông nói:
-“Yêu cầu các đồng chí kết nạp cá thành xã viên hợp tác xã”.
Cá ông nghe thế lặn tuốt ra biển. Chiều đến, ông lên núi xem hoạ heo rừng phá hoại hoa màu. Ông cũng nói với cán bộ địa phương cho chúng vào hợp tác xã là chúng sẽ thuần hết, nhưng cán bộ địa phương nói:
-”Thưa bác, chúng nó đã vào hợp tác xã lâu rồi, chúng cũng làm ăn tập thể đàng hoàng, lúc nào xuống phá bà con cũng đi hàng đàn từ vài ba chục con trở lên”.
Ông Đồng nói:
-”Vậy thì cho đi kinh tế mới!”.
Kể từ tối hôm ấy cả xã Đức Phú không còn con heo rừng nào dám ra phá nữa.
Có người hỏi ông Đồng, sao ông không nhận để người ta gọi bằng Bác, ông nói:
-”Ông Hồ xưng là Cha, nếu tôi xưng là Bác, tức là anh của ông Hồ à?!”
Có lần ông tới thăm nhà chị là bà Thừa Xuân, có mảnh vườn trồng rau để ăn và để bán. Hồi đó tiền có giá, ông nghe người ta mua bán nhau nắm rau, quả cà, cứ nói “một đồng, hai đồng” (trùng tên của ông), ông giận lắm vì bị mấy bà hàng xén ở chợ gọi tên huý ra. Sau đó ông về Hà Nội và quyết định “nâng” tiền Việt Nam, để từ đó người ta không kêu “một đồng hai đồng” nữa mà chuyển qua “một ngàn, hai ngàn” cho đến bây giờ.
Sự kính trọng của người dân Mộ Đức đối với ông Đồng là như thế đó. Còn sự tự hào thì sao? Sau khi biết được ngày 14/9/1958 ông Phạm Văn Đồng ký công hàm công nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc thì người dân Mộ Đức cảm thấy nhục nhã thay cho ông. Cuộc đời con người hay chế độ chính trị có thể có nhiều sai lầm, nhưng bán đất bán nước cho ngoại bang thì là sai lầm không thể tha thứ được. “Noi gương” ông là Trần Đức Lương - với tư cách là Chủ tịch nước đã ký hiệp định đường biên trên bộ và trên biển tiếp tục nhượng đất và biển cho Trung Quốc.
Rồi đây, lịch sử dân tộc Việt Nam sẽ ghi:
- Ông Phạm Văn Đồng quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, với tư cách là Thủ tướng Chính phủ, ngày 14/9/1958 đã ký công hàm công nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc.
- Ông Trần Đức Lương quê ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, với tư cách là Chủ tịch nước, ngày 30/12/1999 đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền nhượng cho Trung Quốc hàng ngàn cây số vuông, tiếp đến ngày 25/12/2000 đã ký Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ tiếp tục nhượng hàng chục ngàn cây số vuông mặt biển cho Trung Quốc.
Vậy là Quảng Ngãi có hai tội đồ cùng tham gia bán nước dưới triều đại Hồ Chí Minh.
Nhân dân Mộ Đức, Quảng Ngãi có thể có sự kính trọng, tự hào được không? Không, hoàn toàn không! Ngay cả chính con cháu trong tộc họ Phạm không ai dám ngẩng cao đầu để tự hào là con cháu ông Phạm Văn Đồng. Họ cũng biết rằng, Nguyễn Thân (quê ở Thạch Trụ, Mộ Đức, Quảng Ngãi) là đại thần triều Nguyễn câu kết với thực dân Pháp chống phá phong trào Cần Vương, tiêu diệt nghĩa quân Phan Đình Phùng, sau năm 1945 đã bị Việt Minh cho đào phá toàn bộ mồ mả, nhà cửa (có lẽ vì vậy mà Cộng Sản không dám đưa ông Phạm văn Đồng về chôn ở quê nhà, còn ông Trần Đức Lương khi hết làm chủ tịch nước cũng không dám về Quảng Ngãi).
Kể ra thì ông Đồng cũng biết sám hối, khi cuộc đời đã xế chiều sống trong bóng tối của sự mù lòa và của xã hội ông tham gia tạo nên; vị thủ tướng ba phải, hiền lành đến nhu nhược, đã có câu nói trứ danh “Không ai làm thủ tướng lâu như tôi và cũng không ai làm khổ dân nhiều hơn tôi!”, có lẽ đó là câu nói duy nhất đúng trong cuộc đời của ông.
Không những ông làm khổ dân lúc còn sống, mà ông còn làm khổ dân khi đã chết. Biết bao giờ nhân dân Việt Nam mới lấy lại được Trường Sa, Hoàng Sa? Còn người dân Quảng Ngãi tiếp tục è cổ ra nộp thuế để xây lăng mộ cho dòng họ Phạm của ông, xây bảo tàng, nhà tưởng niệm Phạm Văn Đồng.
Ngày 1/9/2008 Quảng Ngãi đã khánh thành “Khu lưu niệm Phạm Văn Đồng”; theo thông báo chính thức từ chính quyền, tổng kinh phí hơn 46 tỉ đồng, trong đó phần xây lắp hơn 20 tỉ, trên diện tích hơn 2 ha (Giá đất là 1,3 triệu/m2, trị giá đất khoảng 26 tỉ).
Bốn mươi sáu tỉ kia có thể làm được những gì cho nhân dân Mộ Đức, Quảng Ngãi?
Xin thưa:
- Xây dựng 3.067 ngôi nhà cho người nghèo;
- Tạo điều kiện cho 115.000 trẻ em nghèo có điều kiện mua sách vở đến trường trong năm học mới;
- Là tiền thuế của 144.230 người dân Mộ Đức trong 2 năm (Dự toán thu ngân sách năm 2008 của huyện là 23,1 tỉ đồng)
Đó là chưa tính đến các chi phí khánh thành, duy tu, chi lương cho nhiều người trông coi, bảo vệ.
Một người con của quê hương núi Ấn sông Trà, nhưng đến khi chết rồi vẫn còn làm khổ nhân dân Quảng Ngãi, có phải vì ông là đảng viên Cộng sản, học trò của Hồ Chí Minh không? Trong khi cụ Huỳnh Thúc Kháng, quyền chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, yên nghỉ trên núi Ấn lộng gió, ngôi mộ đơn giản được xây dựng từ thời ông Ngô Đình Diệm, ngày ngày khách trong ngoài nước, đủ mọi thành phần đến viếng thăm đều thể hiện lòng tôn kính.
“Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân”
Câu ca dao xưa đi vào tiềm thức của thế hệ chúng tôi, “thế hệ sinh ra và lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”; câu ca dao khơi mào cho cuộc khởi nghĩa nông dân mang tên “khởi nghĩa Chày Vôi” (năm Bính Dần 1866) xuất phát từ việc xây dựng Vạn niên cơ, quân sĩ và dân phu phải làm lụng khổ sở, nhiều người oán giận, vua Tự Đức một thời đã đi vào lịch sử dân tộc là vị vua hôn quân vô đạo.
Tôi đã đến lăng mộ vua Tự Đức, cũng đã đến khu tưởng niệm Phạm Văn Đồng. Trên tất cả mọi phương diện (đất đai, diện tích, quy mô, kinh phí, thời gian,...) lăng Tự Đức còn lâu mới bằng khu tưởng niệm Phạm Văn Đồng - một vị thủ tướng dưới chế độ XHCN còn hơn cả vị hoàng đế của triều đại phong kiến, ngay cả khi đã chết.
Lịch sử rất sòng phẳng. Thời gian trôi qua, dân tộc sẽ có cái nhìn khách quan hơn, đánh giá công, tội một cách rõ ràng; sự kính trọng đối với từng nhân vật lịch sử không cần phải áp đặt, cưỡng chế.
Là một người dân Mộ Đức, tôi cảm thấy có tội khi nói thêm (Quê tôi) “là quê hương của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng”.
Đỗ Mai Lộc.
- - - - - - - -
Trang 64
NHỚ MẸ HIỀN
Thương tiếc từ đây Mẹ vắng nhà
Chúng con nhớ Mẹ dạ thiết tha
Hằng đêm thao thức nằm không ngủ
Mắt đã thâm sâu, lệ đẫm nhòa
Mẹ đi để lại con và cháu (1)
Để lại yêu thương, nỗi xót xa
Tám mươi tám chin mùa xuân trọn
Vội vàng gót ngọc Mẹ tìm Cha
Chúng con Nguyện cầu Mẹ siêu thóat
Hồng ân tiếp độ, A Di Đà.
Nguyễn Vỹ Cúc.
(1) Mẹ tôi có 4 người con, 20 cháu nội ngọai, 32 chắt.
Vui cười: Nói dốc
Bốn người bạn gặp nhau tại một nhà ở Thị-xã Quảng-Ngãi. Sau một hồi trà nước, chuyên vãn, họ nãy ra ý nói dốc cho vui.
Mở đầu, một người quê ở Nghĩa-Hành nói:
-”Trên quê tôi, mùa mía vừa rồi có nhà kia có một cây mía quá dài, dài đến nỗi nó ngã nằm dài hết miếng đất đó rồi còn lan dài qua năm mẫu đất khác nữa”.
Người thứ hai, ở Đức Phổ tiếp lời:
-”Vậy mà nhằm nhò gì. Ở bàu sen Liên-Chiểu có một bụi sen dài đến độ mà mỗi cọng sen người ta phải cắt ra làm 8 gánh để gánh xuống bán ở chợ Trà-Câu”.
Người thứ ba là chủ nhà, quê ở Tư Nghĩa nói:
-”Ở xã Tư-Hiền của tôi, tuần rồi có người bắt được con rùa bự đến độ khi ăn thịt xong, cái mai của nó dùng làm xuồng qua sông, có thể chở được bốn người”.
Người cuối cùng nối tiếp:
-”Ở Sơn-Tịnh quê tôi, mùa khoai lang vừa rồi có người trồng được đám khoai, có một củ lớn đến độ không thể gánh hay khiêng về được mà phải cần 8 người thật mạnh mới lăn nó về nhà được”.
Bốn người nói dốc vừa dứt lời, bỗng có một giọng lớn tiếng, lạnh lùng:
-”Cảnh-sát đâu? Trói bốn người nói dốc này đem về Ty Cảnh-sát nhốt lại cho tôi”.
Bốn người ngơ ngác nhìn nhau, chủ nhà đứng dậy coi xem là ai. Té ra là cậu con trai lớn của chủ nhà. Ông ta la rầy nó tại sao dám nói vậy. Nó thưa:
-”Thấy ba và mấy bác nói dốc, con hứng chí cũng nói dốc chơi, xin Ba và các bác tha thứ.”
Cả bốn người lớn cùng kêu: ”Trời“.
- - - - - - - -
Trang 65
LÊ VĂN DUYỆT, MỘT TÀI NĂNG LỚN VỀ QUÂN SỰ, CHÍNH TRỊ
Lê Ngọc Trác
Có nhiều danh tướng phò giúp Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế. Nhưng có bốn vị đại tướng được xem là đệ nhất công thần của Triều Gia Long Nguyễn Phúc Ánh. Đó là: Tiền quân Nguyễn Văn Thành, Hậu quân Võ Tánh, Hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức và Tả quân Lê Văn Duyệt. Số phận lịch sử cuộc đời của bốn vị đệ nhất công thần của Triều Gia Long khác nhau: Nguyễn Văn Thành bị Vua Gia Long ép uống thuốc độc tự tử vào năm 1817. Nguyễn Huỳnh Đức sau khi mất (1819) được đưa vào thờ trong miếu Trung Hưng công thần tại kinh đô. Võ Tánh thì tự thiêu cố thủ thành Bình Định mất vào năm 1801 cũng được đưa vào thờ ở miếu Trung Hưng công thần của Triều Nguyễn. Riêng Tả quân Lê Văn Duyệt có một số phận lịch sử đặc biệt. Sau khi ông qua đời, có nhiều nhận định, đánh giá trái ngược nhau. Ca ngợi tài năng và công lao của ông cũng nhiều, mà phê phán cũng không ít.
Những người có cảm tình với Nhà Tây Sơn thì xem Lê Văn Duyệt như một tên tội đồ, một người thân Pháp và Thiên chúa giáo. Các sử gia Triều Nguyễn từng thời kỳ cũng bất nhất và có phần khắt khe trong đánh giá về Lê Văn Duyệt. Có thời thì xem ông như một tội phạm của triều đình. Cũng có thời Lê Văn Duyệt được xem là một tướng lừng danh có nhiều công lao to lớn đối với Triều Nguyễn và đất nước. Về sau này, có thời mà tư tưởng dân tộc cực đoan và quá khích thì người ta xoá sạch công lao của Lê Văn Duyệt!
Vậy đâu là sự thật của lịch sử? Lê Văn Duyệt sinh năm 1763, nguyên quán ở làng Bồ Đề huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi. Từ đời nội tổ của ông đã di cư vào Nam sinh sống tại Định Tường. Lê Văn Duyệt đã có công phò tá Nguyễn Phúc Ánh được phong làm Cai cơ. Ông đã lập nhiều chiến công lớn, góp phần đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Vua. Năm 1801, vua Gia Long phong ông làm Khâm sai chưởng tả quân bình Tây tướng quân, Tước quận công. Năm 1802, ông cùng Nguyễn Văn Thành, Lê Chất đem quân đi bình định miền Bắc, được lãnh chức Kinh lược xứ Thanh Hoá và Nghệ An. Năm 1812, ông được phong làm Tổng trấn Gia Định, bảo hộ nước Chân lạp (Campuchia). Lần thứ hai, vào năm 1820, ông lại được cử làm tổng trấn Gia Định. Ông cai quản thành Gia Định và cả miền Nam đến khi mất (1832). Lê Văn Duyệt mất khi còn đang tại chức, thọ 69 tuổi.
Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh là người đặt đơn vị hành chính Gia Định và toàn miền Nam, chính thức xác lập vùng đất này vào địa lý hành chính nước ta. Thì chính Lê Văn Duyệt là người đã có công khai phá, mở rộng và bảo vệ vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Gia Định thành và cả miền Nam bắt đầu từ Bình Thuận trải dài đến mũi Cà Mau thời bấy giờ còn hoang hoá, đất đai chưa thuần thục, nạn trộm cướp hoành hành nhiều nơi. Lê Văn Duyệt đã chiêu mộ dân chúng ra sức cải tạo, xây dựng đồng ruộng phì nhiêu, xây dựng làng, xã. Ông chăm lo đến đời sống của dân chúng và binh sĩ; đồng thời, trừng trị rất nặng bọn tham quan ô lại, và quân trộm cướp. Đối với một số người lầm lỡ vào con đường trộm cướp, tội phạm, ông tỏ ra là người bao dung, vỗ về, cảm hoá họ trở về con đường làm ăn chân chính. Chính vì vậy, trong thời kỳ Lê Văn Duyệt thay mặt triều đình quản lý thành Gia Định và cả miền Nam, đời sống nhân dân ở đây được an cư thịnh vượng.
Lê Văn Duyệt đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Ông vừa làm tốt công tác bảo hộ Cao Miên, ngăn chặn hữu hiệu ý đồ xâm lược của Xiêm La. Trong thời gian ở Gia Định ông đã đề xuất với triều đình đào kênh Vĩnh Tế nhằm thoát nước, tiêu úng thay chua rửa phèn cho đồng ruộng. Công trình kênh Vĩnh Tế có ý nghĩa to lớn về kinh tế và quốc phòng và hiệu quả mang lại rất lớn cho cho đất nước đến mãi ngày hôm nay.
Không chỉ giữ vững bờ cõi phía Nam đất nước, lo phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, Lê Văn Duyệt là người đã góp công lớn về chính sách đối nội lẫn đối ngoại. Ông đã khôn khéo mở rộng giao thương với các nước. Thời kỳ ông trấn nhậm đất nam kỳ, nhiều tàu buôn của các nước: Trung Quốc, Mã Lai, Nam Dương, Miến Điện, Phương Tây và Châu Mỹ đã cập bến Gia Định Bến Nghé để mua bán trao đổi hàng hoá. Sài Gòn Gia Định thời bấy giờ như một đặc khu kinh tế mở của nước ta. Năm 1822, Crawfurd người cầm đầu Phái bộ ngoại giao của toàn quyền Ấn Độ ghé vào Bến Nghé và Gia Định, được yết kiến Lê Văn Duyệt đã viết về ông như sau:
-”Con người này ít học, nhưng lạ lùng thay lại có cái nhìn cởi mở hơn nhiều đại thần và cả nhà vua học rộng làu làu kinh sử của Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, mong muốn mở mang đất Gia Định trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông”.
Và, Crawfurd đã tả đời sống của Gia Định như sau:
-”Lần đầu tiên tôi đến Bến Nghé, tôi bất ngờ thấy rằng nơi đây không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hoá phong phú hơn, giá cả hợp lý và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng...”
Năm 1825, trong lúc Minh Mạng và Triều đình Huế chủ trương cấm đạo Thiên chúa và lệnh cho các quan phải khám xét các tàu bè của ngoại quốc ra vào cửa biển. Thì, Lê Văn Duyệt đã áp dụng chính sách mềm dẽo, cởi mở hơn đối với Giáo sĩ và giáo dân Thiên chúa giáo. Ông vẫn để người ta sống yên bình và truyền đạo. Lê Văn Duyệt chủ trương tự do tín ngưỡng, đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc để ổn định chính trị và xã hội.
Qua nhiều giai đoạn lịch sử, có nhiều nhà nghiên cứu sử học cho rằng: Lê Văn Duyệt có mưu đồ tách Nam kỳ khỏi sự quản lý của triều đình, Lê Văn Duyệt không phục vua Minh Mạng và vua Minh Mạng cũng không thích Lê Văn Duyệt,... Điều này đã gây ra nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu lịch sử. Nhưng có một sự thật lịch sử được công nhận: Lê Văn Duyệt là một người luôn luôn trung thành với Gia Long. Sách Đại Nam liệt truyện đã nhận định về Lê Văn Duyệt như sau:
-”Duyệt là huân cựu đại thần được dự nhận lời vua Gia Long dặn lại việc triều chính, triều đình dựa làm trọng”.
Còn đối với vua Minh Mạng thì như thế nào? Nam kỳ là vùng đất khai sáng của triều Nguyễn, có vị trí trọng yếu về quốc phòng và đối ngoại, có tiềm năng về kinh tế để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của đất nước. Lịch sử đã đánh giá: Minh Mạng là một ông vua thông minh, quả cảm, hết lòng lo việc nước. Nhưng, cũng là một ông vua chuyên chế, nghiêm khắc. Một người có uy quyền mà ít độ lượng,... Nếu Minh Mạng không tin tưởng vào sự trung thành của Lê Văn Duyệt thì chắc chắn nhà vua sẽ không bao giờ cử ông vào trấn giữ thành Gia Định và cả Nam kỳ. Năm 1823, Minh Mạng bãi bỏ chức Tổng trấn Bắc thành. Các địa phương đều được chia thành cấp tỉnh. Nhưng với Gia Định, vua vẫn để Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn. Sách Đại Nam liệt truyện nêu rõ:
-”Vua Minh Mạng có sự biệt đãi đối với Lê Văn Duyệt: “Duyệt lai kinh chúc hổ, Vua đãi hậu hơn, lúc thoái chầu, vua đưa mắt tiễn,...”. Năm 1827, Minh Mạng đã từng nói với các cận thần: “người ta nói Lê Văn Duyệt xuất tích cương lệ, nay trẫm xem ra thì Duyệt trung thuận, nghĩa thờ vua vẫn giữ được, những tính bình nhật cương lệ, đều rửa sạch hết, không ngờ tuổi già lại hay tu tỉnh như thế”. Và nhà vua cho Duyệt tiếp tục trấn nhậm Gia Định với lời dụ: “Gia Định là trọng trấn phương Nam, Duyệt không nên vắng mặt lâu. Người này vẫn được người Xiêm sợ. Nay lại giữ một mặt ấy có thể hùng dũng như hổ báo ở núi...”.
Sách Đại Nam liệt truyện còn ghi rõ:
-”Minh mạng nhận định về Lê Văn Duyệt như sau: “nắm giữ biên cương tây Nam không ai bằng Duyệt. Uy lực đối với Xiêm La, Chân Lạp, Vạn Tượng không ai bằng Duyệt. Duyệt ngồi đó trẩm yên lòng...”.
Điều này cho thấy Minh Mạng rất tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Lê Văn Duyệt. Và, như thế chứng tỏ suốt đời mình, Lê Văn Duyệt vẫn một lòng với triều đình, một lòng với lợi ích của đất nước và dân tộc.
Bi kịch và nỗi hàm oan của Lê Văn Duyệt chỉ xảy ra sau khi ông qua đời! Sau khi Lê Văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng mới bãi chức Tổng trấn thành Gia Định, đặt chức Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh như ở các tỉnh trong cả nước.
Khi còn sống, Lê Văn Duyệt là một con người đầy uy quyền, ai cũng kính phục. Tính khí của ông cương trực, nóng nảy và rất ghét bọn tham quan ô lại, xu nịnh. Chính vì vậy, có nhiều người không thích ông. Bạch Xuân Nguyên vốn là một người tham lam tàn ác, khi được bổ nhiệm làm Bố chánh Gia Định (Phiên An) đã truy xét việc riêng của Lê Văn Duyệt, bắt người nhà và tôi tớ của Lê Văn Duyệt giam giữ, tra khảo để tìm chứng cứ kết tội Lê Văn Duyệt.Trong những người bị bắt có Lê Văn Khôi là con nuôi của Lê Văn Duyệt.
Lê Văn Khôi tên thật là Bế Văn Khôi (không rõ năm sinh) vốn là một thổ hào ở Cao Bằng, từng nổi loạn, đổi họ là Nguyễn Hựu Khôi, theo nhóm phản loạn ở Nghệ An. Khi Lê Văn Duyệt lãnh chức kinh lược sứ Nghệ An đem quân đi dẹp loạn đã cảm hoá và thu nhận Nguyễn Hựu Khôi làm con nuôi và đổi tên thành Lê Văn Khôi. Sau này, khi trấn nhậm Gia Định, Lê Văn Duyệt đưa Lê Văn Khôi đi theo và cho làm đến chức Phó vệ úy. Lê Văn Khôi là một con người có sức khoẻ tay không đánh được cọp dữ.
Bị bắt giam, Lê Văn Khôi tức giận, bèn cấu kết cùng mấy người thân tín nổi lên làm binh biến. Đêm ngày 18 tháng 5 năm Quý Tỵ (năm 1833), Lê Văn Khôi cùng những người lính của mình phá ngục, rồi vào Dinh Bố chánh giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên. Tổng đốc Nguyễn Văn Quế đem người đến cứu cũng bị Lê Văn Khôi giết chết. Lợi dụng uy tín của Lê Văn Duyệt, vận động nhân dân và binh lính, liên kết với một số chức sắc Thiên chúa giáo là người ngoại quốc, Lê Văn Khôi bèn tự xưng mình là Bình Nam đại nguyên soái, tự phong Tướng cho những người cùng cánh, bổ nhiệm quan chức như một triều đình riêng. Chỉ trong vòng 6 tháng, Lê Văn Khôi đã đánh chiếm được 6 tỉnh ở Nam kỳ.
Triều đình liền cử Tống Phước Lương làm Thảo nghịch Tả tướng quân phối hợp cùng với các tướng: Phan Văn Thúy, Trương Minh Giảng và Trần Văn Năng tập trung thủy bộ binh tượng tiến đánh Lê Văn Khôi. Lê Văn khôi biết không thể chống nổi, nên chạy vào thành Phiên An cố thủ và sai người cầu cứu quân Xiêm La. Quân triều đình một mặt thì đánh đuổi quân Xiêm La, một mặt thì vây đánh thành Phiên An. Đến tháng chạp năm Qúy Tỵ (năm 1833), Lê Văn Khôi bị bệnh chết. Những người theo Lê Văn Khôi tôn con trai của Lê Văn Khôi là Lê Văn Câu lên làm thủ lãnh, tiếp tục chống cự với triều đình.
Mãi đến tháng 7 năm 1835, quân triều đình mới hạ được thành Phiên An, đánh tan được những người theo Lê Văn Khôi. Quân triều đình bắt sống hơn 1.831 người và xử tử toàn bộ. Con trai Lê Văn Khôi là Lê Văn Câu và Linh mục Marchand (còn gọi là Cố Du) bị giải về kinh thành Huế để xử lăng trì. Vì vụ án của Lê Văn Khôi, Lê Văn Duyệt bị liên đới trách nhiệm. Một số quan đại thần trong triều đã quy trách nhiệm cho Lê Văn Duyệt là người nuôi mầm mống phản loạn. Minh Mạng là ông vua chuyên chế, thể hiện uy quyền và răn đe các nhóm chống đối khác đã xoá sạch mọi chức tước của Lê Văn Duyệt và lệnh cho Tổng đốc Gia Định đến phần mộ của Lê Văn Duyệt san bằng, đặt xích sắt xiềng mộ và khắc đá dựng bia. Ở trên bia viết:
-”Chỗ này là nơi quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp”.
Đến năm 1841, vua Thiệu Trị cho xoá bỏ xiềng và đắp lại mộ của Lê Văn Duyệt. Mãi đến 13 năm sau, nỗi oan của Lê Văn Duyệt mới được cởi bỏ. Năm 1848, theo nguyện vọng của nhân dân và các vị quan trung trực tại triều đình, Đông các đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn dâng sớ lên vua Tự Đức xin minh oan cho Lê Văn Duyệt. Tự Đức ban chiếu rửa sạch tội lỗi và truy phục nguyên tước, hàm cho Lê Văn Duyệt là: “Vọng các Công thần Chưởng Tả quân Bình Tây tướng quân quận công”.
Có thể nói qua hơn 175 năm (1833 – 2008), qua từng thời kỳ, nhiều sử sách đánh giá khác nhau về cuộc đời danh tướng Lê Văn Duyệt. Nhưng, đối với nhân Gia Định và cả miền Nam, Lê Văn Duyệt vẫn là một người có nhiều công đức đối với nhân dân và đất nước. Hình ảnh, cuộc đời, chiến công của Lê Văn Duyệt đã đi vào tâm thức của người dân Gia Định và miền Nam nước Việt. Nhân dân coi ông như một vị thần. Qua bao đời nay hình tượng Lê Văn Duyệt đã trở thành tín ngưỡng trong tâm thức của nhân dân miền Nam. Từ năm 1848 đến nay trải qua gần 160 năm, nhân dân Sài Gòn – Gia Định và cả miền Nam đã nhiều lần đóng góp công sức tiền của để xây dựng, tu sửa, tôn tạo khu mộ và đền thờ Lê Văn Duyệt. Nhân dân đã tôn vinh gọi mộ và đền thờ của Lê Văn Duyệt là Lăng Ông với tất cả lòng thành kính. Lăng Ông Lê Văn Duyệt toạ lạc uy nghi trên một khuôn viên rộng 18.500 mét vuông ở Bình Hoà – Gia Định, nay là 126 đường Đinh Tiên Hoàng - Phường 1 - Quận Bình Thạnh – TP. Hồ Chí Minh. Lăng Ông đã trở thành điểm hoạt động tín ngưỡng, điểm đến tâm linh của người Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh miền Nam. Lê Văn Duyệt sống mãi trong lòng nhân dân Sài Gòn – Gia Định và miền Nam nước Việt.
Năm 2000, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng khoa học TP. HCM, Tạp chí Xưa và Nay đã mở Hội thảo về Lê Văn Duyệt. Qua cuộc Hội thảo, các nhà sử học, các giáo sư chuyên ngành và các học giả có tên tuổi trong nước đều có chung một nhận định:
-”Lê Văn Duyệt là một tài năng lớn về chính trị, kinh tế, quân sự và trong các tư duy chiến lược của Lê Văn Duyệt có sự kế thừa từ các anh hùng dân tộc trước đó”.
LÊ NGỌC TRÁC
Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
- Toạ đàm về Lê Văn Duyệt của Nam Tiến (TC Xưa & Nay, số 78B/2000).
- Những đánh giá về Lê Văn Duyệt của Nguyễn Minh Tường (TC Xưa và Nay, số 304/2008).
- Đại Nam liệt truyện.
- Lê Văn Duyệt và lịch sử của Nguyễn Hạnh (TC Xưa và Nay, số 304/2008).
- Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (1999).
- Từ điển nhân vật lịch sử VN của Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế (1999).
- - - - - - - -
Trang 72
NỖI ĐAU MẤT MẸ
Ngày mất Mẹ con ưu sầu tê tái
Cả bầu trời như long lở từ đây
Mẹ ơi,Mẹ! con cam đành bất hiếu
Biết làm sao xa cách “biển trùng khơi”.
Quê hương ta nửa trái đất xa vời
Hai đất nứơc, hai khung trời khác biệt ...
Hồi tưởng lại lòng quặn đau nhức nhối!
Sáu năm rồi, con không về qưê cũ
Thăm mẹ gìa và: ôn cố tri tân”.
Kể từ đây Mẹ yên nghỉ dứơi mộ phần
Tìm đâu được? nghìn năm xa vĩnh biệt.
Thượng đế hỡi! đưa Mẹ về thế giới
Sống an lành miền cực lạc thần tiên.
Philadelphia, ngày 29-9-2005
Cao Văn Chư
Đọc tài liệu cũ: Quan niệm chiến tranh của chuyên gia Mỹ
Nếu có một cuộc chiến tranh toàn diện xảy ra, theo ông Wohlstetter, một chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng “đối phương có thể sẽ hạ thủ trước”. Vì thế, ông chú trọng đến những phương án mà những người lãnh đạo Mỹ phải dùng đến: vũ khí.
Cụ thể, ông Wohlstetter đề nghị các giới chức Mỹ nên áp dụng chính sách ngăn chận từng bậc (graduated deterrence): chấp nhận rằng Mỹ có thể có những chiến tranh hạn chế (limited wars). Trong những cuộc chiến tranh này, Mỹ có thể dùng cả vũ khí nguyên tử chiến thuật (tactical nuclear arms) cùng với những vũ khí chính xác và khôn ngoan, khi cần mà không cần được sự đồng ý hay hậu thuẩn của bất cứ tổ-chúc, liên minh, quốc gia...nào.
(LCT sưu tầm)
- - - - - - - -
Trang 73
MAY ÁO TẾT
Võ Hữu Cảnh
Hồi còn nhỏ tôi chỉ mong sao cho mau đến Tết. Vừa ăn Tết xong là tôi đã hỏi dò chừng Tết sau và thời gian trở nên dài thăm thẳm. Chị Cả tôi bảo tôi đừng trông, còn lâu lắm, phải qua hết 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông, mỗi mùa có 3 tháng mà mỗi tháng là 30 ngày, không cách nào tôi có thể tính toán mà hiểu được! Chị bảo đến cuối mùa Đông, qua hết cái mưa lạnh thì sẽ đến Tết. Tôi co ro trong cái giá rét và đêm nào người ta lạnh cóng thì anh em tôi được nằm với bà nội phía dưới giường có trách than hồng sưởi ấm. Và rồi những ngày nắng ráo đến, lòng tôi lại háo hức mong đợi tháng Chạp, cái tháng được mọi người lớn trong nhà đều hứa may đồ mới cho anh em tôi.
Mùng mười tháng Chạp bà thợ may đến, trong xấc hành lý của bà ngoài quần áo còn có túi đồ nghề. Bà sẽ ăn ở với gia đình tôi từ 10 đến 15 ngày để may đồ cho chúng tôi. Mọi người trong nhà đều trông chờ và vui mừng đón tiếp bà. Bà thợ may cỡ 40 tuổi, Mẹ tôi thua bà mươi tuổi. Mẹ tôi dẫn bà vào chiếc phản gõ bên chái Tây rồi bà nội tôi ra, hai người ngồi ăn trầu nói chuyện rất là lâu. Mẹ tôi mang ra vài ba xấp vải phin trắng, một xấp lãnh đen và xuyến, bà lật qua lật lại nhiều lần và trằm trồ khen là vải rất tốt, đẹp, mịn. Bà nội tôi thân mật nói với bà thợ may là vải để dành từ lâu và nhắc “bà thợ may đã nhớ kỹ những điều tôi dặn chưa?” ý chừng là đứa nào đủ bộ, đứa nào áo dài áo ngắn, kiểu cọ ra sao. Bà thợ biết ý dạ một tiếng thật to giọng trầm xuống. Bà nội tôi về phòng.
Chiếc chiếu được xếp lại ngay ngắn, để sát vào bên trong vách, cái túi đựng đồ nghề bằng vải đầu trên thắt lại, có dây rút nhưng cái thước mộc vẫn ló ra hơn gang tay, bà cẩn thận để một góc trên mặt chiếu. Cái phản dành riêng cho bà thợ may, bà trải vải ra đo đo xếp xếp. Bà không có sổ ghi chép viết mực gì cả. Trong cái túi nghề có một cái kéo sắt, hai cái vạch bằng sừng trâu, một lớn một nhỏ; vài ba trục chỉ, một hộp đựng kim đủ cở; mấy miếng phấn đủ màu, đoạn dây nhợ và một cây thước mộc. Một thước mộc gần bằng nửa thước tây. Cũng do sự kiêng cử không được đo thước mộc vào người nên mới có đoạn dây nhợ! Chúng tôi chực sẵn, bà bắt đầu đo từ đứa lớn trở xuống. Đo đâu cắt đấy, xong một đứa thì bó lại và cứ thế sắp theo lớn nhỏ một hàng dài sát vách. Việc đo cắt không thể lộn xộn nhưng đến khi may thì đứa nào cũng có lý do chính đáng để xin may trước. Tôi mau mắn cầu cứu bà nội và được may trước.
Anh em tôi chạy ra vườn thơm sau nhà cắt những tàu thơm già đem vào. Bà thợ may đập dập tàu thơm, để sát trên mặt bàn lấy vành chén ăn cơm cào mạnh trên sóng thơm. Sau khi lớp vỏ nát hết những sợi chỉ lộ ra: chỉ thơm. Chỉ thơm dùng để lượt trước những đường may cho ra dáng một cái áo hoặc quần, sau đó mới may bằng chỉ vải. Bà cho mặc thử những chiếc áo nầy để chỉnh lại dài ngắn chật hẹp.Thích quá có đứa không chịu cởi bà cũng cho mượn mặc lâu lâu. Ngày đầu chuẩn bị đâu vào đó, sáng hôm sau bà dậy sớm và bắt đầu may cho tôi.
Thường thì một chiếc áo người lớn may xong trong một ngày. Vậy là quá xế chiếc áo của tôi gần đến lúc may túi, tôi luôn ngồi sát bên bà và nhắc bà cho hai cái túi to to. Không cần kết nút tra khuy tôi mặc ngay vào, ghim vài ba cái kim băng tôi chạy khắp xóm khoe áo mới. Chiếc quần thì nhanh hơn bà tỉ mỉ lận một sợi dây lưng dài có gút hai đầu. Thế là tôi có một bộ bà ba vải phin trắng cổ viền đẹp tuyệt vời. Mặc vào ai cũng khen, tôi cố giữ sạch sẽ, vài ngày sau mẹ tôi giặt thật kỹ và xếp ngay ngắn cất vào tủ đợi Tết. Anh tôi có chiếc áo vạc hò mặc vào trông rất chửng chạc. Chưa hết, anh tôi còn được may một cái áo dài mới bằng vải xuyến, còn tôi thừa hưởng cái áo dài cũ của anh, nói là cũ nhưng anh chỉ mặc qua một cái Tết, còn mới lắm. Tết năm đó cả hai anh em tôi được mặc áo dài. Đứa em gái gần tôi cũng mặc áo dài bằng nhung lấy từ chiếc áo nhung cũ của mẹ tôi và qua bàn tay khéo léo của bà thợ may, nó vừa vặn, mềm mại không ai biết là nhung từ áo cũ. Chị tôi mặn mà trong bộ đồ lãnh còn thơm mùi vải mới.
Những năm sau, thời Việt Minh chúng tôi không được may những vải đắt tiền nhưng năm nào mẹ tôi cũng có nguyên một cây vải ta trắng và chúng tôi lại được chính tay bà thợ may năm nào cắt may. Tôi lại có niềm vui khác, chỉ với một bộ đồ đó tôi có được ba lần khoe đồ mới. Khi màu trắng đã quá cũ kỹ, mẹ tôi cho nhuộm màu nâu, hết màu nâu đến màu đen, ôi bộ đồ bà ba đen thích thú làm sao!
Võ Hữu Cảnh
Câu đối Tết:
Nực cười thay: nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà Tết.
Thôi cũng được: rượu có, nem có, bánh chưng cũng có, thừa chơi!
Trần Tế Xương
- - - - - - - -
Trang 75
VIẾT BÊN GIÒNG SÔNG VỆ
Quê hương tôi miền Trung bình dị lắm
Bát cơm nghèo hai bữa độn ngô khoai
Manh áo vải bốn mùa hăng bụi đất
Đường gân thô sớm tối giữ tay cày
Vồng lang tím hoa lay đùa gió nhẹ
Hàng keo gầy ôm ấp mộng bình yên...
Ngày binh lửa dấy tràn nơi xóm nhỏ
Lũy tre già gục mặt khóc măng non
Bông bụt đỏ xác nhầu vương thuốc súng
Chưa biết gì sao nghẹn ứ đau thương
Tôi bỏ xứ tha phương từ độ ấy
Lòng rơi theo hoa sứ rụng sân trường
Chiều tháng Chạp trở về bên sông Vệ
Dòng nước này đang đổ xuống làng tôi
Sông thì chảy mà không đò xuôi ngược
Tôi ngẩn ngơ như mất Mẹ bên đời...
Hoàng Trần
- - - - - - - -
Trang 76
THU XÀ, ĐỊA DANH NỔI TIẾNG
Thinh Quang.
Thu Xà, một phố nhỏ xinh xắn, nằm về phía đông cách thị xã Quảng Ngãi 10 cây số ngàn... đã từng một thời vang bóng. Vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 19 và hơn 4 thập niên đầu của thế kỷ 20, Thu Xà được xem là một trong những thành phố phồn vinh nhất trong nước, kể cả 3 miền Nam-Trung-Bắc. Phố nhỏ xinh xắn này được dựng lên vào giữa thập niên 50 của thế kỷ 19, dưới triều vua Tự Đức thứ 9 (1856).
Thu Xà nằm trong lòng làng Tiên Sà thuộc huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, lúc ban đầu gọi là “vạn” Tiên Sà - nơi tập trung của các thuyền bè để buôn bán hoặc trao đổi hay bốc dỡ hàng hóa xuất nhập bằng đường biển.
Theo truyền thuyết thì nơi đây ngày xửa ngày xưa là vùng đất có Tiên giáng hạ cùng nhau chơi cờ trên các bè tre vào những đêm thu trăng thanh gió mát. Có lẽ vì vậy mà người xưa đặt tên cho nó là Tiên Sà, bởi “Sà” có nghĩa là chiếc bè được kết lại bằng tre.
1. THÀNH PHỐ NHỎ MỘT THỜI VANG BÓNG
Làng Tiên Sà không biết thực sự có từ bao giờ, nhưng triều đình ta đặc biệt lưu ý đến vùng này sau khi vua Gia Long xưng đế hiệu (1802) và được triều đình Thanh sắc phong năm 1804. Sở dĩ được triều đình lúc bấy giờ ngó mắt đến vì thuyền tàu của người Thanh từ vùng Hoa Nam xuôi đến thường ghé lại cửa Đại và mang tơ lụa vào làng Tiên Sà - một địa phương rất thuận tiện cho việc buôn bán hoặc đổi chác các thổ sản như đường, ngô, sắn và lâm sản như gỗ quý và các loại quế.
Số người đi tàu thuyền đến Tiên Sà thì đông song trở về lại Trung Hoa thì ít. Đa phần họ được bố trí ở lại để trông nom hàng hóa hoặc đại diện phân phối hàng. Nhưng có điều chắc chắn là gần như số đông di dân này vì sinh kế nên tìm cách ra khỏi nước và ở hẵn lại nơi đây.
Từ đó, khối người đông đảo này tụ họp lại thành chợ rồi như vết dầu loang dần ra. Các kho hàng được dựng lên để nhập hàng hóa từ các tàu buồm khác đổ đến. Họ trở thành là trung tâm phân phối hàng sỉ đi các nơi trong tỉnh và luôn cả những tỉnh khác nếu cần đến họ. Họ bắt đầu xây nhà cửa, lúc đầu chỉ năm ba chục nóc gia rồi dần dà sau đó mở rộng thêm ra đến hàng trăm ngôi nhà tùy mức tăng trưởng số người mới di dân đến.
Khi phố nhỏ ở Tiên Sà bắt đầu hình thành thì nền kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn òi ọp lắm. Sự lưu thông bằng đường bộ còn gặp lắm trở ngại, tất cả đều trông vào đường biển. Vì vậy mà vạn Tiên Sà càng ngày càng thịnh vượng. Các tàu buồm chở hàng hóa từ biển vào qua cửa Đại, An Chuẩn. Người Pháp bắt đầu chú ý. Họ đưa quân đội viễn chinh đến xây đồn, đắp đường sá, quy hoạch lại Phố Nhỏ và đổi tên lại là phố Thu Xà (có thể người viết chữ “Xà” là không đúng, mà là “Sà”. Nhưng dù sao cũng đã thành giấy trắng mực đen và dân chúng đều gọi bằng tên Thu Xà).
Viên Chánh sứ tỉnh cho vời và buộc viên Bố chánh cùng với viên Tri huyện Tư Nghĩa phải ký vào sớ tâu về triều đình Huế lúc đó là vua Hàm Nghi (1884-1885) nhường lại phố Thu Xà cho Pháp làm đất nhượng địa.
Chiều dài của thành phố từ địa đầu đất làng Tiên Sà cho đến địa đầu làng Phước Lộc sau đổi thành Phước Long lối hai cây số ngàn. Đầu phố và cuối phố đều có xây trụ bằng xi-măng và khắc chữ “Centre Urban de Thu Xà” và chiều ngang cũng có trụ cột tương tự. Bề ngang của thành phố từ đầu làng Hà Khê đến gần một phần đất sâu vào lòng xã Phú Cường cũng khoảng một cây số ngàn.
Kể từ ngày Thu Xà đặt dưới quyền cai trị của người Pháp, mọi thuế khóa, môn bài, giấy phép xuất nhập cảng, kể cả các cuộc tố tụng của dân chúng địa phương đều do người Pháp thụ lý. Các quan chức của triều đình Huế tuyệt đối không được quyền lý đến.
Dân số Thu Xà không chừng. Vì là một thành phố thương mại tiếp nhận thương nhân từ khắp mọi nơi đến, nên dân số tùy theo thời điểm mà lên hay xuống. Giai đoạn cao nhất là từ tháng Giêng âm lịch đến cuối tháng Sáu. Vào thời gian này thường có vào khoảng trên dưới vài nghìn Hoa thương từ miền Nam Trung Hoa hay từ các tỉnh thành trong nước đổ xô về thu mua thổ sản. Và bắt đầu từ tháng Tám đến cuối tháng Chạp thì họ lại tản mác trở về quê quán ở Trung Hoa hay các tỉnh thành nơi họ sinh sống để nghỉ ngơi.
Nhận thấy Thu Xà quả là một thị trường có thể thu về nguồn lợi lớn nên một trong những công ty hàng đầu của Pháp là L.U.C.I.A. nhảy vào mở chi nhánh bán các loại hàng như vải vóc, tơ sợi để tranh lại với các loại hàng tơ lụa của Tàu nhập cảng ồ ạt vào cửa biển này. Hai công ty bán dầu hỏa như hãng xăng Shell tức hãng Con Sò của Hoa Kỳ và Socony của Pháp cũng thiết lập các kho để chứa dầu bán ra cho dân chúng trong toàn tỉnh và luôn cả các tỉnh ở miền Trung như Bình Định, Phú Yên...
Người Pháp nhận thấy nguồn lợi chính lúc bấy giờ là các loại thổ sản đang nằm trong tay người Hoa độc quyền thao túng, bèn mở ra một cơ quan bán chính thức lấy tên là Liên Đoàn Thu Mua Các Thổ Sản ngay tại Thu Xà dưới quyền của một ông Đốc-tờ điều hành tục gọi là Đốc Thi.
Mọi phương tiện giao thông bằng đường bộ thì ngoài con đường tỉnh lộ Thu Xà - Quảng Ngãi đắp bằng đá bắn, dài 10 cây số, còn có các trục lộ “tư ích” chạy từ Thu Xà dến các địa phương lân cận nhu Phú Thọ, Vạn An, An Chuẩn, Long Phụng... Thu Xà còn có một nhà bưu điện riêng, một nhà đèn điện thường từ đầu phố đến cuối phố. Dân chúng Thu Xà nhờ có nền kinh tế phồn thịnh nên đời sống được xem cao hơn các vùng khác trong tỉnh. Người dân ở phố thị này sống với nghề thương mãi. Có tiền thì mở tiệm tùng, không tiền hoặc đi làm công, hoặc hành nghề “cân ký”. Nghề này rất thịnh hành. Họ chỉ cần sống với cái miệng và chân tay nhanh nhẹn. Đây là nghề làm trung gian giữa các chủ thuyền chở thổ sản từ các vùng quê đến ngay con sông đào sát phía sau thành phố với các ông chủ những cửa hiệu người Hoa. Chỉ cần trúng mối một ngày là họ có đủ tiền chi tiêu cho gia đình suốt tháng.
Đặc biệt, một năm các thương gia buôn bán chỉ sáu tháng. Còn sáu tháng sau cùng thì nghỉ ngơi, dành cho chuyện cúng bái, vui chơi, giải trí hoặc trở về quê hương... để rồi sau đó họ trở lại với công việc khai thác tiền bạc như thường nhật.
Một đặc điểm khác nữa, dân chúng ở đây chỉ buôn bán làm ăn ban ngày, ban đêm dành trọn cho việc nghỉ ngơi và giải trí. Người Hoa thường tập trung nhau để hòa nhạc hay ăn uống hoặc đánh mạc-chược...đúng như lời của Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil nói:
-”Không có danh từ bi quan ở phố thị này, mà chỉ có những niềm vui lúc nào cũng tràn ngập”.
Thật vậy, Thu Xà, ngoài công việc bon chen buôn bán, họ cũng nghĩ đến các cuộc vui giúp cho tinh thần thoải mái. Ngoài các gánh hát cải lương của Phùng Há, Năm Phỉ, họ còn thuê bao các gánh hát từ Hương Cảng hay Quảng Đông sang trình diễn. Thỉnh thoảng cũng có những đoàn xiếc như Tạ Duy Hiển với các đàn thú như voi, cọp v.v... Nhờ vậy mà khách bốn phương kéo về Thu Xà ngày một đông đảo hơn.
Thu Xà, ngoài dân địa phương nằm tronng khu nhượng địa, còn có 2 làng không có địa bộ, mà người dân được hưởng quy chế theo như người Hoa lúc bấy giờ, đó là làng Minh Hương và làng Tân Thanh. Làng Minh Hương của người Minh, tức người đời nhà Minh (1368-1644) bên Tàu sang, nhập Việt tịch được thành lập một làng riêng, không có đất đai riêng, nhưng có quyền mua đất của dân bản địa để thiết lập chùa chiền, nhà hội. Làng Tân Thuộc, sau cải lại là Tân Thanh cũng vậy. Những người này sang Việt Nam từ đời nhà Thanh (1644-1911) nên gọi là Tân Thanh. Người lãnh đạo của xã không gọi là Xã trưởng hay Lý trưởng mà gọi là Thuộc trưởng, đặt dưới quyền cai trị của Chánh sứ tỉnh.
Thu Xà cũng là nơi sản sinh lắm nghệ sĩ nổi tiếng. Về âm nhạc thì có nhạc sư Trần Cang tức Trần Quang Cang, là tay vĩ cầm từng được các nhạc sĩ trứ danh ở Pháp ca tụng. Thi ca thì có các nhà thơ Bích Khê, Trúc Nam, Mộng Đài, Tùng Khê (bào huynh nhà thơ Bích Khê). Ngoài ra còn có nhà văn, nhà báo tên tuổi như Lạc Nhân, Ngọc Sương, Thinh Quang...
Người Hoa kiều ở đây gồm có 4 bang: Phước Kiến, Triều Châu, Hải Nam và Quảng Đông. Mỗi bang đều có chùa và nhà hội cũng như trường học riêng (dạy bằng Hoa văn). Tuy nhiên, để tỏ ra đoàn kết, họ chung tiền cùng nhau lập thêm một ngôi chùa có tính chất thờ phượng chung không phân biệt bang giới. Đó là chùa Tứ Bang, hiện nay vẫn còn tàng tích ở Thu Xà. Ngoài ra, tất cả Hoa kiều phố Thu Xà dựng thêm một công sở, nơi cuả toàn thể Hoa kiều làm việc chung khi cần có lễ lạt của họ.
Năm 1934, Hoàng đế Bảo Đại vi hành đến Thu Xà với mục đích vừa thăm thành phố thịnh vượng lúc bấy giờ, vừa để sắc phong ngôi chùa Hải Nam thờ 108 ông nổi tiếng linh thiêng. Nhân dịp này, nhà vua Bảo Đại ban tặng Bắc đẩu Bội tinh cho các vị Bang trưởng nơi đây đã có công xây dựng nền kinh tế, chẳng những cho toàn tỉnh Quảng Ngãi, mà còn luôn cả cho mấy tỉnh miền nam như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, góp phần không nhỏ cho toàn bộ nền kinh tế ở Trung Kỳ.
Tóm lại, Thu Xà là một phố thị tiên phong xây dựng nền kinh tế cho tỉnh nhà. Nhưng kể từ ngày con đường xe lửa xuyên Việt cũng như quốc lộ số 1 hình thành, đường thủy trở nên thứ yếu. Trục giao thông thương mại tập trung bằng đường bộ. Bắt đầu từ đó, Thu Xà suy thoái dần, nhường lại cảnh thịnh vượng cho thị xã Quảng Ngãi.
Ngày nay thì Thu Xà đã gần như hoàn toàn chìm trong quên lãng. Nếu gợi lại hình ảnh xa xưa này, thì phố nhỏ đó chỉ còn là một thời vang bóng.
2. THU XÀ NGÀY XUÂN: TẾT VÀ TẬP TỤC
“Vui như ngày Tết” - câu thành ngữ đã nói lên ngày được mọi người xem là long trọng nhất, vui vẻ nhất và ồn ào nhất trong năm. Ngày Tết chẳng riêng ai mà của khắp mọi nhà. Giàu cũng Tết. Nghèo cũng Tết. Cao sang cũng Tết mà thấp hèn cũng Tết. “Tối 30 còn nợ réo ngoài sân...” chạy vắt giò lên cổ hầu giải quyết êm xuôi mọi chuyện để được cảnh “Sáng mồng một chúc mừng năm mới”...hầu quên đi bao nỗi lận đận của năm rồi, mà đón chào mùa nắng mới với bao nhiêu hy vọng mới...thơ thới hơn và thịnh vượng hơn...
Năm nào cứ mỗi lần nắng mới đầu xuân đến, không ai mà không có một niềm hy vọng mới, sáng sủa, thịnh vượng và an bình hơn... Ai cũng thích mùa xuân đến, song có điều không mấy ai tìm hiểu được cội nguồn của ba ngày Xuân Nhật xuất phát từ bao giờ?
Theo Trung Quốc cổ đại thì mùa Xuân có trước thời Thương Chu, căn cứ vào cách tính lịch pháp lúc bấy giờ một năm chỉ có hai mùa Xuân và Thu. Nhưng về sau, cứ theo Mặc tử - Thiên chí và Quản tử - Ấu quan đồ, tính thêm được hai mùa Đông, Hạ, lịch pháp từ đó gọi là “Xuân Đông Thu Hạ”.
Nhưng sau đó căn cứ vào sự chuyển vận thời tiết của đất trời các nhà làm lịch pháp phân ra rõ ràng thành Xuân, Hạ, Thu, Đông gọi là tứ quý hay tứ thời... Bốn mùa xoay chuyển là điều hệ trọng đối với vấn đề canh tác... Sự sống là điều cần thiết. Cái ăn, cái mặc không thể thiếu của con người. “Xuân sinh, Hạ trưởng,Thu thâu, Đông tàng” cho ta thấy rõ ràng về ý nghĩa của từng mùa vụ như Xuân thì cây cối đâm chồi nẩy lộc, Hạ thì cây cối lớn lên, Thu thì gặt hái, Đông thì tàng trữ...
Quan niệm của cổ nhân mỗi mùa có mỗi vị thần linh cai quản. Khí Xuân mát mẻ mưa gió thuận hòa nên cây cối xanh tươi, trăm hoa đua nở, cảnh trí xinh tươi đẹp đẽ có bướm lượn, ong vờn, chim hót líu lo chào mừng ngày nắng mới... Thần Mùa Xuân cai quản ở phương đông. Mùa Hạ là mùa biểu trưng của bính đinh hỏa, biểu thị cho mùa đỏ thắm, có thần phương nam trông nom, chăm sóc...Mùa Thu màu trắng, ngày canh tân kim có thần Mùa Thu trấn giữ ở phương tây. Và...cuối cùng là mùa Đông ở phương bắc, mùa có nhâm quý thủy biểu thị cho cả vòm trời mây đen bao phủ, mưa gió bão bùng.
Lịch pháp Trung Hoa vốn theo nông lịch, lấy mặt trăng làm con đường đi và sự sống của con người phải tùy thuộc về chu kỳ tròn khuyết của mặt nguyệt vận hành một vòng quanh trái đất. Kể từ ngày Hán Vũ Đế áp dụng Hạ chính nên lấy tháng Dần làm đầu năm, kế đến tháng hai là Mão, tháng Ba là Thìn v.v… Thời kỳ này cứ mỗi lần Xuân về, Tết đến... người dân vui Xuân thường dán câu liễn bốn chữ “Đẩu Bính Hồi Dần” - ý nói chuôi sao Bắc Đẩu lại trở lại về Dần...biểu thị cho mùa nắng mới trở về ngự trị giữa trần gian sau ba tháng bão bùng gió mưa, giá rét.
Cứ theo Lễ Kí - Nguyệt lệnh gọi “Chính nguyệt” là Thái thốc, nhị nguyệt Giáp chung, tam nguyệt Di tắc v.v... Cổ nhân còn diễn tả hình dạng của mặt trăng và mỗi ngày mang một tên riêng biệt như Một là Sóc - ngày mà nhà vua hàng tháng phải vào miếu cáo với thần linh do đó mới có từ “Cáo Sóc” v.v...
Các “tiết” trong mùa cũng tuần tự xuất phát. Người ta có thể tìm hiểu phương pháp và cách sử dụng lịch pháp, song khó lòng tìm ra ngày Xuân đầu tiên xuất hiện từ bao giờ! Có sách ghi rằng Ân Khư đào được giáp cốt văn ở thôn Tiểu Đồn - Anh Dương, Hà Nam - một mảnh xương bả vai trâu ở thời Vũ Ất - nghiên cứu và biết được lần nhật thực đầu tiên xuất hiện dưới thời Xuân Thu, qua các chữ khắc 60 Giáp Tý cách đây vào khoảng 720 năm trước Công Nguyên.
Kể từ đó mới đưa ra số ngày được xem là tối hệ trọng gọi là Tiết Nhật. Như Nguyên Đán là ngày Mồng Một tháng Giêng về sau gọi là Nguyên nhật. Đây là ngày được toàn thể dân chúng xem là vui nhất trong thiên hạ. Về sau mọi người đều lấy ngày Nguyên Đán làm ngày đầu của năm mới. Mọi người cùng nhau tổ chức cúng kiếng linh đình. Ngày này gọi là Quá Niên tức Ăn Tết.
Có sách ghi là Xuân tiết có nguồn gốc từ lễ lạp tế tức lễ cúng vào những ngày cuối cùng của tháng cuối năm xuất hiện từ thời nguyên thủy, khi mà con người mới biết dùng lửa. Người nguyên thủy tìm bắt các loài dã thú hoặc tự mình sản xuất ra để dâng cúng cho các thần linh và tổ tiên ông bà. Kể từ đó mới có các tập tục xuất hiện, và giữ mãi cho đến ngày nay.
3. TẬP TỤC NGÀY TẾT.
Ngày Thu Xà chưa thành hình, chỉ là một “vạn” - nơi tụ hợp các ghe thuyền - các nhà hàng hải Trung Hoa từ phương Bắc tìm đến để trao đổi hay mua bán các mặt hàng. Tương truyền, người hàng hải đầu tiên đến vạn Thu Xà là người thuộc tỉnh Chiết Giang, dải đất bắt nguồn của nền văn hóa Ngô Việt.
Tục lệ đưa Ông Táo về trời thường cúng vào ngày 23 hay 24 tháng Chạp. Vốn sự tích trước kia người Chiết Giang cho rằng Táo Quân tai bị nghễnh ngãng không nghe rõ câu chuyện lỗi lầm ở Hạ giới, khi về báo cáo sai lệch lên Ngọc Hoàng Thượng Đế, khiến bá tánh ở trần gian bị nhà trời trừng phạt oan uổng. Do đó các thức ăn người trần thế bảo nhau cúng xôi hay bánh chưng, bánh tét mục đích để miệng của Táo Quân bị dính chặt lại không còn có thể đặt điều báo cáo sai lệch được nữa.
“Bữa cơm chiều 30 Tết” là bữa cơm thịnh soạn nhất để dâng lên bàn thờ tổ tiên “Rước Ông Bà” về dương trần cùng con cháu vui ba ngày Xuân Nhật. Cúng kiếng xong là cả gia đình quây quần ăn uống bên nhau.
Theo người tỉnh Chiết Giang thì trong bữa cơm cúng rước tổ tiên không thể thiếu đi được cái khoai lang bày lên bàn thờ để cầu xin cho con cháu được dư dũ bằng năm bằng mười năm cũ. Khoai lang người Trung Hoa gọi là “VU” có âm đọc giống như chữ “DŨ” hay chữ:”DƯ” có nghĩa là dư thừa, đầy đủ.
Thành ngữ Trung Quốc có câu: “Đêm 30 là ăn, sáng Mồng Một là mặc”, vì vậy mà tất cả mọi người đợi đến sáng ngày Nguyên Đán đua nhau ăn mặc quần áo mới sặc sỡ đủ màu. Ngày Mồng Một dành riêng chúc mừng cho các bậc tôn trưởng trong thân tộc. Sau đó bắt đầu từ ngày Mồng Hai trở đi...họ mới bắt đầu đi đạp đất chúc tụng lẫn nhau bằng các lời lẽ tốt đẹp nhất để mong rằng tất cả mọi người đều được an bình, thịnh vượng.
Người Phổ Giang sơn cước có nhiều phong tục Tết thật phong phú. Như họ có lễ Nghênh Hội và Vũ Trường Đăng - một điệu vũ nổi tiếng nhất về nghệ thuật vũ lộng. Hàng trăm cô gái mỹ miều cầm đèn lồng đủ màu sắc nhảy múa, uốn lượn uyển chuyển trông hệt như rồng uốn khúc. Năm 1930 điệu vũ Trường Đăng còn biểu diễn tại Thu Xà, được hàng ngàn người khắp các miệt đồng quê cũng như các phố thị của các tỉnh khác đổ xô về chiêm ngưỡng. Nhưng về sau thì điệu vũ này bị thất truyền và cũng chẳng ai chịu sưu tập lại.
Sau dịp Tết, ngày 13 tháng Giêng, người dân Phổ Giang còn có lễ hội truyền thống được gọi là “Nghênh Hội”. Trong lễ này có tiết mục khá độc đáo là các nhi đồng được hóa trang như các nhân vật lịch sử đứng trên chiếc bàn gỗ bốn chân được trang hoàng sặc sỡ diễn lại các vở tuồng thần thoại như vở Ba Lần Đánh Bạch Cốt Tinh hay Khương Thượng câu cá chờ ngày ra phò vua giúp nước.
Về sau, “Nghênh Hội” biến thành “Chưng Cộ” bắt đầu xuất hiện từ năm 1930 - thời kỳ Phố Nhỏ Thu Xà ở vào giai đoạn phồn vinh nhất. Lễ “Nghênh Hội” thường xuất hiện vào mùa Vu Lan, được các bang hội Phước Kiến, Triều Châu và Hải Nam thi nhau chưng bày các sự tích trên các bàn cộ.
Các tập tục bắt đầu xuất hiện từ Ngũ đại, đây là thời kỳ thiên hạ đua nhau dán các câu đối Xuân hoặc các bức họa có hình ảnh Thần Đồ, Úc Lũy hay Trần Thúc Bảo, Uất Trì Cung. Theo họ đó là những vị thần “giữ cửa” cho dân chúng. Các tà ma, quỷ quái khi nhìn thấy có sự hiện diện của các vị thần này đều lánh xa không dám đến quấy phá nữa. Ngoài ra còn các tập tục đốt pháo đuổi tà ma, uế khí, múa rồng hay múa lân như ngày nay vẫn thấy còn được dân chúng mang ra vui mừng ngày Xuân nhật v.v...
Nền văn hóa tỉnh Sơn Tây thuộc Trung Quốc xâm nhập tại phố Thu cùng thời gian với nền văn hóa Ngô Việt, trong đó có điệu “Múa Trống Sơn Tây” được nhiều ngưới hâm mộ. Đây là một điệu vũ độc đáo. Nhưng đến năm 1935 thì không còn thấy xuất hiện nữa. Ngày nay các khách du lịch sang Trung Hoa đúng dịp Tết hầu hết đổ về Sơn Tây để được thưởng thức vũ điệu độc đáo của tỉnh này!
Năm 1938 là năm cuối cùng tại Phố Thu người dân ở đây được chứng kiến điệu múa trên cao của dân tộc Tàng theo một gánh hát Tàu sang biểu diễn. Đây là điêu vũ múa từ trên cao, khó luyện, nên chỉ một lần được thưởng thức tài nghệ và sau đó thì chẳng còn có dịp được xem lần nào nữa cả. Cùng với thời gian này ở Phố Thu, dân chúng còn được thưởng thức các cuộc bơi thuyền của đoàn nghệ sĩ Quý Châu và Quảng Tây hay những cuộc đua thuyền rồng trên dòng Sông Vực, nhưng ngày nay thì tất cả đã đi vào dĩ vãng.
Phố Thu ngày nay không còn nữa. Lớp người cũ đã ra đi lớp mới từ các đia phương lân cận kéo về chiếm ngụ. Những dấu tích của Thu Xà ngày xưa hoàn toàn biến mất. Tất cả giờ đây chỉ còn lại trong ký ức của mọi người. Nếu còn chăng thì âu chỉ là con “Đường lên hội quán sương sa xuống”, nhưng “Những nàng lai Khách mắt buồn mơ” theo lời thơ của Bích Khê thì chỉ còn là vang bóng một thời, vĩnh viễn chẳng tìm ra được nữa!!
4. NẾP SỐNG VĂN HÓA VÀ CÁC TẬP TỤC ĐỘC ĐÁO TẠI PHỐ NHỎ THU XÀ.
Phải nói rằng Thu Xà có những nếp sống gần như độc đáo. Thật vậy, Thu Xà là một địa phương có những sắc thái văn hóa khác thường mà nhiều tập tục không thấy có trên toàn cõi đất nước này.
Tiếc thay các nhà làm văn hóa trong nước đã không hề biết đến, ngay cả “Non Nước Xứ Quảng” của Phạm Trung Việt, một địa phương chí được ấn hành từ thập niên 60 của thế kỷ trước cũng không thấy ghi nhận các đặc điểm mà đáng lý ra không nên để thiếu sót như thế này được.
Có người cho rằng nếp sống văn hóa tại phố nhỏ Thu Xà hoàn toàn ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa. Không hẳn phải như vậy. Đành rằng phố thị có tính chất lịch sử về văn hóa này được dựng lên từ sự quy tụ của những thương thuyền đến từ các tỉnh miền Hoa Nam nước Tàu ngay trước cả thế kỷ thứ 17, đó là các tỉnh Phúc Kiến (nhất là vùng huyện Đồng An, Hạ Môn Sơn và huyện Chiêu An), tỉnh Quảng Đông thì đa phần ở phủ Sơn Đầu và Quỳnh Châu phủ thuộc đảo Hải Nam.
Khi số người di dân đến mỗi lúc một đông hơn, họ tổ chức thành từng “bang” quy tụ lại những người cùng quê hương với mục đích giúp đỡ nhau trong tinh thần tương thân tương trợ.
Thu Xà nặng về tinh thần Khổng Mạnh và tôn sùng Tín Nghĩa hơn là tôn giáo. Ngôi chùa Ông tức Quan Thánh Tự dựng lên ngay địa bộ Hà Khê thờ Đức Quan Công - một vị tướng đầy tiết tháo thời Tam Quốc - đủ nói lên điều này.
Thu Xà cũng chịu ảnh hưởng về tính Thần thoại. Có thể nói đây là phố thị duy nhất có các nhân vật sử dụng Vạn Pháp Quy Tôn như “vãi đậu thành ma” làm thành đạo âm binh để điều khiển một việc gì đó. Đây không phải là một huyền thoại, mà là một sự thật đã từng được mang ra biểu diễn trong một phạm vi hạn chế có tính cách mua vui trong chốc lát.
Thế nhưng, về sau bị mật thám Pháp theo dõi vì nghi ngờ là một tổ chức chính trị muốn lật đổ chế độ thực dân. Từ đó trò chơi Vạn Pháp Quy Tôn không còn nữa. Lúc bấy giờ, tuy Phật giáo đã xuất hiện từ lâu, song người dân phố Thu vẫn còn nặng với thuyết thiên nhiên của những tâm hồn trong trắng ở buổi sơ khai nguyên thủy. Có nghĩa là họ còn xem mọi hiện tượng tự nhiên là trọng và thờ cúng tổ tiên là điều phải làm.
Điểm đặc biệt là sự sinh hoạt của dân chúng phố Thu gần như trùng khớp với các lời thơ ở trong ca dao:
“Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè”.
Thật vậy. Tháng Giêng tất cả dù giàu có hay nghèo khổ cũng đều nghỉ, xếp lại mọi công việc làm ăn để đón mừng Xuân mới, dù rằng các sòng me Công Thoa đến tháng Hai mới chính thức mở cửa. Tết Đoan Ngọ được tổ chức vào ngày mồng năm tháng Năm âm lịch hằng năm cũng không kém bề thịnh soạn. Họ làm những xâu bánh ú tro cột giây ngũ sắc, bóc ra trong ruột màu vàng sậm chói trông thật hấp dẫn.
Ngày Xá tội Vong nhân vào Rằm tháng Bảy, còn được gọi là lễ Vu Lan, dù là ngày lễ chung của cả người Việt lẫn người Hoa, tuy nhiên, với người Hoa phố Thu thì đó là những ngày có những tập tục đặc biệt không tìm thấy ở bất cứ địa phương nào ở trong nước.
Người Minh Hương - làng của những người Việt gốc đời nhà Minh bên Tàu - tổ chức rước đèn Vu Lan. Ngôi chùa làng Minh Hương được dựng trên địa bộ của làng Hà Khê cũng thuộc trong phạm vi phố Thu Xà. Khoảng đất khá rộng lớn này làng mua của tư nhân dựng nên Tổ đình và được Công sứ Pháp công nhận và cấp cho “đồng triện” để ký công văn hoặc giấy tờ khi phải trình lên thượng cấp, tức lên Đồn trưởng Pháp tại Thu Xà đại diện cho viên Công sứ ở Quảng Ngãi.
Thành phố Thu Xà tuy nằm trong phủ Tư Nghĩa, nhưng không thuộc quyền cai trị của Triều đình nhà Nguyễn. Vì vậy mà Thu Xà có chế độ Bang tá, quyền hạn tương đương như một Thị trấn trưởng.
Sau lễ Vu Lan là các ngày hội lớn. Đặc điểm là từ ngày mồng mười, Thu Xà đã có các cuộc “chưng cộ” của các bang Phước Kiến, Triều Châu, Hải Nam thi nhau tổ chức riêng rẽ vào dịp này. Chưng cộ là hình thức xe hoa bây giờ.
Có điều đặc biệt lúc bấy giờ, các bang thường bị một số người âm mưu gây chia rẽ, xúi giục mang tất cả “nỗi giận dữ” của mình lên bàn cộ, các tệ hại của tứ đổ tường v.v... để biếm nhẽ nhau chẳng hạn. Để bảo vệ cho bàn cộ khỏi bị phá phách bởi đối phương - có nghĩa là của bang này với bang kia - cả hai bên đều phải chuẩn bị hàng trăm thanh niên lực lưỡng đi theo các bàn cộ của mình, mà bên trên có những diễn viên được hóa trang như các đào kép hát bộ trên sân khấu, nói lên ý nghĩa biếm nhẽ của mình về cái xấu của đối phương. Tất nhiên không tránh khỏi các cuộc xô xát xảy ra, mức độ nặng nhẹ tùy theo lời lẽ châm biếm của cả hai bên.
Sau những ngày chưng cộ là đến những ngày “xô cỗ”. Đây là lễ cúng cô hồn, uổng tử, theo quan niệm của dân gian, tức là những oan hồn sống vất vưỡng quanh năm suốt tháng không còn thân nhân trên thế gian cung cấp vàng mã, thức ăn v.v... bằng cách mọi nhà đều phải tham gia cùng nhau mang lễ vật đến đình bày ra cúng tế. Cỗ đa phần làm bằng các loại bánh như bánh ú, bánh ít lá gai, bánh thuẩn, bánh bò v.v...
Hình thức của cây cỗ như hình của kim tự tháp trên nhỏ dưới lớn, cao lối 2 thước tây, có đường kính lối chừng một thước. Trên đỉnh của cây cỗ được cắm hình bầu rượu như bầu của một đạo sĩ được bồi bằng giấy loại ngũ sắc... Sườn làm bằng tre, bên ngoài có ép bẹ của cây chuối phất giấy bổi hay giấy báo cũ. Xong xuôi người chủ của cây cỗ kết bánh đủ màu sắc theo ý mình như chữ cổ tự, hoặc bông hoa v.v...Nhiều người giàu có họ kết bằng trái cây như trái xoay chẳng hạn.
Những chuyên viên làm cỗ, dùng tre bẻ ra hình thù một con voi to lớn rồi lấy trái xoay có màu sắc như lông voi chấm hồ dán vào. Cũng có gia đình không đủ khả năng để cúng âm hồn thì làm loại cỗ rế. Loại cỗ này trông hệt như cái rế ngày xưa để đặt nồi cơm lên. Chiều cao của cỗ rế không hơn 5 tấc tây, bên trên để một ít bánh gọi là chút lòng thành kính.
Cỗ làm xong trong ngày, mang ra đặt trước sân hay ngoài cổng ngõ, ngay buổi trưa hôm tế lễ làng (nếu là làng Minh Hương) hay bang (nếu là bang Phước Kiến hay bang Hải Nam) thì một nhà sư cùng ban nhạc với bốn tên trai làng đến từng nhà kê vai thỉnh về chùa. Cỗ không mang vô chùa mà đưa lên một giàn tre cao lối ba thước tây và dài hơn 500 thước từ cổng chùa đến miễu Cây Khế nếu là ngày hội cỗ của làng Minh Hương.
Cũng có những nhà giàu mua cả con heo quay làm cỗ. Loại cỗ này thực tế hơn nên hàng ngàn người đến xem ngày hội đều đổ dồn mắt đến. Nơi đầu giàn là một cái chòi được cất cao lên cả thước tây, bên trong là một vị thần có bộ mặt mà người yếu bóng vía phải khiếp sợ. Vị thần này có tên ông Ba Tiêu, là vị thần cai quản các oan hồn uổng tử.
Khi đã lên đàn và cúng kiếng xong, các nhà sư vãi tiền (loại tiền kẽm ăn ba hay ăn sáu) xuống đất. Sau đó là những trai làng mạnh khỏe được tuyển chọn xô ngay giàn cỗ xuống khi có lệnh của nhà sư để cho những người nghèo khó đang đứng đó chầu chực suốt cả đêm bên dưới chụp lấy mang về. Cảnh hỗn loạn xảy ra cực kỳ nguy hiểm, họ có thể đè lên nhau, nhưng thật ra chưa có vụ nào bất hạnh như người ta dự đoán.
Không phải chỉ duy nhất người Việt gốc Minh Hương mới có tập tục xô cỗ mà cũng trong mùa Vu Lan này các bang Phước Kiến và Hải Nam cũng cúng đàn cỗ như vậy nhưng số lượng ít hơn.
Mồng một tháng Hai là lễ Vía Bà. Lễ Vía Bà được chùa Minh Hương tổ chức dành cho các bà hiếm muộn đến dâng hương cầu tự, các cô muốn kén chồng cũng dẫn nhau đến khấn vái.
Hội đốt pháo tổ chức trước ngày lễ Vía Bà, tức ngày rằm tháng Giêng. Bang Hải Nam chú trọng về thú đốt pháo dâng lễ lên ông bà. Ngoài đốt pháo trái, pháo tống hàng giờ, họ còn đốt cả pháo bông loại đặc biệt như pháo Bát Tiên, pháo Xay Lúa Giã Gạo từ dưới đất bắn lên. Loại pháo này mua tận bên Trung Hoa không thấy ghi địa danh nào.
Thu Xà - một thành phố kinh tế được xem là thịnh vượng nhất ở miền Trung Việt. Trong cuộc du hành đến viếng thăm Thu Xà và ban sắc chỉ cho 108 vị thần tại ngôi chùa Hải Nam của hoàng đế Bảo Đại, viên Khâm sứ Pháp - Graffeuil - tháp tùng theo phái đoàn đã tuyên bố bằng những lời lẽ đầy nhiệt tình trước khi ra về:
-”Tôi phải cổ võ nó, ca tụng nó, hoan hô nó và muốn nó sống mãi với thời gian và không gian”.
Ngày xưa người ta đến với Thu Xà thì dễ, song rời khỏi Thu Xà thì thật khó lòng mà thoát ra được. Đừng hỏi tại vì sao? Điều dễ hiểu là nơi đây phong cảnh hữu tình, có “đường lên Hội Quán”, có “dòng Hồng giang thơ mộng”, có những tập tục đặc biệt và cũng lắm “cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm” đã làm cho kẻ đến phải lưu luyến mãi mà bỏ đi không đành!
Thu Xà, địa danh thân yêu đã đi vào tâm khảm của bao người, trong đó có tôi!
THINH QUANG
Danh ngôn:
(Who can protest and does not is accomplice in the act)
Ai thấy điều sai trái cần phản đối, và có khả năng làm điều đó nhưng không làm thì trở nên tòng phạm với hành động sai quấy đó
- - - - - - - -
Trang 90
DÒNG SÔNG CÁT.
Trà-Khúc ơi!
Giữa mùa hè
Chỉ có thể gọi tên người:
dòng sông cát
Bên bờ Nam
Nhìn những người yêu nhau hóng mát
Trong mắt nhau họ có thấy sóng Sông Trà
Hay chỉ ngọn gió chiều mang theo bụi cát
Làm xốn mắt ai?
Ôi những bàn chân thả diều bé nhỏ
Có bỏng rát không em khi chạy giữa lòng sông?
Dòng dịu ngọt của một đời sông mẹ
Sao mỗi độ Hè về
Chỉ còn dào-dạt chảy
Trong mơ?
Cui-cút nhỏ-nhoi giữa hai bờ đèn màu rực-rỡ
Vóc mẹ gầy mòn...lay-lắt...héo-hon...
Con nước quanh co, con nước ngập-ngừng
Chảy tức-tưởi giữa ngoằn-ngoèo gờ cát
Du khách hỡi một lần thăm đất Quảng
Dòng sông nào níu được gót lãng-du?!!
Các con tôi mai này xa xứ
Ký ức nào mềm mại một dòng sông
Hay chỉ nhớ sông gầm gào giận dữ mỗi mùa Đông
Sóng xô dạt đôi bờ nát nhàu vườn rau của mẹ
Hay chỉ nhớ nắng Hè sấy khô dòng sông cát
Khúc hát bờ xe âm-vọng mơ-hồ!
Trà-Khúc ơi! Bao giờ...
Người trẻ lại?...
Trần Thị Cổ Tích.
(Trích trong www.nuiansongtra.net)
- - - - - - - -
Trang 91
ĐỊNH-LUẬT MURPHY (Murphy’s Law)
Lê Chánh Thiêm
Định-luật Murphy, còn được nhiều người gọi là “định-luật đầu độc” hay “định-luật bánh bơ”, do một người Mỹ tên là Edward Aloysius Murphy, Jr. nêu ra, sau đó, được nhiều người công nhận rồi lấy tên ông để đặt cho định-luật nầy. Dựa trên “nền tảng của sự ngẫu-nhiên”, định-luật này được đưa ra, chỉ với một câu ngắn gọn:
-”Nếu có hai hay nhiều cách để làm một việc gì thì một trong các tình-huống có thể đi đến thảm họa thì sự việc thường xảy ra theo chiều-hướng đó”
(If there are two or more ways to do something, and one of those ways can result in a catastrophe, then someone will do it).
1. Đại cương.
Đại Úy Edward A. Murphy Jr. là một kỹ-sư cơ-khí, phục-vụ trong Không lực Hoa-kỳ (Unites States Air Forces). Ngoài ra, ông còn là một triết-gia. Những lúc rảnh-rỗi khi không có công vụ, ông thường nghiên-cứu các môn triết-học, thần-hoc, toán học và vật-lý cao-cấp. Sau một thời-gian dài đúc-kết kinh-nghiệm từ cá-nhân mình, thân nhân đến những người quen biết và bạn hữu, ông ta đã công-bố định-luật này.
Edward Aloysius Murphy Jr. sinh ngày 11-01-1918 tại kênh đào Panama, là con nhỏ nhất trong gia đình có 5 anh chị em. Murphy tốt nghiệp Trung học tại New Jersey, theo học trường Võ bị West Point, tốt nghiệp năm 1940 và đảm nhậm công việc của một sĩ quan cơ khí. Trong Thế chiến thứ 2, Murphy từng tham chiến tại hải ngoại: Ấn Độ, Trung Hoa và Miến Điện trong Lục quân Hoa Kỳ. Murphy phục vụ trong quân ngũ Hoa Kỳ từ nằm 1940 đến 1952, cấp bậc sau cùng là Thiếu Tá trước khi giải ngũ.
Sau khi cỡi trả bộ quân phục, năm 1952, Murphy tham gia trong dự án nghiên cứu sức đẩy của hỏa tiễn tại Căn cứ Không quân Holloman rồi đến California tham gia các dự án khác. Tiếp sau đó, ông tham gia vào các nghiên cứu để hoàn thiện các thế hệ phi cơ lừng danh của thế kỷ 20 như F-4 Phantom II, the XB-70 Valkyrie, phi cơ SR-71 Blackbird, phóng pháo cơ B-1 Lancer hay chương trình chế tạo X-15. Thấp niên 1960, ông tham gia vào chương trình Appolo và sau cùng là nghiên cứu thế hệ trực thăng Apache mà Không Quân Mỹ còn dùng đến ngày nay. Ông mất vào ngày 17-7-1990.
2. Định luật Murphy ra đời.
Năm 1947, Murphy làm việc ở Học Viện Kỹ Thuật Không Quân Mỹ (US Air Force Institute of Technology). Tại Trung tâm Wright Air Development Center thuộc Căn cứ Không quân Wright-Patternson, vào năm 1949, Murphy được giao nhiệm-vụ nghiên-cứu trong một dự-án quân-sự có tên là MX 981. Đại-úy Edward Murphy, Jr. hiểu rất rõ nhiệm-vụ của mình mà thượng cấp chỉ-thị: “kết-thúc một chuỗi thử-nghiệm và báo-cáo cho thượng cấp về một thiết bị sẽ thiết kế trên những máy bay phản-lực thuộc Quân-lực Mỹ”.
Một trong những vấn-đề lớn của dự-án nói trên là chương-trình nghiên-cứu hậu-quả việc “giảm tốc đột-ngột” của động cơ dành cho các loại máy bay phản-lực. Để thực-hiện điều này, Murphy đã phải làm việc với 16 phi-công và gắn trên lưng mỗi phi-công tới 15 máy dò. Theo lý-thuyết và sau khi chế tạo hoàn tất, các máy này đã được thử, thí-nghiệm (test) rất kỹ, tất cả đều hoạt-động tốt để đưa vào sử dụng cho cuộc thí nghiệm. Các phi công bị buộc trong xe trượt tuyết gắn động cơ phản lực, khi xe dừng đột ngột, phản ứng của họ sẽ được ghi lại nhờ một hệ thống điện cực gắn vào bộ ghế ngồi do chính Edward A. Murphy thiết kế.
Bình thường, trong nhiều lần ông Murphy làm thí nghiệm với các phi-công thì các thử nghiệm đều hoàn hảo, máy móc hoạt-động êm xuôi. Thế nhưng vào những ngày có đông đủ các vị “tai to mặt lớn” (thượng cấp) đến dự để họ xem-xét, quan-sát và được nghe báo-cáo kết-quả, 15 máy này bỗng “đình-công” và Đại Úy Murphy không thu được một tín-hiệu nào nên không ghi được các số liệu sau một thử nghiệm mà tưởng chừng không có sai sót vì đã được chuẩn bị kỹ lưởng vì có mặt thượng cấp. Dĩ nhiên sau vài lần như vậy, ông bị thượng-cấp khiển-trách, bị gán tội “giỡn mặt” cấp trên và lệnh ban xuống cho biết: “chuẩn-bị ra tòa án quân-sự”, một hình thức kỷ luật mang tính quan-trọng.
Trước khi thi hành lệnh, Đại-úy Edward Murphy, Jr. yêu-cầu thượng cấp cho ông được kiểm-soát và làm thí nghiệm lại lần chót. Ông thấy tất cả các máy dò đều hoạt-động bình thường, các sợi dây nối với cơ-thể phi-công cũng hoàn-hảo. Cuối cùng ông ta tìm ra nguyên-cớ: thay vì lắp 15 máy theo chiều quy-định thì các kỹ-thuật viên lắp theo chiều ngược lại. Ông thở phào trong sung-sướng, thoát khỏi cay đắng và dĩ-nhiên được thượng cấp tha tội.
Từ trước đó rất lâu, trong cuộc sống dân sự và quân ngũ, Đại-úy Edward A. Murphy, Jr. đã bị nhiều vố nhớ đời, đến độ nghĩ ngay ra một điều mà chưa dám công-bố những nghi ngờ, uẩn khúc trong tâm mình. Ông nhớ lại kỷ-niệm của ngày nhận bằng tốt-nghiệp Đại-học. Hôm đó, vừa mặc chiếc áo mới trắng tinh ra phố, ông bị một chiếc xe nhà binh chạy bắn bùn dính đầy lên áo. Khi còn đi học, những lúc đến tiệm sách, ông thấy các loại sách mà ông cần dùng chất cả đống mà ông không có tiền trong túi, đến khi ông có tiền đến mua thì các cuốn sách đó không còn nữa. Lần dọn nhà sau cùng, ba đời chủ đã sống bình-yên trong căn nhà đó trước ông, đến khi ông dọn về thì cái cầu thang sập, rồi sau đó, ngọn đèn chùm tự nhiên rơi thẳng xuống đầu đứa con trai ông ta làm nó bị thương nặng. Những lúc cần đến chỗ hẹn đúng giờ, thay vì đi con đường chính, ông muốn ít tốn thời gian hơn nên chọn con đường ngắn hơn thì lại bị kẹt xe nên bị trễ. Ngoài ra, còn nhiều việc “không may” khác xảy đến cho ông và gia đình. Ngoài việc ông ta từng gặp nhiều rắc-rối trong cuộc sống, ông còn được nghe bạn bè, thân nhân kể lại các “nhiêu-khê” mà họ đã từng gặp. Từ đó, sau biết bao nhiêu lần thí-nghiệm và kiểm-chứng, ông cho công-bố định-luật mang tên mình này. Sau khi công-bố định-luật, ông nói:
-”Tôi không có ý-định bôi đen cuộc đời mà chỉ muốn các vị đề-phòng thường-xuyên. Một khi đã đề-phòng thì tránh được nhiều điều không vui, thế thôi!”.
Nhiều người cho rằng ông Murphy “suy bụng ta ra bụng người” và cho rằng sống mà lúc nào cũng nôn-nóng, cứ lo âu, luôn phân vân... thì khổ quá! Nếu có lo âu, suy tính như vậy thì cuộc sống không còn thi vị nữa. Giới khoa học xem đó là kết quả của “ký ức chọn lọc”, do những sự việc đáng buồn luôn ăn sâu trong tâm trí của Murphy nên cho làm tinh thần ông ta như vậy.
Vài tháng sau khi công-bố, định-luật Murphy được nhiều người chấp-nhận, một số đông còn cổ-vũ ông ta. Một trong các tổ-chức đã xem đinh-luật này là kim chỉ nam, đó là Không-lực Hoa-kỳ. Chín năm sau đó, nhà xuất-bản Oxford của Anh quốc soạn bộ “Từ-điển Oxford” có đưa định-luật này vào trong đó, cột nầy gọi là Murphy’s Law.
3. Tiền đề của định luật Murphy,.
Sau đây là những hành động xảy ra, là tiền đề cho định-luật Murphy.
Một bà mẹ phết bơ hay mứt lên mặt bánh mì mềm cho con, nếu vô ý đánh rơi miếng bánh đã được phết bơ, lúc nào mặt phết bơ cũng sẽ úp xuống đất. Có lời lý giải nào về việc này không ngoài sự lý giải có lẽ mặt có bơ nặng hơn? (vì thế còn có tên là “định-luật bánh bơ”). Những khi ra đường có mang dù theo thì trời không mưa, khi ta quên dù thì trời mưa. Người ta dùng “lý thuyết xác suất” cùng với vị trí địa lý để giải thích việc quên mang dù như sau:
-”Khi mang theo dù khi có dự báo mưa làm cho mưa ít xảy ra. Nếu dự báo thời tiết chính xác 80%, thì việc mang dù theo sẽ đúng 4 trong số 5 trường hợp. Tuy nhiên, lập luận này lại không thích hợp với vùng hiếm mưa. Ở những vùng đó, 80% các dự báo mưa lại có kết quả ngược lại. Vì thế để quyết định có mang dù theo hay không, người ta cần tính đến xác suất có mưa trong khoảng thời gian đi trên đường (chẳng hạn 1 hay 2 giờ), có giá trị rất nhỏ nếu so với tiết diện của quả đất. Ví dụ xác suất mưa được cho là 0,1 có nghĩa sác xuất không dính mưa lớn gấp 10 lần khả năng mưa. Trường hợp nầy, “lý thuyết xác suất” cho thấy rằng ngay khi tỷ lệ mưa chính xác tới 80% thì khả năng mắc sai lầm cũng nhiều gấp hai lần khả năng không mắc, khiến việc mang theo dù trở nên vô ích, dự báo cao cũng chưa đủ để thắng các đột biến xảy ra. Hoặc giả, khi ta quên dù thì trời mưa vì việc mưa nắng tùy thuộc vào thời-tiết”.
Ngoài ra, khi ta làm một việc gì, không muốn gây tiếng động sợ làm phiền người khác đang cần sự yên lặng thì ta thường hay vô ý gây tiếng động. Khi người nhà bị bệnh cần đưa đi Bác-sĩ ngay thì xe bị hư hay hết xăng hay vừa chuẩn bị đi thì có cha mẹ anh em ruột thịt gọi đến nhờ việc cần, khẩn cấp, quan trọng v.v... Đó là những sự việc ngoài ý muốn mà ta thường gặp trong cuộc sống hàng ngày.
Khi đang cần đến một nơi nào đó đúng giờ lại bị kẹt xe trên đường, ta xe đang dừng hay chạy rất chậm trên một làn đường này thì thấy làn đường kia các xe khác chạy vù vù, ta vừa đổi sang làn đó thì làn đó bị kẹt lại còn làn đường trước thì xe lại tiến lên vùn vụt. Tương tự, khi xếp hàng, ta đứng hàng này, thấy hàng kia đi tới vù-vù, khi bỏ hàng đang đứng sang hàng đó thì hàng mình bỏ đi lại tiến tới còn hàng mình vừa bước sang đứng lại. Trong 2 trường hợp đó xảy ra bởi nhiều lý do không tính trước được.
Các nhà khoa-học, tâm-lý học phản-đối, không chấp-nhận định-luật này, họ xem đó là sự ngẫu-nhiên cùng với lý-luận, giải-thích:
-”Sở-dĩ khi xếp hàng, ta thấy hàng kia tiến tới nhanh hơn hàng mình vì ta bị ảnh-hưởng tâm-lý, vì ta đang sốt ruột, đang nôn nóng; việc gây tiếng động là do ta bất cẩn, việc xe hư là do xe cũ v.v...”
Và cho là:
-”Định-luật Murphy chẳng có gì là khoa-học cả, không có cơ-sở vững-chắc”.
Để chứng minh lập luận của mình, họ nghiên-cứu tất cả mọi khía-cạnh về các lãnh vực khoa-học: từ khí-động-học, trọng-lượng của cái bánh đến khối lượng lớp bơ; từ bánh mì mềm đến bánh mì cứng, sự cọ xát của bánh mì với không-khí, vận-tốc rơi, sự xoay 180 độ,... Thế nhưng kết-quả bao giờ cũng là việc xấu có cơ-may cao hơn. Và rồi, tuy họ không tìm được câu trả lời cho các hiện tượng đã xảy ra này nhưng không những họ không tin, không chấp-nhận định-luật Murphy mà còn đả phá, chống đối.
Để kiểm-chứng định-luật này, một nhà toán học của Đại học Aston tại Birmingham, Anh quốc là ông Robert A. J. Matthews đã dùng kiến thức của nhiều ngành khoa học để khám phá, thực thi nhiều lần các thí nghiệm: cố-ý đánh rơi bánh mì có phết bơ, cố tình vất quyển sách xuống sàn: kết quả là 90% là mặt có bơ và trang sách úp xuống sàn, ít khi bìa sách hay mặt không có phết bơ nằm dưới, cho thấy rằng định luật Murphy là có cơ sở. Những nghiên cứu của Matthews dẫn tới sự ngạc nhiên thực sự:
-“Có một mối liên hệ sâu xa giữa “hành động” của lát bánh mì và các hằng số căn bản của vũ trụ. Mặt phết bơ của lát bánh mì sẽ không úp xuống dưới nếu chiếc bàn đủ cao để lát bánh quay trọn một vòng. Nhưng chiều cao của cái bàn phải phù hợp với chiều cao của con người”.
Từ đây nảy sinh ra câu hỏi:
-”Tại sao chúng ta lại có chiều cao đang có?”
Giáo sư Vật lý Thiên văn William H. Press của trường Đại học Harvard giải thích:
-”Con người là loài động vật có xương sống đứng bằng hai chân nên rất dễ ngã. Nếu quá cao, chúng ta sẽ bị chấn thương sọ não mỗi khi ngã và loài người sẽ bị diệt vong vì một nguyên nhân tầm thường! Để tránh thảm họa đó, con người không được cao quá một giới hạn nào đó, và giới hạn chiều cao con người được quy định bằng độ lớn tương đối giữa các liên kết hóa học và vật lý của hộp sọ đối với lực hấp dẫn của trái đất”.
Từ tuyên bố của William H. Press đó, giáo sư Matthews đưa ra nhận định:
-”Chiều cao cực đại của con người chưa đến 3 mét, thấp hơn nhiều giá trị cần thiết để mặt phết bơ của lát bánh mì không úp xuống đất. Nói một cách khoa học, mặt phết bơ úp xuống đất vì vũ trụ “mong muốn” như vậy!”
Kết luận trên được đăng trên Tạp chí vật lý châu Âu và thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều người. Người ta còn đặt câu hỏi với ông Matthews yêu cầu giải thích các điểm khác:
-”Tại sao thời tiết thường xấu vào ngày nghỉ?”
-”Xe hơi thường bị hư trên đường tới một cuộc họp quan trọng?”, v.v...
Ông Matthews cho rằng đó là kết quả của “ký ức chọn lọc”. Điều nầy củng cố niềm tim của Matthews về hiệu lực của định luật Murphy.
Ngoài Robert A. J. Matthews còn có ông Richard Glover, một người Úc hưởng ứng Định luật nầy. Ông Richard đã thử nhiều lần trong một thời gian dài. Nhiều người khác cũng hưởng ứng nhưng không nêu danh tánh.
Riêng Murphy, ông đã bỏ không biết bao nhiêu công lao để thực hành nhiều thí-nghiệm, hàng trăm đến hàng ngàn lần, từ đơn-giản đến phức-tạp, trong rất nhiều lĩnh-vực để xem mình đúng hay sai trước và sau khi công-bố định-luật. Một trong các thí-nghiệm là việc: Ông vốn gét số 3 và thích số 7, ông đã bỏ hàng trăm thẻ kim-loại khắc số 7 và số 3 với lượng bằng nhau vào một ống, xóc đều và rút thăm. Kết-quả là ông rút phải số 3 nhiều hơn số 7.
Nhiều người khác, sau khi nghe định luật nầy được công bố cũng đã có những thí-nghiệm để tìm kết-quả cho định luật này, hầu biết biết thực tế nó ra sao. Một trong các thí nghiệm khả tín được diễn ra ở Bruxelles, Bỉ quốc của nhà Vật-lý học nổi danh Eugène Lapotier về “một người nghiện mua vé số”. Trong 12 năm trời mua vé số mà người nầy không bao giờ trúng, con số mà người này không mua thì người khác mua nó lại trúng, con số ông mua nhiều lần nhưng không trúng, ông bỏ thì người khác mua nó lại trúng. Nhiều tuần ông không mua thì người bán vé cho biết là có người trung lớn. Việc này cũng giống như một cậu học trò, hôm cậu ta thuộc bài thì thầy không kêu trả bài, hôm không thuộc bài thì thầy giáo kêu cậu ta trả bài vậy.
Ở một số nước phương Đông, cũng có những quan niệm tương tự như định luật Murphy, thí dụ các thành ngữ: phúc bất trùng lai (dịp may không lặp lại), họa vô đơn chí (cái họa không đến một lần)” nhưng qua cách diễn giải hơi khác hơn một chút.
4. Những nguyên-tắc căn-bản
Định luật Murphy ngày nay đã được chuyển-dụng qua các tiểu định-luật khác, như: Định-luật Murphy trong kỹ-thuật, trong tình-dục, trong tình yêu, trong nghiên-cứu và ngay cả trong nghiệp-vụ.
Sau đây là những nguyên-tắc của định-luật Murphy (lược dịch):
1. Thấy thì dễ mà không phải vậy (Nothing is as easy as it looks).
2. Làm bất cứ việc gì cũng phải mất nhiều thời-gian hơn ta nghĩ (Everything takes longer than you think).
3. Việc gì có thể sai, thì nó sẽ sai (Anything that can go wrong will go wrong).
4. Nếu một số việc có khả-năng sai thì việc nào gây thiệt-hại
nhiều nhất sẽ là điều sai (If there is a possibility of several things going wrong, the one that will cause the most damage will be the one to go wrong).
5. Nếu đơn-giản là một việc nào đó không thể sai thì nó vẫn sẽ sai (If anything simply cannot go wrong, it will anyway).
6. Nếu bạn nhận-thức rằng diễn-tiến một sự việc có bốn hướng có thể sai và mãi loay-hoay quanh đó thì sẽ đột-xuất phát-sinh ra một hướng thứ năm (If you perceive that there are four possible ways in which a procedure can go wrong, and circumvent these, then a fifth way, unprepared for, will promptly develop).
7. Buông thả những sự việc thì kết-quả sẽ từ xấu cho đến tồi-tệ (Left to themselves, things tend to go from bad to worse).
8. Nếu bạn thấy mọi việc dường như đều tốt đẹp thì rõ-ràng bạn đã coi thường một điều gì đó (If everything seems to be going well, you have obviously overlooked something).
9. Thiên-nhiên lúc nào cũng đứng về phía “cái xấu” tiềm ẩn (Nature always sides with the hidden flaw).
10. Thiên-nhiên “chó má” (Mother nature is a bitch) {một cách nói yếm thế, bất-mãn – LCT.}.
11. Không có việc gì tránh khỏi lỗi lầm vì kẻ gạt-gẫm rất tinh khôn (It is impossible to make anything foolproof because fools are so ingenious).
12. Khi muốn khởi công làm một việc thì phải hoàn-tất một việc khác trước đã (Whenever you set out to do something, something else must be done first).
13. Mỗi giải-pháp đều phát-sinh ra những vấn-đề mới (Every solution breeds new problems).
Nếu không tin, ta thử thí nghiệm xem sao, hoặc nhớ lại những kỷ niệm mà cá-nhân mỗi người hay người quen biết đã gặp để mỗi người trong chúng ta có một nhận xét.
Trong cuộc sống hàng ngày, ta gặp phải các “chuyện quái- gỡ” rất kỳ lạ sau đây:
Khi ta vừa ngồi vào bàn chuẩn bị ăn, uống nước, bàn chuyện gia đình,... thì có chuông điện thoại reo. Khi ta vừa bước vào phòng tắm, trút bỏ áo quần định tắm cho thoải mái thì có ai đó bấm chuông gọi cửa hay điện thoại reo. Lúc ta đang tiếp khách thì người nầy gọi đến, người kia tìm gặp trên điện thoại với chuyện cần thiết, làm khách khứa phải chờ đợi ta. Khi ta đang nghe radio, xem tivi, đọc sách báo... hễ ta định đi uống miếng nước thì nó lại phát một tin quan trọng hay một tình tiết đáng xem, khi trở vào là hết. Khi đang đi tàu hỏa, lắng nghe tin trên chiếc radio, đến đoạn tin quan trọng thì tàu chui vào hầm hay có một biến cố gì đó bất thường hay hành khách chung quanh làm ồn kinh khủng làm ta không nghe gì được. Khi các chuyện ấy chấm dứt thì bản tin vừa hết.
Và thêm nữa:
Những số điện thoại cần gặp, khẩn cấp, quan trọng...đã cố ý lưu lại một chỗ, khi mình cần lại biến đâu mất, hoặc khi khẩn cấp thật sự, gọi đến thì...im re. Chúng ta muốn thay bộ ghế đệm, sofa mới nhưng hễ càng cũ thì thấy nó lại càng êm, càng mềm, ngồi nằm đều cảm thấy rất dễ chịu, còn ta thay bộ mới là cứng ngắc, do vậy cứ cảm thấy tiếc hùi hụi bộ ghế cũ! Chuyện học của con cái lúc bé, ban ngày, nhắc chúng học bài thì cứ ngủ gà ngủ gật; vậy mà đêm đến, bảo đi ngủ mãi, chúng nó không ngủ được. La hét thì chúng vờ nhắm mắt, cứ không chịu ngủ.
Ngoài ra:
Nếu có một đôi giày mình thích mang nó, ưng ý, thì nó cứ hay mất hoặc biến đi đâu một chiếc khi cần đi gấp mà không có thì giờ tìm nó còn đôi giày không vừa ý thì nằm sờ sờ ra đó. Hôm nào đi dự một buổi lễ hội quan trọng nào đó, diện đồ đẹp xong, vào kéo hộc giày, tìm đôi giày đẹp nhất thì nó mất đâu một chiếc, mấy đôi giày cũ lù lù ra đó. Khi ta ném một vật ra ngoài, trong tâm ta không muốn nó vướng vào vật gì để đi lạc hướng, thế nhưng nó lại trái ý của ta, vướng vào thanh cửa sổ chẳng hạn rồi bay trở vào nhà. Một cầu thủ sút trái bóng luôn muốn đi vào gôn, tuy tiết diện trụ gôn chỉ bằng phần ngàn của khoảng cách hai trụ gôn, vậy mà trái bóng thường trúng vào trụ gôn mà không đi vào khung thành.
5. Lời kết
Có thể Đại úy Murphy không hài lòng vì những ý tưởng chống đối hay không tuyệt đối tin tưởng vào định luật ông đưa ra hay có xu hướng “tầm thường hóa” các nguyên lý rất có giá trị của ông trong các kỹ thuật đòi hỏi sự an toàn tối cao. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học “đồng tình” với Murphy cho rằng các phiên bản “bình dân” của quy luật này không hề thiếu sức sống và tiện ích. Bài học quan trọng nhất từ Định luật Murphy là “các hiện tượng tầm thường chưa chắc đã có cách giải thích tầm thường”, nói theo hơi hướm của triết học, một “tiểu định luật” phát sinh từ định luật Murphy.
Dẫu tin hay không tin, chúng ta vẫn nên cám ơn định-luật Murphy vì nhờ vào định luật nầy, ta có thể đề-phòng các trạng huống xấu có thể xảy ra khi giải-quyết một viêc. Không phải ngẫu-nhiên mà các kỹ-sư hàng-không của Hoa-kỳ vào thập-niên 1940 đã thuộc nằm lòng câu nói của Murphy:
-”Nếu bạn có hai cách giải-quyết, một tốt một xấu, thì... coi chừng: có thể bạn sẽ đi theo...cách xấu”.
Hiện nay, “nhân vật số một của năm 2009” được tờ Time bầu chọn, là Giáo sư Ben Bernake, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (United States Federal Reserve), một người thuộc đảng Cộng Hòa, được TT Bush bổ nhiệm chức vụ này vào tháng 10-2005, là một trong những người quyền lực nhất hành tinh, có lẽ cũng tin vào định luật Murphy. Người ta thấy trên bàn làm việc của ông có một quyển lịch với câu: “Bất cứ cái gì có thể sai thì sẽ sai” cho mỗi ngày trong năm. “Những quyết định của Ben Bernanke ảnh hưởng tới ví tiền của mỗi chúng ta” và xa hơn nữa, “có thể ảnh hưởng tới công việc và tương lai của bất cứ cá nhân nào trên thế giới”, tờ Time viết như vậy khi cho rằng khả năng điều hành, sáng tạo của vị Giáo sư trường Princeton này đã góp phần quan trọng trong việc đưa nền kinh tế Mỹ và thế giới vượt qua cơn khủng hoảng tài chánh hiện tại.
Dù sao chăng nữa, có lẽ những người tin tưởng vào định luật nầy có “cái lý” của họ. Biết đâu!
Lê Chánh Thiêm
San Jose, 2000 - hiệu đính 2009.
(Xem tiếp phần 2)
- - - - - - - -