VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 24)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 116
VẤN: Cụ Đỗ Vinh Sanh, Houston TX. Cám ơn bà cụ đã nhắc lại rõ ràng mấy câu về tôn ti trật tự trong gia tộc. Nhưng tôi đã quên xin kể về giai thoại liên quan đến vấn đề hệ trọng này.
ĐÁP:
Dưới đây là câu chuyện xảy ra từ đời nhà Hán. Có người tên là Bào Tuyên, gia cảnh bình thường, lấy vợ tên là Hoàng Thiếu Quân, thuộc gia đình khá giả. Khi ra đi lấy chồng được gia đình cho nhiều tỳ nữ, nô bộc và của cải hồi môn gồm nhiều tiền bạc, ngọc ngà châu báu. Chồng là Bào Tuyên thấy vậy trong lòng không vui, đợi khi về đến nhà bèn bảo Hoàng Thiếu Quân trả tất cả đám tỳ nữ cũng như mọi thứ của hồi môn về lại nhà vợ, không được lấy bất cứ một thứ gì.
Hoàng Thiếu Quân nghe theo lời chồng, đem tất cả của hồi môn chia hết cho đám tỳ nữ cùng các nô bộc rồi bảo họ trở về quê quán lấy đó làm của sinh nhai. Đợi khi đám tỳ nữ nô bộc ra đi xong, Hoàng Thiếu Quân liền thay hết quần áo sang trọng, vận toàn bố y như đám ngưới nghèo khó, rồi cùng với Bảo Tuyền sống một đời sống khắc khổ. Nàng vui vẻ chấp nhận những nỗi cực nhọc hàng ngày, không một lời than vản.
Cùng thời gian này, có hai anh em nhà nọ thương yêu nhau rất mực trong tình ruột thịt, người anh tên là Triệu Hiếu, còn em là Triệu Lễ. Môt hôm, có mấy tên cướp xông vào nhà, vì quá đói bọn cướp lục tìm không thấy có vật gì ăn được, chỉ nhìn thấy Triệu Lễ mập mạp, phương phi, muốn giết chết để ăn qua cơn đói. Người anh là Triệu Hiếu biết vậy, vội vàng quỳ xuống trước mặt bọn cướp van xin:
-“Thưa các Ngài, thịt của em tôi không được ngon, thịt tôi rắn chắt lại còn ngon hơn nhiều. Xin các Ngài hãy ăn lấy thịt tôi!”
Bọn cướp nghe lời lẽ chí thiết cảm thấy xúc động trước tình thương của người anh thương yêu em, thậm chí có thể hy sinh bản thân mình để cho người em được sống, nên bọn cướp lặng lẽ bỏ ra đi mặc dù cơn đói đang hoành hành đến cực độ.
Một câu chuyện khác, cũng xảy ra trong đời Hán. Chuyện kể rằng có hai người bạn thân, tên là Trương Thiệu và Phạm Thức luôn luôn quí mến nhau. Sau họ có việc phải rời xa nhau mỗi người một ngả. Trước khi chia tay, Phạm Thức hẹn với Trương Thiệu là hai năm sau sẽ trở lại để đến thăm.
Đúng hai năm tuy hai người sống kẻ Nam người Bắc, đường xá lại khó khăn, trèo đèo vượt suối, nhưng Phạm Thức vẫn giữ lời hứa lặn lội đến thăm bạn đúng hẹn.
Ta thấy các câu chuyện vừa kể có ba hàm ý::
1. Chuyện người vợ tùy theo ước vọng của chồng.
2. Chuyện thứ hai nói về tình thương giữa anh em ruột thịt, dám chịu chết để bảo bọc lẫn nhau.
3. Chuyện thứ ba nói lên tình bằng hữu luôn luôn chân tình, giữ đúng lời cam kết…cho dù có phải cảnh thiên nan vạn nan giữ một lòng một dạ.
VẤN: Xin bà cụ giải hộ mấy câu tục ngữ chữ Hán sau đây:
1. Bất phạ thâu đắc khổ, chỉ phạ đoạn liễu đổ.
2. Bất yếu hoàng kim bạch ngân
Chỉ yếu kiến nhân sinh tình
3. Biện tửu bất nan thỉnh khách nan
Thỉnh khách bất ban, khoản khách nan.
ĐÁP:
1. Chẳng xót nỗi thua tiền. Chỉ sợ rã đám bạc.
2. Chẳng mong vàng tươi bạc trắng
Chỉ mong sóng mắt đưa tình.
Ta cũng có câu:
Trăm quan mua lấy miệng cười
Nghìn quan mua lấy con người có duyên.
3. Bày tiệc không khó, mời khách khó
Mời khách không khó, đãi khách khó.
Ta cũng có câu:
Thờ thì dễ, giữ lễ thì khó.
VẤN: Bà Vương Hồng, San Jose: Bà cụ nhắc hộ bài thơ “Phép Dạy Con” của Nguyễn Trải. Xin cám ơn.
ĐÁP:
Ngày con đã biết chơi, biết chạy
Đừng cho chơi cầm gậy trèo cao
Đừng cho chơi búa chơi dao
Chơi vôi, chơi lửa, chơi ao có ngày…
Lau cho sạch, không hay dầm nước:
Ăn cho vừa, đừng ước cao lương
Mùa đông, tháng hạ, thích thường
Đừng ôm ấp quá, đừng suồng sã con.
Dạy từ thuở hãy còn trứng nước
Yêu cho đòn, bắt chước lấy người
Trình, thưa, vâng, dạ, đứng, ngồi
Gái trong kim chỉ, trai ngoài bút nghiên.
Gần mực đen, gần đèn thì sáng
Ở bầu tròn, ở ống thì dài
Lạ gì con có giống ai;
Phúc đức tại mẫu là lời thế gian
Làm mẹ chớ ăn càn, ở dữ;
Với con đừng chửi rủa quá lời
Hay chi thô tục những người;
Hôm nay cụ cụ, ngày mai bà bà
Gieo tiếng ra, gẫy cây, gẫy cối;
Mở miệng, nào có ngọn có ngành
Đến tai bụt cũng không lành
Chồng con khinh dễ thế rình mỉa mai.
Ấy những thói trên đời ngoa dại
Khôn thì chừa mới phải đúng người
Sinh con thời dạy thời nuôi
Biết câu phải trái, lựa lời khuyên răn.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 117
VẤN: Cụ Đào Mộng Ngọc, OK. Nghe nói thời Ngụy mạt có nhóm Thất Hiền, thi văn thuộc hàng xuất chúng, song lại có những hành động cổ quái. Chẳng biết có thật vậy chăng? Hành động cổ quái trong thi văn của nhóm Thất Hiền này như thế nào? Bài thơ nào của Nguyễn Tịch được người đời ca tụng? Bà cụ biết không?
ĐÁP:
Đúng là nhóm Thất Hiền nổi tiếng thi văn thuộc hàng xuất chúng. Họ là bảy nhà văn thời Ngụy mạt, Tấn sơ gồm có:
Nguyễn Tịch, Kê Khang, Sơn Đào, Hướng Tú, Lưu Linh, Vương Nhung và Nguyễn Hàm. Nhóm này thường đưa nhau đến rừng trúc để cùng nhau xướng họa, vui chơi, bàn luận chuyện huyền bí, người đời gọi là Trúc Lâm Thất Hiền. Phái này còn có danh xưng “Thanh đàm phái”. Sở dĩ có tên này vì họ khuếch đại cái phong khí thanh đàm, và bị xem như những người làm hủy hoại danh giáo, đưa đất nước đến chỗ diệt chủng. Họ xu hướng theo Vương Bật tổ thuật Lão Trang, nhân vật nổi tiếng sùng thượng vô vi, chuyên bàn chuyện huyền bí. Nhóm Trúc Lâm thất hiền, có những hành động cổ quái, như Nguyễn Hàm có cuộc sống lẫn lộn với heo, cùng heo ăn uống, còn Nguyễn Tịch phân lòng trắng mắt thành hai màu trắng xanh mỗi khi để tiếp xúc người, hoặc như Lưu Linh uống rượu cho say túy lúy rồi vác cuốc chạy rong chơi ngoài nghĩa địa.
Thi văn của Nguyễn Tịch, người đứng đầu nhóm, bài thơ Vịnh hoài được nhiều người thán phục:
Dạ trung bất năng mi,
Khởi tọa đàn minh cầm,
Bạc duy giám minh nguyệt,
Thanh phong xuy ngã khâm.
Cô hồng hào ngoại dã,
Tường điểu minh Bắc lâm,
Bồi hồi tương hà kiến?
Ưu tư độc thương tâm!
Bài thơ này nói lên cái đêm trằn trọc mãi không sao ngủ được đã khiến cho ông phải vùng dậy mang đàn cầm ra gảy.
(Có thể là tiếng đàn của ông nỉ non, ai oán) Ông đưa mắt nhìn ánh trăng chiếu sáng xuyên qua bức màn mỏng, nhìn thấy gió hiu hiu mát thổi bay tà áo! Bỗng, có tiếng từ ngoài đồng nội của con chim hồng lẻ loi kêu thương vọng đến. Và, đầu kia, cả một đàn chim lượn trên vòm trời vang lên từ khu rừng Bắc. Trước cảnh đẹp đó ta đi qua lại liệu đã thấy được gì? Ôi! (Thấy được gì đâu?) âu đó chỉ là những nỗi ưu tư sầu thảm làm quặn thắt lòng ta!
Dịch thơ:
Nửa đêm trằn trọc mãi
Ngồi dậy khảy đàn cầm.
Cánh màn mỏng trăng soi
Ao khâm chùng gió chạm
Thôn vắng tiếng hồng kêu,
Bắc lâm chim lượn vành
Bồi hồi trông chẳng thấy,
Chỉ riêng mình bi thương!
(Thinh Quang dịch)
VẤN: Bà Hồ Bá Học, San Jose: Tôi nghe nói từ xưa nay người ta thường nói câu: “Thời thượng cổ thắt nút dây” có nghĩa như thế nào bà cụ giải hộ cho.
ĐÁP:
Câu “Thời thượng cô thắt nút dây” xuất xứ từ từ ngữ “Kết Thằng”. “Kết” có nghĩa là thắt lại, “Thằng” là sợi dây. Kết thằng là dùng dây thắt lại mục đích để ghi nhớ một việc gì. Bởi lúc bấy giờ chưa có văn tự nên muốn để nhớ phải dùng hình thức thắt nút. Việc lớn thì thắt nút lớn, việc nhỏ thì thắt nút nhỏ. Lối “Kết Thằng” không phải chỉ riêng người Trung Hoa thường sử dụng mà luôn cả các dân tộc châu Âu, châu Mỹ, châu Á…cũng áp dụng hình thức này để ghi nhớ. Vì vậy mà có câu nhắc lại: ”Thời thượng cổ thắt nút dây”. Còn rất nhiều phương thức khác, như khắc, vạch v.v… miễn những cách thức để cho trí óc dễ ghi lại cho nhớ những gì cần thiết.
VẤN: Ông Phạm Phú Hải, LA. Tôi muốn biết công trình giao lưu văn hóa giữa Trung Hoa và Tây phương vào thời đại nào?
ĐÁP:
Công trình giao lưu văn hóa giữa Tây phương và Trung Hoa xuất hiện từ thời Minh Thanh. Lúc bấy giờ hàng loạt các giáo sĩ người Thiên Chúa giáo ngoài việc đi truyền giảng đạo giáo, họ còn mang nền văn hóa vào đất nước Trung Hoa và ngược lại. Thoạt đầu các giáo sĩ thuộc phái Thiên Chú giáo La Mã đến cửa ngỏ Áo Môn và sau đó hầu hết các phái khác thi nhau ồ ạt đổ vào đất nước Trung Quốc. Chính đoàn giáo sĩ Thiên Chúa giáo phát hiện nền văn hóa Ttrung Quốc có từ lâu đời, vì vậy mà họ nhiệt tình khai thác mang về lại truyền đạt cho các quốc gia phương Tây… những điều quý giá mà họ không thể ngờ được.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LUC 118
VẤN: Ông Nguyễn Hưng, Reseda: Tôi muốn được biết về mặt địa lý, Lưỡng Hà ở châu lục nào? Và nền văn minh của khu vực này. Bà cụ biết không?
ĐÁP:
Lưỡng Hà thuộc vùng Tây Á. Đây là một vùng đất xuất hiện rất sớm, gồm Lưỡng Hà, Babylone, Assyrie, Phénicie và Palestine. Vùng đất này nổi tiếng hội tụ được nhiều nền văn minh và tác động lẫn nhau. Chính nền văn minh hội tụ này được xem là một kho tàng văn hóa nhân loại, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển lịch sử của các nước trong vùng.
Tưởng cũng nên biết Lưỡng Hà là một vùng thung lũng giữa hai dòng sông Tigre và Euphrate mà người Hy Lạp gọi dòng sông này là Mesopotamie. Lưỡng Hà cũng là vùng phì nhiêu, nổi tiếng các nông phẩm như nho, olive, đại mạch v.v…
Nền văn minh cổ đại xuất phát đầu tiên từ thiên niên kỷ thứ 4 tr.CN do giống dân Sumer thiên cư từ phương Đông đến lập nghiệp ngay tại lưu vực sông Lưỡng Hà, và mang ánh sáng văn minh lại cho vùng đất này.
VẤN: Ông Vũ Quốc Hành, Virginia: Bà cụ có biết là các sách Tự Điển của Việt Nam ta xuất hiện từ lúc nào và sự tiến triển của nó?
ĐÁP:
Cuốn tự điển đầu tiên của Việt Nam xuất hiện sau khi chữ Quốc Ngữ phát triển vào cuối thế kỷ thứ 19 là tập tự điển song ngữ Pháp-Việt của Trương Vĩnh Ký, của Génibriel, và nhất là quyển “Đại Nam Quốc Âm tự vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của. Trong tiểu luận Cao học ngữ học của Nguyễn Văn Y đã viết:
-”Trước khi quyển tự điển của Huỳnh Tịnh Của ra đời nước ta chưa có quyển tự điển nào giải nghĩa bằng tiếng Việt, mà chỉ hoàn toàn là những cuốn tự vị song ngữ Việt – La Tinh, Việt Pháp thì đâu xứng đáng là tự điển Việt Nam? Chính quyển Đại Nam Quốc Âm Tự Vị do ông Huỳnh Tịnh Của.
Đứng đầu chủ trương, gồm hai cuốn do sự tài trợ của Thống Đốc Nam Kỳ. Bộ sách này chứa rất nhiều từ ngữ cổ xưa được xem là một kho tàng tư liệu”.
VẤN: Ông Bùi Bằng, Colorado: Bà cụ nhắc hộ Bát Đại Gia đời Đương Tống là những vị nào?
ĐÁP:
Đường – Tống Bát Đại Gia gồm có các bậc danh tài:
1. Hàn Dũ
2. Liểu Tôn Nguyên (Đường)
3. Au Dương Tu
4. Vương An Thạch
5. Tô Tuân
6. Tô Thức
7. Tô Triệt
8. Tô Củng. (Đời Tống).
VẤN: Bà Nguyễn Lệ Anh, San Francisco: Vị vua nào gặp thần nữ Vu Sơn?
ĐÁP:
Vua Sở Trương Vương gặp thần nữ ở Vu Sơn. Trong bài “Cuộc Xem Đèn Ở Phù Thạch” có đề cập đến chuyện này:
“Thảo mà cánh điệp lá đào
Đi về Vu, Giáp ra vào Vũ Lăng.
VẤN: Ông Đinh Hoàng Hải, Monterey Park: Kình ngạc có nghĩa là gì? Xin bà cụ giải nghĩa cho.
ĐÁP:
Kình ngạc là các “ông voi” và “cá sấu”. Đây là hai thứ cá dữ ở biển cả.
VẤN: Ông Vu Quí, Brookhurst Orange County: Từ “Truyền Thuyết” có nghĩa là gì?
ĐÁP:
Từ “Trần Thuyết”có nghĩa truyền bằng miệng. Thời cổ đại con người muốn truyền cho nhau biết một chuyện gì đó, một sự kiện quan trọng nào đó, hoặc trao cho nhau về mặt tình cảm, tri thức và kinh nghiệm v.v…bằng cách thốt ra “cửa miệng” gọi đó lá “truyền thuyết”.
VẤN: Cháu Nguyễn Hải Hà, UCLA: Bà cụ có nhớ bài “Muốn Làm Thằng Cuội” của cụ Tản Đà không? Cháu đang cần có bài này, xin bà cụ nhắc nhở cho.
ĐÁP:
Bài thơ: MUỐN LÀM THẰNG CUỘI của cụ Tản Đà như bên dưới:
Đêm Thu buồn lắm! Chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nữa rồi.
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu, có bạn, can chi tủi;
Cùng gió, cùng mây, thế mới vui.
Rồi cứ mỗi năm Rằm tháng Tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian, cười.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 119
VẤN: Cụ Vũ Như Hà, Monterey Park, Có hai điều, tôi chưa được tường tận:
1. Nghe nói nước Việt chúng ta nguyên thủy VỐN không có ngựa lẫn trâu bò, chuyện đồn đãi này có thật chăng?
2. Nền văn minh vật chất của nước Việt xuất hiện từ bao giờ?
ĐÁP:
1. Thời thượng cổ Việt Nam ta vốn không có giống ngựa. Cứ theo sách Tây Việt ngoại ký ghi nhận về súc vật thì loài ngựa do Thục mang đến, còn trâu bò thì đến từ Trung Hoa.
2. Nền văn minh của Việt Nam manh nha xuất hiện từ đời nhà Thục. Trước tiên là nghệ thuật xăm hình, cắt tóc rồi đến nghề may cắt, làm mũ, may giày vải, giày da luôn cả nghề thuộc da cũng xuất hiện vào thời đại này. Về tập tục thì cũng trong thời kỳ này mới có tục ăn trầu, nhuộm răng đen, trồng lúa nước, đúc tên đồng và tẩm thuốc độc vào tên v.v…
VẤN: Ông Nguyễn Hữu Định: Orange County: Tôi nghe nói về sự tích “Tam Cố Thảo Mao Lư” song không rõ lắm. Bà cụ biết xin thuật lại về sự tích này. Thành kính biết ơn.
ĐÁP:
Giai thoại này ở trong truyện Tam Quốc. Truyện kể rằng: Khi Từ Thứ từ biệt có tiến cử hai nhân vật cho Lưu Bị, một là Phượng Sồ và hai là Gia Cát Khổng Minh. Từ Thứ có nói nếu được có một trong hai người thì Lưu Bị cũng đủ lập nên sự nghiệp.
Trong khi Lưu Bị chuẩn bị lễ vật lên đường đến chỗ ở của Khổng Minh, Trương Phi nóng nảy nói với Lưu Bị rằng:
-”Đại ca đâu cần phải đi cho vất vả, chuyện này để cho đệ đến mời ông ấy là xong!”.
Lưu Bị lắc đầu nói:
-“Tiểu đệ không được lỗ mãng. Gia Cát là một hiền tài mà ta đang cần. Ta phải thân hành đi mời để người ra cùng gánh vác việc nước. Các đệ không được vô lễ”!
Nói xong, ba người cùng nhau lên đường tìm đến gò Ngọa Long. Khi tới đầu làng gần nhà Gia Cát, Lưu Bị xuống ngựa đi lên tới cổng, đứng gỏ cửa hồi lâu mới nhìn thấy một thư đồng ra, Lưu Bị nói rõ ý đồ và xin vào gặp mặt Khổng Minh. Nhưng thư đồng này cho biết thầy mình đi chơi chưa về.
Một tháng sau ba anh em Lưu Bị lại tới, nhưng cũng không được gặp. Trương Phi nổi nóng nói với Lưu Bị:
-”Để tiểu đệ vào xách cổ hắn lôi ra cho”.
Nghe như vậy Lưu Bị quát mắng họ Trương, rồi cả ba lại đành kéo nhau ra về. Lại một tháng sau, Lưu Bị tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị lễ lộc rồi lại lên đường. Khi gần tới nơi, bảo vơi Quan Vân Trường và Trương Phi:
-“Hai em ở đây chờ đợi để đại ca đích thân đến xem như thế nào?”
Nói xong, Lưu Bị đi thẳng đến bên ngoài ngôi nhà có Khổng Minh đưa tay gỏ cửa, tức thời thấy thư đồng từ bên trong đi ra nói rằng:
-”Tiên sinh vừa về đến nhà hiện đang còn say ngủ.”
Lưu Bị gật đầu đáp lại:
-”Vậy để tôi đứng chờ bên ngoài, hãy để yên cho tiên sinh an giấc, chớ làm kinh động. Bị này phải chờ bao lâu cũng được,”
Khoảng chừng một khắc sau (một khắc là 2 tiếng đồng hồ bây giờ), nhác thấy Thư Đồng ra mời Lưu Bị vào.
Sau khi đàm đạo, Gia Cát Lương đã cảm phục lòng cầu hiền của Lưu Bị, đồng ý ra giúp Lưu Bị và dựng được nước Thục đối đầu với Ngụy và Đông Ngô lập thành thế Tam Quốc.
Sau khi Quan Công bị sát hại, Lưu Bị đã không nghe lời khuyên của Gia Cát Lượng, ra quân đánh Đông Ngô để cố trả thù cho Quan Công. Lưu Bị bị đại bại, phải kéo quân về Bạch Đế Thành vào tại đây thì bị ốm nặng.
Trước khi từ trần, Lưu Bị cho triệu Khổng Minh vào nói:
-”A Đẩu còn nhỏ không thể trông coi việc nước, vậy trẩm giao hết quyền hành cho khanh”.
Gia Cát Lượng vội quỳ xuống tâu rằng:
-”Thần không dám. Ấu Chúa tuy nhỏ song hạ thần xin nguyện rằng sẽ hết lòng phù Ấu Chúa không dám hai lòng. Thần sẽ hi sinh để bảo tồn giang san cẩm tú.”
Sau này, vì làm việc quá sức Gia Cát Lượng bị lâm bệnh chết tại Ngữ Trượng Nguyên. Trước khi chết còn bày mưu kế cho Lục Tốn làm sao đưa toàn bộ quân sĩ và Ấu Chúa trở về kinh thành sao cho được được an toàn.
Từ câu chuyện trên ta thấy Lưu Bị là vua của một nước, biết tôn kính những bậc hiền tài, thì người thần dân như Khổng Minh – một nhân vật tài ba vô song như vậy, làm sao mà không trung thành với vua để hoàn thành sứ mệnh cho được.
Câu chuyện trên đã được Tam Thiên Tự ghi lại bằng các lời lẽ giáo huấn trong thiên ha như những đoạn văn ngắn ngủi:
“Thử Nhập Nghĩa, Nhân Sở Đồng, Đương Thuận Tự, Hốt Vi Bối
Trảm Tề Suy, Đại Tiểu Công, Chí Ty Ma, Ngũ Phục Chung”.
Nghĩa của những câu ngắn gọn này cho ta thấy:
“Thập Nghĩa”Cha hiền, con hiếu, chồng vợ thuận hòa, em kính, anh nhường, bạn bè nghĩa tín, quân kính, thần trung v.v…
VÂN: Cụ Đồ Vũ Như Võ, San Jose: Bà cụ cho biết tư tưởng giáo dục của thầy Mạnh là gì? Xin cụ cho biết những điều chứng minh để trở thành những tư tưởng lớn.
ĐÁP:
Nhờ tư tưởng của Đức Khổng Tử mà các học phái Mạnh Tử, Tuân Tử ra đời. Tư tưởng của hai nhân vật Mạnh – Tuân có tác động bởi cái triết thuyết Khổng Tử.
Mạnh Tử lấy “Tính Thiện” làm căn bản cho lý thuyết của mình. Ngài bảo:
-”Thiện là lương năng”.
Thiện không cần phải học mà nó vẫn có, nó có từ khi chào đời. Vì vậy mới có câu “Nhân Chi Sơ, Tính bổn thiện”. Nó vốn là “Lương Năng” mà Lương Năng đâu có cần phải học mà vẫn có. Bởi vậy ngài bảo: ”Bất Học Nhi Năng” và là “Lương Tri”. Ngài muốn chứng minh cái “lương tri” đâu phải khiến mình suy tư mà vẫn tự biết điều hay lẽ thiệt khiến dấy lên lòng trắc ẩn. Do đó Ngài bảo “Bất Lự Nhi Tri”. Tóm lại, mọi người sinh ra vốn đã có sẵn lòng trắc ẩn, lòng “Tu Ố”, ấy là sự xấu hỗ, biết nhường nhịn nhau, biết điều phải lẽ trái phân giải cho nhau…chính đó là mới đầu của Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí…
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 120
VẤN: Võ Văn Lâm, LA.: Nghe kể lại có một thời bên Trung Hoa sùng Đạo hơn là sùng Phật. Vậy thời đó là nhằm vào giai đoạn nào? Và, hành động các vua chúa lúc bấy giờ như thế nào?
ĐÁP:
Đời Tống, có Tống Thái Tông đã ra lệnh cho các quan trong nước sưu tầm kinh sách Đạo giáo. Chỉ trong thời gian ngắn, ngoài các chức quyền địa phương xa gần, còn cả dân mến mộ Đạo, tập họp tất cả được 7000 kinh sách. Tống Thái Tông bèn ra lệnh cho các quan triều san cải lại với mục đích đề cao tinh thần huyền bí, có ý làm cho Đạo giáo trở thành quốc giáo. Tống Chân Tông tôn Triệu Nguyên Lang làm tổ sư Đạo giáo và phong cho chức tước Bảo sinh thiên tôn đại đế, đặc biệt phong Lão Tử giữ ngôi vị Thái Thượng Hỗn Nguyên Hoàng Đế. Đạo giáo càng về lâu về dài càng thấm sâu vào tư tưởng của các vua chúa đời Tống. Như Tống Huy Tôn tự cho mình là con của Thượng Đế giáng trần và tự phong cho mình là Giáo chủ đạo quang hoàng đế… Chính Tống Huy Tông chiếu chỉ cho các quan triều ngăn chận sự phát triển của Phật giáo, đốt kinh sách nhà Phật và tịch thu chùa chiền nhà Phật đổi thành Đạo Quan rồi sai các đạo sĩ đến chiếm giữ. Việc phát triền Đạo giáo càng lúc càng phát triển hơn lên, như thời Bắc Tống, điển tích Đạo giáo được biên tập lại và khắc thành văn tự in ấn hàng loạt v.v…
Đạo giáo liên tục thịnh hành từ thời Nam Tống, tứ phương yên ổn, song thật ra bên trong Đạo giáo có sự chia rẽ, do đó hình thành nhiều giáo phái. Như tại Giang Nam hình thành Đạo Chính Nhất vào năm Đại Đức Thứ Tám nhà Nguyên. Phương Bắc thì hình thành Đạo Kim Chân do Vương Trọng Dương lập nên làm giáo chủ, gọi là Đạo Thần Tiên…
VẤN: Cụ Huỳnh Hữu Nghĩa, Orange County: Vào cuối thế kỷ 19, sau khi đất nước ta có văn tự, những ai có công dịch thuật từ tác phẩm nước ngoài ra chữ quốc ngữ Tác phẩm được mang ra chuyển dịch là những tác phẩm nào? Bà cụ biết không?
ĐÁP:
Có rất nhiều bản dịch được in thành sách vá chưa được thành sách hoặc đăng trên mặt báo… Dịch giả đầu tiên của Việt Nam ta lúc bấy giờ có:
- Trương Vĩnh Ký. Ông có công dịch các tác phẩm từ Hán tự ra chữ quốc ngữ. Các sách dịch thuật của ông là: Đại học, Trung dung vào năm 1889. Hay Tam Tự Kinh quốc ngữ diễn ca 1884, hoặc Minh Tâm Bảo Giám (1893. Ấu học khải mông (cours graduéde langue chinoise (1`893) v.v…
VẤN: Ông Lý Thành Nam, Maryland: Xin bà cụ nhắc lại danh tác thuộc thiên “Tĩnh Nữ Tam Chương” của Bội Phong và một danh tác khác là Thiên Tái Trì tứ chương (Dung Phong). Cám ơn bà cụ nhiều.
ĐÁP:
Bài thứ nhất:
Tĩnh Nữ Tam Chương (Bội Phong):
Tinh nữ kỳ xu,
Sĩ ngã u thành ngu.
Ai nhi bất kiến,
Tam thủi trì trù.
Kia kìa cô gái đẹp thay
Hẹn hò nhau gạp ơ ngay góc tường.
Nhưng đâu đã thấy được nàng
Vò đầu bứt cổ bồn chồn ngóng trông.
(Thinh Quang dịch)
Bài thứ 2:
Tái Trì Tứ Chương (Dung Phong)
Tái trì tái khu,
Qui ngạn Vệ hầu.
Khu mã du du,
Ngôn chi ư Tào.
Đại phu bạt thiệp,
Ngã tâm tắc ưu.
Đường xa ngựa chạy xăm xăm,
Xăm xăm chạy ngựa về thăm Vệ hầu.
Đường xa đánh ngựa đi mau,
Đi sao cho đến được Tào còn xa.
Kìa ai chạy lại theo ta?
Chân ráo chân ướt, chăng là đại phu.
Lòng ta lo hỡi là lo.
(Tản Đà dịch)
THINH QUANG
(Còn tiếp)