Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 25)
THINH QUANG


VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 25)
Thinh Quang

MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 121

VẤN: Bà Nghiêm Hồng Thị, Monterey Park, LA. Có lần tôi đọc truyện về đời Đường thuật lại mối tình của một nàng con gái đã được gia đình hứa hôn từ thuở còn nhỏ cho người anh bà con ngoại tộc. Nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc nên hai người phải rời cách xa nhau mỗi người mỗi ngả. Đến khi khôn lớn, cô gái xinh đẹp kia bị triệu vào cung để hầu hạ nhà vua. Lúc bấy giờ người anh ngoại tộc kia mới trở về muốn được gặp mặt, nhưng không thể nào được toại nguyện. Tôi chỉ nhớ dường như cuộc tình này gần như mối tình của Roméo et Juliette vậy. Bà cụ có biết về câu chuyện này không? Và, tác giả của truyện này là ai?

ĐÁP:

Quả đúng là có câu chuyện tình đầy đau thương như bà chị trình bày. Nhan đề của tập truyện đó là LƯU VÔ SONG TRUYỆN của Tiết Điệu

Câu chuyện kể rằng:

’Nàng Lưu Vô Song là con gái của Lưu Chấn làm đến chức quan đại thần của triều đại Đường Đức Tông hứa hôn với người họ hàng ngoại tộc, tên là Vương Tiên Khánh. Lúc bấy giờ cả hai còn tuổi nhỏ, suốt ngày thường đưa nhau rong chơi trên các cánh đồng hái hoa, bát bướm… Nhưng không bao lâu sau đó, đất nước gặp cơn ly loạn, khiến mỗi người mỗi ngả, từ đó hai gia đình không còn liên lạc được với nhau nữa.

Mãi đến mười năm sau, giặc giã không còn, đất nước trở lại bình yên. Và, cũng là thời gian, nàng Lưu Vô Song tròn tuổi 15, mặt hoa da phấn, trông nàng đẹp như nàng tiên giáng thế. Cái đẹp sắc nước hương trời của nàng đến tai nhà vua và sau đó nàng bị triệu vào cung. Trong lúc nàng sắp lên đường nhập cung thì cũng đúng lúc Vương Tiên Khánh vừa trở về quê cũ, đến ra mắt quan đại thần Lưu Chấn nhắc lại chuyện giao ước ngày xưa.

Chàng và nàng sững sờ nhìn nhau, để mặc cho nước mắt đầm đìa trên đôi má. Cả hai chưa kịp thốt lên lời nào thì…cánh rèm hoa đã từ từ phủ xuống.

Để giữ mối tình trọn vẹn, khi nhập cung, nàng Lưu Vô Song đã tự vẫn để giữ vẹn mối tình chung thủy. Tin nàng chết được loan truyền, khiến Vương Tiên Khánh vô cùng đau khổ. Chàng khóc than hết lời, và định kết liễu đời mình để cùng nàng cho trọn nghĩa, thì…bất giác Vương Tiên Khánh gặp một người hiệp khách, ngăn chặn lại hứa sẽ giúp cho hai người toại nguyện được sum họp với nhau. Chàng hiệp sĩ vào cung mang xác Lưu Vô Song ra cứu nàng sống dậy. Cả hai ôm chầm lấy nhau mừng mừng rỡ rỡ rồi đưa lên ngọn cao sơn cùng nhau chung sống trọn đời.

Đúng đây là câu chuyện của vở kịch Roméo & Juliette của Shakespeare diễn tả nỗi đau lòng của một nàng con gái vô cùng cảm động.

VẤN: Cụ Nghiêm Hồng Thiện, San Jose: Bà cụ nhắc lại hộ bài Thiên Trân Vĩ nhị chương của Triệu Phong. Xin cám ơn bà cụ.
ĐÁP:

Dưới đây là THIÊN TRÂN VĨ:

Trân dữ Vĩ,
Phương hoán hoán hề,
Sĩ dữ nữ,
Phương bỉnh nhàn hề.
Nữ viết: ”Quan hồ?”
Sĩ viết: ”Ký thư”
Thả vãng quan hồ?
Vĩ chi ngoại.
Tuân hu thỏa lạc,
Duy sĩ dữ nữ.
Y kỳ tương hước,
Tặng chi dĩ thược dược.

Sông Trân, sông Vĩ ven bờ
Hoa lan vừa chớm nõn nà tiết xuân.
Chàng vui kề cận má hồng
Cánh hoa riêng tặng mặn nồng cho nhau.
Hỏi rằng: ”Chàng đến rồi sao?”
Mỉm cười chàng bảo đã vào xem qua!”
“Thì xem lần nữa có sao?
Ngoại vi sông Vĩ, đưa nhau đến cùng.
Sóng vai nhau, lòng bên lòng
Dạo chơi một khối tình chung một lòng.
Bên nhau xin chớ ngại ngùng
Trao hoa thược dược, tình nồng thắm thêm.
(Thinh Quang dịch)


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 122

VẤN: Cụ Hà Nguyên Bửu, Virginia: Ngày xưa có người ôm viên quí ngọc dâng tặng cho vua bị chặt mất chân trái, mà vẫn chờ đợi đến đời vua khác để dâng hiến đến nỗi cái chân mặt còn lại cũng bị chặt nốt… Tôi chỉ biết đại khái như vậy. Bà cụ có nhớ sự tích này không?

ĐÁP:

Đó là một điển cố gọi là “Biện Hòa ôm Ngọc”. Chuyện kể rằng đời nhà Chu có ông Biện Hòa người nước Sở, tìm ra được một viên quí ngọc, vội mang dâng lên vua Lê Vương. Lê Vương không biết của quí cho đó là đồ giả, hạ lệnh chặt chân trái của Biện Hòa. Tưởng một lần bị chặt mất chân đã tởn đến già, nhưng Biện Hòa vẫn cố giữ viên ngọc quí đó đợi đến đời Võ Vương lại mang dâng tặng để tò lòng trung thành. Vua Võ Vương cũng cho là của giả, rồi theo như Lê Vương, nhà vua này cũng ra lệnh chặt luôn chân phải. Kịp đến khi Văn Vương lên ngôi, Biện Hòa ôm ngọc ngồi khóc ròng, nhà vua sai quan trông nom báu vật mài ngọc ra thử. Viên quan xác nhận quả là viên ngọc thật, Văn vương bèn thâu nhận và đặt tên là “Ngọc Biện Hòa”

Thơ Dương Ức có viết:

“Uổng thay Kinh Vương ngờ ngọc đẹp”

Tiến Duy Diễn cũng có câu:

“Kinh vương nào biết giá liên thành
Om ngọc người Nam luống đoạn trường.
(Hàn Phi Tử)

VẤN: Bà Ngô Viên Mãn, Alhambra (LA): Nghe nói có điển cố nói về Tô Vũ, xin bà cụ nhắc lại sự tích này.

ĐÁP:

Đây là sự tích ông Tô Vũ chăn dê. Thời Hán Vũ Đế nguyên niên Tô Vũ được cử chức Trung Lang tướng đi sứ sang Hung nô. Khi được chúa Hung nô tiếp kiến và ra lệnh ngay là phải đầu hàng thay vì cùng thương thảo chuyện quốc gia đại sự. Tô Vũ nhất mực không chịu bèn bị chúa Hung Nô đày đi Bắc Hải chăn bầy ”dê đực”. Trươc khi cho áp giải, chúa Hung nô là Thiền Vu bảo với Tô Vũ:

-”Chịu khó chăn dê đực đến khi nào chúng sinh con sẽ tha cho về cố quốc”

Ngày qua ngày, Tô Vũ chịu cảnh đói khát phải tìm kiếm hạt cỏ nhai với tuyết để sống qua ngày. Suốt 19 năm trường Tô Vũ cầm cờ “Tiết” nhà Hán chăn đàn dê đực của Thiền Vu. Mãi đến khi Chiêu đế lên ngôi vua, cầu hòa với Hung nô, Tô Vũ mới được tha về.

Đời Hán Văn đế Tô Vũ được phong tước Quan nội hầu và được tôn vinh công trạng, hình ông được vẽ trên gác kỳ lân. Đó là vào khoảng năm 709-757.

VẤN: Bà Hà Anh Tuấn, Orange County: Bà cụ vui lòng giải nghĩa hộ mấy câu tục ngữ bằng Hán tự như sau:
1. Hỏa đáo trư đầu lạn,
Tiền đáo công sự biện.
2.Hoàng kim phô địa ,lão thiếu yêu chiết
3. Hoàng mao a đầu, thập bát biến.

ĐÁP:

Câu 1:

Lửa đến đầu heo chín,
Tiền đến, việc công xong.

Ta cũng có câu:
Tiền bạc đi trước, mực thước theo sau.

Câu 2:

Hoàng kim bày mặt đất, già trẻ thảy gãy lưng.

Ta có câu:
Thấy của tối mắt.

Câu 3:

Cô ả tóc râu ngô, mười tám đà trổ mã.

Ta cũng có câu:
Gái 17 bẻ gãy sừng trâu.

VẤN: Thời Lý Thái Tổ chưa lên ngai vàng, vua Ngọa triều càng ngày càng tỏ ra bạo ngược, khiến mọi người trong nước đều oán ghét, trong triều đa số các quan đại thần không còn yểm trợ nữa. Lúc bấy giờ có nhiều điềm báo trước ngày suy tàn của họ Lê. Chẳng biết đó là những điềm gì, bà cụ nhớ không?

ĐÁP:

Có rất nhiều điềm diễn ra trong lúc vua Ngọa triều làm nhiều điều hung bạo. Trong triều lúc bấy giờ Lý Thái Tổ còn đang làm Thân vệ, chỉ canh chừng chận bớt việc làm phi nhân của vua Ngọa triều, không thể nào ngăn cản được. Lúc bấy giờ các điềm gở, điềm lành xảy ra gần như liên tục. Như trường hợp dân vùng kế cận viện Hàm Toại ngay chùa Ứng Thiên Tâm, tại bãi Cổ Nháp chứng kiến một con bạch cẩu to lớn khác thường xuất hiện, lông trên lưng hiện rõ ràng hai chữ “Thiên Tử”.

Lại nữa, một hôm có tiếng sét đánh trúng cây gạo và ngay sau đó toàn thể cây lá đều thấy có chữ “QUỐC” hiện lên. Chẳng những vậy, trong thời gian này khi màn đêm phủ xuống tại ngôi mộ Hiển Khánh bỗng dưng cứ đến nửa đêm tư bề có tiếng ngâm thơ vang dậy v.v..

Quả nhiên, không bao lâu triều đại họ Lê suy tàn. Ngoạ triều băng hà. Họ Lý tức Lý Thái Tổ lên ngôi. Sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ đã tiên tri nói trước với hai người anh em vua rằng:

-”Thiên tử đã băng hà, chỉ trong vòng ngàn ngày nữa Lý Thân vệ sẽ lên ngôi thay cho nhà Lê đem lại thái bình cho nhân dân ta”.

Nói rồi nhà Sư cho yết bảng rao giảng khăp nơi để mọi người biết. Thông cáo đó bằng 4 câu thơ ngũ ngôn sau:

Tật Lê chìm bể Bắc
Hạt Lý mọc trời Nam
Bốn phương gươm giáo dẹp
Khắp cõi hưởng bình an.

Và về sau quả nhiên lời nhà Sư đã trở thành sự thật.

 

 

MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 123

VẤN: Cụ Vũ Đình Lang Sandiego: Có 3 điều tôi muốn biết ấy là:
1. Nóivề Phật giáo Đại thừa, tôi thường nghe song muốn biết ý nghĩa tiềm tàng của nó.
2. Tôi có đọc qua về danh từ “Hán Diên Hựu”, vậy từ này chỉ về điều gì?
3. Tại sao người chuộng về Nho giáo thường ca tụng về cây trúc?
Xin cụ giải thích hộ cho.

ĐÁP:

1. Phật giáo Đại thừa không thuần nhất độc lập mà nó lẫn lộn giữa NHO, ĐẠO và THÍCH. Tín ngưỡng Phật giáo Đại thừa đối với các tu sĩ thuộc giới trung lưu thì lẫn lộn cả Thiền tông lẫn Mật tông. Trái lại, với giới bình dân thì họ có xu hướng thiên về sự sùng bái để cầu nguyện một Đấng huyền nhiệm – một Tha lực có thể cứu vớt, hộ trì để được tai qua nạn khỏi…

2. “Hán Diên Hựu” là một danh từ tiền thân của chùa Một Cột. Ngôi chùa này được xem là một công trình nghệ thuật độc đáo, có lối kiến trúc lôi cuốn được ngay sự chú ý của mọi người. Ngôi chùa dựng lên, thoạt ban đầu gọi DIÊN HỰU, có thể nói nó là một công trình hợp tác sáng tạo bằng tinh thần chứ không là hợp tác cấu trúc. Chùa Một Cột biểu tượng hình ảnh của một hoa sen, nằm giữa một đầm nước trên một gò đá khá đồ sộ. Hình ảnh của ngôi chùa Một Cột nhỏ nhắn, có vòm ngói mái cong. Nó hóa trang Linh phù Lingam Yoni của Chiêm Thành và biến thành một bông hoa sen, biểu thị của sự trong trắng.

3. Cây trúc đối với tinh thần Nho giáo thì nó là biểu tượng cho người quân tử. Thơ “Vệ nhất chi” trong Kinh thi đã viết:

Chiêm bí kỳ úc,
Lục trúc y y;
Hữu phỉ quân tử,
Như thiết như tha,
Như trác như ma,
Sát hề giản hề!

Hữu phỉ quân tử,
Chung bất khả hiến hề…


Ô kìa! Khóm trúc xanh tươi
Trúc mơn xanh mướt khắp nơi sông Kỳ.
Trông người quân tử thiết tha
Nâng niu chuốt ngọc tay hoa dũa mài.
Nói làm sao, rực rỡ này
Nhớ hoài quân tử ngày ngày gắn ghi!
(Thinh Quang dịch)

VẤN: Ông Thanh Hà, San Jose: Trong Tam Thiên Tự có đoạn nói về “Lễ Nhạc”, bà cụ nhớ xin nhắc hộ cho. Cám ơn bà cụ nhiều.

ĐÁP:

Có 8 đoạn như sau:

LỄ NHẠC XẠ, NGỰ THƯ SỐ, CỔ LỤC NGHỆ, KIM BẤT CỤ, DUY THỨ HỌC, NHÂN CỘNG TUÂN, KÝ THỨC TỰ, GIẢNG THUYẾT VĂN.

Nghĩa từng chữ:
LỄ: Lễ nghi, lễ tiết giữa người với người, hay luân lý sinh hoạt.
NHẠC: âm nhạc.
XẠ: Dùng cung để bắn tên.
NGHỊ: Cưỡi ngựa, điều khiển xe ngựa.
THƯ: Thư pháp, viết chữ.
SỐ: Số học, toán học.
LỤC NGHỆ: Sáu loại nghề.
BẤT CỤ: Đã không tồn tại, đã không còn.
DUY: Chỉ có.
THUYẾT VĂN: Tên sách gọi là “Thuyết Văn Giải Tự”. Tác giả là Hứa Thận, người Đông Hán, là một loại tự điển, nói lên ý nghĩa và nguồn gốc của các chữ.

Giải nghĩa đại cương: Tám câu này diễn tả những người giỏi về 6 loại nghề như: Lễ nghi, âm nhạc, bắn cung, cưỡi xe, ngựa, viết chữ và toán học. Hiện nay không còn ai. Duy chỉ có môn học viết chữ đến nay mọi người cũng phải theo học. Đã biết chữ rồi mới nói đến việc nghiên cứu quyển “Thuyết Văn Giải Tự.”

VẤN: Bà Nguyễn Thị Anh Hoa, Virginia: Bà cụ có nhớ bài “Thất Nguyệt bát chương” (Bân Phong) không? Xin nhắc lại hộ và luôn cả bài thơ dịch. Cám ơn bá cụ.

ĐÁP:

THẤT NGUYỆT BÁT CHƯƠNG

Thất nguyệt lưu hủy
Cửu nguyệt thọ y.
Nhất chi nhật tất phế
Nhịu chi nhật lật lệ.
Vô y vô hệ
Hà dĩ tốt tuế?
Tam chi nhât vu tỷ.
Tứ chi nhật cử chỉ,
Đồng ngã phụ tỉ
Diệp bỉ Nam mỹ
Đoàn tuấn chí hỉ.

Dịch:

Tháng bảy mọc thấp sao Đại hỏa,
Tháng chín thì áo đã trao xong.
Tháng mười một rét gió đông
Tháng mười hai gió lạnh lùng cắt da.
Nếu chắng áo thô và áo tốt,
Đến cuối năm sống sót được sao?
Tháng giêng nông cụ sửa mau,
Tháng hai cất bước cày sâu ngoài đồng.
Với ta đàn bà cùng con trẻ
Đến ruộng nam con trẻ đưa ăn,
Khuyến nông bước tới hân hoan.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 124

VẤN: Cháu Lê Xuân Đài, Orange County: Tây Tạng với giáo lý Mật Tông, nghe nói có nhiều quyền phép huyền bí, có đúng là sự thật hay không? Nếu có xin bà cụ có thể trưng bày một vài câu chuyện siêu nhiên đậm màu huyền hoặc đó.

ĐÁP:

Theo “Lĩnh Nam trích quái” của Trần Thế Pháp, cũng như “Việt điện U linh tập” của Lý Tế Xuyên, là những tác giả ghi chép lại các chuyện mang tính huyền bí mà theo tác giả đó là sự thật.

Như câu chuyện bà Alexandra David Neel đã ghi nhận nhiều điều có tính huyền hoặc trong tác phẩm “Mystiques et Magicieux du Tibet”, trong những ngày tháng bà đi du lịch xứ Phật Tây Tạng đến nỗi bà không tin vào con mắt của mình, nhưng có điều bà vừa không tin như vậy song lại vừa xác nhận là lúc bấy giờ bà vẫn tỉnh táo nhờ vào sự hiếu kỳ. Điều này không phải riêng bà mà cả những người đồng hành với bà ngay trong ngày xảy ra các sự cố đầy vẻ bí mật ấy. Bà đi du lịch Tây Tạng không ngoài mục đích khảo cứu xứ sở huyền bí này, sau những câu chuyện được đồn đoán về “người phi hành” mà Tây Tạng gọi là “loung gom pas”. Bà Alexandra David Neel khi bà đến miền Bắc của Tây Tạng, tại đây lần đầu tiên bà đã bất giác sững sờ khi nhìn thấy “người phi hành” xuất hiện trên cánh đồng cỏ non xanh mượt.

Bà kể:

-”Đó là một buổi chiều, đúng là một buổi chiều tà, bà cùng các bạn đồng hành cưỡi ngựa thả rong đi nước kiệu qua một vùng cao nguyên đầy cát trắng. Bỗng bà nhác thấy từ đầu xa một điểm đen xuất hiện. Bà vội lấy ống nhòm “thiên lý” để quan sát cái điểm đen kỳ dị đó đang di chuyển về phía đoàn người đi nghiên cứu cùng bà. Bà được biết qua người địa phương thì đây là vùng vắng vẻ ít khi trông thấy bóng người. Vậy thì cái điểm đen đang tiến về hướng bà đang đứng là ai? Con người trần phàm tục? Không hẳn như vậy. Nếu chẳng phải thì đó là một đấng thuộc Cõi Vô Vi? Điều này thì bà không tin được. Nhưng nếu không thì hình bóng đen đó là ai? Làm sao họ phi hành được? Chẳng mấy chốc bóng đen kia sắp tiến lại gần. “Tất cả bọn chúng tôi – bà Alexandrs David Neel nói - không thể nào chối bỏ được, đó là hình ảnh của một người thuật sĩ, một “lama loung gom pa”, một người phi hành. Nhân vật phi hành này có đôi mắt mở rộng, sáng ánh, biểu lộ một sức mạnh tinh thần có thể cuốn hút được mọi người. Bóng đen này không lưu ý đến chúng tôi, song chúng tôi có linh cảm là hẳn y biết chúng tôi đang tò mò theo dõi. Người phi hành này hạ xuống đứng trên mon đá trắng của ngọn đồi không xa lắm về phía trước mặt chúng tôi. Và chỉ trong dây lát người phi hành cất bổng người lên rồi từ từ bay đi là là theo sườn ven đồi. Bây giờ – bà Alexandra nói - rõ ràng đó là ông thầy tu, vận chiếc áo màu vành sậm cũ kỷ nhưng lành lặn. Tay trái ông nắm lấy vạt áo trước che mất hết nửa người mình. Tay phải ông cầm lấy con dao “Paurba” chỉa mũi con dao xuống dưới như tuồng cắm vào mặt đất…nhưng thật ra ông đang từ từ vươn mình bay cao hơn đỉnh đồi cả mười thước. Nơi đây ông đáp xuống lưng đồi và biến mất dạng bên kia sườn núi.

Và, một câu chuyện khác. Bà cũng gặp một “loung gom pa” nữa. Lần này thì bà có ghi lại sự nhận xét có tính khoa học.

-“Đây là lần thứ ba, tôi bắt gặp họ” Bà muốn nói họ đây là người phi hành Tây Tạng. “Lần gặp gỡ này ngay tại phía Tây tỉnh Tứ Xuyên. Hôm ấy tôi cùng Yonden đi đến một lối rẽ hiểm hóc, chúng tôi bắt gặp một người trần truồng không có lấy manh vải che thân, quanh người quấn sợi xích sắt. Người khỏa thân này đang ngồi trên một mon đá trắng, hướng mắt về một phương trời xa xăm. Ông ta chăm chú đến nỗi không nghe thấy có sự hiện diện của chúng tôi chỉ cách đó không đầy mười thước. Nhưng chỉ trong chớp nhoáng như có luồng điện nào đó báo cho ông ta biết có sự hiện diện của chúng tôi bên cạnh, liền lập tức quay đầu lại, và chẳng khác nào một con hươu lao mình vào một đám bụi rậm và mất hút sau đó, để lại âm vang của những tiếng của sợi dây xích va chạm nhau vọng lại.”

Hiện tượng này có thật. Các nhà bác học cho đây là hiện tượng tâm linh của giới tu hành Mật tông Tây Tạng. Họ có một quyền năng đầy thần thông, kể từ Padmasambhava du hành đến Tây Tạng vào năm 747 sau CN để truyền bá giáo lý Kim Cương thừa – Vajayâna – tức là Mật giáo (Tantrtisme). Theo bác sĩ D’Arsonval có ghi nhận trong lời giới thiệu bà Alexandra David Neel là bất cứ hiện tượng nào, dù là hiện tượng tâm linh huyền hoặc khoa học cũng đều mang ra nghiên cứu.

VẤN: Ông Lê Hồng Hà, San Jose: Tôi có đọc về lời nhắc nhỡ của cụ bà về Lễ Nhạc, nhưng không thấy đề cập đến câu chuyện ghi chép trong Sử Ký về Đức Khổng Tử có 72 người học trò của Ngài tinh thông về Lục Nghệ. Xin bà cụ giải tiếp cho.

ĐÁP:

Theo Sử Ký có ghi chép là học trò của Khổng Từ có 3000 người, trong số này có 72 người là tinh thông Lục Nghệ.

Ngày xưa, có hai anh em bạn học hay chơi chữ với nhau. Một hôm một anh mời anh kia đến nhà ăn cơm trưa và viết thiếp mời là “Bán Lỗ Dĩ Đãi”, có nghĩa chiêu đãi với nửa chữ “LỖ”. Anh bạn thứ hai không hiểu “Bán Lỗ” là nghĩa làm sao, nhưng cũng cứ tới để dự tiệc. Đến khi dọn cơm ra chỉ thấy một đĩa cá mà chẳng có gì khác. Lúc đó anh bạn này mới hiểu là anh kia đã chới chữ với mình. “Nửa chữ Lỗ trên là chữ “Ngư” tức là cá. Một tháng sau anh bạn thứ hai lại tìm một dịp nào đó mời lại anh bạn trước một bữa tiệc và cũng viết là “Bán Lỗ Dĩ Đãi”. Người bạn trước nghĩ là anh bạn này cũng làm lại cá, kiểu của mình trước đây. Nên đúng buổi trưa ngày hẹn đến dự tiệc. Khi đến chỉ trông thấy anh bạn bày bàn ăn ngay sân sau. Trời thì nắng chang chang mà chẳng có gì che, chỉ thấy anh mời mình hôm nay cứ ra vào mời anh uống nước, hết bình này đến bình khác. Anh bạn thứ nhất tưởng là chắc cỗ bàn linh đình, nên chuẫn bị có lâu nên cũng đành cố gắng đợi. Đến khi mặt trời xuống núi mà vẫn tuyệt nhiên chẳng thấy cổ bàn gì bày ra cả, bèn hỏi anh bạn thứ hai sao chưa thấy ăn uống gì, thì anh bạn này mới trả lời THÌ ĐÃ ĂN XONG RỒI CƠ MÀ” Anh bạn thứ nhất thấy lạ. Mình đến đúng giờ và đã thấy có ai ăn uống gì đâu sao lại bảo là xong rồi, bèn hỏi lại anh bạn sau: “Anh mời tôi với “BÁN LỖ DĨ Đãi” – thì Bán Lỗ có nghĩa là Cá, sao chẳng thấy cá tôm gì hết mà chỉ thấy toàn là mời nước không thôi!”


Anh bạn sau mới trả lời:

 

-“Anh xem lại tờ thiếp mời có phải “BÁN LỖ” ở dưới là chữ NHẬT, nghĩa là tôi mời anh với nửa ngày mặt trời là gì".

 

Anh bạn thứ nhất mới biết là mình bị chơi lại quá đau.

Chú thích: Nguyên chữ LỖ viết thành CHỮ NGƯ TRÊN CHỮ NHẬT DƯỚI. Có nghĩa là CÁ, và NHẬT là MẶT TRỜI.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 125

VẤN: Cháu Lê Hạnh Nhân, UCLA: Cụ có thể giúp cháu biết được ai đã dạy cách ăn, mặc của người cổ đại như thế nào không? Cháu được muốn biết về các tập tục này. Xin cám ơn cụ thật nhiều.

ĐÁP:

Vấn đề tập tục ăn mặc thì các quốc gia nào cũng có, chỉ khác nhau trước và sau tùy theo sự khai hóa của dân tộc đó.

1. Ví như, gần nhất bên cạnh đất nước ta, hoặc của chính chúng ta lúc bấy giờ có thể cùng một dòng dõi hoặc cùng một dông đất nối liền, đều có tác động ảnh hưởng nhau về các phong tục, tập quán, nói chung là tập tục.

Như vấn đề tập tục ăn uống. Thủy tổ ta kể từ ngày xuất hiện, các hành động ăn uống, nghỉ ngơi, chẳng khác gì các sinh vật. Lúc đầu đói ăn đồ sống sít, khát uống nước sông nước suối… Không biết trải qua thời gian bao lâu, có thể cả hàng nghìn năm, hàng vạn năm hay lâu hơn nữa kịp đến khi Toại Nhân ra đời khám phá ra lửa bằng hai miếng gỗ mang cọ vào nhau. Phát sinh ra lửa. Từ đó con người biết ăn đồ chín thay vì cho sống sít, biết đốt lửa để sưởi ấm chống lại sự rét mướt cùng loài ác thú. Rồi đến Phục Hy dạy dân đan lưới và chăn nuôi gia súc. Rồi, ông Thần Nông xuất hiện nếm các loài cây cỏ, phân loại thức ăn, cái “thiện” thì dùng làm của ăn, cái “ác” thì kêu gọi mọi người nên tránh. Thần Nông dạy dân ăn ngũ cốc. Hoàng Đế thì dạy cho dân biết nấu nướng…Các phương thức nấu thức ăn thoạt đầu đơn giản, nướng chín trên lửa hoặc vùi dưới bếp tro nóng đến chín rồi ăn. Nhưng về lâu về dài, bằng vào trí tuệ con người biết cách làm cho thức ăn ngon hơn, hợp với khẩu vị hơn. Đời Hán biết dùng thêm muối, biết cho mật hay cho dấm, cho hành, tiêu, tỏi, gừng quế, rau thơm các loại v.v... để món ăn càng thêm thi vị.

2. Tập Tục Ăn Mặc:

Như vấn đề ăn uống, việc che thân cho thích hợp nhu cầu thời tiết. Trước tiên chống lại cảnh rét mướt. Lúc ban đầu, con người bằng vào những tấm lá che thân cho thích nghi với đời sống. Lúc đầu theo đời Hồ áo quần dính liền nhau nhưng sau đó trang phục khác đi, có nghĩa thay vì dính vào nhau, thì tách rời ra thành hai mảnh, áo trên, quần dưới. Lúc bấy giờ danh từ quần chỉ cho cái váy che cho phần thân thể bên dưới. Rồi đến từ thời Chiến quốc, Tần Hán trở lại cách ăn vận như người Hồ, gọi là Hồ phục. Đây là loại trang phục của người Hung Nô. Người Hung Nô biết đi ủng trước các giống dân khác. Vua Vũ Linh Vương nước Triệu vận y phục kiểu này đầu tiên. Đây là lần thứ nhất.

Qua lần thứ hai, đến thời Nam Băc triều thì kiểu áo của Hồ được cải tiến có một đường xẻ dài nơi thân áo. Cổ áo đặc biệt tròn, không những chỉ vua mặc áo kiểu này, chân mang giày ủng mà hầu hết dân chúng đều cùng ăn vận một kiểu như nhau.

Đến đời Tống có thay đổi một pjhần nhỏ, còn hoàn toàn theo nguyên thủy. Đời Đường có quấn khăn trên đầu theo một công thức khá phức tạp.

Về phần phụ nữ, có ba thứ là Váy, Áo, Khăn Choàng…Đặc biệt đời Tống người phụ nữ không choàng khăn mà chỉ mặc áo tay chẽn. Phụ nữ thuộc hàng quí tộc cài trâm, thoa trên đầu. Mãi đến đời Minh, hoàng đế mặc áo long bào. Các đại thần thì cách vận khác nhau tùy theo đẳng cấp…

Qua đời thứ ba: Đời Thanh, lối ăn vận của triều đại cũ đều xóa bỏ. Đàn ông cạo đầu chỉ để tóc đuôi sam, vận “xường xám” đội mũ mã quạ.

VẤN: Cụ Văn Hà Virginia: Kinh thi có trước hay Thi ca có trước? Bà cụ cho một vài ví dụ.

ĐÁP:

Thi Ca có trước Kinh Thi.

Lịch sử văn hóa Trung Hoa cho thấy trước Đông Chu, Trung Hoa đã có một nền văn hóa rực rỡ. Ca dao truyền khẩu có rất nhiều trong dân chúng, song về lâu về dài, đa số ca dao bị thất truyền. Sở dĩ thất truyền lúc bấy giờ vì thiếu văn tự, nên không thể ghi chép lại, do đó mà đến một thời gian nào đó trong dân gian không còn ai nhớ nữa.

Sách Hán Thư có ghi lại một số ca dao Hung Nô lưu lại một số ca dao thời Hung Nô như bài:

Vong ngã Yên chi sơn
Sử ngã phụ nữ vô nhan sắc.
Vong ngã Kỳ liên sơn,
Sử ngã lục súc bất phiền tức.

Có nghĩa:

Làm mất núi Yên sơn,
Khiến phụ nữ chúng tôi mất đi nhan sắc.
Làm mất núi Kỳ liên,
Khiến cho súc vật chúng tôi,
Mất đi đâng đảo.

Hay bài:

KÍCH – NHƯỠNG CA

Nhật xuất nhi tác,
Nhật nhập nhi tức,
Tạc tỉnh nhi ẩm,
Canh điền nhi thực,
Đế lực ư ngã,
Hà hữu tai.

Có nghĩa:

Mặt trời mọc thì làm,
Mặt trời lặn thì nghỉ.
Đào giếng lấy mà uống,
Ruộng cày lấy mà ăn…
Đừng đợi vua giúp ta,
Chuyện ấy chưa hề nghe thấy có.

Còn tiếp
THINH QUANG


 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh