Viết về cho mẹ, ghi dấu một chuyện buồn dĩ vãng trôi qua cuộc đời như chiếc bóng thời gian, như chiếc đinh đóng chặt trên bức tường định mệnh. Tôi cố quên đi những ngày tháng cũ ấy nhưng nó vẫn sống dậy, ray rức mãi trong tâm thức tôi và ám ảnh theo tôi suốt cả các cuộc hành trình trên quê hương cũng như những năm dài sống xa lìa cố quốc.
Một buổi sáng mùa Đông năm Tân Hợi 1950, Mẹ tôi đánh thức tôi dậy thật sớm, mặc cho chiếc áo len đan màu xám. Tôi nhìn ngoài hiên nhà có nhiều người lớn tuổi đứng vây quanh, tôi chẳng biết chuyện gì xãy ra, mà chỉ vui mừng là mẹ cho tôi mặc chiếc áo mới. Một lát sau, tôi thấy môt người đàn ông lạ xuất hiện, chân mang đôi guốc gỗ, mặc chiếc áo dài đen, quần màu trắng, đầu thì chít chiếc “khăn đóng “màu xanh, mang đến trao cho mẹ tôi một bó hoa màu hồng. Tôi nhanh chân chạy đến ôm bó hoa mừng rỡ, bỗng nhiên mẹ tôi khóc, tôi lùi lại nhìn mẹ ngơ ngác. Mọi người trong nhà hướng mắt vê phía tôi thở dài. Sau chừng một phút, mẹ tôi tiến đến bên Chú tôi nói nhỏ vài câu gì đó, quay lưng lại lấy trên bàn một chiêc nón lá và một cái khay đựng trầu cẩn xa cừ, rồi Người cúi mặt bước đi ra khỏi nhà không nhìn lại tôi. Tôi khờ khạo cười và hỏi:
- Mẹ hôm nay đi đâu vậy?
Mưa phùn bay nghiêng nghiêng ngoài trời gió bấc thồi lạnh buốt, mọi người xúm xít thay phiên nhau ôm tôi, đều rớm nước mắt, còn Cô tôi bồng em tôi khóc trong phòng. Có vài người xầm xì nói:
- Tội nghiệp hai đứa bé nầy đã trở thành mồ côi, làm mẹ mà chẳng thương con bỏ đi lấy chồng.
Tôi ngây ngô hỏi thím tôi:
- Mẹ có về lại với cháu không? Mẹ có chồng là nghĩa gì hở thím?
Thím tôi không giải thích mà chỉ lắc đầu. Kể từ buổi sáng ấy tôi không còn có mẹ bên cạnh. Cũng bắt đầu từ đó trên vai cõng em tôi chưa tròn 2 tuổi đi xin cơm ăn, xin sữa bà con lối xóm cho em bú mày. Và hát bài du ca thưở mẹ dạy: “Con mèo con chó có lông cây tre trăm đốt...” ru em ngủ. Cái tuổi thơ chiù chuộng của tôi không còn nữa. Có đôi lần tôi quì xuống và cúi đầu xin bà con cho tôi cơm ăn, chút ít sữa cho em tôi cắn cựa uống để sống qua ngày mà nước mắt chảy ràng rụa. Có những lần tôi khóc đến nổi sưng híp cả cặp mắt, cứ gọi mẹ ơi! Trong những đêm dài hoang vắng dưới căn nhà cổ kính bên chân đồi Hoa Sim. Em gái tôi nó gầy như chiếc đũa nhưng miệng nó mãi mủm mỉm cười, lứa tuổi quá hồn nhiên không biết vui buồn của nó đã cho tôi một cảm giác an tâm. Nó chỉ biết tập nói được tiêng nói “anh hai”. Tiếng mẹ không có trên môi em tôi. Tiếng mẹ đã tắt vĩnh viễn trong tôi từ đó, nhất là những buổi chiều khi bóng hoàng hôn xuống tôi thấy bơ vơ lạ thường. Tôi hoảng sợ trước cái bóng tối dài cô đơn, hình ảnh cô độc bao quanh hai anh em tôi. Tôi phải cam chịu sống cảnh bơ vơ côi cút với lứa tuổi vừa lên bảy, đôi má hóp dần, bởi đói khổ, những hạt bụi dơ bẩn phủ đày lên quần áo, bám đầy trên vầng trán thơ ngây, nó hằn lên nét dạn dày trực diện với hoàn cảnh bi thảm hiện tại..
Có một buổi trưa ngoài trời sắp đổ mưa, những tia chớp rền lóe sáng vần vũ trên bầu trời, tôi quá sợ hãi, cõng em tôi đứng co rúm bên cây mì ba cháng, khóc nức nỡ, cứ gọi mãi tên mẹ!
Chú ruột tôi đi cày ruộng về thấy vậy, ném chiếc cày trên vai, vội vã hai tay bồng hai anh em tôi cũng òa lên tiếng khóc.
- Trời ơi! Sao mà tội nghiệp cho hai cháu...
Kể từ đó, hai anh em tôi được chú thím bảo dưỡng, dạy dỗ, đùm bọc. Ngày thường thì chú cho đi học. Thứ bảy, Chủ nhật giúp chú đi chăn bò. Cũng kể từ đó tiếng mẹ tắt hẳn trên môi tôi thay bằng tiếng Chú. Còn em tôi lớn dần, ngày đi học đêm thì phải đi xay bột mướn góp tiền phụ cho tôi tiếp tuc đi học. Cũng từ đó tôi oán hận mẹ tôi vô cùng, oán ghét cả không gian và thời gian vô tình đã chia cắt tình mầu tử, trao đến cho anh em tôi niềm bất hạnh. Có đôi lần mẹ nhớ tôi trở về thăm, tôi biết mẹ nhưng chạy trốn vì sợ cái cảnh buồn đau ghê gớm đó trở lại. Cái tình cảm chan chứa trong bầu huyết quản tôi như trời đất “bao la sầu”. Tôi chạy trốn mẹ nhưng núp ở đâu đó nhìn trộm mẹ, vẫn biết rằng cái phút giây ấy tôi thương mẹ vô cùng. Cứ thế một lần, hai lần, nhiều lần, tôi lén nhìn trộm mẹ, thấy mẹ mím chặt đôi môi có lẽ để khỏi bật thành tiếng khóc mà tôi vẫn ơ hờ như con nhện nhả tơ, có hiểu gì đâu! Sau đó mẹ tôi không trở lại thăm tôi nữa, người chọn đến một phương trời thật xa ở tận cái làng nhỏ xíu trong hóc núi tỉnh Phan Rang, có lẽ người muốn quên đi cái dĩ vãng đau buồnvà
cố quên hai đứa con dại đang sống bơ vơ.
Ngày tháng qua mau, tôi lớn lên bên người chú già nua đáng kính, rồi cũng trưởng thành như mọi người trai cùng thế hệ. Tổ Quốc lâm nguy, quê hương khói lửa ngập tràn, sông núi gọi mời, Tôi lên đường nhập cuộc, chọn Liên trường Võ Khoa Thủ Đức khóa 22 làm nghiệp dĩ cho đời trai. Ra trường tham chiến trên các chiến trường Vùng 1 hỏa tuyến, mỗi bước chân đi ngoài sa trường thân thể mang đầy thương tích, chiến đấu âm thầm như lãng tử cô đơn. Vào mùa Hè năm 1972 đơn vị tôi (Tiểu đoàn 103/ĐP Mãng Xà Vương) xung trận với Lữ Đoàn 52 CS Bắc Việt tại chiến trường núi Chóp Vung phía tây nam Quận lỵ Bình Sơn. Tôi bị thương nặng. Mẹ tôi được tin khẩn cấp đến thăm tôi tại Quân Y Viện 1 Dã Chiến Quảng Ngãi. Mảnh đạn còn nằm trong sườn bên phải của tôi chưa kịp giải phẫu, trong cơn đau nửa tỉnh nửa mê, tôi nghe tiếng mẹ tôi nói trong nghẹn ngào:
- Con đừng chết, con phải sống để nghe mẹ nói sự thật về đời của mẹ, mà mẹ đã giấu kín với con suốt 25 năm, lý do tại sao mẹ bỏ con ra đi.
Nghe đến đây tôi choàng bừng tỉnh, lấy sức bình sinh tay trái đẩy mạnh mẹ văng ra khỏi giường và la lớn:
-”Bà hãy nghe kỹ đây, bà không phải là mẹ tôi, hãy rời khỏi nơi nầy, đừng nói thêm nữa”.
Mẹ tôi cố gượng đứng dậy lau nước mắt rồi lặng lẽ bước đi. Tôi tự nghe lòng đau như dao cắt, còn đau hơn vết thương trên thân thể tôi ngoài chiến địa. Tôi thương mẹ nhưng hận mẹ vô cùng, mỗi lần nhớ đến đoạn bước chân nhỏ bé khờ dại cõng em tôi xin cơm và xin sữa. Nhớ lại cảnh em gái tôi buộc phải lấy chồng năm 16 tuổi, gặp phải một người chồng rượu chè be bét, tâm trí điên loạn, du côn, đánh đập hành hạ em tôi. Trời ơi! Người mẹ bất nhẫn, tôi không thể quên và tha thứ được.
Thế rồi, một năm, ba năm, 20 năm sau tôi không còn gặp lại mẹ nữa. Chiến tranh và hận thù bao trùm lên toàn bộ đất nước. Kẻ thù dùng thủ đoạn man rợ nhuộm đỏ miền Nam VN thân yêu. Tôi là kẻ trong đoàn quân chiến bại bị bắt làm tù binh, họ trói chặt hai tay tôi trên đường phố Quàng Ngãi áp tải đi đày. Em gái tôi thấy vậy, ôm mặt khóc gọi “Anh hai” rồi ngất xỉu bên lề đường phố. Còn mẹ tôi vẫn mãi sống âm thầm như con đà điểu già trong căn nhà vách lá xiêu vẹo ở sát chân núi Lâm Sơn, tỉnh Ninh Thuận (Phan Rang). Sớm hôm mẹ cầu kinh bên gác Thánh, biết Người cầu nguyện những điều gì và cầu cho những ai...?
Ngày tháng trôi qua như nước dòng Sông Trà trên quê hương chảy qua hai mùa mưa nắng. Thời gian cũng quắc quay không ngừng nghỉ trên vùng đất xa xôi, dòng sông Merrimeck sóng vẫn nhả khói sương mù trắng xóa che mờ đình núi Winter Hieghts vào những buổi chiều nắng tắt. Tôi suy nghĩ vẩn vơ. Tôi cũng tự buông thả dòng đời để cho tâm hồn mình an nhiên tự tại, thì bỗng điện thoại reo, Nhấc ống nghe: “Tin em gái tôi báo khẩn cấp Mẹ đã qua đời tai bệnh viện Phan Rang”. Nghe tin, đầu óc tôi quay cuồng, bủn rủn cả tay chân, lăng người dường như nghe tiếng sấm nổ vỡ nát không gian, Tôi quỳ xuống: “Gọi Mẹ ơi!...”.
Còn mẹ như ánh sáng soi đời
Mất mẹ như mất cả bầu trời
Con nghe hồn vở tan thành lệ
Nhớ quá chao ôi! tiếng mẹ cười.
Hai tuàn lễ sau đó, tôi nhận một lá thư từ VN gởi đến, nét chữ là của Mẹ tôi, màu mực tím đã phai nhòe. Mẹ viết: Ngày, tháng, năm trên tựa đầu lá thư cách nhau xa so với năm tháng hiện tại. Cầm trên tay lá thư tôi suy nghĩ miên man. Tai sao lá thư nầy của mẹ gởi đến sau khi Mẹ chết? Cuối cùng tôi ngồi xuống sofa đọc búc thư của Mẹ:
Phan Rang, ngày 3 tháng 7 năm 1995
(Ngày Mẹ qua đời là: Ngày 14 tháng 7 năm 2009)
Khiêm thương quí của mẹ!
Sức khỏe của mẹ hiện giờ quá yếu chắc là không còn sống bao lâu nũa, nhưng mà trí tuệ của mẹ vẫn còn sáng suốt nên mẹ chọn cái ngày tháng hôm nay để viết lá thư nầy cho con, vừa để đánh dấu cái ngày đen tối, kinh hoàng nhất và đau buồn nhất của đới mẹ cách đây 43 năm về trước. Lá thư nầy mẹ viết lên tất cả sự thật nỗi niềm thống khổ mà mẹ đã giấu con chưa có dịp nào đễ nói:
Ở một cái làng kia, nằm phía Tây chân đồi Núi Khoáng thuộc Quận lỵ Mộ Đức có hai chàng trai rất thân cùng một tuổi, cùng học một trường, thường hay rủ nhau thả diều giấy bay trên khoản bầu trời đỉnh đồi Hoa Sim những chiêu có gió lộng. Có một người hay hướng mắt nhìn hai con diều giấy bay theo gió và vỗ tay reo hò là cô gái, con gái của ông Xã Thược tên là Khắc Lương. Cả hai chàng đều yêu thầm Khắc Lương, cả hai chàng cũng thề kết bạn tâm giao, hứa với nhau rằng: “nếu sau nầy một trong hai người có mệnh hệ gì phải giúp đở lẫn nhau”. Một chàng tên là Y Tùng, chàng kia tên là Mạc Vân.
Đến một ngày nọ, Khắc Lương đồng ý kết hôn với Mạc Vân, thế là đám cưới đi ngang qua hàng cau trước ngỏ nhà Y Tùng. Từ đó Tùng buồn vô hạn bỏ nhà đi lang thang khắp nơi, một con diều giấy không còn thấy bay trên đỉnh núi nữa. Thấy vậy, Mạc Vân đi tìm Y Tùng về, sắp xếp cho Y Tùng nghề cai quản ruộng rẫy, lo mọi việc trong gia trang. Lúc đầu Y Tùng từ chối nhưng sau những lời chân thật năn nỉ của Mạc Vân, Y Tùng chấp nhận. Vả lại Y Tùng đang gặp phải hoàn cảnh cha mẹ mất sớm, nhà nghèo cần kiếm ít tiền, nhờ bạn để sống tạm qua ngày.
Cuôc sống đôi vợ chồng của Mạc Vân êm đềm và rất hạnh phúc. Đâu có ngờ, vào ngày ấy cái búa định mệnh đập vỡ khối tình yêu đó, Mạc Vân đã chết trong cuộc mưu sát bằng thuốc độc vì tranh giành chúc vụ chưa tròn 29 tuổi. Để lại cho Khắc Lương một gia tài khá lớn và hai đứa con nhỏ dại. Khắc Lương nỗi cơn điên loạn phá phách lung tung, đến nổi đập vỡ chén, ly, bình, tách, đồ cổ quí giá trong gia đình. Đứng trước hoàn cảnh bi thảm và biến đổi đột ngột đó, Y Tùng phải làm mọi cách để xoa dịu nỗi đau tột cùng của Khắc Lương, chăm sóc hai đứa bé và lo công việc đồng áng.
Nỗi buồn nào cũng có giới hạn, rồi cũng phai nhòa theo năm tháng. Khắc Lương lấy lại bình tỉnh sau những lời khuyên răn của Y Tùng:
-”Chị phải nhìn về tương lai của hai con, can đảm đứng vững trên khổ đau để chống trả bão tố của cuộc đời, hành hạ mình là hủy hoại thân thể, đẩy mình lún sâu vào hậu quả không thể lường được”.
Rồi Y Tùng phải từ giã Khắc Lương từ giã cái quá khứ ghim sâu trong lòng để ra đi...
Trăng thượng tuần mùa Xuân năm ấy, một cảnh tượng hãi hùng đến với Khắc Lương diễn ra ở sân đình làng Bầu Đế. Chính Quyền địa phương hộp dân mở phiên tòa đấu tố thành phần địa chủ, phú nông. Người ta kéo lôi Khắc Lương ra sân tuyên án, họ tự dựng nên một bản án vô căn cứ qui chụp Khắc Lương: “Hà hiếp bóc lột dân nghèo, trả công rẻ mạt, ăn không ngồi rồi, một giai cấp tư sàn phong kiến phản động”. Mặt khác họ cho bọn cò mồi len lỏi trong đám dân hò hét lên án, đánh đập Khăc Lương đến ngất xỉu. Chủ tọa vụ án tự gầy dựng đọc quyết định đưa Khăc Lương đi cải tạo, chủ đích của họ là muốn triệt hạ giai cấp, chiếm đoạt tài sản của Khắc Lương. Giữa quan cảnh ghê rợn ác độc đó thì bỗng xuất hiện một người thương binh trên cánh tay còn bảng bó vết thương nói lớn:
-”Hãy dừng lại không được kết án một người đàn bà vô tội cô thế, Tôi là chiến sĩ Vệ quốc Quân từ chiến trường trở về xin bảo đảm dù phải đánh đổi bất cứ giá nào”.
Tiếng nói hùng hồn ấy xé tan bầu không khi căn thẳng rùng rợn đó, cũng là tiếng nói làm Khắc Lương cảm động in sâu hình ảnh đó trong trái tim.
Khiêm con! Mẹ viết đén đây chăc chắn là con đã hiểu, Người đàn bà khốn khổ đó là ai? Mạc Vân chính là cha ruột của con, chàng hào hiêp cứu mẹ đó là Y Tùng, mẹ cảm kích Y Tùng, thương ông ấy vô cùng vì mẹ mà ông hiên ngang không khuất phuc trước bạo lực. Và còn nữa, Y Tùng có cái tính ngang bướng tự ái rất cao, Chính cái cá tính cao ngạo đó của ông đã làm tổn thương danh dự của đời mẹ.
Có một đêm ông uống rượu say về, nói tới nói lui, la hét om sòm, lôi hết cái quá khứ không vui của mẹ, nói xoi mói diễu cợt. Lúc đó cái dĩ vãng đau thương đột ngột trở về, hình ảnh của cha con hiện trong trí mẹ, mẹ không kiềm chế được, mẹ đóp chác với Y Tùng:
- “Ông là kẻ lấy vợ bạn mà không cảm thấy hổ thẹn, chính ông đã vò nát thân thể buồn đau của tôi mà ông không hay biết và còn nữa ông đã làm cho hai đứa con tôi oán hận không nhìn tôi là mẹ của nó nữa”.
Y Tùng sau khi tỉnh lai cảm nhận sai lầm, hối hận, buồn rầu không ăn uống đi lang thang rồi ngã quỵ chết trên bờ biển vào một buổi chiều trên bán đảo Cam Ranh. Mẹ lại nhận thêm một cái tang buồn đau nữa. Từ đó mẹ bơ vơ sống cô độc như cái xác không hồn.
Nơi vườn cũ, mẹ hãnh diện có một quãng đời hạnh phúc bên ba con. Nơi căn nhà xưa mẹ gục đầu hôn Ba con lần cuối, đắp lên hình hài Người chiếc áo len màu trắng mẹ đan còn dang dỡ để tiễn đưa Người đến nơi an nghỉ cuối cùng. Và nơi gốc cây đào trước ngỏ mẹ giấu một kho tàng kỷ niệm của một thời mẹ và Ba con hò hẹn dệt mối tình đầu. Và cũng nơi nầy mẹ ôm con vào lòng trong chiếc khăn đẫm máu của một ngưòi nào đó đẻ ra con rồi bỏ, mẹ âu yếm hôn con và mỉm cười sung sướng có được một thằng con trai lấy họ Mạc, được săn sóc nuôi nấng trong gia đình họ Mạc. Và cũng nơi nầy, bất đắc dĩ, mẹ chọn lựa xa con, cắn chăt đôi môi đến rớm máu để ra đi chắp vá lại cuộc đời. Mẹ viết ngần ấy cũng đủ cho con biết rõ người đàn bà bất hạnh có cái tên Thánh Anna Khắc Lương không phải là mẹ sinh ra con mà là mẹ nuôi của con, vẫn thương quí con vô cùng.
Vĩnh Biệt con
Anna Bùi Khắc Lương
Xin lỗi Mẹ! Sau năm 1954, chiến tranh tiêu hủy tất cả giấy tờ hộ tịch. Con can đảm dối gạt với sự thật đến Tòa án Rộng Quyền Quảng Ngãi làm giấy khai sinh, đứng trước mặt ông Chánh án khai rằng: “Mẹ đã chết, con khai tử tên Mẹ”. Cái tên mà năm tháng đi qua con không hề nhắc đến. Con oán hận Mẹ tột cùng. Con mang mãi trong lòng hình ảnh người mẹ xấu xa, ích kỷ. Nhưng sau khi đọc bức thư của Mẹ con hiểu được tấm lòng nhân hậu bao dung của Mẹ, hy sinh tất cả những gì mẹ có để cho con được trưởng thành trong giai đoạn lịch sử đất nước có nhiều phức tạp vào thời buổi xã hội phân hóa đầy dẫy bất công. Giờ đây, con biết thương quí Mẹ thì mẹ đã chọn cõi đi về...
Tôi viết bài nầy ngụ ý đánh dấu ngày mẹ tôi đã qua đời tại bệnh viện Phan Rang, quê hương VN. Viết về cái tôi của minh là điều không nên. Tôi kính cẩn nghiêng mình hồn thiêng của Mẹ tha thứ cho đứa con hoang. Và tôi kính xin đồng hương, quí vị độc giả tha thứ cho tôi viết về những nỗi niềm riêng cho mẹ, vì ai cũng có mẹ, ai cũng buồn đau khi mình mất mẹ, dù mẹ mình có xấu xa mấy đi nữa cũng là mẹ. Riêng tôi có môt quãng đời đầy xáo trộn về tình cảm giữa mẹ và tôi. Đó là dấu ấn khó quên và cũng là một mất mát lớn của cuộc đời tôi. Búc thư của mẹ viết cho tôi trước khi Người lâm chung đã để lại một nghi án khá kỳ lạ. Tôi thắc mắc lẫn hoài nghi tại sao mẹ lai viết bức thư nầy tiết lộ về bí mật thân phận của tôi sau khi me vĩnh viễn ra đi, để bịt kín tất cả đầu mối của sự thật.
Cuối Hạ năm 2009
Đỗ Vĩnh Khanh