ĐẶC SAN QUẢNG NGÃI GEORGIA XUÂN CANH DẦN 2010
(Phần II)
Trang 102
VU LAN NHỚ MẸ
Tháng Bảy Vu Lan lại trở về,
Lòng con chạnh thắt nhớ mẹ ghê
Những mùa báo hiếu bao năm trước
Một đóa hồng tươi lại trở về.
Năm nay Mẹ đã theo cha vội
Bỏ lại đàn con, cháu trăm bề...
Ước gì Mẹ sống trên trăm tuổi
Cho đàn cháu, chắc dạ hả hê.
Mùa báo hiếu 2008
Bình Nguyễn
- - - - - -
ĐỌC TÀI LIỆU CŨ:
Trong những ngày cuối cùng vào năm 1975, trước khi Cam Bốt rơi vào tay Cộng Sản khi bị Mỹ bỏ rơi, ông Sirik Matak, một trong những nhà lãnh đạo Cam Bốt đã từ chối lời mời di tản khỏi Nam Vang của đại sứ Hoa Kỳ tại Miên. Sirik Matak viết lá thư này gởi cho Đại sứ Mỹ vài giờ trước khi ông bị Khmer Đỏ hành quyết:
“Thưa Ngài đại sứ và ông bạn:
Tôi thành thật cám ơn lá thư của Ngài, trong đó Ngài đề nghị đem tôi đến cõi tự do. Nhưng tôi không thể bỏ chạy một cách hèn nhát như vậy được. Đối với Ngài và nhất là đối với quốc gia vĩ đại của Ngài, không một phút nào tôi tin rằng quý ngài nỡ lòng bỏ rơi một dân tộc đã chọn tự do. Các ngài đã từ chối không bảo vệ chúng tôi, và điều đó chúng tôi chẳng làm được gì cả. Ngài bỏ đi, tôi mong ước ngài và quý quốc sẽ tìm được hạnh phúc dưới vòm trời này. Nhưng hãy nhớ kỹ điều này: nếu tôi chết ngay tại đây trên đất nước mà tôi yêu quý, đó chỉ là một điều đáng tiếc, bởi vì chúng ta sinh ra rồi một ngày kia cũng phải chết. Tôi đã lầm lẫn mà tin tưởng vào các ngài, những người bạn Mỹ.”
Quả là một nhà chính trị giữ tròn tiết tháo, không sợ ngay cả cái chết gần kề!
- - - - - - - - - -
Trang 103
NGƯỜI XƯA ĂN TẾT RA SAO NHỈ?
Đào Đức Nhuận
Trong bài thơ Tương Biệt Dạ của thi sĩ Huyền Kiêu đã có một câu hỏi thật dễ thương:
Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ,
Có giống như mình lưu luyến chăng?
Người viết xin được bắt chước Huyền Kiêu mà hỏi:
Người xưa “ăn Tết” ra sao nhỉ?
Có giống như mình “ăn Tết” chăng?
Cái chuyện “lưu luyến” của người xưa như thế nào chưa dám bàn đến, còn cái chuyện “ăn Tết” thì chắc hẳn là có nhiều điều “không giống” lắm. Ngày nay mình “ăn Tết” có cần lệnh lạc của ai đâu. Cứ tới đầu tháng Chạp là thiên hạ đã bày bán đủ loại lịch từ lịch treo tường đến lịch để bàn, và cũng từ đây bà con nôn nao lo chuyện Tết nhất. Còn ngày xưa, vào cái thời vua chúa ngự trị, phải đợi lệnh của triều đình, gọi là Lễ Ban Sóc. “Đó là lễ ban hành lịch năm mới (âm lịch) do Khâm Thiên Giám của triều đình biên soạn và ấn hành. “Sóc” là ngày mồng 1 âm lịch (ngày rằm là ngày “vọng”. Hằng năm, cứ đúng ngày mồng 1 tháng Chạp thì lịch năm mới được ban hành, nên mới gọi là Ban Sóc”. (1)
Vào đầu thế kỷ thứ 15, Nguyễn Trãi tiên sinh (1380-1442) đã từng phân vân:
Chẳng thấy lịch quan tua sá hỏi
Ướm xem dần nguyệt tiểu hay đài
(Chẳng thấy lịch của vua ban (tức lịch quan) nên phải hỏi,
Thử xem tháng dần (tức tháng Giêng) thiếu hay đủ)
(Nguyễn Trãi – Đêm trừ tịch)
Đến cuối thế kỷ thứ 19 hay đầu thế kỷ thứ 20 gì đó, nhà thơ Non Côi Sông Vị cũng nhắc lại cái lệnh “ban lịch” của triều đình nhà Nguyễn:
Xuân từ trong ấy mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai, khắp mọi nhà...
(Tú Xương – Ngày Xuân ngẫu hứng))
“Trong ấy” là để chỉ kinh đô Phú Xuân (Huế) của triều đình nhà Nguyễn đối với dân chúng Bắc hà.
Đối với người dân Việt, Tết Nguyên đán là ngày lễ trọng đại nhất trong năm. Sau non 12 tháng làm việc vất vả, họ chỉ mong chờ có ngày Tết Nguyên đán để được nghỉ ngơi vui chơi cho thỏa thích. Thế nên, họ đã sửa soạn cho ngày Tết thật chu đáo. Có nhiều gia đình, ngay từ đầu tháng Chạp đã “lai rai” lo Tết. Nói thế cũng chưa đúng. Ăn Tết chỉ có ba ngày – ba ngày Xuân nhật – nhưng phải lo cho Tết thì gần như cả năm. Vừa ăn Tết xong, có nhà đã lo đến việc nuôi heo hay nuôi gà để mổ thịt vào Tết sau. Trước Tết vài ba tháng, có nhà đã lo dự trữ nếp và đậu xanh để gói bánh chưng, bánh tét. Rồi muối vại dưa hành, vài vại cà...
Nuôi hai con lợn tự ngày xưa
Mẹ tôi đã tính “Tết thì vừa!”
Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó
Dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ…
(Nguyễn Bính – Tết của mẹ tôi)
Đó là lo xa. Việc gần thì cũng nhiều chuyện nhiêu khê lắm: Nào lo sắm sửa quần áo mới cho con trẻ. Nào lo quét vôi nhà cửa cho sáng sủa, khang trang. Nào lo lau dọn bàn thờ và bộ đồ thờ. Trồng cây nêu hay rắc vôi bột trước sân, ngoài ngõ, treo nhánh đa hay nhánh dứa trước cửa để “trừ ma, trấn quỷ” theo tín ngưỡng của dân gian:
Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều
Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều
Sân gạch, tường hoa người quét lại
Vẽ cây trừ quỷ, trồng cây nêu
(Nguyễn Bính – Tết của mẹ tôi)
Hầu như nhà nào cũng dựng một cây nêu “để làm dấu hiệu là đất có chủ, ma quỷ không được dòm ngó quấy nhiễu...Cây nêu trồng trước sân như vậy đến ngày khai hạ là ngày mồng bảy tháng Giêng thì hạ xuống và đốt vàng mã.” (2)
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Trông mau tới tết dựng nêu ăn chè
Trước Tết thế nào cũng phải đi chợ Tết sắm sửa những thứ cần thiết để trang hoàng nhà cửa như mấy câu đối, câu liễn, các tranh dân gian như tranh cá chép hóa long, tranh lý ngư vọng nguyệt, tranh đám cưới chuột, tranh thầy đồ cóc...hay mua vài phong pháo, vài xấp giấy vàng bạc...
Bỏ con bỏ cháu, không ai bỏ hai mươi sáu chợ Yên
Bỏ tổ bỏ tiên, không ai bỏ chợ Viềng mồng tám
Chợ Yên thuộc tỉnh Hà Nam họp chợ vào ngày 26 tháng Chạp, và chợ Viềng thuộc tỉnh Nam Đinh họp chợ vào ngày 8 tháng Giêng.
Tháng Chạp hai mươi bốn chợ Đồng
Năm nay chợ họp có đông không?
(Nguyễn Khuyến – Chợ Đồng)
Đây là quang cảnh của một phiên chợ Tết ở nhà quê ngày xưa:
...Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ
Tìm đến chỗ dông người ngồi giở bán
Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ…
…Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu…
…Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa…
(Đoàn Văn Cừ – Chợ Tết)
Về hoa thì thế nào cũng mua cho được một cành đào hay một nhánh mai, một giò thủy tiên, chí ít cũng mua cho được một chậu cúc hay một chậu vạn thọ,...
Một đóa đào hoa khéo tốt tươi
Tường Xuân mơn mởn thấy Xuân cười
(Nguyễn Trãi – Hoa đào)
Tin Xuân đến ngọn cây đào
Bảo cho hoa biết ra chào Chúa Xuân
(Tản Đà – Vui Xuân)
Hẳn nhớ Thăng Long, hẳn nhớ đào?
Mai vàng xứ Huế có khuây đâu
Đào phi theo ngựa về cung nhé
Nở cạnh đài gương sắc chiến bào
(Chế Lan Viên – Cành đào Nguyễn Huệ)
Đối với người Việt Nam, sùng bái tổ tiên là điều quan trọng hơn cả. Vì vậy, trước khi thưởng Xuân, mừng Tết, dân ta có lệ thăm mộ gia tiên hay Chạp mả. Ngày Chạp mả thường do con cháu trong tộc họ quy định, thường là chỉ trong tháng Chạp. Ngày này, con cháu thường tập trung về nhà trưởng tộc rồi chia nhau từng nhóm đi “tảo mộ” (dẫy mả) làm sạch cỏ cây mọc lan trên mộ hay xung quanh mộ, đắp cho ngôi mộ được cao hơn theo quan niệm “cao nấm ấm mồ”. Đó là trường hợp tộc họ còn sống xúm xít gần nhau trong làng, trong tổng. Nếu phải ngụ cư nơi xa thì nhà nào lo tảo mộ nhà nấy. Đây là một hình thức con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên. Khi sửa soạn nhà cửa đàng hoàng, đẹp đẽ để ăn Tết thì con cháu cũng lo sửa sang phần mộ của tổ tiên được mới mẻ khang trang hơn theo quan niệm “với nấm mồ người sống đã biểu lộ niềm thương yêu bằng cách thăm viếng, sửa sang, xem như đó là nơi an nghỉ cuối cùng của kẻ vĩnh biệt.” (3)
Từ công việc Chạp mả này, nguời ta biết là ngày Tết đã đến gần.
Không khí Tết thực sự đến với mọi người với lễ Táo quân tức lễ tiễn đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp. Vào ngày này, nhà nào cũng thiết lập bàn thờ trước sân để cúng tiễn ông Táo. Ba ông táo (còn gọi là ba ông đầu rau) dùng để bắc nồi lên nấu cơm, nấu canh...được tôn phong là “Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân”, gọi tắt là Táo quân, còn gọi là Vua Bếp. Theo tín ngưỡng dân gian xưa, Táo quân có nhiệm vụ ghi chép mọi việc làm tốt hay xấu của mọi người trong nhà trong năm. Đến ngày 23 tháng Chạp, Táo quân về gặp Ngọc hoàng Thượng đế để báo cáo mọi việc lành dữ ở thế gian.
Lễ Táo quân chính là sự răn đe con người phải biết ăn ở cho đúng đạo lý, “thuận ý trời, hợp lòng người” để khỏi bị Ngọc hoàng Thượng đế (tức ông Trời) quở phạt.
Đến chiều 30 tháng Chạp, người ta làm lễ rước ông bà. “Trong ba ngày mùng một, mùng hai, mùng ba thì suốt đêm ngày lúc nào cũng có hương đèn và lễ vật để cúng tổ tiên. Đến chiều mùng ba hay sáng mùng bốn thì làm lễ “đưa ông bà” và đốt vàng bạc và đốt quần áo giấy đã cúng trong ba ngày Tết.” (4)
Lễ cúng gia tiên, còn gọi là lễ rước ông bà, đã nói lên nhân sinh quan “uống nước nhớ nguồn”, “con người có tổ, có tông – như cây có cội, như sông có nguồn” của dân tộc Việt Nam. Cúng gia tiên tức là tưởng nhớ tới người đã khuất, tỏ lòng biết ơn người đã khuất và cũng tỏ niềm tin rằng tổ tiên sẽ luôn “phù trợ” cho con cháu.
Có nhiều gia đình đợi đến cái ngày năm cùng tháng tận này mới gói bánh chưng, bánh tét, đến xế chiều mới đặt bánh vào nồi để nấu. Trong khi người lớn sửa soạn mâm cỗ cúng gia tiên thì đám trẻ ngồi canh chừng nồi bánh chờ đến giờ phút giao thừa. Kể cũng là một cái thú!
Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng
Ngoài cửa bi bô rủ chung thịt
Ta ước gì được mãi như thế
Hễ hết Tết rồi thời lại Tết
(Nguyễn Khuyến – Tết phong lưu)
Ở miền Bắc có tục hát “xúc xắc xúc xẻ” để mừng Tết ngay vào đêm giao thừa. Một đoàn trẻ con gồm chừng 10, 15 em tay cầm ống bương đựng đồng tiền kẽm. Ngay từ lúc chạng vạng, bọn trẻ lũ lượt kéo đến từng nhà để mừng gia chủ sang năm mới gặp nhiều điều may mắn với lời hát mừng đầy ắp những điều tốt đẹp:
Xúc xắc xúc xẻ
Nhà nào còn đèn còn lửa
Mở cửa cho chúng tôi vào
Bước lên giường cao: Có đôi rồng ấp
Bước xuống giường thấp: Có đôi rồng chầu
Bước ra đằng sau: Có nhà ngói lợp
Ngựa ông còn buộc
Voi ông còn cầm
Ông sống một trăm linh năm tuổi lẻ
Vợ ông sinh đẻ
Những con tốt lành
Những con như tranh
Những con như đối... (5)
Và ngày Tết Nguyên đán chính thức bắt đầu với lễ cúng Giao thừa được gọi là lễ Trừ tịch xảy ra vào giờ giao thời giữa năm cũ và năm mới tức là giờ giao thời giữa đêm 30 tháng Chạp (ngày 29 nếu là tháng thiếu) và rạng sáng mồng Một tháng Giêng lúc 12 giờ khuya bao hàm ý nghĩa “đem bỏ đi hết những điều xấu dở cũ kỹ của năm sắp qua để đón những cái mới mẻ tốt đẹp của năm mới sắp tới”. (6)
Với ý nghĩa “tống cựu nghinh tân” như vậy, “cho nên việc cúng tế giao thừa được tổ chức khắp nơi trong nước, từ cung đình đến làng xã và dân gian.” (7)
Cúng Giao thừa xong, mọi gia đình đều đốt pháo. Theo quan niệm dân gian xưa, “đốt pháo cốt để trừ ma quỷ”, nhưng ý nghĩa đích thực của sự đốt pháo là “...tiếng pháo giúp vui cho ngày Tết, tăng sự hân hoan, xua đuổi mọi sự phiền não trong lòng người.” (8)
Chong đèn chực tuổi cay con mắt
Đốt trúc khua na đắng lỗ tai
(Nguyễn Trãi – Đêm trừ tịch)
Chong đèn chực tuổi có nghĩa là đốt đèn ngồi chờ giây phút giao thừa để được thêm một tuổi (chực tuổi)
Đốt trúc tức đốt pháo tre (bộc trúc) để đuổi tà ma (khua na) nghe điếc cả tai!
Trừ tịch kêu vang ba tiếng pháo
Nguyên tiêu cao ngất một cành nêu
(Nguyễn Công Trứ – Cảnh Tết)
Đốt pháo xong, mọi người bắt đầu xem “giờ lành, hướng tốt” để xuất hành đi lễ ở các đình, chùa, miếu, điện cầu may cầu phúc, xin Thần Phật phù hộ độ trì cho chính bản thân mình và cho con cháu. Nhiều người đến đình chùa, sau khi cúng vái xong thì xin xăm để đoán họa phúc trong năm mới, khi ra về thì bẻ một nhánh cây sau vườn chùa, vườn đình gọi là hái lộc hay xin một cây nhang thắp lên để đem về nhà gọi là hương lộc.
sang năm mới, các nhà nho thường có lệ khai bút. Khai bút chỉ có nghĩa là cầm bút để viết lần đầu tiên trong năm mới. Đối với các nhà nho, khai bút là việc hệ trọng nên cần phải chọn ngày tốt, giờ lành. Năm mới, các nhà nho thường thích khai bút bằng một bài thơ tứ tuyệt hay bát cú, viết trên giấy hồng đào hay giấy hoa tiên rồi dán nơi chỗ ngồi cạnh án thư.
Sáng ngày mồng một Tết, mọi người đều ăn mặc chỉnh tề, con cháu ăn mặc quần áo mới để chúc thọ ông bà, cha mẹ, con cháu khá giả thì đem tiền mừng tuổi ông bà, cha mẹ, còn ông bà cha mẹ lì xì cho con cháu. Sau giờ phút chúc thọ, mừng tuổi này, mọi người trong gia đình có thể thay nhau ra khỏi nhà đi chúc Tết bà con láng giềng hay tham dự các cuộc vui chơi ngày Tết.
Những làng khá giả thường thuê gánh hát về làng hát trong ba ngày Xuân nhật như hát chèo, hát bội…:
Bữa ấy mưa Xuân phơi phới bay
Hoa soan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”
(Nguyễn Bính – Mưa Xuân)
Mùa Xuân ấy ông tôi lên tận tỉnh
Đón tôi về xem hội ở làng bên
Suốt ngày đêm chuông trống đánh vang rền
Người lớn bé mê man xem hát bội...
(Đoàn Văn Cừ – Đám hội)
Ngoài việc hát xướng vào ban đêm, các làng còn tổ chức các lễ hội vui Xuân. Các trò vui Xuân như đua thuyền (bơi chải hay trải) nếu làng có con sông chảy ngang qua, đánh đu, đô vật, tổ tôm điếm, đánh bài chòi, đánh cờ người (tức cờ tướng dùng các cô gái hoặc các chàng trai làm quân cờ Tướng, Sĩ, Tượng...)... được tổ chức ở ngay sân đình làng hay một khoảng đất trống trong làng:
...Các cụ già uống rượu mãi gần đêm
Tổ tôm điếm chơi đều không biết chán
Những em bé áo xanh đòi chị ẵm
Để đi theo đám rước lượn quanh làng
Các bà đồng khăn đỏ chạy lăng quăng
Đón các khách thập phương về dự hội...
...Bác nhà quê kiễng chân nhìn ngấp ngó
Rồi reo lên cho ai nấy cùng trông
Đoàn “trải” dài vùn vụt giữa dòng sông
Người lố nhố chèo trên làn nước lạnh
Bọn đô vật trước đình thi sức mạnh
Mình cởi trần gân guốc nổi như lươn
Tiếng reo hò khuyến khích dậy từng cơn
Lẫn tiếng trống bên đình khua rộn rã...
(Đoàn Văn Cừ – Đám hội)
Rước kiệu là một hình thức tín ngưỡng cổ xưa của người Việt trên đất Bắc. Làng nào cũng có một đình làng dùng làm nơi thờ tự vừa làm nơi hội họp của dân chúng. Đình làng thờ thần Thành hoàng. Thần Thành hoàng của làng có thể là thiên thần như thần Tản Viên, thần Phù Đổng...có thể là nhân thần hay phúc thần như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo...hay những người lập ra làng, người chết bất đắc kỳ tử... Vào ngày đầu Xuân, làng thường tổ chức rước kiệu để rước thần Thành hoàng. Đây là một sinh hoạt tín ngưỡng có tính huyền bí: (9)
...Một chiếc kiệu đương đi dừng bước lại
Rồi thình lình quay tít mãi như bay
Một bà già kính cẩn chắp hai tay
Đứng vái mãi theo đoàn người bí mật...
(Đoàn Văn Cừ – Đám hội)
Mỗi làng thường có những trò chơi Xuân đặc biệt của làng mình mang tính truyền thống có thể hấp dẫn các làng lân cận cùng chung vui, chẳng hạn:
Làng Đọ bơi chải
Làng Nội lải lèn
Làng Chiền chạy ngựa
Ba làng này thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Vào những ngày đầu Xuân, làng Đọ mở hội bơi chải (đua thuyền), làng Nội có tục hát múa gọi là hát lải lèn, và làng Chiền có tục thi múa ngựa giấy.
Ở đất Bắc, nhiều làng có những lễ hội vui Xuân thật hấp dẫn mang nhiều ý nghĩa, như: tục bắt cặp trai gái thi nấu cơm trên bếp đặt trên xe đẩy, vừa đi vừa nấu như ở hội Tết làng Trằm (Nghệ An), tục cướp cầu được tổ chức vào ngày mùng 3 Tết ở làng Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên, tục thi bắt chạch trong chum cho từng đôi trai gái được tổ chức vào ngày mùng 4 Tết tại làng Văn Trưng, tỉnh Vĩnh Yên. Ở Thừa Thiên, các hội võ thuật thường tham dự các cuộc đấu võ vào ngày 10 tháng Giêng tại làng Sình gọi là Hội vật võ làng Sình...Đáng ghi nhất là Hội Tết Đống Đa được tổ chức vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán, nhằm kỷ niệm chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh tan mộng xâm lăng của hai mươi vạn quân Tàu! (10
* * *
Trên đây là một số sinh hoạt tiêu biểu về ngày Tết Nguyên đán của ông cha ta ngày trước. Như ta đã biết có rất nhiều hình thức vui Xuân, tuy nhiên, hình ảnh Tết Nguyên đán tiêu biểu nhất, không thể nào thiếu được đối với mọi gia dình Việt Nam ngày xưa, vẫn là:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Ngày nay, sau những năm dài chinh chiến, hoàn cảnh xã hội thay đổi, tâm lý con người thay đổi theo khiến cho tục lệ về Tết Nguyên đán đã giảm đi nhiều.
Đối với nhiều gia đình người Việt ở hải ngoại, nhất là những gia đình sống ở những địa phương ít người Việt định cư, những tục lệ về Tết Nguyên đán như được lược kể ở trên, mười phần không còn giữ được lấy một. Đây là điều đáng để cho chúng ta suy ngẫm. Sinh hoạt Tết Nguyên đán là một nét văn hóa truyền thống lâu đời của Dân tộc Việt Nam. Chúng ta có thể lược bỏ những sinh hoạt có tính chất mê tín dị đoan nhưng chúng ta phải biết bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc thù của Dân tộc để từ đó giới thiệu những nét tinh túy của văn hóa Việt Nam cho các sắc dân khác cùng sống trong địa bàn định cư của chúng ta
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Tham khảo:
(1) Tín ngưỡng Việt Nam, quyển hạ – Toan Ánh – tr. 316
(2) Đất lề quê thói – Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu – tr.301
(3) Thi ca bình dân Việt Nam, quyển 3 – Nguyễn Tấn Long – tr. 447
(4) Việt Nam văn hóa sử cương – Đào Duy Anh – tr. 206
(5) Tục ngữ ca dao về ngày Tết Nguyên Đán – Đào Đức Nhuận
(6) Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam – Toan Ánh – tr. 103
(7) Phong tục Tết Việt Nam – Kiêm Thêm – tr. 12
(8) Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam – Toan Ánh – tr. 115
(9) Xem Việt Nam Văn Hóa Sử Cương – Đào Duy Anh – tr. 208
(10) Xem thêm Phong tục Tết Việt Nam – Kiêm Thêm – tr.76-120
- - - - -
Tìm hiểu: Lịch sử Thiết-Giáp-hạm (battleship):
Chiếc thiết-giáp-hạm đầu tiên trên thế-giới được xem là 2 chiếc Magenta và Solferino được chế-tạo cho Hải-Quân Pháp vào năm 1857. Đây là công-trình của Stanislas Charles Henri Dupuy de Lôme (sinh: 15 October 1816 chết: 01 February 1885), một kỹ-sư thuộc Hải-quân Pháp. Đây là chiếc tàu chạy bằng hơi nước (steam battleship)
Năm 1850 ông de Lôme đã từng chế-tạo tàu quân-sự mang tên Napoléon cho Hải-quân Pháp, sau đó là một tàu hộ-tống bọc thép (ironclad) tên La Gloire tặng cho vua Napoléon III năm 1857.
Là một kỹ-sư tài-năng, ông giữ vai-trò quan-trọng trong việc cải biến tàu chiến cho đất nước cũng như các thương thuyền cho công-ty Messageries Maritimes. Tên ông còn được nhắc đến khi sáng chế ra chiếc khinh-khí cầu (navigable balloon) để chuyển thư tín vào thủ-đô Paris trong cuộc vây hãm Paris vào năm 1870. Vào những năm cuối cuộc đời, ông de Lôme cùng với Gustave Zédé tham gia chương trình chế tạo tàu ngầm điện (electrical submarine) mang tên Gymnote.
Tên ông được Hải Quân Pháp dùng để đặt tên cho 3 chiến hạm, trong đó có 1 tuần dương hạm bọc thép và 1 tàu ngầm bọc thép như một ghi công trước sự đóng góp to lớn trọn đời cho Hải Quân Pháp.
(Lê Chánh Thiêm lược dịch)
- - - - - - - - - -
Trang 113
TIỄN BIỆT
Kính viếng hương hồn anh Nguyễn Đình An, cựu giáo chức Quân nhân biệt phái, ngừơi đã dành cho tôi nhiều ưu ái khi vừa đặt chân đến đất Mỹ.
Anh Cao
Sau đây là các đọan thơ của chị PTTT vợ anh.
Cầu nguyện
Sáu tháng chín ngày nuôi anh bịnh
Từng phút, từng giây niệm Phật đài
Nguyện cầu ơn trên cho anh mạnh
Em cạo đầu, xuống tóc nhập trừơng chay.
Đi mau
Lặng lẽ anh đi không lời từ biệt
Đấng tối cao nào thúc gịuc nhanh chân
Em đã hiểu ai cũng có một lần
Dù sớm muộn phải có ngày ly biệt.
Hết nụ cười
Tắt hết nụ cừơi kẻ từ đây
Nhớ thương chồng chất mãi hao gầy,
Làm sao phai đựơc bao kỹ niệm
Vui buồn sứơng khổ sống bên nhau.
Mất hết
Mất anh rồi em ở với ai
Thổn thức từng cơn giọt lệ dài
Thương anh gian khổ lắm trần ai
Gìơ đã chia tay xuống tuyền đài.
- - - - - - - - - -
Trang 114
CHƯA CÓ MỘT MÙA XUÂN
Thủy Lâm Synh
Mùa Đông về sớm không ngờ. Mới đầu tháng chín mà gió mưa như bão trút xuống làng Vinh Phú. Túp lều bà cháu Phụng núp dưới bụi tre là-ngà rung rinh lên theo mỗi cơn gió chướng thịnh nộ xô tới. Bên ngoài đã thế; bên trong tiếng mưa dột bì bõm xuống những cái nồi đất đang hứng cùng với tiếng rên của bà Thi. Phụng ngồi dưới đuôi giường thòng hai chân xuống đất. Mắt nó dán vào những cái nồi, cái trả bằng đất đang hứng nước để canh chừng, khi cái nào đầy nó phóng tới bưng hắc ra sân. Nó đặt hai tay lên đầu gối, nhịp mấy ngón theo tiếng mưa dột và tiếng rên của nội. Nó cười hoan hỷ vì chợt khám phá sự tổng hợp của một giai điệu.
Trên chiếc bàn nhỏ, ngọn đèn dầu hôi leo lét lúc mờ lúc tỏ theo hơi gió lòn qua vách. Đêm hôm nay thật dài, tiếng rên của bà Thi nhỏ dần... nhỏ dần rồi tắt hẳn theo ngàn thứ âm thanh bên ngoài. Phụng yên trí nội của nó đã ngủ được sau nhiều đêm rên dữ dội. Nó xát hai bàn vào nhau rồi rón rén đặt mông lên giường, nằm bênh cạnh bà. Nó kéo mí chiếu đắp lên người rồi ngủ cho đến sáng. Trong giấc mơ nó đã thấy những cái nồi hứng nước đầy tràn ra chảy cùng nền nhà, bùn nổi lên từng vũng. Nó giật mình ngồi bật dậy, trời bên ngoài đã sáng và tạnh mưa từ lúc nào.
Nước từ nguồn về lênh láng ngập cả cánh đồng ruộng rộc. Mực nước mỗi lúc một cao. Phụng mừng lắm vì con đường thấp cao hơn mặt ruộng chứng một thước tây nối Vinh Phú và Long Phụng thế nào cũng bị ngập. Nó có sẵn chiếc thúng chai lớn, loại chở người của vùng biển. Thúng bị lũng đáy nên người ta tặng cho nó, Phụng lấy chai trám chỗ lũng rồi dùng để đưa người qua lại mỗi mùa mưa như thế. Lẽ dĩ nhiên Phụng chỉ có thể đưa người qua lại khi nước ngập cỡ lưng quần. Khi lụt lớn hơn và chảy xiết, người ta mới đem ghe lớn làm đò.
Thường thường, bà Thi dậy rất sớm, tiếng gà gáy đầu tiên đã thấy bà ngồi hơ tay vào bếp lửa cho ấm. Nấu nồi nước chè tươi, lùi hai củ khoai lang vào tro để bà cháu ăn sáng. Chờ khi gà gáy hồi hai bà đánh thức Phụng dậy đổ gạo đã ngâm vào cối đá xay bột cho bà đổ bánh xèo. Công việc giống hệt nhau mỗi ngày, nhưng mấy hôm nay bịnh liệt giường bà Thi không dậy được. Phụng nhuốm lửa nấu cháo cho nội, nó rất mừng vì đêm qua nội ngủ ngon giấc. Cháo đã chín. Phụng múc ra tô, rắc chút tiêu bột bưng lên bàn chờ nguội. Ngoài đường, đã có tiếng người đi chợ cười nói, tiếng áo tơi sột soạt. Phụng bước đến giường gọi “Nội... nội ơi”. Nội nó vẫn còn say ngủ, nó chờm tới thổi tắt ngọn đèn dầu, ra phía sau lăn cái thúng chai to ra trước ngõ để “đưa đò”.
Chuyến đầu nó kiếm được vài đồng. Khi dắt chiếc thúng trở lại, không thấy ai đợi, Phụng vào nhà thì gặp bà Toàn đang dắt con bò đứng gặm cỏ ướt, bà Toàn hỏi:
- Phụng, Bà mày khỏe hông?
Phụng cười:
- Chào bà Toàn! Dạ khỏe, bà cháu đã hết bịnh, đêm qua ngủ được tới giờ cũng chưa dậy.
Bà Toàn tặc lưỡi:
- Người ta đi chợ gần về rồi mà chưa dậy mầy. Để tao vào thăm bả chút.
Bà Toàn cột con bò vào gốc keo rồi tới kéo cánh cửa tre nghiêng mình bước vào. Trong nhà tối om, trên bàn còn nguyên bát cháo. Bà Toàn bước lại cạnh giường giở mí chiếu lên nhìn, nhưng vì thiếu ánh sáng nên bà phải gập người dòm sát mặt bà Thi. Bỗng bà Toàn thả vội mí chiếu xuống và thụt lùi mấy bước; cặp mắt bà Thi sâu hoắm đang mở trừng, mặt xám xịt với lớp da nhăn đan chằng chịt, hai má trũng sâu theo cái miệng móm sọm. Lấy bình tĩnh bà Toàn mò vào cổ tay lạnh như tiền của bà Thi thì thấy mạch tim không còn đập nữa. Bà Toàn vội vã bước ra cửa dớn dác tìm Phụng, bà nhìn ra bến thì thấy Phụng đang hì hục tát nước đọng từ trong thúng ra ngoài. Bà Toàn kêu lớn tiếng:
- Phụng à! Để thúng đó đi, vô đây tao biểu.
Sau tiếng dạ lớn, Phụng chạy vô nhà:
- Có chuyện gì hả bà Toàn?
- Mầy nói chuyện với bà mầy hồi nào?
- Chiều hôm qua nội cháu rên dữ quá, rồi sau đó ngủ im lìm chớ có nói gì đâu!
Ngập ngừng một giây bà Toàn thở ra nói:
- Trời ơi! Nội mày qua đời rồi. Mầy vào vuốt mặt cho bả đi, bả đang đợi mầy trong đó.
Phụng ngu ngơ:
- Hả! Qua đời gì, đợi cháu cái gì?
- Bà mầy chết rồi, nhưng mắt còn mở, mầy vào vuốt mặt cho bả nhắm.
Phụng xô toẹt cánh cửa, nhào vô ôm xác bà nội khóc rống thảm thiết. Hai chân nó dậm thình thịch trên nền nhà. Phụng lăn lộn, giẫy giụa đập tay vào vách đất, cơ hồ như trời đất sụp đổ:
-”Nội ơi... nội à... nội bỏ con mà đi... Ai cứu nội tôi... hu hu...!”.
Tiếng khóc Phụng khàn đi.
Tin bà Thi “bánh xèo” chết lan đi rất nhanh. Chòm xóm kéo đến thăm, nhưng có lẽ họ đến để tìm cách giúp đỡ Phụng thì đúng hơn. Người thì lo bó từng lọn rơm, kẻ dừng tro cho sạch, có người đem đến bộ đồ liệm mới may vội, bà ấy không quên xé cho Phụng miếng vải để nó làm khăn tang. Khi mặt trời còn chặng cây sào, một người đàn ông lớn tuổi vác về cái hòm gỗ tạp mới mua từ Sông Vệ.
Việc tẩn liệm bà Thi hoàn tất ngay trong đêm. Có người tình nguyện cho bà Thi nằm trong rẫy lang của mình. Sáng hôm sau người ấy dẫn đám thanh niên vác cuốc ra rẫy của chị để đào huyệt. Đất Vinh Phú mùa hè cát nóng phỏng da, mùa đông mưa bảy ngày không nổi nước. Chỉ nửa giờ đồng hồ mấy cậu đào xong huyệt. Ông Vạn bấm đốt tay, đề nghị qua khỏi giờ Ngọ thì di quan để đưa bà Thi đi chôn. Đám tang bà Thi không kèn, không trống, tiễn đưa bà toàn là người dưng, nước lã; cậu bé mười ba tuổi là người độc nhất liên hệ máu mủ với bà Thi.
Sau ngày bà Thi về bên kia thế giới, nhiều người trong xóm mới sực nhớ đến hoàn cảnh bơ vơ trước mắt của một đứa trẻ nhưng chưa ai dám lên tiếng đem Phụng về nuôi bởi cái nghèo truyền kiếp của chính gia đình họ. Có người chép miệng và thầm trách cho ai đó đặt tên làng là Vinh Phú – cái tên mai mỉa ấy đã bao đời không vựt dậy nổi cái cùng đinh kinh niên và bám trụ với dải đất khô cằn quanh năm đến cây cỏ còn lớn không nổi huống chi người.
Lùi lại thời gian trước, có lẽ nhiều người trong xóm vẫn còn nhớ rõ: Cha Phụng bệnh thương hàn chết đi để lại người vợ đang mang bầu lúc tuổi còn quá trẻ. Mẹ Phụng cũng có chút nhan sắc nên khi Phụng chưa thôi nôi bà đã vội vàng bước thêm bước nữa với người đàn ông mà ai cũng nghĩ là người tình cũ bên Hải Châu. Lúc ấy nhiều người trong làng hễ thấy Phụng ai cũng mủi lòng nghĩ đến câu: “mẹ ơi mẹ bạc như gà..”
Hình như cũng biết đến thân phận, Phụng lủi thủi chơi một mình, mặt mày lem luốc, có khi té lăn, ăn cả đất, cát. Nói cho đúng, sữa mẹ chỉ được gạn lọc từ khoai với sắn thì làm gì ai còn dư để cho Phụng, nhưng thấy hoàn cảnh của nó như thế bà nào cũng nhín một tí. Tội nghiệp, khi gặp mạch sữa ấm áp, Phụng cố nốc cho lẹ trước khi bị bàn tay đẩy bình sữa thiên nhiên khỏi miệng kéo vạt áo cũ che lại.
Nhờ gặm đất Vinh Phú, nhờ vào sự tổng hợp sữa các bà mẹ láng giềng, Phụng cũng đã lớn theo thời gian. Bà Thi đưa Phụng đến học ở nhà anh Lương Tư, một người tương đối có học đã mở lớp dạy cho con em trong xóm. Trả công thầy bằng những lon gạo, giạ lúa. Bẩm tính thiên phú, Phụng rất thông minh. Lúc ấy những đứa học trò đang học lớp ba, lớp nhì trường công còn phải đến nhờ Phụng làm thủ công. Phụng chế ra những chiếc ghe bằng bẹ dừa chạy buồm đẹp như ghe thật thu nhỏ. Những chiếc xe hơi làm bằng thân cây bông gòn, có trục, bánh chạy bằng dây thiều cao su, đầy sáng tạo của một thằng bé ở nhà quê tuổi mới hơn mười. Phụng đẽo những thanh kiếm tre để phát cho bạn bè chia phe nhau chơi trò giặc giã.
Đặc biệt là những trái lựu đạn bằng đất sét do Phụng cung cấp cho cả hai bên, cứ mỗi lần tấn công là bụi bay mù mịt bởi Phụng đã cho đầy tro vào ruột lựu đạn, dĩ nhiên chỉ còn thiếu phát ra tiếng nổ. Tụi bạn có đứa gọi nó là Cao Thắng, có thằng bảo Vũ Công Duệ, nhưng cuối cùng Phụng chỉ đồng ý cái tên “Phụng lòi xỉ”. Phụng nhận biệt danh nầy cũng phải, hàm răng dưới của nó mọc không trật tự chút nào. Nó sợ đau, không chịu cho nhổ, răng mới chui ra không hàng, không lối.
Mưu sinh của bà cháu Phụng là đổ bánh xèo, làm bánh chén để bán. Cái quán của bà Thi đặt dưới bụi tre là ngà cằn cỗi trước nhà. Một cái bàn thấp lè tè bằng hai miếng ván tạp, hai cái băng bằng tre do Phụng tự tạo lấy. Khách hàng của bà cháu Phụng phần đông là những người từ miệt biển đi chợ bán cá, bán mắm, chứ những người chung quanh ít khi ăn, cũng có thể họ chẳng có dư tiền để ăn hàng. Giờ rảnh rỗi Phụng còn làm chổi rơm để bán, đặc biệt chổi quét bụi bằng bông lúa Phụng làm rất đẹp. Những sợi lạt thanh nhỏ đều đặn thoăn thoắt theo mười ngón tay. Mùa gặt, Phụng thường đi ra đồng xin rạ về đánh tranh để bán cho những người cần lợp nhà. Đánh tranh bằng ba que hom gấp đôi thành sáu, đan vào nhau cho từng nắm rạ chặt chẽ không phải ai cũng biết. Nhìn thằng bé ngồi đánh tranh một cách nhanh nhẹn ai cũng phục Phụng có tài. Những ngày tháng mưa gió, công việc bán buôn của bà cháu Phụng trở nên ế ẩm, nó phải lội bì bỏm dưới lạch cắm câu, lờ cá để bà cháu có những bữa cơm giản dị qua ngày.
. . . . . .
Buổi chiều xuống thật nhanh. Con đường đất nối liền thôn Vinh Phú tới Long Phụng gồ ghề, đầy vết chân trâu. Hai bên đường, những đám bắp xanh gầy guộc, đang chống chọi với từng cơn gió bấc. Tôi đang ở thị xã về gặp Phụng cũng đang mua giá về để ngày hôm sau làm bánh. Xe đạp tôi quá xập xệ nên không cách gì chở Phụng được. Tôi xuống dắt xe đạp để hai đứa cùng nhau đi bộ chuyện trò. Đi bên Phụng tôi nghe rõ cái mùi dầu mỡ, mùi hành khử... mùi bánh xèo... từ cái áo vải cổ tròn của nó toát ra.
Phụng trạc tuổi tôi nhưng sớm mất cha, xa mẹ phải sống khổ sở, tôi thương nó quá. Khi chúng tôi về ngang nhà Phụng, nói là nhà chứ thật ra chỉ một túp lều thì đúng hơn. Phụng dặn tôi đứng chờ, nó phóng vào bếp đem ra cái bánh xèo cuối cùng giòn đáo để kẹp trong miếng lá chuối rồi giúi vào tay tôi. Cầm lấy cái bánh xèo, tôi xúc động vì lòng tốt của Phụng. Không phải chỉ một lần mà nhiều lần như vậy, hễ vắng tôi đôi ba bữa là nó có quà cho tôi bằng cái bánh xèo cuối cùng thật giòn. Cuộc đời hẩm hiu của Phụng vẫn được khuây khỏa bằng công việc bận rộn. Ngày Tết Phụng mặc đồ sạch, nhưng chưa bao giờ tôi thấy nó mặc đồ mới. Cũng vì lẽ đó mà tôi không dám khoe với Phụng những món quà chú, bác tôi cho trong những lần mãn niên học. Tôi không hề nhắc đến ba tôi, với những lời thương yêu dù rất bình thường. Không gợi đến mẹ tôi trong cử chỉ trìu mến lúc đi xa về. Khi hai đứa chuyện trò tôi không dám nói những gì tôi có, và như vậy tôi thấy Phụng luôn bằng lòng với những gì nó có. Từ giã Phụng tôi đạp xe về nhà, trời cũng vừa nhá nhem tối, trên bãi cát trắng ở bờ sông Ngang lũ trẻ còn la ó, đùa giỡn chưa chịu về nhà.
. . . . .
Việt Nam, ngày... tháng ... năm...
Anh S. thân mến,
Hơn hai mươi năm xa cách, tôi không thể hình dung anh ra sao bây giờ. Tôi không ngờ anh còn nhớ đến tôi, đến một thằng bạn thời niên thiếu. Tôi đã nhận được một trăm đô của anh gởi về. Cầm món quà trong tay tôi cảm động đến rưng nước mắt anh ạ. Tôi đang nghĩ về anh với ngược dòng tư tưởng, đến thuở chúng ta còn thơ.
Anh S.!
Tôi vừa ở tù về vì tôi là lính “ngụy”, tôi có tội với “cách mạng”. Vợ tôi nay đã là vợ của một cán bộ hợp tác xã. Mấy con tôi đang ở với mẹ nó, với dượng cha nó. Chúng là những thiếu nhi lao động tốt, chúng học một buổi và đi lượm giấy vụn, ve chai một buổi, nên được choàng khăn quàng đỏ và được gọi cháu ngoan “bác Hồ”
Còn tôi! Đời đã dành một phũ phàng cay đắng. Khi nội tôi mất, tôi bỏ làng lên tỉnh và lưu lạc vào Qui Nhơn tìm kế sinh nhai. Tôi đi đánh giày, đi phụ xe, đi chôm chỉa đồ đạc của ai sơ hở. Tóm lại, không có nghề nào mà tôi không làm thử, suốt bảy năm lang bạt quê người. Kết quả tôi bị bắt vì liên can đến một vụ làm căn cước giả cho thanh niên trốn lính. Sau đó ông chủ ga-ra Huỳnh Cần lo luật sư cho tôi về và làm thợ máy cho ông ta.
Tưởng ở đời này sao có người tốt bụng, không ngờ đứa con gái ông ta mang bầu, ổng muốn tôi làm tác giả rồi tiện gả luôn cho tôi để đỡ tiếng tăm. Tôi miễn cưỡng đồng ý cốt để có cơ hội bỏ đi, nhưng vợ tôi là người rất tốt, nàng lại thương tôi nên tôi bỏ ý định đó. Chúng tôi sống chung với nhau có thêm hai đứa con nữa. Sau đó tôi bị bắt lính rồi bị thương nhẹ được giải ngũ, nhưng tôi từ chối vì thích cuộc đời binh nghiệp. Và có lẽ đó cũng là lý do tại sao sau khi miền Nam đổi chủ tôi bị đày hơn năm năm trong tù với chức vụ “hạ sĩ quan ngụy quân Saigon”.
Trong tù thì không nói anh cũng rõ, chúng tôi làm việc như trâu, ăn không no, ngủ thiếu chăn mùng, tôi bị sốt rét liên miên. Anh có thể hình dung ra cái khổ, nhưng cũng không khổ bằng khi được tha về đến nhà thì cái gì cũng thuộc của người khác. Tôi đang bơ vơ không nơi nương tựa, đã vậy còn bị dọa quản thúc nếu còn có ý định đến thăm con tôi.
Anh S.! Có lẽ tôi đã vụng tu từ kiếp nào nên kiếp này truân chuyên khổ ải. Từ lúc góp mặt với đời tôi gặp toàn thương đau. Dù chỉ vài ngày nữa là đến Tết nhưng với tôi đời làm gì có được một mùa xuân hở anh.
Ngần ấy về anh, cám ơn những ưu ái anh đã dành cho tôi. Mong anh an vui trên bước đường tha phương. Nếu có chị cho tôi nhắn lời thăm.
Thân mến
Nguyễn Phụng (Phụng lòi xỉ)
Đọc xong thư Phụng tôi bàng hoàng buông tiếng thở dài. Điếu thuốc tắt ngụm trên tay từ lúc nào. Tôi đang thả hồn theo tuổi ấu thơ trên quê hương Quảng Ngãi nghèo xơ xác...Trí tôi lan man về cảnh cũ người xưa. Đây chiếc cầu ván ọp ẹp bắc qua ngòi Long Phụng thì đến làng Vinh Phú. Vinh Phú, cái tên cho người ta cảm tưởng mức trù phú, sung mãn, nhưng thực tế thì ngược hẳn.
Chiều nay trời Chicago buồn lạ lùng, nỗi cô đơn xoắn lấy tôi. Không còn mấy ngày nữa là đến Tết. Ở đây Tết cũng buồn nhưng như Phụng, dù ở quê hương, chắc gì nó có được một mùa Xuân.
Thủy Lâm Synh
Illinois, Jan. 1985
- - - - - - - - - -
Trang 121
ANH VÀ TÔI
Anh có tình mẹ một thời thơ ấu
Còn riêng tôi mất mẹ thuở vào đời
Thân gầy guộc bên vú già luống tuổi
Hạt gạo thừa cằn cựa vú nuôi tôi.
Anh che chở bằng tình thương của mẹ
Bằng giọng hò ru anh ngủ trên tay
Còn tôi khóc lệ ướt nhoà gối lẽ
Chiếc giường tre manh chiếu rách màu phai.
Anh lớn lên học i-tờ mẹ dạy
Lúc dỗi hờn roi mẹ đánh chẳng đau
Còn tôi học bên đèn dầu vú bão:
Gắng nghe con, một thế hệ oan sầu.
Anh lận đận có mẹ hiền an ủi
Lê thân tù xẻ dọc dãy Trường Sơn
Tôi cũng như anh nung chí căm hờn
Mài trong mắt gươm thiêng chờ phục hận.
Đời phân rẽ đẩy ta rời đất mẹ
Giờ ngồi đây quán gió uống cà phê
Như uống ngụm đau thương lẫn não nề
Đành cam phận lưu đày thân lữ thứ.
ĐỖ VĨNH KHANH
- - - - -
Nỗi niềm Vũ Hoàng Chương:
“Từ độ người về, hỡi loài man dại!
Dẫu vô tri, sỏi đá cũng buồn đau.
Tiếng thở dài vang tận đáy sông sâu,
Màu đỏ oan cừu hành hung phố chợ”.
- - - - - - - - - -
Trang 122
CHUYỆN NHỎ NHẤT CỦA NGƯỜI
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dũng
Trời lạnh ngắt, sương từ vịnh San Francisco phủ kín những dãy đồi phía Nam kéo tận đến parking trường đại học East Bay. Hơn chín giờ sáng mà mặt trời vẫn nép khuất trong đám sương mai. Thời biểu cho buổi học sáng nay dành để ôn lại những vấn đề liên quan đến sự cấu tạo nguyên tử mà kỳ thi cuối khóa, bắt buộc sinh viên phải am tường tất cả những nguyên lý thông thường nhất về nguyên tử lượng carbon áp dụng trong quy trình đo đạt niên đại của vật chất hiện hữu trên trần gian.
Hầu hết sinh viên đều nghiên cứu đến những hạt rất nhỏ của vật thể được gọi là nguyên tử, khối lượng tuyệt đối của nguyên tử vô cùng nhỏ bé đó như hydro nhẹ nhất đo được khoảng 0.00000000000000000000000167 gram đã cho sinh viên những suy nghĩ lý thú về mặt bản thể tự nhiên.
Cửa sổ tầng thứ năm của Warren hall nhìn xuống vịnh San Mateo làm cho tôi có cảm giác như đúng trên chót cao tầng World Trade Center nhìn xuống vịnh Nữu-Ước năm xưa. Thiên nhiên lúc nào cũng hùng vĩ và hiểm hóc, so với con người nhỏ bé này thì vũ trụ sơn hà đại địa kia có sức thần bí vạn năng. Dự định ngang qua cafeteria lấy ly trà thật nóng để hổ trợ buổi giảng thấm giọng nhưng thấy cô nhân viên người Ý da thịt đẩy đà đỏng đảnh thối tiền một cách chậm chạp mà trước mặt còn đến bảy tám sinh viên sắp hàng ngoằn ngoèo, tôi đổi ý đi thẳng xuống giảng đường.
Chào hỏi thường lệ, điểm danh và nhắc nhở ngày thi cuối khóa vào tuần tới, vài sinh viên Bắc Âu có gương mặt lạnh lùng muôn thuở đề nghị tôi ôn tất cả những câu hỏi đề thi. Tôi cười, dĩ nhiên là không vì thời gian có bao giờ quay ngược. Ông giáo sư người Nam Tư dạy tiết đầu có thói quen không gọn gàng, mỗi lần để cặp táp xuống bàn tôi phải thu gom những tờ giấy nháp, đặt lại cái remote control, stapler, speaker phone vào đúng vị trí của nó và thỉnh thoảng phải lau giùm cái bảng đầy những đường nét kỳ quái. Mãi sau này tôi biết ông ta dạy về vật lý không gian ứng dụng tích phân trong chuyển động thẳng. Vài sinh viên đi trễ với đủ lý do, kẹt xe, tìm không ra
parking... mở cửa bước vào.
Tôi đưa mắt nhìn thông cảm và bắt đầu ôn thi.
Silvburg, cô bé người Balan có vóc dáng Á đông nhỏ nhắn đặt câu hỏi về sự nhỏ nhất của vũ trụ. Ngẫm nghĩ một giây để tìm câu trả lời thật đơn giản và dễ hiểu, tôi đáp:
-”Nguyên tử của mọi nguyên tố đều được cấu tạo bởi hạt nhân nguyên tử dương tích và vỏ nguyên tử âm tích. Hạt nhân nguyên tử cũng rất chi ly và phức tạp hợp bởi hai tiểu phân là proton và neutron. Quan niệm về nguyên tử là phần vật chất nhỏ nhất, nhỏ nhất đến nổi không thể phân chia ra được, nhưng rồi khoa học càng ngày càng tiến bộ thì lập luận nêu trên đã bị phủ nhận, vì phân tử là tiểu phân nhỏ nhất lại nằm trong nguyên tử, bởi lẽ trung tâm của nguyên tử còn có hạt nhân mang điện tích dương và chung quanh hạt nhân đó có các điện tử quay vô cùng nhanh chóng theo nhiều quỹ đạo khác nhau. Điều này cho thấy là trí tuệ con người càng siêu việt thì nguyên tử có thể chẻ thành hằng hà sa số thế giới”.
Cả lớp học hơi ngơ ngẫn một vài giây vì câu trả lời chưa xác định được chủ ý. Tôi giải thích thêm:
-”Hành tinh xoay quanh mặt trời với một đưòng cong quỹ đạo, thử tưởng tượng rằng, hành tinh đứng yên thì chuyện gì xãy ra? Nó sẽ bị rơi vào mặt trời ngay tức khắc. Trong nguyên tử, những điện tử xoay quanh hạt nhân với vận tốc vô cùng rộng lớn nhưng không theo một quỹ đạo nhất định nên dường như điện tử có mặt khắp nơi trong vùng bao quanh hạt nhân”.
Vài sinh viên mở cửa bước vào, tiếng lách cách phát ra âm thanh lịch-kịch bởi các đôi guốc cao gót, chiếc cặp quá tải và lực kéo từ chiếc ghế xoay tròn. Dường như hơi ngại ngùng, Linda nói nhỏ như biện minh bằng giọng trách móc giá xăng dầu quá cao khiến cô lanh quanh lái xe tìm cây xăng rẽ nhất, Brian ngồi bên cạnh hiểu ý nên hỏi một câu vô thưởng vô phạt:
-”Thưa thầy, chúng ta đang ở nơi mà có thể lấy dầu dưới đất một cách dễ dàng, tại sao xăng dầu càng ngày càng lên giá?”.
Tôi thông cảm nổi quan tâm chung của những người sinh viên đang mài thủng đáy quần, học phí tăng nhanh hơn vận tốc ánh sáng mà việc làm khan hiếm khiến tiền bạc chi
tiêu phải cân nhắc từng xu.
Tôi đáp:
-”Vâng, dĩ nhiên xăng dầu lấy từ mỏ dưới lòng đất chúng ta đang sống đây, hàng triệu triệu tấn xác động vật đơn giản và động vật hoàn chỉnh bị vùi sâu ở đáy đại dương hàng triệu triệu năm trong tình trạng nước đứng yên và không có không khí bị phân hủy, đất sét và cát chuyển động qua áp suất nhiều triệu triệu năm chúng biến thành chất lõng màu đen, nhơn nhớt. Khi hút lên khỏi mặt đất, nó phải qua hàng trăm công đoạn đãi lọc mới có xăng cho các bạn chạy xe. Nào đâu dễ dàng như ta tưởng tượng, rằng hút lên xong đổ vào xe là chạy ào ào”.
Lớp học cứ thế xoay qua nhiều đề tài trong đời sống thường nhật, nào cái lạnh khủng khiếp của miền Bắc California với suốt đêm dưới 20 độ F, quả địa cầu sẽ nóng hơn lên vì cây xanh đã bị tàn phá lên, Bắc Băng dương vỡ tan ra từng mãng lớn, và hiện tượng El Nino đáo hạn. Bốn mươi lăm phút trôi qua mà buổi ôn thi cuối khóa chưa hết chương một, tôi sẽ tranh thủ tóm tắt những phần căn bản trong chín mươi phút còn lại.
Thời gian đi qua nhường lớp cho một tiết khác, tôi cẩn thận thu xếp học cụ, giữa những dãy ghế trơ trọi chỉ còn một nữ sinh Việt Nam, Hân Trần. Cô xin gặp để hỏi thêm những thắc mắc mà cô chưa theo kịp trong lớp. Về lại văn phòng, tôi mở computer vào phần hướng dẫn thời gian, giúp cô khoảng mươi phút trước khi tiếp một vài sinh viên có hẹn trước.
Hân chưa ngồi đã nói với tôi:
-”Em là người cùng quê của thầy. Thú thật là gần bốn tháng ngồi trong lớp học mà chưa có dịp nói chuyện riêng với thầy. Nhà em tại Bình Sơn gần cơ xưởng lọc dầu Dung Quất đó. Em theo diện du học sinh tu nghiệp chứ không phải du sinh đại học nên chỉ ở đây được sáu tháng. Tuần tới em trở về nước nên xin phép gặp thầy nói lời cám ơn”.
Nghe cô gái nói xong một hồi, tôi hơi xúc động. Trong lớp học cũng có khá nhiều sinh viên Á Châu, những cái “last name” Nguyễn, Trần, Hồ, Võ không thiếu dù mỗi background mang tâm trạng khác nhau. Vâng, tôi sinh ra tại Quảng Ngãi, quê hương với bà con một nắng hai sương đã dạy tôi bài học đầu đời, đã cho tôi những hình ảnh khó phai của Thiên Ấn, Thiên Bút, Sông Vệ, Sông Trà. Giọng cô gái nhẹ hơn nhưng không làm sai lệch âm hưởng của thị thành Châu Ổ năm xưa.
Biết Dung Quất là điểm nóng về kỷ nghệ dầu mỏ, tôi vui vẻ pha trò hỏi Hân:
-”Thế em có múc dầu đổ vào xe chạy quanh thành phố không?”.
Hân cười trong lành:
-”Nếu múc được dầu thì em đã không qua đây tu nghiệp. Thưa thầy, chuyện xăng dầu Dung Quất đối với bà con Bình Sơn như chuyện Star War trong phim Mỹ, vẫn là việc ngoài tầm mắt của người dân. Giống như mũ cao su bạt ngàn tại miền Nam, chỉ khi mang đôi dép nhựa mới biết loại plastic này đã tái tạo đôi ba phen trước khi được xỏ chân vào là sản phẩm do mình trồng ra”.
Tôi thấm thía với nhận xét mộc mạc này và định bụng thăm dò ước muốn của Hân trước khi về nước, cô ta không chờ đợi và nói tiếp:
-”Em đi tu nghiệp là bởi ý kiến của gia đình, điều mơ ước của em là làm sao cho dân tình quê hương có điện thắp sáng, có tivi xem truyền hình và có computer để hiểu biết thêm thông tin bên ngoài, muốn ở, muốn đi, muốn nói, muốn theo đạo, muốn làm bất cứ điều gì có lợi cho mọi người đều không bị cấm đoán”.
Tôi ngạc nhiên hỏi em rằng nhà em có điện hay không? Hân cười, trả lời thật mau trong đôi mắt chớm buồn:
-”Thật ra thì nhà em rất giàu, điện lực từ trên quận dẫn vào nhà, có cả máy phát điện dự phòng, máy bơm nước từ giếng vào bồn xì-tẹc chứa hàng chục ngàn lít nước ngọt và cả ô tô con dùng xăng ngoại. Nhưng chung quanh làng xóm thì khác, họ không có điện đã đành mà nước ngọt cũng hiếm”.
Tôi như chợt hiểu điều gì nên chỉ gật đầu, làm... thinh
Tôi không ngủ được nên miên man suy nghĩ. Người ta dấn thân cả đời cho lý tưởng hạnh phúc muôn dân. Anh hùng Nguyễn Thái Học đã hy sinh cho đất nước cũng chỉ vì hoài-bão: dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc. Cái hạnh phúc đơn giản của người nông thôn chân lấm tay bùn là có điện để nghe radio hát ca lương, tân nhạc; có xăng dầu để chạy máy bơm thay thế cảnh gàu sòng tát nước đêm thâu. Cái hạnh phúc cho dân sinh phải đạt được rồi tự khắc dân quyền cũng theo đó mà bộc phát tự do, tiến đến sự độc lập cho tổ quốc là thế tất yếu. Mấy mươi năm độc đảng, chuyện bình thường của dân chưa lo nổi thì sự nghiệp giải phóng dân tộc có ích lợi gì?
Khi theo học Phật Pháp đại thừa, tôi thường suy niệm về tinh thần Hoa Nghiêm Tông với tâm hồn phóng khoáng, không gò bó trong bất cứ loại hình nào nên huệ Phật với trí huệ giác ngộ hiện nơi đâu cũng là Phật tướng. Người chiến sĩ dân chủ không nhất thiết phải là Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Đan Quế, mà là một công dân bình dị hiên ngang chống lại cái ác, mong ước cho bà con xóm giềng được sống trọn vẹn như một con người trong xã hội văn minh.
Một hạt bụi chứa ngàn muôn thế giới là tinh thần Hoa Nghiêm mà ngài Long Thọ viết vào thế kỷ thứ hai sau khi Phật Thích ca nhập diệt sáu trăm năm, nó là đoá hoa tươi đẹp, thơm lừng để trang nghiêm cuộc sống này. Trong toàn bộ chân kinh có phẩm thứ áp út gần cuối cùng về nhập pháp giới với Thiện Tài Đồng Tử đi qua năm mươi hai chân tướng thiện tri thức, từ trí tuệ như Văn Thù Sư Lợi đến hung tàn như Dạ Thần, hoan hỷ như Di Lặc và sau cùng gặp ngài Phổ Hiền mới vỡ lẽ huyền diệu của đạo mầu. Cái tuyệt mỹ ở đây dẫn chúng ta thấy được tâm mình từ hình tướng của Thiện Tài Đồng Tử qua chỗ khởi đầu sự phát tâm cầu học đạo qua nhiều trận gian truân mà sự tinh tấn dũng mãnh không ngừng nghỉ để đạt đến viên dung vô ngại.
Ai cũng vậy, từ những gian truân nổi trôi đau khổ giữa cảnh đời ô trược não phiền, những bóng tối sâu kín trong tâm lại là nơi ánh bình minh sáng lạng. Chỗ bắt đầu so tâm cầu đạo cũng là nơi đốn ngộ viên dung, vẫn tự tại ở nơi không ai đoái hoài, lặng lẽ nhưng trầm hùng như cánh hoa tươi mát trải qua thời gian xuôi ngược mà vẫn trung thành đứng đó chờ mong.
Cái nhỏ nhất của cuộc đời đôi khi bị quên lãng để chạy theo cái hào nhoáng tráng lệ nguy nga. Cả nước hoan hô rầm rộ khi Việt Nam bước vào WTO, tiền rừng bạc biển cho những cuộc truy hoan trác táng, Mercedes đắt giá tung bụi đất mịt mờ làm con trâu sợ điếng tránh xa, cao ốc xa hoa lểnh khểnh nhìn mái lều bằng carton mì gói ven đường, và thậm chí có tay cán bộ đề nghị chế tạo phi thuyền bay lên vũ trụ.., nhưng bên cạnh cái vĩ đại giả tạo đó vẫn có những hạt nhân tự do đang tung chạy với vận tốc khốc liệt để tỏa điện từ dân chủ chung quanh làng mạc tiêu điều kia.
Đất nước có hàng vạn Thiện Tài Đồng Tử xuất dương du học, biết đâu trong chốn tham vấn học hỏi đủ điều kia, Hân Trần đã chứng kiến hình ảnh những mái đầu bạc hếu đang lặng lẽ làm công việc nhỏ nhoi, cái công việc chẳng ăn nhập đến hòa bình thế giới lại là sự chuyển động âm thầm cho quê hương có chút điện để thắp sang niềm tin, có tí xăng để vận lực tình yêu và có nụ cười trên đôi môi hiu hắt của bà mẹ miền quê một nắng hai sương dãi dầu mưa gió.
Ước mơ những Thiện Tài Đồng Từ tương lai trải qua từng cửa ải của khổ đau lẫn hạnh phúc để làm cái việc mà mọi người đang mong, trong đó có cô gái Hân Trần tức Trần Ngọc Hân, một du sinh gọi Trần Đức Lương, cựu chủ tịch nước Cộng Sản Việt Nam là chú ruột, đã hiên ngang lên tiếng ủng hộ khối 8406, đòi dân chủ khi mới bước về lại quê hương.
Nguyễn Hồng Dũng Ph.D.
- - - - -
Bạn có biết? Chuyện internet: Tên những Domain đắt tiền
Vào tháng 12-1999, Marc Ostrofsky, một người Texas, đã bán Domain www.business.com với giá 7,5 triệu Mỹ kim, là domain đắt tiền nhất lúc đó. Tưởng cũng cần biết thêm, trước đó 3 năm, Marc cũng đã bán domain www.eflowers.com cho một công ty chuyên gửi bán hoa với điều kiện: Công ty này phải gửi đến cho vợ của anh ta suốt cuộc đời mỗi tháng 1 tá hoa hồng.
Kỷ lục $7.5 triệu nầy bị bẻ gãy vào ngày 19-12-2006 khi domain www.sex.com được bán với giá $14 triệu Đô la. Vào năm 2008, www.fund.com được bán với giá $9,999,950. Năm 2007, domain www.Porn.com được bán với giá 9 triệu Đô la. Đồng hạng với www.business.com là www.diamonds.com, kế đến là www.beer.com giá $7 triệu Đô la, rồi www.Casino.com giá $5.5 triệu; Asseenontv.com và Korea.com đồng hạng: $5 triệu; Wine.com giá $3.3 triệu; Creditcheck.com và Vodka.com đồng hạng $3 triệu Đô la.
(LCT sưu tầm)
- - - - - - - - - -
Trang 128
BÀI CA XUÂN
Lưng trời mây trắng
Én lượn từng đàn
Bướm vờn trong nắng
Xuân sang Xuân sang
Hồng tô bông thắm
Mai điểm hoa vàng
Đàn bò say ngắm
Cỏ non lưng đồi
Đầy đường nghẹt chợ
Áo màu sặc sỡ
Tươi cười hớn hở
Người người vui Xuân
Riêng ta mỏi mòn
Xuân đi mấy độ
Quê hương nghèo khổ
Lòng nào ta vui!
Giao thừa gõ nhịp
Ca khúc chờ mong
Tình tang tang tính
Ru đời lưu vong
Mưa rơi ngoài song
Giá buốt trong lòng
Tiếng pháo xa đưa
Chạnh tình cô lý
Ơi người tráng sĩ
Mài kiếm dưới trăng
Xuân về đêm đen
Chờ ngày mai sáng
Trời cao biển rộng
Cùng bỉ biến thông
Sắc sắc không không
Tang tính tình tang
Xuân San Jose 2005
Tầm Dương
- - - - - - - - - -
Trang 129
XÃ HỘI ƯU VIỆT
Tràm Cà Mau
(Câu chuyện sau đây được viết sau một buổi trà dư tửu hậu với ba ông bạn, một từ Ba Lan, một từ Nga Xô và ông khác từ xứ Nicaragua. Ba xứ nầy trước kia theo xã hội chủ nghĩa).
Từ miền Nam ra Bắc, năm 1945 ông Tý đang miệt mài đèn sách tại đại học Hà Nội, hy vọng ra trường được bổ dụng làm quan tham tá, thì xếp bút nghiên theo tiếng gọi của sông núi. Cầm súng đánh đuổi giặc Tây đang trở lại, để dành độc lập cho quê hương. Năm 1954 nước Việt Nam chia cắt ra hai miền, ông đi tập kết ra Bắc.
Năm 1975, sau khi miền Bắc chiến thắng trong cuộc nội chiến tương tàn do súng đạn ngoại bang cung cấp và thúc dục, ông hân hoan trở về. Trong trí tưởng tượng của nhiều người bà con giòng họ thì ông là một kẻ anh hùng oai phong lẫm liệt, cưỡi ngựa chiến, mang chiến bào, cầm gươm báu sáng ngời chỉ vào thiên địa hiên ngang. Nhưng họ thất vọng, vì thấy ông, mặt mày bủng beo hốc hác, tiều tụy, chân mang dép râu, đầu đội nón cối sờn mục và áo quần nhàu nát lụng thụng màu phân ngựa.
Trong một bữa ăn đoàn viên do bà chị ông tổ chức, một người cháu trẻ tuổi hỏi:
-”Trong chế độ Cọng sản, thanh thiếu niên có quyền yêu đương không?”
Ông cười đáp:
-”Được chứ, đó là tự do cơ bản, ai cũng có quyền, nhưng phải báo cáo và thông qua tổ chức. Được tổ chức cho phép thì tha hồ. Nhưng nếu tổ chức không chấp thuận, thì không nên tiếp tục tình yêu sai trái đó”
Đứa cháu nhún vai cười mỉm. Hỏi tiếp:
-”Thưa chú, người ta nói rằng, chế độ tư bản bất công, người giàu kẻ nghèo chênh lệch. Chế độ Cộng sản tạo được công bằng gần như tuyệt đối, là mọi người đều khốn khổ bần cùng như nhau. Ngoại trừ một nhóm đảng viên cao cấp. Có đúng như vậy không?”
-”Tuyên truyền phản động! Nhưng có lẽ không phải là không có cơ sở.”
Ông Tý gắp một mớ cá lòng tong kho tiêu vào chén. Ông hỏi:
-”Cá nầy là cá gì mà ngon quá. Kho tiêu cay, ăn thấm miệng”.
Bà chị dâu ông cười và trả lời:
-”Đây là cá lòng tong”
-”Cá lòng tong lá cá gì?”
-”Là một loại cá voi, đã được sống trong xã hội chủ nghĩa lâu năm”.
Cả nhà đều cười. Ông Tý đỏ mặt, nhưng không muốn tranh luận làm chi với những người mà ông cho là “cực kỳ phản động”. Ông Tý hỏi:
-”Ở đây có ai biết cái khác nhau giữa xã hội chủ nghĩa với tư bàn chủ nghĩa không? Tại sao ta xây dựng xã hội chủ nghĩa?”
Đứa cháu lại nghiêm mặt và trả lời:
-”Trong tư bản chủ nghĩa, thiểu số tư nhân giàu có bóc lột nhân dân lao động. Trong xã hội chủ nghĩa, thiểu số của thiểu số đảng viên cầm quyền bóc lột toàn nhân dân, triệt để và khốc liệt hơn. Xã hội chủ nghĩa được xây dựng nên, cho người người được dịp làm biếng hơn, phè hơn, hoặc không làm chi cả cho khỏe”.
Ông Tý chưa kịp phản ứng thì bà chị dâu lại hỏi:
-”Tôi đố chú, nói được sự khác nhau ở dưới địa ngục tư bản, và địa ngục cọng sản?”
Ông Tý lung túng:
-”Tôi không biết. Chị nói cho tôi nghe với”
-”Dưới địa ngục tư bản, người có tội phải nhảy bàn chông, và tắm vạc dầu. Dưới địa ngục xã hội chủ nghĩa, cũng như vậy, nhảy bàn chông và tắm vạc dầu. Nhưng rất nhiều khi, thiếu chông và thiếu dầu, nên chỉ nhảy sàn đất và tắm khí mà thôi.”
Cả nhà cùng cười. Ông Tý nói:
-”Thật là phản động và bôi bác.”
Đứa cháu gái kêu ông Tý bằng cậu nói:
-”Cậu biết không? Cách nay nhiều năm, trước thời chiến tranh, có một ông già nhà giàu vào một tiệm bách hóa và trả tiền mua hết tất cả hàng hóa trong tiệm, nhưng không mang về, để lại tặng không cho các khách hàng đến sau ông, họ khỏi trả tiền. Chủ tiệm cười, sung sướng đồng ý. Ông già bắc ghế ngồi trước cửa tiệm xem chơi. Sau khi vài người khách vào tiệm mua, được cho không khỏi trả tiền, thì dân chúng ào ào kéo đến. Mười lăm phút sau, cả cái tiệm thành đống rác, đổ vỡ tan hoang. Ông già ngồi cười. Chủ tiệm mếu máo hỏi ông già rằng:
-”Ông có thù ghét chi tôi không mà hại tôi đến thế? Tan nát cái tiệm rồi. Từ nay làm sao buôn bán chi được nữa? Ác chi mà ác đến thế ông ơi! Tại sao thế?”
Cụ già chậm rải giải thích:
-”Tôi đã già quá. Tôi biết không thể sống cho đến ngày Cọng sản vào đây. Tôi muốn được thấy tận mắt thế nào là xã hội Cọng sản.”
Bố của cháu gái lườm mắt nhìn con và nói:
-”Để cho cậu của con ăn ngon miệng, nói chi ba cái chuyện tào lao mà nghẹn họng, nuốt không vô. Ngày vui đoàn tụ mà.”
Đứa cháu gái trả lời:
-”Nhưng con không ưa chế độ, xã hội đó.”
Ông Tý nhìn đứa cháu gái và nói:
-”Cậu hỏi con rằng, trong xã hội tư bản, con có thể bỏ việc mà đi chơi bất cứ khi nào con muốn không?”
-”Không bao giờ”
-”Trong xã hội tư bản, con có thể lấy phương tiện, vật liệu của sở về xây nhà riêng không?”
-”Không bao giờ”
Ông Tý dồn tiếp:
-”Trong xã hội tư bản, con có thể dùng thời giờ của sở để xây nhà riêng không?”
-”Không bao giờ.”
-”Chú cho con biết, trong xã hội chủ nghĩa, mọi người đều làm được những điều đó. Thế thì tại sao con không ưa thích xã hội chủ nghĩa?”
Một đứa cháu khác hỏi tiếp:
-”Đọc nghị quyết của đảng Cộng sản, cháu thấy họ viết rằng “Trước đây chúng ta đang đứng trên bờ vực. Từ đó đến nay, chúng ta đã tiến được nhiều bước vượt bực”. Đứng trên bờ vực mà tiến được nhiều bước vượt bực, thì có lộn mèo xuống hố hay không? Trong bài diễn văn gần đây, đồng chí Tổng bí thư có đọc: “Chế độ cọng sản đang ở chân trời”. Có nghĩa là sao?”.
Thằng cháu nhỏ khác cười giải thích:
-”Chân trời là cái ranh giới trông vào thì thấy như mặt đất giáp trời. Nhưng càng đi đến, thì càng xa, và không bao giờ gặp cả.”
Ông Tý đang nuốt miếng thịt heo béo bùi mà nghẹn họng, đưa tay vuốt ngực, ho hen. Bà chị dâu lại hỏi:
-”Tôi đố chú, nếu chế độ Cọng sản thành lập được giữa sa mạc Sahara, thì chuyện gì sẽ xẫy ra sau đó?”
-”Tôi không biết”
-”Thì chỉ trong vài năm thôi, sa mạc sẽ thiếu cát, và phải nhập cảng cát. Tương tự Liên Xô, là một xứ nông nghiệp, mà mấy chục năm qua phải nhập cảng lương thực.”
Bà chị dâu nhìn ông Tý mà hỏi thêm:
-“Chú nói ở miền Bắc, dân chủ gấp vạn lần các xứ tư bản. Thế thì chú có thể đứng ở lăng Bác Hồ, kêu tên bác ra mà chửi bác ngu hay không?”
Ông Tý nhìn mọi người, rồi nói:
-”Tôi có thể làm điều ghê gớm hơn nữa, mà chẳng sợ rắc rối, chẳng ai bắt bớ tôi”
-”Điều gì?”
-”Tôi có thể ra “ị” trước lăng Bác, mà không ai làm gì tôi cả. Dân chủ quá đi chứ?”
-”Có thật không?” Bà chị dâu tròn mắt ngạc nhiên hỏi.
Ông Tý cười bí hiểm, nói:
-”Cứ “ị” mà đừng tuột quần xuống thì thôi. Ai mà bắt bẻ?”
Đang ngồi ăn, bỗng nghe tiếng đạn đại bác bắn đì đùng. Bà chị dâu sợ hãi, hỏi ông Tý:
-”Có chuyện chi mà bắn súng dữ vậy? Có gì nguy hiểm không?”
Ông Tý giải thích:
-”Đồng chí bí thư thành phố Mát-cơ-va qua thăm, tham quan ngoại giao.”
Bà chị nhăn mặt nói:
-”Thế thì không ai bắn giỏi cả hay sao, mà bắn hoài không trúng ông ấy?”
Chị ông Tý xen vào câu chuyện:
-”Nầy cậu Tý, tôi nghe nói, khi hấp hối, bác Hồ nói với đồng chí Tổng bí thư rằng “Ta lo lắm, liệu nhân dân có theo anh hay không?”. Đồng chí Tổng bí thư trả lời “Chắc chắn theo”. Bác hỏi “Có chắc không, nếu họ không theo thì sao?”. Đồng chí Tổng bí thư trả lời rất rành mạch rằng “Bác đừng lo. Họ phải theo tôi, nếu ai không theo tôi, thì tôi cho họ đi theo bác ngay”. Chuyện nầy có thật hay không?”
Ông Tý lắc đầu nói:
-”Những chuyện bí mật của nhà nước như thế, chúng tôi không được quyền biết đến, và không ai được quyền tiết lộ.”
Một đứa cháu trai đặt câu hỏi:
-”Thưa chú, chắc chú chưa quên ông Adam là tổ phụ loài người, như đã chép trong Thánh Kinh. Theo chú thì ông Adam là người nước nào?”
-”Chú đã theo đảng Cọng sản và bỏ đạo từ lâu. Không còn biết ông Adam là ông nào, và là người xứ nào nữa. Thế thì cháu nghĩ ông ta là người xứ nào?”
-”Ông ấy là người Liên Xô ạ”
-”Sao vậy?”
-”Vì ông ấy trần truồng, không có được một cái khố che mông, và trên tay chỉ có một trái táo, mà vẫn tin tưởng là đang sống tại thiên đàng!”
-”Khỉ, khỉ, bọn mầy đã bị Mỹ ngụy đầu độc tư tưởng. Cần phải được đi cải tạo thay đổi tư duy, có cái nhìn đứng đắn hơn về xã hội chủ nghĩa ưu việt. Các cháu có biết không, nước ta đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa. Chỉ một thời gian ngắn nữa, chúng ta sẽ vượt lên, và đi trước cả nước Mỹ nữa”
-”Thưa chú, cháu đề nghị đi ngang nước Mỹ thôi, đừng đi trước họ”
-”Sao vậy?”
-”Bởi mình mà đi trước, họ thấy cái quần rách nát lòi mông của mình thì kỳ lắm, xấu hổ”
Cả nhà cùng cười vang. Ông Tý cũng cười theo. Một đứa cháu nói:
-”Chú đã nghe chuyện của bác Hai chưa? Bác Hai ra miền Bắc làm việc từ trước khi có chiến tranh. Không có tội gì cả, nhưng bác bị bắt giam. Vị cai tù hỏi bác bị kết án bao nhiêu năm, vì tội danh gì? Bác trả lời là bị kết án mười năm và không có tội danh gì cả. Ông cai tù trợn mắt lên, mắng rằng: “Láo khoét, thường thường, không có tội gì cả, thì chỉ bị kết án có bốn năm mà thôi”. Vợ bác ở nhà, gởi thơ vào trại tù than thở là không có ai xới đất làm vườn để trồng khoai. Bác gởi một thơ ngắn về nhà, ghi: “Chôn ở trong vườn”. Tuần sau, vợ bác gởi thơ lên, đại ý nói công an đã xới, đào khắp vườn, không bỏ sót một tấc đất nào cả. Bác gởi thơ về rằng: “Vườn đã được xới xong, chờ chi nữa mà không trồng trọt.”
Ông Tý gắt lên:
-”Toàn cả chuyện bố láo. Nhưng chuyện sau đây, thì có thật. Có một anh cán bộ sở tôi, chạy gấp về nhà, thấy bà vợ đang nằm trên giường với một người đàn ông lạ. Anh gào lên rằng, bà chẳng được cái tích sự gì cả, giờ nầy mà còn nằm đó. Bà có biết trên cửa hàng lương thực đang bán khoai mì, chỉ còn lại mấy chục kí. Không chạy mau lên thì người ta mua hết bây giờ.”
Bà chị ông Tý nói:
-”Khi bác Hồ mất, cậu biết chuyện gì xẫy ra không?”
-”Không. Chuyện gì thế?”
-”Hôm ấy chú Huy trực. Có người kêu điện thoại vào xin được nói chuyện với Bác. Chú bảo bác đã qua đời. Một lúc sau, người ấy kêu điện thoại lại và được trả lời như cũ. Người đó kêu thêm hai ba lần nữa. Bực quá, chú Huy gắt lên: “Tôi đã nói, Bác chết rồi. Ông không nghe, không hiểu sao?” Bên kia đáp rằng: “Tôi nghe “đã” cái lỗ tai quá, nên kêu đi kêu lại nghe thêm cho sướng tai”. Thế thì chú Huy chưa kể chuyện nầy cho nghe sao?”
Khi bữa cơm gần tàn. Ông Tý nói với các cháu:
-”Các con phải tích cực phấn đấu để sau nay được vào đoàn, vào đảng. May ra mới ngóc đầu lên được.”
-”Vâng, chúng cháu sẽ đi khám bệnh thần kinh trước. Đứa nào bị bệnh nặng, sẽ xin gia nhập đảng. Người ta kể rằng, khi gặp khó khăn, chính trị bộ bên Liên Xô cho người ngồi đồng, gọi hồn ông Các-Mác lên để vấn kế. Khi nhập đồng, thì hồn khóc rủ rượi. Hồn chỉ nói một câu, là cho gởi lời xin lỗi đến toàn thể nhân dân lao động khắp các xứ xã hội chủ nghĩa trên thế giới?”
Một người bà con hỏi, trong xã hội chủ nghĩa, thiên hạ có thích chuyện tiếu lâm hay không? Ông Tý thành thực trả lời:
-”Nhiều người kể chuyện tiếu lâm, châm biếm mà bị tù đông lắm. Lần nọ, tôi gặp một anh chánh án nhân dân, đi ra khỏi tòa và cười rũ rượi, cười chảy nước mắt. Tôi hỏi sao vậy? Anh nói là vừa nghe một chuyện khôi hài tuyệt vời. Tôi yêu cầu anh kể lại. Anh quắc mắt lên hỏi tôi đã điên chưa mà yêu cầu anh kể. Vì người kể câu chuyện đó, vừa bị anh kết án mười năm tù lao động khổ sai.”
Một bà hỏi ông Tý:
-”Có phải trong xã hội chủ nghĩa, thời gian qua mau hơn trong tư bản chủ nghĩa không?”
-”Chị muốn nói gì?”
-”Tôi đọc, thấy báo cáo của các hợp tác xã nông nghiệp, họ đạt thành tích thi đua, lãnh vực nào cũng “vượt chỉ tiêu” là sao?”
Ông Tý gật gù:
-”Báo cáo thành tích thì phải làm vậy. Không ai làm khác cả. Đó là cách khôn ngoan nhất để sống còn. Cấp trên họ cũng biết sự thực ra sao, nhưng họ lại muốn được thấy những báo cáo đó mà thôi”
Bà chị ông Tý lắc đầu bực mình nói:
-”Cậu bảo rằng xã hội cọng sản đã làm được những điều tốt đẹp cho con người. Tốt đẹp ở đâu, cậu cho tôi xem vài thí dụ đi.”
Ông Tý bóp trán rồi trả lời:
-”Ví dụ như chị Năm Lài, trước kia mù chữ, đi chân đất, chuyên nghề chửi mướn, đánh ghen thuê. Bây giờ là chủ tịch hội phụ nữ yêu nước. Anh Tám Râu, thất học, nghèo không có quần xà lỏn mà mang, bây giờ đã có dép râu đi, và làm trưởng ban tuyên huấn giáo dục huyện. Và đồng chí Mười Búa, trước đây đâm thuê chém mướn ở bến xe, làm nghề hoạn heo, ai thấy cũng khinh bỉ, nhổ nước bọt. Nay đã là một thành viên trong Bộ Chính Trị. Đó, cái siêu việt của xã hội chủ nghĩa, chị thấy chưa?”
Bà chị ông Tý nheo mắt nhìn kỹ, và hỏi ông:
-”Nầy, cậu bị thương tích trong trận đánh nào, mà bây giờ cái đầu cậu cứ gật gật mãi, và tay cậu cứ đưa lên, đưa xuống hoài vậy?”
Ông Tý cười bẻn lẻn thú nhận:
-”Tôi làm đại biểu nhân dân ở quốc hội. Cứ gật đầu và dong tay nhất trí hoài nên thành tật, nay không thế nào chữa khỏi được.”
Bà chị hỏi:
-”Tại sao cậu lại binh vực, kính mến và thương yêu lão Ba Dừa? Lão đánh đập vợ mỗi ngày, tống cổ mẹ ra đường, lấy trộm tài sản nhà nước, chơi cờ gian bạc lận, hiếp dâm con bé bán vé số. Có gì mà cậu binh vực hắn thế?”
-”Dù gì đi nữa, đồng chí Ba Dừa cũng là một người cọng sản chân chính, nên tôi binh vực và kính trọng.”
Một giọng con gái rụt rè hỏi:
-”Nghe nói ở bên Liên Xô vĩ đại hàng năm có thi đua kể chuyện tiếu lâm phải không?”
-”Có. Người kể chuyện hay nhất, được lãnh giải 20 năm đi đày, người lãnh giải nhì được 15 năm, người lãnh giải an ủi được 10 năm. Tất cả đếu được đi lao động khổ sai bên Silberia.”
Đứa cháu cười và hỏi:
-”Theo chú, thì ai là người theo, ai là người chống Cọng sản?”
-”Người theo Cộng sản là người cố tình như “tin” vào Mác và Lê-Nin. Người chống lại Cọng sản, là người “hiểu” rõ Mác và Lê-Nin.”
Buổi cơm đoàn tụ đã chấm dứt từ lâu, ông Tý cáo từ ra về. Ra khỏi cửa nhà, ông lẩm bẩm:
-”Toàn cả một lũ cực kỳ phản động. Ông mà báo cáo, thì cả bọn đi tù cải tạo mục xương, mút mùa.”
Mùa Đông năm 2005
TRÀM CÀ MAU
Trích từ tập truyện “RONG CHƠI NGÀY THÁNG” của Tràm Cà Mau. Độc giả nào muốn mua tập truyện nầy thì email cho tác giả, tại địa chỉ: tramcamau@googlemail.com, giá $10 Đô la, gồm cả bưu phí.
- - - - -
Tìm hiểu: Lửa có màu trắng, màu xanh, màu đỏ: lửa nào nóng hơn?
Theo lý thuyết, nếu lửa cháy trên một bếp gas không bị hạn chế, ngọn lửa sẽ bắt đầu từ màu đen nguyên thuỷ (không toả ra nhiệt lượng) chuyển sang màu đỏ (ở 925 độ C), rồi sang màu cam, đến màu vàng và sang màu trắng (1.200 độ C), cuối cùng là màu trắng xanh (2.000 độ C).
Nhiệt độ càng nóng, màu sắc cùng chuyển nhanh từ đỏ sang vàng, sang trắng, sang xanh. Ngoài màu xanh là tia cực tím, có thể gây ung thư da.
Nếu nguồn cung cấp nhiệt không phải là bếp thường, nhiệt độ có thể thay đổi, chẳng hạn trong các lò phản ứng, lò luyện kim,... nhiệt độ còn cao hơn nữa.
(LCT sưu tầm)
- - - - - - - - - -
Trang 138
TÔI LÀ NGƯỜI LÍNH
Tôi là người lính bị bỏ rơi
Ôm nỗi chua cay lẫn tránh đời
Quanh quẩn một mìn nơi xóm vắng
Bạn bè lỡ gặp, chỉ nhìn thôi.
Tôi là ngừơi lính bị bỏ rơi
Rau cháo, lo âu mất nụ cừơi
Ngày đến sống như ngừơi câm điếc
Đêm về mới thật sự là tôi.
Tôi là ngừơi lính bị bỏ rơi
Bóng tối gian nguy phủ kín đời
Nên chỉ tâm tình cùng thơ, nhạc
Cho lòng nói thật, cũng yên xuôi.
Tôi là ngừơi lính bị bỏ rơi
Ai nhớ, ai thương cũng muộn rồi
Sóng biển Thái bình che mất lối
Đâu còn thấy bóng kẻ ra khơi.
Tôi là ngừơi lính bị bỏ rơi
Áo trận, giày “sô” mất hết rồi
Nhưng vẫn chưa quen mình là lính
Dù là ngừơi lính bị bỏ rơi.
Trần Dũng Gianh
- - - - - - - - - -
Trang 139
BỜ XE NƯỚC QUẢNG-NGÃI
Đồng Sa Băng
Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm người em,
Nắng mưa đêm ngày cách trở giờ xa xôi đôi đường,
Người ơi có về miền quê hương Thùy Dương...
Tiếng hát ấm áp của Quang Lê trong đêm Hè nóng bức đã làm lòng người tha hương càng thêm ray rức nỗi nhớ. Dù ở tận trời Tây, miền Đồng Tháp, trên cao nguyên Lâm Viên hay giữa đô thành nắng ấm Sài Gòn, những người con của miền Trung nói chung, và Quảng Ngãi nói riêng, khi nghe những lời hát trên chắc sẽ nhớ về quê hương. Nỗi nhớ bao la rồi sẽ cô đọng lại trên mảnh đất nhỏ bé thân yêu nơi họ chào đời. Vì nơi ấy có biết bao nhiêu kỷ niệm, và cuộc sống đã hòa quyện vào ký ức. Rồi ký ức sẽ lần mò về những ngày xa xưa, và trong giây phút nào đó những ký ức nhạc nhoài cũng tự hỏi: “Ờ, quê hương Quảng Ngãi ngày xưa có gì hùng vĩ nhỉ??!!”
Câu trả lời chắc chắn sẽ là: bờ - xe - nước.
Đúng vậy, những bờ xe nước khổng lồ trên đất Quảng đã đi vào lòng biết bao nhiêu người con xứ “Nẫu”.
Bờ xe nước đã gắn bó mật thiết với những người nông dân trên con đường dẫn thủy nhập điền, để ngày đêm đã tưới biết bao nhiêu cánh đồng lúa trên quê hương Quảng Ngãi. Ngoài công việc quay tròn bên bờ sông, mang nước đưa về những cánh đồng nằm cheo leo khắp nơi, bờ xe nước Quảng Ngãi còn là một thắng cảnh hùng vĩ, có một không hai trên quê hương Việt Nam. Và bờ xe nước cũng là niềm tự hào của những người con xứ Quảng.
Những du khách, kể cả những người từ phương Tây, có lần đi ngang qua, hoặc dừng chân bên bờ sông Trà Khúc hoặc sông Vệ trong những ngày muà, chắc sẽ được thấy bờ xe nước ngạo nghễ và cao lớn đang quay đều bên bờ sông, mà lòng khâm phục những người tạo dựng lên nó. Rồi con người nhỏ bé, đứng nhìn những hạt nước nhỏ li ti như sương mù bao quanh những bánh xe khỗng lồ, có lẽ cũng thắc mắc: không biết ai là người sáng chế ra bờ xe nước?
Đi ngược thời gian để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, một nhà hành chánh của sở Văn Hoá Pháp, P. Guillenminet, trong tạp chí Bullettin des Amis du Vieux Huế (BAVH) trong bài “Một kỹ nghệ của người Annam: Những bờ xe nước ở Quảng Ngãi”, ấn bản năm 1926, Volumn 2, chương VI, đã khảo cứu và ghi nhận như sau:
-”Bộ giáo khoa tổng hợp của Trung Hoa, Châu Chí Thông Khảo, diễn tả rằng bờ xe nước làm bằng tre, được đẩy bởi dòng nước, tồn tại tại Trung Hoa và đặc biệt là ở phía Nam. Một số nhân viên phái đoàn phòng thương mại của thành phố Lyon, Pháp, cho rằng đã thấy bờ xe nước hiện hữu tại làng Thất Xương, Trung Hoa. Và phái đoàn quân sự lại nói rằng bên kia ranh giới Việt-Hoa có bờ xe nước tương tự như bờ xe nước ở điạ phương của họ. Ở đồng bằng Bắc phần lại cho rằng bờ xe nước phát xuất từ Trung Hoa và người sáng chế ra là vua Thần Nông. Nhưng những bàn luận về nguồn gốc tác giả nêu trên không đủ căn bản để thuyết phục rằng Trung Hoa là nơi phát minh ra bờ xe nước.
P. Guillenminet tin rằng người Việt và người Trung Hoa có lẽ đã học được kỹ thuật căn bản thành lập bờ xe nước từ phương Tây và đã cải biến cho phù hợp với địa phương.
Có nguồn lại cho rằng viên chủ sự hành chánh Pháp, La Borte, ở Quảng Ngãi nói rằng “Lão Thêm” ở làng Bồ Đề, nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, đã sáng chế ra bờ xe nước.
Cũng theo tạp chí BAVH, thì bờ xe nước xuất hiện ở đồng bằng Bắc phần, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Bình Định vào giữa thế kỷ 18 và Quảng Nam đầu thế kỷ 19. Nhưng những bờ xe nước ở những điạ phương trên rất đơn sơ, chỉ có một bánh và không qui mô như những bờ xe nước tại Quảng Ngãi.
Khi đề cập đến những bờ xe nước tại Quảng Ngãi, nhà hành chánh P. Guillenminet đã ghi nhận rằng: Vợ chồng Lão Diệm, và nhất là người đàn bà gọi là “Mụ Diệm” đã có công mang bờ xe nước từ Bình Định vào làng Bồ Đề, Quảng Ngãi, năm 1754. Bờ xe nước đầu tiên được thiết lập trên bờ sông Vệ, làng Bồ Đề, và Trùm Sanh với chức vụ Cai Yến Bối quản lý bờ xe nước này. Đến năm 1825 bờ xe nước được thành lập trên sông Trà Khúc và đến năm 1900 thì bờ xe nước trên sông Trà Bồng cũng được thiết lập (*).
Dường như mãi đến ngày nay, vấn đề xuất xứ và tác giả của bờ xe nước vẫn còn là một ẩn số của một phương trình bậc n, mà nghiệm số có thể chỉ có một, hai, hoặc nhiều hơn, và cũng có thể thực hay ảo. Tùy người suy nghiệm.
Duy chỉ có điều cần ghi nhớ là người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, lúa gạo là thức ăn chính trong mỗi bữa ăn, không như người Tây phương dùng bánh mì đệm trong những bữa ăn. Và điều khác biệt là những cánh đồng lúa mì không cần nhiều nước trong quá trình trồng tỉa như lúa gạo, ngoại trừ lúa gieo. Thậm chí những cánh đồng lúa mì tại miền bắc Mỹ ngày nay, từ ngày gieo hạt đến ngày thu hoạch, đồng lúa mì lúc nào cũng khô ráo. Thế nhưng công trình xây dựng những bờ xe nước tại Quảng Ngãi rất tốn kém, và mỗi năm bờ xe nước phải phá đi và tái tạo vào năm tới vì vấn đề lụt lội hằng năm. Không như những cánh đồng ở miền Nam Việt Nam, đất thấp và có nhiều hệ thống sông, kinh rạch chằng chịt cung cấp cho ruộng lúa. Phần nhiều, ruộng lúa ở miền Trung nằm dọc theo rặng Trường Sơn, nếu thiếu vắng bờ xe nước thì những cánh đồng khô nức nẻ sẽ không đủ năng suất tạo ra lúa gạo nuôi dân.
Vậy bờ xe nước là sự cần thiết trong mạch sống của người dân xứ Quảng.
Những nơi khác, như Trung Hoa, nếu đã xử dụng bờ xe nước qui mô mhư tại Quảng Ngãi cho công trình dẫn thủy nhập điền, thì chắc hẳn sẽ được lưu lại trong lòng người dân những hình ảnh và văn hóa của địa phương ấy cho hậu thế.
Những bờ xe nước tại Quảng Ngãi đã đóng một vai trò rất quan trọng trong nền nông nghiệp địa phương trên hơn ba trăm năm kể từ năm 1754. Mãi đến khoảng đầu thập niên 1980, khi hệ thống kênh Thạch Nham được thành lập cho công trình dẫn thủy nhập điền, thì những bờ xe nước được thay thế bằng những trạm bơm. Và kể từ đó những bờ xe nước Quảng Ngãi chỉ còn là một dấu vết lịch sử của một thời mang nước cho dân.
Người viết, cũng một thời đã sống bên cạnh và thường đu lên bờ xe nước những buổi trưa hè nóng cháy, với ký ức lu mờ còn sót lại, chỉ muốn làm một gạch nối giữa công trình của cha ông ngày xưa, và lớp người sinh ra khi bờ xe nước đã thuộc về dĩ vãng.
Bờ xe nước hầu hết được thiết lập bằng tre, và được xây dựng bên cạnh bờ sông, dùng sức đẩy của nước để quay tròn những bánh xe. Trên những bánh xe có gắn nhiều ống nước, bánh xe quay múc nước vào ống, và đổ vào hệ thống máng nước, máng nước được nối tiếp vào mương nước để đem đổ vào đồng lúa.
Nói đến bờ xe nước tức phải nói đến những con sông cưu mang nó. Những con sông có lưu lượng nước lớn, chảy một chiều, nghĩa là nơi có bờ xe nước thì không có nước thủy triều chảy ngược về nguồn. Vì bờ xe nước chỉ quay một chiều. Quảng Ngãi có ba con sông lớn: sông Trà Khúc, sông Vệ và sông Trà Bồng. Ba con sông này phát nguồn từ rặng Trường Sơn, chảy len lỏi qua làng mạc và cuối cùng đổ vào biển Đông. Ba con sông này trải dài trên chiều dọc Nam Bắc của điạ bàn Quảng Ngãi. Hai bên ven sông là những ngôi làng với những cánh đồng lúa. Và cũng trên ba con sông này người nông dân Quảng Ngãi đã từng thiết lập những bờ xe nước để đem nước vào ruộng đồng.
Sông có khúc bồi có khúc xiết nên có những đoạn bờ sông có bãi cát và có đọan không có bãi cát. Cũng vì vậy mà công trình thiết lập bờ xe trên mỗi khúc sông đều khác nhau. Những khúc sông có bãi cát thì phần căn bản của bánh xe (như căm và niềng bánh xe) được thiết lập trên bãi cát, xong mang treo vào trục quay dưới nước và tiếp tục xây dựng phần còn lại. Ngược lại, những khúc sông không có bãi cát và nước chảy xiết thì những bánh xe được thiết lập ngay trên trục quay dưới nước.
Tùy theo cường độ và lưu lượng của dòng sông mạnh hay nhẹ và nhu cầu nước cung cấp cho cánh đồng, có những bờ xe nước có đến mười bánh như những bờ xe nước trên sông Trà Khúc.
Những bờ xe nước trên sông Vệ chỉ có bốn bánh, và hầu hết mỗi thôn đều có bờ xe nước cho ruộng đồng của thôn đó.
Những bờ xe nước ở Quảng Ngãi đều có cách thiết lập tương tự nhau, nên bài viết này chỉ nói đến chi tiết cách thành lập và điều hành của bờ xe nước Ba Bình, xã Nghĩa Thành (nay là xã Hành Thịnh, huyện Nghiã Hành) trên sông Vệ vào những năm 1963 và 1964.
Xã Nghĩa Thành, khúc sông tính từ chân đèo Quán Thơm đến đập Bến Thóc, thôn An Ba, có năm bờ xe nước, một bờ cho mỗi thôn: bờ xe Thuận Hoà cho thôn Thuận Hòa, bờ xe Chán Thuỷ cho thôn An Chỉ, bờ xe Xuân Ðình cho thôn Xuân Đình, bờ xe Ba Bình cho thôn Ba Bình và bờ xe Mỹ Hưng cho thôn Mỹ Hưng. Trên năm bờ xe trên riêng chỉ có bờ xe Chán Thủy đổ về thôn An Chỉ của xã Nghĩa Phước (nay là Hành Phước). Ngoài ra, thôn Đồng Xuân (nằm giữa Ba Bình và Mỹ Hưng) không có bờ xe nước thì lại được thay thế bằng nhà máy nước, nhà máy nước ông Trần Công Sơn. Năm bờ xe nầy, trừ bờ xe Chán Thuỷ ra thì tất cả còn lại đều có bãi cát rộng lớn bên cạnh.
Ban điều hành của một bờ xe gồm có Trương Cử, một Trùm xe, và 4, 5 người thợ xe. Trương Cử có thể có nhiều người, mỗi người làm chủ một phần của bánh xe, gọi là tên. Có nửa tên xe tức là làm chủ nửa bánh xe. Những Trương Cử là những người bỏ vốn, và công để xây dựng bờ xe. Ðến ngày gặt lúa thì tuỳ theo ruộng sâu hay ruộng cạn, ruộng trên gò hay ruộng dưới trủng, ruộng nằm xa nước xe hay ruộng nằm gần nước xe mà chủ ruộng sẽ đóng lúa cho Trương Cử nhiều hay ít. Những lúa nầy sẽ được chia trả phần vốn cho mỗi Trương Cử trước, xong trả công cho Trùm xe, và thợ xe, cuối cùng lúa còn lại đem chia phần lời cho các Trương Cử.
Ngày xưa, những năm 1975 (?) trở về trước, ruộng lúa miền Trung mỗi năm chỉ cấy một mùa, và vụ lúa bắt đầu vào cuối tháng Ba âm lịch đến tháng Tám, tháng Chín âm lịch là lúa được gặt về. Lúa chỉ cấy trong mùa khô vì sau tháng Chín tháng Mười là đến mùa mưa, nước lụt sẽ làm hư thối lúa. Cho nên những bờ xe nước chỉ được thiết lập và hoạt động vào giai đoạn đầu của vụ lúa, đến khoảng tháng Chín âm lịch thì lúa đang chín, không cần nước nữa và mùa lũ lụt cũng sắp đến, bờ xe nước sẽ được gỡ ra trước khi nước lũ đổ về.
Mỗi năm vào tháng Hai âm lịch Trùm Xe đến nhà Trương Cử thu tiền để mua tre và vật liệu xây dựng bờ xe, tuỳ theo số tên xe Trương Cử làm chủ, mà thu nhiều hay ít. Trùm Xe lấy tiền đi mua tre. Mấy thợ xe là người đốn tre và mang tre ra bờ sông. Việc đầu tiên là trùm xe và thợ xe sẽ đóng một cái bè bằng tre, rộng lớn dùng để di chuyển trên sông, kế đến họ xây một cái nhà nhỏ trên cát bên cạnh bờ xe gọi là chòi xe. Chòi làm bằng tre, vách và mái lợp bằng rơm. Chòi xe rất kín gió và có luôn cả bếp núc để thợ xe nấu ăn hằng ngày. Sau khi có chỗ ăn ở đàng hoàng, trùm xe và thợ xe sẽ bắt tay vào việc.
Trùm xe và thợ xe lên rừng chặt một loại dây to cỡ cổ tay và rất dẽo đem bỏ ra bè chở về để làm bánh xe. Những dây này dùng quấn chung quanh niền bánh xe cho cứng. Nếu không có loại dây này thì thợ xe phải chẻ lạt tre ra đánh thành một dây lớn, dai, thay thế. Trùm xe và thợ xe còn thu của Trương Cử những thứ như: lá mía khô, lá chuối khô dùng để làm bờ độn giữ nước.
Trong công đoạn xây dựng bờ xe có rất nhiều việc và những việc này có thể làm song song với nhau để tranh thủ thời giờ.Vì cuối tháng ba âm lịch là những thửa ruộng khô nức nẻ đã được cuốc ải xong cần nước để bừa. Cho nên chu kỳ bờ xe nước, những thửa ruộng lúa và thời tiết trong một mùa lúa đều ăn khớp vào nhau. Trùm và thợ xe mang bốn trục xe của năm cũ ra dựng trên bãi cát. Kế đến là những thân tre già, lớn sẽ đước trảy nhánh sạch sẽ, cắm vào trục xe làm căm. Trục xe có chiều dài chừng ba thước. Hai đầu trục xe tròn và được niền bằng sắt. Ngoài đầu hai trục được đục nhiều lỗ chen kẻ dùng để cắm căm, hai lớp căm từ hai đầu trục bắt chéo qua nhau. Bề ngang viền bánh xe rộng cỡ một thước và được đánh chung quanh bằng sợi dây dẽo dai mang từ trên rừng về.
Trong khi căm và niềng xe đã được lắp vào trục trên bãi cát thì thợ xe dùng những thanh tre, lớn cỡ ba ngón tay khép, đan thành những tấm phên. Và những người thợ khác lại lặn suống đáy sông xúc sỏi đổ thành một lớp mỏng nơi những bánh xe sẽ được dựng lên. Những tấm phên tre sẽ được đóng lên trên lớp sỏi làm thành một cái sàn để giữ cát khỏi bị xoái mòn. Và cũng trong lúc này, thợ xe sẽ chôn những cột trụ trên lớp phên để từ đó bánh xe được gác lên. Bốn bánh xe thì có ít nhất tám cột trụ lớn và những cột trụ nhỏ chôn bên cạnh để chống đỡ cho khỏi bị xiêng, ngã.
Khi cột trụ xe được chôn chặt dưới cát là cũng đến lúc những bánh xe trên bãi cát được dời xuống nước đặt lên trụ. Giai đoạn này cần có nhiều người dân trong làng giúp để mang bánh xe ráp vào trụ. Một đoàn người như đàn kiến bu bên bánh xe, họ dùng phương pháp đòn bẫy và những dây dừa buộc vào bánh xe kéo dựng dậy và cho lăn từ từ xuống nước, rồi ráp vào trụ xe. Mỗi bánh xe có đường kính cỡ hai mươi lăm thước, to và nặng, vậy mà những con người nhỏ bé đã chinh phục và đặt vào trụ chống đỡ rất ăn khớp.
Khi những bánh xe đã được ráp vào trụ chống đỡ và những cây chống chèo được cài lên giữ vững bờ xe, thì thợ xe gắn những tấm phên hai đầu bờ xe, lấy cát tấp lại để chống lại con nước xoái có ảnh hưởng đến bờ xe.
Trong khi trùm và thợ xe ráp bánh xe thì một số người khác lại mang những khúc tre già ra đóng thành một hàng trụ ngang qua con sông. Cách chừng vài thước là cắm một cây trụ xuống cát, một bên chống bằng những khúc tre khác để giữ vững. Hàng trụ này dùng để giữ bờ độn. Bờ độn là một bờ cát như một con đê nằm chắn ngang con sông giữ nước lại. Dọc theo những cây trụ người thợ xe gắn vào những tấm phên bằng tre và độn một lớp lá mía khô, lá chuối khô làm thành một bức tường. Sau đó Trương Cử mang trâu bò xuống dòng sông kéo cát tấp vào bờ độn. Công việc kéo cát gồm có một cái trang bằng gỗ hoặc tre được buộc vào cổ hai con trâu hoặc bò. Trâu và bò kéo cát dưới lòng sông đem tấp lên bờ độn thành một dãy cát cao hơn mặt nước. Bờ độn chặn nước lại, làm tăng sức đẩy để quay tròn bốn bánh xe.
Có những bờ xe nước ở khúc sông sâu và nước chảy mạnh, như bờ xe Chán Thủy hay một vài bờ xe trên sông Trà Khúc, thì bờ độn bằng cát không làm được. Những bờ xe này có bờ độn nổi, nghĩa là bờ độn chỉ làm bằng những tấm phên tre chắng ngang sông và không ăn sâu đến đáy sông.
Trên bờ độn được trổ hai lỗ cổng gọi là lỗ cổng gió. Lỗ cổng gió dùng để ghe thuyền chạy qua và những khi con nước lớn quá thì lỗ cổng gió được mở ra để điều hoà sức nước khỏi làm vỡ bờ xe. Trên mặt bờ độn thợ xe trồng miá để giữ cát khỏi chùi xuống nước. Những dãy miá này lớn rất lẹ nhưng khi lớn có thể ăn được thì cũng đến lúc bờ xe nước phải gở ra đem cất vì mùa xe cũng đã qua.
Song song với những người Trương Cử kéo cát bờ độn là những thợ xe lo đóng dàn máng và mang những máng nước từ năm trước đem đặt lên. Máng nước được làm bằng tôn hay đan bằng tre và trét dầu rái lên cho giữ nước và bền. Những máng nước được cất giữ bởi trùm xe và mỗi năm máng tre phải sơn lại một lớp dầu rái. Dàn chống để đặt máng làm bằng tre, trên mặt dàn chống được lót một lớp vĩ tre trước khi đặt máng nước lên.
Máng nước được bắt mặt trước bờ xe, chạy dài trên bãi cát, khi vào gần làng hay khu đất cao máng nước sẽ bắt vào mương nước. Và mương nước chạy xuyên qua làng thẳng đến cánh đồng.
Trong khi hệ thống máng nước, bờ độn được thiết lập, thì thợ xe sẽ gắn những tấm phên vào bánh xe. Tấm phên đan bằng tre, hình vuông hoặc hình chữ nhật rộng bằng chiều ngang bánh xe. Trên vòng tròn bánh xe, cách khoảng chừng một, hai thước sẽ gắn một tấm phên xe. Dòng nước chảy tống vào phên xe và đẩy bánh xe quay tròn. Kế đến, thợ xe sẽ gắn ống nước vào bánh xe. Ống nước cũng làm bằng tre, dài chừng vài ba lóng tre, những mắt tre được đục thủng xuyên qua, và một đầu ống được giữ kín để chứa nước. Máng nước được gắn vào bánh xe với độ nghiêng chừng 15 độ. Khi bánh xe quay xuống nước, ống nước sẽ bị nhận chìm trong nước và nước sẽ chun đầy vào ống, rồi bánh xe quay mang ống nước lên đến đỉnh và bắt đầu quay ngược xuống là nước trong ống đổ ra cái máng nhỏ nằm giữa hai bánh xe. Máng nhỏ này được bắt vào hệ thống máng lớn để đưa vào dàn mương nước. Trong khi gắn phên xe và ống nước vào bánh xe, thợ xe dùng cây gậy thọt ngang qua bánh xe để bánh xe không quay tròn được. Thì ra người ta nói thọt gậy bánh xe là thế!
Đến đây, bờ xe coi như hoàn thành và có thể đưa vào hoạt động. Trùm xe, thợ xe và những Trương Cử cùng những người lớn tuổi trong làng làm một buổi lễ nhỏ bên bờ xe gọi là lễ khánh thành và cúng bái Thần sông cùng Ma da phù hộ bờ xe. Sau đó những cây gậy chắn ngang bánh xe sẽ được rút ra, và những bánh xe bắt đầu quay tròn trên dòng sông. Những ống nước trên thành xe thay phiên nhau hụp lên hụp xuống trong dòng nước và thi nhau đổ lên máng nước. Những dòng nước trắng xóa đuổi nhau chạy trên máng nước, va chạm vào thành máng kêu róc rách. Đến đầu làng máng nước đổ vào mương và những đứa bé trần truồng nằm sẵn dưới mương, đợi chờ. Rồi oài lên những tiếng reo hò của bầy con nít:
“Ô kià! Con nước đã về.”
Từ đây những thửa ruộng khô nức nẻ sẽ được uống những dòng nước trong lành từ dòng sông sau làng. Màu vàng cháy của cánh đồng cũng bắt đầu chuyển thành màu xanh tươi, màu xanh của nhựa sống. Những con chim Chà Chiện con trên luống đất ải cũng đã mọc cánh, đang bay đi.
Và thoảng trong tiếng gió, giọng ca của ai:
“Dẫu xa muôn trùng tôi vẫn còn thương sao là thương!”
Đồng sa Băng.
24-7-2007
(*) Tạp chí BAVH, ấn bản 1926, volumn 2, chương VI, trang 159).
- - - - -
Bạn có biết? Tên bom Napalm
Bom Napalm được tạo thành bởi âm đầu của chất naphthenate và palmitate. Đó là một hỗn hợp cháy, gồm xăng và bột làm đặc (aluminium naphathenate và aluminum palmitate), tức là muối nhôm của các axít hữu cơ naphtenic và palmitic, nó có dạng sền sệt, khi cháy dính chắc vào mục tiêu.
Đọc tài liệu cũ: Sau khi tháo chạy khỏi VN, Đại sứ Martin đã than:
-”Rút cuộc, chúng ta chỉ lo tháo chạy. Ý chí dân tộc của Hoa kỳ đã sụp đổ”
(In the end, we simply cut and ran. The American national will have collapsed).
- - - - - - - - - -
Trang 149
QUÊ HƯƠNG VÀ BÓNG MẸ
Trà Giang bờ cát lượn triền sông
Nuôi dạy đàn con Mẹ nhọc lòng
Những buổi chiều vàng nghiêng bóng Mẹ
Dịu màu nắng nhạt tắt bên sông.
Tháng ngày theo Mẹ về bên ấy
Hun hút đường chiều rợp bóng mây
Thấp thoáng làng xưa thôn xóm nhỏ
Bờ tre vắt vẻo mãnh trăng gầy.
Thương cảm dâng đầy ngày trở lại
Tình Cha muôn thuở mãi không vơi
Người đi vào cõi xa xăm ấy
Bóng Mẹ trần gian lẻ cuối đời.
Mẹ ơi! Quê cũ nay nghèo lắm
Manh áo cơ hàn thêm tả tơi
Kỷ niệm ngược dòng rưng rưng nhớ
Bên Mẹ buồn vui những mảnh đời.
Những ngày vui ngắn cũng vội qua
Không gian chìm lắng phút chia xa
Đôi chân quấn quýt bên thềm cũ
Trên má còn vương giọt lệ nhoà.
Carlsbad, Hè 2006
Vệ-Trà Huỳnh Kim Anh
- - - - -
Đọc tài liệu cũ: 30.4.75, Từ Bạch Cung, TT Gerald Ford ra một tuyên ngôn chính thức:
“Chính Phủ Việt-Nam Cộng Hòa đã đầu hàng. Trước khi họ đầu hàng, chúng ta đã rút phái bộ Mỹ ra khỏi Việt-Nam. Việt-Nam là một kinh nghiệm đau đớn cho nước ta. Lịch sử sẽ là người phán xét cuối cùng về những việc chúng ta đã làm hay làm chưa xong tại Việt-Nam. Chúng ta hãy chờ phán xét của lịch sử.
- - - - - - - - - -
Trang 150
NHÌN QUA CÁC CUỘC CHIẾN GIỮA ISRAEL VÀ KHỐI Ả-RẬP
Lê Chánh Thiêm
Xem tại đây: http://www.nuiansongtra.com/index.php?c=article&p=3216 .
- - - - - - - - - -
Trang 184
THƯ XUÂN GỞI CHỊ
Xuân đến mấy dòng thư gởi chị
Tết quê hương chẳng có dịp về
Hai sáu mùa Xuân ròng rã đếm
Nhớ ngày xuân cũ đượm tình que.
Xuân đến bên này - miền đất hứa
Các con nào hiểu Tết quê hương
Em vẫn miệt mài Xuân viễn xứ
Con thơ còn ngóng ở cổng trường.
Thuở ấy quê hương chìm khói lửa
Chị em mình đành bỏ đường thôn
Xa quê tuổi đời còn non dại
Nổi trôi theo khốn khó dập dồn.
Cuộc tình ấy rơi vào ngang trái
Vì gia đình buộc phải lãng quên
Trái đắng chị cam tâm nhận hái
Bên đời - mặc ngày tháng lênh đênh.
Rời xóm nhỏ vào thời ly loạn
Xa cuộc tình ngỡ đã trăm năm
Bỏ lại hẹn hò nơi thôn cũ
Làm sinh viên đô thị xa xăm.
Trai thời chiến anh bước vào quân ngũ
Cuộc tình buồn hiu hắc nắng biên khu
Dòng máu nóng thấm sâu vào lòng đất
Ngày anh đi gió chở nặng mây mù.
Đêm nay xin thắp nén hương lòng
Của người em nhỏ thuở xa xăm
Dành nhiều thương mến cho anh lắm
Xuân về dưới mộ chắc lạnh căm.
Chị ơi! Em nhắc chuyện chẳng vui
Không biết vì đâu cứ ngậm ngùi
Vương vấn lòng mình vào cảnh chị
Tình thơ đi vào cảnh thiên thu.
Đêm nay viết mấy dòng thăm chị
Lời thơ gói ghém cả tấm lòng
Của người em gái nhiều thương cảm
Mưa Xuân sùi sụt nhỏ bên song...
Carlsbad Xuân 2007
Vệ-Trà Huỳnh Kim Anh
- - - - - - - - - -
Trang 186
THẰNG RÁI CÁ
Trần Quốc Bảo dịch
Ở một vùng quê bên nước Anh, có gia đình nọ chuyên nghề làm vườn, gồm hai vợ chồng và đứa con trai duy nhất, vi hoàn cảnh quá nghèo, nên cậu con chưa học hết Tiểu học đã phải ở nhà giúp đỡ cha mẹ việc trồng tiả, hoặc đôi khi lên rừng lấy củi, kể cả việc câu cá ở một cái hồ lớn rất đẹp gần nhà, để thêm lương thực cho bữa ăn. Trong các việc làm phụ giúp cha mẹ, cậu bé thích nhất là đi câu, bởi vì mỗi buổi đi câu là mỗi lần được tắm, bơi thỏa thích. Cậu bơi tuyệt giỏi, đến mức bạn bè trong xóm gọi cậu là “thằng Rái Cá” (Otter boy).
Một hôm, khi “thằng Rái Cá” cắm xong mớ cần câu ở góc hồ, đang tính cởi áo nhào xuống nước bơi một tăng cho đã đời, thì nó thấy 3 chiếc xe limousine sang trọng trờ tới đậu ngay gần đó, nên nó khớp không tắm nữa, leo lên cây đại lăng ở cạnh hồ, núp mình trong tàng lá để canh chừng cần câu và cũng để ngắm nhìn toán du khách sang trọng.
Toán du khách đó, chính là một gia đình giầu có, quyền qúy, vào hàng đệ nhất Qúy Tộc của Vương Quốc Anh, họ từ Thủ Đô Luân Đôn đi du ngoạn miền quê, thăm dân cho biết sự tình. Dưới trời nắng đẹp, một cái tăng lớn được căng lên lộng lẫy, bàn ghế picnic bầy ra và thức ăn, cao lương mĩ vị dọn tràn đầy. Tiếng nhạc êm đềm réo rắt tỏa vang Rồi đoàn du khách nhập tiệc. Kẻ ăn, người uống, kẻ khiêu vũ, người chụp hình...
Một lát sau, “thằng Rái cá” ngồi thu mình trên cành cây đại lăng, nhìn thấy một đứa trẻ trong đám du khách, chắc cũng 11, 12 tuổi, cỡ tuổi nó, thay đồ tắm và lội xuống hồ bơi qua bơi lại. Dường như những người lớn chăm chú vào việc ăn uống chuyện trò, không mấy ai để ý đến đứa trẻ ở dưới hồ. Riêng “thằng Rái Cá” nó tò mò quan sát đứa trẻ...
Ồ, coi kìa thằng này bơi gì dở ẹc! rõ ràng là nó không biết bơi ếch, bơi sải, bơi bướm gì cả, đến bơi ngửa chắc cu cậu cũng chẳng làm được. Nó chỉ đập loạn tay chân lên thôi, cái điệu bơi chó như thế là không khá được!
Chợt “thằng Rái Cá” nhoài mình ra chăm chú nhìn, nó thấy 2 con bạch thiên nga từ xa bơi tới phía đứa trẻ, và đứa trẻ chắc là thích con bạch thiên nga nên bơi theo,...chết chưa! nó bơi tuốt ra xa qúa rồi, chỗ đó rất sâu, nguy hiểm lắm! Đúng lúc đó, có tiếng thét cấp cứu của đứa trẻ “Help me! Help...Help!” Toán du khách khi ấy kịp nghe và nhìn thấy, nhưng thay vì phải nhào ra cứu đứa trẻ, thì họ ồn ào, nhốn nháo cả lên, hai ba người xuống hồ với cả áo quần, nhưng chỉ lội ra nước đến cổ thì đứng lại.
Trời đất! hóa ra chẳng ai biết bơi cả! mà ngoài xa đứa trẻ đuối sức có vẻ muốn chìm rồi!
Không đợi lâu hơn được nữa, từ trên cành cây cao, “thằng Rái cá” phóng xuống chạy bay ra hồ trước con mắt ngạc nhiên của tất cả đoàn du khách. Tới bờ cao, nó nhún mình lao xuống nước trong tư thế plunge tuyệt đẹp, và chỉ loáng mắt đã sải tay bơi tới chỗ đứa trẻ bị nạn, nó hụp lặn xuống xốc nách đứa trẻ và như một chuyên viên rescue lành nghề, nó nghiêng người bơi xoải từ từ vào bờ, trước sự chứng kiến xúc động và tràng pháo tay reo mừng của mọi người. Khi tới bờ, đứa trẻ bị nạn được nhiều người xúm lại khiêng lên đưa vào giữa tăng, và tại đó có sẵn một vị Bác Sĩ (trong toán du khách) lo việc cấp cứu hồi sinh cho đứa trẻ.
Chừng một tiếng đồng hồ sau, không khí an toàn tươi vui trở lại với mọi người trong toán du khách, đứa trẻ qua tai nạn hiểm nguy, bây giờ quấn mình trong chiếc mền len và đang được uống mấy muỗng soup. Lúc ấy người ta mới chợt nhớ tới vị Ân Nhân vừa cứu sống nó.
- Ô hay, cái thằng bé con bơi giỏi hồi nãy đâu rồi nhỉ?
Mọi người đổ xô đi tìm, lát sau phát giác ra chỗ ẩn của nó, “thằng Rái Cá” trèo lên ngồi yên chỗ cũ, trên cành cây đại lăng. Nó được gọi xuống và trịnh trọng đưa tới trình diện trước một vị Qúi Tộc, Ông này chính là cha của đứa trẻ vừa bị nạn.
- Hỡi con - Vị Qúi Tộc nói với “thằng Rái Cá”- con vừa làm một chuyện vĩ đại mà tất cả chúng ta đây không ai làm được, Ta xin thay mặt toàn thể cám ơn con.
- Bẩm Ông - “thằng Rái Cá” lễ phép thưa - con có làm gì vĩ đại đâu! bơi lội là nghề của con mà... con cứu em là chuyện nhỏ, chuyện phải làm và cũng là chuyện thường đâu có gì khó khăn vĩ đại. Xin Ông đừng bận tâm!
- Không đâu con ơi! con đã cứu mạng con trai Ta, gia đình Ta và Hội Đồng Qúi Tộc mãi mãi mang ơn con, nay ta muốn đền ơn con, vậy con muốn điều gì hãy nói cho Ta biết.
“Thằng Rái Cá” nghe hỏi vậy, ngập ngừng giây lát, rồi ngỏ ý muốn xin vài ổ mì dư thừa đem về cho cha mẹ. Lòng hiếu thảo của nó đã khiến cho Vị Qúi Tộc và nhiều du khách cảm động rơi lệ. Vị Qúi Tộc ôm nó vào lòng và nói:
- Hỡi con, điều con vừa xin là chuyện nhỏ, và đó chính là bổn phận của Ta, Ta biết Ta sẽ phải làm gì cho con và gia đình con. Nhưng câu hỏi của Ta là sau này lớn lên con ước mơ sẽ làm gì?
“Thằng Rái Cá” chỉ tay vào vị Bác Sĩ khi nãy cấp cứu hồi sinh cho đứa trẻ bị nạn, trả lời:
- Lớn lên, con muốn làm việc cứu người như ông kia.
- Ồ, con muốn làm Bác Sĩ, tốt lắm! với Ta đó cũng là chuyện nhỏ thôi, Ta sẽ giúp con.
Câu chuyện nhỏ trên đây, có phần kết luận không nhỏ mà thật là vĩ đại, bởi vì đứa trẻ bị chết đuối hụt, có tên là Winston Churchill, sau này là Vị Thủ Tướng đã làm rạng danh Nước Anh, một Vĩ Nhân cực kỳ tài giỏi lỗi lạc của Thế giới vào thời Đệ Nhị Thế Chiến.
- Còn “thằng Rái Cá”, cậu bé đã cứu mạng Churchill tên là Fleming, sau này trở thành Vị Bác Sĩ tài ba lừng danh hoàn cầu, Fleming chính là Nhà Bác Học đã tìm ra Thuốc Trụ sinh Penicilin, cứu mạng biết bao nhiêu người trên thế giới, Ông đích thực là vị Ân Nhân Vĩ đại của cả nhân loại.
Từ khởi đầu, chuyện chỉ là một chuyện nhỏ, sự hy sinh, vị tha, sự cho đi rất nhỏ nhoi! nhưng nhờ đó, thành qủa sau này đem đến cho cả nhân loại đã vô cùng lớn lao kỳ vỹ.
Câu chuyện còn thêm cho phần kết luận điều lý thú nữa. Một ngày nọ Thủ Tướng Churchill bị lâm trọng bịnh, đến nỗi đã hôn mê, nhiều Bác Sĩ phải lắc đầu, tính mạng Ông ở vào lúc nguy kịch nhất, thì Fleming xuất hiện như một tiền duyên định mệnh và vị Bác Sĩ tài ba này, đã lại một lần nữa cứu sống người bạn cố tri của mình. Khi tỉnh dậy sau cơn mê, mở mắt ra nhìn thấy Fleming, Churchill ngạc nhiên xúc động và nói rằng:
- Fleming! có phải cứ mỗi lần tôi sắp chìm, Chúa lại cho Bạn tới vớt tôi lên?
- Churchill, chúng ta hãy cám ơn Chúa! nhưng không hẳn là tôi (Fleming giơ ra một viên thuốc nhỏ tí xíu) bởi cái này đây, chính cái này đã cứu bạn đó... chuyện nhỏ mà!
Trần Quốc Bảo dịch
- - - - - - - - - -
Trang 189
NÚI ẤN SÔNG TRÀ: ĐỊA LINH NHÂN KIỆT
1. TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH
Dựng gươm tuyển tướng ngạc kình
Đổng nhung thao lược, Lãnh Binh tài thần
Quyền côn vũ lộng siêu quần
Bình Tây Nguyên Soái danh ngần lôi phong.
2. LÊ VĂN DUYỆT
Kéo cờ gióng trống chinh Tây
Ào ào khí thế - bời bời trung can
Sơn phòng trường lũy bình man
Công lao hãn mã dọc ngang Nam thùy.
3. NGUYỄN DUY CUNG
Cắn tay trích máu Lạc Hồng
Viết dòng huyết lệ - cẩn phong hịch truyền
Làm ma trung nghĩa vẹn tuyền
Nêu cao chính nghĩa - giữ nguyên quật cường.
4. LÊ TRUNG ĐÌNH
Trăm năm còn sáng đá vàng
Tấm lòng trượng nghĩa danh vang cõi bờ
Góp tay xây dựng soái đồ
Chiêu quân Nghĩa Hội - phất cờ Cần Vương.
5. NGUYỄN TỰ TÂN
Thi gan tuế nguyệt kiêu hùng
Ngậm ngùi gạch ngói Tuyền Tung thở dài
Thọ An cây cối u hoài
Mây giang lâm lũng - sương hòa núi sông
6. TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ
Bút thần vẩy mực khai khoa
Lược thao chế loạn - khiêm hòa an dân
Ba triều lương đống trung thần
Bao phen Kinh Lược - mấy lần Tam Công.
7. NGUYỄN TẤN
Dọc ngang một cõi chọc trời
Thanh gươm ba thước thép ngời anh sao
Kế thừa tước ấm quyền cao
Bình man thống soái lũy hào trường sơn.
8. NGUYỄN THỤY
Trăm năm mây trằng vờn bay
Mộ bia Tiếu Hổ phơi bày tâm cang
Sắc son hiếu nghĩa vẹn toàn
Sơn hà nghiêng ngửa phơi gan tôi thần.
9. CỬ VỊNH
Quyết dâng tim phổi cho đời
Đun sôi máu nóng - viết hồi hịch thiêng
Thay gươm đao giữa trận tiền
Bút vung tay thảo một thiên tuyệt vời.
10. NGUYỄN THỨ
Nửa đêm vút kiếm sáng lòa
Đầu Tây Thương Chính máu nhòa phố Thu
Hận bầy hút máu dân phu
Quyết đem mạng sống đền bù nước non.
11. BÙI TÁ HÁN
Người về binh mã uy nghi
Giáp thương đẫm máu - nhung y nhuộm cờ
Khí thiêng ngùn ngụt sao mờ
Thanh gươm ba thước giữ bờ trường sơn.
12. NGUYỄN BÁ NGHI
Đường gươm lóe sáng ân cừu
Tiền trảm hậu tấu còn lưu máu thù
Sử xanh huyết đỏ thiên thu
Chút tài khinh trọng - sa mù tồn nghi.
13. BÚT TRÀ
Mượn danh sông núi đặt tên
Vay kinh điển thánh - xây nền gấm hoa
Nghìn năm ngọn Bút nghiên Trà
Ấp yêu đất mẹ - chan hòa quê hương.
14. NGUYỄN VỸ
Giang sơn kiệt phách hào hoa
Bút thêu mực vẫy - giấy lòa thơ đưa
Nước xanh Vệ Thủy trăng đùa
“Sương Rơi” còn ướt những mùa cỏ hanh.
15. BÍCH KHÊ
Một con tiên hạc giữa đời
Luyến lưu đất trích - chơi vơi nỗi niềm
Phồn danh phấn rả quanh thềm
Trên cành nhản muộn dơi đêm chợt về.
16. TRƯƠNG QUỲNH NHƯ
Hương trời sắc nước chưa phai
Mắt răm mây tụ - mày ngài sương đun
Tài hoa mệnh yểu sen bùn
Tuyết tan mây rụng - cơn phùn mưa rây.
17. HUỲNH THỊ CÚC
Đất Đông Quang sinh gái hiền
Gươm Quang Trung luyện trung kiên cho người
Kể từ trăng tỏ đôi mươi
Nương cờ khởi nghĩa - anh thư lẫy lừng.
18. NGUYỄN THỊ DUNG
Bước từ Lạc Phổ bước ra
Tấm thân chìm nổi - Xuân Hòa ruỗi rong
Thanh gươm yên ngựa nối dòng
Tây Sơn ngũ phụng má hồng thi gan.
19. TRƯƠNG ĐĂNG ĐỒ
Mỹ Khê địa linh sinh người
Chí nung quật khởi - khí ngời kiếm cung
Quyết đem sắt thép thư hùng
Rải đều vó ngựa khắp cùng nước non.
20. TRƯƠNG QUANG ĐỂ
Chút lòng vị quốc vong thân
Tham Tri Binh Bộ sáng ngần tiết trung
Cúc cung tụ nghĩa Cần Vương
Máu gan chống giặc - thịt xương hiến đời.
Võ Thạnh Văn
- - - - - - - - - -
Trang 192
Câu chuyện cho những ai đã là vợ chồng
Khuyết danh
Chồng chị là một kỹ sư giỏi, chị yêu anh vì sự vững chãi, chín chắn của anh, chị yêu cái cảm giác ấm áp mà chị có mỗi khi chị tựa đầu vào vai anh. Và sau 3 năm tìm hiểu, anh chị đã đi đến hôn nhân.
Nhưng đến hôm nay, sau hai năm là vợ chồng, chị bỗng thấy mệt mỏi với những cảm giác mà chị phải trải qua khi chung sống với anh.
Những lý do khiến chị yêu anh trước đây, bỗng biến thành những lý do tạo nên sự thay đổi trong chị. Chị là một phụ nữ nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương trong tình yêu, chị luôn khao khát những khoảnh khắc lãng mạn, giống như là bé gái nhỏ thèm khát kẹo ngọt. Nhưng anh lại trái ngược với chị, anh không có sự nhạy cảm và hoàn toàn không quan tâm đến những khoảnh khắc lãng mạn trong cuộc sống vợ chồng, điều này đã làm cho chị càng chán nản hơn.
Và chuyện gì đến phải đến, một hôm chị quyết định cho anh biết rằng chị muốn ly dị, rằng chị không thể chung sống với anh thêm một giờ phút nào nữa. Rất bất ngờ khi nghe chị yêu cầu như thế, anh chỉ biết hỏi:
-”Tại sao?”.
-”Em cảm thấy mệt mỏi, không có lý do nào cho mọi thứ trên thế gian này!” - chị trả lời.
Anh không nói gì thêm nữa, nhưng suốt đêm đó, anh không ngủ và chìm sâu vào những ưu tư, khắc khoải với ánh sáng lập lòe của điếu thuốc gắn trên môi. Sự im lặng của anh làm cho cái cảm giác thất vọng trong chị tăng lên, đấy là một người đàn ông không thể biểu lộ gì ngay cả đến lúc gặp tình huống khó khăn như lúc này, còn gì nữa để mà chị hy vọng ở anh?
Cuối cùng rồi anh cũng lên tiếng, anh hỏi chị:
-”Anh có thể làm gì để thay đổi ý định của em?”.
Ai đó đã nói đúng “Rất khó khăn để thay đổi tính cánh của một con người” và chị nghĩ rằng chị không thể nào thay đổi cách sống của anh. Nhìn sâu vào mắt anh, chị chậm rãi trả lời:
-”Đây chính là câu hỏi, nếu câu trả lời của anh có thể thuyết phục em, em sẽ thay đổi ý định ly dị. Nếu em nói, em muốn bông hoa ở phía bên kia vách núi, và cả hai chúng ta đều biết rằng khi anh cố hái bông hoa đó cho em thì anh sẽ chết, anh có vẫn cố làm cho em hài lòng chứ?”.
Anh đáp:
-”Ngày mai anh sẽ trả lời câu hỏi cho em”.
Những hy vọng của chị hoàn toàn bị chìm xuống khi nghe câu trả lời của anh.
Sáng hôm sau, chị tỉnh giấc và nhận ra anh đã đi rồi. Chị nhìn thấy một mảnh giấy với dòng chữ ngoệch ngoạc của anh, được dằn dưới ly sữa, trên chiếc bàn ăn gần cửa... và chị bắt đầu đọc.
“Em yêu,
Anh sẽ không thể nào hái bông hoa đó cho em, nhưng hãy cho anh giải thích những lý do mà anh không thể”.
Ngay những dòng đầu đã làm tan nát trái tim chị, chị tiếp tục đọc.
Khi em sử dụng máy computer, anh luôn sắp xếp software sao cho em dễ sử dụng, và khi em kêu lên trước màn hình khi có sai sót, anh luôn chuẩn bị những ngón tay để có thể giúp em phục hồi lại những chương trình. Em thường bỏ quên chìa khóa cửa, nên anh luôn chuẩn bị đôi chân để sẵn sàng chạy về mở cửa cho em. Em rất thích đi du lịch, nhưng lại thường hay bị lạc đường trong những thành phố xa lạ, nên anh phải chuẩn bị đôi mắt của mình để chỉ đường về cho em. Em thường đau bụng trong mỗi lần gần đến tháng, nên anh luôn chuẩn bị lòng bàn tay mình để sẵn sàng xoa bụng cho em để em dịu cơn đau.
Khi thấy em luôn thích ở nhà, anh lo rằng em sẽ có thể bị mắc bệnh tự kỷ, vì thế anh phải luôn pha trò và chuẩn bị những câu chuyện vui để em quên đi nỗi buồn chán. Khi em luôn chăm chú vào màn hình của máy, anh sợ như vậy có hại cho đôi mắt của em, nên anh phải để dành đôi mắt của anh để khi chúng ta già, anh sẽ có thể giúp cắt móng tay, và nhổ những sợi tóc bạc cho em. Anh có thể nắm bàn tay em đi tản bộ trên bãi biển, để em thưởng thức cảnh mặt trời mọc và bãi cát xinh đẹp… và anh sẽ cho em biết rằng màu sắc của những bông hoa cũng rực rỡ như gương mặt tươi tắn của em... Vì vậy, em yêu, trừ phi em chắc chắn rằng có ai đó yêu em hơn anh đã yêu em... nên bây giờ anh không thể hái bông hoa đó cho em, và chết...”
Nước mắt của chị không ngừng rơi trên trang giấy, làm nhạt nhòa những dòng chữ của anh. Chị đọc tiếp:
-”Bây giờ, nếu em cảm thấy hài lòng thì hãy mở cửa ra, vì anh đang đứng đó với bánh mì và sữa tươi cho buổi sáng của em, những món ăn mà em thích”.
Chị lao đến cửa và mở bung nó ra, trông thấy anh với gương mặt lo lắng, chị nắm chặt tay anh, cùng với ổ bánh mì và chai sữa, bây giờ chị biết chắc rằng không ai yêu chị như anh đã yêu chị, và chị quyết định quên đi bông hoa ở bên kia vách núi... đó là cuộc sống và tình yêu.
Khi được sống trong sự đầy đủ, dư thừa của tình yêu, thì cái cảm giác sôi nổi trong tình yêu thường bị khô héo đi, và người ta không còn có thể nhận thức được đâu là tình yêu chân thật và đâu là tình yêu giả dối, giữa cảm giác bình yên và buồn chán đó.
Khuyết danh
- - - - - - - - - -
Trang 195
Chuyện cảm động:
QUÀ TẶNG CỦA ANH LÍNH THỦY
Lời giới thiệu:
Dưới đây là một đoản văn ngoại quốc được lược dịch, kể lại một câu chuyện cảm động tại một quán ăn trong một đêm Giao-thừa. Đây là một bức thư, nội dung của nó như một câu chuyện, có buồn có vui, kết cục là điều mọi người mong ước trong năm mới.
Xin giới thiệu đến độc giả. (Ban Báo Chí).
Gửi:
Đô Đốc David L. McDonald, Lực Lượng Hải Quân.
Thưa Ngài Đô Đốc,
Tôi biết lá thư này đến tay ngài chậm mất một năm, nhưng dù sao, điều quan trọng nhất là ngài nhận được nó. Vì có đến mười hai người yêu cầu tôi viết lá thư này gửi ngài.
Tết năm ngoái, tôi và bạn gái đến Mỹ du lịch. Trong suốt năm ngày khốn khổ, mọi thứ đều rối tinh lên. Chúng tôi không có lấy một phút được thở phào. Ngay đúng đêm Giao thừa, chúng tôi còn bị mất cắp tiền nên phải vào dùng bữa ở một nhà hàng bình dân cũ kỹ. Chẳng có một chút không khí năm mới nào, cả trong tiệm ăn lẫn trong tim chúng tôi!
Đêm hôm đó trời mưa và lạnh. Trong tiệm ăn chỉ có 5 bàn có người, tóm lại là rất tẻ nhạt. Có hai cặp vợ chồng người Đức ngồi hai bàn. Một gia đình người Pháp ngồi một bàn. Một người lính thuỷ đang ngồi một mình. Trong góc có một ông cụ đang chơi piano một bản nhạc chậm chạp. Tôi nhìn quanh và để ý ai cũng cặm cụi ăn, im như đá. Người duy nhất có vẻ vui là anh lính thuỷ. Vừa ăn, anh ta vừa viết một lá thư, rồi lại mỉm cười nữa.
Bạn tôi gọi một món Pháp, nhưng do không biết tiếng Pháp nên khi họ mang ra, đó là một món chúng tôi không sao nuốt nổi. Tôi bực quá nên hơi to tiếng, và bạn tôi tấm tức khóc! Thật kinh khủng! Còn ở bàn của gia đình người Pháp, ông bố vừa đét cho cậu con trai một cái và nó khóc ré lên. Còn cô gái người Đức lại mắng mỏ chồng cô ta luôn.
Một bà cụ cầm giỏ hoa bước vào. Bà ta đi đôi giầy ướt bết lại và mang giỏ hoa đến từng bàn mời mua. Chẳng ai gật đầu. Mệt mỏi ngồi xuống một chiếc bàn, bà quay ra gọi người phục vụ:
-”Xin cho một bát súp rau!”,
Rồi quay sang người chơi đàn pianô, bà thở dài:
-”Joseph, anh có tưởng tượng được không này, một bát súp rau để đón giao thừa? Cả chiều nay tôi không bán được bông hoa nào!”.
Ông cụ chơi đàn ngừng tay chỉ vào chiếc đĩa đựng tiền “boa” của ông để bên cạnh vẫn đang trống không. Lúc đó, anh lính thuỷ trẻ đã ăn xong và đứng dậy. Vừa khoác áo, anh vừa bước lại gần giỏ hoa:
-”Chúc Mừng Năm Mới!”.
Anh mỉm cười rồi cầm hai bông hồng:
-“Bao nhiêu tiền ạ?”.
- “Hai Đô-la, thưa ông!”.
Ép phẳng một bông hoa để kẹp vào lá thư vừa viết, anh lính thuỷ đưa bà cụ một tờ 20 Đô la.
- “Tôi không có tiền thối lại, thưa ông”. Bà cụ lại nói: “Để tôi đi đổi”.
- “Không, thưa bà”, Anh đáp và cúi xuống hôn lên gò má nhăn nheo: “Đó là món quà Năm mới cho bà”.
Rồi anh cầm bông hoa kia đi về phía chúng tôi và lịch sự nói:
- “Thưa anh, có thể cho phép tôi tặng bông hoa này cho người bạn xinh đẹp của anh được không?”.
Anh đặt bông hoa vào tay bạn tôi, quay ra chúc tất cả mọi người một năm mới tốt lành rồi đi khỏi tiệm ăn.
Tất cả mọi người ngừng ăn. Ai cũng nhìn theo anh lính thuỷ. Ai cũng im lặng. Chỉ vài giây sau, không khí Năm Mới tràn ngập tiệm ăn, nở bừng như pháo hoa.
Bà cụ chạy đi đổi tờ 20 Đô-la ra hai tờ 10 Đô-la rồi đặt một tờ vào đĩa của ông Joseph:
- “Joseph, quà năm mới của tôi, anh cũng phải nhận một nửa, quà của tôi cho anh đấy!”.
Ông cụ Joseph mỉm cười và bắt đầu chơi bài “Happy New Year”. Không khí trở nên nhộn nhịp. Thậm chí gia đình người Pháp còn gọi rượu vang mời mọi người.
Chỉ khoảng một tiếng đồng hồ trước, chúng tôi còn là một trong số những người đang bị hành hạ trong một tiệm ăn tồi tàn, thì cuối cùng, đó lại là đêm Giao thừa tuyệt nhất chúng tôi từng có.
Thưa Đô Đốc,
Trên đây là tất cả những gì tôi muốn kể cho ngài nghe. Là người đứng đầu Lực lượng Hải quân, tôi nghĩ hẳn ngài muốn nghe về món quà đặc biệt mà người lính thuỷ đó đã mang tới cho chúng tôi. Anh ta mang tâm hồn của tình yêu, tâm hồn của năm mới và đã tặng nó cho chúng tôi vào đêm giao thừa năm ngoái ấy. Xin cảm ơn Ngài đã đọc, và Chúc Mừng Năm Mới.
Trân trọng.
- - - - -
Tìm hiểu: Nguồn gốc chữ “Chính Trị”
Chữ “chính trị” (politics) do từ chữ POLIS của Hy Lạp, nghĩa là “đô thị”. Hàng ngàn năm trước đây, khi toàn thế giới còn ở trong tình trạng hoang dã, thì trên mảnh đất Hy Lạp (Greece) ngày nay, có những tổ chức quốc gia nhỏ bé tầm cở những đô thị. Họ gọi là Quốc gia Đô thị (City-States), với dân số chừng vài ngàn người. Quốc gia đô thị theo chế độ Cộng hoà (Republic) mà theo sự phân loại của Platon là chế độ tốt đẹp nhất, vì mọi người cùng tham gia thảo luận quyết định trên cơ sở quyền lợi chung của tất cả công dân.
- - - - - - - - - -
Trang 198
KHOÁNG CHẤT (MINERAL)
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền
1- NHIỆM VỤ:
Khoáng chất (Mineral) và Sinh Tố (Vitamin) là những vi chất dinh dưỡng (Micro-Nutrients), rất cần thiết cho cơ thể con người. Những khoáng chất (minerals) là những Nguyên Tố Vô Cơ (Inorganic Elements). Sự cấu tạo của chúng không giống như những sinh tố (vitamins), bởi vì sinh tố (vitamins) là những Chất Hữu Cơ (Organic Compounds), được phát sinh từ các nguồn thực vật và động vật. Đối với cơ thể con người, khoáng chất (minerals) có hai nhiệm vụ tổng quát như sau:
1.1- Cấu Trúc Cơ Thể:
Một số khoáng chất có nhiệm vụ bồi bổ, cấu tạo nên bộ xương, và những mô tầng mềm dẻo (soft tissues) trong cơ thể. Thí dụ: Các khoáng chất Calcium, Magnesium, và Phosphorus giúp bồi bổ cho việc cấu trúc bộ xương.
1.2- Điều Quản Chức Năng Sinh Lý:
Một số khoáng chất khác có nhiệm vụ như chất xúc tác, giống như những sinh tố (vitamins), cùng phối hợp với hệ thống sinh hóa (Enzyme system), tạo nên những phản ứng hóa học và tác dụng biến thể (Metabolism), để điều quản các chức năng sinh lý trong cơ thể. Thí dụ như các tiến trình của bộ máy tiêu hóa, bộ máy tuần hoàn, giúp cho nhịp tim được điều hòa, sự phản ứng của hệ thống thần kinh, giúp vận chuyển dưỡng khí (oxygen) từ phổi đến nuôi các tế bào trong cơ thể,...
Sau khi hoàn thành các nhiệm vụ, những khoáng chất được lưu giữ trong cơ thể, với những thời hạn dài ngắn khác nhau, tùy theo tính chất hữu dụng khác nhau của chúng.
2- PHÂN LOẠI:
Phần lớn những khoáng chất (minerals) được đưa vào cơ thể, bằng nguồn thực phẩm, một số với số lượng lớn (khoảng hơn 100 Miligrams một ngày) cần thiết cho cơ thể, được gọi là Đại Khoáng Chất (Bulk hay Macro-Minerals) như các khoáng chất Calcium, Phosphorus, Sodium, Chlorine, Potassium, Magnesium, và Sulfur.
Một số khoáng chất khác với số lượng rất nhỏ, cần thiết cho cơ thể, được gọi là Vi-Tiểu Khoáng Chất (Trace hay Micro-Minerals) như các khoáng chất Iron, Manganese, Copper, Iodine, Zinc, Cobalt, và Flourine,...
2.1- Đại Khoáng Chất (Macro-Minerals):
2.1.1- Calcium:
Trong cơ thể, Calcium chiếm một lượng lớn nhất, đối với các khoáng chất khác, và có hơn một kilogram (1Kg). Hầu hết, Calcium đều tập trung vào bộ xương và răng.Ngoài ra, một lượng nhỏ Calcium được phân tán trong cơ thể, để trợ giúp điều quản một số tiến trình sinh lý như: nhiệm vụ thần kinh, tính cảm ứng và điều hòa cơ bắp, việc làm đông đặc máu nơi các vết thương,...
Đặc biệt, cơ thể của các trẻ em, và các phụ nữ mang thai, hoặc nuôi con bằng sữa mẹ, rất cần đến Calcium với một lượng cao nhất, so với những người bình thường. Calcium tinh chế nên được dùng cùng lúc với các thức ăn. Nếu được dùng trên số lượng năm trăm (500) Milligrams, chúng ta nên chia ra làm nhiều phần, với số lượng nhỏ hơn, để dùng làm nhiều lần trong ngày. Việc dùng Calcium ở lượng quá cao (trên hai ngàn Milligrams trong ngày) có thể gây nên chứng táo bón, và bệnh sạn thận; cũng như, gây trở ngại cho việc thấm thấu của chất Zinc và Iron trong cơ thể.
Nguồn Calcium tốt nhất thường có chứa trong các loại đồ ăn như: sữa, các sản phẩm bằng sữa (như Phó-Mát, Cheese,...), các loại rau cải có lá màu xanh lục (green), các trái cây có vị chua, và các loại đậu.
2.1.2- Phosphorus:
Khoáng chất Phosphorus thường đi chung với Calcium, và có một số lượng tương đương với Calcium trong bộ xương và răng. Có khoảng 85% Phosphorus được tập trung vào xương và răng. Số 15% còn lại được phân tán vào các mô tầng (tissues), để trợ giúp các phản ứng sinh hóa, và điều hòa nhiệt lượng trong cơ thể. Nếu số lượng Phosphorus quá nhiều, thường làm cho xương bị tan mòn lẫn vào trong dòng máu. Lâu ngày, xương và răng dễ bị gãy và suy yếu. Nguồn Phosphorus tốt nhất có được từ các đồ ăn như: thịt, cá, gà, trứng, và các loại hạt cốc.
2.1.3- Sodium Và Chlorine:
Hai yếu tố này kết hợp lại để trở thành loại muối ăn hàng ngày của chúng ta. Mỗi yếu tố Sodium hoặc Chlorine đều có nhiệm vụ riêng biệt trong cơ thể. Sodium được tìm thấy trong chất huyết tương (chất nước có trong máu), và trong chất lỏng thuộc bên ngoài các tế bào, để bảo trì sự quân bình nước, ở hai bên trong và ngoài các tế bào. Nguồn Sodium được tìm thấy dồi dào trong các thực phẩm như: thịt, cá, gà, trứng, và sữa.
Nhiều loại thực phẩm biến chế như: thịt muối (ham hoặc răm bông), thịt ba rọi ướp muối và xong khói (salt bacon), bánh mì, các loại loại bánh bột nướng (crackers), đều có chứa lượng Sodium rất cao, vì muối hoặc Sodium được thêm vào trong lúc biến chế thực phẩm.
Chlorine là thành phần của HydroChloric Acid, được tìm thấy ở chất nước trong dạ dày (Dịch Vị), Chlorine rất quan trọng giúp làm tiêu hóa các thực phẩm trong bao tử.
Theo giới thẩm quyền y khoa, việc dùng quá nhiều chất Sodium, vượt quá lượng cần thiết bình thường, sẽ đưa đến tình trạng ngưng động chất nước bên trong cơ thể, và dễ sinh ra các bệnh chứng như: cao huyết áp, bệnh thận, chứng sung huyết nơi tim,... Ngoài ra, khi cơ thể bị ra nhiều mồ hôi, và ói mửa, việc dùng nhiều muối là nhu cầu cần thiết cho bệnh nhân.
2.1.4- Potassium:
Khoáng chất này được tìm thấy phần lớn ở thể lỏng, thuộc bên trong các tế bào. Phối hợp với chất Sodium, Potassium giúp điều quản, và quân bình khối lượng chất lỏng trong cơ thể. Đối với những người khỏe mạnh, việc khiếm khuyết chất Potassium rất hiếm xảy ra. Việc thiếu chất Potassium trong cơ thể sẽ đưa đến chứng tiêu chảy (diarrhea), hoặc chứng lợi tiểu (diuretics). Việc này cũng xảy ra với các trẻ em, khi chúng có khẩu phần ăn thiếu chất đạm (proteins) trầm trọng.
2.1.5- Magnesium:
Chất này được tìm thấy ở những mô tầng (tissues) trong cơ thể, phần lớn trong xương. Magnesium đóng một vai trò thiết yếu ở các hệ thống sinh hóa (Enzyme systems). Nó có trách nhiệm biến đổi năng lượng trong cơ thể. Việc khiếm khuyết chất Magnesium rất hiếm xảy ra với những người khỏe mạnh, vì họ thường ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Trái lại, những người nghiện rượu, và những bệnh nhân sau cuộc giải phẫu, thường bị thiếu chất Magnesium trầm trọng.
2.1.6- Sulfur:
Sulfur được tìm thấy trong các mô tầng (tissues), và rất cần thiết cho đời sống của cơ thể. Mặc dù, nhiệm vụ của nó chưa được xác định rõ ràng, nhưng nó là một thành phần trong chất đạm (protein), và của hai sinh tố Vitamins Thiamine, Biotin.
2.2- Vi-Tiểu Khoáng Chất (Micro-Minerals hay Trace Minerals):
Hầu hết, những vi-tiểu khoáng chất (Micro-Minerals) đều được kết hợp cùng với các hợp chất hữu cơ (organic compounds) để hoàn thành các nhiệm vụ chuyển vận, tồn trữ, và chức năng sinh hóa trong cơ thể.
2.2.1- Iron:
Iron là thành phần quan trọng của những hợp chất dùng để vận chuyển Dưỡng khí (oxygen) đến các tế bào, và nơi đây Dưỡng khí (oxygen) được hữu dụng hóa. Iron được phân tán khắp trong cơ thể; hầu hết có trong máu, và một số lượng lớn tập trung tại các bộ phận như: gan, lá lách, và tủy xương. Việc mất máu là cách độc nhất khiến cho cơ thể bị thất thoát một số lượng quan trọng về Iron. Thông thường, các phụ nữ trong thời kỳ có thai, và trẻ em đang trưởng thành, hầu hết, dễ bị chứng bệnh thiếu máu và thiếu chất Iron; vì họ đang cần một nhu cầu cao về các khoáng chất. Nguồn thực phẩm có chứa chất Iron như: gan, thịt, cá, lòng đỏ trứng, rau cải có lá màu xanh lục, các loại đậu, và các loại hạt cốc.
2.2.2- Manganese:
Manganese là nhu cầu thiết yếu cho việc bồi bổ gan, và cấu tạo xương. Nó cũng là một thành phần quan trọng, giúp tốt cho các phản ứng sinh hóa (Enzymes) trong cơ thể. Manganese có chứa trong nhiều thực phẩm, đặc biệt có nhiều trong chất cám, cà phê, trà, các quả hạch (nuts) và đậu Hà-Lan (peas).
2.2.3- Copper:
Khoáng chất này có liên quan đến việc tồn trữ, và phóng thích chất Iron, để tạo nên hồng huyết cầu (Hemoglobin), giúp ích cho các tế bào máu đỏ (red blood cells). Đặc biệt, chất Coppler là một nhu cầu cần thiết cho các trẻ sơ sinh, trong những tháng đầu đời.Nguồn chất Copper thường có nhiều trong các thực phẩm như: thịt nội tạng của động vật (tim, gan, phổi, bao tử, ruột,...), sò hến, tôm cua, các loại quả hạch (nuts), và các đậu khô.
2.2.4- Iodine:
Cơ thể chỉ cần một lượng vô cùng nhỏ về Iodine. Nhiệm vụ của tuyến giáp trạng (thyroid gland), phần lớn, tùy thuộc vào sự cung cấp đầy đủ của chất Iodine. Sự khiếm khuyết chất Iodine sẽ gây cho tuyến giáp trạng (thyroid gland) trở nên to lớn, mất bình thường. Hiện tượng này được gọi là chứng bướu cổ. Chất Iodine được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm hải sản (sea foods).
2.2.5- Zinc:
Chất Zinc góp phần quan trọng trong các phản ứng sinh hóa (Enzymes), và có các nhiệm vụ khác như: vận chuyển thán khí (cabon dioxide) từ những mô tầng (tissues), để lần lượt xuyên qua các tế bào, máu đỏ, và dẫn tới phổi, để tống xuất thán khi (carbon dioxide) ra ngoài bằng hơi thở ra.
Theo các nghiên cứu gần đây, việc khiếm khuyết chất Zinc trong cơ thể sẽ gây nên tình trạng mất vị giác, và trở ngại cho việc trị lành các vết thương. Chất Zinc luôn luôn được hội nhập với những thực phẩm có chất đạm (protein). Nguồn chất Zinc có nhiều trong các thực phẩm như: thịt động vật, cá, lòng đỏ trứng và sữa.
2.2.6- Cobalt:
Với chất Cobalt đơn độc, nó không là chất cần thiết cho cơ thể, nhưng nó là một thành phần quan trọng trong sinh tố Vitamin B12, như một chất dinh dưỡng thiết yếu. Những người ăn chay (ăn kiêng) trường kỳ thường bị khiếm khuyết Vitamin B12, vì Vitamin B 12 có rất ít trong thảo mộc.
2.2.7- Chromium:
Chất này hoạt động với chất Insulin, để hữu dụng hóa chất đường Glucose. Việc khiếm khuyết Chromium có thể gây nên tình trạng giống như chứng bệnh tiểu đường (diabetes). Nguồn chất Chromium có nhiều trong các chất men khô của rượu bia, các loại hạt cốc, và gan.
2.2.8- Flourine:
Như Iodine, chất Flourine được tìm thấy với lượng nhỏ và khác nhau ở trong nước, đất, thảo mộc, và động vật. Flourine góp phần vào việc làm cho răng được thêm rắn chắc, và làm giảm được chứng sâu răng; đặc biệt với trẻ em. Chất Flourine còn giúp lưu giữ chất calcium trong xương của người cao niên.
VŨ ĐỨC Âu Vĩnh Hiền.
- - - - -
Tìm hiểu: NGUỒN GỐC CHỮ OKAY, viết tắt là OK.
Chúng ta biết Hoa Kỳ là xứ sở đa chủng, hơn nữa, đa ngôn ngữ nên có đa...tài liệu nên đôi khi là điều khó khăn nếu muốn tìm nguồn gốc, xuất xứ, lịch sử… bất cứ đồ vật, con người hay tài liệu nào. Do vậy, có nhiều cách giải-thích về xuất-xứ của chữ OK như sau:
1- Vào tháng 3 năm 1839, Ông Green, chủ bút tờ Boston Morning Post viết một bài báo, trong đó có hai chữ “all correct” (tất cả đều đúng). Thay vì viết chữ này theo thông thường, ông ta đã “khôi-hài” viết là “Oll Korrect”. Từ đó người ta nhại sự khôi-hài của ông ta, dùng luôn chữ này và thành chữ viết tắt OK với nghĩa là: được, tốt, tất cả đều đúng. Sau đó, người ta còn dùng Orl correct. Cả hai chữ vừa nói viết tắt là OK.
Trong giả thuyết nầy cũng có nghi-vấn khác, có thể là do đả tự viên (typewriter) của tờ báo đánh (type) sai mà ra. Nghi vấn này ít nhắc đến hơn cách giải thích bên trên, được ghi trên nhiều tài liệu.
2- Một lối giải thích mang tính thực tế liên-quan đến ngôn-ngữ hơn. Như ta đã biết, Anh-ngữ là tiếng nói xuất-phát từ Anh-quốc, Anh ngữ du nhập vào Hoa Kỳ từ các di dân Anh và Ái-Nhĩ-Lan.
Tại vùng Scotland, người Scotish có giọng nói (thổ ngữ) khác với người Anh-quốc chính gốc, họ nói “kye” tức là “yes”: có, vâng; và “och” hay “as” nghĩa là được, tốt.
Người ta nối hai chữ này lại thành ra chữ “Och kye” có nghĩa là: được, tốt, đúng, phải. Người ta lấy hai chữ đầu là O và K để thay thế cho 2 chữ này.
Khi người Anh, người Scotland sang Mỹ họ mang theo và từ đó người ta thường dùng nó hàng ngày; được dùng như một danh-từ hay một động-từ; dùng trong câu xác định hay trong câu hỏi.
Riêng việc dùng chữ có nghĩa là có (thuận) và không (chống) trong việc biểu-quyết một vấn-đề gì hay bầu-cử, trong các quốc gia xử dụng Anh ngữ, theo pháp-chế, người ta dùng các chữ sau:
a/ Nếu biểu quyết thuận, người ta dùng chữ AYE (đọc theo giọng Việt-Nam là [ê] hay là [ay] hoặc là YE (đọc là [ya~]), mang nghĩa của chữ YES: có, thuận, đồng ý.
b/ Nếu biểu-quyết chống, người ta dùng chữ NAY (đọc theo giọng Việt-nam là [nê]) mang nghĩa chữ NO: không, chống, không đồng ý.
Xin giải thích thêm bằng Anh ngữ:
*AYE: an answer or vote of “Yes”.
* NAY: an answer or vote of “no”.
Exp: The count was 257 nays and 241 ayes (Việc kiểm phiếu với 257 phiếu chống và 241 phiếu thuận).
Một số tài liệu giải thích theo cách đầu nhưng cách thứ nhì có vẻ ...văn chương chữ nghĩa hơn vì Anh ngữ bắt nguồn từ Anh quốc.
Ngoài ra, chúng ta còn biết, có nhiều từ ngữ Anh có 2 cách viết: viết theo kiểu Mỹ và viết theo kiểu Anh. Điều nầy mới nghe qua như có vẻ...nghịch lý nhưng sự thật là như vậy, nếu để ý chúng ta sẽ thấy.
Chữ OK còn dính líu đến ông Martin Van Buren, ứng viên Tổng Thống Mỹ thuộc đảng Dân Chủ. Ông nầy có nickname là Old Kinderhook (ông sinh quán tại Kinderhook, tiểu bang New York) nên người ta gọi ông ta là “ông OK”, gọi theo nickname của quê ông ta.
Chữ OK rất thông dụng tại Mỹ nhưng có nhiều người không biết “lịch sử“ của nó, ngay cả nhiều người Mỹ “chính hiệu con nai vàng”
LCT. Sưu tầm
- - - - - - - - - -
Trang 205
TRANG HỶ TÍN
- - - - - - - - - -
Trang 206
TRANG KHUYẾN HỌC
- - - - - - - - - -
Trang 207
TRANG AI TÍN
- - - - - - - - - -
Trang 208 – 211
TRANG TÀI CHÁNH
HẾT