VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 26)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 126
VẤN: Bà Lê Hồng Phấn, San Francisco: Tôi có lần đi nghe giảng về các tôn giáo của một nhà sư Đài Loan, trong đó có phần nói về “Bái Vật Giáo”. Tôi không hiểu rõ về giáo phái này. Xin bà cụ giải hộ cho.
ĐÁP:
Thời xã hội nguyên thủy có giáo phái Bái Vật Giáo. Giáo phái này xuất hiện từ xã hội nguyên thủy, thờ các vât gồm các loại: Nhân thể, Thần tượng và vật hộ thân, trong đó có vật tự nhiên, như: hòn đá, cành cây, xác người hoặc xác động vật, cung tên, công cụ v.v…được giáo phái Bái Vật Giáo sùng bái. Theo người nguyên thủy thì tin tưởng tuyệt đối vào những vật được thờ cúng có một sức mạnh siêu nhiên thần bí.
VẤN: Cụ Hồng Hoạnh Nghiêu, Philadelphia: Bà cụ có nhớ tờ báo tiếng Việt đầu tiên là tờ báo nào? Xuất bản thời gian nào?
ĐÁP:
Tờ báo xuất bản đầu tiên của Việt Nam là tờ Đông Dương Tạp Chí, viết bằng tiếng Việt xuất bản tại Hà Nội. Chủ nhiệm của tờ tạp chí này là ông Francois Henri Schneider, người Pháp gốc Đức. Chủ bút là Nguyễn Văn Vĩnh. Số báo đầu tiên ấn hành nhằm ngày 15-5-1913. Các trợ bút gồm có Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Dương Bá Trác và Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Đông Dương Tạp Chí đình bản vào ngày 15-9-1919. Tưởng cũng nên biết sở dĩ Đông Dương Tạp Chí bị đình bản vì sau đó năm 1917, tờ Nam Phong của Phạm Quỳnh ra đời, chiếm mất đại đa số độc giả của Đông Dương Tạp Chí, nên chỉ cố gắng kéo dài thêm hai năm nữa thì tuyên bố đóng cửa.
VẤN: Ông Hồ Vĩnh Phong, Maryland: Đông Bích là gì? Ý nghĩa của danh từ này? Xin bà cụ vui lòng chỉ giáo cho.
ĐÁP:
Đông Bích là tên của một ngôi sao trong Nhị Thập Bát Tú, chủ đề về thi hạch văn chương, do đó Đông Bích chỉ về sách vở.
Ngày xưa người ta thường kê đủ sách ở phía tường Đông. Sau đời Tần Thủy Hoàng (ông vua đốt sách chôn học trò) người ta tìm thấy một số sách gồm nhiều sách của Khổng Tử.
VẤN: Cụ Hà Hữu Hoàng, San Jose: Xin bà cụ giải hộ các Định Thế các quẻ trong Dịch Kinh như: Hỏa Sơn Lữ và Thuần Khôn Cám ơn bà cụ.
ĐÁP:
HỎA SƠN LỮ: Quẻ Ly (lửa) và quẻ Cấn (núi) nhập lại gọi tắt là quẻ Lữ.
Chữ Lữ có nghĩa là: đi đường, ở trọ, lữ hành, lữ khách; ý nói sự phiêu bạt giang hồ, nhen nhúm một chút tương lai nhưng vô cùng khó khăn để thực hiện. Đây cũng có ý nói rằng một vật cầm trong tay, không biết giữ lấy, đến khi lỡ mất đi vô cùng khó khăn mà tìm lại được.
Cũng có thí dụ như: quả núi ấy của mình, bị quân dữ đến chiếm lấy, mình phải lang thang, tuy lòng lúc nào cũng muốn trở về lấy lại ngọn núi xưa; nhưng thật khó lòng thành công được, dù có chút hy vọng song cũng chẳng đi đến đâu.
THUẦN KHÔN: Quẻ Khôn và quẻ Khôn nhập chung lại gọi tắt là quẻ Khôn.
Quẻ Khôn có nghĩa là: mềm và thuận. Quẻ Khôn gồm 4 đức tính của bốn quẻ như sau:
1. “HÀM” là không gì không bao dong.
2. ”HOÀNG” là không gì không có.
3. ”QUANG” là không đâu không có.
4. ”ĐẠI” là không đâu không bao trùm.
Như vậy quẻ Khôn có nghĩa là sự to lớn, uy nghiêm và quang minh lỗi lạc…Sự rộng lớn của nó biểu tượng chí khí của các bậc anh hùng ôm nhiều hoài bảo kiến tạo và quang vinh nòi giống dân tộc.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 127
VẤN: Ông Đỗ Trung Lưu, Philadelphia: Xin bà cụ giải hộ cho các câu tục ngữ:
1.Khẩu khai thần khí tán,
Thiệt động thị phi sinh
2. Khát thời nhất trích như cam lộ,
Tửu hậu thiêm bôi bất như vô.
3. Khán nhân thuyết thoại, khán sự đả quái.
ĐÁP:
Câu thứ 1:
Mở miệng hao thần khí,
Động lưỡi, thị phi sinh.
Câu thứ 2:
Khát thì một giọt như cam lộ,
Quá chén, thêm ly, rượu hóa thừa.
Ta cũng có câu:
Miếng khi đói, bằng gói khi no.
Hay:
Khó giúp nhau mới thảo,
Giàu trừ nợ, không ơn.
VẤN: Ông Văn Hồng Phát, Santa Ana: Tôi có đọc các bài Khang Cù Dao, Khanh Vân Ca cũng như Nam Phong Ca và Ngũ Tử Chi Ca nhưng không được rõ xuất xứ và cái nghĩa của nó. Bà cụ biết xin giải thích giúp cho.
ĐÁP:
Đó là những bài thơ có trước Kinh thi được truyền khẩu trong dân gian. Sách Hán thư thì có Dân Ca của Hung Nô thời cổ đại, như bài tả cảnh Yên chi sơn thuộc tỉnh Cam Túc.
Vong ngã Yên chi sơn,
Sử ngã phụ nữ vô nhan sắc,
Vong ngã Kỳ liên sơn,
Sử ngã lục súc bất phiền tức.
Nói lên lời cảnh cáo của những nàng con gái trong vùng và cũng vừa than thở van xin đừng đánh mất núi Yên chi sơn. Khiến các nàng mất đi nhan sắc. Và cũng sẽ khiến cho đàn súc vật bị bớt mật đi phần đông đảo.
Ngoài ra còn những bài thi ca thời cổ đại lưu truyền như bài Kích Nhưỡng Ca ghi lại trong Đế vương thế kỷ:
Nhật xuất nhi tác
Nhật nhập nhi túc
Tạc tỉnh nhi ẩm,
Canh điền nhi thực,
Đế lục ư ngã,
Hà hữu lai…
Bài thi ca này nói lên đời sống con người dưới thời đế Nghiêu.
Mặt trời mọc thì làm
Mặt trời lặn thì nghỉ,
Giếng – đào lấy mà uống,
Ruộng – cày lấy mà ăn
Đợi vua giúp ta,
Chuyện không hề có.
Đó là chưa nói đến các bài Khang Cù Dao được ghi trong sách Liệt tử, như:
Lập ngã chung dân,
Mạc phỉ nhĩ cực,
Bất túc bất tri,
Thuận đế chi tắc.
Bài thơ nói lên cảnh tập họp đông đảo của người dân nói lên sự kết đoàn, không đâu mà chẳng vậy, không hay không biết, thuận với phép của nhà vua.
Hoặc bài Ngũ Tử Chi Ca trong Ngụy cổ văn Thượng thư hay bài Cát thiên thị chi ca, bài Lập từ của Y kỳ thị hoặc bài Mạch tú ca v.v…
VẤN: Ông Bùi Bằng, LA. Bà cụ giúp giải thích một số ngày được xem là đặc biệt trong năm. Thành kính cảm ơn bà cụ.
ĐÁP:
Một số ngày được xem là đặc biệt trong năm như:
1. Ngày Nguyên Đán tức là ngày Mồng Một Tết, còn được gọi là Nguyên Nhật.
2. Ngày Mồng 7 tháng Giêng là ngày Khai Hạ. Ngày này cũng gọi là ngày Nhân Nhật,
3. Rằm tháng giêng, còn gọi là nguyên tiêu hay Đăng tiết. Ngày Đăng tiết trong dân gian đốt đèn mua vui. Ngoài ra người có trách nhiệm trong xã hội tổ chức lễ hội đèn, hội hoa, hội Đố Đèn…
Nói chung chung còn nhiều tiết quan trọng khác như: ngày Xá Nhật, tức ngày Lập Hạ, ngày Hoa Triêu, ngày Hàn thực. Quan trọng hơn nữa là ngày Thanh Minh, tiết này thường tế Ông Bà, tảo mộ…Hiện tiết này còn đang thịnh hành…Tóm lại, ngoài các tiết ghi nhận bên trên còn có tiết Thượng Tị, Dục Phật tiết, tức tiết Tắm Phật, Đoan Ngọ, Phục Nhật, Thất Tịch v.v…
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 128
VẤN: Cụ Hồ Tấn Nhơn, San Jose: Căn cứ trong “Cửu Trù Phạm” như theo sách Chu Lễ nói về màu sắc, trời đất, tứ phương, cũng như về Ngũ Hành, Ngũ Kỷ v.v… bà cụ có nhớ xin nhắc lại hộ cho. Thành thật cám ơn bà cụ.
ĐÁP:
Đó là những điều trong Cửu Trù Phạm. Tôi chỉ nhớ một cách đại khái, như trong sách Chu Lễ thì có 6 loại màu: Trời, Đất và Bốn Phương (Đông, Tây, Nam, Bắc) đều có màu sắc riêng biệt, không có sự trùng họp lẫn nhau. Như:
1. Ngũ Hành: Nói về tính chất năm Hành: Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ trong Vũ trụ.
2. Ngũ Sự: gồm dung mạo, lời nói, mắt thấy, tai nghe, ý nghĩ.
3. Ngũ Kỷ: là năm, tháng, ngày, tinh tú, lịch số.
4. Kê Nghi: là mưa, tạnh, mù, mây thưa, mây dùn + bốc phệ.
5. Thứ Trung: là mưa, nắng, lạnh, gió…
6. Ngũ Phúc: (Lạc cực) Có 5 điều tốt: 1. Sống lâu, 2. giàu có, 3. khang ninh, 4. ham đức tốt và 5. chết được trọn đời.
7. Sáu xấu: là chết non, tật bệnh, lo buồn, nghèo nàn, ác nghiệt, ốm yếu.
8. Ngũ Cửu Trù Phạm: Ngũ kỷ, Ngũ phúc (lạc cực) Ngũ sự, Bát chính, hoàng cực, Kê nghi, Thứ trung, Ngũ Hành và Tam Đức.
VẤN: Nghe nói có giống “Chim Cụt”, chẳng biết đó là loại chim gì? Bà cụ có biết không?
ĐÁP:
Đó là “Chim Cánh Cụt”. Loại chim này bơi dưới nước cổ xưa nhất. Có thể giống chim Cánh Cụt đến Châu này định cư từ trước khi Châu Nam Cực bị băng giá xuống đến độ 80 âm.
Lông của loại chim này đã biến thành dạng vảy chèn lên nhau, nươc biển khó lòng thấm vào được.
VẤN: Cháu Trịnh Hoàn Kiếm, UCLA: Cháu thắc mắc mãi là khoa học ngày nay đã tìm ra “Biên Cương Cuối Cùng” của Vũ Trụ chưa? Bà cụ biết chỉ giáo cho.
ĐÁP:
Tôi có lần được đọc một bài khảo luận của nhà khoa học nổi tiếng James Peebles viết về những điều kỳ dị của Vũ trụ, và chính ông cũng thú thật về những cố gắng vô vọng của loài người (mà cháu là một), như lời ông phát biều:
-”Cho mãi đến ngày nay chúng ta vẫn hoàn toàn mù tịt về vũ trụ này đã từng như thế nào vào thời điểm trước khi hình thành và sự hình thành của vũ trụ mà chúng ta đang hiện diện ra làm sao?”
Rồi, cuối cùng nhà khoa học James khẳng định:
-“Thật khó lòng mà tìm hiểu được, không phải thiên niên kỷ này mà còn bao nhiêu thiên niên kỷ tiếp nối nữa.”
Thế có nghĩa là ông James – nhà khoa học lừng danh này khẳng định mọi bí ẩn trong vũ trụ này con người không thể nào khám phá được.
Theo nhà Vật lý Murray Gell thì con người cho dù bao nhiêu thiên niên kỷ chăng nữa cũng khó đạt đến những biên cương cuối cùng bí hiểm trong vũ trụ. Khoa học gia James đã viết tât cả nỗi ưu tư của tận trong tâm khảm mình:
-”Thật không thể nào tưởng tượng được hàng tỉ con người chúng ta đang chen chúc nhau trên một hành tinh bé nhỏ so với hàng triệu triệu các dãi ngân hà khác hiện hữu trong vũ trụ, làm sao hiểu được những bí hiểm đầy huyền nhiệm này!
Thật là hoài công khi các nhà khoa học cứ mãi chạy đua để cố tìm hiểu các cấu trúc bên trong vũ trụ hầu thỏa mãn lòng tự hào của mình, hầu mong tuyên bố với toàn thể những con người rằng là: ”bên trong vũ trụ chẳng có Thiên Đàng, hay Niết Bàn nào cả, chẳng có bàn tay mầu nhiệm sáng tạo ra nó, mà chỉ có mỗi “con người” mới chính là các Đấng Toàn Năng của nhân loại!!!”
Thật, con người kiêu ngạo đến thế sao?!!! Lúc nào cũng ôm đại mộng, tóm thu cả vòm trời bao trùm cả vũ trụ, trong lúc khả năng thì chỉ là một hạt cát bé bỏng, nếu so với cái vô cùng của sự huyền bí đối với đất trời…
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 129
VẤN: Ông Vũ Nhi Hoàng, Virginia: Triện là gì? Có phải là tên gọi từ dấu ấn không? Vậy thì triện xuất hiện từ bao giờ? Xin cụ vui lòng giải thích cho.
ĐÁP:
“Triện” là danh từ gọi chung của ấn chương khắc chữ. Trước hết, một dạng chữ được viết trên giấy rồi khắc vào mu rùa, hoặc gỗ hay xương thú v.v…và gọi đó là “Triện”. Triện xuất hiện từ 3700 năm trước, kể từ nhà Ân, lúc bấy giờ đã có văn tự. Ấn đầu tiên khắc trên xương thú, được xem là nguồn gốc đầu tiên của ấn chương. Qua đến đời Chu mới có ấn đồng gọi là “Mộc”. Nhưng đến đời Tần thật sự mới có gọi là “Ấn”. Việc sử dụng ấn chương phát triển vào đời nhà Hán.
VẤN: Cụ Ngô Càn Khôn, Monterey Park: Tôi muốn biết lương thực và cách chế biến các thức ăn về ngũ cốc thời cổ đại như thê nào? Xin bà cụ giúp giải hộ cho.
ĐÁP:
Thường từ thời xa xưa đến bây giờ lương thực được gọi chung là “Ngũ Cốc”. Các loại “thử”, ”tắc”, ”mạch”, ”thục”, “ma” là năm loài, gọi là “ngũ cốc”. Về sau, tìm được thêm loại mè vừng tưc loại “ma” cọng thức này lại thành “lục cốc”.
Lương thực biến chế thành thức ăn bằng cách bỏ vào nồi cùng nước nấu chín. Riêng muốn biến chế thành bột thì phải áp dụng cách ”Xu, Bính, Nhi, Tán”.
“Xu” có nghĩa là rang cho chín hạt mễ, mạch, đậu, đoạn mang đi giã thành bột. ”Bính” thời cổ là mạch, hay mễ hoặc thử giã nhỏ thêm nước vắt chanh. Còn “Nhi” cùng loại vơi Bính gọi là “mễ phấn bính” tức là bánh bột, ta thường gọi là “bánh in” v.v…
VẤN: Cháu Hàn Tường Nguyên, LA. Nghe nói Trung Quốc vốn là một đất nước có nền văn minh tối cổ, chẳng biêt thời xa xưa ấy có tạo được một con người máy như Nhật Bản ngày nay chăng?
ĐÁP:
Có. Đất nước này là một trong các quốc gia có nền văn minh tối cổ trên thế giới. Và, họ đã từng sản xuất được người máy theo kỹ thuật phát triển cao độ.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc đã có những con người nộm được mang chôn cất theo người, tuy nhiên vào thời này người nộm vẫn còn trong tình trạng thô sơ.
Theo Lễ Ký, Dàn cung, Khổng Tử đã nói:
-”Mang nộm chôn cất cùng người thì thật bất nhân”.
Còn Trịnh Huyền thì chú thích bảo rằng:
-”Đó là pho tượng gỗ, nó cũng có mặt mũi đầy đủ, cũng có máy phát động, chẳng khác nào người sống”.
Hoàng Khẳng thì rạch ròi:
-“Người máy nhảy múa được là nhờ có cơ khí, do đó mới gọi nó là “nộm”.
Khổng Đĩnh Đạp thì bảo:
-“Nó là gỗ được đẽo ra hình người, nó có thể cử động chẳng khác nào người sống. Tuy vậy, nó một vật vô tri, vô giác, chẳng có linh hồn”.
Và, kế đến Mạnh Tử, Lương Vệ Vương: Theo Trọng Ni thì nói:
-”Làm con nộm, hóa ra người ấy không có hậu đó sao? Làm hệt như con người để mà sai khiến à?” v.v…
Cứ theo lời truyền lại, người đời Hán bảo là Tiên Tần đã có một giống người gỗ tự động nhảy múa do con người tạo dựng nên, ngồi trên xe gỗ, cưỡi con ngựa gỗ, có anh chàng kỵ mã cũng bằng gỗ ngồi trên điều khiến.
Chẳng những làm bằng gỗ mà thời Tần Hán còn thấy có “người máy bằng đồng” xuất hiện, nó cũng pha trò, nhảy múa, ca hát để phục vụ con người. Đặc biệt, theo Tây kinh tạp ký có ghi rõ: Hán Cao Tổ vào cung Hàm Dương bất giác sững sờ nhìn thấy trong cung lúc đó có đến mười hai con người đồng, chiều cao ba thước, đang ngồi trên một chiếc chiếu hoa, đặc biệt là trên tay mỗi người mỗi nhạc cụ riêng rẽ như cầm, trúc, sinh, vu. Những nhạc công người máy này đều được cho ăn vận đẹp đẽ. Trông 12 cô mỹ nữ bằng đồng này hệt như người thật.
VẤN: Ông Lê Phước Vọng, Orange County: Xin bà cụ vui lòng chuyển ba câu tục ngữ này thành Việt ngữ.
1. Dương vĩ ba cái bất trụ dương thi cổ
2. Đa nghệ đa tư nghệ bất tinh,
Chuyên tinh nhất nghệ khả thành danh.
3. Đa niên đạo nhi ngạo thành hà
Đa niên tức phụ ngạo thành bà.
ĐÁP:
1. “Dương vĩ ba cái bất trụ dương thi cổ”
có nghĩa:
Đuôi dê che không trọn được đít.
2. Đa nghệ đa tư nghệ bất tỉnh,
chuyên tinh nhất nghệ khả thành danh.
Có nghĩa:
Một nghề thì sống, đông nghề thì chết
Một nghề thì kín, chín nghề thì hở.
3. Đa niên đạo nhi ngạo thành hà,
Đa niên tức phụ ngạo thành bà.
Có nghĩa:
Đường lâu năm có lúc thành sông
Dâu lâu năm cũng thành mẹ chồng.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 130
VẤN: Trịnh Thi An, Brookhurst Orange County: Thưa cụ, tôi muốn được biết làm thế nào mới được gọi là quân tử?
ĐÁP:
Theo Khổng Tử, ao ước sao cho mình là người quân tử không phải là chuyện khó. Muốn được cái công không khó đó thì làm cho được chín điều:
1. Khi nhìn một sự việc nào đó, một nhân vật nào đó, một hành động nào đó, phải cần để ý nhìn cho “minh bạch”.
2. Khi lắng tai nghe, không được hồ đồ, mà phải lắng nghe cho thật rõ ràng.
3. Gặp bất cứ một trường họp nào không hợp ý phải cố giữ khiến sắc mặt không biến đổi, phải luôn luôn giữ thái độ bình thản, tự nhiên như nhiên.
4. Tướng mạng lúc nào cũng phải khiêm cung.
5. Lời nói cần phải giữ bề trung thực, không thêm, không bớt…
6. Làm bất cứ việc gì, với bất cứ ai cũng phải tôn trọng sự kính cẩn.
7. Nếu gặp phải cảnh nghi hoặc, không nên hồ đồ đã buộc ngay tội cho bất cứ ai, mà cần phải hỏi han cho cặn kẽ.
9. Khi nhìn thấy lợi trước mắt điều cần thiết là nghĩ ngay đến điều nghĩa.
VẤN: Cụ Đồ Viên Vương Khải, Virginia: Thế nào gọi là “Chính Danh”?
ĐÁP:
Cụ muốn nói về Công Tôn Long, nhà triết học Trung Hoa sinh vào khoảng năm 320 Tr.CN. dưới triều đại nhà Triệu đưa ra cái thuyết “Chính Danh”! Công Tôn Long lúc bấy giờ được coi là nhà biện giả nổi tiếng ít người sánh kịp. Cứ vào sách Công Tôn Long Tử nói về tư tưởng đặc sắc của ông về nhận thức luận. Theo lời giải thích của Công Tôn Long thì “Vật” chỉ là sự vật cá biệt một cách cụ thể. Nhưng cái “Vật” ấy không “chỉ” đến, có nghĩa không nhắc đến nó là cái gì, thì chẳng thể bảo nó là “Vật” được. Sở dĩ biết được vật đó qua bản sắc, hình thức, lớn hay nhỏ, màu sắc gì, là nhờ đã được qui định nó là tên gì của vật đó. Công Tôn Long đã đưa ra cái thuyết con ngựa trắng và bảo:
-“Ngựa trắng không phải là ngựa”.
Ông đưa ra thuyết “Chính Danh” rất sâu sắc. Theo ông “Cái Thực” mới là cái danh. Khi mà cái Danh đã Chính thì mới có sự nhất định về cái danh, không thể lầm lẫn cái này vào cái kia, cái kia vào cái nọ, mà phải cái nào vào cái nấy. Theo ông cái danh là dùng để gọi cái thực. Ví như con ngựa mất mẹ là con ngựa mồ côi, nhưng khi mà nó còn có mẹ thì không thể gọi là “con ngựa mồ côi” được. Chính danh là ở chỗ không lầm lẫn giữa cái nọ và cái kia, giữa con ngực mồ côi và con ngựa còn có mẹ.
VẤN: Ông Thiên Hà, Nguyễn Quí Ngọc, Philadelphia: Chẳng biết thời gian bắt đầu có chữ quốc ngữ, nước ta có những nhà làm văn học đã cống hiến được gì cống hiến cho thị trường sách vở cho đất nước ta? Bà cụ có biết không?
ĐÁP:
Theo tôi biết đại khái về thị trường chữ nghĩa llúc ban đầu kể từ ngày cho chữ Quốc Ngữ như:
Về dịch thuật từ Hán Văn ra Quốc Ngữ:
Học giả Trương Vĩnh Ký dịch các tác phẩm:
- Đại học, Trung dung, do Imprimerie Commerciale Rey & Curiol 1881.
- Tam Tự Kinh quốc ngữ diễn ca, Saigon Impremerie Guilland et Martiunon
- Minh Tâm Bửu giám, Saigon 1891,1893
Trương Minh Ký dịch:
- Kinh Thi – chỉ đăng báo chưa in thành sách.
- Ấu học khải mông (cours gradúe de langue Chinoise
Ngoài ra, Hồ Biểu Chánh và Giáo Sỏi dịch 20 tác phẩm Trung Hoa v.v… Các nhà làm văn hóa ngày xưa làm được rất nhiều việc trong các vấn đề sang tác và dịch thuật.
VẤN: ôNG Võ Hải Hồ, San Jose: Tôi còn nhớ lời thơ:
“Kính lão sùng Nho đắc chính tân” nhưng không biết tác giả là ai?
ĐÁP:
Câu: ”Kính lão sùng Nho đắc chính tân” là của Nguyển Đán – luôn luôn ưu tư cho đất nước ta. Nguyên Đán vừa kính trọng cái học của Đạo gia lại vừa sùng Đạo gia. Lời thơ của ông tán dương Chu Văn An trong ngày tựu chức Tư Nghiệp.
Ông còn có bài thơ được người nước ta ca tụng:
Nhâm Dần lục nguyệt tác
Niên lai hạ hạn hựu thu lâm
Hòa cáo miêu thương học truyền thâm
Tam vạn quyền thư vô dung xứ
Bạch đầu không phụ ái dân tâm.
Mấy năm nay mùa hè nóng,
Thu đến lụt tràn, đau đớn nhà nông.
Học mấy vạn sách hóa bằng không
Những tưởng giúp đời, nào hay biến thành ra công cốc
Bạc đầu rồi mà vẫn phụ bạc lòng dân.
Còn tiếp
THINH QUANG