VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 27)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 131
VẤN: Sao gọi là Tam Quán luận? Cụ bà giải thích cho.
ĐÁP:
Tam Quán luận còn gọi là Madhyamika, là triết học cơ bản của Phật giáo Đại thừa. Đây là một lý thuyết phức tạp, vì vậy muốn lý giải Tam Quán luận không thể ngắn gọn được. Muốn thấu triệt cần phải quán thông Tam học ví như Thông Kinh luật luận, phải thấu triệt về Giới luật Thân, Khẩu, Ý… Trung Quán luận là nền tảng của Phật giáo Đại thừa. Nó mênh mông như bể cả, xuất hiện từ giáo điều nguyên thủy. Khi con người suy tư ắt phải biến mất đi trực giác trở về với thực tại và lúc ấy Chân như mới xuất hiện. Đó là Phật tính - biểu tượng cái Tự tính của mọi chúng sinh.
Con người sinh ra đã có cái Bản Thiện. Nhưng vì nhu cầu của đời sống, cái Bản Thiện” bị phai mờ dần đi, bởi mê vọng che phủ. Nhưng khi cái mê vọng đã hết thì Phật tính lại trở về với cái nguyên thủy của nó. Bởi vậy cái triết thuyết của Tam Quán luận đã nói:
“Thật tức tâm, tâm tức Phật”.
Bách Trượng cũng đề cập đến cái nguyên thủy trở lại với cái tâm của con người:
-”Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu”.
Cái tâm không còn vọng động nữa thì mặt trời trực giác sẽ tự tỏ ra. Ấy đó là Tam Quán luận!
VẤN: Trong Tam Thiên Tự có đoạn: PHÀM HUẤN MÔNG, TU GIẢNG CỨU, TƯỜNG HUẤN HỖ, MINH CÚ ĐỘC, VI HỌC GIẢ, TẤT HỮU SƠ, TIỂU HỌC CHUNG, CHÍ TỨ THƯ.
Xin cụ giải hộ cái nghĩa và luôn cả cái ý của cổ nhân muốn đề cập đến. Thành kính cám ơn bà cụ.
ĐÁP:
Nghĩa của từng chữ:
HUẤN: Giáo dục, huấn luyện. MÔNG: Trẻ thơ lúc mới bắt đầu học chữ, đọc sách. TU: Cần phải. GIẢNG CỨU: Giảng giải nghĩa lý, khảo cứu sự thực. TƯỜNG: Rõ ràng, tường tận. HUẤN HỖ: Giải thích từng chữ từng câu văn xưa. MINH: Hiểu rõ. CÚ ĐỘC: Một câu gọi là cú, nửa câu gọi là độc. TẤT: Ắt hẳn. SƠ: Bắt đầu. (Ý nói thứ tự từ thấp lên cao.) TIỂU HỌC: Lúc đầu học về hình dáng của chữ, phát âm và ý nghĩa của chữ. CHÍ là đến. TỨ THƯ: Là bốn cuốn sách Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại Học, Trung Dung.
Nghĩa toàn bộ của đoạn văn này:
”Tất cả mọi việc giảng dạy cho trẻ con mới học, cần phải giảng giải nghĩa lý. Khảo cứu sự việc thật cẩn thận mà không phải chỉ dạy qua loa đại khái được. Trước tiên phải dạy chúng hiểu ý nghĩa của từng chữ, từng câu. Sau dạy chúng đọc từng câu từng đoạn cho rõ ràng. Khi đi học phải có thứ tự từ thấp đến cao, từ cái bắt đầu sơ cấp đến cao cấp. Trước tiên phải học hết tiểu học rồi mới học lên Đại học, Trung dung, Luận ngữ và Mạnh Tử, từ bốn cuốn sách đó.
Giai thoại liên quan đến đoạn văn này:
“Ngày xưa, đời nhà Đường có một ông Viên Ngoại, một hôm thuê một người Quản gia mới để trông nom cai quản mọi việc trong nhà cửa. Vốn ông Viên ngoại này có tính bần tiện keo kiệt, không muốn những người giúp việc trong nhà được ăn uống đầy đủ tử tế, luôn cả người Quản gia cũng không được ngoại lệ. Vì vậy khi người Quản gia mới vào làm việc, ông Viên ngoại làm ngay một tờ khế ước trong đó mục đích ghi sự hạn chế về việc ăn uống. Tờ khế ước viết như sau:
“Không gà vịt cũng được không cá thịt cũng được Rau Xanh tuyệt đối không được thiếu rượu cũng không được.”
Tờ khế ước lập ra hoàn toàn không có chấm, phảy nào dùng để đánh dấu từng câu, từng đoạn…Mọi việc đều bằng an, vô sự.
Nhưng rồi…sau một năm, người Quản gia mới này thôi việc về quê và xin ông Viên ngoại bồi thường tiền ăn trong một năm trường. Ông Viên ngoại không bằng lòng bèn đưa lên quan xử. Khi lên tới Cửa Quan, ông Viên ngoại trình tờ khế ước để nhờ quan phân xử. Quan Huyện bèn gọi ngay viên Quản gia lên đọc lại tờ khế hai bên đã ký kết trong ngày mới vừa nhận việc. Người Quản gia bèn hắng tiếng đọc dõng dạc:
“Không gà, vịt cũng được. Không cá, thịt cũng được. Rau xanh tuyệt đối không được, thiếu rượu cũng không được”.
Nghe xong quan Huyện phán rằng:
-“Ờ, thì mọi việc rành rành như vậy. Người Quản gia thi hành đúng như lời cam kết giữa hai bên. “Không có gà, thì vịt cũng được. Không có cá thì thịt cũng xong. Rau xanh thì tuyệt đối không được rồi. NHưng còn rượu thì cũng không thể thiếu được”.
Quan Huyện nói xong bèn phán cho ông Viên ngoại phải bồi thường toàn bộ tiền ăn uống cho người Quan gia theo như khế ước.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 132
VẤN: Bà Nguyễn Thị Hạnh Phúc, LA. Thưa cụ, tôi muốn được biết về hai nhân vật Bá Di, Thúc Tề thời cổ đại của Trung Hoa. Bà cụ còn nhớ không?
ĐÁP:
1. Bá Di và Thúc Tề đều là con của vua nước Cô Trúc. Bá Di là anh, Thúc Tề là em. Trong hai anh em này, vua Cô Trúc yêu quí Thúc Tề nên trước khi băng hà, nhà vua đã viết di chúc truyền ngôi lại cho người con thứ này. Triều đình tuân theo lời di chúc của vua bèn chuẩn bị làm lễ đăng quang, nhưng Thúc Tề không chịu nhận. Theo ông thì ngôi vua phải truyền cho con cả. Còn Bá Di cũng nhất mực từ chối vì đạo hiếu, ông phải tuân theo lời di chúc của vua cha. Hai anh em Bá Di, Thúc Tề cứ nhường nhau mãi không người nào chịu nhận. Cuối cùng cả hai rủ nhau lên núi để sống nhường lại ngai vàng cho người em giữa.
VẤN: Ông Hồ Ngọc Chấn, San Jose: Tôi muốn được rõ Mặc Tử trong thời Xuân Thu – Chiến Quốc thuộc về lớp người nào? Có phải ông đã từng bị khinh tội không?
ĐÁP:
Theo Hán thư – Nghệ văn chí của Ban Cố thì Mặc Tử là người nước Tống, miền Đông tỉnh Hà Nam. Nhưng theo Tôn Di Nhượng đời Thanh và Hồ Thích thì ghi là ông người nước Lỗ cùng quê với đức Khổng Tử.
Mặc Tử là người sáng lập ra trường phái triết học Mặc gia, đối nghịch với Nho gia. Ông thuộc lớp người thứ dân xuất thân làm thợ và phu dịch. ông họ Mặc tên Địch. Theo Tiền Mục thì Mặc Tử từng phạm khinh tội, nên trên trán có khắc chữ Mặc, phạt làm nô dịch. Nhưng trong Thiên Đằng Văn Công hạ trong sách Mạnh Tử thì ông quả là họ Mặc chứ không là Mặc đồng nghĩa với phạm tội. Ông có biệt tài hùng biện và có thể thuyết phục được người. Chủ trương của ông là làm việc nghĩa. Với thuyết “Kiêm Ái” ông đã chinh phục khắp thiên hạ. Đặc biệt Mặc Tử càng gặp khó khăn trên đường đi càng đem cả sức mình ra rao giảng: hăm hở, kiên nhẫn, hy sinh, làm việc nghĩa, mong sao cứu được cảnh chiến tranh ly loạn cho thiên hạ. Có người nhìn thấy ông quá cơ khổ đi mòn cả gót kỳ khu, nói đến nóng ran cổ họng mà chẳng mấy ai đoái hoài, bèn kêu lên:
-”Này, ông Mặc ơi! Khổ công đi kêu gọi thiên hạ mà chẳng có kẻ nào nghe, làm như vậy há không phải chỉ tổ cho mình rước lấy cái khổ vào thân sao? Nhược bằng ông để cho “cái trán khỏi mòn, cái gót khỏi lỏng” có phải tự mình hưởng lấy cái lạc thú không? Thiên hạ đời nay có ai đi làm nghĩa đâu, còn ông thì cứ mãi miết làm cái chuyện không công ấy làm gì?”
Mặc Tử cười đáp lại:
-”Một nhà có đến mười miệng ăn, một đứa ngửa cổ ra cày, còn chín đứa nằm khải chân cho đả ngứa. Đứa đi cày không thể không nai lưng ra gấp bội phần, chuyện ấy là chuyện thường tình! Sao ngươi không khuyến khích ta nên cố gắng hơn nữa mà lại nói ra lời lẽ trách cứ??”
VẤN: Ông Hồ Danh Gia, Orange Couty: Bà cụ nhắc hộ bài than thở “Cảnh Già” và luôn cả bài “Ông Tiến Sĩ Giấy” của tác giả Nguyễn Khuyến. Cám ơn bà cụ nhiều.
ĐÁP:
CẢNH GIÀ
Nhớ từ năm trước hãy thơ ngây,
Phút chốc mà già đã đến ngay.
Mái tóc chòm đen, chòm lốm đốm;
Hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay.
Nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ,
Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say.
Ong ngẫm mình ông thêm ngán nỗi:
Đi đâu, giở những cối cùng chày.
ÔNG TIẾN SĨ GIẤY
Khéo chú hoa man khéo vẽ trò,
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.
Mày râu vẽ mặt vang trong nước;
Giấy má nhà bay đáng mấy xu?
Bán tiếng, mua danh, thây lũ trẻ;
Bảng vàng, bia đá, vẫn nghìn thu.
Hỡi ai muốn ước cho con cháu?
Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 133
VẤN: Cháu Hoàng Đình Châu, LA. Thành ngữ của Trung Hoa có câu: “Bóng đêm là thiên đường của ma quỉ và linh hồn thì bất diệt” chẳng biết có đúng vậy chăng?
ĐÁP:
Chúng ta cũng thường nghe trái ngược lại: ”Ma quỉ sợ ánh sáng của Mặt Trời”. Gần đây, có một bài viết về các hiện tượng khác thường xuất hiện từ bóng đêm. Vậy thì câu thành ngữ của Trung Hoa nói đúng. Bóng đêm chính là mảnh đất thích hợp của ma quỉ. Bài báo nghiên cứu về lĩnh vực khoa học đại để đã viết:
-“Thường ở những khúc quanh tốt nhất, lớn nhất và có tầng cao nhất thì những cảm giác kỳ lạ xuất hiện nhiều nhất. Có thể đó là những khu vực mà người ta cảm thấy nhỏ bé và vô nghĩa nơi mà trò chơi của “Bóng Tối” phát huy nhiều nhất.”
Đó là lời bình luận của nhà khoa học Richard Wiseman. Chính ông đã kết luận bằng lời chứng minh một căn phòng có bầu không khí u ám:
-“Cảnh u ám của một căn phòng thuận lợi cho việc xuất hiện của các bóng ma”.
Không phải nhà khoa học nào cũng đưa ra lời lẽ chứng minh tin tưởng về các hiện tượng có vẻ ma quái như vậy. Có những nhà bác học tự cho là mình hiều biết tất cả về các hiện tượng. Họ không tin tưởng những hình ảnh có tính huyền bí mà chúng ta tin rằng đó là sự thật.
Bài khảo cứu đó đã viết các nhà khoa học có tính bảo thủ cho rằng hình ảnh có tính huyền bí mà chúng ta nhìn thấy chỉ là ảo tưởng mà thôi. Nhưng ông Richard Wiseman thì khẳng định:
-”Có lắm lúc ta nhắm nghiền mắt lại, vận dụng bằng cảm xúc, ta có thể biết một cách rõ ràng là có những hình ảnh nào đó đang ở cạnh ta”.
Và ông quả quyết gần như tuyệt đối:
-”Đó là sự thật. Không phải bất cứ sinh vật nào cũng nhìn bằng mắt được. Có những giống vật như một số cá đủ các hình dạng, có những con như những quả bóng, không mắt, không mang, không miệng mồm…ấy thế mà chúng nó vẫn bơi lội được, tranh được những chướng ngại chung quanh. Có những loại cá thật khác thường, nếu chỉ thoáng nhìn thấy trông nó chẳng phải là một sinh vật.”
Hiện có không ít các nhà khoa học của thế kỷ 21 này đã khám phá ra là trong quá trình tiến hóa sinh giới, không phải là loại sinh vật nào cũng có mắt. Loài cá lưỡng tiêm chỉ bằng cái lưỡi dao nhỏ, thường sống ở ven biển hoặc giữa đại dương, chúng đâu có mắt mũi gì nhưng chúng vẫn sống thong dong với những con mồi chung quanh bằng vào cảm quang do đường dây thần kinh báo trước. Giống cá này có đôi mắt trong sáng như thủy tinh, ánh sáng dễ dàng đưa vào để phân biệt được bóng đêm và ánh sáng. Nhà khoa học Richard Wiseman kết luận:
-”Linh hồn chẳng bao giờ bị tiêu diệt. Nó là nguyên tắc của đời sống và cũng là nguyên nhân của cảm giác. Vũ trụ là một sức mạnh phi thường, nó vừa là hiện thực mà cũng vừa là vô hình, vô ảnh. Nó ngự trị ngay trong lục phũ ngũ tạng của chúng ta và nó gắn bó mãi cho đến khi cái xác thân ta bị mục nát, nhưng phần linh hồn thì mãi mãi trướng tồn.”
VẤN: Ông Lý Bằng An, Santa Ana: Xin bà cụ chuyển ngữ hộ cho ba câu tục ngữ bên dưới:
1. Mệnh lý hữu thời chung tu hữu,
Mệnh lý vô thời mạc cường cầu.
2. Một phu mẫu khoa hiếu thuận,
Một nhi nữ khóa can tĩnh
3. Nam tăng tư đối trước nữ tăng tự,
một sự dã hữu sự.
ĐÁP:
Có nghĩa:
1. Mệnh có thời, trước sau cũng có
Mệnh không thời, thôi chớ nguyện cầu.
2. Cha me mất rồi khoe mình hiếu thảo
Con cái không có, khoe mình đồng trinh.
Ta cũng có câu:
Được thể, dễ nói phét
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 134
VẤN: Bà Đào Thanh Trà, Virginia: Chuyện cổ tích Tấm Cám, người Việt chúng ta đều biết đến. Tôi nghe dường như đây là một chuyện mà nguồn gốc vay mượn từ một quốc gia khác. Có đúng như vậy chăng?
ĐÁP:
Đúng như vậy. Câu chuyện Tấm Cám (Dalukal Mhu Gajuan et Mu Halock) xuất xứ từ chuyện cổ của Chiêm Thành. Đây là một cốt chuyện hoàn toàn ảnh hưởng về Phât giáo qua Quan Âm Nữ.
VẤN: Ông Văn Thế Vũ, Maryland: Bà cụ thuật lại cho biết tại sao thời vua Viêm Đế có người chế ra đàn sắt năm dây, phát động ra phong trào nhảy múa? Và, còn lắm sự tích có tính hoang đường?
ĐÁP:
Theo Lã Thị Xuân Thu có nói về “thời vua Viêm Đế”:
-“Gió đã nhiều mà dương khí lại quá tích tụ, do đó mà vạn vật hỗn loạn tan tác, gây nên hoa quả không đậu, dân chúng lâm cảnh lao đao không ít. Có một người có tên là Sĩ Đạt mới chế ra đàn sắt năm dây, mục đích làm cho âm thinh rung chuyển, phục hồi âm khí, ổn định quần sinh”.
Vốn tự ngàn xưa, buổi đầu họ âm khang, âm khí ngưng đọng nhiều, tích tụ lại làm cho nước không lưu thông, tắt nghẽn, dân khí thì u uất trì trệ, gân cốt co cứng lại, vì vậy phải nhảy múa cho thông khí huyết. Do đó mà phát minh ra thiết cầm để điều hòa khí hậu, làm cho mạch máu lưu thông….
Tiếp đến là chuyện bà Nữ Oa tinh luyện đá ngũ sắc, đội đá vá trời. Rồi đến các chuyện chặt bốn chân rùa đặt trấn bốn phương, chuyện chống các loài ác thú giữ sự bình an cho con người…Đến chuyện những vị anh hùng xuất hiện như Nghệ, Nghiêu, Thuấn với Cổn, Vũ v.v…Cũng như trong sách Lã Thị Xuân Thu ghi lại:
”Thời xưa nhạc của Cát Thiên gồm có tám khúc do ba người cùng nắm cái đuôi trâu vừa dậm chân vừa ca… khúc 1 là tải dân, khúc hai huyền điều, khúc ba đốn cây, khúc bốn cấy trồng ngũ cốc, khúc năm hướng về đạo trời, khúc sáu phụng vục cho vui, khúc bảy theo cái đức của đất, khúc tám dồn muông thú…”
Sau khi bốn phương thanh bình, nước lũ rút ra lòng bể cả, hỏa diệm sơn thôi không còn phun lửa, thú dữ lánh mình trong rừng rậm…thời gian này ông Hoàng Đế có tấm thân cao 7 thước, mặt mày uy nghi xuất hiện trị vì thiên hạ, đánh bại Xuy Vưu – một bộ tộc cực kỳ hung ác, cùng hình dáng đầu đồng trán sắt…
VẤN:
Cụ Đình Động, Reseda: Thế nào gọi là Kinh Thi? Bà cụ giải hộ cho.
ĐÁP:
Nói đến Kinh Thi không ai mà không biết đến. Đó là một bộ tổng tập đầu tiên của Trung Quốc. Kinh Thi có đến 305 bài, có từ 500 năm kể từ những năm đầu Tây Chu đến giữa Xuân Thu. Đặc biệt lại có thêm 6 bài “Sinh Thi”, tức là loại nhạc cụ thời cổ. Loại nhạc này làm bằng vỏ quả bấu phơi khô, có cắm 13 ống trúc để thổi kinh Thi, phần Tiểu nhã có 5 bài thơ được xem là những bài hát có tiếng “sinh” đệm theo, nên gọi là “sinh thi”. Kinh thi đã phản ảnh trung thực đới sống của dân chúng lúc bấy giờ như cảnh cơ hàn trong dân gian có bài “Kẻ cơ hàn ca hát về miếng ăn”, người lao động ca hát về công việc làm v.v..
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 135
VẤN: Cụ Đỗ Hùng Anh, Maryland: Ca dao ta có câu:
Trống chùa ai đánh thì thùng
Của chung ai khéo vẫy vùng nên riêng.
Câu này nghe nói có sự tích liên quan đến lịch sử của đất nước ta? Xin bà cụ giải thích cho. Cám ơn bà cụ nhiều.
ĐÁP:
Câu này xuất phát do bối cảnh chính trị trong thời Lý Mạt Trần Sơ. Liên tiếp qua nhiều đời vua kể từ Lý Thái Tổ đến vua Anh Tông, trải qua quá trình cực thịnh của triều đại nhà Lý. Nhưng đến đời vua Cao Tông thì bắt đầu đi dần đến thời suy mạt. Các nhà nhận định thời cuộc lúc bấy giờ như thiền sư Tăng phó Nguyễn Thường, cũng như các quần thần tiên liệu tình trạng diễn biến như vậy sẽ khó lòng tránh khỏi vận nước đảo điên.
Vua Cao Tông tuổi còn quá nhỏ, chuyện quốc sự do bà Chiêu Linh Hoàng Thái Hậu nắm giữ. Từ việc phế lập hay phó thác các chức vụ quan trọng trong triều đều do quyền bà quyết định. Vua Cao Tông chỉ biết lêu lổng, rong chơi cùng với đám tuổi trẻ con cái các đại thần, đam mê chuyện thần quyền, ngao du nay núi này, mai núi nọ, tìm kiếm thu nhận các tay phù thủy hầu học hỏi các phép mầu v.v…Ngoài ra Cao Tông còn đam mê âm nhạc Chiêm Thành – một loại âm nhạc có âm hưởng nỉ non như tiếng ma hờn quỷ khốc. Mặt khác, Cao Tông cho xây cất cung điện lộng lẫy xa hoa tốn kém không ít, khiến kho tiền bạc của báu cạn dần, dân chúng phải gánh chịu cảnh sưu cao thuế nặng. Trong khi đó đất nước gặp hồi hoạn nạn, thiên tai liên tục xảy ra, phần nắng hạn, các vụ mùa bị mất, lại thêm phận động đất nhà cửa đỗ nát, nạn dịch tiếp nối xảy ra người chết như rạ không kịp chôn cất…Trước cảnh cực kỳ đen tối đó, Cao Tông bất chấp truyền xây dựng hành cung ở Ứng Phong Hải để có nơi cùng đám cận thần đưa đám cung nữ đến vui chơi.
Nhìn lại đám trung thần như Đào Cam Mộc, tưng giúp vua hưng quốc, Lê Phụng Hiền, từng có công can gián sự biến loạn trong hoàng gia, hay Lý Thường Kiệt mở mang bờ cõi, hoặc như Bá Ngọc, Lý Đạo Thành, Tử Tư, không còn nữa, tất cả đã ra ngườ thiên cổ. Cảnh huống này thì làm sao tránh khỏi sĩ phong không thối nát, nhân tài thì bị mắc họa…Cổ nhân đã phải chua chát thốt lên:
-”Trời không cho kẻ hiền tài xuống giúp nhà vua tại vì không biết gây dựng nhân tài chứ không phải vì nhân tài không có.”
Trong triều thì nội loạn, Hiển Tích tư thông dâm loàn với Thái Hậu. Ngô Thời Sĩ cho rằng cơ nghiệp nhà Lý suy đồi chỉ vì vua rong chơi vô độ, việc chính trị và hình phạt không minh nên mới ra cớ sự. Rồi đến loạn Quách Bốc chỉ vì nhà vua nghe lời phĩnh nịnh của Phạm Du, giết hại trung thần, khiến nhà Lý lại thêm đảo điên. Những năm trên ngôi vua, Huệ Tông chỉ luyện tâm bùa chú, chẳng bao lâu bị sinh chứng cuồng dịch,khi thì xưng là thên tướng được nhà trời cho giáng hạ, khi thì luôn miệng như các phù thủy hô phong hoán võ, tay cầm giáo mộc, đầu búi cắm tiểu kỳ, uống rượu say ngủ li bì…nên việc triều chính giao cho Trần Tự Khánh họ hàng của hoàng hậu xinh đẹp họ Trần điều hành.
Hoàng hậu sinh hai nàng công chúa, nàng công chúa thứ nhất là Lý Chiêu Hoàng – đúng theo lời sấm của Sư Vạn Hạnh – lên 7 tuổi lên ngôi vua, kể như là nhà Lý tuyệt tự. Và đó cũng là khởi điểm trao ngai vàng cho một tộc họ khác…
Thụ căn liễu liễu
Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc
Thập bát tử thành
Đông a nhập địa
Dị mộc tái sinh
Chấn cung hiện nhật
Đoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian
Thiên hạ thái bình.
Có nghĩa:
Rễ cây chằng chịt
Hoa lá xanh rì
Cây ngã lúa dao
Mười tám con thành
Đông a nhập địa
Cây khác thay vào
Chấn cung nhật xuất
Đoài cung sao ẩn
Lục thất niên gian
Thiên hạ thái bình.
Và, quả đúng như lời sấm, chỉ vì đam mê, tin theo chuyện thần thông biến hóa, chuyện trâu leo trên cây muỗm, chuyện người biến thành hổ rồi đến chuyện rùa sáu mắt nơi gáy có vầng son xuất hiện, ao thì có thần, người thì có phép mầu có thể làm đảo điên vũ trụ…mỗi ngày mỗi hiện tượng truyền ra do đám quan lại từ trên xuống dưới a dua đồn đãi hoặc để giữ yên địa vị…hoặc mong thực hiện đại sự v.v…mỗi người mỗi tìm cách lấy lòng nhà vua trong cảnh “Chợ Chiều”, Đó chính là thời gian triều đình nhà Lý hoàn toàn sụp đỗ. Theo Toàn Thư cũng như dã sử qui tội cho Trần Thủ Độ bức bách Huệ Tông tự mình xử giảo tại chùa Chân Giáo, và chôn sống tập thể dòng tôn thất nhà Lý. Môi người một cách, mạnh thì tranh nhau chiếm cái lớn, yếu thì chiếm lấy cái nhỏ tùy theo khả năng tài sức của mình. Vì vậy mới có câu:
Trống chùa ai đánh thì thùng
Của chung ai khéo vẫy vùng nên riêng.
VẤN: Bà Trần Mộng Hải, San Jose: Có thật đời nhà Minh bên Tàu có người đã sáng chế một số cơ khí trong đó có người máy phải không?
ĐÁP:
Sau khi hấp thụ nền văn minh mới của phương Tây, quả thật người Trung Hoa đã kết hợp nền văn hóa Tây phương với nền văn hóa cổ đại Trung Quốc vốn có từ thời cổ đại, chế tạo ra một số máy móc trong đó có cả người máy… Họ tự chế ra được máy xay, máy bom cũng như máy hút nước, đồng hồ (thay cho loại đồng hồ cổ xưa - loại tính bằng khắc (mỗi khắc 2 giờ). Theo sử chép, đời nhà Minh có người tên Vương Trưng ở Kinh Dương tỉnh Thiểm Tây đỗ tiến sĩ năm Thiên Khải thứ 2, nghiên cứu nền văn hóa phương Tây và tự chế ra các máy móc mà lúc bấy giờ được dân Trung Quớc xem như là Khổng Minh tái thế. Trước khi hấp tyhụ nền văn minh Tây phương, chính ông đã phát minh ra người gỗ để sai khiến như xay lúa, giã gạo, sàng sảy, lấy nước đỗ vào ruộng v.v…thay thế cho người. Các người gỗ này, ông còn chế thêm cách giúp vui cho con người bằng cách nó tự động hát, tự chơi phong cầm, thổi cơm, múa côn quyền v.v…
Còn tiếp
THINH QUANG