VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 28)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 136
VẤN: Bà Hạnh Nhơn, Canoga Park: Nghe nói vấn đề ăn uống cũng phải thật thận trọng. Các thức ăn thường được ăn lẫn lộn với nhau, có bỗ dưỡng song lắm lúc là một điều vô cùng tai hại. Bà cụ có nghe điều này không?
ĐÁP:
Đây là điều thắc mắc của bà chị trùng hợp với bài báo tôi vừa được đọc nơi mục “Sức Khỏe Là Vàng” trên báo THẰNG MÕ NAM CALI số 231 đề cập đến vấn để “Ăn Uống”, tác giả của bài báo mang tực đề bằng câu hỏi ”ĂN GÌ? ĂN VỚI CÁI GÌ? KẾT HỢP NÊN TRÁNH”. Và, bài báo này cảnh báo:
-”Nếu chúng ta ăn uống không đúng cách chẳng những làm phương hại nặng nề đến sức khỏe, mà lắm lúc có thể làm nguy khổn cho tính mạng nữa.”
Người Đông Phương của chúng ta thường được chuyền tai nhau về sự khắc kị đến chết người trong vấn đề ăn hay uống. Như về dược thảo tuyệt đối tránh hai vị “cam thảo” lẫn lộn với “cam toại”. Hai vị thuốc này vô tình sắc chung nhau uống, thì sẽ gây tử vong khó lòng thoát khỏi. Hoặc, như theo như lời truyền khẩu trong dân gian ta là Mật ong không thể dùng chung với củ hành v.v…
Dưới đây, xin tóm lược đại cương sự xung khắc của các loại thực phẩm hầu tránh khỏi những tai hai vô cùng tai hại có thề xảy ra hằng ngày trong các bữa ăn:
1. Thịt dê với nước trà: Có thể làm se niêm mạc ruột, gây táo bón và dẫn đến ung thư.
2. Thịt gà với rau kinh giới: Dùng chung đầy bụng, khó tiêu, táo bón.
3. Gan động vật vói rau cần, cà rốt: Xung khắc với chất sắc, ví như các loại gan động vật,l òng đỏ trứng, đậu nành, những thực phẩm này tránh ăn lẫn lộn với cần, cà rốt, rau chân vịt…
4. Gan lợn với giá đậu: thời gian tiêu hóa khá lâu, có hại cho sức khỏe.
5. Óc lợn với trứng gà: Sẽ làm tăng cholesterol trong máu, bị cao huyết đột ngột dẫn đến tử vong.
6. Trứng gà với sữa đậu nành: Gây chứng khó tiêu, đầy bụng.
7. Trứng gà với đường: sẽ có phản ứng ở nhiệt độ cao. Nó làm cho acid amin mất đi.
8. Trứng vịt với tỏi: Biến thành chất độc gây hại cho cơ thể.
9. Hải sản ăn cùng với các loại trái cây như:
Ăn hải sản xong rồi ăn tráng miệng với các loại trái cây: nho, lựu, hồng dễ xuất hiện các triệu chứng nôn ọe, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy…Nhưng qua 4 tiếng thì ta có thể tráng miệng các loại trái cây này.
10. Các loại động vật có vỏ sống dưới nước như: tôm, cua, ốc, hến…) khi ta ăn các thực phẩm này mà uống vitamin C như cam, chanh, cà chua, nho, mướp đắng v.v…thì chất độc rất cao, có thể gây chết người.
11. Dưa chuột với các thực phẩm chứa nhiều vị chua như cam,quít cherry,quít,bưởi…sẽ bị tước đoạt mất tầt cả lượng Vitamin C.
12. Sữa bò với các nước trái cây chua: Sẽ khó tiêu, rối loạn tiêu hóa. Tuyệt đối tránh cho trẻ phạm lỗi lầm này sẽ, mắc bệnh methemoglobin, khó tiêu, tím tái có nguy cơ gây tử vong.
13. Củ cải trắng với các loại lê, táo, nho: sẽ bị suy tuyến giáp trạng và bướu cổ.
14. Đậu phụ với rau chân vịt: ăn dễ bị kết sỏi.
15. Đậu tàu hũ với mật ong: Ăn dễ bị kết sỏi.
16: Sữa đậu nành với mật ong: sẽ bị khó tiêu.
17: Sữa đậu nành với đường đen: Đầy bụng, khó tiêu.
18: Khoai lang với trái hồng: Sẽ bị sỏi dạ dày, loét và chảy máu bao tử. Đặc biệt với người đau bao tử thì tai hại vô cùng.
19: Cà rốt, rau câu, rau cải với dấm: Không được trộn lẫn lộn với dấm.
20: Tránh uống nhiều nước gas lúc ăn sẽ bị làm loãng dịch vị, viêm dạ dày.
VẤN: Ông Bạch Thiên Thanh, Philadelphia: Sách dịch của ta từ truyện Tàu có được bao nhiêu bộ và xuất hiện từ năm nào. Bà cụ cho biết tên của các dịch giả?
ĐÁP:
Kể từ năm 1901 đến năm 1932 có trên 70 tác phẩm được dịch sang chữ quốc ngữ. Các tác giả gồm có: Trần Cảnh Sắc, Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn An Khương, Nguyễn An Cư, Nguyễn Liên Phong, Lê Sum, Lê Duy Thiện, Phạm Minh Kiên, Trần Hữu Quang, Nguyễn Hữu Sanh v.v….Nổi tiếng nhất trong số các dịch giả lúc bấy giờ là Trần Phong Sắc và Nguyễn Chánh Sắt. Mỗi người dịch trên dưới 20 bộ. Ngoài ra, Trần Phong Sắc còn sáng tác các tác phẩm như: Văn Tế Mẹ, Kim Vân Kiều án (do Imp. Schneider, in năm 1914), Tân tiếu lâm, Sĩ hữu bá hạnh v.v
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 137
VẤN: Bà Hồ Thị Nghĩa, Virginia: Trung Quốc vốn là một nước lớn hiện diện từ ngàn xưa, tất nhiên là họ có một nền văn minh sớm sủa, chẳng những đối với các nước Châu Á, mà luôn cả trên khắp thế giới. Tất nhiên là họ có đời sống phân định rõ ràng về các lễ tục để tránh sự hỗn loạn phức tạp trong xã hội v.v… Bà cụ nếu có thể nhắc lại về lễ tục hôn thú một cách rõ ràng hơn về “Lễ chế” rất phức tạp trong thời cổ đại. Xin cám ơn bà cụ nhiều.
ĐÁP:
Đúng như bà chị nói. Lễ chế thời cổ đại rất phức tạp, lắm phiền toái. Cứ vào các sách ghi chép về chuyện “Hôn lễ” đời nhà Chu, quan tâm nhiều về vấn đề tuổi tác, ngăn ngừa tảo hôn, không cho các trẻ vị thành niên lập gia đình. Do đó mới có luật định “Trai ba mươi, gái hai mươi” mới có quyền lập gia thất.
Cuộc hôn nhân cũng không phải đơn giản, tuy luật pháp không qui định, nhưng lễ nghĩa thì xã hội khuyến khích làm sao cho phải phép.
Chủ động việc tác hợp cho đôi lứa là đàng trai phải có bổn phận tìm ngưởi “mai mối” đến nhà gái thỉnh cầu việc kết thân giữa hai gia đình. Nhạn loại chim trời được xem là gạch nối cho duyên nợ đôi trẻ. Vì vậy, ngày xưa, nhà trai tìm chim nhạn đưa cho bà mai trao cho nhà gái gọi là lễ “Nạp Thái”. Công việc đầu tiên của bà mai nạp thái và hỏi tên tuổi của người con gái, thì gọi đó là lễ “Vấn Danh”. Sau khi biết tên tuổi của người con gái rồi, nhà trai đi xem bói, nếu hợp tuổi tác nhà trai phải nhờ người mai dong đến báo cho nhà gái và xin ngày nạp cát tức ngày đón dâu, tức àm lễ cưới v.v…
Nhưng đến đời nhà Hán theo sách “Khảo về lễ tục hôn nhân” số tuổi có quyền hạ xuống nếu muốn, có nghĩa con trai 15, 16 tuổi, con gái 13, 14 tuổi có quyền làm lễ hôn nhân.
Nhà Hán đặc biệt có lễ tục “Ngũ Bất Thú” và luật “Thất Khứ”. Theo Đại Đới lễ ký” – “Bản Mệnh Thiên – thì Ngũ Bất Thú - đó là năm điều không được kết hôn: Không lấy con gái của gia đình mắc tội phản nghịch, không thể lập hôn với người có hành vi dâm loạn. Không giao kết với gia đình có kẻ bị tội ngũ hình hay bị tàn phế….
Còn luật “Thất Khứ” như: Bất hiếu với cha mẹ chồng, xem là nghịch đức. Không có con trai khiến nhà chồng bị tuyệt tự. Vợ bị mang ác tật. Dâm loàn, mang ý nghĩa ghen tuông, làm cho nhà chồng xấu hổ.
VẤN: Ông Trịnh Khứ, Orange County: Bà cụ có nhớ bài Tạp thi của Vương Duy không? Nếu được xin bà cụ nhắc hộ.
ĐÁP:
Bài “Thạp thi”
Quân tự cố hương lai,
Ứng tri cố hương sự.
Lai nhật ỷ song tiền
Hàn mai trước hoa vị.
Dịch thơ:
Anh đến từ quê cũ,
Chuyện xưa ắt biết rồi.
Ngày ấy ngoài song sỗ
Rộ nở cánh hàn mai?
(Thinh Quang dịch)
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 138
VẤN: Cụ Hà Thái Học, Alhambra (CA): Bà cụ có biết hình ảnh của “Lửa” như thế nào không?
ĐÁP:
Tôi còn nhớ có lần đọc được trong một tài liệu nói về “Lủa”. Theo tài liệu được loan tải từ một trung tâm nghiên cứu về “động cơ đốt” giúp cho các nhà khoa học một lý giải mới mẻ về “Lửa”. Theo bài báo này viết kết quả nghiên cứu lửa động cơ đốt thì “Trong vũ trụ ngọn lửa có hình thù kỳ quặc ở môi trường hấp dẫn yếu nên ngọn lửa không bốc lên cao như mọi người từng thấy, có nghĩa là nó biến sang một mô hình khác được thu lại hình thù của một quả bóng”.
Nói về nhiệt năng của “quả bóng lửa” này cũng nhỏ hơn có nghĩa nó cũng yếu hơn đối với ngọn lửa thường nhiều lần. Đây là chiếc chìa khóa giúp ta tìm hiểu được về bí mật các ngọn lửa quan yếu trong vũ trụ. Năm 1984, thời gian mà nhà khoa học tìm hiểu động cơ đốt – Paul Ronney thuộc trung tâm nghiên cứu Gleen của NASA ở Ohio (Mỹ) tìm hiểu ngọn lửa ở môi trường hấp dẫn yếu. Ông đã đặt một ngọn lửa Hydro trong một môi trường cách ly, rồi cho toàn bộ hệ thống trược dọc theo một trục thẳng đứng cao 30 mét. Như vậy, hệ thống này thoát ly gần như hoàn toàn lực hấp dẫn của trái đât. Từ đó qua nhiều tranh cãi, tât cả các nhà khoa học dều xác nhận hình ảnh của ngọn lửa, không phải cao hay thấp, dài hay ngắn mà là hình ảnh của một quả bóng tròn.
VẤN: Ông Vũ Ngọc, Alhambra (CA) Có hay không vấn đề “trù ểm”? Xin bà cụ giải thích hộ.
ĐÁP:
Đó là vấn đề “Kỳ Bí”, có thể nói thật khó lòng tin tưởng được, nó phản lại khoa học, mang tính huyền bí, hoang đường…nhưng có thể là chuyện có thật. Tôi đã đọc được một tài liệu sự trả thù bằng “Trù Em” xảy ra tại Do Thái. Bài báo đó thuật lại chuyện:
”Vợ chồng Robert Heinl đã viết một tác phẩm mang tựa đề là “Written in Blood” và là nạn nhân của bà Simone Duvalier trù ểm cho đến chết. Đây là một chuyện có thật, mà các khoa học gia không thể nào giải thích được sức mạnh kỳ bí của bùa ngải khiến cho cặp vợ chồng đi đến tử vong. Chuyện trù ểm suốt trong 788 năm trường gây nhiều thảm cảnh rùng rợn đã khiến cho các giáo sĩ Do Thái phải tiến hành nghi lễ giải thoát vào ngày 31-10-1978, tính đến 2010 này tròn 22 năm. Các truyền thuyết này có từ ngàn xưa, xuất phát từ những sự kiện của các tay phù thủy ở rải rác trong các bộ lạc nổi tiếng về các chuyện huyền bí không phải là không có được.
Hiện nay các nhà khoa học Hoa Kỳ, Anh, Pháp trong các thập niên gần đây kể từ cuối thế kỷ 20 đến các năm đầu thế kỷ 21 đổ xô đến các vùng Phi Châu, Á Châu và các quần đảo tại vùng nam Thái Bình Dương để nghiên cứu về hiện tượng huyền bí này. Chẳng những ở các bộ lạc Phi Châu, các vùng tại Châu Á mới xảy ra hiện tượng này mà hầu như quốc gia nào trên thế giới cũng đều có như vậy. Theo sự nhận định của các khoa học gia chuyên nghiên cứu về hiện tượng trù ếm, nhận thấy trên thế giới thời cổ đại cũng như ngày nay đã sử dụng những pháp thuật để trả thù, thanh toán và gây tàn phế cho đối tượng trở thành thân tàn ma dại.
Chính một khoa học gia nổi tiếng của Hoa Kỳ – giáo sư phân tâm học tại Đại học Boston – ông Sandford Cohen, sau nhiều năm nghiên cứu đã tuyên bố:
-“Ảnh hưởng cùng hậu quả của một lời trù ếm đối với một nạn nhân là điều khó lòng tránh được. Nguyên nhân kẻ bị trù ểm bị nhận lấy hậu quả từ kẻ đối phương đem lại sự tai hại cho mình chính là vì sự sợ hãi”.
VẤN: Ông Nguyễn Hữu Cửu, Monterey Park (LA): Nghe nói có một thời gian nào đó Ấn Độ là một quốc gia có nhiều tiểu quốc và cũng là một đất nước đa tôn giáo, đa thần có đúng như vậy không?
ĐÁP:
Thời Trung Đại Ấn Độ từng bị chia ra đến 600 tiểu quốc, với hàng ngàn phương ngữ và thổ ngũ cùng các khác biệt và đối địch tôn giáo với nhau. Ấn là quê hương của một số tôn giáo và hòa tan vào các tôn giáo đó là nhiều tôn phái triết học.
Đặc biệt Đạo Hindu (Ấn Độ giáo) là một trục tôn giáo, một tôn giáo mẹ, mang đậm đà bản sắc Ấn Độ. Đó là tôn giáo không có người sáng lập, không có hệ thống giáo đường, chỉ dựa vào Đạo Sĩ (tượng trưng cho sức mạnh trừu tượng, tập hợp trong một cụm ”Tam Vị Nhất Thể” tức là Brahna (Thần Sáng Tạo), Visnu (Thần Bảo Tồn) và Siva (Thần Phá Hủy). Ngoài ra còn có các vị thần vệ tinh như Thần Parvati (vợ của Siva), Ganessa (con của Siva) mình người đầu voi, Lakhami (vợ của Visnu) và các Tiên Nữ Apeara v.v…
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 139
VẤN: Bà Lê Hồng Hoa, Philadelphia: Thời còn ở quê hương tôi có cơ hội giao du với một số đồng bào Thượng, nhất là đồng bào Thượng Sédang. Tuy vậy tôi vẫn chưa rõ nguồn gốc xuất xứ của họ, Họ có nhiều tập tục, lắm khi làm chết người oan uổng. Bà cụ có biết về sắc tộc này không?
ĐÁP:
Sédang là một trong 7 sắc dân chính trên vùng Cao Nguyên miền Nam. Bảy sắc dân thiểu số đó, ngoài Sédang ra còn có Bahnar, Djarai, Rhadé, M’nông, Stiêng và Kơhô. Người sắc tộc Sédang sống cạnh Díé, nhưng lại không thích ở các vùng hiểm trở, mà tập trung dưới các thung lũng, đông nhất ở bắc quận Hậu Đức, Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, người Sédang cũng có những bộ lạc sinh sống rải rác tại phía nam Quần Sơn, Ngọc Linh, vùng giữa Poko và Psi v.v… Người Sédang khỏe hơn các sắc dân thiều số khác. Họ thuộc giống Indonesien, thật thà nhưng có điều nóng tính. Họ rất can đảm và hiếu chiến. Về phong tục tập quán của người Sédang có phần ít khắt khe hơn các sắc dân khác.
Tuy nhiên đối với con trai chưa có vợ đêm đêm phải đến nhà Rông ngủ, tại nơi này có nội qui và kỷ luật rõ ràng tuy bằng miệng nhưng chặt chẽ và gay gắt hơn các sắc dân khác. Về tình cảm, giữa trai và gái có quyền chọn và giao ước với nhau. Sau đó chàng hoặc nàng có thể nhờ người đến dạm hỏi, nhưng đa phần cha mẹ đàng trai thường đưa mai mối đến dạm hỏi tác hợp cho đôi lứa. Họ cũng mang lễ vật đến bên nhà gái như vải vóc, khố, chiêng trống, ché tùy theo sự giàu có của bên nhà trai. Họ cũng tổ chức tiệc tùng. Cũng lắm nhà gái bắt ở rể trong thời gian ấn định theo tập tục, thường một hay hai năm.
Họ khắt khe nhất đối với tội thông dâm, bị phạt vạ xem là một trọng tội. Trường hợp khác, như người con gái bị thất tiết, tự động không bước ra khỏi nhà, chỉ ngồi khóc suốt ngày để rồi…thú tội với cha mẹ, và bô lão trong xóm, trong làng. Tội này thường qui định đàng gái lẫn người con trai quyến rủ phải giết trâu bò mời tất cả mọi người trong khắp vùng dự lễ ăn xin tội. Còn lắm tục lệ thật bi đát vốn dĩ vì thiếu mở mang, lạc hậu trong vấn đề sinh nở, nếu “mẹ tròn con vuông”, thì bình yên vô sự, nhưng gặp trở ngai khó khăn thì gia đình dùng đủ mọi cách giục cho đứa bé ra, mời thầy mo cúng kiến xin kẻ bề trên phù hộ, bằng nguy kịch thì họ lại leo lên bụng sản phu ngồi ấn xuống hoặc dùng chân đạp vào bụng không phải chỉ một người mà hàng chục người cùng đạp một lúc như vậy. Cuối cùng thì cả mẹ lẫn thai nhi vô tội đều bị chết bởi phương pháp man rợ này. Đó là chưa kể hết các trường hợp khác, như mới sinh ra ba ngày, rủi ro người mẹ bị qua đời, thì đứa trẻ sơ sinh đó cũng không “còn quyền” sống nữa. Thế là họ cúng tế linh đình, thầy mo đặt đứa bé vào giữa hai chân người mẹ xấu số rồi siết cho đứa bé nghẹt thở đến chết v.v….
VẤN: Cụ Hà Vân Lão, San Jose: Bà cụ có nhớ phong trào phản đối của các nhân sĩ dưới thời Hồ Quý Ly không?
ĐÁP:
Năm 1400, Hồ Quý Ly chính thức phế bỏ vua rồi xưng đế, thay thế họ Trần. Chính vì sự cướp ngôi này nên có Phong Trào Phản Đối và đi ở ẩn của các tôi trung tỏ thái độ bất hợp tác. Ngoài ra, còn nhiều nhóm khác nhau tìm đủ mọi kế sách để diệt trừ Hồ Quý Ly, trong đó có cả Sấm Truyền được truyền trong quần chúng là Thượng Hoàng nằm mộng thấy vua Duệ Tông tử trận ở đất Chiêm Thành hiện về đọc bài thơ như sau:
Trung gian duy hữu xích chủy hầu,
An cần tiếm thượng bạch kê lâu;
Khẩu vương dĩ định hưng vong sự,
Bất tại tiền đầu tại hậu đầu.
Sấm này được tán rằng:
“Thượng hoàng sinh năm Tân dậu ấy đó là “bạch kê”. Quý Ly là mỏ đỏ tức là xích chủy hay là khẩu. Chữ khẩu là chữ Quốc viết đơn hưng vong, không ở đầu trước mà lại ở đằng sau.”
Hội uống máu ăn thề mưu sát Hồ Quý Ly nhằm lúc họ Hồ (Quý Ly) đang ở trên lầu nhà Khát Chân. Lúc bấy giờ Phạm Tổ Thu cùng thích khách Phạm Ngưu Tất tay cầm kiếm định xông vào hạ sát nhưng bị bại lộ, thế là hơn ba trăm bảy mươi người bị hại. Tình hình cực kỳ căng thẳng, người đi đường chẳng dám nhìn nhau.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 140
VẤN: Cụ Huyền Nữ, Orange County: Hơn nửa thế kỷ kể từ “năm đói 52” xảy ra tại các tỉnh Nam-Ngãi-Bình-Phú, chắc bà cụ hiểu rõ nạn đói này kinh khủng đến bực nào. Tôi còn nhớ cũng trong thời kỳ này dân chúng bị bắt buộc phải đi Dân Công Tiếp Vận, riêng tại Quảng Ngãi không tránh khỏi phải qua “UI CHA” – tên của một đường đèo mà tử thần lúc nào cũng sẵn sàng cướp lấy mạng sống. Bà cụ biết đèo “Ui Cha” như thế nào xin giải thích hộ, cám ơn bà cụ nhiều.
ĐÁP:
Tôi có nghe cái đói 52 và đèo “Ui Cha” như bà chị nhắc đến. Thời gian 1952 các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên dưới chế độ Việt Minh được qui định là Vùng 1 Chiến Thuật tức Liên Khu 5. Năm 52 là năm dân chúng Vùng 1 bị nạn đói khủng khiếp nhất khiến người chết có thể nói là như rạ, ngang ngửa với cái chết vì bom đạn của cuộc chiến. Có hai câu trong bài thơ diễn tả về nạn đói khủng khiếp này mô tả đến độ giữa ban ngày mà những người trong cảnh đói mặc dù dưới ánh nắng mặt trời gay gắt mắt mở ra thao láo mà vẫn nghĩ rằng mình đang đi trong bóng tối:
Cái chết 52 nương sắn cỗi cằn
Trời tối lại mịt mùng che lối thẳm
Dốc “UI CHA” mà bà chị nhắc đến, đó là DỐC UI. Sỡ dĩ gọi là dốc “Ui Cha” chỉ vì dốc dựng ngược lên vừa hẹp vừa cao vút, đến độ muốn trèo phải cúi rạp mình xuống dùng cả sức lực đi lên từng bước một. Bất cứ người nào khi qua khỏi được Dốc Ui dều kêu lên “Ui Cha” như kêu lên lời thản thốt đã được tai qua nạn khỏi.
Lúc bây gờ nhà cầm quyền Việt Minh Cộng Sản bắt buộc dân chúng Liên Khu 5 tức Vùng Một Chiến Thuật phải gánh gạo đi Dân Công Tiếp Vận cho quân đội kháng chiến chống Pháp đóng tại Ba Tơ. Cuộc hành trình tiếp vận từ Quảng Ngãi phải đi đường 13 lên Giá Vực, phải qua Sông Re mới đến Dốc “UI CHA” là tiếng địa phương nói lên sự nguy hiểm của dốc này. Ui Cha đồng nghĩa với “ÔI CHA” chỉ cho lời lẽ mừng rỡ kêu lên như người được hoàn hồn vừa thoát nạn.
Tôi được nghe ông Nguyễn Chánh – Chủ tịch Hội Đồng Tỉnh Quảng Ngãi, thuật lại – ông là một trong những nạn nhân từng khiếp đãm mạng sống của mình như chỉ mành treo chuông khi được lệnh phải có bổn phận gánh gạo qua đèo, chỉ vì thuộc thành phần Địa Chủ. Ông lên đường đi làm trách nhiệm “Gánh gạo” lên tận Ba Tơ vào tháng Giêng – nhằm vào mùa mưa tầm tã.. Ông mô tả khi đến Dốc Ui mặc dù đang đúng giờ trưa, nhưng không hề thấy chút ánh sáng mặt trời, hệt như đang trong cảnh trời chiều. Khi vừa đến đầu Dốc Ui mọi người đều bỏ cả giày dép. Tại nơi đầu đèo, sắp xếp quang gánh với 30 ký gạo, được phép nghỉ ngơi đến 4 giờ sáng, có lệnh lên đèo. Việc ăn uống phải tự túc, tự nấu và tự lấy nước suối ven đường. Mỗi ngươi có một phương thuốc gia truyền để phòng chống dịch sốt có thể xảy đến. (Ông Chánh đã nhờ phương thuốc gia truyền của người bạn gồm Tỏi, Phèn Chua, Cơm Nguội, nghiền nát viên thành các viên thuốc nhỏ mang theo). Chính nhờ thang thuốc này hàng ngày ông uống sau bữa ăn nên tránh phải lâm cảnh sốt rét rừng.
Trèo lên Dốc Ui là một cực hình. Mỗi bước đi là mỗi lần trút đi sự sống vì hiễm nghèo của dốc mà cũng vừa dốc dựng ngược lên, nếu chẳng may sơ hở có thể mạng sống không còn. Phần trọng lượng của số gạo trên vai, phần đuối sức đi từ 4 giờ sáng đến mãi 12 giờ đêm mới có lệnh dừng chân lo cơm nước để rồi…4 giờ sáng hôm sau lại tiếp tục lên đường. Cam go nhất là dốc Cam Xủ, đây là cái dốc hiểm nghèo nhất. Qua được dốc này dù cho người có sức khỏe đến đâu cũng phải nằm xuống… thở dốc. Vì vậy có câu thành ngữ: “Cam Xủ Rũ Người”.
Qua khỏi Cam Xủ, mấy ngày sau thì đến Kontum, tiếng dân tộc gọi là Man Đen. Ngoài Dốc Ui Cha, Cam Xủ Rũ Người, người đi Dân Công Tiếp Vận còn phải một phen hãi hùng nhất là khi qua đèo Bảo Giáp, đèo này ở ngay số 13, đoàn tiếp vận thường gặp Cọp Hạm Đen, một con cọp 3 chân, nghe đâu thoát cũi của đoàn hát Xiếc Tạ Duy Hiền chạy thoát vào rừng, được coi là con hổ dữ dằn nổi tiếng, thường ra tìm mồi. Nhưng may mắn cho dân chúng thường ngang qua đường đèo số 13 này, Con Hổ Ba Chân của Tạ Duy Hiền đã bị một tay súng bắn ngã.
VẤN: Cháu Huỳnh Ngọc Hoa, Monterey Park: Bà cụ có nhớ các câu ca dao nói về loại tình cảm hay chọc nhau cho cháu xin một số. Cám ơn bà cụ nhiều.
ĐÁP:
Bà có nhớ đọc trong một tập Dân Ca Tình Yêu của nhà sưu khảo Thi Ca Dân Gian nào đó bị quên, ghi lại một số ca dao cho cháu như sau:
1. Anh kia đi cái ô dơi
Để em đi đất, đội trời sao đang?
2. Chợ chiều nhiều khế ế chanh
Nhiều cô gái lạ nên anh chàng ràng.
3. Trời cao đất thấp khó dò,
Chênh vênh bóng nguyệt khó dò ý anh.
Trêu chọc:
Quần anh thêu cù lần,
Áo anh thêu phụng lộn,
Hàm răng anh lộn xộn,
Con mắt quá to,
Cái miệng hỏa lò,
Nghe giọng hò phát ghét…
Còn tiếp
THINH QUANG