VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 29)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 141
VẤN: Ông Nguyễn Vân, Riverside: Xin bà cụ nhắc lại thời gian thực dân Pháp tiến chiếm thành Gia Định và các tỉnh ở Nam Kỳ. Cũng như sự xuất hiện chữ Quốc ngữ do các giáo sĩ Thiên Chúa giáo thực hiện. Tôi muốn được biết Việt Nam ta từ năm nào mới có nền báo chí xuất hiện?
ĐÁP:
Năm 1859, Pháp đổ bộ chiếm thành Gia Định. Sau đó tiến chiếm luôn miền Đông Nam Nam Kỳ (1862). Tiếp đến chiếm cứ nốt ba tỉnh Miền Tây vào năm 1867.
Chữ Quốc Ngữ xuất hiện từ thế kỷ thứ 17 là do các Giáo sĩ Thiên Chúa giáo dùng chữ La Tinh chế tạo. Thoạt đầu chữ Quốc ngữ ta còn ban sơ, chưa ai biết đến, ngoại trừ các Giáo sĩ dùng để ghi chép, làm phương tiện để học hỏi tiếng ta với mục đích rao giảng kinh sách trong dân chúng. Dần dần chữ Quốc ngữ được hoàn chỉnh vào áp cuối thế kỷ 18 dẫn đến nửa đầu thế kỷ 19. Thời gian này đã có hàng trăm người Việt theo Đạo Thiên Chúa giáo đã đọc và viết được một cách dễ dàng. Chữ Quốc ngữ như chúng ta sử dụng ngày nay, là một loại chữ dễ học nhất chỉ cần một thời gian ngắn trong vòng 3 tháng là có thể đọc được kinh sách do các Giáo sĩ ấn hành phân phát để truyền đạt giáo lý. Giai đoạn đầu ít người chú ý đến việc học hỏi chữ Quốc ngữ, mà chú trọng hai loại chữ Hán và chữ Nôm, coi đó là chữ nghĩa của Thánh Hiền.
Nhưng trong thời gian này vì nhu cầu cho tiện ích truyền thông, người Pháp nhận thấy cần phải tận dụng chữ Quốc ngữ để truyền đạt và phổ biến các thông cáo những điều cần thiết trong dân chúng v.v…Cũng từ đó nhà cầm quyền Pháp mở các học đường, khuyến khích mọi người học chữ quốc ngữ. Nhờ vậy số người biết đọc biết viết chữ quốc ngữ càng ngày càng nhiều, bằng vào sự hoàn chỉnh của chữ biến hóa từ La Tinh và dễ dàng học hơn chữ Hán, chữ Nôm.
Việc truyền thông cũng bắt đầu manh nha xuất hiện. Lúc ban đầu, nhờ có phương tiện máy in từ Pháp chở sang, in ấn tờ Le Bulletin Officiel De L’Expédition de la Cochinchine bằng tiếng Pháp song song với tờ Le Bulletin des Communes bằng chữ Hán do Đô Đốc Pháp ở Sài Gòn chủ trương. Nhưng sau đó nhận thấy cần có báo chí Việt ngữ, nhà cầm quyền Pháp cho thuê đúc giàn chữ Việt gần như giàn chữ La Tinh, lúc ban đầu do người Pháp làm chủ để in ấn báo Việt.
Năm 1868, tờ báo Việt ra đời đầu tiên có tên Phan Yên báo, mọi người nô nức đón mua đọc. Chẳng bao lâu, báo Phan Yên báo bị đình bản vì vi phạm chính trị. Điều này khiến người Pháp nghi ngờ, phải trải qua một thời gian dài, mãi đến đầu thế kỷ 20 báo Việt ngữ mới bắt đầu tái xuất hiện. Thật ra lúc đầu làng báo ta èo uộc cho mãi đến khi có cuộc chiến tranh thứ nhất 1914-1918 mới thật sự phát triển mạnh. Có thể dân chúng lúc bấy giờ muốn theo dõi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất này.
Lúc đầu vì là đất thuộc địa nên việc ra báo người Việt được hưởng theo qui chế thực thụ như nước Pháp, nên việc ra báo rất dễ dàng, không cần chờ đợi sự cho phép trước ấn hành báo cũng như không bị ràng buộc bất cứ một điều kiện nào khác, không cần tiền ký quỹ, đúng theo tinh thần điều 7 của đạo luật 29-7-1881. Lúc bấy giờ người đứng ra xuất bản báo chỉ cần thông báo cho Sở Biện Lý biết titre của tờ báo, thuộc loại nào, tuần san, bán nguyệt san hay nguyệt san, tên họ và địa chỉ của người quản lý, nơi in ấn và nếu thay đổi địa chỉ của chủ nhân hay của tòa soạn phải khai báo trong vòng 5 ngày v.v.. Đại khái là như vậy.
Nhưng về sau thì không còn nữa, lợi dụng sự tự do của báo chí, các báo Việt ngữ thi nhau công kích sự cai trị của nhà cầm quyền Pháp, và hậu quả là một đạo luật mới được đưa ra thi hành khắt khe đối với báo chí Việt ngữ. Từ đó tất cả các báo muốn ấn hành phải xin phép Phủ Toàn Quyền và phủ này phải được sự chấp thuận của Ban Thường Trực Hội Đồng Đông Dương (Section permanent du Conseil Supérieur de l’Indochine)…
VẤN: Cư Sĩ Hải Hồ, Houston TX. Thưa cụ, chúng ta thường nói đến Niết Bàn. Vậy Niết Bàn là gì? Bà cụ giải thích hộ cho. Cám ơn vô cùng.
ĐÁP:
Căn cứ vào triết học Phật giáo Ấn Độ thì Niết Bàn là nơi yên tĩnh bởi trạng thái của nó yên tĩnh. Niết Bàn là chốn tuyệt đối vắng lặng, vì nó thật vắng lặng. Đó là chốn tịch diệt, hư không một cách tuyệt đối. Theo Tăng Triệu trong luận văn Niết Bàn Vô Danh Luận thì cho rằng Niết Bàn là vô vi, cho nên tuy động mà thường tĩnh lặng, vô bất vi cho nên vắng lặng mà thường động. Vì vậy mới nói “vật chẳng thể là một, bởi tuy động mà thường vắng lặng nên vật cũng chẳng có thể là hai. Vì cái vật không thể là hai nên càng động bao nhiêu lại càng vắng lặng bấy nhiêu. Đó là Cõi Niết Bàn - nơi mà các bậc thánh nhân thường tìm đến với cái Đạo Vi Diệu. Cho nên mới bảo cái Đạo Vi Diệu đó là chốn Niết Bàn vậy.”
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 142
VẤN: Cụ Đào Trinh Nguyên, Virginia: Thế nào gọi là “Phù Chú”? Xuất hiện từ thời nào? Xin cụ giảng giải cho.
ĐÁP:
Nói về “”Phù Chú” nghe ra có vẻ huyền bí, thường bị gán cho là mê tín dị đoan. Thật ra, bùa chú thì đất nước, dân tộc nào cũng có. Như Hy Lạp, Pháp, Anh, nhất là các nước Châu Phi v.v…Trung Hoa gọi “Phù Chú” là phù văn, phù thư, phù thuật, phù triện v.v…
Thời Chiến Quốc, Tây Vương Mẫu được xem là một bậc thần có đầy uy quyền được xếp hàng thứ ba chỉ đứng sau Nguyên Thủy Thiên Tôn và Thái Thượng Lão Quân. Bà chuyên cai quản về vận mạng của bá tính. Cứ theo cổ sử, Hoàng đế thắng được Xuy Vưu là nhờ bà trao cho linh phù đã sử dụng đánh bại Xuy Vưu – là một bộ lạc mạnh nhất lúc bấy giờ.
Từ đó mọi người đều trông cậy vào các đạo phù. Trong lịch sử cũng ghi chép, Lão Tử tức Lão Đam còn gọi là Lý Nhĩ, cuối thời Xuân Thu ông được tôn sùng và tôn xưng là nhà tư tưởng danh tiếng bao trùm thiên hạ. Tuy Lão Tử sáng lập ra Đạo gia nhưng ông lại không phải là thủy tổ của Đạo giáo mà chỉ là Giáo chủ của giáo phái này. Theo kinh điển của đạo Ngũ Mễ (có sách ghi Ngũ Mễ Đẩu) ghi rằng bùa chú được xem là vật linh thiêng, nhưng thường bị người đời lợi dụng trong mọi lĩnh vực để thực hiện theo ý đồ có lợi cho chuyện riêng tư. Theo người Trung Hoa thì “Phù Chú” là một sản phẩm của tín ngưỡng.
VẤN: Bà Vũ Quang Linh, Orange County: Xin bà cụ giải nghĩa hộ cho các câu tục ngữ như sau:
1. Đắc nhân nhất ngưu, hoàn nhân nhất mã
Nhất hạp tử lai, nhất hạp tử khứ
2. Đăng đài chiếu nhân, bất chiếu kỷ
ĐÁP:
1. Được người một trâu, trả người một ngựa
Một hộp gửi tới, một hộp gửi đi
Ta cũng có câu:
Bánh ích gửi đi, bánh chì gửi lại
Có qua có lại mới toại lòng nhau..
2. Đèn để soi người, chứ chẳng soi ta
Ta cũng có câu:
Chân mình thì lấm bê bê
Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.
VẤN: Ông Vũ Bỉnh, San Jose: Bà cụ giải nghĩa hộ cho các câu trong Tam Thiên Tự ghi bên dưới và dồng thời xin bà nói về ý nghĩ và sự tích của nó:
ĐỊA SỞ SINH – HỮU THẢO MỘC – THỬ THỰC VẬT- BIẾN THỦY LỤC
HỮU TRÙNG NGƯ – HỮU ĐIỂU THÚ – THỬ ĐỘNG VẬT – NĂNG PHI TẨU’
ĐÁP:
Nghĩa từng chữ như sau:
ĐỊA là Đất, mặt đất.
SINH: Sinh trưởng, mọc ra.
THẢO MỘC: Cỏ cây.
THỦY LỤC: Dưới nước và trên mặt đất.
BIẾN: Khắp nơi.
TRÙNG: Côn trùng, sâu bọ.
NGƯ: Cá.
ĐIỂU: là chim.
NĂNG: Có khả năng, có thể.
PHI TẨU: Bay và chạy.
Nghĩa toàn bộ của 8 câu bên trên:
“Trên trái đất còn sinh trưởng các loại cỏ cây, gọi là thực vật. Chúng hiện diện ở mọi nơi từ trên bờ đến dưới nước.
Còn có các loại sâu bọ, cá, chim và thú vật gọi là Động vật. Chúng có loại có thể bay trên trời, có loại có thể chạy trên mặt đất.
SỰ TÍCH:
Cách đây khoảng 2000 năm trước, người Trung Hoa có nhiều chuyện thần thoại về các loại cỏ cây, muông thú… Quyển “Sơn Hải Kinh” là một quyển sách chuyên ghi chép các loại chuyện thơi cổ. Trong sách có nói về một ngọn núi tên là Chiêu Dao Sơn. Núi này mộc một loại cỏ tên là Chúc Dư có hình dáng giống như cây hẹ hoa nhỏ màu xanh, khi ăn cỏ này con người có cảm giác no như ăn cơm.
Ngoài ra, còn có một loại cây, tại thân cây có những vân vòng tròn màu đen. Các vân này có một cái tên kỳ quái là “Mê Cốc”. Nếu đeo “Mê Cốc” trên người thì có thể tránh được các tà ma quỉ quái.
Trong sách còn kể rằng:
”Ở phương Bắc có một nước tên là ”Hắc Xỉ Quốc”. Dân tại nước đó đều mọc răng đen. Ở nước Hắc Xỉ Quốc có một thung lũng, trong thung lũng có một cái hồ, xung quanh hồ có một loại cây gọi là cây Phù Tang. Theo truyền thuyết thời cổ, trên trời có mười Ông Mặt Trời. Mười ông Mặt Trời này thường đến hố nước này để tắm mát.
Sách còn chép rằng: Có một ngọn núi gọi là Đạn Huyệt Sơn, trên núi có một con chim, trông giống gà gọi là con “Phượng Hoàng” Đầu con Phượng hoàng có vân gọi là “Đức”. Lông ở cánh có vân gọi là “Nghĩa”. Lông ở trên lưng có vân gọi là “Lễ”. Lông ở ngực có vân gọi là “Nhân”. Lông ở bụng có vân gọi là “Tín”. Chim này không những biết hót rất hay, rất êm tai, mà còn biết nhảy múa trông rất đẹp mắt. Người xưa đã xem con Phượng Hoàng như con chim Thần. Mỗi khi con chim xuất hiện trong nhân gian thì thiên hạ hưởng được thái bình.
Các câu chuyện kể trên đây tuy là thần thoại, nhưng cũng nói lên tình cảm của con người đối với muôn vật trên trái đất này rất là thắm thiết.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 143
VẤN: Cháu Vũ Quỳnh Trang, Orange County: Cháu muốn có một số ca dao nói về tình hoặc thuận hoặc nghịch. Xin cụ giúp cho.
ĐÁP: Dưới đây là một số ca dao nói về mối tình chung thủy:
Con vua lấy thằng bán than
Nó đem lên ngàn cũng phải đi theo
Con quan đô đốc đô đài
Lấy thằng thuyền chài cũng phải lụy mui.
A men lạy Đức Chúa Trời
Có cho bên đạo bên đời lấy nhau?!
Tu đâu cho thiếp tu cùng
Để cho thành Phật ngồi chung một tòa.
Thôi đừng cười gió cợt trăng
Sao không cầm lấy xích thằng mà xe
Thồi đừng vung vẩy cành tre
Đã thương thì quyết chớ nghe họ hàng.
Lấy nhau vì nghĩa vì tình
Đói no không ngã, rách lành không nghiêng.
Hay bị ép uổng:
Má ơi! Con không muốn lấy anh thổi kèn
Phùng mang trợn mắt chảy ghèn hai bên.
Má ơi, con không muốn lấy anh thợ cưa
Trên tàn, dưới mạt, dái đưa lòng thòng
Má ơi, con không muốn lấy anh thợ bào
Trườn lên tuột xuống nhát nào cũng êm
Hoặc thương nhớ nhau:
Sen xa hồ sen khô hồ cạn,
Liễu xa hồ, liễu ngã đào nghiêng.
Anh xa em như bến xa thuyền
Như Thúy Kiều xa Kim Trọng biết mấy niên mới tái hồi?
Sao chàng tệ lắm bớ chàng
Đêm khuya nguyệt lặn hoa tàn đợi trông.
Đêm nằm mà nghĩ gần xa
Trở mình nó gãy mười ba thanh giường.
VẤN: Ông Vương Vũ, Maryland: Trong Kiều có mấy câu:
“Hữu tình ta lại gặp ta
Chớ nề u hiển, mới là chị em”.
Và câu:
Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng nhhư thể cây quỳnh cành dao”.
Tôi không hiểu rõ từ “U Hiển” cũng như “Cây Quỳnh Cành Dao”. Bà cụ giải thích hộ. Cám ơn cụ hiều.
ĐÁP:
“U” là tối tăm, chỉ về người cõi âm, “HIỂN” là rõ ràng, chỉ về người sống ở trần gian.
Cây quỳnh cành dao: Trong sách có câu: ”Vương Diễn như quỳnh lâm giao thụ”. Có nghĩa người Vương Diễn đẹp tợ cây ngọc dao ở rừng quỳnh.
VẤN: Bà Dương Đình Tấu (Virginia): Tôi có hai điều băn khoăn, xin nêu lên nhờ bà cụ giải hộ:
1. Thời Tống Khang Vương có nàng Hà Thị tài sắc vẹn toàn. Trước khi tuẫn tiết nàng có bài thơ để lại cho chồng. Bài thơ này tôi chỉ nhớ võn vẹn một câu “Nam sơn hữu điểu” còn ba câu tiếp theo tôi quên mất.
2. Có một bức tranh đời Tống họa hình ảnh một thiếu phụ bị đám cung nữ ôm giữ chặt không thể nào cựa quậy được. Bà cụ có nhớ điển tích của cảnh này không?
ĐÁP:
Câu 1:
Tống Khanh Vương là ông vua hoang dâm vô độ. Một hôm trong chuyến đi săn bắn bắt gặp một thiếu phụ đang hái dâu sắc nước hương trời, mày tằm mặt phụng…trên thế gian khó có người đẹp nào sánh bằng. Nhà vua tra hỏi biết là Hà Thị vợ của Hàn Bằng. Tống Khanh Vương bèn cho viên quan hầu cận đến bảo Hàn Bằng đem vợ dâng hiến cho mình. Được tin hai vợ chồng Hàn Bằng và Hà Thị vô cùng đau đớn, nhưng không làm sao dám trái ý nhà vua. Mấy hôm sau, quân binh đến bắt nàng lên kiệu hoa khiên về triều. Trước khi đi, nàng Hà Thị lấy giấy hoa tiêu viết ngay bài “Biệt Ly” trao tận tay chồng. Nguyên bài thơ đó như sau:
“Nam sơn hữu điểu
Bắc sơn trương la
Điểu tự cao phi
La đương nại hà?!”
Nghĩa là:
“Núi phương Nam có con chim, núi phương Bắc thì giăng lưới. Chim thì bay cao, vậy giăng lưới đểlàm gì?”
Lúc về đến kinh đô, vua Tống Khang Vương mời nàng lên đài Thanh Lăng, hứa sẽ sắc phong cho nàng làm Vương Hậu. Nàng nhìn trừng trừng vào mặt vua rồi bất thần từ trên đài cao nhảy xuống tuẫn tiết cho trọn đạo vợ chồng.
Câu 2:
Bức tranh bà cụ hỏi là của Hy Lăng Tiểu Châu Hậu vẽ. Đó là cảnh Tiểu Châu đang bị đám cung nữ ôm ghì chặt giữ lại.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 144
VẤN: Ông La Thoại Ngọc Hầu (Rosemead): Chẳng biết các nhân vật thời cổ đại bên Tàu như Hoàng đế, Hậu Nghệ, Nghiêu,Thuấn v.v… có thật hay không?
ĐÁP:
Trong truyền thuyết cổ đại Trung Hoa có lắm nhân vật cung những mẩu chuyện của các vị anh hùng như Hoàng đế, Hậu Nghệ, Nghiêu,Thuấn, Cổn, Vũ v.v…là có thật. Có thể đó là những tù trưởng được xem là các nhân vật kiệt xuất trong một xã hội thị tộc.
VẤN: Cụ Võ Như Sơn, Monterey Park: Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008 đến đầu năm 2010, điều này làm tôi nhớ lại cách nay gần môt thế kỷ có cuộc khủng hoảng vô cùng tai hại khắp nơi trên thế giới. Bà cụ có biết cuộc khủng hoảng kinh tế này không?
ĐÁP:
Lúc bấy giờ, kể từ năm 1919 đến 1930, một cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra khắp hoàn cầu được xem là vô cùng tai hại. Thời gian ghi bên trên còn kéo dài đến năm 1933 và 1934 mới thực sự chấm dứt. Riêng Việt Nam là một trong ba xứ Việt – Miên - Lào, lúc bấy giờ được xem là vựa lúa của Á Châu, đồng bạc Đông Dương (piastre) cao hơn đồng quan (franc) của Pháp rất nhiều. Nhưng ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nên vật giá bị rớt xuống như vàng khoảng trăm đồng Đông Dương một lượng, đất ruộng khoảng 200 một mẫu, một lon sữa bò gạo chỉ một xen (cent) ngang giá một cái bánh đa. Dân chúng sống trong cảnh điêu linh thống khổ. Nhiều thảm cảnh bị đói chết diễn ra tận hang cùng ngỏ hẽm. Sau năm 1934 nền kinh tế vừa bắt đầu hồi phục thì đến nạn quân phiệt Nhật Bản đem quân sang đánh Trung Quốc, mở màn cho cuộc chiến thế giới thứ hai khiến dân chúng Á Châu lâm cảnh đói khổ cho đến khi chấm dứt cuộc chiến tranh thứ hai mới hưởng được cảnh thanh bình mặc dù cũng chỉ là ngắn hạn.
VẤN: Hai cụ Hồ Bân và Lê Giảng (San Jose) Có mấy điều xin bà chị chỉ giáo cho:
1. Thế nào gọi là Hoa Giáp? Luật Can Chi xuất hiện từ lúc nào?
2. Nhật Thần là gì? Tôi có đọc trong bản chỉ dẫn về tử vi, sao không thấy đề cập đến?
ĐÁP:
Câu 1: Đó là Lục Thập Hoa Giáp. Lối ghép của mười Can với mười hai Chi thành mười sáu Kép. Luật Can Chi xuất hiện từ đời Hoàng đế (2697-2597). Trong Tử Vi không dùng Nhật Thần tức tên của ngày, đối với các thuật sĩ cũng như trong Ngũ Thuật (ngoại trừ Tử Vi Đẩu Số) các khoa Mệnh, Y, Sơn luân và Phương tề, châm cứu đều cần đến.)
VẤN: CƯ sĩ Tịnh Sơn (Monterey Park): Sao gọi là Phật, Pháp, Tăng? 37 phẩm trợ đạo, là những đạo phẩm nào, in cụ nhắc hộ cho?
ĐÁP:
Đức Phật là Phật Bảo. Kinh sách giải:
-”Những lời Phật dạy là Phật Bảo. Các vị Tỳ Kheo xuất gia tu theo Phật là Tăng Bảo. Còn 37 phẩm trợ đạo gồm bốn niệm xứ (Tứ niệm xứ), bốn hính cần (Tứ chính cần), bốn như ý (Tứ như ý túc), năm căn (ngũ căn) năm lực (ngũ lực) v.v… Muốn được đắc đạo cần phải để cho thân tâm thanh tịnh, không ưu tư phiền não, phải tận diệt cái khổ của mình…
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 145
VẤN: Ông Vũ Hòa, Milpitas, California: Tôi nghe các nhà triết học Trung Hoa và Ấn Độ cho rằng mỗi con số đều biểu trưng cho một vật thể có tính quan trọng trong vũ trụ. Chẳng biết bà cụ có nghiên cứu về khoa này không? Nếu có, xin được giải thích cho.
ĐÁP:
Vào năm 1943, có nghĩa 67 năm về trước cụ Đinh Văn Ngọc nguyên Chủ tịch hội Thế Vận Việt Nam có nêu vấn đề ra cùng tôi thảo luận. Trước tiên cụ thắc mắc tại sao Hà Nội thời xa xưa chỉ lập ra 36 phố phường, sao không là 37 hay 40 chẳng hạn? Xin trích lại một đoạn ngắn trong tập Hai Mươi Năm Thăng Trầm của cụ Đinh Văn Ngọc có ghi lại về con số 36 chỉ là con số biểu trưng:
“Khi dùng để biểu trưng thì tự nó không còn ý nghĩa chính xác nữa. Mỗi con số có những biểu trưng riêng biệt của nó, ví như con số “3” và con số “36” chẳng hạn. Con số 3 là con số cơ bản. Nó là con số 3 tuyệt vời như nhà bác học cổ đại Pithagore đã nói như vậy. Bởi nó là “khởi đầu, trung gian và kết thúc”… Cứ theo hệ thống của nền triết học Trung Hoa thì Trời được biểu trưng bằng con số 1, Đất con số 2, tức là con số chẵn đầu tiên. Rồi Trời và Đất kết hợp nhau tạo ra loài người là con số 3. Như ta thấy 1 kết hợp với 2 thành 3. Vậy con số 3 tạo thành bộ ba căn bản, chỉ cho Trời, Đất, Người. Đó là Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhân Hoàng. Các tôn giáo cũng có hệ thống như vậy.
Phật giáo thì Phật – Pháp – Tăng.
Thiên Chúa giáo có Cha – Con và Thánh Thần.
Hindu giáo có Sáng Tạo – Bảo Tồn – Hủy Diệt.
Theo Âm lịch một năm có 360 ngày. 36 là con số biểu trưng của Đại Tổng Thể. Như vậy 36 phố phường ở Hà Nội không đi ra ngoài phạm vi đại tổng thể đó. Ca dao ta có câu:
Trên trời 36 thứ chim
Thiếu gì loan phượng đi tìm quạ khoang.
Theo nhà bác học Pithagore thì “36” là con số “Tứ phân” lớn vì nó biểu hiện của cả bốn số chẵn lẻ đầu tiên. Các số 36, 72, 108 tương xứng với 108. Vậy con số 108 là thành số của Trời, Đất cộng lại. Nó không phải là ngẫu nhiên mà là do một quy luật
VẤN: Ông Thân Trọng Lư Riverside: Thường nghe trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung có nói đến “Ngụy Quân Tử” và môn luyện võ công Tịch Tà Kiếm Pháp. Bà cụ biết không? Nếu được bà cụ giảng giải hộ xin vô vàn cảm tạ.
ĐÁP:
Trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, người đời thường nhắc đến danh xưng “Ngụy Quân Tử”. Nhân vật mang cái danh xưng đó là Ngụy Quân Tử, Nhạc Bát Quần. Chính ông ta đi ăn cắp chiếc áo Cà sa tại tòa cổ miếu ở ngỏ Hướng Dương vì trong chiếc áo Cà sa đó có ghi “Bí Kíp Võ Công Tịch Tà Kiếm Phổ”. Vì mưu chiếm bí kíp này mà ông ta mang gả Nhạc Linh San cho Lâm Bình Chi không ngoài mục đích mưu chiếm cho kỳ được bí kíp này.
Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ có vụ án mạng diễn ra tại ngôi chùa Thiếu Lâm. Nạn nhân chẳng ai xa lạ là hai vị Sư Thái thuộc phái Nga Mi. Lúc bấy giờ những người có mặt tại hiện trường toàn là “Cao Thủ Võ Lâm” của các chính phái. Mọi người đều có một nhận xét như nhau là cái tên ”Ma Đầu” nào đó lọt vào được đây hẳn phải là tay thuộc hàng võ công thượng thặng. Bởi hắn ta chẳng để lại một dấu tích nào ngoại trừ một vết nhỏ như mũi kim đâm vào tử huyệt do Lệnh Hồ Xung phát giác được.
Về sau đấu với Đông Phương Bất Bại, Lệnh Hồ Xung thấy hắn sử dụng Tịch Tà Kiếm Pháp đâm mù mắt Nhậm Ngũ Hành bằng mũi kim khâu, lúc đó mới vỡ lẽ ra là kẻ hạ sát hai vị Sư Thái kia không ai ngoài Nhạc Bất Quần. Lão ta cũng chẳng khác nào Đông Phương Bát Bại, cũng tự thiến “Cái Của Quý” để luyện môn võ công này. Họ Nhạc vừa dữ lại vừa đầy gian ngoan mưu lược. Hôm giết hai vị Sư Thái chết lão ta cũng hiện diện tại chỗ, cũng phẫn nộ, cũng muốn ăn tươi nuốt sống kẻ tàn bạo nào đó. Mọi người chẳng ai dám chất vấn bởi cái uy danh của hắn ta là Quân Tử Kiếm. Chẳng lẽ kẻ quân tử lại đâm lén thiên hạ sau lưng sao? Nhưng về sau, lão cũng bị thân bại danh liệt như Mộ Dung, cũng phát điên, phát cường lang thang nơi tha ma, mộ địa v.v…
VẤN: Cô Lê Hồng Nhạn, UCL, California: Cháu muốn được nhắc lại tiểu sử của nhà thơ Kalidasa. Xin cụ nhắc hộ cho.
ĐÁP:
Kalidasa là một nhà thơ vĩ đại của Ấn Độ vào thế kỷ 4, 5. Thơ ông viết bằng tiếng của Ấn Độ. Theo truyền thuyết ông vốn thuộc dòng dõi đẳng cấp Bà La Môn. Ông mồ côi cha mẹ và được một người chăn cừu nuôi. Lớn lên ông ít được đến trường học do đó mà có phần đần, nhưng bù lại ông rất đẹp trai. Người con trai đần độn này tên là Kali được nàng công chúa trong triều yêu thương, và xin vua cha cho được lấy làm chồng.
Vì yêu chồng, nàng công chúa cầu xin nữ thần Kali truyền cho chaàng trai trí tuệ. Từ đó chàng trở nên thông minh và được nữ thần ban cho cái tên là Kalidasa – có nghĩa, nô lệ của nữ thần Kali.
Tuy những tài liệu còn quá ít ỏi, nhưng các nhà nghiên cứu biết chắc là Kali sống và sáng tác vào giai đoạn trị vì của hai vị vua Sandra Gupta thuộc thời đại hoàng kim của văn hóa Ấn Độ cổ đại. Kalidasa được coi là chiếc vương miện của làng thơ trong đội ngũ 9 nhà đại văn học hay thường gọi là 9 viên quý ngọc của vua Sandra Gupta. Thời đại đã buộc Kalidasa phải gắn chắt mình với những truyền thống văn học.
Còn tiếp
THINH QUANG