VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 30)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 146
VẤN: Ông Diệp Bảo Hưng (Rosemead): Tôi còn chưa rõ về tính chất và chủ trị của sâm. Ví như, trong Y học Đông phương nói rằng bảo sâm có lúc có tính cực âm, lúc thì nó lại có tính cực dương. Lại nữa, theo y lý Đông Phương cho rằng sâm chận được hàn, dùng nhiều thì chẳng khác nào như thiêu như đốt. Chẳng biết loại bảo sâm này chủ trị về bệnh gì? Xin cụ chỉ giáo cho.
ĐÁP:
Tính chất của “sâm” tự nhiên mọc hay được trồng, hoàn cảnh vẫn thích nghi là nơi ẩm ướt và không có ánh mặt trời. Thế có nghĩa nó thích nghi với nơi râm mát. Sâm mang tính “cực âm” nhưng đặc biệt khi thành củ rồi thì nó lại là “cực dương”, có nghĩa nó không còn là tính hàn nữa mà trở thành tính nóng, phát nhiệt. Nên nhớ, khi dùng ít nó mang tính “chận hàn”, dùng nhiều thì trở thành nóng. Vị của sâm tùy theo loại, phần nhiều rất béo, có vị ngọt và nồng độ của từ tính rất cao. Nếu là sâm quý chỉ cần ngậm một lát nhỏ là chúng ta có thể nhận ngay được nồng độ phát ra cực mạnh do vị giác thấm thấu ngay khi vừa đưa lát sâm ấy vào miệng.
Về chủ trị: Nhớ là Sâm được mang tên là “Thần Thảo” vì nó linh nghiệm đối với các căn bệnh căn cứ theo y lý, chữa các chứng:
- Suy tim (Cardiac failure)
- Tim và phổi (Cardiopulmonary)
- Sự xáo trộn dẫn truyền từ tâm nhĩ đến tâm thất (Bundle Barnchbrock)
- Nhịp tim giống như tiếng hý nhỏ v.v…
Đại khái như vậy. Tuy nhiên, ông cần đến các Đông Y Sĩ đầy kinh nghiệm và có kiến thức rộng về y lý khảo sát lại thì tốt hơn.
VẤN: Cháu Vũ Bạch Thủy, Alhambra LA. Cháu thường nghe trong ca dao ta có “hát đối”, nhưng cháu không biết hát đối là gì? Bà cụ giải hộ cho cháu. Và nhân thể nếu được bà cụ cho cháu một vài câu trong vế hát đối như cháu đề cập trong câu hỏi này.
ĐÁP:
Hát đối là bài hát giữa hai bên nam, nữ hát đối đáp thường được sử dụng trong các cuộc gặp gỡ giải trí ở những nơi công cộng, làm tăng thêm phần hào hứng trong việc làm có tính lao động, như xay lúa, giả gạo, tát nước, gặt hái v.v… Có nhiều cách hát đố, thường bên nam hát một câu bên nữ hát trả một câu để hỏi han và trả lời nhau, mục đích chòng ghẹo mua vui trong lúc làm việc.
Hát đối được chia nhiều loại như: hát quan họ, hát ví, hát dặm v.v…
Xin trích một số câu hát đối đáp giữa nam, nữ trong các cuộc vui thường diễn ra ở nông thôn:
Câu hát của bên Nam:
“Ngồi tựa vườn đào,
Nửa chăn để đó, nửa giường để đó chờ ai.
So chữ sắc tài,
Có công gắn bó, có người phụ nghĩa quên công.
Nên chăng đấy vợ, đây chồng?!”
Và câu hát đáp lại của bên Nữ:
“Ngồi tựa vườn đào,
Thấy người bạn ngọc ra vào, lòng những vẩn vơ.
Tháng đợi năm chờ,
Yêu nhau chớ để hững hờ với khách tài hoa.
Khấn nguyện trăng già
Duyên tơ xe lại một nhà đầm ấm yên vui.
Nguyệt lặn sao dời
Bỏ công gắn bó giao đoan.
Nên chăng tình Tấn duyên Tần??
VẤN: Cụ Đào Huy Hiệu (Monterey Park): Ai lập ra 64 quẻ cũng như bản đồ phương vị cho Dịch học?
ĐÁP:
Thụ Ung. Ông là một nhà triết học được xem là siêu việt của Trung Hoa chẳng có ai sánh kịp.
VẤN: Ông Đào Hữu Trúc, Monterey Park: Xin bà dịch hộ mấy câu tục nữ bằng chữ Hán sau đây:
1. Kim triêu hữu tửu kim triêu túy
Minh nhật sầu lai minh nhật đương.
2. Kim bằng hỏa luyện phương tri sắc
Nhân dữ tài giao tiện kiến tâm.
ĐÁP:
Câu thứ 1:
Sớm nay rượu đến thì say uống
Mai hễ sầu chi đã có mai.
Ta cũng có câu:
Được con nào, xào con nấy.
Câu thứ 2:
Lửa lò thét ngọn vàng tươi sắc
Giao địch đến tiền mới rõ tâm.
Ta có câu:
Thấp cao mới biết tuổi vàng
Gặp cơn lửa đỏ màu càng thắm thêm.
VẤN: Cụ Đào Trọng (Florida) Bài “Thiên Tịnh Sa, Thu Tứ” của tác giả nào? Nhân, xin bà cụ ghi lại toàn bộ bài thơ này.
ĐÁP:
Đó là bài thơ của Mã Trí Viễn, xin ghi lại bên dưới:
Khô đằng lão thụ hôn nha
Tiểu kiều lưu thủy nhân gia
Cố đạo tây phương sấu mã
Tịch dương tây hạ
Đoạn trường nhân tại thiên nha.
Chiều về quạ đậu cây đằng, nhà ai dựng mé bờ sông ven cầu? Ngựa gầy ta cưỡi, gió lộng đường xưa, mặt trời sắp lặn về tây, người thì góc bể, kẻ nơi phương trời, bỗng dưng ta cảm thấy đứt từng khúc ruột.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 147
VẤN: Cụ Trần Lê, San Jose: Nghe nói tập Yoga nếu thành đạt được, con người sẽ làm nên được những điều thần điệu. Chẳng biết chuyện này có thật vậy không?
ĐÁP:
Có thật vậy. Thân thể con người là một động cơ tuân theo sự tuần hoàn của hơi thở do bộ máy hô hấp điều hòa chuyển động. Hơi thở theo từng bước thâm nhập vào cơ thể ta cho ta sự cảm nhận trực tiếp những lực vi tế vào hoạt động trong các đường dây thần kinh. Từ đó, nó giúp điều khiển và chế ngự được thân xác ta một cách vẹn toàn. Đó là điều cần hiểu biết để bước vào sự tu tập Yoga.
Khi mà ta đạt được sự hỗ trọn vẹn trình độ của những Yogi lên đến địa vị tối thượng, tâm thức ta lúc bấy giờ ví như mặt nước hồ thu, khi ném một viên đá xuống, nước sẽ bị chuyển động như những đợt sóng. Chính những cơn lốc vritti này biểu trưng cho thế giới khách quan. Phép Quán Tưởng đem lại cho chúng ta một quyền năng huyền bí. Muốn được vậy người luyện Yoga loại bỏ hết ý niệm, mọi suy nghĩ chỉ còn là một tâm niệm mà tâm niệm này nhất thể hóa cái mà mình quán tưởng. Lúc bấy giờ người ta sẽ trở thành như chất pha lê nếu đặt trước hoa hồng, nó sẽ có màu hồng, đặt trước hoa tím nó sẽ là màu tím của hoa sim…
Những người tập Yoga sẽ đẩy lui được các bệnh tật, sức khỏe được tăng cường, tâm thần được thoải mái… và sẽ đạt được khả năng huyền diệu. Nói cách khác, phép quán tưởng đem lại cho con người một quyền năng huyền bí v.v…
Như gần đây các báo chí đăng tải trên các nhật báo nói tại AHMEDABAD (Ấn Độ), một nhóm các bác sĩ quân y với sự hỗ trợ từ một trung tâm nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ về một đạo sĩ 83 tuổi gần bảy thập niên qua đã sống tự nhiên mà không cần ăn uống. Vị đạo sĩ có tên là Prahlad Jani, được đưa vào phòng niêm phong tại một bệnh viện ở thành phố Ahmedabad, nơi ông được quan sát 24 giờ/ ngày bởi 30 bác sĩ và sẽ trải qua nhiều thử nghiệm y khoa.
Bác sĩ G. llavazahagan, giám đốc viện India Defence Institude of Phsysiology and Allied Sciences, nói cuộc nghiên cứu này có thể cho thấy cách mà con người sinh tồn không cần thức ăn và nước uống. Các thử nghiệm y khoa đã thực hiện gồm scan dao động điện từ não bộ MRI, do các biến động của não và tim bằng các điện cực, thử máu và nhiều thứ khác v.v…Thử nghiệm đã khởi sự từ ngày 20-4-2010 và sẽ kéo dài 15-20 ngày. Từ khi vào bệnh viện, đạo sĩ Jani không ăn uống gì, cũng không đi bài tiết theo lới của bác sĩ llvazahagan. Đạo sĩ nói là ông có thể sinh tồn khong cần ăn uống là nhờ tu thiền.
Đây không phải là chuyện mới mẻ gì. Con người làm được mọi chuyện, như Chết và Sống. Một ký giả người Nga, E Xaparina kể lại trong một bài báo:
-”Bà đã chứng kiến tại Calcutta Ấn Độ một đám đông người kéo nhau qua trung tâm thành phố thẳng đến giữa cánh đồng. Bước chân họ chậm dần và dừng lại trước cửa huyệt đã đào sẵn. Bỗng từ trong đám đông người, một ông cụ già gầy gò tiến đến miệng huyệt từ từ bước xuống và nằm yên bất động như một xác chết. Bên trên đám đông lâm râm cầu khấn rồi mỗi người một tay ném xuống một nắm đất cho đến khi trở thành một ngôi mộ.
Đám đông đó đứng chờ lối 3 hay 4 tiếng đồng hồ rồi xúm lại bới lên. Khi tất cả đất dưới huyệt được bốc hết để lộ một thân hình như cái xác bất động, mắt nhắm nghiền, tưởng chừng như ông cụ không còn thở nữa. Nhưng, chỉ vài phút trôi qua, mí mắt ông động đậy, ông hít nhẹ và…chẫm rải đứng dậy mỉm cười… Ông già đó chính là Yogi.
Chẳng phải duy nhất ông cụ Yogi này mà còn nhiều Yogi khác. Như năm 1837 ở tỉnh Pendjab một Yogi tự nguyện chết trong 40 ngày. Đó là ông Yogi Haridas. Ngày ông bắt đầu ngồi giữa lòng huyệt trước mặt viên tỉnh trưởng tên là Singh cùng nhiều nhân vật từ Pháp và Anh cùng đến chứng kiến. Trên ngôi mộ còn gieo lúa đại mạch, có lính canh gác, đến 40 ngày sau đó được khai quật lên, Haridas vẫn ngồi nguyên tư thế cũ.
VẤN:
Ông Tú Lắc, San Jose: Có sách vở nào nói về phương pháp trường sinh vô bệnh không?
ĐÁP:
Theo Thái Ất Chí Nhân, chỉ dạy: “Muốn thân thể khang kiện thì thực hiện 6 điều như sau”:
1. Ít nói năng để dưỡng nội khí
2. Kiêng sắc dục để dưỡng tinh khí.
3. Đừng nhổ nước bọt để dưỡng tạng khí.
4. Bớt thức ăn quá kích thích hoặc khó tiêu để dưỡng huyết khí.
5. Chớ tức giận để dưỡng can khí.
6. Ăn uống chớ quá độ để dưỡng vị khí.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 148
VẤN: Ông Đào Phú Xuân, Trinity St. Philadelphia: Trong Tam Thiên Tự có đoạn nói về ”Những sông ngòi trực tiếp chảy ra biển”, vậy bốn dòng sông ấy là sông nào? Và, năm hòn núi cao là những núi nào? Cụ giúp nhắc cho.
ĐÁP: Trong Tam Thiên tự có đoạn:
VIẾT GIANG HÀ, VIẾT HOÀI TẾ, THỬ TỨ ĐỘC, THỦY CHI KY.
VIẾT ĐẠI HOA, TUNG HẰNG HÀNH, THỬ NGŨ NHẠC, SƠN CHI DANH’
Nghĩa từng chữ:
ĐỘC: Những con sông trực tiếp chảy ra “biển” gọi là “Độc”.
KỶ: Đại biểu, Đại diện.
Giang, Hà, Hoài, Tế tức là Trường Giang, Hoàng Hà, Hoài Thủy, Tế Thủy.
NHẠC: Núi cao.
ĐẠI: Núi Đại, tên khácd nữa là Thái Sơn.
HOA: Hoa Sơn.
TUNG: Tung Sơn.
HẰNG: Hằng Sơn.
HÀNH: Hành Sơn.
Dịch nghĩa: Những sông ngòi trực tiếp chảy ra biển có bốn con sông đại diện là: Trường Giang, Hoàng Hà, Hoài Thủy và Tế Thủy.
Năm ngọn núi cao nổi danh là Thái Sơn ơ phía Đông, Hoa Sơn ở phía Tây, Hằng Sơn ở phía Bắc, Hành Sơn ở phía Nam và Tung Sơn ở giữa.
Chuyện kể rằng: ”Hoàng Hà và Trường Giang là hai con sông nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Trường Giang là con sông dài nhất (thuộc hàng thừ tư trên thế giới), gần như chia TQ là hai phần Nam Bắc. Đời nhà Tống, giặc Kim thường uy hiếp phần phía Bắc mà không thể qua được Trường Giang. Một lần muốn vượt Trường Giang để tấn công Nam Tống, bị đại tướng Hàn Thế Trung chận đánh, vợ là Lương Hồng Ngọc đánh trống trợ chiến. Quân lính thấy vậy chiến đấu rất anh dũng. Quân Kim bị chết nhiều, sau phải lui về phía Bắc mà không sang sông được.
Hoàng Hà là nơi phát sinh ra sự văn minh của Trung Hoa, nhưng có điều thường xuyên bị lũ lụt, gây nên thiệt hại rất nhiều về của cải cũng như tinh mạng của nhân dân. Đời vua Thuấn sai Đại Vũ đi trị thủy, ông khơi các đường cho nước thoát ra. Khi nước thoát chảy đến Long Môn thì bị chậm lại, Đại Vũ bèn sai người đục một các động rất lớn để cho nước thoát, nên Hoàng Hà chảy tới đây nước rất xiết vì Động đào đó rất cao. Nhiều cá lớn bơi tới đó đều phải nhảy phóng qua. Có truyền thuyết nói rằng khi nào cá chép nhảy qua được Long Môn thì hóa thành rồng. Vì vậy, mới có câu chuyện nói về “Cá chép nhảy cửa rồng”.
Sự hình thành của Ngũ Nhạc theo truyền thuyết nói là, thời thượng cổ, khi trời đất còn là một khối hỗn độn, có một vị thần tên là Bàn Cổ, đang nằm ngủ bị một tiếng nổ rất lớn làm giật mình thức tỉnh. Nhìn chung quanh thấy toàn tối đen như mực mài, liền quơ tay lấy một cái rìu chém ngang một nhát, tự nhiên khối hỗn độn chia làm đôi, cái gì nhẹ bay lên trên và cái gì nặng bị chìm xuống dưới. Như vậy, dần dần khối nhẹ càng bay lên cao và trở thành “trời”, cái nặng chìm lắng xuống trở thành “đất”. Sau này khi ông Bàn Cổ chết đi, hai con mắt trở thành Mặt Trời và Mặt Trăng. Đầu ông ta biến thành Thái Sơn. Bụng biến thành Tung Sơn. Tay trái biến thành Hằng Sơn, còn hai chân biến thành Hoa Sơn”.
Đông Nhạc Thái Sơn vì là hòn núi cao nhất, nên các đời vua chúa hay lập đàn tại đây để tế trời và biểu thị cho sự oai nghiêm, Nhưng bạo chúa Tần Thủy Hoàng một lần muốn lên, khi đến lưng núi bị mưa to gió lớn nên không thể lên được đến đỉnh núi.
Tây Nhạc Hoa Sơn, núi cao vách đá cheo leo, trông rất là khiếp đảm. Có một ông quan Đại Thần đời nhà Đường tên là Hàn Dũ, sau khi lên được tới đỉnh núi, khi quay trở về nhìn xuống sợ hãi quá, hai chân bủn rủn không đi nổi, sau phải uống rượu cho thật say, rồi cho người khiêng ông xuống núi.
Còn núi cao theo truyền thuyết đều có các vị Tiên tu hành đắc đạo. Như Hoa Sơn Lão Tổ tức là Trần Đoàn, Thái tử của Chu Lương Vương là Vương Tử Tử Kiều, thổi sáo rất hay. Đã tu và đắc đạo tại Tung Sơn gọi là Bạch Hạc Tiên Nhân. Còn Trương Quả Lão là một trong Bát Tiên, tu hành đắc chính quả núi Hằng Sơn.
VẤN: Bà Vũ Quang Hải, Pasadena: Bà cụ chuyển nghĩa hộ cho các câu câu từ Hán ra Việt, như sau:
1. Kháo sơn sơn yếu đảo, kháo thủy thủy yếu can.
2. Khẩu khai thần khí tán, thiệt động thị phi sinh.
ĐÁP:
Câu 1:
Dựa non, non phải đổ
Dựa sông, sông phải khô.
Tục ngữ chữ Hán còn có câu:
“Tọa thực sơn băng” (Ngồi không ăn núii cũa phải đổ)
Ta cũng có câu:
Của như núi ăn mãi cũng mòn.
Hoặc:
Của đời, ông mẹ để cho
Làm không, ăn có của kho cũng rồi.
Câu thứ 2:
Mở miệng hao thần khi,
Động lượi thị phi sinh.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 149
VẤN: Cụ Hoàng Gia Thụy, Maryland: Việt Nam ta có nền văn minh độc lập không? Nếu có thì nền văn minh đó như thế nào? Xin bà cụ giúp giải thích cho.
ĐÁP:
Có. Việt Nam ta vốn đã có nền văn minh từ ngày mà người Hán chưa tràn đến khu vực tự trị hoàn toàn khác biệt. Văn minh Việt ta trải rộng ra từ Vân Nam đến vùng châu thổ sông Hồng. Chính tại nơi này người ta tìm thấy một nền văn minh độc đáo mà lúc bấy giờ người Trung Hoa không có. Đó là nền văn minh mà dân tộc Việt Nam tự hào là nền văn minh thuần Việt, ta thường gọi là nền “Văn Minh Trống Đồng”. Có thể nói nền văn minh trống đồng đích thực ghi dấu đầu tiên của dân tộc ta.
Ngay lưu vực sông Hoàng Hà - theo sử ssách Trung Hoa – nơi mà nền văn hóa Trung Hoa xuất hiện sớm nhất không thấy có “Trống Đồng”, mà chỉ tìm thấy những cái đỉnh 3 chân hay 4 chân.
Ngoài ra Việt Nam ta có nền văn hóa riêng biệt như tục “nhuộm răng”, tục “ăn trầu”, tục xăm mình”. Các tập tục này người phía Bắc Dương Tử Giang không biết đến.
Ngoài ra các nhà khảo cổ còn tìm thấy nền văn hóa cổ truyền Việt Nam còn có những dấu vết hình dạng chữ viết được khắc trên trống đồng hay một vài vật dụng khác.
Rõ ràng là chúng ta có một nền văn minh vào thế kỷ thứ 3 tr.CN. Và nhiều thế kỷ về sau mới có hai dòng Văn Hóa Việt – Hoa gặp nhau. Tuy nhiên không phải vì sự gặp gỡ nhau giữa hai dòng văn minh mà làm đảo lộn nền văn minh của ta, trái lại còn giữ được sự thuần khiết của nó.
Nói về vấn đề “Chữ Nôm” – một loại chữ dáng dấp vơi chữ Hán – theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn, đó là một loại chữ viết của Việt ngữ. Loại chữ này dựa vào chữ viết của người Trung Hoa. Cứ vào loại chữ Nôm cho ta thấy, để thể hiện ngữ âm tương tự của một từ thuộc ngữ Việt rồi chọn một từ bên Hoa ngữ để chỉ ra ý nghĩa của từ Việt đó. Như chữ TRỜI chẳng hạn, ta nhận thấy người “làm chữ” thời xưa đã viết chữ “THIÊN” của chữ Hán bên trên ghép với chữ “THƯỢNG” (có nghĩa là cao ở bên dưới, và đọc đó là TRỜI). Gần đây sách NGŨ THIÊN TỰ do tác giả VŨ VĂN KÍNH và KHỔNG ĐỨC hợp tác với Trần Tuấn Kiệt và Đinh Tấn Vũ biên soạn, có thể nói đây là tập sách biên soạn và hiệu đính rất công phu đáng tin cậy trong lịch sử Chữ Nôm.
VẤN: Bà cụ Hà Thiên Thị, Maryland: Nhân nghe cụ Hoàng Gia Thụy hỏi về nền văn minh Việt, tôi cũng chưa được biết Nhà Hạ Trung Hoa ra đời từ bao giờ? Và nền văn minh đầu tiên của đất nước Trung hoa điều gì được xem là sớm sủa nhất:
ĐÁP:
Nhà Hạ xuất hiện (2205-1766) tr.CN là triều đại đầu tiên của lịch sử Trung Quốc. Thời kỳ này người Trung Hoa sớm phát triển về nghể trồng lúa, trồng kê và chăn nuôi gia súc.
VẤN: Ba Vũ Thị Thi, Monterey Park: Xin bà chị giải hộ cho mấy câu tục ngữ từ Hán ra Việt như sau:
1. Đả không quyền phí lực,
Thuyết không thoại lao thần.
2. Đả nhân biệt đả kiểm,
Mạ nhân đoạt biệt yếu đoản.
ĐÁP:
Câu 1:
Đấm vu vơ phí sức.
Nói tào lao nhọc nhằn.
Câu 2:
Đánh người chớ vả mặt
Mắng người chớ bêu riếu.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 150
VẤN: Cụ Hà Thúc Bảo, Humble, Houston, TX. Bà cụ còn nhớ Công Tôn Long, nhà triết học nổi tiếng thời cổ đại Trung Hoa không? Tôi biết sơ qua vè tài năng ngụy biện của ông ta, song không còn nhớ được nhiều. Lại nữa, cứ theo lời ngụy biện của Công Tôn Long cho rằng “ngựa trắng không phải là ngựa” chẳng hạn.
ĐÁP:
Công Tôn Long sinh năm 320 tr.CN. đời nhà Triệu. So với Huệ Thi nhà triết học nổi tiếng lúc bấy giờ, ông thuộc hàng đàn em, song Huệ Thi không so bì tuổi tác mà xem ông như người bạn tri âm, tri kỷ. Như chuyện Công Long chối bỏ con ngựa trắng của ông khi ngang qua biên giới bị người lính canh gác chận lại và bảo:
-”Đường biên giới này này ngựa không được băng ngang qua”.
Công Tôn Long bèn giỡ ngay chứng ngụy biện lớn tiếng bảo:
-”Ngựa trắng đâu phải là ngựa” (Bạch Mã Phi Mã).
Nói xong ông ung dung đưa ngựa qua bên kia lằn ranh, mặc cho tên gác kia chạy theo đòi giữ lại.
Công Tôn Long phủ nhận sự tồn tại của tất cả mọi vật. Ông chống lại quan niệm của Huệ Thi. Theo Huệ Thi cho rằng sự vật trong hiện thực có tính tương đối, trái lại Công Tôn Long thì nhất định không phải vậy. Ông cho rằng các hiện tượng đang tồn tại đó mới là cái tuyệt đối, không phải nhất thời mà vĩnh viễn. Ông có xu hướng duy tâm không chủ quan mà khách quan. Chính ông đã gỡ bỏ cái hàng rào Đông Tây không bao giờ gặp nhau ngay từ ngàn xưa đã có cùng ý niệm với nhà triết học Platon Hy Lạp của thời La Mã cổ đại.
Công Tôn Long giải thích cụ thể về khái niệm thuần túy như “Ngựa” là cái tên của nó như các con ngựa khác. Còn “Trắng” là màu sắc. Theo ông, cái tên “Ngựa” là nói về cái hình của nó, còn“Trắng” là màu sắc của con ngựa đang mang vĩnh viễn về màu sắc nó đang có. Vậy thì câu nói của ông “Bạch mã phi mã” đâu có sai?!
Lý luận của Công Tôn Long là tách rời cái chung và cái riêng, nghĩa là cái được gọi “con ngựa” với cái toàn diện của nó mang màu trắng trên bộ lông của nó do ông đang cưỡi là “Ngựa Trắng”.
Ngựa đâu có mỗi một màu, mà nó còn nhiều màu sắc khác nữa như ngựa ô, ngựa kim, ngựa trường, ngựa đoản v.v… Ta có thể dùng bằng mắt để phân biệt được màu sắc của ngựa, nó đen hay trắng, nó vàng hay đen… Ví như hòn đá ở ven đường khi ta nhắm mắt đưa tay chạm vào, cảm xúc cho ta biết đó là viên đá cứng nhưng chẳng làm sao biết được đó là nó có màu trắng hay màu đen? Công Tôn Long từng mang cái triết thuyết ngụy biện của mình làm cho các đàn anh phải chùn bước, trong đó có cả Huệ Thi.
VẤN: Bà cụ có nhớ các sách nào được dịch từ “nôm” cũng như các sách dịch từ Pháp văn ra chữ quốc ngữ ở vào thời gian nào và gồm sách nào không?
ĐÁP: Phiên Nôm ra chữ quốc ngữ do Phan Đức Hóa như sau:
1. Nhị Độ Mai (Les Pruniers refleuris, poeme Tonkinois, transcrit par Phan Đức Hóa. Imp. De lamission. 1884.
2. Trần Bồ (Comedie Annamite, transcrit par Phan Đức Hóa, traduit par Lande, Saigon 1886.
3. Lương Khúc Ninh, Nguyễn Khắc Huề, Nguyễn Dư Hoài…
4. Sải Vãi, Saigon Imp. Saigonnaise, v.v…
Còn tiếp
THINH QUANG
Xem phần 29 tại đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net