(Mở speaker, chick vào mũi tên màu trắng để nghe âm thanh)
ĐÁ BANH
Sáng tác & trình bày: Trần văn Trạch
VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 32)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 156
VẤN: Bà Đặng Đình Lệ Thủy, Orange County: Bà cụ có biết sự tích ông lão tiều phu Núi Na không?
ĐÁP:
Đó là câu chuyện “Truyền ký mạn lục” của Nguyễn Dự đã chép:
-“Đạo học Việt Nam gần giống như sách Trang Chu thường viết về các mẫu chuyện huyền bí. Tiêu đề của cốt chuyện: ”Na Sơn Tiều Đối Lục” có nghĩa chuyện đối đáp của lão tiều phu núi Na.”
Chuyện kể rằng:
-”Na sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa, dãi đất này toàn là núi đá chập chùng, vây quanh tứ phía trong đó có một ngọn núi cao vòi vọi, người địa phương thường gọi núi Nứa. Thật ra nó là ngọn Na Sơn hay gọi nôm na là núi Na. Ngọn núi này ở trong hạt Cố Định huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, sau này thuộc tỉnh địa đầu của miền bắc Trung Kỳ. Động núi Na sâu thăm thẳm, không bao giờ có ánh mặt trời. Muốn vào trong động thật vô cùng hiểm trở, quanh năm ẩm ướt và quang cảnh hiu quạnh, ít ai lai vảng. Thường nhật thấy có một lão tiều phu gánh củi từ bên trong hang động đi ra, không phải đi bán lấy tiền mà để đổi lấy cá và rượu ăn uống no say, ngoài ra chẳng màng đòi hỏi gì nữa.
Mỗi lần lão gặp bất cứ ai, nhỏ cũng vui mà lớn cũng tươi cười đáp lễ. Nếu có ai hỏi thăm gia cảnh, lão chỉ cười mà không đáp lại, chỉ đưa tay vuốt chòm râu bạc rồi nhìn trời cười không hề đáp lại. Sau cơn no say, mặt trời gác núi lão lại quày quã trở về hang động. Nhưng rồi người ta cũng lần ra tên tuổi lão, dù lão cứ chối quanh chối quẩn. Người dân trong vùng biết lão họ Trần, tên Tu và gọi là cụ Tu Nứa. Lão có cất một am nhỏ phía ngoài động đề tu luyện, gọi là “Am Tiên”. Đến đời Khai Đại, một hôm Hồ Hán Thương đi săn, bất giác gặp lão ở giữa đường, vừa quãy củi vừa nghêu ngao hát:
“Na chi sơn hữu thạch toàn ngoan
Thụ thương thương,
Yên mạch mạch,
Thủy sàn sàn,
Triêu hề ngô xuất
Mộ hề ngô hoàn v.v…” (*)
Có nghĩa:
Kìa non Ná chênh vênh đá mọc,
Cây xanh xanh,
Khói mịt mờ,
Long lanh sóng nước,
Sáng rời hang động
Tối trở lại ghềnh…
Xiêm, chăn dây mặc sức,
Ao, chằm lá thỏa tình.
Rừng xanh cửa động, núi dịu ánh trời
Ruộng đầu ghềnh xanh biếc thêm xanh.
Ai mặc ai xe ngựa
Kẻ kệ kẻ thị thành.
Chốn non đây chẳng chút bụi phù sinh
Kìa, Tống đó cung tên chôn vùi dưới cỏ
Nọ, Tấn kia tơi tả chẳng còn manh.
Đây, Tạ Vương hiển hách sang giàu
Đó, Triệu công danh nào ai sánh kịp;
Nghĩ lại xưa nay biết bao tuồng khanh tướng,
Rốt cuộc bia quanh năm rêu phủ bụi mờ
Đố đó, ai sánh được bằng ta?! – Chợt choàng tỉnh giấc,
Ngước mặt trông lên con ác đã ở trên cành…
(TQ. dịch)
VẤN: Cháu Võ Hữu Đông (Monterey Park, CA): Cháu nghe có Người Rừng, chẳng biết có đúng chăng?
ĐÁP:
Có như lời loan truyền. Theo cô Megan – nhà thám hiểm, đã đi sâu các cánh rừng rậm tại Indonesia để tìm hiều một giống vật xa gần với loài người chúng ta. Và cô đã nhin thấy một con vật giống như người chúng ta. Con vật cũng đi lại bằng hai chân, mặt mũi chẳng khác gì loài người, có điều mình mẫy đầy cả lông lá. Giống vượn này gọi là “Orangutan” tức là “Người Rừng”. Tại Borneo và Sumatra có đến 5 hay 6 chục ngàn con. Người rừng rất hung tợn.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 157
VẤN: Ông Ngô Khắc Ký: Orange County: Khoa Phong Thủy có mang sắc thái huyền bí không?
ĐÁP:
Đây là một vấn đề cần tìm hiểu. Trong những năm cuối thế kỷ 20 khoa Phong Thủy càng được các nhà nghiên cứu Tây phương lưu ý đến. Theo một số nhà khoa học Tây phương nghĩ rằng Phong Thủy trong cộng đồng người Trung Quốc mang đầy tính chất huyền bí. Các viên chức cao cấp trong chính quyền, các chính trị gia, các nhà tài phiệt và luôn cả các tiểu thương đều đổ xô về giai thoại trong khoa địa ly này.
Các quốc gia Hong Kong, Đài Loan và cả đến các trường Đại học USC (University of SC) và Northrop tại Mỹ cũng đều hợp tác bảo trợ khoa Phong Thủy có vẻ huyền bí bắt đầu rộ lên trong nền khoa học hiện đại vào năm 1991.
Một khóa học được kéo dài 5 tuần lễ, mỗi tuần 6 tiếng đồng hồ cho các học viên muốn tìm hiểu về khoa phong thủy. Việc này đã cho thấy là khoa Phong Thủy Địa Lý theo chân khoa Châm Cứu Trung Hoa trở thành một môn học Đông phương được các quốc gia Kỹ nghệ Tây phương quan tâm đến.
Những phương pháp tính toán mật truyền chưa được chỉ dạy cho người ngoài bởi các danh sư của khoa Địa lý rất khắc-khe trong việc tuyển lựa môn đồ nếu các học viên chưa đạt đủ trình độ. Khoa Địa lý gồm những tính toán rất khoa học và phức tạp.
Danh từ Phong-Thủy của người Trung Quốc mang đầy tính cach huyền bí. Hầu như người dân đất nước này đều tin tưởng cũng như hăng say thổ-lộ lòng tin tưởng của mình. Tại các quốc gia Nhật Bản, Đại Hàn, Singapore, Mã Lai, Indonesia, Thái Lan đều được giới thượng lưu hưởng ứng đối với các công trình xây cất... hoặc việc tìm hiểu về mồ mã. Các quan niệm sai lầm về sự kiện kỵ như con đường đâm thẳng vào cổng chính của ngôi nhà đang ở, thường gọi là “đường xà”, hoặc cầu thang lên lầu cũng kiêng cử đối diện với hướng cổng chính, hay hồ nuôi cá phải để ngay nơi con đường trong nhà, hay phải treo tấm “Bát Quái” cũng như phải treo phong linh v.v…trước ngưỡng cửa vào nhà để trị tà ma. Thật là sai lầm khoa phong thủy không bắt buộc như vậy, mà mọi cung cách đều do sự tính toán.
Theo quan điểm khoa học:
-“Tất cả mọi sinh vật trong vũ trụ đều bị môi trường chung quanh chi phối.”
Nếu ta nghiên cứu Khoa Địa Lý Cổ Truyền Trung Quốc theo quan điểm khoa học, thì thấy ngay rằng quan niệm quan trọng nhất là “Khí”. “Khí” đây có nghĩa là “Khí Lực” hoặc “Năng Lực”. Nếu được hướng theo đúng cách, có thể tạo nên sự hòa hợp, thịnh vượng, cũng như sẽ được an khang và trường thọ.
Khi tấm màn thần bí của khoa Phong Thủy được vén lên, những nhà nghiên cứu về Phong Thủy phân tích theo quan điểm khoa học tân tiến phát xuất từ nguyên lý âm dương, sự cân bằng giữa “Ngũ Hành” phối hợp vơi nguyên lý “tương khắc”… ta sẽ thấy rõ ràng đó là định nghĩa khoa học v.v..mà ta thường bảo là khoa học huyền bí.
VẤN: Ông Trần vân, Sunnyvale, CA. hỏi: Thưa bà cụ, thế nào là quẻ Trạch Địa Túy?
ĐÁP:
Quẻ Đoài (bùn, đầm) và quẻ Khôn (đất) nhập chung gọi là quẻ Tụy. Tụy có nghĩa là họp, các cuộc gặp gỡ, tụ họp quây quần.
Đại ý muốn làm bất cứ việc gì cũng đều cần đến sự hưởng ứng của nhiều người. Muốn họ hưởng ứng thì cần phải tụ họp họ, cũng có nghĩa khi cùng một số người muốn làm việc gì trong một mục đích chung phục vụ xã hội thì thường thành công; nhưng tụ hội mà mỗi người mỗi ý chỉ muốn dành riêng phần lợi cũng như phần danh về mình, thì sẽ gánh lấy hậu quả thất bại, chưa họp đã tan, họp xong là ly biệt nhau ngay sau đó.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 158
VẤN: Ông Hồ Đình Quân, Washington DC: Tôi muốn được nhắc lại về sự tích Khương Tử Nha, bà cụ giúp hộ.
ĐÁP:
Theo sử viết: ”Một hôm vua Văn Vương hỏi cận thần Tẩn Nghi Sinh có tài bốc phệ:
- Khanh bói cho trẩm xem thử hôm nay có săn được loài thú nào không?
Tẩn Sinh tâu:
-Không phải gấu cái, không phải gấu đực, chẳng phải trăn mà cũng chẳng phải là rắn.
(Phi bi, phi hùng, phi hủy, phi xà sở đắc giả: Tiên vương chi phụ)
Sự việc xảy ra quả đúng như lời của Tản Nghi Sinh sau khi tiên đoán tâu trình lên nhà vua. Khi Văn Vương đi tới bờ sông Vị, thấy ông lão ngồi câu cá mặt mày có vẻ trầm mặc nhìn theo dòng sông chảy. Khi ông lão nhấc cần câu lên nhà vua trông thấy dây câu rất dài, nơi đầu dây có một cây kim thẳng. Nhà vua hỏi:
-“dùng cần câu bắt lấy cá, sao chẳng phải lưỡi câu cong?
- Già này đâu có nhằm câu cá!
Thấy lời lẻ và hành động lạ lùng của ông lão ngồi câu cá tại bờ Sông Vị bèn ngồi xuống cùng ông lão đàm đạo, mới phác giác ra đó Thánh nhân bèn khẩn cầu mời về triều đình lo chung việc nước. Từ đó mới có huyền thoại Khương Tử Nha.
VẤN: Bà Văn Thành Nhân, San Francisco: Tôi muốn biết xuất xứ của Đạo Phù. Xin bà cụ giúp cho.
ĐÁP:
Cứ vào bản dịch của Duy Đạo dịch từ bản gốc của Trung Hoa thì Đạo Phù xuất xứ từ Tây Vương Mẫu. Bà vốn là thủ lãnh của bộ tộc thiểu số đời Tây Chu. Theo Chiến Quốc, Tây Vương Mẫu được thần hóa, trong mục Thiên Tử truyện, đã thuật chuyện Chu Mục Vương hội kiến với bà tại Dao Trì Cung. Lúc bấy giờ hình dạng của Tây Vương Mẫu diện mạo đã hoàn toàn thay đổi. Cứ vào Sơn Hải Kinh mô tả bà đã biến thành môi báo, răng hổ, tóc bồng, thành con của nhà trời, thổi sáo,vỗ đàn ống trúc. Trong lòng phơi phới. Cứ vào Trang Tử thì bà Tây Vương Mẫu là vị thần tiên tu luyện đắc đạo, mà Lão Trang sùng bái.
VẤN: Bùi Thu Thủy, San Jose: Bà cụ có nhớ bài Thanh Phong Minh Nguyệt không? Luôn tiện xin bà cụ cho biết tên của tác giả bài này.
ĐÁP:
Bài “Thanh Phong, Minh Nguyệt” của Ngô Thế Vinh, ông còn có biệt hiệu là Trúc Đường. Dưới đây là bài thơ này:
Giang tâm thu nguyệt bạch,
Não nùng thay khi gió mát, lúc trăng thanh!
Bóng thiềm soi đáy nước long lanh,
Quang cảnh ấy cũng thanh mà cũng lịch.
Vạn khoảnh tịch nhiên thu dạ vĩnh,
Nhất hồ oánh nhĩ nguyệt minh thâu.
Đàn ngang cung, thơ một túi
Cờ một cuộc, rượu một bầu,
Tiếng ca quản một vài câu khiển hứng.
Chèo mấy mái, thuyền lan lững thững,
Bạn mấy người tài tử ngao du.
Non mấy tầng, đá mọc lô nhô,
Cầu mấy nhịp, bắc ngang sông Vị Thủy.
Hội Xích bích nọ năm Tuất nhỉ!
Thú phong lưu há dễ một Tô công?
Trăng thanh gió mát kho chung.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 159
VẤN: Cụ Hà Văn Anh, Orange County: Bà cụ có nhớ bài viết “Cái gì cũng cười” không? Bài viết ấy như thế nào, và tác giả là ai?
Đáp:
Đó là “Gì Cũng Cười” của học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936). Bài viết đó như sau:”
-“An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì. Mà dở cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang.
Có kẻ bảo cười hết cả, cũng là một cách của người hiền. Cuộc đời muôn việc chẳng qua là trò phường chèo hết thảy chẳng có chi là nghiêm đến nỗi người hiền phải nhăn mày mà nghĩ ngợi.
Ví dù được y như vậy, thì ra nước An Nam ta cả dân là người hiền. Nếu thế tôi đâu dám đem lời phường chèo mà nhủ người nhếch mép bỏ tính tự nhiên mà làm bộ đứng đắn lại, nghiêm nhìn những cuộc trẻ chơi. Nhưng mà xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác; có cái láo xược khinh người; có câu chưởi người ta; có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta mà đã gièm trước ý tưởng người ta. Không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công việc người ta.
Thực không có tức gì bằng cái tức phải đối đáp với những kẻ nghe mình nói chỉ lấy tiếng hì hì mà đáp. Phản đối không tức, kẻ bịt tai chẳng thèm nghe cũng không tức đến thế…
Ừ, mà gì bực mình bằng rát cổ bỏng họng, mỏi lưỡi, tê môi, để mà hỏi ý một người, mà người ấy chỉ đáp bằng một tiếng thì khen chẳng ơn, mắng chẳng cãi, hỏi chẳng thưa, trước sau chỉ có miệng cười hì, thì ai không phải phát tức…
Ta phải biết rằng khi người ta nói với ta, là để hỏi tình ý ta thế nào. Ai nói với mình thì mình phải đáp. Tùy ý mình muốn tỏ tình ý cho người ta biết thì nói thực; không hiểu thì hỏi lại; mà không muốn nói tình ý cho người ta biết, thì khéo lấy lời lịch sự mà tỏ cho người ta hiểu rằng câu hỏi khi phạm đến một điều kín của mình. Hoặc là có khôn thì lựa lời mà tỏ cho người ta biết mà thôi những điều mình muốn cho biết mà thôi, mà khiến câu chuyện cho người ta không khỏi căn vặn được mình nữa. Nhưng phàm người ta hỏi, mình đã lắng tai nghe, là mình nợ người ta câu đáp.
(Trích trong Đông Dương Tạp Chí, sô22)
VẤN: Ông La Thoại Hành, Rosemead: Tôi nhớ ba câu ca dao bằng Hán tự:
1. Si nhân úy phụ, hiền nữ kính phu
2. Sinh nữ vật bi toan, sinh nam vật hoan hỉ
3. Tả nhãn khiêu tài, hữu nhãn khiêu họa.
Xin bà cụ giải nghĩa hộ cho.
ĐÁP:
1. Thằng ngu sợ vợ, gái ngoan kính chồng.
2. Sinh gái chớ chua cay, sinh nam khoan hoan hỉ.
Ta cũng có câu:
Trai mà chi, gái mà chi
Con nào có nghĩa,có nghì thì hơn
3. Máy mắt bên trái báo tài,
Nếu máy bên phải ắt tai họa rồi.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 160
VẤN: Bà Nguyễn Hạnh Nhân, San Jose: Bà cụ nhắc hộ bài: “Đặng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài của Lý Bạch. Luôn tiện bà cụ dịch hộ nghĩa của bài này.
ĐÁP:
Đài Phụng Hoàng ở Kim Lăng xây cất từ năm Nguyên gia đời Tống trước đời Đường, tọa lạc tại huyện Giang Ninh thuộc tỉnh Giang Tô. Bài thơ Phượng Hoàng như sau:
Phụng hoàng đài thượng phụng hoàng du
Phụng khứ đài không giang tự lưu.
Ngô cung hoa thảo mai u kính
Tấn đại y quang thành cổ khâu.
Tam sơn bán lạc thanh niên ngoại,
Nhị thủy trung phân bạch lộ châu.
Tổng vị phù vân năng tế nhật,
Trường an bất kiến sử nhân sầu.
Nghĩa của bài:
Ngày xưa con chim phượng hoàng đậu trên Phượng hoàng đài, ngày nay thì kông còn nữa nó đã vỗ cánh bay đi khiến cho cảnh đài còn trơ khấc lại cảnh vắng lặng…trong khi dòng sông thì cứ lặng lẽ trôi đi. Cỏ hoa đã vùi lấp đi con đường mòn âm u màu tối sẩm dẫn vào đến cung vua Ngô. Áo mão của đời Tấn giờ thì đã biến thành ngôi cổ mộ. Ngọn Tam sơn như thể bị rơi đi một nửa khỏi vòm trời; dòng sông Nhị thủy chia làm hai bãi lộ. Ôi! Chỉ vì đám mây nổi bềnh bồng che khuất đi ánh nắng, làm cho lòng ta buồn rầu vì chưn không trông thấy được Trường An.
Đây là một trong nhiều bài thơ được xem là xuất sắc nhất của Lý Bạch, đại khái như các bài Xuân Tứ, Tý dạ thu ca, Tuyên châu Tạ Thiếu lâu tiễn biệt hiệu thư Thúc vân, Trường tương tư chi nhất hay bài Tống hữu nhân v.v…
VẤN: Ông Hồ Đặng Hoàng, Virginia: 1. Thế nào gọi là Vi Trạch Đoài? 2. Thế nào gọi là quẻ Trạch Phong Đại Quá? 3. Và đời nào người Trung Hoa sáng tạo ra văn tự?
ĐÁP:
1. Hai quẻ Đoài nhập chung lại gọi là quẻ Vi Trạch. Vi Trạch có nghĩa là đẹp, đẹp trong lòng, mang đến sự may mắn hanh thông, thuận lợi, đẹp trong lòng người mà đẹp cả lòng mình. Quẻ này ý muốn nói rằng muốn thu phục nhân tâm thì trước hết phải mở lượng khoan hồng, đức bố thí cho trăm họ vui lòng v.v… Tóm lại, muốn mình được đẹp lòng phải làm cho đối tượng đẹp lòng trước.
2. Trạch Phong Đại Quá thì: Quẻ Đoài (đầm bùn) và quẻ Tốn (gió) nhập chung lại gọi tắt là quẻ Đại Quá.
Đại Quá có nghĩa là to lớn. Đại ý nói rằng người lớn làm chuyện lớn, kẻ nhỏ làm chuyện nhỏ, và việc lớn cũng chỉ chờ người lớn đến làm.
3. Đời nhà Thương sáng tạo ra văn tự. Chẳng những sáng tạo ra văn tự mà còn biết dùng mai rùa, xương thú để bói toán, xem điều lành sự dữ, gọi là “văn giáp cốt”. Đời nhà Thương còn biết làm ra “lịch pháp” để xác định thời vụ. Ví như một năm được chia ra 12 tháng gọi là “một tự”, rồi tính ra mấy năm thì thêm một tháng nhuần. Tháng đủ 30 ngày, tháng thiếu 29 ngày v.v…
Còn tiếp
THINH QUANG
Xem Phần 31 tại đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net