VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 33)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 161
VẤN: Gs Nguyễn Hữu Cần, Virginia: Tôi từng đọc và biết sơ qua Pythagoras – nhà thiên tài toán học của Hy Lạp, bà cụ có thể giải thích về hiện tượng của siêu nhân này không?
ĐÁP:
Pythagoras, sinh ra tại Hy Lạp vào thế kỷ thứ 6 tr.CN, được người đời xưng tụng là một thiên tài toán học. Ông cũng chính là cha đẻ của ngành số học lúc bấy giờ. Pythagoras từng du hoc ở Âu Châu qua Ai Cập đến các bộ lạc du mục, trao đổi với những thương gia đến từ phương Đông để tìm hiểu và học hỏi thêm nhiều nguồn kiến thức về nền văn minh cổ đại khác nhau trên thế giới.
Lúc trở về quê hương Hy Lạp, lập trường Đại học và trong suốt khoảng 40 năm ông truyền bá môn số học với triết lý riêng biệt cho đám môn đệ của mình, điều này đã làm cho ông nổi tiếng cho mãi tận đến ngày nay. Sự giảng dạy của ông theo phương pháp bí truyền cho các đệ tử theo đuổi đều phải học thuộc lòng các bài giảng, tuyệt đối không được ghi lại trên bút tự.
Theo sự giảng giải của Pythagoras “con số” có ảnh hưởng rất lớn đến thời vận của con người chúng ta. Ví như theo Đông phương cho chúng ta biết chính xác về các thời điểm thăng trầm trong định số thì các con số theo thời vận của Tây phương cũng vậy. Nó có thể giúp cho chúng ta xác định được những từ trường thích hợp hoặc đưa lại cho chúng ta các cơ hội may hay báo cho biết về các sự rủi ro sắp xảy đến.
Bí truyền về các con số của Pythagoras được giữ kín cho đến 500 năm sau khi ông qua đời mơi tiết lộ bởi một hậu duệ của ông. Nhờ vậy mà chẳng bao lâu các bí truyền này lan tràn cùng khắp về sự ứng dụng và kết quả chính xác của nó. Cũng kể từ đó người ta gọi các tìm hiểu, phân tích thời vận bằng số học này là “Phương pháp Pythagorean”.
VẤN: Ông Đỗ Nam Tử, San Jose: Tôi muốn biết đến thời đại nào con người chúng ta mới bắt đầu phát hiện ra nền văn minh cổ đại?
ĐÁP:
Mở đầu cho nền văn minh cổ sơ từ người vượn. Các người cổ đại này có từ năm mươi vạn năm về trước. Lúc bấy giờ tổ tiên của loài người chúng ta đã biết cách lấy xương thú đẽo gọt các vật dụng, biết lấy da thú để làm vật che thân…Dần dà tiến tới đồ đá mới như dùng đá cuội, răng thú, vỏ sò v.v… Và đó cũng chính thời kỳ tổ tiên ta làm cuộc “cách mạng lửa” bỏ hẳn việc ăn uống sống sít, dùng lửa để nấu nướng thức ăn, cũng như để sưởi ấm khi mùa giá rét, đến việc đốt lửa lên để phòng ngừa thú dữ v.v…
VẤN: Cháu Văn Hồng Phát, Philadelphia: Bà cụ cho cháu xin ít câu ca dao về các vế đối đáp được không?
ĐÁP:
1- Đến đây hỏi khách tương phùng.
Chim chi một cánh bay cùng nước non?
2. Tương phùng nhắn với tương tri,
Lá buồm một cánh bay đi khắp trời.
3. Lá gì không nhánh không cành
Lá gì chỉ có tay mình trao tay.
4. Lá thư không nhánh không cành
Lá thư chỉ có tay mình trao tay.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 162
VẤN: Cụ Lê Phúc Hồng, Orange County: Xin cụ cho biết những bài thơ trong Kinh Thi nào xuất sắc nhất. Thành kính cám ơn cụ nhiều.
ĐÁP:
Bài thi nào trong Kinh Thi cũng được liệt vào hàng giá trị. Nhưng những bài được xem là xuất sắc trong vườn thơ Kinh Thi thì Quốc Phong được nhiều người cho là biểu trưng trong vườn hoa Thượng Uyển, nhất là các các bài thơ thuộc thể loại trữ tỉnh. Như bài Quan thư ngũ chương:
Quan quan thư cưu,
Tại hà chi châu.
Yều điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu.
Nhà thơ Tản Đà dịch:
Quan quan cái con thư ưu,
Con sống con mái cùng nhau bãi ngoài.
Dịu dàng thục nữ như ai,
Sánh cùng quân tử tốt đôi vợ chồng.
Hay bài: Hành Lộ tam chương:
Yếm ấp hành lộ,
Khỉ bất túc dạ?
Vị hành đa lộ.
Tản Đà dịch:
Đường đi giọt móc đầm đìa
Rằng đường nhiều móc sớm khuya ngại ngùng.
Hoặc các bài thơ nói về con chuột, nguyên tác:
Thùy vị nhữ vô cốc?
Hà dĩ tốc ngã ngục?
Tuy tốc ngã ngục,
Thất gia bất túc.
Con sẻ kia,
Ai bảo sừng không có?
Mái nhà đó,
Lấy gì làm thủng ra?
Mình với ta,
Ai bảo không cheo cưới.
Gì làm cớ,
Đem ta đến ngục đình…
Cưới cheo chẳng đủ cho mình lấy ta.
(Tản Đà dịch)
Tiếp đó cũng bài thơ “Chuột”:
Thùy vị thử vô ngông,
Hà dĩ xuyên ngã dung?
Thùy vị nhữ vô công?
Hà dĩ tốc ngã tụng?
Tuy tốc ngã tụng,
Diệc bất nhữ tùng
Con chuột kia,
Ai bảo nanh không có.
Bức tường đó,
Lấy gì làm thủng ra.
Mình với ta,
Ai bảo không cheo cưới,
Gì làm cớ?
Đem ta đến tụng đình,
Thời ta cũng chẳng theo mình lấy nhau.
(Tản Đa dịch)
Ngoài ra, còn lắm bài thơ được người đời truyền cho nhau và xem đó là những cánh hoa đẹp trong Kinh Thi:
Tình Nữ, Tái trì tứ chương, Tự Mục Quy Đề, trong đó có bài
Tái Trì tứ chương:
Tái trì tái khu,
Quy ngạn Vệ hầu.
Khu mã du du,
Ngôn chi ư Tào.
Đại phu bạt thiệp,
Ngã tâm tắc ưu!
Cũng được Tản Đà dịch:
Đường xa ngựa chạy xăm xăm,
Xăm xăm chạy ngựa về thăm Vệ hầu.
Đường xa đánh ngựa đi mau,
Đi sao cho đến được Tào còn xa.
Kìa ai chạy lại theo ta?
Chân ráo chân ướt, chăng là đại phu.
Lòng ta lo hỡi là lo.
VẤN: Cụ Thạch An Thạch, Philadelphia: Ở giữa thế gian này, cái gì lớn nhất, cái gì nhỏ nhất? Và, có cái gì bằng hình thể mà không bao giờ lấy hết được không?
ĐÁP:
Theo Trang Tử: ”Chẳng có cái gì lớn hơn sợi lông mùa thu mà núi Thái Sơn là nhỏ”. Ví như đất Dĩnh và cả và thiên hạ có lớn thật đấy, nhưng đối với cái không gian vô cùng vô tận dải đất Dĩnh và cả và thiên hạ chẳng thể nào phân biệt cái nào là lớn, cái nào là nhỏ cả. Vậy thì, Trang TỬ nói đâu có sai ngoa? Trang Tử đúng. “Không vật nào lớn mà cũng chẳng có vật nào nhỏ”
Lại nữa, theo sách Liệt Tử ở điều 21, sợi dây chỉ võn vẹn một xích mà mỗi ngày lấy đi một nửa chẳng bao giờ hết. Vậy làm sao mà biết được? Làm sao mà hiểu được? Có gì khó khiểu đâu? Cứ mỗi ngày cắt đi làm đôi, rồi lại mỗi ngày cắt làm đôi nữa…Cứ thể mà làm. Mỗi ngày một cắt đôi ra. Ngày này sang ngày khác. Rồi cứ thế mà tiếp tục…Ví dù đến cái vô cùng cũng chẳng bao giờ hết được. Vậy thì Công Tôn Long nói đúng, sự vật tồn tại là thể thống nhất giữa hữu hạn và vô hạn cũng như trong cái vô hạn đã vô hình trung có cái hữu hạn rồi. Cụ có thể hình dung điều mà cụ hỏi chẳng bao giờ hết đi được!
MỘNG TYUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 163
VẤN: Cụ Trang Hùng Phấn, San Jose: Nghe nói loại chim mã tước bổ thận. Nếu đúng như vậy thì do những lý do nào? Xin cụ giải hộ cho.
ĐÁP:
Đúng như lời cụ. Chim mã tước là một trong các giống chim như chim cút hay chim cu đất. Bản tính của chim sẻ không bao giờ đứng yên một chỗ khi đi tìm mồi. Loại chim này nhanh nhẹn luôn luôn nhảy nhót. Theo Đông y gọi chim sẻ là tước điểu. Thịt nó có vị ngọt đắng, ăn ngon nhưng dùng nhiều thì độc hơn các loại chim khác. Thịt chim tiểu tước, theo Đông y thì bổ thận, tráng dương, ích khí, củng cố khí của ngũ tạng.
Chim cút cũng có tính trị liệu chẳng khác nào chim sẻ. Chim cút còn có tên Thuần điểu, thịt ngọt, vị bình, không độc hại như chim sẻ. Ăn thịt cút giúp ta chịu đựng được các thời tiết. Có nghĩa khi tiết mùa hạ thi thịt cút mát, mùa đông thì làm cho cơ thể ta ấm. Ăn chim cút ích cho thận khí mạnh. Đặc biệt là sự sinh sản rất cao. Các ông bị suy thận thường mua chim cút hay chim sẻ lấy tiết nhỏ vào ly rượu uống ngay tại chỗ.
Ngoài ra, còn có chim cu đất. Loại chim này thịt ngọt, không độc hại. Ăn cu đất vừa bổ âm, vừa bổ dương. Những người bệnh mắt hoặc chứng ợ hơi, hoặc trúng độc ăn thịt chim này vào có thể mau chóng giải ngay được độc.
Dưới đây là công dụng của một bài thuốc Đông y. Bắt Chim Sẻ. Chim Cút, hoặc thịt Chim Cu Đất nấu hay tìm với “Đậu Đen”, Hành Tiêu, Gừng… trộn lẫn vào nhau đem chưng ăn hiệu quả thấy ngay nhất là đối với người già...Nên nhớ muốn thật sự có hiệu nghệm phải ăn các loại thịt chim này một thời gian dài mới có hiệu nghiệm thật sự.
VẤN: Cô Vũ Thi Hồng, Virginia: Bà cụ giải thích hộ nhẫn xuất cưới xuất xứ từ đâu và ý nghĩa của nó!
ĐÁP: Nhẫn cưới, xuất xứ từ thành La Mã thời cổ đại. Nó biểu trưng cho sự kết hợp giữa cô dâu và chàng rể, biểu trưng cho lời hứa về cuộc sống lứa đôi. Lúc ban đầu chiếc nhẫn làm bằng loại kẽm, lâu dần làm bằng bạc, cuối cùng làm bằng vàng. Đó là thuộc niên đại 14. Đến thế kỷ thứ 15 mới bắt đầu có nhẫn kim cương. Loại nhẫn kim cương được gữ mãi đến ngày nay.
VẤN: Cậu Trương Bá Quát, Washington DC: Nghe nói các nhà khảo cổ vừa phát hiện các chiếc sọ cổ tìm thấy tại Ethiopia, có không?
ĐÁP:
Theo “NewSientist” loan tải có ba chiếc sọ người hiện đại đánh giá là cổ nhất và tốt nhất trên thế giới vừa tìm thấy tại Ethiopia. Đó là sọ của hai người lớn và một đứa trẻ. Các sọ này có số tuổi từ 160.000 năm. Số tuổi này đã làm lệch cán cân tranh cãi xuất xứ loài người sang giả thuyết Di cư khỏi châu Phi.
Ba chiếc sọ này lộ ra lớp trầm tích cát của một giòng sông cổ trong làng Herto, thuộc vùng Afar ở phía đông của quốc gia này. Chúng mang những đặc tính rõ nét của những người hiện đại Homo Sapiens. Giống người này trán cao, mặt phẵng, trong khi vẫn giữ lại một số nét nguyên thủy, như sọ to, dài hơn và xương lông mày nhô cao hơn.
VẤN: Bà Bùi Bảo Thiên, San Jose: Nghe nói người ta có thể nhìn vào mắt để chẩn đoán bệnh chẳng biết có hay không?
ĐÁP:
Có như vậy. Tôi còn nhớ đọc một tờ báo nói về Y học cho biết, nhìn vào đôi mắt ta có thể biết người bệnh đang mang chứng bệnh gì. Ví như:
- Mí mắt trên quá mọng là dấu hiệu có một số bệnh đang tiến triển bên trong cơ thể. Nếu mí mắt bên trên quá mọng là dâu hiệu của bệnh sỏi mật.
- Nhãn cầu cộng với giác mạc tấy đỏ là biểu hiệu bệnh “glaucoma” đang tiến triển.
- Ghèn mắt trắng xuất hiện thường xuyên. Bệnh này có thể làm đục nhãn.
- Các vết sẩm nhỏ bên dưới mắt là bị Sỏi thận.
- Mụn chắp ở măt là bị nhiễm trùng hoặc cần hạn chế ăn mỡ động vật.
- Da bên dưới mắt có màu tím hoặc màu nâu: Cần kiểm tra thận, glucoz trong máu, tuyến giáp và hệ tim mạch.
- Chớp mắt liên tục: Bệnh gan hoặc thần kinh.
- Lật mí mắt bên trong thấy màu trắng là dấu hiệu thiếu sắt hoặc hồng cầu trong máu; thấy có màu vàng đỏ chứng tỏ gan, thận, tim, lá lách hoạt động bất thường.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 164
VẤN: Cụ Đỗ Mộng Lan, Virginia: Nguyên gia đình vào Nam từ năm 1954, lúc bấy giờ tôi còn nhỏ. Sống trong Nam từ đó đến ngày mất nước, sang Mỹ theo diện HO, năm 1991. Vì còn nhỏ chỉ nghe bố mẹ cho biết thuở ông bà nội ở đường Pescadores tại Hà Nội, song hiện nay mọi người đều tản lạc chẳng còn liên lạc được nữa. Tôi muốn biết con đường này đã thay đổi như thế nào?
ĐÁP:
Theo nhà biên khảo Mai Lân, thì đó là Phố Phù Đổng Thiên Vương (Rue Pescadores). Xưa kia chỉ là con phố nhỏ và ngắn. Phố này mở mang cùng một loạt với mấy phố Logerot (Phùng Khắc Khoan) và Luro (Lê Ngọc Hân) ở cạnh đó, được xây dựng trong cùng một thời gian và điều kiện như nhau.
Cho đến thập niên 20, trong khu vực đất cũ các thôn Hành Môn, Hương Viên này, vẫn còn là ruộng muống vườn rau vây quanh mấy xóm nhỏ cư dân. Sau khi ao và ruộng đã được lấp bằng, thành phố chia đất khu này thành lô bán rẻ để người ta làm nhà ở, đối tượng nhằm vào giới công chức trung lưu, mỗi lô diện tích không rộng, từ 120 mét vuông đến 130 vuông, vừa với khả năng người muốn mua.
Trong phố này có mấy nhà một tầng được làm trước (như nhà số 28 của gia đình Đỗ Huynh) thấy được giá lại bán đi mua đất xây cất chỗ khác nhà hai tầng (số 29). Có người làm nhà hai tấng ngay (như hai ông anh em giáo Hiếu và Nghĩa, nhà số 36 và 42. Nhà làm nhiều vào khoảng từ 1930 đến 1936. Riêng dãy nhà hai tầng 6 gian (từ số 6 đến số 16) đã xây từ năm 1929, của một ông An Sát hưu trí v.v…Đại khái là như vậy.
VẤN: Ông Trương Hà, Monterey Park: Tôi muốn được biết thức ăn uống giải nhiệt, bà cụ có biết thức ăn uống nào dành cho vụ hè không?
ĐÁP:
Theo Sức Khỏe & Đời Sống, nếu thích ăn quả “Mã Thầy” thì sở thích này cực kỳ có lợi cho bạn, nhất là trong mùa hè. Mã thầy không chi thanh nhiệt mà còn giúp phòng các bệnh nhiệt như viêm đường hô hấp, viêm môi miệng, viêm dạ dày và ruột…
Các món ăn sau đây cũng có tính mát hoặc lạnh hợp cho mùa nóng:
MƯỚP ĐẮNG: Sách Trấn Nam, bản thảo viết, mướp đắng có thể làm giảm hỏa nhiệt ở 6 đường kinh, bổ khí, giải khát.
DƯA HẤU: được người xưa mệnh danh là “thiên nhiên bạch hổ thang”, ý muốn nói có tác dụng thanh nhiệt mạnh không kém gì “Bạch Hổ Thang”…
MÍA: Dùng rất tốt trong mùa hè để phòng chống các chứng bệnh viêm nhiệt có biểu hiện miệng khô họng khát, sốt cao mất nước v.v...
VẤN: Ông Lưu Đình, San Jose: Xin cụ giải nghĩa hộ cho các câu ca dao ra Việt ngữ như sau:
1. Tiền đáo thủ, phạn đáo khẩu
2. Tiền thị nhân đích đảo, bất hội thiết thoại dã hội hám.
3. Xà nhi yếu bao điền kê yếu mệnh.
ĐÁP:
1: Tiền đến tay hẳn cơm đến miệng.
2. Tiền là gan của người. Chẳng biết nói năng cũng hay gào thét.
Ta cũng có câu:
Tiền bạc là chúa trên đời.
Rắn muốn no, gà lo giữ mạng.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 165
VẤN: Cư sĩ Nam Hải, Philadelphia: Phật giáo được truyền vào Trung Quốc từ bao giờ? Và có bao nhiêu tông phái sau đó? Xin bà cụ nhắc hộ cho.
ĐÁP:
Theo các giới học thuật thì mỗi giới một phân tách khác nhau. Mỗi người mỗi ý. Điều này khiến cho các nhà nghiên cứu Phật giáo không được thống nhất về các tông phái. Thoạt đầu, vào cuối Tây Hán đến đầu Đông Hán thì phong trào Phật giáo truyền đến, được một số người trong hoàng tộc cùng một số giới trí thức, quý tộc cũng như các tầng lớp tư sản nhiệt tình đón nhận. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi có sự chống đối của nền văn hóa cổ đại Trung Quốc lúc bấy giờ. Vì vậy mà phong trào Phập giáo bị làm lệch đi giữa sự tu hành vói đa số người dựa vào đạo thuật phương sĩ.
Đến đời Ngụy Tấn Nam Bắc triều Phật giáo dựa vào huyền học nên việc truyền bá được nhanh chóng. Từ đó chùa chiền mọc lên nhiều nơi, số lượng người tu hành vào chùa mỗi ngày mỗi đông đảo hơn lên.
Từ đó Phật giáo bắt đầu phát triển, như đời Tùy Tống có đến 3985 ngôi chùa còn tăng ni có hàng vài chục vạn. Chùa chiền, tăng trưởng dần, đất đai mở rộng thêm ra lại được đặc quyền miễn thuế. Theo Trung Quốc Sử đã viết:
-”Mười phần tài sản của đất nước Phật giáo có đến 7, 8 phần”.
Tuy vậy, không bao lâu sau đó đến năm thứ 5 Đường Vũ Tông cho thu hồi đến cả mấy nghìn vạn mẫu.
Thời Tùy Đường Phật giáo có tất cả 8 Tông phái chủ yếu, như:
1. Tam Luận Tông do Cát Tạng sáng lập.
2. Thiên Đài Tông do Trí Di sáng lập.
3. Pháp Tướng Tông do Đường Huyền Trang và đệ tử Khuê Cơ sáng lập.
4. Hoa Nghiêm Tông, người sáng lập là Pháp Tạng.
5. Tịnh Thổ Tông do Hoa thượng Thiện Đạo sáng lập.
6. Luật Tông do Đường Đạo Tuyền khởi xướng.
7. Mật Tông, do Thiện Vô Uy,Kim Cương Trí, Bất Không truyền vào nội địa Trung Quốc. Từ đó kinh điển mới hình thành.
8. Thiền Tông do Đường Huệ Năng sáng lập.
VẤN: Ông Bùi Quý Nhân, San Jose: Tôi nghe nói trong sách “Lão Tử Biến Hóa Kinh” có nói về Lão Tử có thể chết đi sống lại, có như vây chăng?
ĐÁP:
Theo Khổng Đức dịch lại trong bộ sách viết về Lão Tử, có đoạn như sau:
-“…Sau khi Lão Tử thành tiên, thì có người đem đạo phù phụ hội vào Lão Tử, thuyết này xuất hiện rất sớm, từ Cát Hồng người đời Tấn. Trong sách “Bảo Phác tử hạ lãm”, ông ta dẫn lời của Thầy là Trịnh An nói:
-
“Phù xuất phát từ Lão Quân đều là Thiên Văn. Lão Quân có thể thông với thần minh, phù đều là thần minh trao cho”. Trong Thần Tiên truyện, một tác phẩm khác của Cát Hồng, nói Lão Tử viết 70 cuốn phù thư, và chính bản thân đem Thái Huyền Thanh sinh phù trao cho Từ Giáp.”
Quả thật Lão Tử có phép chết đi sống lại được cũng như có thể làm cho kẻ sống chết đi và sau đó tha cho mạng sống. Ví như câu chuyện, theo Khổng Đức dịch:
-”Lão Tử sắp ra phía Tây cửa ải, để lên Côn Lôn, quan Lịnh Doãn là Hỉ xem phong khí, đoán biết sắp có thần nhân đi qua, bèn quét dọn 40 dặm đường, gặp Lão Tử mới biết là đúng. Lão Tử tại Trung Quốc, đều chưa truyền thụ cho ai, biết mạng của Hỉ phải đắc đạo, bèn ở lại trong ải. Lão Tử có người khách là Từ Giáp, lúc trẻ được Lão Tử thuê, ước hẹn ngày trả cho 100 đồng tiền, tính ra thiếu Giáp đến 720 vạn tiền. Giáp thấy Lão Tử sắp ra cửa ải du hành, đòi trả nợ mau không được, nên nhờ người làm đơn, trình bày với quan Lệnh, để người nói lại với Lão Tử. Người làm đơn cũng không biết Giáp đã theo Lão Tử hơn 200 năm rồi, chỉ kể vào việc Giáp sẽ có nhiều tiền, nên hứa sẽ gả cô gái cho Giáp. Giáp thấy cô gái đẹp, càng mừng, bèn gởi đơn cho Doãn Hỉ, xem đơn cả kinh, bèn cho gặp Lão Tử. Lão Tử mới hỏi Giáp rằng:
-”Ngươi đúng là phải chết từ lâu, trước ta thuê người, vì chức quan nhỏ nhà nghèo, không có người sai bảo, cho nên lấy Thái Huyền Thanh Sinh cho ngươi, nên mới sống đến ngày nay. Người tại sao lại kiện cáo ta? Ta bảo người đến nước An Tức, sẽ lấy vàng tính giá hoàn cho ngươi, tại sao ngươi không chịu nhẫn nại? Bèn làm cho Giáp há miệng cúi xuống đất, cái phù Thái Huyền liền rơi ra, chữ đan thư như mới. Giáp liền thành một đống xương khô. Doãn Hỉ biết Lão Tử là thần, có thể làm cho Giáp sống lại, bèn vì Giáp lạy xin cho mạng sống và hứa sẽ xuất tiền trả nợ cho Lão Tử. Lão Tử lại lấy Thái Huyền phù cho vào người, Giáp liền sống lại”.
Còn tiếp
THINH QUANG
Xem Phần 32 tại đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net