Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 34)
THINH QUANG


VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 34)
Thinh Quang

MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 166

VẤN: Bà Hà Hữu Nghĩa, Virginia: Vừa rôi tôi đọc trong mục 1001 chuyện nhớ quên, thấy bà cụ giải thích về chuyện Lão Tử đã dùng đạo phù để cải từ hoàn sinh. Tôi muốn biết vị thần tối cao của đạo giáo này là vị thần nào? Đồng thời bà cụ giúp giải thích hộ quá trình tiến hóa của đạo giáo này.

ĐÁP:

Theo bản dịch của Duy Đạo đã dịch lại từ sự tích Thần Tiên trong truyện Trung Hoa, thì chính là vị thần tối cao của Đạo giáo, gọi là Nguyên Thủy thiên tôn được xem là vị thần xuất hiện sớm nhất. Theo “Chẩm Trung thư” của đạo sĩ Cát Hồng đời Đông Tấn cho dến đời Lương, Đào Hoằng Cảnh làm Chân Linh Vi nghiệp đồ, đem các thần của Đạo giáo phân biệt thứ lớp, chia ra làm 7 bậc, Nguyên Thủ Thiên Tôn được tôn là vị thần thứ nhất trong Đạo giáo, trên cả Thái Thương Lão quân.

Vốn là Nguyên thủy Thiên tôn sinh ra khi trời đất chưa xuất hiện. Lức bấy giờ Lục nghi chưa phân, còn ờ trong trạng thái mung lung mờ mịt, trời đất nhật nguyệt chưa có đầy đủ, hình trạng như cái trứng gà, huyền hoàng lẫn lộn. Lúc đó đã có Bàn Cổ chân nhân hiệu là Nguyên thủy Thiên vương. Phải trải qua bốn kiếp trời đất mới phân định được. Cứ vào thuyết của Đạo giáo thì trời đất một lần thành, một lần bại. Cứ một lần như vậy là một kiếp, mà một kiếp ba vạn sáu ngàn năm v.v… Ngôi vị Thiên Tôn ở giữ Trời, trong cung điện Ngọc kinh Sơn, ngẩng lên hiét khí trời, cúi xuống uống suối đất…

Như vậy trải qua đến hai kiếp Thái Nguyên Ngọc nữ mói sinh. Đoạn nguyên Thủy Thiên tôn ở Ngọc Kinh Sơn giáng xuống cùng với Thái Nguyên ngọc nữ thông khí kết tinh sinh ra Thiên Hoàng, Đông Vương công. Tây Vương Mẫu thu Thái Thượng lão quân làm học trò…Đạo phù là do Nguyên Thủy Thiên Tôn đầu tiên truyền thụ cho Thái Thượng Lão Quân v.v…Đại khái là như vậy.

VẤN: Ông Vũ Vương Mẫn, Orang County: Bà cụ có nhớ bài thơ Cửu Hạn ngày xưa không? Xin chép lại hộ cho.

ĐÁP:

Bài thơ đó được chép trong Dung Tam đời Tống. Xin chép lại nguyên văn như sau:

Cửu hạn phùng cam vũ
Tha hương ngộ cố tri.
Đông phòng hoa chúc dạ
Kim bảng quải danh thì.

Có nghĩa:

Nắng hạn lâu ngày gặp mưa nhuần, như nơi xứ người gặp được bạn cũ. Đêm đuốc hoa trong phòng cô dâu, lúc thi đổ bảng vàng treo lên.

VẤN: Ông Thân Trọng Thân, Washington DC. Trong Quốc Phong có bài: ”Sâm si hạnh thái”, đó có phải là của một bà phi của Văn Vương không? Bà cụ chép lại hộ bài thơ này.

ĐÁP:

Có một số nghi vấn cho rằng không phải là của bà phi tên là Thái Tự mà chỉ là bài ca dao đẹp giữa trai và gái. Bài thơ đó như sau:

Sâm si hạnh thái,
Tả hữu lưu chi.
Yểu điệu thục nữ,
Ngụ mi cầu chi.

Tạ Quang Phát dịch:

So le rau hạnh lơ thơ
Hái theo dòng nước ven bờ đôi bên
U nhan thục nữ chính chuyên
Nhớ khi thức ngủ triền miên chẳng rời.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 167

VẤN: Bà Đào Mộng Nguyệt, Maryland: Chuyện Dĩa Bay là câu chuyện đã xa xưa lắm rồi, các nhà khoa học đến nay vẫn chưa khẳng định đó là sự thật hay chỉ là chuyện đồn đãi gần như hoang tưởng? Theo bà cụ thì thế nào? Dĩa bay mà các báo chí thường loan tải là UFO. Vậy UFO từ đâu mà ra? Xin bà cụ giải thích về hiện tượng này.

ĐÁP:

UFO do chữ viết tắt của Unidentified Flying Objects là danh từ chỉ cho những vật lạ bay trên bầu trời. Sự di động quá nhanh và biến ảo của UFO đã vượt khỏi sự hiểu biết và khả năng hạn hẹp về hàng không và không gian của con người ở trái đất. Có nhiều người trong giới khoa học hay các nhà nghiên cứu thì cho rằng sự xuất hiện và các hoạt động của UFO cho thấy có một nền văn minh ngoài vũ trụ đã lưu ý tới địa cầu này.

UFO có thể là một bí mật lớn lao nhất của nhân loại, khiến cho nhiều người đâm ra thắc mắc và lo âu trước sự lơ là của các siêu cường đang nắm trong tay nhiều bằng chứng cụ thể về UFO.

Tưởng cũng nên biết UFO có thể đã xuất hiện tại trái đấy này rất lâu rồi, từ các thế kỷ trước. Vào dịp lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) năm 1896 tại San Francisco và rất nhiều nơi khác người ta đã trông thấy nhiều vật lạ bay trên trời. Cùng trong năm này trong ngày lễ Giáng Sinh, UFO xuất hiện trên vòm trời Siberia của Nga. Tại Anh Quốc và các vùng bán đảo Scandinavia, UFO từng xuất hiện nhiều lần vào năm 1909.

Tại Hoa Kỳ vào tháng 3 1904, tạp chí Monthly Weather Review đã gây chấn đống vì một tin như sau:

-”Trung Úy Frank H. Schofield chỉ huy tàu USS SUPPLY báo cáo ông và đoàn thủy thủ vào đêm 24-2-1904 thấy rõ ràng ba vật to lớn, sáng lóng lánh di chuyển theo hàng dọc trên bấu trời của vùng biển Atlantic. Vật lớn nhất có đường kính khoảng 6 lần lớn hơn đường kính của mặt trời theo các mắt thường nhìn thấy hàng ngày.

Sau đó, vào tháng 3-1913, tạp chú Royal Astronomical Society of Canada đăng tải trong báo của GS CHANT thuộc đại học Toronto cho biết ông đã nhìn thấy trong đêm tối nhiều vật lạ bay từ biên thùy Hoa Kỳ - Gia Nã Đại. Các nhân chứng hai bên biên giới đều xác nhận về hiện tượng các vật lạ này. Báo cáo của giáo sư Chant cũng ghi rõ những điều ông đã nhìn thấy như vậy.

Phối họp với những tài liệu về UFO sau này, kể từ năm 1947 trở về sau người ta ghi nhận những vật lạ đó mang các hình dáng khác nhau, cái thì hình đĩa, cái hình điếu xì gà, hình trái cầu, trái cuối hoặc là một điểm lớn cực sáng diu động…và còn những tin đồn về hình dạng khá lạ lùng của người hành tinh như đầu to, mắt lớn và lộ ra ngoài, mặt nhọn v.v…

VẤN: Cháu Nguyễn Thị Bình An, Virginia: Bà cụ giúp cháu một số ca dao nói về cá trê, hay cái ngủ v.v… Cháu cần lắm, xin bà cụ giúp nhắc hộ cho.

ĐÁP:

Ca dao nói về:

Cá Trê:

Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về
Bắt được con trắm con trê
Cầm cổ lôi về nấu nướng “Ngủ” ăn.
Ngủ ăn không hết
Để dành đến Tết
Mèo già tha trộm
Mèo ốm phải đòn
Mèo con phải vạ
Con quạ đứt đuôi
Con ruồi đứt cánh
Đòn gánh có mấu
Củ ấu có sừng
Bánh chưng có nệp
Ông thầy có sách
Thợ gạch có dao
Thợ rào có búa
Cây lúa có bông
Con gái có chồng
Đàn ông có vợ…

Hoặc bài:

Con Cò Bay Lả.

Con cò bay lả bay la
Bay qua Phố Cát bay vào Đồng Đăng
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh.
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bỏ công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mảng vui quên hết lời em dặn dò
Gánh vàng đi đổ song Ngô
Đêm nằm tơ tường đi mò sông Tương
Vào chùa thắp một nén hương
Miệng khấn tay vái bốn phương chùa này.
Chùa này có một ông thầy
Có hòn đá tảng có cây ngô đồng
Cái cây ngô đồng
Không trồng mà mọc
Cái rễ ngô đồng
Rễ dọc rễ ngang
Cái quả dưa gang
Trong vàng ngoài trắng
Cái quả mườp đắng
Trong trắng ngoài xanh…


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 168

VẤN: Cụ Huỳnh Hồ, San Jose: Về lịch sử tiền tệ trên thế giới xuất hiện trước tiên là Trung Quốc. Vậy thời kỳ có tiền tệ xuất hiện tại đất nước này là bao giờ và các loại tiền mà ngày xưa họ sử dụng như thế nào?

ĐÁP:

Đúng như vậy. Trung Quốc là một trong các quốc gia có nền văn minh sớm sủa nhất để sử dụng trên phương diện mậu dịch. Đồng tiền đầu tiên của đất nước này là “hải bối xác”, có nghĩa là “vỏ sò biển”. Loại này có răng cưa thường gọi là “hóa bối”. Các nhà khảo cổ phát giác ra loại tiền tối cổ này sau khi khai quật tìm thấy từ một táng thời nhà Thương.

Cuối đời Thương thì bắt đầu biết đúc tiền bằng kim loại, gọi là “đồng bối”. Các nhà khảo cổ tìm thấy tại thôn Đại Tư Không, được xem là loại tiền bằng kim loại này xuất hiện sớm nhất trên thế giới. Tiền đúc bằng kim loại rất đa dạng, có đồng hình vuông, có đồng xẻng gọi là “bố tệ”, cái thì hình dao gọi là ”đao tệ” v.v…

Các đời sử dụng các loại tiền như đời Tống thì dùng tiền đồng, tiền kẽm. Đặc biệt tiền kẽm thì vùng Tứ Xuyên thông dụng nhất. Cứ ba đồng tiền kẽm thì ăn một đồng tiền đồng. Việc giao thương càng ngày càng phát đạt, nên lưu lượng tiền kim loại cũng nhiều hơn và tất nhiên là bất tiện cho sự vận chuyển để đi mua các hàng hóa. Ví như, một ngàn tiền đồng nặng đến 25 cân. Muốn mua một tấm lụa thì người muốn được có lụa phải mang đến hai vạn tiền kẽm. Từ đó, trong giới thương mãi bèn tự động in tiền bằng giấy, lấy thương hiệu của cơ sở kinh doanh của mình đảm bảo cho sự tin cậy. Tiền giấy này có tên là “giao tử” và được xem là loại tiền giấy ra đời sớm sủa hơn đối với các quốc gia có nền văn minh tối cổ lúc bấy giờ.

VẤN: Bà Vũ Hồng Đào, Virginia: Thời gian gần đây tôi được nghe nhiều nguồn tin nói về các loại thảo mộc chữa trị được các bệnh nan y. Chẳng biết bà cụ có biết về chuyện này không?

ĐÁP:

Tôi cũng nghe như vậy. Có rất nhiều loại rau hay trái cây chữa cho các chứng bệnh bất trị. Tôi xin trích lại để bà chị nghiên cứu về một bài thuốc trong dân gian Mỹ do Ralph P. Tran với chủ đề: ”1 dollar a day to cure Kidney problem”. Đó là bài LỌC THẬN KHÔNG ĐẾN MỘT DOLLAR. Nguyên văn như sau:

“Năm này qua năm khác các quả thận của chúng ta phải lọc máu bằng cách loại bỏ muối, chất độc và bất kỳ những chất vô bổ vào trong cơ thể của chúng ta. Theo thời gian muối sẽ tích tụ càng ngày càng nhiều và phải được xử lý lọc bỏ. Chúng ta sẽ làm điều đó như thế nào? Rất dễ dàng. Trước tiên chúng ta chỉ cần mua MỘT BÓ NGÒ TÂY và rửa thật sạch rồi cắt ra thành những đoạn ngắn cho vào một cái ấm rồi chế nước sạch vào và đem nấu sôi trong thời gian 10 phút. Mỗi ngày uống một ly các bạn sẽ thấy muối và các chất độc đã tích tụ sẽ bị thải ra khỏi thận các bạn qua đường tiểu. Các bạn cũng sẽ nhận thấy nhiều điều khác lạ mà các bạn chưa từng cảm nhận bao giờ. Rau ngò tây được biết đến như là một liệu pháp lọc thận tuyệt diệu và lại thiên nhiên nữa.

CLEAN YOUR KIDNEY WITH LESS THAN $1.00

Years pass by and our kidney are filtering the blood by removing salt, poison and any unwanted entering our body. With time, the salt accumulates and this needs to undergo cleaning treatments.
How are we going to do this?
It is verey easy, first take A BUNCH OF PARSLEY and wash it clean. Then cut it in small pieces and put it in the pot and pour clean water and boil it for ten minutes and let it cool down and then filter it and pour in a clean bottle and keep it inside refrigerator to cool.
Drink one glass daily and you will notice all salt and other accumulated poison coming out of your kidney by urination. Also you will be able to notice the difference which you never felt before. Parsley is known as best cleaning treatment for kidneys and it is natural!

Còn nhiều vị thuốc cũng bằng thảo mộc chữa cho các chứng bệnh nghiệt ngã khác. Tôi sẽ xin trích dần mỗi kỳ để cống hiến bà chi để nghiên cứu băt đầu từ kỳ này.

VẤN: Cụ Hà Đồ, San José: Bà cụ nhắc hộ cho bài “Trường Tín Oán của Vương Xương Linh”. Xin cho cả bài dịch, nếu có.

ĐÁP:

Là một bài thơ Vương Xương Linh nói lên nỗi lòng oán hận trong cung cấm. Đây là một bài thơ rất nổi tiếng.

TRƯỜNG TÍN OÁN

Phụng trửu bình minh kim điện khai,
Tạm tương đoàn phiến cộng bồi hồi,
Ngọc nhan bất cập hàn nha sắc,
Do đái chiêu dương nhật ảnh lai.

Bài dịch của Ngô Tất Tố:

Sáng, ra ngõ cửa, quét đền vàng
Nâng quạt, ngừng chân, dạ vấn vương.
Mặt ngọc những thua con quạ rét,
Nó còn sưởi nắng điện Chiêu dương.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 169

VẤN: Cụ Văn Thành Vũ, Maryland: Đọc sử ta, thấy từ cuối đời Trần nói về một thời yếm thế cầu an, như trường hợp tại Thanh Hóa vốn là núi non hiểm trở, nơi ngọn Núi Na, hiểm trở, có người tiều phu hàng ngày hái củi ra bán lấy tiền mua rượu uống bất cần cả nhân thế. Bà cụ có biết qua về sử tích này không? Lão tiều phu ấy là ai? Ong ta có những hành động gì lúc bấy giờ?

ĐÁP:

Thời xa xưa, các Nho sĩ đứng trước cảnh thời thế khó khăn chia bè rẽ phái, tranh nhau danh lợi quên cả quyền lợi của đất nước, mưu hại nhau, nên các cụ chán ngán thường lánh xa ẩn dật chờ thời.

Vào thế kỷ thứ 15, Nguyễn Dự chép trong Truyền Kỳ Mạn Lục chuyện Na Sơn Tiều Đối Lục kể giai thoại lão tiều phu Núi Na. Đúng như cụ đã nói tại đất Thanh Hóa núi đá bao quanh, chính giữa có ngọn Núi Na tại Hạt Cố Định ngút ngàn hiểm trở. Thường nhật, có một lão tiều phu gánh củi xuống núi đổi lấy cá nướng ăn, đổi lấy rượu để nhâm nhi đối cảnh mà cao ngâm thi phú. Ai hỏi tên không nói, hỏi đến nhà cửa lão chỉ cười lên ha hả. Thường nhật ngày thì xuất hiện, tối lại lão lại trở về hang động. Chẳng biết lão là ai? Từ đâu lão đến? Nhưng rồi tên lão cũng được người dân trong vùng biết được. Lão họ Trần tên Tu, gọi là Trần Tu, nhưng người đương thời gọi lão là cụ Tu Nứa.

Cứ theo Truyền Kỳ Mạn Lục thì đời nhà Hồ 1403 – 1406, trong cuộc đi săn bắn, Hồ Hán Thương bắt gặp lão Tiều này gánh củi giữa đường vừa đi vừa ca hát. Bài hát đó có đoạn như sau:

“Na chi sơn hữu thạch toàn ngoan
Thụ thương thương,
Yên mạch mạch,
Thủy sàn sàn,
Triêu hề ngô xuất,
Mộ hề ngô hòn.
Hữu y hề chế kị;
Hữu bội hề nhận lan v.v…”

Nghe lời ca đầy khí phách, Hồ Hán Thương bèn lẻo đẻo theo bén gót để tìm hiểu lão đó là ai. Lão Tiều thì như hề chẳng hay biết có ai theo chân mình nên càng lúc càng hát vang lên như cố tình chọc thủng vào tai thiên hạ cho đến câu cuối cùng:

“Tranh như ngã trạo đầu nhất giác,
Hồng nhật tam can”.

Rồi ngã người trên mon đá trắng ven đường rừng ngáy vang lên.

Hồ Hán Thương chợt biết chính đó là Cụ Tu Nứa, một kẻ tài ba xuất chúng, chán ngán cho sự đời bèn vào Núi Na cất túp lều tranh ở ẩn tránh phường thế tục đang tranh nhau trong vòng danh lợi.

Bài Ca lão hát vang lên đó mang tên:

Núi Na Đá Mọc

Đại ý:

“Cây xanh xanh ẩn trong khói sương mù mịt. Buổi sáng nhìn nước long lanh bước ra khỏi động. Tối lại quay trở về nơi ghềnh mà nghỉ ngơi. Xiêm dây mặc sức mà đeo, áo lá đã sẵn bên mình. Đẹp làm sao! Anh sáng rừng xanh, cửa động dịu dàng; ruộng biếc đầu gềnh khiến cảnh thêm xinh.

Ôi! Mặc ai đó ngựa xe; mặc cho kẻ vênh vang nơi chốn thị thành. Còn riêng ta chẳng nhuốm chút bụi trần. Tống – cung đao vùi chôn dưới cỏ. Tấn – buổi xưa kia áo mảo chẳng còn manh. Xác xơ xơ xác. Tạ, Vương giàu sang; Tào, Triệu công danh phè phỡn; Nghĩ lại xưa nay các hàng khanh tướng, bia đá phong rêu bao phủ. Hỏi đã có mấy ai giống như ta choàng tỉnh giấc, mà ngẩng lền trông con ác ở đầu cành”.

VẤN: Bà Vũ Hồng Đào, Virginia: Lại nghe có người bị bệnh “Bá Đao” tức là bệnh bị mọc mụt ngay trong cổ họng, ngày xưa khi nền Y học Tây phương còn chưa đầy đu, phương tiện về thuốc men còn yếu kém, xem đó là bệnh bất trị. Bởi mụt mọc ngay trong cổ họng, ăn uống không được, chỉ có mỗi phương thuốc Lục Thần Hoàn của Tàu cứu mạng. Nếu không làm tiêu được chứng nan y thì mệnh ắt sẽ phải vong. Lúc bấy giờ nghe có loại thảo mộc trị được như thần. Bà cụ có nghe vị thần dược đó không?

ĐÁP: Có như vậy. Ngày xưa chưa có thuốc “trụ sinh” nên gặp các bệnh ngặt nghèo như chứng “Bá Đao” bà chị nói thật khó lòng chữa trị. Tám mươi năm về trước, tuy còn tuổi nhỏ song tôi cũng từng chứng kiến một em bé bị mọc mụt ngay trong cỗ họng, suốt 3 ngày liền, không ăn không uống, chữa trị đủ mọi phương thuốc, song không thể nào lành được.

Trong lúc cha mẹ đành thúc thủ chẳng còn biết làm thế nào thì bất thần gặp được cứu tinh. Cứu tinh đó là một cụ bà đến viếng thăm chơi, nhìn thấy đưa bé thơ sắp phải lâm nguuy bèn hỏi căn bệnh, rồi lặng lẽ ra sau vườn lục lọi chung quanh mặt đất cũng như các ảng kiểng rồi bứt vào một nắm lá nhỏ mứt rửa ráy sạch sẽ, đoạn lấy ít muối hạt, rồi bỏ vào một cối đá nhỏ (dùng giã đậu phụng) đâm nát với một ít nước. Xong xuôi đâu đó, bà cụ mang đến bỏ cả xác lá lẫn nước vào miệng của đứa bé. Lạ lùng thay chỉ trong vòng 5 phút sau, từ trong cổ họng đứa bé ọc ra bên ngoài miệng toàn mũ và máu xông lên mùi hôi thối. Ngay sau đó vài phút Thế là đứa bé ấy tỉnh hẳn ra và vòi ngay ăn uống.

Nắm lá nhỏ có màu xanh đó chính là LÁ ME ĐẤT mọc ở khắp nơi ngay ven đường, ven mé vườn, hoặc ngay cả dưới chân các cây kiểng trồng trong các ảng hoa v.v… “Lá Me” nhỏ màu xanh hình dáng giống như 5 cánh hoa mai, có chất chua, hạt bông Me lũ trẻ thường hái ăn chơi khỏi buồn miệng.

Ngày nay thì ít ai còn nghĩ Lá Me, song ở Việt Nam các chốn xa xôi thỉnh thoảng cũng có người mắc phải bệnh nan y này có lẽ cũng còn dùng đến.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 170

VẤN: Ông Trần Văn Hào, Los Angeles: Tôi nghe nói người dân tộc Miền Núi có “Lễ Lửa”, vậy lễ này như thế nào? Bà cụ biết xin chỉ giáo.

ĐÁP:

Sédang là một tộc thiểu số có nhiều ngày lễ, Lễ Nước cũng là một trong các tập tục như Lễ Lửa mà ông đề cập đến. Sau khi cử hành lễ có tính cách gia đình, người Sédang họp lại tổ chức một lễ chung qui mô hơn xem là chính lễ. Lễ Lửa có nghĩa là ngày khởi sự “đốt rẫy” làm lúa hay trồng trọt các hoa màu phụ khác.

Ngày lễ này cũng giống như lễ Tết. Dân trong bộ lạc hội họp nhau lại cùng ăn uống, nhảy múa. Họ cầu xin Thần Lửa đem lại đất đai được mầu mỡ. Lễ này thường tổ chức vào dịp cuối mùa xuân. Tưởng cũng nên biết, đối với ngừoi Sédang xem mùa Xuân là mùa nhớ thương người quá cố. Thường vào khoảng tháng ba cả bộ lạc đưa nhau ra thăm nghĩa địa, tại đây họ quỳ lạy khóc than để tỏ lòng thương nhớ ông bà cha mẹ đã quá vảng.

VẤN: Ông Hồng Oanh, San Jose: Tôi nghe nói “Rau Tía Tô” là một loại thảo mộc vừa ăn ngon vừa là thần dược. Bà cụ biết không?

ĐÁP:

Theo như trang mạng Tình Ngệ Sĩ của nhà văn Việt Hải, có loan tải về “Loại Rau Tía Tô” do ông Thang Cao Nguyen giới thiệu loại rau này từ ông Trương Lê phổ biến là một loại rau vừa ăn ngon, vừa chữa bệnh. Tía tô có tên khoa học Perilla frutescens, còn gọi “É Tía Tô, Từ Tô hay Xích Tô”. Nó là loại rau thơm mà trong dân gian xem như là “thần dược”. Tía Tô có hai loại.

1. Lá Tía Tô mép lá phẳng, màu tía nhạt, ít thơm
2. Lá Tía Tô mép lá quăn, màu tím sẫm,mùi thơm mạnh. Loại này có giá trị sử dụng cao.

Tía Tô giàu vitamin A và C. Ngoài sự chế biến các món ăn ngon mà còn có tác dụng chữa trị bệnh rất hiệu nghiệm. Thường dùng trừ cảm mạo. Hạt có thể làm trà uống, nó cũng là thuộc hạ khí còn cành của nó làm thuốc an thai. Có thể nói nhiều người biết đến là trị cảm lạnh, nôn mửa, cảm sốt, nhức đầu, lợi tiểu, ra mồ hôi, bụng trướng, táo bón, dị ứng, trúng độc, đau khớp xương.

Tính của Tía Tô “ấm”, vị cay, vào 3 kinh “Phế-Tâm-Tỳ” .

CHỮA CẢM MẠO; GIẢI CẢM LẠNH:

XÔNG: Dùng lá Tía tô họp cùng các lá khác tạo thành nồi lá xông và lau rửa. Nếu rửa lá sạch sẽ thì có thể lấy ra một bát để uống trước hay sau khi xông. Nhớ là sau khi xông thường đổ mồ hôi nhễ nhại, lấy khăn lau rồi đắp chăn nghỉ.

CHÁO TÍA TÔ: Nấu cháo gạo tẻ múc ra bát, trộn lá tía tô non. Ăn nóng. Có thể thêm hành lá.

BÀI THUỐC SẮC UỐNG

Hương Tô Tán: Chữa cảm mạo thương hàn, sọt gai rét, đau đầu, tức ngực. Cân lượng như sau:
- Lá tía tô 8 gr.
- Trần bì 6 gr.
- Cam thảo 4 gr.
- Gừng 2 lát.
(Sắc nước uống) Có thể làm nồi xông.

CẢM MẠO: Lá tía tô một nắm. Vỏ quít khô lâu năm 1 cái. Gừng 3 lát. Đun nước sôi rồi cho 3 thứ vào, đun lại cho sôi, uống nóng. Có thể cho thêm đường phèn. Thích hợp nhất cho bệnh nhân nôn mửa, đau bụng. Chữa ho, hen, đàm suyễn tức ngực, khó thở.

Ngoài ra, tía tô còn chữa cả cho các trường hợp: Thương hàn ho suyễn: Một nắm lá tía tô nấu nước uống dần là dứt cơn suyễn.

NGƯỜI LỚN TUỔI HAY THỞ SUYỄN ĐUỐI HƠI:

Hạt tía tô một lạng, sao qua tán bột, dổ 2 bát nước vào quấy đều,lọc bỏ bã. Nấu cháo ăn lúc đói.

Tóm lại còn Tía Tô ngoài công dụng chữa nhiều bệnh, còn dùng nó làm những thức ăn ngon, hoặc ăn sống hay nấu chín được xem là những món ăn ngon miệng như ốc móng tay xào lá tía tô, mực cuốn tía tô, chả tía tô v.v..

Còn tiếp
THINH QUANG

Xem Phần 33 tại đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh