Lời giới thiệu:
Nhà văn Trương Quang vừa in xong tác phẩm "TÙY BÚT VIỄN PHƯƠNG" và Ban Điều Hành http://www.nuiansongtra.net hân hạnh được ông gởi tặng một tập. Với 20 bài viết trong 2 phần của tập sách, đã được giới thiệu trên trang web nầy, có lẽ nếu có cơ hội đọc xong, độc giả sẽ được thấy (hay thêm) những điều chưa thấy liên quan đến nhiều lĩnh vực.
Đối với người dân Quảng Ngãi, chắc không ít người nghe đến những địa danh Đồng-Kè, Tân-Phú nhưng chắc rằng không mấy ai có cơ-hội tìm hiểu cặn kẽ để rõ thêm về quê mình, từ đó, càng thêm yêu mến quê hương.
Trong tập "TÙY BÚT VIỄN PHƯƠNG" có bài viết về hai địa danh vừa đề cập. Ban Điều Hành xin phép tác giả được trích đăng nơi đây như để giới thiệu một phần của quê hương Quảng Ngãi với bạn đọc gần xa. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của website này mà nhóm chủ trương đã đề ra khi thành lập.
Cám ơn tác giả. Xin giới thiệu với bạn đọc.
Webmaster
www.nuiansongtra.net
- - - - - - - - - - - - -
MÍA ĐỒNG KÈ, TRE TÂN-PHÚ
Trương Quang
Đèo Eo-Gió trên tỉnh lộ Quảng-Ngãi – Minh-Long như điểm phân ranh giữa đồng bằng phía Đông với miền sơn cước phía Tây. Đứng trên đỉnh đèo hun hút gió, trông về phiá Tây-Nam là cánh đồng xanh ngát mút tầm mắt của vùng trung-du, có dòng sông uốn khúc và núi cao chớn chở vây bọc chung quanh. Dân quê hát rằng:
-“Đèo nào cao bằng đèo Eo-Gió,
Cỏ nào xanh bằng cỏ Hố-Cua.
Bao giờ cho đến gió mùa
Trèo đèo vượt suối dám đua bạn cùng.
Ngó lên hòn núi Chóp-vung,
Ngó xuống cánh đồng lúa trĩu những bông”.
Đấy là một vùng đất màu mỡ của huyện Nghĩa-Hành, được gọi tên là 2 xã Hành-Thiện và Hành-Tín (tức Nghĩa-Thuận và Nghĩa-Phú, tên thời VNCH) bao gồm đến 12 thôn ấp. Trên bản đồ, nơi đây là trung tâm điểm của tỉnh Quảng-Ngãi, đồng thời cũng là điểm giao tiếp khá đặc biệt với 2 huyện miền núi là Minh-Long và Ba-Tơ ở phía Tây; với 3 huyện bình nguyên là Đức-Phổ ở phía Nam, Mộ-Đức ở phía Đông và Tư-Nghĩa ở phía Bắc.
Do địa thế đặc biệt dễ bung ra tứ hướng, dễ cố thủ nhờ núi vây quanh, nên các thủ lãnh phong trào Văn-Thân và Cần-Vương chống Pháp đã có dự định dùng thung lũng trung du nầy làm căn cứ địa cố thủ; còn gặp lấn cấn với quân Sơn phòng của Nguyễn Thân theo Pháp đóng tại Vạn-Lý sát bên, thì chánh và phó tướng Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân đã sớm hy sinh! Đến thời kháng chiến chống Pháp, nơi đây được xem là hậu cứ vững chắc đủ sức phòng thủ và lương thực nuôi quân khi không giữ nỗi bình nguyên. Điều nầy đã không xảy đến nên có mấy ai biết nơi đây sẽ là căn cứ địa như một Trùng-Khánh của tỉnh Tứ-Xuyên, Trung-Quốc trong thời chống Nhật.
Trung (tên của nhân vật chính trong truyện – lời giới thiệu của BĐH website) đã có cơ duyên ngồi dạy học ở trường Nghĩa-Thuận (nay là Hành-Thiện) giữa lúc cuộc chiến Quốc - Cộng đang giành dân lấn đất rất ác liệt tại vùng nầy. Thấm thoắt đã 37 năm qua, mọi sự đều thay đổi. Vì vậy, Trung muốn vẽ lại đây vùng không gian của 2 xã Thiện, Tín vẫn trường tồn qua bao nhiêu biến chuyển, đồng thời ghi nhận về những đứa con của nó, từng hiện hữu trong khoảnh khắc của thời gian nửa thế kỷ (chỉ là gợi nhớ tên những người có cùng chính kiến mà Trung quen biết mà thôi).
Những thành phẩm làm ra từ tre, được các nghệ nhân đem bán
để tăng thu nhập cho cuộc sống nghèo khó ở nông thôn.
Trước nhất, ai cũng cảm thấy “ông mặt trời” đến vùng trung du nầy rất đường bệ. Ban mai sáng tỏ, dân chúng làm lụng dưới bóng núi thu ngắn dần dần, mới thấy mặt trời lên ngôi trên đỉnh núi phía Đông. Buổi chiều, mặt trời rực rỡ hào quang, ngự trên dãy Trường-Sơn phía Tây; mặt trời vừa chìm khuất là bóng tối như trong núi đổ ra nhuộm thẫm cả thôn làng.
Đường tỉnh lộ từ Thị xã Quảng-Ngãi chạy lên huyện Minh-Long, sau khi qua huyện lỵ Nghĩa-Hành rồi vượt đèo Eo-Gió là vào địa phận xã Hành-Thiện, nơi 2 thôn Phú-Lâm Đông và Phú-Lâm Tây nằm bên tả ngạn sông Vệ. Ngày xưa, huyện đường Nghĩa-Hành trú đóng tại Phú-Lâm Tây, nơi ngã ba của tỉnh lộ: một nhánh chạy lên Minh-Long, một nhánh chạy vào Nam qua Hành-Thiện, Hành-Tín nối liền với tỉnh lộ Thạch-Trụ đi Ba-Tơ. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã xây dựng nên cầu Cộng-Hòa bắt ngang qua sông Vệ tại ngã ba nầy, giúp cho xe cộ lưu thông rất thuận lợi.
Vượt qua dòng sông Vệ rộng lớn kể từ nguồn cho đến biển vào thuở ấy có được 3 cây cầu: cầu Cộng-Hòa nằm trên đầu dòng, đến cầu xe lửa tại Hòa-Vinh Tây và cầu trên quốc lộ 1 tại thị trấn sông Vệ. Nhưng đến những năm đầu của thập niên 1960, Việt Cộng nhiều lần lén đánh mìn đã phá sập cầu Cộng-Hòa. Cũng từ đó một đồn binh được dựng lên trên đỉnh núi đầu cầu, cạnh huyện lỵ cũ - cũng mang tên là đồn Cộng-Hòa - trong thế liên hợp với đồn Đình-Cương ở xã Hành-Đức, để giữ an ninh toàn vùng và lưu thông trên tỉnh lộ.
Từ thôn Phú-Lâm Đông đi dọc theo tả ngạn sông Vệ, qua đèo Đá-Bàng thấp và ngắn để xuống An-Chỉ, xã Hành-Phước xuôi về quốc lộ 1. Đối diện đèo Đá-Bàng, bên hữu ngạn sông Vệ có đèo Mã-Đao (thường gọi là đèo Quán-Thơm) là độc đạo từ An-Ba, Xuân-Đình của xã Hành-Thịnh dẫn lên xã Hành-Thiện. Đèo Quán Thơm thấp, hẹp, len bên chân núi Giàng hiểm trở, nơi dòng sông dội vào núi đá tạo nên Ba-Vực nước xoáy sâu thẳm rợn người, cho nên thuyền bè qua lại nơi đây thường đốt hương cầu khẩn xin được bình an. Nhiều người còn tin rằng nước sông Vệ và sông Trà-Khúc thông nhau, vì đã được biết có trái bòng mang hình dáng đặc biệt bị cuốn hút vào Ba-Vực không đáy ở đèo Quán-thơm, lại thấy trồi lên nơi vực sâu ở núi Ông (Bùi Tá Hán) trên dòng Trà-Khúc.
Ở lưng chừng đầu núi hiểm nguy trên đèo Quán-Thơm có Dinh Bà ẩn khuất giữa cây đá chập chùng. Dinh Bà thờ nữ tướng Tây-Sơn tên Lê Thị Tân. Bà và chồng, suốt ngày cự chiến với quan quân triều Nguyễn, chẳng may (tóc bà vốn dài chấm gót) búi tóc bị sổ tung giữa trận tiền, tóc vướng vào chân ngựa làm cho bà thiệt mạng, vì thế nơi đây gọi là đèo Mã-Đao. Hồn của Lê nữ tướng uất hận không nguôi, nên dân chúng địa phương thường thấy Bà xõa tóc múa kiếm trên sông hay đi thơ thẩn trên ghềnh đá, rồi thoắt bay sang Dinh Ông bên đèo Đá-Bàng. Sau khi miễu thờ Bà được tạo dựng, đây là nơi linh thiêng, người qua đường đều ngã mũ, dân làng các xã Hành-Thịnh, Hành-Thiện, Hành-Phước tổ chức tế lễ Xuân Thu nhị kỳ.
Phía tây đèo Quán-Thơm, mở ra vùng đồng lúa rộng bát ngát của 4 thôn Mễ-Sơn, Ngọc-Dạ, Vạn-Xuân và Bàng-Thới của xã Hành-Thiện, nằm bên hữu ngạn sông Vệ. Dải đất phù sa ven sông của thôn Bàng-Thới (tục gọi là Đồng-Kè) trồng mía rất tốt, có hàm lượng đường cao, được nổi tiếng là “Mía Đồng-Kè, tre Tân-Phú”. Đồng-Kè là sinh quán ông Trần Vạn Phiên, nguyên là một giáo sư Trung học, có ra sách toán trong thời kháng chiến chống Pháp, sau làm Quận trưởng Nghĩa-Hành rồi Dân biểu Quốc Hội VNCH. Ông Phiên hiện định cư tại thành phố Philadelphia, Hoa Kỳ. Em ông Phiên là cô Hương, một trong số hiếm hoi nữ huấn luyện viên thanh niên của tỉnh Quảng-Ngãi. Từ chỗ quen biết, nên Trung thường đến thăm ông bà Cửu Thâm là bố mẹ của 2 người trên, thường được đãi nước dừa tươi, hái trái cà phê chín trồng quanh vườn và góp chuyện quanh chiếu bạc tứ sắc.
Thôn Vạn-Xuân dựa lưng vào núi Đụn ở phía đông (trên sách địa lý là núi Giàng) có dáng dấp như cánh dơi, được bao phủ bởi cây lá xanh thẫm của rừng già. Đồng ruộng Vạn-Xuân khá tươi tốt, nước từ khe núi và từ máy bơm trên sông Vệ đưa nước vào ruộng quanh năm. Đương trong tỉnh trạng bấp bênh của chiến tranh nên cả xã Hành-Thiện không ai dám dựng bờ xe nước {Khi học trường Lê Khiết tại An-Ba, Trung còn nhớ tại xã Hành-Thịnh ngay sát bên dưới, có 5 bờ xe nước từ đèo Quán-Thơm đến đập Bến-Thóc}.
Có những người chôn nhau cắt rún ở đất Vạn-Xuân, nay đã cao niên như ông Nguyễn Trọng Phu là giáo chức trung tiểu học thời kháng Pháp, đến thời VNCH thường lịch lỵ nhiều nơi: ở tòa Hành chánh tỉnh Quảng-Ngãi, lên Tóa án Đà-Lạt, về bộ Ngoại giao. Ông Phu hiện sống tại thành phố Toronto, Canada. Có người đã thành thiên cổ vào giờ thứ 25 của cuộc chiến oan nghiệt như ông Vũ Hồng. Ông nguyên là quận phó rồi chủ sự ty Tài chánh Quảng-Ngãi. Sau 1975, ông Hồng bị tù cải tạo tại trại Gia-Trung cùng lúc với Trung; tính ông bất khuất nên bị cai ngục Việt Cộng giam cùm đến chết, rồi vùi xác giữa rừng le.
Người bạn cùng trang với Trung là ông Nguyễn Duẫn. Ông nguyên là Trưởng viện Bài lao Quảng-Ngãi thời VNCH, hiện nay vẫn hành nghề như một bác sĩ mát tay. Con trai, con gái của ông Dũng cũng là bác sĩ, trong đó có anh Nguyễn Tiến Dũng hiện sống tại Washington State, USA, vốn là một học sinh giỏi của Trung tại Trung học Trần Quốc Tuấn. Thôn Vạn Xuân còn một học sinh xuất sắc của Trung là Nguyễn Thị Kim Tuyến, con của thầy Lang.
Tiếp tục đi theo nhánh tỉnh lộ cán đá, về hướng Tây-Nam là địa phận xã Hành-Tín (tức Nghĩa-Phú thời VNCH). Núi Nứa nằm ven hữu ngạn sông Vệ, nơi có 2 thôn là Thiên-Xuân và Nhơn-Lộc. Từ thôn Nhơn-Lộc đi về Đông phải vượt đèo Đồng-Ngỗ (tên chữ là đèo Đại-Lộc) để xuống xã Đức-Sơn rồi chạy về quốc lộ 1 tại thị trấn Đồng-Cát. Người con gái làng trên ngỏ ý với chàng trai thôn dưới, giữa cảnh trí quê nhà:
-“Đèo nào cao bằng đèo Đồng-Ngỗ,
Bộ nào rộng bằng bộ An-Ba.
Thấy anh ăn nói thật thà,
Muốn vô gầy dựng cửa nhà cùng anh”.
Thật ra, đèo Đồng-Ngỗ không cao bằng đèo Eo-Gió, nhưng đường lên đèo Đồng-Ngỗ đi thẳng nên dốc dựng, xe hơi không thể qua được, khác dốc thoai thoải chữ Z của đèo Eo-Gió. Lúc mới vào đời, Trung đã đi xe đạp 45 cây số, qua ngã đèo Quán-Thơm tìm đến thôn Nhơn Lộc, được ông giáo Nhuận và ông giáo Thiệu cho một cây mai mang về trồng trước nhà. Trong chiến tranh ly tán, biết hai ông giáo ai còn ai mất? Có chăng còn gặp Đại úy Khiêm (con ông giáo Nhuận) là quản lý Bệnh viện I dã chiến, hiện nay anh định cư tại Hoa Kỳ.
Thôn Thiên-Xuân là nơi chào đời của thầy Nguyễn Vỹ, sau đó thầy dời sang thôn Tân-Phú của phía vợ, có lẽ vì ngại suối nước độc: “Bất ẩm Thiên-Xuân khê”. Thầy Nguyễn Vỹ là giáo sư Lycée Khải Định (tức trường Quốc Học, Huế) dưới thời Pháp thuộc, rồi Hiệu trưởng trường Lê Khiết, lên Giám đốc Giáo dục miền Nam Trung-bộ thời Kháng-chiến chống Pháp. Nay thầy Vỹ xấp xỉ “nhân sinh bách tuế vi kỳ”, thầy lấy Nha-Trang làm nơi an dưỡng cuối đời.
Thầy Nguyễn Quới là con thầy Vỹ. Trung học Pháp văn thầy Quới dạy tại trường Lê Khiết, cả trước và sau khi thầy cưới cô Chí (một nữ giáo sư cùng trường, nhà bên An-Chỉ). Tiến sĩ Hoàng Ngọc Thành, hiện ở thành phố San Jose, USA là em cô Chí, cũng từng dạy ở trường Lê Khiết. Thầy Nguyễn Quới có học vị Tiến sĩ Văn chương Pháp, đảm nhận chức vụ Khoa trưởng Đại học Văn khoa Huế thời VNCH. Hiện nay gia đình thầy Nguyễn Quới định cư tại nước Bỉ, Âu châu.
Thầy Nguyễn Thắng có sinh quán nơi đây, là một Huấn luyện viên học đường rồi Quản-lý Bệnh viện Quảng-Ngãi, trở thành bạn vong niên thân thiết với Trung trong Hợp tác xã Dệt sau năm 1980, một tấm bình phong nghề nghiệp trước bức bách đi “Kinh tế mới”.
Bên tả ngạn sông Vệ mở ra những cánh đồng lúa xanh mơm mởn của 4 thôn là Phú-Khương, Phú-Thọ, Tân-Phú và Long-Bình. Vùng đồng ruộng màu mỡ nầy có tên là “Suối Bùn” là do chất mùn từ núi đưa xuống và sông Vệ bồi lên hàng năm vào mùa lũ lụt. Con gái vùng nầy đẹp mặn mà, vượt trội hơn cả là cô Th. và cô Ng. nổi tiếng một thời, khiến anh B. từ thị xã lên, mới vài lần đi chung chuyến đò qua sông Vệ mà đã toan tính chuyện trăm năm. Bỗng anh khựng lại vì nghe lóm “Bốn không” của cụ Đồ gàn nào đó đã phịa rằng:
“Bất giao Nhơn-Lộc hữu.
Bất thú Phú-Thọ thê.
Bất đáo Mã-Khâu (?) đề.
Bất ẩm Thiên-Xuân khê”.
Hai câu đầu có tính nhân văn: Không chơi với bạn người Nhơn-Lộc. Không cưới vợ người Phú-Thọ là do định kiến sai lầm rằng trai giao du thì thiếu chân thật, gái có nhan sắc thì thiếu chính chuyên của ý tưởng khắc nghiệt ngày xưa. Hai câu sau có tính địa lý, là 2 thực tại được chấp nhận: Không đến gò Mã-Khâu (vì có nhiều “gai vuốt mèo” móc vào da thịt, cả bãi cỏ khâu dính vào quấn áo). Không uống nước suối Thiên-Xuân (vì nước rất độc từ rừng mây chảy ra).
Giữa đồng ruộng Phú Thọ có giếng tắm lộ thiên công cộng. Nước mạch từ ruộng bực thang cao hơn chảy ra bất tận, có một vách xây ngăn chia đôi vũng tắm giữa nam và nữ, giới nào vào ngăn ấy cứ trần truồng tắm gội thoải mái, cứ tự nhiên như trẻ con tắm ao nhà. Nước sông Vệ thật trong, nhưng còn mang theo giá lạnh từ sông Rhe chảy xuống, nên người dân quê thích tắm nước ở “vũng tắm” vì còn hơi ấm của lòng đất.
Chính ở đồng ruộng Suối Bùn là nơi “trái bắp bằng bắp cẳng, bông lúa như đuôi trâu”, tuy có nói quá lố, nhưng giúp ta hình dung được ngũ cốc sung mãn nơi đây. Cả lũy tre thôn Tân Phú lóng dài mắt nhỏ, là thứ tre nang sản xuất ra mọi dụng cụ bằng tre. Chủ vườn bán tre nguyên cả bụi, người mua chặt sạch sát mặt đất, rồi kết thành mảng bè, nương theo lạch nước sông Vệ trôi về xuôi. Chừng năm, bảy năm sau, măng tre lại mọc thành lùm tre thẳng đuột. Mía Đồng-Kè, tre Tân-Phú không phải là chuyện thêu dệt.
Tiếp tục đi lên hướng Tây là đến một thung lũng dài và hẹp có tên là Khánh-Giang, Trường Lệ. Khu vực nầy có lúc thuộc xã Hành-Tín, có khi lại sát nhập vào huyện Ba-Tơ. Vùng Khánh-Giang, Trường-Lệ phần lớn là đất khai phá của ông Thượng Hiền (cũng gọi là Án Hiền, vì trước ông là quan Án sát, sau thăng chức Thượng thơ dưới triều Nguyễn). Gia trang của ông Thượng Hiền ở thôn Tân-Phong (thuộc huyện Đức-phổ) cách đấy mươi cụm núi, chừng năm ba dặm chim bay.
Lối vào Hành-Tín có thể theo tỉnh lộ Thạch-Trụ đi Ba-Tơ, qua ngả đèo Đá-Chát. Đèo nầy và Hố-Trầu có nhiều cọp, đáng sợ một thời là cọp ba chân và cọp tàu cau đã vồ thịt hàng chục người. Cọp xuống làng xóm vùng Khánh-Giang, Trường-Lệ, Suối-Bùn bắt cả heo bò; dân làng nổi mõ trống, la hét xua đuổi chẳng ăn thua gì. Cọp chỉ sợ tiếng súng song thương của mấy tay thợ săn, vì cọp thừa biết:
“Cốc... cốc...là gốc tre già
Thùng... thùng...là da trâu thúi
Huội...huội...là bay đuổi tao
Đùng... đùng...là tao mới sợ”.
Còn một điều khó quên về trại cải tạo Hành-Tín, là một trong hàng trăm trại giam những người từng phụng sự chế độ Cộng hòa, sau khi VNCH bị CS cưỡng chiếm vào mùa Xuân 1975. Trại giam nầy ở thôn Long-Bình, nên người đương thời bèn thêm vào điều “không” thứ 5 (tiếp theo 4 không ở đoạn trên):
“Bất vãng Long-Bình đê”
Có nghĩa là không đến đường Long-bình, sợ đạp gai, rách áo, bởi các bờ đắp có chôn gai và đóng cọc nhằm cấm trâu bò, đi sạt lở bờ lại đớp cả lúa. Câu trên mang hàm ý, ai nấy đều sợ tới đường Long-bình, lối dẫn vào trại giam bằng khổ sai lao động!
* * *
Đầu niên khóa 1964-1965, Trung nhận lệnh thuyên chuyển đến dạy và làm Hiệu trưởng trường Nghĩa Thuận (nay là Hành Thiện) giữa lúc chiến cuộc nơi đây rất phức tạp. Cơ sở 3 lớp sơ cấp bên Phú-Lâm Đông gần đồn Cộng-Hòa nên có an ninh, do 1 thầy và 2 cô giáo viên Ấp Tân sinh đảm trách, chẳng có gì đáng ngại. Cơ sở tiểu học 5 lớp lại phải đi đò qua hữu ngạn sông Vệ, gặp Ủy ban Hành chánh xã có rào vi kiên cố và lính gác, đi tiếp 2 cây số trên tỉnh lộ mới đến ngôi trường 3 gian ngói 2 gian tranh, là trường học ở vị trí giáp ranh với vùng mất an ninh của xã Nghĩa Phú (nay là xã Hành Tín). Tuy vậy, trường Nghĩa Thuận vẫn giảng dạy bình thường, có quy củ, lá quốc kỳ màu vàng 3 gạch đỏ vẫn ngự trị trên cột cờ suốt ngày đêm. Sĩ số mỗi lớp đã đến 60, nhưng các thầy vẫn vui lòng nhận thêm học sinh trường Nghĩa-Phú học dở dang, vì trường ấy đã rơi vào vùng mất an ninh nên phải đóng cửa.
Buổi trưa nghỉ vài giờ, nhiều em bỏ bụng nắm cơm độn khoai mì, vừa nhai vừa học bài cho lớp học buổi chiều, tan học sớm là về nhà làm lụng (các thầy cũng vội qua đò lấy xe gắn máy vượt qua đèo Eo-Gió trước 4 giờ 30, sáng hôm sau chờ lính mở đường, rà mìn xong mới lên đèo). Hầu hết các em ham học mà sống lam lũ, nên Trung không còn buộc học sinh phải đồng phục, nhưng bắt buộc phải mang bảng tên trường vào các áo đi học - không chỉ để biết tên, mà vì an toàn hơn cho con em ở vùng xôi đậu nầy.
Gặp ngày mưa lũ, nước sông Vệ chảy cuồn cuộn lênh láng không thể đưa đò, các thầy giáo không dám nghỉ lại nhà bác Hiền ngay trước trường như buổi trưa, mà phải rút vào trong “ấp chiến lược” Bàng-Thới. Nằm nghe súng nổ bên đồn Cộng Hòa, đại bác ì ầm bên vách núi và hỏa châu vụt sáng giữa đêm mưa; đợi lúc nầy, thầy N. mở đòn tâm lý với Trung:
-“Anh đốc nầy! mấy ổng xử tệ với anh vì ngờ anh có liên hệ với Đại học Huế trong biến động năm ngoái, nên đẩy anh vào tử địa nầy, nếu bom đạn có tha thì tuổi thọ cũng giảm nhiều lắm. Anh có đủ lý do để đóng cửa trường. Bọn tui về Ty nằm chờ đi trường mới, còn anh đã là Giáo sư trung học chánh ngạch thì trả về trường thành phố, sao anh không tính liền đi?”.
Vốn biết trước đề nghị ấy của các bạn đồng nghiệp, Trung thẳng thắn nói:
-“Đám học trò có xử tệ với tôi đâu mà trả thù chúng nó? Trường mình thôi dạy thì chúng biết đi về đâu? Vô tình chúng mình đẩy các em ở lứa tuổi 15, 16 ở lớp Nhì và Nhất lên núi cầm súng, từ tình thầy trò trở thành thù địch. Tôi còn đến đây tiếp tục dạy dỗ, chẳng lẽ các anh lại quay lưng với con em rất gần với các anh sao?”.
Cùng dạy tại cơ sở chính 5 lớp với Trung, đã có 3 thầy ở huyện Nghĩa-Hành là thầy Nguyễn Lang, thầy Lê Nguyên, thầy Võ Duy Mật. Trẻ nhất là thầy Nguyễn Văn Báu, quê ở Đà Nẵng, mới tốt nghiệp trường Sư phạm Huế là về nhiệm sở nầy. Không còn ai bàn ra tán vào chuyện đóng cửa trường nữa. Muốn được bảo đảm trường học là khu phi chiến, thầy và trò cần được bảo vệ, Trung phải lần lượt đến gặp Thiếu tá chỉ huy đồn Cộng Hòa, ông Chủ tịch và Ủy viên Cảnh sát xã Nghĩa Thuận (cả 2 ông từ tỉnh đưa lên, vì người địa phương không ai dám nhận trách vụ, sợ bị Việt cộng ám sát) và cả trung đội trưởng Nghĩa quân nữa.
Các thầy đi đâu cũng có năm, bảy em học sinh lớn tự nguyện đi theo sau như người hộ vệ. Một buổi trưa oi bức, Trung lặng lẽ ra sông Vệ nơi bến lội gần trường, ngâm mình trong dòng nước trong mát và bơi ra giữa lạch sâu. Ngay lúc đó một chú mục đồng lừa bò xuống sông tắm, chú nắm theo đuôi bò bơi đến gần Trung, nói nhỏ:
-“Thầy đừng qua, bìa núi trên đó có mấy ông kẹ giấu súng trong áo, giả làm người đốn củi, ghê lắm!”.
Trung liền bơi về, đến cồn cát bìa sông đã gặp nhóm học trò tỏa đi tìm thầy, gặp được nhau có em khóc sụt sùi. Ôi! Một lời mách bảo của em bé chăn bò, những giọt nước mắt lo sợ lẫn vui mừng của tinh thầy trò trên quê hương tang tóc! Đó là tình cảm chân thành của tuổi thơ trong cuộc chiến tương tàn, như thôi thúc người viết giải bày trên trang giấy.
Hôm ấy, vào đầu tháng 4-1965, lúc 8 giờ, trung đội Nghĩa quân sau đêm phục kích, đương kéo về, thì bị Việt-Cộng đánh úp cách trường chừng 400 mét. Nghĩa quân phải dựa theo con mương dẫn đến trường để rút vào ấp chiến lược Bàng-Thới. Súng, lựu đạn nổ dữ dội, thầy trò hốt hoảng. Trung la thét, bảo thầy trò phải nằm theo tường gạch của mỗi lớp. Nghĩa quân lui cách trường 200 mét thì trụ lại quyết tử chiến (3 nghĩa quân đã ngã xuống tại điểm nầy để cho nhà trường không nhuộm máu!) Tức thì đại bác từ đồn Cộng Hòa nổ chát chúa dọc bìa núi Giàng, áp lực của địch được giải tỏa. Giá như, 300 học sinh túa ra vì khiếp sợ, là nằm ngay giữa lằn đạn đôi bên, chưa kể đến Việt Cộng bắt học sinh làm lá chắn! Nghĩ đến đó Trung thấy trách nhiệm quá lớn.
Dù vậy, trường Nghĩa-Thuận vẫn mở cửa giảng dạy đều đặn. Trung đã hoàn thành phiếu điểm miễn thi Tiểu học và lập xong hồ sơ thi lên Trung học cho con em Nghĩa-Thuận niên khóa 1964-1965 như bổn phận phải làm, ân nghĩa phải trả cho vùng đất quê hương yêu quý.
Đất nước và con người nơi vùng trung du của tỉnh Quảng Ngãi còn in sâu trong tâm tưởng của Trung trên đường đời tha phương lưu lạc.
Connecticut, tháng 11-2002
Trương Quang
* * *
Đọc thêm các bài cùng tác giả tại đây
Về trang chính: http://www.nuiansongtra.net