Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 37)
THINH QUANG


VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 37)
Thinh Quang

MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 181

VẤN: Ông Ngô Hữu Thời, Los Angeles: Tôi từng nghe nói đến danh từ “QUÂN TỬ”. Vậy thế nào là người quân tử, bà cụ biết không?

ĐÁP:

Từ ngữ “Quân Tử” không phải mới xuất hiện mà nó đã ra đời từ đời nhà Chu, vào khoảng 1100 trước Công Nguyên, có nghĩa là nó xuất hiện từ thời cổ đại Trung Hoa. Với Khổng Tử cho là có Quân Tử ắt có Tiểu Nhân. Nếu xã hội loài người không có hạng người tiểu nhân thì danh từ quân tử ắt là không bao giờ có. Vậy thì Quân Tử phản nghĩa với Tiểu nhân.

Cái nghĩa của danh từ Quân tử chẳng phải chỉ thuần túy về địa vị xã hội mà thật sự chủ yếu của nó là căn cứ vào phẩm hạnh và đạo đức. Chức tước, giàu sang chưa hẳn đã là bậc quân tử, còn nghèo nàn, tiền không của chẳng mà đói sạch rách thơm thì đâu phải là hạng tiểu nhân tầm thường! Hạng tiểu nhân lúc nào cũng nghĩ đến quyền lợi của mình, tìm cách bóp chết kẻ khác. Như vậy thì kẻ nào không có lòng nhân ắt là tiểu nhân. Theo Khổng Tử thì người quân tử trong đời sống phải thể hiện cho được 9 điều. Đó là:

1. Nhìn cho thật rõ ràng.
2. Nghe cho thật thông suốt.
3. Vẻ mặt luôn luôn phải thật ôn hòa.
4. Tướng mạo cho thật khiêm cung.
5. Nói năng phải giữ bề trung thực.
6. Thái độ trong khi làm công việc phải biết trọng sự kính cẩn.
7. Gập điều nghi hoặc trong lòng phải điềm đạm hỏi han.
8. Khi cảm thấy lòng tràn đầy giận dữ hãy nghĩ ngay đến cảnh hoạn nạn có thể xảy ra.
9. Khi nhìn thấy lợi lộc phải nghĩ ngay đến điều nghĩa.

Người quân tử không vì lợi ích cho riêng tư mình mà phải nghĩ đến cái lợi chung cho khắp cùng thiên hạ. Không để bị đồng tiền làm tối mắt mà đánh mất đi lương tâm. Không bị tự ái chuyện không đâu mà để sinh lòng ganh tị. Tuyệt đối không hời hợt nhất thời mà đánh mất đi lòng nhân. Ấy đó là những điều người quân tử cần nên thận trọng. Chẳng ai muốn bị mất đi lòng nhân ái cả.

VẤN: Cụ Vũ Nghiêm Minh, tức Cụ Đồ Mậu, San Jose: Tôi có nghe về sự tích hai con sông Hoàng Hà và Trường Giang, cụ có còn nhớ không? Nếu được cụ kể lại sự tích này. Cám ơn cụ nhiều.

ĐÁP:

Sự tích này tôi đọc được trong Tam Tự Kinh nới đoạn:

VIẾT GIANG HÀ, VIẾT HOÀI TẾ, THỬ TỨ ĐỘC, THỦY CHI KỶ,
VIẾT ĐẠI HOA, TUNG HẰNG HÀNH, THỬ NGŨ NHẠC, SƠN CHI DANH.
Nghĩa của đoạn này: “Những sông ngòi trực tiếp chảy ra biển, có bốn con sông đại diện là Trường Giang, Hoàng Hà, Hoài Thủy và Tế Thủy. Năm ngọn núi cao nổi danh là Thái Sơn ở phía Đông, Hoa Sơn ở phía Tây, Hành Sơn ở phía Nam và Trung Sơn ở giữa.

Chuyện kể rằng: Hoàng Hà và Trường Giang là hai con sông nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Trường Giang là sông dài nhất và đứng hàng thứ tư trên thế giới coi như thể chia Trung Quốc làm hai phần Nam, Bắc. Đời nhà Tống, giặc Kim thường uy hiếp phần phía Bắc, mà không thể qua được Trường Giang. Một lần muốn vượt Trường Giang để tấn công Nam Tống, Bị Đại Tướng Hàn Thế Trung chận đánh, vợ là Lương Hồng Ngọc đánh trống trợ chiến. Quân lính thấy vậy chiến đấu rất anh dũng. Quân Kim bị chết nhiều, sau phải lui về phía Bắc mà không sang sông được.
Hoàng Hà là nơi phát sinh ra nền văn minh của Trung Hoa nhưng thường xuyên lũ lụt, gây thiệt hại rất nhiều về của cải cũng như tính mạng của nhân dân. Đời vua Thuấn sai Đại Vũ đi trị thủy. Được lệnh, Đại Vũ về khơi các đường cho thoát nước ra nhưng đến núi Long Môn thì bị chận lại, ông bèn sai người đục một cái động rất lớn cho nước được thoát nên nước sông Hoàng Hà chảy rất xiết. Động nơi này rất cao, có nhiều cá lớn bơi tới đó đều phải phóng nhảy qua. Vì vậy truyền thuyết nói rằng khi nào cá chép nhảy qua được Long Môn thì sẽ hóa thành “rồng”, nên mới có câu chuyện “cá chép nhảy cửa rồng” là vậy.

Sự hình thành của Ngũ Nhạc theo truyền thuyết nói là, thời thượng cổ khi trời bắt đầu còn là một khối hỗn mang, có một vị thần tên là Bàn Cổ, khi ông đang ngủ bị một tiếng nổ rất lớn làm ông giật mình thức tỉnh, nhìn thấy chung quanh tối đen nhự mực mài. Ông bèn quơ tay lấy một cái rìu chém ngang một nhát, tự nhiên khối hỗn mang kia chia ra làm hai, cái gì nhẹ bay lên trên và cái gì nặng chìm xuống bên dưới. Cứ như thế dần dần khói nhẹ càng bay lên cao và trở thành Trời, cái gì nặng chìm xuống dưới trở thành Đất. Thế là từ đó bắt đầu có Trời và Đất. Về sau, ông Bàn Cổ chết đi, đôi mắt ông trở thành Mặt Trời và Mặt Trăng, bụng biến thành Tung Sơn, tay trái biến thành Hành Sơn. Tay phải biến thành Hằng Sơn, còn hai chân thì biến thành Hoa Sơn.

Đông Nhạc Thái Sơn là cao nhất, nên các nhà vua chúa hay lập Đàn tại đây để Tế Trời, biểu thị sự oai nghiêm. Có lần bạo chúa Tần Thủy Hoàng muốn lên, nhưng khi tới lưng chừng bị mưa to gió lớn nên không thể lên được tới tận đỉnh.

Tây Nhạc Hoa Sơn, núi cao nhất, vách đá cheo leo, trông thật khiếp đảm. Có một ông quan Đại Thần đời nhà Đường tên la Hàn Dũ sau khi lên được đến tận đỉnh, tuy gian nan mà dễ hơn nhiều khi xuống núi, mỗi lần nhìn xuống dưới bên dưới Hàn Dũ thât sự sợ hãi, đến nỗi hai chân bủn rủn không còn cử động được nữa. Những người đi tháp tùng bắt buộc cho ông uống rượu thật say rồi cùng nhau khiêng ông xuống núi.

Các núi cao theo truyền thuyết thường có các nhà tu tiên đến tu hành đắc đạo, như Hoa Sơn Lão Tổ là ông Trần Đoàn, Thái Tử của Chu Lương Vương là Vương Tử Kiều, thổi sáo rất hay, về sau tu và đắc đạo tại Tung Sơn. Vị nhân iên này thường gọi gọi là Bạch Hạc Tiên Nhân hay Trương Quả Lão là một trong các vị Bát Tiên tại núi Hằng Sơn.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 182

VẤN: Bà Lý Thái Vân, San Jose: Tôi tất thích ăn măng xào bún. Gần đây tôi được một bà chị láng giềng cho biết, coi chừng ăn món bún xào với măng này dễ bị trúng độc. Có thật vậy chăng?

ĐÁP:

Đúng như bà chị láng giềng mách bảo. Đó là món ăn nhiều người ưa thích. Tôi còn nhớ mấy năm trước đây đọc được tài liệu nói về món:

BÚN XÀO MĂNG. Muốn có món ăn này phải có đủ các thành phần liệt kê như sau:

Thịt vịt, măng tươi hoặc măng khô, bún rau sống. Nên nhớ rằng măng và khoai mì có chứa loại Cyanhydric là chất độc mạnh với liều lượng 1mg. Ký thể trọng có thể gây tử vong. Trường họp ngộ độc thường thấy như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn thần kinh, hô hấp, tuần hoàn.

Muốn tránh bị chất độc từ trong măng tươi hoặc măng khô cần phải luộc kỹ đoạn đổ bỏ nước đắng đi rồi mới dùng.

Măng le tức măng tre nhỏ thường ăn tươi nhưng đã được ngâm chua. Nên nhớ rằng ngâm chua nhưng cũng phải loại bỏ chất độc, đây là cách chế biến của người xưa.

Măng có vị nhạt, tính hàn, có tác dụng thanh thượng tiêu, phiền nhiệt, tiêu đàm, chỉ khái, suyển, thổ huyết, trị được kinh phong của trẻ em. Theo Tuệ Tĩnh thì nước măng tre có thêm chút gừng mục đích là giảm được tính hàn, trị BỆNH ĐÁI ĐƯỜNG. Nhưng tài liệu này thì riêng cá nhân người đưa ra việc trị “Đái Đường” không nên dùng măng để trị bệnh vì tác dụng chưa rõ ràng mà lại độc.

2. THỊT VỊT:

Thịt vịt ít dùng làm thuốc. Theo Đông Y thì vịt trắng lành, vịt đen hơi độc. Thịt vịt vị ngọt, tính mát, bổ hư, tích tạng. Dùng đề trị sưng lở, ly nhiệt, trẻ con kinh phong.

Theo sách Đông Y “Bản Thảo Vấn Đáp” thì vịt thụ tính của của kim thủy nên tư phế. Vịt nuôi dễ mắc bệnh dịch, có thể chết hàng loạt.

Tục ngữ có câu:

“Muốn giàu nuôi cá,
Muốn khá nuôi heo…
Muốn nghèo thì nuôi vịt”.

Nước luộc măng hơi đắng và đục.

VẤN: Ông Vũ Tu Hà, Virginia: Bà cụ có biết xuất xứ của Dân Da Đỏ không?

ĐÁP:

Theo Nguyễn Thế Đại nói về “DÂN DA ĐỎ Ở BẮC MỸ CHÂU”, trong bản dịch “THỜI KỲ TIỀN LẬP QUỐC CỦA HOA KỲ” như sau:

Năm 1513 là năm người Âu Châu đầu tiên – một người Tây Ban Nha - ông JUAN PONCE DE LEON đã đặt chân lên một địa điểm ở phía Bắc tiểu bang Florida bây giờ. Không lâu sau đó, họ mới vỡ lẽ ra là họ đã đến được một tân thế giới rộng mênh mông. Và đám dân bản xứ mà họ gặp, đã được tặng cho cái danh hiệu là DÂN DA ĐỎ.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 183

VẤN: Đỗ Phụng Sồ, San Jose: Cháu thiếu hiểu biết kỹ thuật AM, FM là thế nào và công dụng của nó ra làm sao?

ĐÁP:

AM là Amplitude Modulation: a method of impressing a signal on a radio carrier wave by varying its amplitude; khuếch-đại điều-chuẩn; sự hòa nhập biên độ của hai loại giao-động, dùng cách tăng cường-độ tín-hiệu âm-thanh để đẩy tín-hiệu đi xa. Bằng cách này, tín-hiệu của làn-sóng AM đi rất xa (đi xa hơn làn-sóng FM).

FM là Frequency Modulation: a method of impressing a signal on a radio carrier wave by varying its frequency; tần-số điều-chuẩn: sự hòa nhập tần-số giao-động, dùng cách khai-triển tần-số để tăng phẩm-chất tín-hiệu âm-thanh. Bằng cách này, âm-thanh làn sóng FM trong-trẻo, chính-xác, rõ-ràng (hơn làn sóng AM). Kỹ-thuật này được phát-minh vào thập niên 1930.

AM, FM không phải là kỹ thuật để “làm mạnh” làn sóng hay tần số phát đi. AM, FM là hai cách hòa nhập (modulation) những giao động của âm thanh và giao động của điện từ, để nhờ những giao động điện từ chuyển âm thanh từ đài phát thanh đến máy thu thanh.

Trong máy thu thanh (radio) có bộ phận làm ngược sự hòa nhập trên. Đó là bộ phận tách sóng, tách giao động điện từ, khuếch đại rồi chuyễn tới loa để phát ra cho ta nghe. Từ ngữ modulation nghĩa là hòa nhập chứ không phải là hòa âm, từ ngữ của nhạc học.

Giao động âm thanh tự nó không thể truyền đi xa mà phải ký thác nó vào giao động điện từ, truyền đi trong không gian. Giao động điện từ còn gọi là “sóng điện từ” hay “sóng tải” (cartrier wave).

VẤN: Bà Công Tằng Tôn Nữ Huyền Vi, San Jose: Bà cụ có biết bánh mì Crossant xuất xứ từ đâu không?

ĐÁP:

Tên bánh mì Crossant xuất phát từ nước Áo, được thợ làm bánh mì ở Vienne, Áo quốc làm ra để ăn mừng chiến-thắng của Áo chống lại Thổ-Nhĩ-Kỳ (Turkey) hồi năm 1863. Hình trăng lưỡi liềm là dấu hiệu trên lá cờ của Thổ Nhĩ-Kỳ, người Áo căm ghét người Thổ xâm chiếm nước họ nên họ quan niệm ăn bánh mì có hình-thể lưỡi liềm ngụ ý muốn nói họ nuốt Thổ-Nhĩ-Kỳ.

VẤN: Bà Trần Thị Hoa, San José: Bà cụ giải thích câu thành ngữ “Cáo Mượn Hơi Hùm”, thành kính cảm ơn bà cụ.

ĐÁP:

“Cáo mượn oai hùm” Dịch từ câu “hồ dã hổ uy”. Theo Chiến-quốc sách (trong phần Sở sách) có câu chuyện: Có một con cáo bị cọp bắt, cáo lanh trí xưng là ”Chúa sơn lâm, tuân mệnh Trời cai-quản cả cánh rừng, nếu cọp giết nó sẽ mang tội”. Cáo còn bảo với cọp nếu không tin, đi theo nó mà xem. Cọp chưa tin nên đồng ý, đủng-đỉnh theo sau. Cáo vênh-váo đi trước, đi đến đâu, bách thú thấy cọp bỏ chạy rần rần tới đó. Cọp tưởng các thú vật khác sợ cáo thật. Cọp thấy vậy bèn tin và tha cho cáo.

Ý câu này nói yếu thế nhưng nhờ cậy một thế lực, một chỗ quyền thế, một sức mạnh, một mưu mô nào đó rồi lên mặt.

Tham-khảo thêm: Ta có các câu sau đây:

Hà chính như hổ: ách chính-trị hà khắc còn hơn nạn hổ.
Tiếu diện hổ: bề ngoài nói nói cười cười, bên trong ác độc hơn hùm beo.
Thị ngôn như hổ: người đồn nhiều, thành-phố không có hổ cũng trở thành có hổ.
Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm: vẽ hổ vẽ da khó ai vẽ xương; biết người biết mặt, biết lòng sao?

Vấn: Cháu là Phan Văn Hùng, mơi sang Mỹ một thời gian ngắn. Xin cụ giải thích và nói xuất xứ của chữ “Barbecue”.

ĐÁP:

“Barbecue” bắt nguồn từ chữ “Barbacoa” của thổ dân Haiti, có nghĩa là khung gỗ (như cái khung giường chẳng hạn) không phải là thịt nướng như ngày nay. Khi người Tây-Ban-Nha cai trị vùng này (vào thế-kỷ 17) thu nhận chữ barbacoa và khi chuyển sang Anh-ngữ, nó trở thành barbecue (theo Theo Dictionary of Word Origin). Barbecue còn được viết tắt là BBQ. 

 

MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 184

VẤN: Ông Vũ Tân Vinh, San Jose:
1. Bát Đức là gì? Những điều nầy áo dụng cho thành phần nào trong xã hội?
2. Bất hiếu là thế nào? Điều gì được ghép vào tội bất hiếu, xin bà cụ giải hộ?

ĐÁP:

1. Câu hỏi “BÁT ĐỨC” tôi có lần giải đáp cho một ông cụ. Tuy nhiên tôi xin giải đáp lại để kính hầu ông.

BÁT ĐỨC Là tám đức tính của những người có địa vị cao trong xã-hội phong-kiến ngày xưa, gồm có:

a- Tám đức tính của Vua và các Đại-thần là:

1- Nhân: (lòng thương người)
2- Hiếu: (hết lòng với cha mẹ)
3- Thông: (hiểu việc)
4- Minh: (sáng suốt)
5- Kính: (biết kính trọng)
6- Cương: (cứng rắn khi cần-thiết)
7- Kiệm: (không hoang phí)
8- Học: (trau giồi kiến-thức)

b- Tám đức tính của Tướng-quốc là:

1- Trung: (hết lòng với Vua, với nước)
2- Chính: (ngay thẳng)
3- Minh: (sáng suốt)
4- Biện: (ăn nói trôi chảy)
5- Thứ: (rộng-rãi)
6- Dung: (biết tha lỗi)
7- Khoan: (độ lượng)
8- Hậu: (có trước có sau)

c- Tám đức tính của Tướng, Soái là:

1- Liêm: (trong sạch)
2- Quả: (quyết-đoán)
3- Trí: (khôn ngoan)
4- Tín: (biết tin người và người có thể tin mình)
5- Nhân: (lòng thương người)
6- Dũng: (mạnh-mẽ)
7- Nghiêm: (nghiêm trang)
8- Minh: (sáng suốt).

2. Theo người xưa thì “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”.

Không có hiếu với cha mẹ có ba tội. Trong ba tội, tội không có con để nối dòng nối dõi là tội nặng nhất. Câu này lấy trong sách Mạnh-tử.

Hai tội còn lại kia là:
2- Mềm dẽo chiều theo khiến cha mẹ phạm lỗi, làm bậy.
3- Nhà nghèo, cha mẹ già, không chịu ra làm quan để có bổng lộc để phụng-dưỡng cha mẹ.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 185

VẤN: Ông Huỳng Đình Lĩnh, Arlington, Virginia: Cháu nuốn được biết sơ lược tiểu sử của nhà đại văn hào William Shakespeare. Đồng thời 2 câu cuối nơi Chương 1 trong tập Trường Thi của ông. Xin bà cụ nhắc lại hộ cháu.

ĐÁP:
Sơ lược tiểu sử của đại thi hào WILLIAM SHAKESPEARE (1564-1616): Ông sinh ngày 23-4-1564 tại thành phố Stranford. Ông là con thứ 3 của một nhà kinh doanh thương nghiệp John Sha. Đặc biệt ông được xem là một nhà văn vĩ đại sau cùng của phong trào nhân văn chủ nghĩa ở Anh vào thế kỷ thứ 17. Tính từ năm 30 đến 45 tuổi, ông sáng tác tất cả 150 bài thơ được liệt vào hàng tuyệt tác.

Theo một tài liệu ghi chép về sự nghiệp văn chương của ông gồm có 3 giai đoạn:

1. Tác phẩm đầu tiên là một vở Hài Kịch. Sau đó, các tác phẩm được ghi nhận: Năm 1589 viết ”HÀI KỊCH CỦA NHỮNG NGƯỜI HIỂU LẦM”. Năm 1591 UỔNG SẮC YÊU ĐƯƠNG.
2. Năm 1600 – 1608, các bi kịch như HANLETE, VUA CIA v.v…
3. Từ năm 1609 – 1612 đều sáng tác kịch phẩm.

Hai câu thơ cuối ở Chương 1 như bên dưới:

“Pity the world, or else this glutton be,
To eat the world’s due, by the grave and thee.”

Tưởng cũng nên biết tập trường thi này gồm 16 Chương và một Postscript.

VẤN: Giáo sư Ngô Nhược Hoa, San Jose: Nghe nói hình như có tập sách xuất bản bằng tiếng Anh thuật lại chuyện Luân Hồi. Tôi muốn mua đọc nhưng chẳng biết tác phẩm đó nhan đề gì và của tác giả nào? Bà cụ biết xin chỉ hộ cho.

ĐÁP:
Có thể đó là tập: MANY LIVES, MANY MASTERS của tác giả BRIAN L. WEISS, MD. (The true story of a Prominent Psychiatrist, patiient and Past-Life therapy that changed both their lives. Ông đến các tiệm sách Mỹ sẽ tìm thấy.

VẤN: Ông Bùi Tính, LA. Bà cụ có biết thức ăn nào mát trong mùa hè không? Xin chỉ giáo.

ĐÁP:

Có tài liệu ghi trong Sức Khỏe và Đời Sống, xin trích để hầu ông:

Thức ăn mát cho ngày hè: Nếu ông thích ăn củ MÃ THẨY, thì sở thích này cực kỳ có lợi trong những ngày hè nóng nực. Mã Thẩy không những thanh nhiệt mà còn giúp phòng các chứng bệnh nhiệt như viêm đường hô hấp, viêm môi miệng cũng như viêm dạ dày và ruột.

Các món ăn khác: Như “MƯỚP ĐẮNG”, theo sách Trấn Nam bản thảo thì Mướp Đắng làm hết hỏa nhiệt ở 6 đường kinh, lại bổ khí và giải khát.

DƯA HẤU: Được người xưa mệnh danh là “Thiên Nhiên Bạch Hổ Thang”. Ý nói nó có tác dụng thanh nhiệt mạnh không kém gì “Bạch Hổ Thang”.

MÍA: Dùng rất tốt trong mùa hè, phòng chống được các chứng bệnh viêm nhiệt có triệu chứng miệng khô, thường khát, sốt cao mất nước, tiểu tiện đỏ, đại tiện táo bón.

QUẢ DÂU: Bổ gan thận, bổ huyết trừ nhiệt. Làm sáng mắt, nhuận trường và đen râu tóc…

RAU CẦN: Có công dụng thanh nhiệt, lợi niệu là loại rau lý tưởng trong mùa hè cho những người bị vữa xơ động mạch, huyết áp cao và bệnh lý tuyến giáp trạng.

NGÓ SEN: Thanh nhiệt, làm mát máu, ngưng cơn khát, là một trong những loại thực phẩm lý tưởng trong mùa hè.

NẤM RƠM: Giá trị dinh dưỡng rất cao, chứa nhiều chất đạm, vitamin C và các acid amin rất cần thiết cho cơ thể, có công dụng bồi bổ và thanh nhiệt. Đây là thực phẩm lý tưởng cho những người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu và các bệnh lý gan mật.

Ngoài ra trong mùa hè, nên trọng dụng một số thực phẩm như mướp, cải cúc, xích tiểu đậu, đậu tương, củ cải, xúp lơ, rau đay, mùng tơi, cà chua cam, quýt, chuối tiêu, trám, táo tây, bạc hà, thịt vịt, cua, ốc, hến, trai, sò, ngao…

Tránh hoặc hạn chế dùng các thực phẩm như thịt dê, thịt hoẳng, thịt chim sẻ, long nhãn, vải, hẹ hành tây, hạt tiêu, nhục quế, gừng, đại hồi, lạc rang, rượu trắng.


Còn tiếp
THINH QUANG

Xem Phần 36 tại đây.
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net  

 

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh