Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
Đọc NGẬM NGÙI.
THINH QUANG


TÂM TƯ HẠ ÁI KHANH TRONG THI PHẨM "NGẬM NGÙI".
Thinh Quang

Không hiểu tại sao tôi bất giác nhớ đến HẠ ÁI KHANH – một nhà thơ ngày nào của dòng Hương Giang, của núi Ngự Bình xứ Huế – mà tôi đã từng đọc khi đất nước vẫn còn trong vòng tay và chiến tranh vẫn còn ngút ngàn khói lửa.

Nhưng rồi tất cả mọi thứ đều ngưng đọng lại, cũng như hàng bao nhiêu người khác, Hạ Ái Khanh buông súng, bỏ nước ra đi, mang theo mối ưu sầu vào trong ngục thất, rồi vượt trùng dương bỏ lại đàng sau tất cả quê hương xứ sở với bao nhiêu những kỷ niệm vui buồn trong cuộc chiến.

Tôi bổng dưng bắt gặp nhà thơ của Xứ Huế trong tập thơ NGẬM NGÙI vào ngày đầu Xuân Bính Tý. Tôi đọc. Vẫn như những vần thơ ngày nào khiến lòng tôi tràn ngập niềm xúc động, Hạ Ái Khanh vẫn còn nguyên vẹn ý chí hào hùng, như Thế Lữ trong bài Nhớ Rừng, mang nỗi đắng cay chờ ngày thoát củi sổ lồng:

Ngậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua
.

Và, Hạ Ái Khanh đã giải bày tâm sự của mình trong tập “Ngậm Ngùi” mang nhiều chất đắng đầy lòng uất hận:

Nghìn năm nhớ mãi sầu vong quốc
Thất thế sa cơ những ngậm ngùi.

Từ cái ngậm ngùi bởi cảnh sa cơ thất thế, khiến nhà thơ Hạ Ái Khanh có lắm lúc đâm ra tiêu cực, cho cuộc đời này chỉ là:

Một kiếp phù du đời ảo mộng

Có khác nào như thi hào Lý Bạch đã bảo:

Xử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh


Thi hào Lý Bạch cho rằng “cuộc đời khác nào như giấc chiêm bao, hơi đâu mà nghĩ lao đao nhọc mình”. Hạ Ái Khanh cho cuộc đời này chỉ là “tuồng bèo dạt hoa trôi”, mặc dù lúc nào nhà thơ xứ Huế ngày nào cũng mang hoài bảo rồi sẽ có một ngày nào đó sẽ:

Chôn vùi đi tất cả vạn nỗi sầu
Để nhìn lại muôn màu hoa nở rộ
.

Với Hạ Ái Khanh lửa hận vẫn ngút ngàn bừng lên cùng với niềm tin chiến thắng:

Khi ta về quê hương thôi đổ vỡ
Cho niềm vui phơi phới dậy trong lòng.
Cho tình người trọn vẹn khắp non sông
Cho cây cối đơm bông cùng kết trái.
Khi ta về quê hương thôi hoang dại
Cho văn minh sáng chói khắp đồng quê
Cho ruộng vườn bát ngát,lúa phủ phê,
Cho cuộc sống dân quê no ấm mãi.

Niềm mơ ước của nhà thơ, ngày về của mình sẽ là:
 

Khi ta về quê hương thôi băng hoại
Cho lâu đài nhan nhản khắp mọi nơi
Cảnh phồn hoa đô hội thật tuyệt vời
Cho đất nước đổi đời vui trở lại.

(Khi Ta Về)

Đó là giấc mộng rèn luyện chí kinh luân, mà nhà thơ khi rời đất nước để ra đi, hằng nguyện với lòng “Hẹn Một Ngày Về” góp phần giải phóng quê hương cho dân tộc thoát cảnh lầm than đau khổ:

“…Gió mây trời đã nghe rõ được lời thề
Hẹn một ngày mai
Sẽ về quê hương giải phóng.”


Và nhà thơ đã mang ra bản trường ca từng làm dấy lên cơn sóng cả, cùng với một mối tình thật đẹp, thật diễm lệ:

Bản trường ca Odyssé như vẫn còn dậy sóng
Chàng Ulysse kiêu hùng đã tiêu diệt được bạo tàn.
Nàng Pênêlôv diễm kiều chung thủy nhất trần gian
Quê hương thần thoại đó
Đã làm bao triệu người rung động!”
(Hẹn Ngày Về)

Càng nghiền ngẫm những dòng thơ trong tập Ngậm Ngùi, càng nhìn thấy bản lĩnh của nhà thơ Hạ Ái Khanh – bên ngoài trông hài hòa nhưng trong tâm tư anh, lúc nào cũng mang hoài bảo mài kiếm dưới trăng để đợi thời cơ quay về rửa hờn cho dân tộc:

Con đường anh đi
Chắc sẽ gặp nhiều chông gai cạm bẫy
Con đường anh dấn thân
Chắc sẽ gặp nhiều sấm sét bão bùng
Nhưng anh đã quyết chí
Vì nhạc hành quân đã trổi dậy trong lòng.”


Và, có những lúc vì quá mơ tưởng một ngày nào đó lướt núi băng ngàn ngất ngưởng ngồi trên thân con tuấn mã nghêu ngao ca hát:

“Vượt suối băng ngàn hề, tiến về điểm hẹn
cạnh dòng sông
Tuốt gươm trên ngựa hề, bay thẳng về
Quê hương giải phóng".
(Vó Ngựa Hồi Hương)

Tuy hào hùng với mối tình quê hương đất nước, nhưng chàng trai lao lung trôi dạt giữa dòng đời phiêu bạt vẫn luôn luôn gắn bó keo sơn với người vợ hiền cùng sống chết bên nhau:

“Sợi tóc nào đã làm anh đau thương
Đôi mắt nào đã làm anh hoang đường
Đôi môi nào đã làm anh chết lịm
Đôi tay nào khiến lòng anh vương vương…”

(Tình Sầu)

Hạ Ái Khanh lắm lúc cũng bộc lộ tình cảm riêng tư của mình về hình ảnh người vợ hiền đêm đêm ngóng đợi tin chồng, khi nhà thơ còn bị cầm nơi trại tù cải tạo:

“Sương khuya ướt đẫm bờ vai
Em ngồi xỏa tóc đêm dài nhớ thương
Giọt sầu nức nở canh trường
Tâm tư lắng đọng vương vương lệ nhòa”.

(Nuối Tiếc)

Có nhiều lúc nhà thơ hằng mơ có ngày nào trở về được nhìn lại ngôi trường cũ – nơi đó có bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của thời thơ ấu! Anh ao ước được nhìn lại giòng sông Hàn lăn tăn gợn sóng, được nhìn lại cụm Ngũ Hành Sơn hùng vĩ và cũng tại nơi này anh được thăm Huyền Không Động, lân la trên bờ bể Tiên Sa. Ôi! Đẹp làm sao bãi cát sáng ngời như hàng hà sa số ánh lưu ly tỏa rực:

“Ta ước gì về quê chơi một chuyến
Để ghé thăm ngôi trường cũ ngày xưa
Chắc bây giờ rêu phong đã phủ kín xanh mờ
Ôi! Thầy cũ, bạn xưa, giờ đây đâu còn nữa?!”


Hoặc:

“Ta ước gì về quê thăm một bữa
Ghé bến sông Hàn nhìn lại cảnh ngày xưa
Có còn gió chiều mát rượi, thật nên thơ?”

Vẫn chưa hết:


 

”Ghé Ngũ Hành Sơn hùng vĩ dưới trời xanh
Vào thăm Động Huyền Không…


Hay:

“Ta ước gì về quê thăm một bữa".

Lời thơ thật mộc mạc, thật chân thành, thật thơ và thật mộng:

Ghé núi Sơn Trà, thăm bãi Tiên Sa".

Và cuối cùng, Hạ Ái Khanh nói lên với tất cả trái tim của mình:

“Ta ước gì về quê thăm vì nhớ nhà da diết
Nhìn lại phố phường rộn rịp một thời
Đường Quan Trung, con đường tình ái, lá vàng rơi,
Còn thơ mộng hay đã đổi dời theo năm tháng.”

(Ta Ước Gì)

Hạ Ái Khanh còn có mẹ già đầu bạc như bông, ngày ngày chống gậy ra ven đường khắc khoải trông đợi ngày về của con. Hình ảnh ấy trong bài “Thương Mẹ”, không khỏi làm cho người đọc phải bàng hoàng thương cảm:

“Mỗi lần nhìn khói lam chiều
Nhớ về quê mẹ, hắt hiu nỗi buồn…
Mẹ già nước mắt trào tuôn
Lom khom chống gậy ben đường chờ con".

Tập thơ “Ngậm Ngùi” quả như một bức tranh vẽ lên hình ảnh mà người đọc cảm thấy tâm tư mình gợn lên một nỗi buồn man mác…

Lòng thương mẹ của Hạ Ái Khanh chẳng khác nào tấm lòng khắc khoắc yêu thương đất nước.

“Nhớ thương mẹ đến thẫn thờ
Uớc gì đất nước bây giờ bình yên".
(Thương Mẹ)

Hơn trăm bài thơ, Hạ Ái Khanh vừa bộc lộ lòng yêu nước của mình bằng những sợi tơ lòng xuất phát từ con tim, khối óc vừa gói ghém trọn vẹn mối tình của mình đối với người mẹ già – một người mẹ lúc nào cũng khắc khoải trông chờ được cùng con có ngày tái ngộ…

Tôi còn nhớ rõ, khi trao tặng tôi tập thi phẩm Ngậm Ngùi, Hạ Ái Khanh đã nói:

-“Vương An Thạch ngày xưa có bài ký Chơi Núi Bao Thiền, có điều anh muốn học không phải cái hay ở cảnh đẹp của đất trời, của núi sông, cây cỏ, chim muông…mà ở chỗ làm sao nói lên được cái chí của kẻ sĩ. Sức đủ đạt được cái chí, mà không cố đạt cho kỳ được, với người thì đáng chê cười mà ở mình thì thật ân hận”.

Hạ Ái Khanh không muốn bị chê trách đều đó, mà anh anh đã kết thúc nỗi lòng của mình bằng một bài thơ 1001 chuyện:

Anh sẽ kể cho em nghe 1001 chuyện
về những đêm nằm mộng
Thấy được tàng hình rồi bay bổng khắp năm châu
Tha hồ thực thi những kế hoạch đã vạch từ lâu
Phải chăng đây là hiện tượng Freud
Nằm sẵn trong đầu không ai tránh khỏi?


Ngậm Ngùi của Hạ Ái Khanh là những đêm nằm mộng, là ao ước những gì ấp ủ sẽ trở thành hiện thực, là hiện tượng Freud sẵn sàng thực hiện. Thơ của Hạ Ái Khanh là đó, là sức mạnh của tình yêu non sông đất nước.

THINH QUANG
Monterey Park, California.

 

Đọc bài cùng tác giả Tại đây.

Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net.


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh