KHÓC TRÚC NAM:
“HOÀNG HẠC NHẤT KHỨ BẤT PHỤC PHẢN”, CON HẠC VÀNG ĐÃ VỖ CÁNH BAY XA
Thinh Quang.
Thế là hết. Con hạc vàng của xứ sở Núi Ấn Sông Trà đã vỗ cánh bay xa vĩnh viễn không hẹn ngày trở lại. Hoàng hạc thì nhất khứ bất phục phản, nhưng tiếng tăm và hình ảnh của nhà thơ Trúc Nam thì không bao giờ mất, luôn luôn hiện diện với non sông, đất nước.
Trúc Nam Trần Thiên Bích, chẳng những là một nhà thơ mà còn là một nhà hoạt động chính trị tại Miền Trung và cuối cùng là một nhân sĩ trong Hội Đồng Cách Mạng toàn quốc sau ngày đảo chánh…
Tôi đã đọc Trúc Nam khi tôi chưa trọn tuổi 15. Và 20 năm sau chúng tôi mới thât sự gặp nhau trên đường văn nghiệp. Kể từ ngày mất nước chúng tôi mỗi người mỗi ngả… cơ hồ như không bao giờ có ngày tái ngộ.
Tất cả đều có định mệnh an bài. Bất thần chúng tôi lại gặp nhau tại miền Bắc của đất nước Hoa Kỳ. Và, cũng từ đó tôi lại tiếp tục đọc thơ anh. Rồi đến một hôm vào năm 1982 anh mang đến cho tôi một tập lai cảo mang tựa đề: TRÚC NAM THI TẬP 1, bảo tôi đề TỰA.
Trước khi đặt bút viết lời tựa, tôi viết ngay hai câu thơ mang đầy ý nghĩa, bởi trong hai dòng thơ ấy có mang bút hiệu của anh:
Trúc Nam Kỉnh tiết năng y tục
Nam đáo huân phong giải phụ tài.
Anh xứng đáng như ý nghĩa bài NAM PHONG CA trong sách Thi Tử:
Nam phong chi huân hề,
Khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề,
Nam phong chi thời hề,
Khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề.
Trúc Nam đúng như mùi thơm của gió Nam hề có thể giải được lòng buồn giận của dân ta đó hề; gió Nam thích thời đó hề, có thể làm giàu cho tài sản của dân ta hề!
Và, tôi bắt đầu viết về tác phẩm của anh:
“Đề Tựa “TRÚC NAM THI TẬP” không phải nhằm ca tụng cá nhân, mà mục đích của Tựa Đề” là để được giới thiệu một tài năng sáng tạo.
Tài năng sáng tạo mà tôi muốn giới thiệu đó là Trúc Nam – một trong các nhà thơ có những nét đặc thù – được cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng ghi nhận vào cuối thập niên của tiền bán thế kỷ 20 – thời kỳ mà nền văn học nước nhà đang chuyển mình cải tiến. Với cụ Mính Viên thì Trúc Nam là một nhà thơ mẫu mực, đầy khí tiết và còn giữ được cái bản thiện nguyên thủy của con người.
Tuy đường đời chưa trọn tuổi ba mươi, nhưng lúc bấy giờ Trúc Nam đã tỏ ra chán ngán cho nhân tình, thế thái khi phải trực diện với cuộc sống xô bồ mà con người chỉ biết bon chen trên đường danh lợi. Ngót trăm bài thơ trong “Trúc Nam Thi Tập 1” cho thấy tác giả không muốn tâm hồn mình bị sa đọa, ô nhiễm trướic cảnh “Thiên hạ hồng trần Nam Thoán lộ” – con đường đã khiến bao kẻ ưu tư cái cân đai mà lãng quên đi cái phẩm cách của con người:
“Mai trắng, cúc vàng cao phẩm cách
Trông gương sao chẳng thẹn người ta?!”
Ngoài cái trách móc nhẹ nhàng trong bài “Vịnh Hoa Quỳnh”, Trúc Nam còn thống thiết kêu lên để cảnh tĩnh cho những ai đang đam mê trước miếng mồi chung đỉnh:
“Miếng mồi chung đỉnh thường đen dạ
Mỗi độ ưu tư chóng bạc đầu…”!
(Đêm Hè Cảm Tác)
Có thể vì cảm khái cái khí tiết của nhà thơ nơi xứ sở của 12 thắng cảnh – mà sau đó lại chính là nơi định mệnh an bài cho nhà Cách Mạng lão thành Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng vĩnh viễn an phần giữa lòng sơn đỉnh Ấn – cụ đã không tiếc lời ca tụng kẻ sĩ hậu bối đã ví mình như cành Trúc trời Nam:
“Trúc phiêu kỉnh tiết năng y tục,
Nam đáo huân phong giải phụ tài!”
(Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng)
Cuộc đời của Trúc Nam có ba lần khóc thật:
Môt lần: “Khóc Đỗ Côn Sanh”- người bạn già trong làng thơ Thu Phố từng cùng mình sánh vai xướng họa – đã ra đi vĩnh viễn sau căn bệnh trầm kha kéo dài trong thời ly loạn:
“Thoảng nghe Ô Thước gọi đàn,
Tiếng chim hay tiếng bạn vàng trên không?”
Mười bốn chữ khóc bạn của Trúc Nam gói ghém cả tình tiết như thế, thì tưởng cụ Tiên Điền nếu ở vào cảnh huống này cũng chỉ viết được bấy nhiêu thôi, không hơn không kém.
Một lần: Khóc cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng – tuy chưa đồng hội đồng thuyền, song giữa hai tâm hồn một già một trẻ đã gặp nhau trong suy tư truyền cảm cái tiết tháo của con người và một tâm hồn cao thượng. Có lẽ Tạo Hóa muốn sắp xếp cho cuộc trùng phùng giữa cụ và Trúc Nam, vào năm 1946 – một cuộc gặp gỡ ghi nhiều kỷ niệm của buổi ban đầu mà cũng là lần tao ngộ sau cùng tại lầu thơ Thu Phố. Rồi chỉ một năm sau đó – năm 1947 – Trúc Nam đón nhận một nỗi buồn da diết - cũng ngay tại lầu thơ này năm xưa – tin cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng đã ra người thiên cổ!
Tiếng khóc của Trúc Nam lần này, ngoài mối tình cố tri, còn là tiếng khóc của con người chân thành yêu nước khi phải mất đi một nhà Cách Mạng đã trọn đời hiến thân cho quốc gia dân tộc:
“NƯỚC NHÀ GẶP BUỔI TRUÂN CHUYÊN, CỤ VỘI CHIA TAY ĐỂ LẠI SẦU THAN SÔNG NÚI VIỆT;
ÂU Á ĐƯƠNG CƠN BIẾN CHUYỂN, HỒN THIÊNG VÌ NƯỚC ĐI VỀ CHE CHỞ ĐẤT TRỜI NAM!”
(Câu đối khóc cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng)
Nhưng, rồi, lần khóc thứ ba chính là lần khóc với bao nỗi đau thương không thể nào diễn tả được. Đó lần khóc trong cuộc đời của nhà thơ Miền Sỏi Đá! Nếu bảo Hàn Mạc Tử có những lần khóc đầy nỗi u buồn thì, tưởng cũng chưa thấm thía gì bằng cái sầu thảm da diết của Trúc Nam! Cái khóc than ẩn ức của Hàn Mạc Tử chỉ là cái khóc cho cuộc tình duyên lở dở, còn Trúc Nam thì khóc người bạn đời chung thủy ra đi vĩnh viễn để lại một nỗi ê chề bên đàn con thơ dại. Trước nỗi đau đớn sầu thảm này Trúc Nam thét lên như xé cả tâm can:
“Như xé buồng gan nát cõi lòng,
Ai xuôi đổ vỡ mảnh gương trong?”
Ai xuôi đổ vỡ? Trúc Nam muốn mượn ngọn Bút Trời để hỏi xem con Tạo sao nở gieo cho mình mối sầu hận muôn đời và cho đàn con thơ chiu chít kia sớm mất đi mối tình mẫu tử?! Thế rồi, Trúc Nam quyết định chọn đỉnh “Thiên Bút Phê Vân” – nơi có mây vàng quanh năm bao phủ làm nơi yên nghỉ ngàn thu cho vợ… Và, cũng từ dạo ấy mỗi độ thu về, Trúc Nam lại thống thiết ghi đậm nỗi đau buồn để tưởng nhớ người vợ hiền đang an giấc nghìn thu nơi Đỉnh Bút:
“Mỗi độ Thu về ruột quặn đau,
Sáu năm đằng đẵng chửa nguôi sầu!
Tình xưa trót đã thề non biển,
Nghĩa cũ khôn dè hóa bể dâu!…
Bài thơ này đã gây xúc cảm mạnh cho nhà thơ Bút Trà – Chủ nhiệm nhật báo Sài Gòn Mới – nơi mục bình thi đã không tiếc lời ca tụng:
“Tả thực như vậy là hợp thể…Sao mà lời thơ thấm thiết lâm ly lắm vậy! Thơ Đường luật làm được như vậy, kể cũng rất hiếm ở thế giới ta ngày nay vậy.”
Lúc tôi cùng các anh Tế Xuyên, Viên Hoành trong tòa soạn Dân Báo và Tuần báo Thanh Niên Đông Pháp của cụ Trần Văn Hanh ở Sài Gòn, hàng tuần chúng tôi thường xuyên có cuộc mạn đàm vể thi văn đăng tải trên các báo. Trong số các nhà thơ lúc bấy giờ có cả thơ Trúc Nam được chúng tôi lưu ý. Theo anh Tế Xuyên thì thơ Trúc Nam không chỉ thuần túy với những bài thơ nói lên cái tiết tháo của kẻ sĩ phu mà ông còn là một nhà thơ có tâm hồn ướt át nữa. Ngoài cái nghiêm trang e ấp, Trúc Nam cũng biết yêu cái đẹp của Tạo Hóa dành cho phái yếu:
“Lơ thơ gót ngọc nàng nâng bước,
Rải rác phương trời ngất ngưởng say…”
Năm 1973, bất thần anh Tế Xuyên đến thăm tôi tại tòa soạn nhật báo Dân Luận. Hôm ấy trên mục thi văn đăng tải bài thơ Đường của Trúc Nam, được anh Tế Xuyên chăm chú đọc. Vốn có thói quen cố hữu như lúc tại tòa soạn nhật báo Dân Báo, anh khe khẽ ngâm lại hai câu cổ thi của anh Trúc Nam, không ngoài mục đích để tán thưởng:
“Vị ma Cật chi thi, thi trung hữu họa
Quan Ma Cật chi họa, họa trung hữu thi”.
(Ngâm thơ ông Ma Cật, thì trong thơ có vẽ
Nhìn tranh ông Ma Cật, thì trong vẽ có thơ.)
Các nhà thơ nổi tiếng như Vũ Hoàng Chương, Tuệ Mai, Bút Trà, Tôn Nữ Hỉ Khương, nhà văn Nguyễn Thị Vinh và nhất là Tiêu Nguyên Tử tức Luật Sư Dương Tấn Trương đều xác nhận thơ Trúc Nam hư hư, thực thực có lắm nét đặc thù…
Hôm ấy, nhằm ngày Trúc Nam bận việc bên ngoài tòa soạn, anh Tế Xuyên không gặp được, đành ra về với sự tiếc rẻ nói với tôi với tất cả tâm chân tình:
-”Tôi không có túc duyên để gặp mặt anh Trúc Nam, nhờ anh chuyển lại lời tôi thăm viếng. Chẳng biết rồi đây có cơ hội nào đến gặp anh ấy nữa chăng?”
Và quả thật anh không còn cơ hội nào. Anh Tế Xuyên đã ra người thiên cổ…
* * *
Trúc Nam tên thật là Trần Thiên Bích sinh trưởng tại Thu Xà – một thị trấn xinh xắn đầy thơ mộng nằm về phía Đông thị xã Quảng Ngãi - cùng quê hương mà cũng là bạn thâm giao với cố thi sĩ Bích Khê – nhà thơ thuộc trường phái trừu tượng nổi tiếng thời tiền chiến. Vốn sinh trưởng trong gia đình khuôn khổ không thể tách rời với lễ nghi Nho Giáo, Trúc Nam đã tự tạo cho mình một đời sống đạo đức thanh cao, mong sao tránh khỏi cảnh cá chậu chim lồng:
“Chán ngán cuộc đời khôn hóa dại,
Thương vay cá chậu với chim lồng”.
Trên bước đường chính trị Trúc Nam đã một thời lãnh đạo cả một hệ phái Việt Nam Quốc Dân Đảng Miền Trung dưới thời nhà Ngô. Trong suốt thời gian này anh đã phải đương đầu với bao cơn bão táp từ mọi phía đổ tới.
Tiếp đến năm 1963 khi Tổng Thống Diệm bị lật đổ, Hội Đồng Tướng Lãnh đã khẩn điện mời nhà thơ Trúc Nam sung vào Hội Đồng Nhân Sĩ Toàn Quốc lúc bấy giờ.
Năm 1972, nhà thơ Trúc Nam được mời ra làm Quản Lý trông nom tờ Đông Phương Nhật Báo cho mãi đến khi Vân Sơn bị ám sát. Tiếp đến năm 1973, nhật báo Dân Luận ra đời mà tôi làm Chủ Nhiệm-Chủ Bút, anh Trúc Nam được vời ra đứng làm Giám Đốc Trị Sự giữa lúc làng báo gặp cơn bão bùng sóng gió.
Thơ Trúc Nam thường xuất hiện trên các báo Tiếng Dân (1942), Sài Gòn Mới, Đông Phương, Trường Sơn, Dân Luận.
Có lần Tôn Nữ Hỉ Khương sáng tác một thi phẩm đưa ra trước Hội Thơ sách họa:
“Thanh bình mộng cũ dệt thành thơ
Tri kỷ cùng ai vẫn đợi chờ.
Hoa cỏ điểm tô mừng vận mới
Sơn hà tỏ rạng đón xuân sơ…”
Chỉ trong vòng một tuần trà, ngay trong cuộc Hội Thơ đêm hôm ấy Trúc Nam đã trao ngay cho nữ sĩ Hỉ Khương bái đáp họa:
“Trót vì mang nặng nghiệp thi thơ
Há để giai nhân luống nhọc chờ!
Gặp bạn làng văn mừng rỡ rỡ
Tạ lòng mấy vận họa sơ sơ…”
Bài họa này khiến cả hội trường nhao lên. Trước đám cử tọa trong đêm hội thơ, nữ sĩ Quỳnh Hương đã phát biểu:
-”Anh Trúc Nam quá khiêm nhường! Họa sơ sơ mà vậy còn họa thật thì sao?!”
Nhưng, những ngày đẹp ấy đã xa vời kể từ ngày nước mất. Làng thơ như đàn chim bay tứ tản. Mỗi người một nẻo…Vũ Hoàng Chương, rồi Tuệ Mai, Bút Trà lần lượt ra đi vào thiên cổ… Những người còn lại thì hoặc ở phương trời này, hoặc ở góc bể kia. Tất cả đã mang lấy kiếp phiêu bạt giang hồ.
“Vì đâu nên nổi thân phiêu bạt
Mỗi độ thương quê nhớ bạn nhà…”
Khi tôi ghi lại mấy dòng tựa này tuổi đời của nhà thơ Trúc Nam đã trỉu nặng hai vai, song ông vẫn giữ nguyên tiết tháo. Ông gạt bỏ quan niệm an hưởng tuổi già. Nhưng, cuối cùng Trúc Nam sức tàn lực tận. Đành phải thốt lên:
“Lưu lạc đường đời trăm thứ khó
Quê người nào phải ở quê ta.”
Gần tròn nửa thế kỷ, thơ Trúc Nam đã gây nhiều xúc động trong làng thơ và ngay cả trong giới hằng quan tâm đến vận mệnh quốc gia dân tộc.
Vào những năm sau cùng trước khi nửa phần đất còn lại rơi vào cơn dầu sôi lửa bỏng, Vũ Hoàng Chương đã có lần so sánh giữa hai nhà thơ cổ điển:
”Nếu nhắc đến Quách Tấn, thì phải đề cập đến Trúc Nam. Quách Tấn là một nhà thơ lỗi lạc, thì Trúc Nam là một thi sĩ tài ba…”
* * *
Bây giờ thì Trúc Nam đã ra người thiên cổ. Anh tự chọn cho mình như ngọn Nam Phong, ra đời cũng giữa một mùa Thu và anh ra đi cũng vào mùa Thu rực cả màu vàng phủ khắp cả sơn khê!.
“Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản” (*)…Con hạc vàng đã vỗ cánh bay xa.
Trúc Nam, vĩnh biệt anh….Nguyện cầu hương linh siêu thăng nơi miền Tiên Cảnh!
THINH QUANG
(*) Trong bài “Hoàng Hạc lâu”, thơ Thôi Hiệu.
Xem thêm Tin liên-quan tại đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net