Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 23, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
GIẤC MƠ ĐỔI ĐỜI (Tâm Thanh)
Webmaster
Các bài liên quan:
    TÔI, ĐỨA CON NGƯỜI TÙ

Mở speakers ON, click vào mũi tên màu trắng để nghe âm-thanh.
Không muốn nghe nữa, click vào hai gạch song song thẳng đứng để Off.
CÕI BUỒN
Sáng tác: Không rõ 
Hòa tấu Guitar 


 GIẤC MƠ ĐỔI ĐỜI
Tâm Thanh

Liễu mở rương, lấy 32 tập của bộ Đại Anh Bách khoa Từ điển xếp ngay ngắn trên cái giường tre, ngồi ngắm hàng chữ vàng "Britanica" nổi trên nền da nâu đậm. Mùi long não pha với mùi giấy cũ phà vào mũi Liễu như mùi của thời gian mười lăm năm trước lần về. Liễu phân vân, có nên bán không ? Nếu không bán, lấy gì để thằng Học lọt vào lớp Một trường Sơ cấp? Nếu bán, thật có lỗi với cô Mai.

Trước năm 75, cô Mai là giáo sư dạy Anh văn lớp 9 của Liễu, nhà ở trong khu cư xá công chức cuối đường. Chồng cô là sĩ quan không quân lái A37. Cô vừa đẹp, vừa hiền, vừa dạy hay khiến Liễu rất thích học tiếng Anh và luôn luôn đứng nhất lớp môn này. Liễu thường lại nhà cô chơi, hỏi bài, cộng điểm giùm hoặc coi con cho cô. Năm đó bé Ngọc cỡ 7 tuổi, vì nó học lớp Hai với Diễm, con em út của Liễu. Mỗi lần Liễu lại nhà, cô cho phép Liễu "du lịch" trong bộ sách, miễn là rửa tay cho sạch. Liễu không hiểu hết tiếng Anh, nhưng bất cứ điều gì Liễu thắc mắc cũng có thể tra trong đó. Có gì không tự tìm được hoặc không hiểu thì hỏi cô. Cùng lắm là coi hình cũng đã con mắt. Nhiều lúc không có việc gì rõ rệt, Liễu cũng thả lại nhà cô, để hưởng bầu không khí thanh tịnh, mát mẻ trong khu vườn có cây vú sữa già cơi, có cây khế ngọt, và để trốn cảnh nheo nhóc của nhà mình. Liễu tự xếp nhà mình vào hạng nghèo nhất nước... Việt Nam Cộng Hoà. Liễu chưa bao giờ được thấy gia đình no đủ. Cảnh duy nhất mà Liễu thấy có vẻ đầm ấm một chút là mỗi sáng sớm, mẹ ngồi co mình trên xe xích lô, bố khệ nệ quăng cái cần xế rau muống lên mà không đè bẹp mẹ. Bố mở hàng "sự nghiệp" xích lô mỗi ngày bằng cách chở mẹ ra chợ Hoà Hưng bán rau, chiều bê bết mồ hôi chở mẹ về với chiếc cần xế rỗng. Liễu không hiểu sao nghèo khổ như vậy mà cứ cách năm lại có một đứa dại khờ chui vào đầu thai, khiến cho năm Liễu 17 tuổi đã có tám đứa em.

Liễu chỉ muốn vùng dậy thoát khỏi cảnh nghèo. Vì thế, cái hấp dẫn nhất của ngày 30.4.75 là sự hứa hẹn "đổi đời". Đó là động lực khiến Liễu "hồ hởi" chào đón "Cách Mạng" và tham gia tận tình trong đoàn Thanh Niên Hồ Chí Minh, mặc dầu có hơi ngài ngại với cô Mai, chồng cô phải đi học tập cải tạo.

Tuy nhiên Liễu cũng tự an ủi là sau đó đã làm được một việc vui lòng cô. Lúc thầy Huy (chồng cô Mai) đi trình diện học tập, ở nhà có chiến dịch "Bài trừ văn hoá Mỹ Ngụy". Bọn "ba mươi" xông vào nhà dân, hễ thấy sách vở là lôi ra đốt. Chúng chất một đống cao như núi ở giữa đường. Khi hai thằng "đồng chí" khệ nệ vác bộ từ điển đi tới, Liễu ngờ ngợ, tiến lại coi. Quả nhiên khi Liễu giở trang trong của tập đầu ra coi, thấy có mấy chữ đề "Tặng em Mai. Huy". Liễu nói với hai thằng vác sách:

- Đừng đốt sách này!

Thằng Kỳ quệt mồ hôi mặt vào cái băng đỏ đeo trên cánh tay, tỏ vẻ bất mãn vì thành quả của nó không được hoan nghênh, vênh mặt cự:

- Tại sao?

Đứa thứ hai, thằng Tuân, hùa theo:

- Phải đấy. Tại sao?

Liễu dõng dạc:

- Đây không phải là tác phẩm văn hoá đồi trụy hay phản động.

- Toàn tiếng Mỹ, không phản động thì là gì?

- Tôi bảo đảm với các đồng chí, đây không phải là tác phẩm phản động.

- Đồng chí lấy gì bảo đảm?

Liễu cầm tập vần H, giở trang có hình Hồ Chí Minh, dí vào mắt hai đứa kia:

- Có Bác ở trong này.

Hai thằng quàng khăn đỏ châu đầu vào coi, thấy rõ ràng hình Bác đeo kính lão, bàn tay phải khum khum năm ngón như đang nắn một trái bưởi ổi Biên Hoà. Chúng cùng xuýt xoa:

- Ồ, đẹp quá! Chưa thấy hình này bao giờ.

Liễu đọc lời chú thích dưới hình, giảng giải:

- Hình chụp năm 1968, chỉ mấy tháng trước khi Bác mất.

Thằng Tuân lấy ngón tay làm dấu trang có hình Bác, ôm cuốn sách khư khư, hỏi Liễu:

- Bây giờ giải quyết thế nào với đống sách này đây?

Liễu hỏi:

- Các đồng chí tịch thu của nhà nào?

- Nhà thằng đại úy ngụy, số... lô...

- Hai đồng chí đem trả lại người ta thôi.

Thằng Kỳ dãy nảy:

- Đâu được.

Thằng Tuân vẫn ôm cuốn sách, tiếc rẻ, chỉ muốn cuỗm một tập:

- Tư liệu cách mạng, ta linh động đi thôi.

Thu Ba, một đứa con gái ốm tỏng teo, từ đầu tới giờ đứng im lặng theo dõi cuộc thảo luận. Nó là con cán bộ từ Bắc vào và đang làm phường đoàn trưởng. Nó lên tiếng nói tối hậu:

- Tôi đề xuất thế này nhá: ta cứ cắt nấy hình Bác Hồ về treo trong phường đoàn thôi, còn bao nhiêu đốt mẹ nó đi!

Thằng Tuân đã có chủ ý, gật đầu "nhất trí" ngay. Nhưng Liễu nói:

- Cái hình bằng ba ngón tay này mà treo nơi gì?

Rồi Liễu từ từ giở hết tập nọ đến tập kia:

- Các đồng chí coi đây! Trong này không phải chỉ có bác Hồ thôi đâu nhé. Đây là cụ Lênin nè... Đây là cụ Mác nè... Và đây là bác Mao vĩ đại nè... Không thiếu Bác nào cả, kể cả đồng chí Fidel kính mến nữa đây, nhé...

Cả ba đứa há hốc mồm ngạc nhiên. Thằng Tuân cũng từ Bắc vào, trong đời chưa bao giờ thấy một bộ sách vĩ đại như vậy, quay sang nói với con Thu Ba như nói với chính mình:

- Sách cách mạng thật đí, đồng chí ạ!

Con Thu Ba ngạc nhiên vì tính cách mạng của bộ sách thì ít, mà ngạc nhiên vì "trình độ" của Liễu nhiều hơn, giọng nửa tán thưởng nửa thân mật:

- Nàm thế nào mà đồng chí Niễu nhà ta đánh dấu được chỗ nào có hình các Bác tài thế, nhỉ?

Liễu làm tới:

- Phấn đấu học tập cách mạng thì nắm thôi.

Từ đó về sau con Thu Ba nể Liễu lắm, ít khi dám lên lớp, cả về các "vấn đề quan điểm" cũng vậy. Liễu lại xuất thân giai cấp cơ bản - vô sản thành thị - không có chỗ nào chê được. Liễu để cho các đồng chí thấm thía một lát, mới quay sang hai thằng Kỳ và Tuân, giục:

- Thôi, các đồng chí còn đợi gì mà không đem sách trả lại cho người ta. Nhân dân phản ảnh, mình bị kiểm điểm cho mà coi.

Hai thằng tỏ vẻ bối rối, nhưng ngại mất mặt, thằng Tuân nói bướng:
- Chúng tôi đã có công tịch thu, bây giờ đồng chí nên đem trả nại chứ nị!

Liễu chỉ chờ có thế, nhưng còn làm bộ cự nự:

- Nói lạ nhỉ... Thôi, sao cũng được. Xếp sách lên cái xe cút kít kia cho tôi.

Liễu đẩy xe về nhà cô Mai, trong khi bọn Thu Ba trở lại châm lửa vào đống sách càng ngày càng cao. Những trang giấy Socrate, Shakespeare, Khổng Tử, Montesquieu, Goethe, Victor Hugo, Einstein, Phật, Tagore...v.v... quằn quại trong đống lửa bập bùng, giữa tiếng vỗ tay theo nhịp bài hát Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng...
 

Nhưng ngọn lửa cách mạng tàn nguội mau chóng trong lòng Liễu. Gia đình nàng vẫn không đổi đời được, chỉ có lam lũ hơn xưa, họp hành, xếp hàng, đóng góp, thủy lợi liên miên. Liễu tiếp tục xếp nhà mình là nghèo nhất nước... Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Và Liễu vẫn không chịu bỏ cuộc. Nàng nuôi ý chí sắt đá phải vùng dậy, phá vòng nghèo túng. Không phá được cho cả gia đình thì phá cho gia đình tương lai của mình. Nói đúng hơn, Liễu muốn con của mình phải vươn lên. Học xong lớp 12, Liễu bỏ đoàn, bỏ đội, đi lấy chồng. Liễu chọn một thương phế binh - Bảo - bị cụt giò vì đi nghĩa vụ bên Miên. Sự lựa chọn nửa do tình yêu, nửa do tính toán. Liễu nghĩ muốn phá cái vòng luẩn quẩn, phải bắt đầu từ "khâu" then chốt là chỉ sanh một đứa con, và dốc toàn lực cho nó ăn học. Con phế binh nhất định phải được ưu tiên đi học.

Trước ngày cưới, Liễu báo tin mừng cho cô Mai, cho phải lễ. Không ngờ cô nhắn Liễu tới: "Con lập gia đình, cô không có gì làm quà. Cô tặng con bộ từ điển bách khoa mà con ưa thích và chính con đã cứu nó khỏi bị đốt". Liễu không dám nhận món quà to lớn ấy nhưng cô ép phải nhận. Cô nói: "Con cứ nhận bộ sách mang về nhà lấy hên. Sau này nếu được đi dạy lại, cô sẽ mượn lại". Miễn cưỡng, Liễu chở bộ sách về nhà bố mẹ, rồi khi ra riêng, nàng chở về nhà mình.

Một năm sau Liễu sanh được mụn con trai, vợ chồng bàn nhau mấy ngày mới ra được cái tên Học, đầy kỳ vọng. Có chồng con, bận sinh kế, bẵng đi rất lâu Liễu không lại thăm cô giáo cũ. Hôm đó nàng bế thằng Học vào trình diện cô thì được hàng xóm cho biết cô và thầy Huy đã vượt biên từ bao giờ. Họ đi êm ru đến nơi ở nhà bố mẹ và mấy đứa em Liễu không ai hay biết. Thì ra bộ từ điển là món quà cưới mà cũng là món quà giã biệt của cô.

Thời gian thấm thoát, thằng Học càng lớn càng khôn và ham học kỳ lạ. Vợ chồng Liễu vui sướng, tràn trề hy vọng. Nhưng năm thằng Học lên 6, nó không được vào lớp Một vì một chi tiết sai giữa hộ khẩu với giấy khai sinh. Tên mẹ là Nguyễn Thu Liễu viết thành Nguyễn Thị Liễu.

Năm nay Học lên 7, vợ chồng Liễu lo cho nó không thiếu một giấy tờ gì. Nó đứng trước ngưỡng cửa tiểu học, ngưỡng cửa đầu tiên trong giấc mơ đổi đời lần thứ nhì của mẹ nó. Năm ngoái nghe phong thanh muốn xin vào lớp Một phải có bằng tốt nghiệp mẫu giáo, vợ chồng Liễu nhịn ăn nhịn tiêu cho con đi học. Ba bốn tháng trước kỳ nghỉ hè, lại thấy nổi lên mấy cái lò "luyện thi vào lớp một" ở nhiều nơi. Trực giác xã hội chủ nghĩa cho Liễu hiểu ngay đây là cửa ải đầu tiên của thằng Học, năm nay sẽ có thi tuyển và muốn trúng tuyển phải qua lớp luyện thi này. May quá, Bảo nhận được việc rửa xe. Ông Thượng úy thủ trưởng cũ của Bảo có năm chục cái xe microbus chở Việt kiều du lịch. Ông ta nghe Bảo than kinh tế eo hẹp, bèn cho cái chân lau rửa xe và đánh bóng. Số lương còm kiếm thêm đủ trang trải tiền luyện thi cho thằng Học là 100.000 đồng một tháng.

Đầu kỳ hè, Liễu đã nạp đơn xin chỗ cho con. Nàng đem hết tinh thần và lòng kỳ vọng nắn nót lá đơn, kèm theo khai sinh, chứng chỉ chỗ ở, bản sao sổ hộ khẩu, tờ khai lý lịch phụ huynh và quan trọng nhất, đương nhiên phải là bản sao chứng chỉ thương phế binh của Bảo. Nhưng khi mang đơn lên phòng giáo dục nộp, thì chị cán bộ ngồi thâu đơn nói "Đơn bất hợp lệ, không theo mẫu". Liễu nhẫn nhục ra cổng mua một tờ đơn in sẵn mất 500 đồng, điền vào và nộp lại với nơi vui khấp khởi của người mẹ sắp đưa con vào con đường hoa mộng. Mới ngày nào chính Liễu còn thò lò mũi xanh cắp sách đi học lớp Một, bây giờ đã có con trai sắp học lớp Một. Nàng không biết hồi đó bố mẹ có phải làm thủ tục như bây giờ không, chỉ nhớ ngày khai trường, bố bế Liễu đặt lên xe xích-lô, chở thẳng tới trường.

Một tháng sau, đúng một tuần trước ngày thi, phòng giáo dục trả lời bé Học không đủ điều kiện vì nó tốt nghiệp mẫu giáo tư, phải tốt nghiệp mẫu giáo quận, huyện mới có giá trị. Liễu cầm cái nhẫn hai chỉ mẹ cho ngày đám cưới, đi mua cái giấy chứng nhận tốt nghiệp mẫu giáo Kim Đồng. May mà còn kịp bổ túc hồ sơ, một tiếng đồng hồ trước khi khoá sổ.

Ngày thi, hàng trăm sĩ tử tí hon xôn xao, ngơ ngác ngoài sân trường. Tề tựu đông đủ rồi, phụ huynh mới vỡ lẽ: đây là cuộc thi... vấn đáp. Một bà mẹ "tịch thu" lại hết giấy bút của con, cúi xuống nắn lại cổ áo cho nó, lo âu hỏi:

- Con đánh vần chữ "bác Hồ" má coi.

Một ông cụ, chắc là ông nội ông ngoại gì đó, ghé tai thằng cháu hỏi:

- Con nhớ 5 điều bác Hồ dạy chứ?

Một con chị lớn giục em:

- Đọc lại cửu chương 2 chị nghe coi.

Liễu nghe đông nghe tây, đâm hoảng: "Không biết lớp luyện thi có dạy đủ chương trình cho thằng bé không đây?" Mụ Hiệp Phát có vẻ ngứa mắt với mấy phụ huynh "lạc đề", ngửa mặt lên trời nói trổng:

- Người ta hỏi một lạng có mấy chỉ, thì lại đi học cửu chương với bác Hồ!

Ai cũng tưởng con mình bị "quay" dữ lắm, không ngờ mỗi đứa chỉ vào một hai phút là đi ra. Rời phòng thi, mặt mũi đứa nào cũng ngẩn tò te như vừa đi tè xong.

Thằng Học cũng mang bộ mặt "tè xong" với cái phiếu báo danh đi ra. Liễu nhảy xổ lại, giằng lấy tờ giấy coi và choáng váng đọc hàng chữ đỏ "trình độ kém". Liễu thất thểu dắt con ra cổng trường, gặp mụ Hiệp Phát mặt mũi tươi rói. Mụ hỏi:

- Cháu đậu không?

Liễu sợ thằng Học biết sự tình, chỉ đưa mắt nguýt dài. Mụ hiểu ý, cười mỉa:

- Tưởng con thương binh ưu tiên chứ!

Mụ quay gót, nhưng Liễu vẫn nghe kịp câu nói trổng:

- Mười anh phế binh cũng thua một bao phân urê.

Ông già hồi nãy cũng có cháu rớt, bực mình xen vào, gọi giật mụ Hiệp Phát lại:

- Này bà Hiệp Phát ạ, bà có thế có tiền, sao không cho con lên học trường bán trú song ngữ, để chừa chỗ cho con em chúng tôi học ở đây?

Chờ mụ ngoe nguẩy đi khỏi, ông già chuyên thu lượm tin tức này kể cho Liễu nghe rằng mụ Hiệp Phát mải lo cái áp-phe 1.000 tấn phân urê, quên buổi họp "ngã giá" với Sở Giáo Dục về việc xin cho con học trường bán trú song ngữ. Hôm sau mụ hoảng hồn chạy lên, xin nạp đủ 17 cây, "lót tay" thêm 3 cây, nhưng vẫn bị thằng nhập cảng Honda ở đường Lê Thánh Tôn nó hớt mất chỗ. Ông kết luận: "Cũng lạ, ở Sài Gòn này có 108 trường bán trú cấp I, mà sao mụ ấy không xoay được chỗ nào, phải để cho con học ở trường làng. Đủ biết bây giờ tiền không, chưa đủ".

Mẹ con Liễu như hai cái xác không hồn thất thểu về nhà. Khi quẹo vào con hẻm nhà thì thằng Học ngồi bệt xuống tấm đan xi-măng đậy ống cống, ăn vạ. Liễu nắm tay con dỗ ngọt:

- Về nhà ăn cơm chứ, con!

- Không được đi học, con không về nhà.

Liễu cũng không muốn về nhà, nhưng thương con quá, hứa ẩu:

- Má hứa với con, con sẽ được đi học mà.

Đứa bé mới bảy tuổi đã mang đầy kinh nghiệm xã hội chủ nghĩa, lụng bụng:

- Hứa, hứa, hứa...

Nhìn thằng bé cỏn con như con mèo ngồi ỉu xìu trên tảng xi-măng, lòng Liễu tan nát. Liễu nói với con, nhưng thực ra là để giục lòng mình:

- Má nhất định sẽ lo cho con đi học.

Thằng bé cũng dễ nguôi, chạy đi chơi với mấy đứa trẻ lối xóm. Nhưng Liễu bắt đầu lo. Còn mấy bước nữa về tới nhà, Liễu phải nghĩ nhanh hai bài toán: Thứ nhất, phải nói sao cho Bảo không nổi điên, vác cái chân cụt lên phòng giáo dục làm lớn, hư chuyện. Thứ hai, đào đâu ra tiền để xoá ba cái chữ "trình độ kém" cho con.

Bảo khập khiễng đi ra đầu ngõ đón tin. Chắc anh chỉ chờ tin mừng nên hỏi ngay:

- Thằng Học đâu? Thi cử ra sao? Anh đã nhặt rau và giã sẵn cua. Cơm cũng nấu xong rồi. Em về nấu canh riêu cho con nó ăn mừng.

Liễu thở hắt ra:

- Ăn mừng cái gì? Anh vào nhà, mình nói chuyện.

- Vậy là rớt rồi à?

Liễu gật đầu. Bảo bốc nóng ngay:

- Vậy con mình thất học sao?

Liễu xoa dịu chồng:

- Nước mình có luật cưỡng bách giáo dục, chắc chắn họ phải có chỗ nhét nó vào chứ.

- Cưỡng bách cái con mẹ nó! Cưỡng... hiếp thì có. Chúng nó làm khó làm dễ đủ điều để loại con mình ra.

- Anh bình tĩnh. Còn có cách. Em nghe con mẹ tiệm phân nói phải chạy tiền.

- Nhà mình làm gì có tiền mà chạy?

Liễu đã có định ý nên quả quyết:

- Để đó em lo. Bây giờ anh đi kêu thằng Học về. Cha con về là có canh riêu ăn ngay.

Cơm nước xong, Liễu lôi cái rương sách ra ngắm và thấy hết sự nhảm nhí của câu "để cho con một rương vàng không bằng một tủ sách" ở thời buổi này.

Nàng đạp xe sang Tân Định, tới nhà Tám Hộ, chủ nhiệm Công ty Xuất khẩu Trầu Cau Bà Điểm. Trên đường đi, Liễu nhớ lại câu chuyện cách đây hai năm, nàng quen Tám Hộ do một dịp hi hữu. Trên chuyến xe Sài gòn - Cần Thơ, Liễu ngồi cạnh một người đàn ông. Ông ta mải đọc sách nhưng vẫn xích ra cho Liễu ngồi. Lâu lắm mới thấy một người đọc sách trên xe, cũng lâu lắm mỗi thấy một người biết nhích ra chừa chỗ cho người khác, Liễu như lạc vào quá khứ, buột miệng nói một câu xã giao thông thường mà cũng lâu lắm nàng không dùng, cơ hồ muốn quên: "Cám ơn". Rồi Liễu lễ phép gạ chuyện:

- Xin lỗi thầy, thầy đi dạy học về?

Người đàn ông hơi ngạc nhiên, nhưng thấy vẻ thiện cảm lộ trên mặt người con gái xinh xắn, bèn vui vẻ đáp, giọng Bắc đặc:

- Tôi đi học.

- Thầy nói đùa?

- Không, tôi đi học thật mà. Tôi đang chuẩn bị thi tiến sĩ tại chức.

Liễu càng phục hơn, liếc trộm vào trang sách đang mở trên đùi người đồng hành. "Phương trình bậc một chứa hai ẩn số", nàng nhớ đã học rất kỹ ở lớp đệ lục vào năm 72. Sau nửa giờ nói chuyện, ông Tám Hộ mới thuyết phục được Liễu rằng cuốn sách toán ông đang cầm là sách ông học, chứ không phải ông đi dạy học. Hôm nay ông đi Đại học Cần Thơ để nghe giảng bài, mỗi tháng một lần. Nhưng cũng do cuộc nói chuyện mà người khách mời Liễu tới nhà kèm cho ông những môn mà ông không hiểu gì cả, và không muốn hỏi ai, kể cả giáo sư trong trường. Lúc đầu Liễu chỉ kèm tiếng Anh, toán, lý hoá. Sau thấy ông quá vất vả trong môn xác suất thống kê và kế toán, mà Liễu chưa học môn này, nàng phải đọc mò giáo trình rồi chỉ lại cho ông, hoặc làm bài nộp giùm luôn. Vậy mà bài nào cũng được điểm xuất sắc. Ông Hộ vui mừng và trả thù lao khá hậu. Ông rất tử tế với Liễu, trừ việc không bao giờ chịu nhận Liễu vào làm trong công ty của ông. Một tuần sau khi đậu tiến sĩ, ông đãi riêng Liễu ăn nhà hàng. Vui chuyện, ông hỏi Liễu học tới đâu. Nàng không dám nói thật, sợ chạm tự ái người học trò bất đắc dĩ. Ông lại hỏi muốn có một kiến thức tổng quát rộng như Liễu thì phải đọc giáo trình nào. Liễu trả lời không biết. Lúc sau, sực nhớ nhà mình có bộ bách khoa từ điển cũ kỹ, Liễu nịnh:

- Một người đã có trình độ cao như ông Giám đốc đây, không cần học hành gì nữa, chỉ cần một bộ bách khoa từ điển tốt để tra những điều mình quên.

Ông đã tới nhà xin coi bộ sách. Được Liễu chỉ cho cách tra và dịch cho một vài đoạn, ông ta mê quá, nài mua sách ngay. Liễu nói sách của một người bà con gửi, không bán được.

Hôm nay thì Liễu phải tìm ông để gạn bán sách. Liễu cầm ba triệu đồng về, như cầm chìa khoá tương lai cho con. Hôm sau nàng lên thẳng phòng giáo dục, nạp một triệu đồng và năm phút sau cầm tờ giấy khác có đề ba chữ "trình độ khá" về, xoa đầu thằng Học:

- Xong rồi.

Quả nhiên một tuần sau, Liễu nhận được giấy báo nhập học cho trò Trần Văn Học. Nhưng nàng muốn chết đứng với hàng chữ "Yêu cầu đóng 1.400.000 đồng tiền xây dựng cơ sở vật chất. Thời hạn ba ngày trước ngày khai giảng".

Liễu ức quá phát khóc:

- Trời đất ơi! Còn bao nhiêu cửa ải nữa đây?

Bảo đương cưa miếng ván thông để làm cái bàn học cho thằng Học, vội ngừng tay. Tuần trước Bảo nổi nóng, Liễu phải xoa. Lần này Liễu chảy nước mắt thế kia, ai dỗ được. Mà lấy gì dỗ bây giờ? Chàng nói sảng:

- Thôi, mình phải khắc phục thôi. Bác đã dạy "Trăm năm trồng người" mà em.

Không ngờ câu an ủi ấy lại như đổ dầu vào lửa. Liễu quệt nước mắt, sừng sộ:

- Bây giờ mà "trồng người" nỗi gì, có họa "trồng cây". Mà anh biết cây gì không đã?

Bảo dư sức biết Liễu ám chỉ "cây vàng", nhưng thấy thằng con khôn trước tuổi đứng ở ngưỡng cửa, vẻ mặt thắc mắc, Bảo chỉ ậm ừ. Thằng con thấy thế, bèn chõ mồm vào nói giùm bố nó:

- Cây vàng, phải không má?

Thì ra một thằng bé bảy tuổi cũng đã thừa hưởng được "tinh hoa" của chủ nghĩa xã hội, không cần vô lớp Một.

Liễu gói 2 triệu bạc vào tờ báo, nhét vào bị, lên Phòng Giáo Dục. Nhiều phụ huynh đồng cảnh ngộ ngồi chờ tại phòng thu ngân giúp Liễu thấy bớt lẻ loi: "Chẳng phải một mình mình bị trấn lột". Hai bà ngồi cạnh Liễu hỏi nhỏ nhau:

- Chị định "ngã giá" bao nhiêu?

- Tôi nghe bà Hiệp Phát nói tối thiểu 10 triệu mới chắc ăn.

Tới phiên trò Trần Văn Học, người nữ cán bộ lục hồ sơ, nói:

- Hết chỗ rồi.

Liễu choáng váng:

- Sao lại hết được. Cán bộ coi lại giấy báo đi. Rõ ràng là cháu được cho chỗ và hẹn lên đóng tiền xây dựng cơ sở vật chất 1.400.000 đồng. Tôi sẵn sàng đóng trước 6 tháng tiền học, vị chi 2 triệu.

- Hai triệu hả? Vậy thì hết chỗ thật rồi.

Thằng Học khóc trọn một ngày một đêm, không ăn không chơi. Sợ con phát điên, Liễu điên trước. Nàng cầm cầm tiền đi lang thang, gặp ai cũng hỏi: "Có trường nào rẻ không?" Đi mỏi rã rời mỗi về. Lần này thấy mẹ về, thằng Học ngồi dậy nói:

- Má mua cho con thùng bán kem.

Bảo ôm con vào lòng, dỗ:

- Trời ơi! Tuổi con là tuổi đi học, sao lại đi bán kem. Năm nay không có chỗ thì chờ sang năm, con à.

- Con muốn đi bán kem để dành tiền sang năm nộp cho nhà trường.

Thấy con trỗi dậy, Liễu nghĩ mình cũng phải bớt bi quan. Nàng bàn với Bảo sắm cái thùng kem nhỏ bằng mốp: "Để cho thằng Học ấp ủ hy vọng trong thùng kem, còn hơn để nó tuyệt vọng".

Ngày khai trường, người ta thấy một thằng bé bê cái thùng kem quanh quẩn ngoài cổng, bán kem cho những đứa trẻ cùng tuổi. Có đứa hỏi sao Học không vô học, nó trả lời:

- Tao không có tiền.

Khi lũ trẻ đã vào lớp hết, sân trường trở lại yên tĩnh, chỉ có tiếng chim sẻ ríu rít trên tàn cây bã đậu. Bé Học vẫn bám vào cổng sắt, thẫn thờ nhìn vào, thèm khát.

Những đứa trẻ ngoác mồm ê a:

- Em như chim ú trên cành,
Biết ăn biết nói, biết học hành làm vui.

Liễu đứng xa xa nhìn con, lòng tê tái, xót xa. Nàng nhìn ngôi trường quen thuộc, nơi mà thời "ngụy" tất cả 8 đứa con ông xích lô và bà bán rau muống từng đi học miễn phí. Đứa đầu tiên là Liễu, đứa sau cùng là con Diễm, học chung với con cô giáo Mai và Đại úy Huy. Bây giờ sau 20 năm, sang một thế hệ khác, thế hệ mà Liễu định hy sinh tất cả cho nó vươn lên mà vẫn bị đạp xuống. Nước mắt nàng trào ra không cầm lại được, làm nhạt nhoà hình ảnh ngôi trường, nhạt nhoà đứa con bảy tuổi với thùng kem. Cho tới khi một bàn tay nhỏ xíu lay tay Liễu:

- Sao má khóc. Thôi mình đi về má! Tụi nó vô học hết rồi.

Liễu gạt nước mắt, nhấc thùng kem khỏi vai con, dắt nó về. Tiếng ê a của bọn trẻ đuổi theo mẹ con nàng:

- Em như chim ú trên cành,
Biết ăn biết nói, biết học hành làm vui...

Bé Học lắc lắc tay mẹ:

- Bài hát gì vậy, má?

- Câu thơ của bác Hồ ca ngợi tuổi trẻ dưới chủ nghĩa xã hội. Các cháu Bác chỉ có việc ăn, học, vui chơi.

- Hồi nhỏ bác Hồ có được vô lớp Một không, má?

- Có chứ. Bác học lên tới lớp Chín lận, nhờ đó mới biết chữ nghĩa mà lãnh đạo Đảng.

- Bộ nhà Bác giàu lắm, hả má?

- Nghe nói gia đình cũng nghèo thôi... Sao con hỏi nhiều vậy? Con ăn cây kem này đi, không cũng chảy hết.

Thấy mẹ không vui, thằng bé im lặng ăn kem. Ăn xong, nó lại hỏi:

- Nghèo mà được đi học. Ai cho Bác đi học vậy, má?

Liễu buột miệng nói theo ký ức:

- Thì mấy ông Tây ở trường Quốc Học nhận Bác vô học chớ ai!

- Trường Quốc Học ở đâu, má?

- Ở Huế, xa lắm.

- Sao lại có ông Tây ở đó, má?

- Thời thực dân mà con. Thôi con đừng hỏi nữa, được không?

Thằng Học ngẫm nghĩ một lát. Có lẽ nó tưởng "thời thực dân" ở đâu đó, miệt Bà Điểm hay Củ Chi, nên mắt nó lại sáng rỡ:

- Má dắt con lại "thời thực dân" đi, để con đi học như bác Hồ.

Tâm Thanh 

*  *  *


Xem bài liên hệ với chủ đề: click tại đây
Trở về trang chính www.nuiansongtra.net
 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh