VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 39)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 191
VẤN: Cụ Vũ Đức Khoa, San Jose: Tôi từng nghe giai thoại khá thú vị vợ chồng cãi nhau về “Con Cua”, nhưng muốn được nhớ lại xin bà cụ nhắc lại hộ cho. Cám ơn bà cụ nhiều.
ĐÁP:
Đó là câu chuyện: Một hôm có ông chồng nọ sai vợ ra chợ mua cua, song vì bản tính quê mùa ngờ nghệch nên bị người bán ở chợ lừa phĩnh, thay vì bán cua lại bán cho chị ta con “Sam”. Hình dạng con sam giống như cua, chỉ hơi khác là nó có đuôi. Tưởng đó thuộc loại cua đặc biệt, chị vợ mừng rỡ bèn mua mang về. Người chồng trông thấy con vật có đuôi cho đó là loại “Rùa” bèn lên tiếng trách mắng vợ. Người vợ vẫn nhất định không phải là rùa vẫn bảo đó là cua. Cuối cùng ông chồng quá giận, đánh vợ đến sưng mắt mũi. Tuy bị chồng đánh song vẫn một mực không phải rùa mà đó là cua chính thực. Không ai chịu nhịn ai bèn kéo nhau đến nhờ làng xử.
Ông xã trưởng xem xét một hồi bảo đó là “Con Cá Đuối”. Tuy không bằng lòng, song không dám cãi lại, hai vợ chồng dẫn nhau ra về. Trên đường đi chồng cứ bảo đó là “rùa”, còn người vợ thì nhất mực là con “Cua”. Chuyện hai vợ chồng cãi nhau đến tai ông xã trưởng. Ông xã cho là bất tuân lời xã bèn sai trùm bắt giải giao lên huyện.
Quan huyện đăng đàng, tay vuốt chòm râu mép, mắt liếc nhìn con vật một hồi lâu rồi phán rằng:
“Con mua cua, mua đã chẳng xong
Thằng nói “Rùa” lại càng thêm rối.
Lão xã trường xử “Con Cá Đuối”
Ấy ba đàng sai quấy cả ba.
Hể con dại thì có mẹ cha
Dân dại cậy cùng quan trưởng,
Vậy nay ta phê cả tám mắt rõ ràng,
Rằng là:
“Cua, Rùa, Cá Đuối giai phi,
Ờ, ờ, cái lũ người có mắt không ngươi,
Đem cho ông coi lại,
Ờ, thì…thì là…
Đó quả là “Con Bồ Cạp Nước”
Phán xong quan huyện bèn cho cả ra về. Tất nhiên là anh chồng trên đường về nhà bảo nhất định là “Rùa”, bà vợ cứ một mực là “Cua”, còn ông xã thì chính thị là “Con Cá Đuối”.
Cuối cùng cả tám con mắt đều nhìn sai, song quan trên bao giờ có lý.
Câu chuyện là như vậy.
VẤN: Cụ Hà Huyền Vi, Monterey Park: Tôi nghe nói đậu đen là loại thuốc thần chữa đủ mọi bệnh, cứu đủ mọi thứ. Xin bà cụ cho biết thêm chữa các chứng gì khác nữa nếu có. Xin cảm ơn bà cụ nhiều.
ĐÁP:
Đậu đen còn chữa các chứng như:
- Chữa ngộ độc vì do rau quả: Đậu đen tán nhỏ, ngâm rượu, vắt lấy nước cốt nửa thăng.
- Chữa say rượu bất tỉnh: Đậu đen một thăng sắc lấy nước uống cho nôn ra thì khỏi.
- Chữa ngộ độc ô dâu, phụ tử, thiên hoàng, nấm dại: Đậu đen hai vốc nấu cho ăn hoặc sắc lấy nước cho uống là khỏi.
- Chữa phù thũng: Đậu đen một thăng, nước 5 thăng, nấu còn 3 thăng, chế vào 5 thăng rượu, lại nấu còn 3 thăng. Chia làm 3 lần uống nóng.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 192
VẤN: Ông Hồ Kim Hồng, Virginia: Thưa cụ bà, chẳng biết cá trê họ hàng với loại cá nào? Đồng thời cho ít bài ca dao có liên quan với loại cá này. Xin cám ơn bà cụ.
ĐÁP:
Cá trê họ hàng với cá nheo và cá bò. Cứ theo vạn vật học thì cá nheo là loại cá lớn nhất trong họ cá này nên được tôn là “ông”. Kế đến là trê. Cá bò liệt vào hàng thứ ba thuộc hàng cháu.
Cá nheo sống ở các dòng sông lớn, còn cá trê thích sống cuộc đời tự do phóng túng hơn, có nghĩa là ao cũng được mà chuôm, hồ, ngòi, rạch cũng được. Miễn là những nơi có nước nôi để bơi lội, cho dù trong dù đục… Tuy vậy cá trê ghét phiêu lưu, thích cùng nhau đoàn tụ chung trong một hang sống chết có nhau. Cá trê có loại vũ khí rất nguy hiểm đó là cái ngạnh rất sắt bén. Vì vậy mà ca dao ta có câu:
Bống kia thì có hai mang
Còn trê hai ngạnh, tôm càn hai râu.
Tất nhiên là ngạnh cá trê sắc bén kinh khủng. Ngạnh cá trê ở dưới nước thì mềm nhưng khi bị bắt lên bờ thì nó trở nên cứng có thể đâm thủng cả tay người bắt nó mà không đề phòng. Trê có râu, hai sợi mọc ở mang, màu sắc trên lưng đen bụng thì trắng.
Trê, bò hay nheo hình dáng khác với cá bông lau - người anh em vốn ở miền Nam. Có lẽ vì đời sống phè phỡn nên cá bông lau bụng xệ toàn mỡ là mỡ. Tuy vậy, người tỉnh thành khoái các nàng trê hơn. Có câu ca dao:
Canh bầu nấu với cá trê
Ăn vô cho mát mà mê vợ già.
Hoặc có câu vè:
Bắt được con trắm con trê
Cắm cổ lôi về nấu nướng mà ăn
Ăn không sao hết
Để dành đến Tết
Mèo già tha trộm
Mèo ốm phải đòn
Mèo con phải vạ
Con quạ đứt đuôi
Con ruồi đứt cánh
Đòn gánh có mấu
Củ ấu có sừng
Bánh chưng có nệp
Ông thầy có sách
Thợ gạch có dao
Thợ rào có búa
Có lúa có bông
Con gái có chồng
Đàn ông có vợ…
VẤN: Bà Nguyễn Thanh Hồng, Orange County: Nghe nói tiết lợn được xem như là vị thuốc thần diệu, chẳng biết thực hư như thế nào? Bà cụ có biết không?
ĐÁP:
Tôi cũng từng nghe như vậy. Tiết lợn là một phương thuốc kỳ diệu. Các sắc dân Á Châu như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam,Thái Lan, Đại Hàn và một số quốc gia khác trong vùng thường dùng “tiết heo” ăn trong các bữa ăn chính và làm đủ mọi kiểu để ăn cho ngon miệng. Việt Nam ta thường nấu cháo huyết, làm tiết canh, dồi lợn, hoặc tiết heo xào với hẹ v.v…Đây là các món ăn làm bằng huyết heo, vừa rẻ, vừa ngon mà còn vừa bổ nữa.
Tiết lợn có hàm lượng chất sắt rất cao. Theo các bản nghiên cứu thì cứ 100 gram có 45 gram chất sắt. Tính ra nó cao hơn gan gấp cả 20 lần, cao hơn thịt nạc cũng 20 lần, cao hơn cả trứng đến 18 lần. Chất sắt là thành phần chính tạo ra hồng huyết cầu. Do đó người bị bệnh thiếu máu có thể ăn tiết lợn. Tưởng cũng nên biết lượng mỡ trong tiết lợn lại rất thấp, trái lại chất lân tinh rất cao. Ăn tiết lợn không sợ bị béo phì.
Tiết lợn là một thức ăn lý tưởng cho thành phần trung và cao niên nào bị mắc bệnh thiếu máu. Ngoài ra trong tiết lợn còn chứa nhiều loại dinh dưỡng gồm đủ chất vitamin và chất khoáng như sắt, phosphore, K, Na, Cu, Co, v.v… Ngay chất đạm cũng cao hơn thịt nạc lại dễ tiêu hóa, cơ thể con người dễ hấp thụ.
Theo Đông Y thì tiết lợn tính bình, vị kiềm, chữa các chứng bệnh chóng mặt, đau đầu phong, chướng bụng khó tiêu, sôi bụng, loét cổ tử cung.
Phương pháp trị liệu như sau:
Dùng một bát tiết lợn (hay một miếng có bán ở các chợ), cá chép 100 gr., gạo 100 gr. Cùng một ít hạt tiêu trắng dã nhỏ bỏ chung rồi nấu thành cháo ăn thường xuyên. Cháo này vừa ngon vừa chữa được bệnh, vừa làm cho tinh thần và thể xác thoải mái. Nhất là đối với các bà, các ông thường xuyên ở văn phòng hoặc cửa hàng suốt ngày.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 193
VẤN: Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Orange County: Tôi còn nhớ ba câu tục ngữ Hán Việt, song nghĩa của mấy câu này không được rõ lắm. Xin bà cụ nhắc nhở lại hộ.
Ba câu đó như sau:
1. Ngật lão công, trước lão công, táo lý vô sài thiêu lão ông.
2. Ngoại phi dượng mạo, nội tàng lang tâm.
3. Ngoại bồ tát, trươc bồ tác, táo lý vô sài thiêu bồ tát,
ĐÁP:
Tôi còn nhớ các câu này như sau:
Câu thứ nhất:
(Ngật lão công, trước lão công, táo lý vô sài thiêu lão công) có nghĩa:
Ăn của ông, mặc của ông
Trong bếp không dầu đốt nốt ông.
Ta cũng có mấy câu tương tự:
a. Ở chùa đốt chùa.
b. Phản chủ đầu trâu
Ăn cơm nhà Phật đốt râu nhà chùa.
Câu thứ hai:
(Ngoại phi dượng mạo, nội tàng lương tâm) Có nghĩa:
Ngoài khoác lông dê, trong mang dạ sói.
Ta cũng có câu:
Miệng mật gươm lòng.
Câu thứ ba:
(Ngật bồ tát, trước bồ tát, tảo lý vô sài thiêu bồ tát). Có nghĩa:
Ăn của Bồ Tát, mặc của Bồ Tát,
Trong bếp không dầu, nấu luôn Bồ Tát.
VẤN: Bà Vũ Thu Tịnh, Virginia: Nghe nói bệnh sinh ư tâm, có như vậy chăng?
ĐÁP:
Đúng như vậy, tuy không hoàn toàn song không phải ít bệnh tùy tâm sinh ra. Bà chị hỏi vừa đúng lúc MaiThy đưa ra 8 trường hợp do sự tức giận như:
1. Trường hợp Da Nhám: Do khi tức giận một lượng máu sẽ dồ lên não bộ. Nguyên nhân khối lượng Oxy trong máu giảm, độc tố tăng cao, khiến xuất hiện những vết nám.
Chứng này được khuyên là hít một hơi thật sâu nhiều lần trong mỗi ngày, sẽ giúp cho vết nám chóng tan biến.
2. Chứng “Lão hóa tế bào não” Bởi khối lượng máu lớn dồn lên cao, tạo sức ép cho động mạch, làm cho lượng Oxy dồn xuống thấp. Điều này làm cho tế bào não già đi.
Lời khuyên: Hít một hơi thật dài, nhiều lần trong ngày, sẽ giúp chận đứng sự lão hóa của tế bào não.
3. Bệnh loét dạ dày do sự tức giận dẫn đến giây thần kinh làm kích thích hưng phấn, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tim và động mạch, khiến cho lượng Oxy xuống thấp.
Lời khuuyên bảo: “Mát xa bụng khi cảm thấy bị căng thẳng.
4. Chứng “Thiếu máu cơ tim”. Chứng này bị một lượng máu lớn dẫn lên não và toàn bộ khuôn mặt, khiến lượng máu về tim bị giảm, làm cho nhịp tim đập bất thường.
Lời khuyên: Hãy ôn lại những kỷ niệm vui trong đời.
5. Sự tức giận khiến cho gan bị thương tổn. Chứng này tại vì cơ thể tiết ra chất Catecholamina tác động đến hệ thần kinh trung ương làm cho huyết áp tăng cao, các độc tố cũng gây nhiều nguy hại cho gan.
Theo lời khuyên” Nước sẽ rửa cho trôi đi các acid béo trong cơ thể.
6. Kích thích tuyến giáp khi tức giận, hệ thống nội tiết trong cơ thể sẽ bị rối loạn, khiến hormone tuyến giáp cũng tăng theo.
Những lần như vậy hãy ngồi xuống và thư giản. Nhắm mắt và thở cho sâu.
7. Sự tức giận làm cho hại phổi, vì xúc động làm cho hơi thở gấp.
Gặp trường hợp này hãy tỉnh tâm và từ từ hít thở thật sâu và 5 lần.
8. Tổn thương hệ thống miễn dịch khi tức giận, cơ thể theo lệnh của não bộ, tạo ra chất cortisol, hormone stress làm giảm sức đề kháng của cơ thể.
Lời khuyên điều này: Không gì hay bằng nên hồi tưởng lại những ký ức đẹp trong cuộc đời mình.
VẤN: Cư sĩ La Thành Nhân, Philadelphia: Chẳng biết về Đông Y có tất cả bao nhiêu dược liệu lấy từ cây cỏ? Bà cụ biết không?
ĐÁP:
Có tất cả 365 loại dược liệu. Tập sách đầu tiên về Đông Y là Thần Nông bản thảo kinh niên. Tập này soạn ra từ đời Hán. Đặc biệt là tập biên khảo Đông Y này không những nói về tính chất và công dụng dược liệu mà còn ghi chép luôn cả nơi sinh sản ra dược liệu đó. Từ đời Hán về sau, còn thấy ghi nhận thêm về cách chế biến dược liệu một cách công phu nữa. Đầu tiên các dược liệu Đông Y theo truyền thuyết là do Thần Nông nếm trăm thứ cỏ. Còn theo tài liệu từ Tiên Tần Sơn Hải kinh ghi đầy đủ các loại dược thảo tính ra cả hơn trăm loại v.v…
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 194
VẤN: Bà Hồ Thị Nghĩa, Paris. (Bà cụ Vũ Đúc Vĩnh Nghi chuyển lại: Danh từ “Tấm Cám” tôi cũng có thể biết được, song dường như trong Hán Tự có từ này để chỉ kẻ thấp hèn nghèo khổ. Tôi không được rõ lắm. Bà chị có biết không?
ĐÁP:
“Tào Khang” có nghĩa là tấm cám, chỉ cho cảnh nghèo khó. Trong “Tào khang chi thê” có câu:
“Tào khang chi thê bất khả hạ đường,
Bần tiện chi giao mạc khả vong”.
Theo học giả Duyên Hạc Lê Thái Ất thì:
TAO là bã rượu.
KHANG là gạo tấm.
TAO KHANG là thức ăn của những kẻ nghèo khó.
Theo điển tích: Vua Quang Vũ nhà Đông Hán có một bà chị góa chồng là Hồ Dương Công Chúa. Nhà vua thấy thương hoàn cảnh cô đơn lạnh lẽo của chị, muốn tìm cho bà tấm chồng xứng đáng. Nhà vua âm thầm tuyển lựa trong danh sách các quan đại thần tại triều, rồi trao cho chị lựa chọn. Sau khi tuyển lục, Hồ Dương Công Chúa bèn nói với em mình:
-”Trong số các quan chỉ có Tống Hoằng là bậc phi thường, khó có người sánh kịp.
Vua hiểu ý bèn bảo chị mình ra ngồi sau bình phong, rồi cho triệu Tống Hoằng đến. Vua bèn lên tiếng hỏi:
- Trẫm nghe tục ngữ có câu: ”Phú dịch gia, quí dịch thê (Giàu đổi bạn, sang đổi vợ) có phải vậy chăng?
Tống Hoằng quì xuống tâu:
- Tâu Bệ Hạ, hạ thần thường nghe câu:
“Bằng hữu chi giao bất khả vong,
Tào khang chi thê bất khả hạ đường”
(Có nghĩa ”Bạn bè đã chơi với nhau từ lúc nghèo hèn, khi giàu có không nên quên nhau; vợ ở với mình từ lúc còn nghèo khổ, khi chồng vinh hiển không nên đuổi vợ xuống “nhà dưới”.
Nhà dưới tức hạ đường. Có nghĩa là từ vợ chánh thất giáng xuống làm vợ thứ).
Nghe xong, vua biết không thể lay chuyển nổi lòng dạ ông được bèn khuyên chị mình hãy quên chuyện ấy đi.
VẤN: Bà Vũ Đình Nghị, Orange County: Tôi nghe cá lóc vừa ăn ngon đã đành mà cũng vừa là vị thuốc, đúng nhu vậy không, thưa cụ?
ĐÁP:
Đúng như vậy. Cá lóc mà đem nướng trui thì quả là ngon không chê được. Bà chị mua cá lóc, rau giáp cá, các loại rau thơm, mắm nêm và bánh tráng mang về làm sẽ có một bữa ăn vừa ngon vừa có thể trị được một số bệnh nếu có.
Sau khi làm sạch sẽ rồi trét đất quanh con cá, nếu không có lò nướng thì vùi vào đống lửa, khi nào nhìn thấy đất khô cứng và nứt tức là cá đã chín. Bà chị sẽ nghe ngay mùi cá thơm ngon nhấm thử sẽ thấy vị cá ngọt và có sức quyến rủ người thưởng thức nó. Nên nhớ là lấy sạch mật của cá, nếu không nó đã tanh mà còn có thể rủi ro ngộ độc.
Cá đem nướng xong ăn với rau giáp cá cùng các loại rau khác như giá sống,mắm nêm và bánh tráng v.v…
Cá lóc vị ngọt, tính bình, có tác dụng như bà chị hỏi là ngoài ăn ngon còn có có thể trị các bệnh thấp khớp, trừ phong, trị thủng, thông quan, chữa trỉ.
Tưởng cũng nên biết về loại rau “giáp cá” (có nơi gọi là diếp cá hay dấp cá), có tên khoa học là Houttuuynia cordata, có tính tán nhiệt, tiêu thực, trị bệnh trỉ. Có một điều thật lạ là đối với người bị lỡ loét ngoài da, ăn cá lóc thì lâu lành song cá lóc ăn cùng với rau giáp cá thì lại nó là phương thuốc trị bệnh ngoài da.
Rau giáp cá trị được nóng lạnh. Thường thì lấy giáp cá mang giả nát đoạn bọc vào vải đem chà xát khắp người, bệnh nhân sẽ ra mồ hôi. Lành hẳn bệnh ngay sau khi chà xát khắp cả châu thân người bệnh.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 195
VẤN: Ông Vũ Quang, Orange County, bà cụ có biết bài thơ Ai Tư Vấn của tác giả nào không? Nếu được xin bà cụ cho biết cả nội dung của bài thơ này.
ĐÁP:
Tác giả bài thơ Ai Tư Vấn là Lê Ngọc Hân. Lời thơ của bà thương khóc chồng là vua Quang Trung. Bài thơ dài đến 164 câu viết về thể thơ “song thất lục bát”. Nội dung bà ôn lại mối tình của mình với vua Quang Trung từ ngày kết hôn cho đến khi băng hà.
Vua Quang Trung tức Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc Hà phò Lê diệt Trịnh. Trươc nghĩa khí này bà khen tặng đức độ và chí khí của chồng là người anh hùng bố y quyết đứng lên xây dựng đất nước. Bài thơ lâm ly, khiến người đọc phải ngậm ngùi rơi lệ.
Xin vào link nầy để xem toàn bài: http://www.nuiansongtra.com/index.php?c=article&p=3544
VẤN: Cô Đỗ Ngọc Hà, Gentilly, rue Camille Blanc, 94110 Arcueil, France: Cháu có hai câu cần được biết, xin cụ giúp cho:
1. Thần Giao Cách Cảm là gì? Có hay không sự kiện này? Nó là thực hay chỉ là sự tưởng tượng?
2. Trong giấc ngủ có phải nhớ đến ai thì mình thường chiêm bao thấy người đó không? Và nếu mình nhớ người nào đó, thì liệu người mà mình tưởng nhớ đó có mơ thấy mình không? Bà cụ giải hộ chiêm bao là gì? Các giấc mơ mình mộng thấy có bao giờ đúng không?
ĐÁP:
1. “Thần giao cách cảm” tiếng Anh gọi là Telepathy, Pháp là Télépathie, là một trong hai khả năng kỳ lạ mà xưa nay mọi người đều biết đến.
Thần giao cách cảm là người có được đặc tính có thể đọc hoặc nghe được những gì đã và đang có trong óc hoặc có trong tư tưởng của bất cứ một người nào khác đang ở xa hoặc đang đối diện với mình.
Nói rõ hơn, Thần giao cách cảm chỉ nghe và biết, chứ không thể nhìn thấy hiển hiện ra trước mắt như Thiên lý thần nhãn có thể thấy được những sự kiện và hình ảnh đang xảy ra tại bất cứ địa điểm nào dù xa đến hàng ngàn vạn dặm.
Lịch sử loài người xưa nay đã chứng minh được là quả có hai trường hợp Thần giao cách cảm (télépathie) và khả năng Thiên lý thần nhãn (Clairvoyance). Chính hai khả năng này đã được các khoa học gia thừa nhận.
Ở Tây Tạng có một số các nhà tu hành như cấp đẳng Đạt La Lạt Ma phần đông đã đạt được khả năng “Thiên lý nhãn”. Đây là chuyện thuộc về lĩnh vực huyền diệu chứ không phải là sản phẩm tưởng tượng.
Câu hỏi thứ 2 về giấc mơ:
Mơ có nghĩa là những hình tượng hiện ra trong giấc ngủ mà người nằm mộng thấy nghĩ rằng mình đang sống thật.
Về các giấc mơ, mộng hay chiêm bao có liên quan gì đến đời sống con người không? Có thuyết cho rằng mộng mơ chẳng khác nào như bọt nước, bóng mờ hư hư ảo ảo…nó chỉ là hình ảnh những sự kiện trong đời sống hằng ngày nối liền từ thời gian và không gian này đến thời gian và không gian khác, tiếp diễn, kết tụ, trộn lẫn vào nhau cất giữ trong tiềm thức để rồi có cơ hội tuần tự đưa ra những hư cấu khác trong khi đang ngủ.
Mộng chẳng phải là sự thật. Đó là thuyết của lớp người “hoài nghi” (sceptical), cho là giấc mơ chỉ là mộng mị hão huyền. Khác với thuyết tâm linh, quả quyết nhiều giấc mơ không thể kết luận một cách hồ đồ như vậy. Nó có một cái gì huyền bí, kỳ lạ mà con người khó lòng thấu triệt được. Theo thuyết này thì “mộng chẳng là bóng mờ, hư hư thực thực, huyền hoặc mà nhiều khi chính là “sự thật có trước sự thật”. Giấc mộng nhiều lúc có thể báo trước một điềm vui sắp đến, hay là một nỗi kinh hoàng sắp xảy ra cho mình, mà ta thường gọi đó là cơn ác mộng. Điều cô hỏi “mình thường nằm mơ nhìn thấy hình ảnh người mình thương nhớ, người ấy có mơ thấy như mình không.
Giấc mơ là phản ảnh những điều kiện đã và đang sống thực của con người. Ví như một người chưa từng cắp sách đến nhà trường, tất nhiên là người này không bao giờ thấy mình đọc sách báo. Nhưng nếu là nhà giáo thì ít nhất cũng có một lần mơ thấy mình đang đứng trên bục giảng thao thao bất tuyệt.
Giấc mơ thường dựa vào những hình ảnh trong đời sống thực tại của mình. Có nhiều lúc giấc mơ giúp họ có thể trở thành triệu phú, như chuyện ông cụ già ở vùng Alhambra, California, vào khoảng năm 1986 (?) nằm mơ thấy rõ ràng 6 con số trong kỳ xổ số sắp đến. Lẽ ra ông cụ đã trở thành triệu phú, nhưng số mạng không cho phép ông được giàu sang, khiến bà cụ khi mang đi mua tự sữa lại một trong 6 con số của chồng. Sau khi xổ số, quả nhiên kết quả 6 con số của ông cụ ghi chép đều đúng như Thần Tài báo mộng song tiếc thay, bà cụ đã sữa mất một con…khiến ông cụ bị đánh mất đi cơ hội muôn một không bao giờ có được lần thứ hai trong cuộc đời. Thế mới biết, tất cả những diễn biến trên đời sống của con người đều có định mệnh an bài. Không ai cãi được mệnh trời.
Còn tiếp
THINH QUANG
Xem Phần 38 tại đây
Trở về Webpage núi Ấn sông Trà.