Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 09, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
NGƯỜI NẰM XUỐNG Ở QUẢNG-NGÃI
NGUYỄN ƯỚC
Các bài liên quan:
    BÀI HỒ TRƯỜNG VÀ CÁI CHẾT...
    SÔNG TRÀ LOANG MÁU
    TÌM HIỂU CÁI CHẾT CỦA TẠ THU THÂU

Tôi nhớ khoảng hơn 30 năm trước, có đọc trong một cuốn sách hình như do Nhà Tân Việt xuất bản ở Sàigòn. Tác giả nhắc tới cái chết của Tạ Thu Thâu và kể chuyện một nhà trí thức Pháp có nói với tác giả rằng khi nghe tin Tạ Thu Thâu qua đời tại Quảng Ngãi, ông đã ứa nước mắt thương tiếc một bậc tài trí tuyệt luân và xót xa cho nước Việt Nam vì xét theo tiến hoá lịch sử của một dân tộc thì phải tới trăm năm mới xuất hiện được một con người kiệt xuất như thế.

Vậy Tạ Thu Thâu là ai? và ông qua đời tại Quảng Ngãi như thế nào? Tôi xin bắt đầu với câu chuyện của ông và tiếp đó đề cập tới hàng ngàn người Việt đã nằm xuống tại Quảng Ngãi từ năm 1945 tới năm 1975 dưới bàn tay của đảng Cộng sản Việt nam.

THÂN THẾ NHÀ CHÍ SĨ

Tạ Thu Thâu (T.T.Thâu) là một nhà hùng biện và là một nhà báo nổi tiếng. Hơn thế nữa, ông là một lãnh tụ cách mạng lỗi lạc, có tầm nhìn quốc gia lẫn quốc tế, biết đoàn kết các tổ chức và nhân sĩ chống đối Pháp làm thành một lực lượng vận động quần chúng, khai thác thế đấu tranh hơp pháp theo qui chế thuộc địa của Nam kỳ. Ông tiêu biểu cho sách lược, tinh thần và một thời kỳ đấu tranh của nhân sĩ nam bộ nói riêng và người Việt nói chung nửa đầu thế kỷ 20 trong giai đoạn ngọn cờ đấu tranh giải thực chuyển từ tay các sĩ phu cựu trào sang thanh niên tân học.

Ông sinh năm Bính Ngọ, 1906, tại xã Tân Bình, huyện Lấp Vò, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc xã Tân Bình, huyện Thạnh Hưng, tỉnh Đồng Tháp). Xưa nay, miền Tây có hai vùng nổi tiếng đặc biệt: văn nhân tài tử thì tụ hội ở Vĩnh Long, giai nhân và học trò giỏi thì sinh quán ở Long Xuyên.

Gia đình của T.T. Thâu rất nghèo; thân phụ làm nghề thợ mộc. Ông phải vừa đi học ở trường làng vừa chăn vịt để giúp đỡ gia đình. Bạn cùng trường kể lại rằng họ không bao giờ thấy ông học bài mà vẫn cứ liên tục đứng đầu lớp. Tới năm 13 tuổi, đang năm chót bậc tiểu học, ông phải đi dạy kèm để lấy tiền phụ cho cha mẹ. Cuối năm đó, ông thi đậu, được cấp học bổng vào học trường trung học Chasseloup Laubat. Đậu Tú tài năm 1925, ông dạy tư tại các trường Nguyễn Xích Hồng, Huỳnh Khương Ninh cùng với các bạn Nguyễn Phi Oanh, Phan văn Hùm... Năm 1927, ông cùng Nguyễn Khánh Toàn xuất bản tờ báo Le Nhà quê làm cơ quan tranh đấu chống thực dân nhưng chẳng bao lâu báo bị tịch thu và NKT bị truy tố [về sau, năm 1946, NKT làm Thứ trưởng Giáo dục trong chính phủ Hồ Chí Minh]. Cuối năm 1927, ông được đi du học Pháp, tại Đại học Sorbonne.

Thời ấy, gần như chỉ có con cái các nhà giàu nhờ cha ông có thời hợp tác với Pháp, được Pháp thưởng công cấp ruộng đất, ban bổng lộc, lâu ngày trở thành bá hộ hoặc nghiệp chủ, mới có khả năng đi du học. Không mấy người con nhà nghèo như T.T.Thâu, lại có tinh thần chống Pháp mà vẫn được nhà nước “Đại Pháp” cho đi du học. Người Pháp “quảng đại” như thế chẳng qua chỉ vì vừa muốn tỏ ra trọng hiền tài, mị dân với chiêu bài “khai hóa văn minh”, vừa hi vọng sinh viên qua Pháp thấy hào quang của Paris và học thành tài sẽ biến thành kẻ phục vụ đắc lực cho mẫu quốc.

Sang Pháp, T.T.Thâu liền tham gia đảng Việt Nam Độc Lập của Nguyễn Thế Truyền [Ông Truyền là người cùng làm tờ Le Paria với Phan Chu Trinh, Phan văn Trường, Nguyễn Tất Thành. Cả bốn người thường ký chung bút hiệu Nguyễn Ái Quốc và cử N.T.Thành dùng cái tên đó để trình diện khi có Sở Mật thám Pháp đòi; về sau N.T.Thành tiếm đoạt cái tên đó làm của riêng mình. Tới năm 1961, ông Truyền đứng chung liên danh Hồ Nhật Tân tranh cử với ông Ngô Đình Diệm - Nguyễn Ngọc Thơ nhưng bị thất cử. Sau khi ông Truyền về nước, T.T.Thâu thay ông Truyền điều khiển VN Độc Lập Đảng, xuất bản báo La Résurrection (Phục Hưng) và chống Pháp quyết liệt tới độ Pháp phải giải tán đảng và đóng cửa tờ báo.

Có lẽ do thành phần xuất thân của mình, T.T.Thâu có tư tưởng xã hội, chống đế quốc thực dân và ngã dần theo quốc tế chủ nghĩa. Ông chịu ảnh hưởng chủ nghĩa cộng sản của Các Mác nhưng không theo chủ nghĩa độc tôn độc tài và trấn áp của Lê-nin. Cuối năm 1927, ông theo nhóm Trốt-kít ở Pháp và qua năm 1929, ông tham dự đại hội Liên Đoàn Phản Đế tại Frankfurt (Đức). Như thế, ông thành người của Cộng sản Quốc tế Đệ tứ, đứng đầu là Trotsky, với chủ trương phát động cách mạng cùng một lúc trên toàn thế giới, đối lập hẳn với Cộng sản Quốc tế Đệ tam, đứng đầu là Staline, với chủ trương lấy Liên Sô làm thành trì cách mạng, biến đảng cộng sản tại các nước khác thành công cụ phục vụ đường lối quốc tế và quyền lợi của Đảng CS Liên sô.

Tại Pháp, tuy cộng đồng Việt có người theo CS Đệ tam, có người theo CS Đệ tứ nhưng vì cùng chung một kẻ thù là thực dân Pháp nên vẫn hợp tác với nhau. Ngày 22.5.1930, hơn 100 Việt kiều biểu tình trước điện Elysée, dinh Tổng thống Pháp, để phản đối hành động trả thù và tàn sát của Pháp tại Việt Nam sau cuộc tổng khởi nghĩa Yên Bái bị thất bại của VN Quốc Dân Đảng. T.T.Thâu cùng 18 người nữa bị trục xuất khỏi đất Pháp vì thực dân cho rằng ông “đồng lõa” với những người tham gia cuộc nổi dậy ấy.

T.T.Thâu trở về Việt Nam, mang theo tư tưởng của Quốc tế Đệ tứ và bắt đầu hoạt động trong tư thế hợp tác với các nhân sĩ nam bộ. Năm 1933, ông liên kết các thanh niên trí thức, cùng với một số người Đệ tứ như Nguyễn An Ninh, Phan văn Hùm, Trần Văn Thạch và có sự cộng tác của một số người Đệ tam như Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, xuất bản tờ báo La Lutte (Tranh Đấu) với mục đích đòi độc lập cho đất nước và bảo vệ quyền lợi của giới thợ thuyền. Năm 1935, ông cùng T.V.Thạch, N.V.Tạo, D.B.Mai đắc cử vẻ vang vào Hội đồng Thành phố Sài-gòn. Năm 1936, Pháp bắt ông với N.A.Ninh và N.V.Tạo nhưng rồi phải thả vì dân chúng phản đối và vì các ông tuyệt thực. Năm 1937, ông lại bị bắt giam tới năm 1939 mới được thả; ra tù, ông lại đắc cử vẻ vang vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Trong thời gian này, ông vận động một số tổ chức yêu nước thành lập “Đông dương Đại hội” để liên hiệp các lực lượng thành một mặt trận chống Pháp, nhưng bất thành. Thế chiến Hai bùng nổ, tại Sàigòn để đề phòng, Pháp bắt hết các phần tử chống đối. Cùng với N.A.Ninh, T.V.Thạch, P.V.Hùm, ông bị bắt năm 1940, bị kết án 5 năm tù và đày đi đảo Côn Lôn. Cuối năm 1944, mãn hạn tù, ông trở về Sàigòn với một cánh tay bại liệt và bị quản thúc tại Tân Uyên, Biên Hoà.

Sau ngày Nhật đảo chánh Pháp tại Đông dương 9.3.1945, T.T.Thâu từ Sàigòn ra Bắc. Có người nói ông ra ngoài đó là để liên lạc với các đoàn thể chính trị và nhân sĩ lập thành một mặt trận chính trị toàn quốc rồi sau đó, có lẽ ông sẽ sang Hongkong ghé qua châu Âu vì phong trào Đệ tứ Quốc tế có ý định chọn ông làm người lãnh đạo kế tục Trotsky [Trotsky bị Staline cho người ám sát bằng búa tại Mễ Tây Cơ ngày 20.8.1940, lúc T.T.Thâu còn bị khổ sai ở Côn đảo]. Tới Hà Nội chưa được bao lâu thì Nhật đầu hàng ngày 14.8.1945 và Việt Minh lợi dụng thời cơ nổi lên cướp chính quyền ngày 19.8.1945, ông bỏ kế hoạch ra nước ngoài, quyết định ở lại để đấu tranh cho đất nước mình. Có lẽ ông là người hơn ai hết, hiểu rõ Mặt trận Việt Minh, Đảng Cộng sản Đông dương và mặït thật của Hồ Chí Minh mà lúc ấy trong dân chúng không mấy người biết HCM chính là Nguyễn Tất Thành, kẻ tiếm danh và là phái viên CS Quốc tế Đệ tam Nguyễn Ái Quốc. Tại miền Bắc, ông liên kết với Việt Nam QDĐ, Đại Việt Duy Dân, và đặc biệt với Nhóm Ly Khai, gồm các đảng viên cộng sản kỳ cựu như Phi Vân Nguyễn Văn Căn, Hồ Tùng Mậu, Lâm Đức Thụ, Nguyễn Công Tuyền, Đào Tuấn Kiệt, Lê Ngọc Huỳnh, Trần Văn Mại... Chính Nhóm Ly Khai này là những người tranh chấp quyền lãnh đạo Mặt trận Việt Minh với Hồ Chí Minh, khiến HCM phải lặn lội qua tận Côn Minh, Vân Nam, móc nối với OSS để xin làm tình báo cho Mỹ và năn nỉ tướng Claire L. Chennault, tư lệnh Không đoàn Phi Hổ của Mỹ, cho một bức ảnh chân dung có chữ ký tặng và mấy khẩu súng lục để đem về Pắc Bó phô trương rằng mình được Hoa kỳ ủng hộ. Về sau, họ đều bị HCM cho người hạ sát trong những năm đầu giai đoạn chín năm kháng chiến chống Pháp.

Ngày 16.8.1945, T.T.Thâu cùng với Nhóm Ly Khai ấy họp tại Ô Cầu Giấy để chuẩn bị đối phó với tình hình Nhật đầu hàng và xem xét lời kêu gọi đại đoàn kết tổng nổi dậy của HCM, thì bị lực lượng Việt Minh bất ngờ đột kích. Nguyễn Văn Căn hi sinh tử thủ cho T.T.Thâu cùng những người khác thoát thân. Sau vụ đó, T.T.Thâu quay về miền Nam bằng xe lửa và bị Việt Minh bắt tại Quảng Ngãi. Việc T.T.Thâu bị bắt xảy ra như sau:

Theo lời kể của Đỗ Bá Thế trong cuốn tiểu thuyết “Thím Bảy Giỏi” thì Đ.B.Thế theo T.T.Thâu trở về Nam. Cả hai đi tới Vinh thì nhận ra những dấu hiệu mình đang bị theo dõi. Tới Huế, Thế đề nghị Thâu vào Nam một mình còn Thế ở lại Huế giả bộ nghêu ngao trên đường phố, quán rượu, cà phê, tiệm ăn, gặp bạn bè hỏi Thâu thì Thế nói Thâu bị bệnh nghỉ dưới đò. Nói như thế để đánh lạc hướng. Nào ngờ trên con đường xuôi Nam, người ta đã đánh điện cùng khắp các làng lớn hay nhỏ, tỉnh gần hay xa, phải đón bắt cho được Thâu và thủ tiêu luôn, đừng cho vượt khỏi biên giới miền Trung. Thâu vừa đặt chân xuống ga xe lửa Quảng Ngãi, chưa kịp vào phòng nghỉ ở Bungalow thì bị bắt. Trước khi bắt, Việt Minh CS làm sụp một cây cầu để vu cho Thâu tội sai người phá hoại. Thâu bị bắt ở phía nam Sông Vệ, rồi giải ngay ra Ba La, ở phía bắc Sông Vệ thuộc huyện Tư Nghĩa để giao cho cấp lãnh đạo.

Cũng có thêm chi tiết nữa, theo lời kể của ông Nguyễn Long Thành Nam trong cuốn “Phật Giáo Hoà Hảo Trong Lòng Lịch Sử Dân Tộc” thì đầu năm 1946, ông Thành Nam đang ở nhà của Bác sĩ Trần Đình Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ của chính phủ Trần Trọng Kim, tại Đà Nẵng thì con trai của ông Nguyễn An Ninh (N.A.Ninh) tới mách rằng: “Chú Thâu bị giết vì chú ghé Quảng Ngãi muốn gặp tôi cho tôi nghe lời trăn trối của cha tôi. Chúng nó cấm nói ông Thâu bị giết; nếu nói thì phản tuyên truyền...”.

Một nhân chứng sống kể với ông Hồ Văn Đồng, nhà báo lão thành người gốc Quảng Ngãi, và ông viết lại trong tài liệu Phụ Đính cuốn “Hắc Thư Về Chủ Nghĩa Cộng Sản” rằng: “Khi vào tới Quảng Ngãi, Tạ Thu Thâu ghé thăm bà vợ của ông Nguyễn An Ninh. Bà này có một người con tên là Nguyễn An Mỹ, lúc đó còn nhỏ tuổi chẳng biết gì, mới đem khoe chuyện này với bè bạn, nên tin ông Thâu có mặt ở Quảng Ngãi bị phát giác. Và vì thế ông bị bắt”.

LỜI TRĂN TRỐI NƠI CÔN ĐẢO.

Nhân đây, tôi xin mở một dấu ngoặc để đề cập vài chi tiết về thân thế của ông Nguyễn An Ninh, có liên quan tới lời kể trên của hai ông N.L.Thành Nam và Hồ Văn Đồng.

Vào giữa thế kỷ 19, khi thực dân Pháp chiếm thành Gia Định thì các sĩ phu tại đó không chịu hợp tác với Pháp. Họ rút về Hóc Môn Bà Điểm, biến vùng 18 thôn vườn trầu thành một trung tâm văn hoá nho học và sau này, trở thành cơ sở cho các phong trào khởi nghĩa hoặc cách mạng chống Pháp. Trong số hậu duệ của những sĩ phu đáng kính đó có ông Nguyễn An Khương, một trong những người mượn việc dịch thuật các bộ truyện Tàu như Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Chinh Đông Chinh Tây... ra quốc ngữ để cổ động lòng trung quân ái quốc và duy trì lễ nghĩa cương thường của người Việt. Nguyễn An Ninh (1900-1943) là con của Nguyễn An Khương, sinh tại làng Mỹ Hoà, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Sau khi học hai năm tại Đại học Luật ở Hà Nội (1918-1920), ông sang Pháp, và chỉ một năm sau, 1921, ông tốt nghiệp cử nhân Luật. Ông vừa học, vừa đi khắp châu Âu để tìm hiểu về chính trị, đồng thời, ông tham gia hoạt động chống thực dân với Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành.

Năm 1923, N.A.Ninh về nước, xuất bản tờ báo La Cloche Fêlée (Tiếng Chuông Rè), đồng thời tiếp tay với văn hào Pháp André Malraux ra tờ báo L'Indochine (Đông dương) năm 1925. Trí thông minh, thái độ bất hợp tác với Pháp, lòng yêu nước và cùng lối đấu tranh dấn thân và bình dân của N.A.Ninh tạo thành luồng phấn khởi rộng lớn trong dân chúng và thanh niên trí thức Sàigòn thời đó. Ông cùng P.V.Hùm, một nhà cách mạng và là một học giả, lập Thanh Niên Cao Vọng Đảng. Chính đảng này là lò qui tụ các thanh niên trí thức và sau đó, nhiều người trở thành lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở nam bộ như Trần văn Trà, Nguyễn văn Trấn, Nguyễn Hộ... Ngôi nhà của N.A.Ninh tại Bà Điểm từng là nơi ẩn náu của nhiều thủ lãnh CS như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong...hoặc của các phái viên CS từ bắc vào nam hoạt động như Hà Huy Tập, Hoàng Quốc Việt... Trong đợt bị bắt đầu Thế chiến Hai, N.A.Ninh bị kết án 5 năm khổ sai và đưa đi Côn Lôn ngày 10.12.1940. Ông mất tại đảo ngày 14.8.1943, lúc mới 43 tuổi.

Ngày nay, đảng CSVN hết lời ca ngợi N.A.Ninh và sử dụng tên tuổi ông như một bằng chứng cho “chính nghĩa” của họ, nhưng trên thực tế, trong cuốn “Từ Khám Lớn Đến Côn Đảo” nhà văn An Khê kể lại theo lời một bạn tù của N.A.Ninh là Lê Tấn Thông thì: “... Ông Ninh ở tù bị bọn cộng sản cô lập, không cạo tóc cho, (chỉ cần ba nhát dao thôi, vì đầu nhúng nước cho ướt rồi, anh tù sở Chỉ Tồn đẩy ba nhát dao từ mí tóc trán cho đến sau ót như gọt vỏ bầu là đầu trọc nhẵn thín), không cho ai nói chuyện với ông, giúp đỡ ông một việc cỏn con nào. Ông Ninh bị thủng, phải nằm khám nhà thương. Chúng không cho thuốc, lại giả làm tù mới ở đất liền ra phao đồn vợ ông Ninh không còn phụng dưỡng cha ông nữa. Ông Ninh rất có hiếu với cha, nghe kể thế rất đau buồn. Chúng lại bảo bệnh ông muốn cho mau khỏi, nên ăn gan con vích sống hay uống máu vích thì chóng khỏi. Chúng đưa gan vích và máu vích cho ông, ông dùng xong thì mất. Bọn Cộng sản vỗ tay reo mừng: 'N.A.Ninh tham ăn mà chết!”. Bọn cộng sản quái ác nọ còn chôn sấp ông, úp mặt xuống đất…”.

Trong những đảng viên CS bị tù tại đảo Côn Lôn lúc đó có Lê Duẫn, Lê Đức Thọ, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh v.v...

Trước khi qua đời, N.A.Ninh có trối trăn gì đó, nhờ T.T.Thâu chuyển lại cho con trai của mình. Năm 1945, nhân chuyến từ Bắc trở về, T.T.Thâu ghé lại Quảng Ngãi để tìm thăm người con của N.A.Ninh và chuyển trao lời trăn trối. Chính vì lý do đó mà T.T.Thâu bị bắt và Cộng sản buộc con của N.A.Ninh không được tiết lộ việc ấy.

CUỘC THẢM SÁT BI TRÁNG

Cộng sản bắt được T.T.Thâu rồi thì, theo lời kể của bà Phương Lan trong cuốn “Nhà Cách Mạng Tạ Thu Thâu, 1906-1945”:

-“Ủy ban Nhân dân Cách mạng họp khẩn cấp để xử tội Thâu, do một người có tên là Tư Tỵ đứng lên buộc tội. Lẽ dĩ nhiên là trong việc xét xử đó, Thâu bị tuyên án tử hình và bị đem đi hành quyết gấp tại vùng rừng dương liễu bờ biển Mỹ Khê. Hai lần đem ra hành quyết, mỗi lần một trung đội dân quân, tay cầm mã tấu dài thườn thượt, sắc bén như ngọn gươm trường. Lần đầu tiên họ chém người lính kín, rất dễ dàng như chém một cây chuối. Một người cầm mã tấu, chém một nhát ngọt vào cổ, bay đầu liền, lăn lóc...Phiên chót đến T.T.Thâu, họ ngập ngừng sửng sờ như trời trồng cả đám, khi Thâu lớn tiếng bênh vực cho mình. Thâu la lớn hỏi gằng:

-“Thâu tội gì? Yêu nước, binh vực cho quyền lợi của dân là một tội phải không? Như vậy sau này các anh cũng phải đền tội như tôi, không sớm thì muộn vì đã giết oan người vô tội”.

Không một ai đành hạ thủ giết Thâu cả. Đến lần thứ hai cũng thế, bao nhiêu tội nhân khác, bị hành quyết một dao ngọt lịm, đến lượt Thâu, họ vẫn ngần ngừ, dừng tay đứng ngó Thâu. Có người mắt ven tròng rướm lệ là khác. Tức tối xử Thâu không được, họ thay nhóm dân quân khác, cũng một trung đội, lần này tên Tư Ty nhảy ra cầm đầu nhóm dân quân, tay Tư Ty ra lệnh chém Thâu, ba bốn lượt như thế. Ai mà nở giết người vô tội, khi biết rõ rằng người ấy vô tội, người ấy là một nhà đại ái quốc siêu nhân hơn người. Quá tức giận, Tư Ty sẵn cầm súng sáu trên tay, chính hắn ria đạn vào người Thâu như một con hổ khát mồi. Thâu ngã gục. Tư Ty truyền lệnh lấp cát lên thây Thâu. Nhưng nhiều người cảm kính người anh hùng cách mạng can trường Tạ Thu Thâu, nên họ lén đào lỗ chôn riêng một chỗ làm dấu để dễ nhớ sau này”.

Năm tử nạn, T.T.Thâu mới 39 tuổi. Cái chết của ông như một mở đầu cho chiến dịch CS sát hại các nhà cách mạng trí thức và tinh hoa trong nam, đặc biệt các chiến sĩ Đệ tứ mà trình độ trí thức và nhân cách so với đám Đệ tam ngoài bắc thì hơn hẳn một trời một vực. Ông P.V.Hùm bị VM bắt ngày 8.10.1945 và đem ra chôn sống ở vùng Lòng Sông, Bình Thuận cùng một lần với ông T.V.Thạch và 62 đồng chí khác. Ông Bùi Quang Chiêu bị bắt ở Chợ Đệm ngày 29.9.1945 và bị thủ tiêu di hài. Rồi còn các ông Hồ văn Ngà, Hồ Vĩnh Ký, Huỳnh văn Phương, Phan văn Chánh... Theo sự tiết lộ của Trần văn Giàu, kẻ khi ở Pháp từng thọ ơn của T.T.Thâu và sau làm mật thám cho Pháp rồi lên làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, lúc lánh nạn tại Bangkok sau khi Pháp tái chiếm Sàigòn đầu năm 1946 thì trong thời gian này, riêng tại Sàigòn, VM đã giết khoảng 2.500 nhân sĩ. Cũng chính T.V.Giàu là người chủ động trong việc sát hại nhân sĩ nam bộ và hai năm sau, nhúng tay vào việc hãm hại Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ.

NGƯỜI QUẢNG NGÃI NẰM XUỐNG

Quả thật, mùa Thu năm xưa 1945 ấy, cái mà Việt Minh CS gọi là “cách mạng” chưa “tiến ra sa trường” thì đã tắm đẫm máu các nhà hoạt đông đầy tâm huyết và người dân chất phác ở khắp nước, đặc biệt những người hiền lương và đạo hạnh ở Quảng Ngãi. Lúc ấy, trên tờ báo Tự Lực của VM ở Hà Nội đã có một bài viết về cuộc tàn sát ở Quảng Ngãi nhan đề là “Đầu rụng như sung”. Đầu của những người mà VM gọi là Việt gian, những nhân sĩ không theo CS, những tín hữu các tôn giáo v.v...

Trong Bạch Thư gởi cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, tổ chức Cao Đài Việt Nam ở hải ngoại kể rằng:

-“Trong suốt ba tuần lễ, kể từ ngày 19.8.1945, tại Quảng Ngãi có 2.791 chức sắc, chức việc và đạo hữu Cao Đài bị Cộng Sản sát hại bằng những cách thức khác nhau như chém đầu, chôn sống, thả biển và cả hình thức “cắt xẻo” thời Trung cổ. Trong đó có những vị chức sắc cao cấp như Đức Liễu Tâm Chơn Huỳnh Ngọc Trác, Giáo Sư Lê Đức, Giáo Sư Ngọc Thành Thanh, các giáo hữu Nguyễn Trân, Lê Đường, Lê Quang Viện, Nguyễn Sử, Nguyễn Kinh, Bùi Phụng, Nguyễn Tống, Trần Lương Hiếu v.v… Họ bị sát hại tập thể vì lẽ họ quyết không từ bỏ đức tin vào Thượng đế và quyền tự do tôn giáo. Lệnh sát hại họ tại Quảng Ngãi do chính Hồ Chí Minh ban ra cho Nguyễn Chánh và Phạm văn Đồng.

Một trường hợp tiêu biểu là ông Nguyễn Phúc Minh, một giáo sĩ Cao Đài. Ông Minh đi giảng đạo tại Quảng Ngãi, bị cộng sản bắt và chôn sống cùng với khoảng 100 người khác gồm có giáo sĩ Cao Đài và tín đồ tại Nghĩa Hành. Mồ chôn tập thể này đã gây kinh hoàng cho dân chúng. Các nạn nhân đều bị trói tay sau lưng và bị xếp hàng đứng trên miệng hầm; rồi chúng đạp nạn nhân xuống hầm và lấp đất. Khi đất được đổ xuống thì hàng trăm tiếng kêu than, vang động cả vùng trời Nghĩa Hành. Vụ chôn sống tập thể này sau nhiều tháng còn nhận thấy qua lớp đất nứt nẻ trên miệng hầm và mùi hôi thối của tử thi vẫn còn phảng phất chung quanh khu vực chôn người đó.

Cùng với các chức sắc và tín đồ Cao Đài là hàng loạt những người bất đồng chính kiến khác cũng bị giết tại Quảng Ngãi; các nhân sĩ chân chính quốc gia như các ông Cao văn Trung, Hồ Hóc, Hồ Nhân, Hồ Hồng... Đặc biệt dược sĩ Phan Quỳnh. Ông Quỳnh người Nghĩa Hành, bạn với ông Ngô Đình Diệm. Ông bị CS giết vì là một nhà tân học nổi tiếng ở Quảng Ngãi, làm chủ một hiệu thuốc tây lớn ở Quy Nhơn, theo đảng Tân Việt mà không chịu theo Việt Minh.

Tất cả nhà cửa, tài sản các loại của những nạn nhân kể trên đều bị CS chiếm đoạt. Hiện nay, vẫn còn nhiều chứng nhân Quảng Ngãi mục kích từng phần các vụ tàn sát nói trên, còn sống tại Việt Nam hoặc đang lưu vong rải rác khắp thế giới, và mỗi khi nhắc tới cuộc nổi dậy cướp chính quyền của Việt Minh, mọi người đều kinh hoàng khiếp sợ sự tàn bạo đó.

LÝ DO GIẾT NGƯỜI KHÔNG CHÚT GHÊ TAY ẤY.

Tại sao chỉ mới vài hôm sau “ngày 17.8 tổng khởi nghĩa mùa thu của toàn dân” mà CS đã thò nanh vuốt tàn độc ra? Có lẽ phải chờ tới ngày đảng CS không còn nắm quyền, các hồ sơ mật được giải tỏa, như ở Nga và châu Âu hiện nay, mới có thể làm tái hiện rõ nét quá khứ với từng trường hợp, trong từng chi tiết. Cũng có thể nay không còn các hồ sơ đó vì CSVN cố tình không lưu trữ, như họ đã tiêu hủy toàn bộ hồ sơ của Pháp viết về chính họ tại các nhà tù Côn Lôn, Lao Bảo, Sơn La, Hoả Lò...(luôn cả hồ sơ của VNCH sau này tại Côn đảo). Nhưng cho đến nay, người ta cũng hiểu rõ lý do khiến CS thẳng tay phát động phong trào sát hại, ám sát hoặc thủ tiêu khốc liệt và vội vàng đến như thế.

Thứ nhất, vì bản chất của đảng CSVN, dưới sự lãnh đạo của HCM và các đệ tử ông, là một tập đoàn bá đạo và lưu manh. Họ theo đường lối trấn áp của Lê-nin, phương pháp tàn độc của Staline và sau đó rập khuôn thêm những thủ đoạn hiếu sát của Mao Trạch Đông cộng với bản tính gian xảo của HCM. Noi gương hai đảng CS Nga và Trung hoa, họ là những đệ tử xuất sắc với các thành tích tội ác, khủng bố và giết chóc chống lại nhân loại. Vào thế kỷ 20 này, trong đấu tranh chính trị, hầu như chỉ có các đảng CS là khủng bố, ám sát và giết hại các đối thủ cùng những kẻ mà họ tình nghi có tiềm năng trở thành đối thủ lẫn những “đối thủ” mà họ ngụy tạo vì nhu cầu chính trị giai đoạn của họ. Ngay cả đảng quốc xã của Hitler và phát xít của Mussolini cũng chỉ mới đưa các đối thủ vào trại tập trung. Thậm chí, khi nắm được chính quyền, đảng CS lại càng kiên quyết giam cầm, đày ải những ai điều trần hoặc thỉnh nguyện họ về các vấn đề chính trị, kể cả những người từng là đảng viên. So với thời phong kiến, vua Tự Đức cũng không đối xử như thế với Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch...vì các bản điều trần, và các Toàn quyền Pháp cũng không bắt bớ Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học...vì các thư thỉnh nguyện. Trong đấu tranh chính trị đảng CS không ngần ngại chụp mũ, bắt cóc, ám sát đối thủ; khi tiến hành chiến tranh, họ không lưỡng lự giết dân lành, pháo kích vào đô thị, đặt bom xe đò xe lửa, ném lựu đạn vào hội chợ hoặc tàn sát từng loạt hàng ngàn người v.v...

Thứ hai, vì lực lượng của đảng CSVN năm 1945 quá ít người mà họ lại muốn độc quyền lãnh đạo. Họ lợi dụng thời cơ Nhật đầu hàng để cướp chính quyền trong khi thực tế, cái gọi là Mặt trận Việt Minh chỉ có khoảng 3.000 đảng viên CS trải rộng từ nam chí bắc. Họ thừa biết những khẩu hiệu đưa ra lúc đó chỉ là chiêu bài vận dụng theo thời vụ. Vận động người Kinh thì họ kêu gọi đấu tranh cho quốc gia dân tộc, hứa hẹn các sắc tộc Tây Bắc và các sắc tộc Tây Nguyên thì họ hứa sẽ để cho tự trị một khi nước nhà đã độc lập. Liên kết với các tổ chức chính trị tôn giáo thì họ bảo họ là một mặt trận yêu nước gồm nhiều lực lượng... Họ sợ rằng tới một ngày nào đó, quần chúng sẽ biết rõ bộ mặt thật mà chống lại họ nên họ phải cướp lấy cơ hội, tiêu diệt mọi tiềm năng chống đối trước khi chúng kịp bén rễ và lên cỏ, đồng thời “khủng bố trước” quần chúng, gieo rắc sợ hãi và tạo khí thế cho mình. Cũng có thể tự trong thâm tâm, CS biết rằng so sánh với những nhà hoạt động cách mạng khác hoặc các nhà lãnh đạo, tín tữu các tôn giáo... đảng viên CS chỉ là một đám người hạ lưu nên họ “tiên hạ thủ vi cường”.

Thứ ba, qua danh xưng Đảng Cộng sản Đông dương, giấc mộng của HCM và các đảng viên từ năm 1930, cũng như Trường Chinh, Lê Duẫn và Lê Đức Thọ sau này, là làm bá chủ toàn cõi Đông dương. Tự bản thân giấc mộng đó đi ngược lại nguyện vọng của những người Việt Nam chân chính vừa đấu tranh cho dân tộc mình vừa tôn trọng chủ quyền của các dân tộc khác. Chính vì tính chất và mưu đồ “quốc tế” của đảng CSVN nên mới đưa tới danh xưng “quốc gia” của những người VN chống Cộng, những kẻ chỉ muốn lấy quyền lợi của đất nước VN làm tối thượng cho cuộc đấu tranh giải thực và sau đó, buộc lòng phải chống HCM và đảng CS vì tự vệ và muốn bảo vệ tính thuần túy quốc gia dân tộc. Cũng chính vì “giấc mộng Đông dương” đó mà đảng CS chủ động gây ra cuộc chiến tranh VN 1954-1975, tàn hại dân tộc VN từ nam chí bắc và gây hệ lụy cho cả hai dân tộc Lào và Campuchia tới tận ngày nay.

Thứ tư, vì cho rằng hễ theo đúng đường lối của cộng sản là giải quyết được mọi vấn đề của con người trong các lãnh vực, kể cả tôn giáo, văn hoá, xã hội, giáo dục, phong tục... kèm theo đó là bản chất duy vật và độc tài, xem mạng người như cỏ rác, nên CS muốn họ bao trùm và chỉ huy tất cả. Xưa nay, xã hội loài người, nhất là các cộng đồng có tôn ti trật tự của người VN, hễ qui tụ nhau thành tổ chức đạo hoặc đời, từ trung ương tới địa phương, thì tự nhiên là có trên có dưới, có người cầm đầu do mình cử ra hoặc do cấp trên chỉ định. CS như quỉ dữ chực sẵn, muốn hết thảy những kẻ cầm đầu đó phải là người của họ hoặc phải răm rắp tuân lệnh họ. Ai họ không ưa hoặc trái ý họ thì họ tìm cách bắt bớ giết chóc. Hãm hại xong, họ thao túng thành các tổ chức thân CS hoặc “quốc doanh” để làm tay sai trực tiếp hoặc ngoại vi cho họ.

Đặc biệt, trường hợp T.T.Thâu và các đồng chí của ông trong phong trào Quốc tế Đệ tứ thì trước sau gì cũng không tránh khỏi bị tận diệt. Hồ Chí Minh, đệ tử trung kiên của Staline và là phái viên quốc tế của phong trào Quốc tế Đệ tam, đã viết: “Đối với bọn Tờ-rốt-kýt không thể có một thoả hiệp nhân nhượng nào. Phải dùng mọi cách lột mặt nạ bọn chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát-xít, phải tiêu diệt chúng... Bọn Tờ-rốt-kýt không chỉ là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản, mà còn là kẻ thù của dân chủ. Đó là bọn phản bội và mật thám tồi tệ nhất...”. Trong cuốn hồi ký của mình, linh mục Cao văn Luận, sau này là Viện trưởng Viện Đại học Huế có kể rằng năm 1946, khi HCM qua Paris ký Thỏa ước 14.9.1946, bị sinh viên VN chất vấn ráo riết về cái chết của T.T.Thâu thì HCM bực mình nói trắng ra rằng:

-“Tất cả những ai đi sai đường lối của tôi đều phải bị tiêu diệt”.

Đó cũng là câu nói trên môi của cán bộ CS từ trước tới nay: Ai không theo “cách mạng” tức là “phản cách mạng” - nghĩa là, chống lại tổ quốc, xứng đáng lãnh bản án tử hình!

Ngay từ đầu, với câu “trí phú địa hào đào tận gốc tróc tận rễ” thì Đảng CSVN đã nói rõ là họ không có ý định đoàn kết và phục vụ toàn thể dân tộc VN. Đặt câu hỏi “tại sao như thế” với CS thì đồng nghĩa với việc đòi hỏi một tập đoàn tội ác đang dương cao lá cờ đỏ, bàn tay chực vung mã tấu, ngón tay hờm sẵn trên cò súng và lòng đầy cuồng tín quá khích phải nêu ra “lý do chánh đáng” về hành động độc dữ của họ. Cũng như bảo vệ và tìm cách chứng minh “lòng yêu nước” của HCM và Đảng CS là vô tình biện hộ dùm cho những kẻ từng thề trung thành và lúc nào cũng công khai thừa nhận tổ quốc thật sự của họ là ”Thành đồng Mát-cơ-va”. Suốt đời mình, HCM chỉ biết có Mác-Lê-Xíttalin, thậm chí tới giờ sắp chết, ông không chút nào có ý muốn trở về với vua Hùng, ông bà tổ tiên đất nước mà viết rõ ràng trong di chúc là “mình sắp đi gặp cụ Mác cụ Lê”. Ngay trong tất cả các bài thơ ký tên HCM, kể cả Ngục Trung Nhật Ký mà hầu hết là đạo văn của một người Hoa ở bên Tàu, cũng không có một câu nào nhắc tới lòng yêu nước thương nòi. HCM và đảng CS đã dùng toàn bạc giả để mua bán xương máu của dân tộc, những kẻ đi theo họ lẫn những kẻ chống họ, thậm chí cả những người chưa từng biết tới họ. Tìm cách biện minh cho HCM và đảng CS rằng họ “hi sinh vì nước vì dân” thì chẳng khác gì mình tự nguyện tìm cách chứng minh rằng những kẻ chỉ biết xài bạc giả ấy đang dùng đồng tiền thật để mua bán mạng sống của chính mình!

Từ đầu chí cuối, cứu cánh độc nhất của HCM bá đạo và tập đoàn quỉ quyệt chỉ huy đảng CS là lợi dụng chiêu bài tổ quốc và dân tộc để mưu bá đồ vương, tranh quyền lãnh đạo, cướp chính quyền, tự phong cho mình là người đại diện và lãnh đạo nhân dân nhưng lại coi nhân dân như trâu ngựa đổ mồ hôi xương máu để phục vụ quyền lợi của tập đoàn mình, và bằng mọi giá, vừa cao giọng “kể lể công đức” vừa cố bám lấy quyền lực cho bản thân, dòng họ và con cháu của mình. [Cũng như hiện nay, không phải nhờ công trạng hoặc may mắn mà Nông Đức Mạnh, kẻ ở vùng sắc tộc Tày dân số chỉ 3.000 - mà theo qui chế thời đó, học sinh vùng cao, biên giới, hải đảo, chỉ cần học xong lớp bốn tiểu học là vào thẳng Trung học chuyên nghiệp - sau đó được đặc cách đi du học Liên Sô, cất nhắc làm Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên, Chủ tịch Quốc hội CS, rồi Tổng bí thư! Cũng không phải vì muốn điều hoà yếu tố Trung Nam Bắc mà Phan văn Khải là đứa con của Phan Đăng Lưu (người Nghệ An) sinh ở miền nam nay làm thủ tướng!] Đó là một thực tế đã được chứng minh từ hơn bảy chục năm qua, từ thuở Sô viết Nghệ Tỉnh 1930. Và vì “phục vụ tổ quốc” bằng cách làm đổ máu, vằm nát bất cứ chi thể nào của dân tộc mà họ qui chụp là phản động nên thực tế, họ chỉ là kẻ phanh thây tổ quốc, và ngày nay, họ hiện nguyên hình là những kẻ trục lợi và mua bán tài nguyên, sinh mạng, bờ cõi của quốc gia vì quyền lợi của bè đảng mình và làm tổ quốc dân tộc ra tật nguyền. Từ năm 1954 tới nay, họ thiết lập một chế độ còn hà khắc hơn chế độ của thực dân Pháp và họ bảo vệ lãnh thổ VN còn tồi tệ hơn giặc Pháp bảo vệ Đông dương. Khai thác tính cách chuyên chế và độc quyền của đảng cầm quyền, họ đang mua thời gian và tranh thủ cơ hội để hoá thân thành các tập đoàn khống chế kinh tế. Ngày nay, chính họ là vật chướng ngại, bè đảng phản động làm trì trệ đà tiến của dân tộc.

Ngay từ năm 1925, để tranh độc quyền lãnh đạo các lực lượng trong nước, Lý Thụy HCM bán đứng cụ Phan Bội Châu cho Pháp tại Quảng Châu lấy hai vạn quan kim. Thất bại vì dương cao ngọn cờ búa liềm quá khích và bạo động trong vụ Sô Viết Nghệ Tỉnh 1930, CS tìm cách phá hoại, xuyên tạc tâm huyết và thành quả lịch sử của VN Quốc Dân Đảng và các tổ chức khác của những người theo dân tộc chủ nghĩa. Tuy thế, năm 1945, Mặt trận Việt Minh lại đội lốt những người dân tộc chủ nghĩa để lừa bịp nhân dân trong nước và lường gạt cảm tình của quân Mỹ tại á đông vốn chống CS. Thực chất Mặt trận VM lúc ấy chỉ có một mình đảng CS và tới tháng 8.1945, thêm vào cái vỏ Đảng Dân Chủ của Vũ Đình Hoè và nhóm Thanh Nghị, gồm chừng một chục trí thức văn nghệ sĩ. Sau đó, vì biết rõ hầu hết trí thức VN chống đối và nhân dân VN dị ứng với chủ nghĩa cộng dản, đảng CS Đông dương phải ngụy trang, giả vờ tuyên bố giải tán, chuyển thành Hội Nghiên Cứu Mác Xít. Thực tế, HCMï lùa đảng viên của mình qua Đảng Dân Chủ, núp dưới bảng hiệu của đảng đó. Tới năm 1951 vững tin vào Mao Trạch Đông và nắm chắc quyền lãnh đạo kháng chiến, họ lại ra công khai, đem đảng viên CS về lại dưới danh xưng Đảng Lao Động.

Tháng 8, 1945 - mới bắt đầu cuộc “cách mạng mùa thu” và “kháng chiến” - CS đã tìm cách sát hại những kẻ có tiềm năng bất phục sự lãnh đạo của mình, đặc biệt những kẻ mà HCM bảo “đi sai đường lối” của ông, bất kể đó là người làm cách mạng, trí thức, văn nghệ sĩ, tín đồ tôn giáo hoặc người dân thường... Họ sợ rằng chỉ trong một thời gian ngắn, có nguy cơ những người ấy trở nên các thành phần quyết liệt đối kháng họ một khi đã biết rõ tâm địa giảo hoạt và bản chất vô tổ quốc vô tôn giáo của HCM và CSVN. Do đó, nổ ra các vụ thảm sát Nhóm Ly Khai Ô Cầu Giấy, Vụ Ôn Như Hầu, các đảng phái ở Hà Nội, các nhân sĩ trí thức Nam bộ, giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, các chức sắc và giáo dân các tôn giáo cùng các học giả, nhà văn nhà báo ở khắp nước...

TIẾP DIỄN TRONG THỜI KHÁNG CHIẾN

Tiếp tục chính sách đó, khắp nơi, Việt Minh CS vừa hô hào kháng chiến vừa tiếp tục săn đuổi các phần tử mà họ qui chụp là Việt gian. Tại Quảng Ngãi năm 1947, song song với việc sát hại các chiến sĩ quốc gia tham gia kháng chiến, VM giết hai ông Trần Cử (nhân sĩ) và Vũ Đình Yên (đội Khố Đỏ) khi hai ông này liên kết với linh mục Trịnh Hoài Ân ở nhà thờ Bầu Gốc Mộ Đức để lập Mặt trận Liên Tôn Chống Cộng. Từ năm 1949 tới năm 1954, các ủy ban kháng chiến CS bắt bớ, cầm tù và giết hại hàng trăm chức sắc, giáo sĩ tu sĩ Cao Đài và đảng viên các đảng phái quốc gia; đặc biệt trường hợp Giáo sĩ Nguyễn Đình Anh chết tại lao xá Nghĩa Hành Quảng Ngãi năm 1951. Làm sao kể xiết đau thương và chết chóc trong chín năm chống Pháp mà hầu hết lãnh thổ Quảng Ngãi là khu kháng chiến. Phải chờ tới năm 1955, sau khi cán bộ CS tập kết ra bắc thì Quân Đội Quốc Gia mới đến tiếp thu. Báo chí lúc ấy thường kể chuyện rằng, vừa thấy lính Quốc gia thì dân quê Quảng Ngãi liền ùa tới sờ tay vào súng đại bác và xe tăng xem có thật hay không, vì cán bộ CS thường tuyên truyền rằng vũ khí và xe pháo của lính Quốc gia làm bằng giấy các-tông. Hẳn chỉ nội sự tuyên truyền bịp bợm ấy cũng đã làm cho máu người Quảng Ngãi đổ ra không biết bao nhiêu mà kể trong tám năm giao tranh trước đó.

TỪ MÙA XUÂN VONG QUỐC

Kể từ tháng 3.1975, lại mở thêm một trang sử đẩm máu khác cho người dân Quảng Ngãi, nhất là dưới quyền của “sứ quân hung thần” Võ Chí Công, Bí thư Khu Năm Nam Ngãi Bình Phú. Cuộc trả thù và tàn sát “ngụy quân ngụy quyền và Việt gian” tại Khu Năm khốc liệt tới độ CS phải giả vờ tung tin rằng Võ Chí Công bị trung ương đảng triệu ra Hà Nội để khiển trách. Thực tế sau đó, Võ Chí Công được thăng lên làm Phó thủ tướng!

Riêng tại Quảng Ngãi, cộng sản phá hủy Linh Tháp của Giáo Hội Cao Đài xây lên từ năm 1956 tại huyện Tư Nghĩa, nằm dọc Quốc Lộ 1, cách thị xã Quảng Ngãi 4 cây số, khi họ vừa làm chủ được tình hình ở Quảng Ngãi. Linh Tháp này được dựng lên để kỷ niệm sự hy sinh vì đạo của gần 3.000 tín đồ Cao Đài năm 1945. Người ta cho rằng CS muốn thủ tiêu dấu vết của việc họ tàn sát tín đồ Cao Đài trước lịch sử dân tộc, nhưng chính hành động đập phá đó lại tố giác mạnh mẽ thêm tội ác 30 năm trước. Cũng theo một nhân chứng hiện sống ở California nói với ông Hồ Văn Đồng thì sau khi chiếm đoạt Miền Nam VN tháng 4 năm 1945, tại Quảng Ngãi, CSVN giết hơn 500 cán bộ Quân Dân Cán Chính và một số tu sĩ Phật giáo, mà nhiều nhứt là tại các thị xã Hành Thịnh, Hành Thiện, Hành Phước. Ở những chỗ đó, hơn 300 người bị chôn vùi trong một hầm sâu của đồi núi La Hai, thôn Hòa Vinh, xã Hành Phước. Bên cạnh đó, còn có một hệ thống các nhà tù và các trại cải tạo với những người chết vì kiệt sức, bệnh tật. Trong số các nạn nhân bị CS hành hình tại Khu Năm có Giáo sư Trần Ngọc Thành, một chức sắc Cao Đài và là đồng nghiệp dạy chung trường với kẻ viết bài này hơn ba mươi năm trước tại Đà Nẵng.

TÁM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI

Cho đến nay, cơn hồng thủy cộng sản tàn phá dân tộc kéo dài đã gần 80 năm. Tính từ năm 1925 với vụ bán đứng cụ Phan Bội Châu tới nay, dưới móng vuốt CS dân Việt chết hơn triệu người và chết trăm cách: chiến tranh, khủng tố, tù đày...Có lẽ Quảng Ngãi là nơi chịu tổn thất nặng nề nhất và thương tâm nhất. Ai ngờ điều đó lại xảy ra trầm trọng tại vùng đất mà người dân mộc mạc chân chất và cảm xúc đầy ắp trong chính âm điệu giọng nói của mình, lại còn kiên cường bất khuất vật lộn với thiên nhiên và luôn luôn mở lòng mình ra ganh đua sống với nhau cho hết tình trọn lý mới đành bụng.

Nhắc lại chuyện xưa, trong vô vàn chuyện do đảng CS gây ra, không phải nhằm mục đích khơi dậy hận thù. Cuộc sống hải ngoại hằng ngày đã quá nhiều lo toan tại chỗ và hằng đêm ray rứt nghĩ tới quê nhà, nơi đồng bào và thân nhân đang bị buộc phải vật vã bon chen kiếm sống trong một nhà tù khổng lồ treo đầy cờ đỏ. Tổn thất sinh mạng của cải, nhân tâm ly tán, phong hoá hư hoại, đạo lý suy đồi, xã hội dối trá, bệnh tật hoành hành, dân trí ngày càng thấp, mê tín đầy dẫy, kinh tế trì trệ, lãnh thổ bị cắt nhượng, thiên nhiên bị tàn phá, nhà tan người lưu lạc...Chính đảng CS là kẻ gây chiến trong cuộc chiến tranh Quốc Cộng vừa qua. Chính đảng CS là nhân tố của cuộc nội chiến âm thầm hiện nay giữa một bên là đảng và nhà nước, một bên là nhân dân chịu nhiều tầng áp bức. Văng vẳng đâu đây lời của cụ Nguyễn Trải gần sáu trăm năm trước:

-“Dối trời lừa người, kế gian đủ muôn nghìn khoé, Cậy binh gây hấn, ác chứa đã hai [tám] chục năm... Tát cạn nước biển Đông, không rửa sạch tanh hôi... Chặt hết trúc núi Nam, không ghi hết tội ác...”.

Chính CS là kẻ gây tội ác, gieo rắc mâu thuẩn và khai thác hận thù trong lòng dân tộc qua nhiều thế hệ, cho nên, nếu muốn hòa giải dân tộc thì chỉ có các đảng viên CS mới là đối tượng cần hoá giải; chính họ phải tự tay cởi mối dây thù hận oan nghiệt mà họ đã cột. Dù ngày nay, họ tỏ ra không còn tin vào chủ nghĩa Mác nhưng vẫn giữ nguyên cái tâm địa giảo hoạt Lê-nin-nít và Xít-ta-lin-nít cộâng vớiø Mao-ít và cái gọi là “tư tưởng HCM”, với lề lối tổ chức chặt chẽ đầy tính ác, bộ máy tuyên truyền dối trá và các phương pháp trấn áp hiểm độc của một tập đoàn CS tham tàn thâm căn cố đế. Và chỉ có thể hiệp nhất dân tộc, giải toả hận thù ngộ nhận bằng một chế độ tối thiểu có tự do tôn giáo và báo chí, tuân thủ pháp luật và bằng những nỗ lực phục hồi đạo lý.

Chúng ta, những nạn nhân của CS, có oán hận cũng là chuyện tự nhiên, nhưng cũng chỉ hận thù cái đảng vô lương bất nghĩa kia chứ không còn bụng dạ và phương tiện nào để trả oán những kẻ vô minh một thời lầm lạc trót làm công cụ cho nó hoặc cũng bị nó bùa mê thuốc lú tới độ làm u ám cái tính người vốn thiện. Chúng ta cũng không muốn con cháu của các đảng viên CS bị trả thù vì những hành động của cha ông họ. Hơn nữa, đối với những người có niềm tin tôn giáo và chân thành yêu nước thì trên đầu còn có trời đất, ông bà tổ tiên và trước mặt là tương lai đất nước nên không thể để cho tâm tư mình hôm nay nặng trĩu oán cừu và hậu duệ mai sau chìm đắm trong hận thù. Nhớ lại chuyện xưa là để cùng người nay ngồi bên nhau đồng cảm và thỉnh thoảng kể cho con cháu nghe một giai đoạn lịch sử đã trở thành nguồn cơn và nguyên cớ cho cuộc sống lưu vong nơi hải ngoại. Nhớ lại chuyện xưa cũng là dặn dò nhau muốn yêu nước thì phải thương nòi và phục vụ mọi thành phần dân tộc.

Thật ra, cũng không tránh khỏi xót xa ngậm ngùi mỗi khi ngẫm nghĩ: đảng CSVN, qua những vụ thanh trừng và hạ độc nhau, qua việc loại trừ người chung hàng ngũ của họ tại nam bộ, biến cố Mậu Thân và kinh nghiệm vắt bỏ MTGPMN, còn lùa các đồng chí của họ vào tử địa để chừa chỗ lãnh đạo cho Trung Ương Bắc Bộ Phủ, thì huống hồ gì những người hiền lương mà ngay từ đầu, nếu biết rõ tập đoàn ấyï quỉ quyệt và độc dữ đến thế thì đã không để cho họ tàn sát hoặc lợi dụng!

Nhớ lại, cũng là cơ hội thắp nén tâm hương tưởng niệm những người đã nằm xuống trên đất nước Việt Nam, đặc biệt tại Quảng Ngãi. Từ năm 1945, ngay lúc HCM vừa mới tự phong làm Chủ tịch nước và giả vờ hứa hẹn dẫn dắt toàn dân tới “độc lập tự do hạnh phúc” thì chính ông đã vội vàng ra lệnh cho thuộc hạ biến cả vạn đồng bào mình thành những hồn oan, đưa vào cõi mịt mùng, nhưng cũng chính HCM đâu ngờ rằng những anh linh ấy nhập vào hồn thiêng sông núi, trở thành mây của trời và hoa của đất, còn bản thân ông và đảng CS lại biến thành thiên cổ tội nhân của dân tộc.

NGUYỄN ƯỚC

Ghi chú: Bài này được viết phần lớn dựa theo trí nhớ những gì nghe biết và sách báo đã đọc lúc ở VN, đồng thời bổ sung bằng các sách tham khảo ghi dưới. Chúng tôi không tiện chú thích chi tiết vì có những tài liệu hiện khó sưu tầm ở hải ngoại, và thêm nữa, muốn người đọc dễ dàng theo dõi mạch văn:
- Án Tích Cộng Sản Việt Nam của Trần Gia Phụng
- Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam, Tóm Tắt, Nxb Sự Thật
- Tội Ác Cộng Sản Việt Nam (Phần Phụ Đính của Hồ Văn Đồng trong bản dịch cuốn Hắc Thư Về Chủ Nghĩa Cộng Sản hay Hồ Sơ Tội Ác Các Đảng Cộng Sản Trên Thế Giới”, do chính Hồ Văn Đồng dịch)
- Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam của Nguyễn Q.Thắng, Nguyễn Bá Thế
- Vietnam, A History của Stanley Karnow.

Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh