Lời giới thiệu:
Chúng tôi nhận được bài tùy bút sau đây của ông Nguyễn Hữu Thời (xem chi tiết tại đây) về Ngày Họp Mặt Liên Trường Trung Học Quảng-Ngãi Kỳ 3.
Xin giới thiệu với quý độc giả.
Ban Điều Hành.
- - - - - - - - -
CẢM TƯỞNG NGÀY HỌP MẶT LIÊN TRƯỜNG TRUNG HỌC QUẢNG NGÃI KỲ 3 TẠI ORLANDO, TIỂU BANG FLORIDA
Nguyễn Hữu Thời
Đây là lần thứ ba người viết hân hạnh được ban tổ chức mời đi dự ngày họp mặt liên trường Trung học Quảng Ngãi. Lần thứ nhất tại Little Sài gòn, thủ phủ của những người tỵ nạn Cộng sản Việt Nam ở Nam California ngày 27 tháng 5 năm 2007, lần thứ hai tại San Jose, bắc California ngày 29/30 tháng 8 năm 2009, và lần nầy tại Orlando, tiểu bang Florida, miền Đông Nam nước Mỹ ngày 7 tháng 8 năm 2010, cách California gần 3000 miles. Ngồi máy bay phản lực Boeing mất 5 giờ; còn lái xe phải gần ba ngày mới đến nơi.
Tiểu bang Florida có cái nóng nung người không khác gì mùa Hè ở quê hương Quảng Ngãi. Trời đang nắng bỗng có những cơn mưa rào kéo dài chừng hai mươi phút, nửa giờ giống như ở Sài Gòn. Nước chảy ào ào trên những con đường nhựa láng bóng, mưa dứt, nước rút ngay, nắng lên, đường khô trở lại; làm người viết nghĩ ngay đến Sài Gòn và Hà Nội bây giờ; mỗi lần có mưa là phải chèo thuyền trên lộ. Florida có nhiều hồ thiên nhiên; cây cối quanh hồ rậm rạp, đó là nơi lý tưởng cho qúi vị nào thích câu cá; nhưng phải rất thận trọng là cá sấu lẫn quất đâu đó quanh hồ. Thiên nhiên, khí hậu như vậy nên rất thích hợp cho những cây trái quê nhà nhất là nhãn lồng, chôm chôm, xoài, ổi xa lị… Người Việt ở đây trồng rất nhiều nhãn, và bỏ bán ở khắp các chợ Việ Nam, giá thật rẻ.
Orlando miền Trung tiểu bang có phi trường quốc tế lớn, có cơ quan NASA sát bờ biển và là thành phố du lịch. Tuy vậy, người Việt mình định cư ở đây không nhiều, họ ở rải rác từ Tallahassee, phía Bắc tiểu bang chạy dài xuống miền Nam Miami. Đặc biệt người Quảng Ngãi lại càng ít hơn nữa. Vì vậy, tổ chức được một cuộc họp Liên Trường ở đây; ban tổ chức đã bỏ ra nhiều thời giờ riêng tư của gia đình, thời giờ mưu sinh, thời giờ học hành, thể dục, thể thao, đó là chưa kể họ đã bỏ tiền túi ra góp nhau lại để có chút ngân quỹ đặt trước cho nhà hàng, mướn nơi tổ chức họp mặt, vẽ khẩu hiệu, tranh ảnh, cờ xí, và còn biết bao nhiêu việc không tên lỉnh kỉnh khác. Riêng tôi nghĩ, tổ chức một bữa họp mặt gia đình cũng đã là một vấn đề rồi, huống chi tổ chức một buổi họp mặt Liên Trường toàn tỉnh.
Tôi thật là ngưỡng mộ và nể vì những người trong ban tổ chức Liên trường hai lần trước, và lần nầy ở Orlando như các anh Nguyễn Thượng Cường, Nguyễn Dỏi, Võ Công, Trịnh Văn Thịnh, Đinh Văn Thuận, Nguyễn Thỉ, và các chị Kim Cúc, Hoa Vương, Thy Trâm, Phạm thị Vân, Trần Thị Hai v.v… Họ đã bỏ ra bao công sức tổ chức được một kỳ họp mặt thật hoành tráng, sôi nổi, vui vẻ, thân mật, và đã để lại cho những người tham dự một kỷ niệm đẹp, khó quên.
Tình người Quảng Ngãi ở đây thật là đậm đà, nồng ấm. Gặp người đồng hương quê nhà, dù không quen biết từ trước; nhưng nghe tiếng nói đậm tình quê hương nuí Ấn, sông Trà là mời về nhà thăm viếng, chuyện vãn, cơm nước. Nói ra thì các anh chị ở Ba La, Vạn Tượng, Phú Thọ, Thu Xà, Đức Phổ, Mộ Đức, chúng tôi dân Đồng Ké, Phước Lộc, Chợ Chùa, Sơn Tịnh, Châu Sa, Cổ Lũy, Châu Ổ, Tư Nghĩa, Cẩm Thành, Sông Vệ, núi Bút, La Hà v.v…Quanh đi, quẫn lại, thuở nhỏ không học Trần Quốc Tuấn, trường Nữ, thì học ở Chấn Hưng, công lập Bình Sơn, Đăng Khoa, Hùng Vương, Huỳnh Thúc Kháng, Kim Thông, Lê Văn Duyệt, Lữ Đình Sơn, Quảng Ngãi Nghĩa Thục, Tự Lực, Nguyễn Công Trứ v.v…Vì thế, tình đồng môn, đồng hương gặp nhau nơi xứ lạ quê người thấy thắm thiết như anh chị em ruột thịt.
Chúng tôi được anh chị Lê Minh Tuân mời về nhà đãi đằng cơm nước thịnh soạn. Chị Tuân (Katherine Le) là học sinh cũ của anh Cao Can. Đứng trước nhà anh chị Tuân, tôi ngập ngừng không dám bước vào, tưởng lộn vào công sở; vì cái nhà đồ sộ như một dinh thự to lớn. Trước nhà có hai con sư tử bằng đá to như hai con gấu mua từ Non Nước, Đà Nẵng giá 45 ngàn đô-la. Anh Nguyễn Thái Bửu (khóa 20 Võ Bị Đà Lạt, cựu học sinh Trần Quốc Tuấn) ân cần mời mọc và hướng dẫn chúng tôi về nhà anh thăm viếng. Anh chị đãi “crawfishs”, đặc sản địa phương, và các thức ăn khác. Ăn mệt nghỉ lại còn được gói đem về khách sạn. Thực khách hơn hai mươi người. Nhà rộng thênh thang. Anh chị lăng xăng bước qua, bước lại mời mọc, vui vẻ chuyện trò làm cho tôi cảm thấy tình đồng hương, đồng môn thật là thân thiết, qúi trọng. Chúng tôi có chụp nhiều hình lưu niệm. Những người con gái anh chị có nhà ở cạnh, các cô qua giúp cha mẹ tiếp đãi bạn bè.
Trong buổi lễ, anh MC Nguyễn Dỏi đã lần lượt giới thiệu 19 tiểu bang và Canada có các cựu học sinh về dự. Tiểu bang California, Connecticut, Delaware, Florida, Georgia, Illinois, Indiana, Louisiana, Maryland, Massachusetts, Minnesota, New Jersy, New York, Pennsylvania, Texas, Utah, Virginia, Washington DC., Washington và Canada. Tên tiểu bang vừa được nêu danh, các cựu học sinh đến từ tiểu bang ấy vội đứng lên chào mọi người, và tiếp liền là những tràng pháo tay vang lên cùng những đôi mắt đổ dồn mừng rỡ, trìu mến. Không khí thật là vui nhộn, đầm ấm, rộn ràng, thân mật. Tổng số học sinh và gia đình đến dự đêm hôm họp mặt là 262. Những khuôn mặt nổi bật nhất là các Thầy Cô, tuy tuổi đời đã lớn, và ở các tiểu bang xa cũng về tham dự như cô Lê Thị Đường người sáng lập ra ngày hội ngộ Liên trường Trung học Quảng ngãi, thầy cô Nguyễn Văn Phú, thầy cô Hoàng Đức Thạc, thầy Đỗ Tấn Thông, thầy Nguyễn Tấn Ninh, thầy Trần Hà Thanh, thầy Trương Anh, anh chị Cao Can Đỗ Thị Nghiên, ông bà phó tỉnh Trần Hồng, anh chị Trương Trọng. Đôi uyên ương nầy lúc nào cũng kề cận bên nhau, hai mái tóc bạc đều như hai cái bông vải vừa nở. Anh Trọng giới thiệu tác phẩm đầu tay anh vừa xuất bản tên: “Tùy Bút Viễn Phương” đứa con tinh thần anh rất trân qúy.
Các khuôn mặt nổi bật nêu trên là những nhà giáo đầy nhiệt huyết, nghiêm túc, tận tâm, tận tụy hướng dẫn học hành cho con em Quảng Ngãi trước năm 1975, học trò của họ đã thành danh, và đã giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền hay xã hội thời VNCH. Về phía cựu học sinh; có anh dược sĩ Phạm Châu Nam với nét hào hoa phong nhã khi xưa nay vẫn còn thấy rõ. Anh lên sân khấu hát, giọng ca không khác gì ca sĩ thời danh Tuấn Ngọc. Tuy tuổi đã gần “thất thập” nhưng người anh gọn gàng, dáng đi nhanh nhẹn, trẻ trung. Người viết thấy vóc dáng anh không thay đổi mấy khi còn là sinh viên trường Dược. Anh cho biết được như vậy là nhờ năng tập thể dục, ăn uống điều độ, và nhất là kiêng cử các thức ăn có nhiều mỡ, đường. Anh và bác sĩ Hoàng Duy Long cùng dược sĩ Hoa Vương (ban tổ chức) là những Mạnh Thường quân rất rộng rãi, đã đóng góp nhiều công sức và tiền bạc cho cuộc họp mặt liên trường. MC Nguyễn Dỏi với tài điều khiển chương trình thật là nhịp nhàng, gãy gọn, liên tục, không thua gì các MC chuyên nghiệp, không một phút dư, không một giây thiếu. Tiến sĩ Tạ Cự Hải với bài thuyết trình “Kinh Tế Hoa Kỳ Hôm Nay” được cử tọa vỗ tay nhiều lần. Anh chị Nguyễn Dỏi Thy Trâm (BTC) trình diễn màn múa kiếm thật là ngoạn mục và tuyệt vời! Khán gỉa rất là thích thú, nhiều tràng vỗ tay lien tục vang lên cả hội trường.
Dược sĩ Hoa Vương (BTC) thướt tha trong chiếc áo dài thiên thanh, hình ảnh người phụ nữ quê hương dân tộc Việt Nam, mở đầu câu chuyện là lời chào mừng Thầy Cô và các bạn hữu xa gần, tiếng nói vừa tha thiết, vừa vui mừng, vừa xúc động. Anh trưởng ban Nguyễn Thượng Cường, tuy không sinh ra tại Quảng Ngãi; nhưng suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, anh đã học và lớn lên ở Quảng Ngãi. Anh cùng anh Nguyễn Dỏi phó ban, và các vị nam nữ trong ban tổ chức đã điều hành buổi họp mặt Liên trường thật là hoành tráng, sôi nỗi, vui vẻ và thân mật. Điều đặc biệt là những món ăn hôm đó, nó đã phản ảnh quê hương Quảng Ngãi thân yêu: Món mít trộn xúc bánh tráng, vừa thơm ngon, vừa hấp dẫn, món “soup don” với bánh tráng dòn, đặc biệt quê nhà mới có; làm bồi hồi nhớ lại những gánh hàng don quê hương Quảng Ngãi; với những cô bán hàng tuổi vừa mới lớn; gánh đôi thúng có cái nồi don và chồng bánh tráng, những cái bát, muỗng v.v…, thoăn thoắt bước đi bán lòng vòng quanh thị xã và phố làng lân cận, tiếng rao hàng nhẹ nhàng, êm ái: “Ai Ăn Don Không?”. Món chim rô-ti, giả món chim mía quê hương làm tôi nhớ lại: những buổi chiều sau giờ tan học; cùng các bạn bè rủ nhau ra các quán bên đường ở đầu cầu Trà Khúc mua những xâu chim mía, vừa đi, vừa ăn, vừa chuyện trò, đùa dỡn.
Những món ăn hấp dẫn quê hương ấy làm thực khách quên đi những món ăn nhà hàng mang đến; nên thức ăn dư thừa rất nhiều. Các bạn phái nữ trong ban tổ chức như các cô Kim Cúc, Thy Trâm, Hoa Vương, Phạm Thị Vân, Trần Thị Hai v.v… bước nhanh qua các bàn ăn chào mời, thăm hỏi, và phân phát những cái bánh tráng nướng dòn đặc sản Quảng Ngãi gởi qua. Nét mặt họ tươi vui, thân thiện. Họ đã là những bà mẹ hiền, người vợ đảm, người dâu thảo, bà ngoại, bà nội tốt; nhưng dáng dấp của họ, cách cư xử của họ làm tôi cứ ngỡ rằng họ còn là những học sinh thuở nào ở quê hương Quảng Ngãi năm xưa: vui vẻ, nhí nhảnh, cởi mở, nồng ấm, thân thiện, chất phác, chân thật, không khách sáo, kênh kiệu, hòa mình vào tất cả mọi người.
Trước khi chấm dứt buổi họp mặt, ban tổ chức có một chương trình dạ vũ thật là đặc sắc với những bài hát tình cảm quê hương do những ca sĩ “Cây nhà lá vườn” trình bày. Buổi họp mặt thành công mỹ mãn, và đã để lại cho chúng tôi những người từ xa về dự một sự cảm mến, nể vì, một kỷ niệm đẹp khó quên.
Ngày hôm sau, ban tổ chức còn có chương trình đi biển, nước biển Đại Tây Dương ở đây không xanh trong như nước biển Mỹ khê, Quảng Ngãi nhưng cá thật nhiều, khi tôi bơi ra xa bờ một chút, cá thường đụng vào chân. Trên bãi biển ban tổ chức bày ra nướng BBQ, ca hát, chụp hình. Anh chị Nguyễn Dỏi (ban tổ chức) còn biểu diễn những thế Việt Võ Đạo, họ có những cú đá tuyệt vời. Nghe nói anh chị Nguyễn Dỏi đã có đai xanh VVĐ.
Ngày vui chóng tàn. Sự chia tay rồi phải đến. Tôi có bốn ngày vui trọn vẹn và bổ ích ở Orlando.
Nhân đây, người viết có một suy nghĩ muốn thưa với các bạn đồng nghiệp và qúi vị cựu học sinh Liên trường Trung học Quảng Ngãi hiện ở ngoại quốc. Như chúng ta đã biết, nơi quê hương Quảng Ngãi hiện còn nhiều Thầy Cô và cựu học sinh, nay tuổi đã lớn, cô đơn, bịnh tật. Có một số Thầy Cô và cựu học sinh không may mắn có được con cháu nào ở ngoại quốc; nên không có được sự giúp đỡ nào. Đời sống họ ở quê nhà thật là thiếu thốn, cơ cực. Cơm không đủ ăn, đau không thuốc uống. Sống lẻ loi, bệnh tật vất vưởng ngoài lề xã hội.
Có vài cựu học sinh ở đây như các cô Ái Tuyết, Phan Thị Lựu rất có thiện chí, tinh thần xã hội, năng động, các cô đã bỏ tiền túi ra, và kêu gọi một số bạn thân góp phần giúp đỡ; nhưng không đủ sức để giúp được hết mọi người. Vì vậy, tôi trân trọng thỉnh cầu ban Điều Hành Tổ Chức Liên Trường trong tương lai, tổ chức ngày gây quỹ như bữa cơm gây quỹ hay ca nhạc, các ca nhạc sĩ quê nhà và ca sĩ bạn bè tình nguyện góp vui, không lấy thù lao để chúng ta có một ngân quỹ dồi dào gởi về giúp các Thầy Cô và cựu học sinh đang gặp khó khăn tài chánh ở quê hương Quảng Ngãi.
Được như vậy thật là qúi hóa vô cùng, và sự họp mặt Liên Trường hàng năm của chúng ta có thêm phần ý nghĩa.
Nguyễn Hữu Thời.
Mời xem các sáng tác của tác giả bài viết này tại đây
Trở về Website núi Ấn sông Trà