HIỆN TƯỢNG CHỐNG MỸ
Trần Hữu Thục
* * *
Giới thiệu tác giả:
* Sinh tại Huế. Cựu sĩ quan QLVNCH. Hiện định cư tại Worcester, Massachusetts, Hoa Kỳ
* Tác phẩm xuất bản:
- Vết Sướt Đầu Đời (tập truyện, Thanh Văn 1995),
- Căn Phòng Thao Thức (tập truyện, Thanh Văn 1997),
- Viết và Đọc (tiểu luận văn học, Văn Học 1999)
- - - - - - -
Nhà văn Ý Ignazio Silone có lần viết: “Nước Mỹ ở khắp mọi nơi”.
Có lẽ đúng thế! Hầu như không có nơi nào trên thế giới mà thiếu dấu vết Mỹ: đó có thể là các tòa đại sứ nguy nga, là những căn cứ quân sự to lớn cùng với bom đạn, máy bay, xe cộ dềnh dàng, cũng có thể là những sách báo, phim ảnh, xe hơi, áo quần đầy ấn tượng, là vô số các thứ lỉnh kỉnh khác như giày dép, hộp quẹt, kẹo bánh, giấy bút, đồ chơi,… và cả… tiếng Mỹ. Chúng mang lại những gì rất mới, rất tiện lợi, rất văn minh đồng thời với những gì rất đáng ngại: tạp chí Playboy, phim pornography, đồng đô la và đôi khi… cả chiến tranh. Thế cho nên trong cả thế kỷ qua, Mỹ là một giải pháp mà đồng thời cũng là vấn đề của thế giới. Sự thành công hay thất bại và những sai lầm của nó, cách này hay cách khác, đều có một ảnh hưởng đáng kể trên tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của cả hành tinh. Tuy thế, bàn đến nó không phải là điều đơn giản như bàn về một nước nào đó, Trung Quốc hay Pháp, chẳng hạn. Mỹ là một cái gì khác hơn, đa dạng hơn và phức tạp hơn một đất nước bình thường khác.
Với mọi người trên thế giới, Mỹ mang tính nhị nguyên. Nói đến Mỹ là nói đến sự hùng mạnh, giàu có, năng động và tự do đồng thời cũng là nói đến bạo động, bá quyền, bất bình đẳng và phân biệt chủng tộc. Mỹ vừa là kẻ gây lắm rắc rối mà cũng là người cứu chuộc. Tòa Đại sứ Mỹ ở một nước Phi châu nào đó vừa là mục tiêu hàng đầu mà những tổ chức khủng bố nhắm đến để phá sập nhưng đồng thời cũng vừa là nơi mà những người dân nước đó cố tìm vào bằng mọi giá để được cấp chiếu khán đến Mỹ, biến giấc mộng vàng mà họ khát khao thành sự thật. Mỹ là kẻ thù mà Cộng Sản Việt Nam (CSVN) tìm mọi cách để thắng, bây giờ lại mở rộng vòng tay mời kẻ thù trở lại và đưa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cán bộ đến Mỹ thăm viếng, học tập: Trung tâm William Joiner (Boston) đón tiếp cả hàng trăm nhà văn nhà thơ từ Việt Nam sang nghiên cứu, hội thảo về chiến tranh từ sau 1975. Chưa bao giờ Mỹ và CSVN lại thân thiện như hiện nay.
Khi Mỹ là giải pháp thì OK: viện trợ, tham quan (như chuyến viếng thăm của thủ tướng CSVN Phan Văn Khải năm 2005 vừa rồi). Khi là vấn đề, thì: chống Mỹ. Và xu thế chống Mỹ cũng ở khắp mọi nơi. Không chỉ ở thế giới Hồi giáo, ở các nước Châu Mỹ Latinh, các nước Phi châu hay ở Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Bắc Hàn mà ở cả những đồng minh thân thiết nhất của Mỹ là các nước Tây Âu. Và lạ lùng hơn là… ngay cả trong nước Mỹ. Mỹ đã là một vấn đề, vẫn còn là vấn đề và càng là vấn đề, nhất là sau biến cố 11/9.
Biến cố đó, thật trớ trêu, không giảm bớt cường độ chống Mỹ chút nào mà trái lại, còn chuyển biến nó thành một hình thức kỳ dị, đôi khi có tính cách bệnh hoạn. Ở một số nơi trên thế giới, nhiều người dân không những tỏ ra mừng rỡ trước biến cố 11/9 mà còn thống trách nạn nhân (tức là Mỹ) hơn là trách những kẻ khủng bố. Nhất là sau khi Mỹ tấn công Afghanistan và Iraq trong một nỗ lực toàn cầu chống khủng bố theo một cung cách rất… Mỹ. Các thăm dò dư luận quốc tế về thái độ của thế giới đối với Mỹ do Pew Research Center [1] tiến hành cho thấy uy tín của quốc gia Hoa Kỳ trụt giảm một cách thê thảm trên toàn thế giới. Xu thế chống Mỹ gia tăng, nhất là tại các nước Hồi giáo và Âu châu. Theo thăm dò năm 2002, ở 34 trong số 43 nước, phần lớn dân chúng không muốn xứ sở của họ chịu ảnh hưởng của Mỹ. Thăm dò tháng 3/2005 cho thấy, đại đa số người dân ở các nước Đức, Ý và Anh xem Mỹ là xứ sở phân biệt chủng tộc, bạo động và ưa thống trị. Tỷ lệ của những người có cảm tình với Mỹ chỉ 48% ở Anh, 31% ở Pháp và 14% ở Tây Ban Nha.
Nhiều người Trung Quốc tin rằng chính Mỹ là thủ phạm gây ra bệnh dịch SARS [2] ở Trung Quốc năm 2003; các lãnh tụ Hồi giáo tại Nigeria không cho chích ngừa thuộc chủng chống sốt tê liệt cho trẻ em vì sợ rằng đó là âm mưu của Mỹ gây ra bệnh AIDS ở Phi châu, nhằm vào dân cư theo đạo Hồi. Thậm chí, Anh là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ trong cuộc chiến tranh Iraq thế nhưng đa số người dân ở đó, qua các cuộc thăm dò dư luận, xem Mỹ là đe dọa lớn nhất cho hòa bình thế giới không thua gì Iran và Bắc Hàn. Một vài cuốn sách xuất bản ở Pháp và Đức cho rằng biến cố 11/9 là một âm mưu của Mỹ do cơ quan tình báo Mỹ phối hợp cùng các tổ hợp kỹ nghệ-quân sự thực hiện nhằm kiếm cớ để gây chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Điển hình là tác phẩm September 11, A Big Lie, (được bày bán tại Mỹ từ cuối tháng 8/2002) dịch từ nguyên tác Pháp văn L'Effroyable Imposture (Sự dối trá đáng sợ) của một tác giả thuộc tả phái có tên là Thierry Meyssan, cựu lãnh tụ của đảng Xã hội cấp tiến Pháp. Là một nhà lý thuyết về âm mưu (conspiracy theorist), ông cho rằng thảm kịch 11/9 chỉ là một sự lừa dối vĩ đại của chính phủ Mỹ. Theo tác giả này, nhân dân thế giới cũng như nhân dân Mỹ hoàn toàn bị tung hỏa mù, tưởng rằng đó là sản phẩm của một vụ khủng bố quốc tế.
Cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 6/2005 của Pew Charitable Trusts [3] cho thấy dân chúng tại nhiều nước vẫn có ấn tượng tiêu cực về Hoa Kỳ mặc dù Tổng Thống Bush cố gắng trình bày một hình ảnh khác đi. Bản phúc trình thường niên của Pew Charitable Trusts nhấn mạnh một điểm là tại nhiều nước Âu châu, vốn là đồng minh lâu năm của người Mỹ, Hoa Kỳ không được cảm tình bằng Trung Quốc. Ngay tại Anh, đồng minh số một của Hoa Kỳ, gần 2/3 người được hỏi cũng nói họ có cảm tình với Trung Quốc hơn. Giám đốc của Pew Charitable Trusts nhận xét rằng ác cảm đối với Hoa Kỳ dường như xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới và khó lòng thay đổi được điều đó [4]. Bản phúc trình thường niên năm 2006 - cũng của cơ quan thăm dò này công bố vào giữa tháng 6/2006 - cho thấy hình ảnh của Hoa Kỳ trên thế giới chẳng những không cải tiến hơn chút nào mà còn có dấu hiệu tệ hơn [5].
Đa số cho rằng chính quyền Bush và chính sách chống khủng bố, đặc biệt là vụ xâm chiếm Iraq, là nguyên nhân chính gây ra tình hình này.
Không hẳn như thế. Theo nhận định của những nhà chuyên môn, đó chỉ là một phần sự thật. Tổng thống Bush rõ ràng làm bùng nổ hiện tượng chống Mỹ, nhưng hiện tượng đó lớn hơn nhiều so với cá nhân của một tổng thống hay là của một chính sách. Trong quá khứ, rất nhiều lần, một số chính sách giai đoạn nào đó của Mỹ cũng gây ra nhiều phản ứng giận dữ trên toàn thế giới, như chiến tranh Việt Nam chẳng hạn. Sau đó, khi mọi chuyện qua đi thì thứ tình cảm đó lắng xuống nhưng không hề biến mất. Sư sai lầm của một chính quyền hay một chính sách chỉ làm nổi bật lên thứ tâm lý chống Mỹ tiềm tàng, tồn tại từ lâu, rất lâu, ngay từ khi nước Mỹ mới được thành lập. Chưa có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy là hiện tượng đó sẽ chấm dứt trong một thời gian có thể nhìn thấy trước, cho dù bản thân chính quyền Bush hay các chính quyền kế tiếp tìm cách sửa chữa lại những sai lầm của mình.
Hiện tượng chống Mỹ (HTCM) [6] tạm dịch từ chữ anti-Americanism. Thực ra, từ này có thể hiểu theo nhiều cách, tùy trường hợp: tình cảm chống Mỹ (anti-American sentiment) hay thái độ chống Mỹ hay phong trào chống Mỹ. Cũng có thể hiểu là chủ nghĩa chống Mỹ. Xét về nhiều mặt, HTCM có vẻ như là một xu hướng hơn là một hệ thống gồm những niềm tin và phán đoán chặt chẽ nào đó. Nó là một nhãn hiệu chứa đựng ít ra là ba nội dung khác nhau:
- chống lại các chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ;
- chống lại bất cứ cái gì mang tính cách Mỹ, từ cách sống, các hình tượng, vật dụng, sản phẩm và người dân của nó;
- chống lại “Hiện tượng Mỹ” (Americanism) [7], bài bác cái gọi là “Tín điều Mỹ” (American Creed). Trong một số trường hợp, HTCM được một số nhà trí thức Âu châu hệ thống hóa lại trong một số ý niệm căn bản đưa đến một cái gì từa tựa như một lý thuyết, một “chủ nghĩa” (sẽ được trình bày ở phần sau).
Anti-Americanism có trước khi thuật ngữ chỉ nội dung của nó xuất hiện. Tuy nhiên, người ta không biết cụm từ này ra đời từ thời điểm nào. Từ Americanism xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ 19, được dùng trong và ngoài nước Mỹ khá lâu trước từ anti-Americanism và chắc chắn là lâu hơn nhiều so với cách dùng hiện nay của chúng ta. Nhưng vì có tiếp vĩ ngữ “ism”, người ta đoán rằng từ anti-Americanism ra đời vào cỡ những năm thập niên 1920 và 1930, là thời của sự phát triển các lý thuyết gọi là ý thức hệ.
I. Lịch sử của Hiện tượng chống Mỹ
HTCM xét như là một xu hướng văn hóa và chính trị có thể được xác định bởi lịch sử của nó hay bởi sự nghiên cứu diễn tiến tất cả những hình thức phổ biến nhất có tính cách thù nghịch với quốc gia, dân tộc, với nền văn minh và với những hành động trên thế giới của Mỹ trong tất cả các biểu hiện của nó. Các nhà nghiên cứu chia HTCM ra làm năm giai đoạn [8] .
* Giai đoạn sơ khai - từ trước khi nước Mỹ được thành lập (1776). Người ta lập luận rằng vùng đất mới là vùng đất suy đồi, hình thành nên một lý thuyết gọi là lý thuyết suy đồi, cho rằng vùng đất dó sẽ không thể là nơi sống còn được.
* Giai đoạn từ ngày lập quốc (1776) cho đến Nội chiến Mỹ (Civil War) - (1861-1865). Khi nước Mỹ đã trở thành một thực tế và đang càng ngày càng phát triển thì người ta cho rằng Mỹ là một phòng thí nghiệm chế độ dân chủ. Nhưng đây là một xứ sở không vua, không truyền thống, không tôn giáo chính thức, nghĩa là vô căn (rootless), nên dân chủ sẽ thất bại. Immanuel Kant (1724-1804) cho rằng Mỹ là một thứ chủng tộc hạ cấp (sub-race), bán thoái hóa (half-derenerate), vô văn hóa và giả tạo. Samuel Johnson (1709-1784), nhà soạn tự điển vĩ đại của Anh, cho rằng người Mỹ là những người yêu tự do một cách giả dối, đạo đức giả, những kẻ ăn cắp, bách hại thổ dân và người da đen. “Tôi yêu cả nhân loại, chỉ trừ người Mỹ”, Johnson khẳng định [9] .
* Giai đoạn từ sau Nội chiến Mỹ đến cuối Thế chiến II (1945). Nước Mỹ trở nên hùng mạnh thật sự, nhất là sau khi giành thắng lợi vang dội trong chuộc chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha (1898) rồi tiếp đó là vai trò hàng đầu trong hai cuộc Thế chiến, Mỹ trở thành nhân tố của chiến thắng và tái lập hòa bình quốc tế. Cùng với sức mạnh quân sự, ta thấy kỹ nghệ truyền thông, ngành giải trí và chính sách ngoại giao Mỹ bắt đầu ảnh hưởng mạnh mẽ ở Âu châu. Đối với tầng lớp ưu tú Âu châu, Mỹ được xem như là một xã hội mới giàu lên, đầy đầu óc cá nhân chủ nghĩa và có xu hướng biệt lập, chẳng có ích lợi gì cho thế giới về văn hóa và tri thức. Nhà văn Pháp Henry Montherlant (1895-1972), qua miệng một nhân vật tiểu thuyết, cho rằng Mỹ là:
- “Một quốc gia tìm cách hạ thấp trí tuệ, luân lý, phẩm tính con người hầu như trên tất cả bề mặt địa cầu, một điều như thế không bao giờ có trước đây trên hành tinh. Tôi tố cáo Mỹ vì đó là một nhà nước tội phạm chống lại nhân loại” [10]. Sigmund Freud, cha đẻ của học thuyết phân tâm, cho rằng:
“Mỹ là một lỗi lầm, một lỗi lầm khổng lồ” [11].
Rõ ràng là sự kiêu ngạo, khinh miệt của Âu châu mất dần, nhưng tinh thần chống Mỹ lại lan rộng, tăng cao và đầy cay đắng. Người Châu Âu bắt đầu nhìn Mỹ với một thái độ ganh tỵ về sự thành công và giàu có của nó đi đôi với cảm giác bất lực, về cả ngoại giao lẫn thương mại. Nhất là khi Mỹ thi hành “chủ nghĩa Monroe” (Châu Mỹ chỉ dành cho người châu Mỹ), cấm không cho bất cứ quốc gia nào đụng đến Tân Thế Giới. Thời kỳ giữa hai cuộc Thế chiến, các sản phẩm và lối sống Mỹ liên tục tràn ngập Âu châu với một hiệu quả phi thường. Thập niên 1930 chứng kiến một Âu châu vùng vẫy cố thoát ra khỏi sự chi phối về mọi mặt của lối sống Mỹ. Sách, báo, tạp chí đủ loại đủ kiểu liên tục tung ra các bài viết phê phán, chỉ trích, chê bai Mỹ không tiếc lời, từ những bài nghiên cứu hàn lâm rất công phu với nhiều dữ kiện đầy tính cách thuyết phục cho đến đủ loại suy luận ấu trĩ lẫn vào với những thông tin vô căn cứ. Mục đích là tìm cách đánh tan ảnh hưởng của Mỹ trong xã hội Âu châu.
- Từ sau Đệ nhị Thế chiến đến khi chấm dứt Chiến tranh lạnh: chỉ trừ khối cộng sản, Mỹ chinh phục toàn thế giới hầu như trên tất cả mọi phương diện: chính trị, kinh tế, quân sự, nếp sống. Lần này, HTCM được tăng cường thêm một yếu tố mới: chính sách ngoại giao của Mỹ được hình thành trên đồng đô la và áp lực hiện đại hóa. Một sự sợ hãi toàn diện về bá quyền Mỹ bắt đầu ám ảnh Âu châu trong suốt thập niên đầu tiên thời hậu chiến. Dẫu vậy, do nhu cầu chống lại khối cộng sản, HTCM tạm thời lắng xuống. Hơn nữa, ảnh hưởng Mỹ lại được tiếp sức bởi thế hệ nổi loạn của Âu châu vào hai thập niên 50 và 60. Trong lúc thách thức với các định chế lỗi thời, đột nhiên thế hệ tuổi trẻ này tìm ở văn hóa Mỹ một cảm hứng mới, khiến cho HTCM vốn là cái gì đáng trân trọng, bỗng trở nên khôi hài, lạc điệu.
Tuy nhiên, khi cuộc chiến Việt Nam trở thành điểm nóng toàn cầu, các chính phủ liên tiếp của Mỹ bộc lộ nhiều sai lầm trầm trọng, tinh thần chống Mỹ lại được hun đúc bằng nhiều yếu tố xuất phát từ thực tiễn. HTCM tìm thấy lại giá trị thuyết phục của mình do chính hiện thực Mỹ cung cấp: một nước Mỹ phơi bày đủ nét thô lỗ, kiêu ngạo, chia rẽ trầm trọng và cũng nếm mùi thất bại như bất cứ nước nào khác (trong cuộc chiến tranh Việt Nam).
- Từ sau Chiến tranh lạnh: Liên Xô và khối cộng sản sụp đổ, Mỹ trở thành siêu cường độc nhất. Không còn sự đe dọa của chủ nghĩa cộng sản, Mỹ đột nhiên mất đi lợi thế của một kẻ bảo vệ. Và điều trớ trêu xảy ra: HTCM có cơ hội phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, tình hình chống Mỹ không như trước. Người ta không còn kịch liệt bài xích tất cả những gì dính dáng đến Mỹ, những gì Mỹ đại diện hay hành xử nữa mà thay vào đó là cuộc tranh đấu chống lại một số mệnh không tránh được giữa sự hội tụ (convergence) và đồng hóa (hemogenization) theo mẫu của Mỹ, để duy trì ít nhất một cảm giác bình đẳng trong một tình hình luôn luôn mất cân bằng. Không có một nước Âu châu nào cảm thấy mình có thể sánh được với Mỹ: sự bành trướng không ngưng nghỉ của điện ảnh Holywood, của khoa học không gian, của vệ tinh truyền hình, của máy điện toán và vũ khí. Có một cảm giác hoàn toàn bất lực khi đối phó với khả năng tổng hợp đa dạng, chồng chất của Mỹ trong bất cứ lãnh vực nào. Tính cách sáng tạo và ứng biến của nó là không lường được. Một ví dụ điển hình là sự xuất hiện vừa thực vừa hư của hệ thống truyền hình CNN siêu quốc gia 24/24 giờ vào đầu thập niên 1980 cùng lúc với sự bành trướng quân sự của Mỹ mà đỉnh cao là chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 hay sự phát triển thần kỳ của mạng lưới điện toán toàn cầu trong thập niên vừa qua.
Xu thế chống Mỹ ghi được một thắng lợi lớn (tuy không toàn vẹn) khi Mỹ đơn phương quyết định tấn công Iraq: Pháp, Đức và một số nước khác kiên trì, không khuất phục trước các áp lực của Mỹ khiến cho Mỹ gặp phải rất nhiều lao đao về ngoại giao cho đến hiện nay. Max Gallo của tờ Le Point phấn khởi viết: “Người Mỹ, được thúc đẩy bởi sự kiêu ngạo và sức mạnh quân sự của họ, hình như đã quên rằng không phải mọi sự đều được giải quyết bằng sức mạnh của vũ khí. Dân tộc nào cũng có một lịch sử, một tôn giáo, một xứ sở” [12].
II. Hiện tượng chống Mỹ ở các nước Ả Rập
Xu thế chống Mỹ ở các nước Ả rập là một hiện tượng tương đối mới, xuất phát từ nhiều yếu tố khá phức tạp, đan xen nhau nên rất khó tìm ra một nguyên nhân chính xác. Đại thể, ta có thể quy vào hai điều: một là, các chính sách của Mỹ đối với nước Hồi giáo; hai là, sự khác biệt giữa Hồi giáo và Thiên chúa giáo nói chung.
Về điểm thứ nhất, HTCM xuất phát từ chính sách của Mỹ đối với các nước Ả Rập:
- Mỹ ủng hộ Israel trong cuộc tranh chấp giữa Israel với Palestine và các nước Ả Rập. Trong suốt hơn 50 năm qua, Mỹ đứng trên cùng lập trường với Israel trong hầu hết các cuộc đụng độ, hoàn toàn trái ngược với quan điểm của các nước Ả Rập. Mỹ không bao giờ thẳng thắn lên án Israel ngay cả những lúc Israel hoàn toàn sai trái. Mỹ không bao giờ yêu cầu Israel rút quân ra khỏi các vùng đất chiếm đóng của Ả Rập. Tại Liên Hiệp Quốc, Mỹ luôn luôn phủ quyết bất cứ nghị quyết nào bất lợi cho Israel. Mặt khác, Mỹ viện trợ hết sức dồi dào cho Israel cả về kinh tế lẫn quân sự. Không có sự viện trợ lớn lao và liên tục này, Israel không bao giờ thắng được các nước Ả Rập. Điều đó cho thấy chính sách của Mỹ là thiên vị, phân biệt chủng tộc.
- Mỹ áp dụng một chính sách hàng hai đối với các nước Ả Rập. Trong lúc Mỹ ủng hộ hết mình một số các nước và đặt căn cứ quân sự tại đó như Saudi Arabia, Qatar, Bahrain, Ai Cập, Jordan, Morocco thì Mỹ lại thù nghịch với một số nước Ả Rập khác như Syria, Lybia, Iraq, Iran, đưa đến các cuộc không kích, cấm vận, xâm lăng. Việc thiết lập các căn cứ quân sự, sự hỗ trợ một số chính phủ Ả Rập thân Mỹ cũng như cuộc xâm lăng mới đây ở Afghanistan và Iraq nằm trong ý đồ chiến lược của Mỹ nhằm vẽ lại bản đồ các nước Ả Rập, kiểm soát các mỏ dầu hỏa, phục vụ cho quyền lợi lâu dài của Mỹ.
- Mỹ thiếu nhất quán trong chính sách ngoại giao. Một mặt, Mỹ luôn luôn đề cao việc hỗ trợ dân chủ và nhân quyền, nhưng mặt khác, Mỹ lại hỗ trợ các chế độ độc tài nhằm giữ các chế độ này tiếp tục nắm quyền.
Tóm lại, theo một số nhà nghiên cứu quan hệ Mỹ-Ả Rập như Ussama Makdisi thì: “Tình cảm chống Mỹ là một hiện tượng diễn ra do các chính sách của Mỹ chứ không phải là một cuộc “đụng độ giữa các nền văn minh” (clash of civilizations) như Samuel Huntington [13] quan niệm. Sự thù nghịch với Mỹ tập trung vào một số chính sách đặc biệt nào đó, chứ không phải đối với nước Mỹ hay nhân dân Mỹ. Hàng ngàn người Mỹ làm việc hay du lịch sang các nước Ả Rập đều được đón tiếp thân tình, không có những cử chỉ thô bạo nào. Mặt khác, nhiều người Ả Rập mơ ước được du học, định cư hay làm việc ở Mỹ. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy một số đáng kể các người Ả Rập bình thường rất ngưỡng mộ nền giáo dục Mỹ, sự tự do Mỹ, nền khoa học, phim ảnh, truyền hình Mỹ và dân Mỹ nói chung. Sự yêu/ ghét Mỹ không xuất phát từ cội nguồn văn hóa mà xuất phát từ những gì người Mỹ thực hiện đối với các nước Ả Rập. Họ không chống lại các giá trị về tự do, dân chủ, bình đẳng và lòng khoan dung của nước Mỹ.
Tuy nhiên, đề cập đến tình hình khủng bố từ các nước Ả Rập, Paul Berman, trong một bài báo đăng trên New York Times, “The Philosopher of Islamic Terror” [14], cho rằng: thái độ chống Mỹ không chỉ là sự giận dỗi đối với một số chính sách nào đó mà xuất phát từ một quan niệm triết lý hẳn hoi do Sayyid Qutb – một trí thức Ai Cập - đề xướng, theo đó, chủ nghĩa đế quốc Tây Phương chẳng có gì khác hơn là sự nối tiếp cuộc Thập Tự Chinh thời Trung cổ chống Hồi giáo. Qutb vạch rõ ông chủ trương chống Mỹ đến cùng không phải do những sai lầm của nó mà do ở chỗ những nguyên tắc căn bản hình thành nên nó. Nói cách khác, Qutb chống Mỹ không phải vì Mỹ thất bại trong nỗ lực của họ xây dựng một xã hội tự do dân chủ mà chính là vì nỗ lực của họ để xây dựng một xã hội như thế. Mối hiểm nguy thực sự ở Hoa Kỳ không phải ở chỗ chủ nghĩa tư bản hay chính sách ngoại giao hay sự phân biệt chủng tộc hay quan niệm về nữ quyền mà còn nằm ở chỗ chủ trương phân cách giữa Nhà nước và Giáo hội. Điều đó, theo ông, là di sản chính trị sai lầm của Thiên chúa giáo: phân cách giữa cái thiêng liêng và cái trần tục.
Vậy sự tranh chấp giữa Tây phương và Hồi giáo chủ yếu là “ý thức hệ”, tức là tôn giáo. Qutb muốn tất cả những tín đồ Hồi giáo phải hiểu rõ điều đó và hô hào tiến hành một cuộc thánh chiến liên tục, bền bỉ cho đến khi thắng lợi hoàn toàn [15] .
III. Hiện tượng chống Mỹ ở châu Mỹ Latinh
Địa lý và lịch sử giữa Mỹ và các nước châu Mỹ đan bện vào nhau trong suốt mấy trăm năm. Xứ nào càng gần Hoa Kỳ, những mối ràng buộc lại càng phức tạp và khúc mắc. Tổng thống Mexico Profirio Diaz có lần than thở: “Pobré Mexico, tan lejo de Dios y tan cerca de los Estados Unidos” (Hỡi xứ Mexico tội nghiệp, quá xa Thượng Đế và quá gần Mỹ). Trong thực tế, Mỹ luôn luôn xem các nước Châu Mỹ La tinh như là “el patio de abás” (back yard - sân sau) của Mỹ. Sân sau là gì? Sân sau là nơi anh tạm thời cất giữa những thứ mà anh không hay chưa cần, nơi anh ngồi dưới nắng uống bia, gãi ngứa, dắt chó đi tiêu đi tiểu, là khoảng không gian anh quay lưng lại, đóng cửa và không lo lắng gì, đó cũng là nơi anh trồng cây và làm vườn. Tương quan Mỹ- Châu Mỹ Latinh y như tương quan giữa chủ nhà và khoảng không gian đằng sau nhà là như thế. Nó trở thành mối quan hệ chính thức giữa hai thực tại. Kết quả là Mỹ tạo ra các chế độ độc tài quân phiệt ở vườn sau để dễ sai bảo. Tuy vậy, quan hệ đó không luôn luôn ổn định: love-hatred, yêu và thù. Khi cơm lành canh ngọt, Mỹ cư xử y như những người bạn chân thành. Khi cơm không lành, canh không ngọt thì Mỹ sẵn sàng xem như kẻ thù: lật đổ và trừng phạt không nương tay [16] .
Đầu thế kỷ thứ 19, Mỹ bắt đầu bành trướng đất đai và kinh tế tại các nước châu Mỹ. Sau khi cho ra đời chủ thuyết Monroe và tiếp đó trong suốt thế kỷ 19, Mỹ thực hiện nhiều cuộc can thiệp quân sự gây ra chiến tranh Mỹ-Mexico, chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, lần lượt đưa quân đến Panama để đào kênh, chiếm quần đảo Haiti, cộng hòa Dominic, Nicaragua rồi Cuba, Puerto Rico. Từ năm 1869 đến 1897, trong vòng chưa tới 20 năm, Mỹ đã thực hiện tất cả khoảng chừng… 5980 hành động quân sự chống các nước Châu Mỹ La tinh. Sau cuộc chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, tình cảm chống Mỹ ở châu Mỹ dâng cao. Nhân dân các nước đó tỏ ra căm thù Mỹ, tiến hành nhiều hành động phá hoại các quyền lợi và cơ sở Mỹ tại nước họ. Các chính trị gia và các nhà văn gọi Mỹ bằng những danh từ như “đế quốc”, “bọn can thiệp”. Từ năm 1920, các học giả và báo chí Mỹ Latinh sử dụng danh từ Yankee để chỉ Mỹ, tạo nên một thứ tình cảm bài ngoại gọi là Yankeephobia (tinh thần bài Mỹ).
Sau Đệ nhị Thế chiến, dưới thời Chiến tranh lạnh, trong quá trình bành trướng ý thức hệ cộng sản trên toàn thế giới, Liên Xô và Trung Quốc đưa cán bộ tuyên truyền vào châu Mỹ. HTCM bây giờ mang thêm sắc thái mới, trở nên rộng và sâu vì được tiếp sức bởi lý thuyết cộng sản cũng như bởi sự hình thành các nước Thế giới thứ ba (Third World) tập hợp để tạo thành Phong trào Không Liên Kết. HTCM bây giờ bao gồm cả chống tư bản chủ nghĩa, chống vật chất chủ nghĩa, chống đế quốc chủ nghĩa và nêu bật tinh thần ái quốc. Từ năm 1960, Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu sử dụng từ anti-Americanism để chỉ các cuộc nổi loạn chống Mỹ ở các nước thế giới thứ ba, trong đó có các nước châu Mỹ Latinh. Dần dần, từ chính trị, từ ngữ này mang thêm ý nghĩa tâm lý. Nhân dân ở đây vừa ngưỡng mộ sự thành công và giàu có của Mỹ đồng thời vừa đau đớn và sợ hãi. Đã thế, người Mỹ lại luôn tìm mọi cách khoe khoang sự giàu mạnh của mình mà không chú ý đến tình cảm của nhân dân trong các nước này. Y như những người trong xóm thấy người láng giềng giàu có thì vừa thèm muốn vừa giận dỗi lại vừa mặc cảm.
Trong thế kỷ 20, Mỹ đàn áp tất cả mọi nỗ lực cải cách dân chủ và tự trị về kinh tế của các nước Trung và Nam Mỹ. Lợi nhuận của chính sách này tuôn về hết ở thủ đô tài chánh thế giới Wall Street. Viên tướng huyền thoại Smedley Butler trong công cuộc chinh phục Nam Mỹ đã tóm tắt vai trò của ông ta trong cái được gọi là “chiến tranh như một cuộc kinh doanh” như sau: “Tôi giúp làm cho nước Honduras trở thành “hợp lý” cho các công ty trái cây Mỹ vào năm 1903. Tôi giúp làm cho Mexico, đặc biệt là Tampico, trở nên an toàn cho các quyền lợi dầu hỏa Mỹ vào năm 1914. Tôi giúp làm cho Haiti và Cuba trở thành nơi tươm tất cho các quý vị nhân viên Ngân Hàng National City thu thập lợi nhuận vào. Tôi đã giúp chiếm đoạt nửa tá nước cộng hòa Trung Mỹ vì lợi nhuận của Wall Street (…) Tôi giúp làm trong sạch nước Nicaragua để xây dựng trụ sở Ngân hàng quốc tế của Brown Brothers từ 1909 đến 1912. Tôi mang ánh sáng đến cho Cộng Hoà Dominic để bảo vệ an toàn cho quyền lợi Mỹ vào năm 1916” [17] .
IV. Hiện tượng chống Mỹ ở Âu châu
Nếu HTCM ở các nước Hồi giáo hay châu Mỹ Latinh xuất phát từ các chính sách của Mỹ, nghĩa là từ thực tế, thì HTCM ở Âu châu xuất phát từ tư tưởng và xuất hiện ngay từ lúc nước Mỹ mới thành lập. Những khảo sát mới đây về nguồn gốc tri thức ở trong các trào lưu chống Mỹ cực đoan trong Hồi giáo, ngoài một số yếu tố về địa lý và tôn giáo, chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của các dòng tư tưởng phương Tây.
Châu Mỹ, trước hết là một sản phẩm thuần túy Châu Âu. Ngay trước khi khám phá ra Tân Thế Giới, người Âu châu đã mơ tưởng đến một vùng đất mới, một thứ “terre promise” giúp họ thoát khỏi lục địa Châu Âu già nua, cũ kỹ và rối rắm. Theo Alfonso Reyes, Châu Mỹ là “một vùng đất mơ ước trước khi đuợc tìm thấy” [18] bởi vì người Âu châu đã nhìn thất mọi khía cạnh của nó trước khi là một sự thực được chứng minh, nó trước hết là một dự cảm vừa khoa học lại vừa nhiễm chất thơ”. Sự khám phá ra Mỹ châu không phải là một chuyện tình cờ. “châu Âu tìm ra châu Mỹ bởi vì châu Âu cần nó”, theo Leopoldo Zea:
“Châu Mỹ không gì khác hơn là lý tưởng của châu Âu. Châu Âu chỉ muốn thấy trong Tân Thế giới cái mà nó mơ ước được thấy” [19].
Không lạ gì, sau khi được tìm thấy, nó trở thành cái nôi chứa một Âu châu khác qua rất nhiều đợt di dân. Họ - hoặc là những nông dân Âu châu nghèo đói hoặc là những tội phạm không chốn dung thân nơi quê nhà hoặc là những kẻ có đầu óc phiêu lưu, có tinh thần tự do, khai phá, v.v…, muốn đi tìm một đời sống mới. Có thể nói, ở một bình diện nào đó, Mỹ là một Âu châu mới tự do, rũ bỏ quá khứ không thương tiếc.
Nhưng rồi, do những điều kiện rất riêng của lịch sử không ai ngờ trước, thoắt một cái, nước Mỹ được thành lập và không phải chờ đợi lâu, nó vuột khỏi tầm ảnh hưởng của Âu châu. Âu châu khựng lại, ngỡ ngàng để rồi rốt cuộc khước từ thừa nhận Mỹ như là một sản phẩm của chính mình. Càng về sau, người Âu châu càng bàn về hoặc chỉ trích Mỹ y như thể nó là một cái gì hoàn toàn xa lạ và được hình thành từ một nguồn gốc khác.
Suốt hơn hai thế kỷ, Âu châu nung nẩy, dằn vặt, giận dỗi Mỹ không ngưng nghỉ. HTCM ở Âu châu xuất phát từ thành kiến và được xây dựng thành tư tưởng. Thay vì xem Mỹ là một cái gì có thực, một xứ sở, một dân tộc chẳng hạn thì họ xem Mỹ là một biểu tượng của một cái gì quái dị, lố bịch, mất gốc. Từ đó, hiện tượng chống Mỹ, vô hình trung, trở thành một chủ nghĩa, chủ nghĩa chống Mỹ, có luận thuyết hẳn hoi với đầy đủ những lập luận và sự kiện chứng minh.
1. Các “lý thuyết” chống Mỹ [20]:
Lý thuyết về sự suy đồi
Vào giữa thế kỷ thứ 18, người ta tìm thấy những nghiên cứu khoa học về Mỹ hình thành nên một lý thuyết gọi là “Degeneracy Thesis” (Lý thuyết về sự suy đồi). Đây là thời kỳ “tiền sử” của HTCM vì nó xuất hiện ngay trước khi thành lập nước Mỹ và quy cho toàn thể lục địa mới, tức châu Mỹ (America). Theo đó, vì những điều kiện môi sinh và khí hậu, đặc biệt là do sự ẩm ướt quá đáng, tất cả sinh vật không chỉ thấp kém hơn những gì tìm thấy ở Âu châu, mà còn trên đà suy thoái. Lý thuyết gia của quan điểm này là Compte de Buffon và George Leclerc, được những nhà tư tưởng như Immanuel Kant, G.W.F. Hegel và Friedrich von Schlegel ủng hộ. Một tác giả khác, Cornelius de Paw, viết một bộ sách ba cuốn khảo sát về châu Mỹ bằng tiếng Pháp, bắt đầu bằng nhận xét:
-“Thật là một quang cảnh vĩ đại và khủng khiếp khi nhìn thấy một nửa quả địa cầu lại bị thiên nhiên bạc đãi đến nỗi mọi vật tìm thấy ở đó đều suy đồi và quái dị” (…)
-“Những người Âu châu, ngay khi mới đặt chân xuống đó, là bắt đầu ngay quá trình suy thoái về cả thể xác lẫn tinh thần. Do đó, Mỹ châu không bao giờ có thể sản xuất ra được một hệ thống chính trị hay văn hóa gì đáng kể. Những con vật bốn chân chỉ nhỏ bằng 1/6 đồng loại ở Âu châu, đói rét và rất dễ bị nhiễm trùng. Cọp, sư tử ở Mỹ nhỏ bé và hèn nhát, ít nguy hiểm một ngàn lần hơn ở Á và Phi châu. Chó sói cũng thế. Những con chó mang từ Âu châu sang khó mà sống còn ở Mỹ. “Chó mất giọng, hết biết sủa”. Đất đai thì đầy lươn, rắn, đủ loại bò sát gớm ghiếc” [21].
Nói cách khác, theo nhà soạn bộ bách khoa tự điển Abbé Raynel:
-“Mỹ châu chẳng thể sản xuất ra được một thi sĩ hay một nhà khoa học nào”.
Lý thuyết chống-duy lý
Đến thế kỷ 19, khi cái quốc gia gọi là suy đồi đó tồn tại và có vẻ càng ngày càng vững chắc thì người ta xoay hướng chỉ trích, lần này, dựa trên nền tảng của quan điểm chống duy lý. Được sự hỗ trợ của các nhà tư tưởng lãng mạn Âu châu vào đầu thế kỷ 19, người ta cho rằng sự suy thoái của Mỹ có nguyên nhân phát xuất từ bên trong, nghĩa là từ tư tưởng. Joseph de Maistre (1753-1821), nhà văn và nhà ngoại giao Pháp, chủ trương rằng thế giới này chỉ có một nước duy nhất và nước đó được cai trị bởi giáo hoàng, là lãnh tụ tinh thần của nhân loại, còn ngoài ra, loại nhà nước dựa trên tinh thần duy lý như Mỹ hay cách mạng Pháp chỉ là những hình thức tạm thời. Vì chẳng có nguyên tắc duy lý nào là có giá trị phổ quát, tồn tại mãi mãi để hỗ trợ cho hình thức nhà nước đó. Maistre phủ nhận sự hiện hữu của cái gọi là “con người” nói chung hay “nhân loại” như trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ khi cho rằng “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng”.
-“Tôi đã thấy trong đời tôi những người Pháp, người Ý, người Nga… nhưng như là một con người, tôi tuyên bố rằng tôi chẳng hề gặp một ai như thế cả; nếu quả thực, hắn hiện hữu, tôi hoàn toàn không biết”.
Nikolaus Lenau (1802-1850) - một nhà thơ Áo, sinh ra ở Hung – quả quyết rằng Mỹ là một nước vô căn (rootlessness). Cái được gọi là tổ quốc ở Mỹ chỉ là một thứ kế hoạch bảo hiểm tài sản (property insurance scheme). Nói khác đi, không có một cộng đồng thực sự ở Mỹ. Văn hóa Mỹ không xuất phát từ bên trong, mà chỉ là một thứ chủ nghĩa duy vật lụn bại:
“Người Mỹ chẳng biết gì, chẳng tìm cái gì ngoài tiền bạc, nó không có lý tưởng”. Đó là “Vùng đất cùng trời cuối đất thực sự, nằm ở mé ngoài của con người”.
Nhà thơ Heinrich Heine (Đức gốc Do Thái, 1797-1856) gọi Mỹ là một “vùng đất Tự Do bẩn thỉu”, là “nơi cư ngụ của những người quê mùa sống trong bình đẳng”. Hơn thế nữa, đó là “một nhà tù vĩ đại của tự do”, nơi mà thực chất chỉ là “một chế độ độc tài mở rộng” với một thứ “quyền hành thô lỗ”.
Lý thuyết phân biệt chủng tộc
Quan điểm “Aryan master race” được sáng tạo vào giữa thế kỷ 19, do Arthur de Gobineau (1816-1882), một nhà văn, nhà ngoại giao và lý thuyết gia Pháp. Trong tác phẩm dày cả ngàn trang tựa đề là An Essay on the Inequality of the Human Races (1855), ông cho là có nhiều chủng loại người khác nhau, được sắp thứ tự dựa theo sức mạnh, trí thông minh và lòng can đảm, trong đó, Aryan là chủng tộc thuần nhất và thông minh được xếp vào thứ hạng cao nhất. Để giữ gìn một giống dân như thế, không thể cho họ sống chung đụng với những giống dân khác. Cách hay nhất là quy tụ họ về một vùng đất mới. Mỹ được xem là nơi tốt nhất, nơi đó giống dân Aryan có thể bảo đảm ưu thế của họ trên thế giới. Nhưng tiếc thay, Mỹ chấp nhận chế độ dân chủ. Mà một chế độ dân chủ thì đưa đến sự hợp chủng và do đó, giống dân thuần chủng bị mất dần. Mỹ rốt cuộc trở thành một thùng rác để Âu châu vứt vào đó tất cả những “rác rưởi” của họ, tức là những di dân nghèo đói bỏ quê hương đi xây dựng đời sống mới. Mỹ tạo nên một giống dân mới, là giống dân cuối cùng của loài người. Dùng lại khái niệm của Hegel xem “Lý trí” là động cơ cao nhất tạo nên lịch sử, Gobineau cho rằng “Race” (chủng tộc) là động cơ tạo nên lịch sử. Một nước Mỹ hợp chủng, trong tương lai, sẽ tạo nên một xứ sở tầm thường cả về thể chất, sắc diện, tri thức. Nước Mỹ trở thành “vô nghĩa” (nothingness).
Quan điểm của Friedrich Nietzsche
Khi phát triển cao độ về kỹ thuật, Mỹ được nhìn dưới một biến dạng khác. Lần này nó trở thành một thứ người khổng lồ kỳ dị. Friedrich Nietzsche (triết gia Đức, 1844-1900) là triết gia đầu tiên chỉ trích phương pháp sản xuất hàng loạt, qua đó, mọi thứ biến thành con tính. “Cái cách họ làm việc vội vội vàng vàng không kịp thở đang bắt đầu lây lan một cách hung hãn sang Âu châu cũ và truyền bá một thứ tinh thần rỗng tuếch trên toàn lục địa”. Arthur Moeller Van Den Bruck (1876-1925), một môn đệ của Nietzsche, đề nghị gọi ý niệm trên là “Amerikanertum” - Americanness (Mỹ-tính). Mỹ-tính, ở đây, được hiểu như một khái niệm về tinh thần, tri thức. Mỹ-tính “đánh dấu một bước quyết định, qua đó, con người mở lối từ một sự lệ thuộc trên trái đất đến chỗ sử dụng trái đất, một bước cơ khí hóa và điện khí hóa vật chất bất động và làm cho những thành tố của thế giới biến thành những thứ cho con người sử dụng”. Con người dùng tinh thần chinh phục, sử dụng và khai thác đến tối đa thiên nhiên, đó là tinh thần kỹ trị (technologism). Ở Mỹ, mọi thứ đều là một khối, chuộng chủ nghĩa thực dụng và làm việc theo hệ thống kiểu Taylor toàn quốc.
Quan điểm của Martin Heidegger
Chuyển HTCM thành ra những khái niệm triết lý là sản phẩm của Martin Heidegger, triết gia Đức [22]. Americanism, theo Heidegger, là “yếu tính còn phơi mở chưa đầy hay chưa hoàn tất của một thứ kỳ quái nhô lên trong thời hiện đại”. Do đó, Mỹ là katastrophenhaft (mang tính tai hoạ).
Với sự phát triển không thể cưỡng lại của Americanism, Heidegger cho rằng Âu châu nằm giữa một gọng kềm lớn, bị ép một bên là Liên Xô và bên kia là Mỹ. Từ quan điểm siêu hình, Liên Xô và Mỹ giống nhau, với cùng một thứ kỹ thuật cuồng loạn và buồn chán, cùng một thứ tổ chức không hạn chế của một con người trung bình. Người Âu châu, vốn phát minh ra khoa học, nhưng luôn luôn kềm chế nó để nó không đi quá đà, còn với Liên Xô và Mỹ thì ý niệm về lượng tính tách khỏi phẩm tính và rồi phát triển thành “một thứ hổ lốn vô biên của sự dửng dưng và đồng dạng” [23] .
Cả Mỹ và Liên Xô đều là ác quỷ. “Bolschevism chỉ là một biến thể của Americanism”. Nhưng Mỹ mang lại một mối đe dọa lớn hơn và có ý nghĩa hơn, theo Heidegger. Chính vì thế, sau Đệ nhị Thế chiến, Heidegger bàn về chuyện Âu châu có thể “đối thoại” với Liên Xô bởi vì nó có cảm quan về ý nghĩa lịch sử. Còn với Mỹ thì không thể, vì Mỹ không có ý nghĩa thực sự.
-“Chủ nghĩa Mỹ là hình thức nguy hiểm nhất của tính vô biên giới, bởi vì nó xuất hiện trong đời sống của giai cấp trung lưu hỗn hợp với Thiên chúa giáo và tất cả cái đó đặt trong một không khí hoàn toàn thiếu vắng ý nghĩa về lịch sử”.
Nhận định về việc Mỹ tham gia Đệ nhị Thế chiến, Heidegger viết:
-“Sự tham gia của Mỹ vào chiến tranh thế giới này không phải là để đi vào lịch sử mà là hành động mang tính cách Mỹ cuối cùng của sự vắng mặt ý nghĩa lịch sử của Mỹ”.
Trong khi tạo ra biểu tượng Mỹ, Heidegger thâu tóm vào bên trong nó nhiều nan đề hay bệnh hoạn của thời đại tân tiến, từ sự nhô lên của ngành truyền thông toàn cầu cho đến sự hờ hững với môi trường và sự giản lược văn hóa hóa thành một hình thức tiêu thụ. Heidegger đặc biệt quan tâm đến chủ nghĩa tiêu thụ (consummerism) mà ông cho là tượng trưng cho tinh thần của thời đại chịu ảnh hưởng nặng nề của Mỹ. “Tiêu thụ chỉ với mục đích tiêu thụ là thủ tục độc nhất tiêu biểu cho lịch sử của một thế giới đã trở thành một không-thế-giới (unworld). Tồn tại hiện nay là thứ tồn tại có thể thay thế”. Nó là hiện thân của sự đánh tráo (Ersatz), bắt chước, hấp thu (absorption), biến cái độc đáo và cái đích thực thành cái đồng phục và tiêu chuẩn.
Nối bước Nietzsche, Heidegger diễn tả Mỹ là một lực lượng xâm lược, chiếm đoạt linh hồn của Âu châu, làm suy yếu chiều sâu và lý trí của nó. “Yếu tính Đức đã hàng phục yếu tính Mỹ đến chỗ hiện nay thỉnh thoảng tạo ra hiệu quả tai hại đến nỗi nước Đức hiện nay cảm thấy hổ thẹn rằng dân tộc của nó đã từng được xem là “dân tộc của thi ca và tư tưởng”. Bởi thế, Âu châu xem như đã chết, nhưng chưa chết hẳn. Nó vẫn còn ngắc ngoải chờ đợi cái mà Heidegger gọi là “Cái sẽ tới” (The Happening). Nhưng “Cái sẽ tới” đó sẽ chỉ có thể có nếu nó biết huy động sức mạnh tiềm tàng bên trong nó để đẩy lùi thứ “Mỹ tính” về bên kia bán cầu.
Do Heidegger đã từng ủng hộ Đức Quốc xã nên tư tưởng của ông giảm đi nhiều ảnh hưởng về sau. Nhưng sau chiến tranh, phe Tả châu Âu nắm lấy những ý tưởng nòng cốt để tăng cường thêm tư tưởng chống Mỹ của riêng họ. Khi cộng sản sụp đổ, trái với mọi dự đoán, HTCM không những không chết đi mà lại vẫn dai dẳng sống, thậm chí còn sống mạnh hơn và đi vào dòng tư tưởng chính của châu Âu. Thay vì nằm giữa gọng kềm của Liên Xô và Mỹ, bây giờ châu Âu trở thành một cực đối nghịch với Mỹ. Điều đó cho thấy, giới trí thức Âu châu không những chỉ phê phán Mỹ, mà là bài Mỹ (Americanophobia) vì nó bác bỏ tất cả những giá trị xã hội cũng như chính trị Mỹ, xem chúng như một cái gì man dã, một loại “thiến hoạn về Tinh Thần” (emasculation de l’Esprit) theo cách nói của Heidegger.
[1] Pew Research Center là một cơ quan thăm dò dư luận của Mỹ hiện do Madeleine K. Albright - nguyên ngoại trưởng Mỹ dưới thời tổng thống Clinton - và John C. Danforth, trụ sở đặt tại Washington. Xem http://people-press.org/pgap/.
[2]SARS = Severe Acute Respiratory Syndrome, Hội Chứng Hô Hấp Cấp Tính Nặng, là một chứng bệnh đường hô hấp do một loại virus hình vương miện, bộc phát lần đầu tiên ở Á Châu vào tháng 2 năm 2003, rồi lan ra nhiều nơi trên thế giới khiến khoảng 774 người thiệt mạng.
[3]Một trong 6 cơ sở hình thành nên Pew Research Center, trụ sở ở thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania
[4]BBC, 24/6/2005
[5]International Herald Tribune, 13/6/2006
[6]Từ đoạn này về sau, chúng tôi dùng các chữ cái HTCM để chỉ cụm từ “Hiện tượng chống Mỹ”. Cụm từ này, trong một vài ngữ cảnh, có vẻ không thích hợp lắm, nhưng tôi vẫn để nguyên. Cho gọn và thống nhất.
[7]Xin tạm dịch Americanism là “Hiện tượng Mỹ” cũng như anti-Americanism là “Hiện tượng chống Mỹ”.
[8]Xem Judy Colp Rubin, The Five Stages of Anti-Americanism
[9]Xem Wikipedia, mục Anti-Americanism
[10]Xem Wikipedia, như trên
[11]Judy Rubin, bđd
[12]James W. Ceaser, A genealogy of anti-Americanism.
[13]Samuel Huntington, The Clash of Civilizations
[14]Paul Berman, The philosopher of Islamic Terror
[15]Xem thêm Reuven Paz, Islamists And Anti-Americanism, Meria, Journal, Volume 7, No. 4 - December 2003
[16]Trường hợp Noriega của Panama chẳng hạn. Tướng Manuel Antonio Noriega Moreno, sinh năm 1938, là lãnh tụ quân sự của Panama. Ông là người hùng của Panama, đuợc Mỹ hết lòng ủng hộ, trở thành tổng thống Panama từ năm 1983. Về sau không nghe lời Mỹ, năm 1989, ông bị tổng thống Bush-Cha đem quân qua bắt và mang về xử tại Mỹ về tội buôn lậu thuốc phiện. Ông bị kết án 40 năm tù và bị nhốt tại Florida.
[17]Smedley Butler, War is a Racket, Round Table Press, New York 1935, dẫn theo Andrew Ross & Kristin Ross, Anti-Americanism, tr. 2 và 3
[18]Alfonso Reyes: L’Amerique fut une region desirée avant d’ être trouvée (dẫn theo Fernando Ainsa, “La découverte de l’autre et l’invention de l’utopie”, trang 48)
[19]Leopoldo Zea, dẫn theo Fernando Ainsa, bđd, trang 51.
[20]Xem James W. Ceaser, bđd.
[21]Có người cho rằng Cornelius de Paw viết cuốn này có mục đích làm nản lòng những kẻ muốn di cư sang Mỹ châu, theo ý đồ của các triều đình Âu châu thời bấy giờ.
[22]Những ý tưởng của Heidegger lấy từ Martin Heidgger, An Introduction to Metaphysics (các trang từ 45 đến 50); Denis Lacorne, Anti-Americanism and Americanophobia: A French Perspective và James W. Ceaser, A genealogy of anti-Americanism.
[23]In America and in Russia this development grew into a boundless etcetera of indifference and always-the-same – so much so that the quantity took on a quality of its own (Heidegger, sđd, tr. 46).
2. Hiện tượng chống Mỹ ở Pháp
Hiện tượng chống Mỹ bàng bạc ở khắp các nước Âu châu, nhưng Pháp có lẽ là nơi mà xu hướng này diễn ra mạnh mẽ nhất, dai dẳng nhất và điển hình nhất, đến nỗi bất kể quan hệ Pháp-Mỹ như thế nào về hình thức, luôn luôn có một khoảng cách khó có thể san bằng giữa Pháp và Mỹ. Hình ảnh về nước Mỹ mà người dân Pháp có được thông qua sách, báo hàng ngày được mô tả như sau:
-”Mỹ là một xã hội hoàn toàn bị điều khiển bởi tiền bạc. Không có bất kỳ một giá trị nào khác, cho dù đó là luân lý, gia đình, tôn giáo, quyền dân sự, văn hóa, chức nghiệp… Mọi thứ đều là hàng hóa, được đánh giá và sử dụng chỉ độc có giá trị vật chất. Một người chỉ được phán đoán qua số tiền mà người đó có trong trương mục ngân hàng. Mọi tổng thống Mỹ đều dính líu quyền lợi nặng nề trong các công ty dầu hỏa, các tổ hợp kỹ nghệ-quân sự, nông nghiệp và thị trường chứng khoán ở Wall Street. Mỹ là một “khu rừng hoang”, nằm ngoài luật pháp, một thứ tư bản chủ nghĩa dã man, ở đó người giàu cứ giàu thêm và người nghèo càng ngày càng nghèo. Không có trợ cấp thất nghiệp, không hưu bổng. Chỉ có những người may mắn lắm mới có quyền có chăm sóc sức khỏe và sống một đời đàng hoàng. Đại học chỉ dành cho những người có tiền trả học phí, và học phí rất đắt. Mỹ là xứ bạo động tràn lan, hoành hành. Bạo động ngự trị bất cứ nơi đâu mà người ta tới. Dân chủ ở Mỹ chỉ là dân chủ hình thức, v.v… và v.v…” [1]
Nghe như một loại tài liệu tuyên truyền rẻ tiền được dùng trong các nước cộng sản thời còn bế quan tỏa cảng. Ấy thế mà đó là những gì có thật được chính một tác giả Pháp, Jean-Françoise Revel, viết cách đây mới vài năm. Revel không nói quá. Chính một Đại sứ Mỹ ở Anh vào năm 1987 đã viết:
-“Mỹ bạo động, Mỹ dốt nát (crass), Mỹ vụng về (inept), tất cả những thứ đó trở thành hình ảnh thường nhật của Mỹ ở Châu Âu”.
Đối với Pháp, nước Mỹ dù được xem là tượng trưng cho tiến bộ, dân chủ, bình đẳng, hiện đại nhưng vẫn là đe dọa lớn nhất đối sự sống còn của văn hóa châu Âu nói chung và văn hóa Pháp nói riêng. Người Pháp không thể chấp nhận văn hóa Mỹ vì hai lý do: tính thương mại và tính lắp ghép tùy tiện [2]. Văn hóa Mỹ là kết hợp hai yếu tố vốn không thích hợp nhau: dân chủ và thương mại. Đáng lẽ ra cái gì là cao thượng thì tách bạch ra khỏi những yếu tố thông thường khác nhưng ở Mỹ, văn hóa đòi hỏi phải có tính bình đẳng và dân chủ. Nghĩa là văn hóa phải đi vào quần chúng, bất kể thành phần (vì như vậy mới dân chủ). Hậu quả là: các sản phẩm văn hóa trở thành phổ thông và đến với thị trường y như bất cứ sản phẩm tiêu dùng nào khác. Văn hóa trở thành hàng hóa. Là hàng hóa thì phải sản xuất hàng loạt. Do sản xuất hàng loạt, chúng cần thị trường tiêu thụ. Vì không được sự bảo trợ của văn hóa Âu châu, nó tự tạo ra khách hàng của chúng để đủ sức trang trải phí tổn. Thế là với thị trường càng ngày càng mở rộng, văn hóa Mỹ rời bỏ phẩm tính để đi vào lượng tính.
Một thứ văn hóa như thế tất nhiên phải xuất phát từ một sự lắp ghép tùy tiện. Nó bất chấp mọi tiêu phạm, trộn lẫn giữa cao cấp và bình dân, giữa cái cao thượng và cái tầm thường. Tất cả tiêu chuẩn đều bị san bằng, giảm xuống cùng một loạt như nhau, nghĩa là “cá đối bằng đầu”. Văn hóa Mỹ trở thành phản-lịch sử, phản-siêu hình và phản-cơ cấu, vì nó chuộng thành phần hơn toàn thể. Nhiều trí thức nổi tiếng Pháp từ George Duhamel cho đến Françoise Mauriac, từ Jean-Paul Sartre cho đến Simone de Beauvoir đều không tiếc lời chê bai mỗi khi có dịp. Năm 1865, nhân cuộc triễn lãm quốc tế đầu tiên tổ chức ở Paris với sự tham dự của Mỹ, nhà thơ Baudelaire phát biểu:
-“Con người hiện đại đã bị Mỹ hóa đến nỗi nó đánh mất cả khái niệm về sự khác biệt đặc trưng cho những hiện tượng trong thế giới vật lý và thế giới luân lý, sự khác biệt giữa cái tự nhiên và cái siêu nhiên”.
Tờ Journal của anh em Goncourt (về sau thành lập giải thưởng Goncourt) viết nhân cuộc triển lãm lần 2 năm 1867:
-“Triển lãm quốc tế là cú đánh cuối cùng cho sự Mỹ hóa nước Pháp”.
Còn Simone de Beauvoir gọi dân Mỹ là một dân tộc cừu (un peuple de moutons), toàn những kẻ nhắm mắt đi theo, thiếu tinh thần phê phán và sáng tạo [3] .
Thập niên 1930 là thời kỳ HTCM phát triển mạnh ở Pháp khi ảnh hưởng của lối sống và cung cách làm việc của Mỹ bắt đầu lây lan sâu rộng trong xã hội Âu châu. Mỹ bị tấn công liên tục và dữ dội với nhiều tác phẩm nghiên cứu hay biên khảo phân tích về chủ nghĩa Mỹ và những sai trái của nó, chẳng hạn như Scènes de la vie future của Georges Duhamel, Le mode sans âme của Daniel Rops và đặc biệt là hai cuốn La Décadence de la nation française và Cancer américian của Robert Aron (1898-1975) và Arnaud Dandieu (1897-1933). Tất cả đều cùng một chủ điểm: lên án “con quỷ của thời đại” chỉ biết đến giá trị vật chất là Mỹ. Trong La Décadence de la nation francaise, tác giả nhận xét:
-“Sự duy lý hóa toàn bộ của xã hội hiện đại dưới sự hỗ trợ của Ford, Taylor và Young đã phi nhân hóa tất cả hệ thống quy chiếu của chúng ta” [4] .
“Giáo điều kỹ nghệ mới” của Mỹ đưa đến hai lần phản bội: phản bội tình cảm yêu nước cũ xuất phát từ truyền thống cách mạng Pháp và phản bội truyền thống tư bản Pháp. Theo hai ông, khi chạy theo triển vọng “vật chất và lượng tính”, nước Pháp đã thua trận và tự hy sinh mình cho những cơ cấu xã hội hoàn toàn đối nghịch với nó. Và do đó, nó trở thành “vật ký sinh” của đế quốc Mỹ, đã phá hoại “tất cả những biểu lộ tình yêu đất và yêu quốc gia”. Họ đề nghị nước Pháp nên “trở lại một thứ cá nhân chủ nghĩa thực, tình cảm và chống duy lý” (anti-rational).
Trong Le Cancer américain, hai ông đánh giá lại căn bệnh Mỹ, một thứ bệnh ung thư tiềm ẩn xâm nhập vào tất cả cộng đồng con người. Họ vạch rõ Mỹ “là một phương pháp, một kỹ thuật, một thứ bệnh của tinh thần”. Họ bài bác “tính cách Mỹ”, cho đó là một thứ “chủ nghĩa man rợ” (barbarism) đe dọa toàn thể loài người”. Bản tuyên ngôn thành lập nhóm “Esprit” [5] năm 1932, nhắm vào một nước Mỹ đại độc tài (grand américain Tyranny), một xã hội được cai trị y như các hãng, xưởng mà các chủ nhân của nó cố tìm cách biến con người thành máy móc để tìm kiếm lợi nhuận. Trong tình huống đó, đời sống con người bị giằng xé giữa dục vọng và nhân cách dẫn đến rối loạn về mặt tâm lý, dễ gây ra giết người và tự sát. Giải pháp là phải cứu vớt con người bằng cách làm cho nó ý thức về căn cước thực sự của chính nó.
Tình cảm bài Mỹ thập niên 1930 được diễn tả bằng từ ngữ “pseudo-Nietzscheism”: nêu lên sự quan trọng của ý chí chống lại thứ chủ nghĩa duy lý lạnh lùng của “con vật kinh tế” (homo oeconomicus) được xiển dương bởi các chủ ngân hàng và các tập đoàn kỹ nghệ Mỹ.
Sau Đệ nhị Thế chiến và trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhận định nổi tiếng của Heidegger giữa Liên Xô và Mỹ (xem lại tiểu mục “Tư tưởng Heidegger” phần trên) được tán thành bởi nhiều nhà trí thức tầm cỡ của Pháp như Merleau Ponty, Jean-Paul Sartre hay Etienne Gilson và được lập đi lặp lại không mệt mỏi bởi một số chính trị gia theo chủ nghĩa De Gaulle (Gaullisme) như Jacques Thibau trong La France colonisée (1976), Jean-Marie Benoist trong Pavane pour une Europe défunt (1980), Anicet Le Pors trong Marianne à l’encan (1980)… [6]. Chẳng hạn như chính trị gia Pháp, Alain de Benoist, một trong những lãnh tụ của Tân Hữu phái Pháp, trong một tác phẩm viết vào năm 1981, nhận định:
-“Sự thực là có hai hình thức độc tài toàn trị y hệt như nhau. Cái trước ở phương Đông (ám chỉ Liên Xô), bỏ tù, hành hạ thể xác, nhưng còn có chỗ cho hy vọng. Cái kia, ở phương Tây (ám chỉ Mỹ), đưa đến việc tạo ra những con người máy hạnh phúc (happy robots). Nó điều hòa không khí địa ngục và giết chết linh hồn” [7] .
Có thể xem đây là một trong những lập luận nền tảng của tư tưởng chống Mỹ trong hàng ngũ trí thức và chính trị gia Âu châu.
Trong bài viết “Questions aux vrais maitres du monde” trước “Hội nghị quốc tế về Viện Bảo tàng truyền hình và truyền thanh” (MTR) ngày 11/10/1999, đăng lại trên tờ Le Monde [8], Piere Bourdieu, một trong những trí thức hàng đầu của Pháp hiện nay, cho rằng Mỹ đang kiểm soát toàn bộ hệ thống truyền thông trên thế giới, đó không phải là một quyền năng chính trị hay kinh tế, mà là một thứ quyền năng biểu tượng (pouvoir symbolique), một thứ quyền hành tác động trực tiếp trên tinh thần và trí tưởng tượng của con người xuyên qua các sản phẩm văn hóa của nó: sách báo, truyền hình, phim ảnh… Quyền hành được củng cố, bành trướng thông qua thị trường tự do quốc tế. Chúng được thúc đẩy bởi lợi nhuận, không lưu tâm đến yếu tố văn hóa. Cái mà thế giới nhận được chỉ là thuộc loại chuyện trong nhà ngoài phố, loại phim ảnh dung tục, tầm thường đánh vào những ham muốn tầm thường của con người. Văn hóa thực sự là tác phẩm của những người nghệ sĩ xem khán giả/độc giả như những người kế thừa chứ không phải được đo lường bởi đám người chen chúc trong các rạp hát.
Hiện nay, Pháp dị ứng nhất với Mỹ về chủ nghĩa đa-văn hóa (multiculturalism), án tử hình và chính sách toàn cầu hóa.
- Đa văn hóa là một thách đố với một nước Pháp thế tục, cộng hòa và đồng hóa (assimilationist). Nếu áp dụng nó, nước Pháp sẽ bị chia cắt thành những “ghetto” chủng tộc, những cộng đồng cô lập, hoàn toàn trái với chủ trương cố hữu là một nước Pháp “duy nhất không thể phân chia” (one and indivisible).
- Kế đó là án tử hình. Với án tử hình đã bãi bỏ ở Pháp từ năm 1981, dư luận Pháp hết sức kinh tởm khi thấy hàng ngàn người nằm chờ án tử hình trong các nhà tù Mỹ nhiều năm (death-row inmates) như Karla Tucker, Betty Beets, Gary Graham, Odell Barneo… Có người nằm chờ hành quyết ở death-row đến cả hai chục năm. Còn chủ trương toàn cầu hóa chính là Mỹ hóa. Vì với ưu thế của văn hóa phổ thông và thị trường tự do, đặc biệt là từ khi có mạng lưới điện toán toàn cầu, toàn cầu hóa, dưới con mắt của tầng lớp ưu tú Pháp, là “con ngựa thành Troie” (Trojan Horse) của Mỹ.
Tinh thần chống Mỹ đôi lúc trở nên cuồng nhiệt đến nỗi có người mong muốn nước Mỹ thất bại về quân sự hay ngay cả mong muốn cho nước Mỹ sụp đổ toàn diện. Một ngày sau biến cố 11/9, nhật báo Le Monde cho chạy một bài xã luận do đích thân chủ bút Jean-Marie Colombani viết, có tựa đề là “Nous tous sommes américains” bày tỏ nỗi xúc động lớn lao trước một tai họa đổ xuống đất Mỹ thì lập tức ngay sau đó, vô số người Pháp, cả độc giả lẫn những người viết báo, phản ứng mạnh mẽ vì cho rằng không có gì để phải than khóc cho nước Mỹ, nếu không bày tỏ nỗi hân hoan khi Mỹ phải chịu đựng một tai họa như thế. Mỹ xứng đáng nhận lãnh hậu quả. Không lâu sau đó, trong tác phẩm All American? The World After September 11, 2001, Colombani hoàn toàn đổi giọng, diễn tả Mỹ là một loại xí nghiệp Thiên chúa giáo cực đoan, các quan tòa của nó chỉ chăm chăm muốn kết án tử hình tội phạm, cảnh sát thì tàn bạo đối với người da đen, v.v...
3. Một lý thuyết mới về Mỹ: đế quốc Mỹ sẽ sụp đổ
Khác hẳn với tất cả những nhận định trên, Emmanuel Todd, tiến sĩ sử học Pháp, đưa ra một cái nhìn khá mới mẻ - và khá thú vị - về Mỹ. Todd không bênh, không chống, mà là xem thường Mỹ qua một tác phẩm mới nhất có tựa đề là After the Empire: The Breakdown of the American Order [9] . Là chuyên gia chuyên nghiên cứu về sự hưng thịnh và suy tàn của các dân tộc và văn hóa trong lịch sử một ngàn năm vừa qua, Todd bắt đầu nổi tiếng với tác phẩm La chute finale: essais sur la décomposition de la sphère soviétique xuất bản năm 1976, tiên đoán đế quốc Xô Viết sẽ sụp đổ, 15 năm trước khi điều đó trở thành sự thật.
Xuất hiện trong thời kỳ hiện tượng chống Mỹ lên cao tại Âu châu, tác phẩm này bán rất chạy ở Pháp và Đức. Lập luận của Todd có thể tóm tắt như sau:
- Sau gần hai thế kỷ thành lập, với nguồn tài nguyên thiên nhiên mới mẻ và dồi dào, với vốn liếng và lao động từ Âu châu, Mỹ trở thành cường quốc trên thế giới, thay thế hẳn các nước châu Âu. Sau năm 1945, trong thời gian Chiến tranh lạnh, dù phải đối đầu với khối cộng sản đang bành trướng mạnh nhưng với lực lượng quân sự và tiềm lực kinh tế hùng mạnh cộng với lý tưởng dân chủ tự do, Mỹ kiểm soát phần còn lại của hành tinh với một quyền lực và ảnh hưởng ngang tầm với hai chữ “đế quốc”. Trong giai đoạn này, do phải tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô, Mỹ đóng vai trò của một kẻ cứu tinh hào hiệp, chuyên giúp đỡ các dân tộc khác thoát ách độc tài, thực dân và nghèo đói, một người xây dựng hòa bình.
- Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ trở thành siêu cường độc nhất, muốn kiểm soát toàn thế giới, bắt đầu lộ rõ tham vọng đế quốc của mình. Tuy nhiên, Mỹ không thể làm được điều đó một cách hiệu quả vì thế giới bây giờ quá đông đúc, quá rộng, quá văn minh và quá dân chủ.
- Trong vòng 20 năm vừa qua, Mỹ đứng giữa hai chọn lựa: quốc gia hay đế quốc. Về phương diện lịch sử, một đế quốc thực sự phải có hai đặc tính:
1- có đủ sức mạnh quân sự để duy trì quyền lực trên toàn lãnh thổ chiếm được;
2- thu góp đủ tài nguyên để nuôi sống bộ máy trung ương và có chủ trương hòa đồng (universalism), nghĩa là cư xử với các dân tộc bị chinh phục y như những công dân bình thường.
Hiện nay, Mỹ không có đủ điều kiện đó. Quân lực Mỹ quá lớn đối với một quốc gia nhưng lại quá nhỏ nếu như muốn kiểm soát toàn thế giới, nhất là kiểm soát trung tâm hùng mạnh là Âu-Á (Eurasia). Vả lại, quân đội Mỹ có một sự yếu kém về cơ cấu vì từ khi thành lập: Mỹ chưa bao giờ thực sự đối đầu với một địch thủ ngang sức. Thêm vào đó, nuôi dưỡng ý đồ của một cuộc chiến tranh thắng mà không đổ máu (về phía Hoa Kỳ) cho thấy từ trong căn bản, quân đội đó là yếu kém. Thành thử, quân đội Mỹ không thể chiếm và giữ đất để xây dựng thành một thứ không gian đế quốc (imperial space) theo nghĩa truyền thống. Về phương diện ý thức hệ, sau Chiến tranh lạnh, Mỹ càng lúc càng xa dần với chủ nghĩa hòa đồng. “Sự biến mất áp lực (của khối cộng sản) cho phép tâm thức Mỹ lấy lại sự cân bằng tự nhiên của nó” [10] . Mỹ theo xu thế biệt lập (differencialism), chỉ chọn liên kết với một số đối tượng thích hợp. Bên trong thì liên kết dân da trắng, tách biệt khỏi dân da đen và dân gốc Tây Ban Nha và thổ dân; bên ngoài thì liên kết với dân Do Thái và tách biệt với dân Hồi giáo. Chế độ dân chủ của Mỹ suy đồi vì sau quá trình phát triển ghê gớm, một giai cấp mới xuất hiện, gọi là overclass (siêu giai cấp) khoảng 20% dân số. Do sức mạnh kinh tế, giai cấp này đi đến chuyên quyền. Một điều trớ trêu xảy ra: trong khi cả thế giới đang tiến đến dân chủ thì Mỹ mất dần các đặc tính dân chủ. Do đó, Mỹ không còn hòa thuận với thế giới nữa. Todd nhận xét:
-“Mỹ chẳng hề mất tất cả những đặc tính quốc gia của mình và sẽ thất bại như là một đế quốc [11] .
- Về phương diện kinh tế, Mỹ chủ trương tự do kinh doanh. Chủ trương này lúc đầu có lợi cho Mỹ. Nhưng dần dần, do sự phát triển của các nước, do trình độ dân chúng nâng cao (có học), do “cầu” giảm xuống, Mỹ trở thành là một kẻ phàm ăn [12] . Do thặng dư kinh doanh, đồng tiền thực sự bây giờ tích lũy ở Âu và Á châu trong lúc Mỹ trở thành một “kẻ ăn mày đáng sợ của hành tinh” [13] . Mỹ càng ngày càng lệ thuộc vào các nước khác, cả về hàng hóa lẫn vốn liếng. Từ một nước sản xuất nhiều hơn tiêu thụ, Mỹ tiến dần đến chỗ tiêu thụ nhiều hơn sản xuất. Mỹ đang “trở thành trung tâm của một hệ thống, trong đó, công việc số một là tiêu thụ hơn là sản xuất”. Do đó, ngân sách càng ngày càng thâm thủng. Hiện nay, cứ mỗi ngày, mức thâm thủng trung bình là một tỷ rưỡi đô la.
- Đã thế, vai trò “đế quốc” không phải là chọn lựa tự giác của Mỹ, mà lại là sản phẩm của tình thế: sự sụp đổ bất ngờ của khối Xô Viết. Nói khác đi, Mỹ không có một kế hoạch cụ thể nào trong vai trò đế quốc bỗng nhiên rơi vào tay mình.
- Rốt cuộc, sự lệ thuộc về kinh tế, sự bất toàn về quân sự, sự suy yếu về chủ nghĩa hòa đồng cộng với sự thụ động trước tình thế mới, góp phần ngăn cản Mỹ hình thành một cái nhìn bình đẳng, công chính và đầy trách nhiệm về thế giới. Mỹ không còn cách nào khác để xác định vai trò bằng cách cư xử sai trái với những nước nhỏ [14] . Đây chính là cái lập luận ẩn giấu đằng sau các chính sách của Mỹ hiện nay. Todd gọi đó là một thứ “kịch bản đầy mê sảng của những xung đột hạng hai” (hysterical dramatization of second-order conflicts) [15]. Sau biến cố 11/9, cuộc tấn công Afghanistan và Iraq, đe dọa Bắc Triều Tiên, khiêu khích Trung Quốc nằm trong kịch bản đó. Hành động đó được ông gọi là “theatrical micromilitarism” (chủ nghĩa tiểu quân phiệt có tính cách trình diễn). Nó chỉ có mục đích “trình diễn sự cần thiết của Mỹ trong thế giới bằng cách tiêu diệt những đối thủ yếu kém” [16]. Đánh những kẻ yếu (nhất là các nước thiếu hẳn hệ thống phòng không hữu hiệu như Afghanistan và Iraq), Mỹ trở lại với đường lối quân sự truyền thống trước đây: đánh giết thổ dân. Chơi con bài chống Ả Rập là cách chơi dễ dàng nhất. “Không còn gì phải thắc mắc, đây là cách của Mỹ, cách chơi của một siêu cường, nhưng là một siêu cường vô quyền muốn duy trì sự kiểm soát của mình trong một thế giới quá lớn và quá đa dạng đối với nó” [17] . Mỹ “trước đây được xem như là một kẻ tạo hòa bình, bây giờ trở thành kẻ gây rối” [18] .
- Qua những nhận định trên, Todd kết luận: trước sau gì, “đế quốc” Mỹ cũng sẽ sụp đổ. Trong lúc đó, Nga sẽ trở lại sân khấu thế giới như là một cường quốc vì có một kho vũ khí không thua gì Mỹ, lại giàu tài nguyên và có tinh thần hòa đồng chủ nghĩa. Và quan trọng hơn, các nước Âu châu và Nhật sẽ đuợc giải phóng khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Sau một thời gian dài bị Mỹ khống chế, Âu châu bây giờ đã giàu có, thịnh vượng, không còn muốn trở thành một thứ công dân hạng hai dưới mắt Mỹ.
Trong lời tựa viết cho bản dịch tiếng Anh, Michael Lind cho rằng tác phẩm của Todd là một phê phán đầy cảm tình đối với Mỹ chứ không phải là một trí thức theo xu hướng chống Mỹ (structural anti-Americanism), y như tác giả tự xác định lúc đầu. Thực ra, theo tôi, nếu đọc kỹ, After the Empire: The Breakdown of the American Order cũng chỉ là một thứ HTCM cố hữu của tâm lý Pháp được ngụy trang. Trong phần 8, “The Emancipation of Europe”, Todd – cũng như những tác giả khác – phân tích nhiều điểm khác nhau giữa hai xã hội, hai lối sống, hai nền văn minh, đồng thời vạch rõ lối sống Mỹ là đe dọa sự tồn tại của Âu châu. “Con số và biến dạng của những khác biệt giữa người Âu và người Mỹ hầu như vô tận.
Giữa những điều đó, một nhà nhân chủng học đã phải trình bày địa vị của người phụ nữ Mỹ – một khuôn mặt như bị thiến, đầy đe dọa hầu như làm bối rối đàn ông Âu châu y như khuôn mặt đầy quyền lực của người đàn ông Ả Rập làm bối rối người phụ nữ Âu châu vậy” [19]. Quan niệm cho rằng Nga và các nước Âu châu khác sẽ vượt Mỹ rõ ràng chứa đựng một thứ “mặc cảm châu Âu” hay nói cho rõ ra là “mặc cảm Pháp”, vừa tự ti vừa tự tôn đối với Mỹ. Điều khá lạ lùng là Todd không mấy quan tâm đến Trung Quốc và Ấn Độ, những nước mà trong thời gian vừa qua, chứng tỏ họ có đủ tiềm năng để thách thức đế quốc Mỹ hơn Âu châu rất nhiều.
HTCM, nói chung, đối với người Pháp, ẩn chứa một tâm lý đặc thù khác: tâm lý bài Anh (Anglophobia). HTCM là sự nối dài được tăng thêm cường độ của Hiện tượng chống Anh. Hiện tượng chống Anh là thiên hướng của tầng lớp ưu tú Pháp trong các thế kỷ trước, kể từ khi Anh thay thế Hòa Lan như là cường quốc Châu Âu vào cuối thế kỷ 17. Hình ảnh của một nước Anh tàn bạo, man dã, bội bạc và tài phiệt mà Jacobin thời cách mạng Pháp và Napoléon tiếp theo đó tuyên truyền chống Anh, không khác gì mấy với hình ảnh của nước Mỹ mà người Pháp vẽ ra ngày nay. Những sỉ nhục và cản trở mà Pháp chịu đựng từ Mỹ hôm nay có phần tệ hơn vì chúng gợi nên những vết thương cũ mà Anh gây ra cho Pháp vào hai thế kỷ 18 và 19. Anh là một phủ định của Pháp. Lúc đầu, khi cảm hứng bởi cách mạng Mỹ để thực hiện cuộc cách mạng 1789, Pháp hy vọng rằng một khi giành được độc lập từ Anh rồi, Mỹ sẽ cùng với Pháp đứng chung một chiến tuyến chống Anh. Thế nhưng, Mỹ theo chân Anh, vẫn không xem Pháp là đồng minh. Đã thế, với chủ nghĩa Monroe, Pháp hoàn toàn bị đẩy ra ngoài. “Tôi không tìm thấy một người Anh nào lại không cảm thấy thân tình với người Mỹ và không một người Pháp nào lại không cảm thấy mình là một người xa lạ giữa những người Mỹ”, Talleyrand [20] chua chát nhận định. Mỹ, rốt cuộc, là một phủ định khác của Pháp!
V. Hiện tượng chống Mỹ trong nước Mỹ: Noam Chomsky
Con số những nhà trí thức Mỹ chống lại một (hay nhiều) chính sách nào đó của một (hay nhiều) chính phủ Mỹ, lúc này hay lúc khác, không phải là ít. Trở lại thời kỳ chiến tranh Việt Nam chẳng hạn, số trí thức nổi tiếng chống chiến tranh Việt Nam lên đến hàng trăm, có khi hàng ngàn. Hoặc mới đây, trước và sau cuộc xâm lăng Iraq, cũng có rất nhiều trí thức lên tiếng chống chiến tranh. Nhưng khuôn mặt điển hình nhất cho HTCM ở ngay tại nước Mỹ trong vòng mấy thập niên trở lại đây không ai khác hơn là Chomsky.
Avram Noam Chomsky, giáo sư đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology), sinh năm 1928, gốc Do Thái, tốt nghiệp tiến sĩ ngữ học năm 1955. Sau khi tốt nghiệp, ông viết Syntactic Structures là tác phẩm nổi tiếng nhất trong lãnh vực ngữ học thế kỷ 20, tạo ra hẳn một trường phái ngữ học riêng biệt mang tên ông, cách mạng hóa việc nghiên cứu ngữ học. Chomsky đã sử dụng vai vế, tiếng tăm và tầm vóc trong lãnh vực ngữ học để trở thành tiếng nói hàng đầu của Tả phái Hoa Kỳ vào thập niên 1960.
Tờ báo Anh The Guardian cho biết: “Chomsky được xếp ngang hàng với Marx, Shakespeare và Thánh Kinh như là một trong 10 nguồn tra cứu được trích dẫn nhiều nhất trong các môn khoa học nhân văn và là nhà văn duy nhất trong số đó còn sống”. Tạp chí Foreign Affairs (Hoa Kỳ) thừa nhận Chomsky rất có uy tín ở châu Âu và nhiều nơi trên thế giới. Tờ New York Times cho biết ông là tiếng nói từ Mỹ được đọc nhiều nhất về chính sách ngoại giao trên hành tinh này. Ông là diễn giả được mời nhiếu nhất: lịch thuyết trình luôn luôn đặc kín, ai muốn mời phải đặt cọc trước hàng cả hai năm trước. Mỗi buổi thuyết trình của ông thu hút cả hàng ngàn người. Tính quần chúng của Chomsky trở thành một hiện tượng văn hóa. Giới ca nhạc (như nhóm Bone of U2) gọi ông là “một kẻ nổi loạn không ngừng nghỉ, một Elvis (Presley) của giới hàn lâm”. Nhiều nhóm hoạt động chống chiến tranh và chống toàn cầu hóa xem ông là nguồn cảm hứng. Ngày nay, các nghệ sĩ, ca sĩ, nhà văn và sinh viên vẫn dựa trên các tư tưởng và công trình của Chomsky để chống các chính sách của chính quyền Mỹ.
Từ bục giảng của một trong những trường đại học lớn nhất Hoa Kỳ (và lớn nhất thế giới), được sự bảo đảm của quy chế tự trị đại học và của quyền tự do phát biểu quy định trong Hiến Pháp, ông dùng ngòi bút của mình để tấn công, không những một cá nhân, một chính quyền hay một đường lối nào đó, mà hầu như toàn diện vào nhà nước Hoa Kỳ với một sự bền bỉ, mãnh liệt, và cực đoan nhất. Sự nghiệp của ông bắt đầu bằng thái độ lên án chiến tranh Việt Nam. Bài viết đầu tiên của ông là “The Responsibility of Intellectuals” xuất hiện trên tờ The New York Review of Books vào năm 1967, được xem như là bản tuyên ngôn của trí thức cánh tả Hoa Kỳ chống lại cuộc chiến tranh này. Trong bài báo khá dài đó, ông lên án các nhà trí thức, thay vì hành xử như những nhà trí thức tự do thách đố với dư luận, trở thành những kẻ phản bội bằng cách tự khép mình làm tôi tớ cho nhà nước kỹ nghệ-quân sự. Họ trở thành một lớp quan lại mới, biến Hoa Kỳ thành một sức mạnh đế quốc. Chiến tranh Việt Nam được thiết kế và hành xử bởi những quan lại mới đó [21] .
Tiếp đó, ông viết liên tục và viết nhiều sách và bài báo về Việt Nam: American Power and the New Mandarins, At War with Asia, For Reason of State… Ông đi diễn thuyết khắp các trường đại học, kêu gọi sinh viên đứng lên chống lại cuộc chiến, đồng thời cùng với sinh viên xuống đường. Theo ông, Mỹ can thiệp quân sự ở Việt Nam mà không hề có sự đồng ý của nhân dân Nam Việt Nam.
-“Sự kiện giản dị nhất là không có bất kỳ một quyền lợi hay nguyên tắc hợp pháp nào xác định cho sự sử dụng lực lượng quân sự ở Việt Nam”, Chomsky khẳng định.
Nhìn qua các hoạt động cũng như quan điểm của Chomsky trong một thời gian dài, có thể nói ông ta đã đóng một vai trò tích cực trong việc làm thất bại các nỗ lực của Mỹ và của Việt Nạm Cộng hoà trong cuộc chiến tranh chống cộng sản Việt Nam. Từ lâu, người quốc gia Việt Nam vẫn thường đổ lỗi về sự thua trận của Việt Nam Cộng hoà cho những nhân vật như Kissinger, Nixon, Ford… hay nói chung, cho sự thất hứa của chính quyền Mỹ đối với các cam kết bảo vệ miền Nam. Trong cuốn Khi Đồng minh tháo chạy, tác giả Nguyễn Tiến Hưng không ngần ngại quy trách tất cả cho các khuôn mặt có thẩm quyền trong chính giới Mỹ, nhất là cho Kissinger mà quên rằng, đằng sau sự thất hứa đó là tác động tích cực của giới trí thức chống chiến tranh Mỹ mà Chomsky đóng vai trò hàng đầu. Một bài báo, một bài diễn thuyết hay một lời hô hào của Chomsky đều là cú đấm ngàn cân vào các nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến.
Sau biến cố 9/11, trong lúc cả nước Mỹ và toàn thế giới bàng hoàng vì hàng ngàn người chết do cuộc tấn công khủng bố tại New York thì ngay ngày hôm sau, 12/9/2001, trong một bài báo ngắn có tựa đề A Quick Reaction in trên tạp chí Counter Punch [22] , ông quả quyết tổng số người chết là “nhỏ nếu so với những nạn nhân thuộc thế giới thứ ba bị chết vì chính sách khủng bố của Hoa Kỳ”. Sau đó là hai tác phẩm ghi lại những lần phỏng vấn kể từ sau ngày 11/9 trở thành những tác phẩm best-seller. Một trong hai được quay thành phim. Với các tác phẩm đó, có lẽ Chomsky là nhà trí thức nổi bật nhất trong nước Mỹ đã hợp lý hóa cuộc tấn công khủng bố của Al Qaeda ngày 11/9. Lại một lần nữa, Chomsky trở thành khuôn mặt trí thức hàng đầu chống lại chính sách chống khủng bố của tổng thống Bush. Ông lên án cuộc tấn công lật đổ chế độ độc tài Taliban ở Afghanistan và Saddam Hussein ở Iraq. Ông cho rằng những cuộc tấn công đó chính là hành vi khủng bố chứ không phải là chống khủng bố. Trái với quan niệm thông thường, ông cho rằng khủng bố chính là vũ khí của kẻ mạnh [23] . Ông gọi chính quyền Hoa Kỳ là “nhà nước khủng bố hàng đầu” (a leading terrorist state).
Cách đánh giá các biến cố của Chomsky nằm trong một quan điểm nhất quán về bản chất của hệ thống chính quyền Mỹ và các chính sách của nó. Trong suốt 40 năm, ông liên tục diễn thuyết, viết và xuất bản sách, có khi hai hay ba cuốn /năm. Thông điệp của ông, qua thời gian, hầu như không thay đổi: Hoa Kỳ là sức mạnh của kẻ ác trong thế giới. Có thể tóm tắt một số luận điểm của Chomsky như sau:
- Hệ thống chính quyền Mỹ tự bản thân là một cái gì hư hỏng. Qua những chính sách được thực hiện ở khắp mọi nơi, nó đang dần dần trở thành phát xít. Tổ hợp kỹ nghệ-quân sự, chỗ dựa vững chắc của chính quyền Mỹ, là một công cụ nằm trong tay những thành phần lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị. Để bảo đảm, nhóm này phải bành trướng quyền lực ra nước ngoài trong những đường lối chống lại giai cấp thợ thuyền và nông dân trong các xứ sở tại. Những lời tuyên tuyền về tự do, dân chủ của Mỹ chỉ để che giấu toàn những ý đồ không lành mạnh. Nền dân chủ Mỹ, thực ra, chỉ là một loại độc tài, “độc tài bốn năm” (four-year dictatorship) và các cam kết kinh tế thị trường tự do chỉ là ngụy trang cho các quyền lực của các đại công ty Mỹ.
-“Căn cứ vào bất cứ tiêu chuẩn khách quan nào, Hoa Kỳ đều trở nên thứ quyền lực xâm lăng nhất, là đe dọa lớn nhất đối với hòa bình, quyền tự quyết quốc gia và sự hợp tác quốc tế”, ông phát biểu.
- Các tổ hợp kỹ nghệ-quân sự tìm cách đè bẹp các sự chống đối bằng cách kiểm soát các phương tiện truyền thông. Trong tác phẩm Manufacturing consent: The political Economy of the Mass Media (viết chung với Edward S. Herman), ông cho rằng tự do báo chí trong xã hội Mỹ chỉ là màn khói mù che giấu những tham vọng của các nhóm đặc quyền chinh phục xã hội. Truyền thông, trước khi đến với độc giả bình thường, phải đi qua năm bộ lọc: 1- Chủ nhân của truyền thông là những đại công ty; 2- Đa phần lợi nhuận của nó là nhờ các quảng cáo chứ không dựa trên độc giả, vì thế, tin tức và bình luận phải phản ảnh ước muốn và giá trị của các doanh nghiệp đăng quảng cáo; 3 - Lệ thuộc vào các định chế nhà nước; 4 - Các luật lệ không cho các nhà báo dễ dàng vượt rào gọi là flak; 5 - Các tiêu phạm làm báo, được chia sẻ bởi nghề làm báo. Cho nên bất cứ đơn vị truyền thông nào bước ra ngoài hàng là sẽ bị chơi sát ván bằng những màn kiện tụng, tố cáo…Tóm lại, truyền thông không vô tư mà là đầy thiên vị [24] .
- Kẻ thù mà họ nêu lên làm mục tiêu để dọa dẫm quần chúng đều không có thực: cộng sản không hề đe dọa đến quyền con người và tự do.
- Mỹ là kẻ bảo trợ các nhà nước độc tài và áp bức trên thế giới qua hình thức viện trợ và bán vũ khí cho họ.
- Ngay khi Mỹ đúng, Mỹ cũng sai: khi tham gia vào hai cuộc Thế chiến, thực ra Mỹ chỉ nhằm mục đích cột chặt các đồng minh của họ vào sự lệ thuộc.
- Chính sách đối ngoại của Mỹ căn cứ trên “đe dọa của tấm gương tốt” (threat of good example) [25], một loại lý thuyết domino. Hoa Kỳ dùng sức mạnh để giữ những quốc gia chư hầu lệ thuộc vào mình, sợ rằng nếu quốc gia thoát khỏi ảnh hưởng của mình, sẽ kéo theo những quốc gia khác bắt chước làm theo.
Các quan điểm trên không có gì mới mẻ, chỉ là sự lặp lại những luận điểm quen thuộc của cộng sản về chế độ tư bản hàng chục năm nay. Cái đáng nói ở đây là tính cách cực đoan của Chomsky. Ông bài bác Mỹ từ trong ra ngoài, từ đầu đến chân. Tóm lại, “Đối với Chomsky, thế giới chia làm kẻ áp bức và người bị áp bức. Hoa Kỳ là nước áp bức chính, là nhà nước khủng bố hàng đầu. Là giáo sư tại MIT, ông hưởng một vị trí đặc quyền, từ đó, phát ra những cuộc luận chiến chống Mỹ. Không còn cơ hội lao ra đường phố như hồi thập niên 1960, họ tiếp tục chống Mỹ trong lớp học” [26] . Ông chống Mỹ từ ngay nơi mà chính những nguyên tắc thành lập nước Mỹ đã tạo nên cơ hội để xây nên tên tuổi Chomsky: quyền tự do phát biểu. Tưởng tượng nếu Chomsky được đưa sang Liên Xô, Trung Quốc hay Việt Nam – những nơi mà ông hết lòng ca ngợi – thì ông sẽ trở thành cái gì?
Có lẽ không có nơi nào trên thế giới mà sự tự do phát biểu đạt đến mức độc đáo gần như lạ lùng như ở Mỹ, chẳng hạn như người công dân có quyền đốt quốc kỳ Mỹ mà không phạm bất cứ một tội lỗi nào. Với chính sách tự trị đại học, các học giả, các giáo sư và các nhà trí thức vùng vẫy trong một môi trường hầu như miễn nhiễm. Hiến Pháp Mỹ bảo vệ tối đa sự miễn nhiễm đó cho Chomsky, cho dù quan điểm và các hoạt động liên tục của ông gây ra vô vàn tai hại cho chính quyền Mỹ. Sự kiện đó được diễn tả qua một nhận định quen thuộc của Voltaire: tôi chống quan điểm của anh nhưng tôi bảo vệ đến tối đa quyền tự do phát biểu của anh. Đó là nguyên tắc căn bản hình thành nước Mỹ.
Qua hình ảnh của Chomsky, có thể nói HTCM ngay tại nước Mỹ còn có tính cách cực đoan hơn HTCM tại nhiều nơi trên thế giới. Những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam diễn ra tại nước Mỹ là liên tục nhất, ảnh hưởng nhất và với một tầm mức rộng lớn hơn nhiều so với các nơi khác trên thế giới. Sự phê phán các chính sách của nhà cầm quyền Mỹ cũng xuất phát từ Mỹ. Những sai lầm của nó từ vụ thảm sát Mỹ Lai ở Việt Nam cho đến vụ tra tấn tù nhân Iraq tại nhà tù Abu Ghraib hay tại Guantanamo… và bao nhiều scandal khác hầu hết đều do báo chí Mỹ và những nhà trí thức Mỹ chủ động tìm tòi, khám phá và đưa ra ánh sáng. Nước Mỹ sẵn sàng phơi bày chính nó, đôi khi sự phơi bày lộ liễu đến mức kỳ quặc như vụ scandal Clinton-Lewinski, trong đó, toàn bộ hồ sơ tòa án với những sự việc tục tĩu được đưa lên mạng cho toàn thế giới đọc.
Tóm lại, có thể nói, HTCM nằm ngay chính trong Americanism. Nói không quá, ở một chừng mức nào đó, HTCM là một trong những đặc điểm của cơ chế Mỹ. Nếu nó gây ra nhiều tai hại cho nước Mỹ thì ở một điểm khác, nó lại giúp điều hòa sinh hoạt chính trị và xã hội Mỹ. Nó giúp “năng động hóa” cơ chế Mỹ. Những chế độ toàn trị luôn luôn nơm nớp sợ hãi trí thức và tự do báo chí nên suy gẫm về điều này.
Bởi vậy, thay vì làm khó dễ Chomsky như thời còn mồ ma của McCarthyism (chủ nghĩa chống Cộng cực đoan), cách đối phó duy nhất với Chomsky là tranh luận. Nhiều trận đụng độ nảy lửa diễn ra dài dài giữa Chomsky cùng những người ủng hộ ông và những trí thức chống đối ông, nổi bật là các tác giả như William F. Buckley Jr., Lionel Abel, Stephen Morris, Arthur Schlesinger Jr., David Horowitz, vân vân. Họ cố tìm cách bẻ gãy lý luận của Chomsky - và qua đó, bài bác HTCM nội địa. Theo nhiều tác giả, tranh luận với Chomsky không dễ dàng gì vì ngòi bút của Chomsky rất sắc bén. Văn của ông là một loại văn đặc biệt, pha trộn giữa sự kiện, hư cấu khiến người tranh luận rất dễ lầm lẫn và lạc lối.
Nhưng chính cái mạnh của Chomsky lại chứa đựng một điểm yếu rất căn bản: thái độ hoàn toàn đứng về một phía, giữ duy nhất một lập trường, thiếu cái nhìn biện chứng. Một thái độ như thế thường đưa đến một nghịch lý buồn cười: lập trường tiến bộ nhất, theo thời gian, lại trở thành bảo thủ nhất. Điều đó một mặt, có tính cách phản trí thức và mặt khác, đưa đến thái độ bướng bỉnh, không chịu chấp nhận thực tế. Ông ca ngợi đến cùng các chính sách tập thể hóa nông nghiệp ở Liên Xô, ca ngợi chính sách cải cách ruộng đất và cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, bênh vực nhà nước cộng sản Bắc Việt trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Đến khi Liên Xô, Trung Quốc cũng như cộng sản Việt Nam thất bại trong các chính sách của họ, Chomsky vẫn không hề thay đổi các luận điểm quen thuộc. Một trong những cái “hố” lớn nhất của Chomsky là ông bảo vệ nhà cầm quyền diệt chủng Pol Pot. Khi các bằng chứng đưa ra cho thấy Pol Pot đã tàn sát hàng triệu người dân Campuchia, Chomsky vẫn khăng khăng không chịu thừa nhận sai lầm của mình. Và rồi mới đây, Chomsky lại lên tiếng bảo vệ cuộc tấn công vào tòa tháp đôi New York của nhóm khủng bố Hồi giáo. Tiếng nói của lương tâm hay là một hành vi lập dị?
Nếu sự phê phán của ông đối với các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ vẫn còn có giá trị đáng kể ở một mức độ nào đó thì sự tan rã của đế quốc Xô Viết, sự kết thân của Trung Quốc và Việt Nam với Mỹ, sự chuyển đổi chính sách từ kinh tế xã hội chủ nghĩa đến thị trường tự do ở các nước này, sự sụp đổ của chế độ Pol Pot, v.v… là những chứng minh hùng hồn cho thấy cái nhìn của Chomsky hoàn toàn đi ngược lại thực tiễn. Trong một thời đại mà mọi sự thay đổi nhanh đến chóng mặt, bất cứ một quan điểm nhất phiến nào cũng đều bị thực tế vùi dập không thương tiếc. Đó là kinh nghiệm cay đắng của con chim đầu đàn của hiện tượng chống Mỹ nội địa, Chomsky.
[1]Jean-Francoise Revel, Anti-Americanism, tr. 77
[2]bricolage: something made or put together using whatever materials happen to be available
[3]Xem Denis Lacorne, Anti-Americanism and Americanophobia: A French Perspective
[4]Robert Aron và Arnaud Dandieu, Décadence de la nation francaise, Paris Rieder, 1931, trang 107, 108, dẫn theo Denis Lacorne, bđd.
[5]Nhóm “Esprit” do Robert Aron và Arnaud Dandieu thành lập năm 1930, xuất bản tờ tạp chí Ordre nouveau đặtỉ lại vấn đề về nền văn minh Tây phương.
[6]Xem Tony Judt, Past Imperfect: French Intellectuals, 1944-1956, Berkeley, University of California Press, 1994 (Dẫn theo Denis Lacorne, sđd)
[7]Dẫn theo Denis Lacorne, sđd
[8]Pierre Bourdieu, “Questions aux vrais maitres du monde”
[9]Emmanuel Todd, After the Empire: The Breakdown of the American Order
[10]Emmanuel Todd, sđd , tr. 109
[11]The country has by no means lost all of its national characteristics, and it will fail as an empire (Emmanuel Todd, sđd tr. 74)
[12]Nguyên văn: heavy consummer
[13]Nguyên văn: the planet’s glorious beggar (Emmanuel Todd, sđd tr. 58)
[14]Nguyên văn: minor powers
[15]Emmanuel Todd, sđd, tr. 132
[16]Emmanuel Todd , sđd, tr. 134
[17]Emmanuel Todd , sđd, tr. 143-144
[18]Formerly perceived as a peacemaker, America become a troublemaker (Emmanuel Todd , sđd, tr. 169-170)
[19]Emmanuel Todd , sđd, tr. 176
[20]Charles Maurice de Talleyrand-Périgord (1754-1838) là nhà ngoại giao nổi tiếng Pháp trải qua 5 triều đại: vua Louis XVI, Cách mạng tư sản, Napoleon đệ I, Louis XVIII và Louis-Philippe.
[21]Noam Chomsky, “The Responsibility of Intellectuals”
[22]http://www.counterpunch.org/chomskybomb.html
[23]Noam Chomsky, Hegemony or Survival: America’s Quest for Global Dominance
[24]Noam Chomsky, What Uncle Sam Really Wants
[25]Noam Chomsky, The Culture of Terrorism, tr. 217-222
[26]Xem John Diggins, The Rise and the Fall of the American Left. New York : W.W. Norton, 1992
VI. Nước Mỹ qua lăng kính của Hiện tượng chống Mỹ
Như đã đề cập ngay từ đầu bài, HTCM xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tùy từng quốc gia, từng giai đoạn và từng chính sách, đi từ sự chống đối lại một hay nhiều chính sách nào đó của Mỹ cho đến sự bài Mỹ một cách dai dẳng và có hệ thống. Tất cả tùy thuộc vào cách nhìn nhận nước Mỹ, cung cách hành xử cũng như các chính sách của nó từ vị trí của mỗi một quốc gia trên thế giới. Hình ảnh nước Mỹ xuất hiện qua lăng kính của HTCM đại khái bao gồm các điểm sau:
- Triết lý kinh tế: Chủ trương kinh thế thị trường tự do nhắm vào cạnh tranh, tư hữu hóa và tự cung tự cấp dựa trên cá nhân chủ nghĩa của Mỹ là một hệ thống tạo ra những bất bình đẳng to lớn. Thế nhưng Mỹ tìm cách duy trì vĩnh viễn và tăng tiến hệ thống kinh tế kiểu này trên toàn thế giới. Các ông chủ xí nghiệp Mỹ ép buộc một lối sống đồng dạng (uniforn way of life) trên toàn thế giới. Hạn từ cocacolanization dùng để diễn tả tính chất đó. Các chi nhánh fast food của McDonald, Burgerking, siêu thị và mall… là biểu tượng của lối sống Mỹ, giết chết cách làm ăn buôn bán địa phương cổ truyền ở các nước khác.
- Chính sách ngoại giao của Mỹ đơn phương được kèm theo những ngôn từ đẹp đẽ như tự do, nhân quyền, dân chủ nhưng thực tế cho thấy Mỹ chỉ áp dụng khi nào chúng phù hợp với quyền lợi thiết thân của Mỹ. Khi cần, Mỹ có khuynh hướng dùng sức mạnh quân sự để bành trướng ảnh hưởng trên thế giới. Với chính sách đó, sự bất bình đẳng càng ngày càng tăng trên thế giới vì sự giàu có càng ngày càng tập trung ở Mỹ.
- Tự do phát biểu: Luật tự do phát biểu của Mỹ đụng chạm nhiều đến các nước khác, nhất là khi Internet xuất hiện. Thông tin xuất hiện trên Internet đủ dạng loại, dễ dàng tiếp cận, gây ra nhiều đụng chạm đến nền tảng văn hóa, phong tục riêng của mỗi xã hội.
- Tự do tôn giáo: Người Mỹ cho rằng họ có sứ mạng bảo vệ thế giới khỏi bọn “quỷ”, hướng về Thượng Đế. Quốc hội Hoa Kỳ thông qua một dự luật thừa nhận một ngày cầu nguyện để bảo vệ Mỹ và các chiến sĩ của họ chống khủng bố. Trong thời gian vừa qua, tổng thống Bush không ngần ngại tuyên bố rằng ông chủ trương đánh chiếm Iraq là theo ý Thượng Đế. Trên đồng bạc của Mỹ có in dòng chữ “In God we trust” hay vụ kiện bỏ “Under God trong Pledge of Allegiance”. Những chính sách này đi ngược lại Hiến Pháp Hoa Kỳ là tách rời tôn giáo ra khỏi chính quyền. Mặt khác, Mỹ luôn luôn đề cao chủ trương tự do tôn giáo. Chủ trương đó không có gì sai trên nguyên tắc. Nhưng đối với một số nước, nó tạo cơ hội cho những tôn giáo khác bành trướng, dẫn đến sự xung đột với truyền thống văn hóa và tôn giáo lâu đời của họ. Thực ra, ngay ở Mỹ, chủ trương này cũng không được hoàn toàn ủng hộ, chẳng hạn người Công giáo không mấy hài lòng với nhiều tôn giáo được sinh hoạt và phát triển tự do ở Mỹ mà bản chất của họ là chống Công giáo như giáo phái Mormon, Jehovah hay Tin Lành.
- Anh ngữ: Ưu thế của Anh ngữ trên thế giới được xem như là một hình thức thuộc địa hóa về mặt văn hóa của Mỹ, ngay cả đối với những nước mà Anh ngữ là ngôn ngữ chính. An ngữ bây giờ gần như là quốc tế ngữ. Người Mỹ không cần phải học thêm bất cứ ngoại ngữ nào khác, trong lúc các nước khác, dù không muốn, cũng phải học tiếng Anh. Ở cộng đồng Âu châu, người ta tranh cãi dằng dai về việc nên chọn Anh ngữ là ngôn ngữ chính thức hay không, đưa đến nhiều xung đột và bất đồng, vì trong số đó, chỉ có 1/8 số nước là nói tiếng Anh. Nếu chọn Anh ngữ thì vô hình chung là thừa nhận ảnh hưởng của Mỹ, trong khi đó, việc thành lập Cộng đồng Kinh tế Âu châu là để chống lại ảnh hưởng của Mỹ.
- Văn hóa đại chúng Mỹ: Qua sách, báo, truyền hình và Internet với số lượng và thời lượng dồi dào, phong phú, hấp dẫn, văn hóa đại chúng Mỹ xâm nhập ồ ạt và sâu xa vào tất cả mọi xã hội bất kể các rào cản về phong tục, tập quán, truyền thống tôn giáo và các biện pháp công quyền (có lúc rất chặt chẽ và cương quyết). Người ta gọi là có một sự “thặng dư kinh doanh” (trade surplus) các chất liệu và văn hóa Mỹ tại hầu khắp trên thế giới. Ở nhiều nơi không có các luật lệ bảo vệ văn hóa mạnh, các sản phẩm Mỹ tự do xâm nhập, làm xáo trộn xã hội và đè bẹp các sản phẩm văn hóa địa phương.
Thị trường phim ảnh gần như Mỹ độc quyền. Mỹ xuất cảng nhiều mà không nhập cảng mấy. Sách, truyện cũng vậy. Sách Mỹ dịch ra tiếng ngoại quốc thì nhiều mà sách nước ngoài dịch ra Anh Văn rất giới hạn (dưới 3% là sách dịch). Họ cũng chào đón các nền văn học nước ngoài, miễn là chúng xuất phát từ địa phương và mang bản sắc địa phương Mỹ, nghĩa là được viết bới những nhà văn đã là công dân Mỹ, viết từ nhãn quan Mỹ. Nói chung Mỹ không mấy cần đến văn hóa nước ngoài. Văn hóa nước ngoài tự đi vào Mỹ qua di dân, tự thoát xác, hội nhập vào Mỹ (Mỹ hóa).
Riêng đối với các nước Hồi giáo, các sản phẩm văn hóa phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng – với tính cách đề cao lối sống tự do, quan hệ tình dục bừa bãi và đầy tính chất thế tục - tự bản thân chúng là những công cụ tuyên truyền chống Hồi giáo rất mạnh mẽ và hữu hiệu.
- Thái độ cao ngạo: Người Mỹ thường tỏ ra hãnh diện một cách công khai về sự giàu có, về các thành tích thần kỳ trong lãnh vực khoa học và kinh doanh. Đặc biệt là xiển dương lòng ái quốc kiểu Mỹ (American patriotism), theo đó, Mỹ tự cho mình là “quốc gia vĩ đại nhất chưa bao giờ hiện hữu trên trái đất”. Lòng ái quốc đó không những chỉ để bảo vệ nước Mỹ mà còn để bảo vệ cả thế giới, “cứu vớt cả thế giới”. Thứ chủ nghĩa ái quốc, qua ưu thế của truyền thông, được truyền bá khắp thế giới. Theo Henry James, người Mỹ là người nghiện niềm tin cho rằng những quốc gia khác trên trái đất luôn luôn có âm mưu hạ giá trị của họ vì ganh tỵ.
Nước Mỹ, kể từ năm 1812, không hề chịu đựng một cuộc chiến tranh nào trên đất nước của họ với nước khác, do đó, quân lực Mỹ hùng mạnh và bằng quân lực, họ dùng để đe dọa và “blackmail” các nước khác, kể cả với đồng mình của mình. Ở Anh, người ta so sánh sự kiêu ngạo của Mỹ (qua vũ khí) bằng hình vẽ một chiếc B52 thả bom mà giá trị của nó lớn hơn ngân sách làm việc một năm của Liên Hiệp Quốc.
- Nhiều người Mỹ thiếu kiến thức về thế giới: Người Canada và Âu châu đều cho rằng đại đa số dân Mỹ thiếu các kiến thức căn bản về các vấn đề quốc tế, về lịch sử, địa lý, văn hóa của các nước khác. Lý do là vì họ cảm thấy không cần phải biết. Sự thiếu kiến thức này được tăng cường thêm do ngành giáo dục và truyền thông Mỹ có tính cách Americentrist (chỉ biết có Mỹ). Họ cho rằng nước Mỹ, với đất đai mênh mông, có đủ danh lam thắng cảnh, khí hậu khác biệt, nhiều chủng tộc (Mỹ có đến 146 sắc dân đến từ 146 quốc gia khác nhau), nhiều sắc thái văn hóa rồi, không cần phải đi tìm đâu xa.
- Môi sinh: Cách sống của Mỹ là phí phạm và vô trách nhiệm đối với môi trường. Mỹ là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất trên thế giới. Với dân số chỉ bằng 4% dân số thế giới, họ tạo ra đến 25% ô nhiễm môi trường toàn cầu.
- Xã hội có tính đa văn hóa của Mỹ với sự pha tạp nhiều chủng tộc khác nhau, có nhiều dấu hiệu suy đồi. Mỹ là cơn ác mộng của hôn nhân dị chủng (miscegenation).
- Xã hội Mỹ là một xã hội bạo động: Một số nước châu Âu còn chống Mỹ vì Mỹ vẫn còn duy trì án tử hình trong lúc tuyệt đại đa số các nước châu Âu đã bãi bỏ án tử hình. Người Âu châu cho đó là một biện pháp dã man, trái hẳn với lời hô hào nhân quyền của Mỹ. Mặt khác, họ phản đối chính sách cho sử dụng súng tự do ở Mỹ, dẫn đến chỗ tỉ lệ giết người, bạo động và tội phạm gia tăng.
Tóm lại, với cái nhìn của một kẻ nhiễm nặng đầu óc bài Mỹ thì quả là Mỹ không có được một điểm tốt nào. Đã đành là Mỹ có những khuyết điểm, nhưng ngay cả những ưu điểm của Mỹ (tự do, giàu mạnh, phát triển) cũng đều không tốt. Thực ra, những quy trách ở trên, nếu xét kỹ, đa phần xuất phát từ sự khác biệt về quyền lợi giữa Mỹ với các quốc gia khác và xuất phát từ công cuộc hiện đại hóa. Xã hội Mỹ hiện đại hóa quá nhanh, quá táo bạo và quá hiệu quả khiến cho giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới có một khoảng cách quá xa về giá trị cũng như về lối sống. Ngoài ra, nhiều quy trách xuất phát từ sự hiểu lầm hay từ cách đánh giá không đúng về lối vận hành hết sức đặc thù của xã hội Mỹ.
Điều quan trọng nhất cần ghi nhận, về bản chất, sự hình thành quốc gia Mỹ hoàn toàn khác hẳn với sự hình thành các quốc gia khác trong phần còn lại của thế giới. Sự hình thành chính sách của một quốc gia nào đó thường lệ thuộc nhiều điều kiện: truyền thống, lịch sử, dân cư, thói quen và cả thành kiến riêng. Nước Mỹ không bị ràng buộc nặng nề bởi quá khứ. Họ làm theo cách riêng của họ, American way. Nếu một chính sách nào đó phù hợp với một ai đó trong một thời điểm nào đó, thì OK, thân Mỹ. Ngược lại, chống Mỹ. Thay đổi từ thái độ chống Mỹ sang thân Mỹ hay ngược lại có lẽ không có gì khó khăn và đòi hỏi quá nhiều điều kiện. Vả lại, người ta rất có thể thân Mỹ (ở chuyện này) và chống Mỹ (ở chuyện khác) cùng một lúc mà không cảm thấy mâu thuẫn gì lắm.
VII. Chống Hiện tượng chống Mỹ (Anti-anti-Americanism)
Nhiều nhà bình luận cho rằng HTCM xuất phát từ một thái độ phổ biến: ganh tị với bất cứ quốc gia nào giàu mạnh nhất. Sử gia Pháp Fernand Braudel (1902-1985) nhận xét: “Ngay tại trung tâm của nền kinh tế thế giới, người ta luôn luôn tìm thấy một quốc gia ngoại hạng, hùng mạnh, xông xáo và đặc ân, năng động khiến vừa sợ vừa ngưỡng mộ. Vào thế kỷ 15, đó là Venice; thế kỷ 17 là Holland, thế kỷ 18 và 19 là Anh và ngày nay là Hoa Kỳ” [1] .
Có Americanism thì có anti-Americanism. Có anti-Americanism thì lại có anti-anti-Americanism, chống Hiện tượng chống Mỹ.
Đối với chính phủ Mỹ cũng như người dân Mỹ, HTCM không phải là điều gì mới mẻ. Trong quá trình vươn lên từ một quốc gia non trẻ có một lịch sử chưa đầy 250 năm kể từ ngày thành lập đến chỗ trở thành cường quốc hùng mạnh nhất trên hành tinh, người Mỹ luôn luôn đụng phải thái độ thù nghịch ở nhiều nơi, trong nhiều lúc, từ bạn cũng như kẻ thù. Ảnh hưởng của Mỹ tràn đến đâu thì đồng thời cũng phát sinh ra xu thế chống Mỹ đến đó. Vì thế, trong lúc tìm cách bành trướng, củng cố vai trò của mình đồng thời chính phủ Mỹ cũng quảng bá, tuyên truyền chính sách đường lối của mình cho nhân dân các nước sở tại. Tùy nơi, tùy lúc, chính phủ Mỹ khi thì áp dụng chính sách cây gậy, khi thì củ cà rốt, khi thì tổng hợp cả hai.
Các hình thức chống Mỹ quá nhiều, quá đa dạng và quá bất định đến nỗi những nhà hoạch định chính sách Mỹ, lúc này và lúc khác, đành lắc đầu, không biết phải đối phó như thế nào. Đến nỗi hình như đó là điều không bao giờ có thể khắc phục được. Đừng nói gì những chính sách lớn lao mà Mỹ áp dụng trong một thời điểm nào đó cho một cuộc khủng hoảng nào đó gây ra những bất bình cho những quốc gia và dân tộc dính líu tới, trong rất nhiều trường hợp, tình cảm chống Mỹ nổ bùng một cách mạnh mẽ, dữ dội chỉ vì một sự kiện rất nhỏ: tờ Newsweek đăng tin về một nhân viên coi tù nào đó giẫm chân lên cuốn kinh Qu’ran và xả nước cho trôi xuống cầu tiêu. Không cần biết hư thực, khắp nơi trong thế giới Hồi giáo, người ta rầm rầm biểu tình chống Mỹ, gây ra hàng chục người chết. Và rõ ràng những sự kiện như thế chẳng dính dáng gì đến tính cách Mỹ và chính sách của Mỹ cả. Đó chỉ là một chuyện thuộc về nhân sinh, có thể xảy ra bất cứ nơi đâu trên thế giới này.
Vào tháng 9 năm 2002, Sở Tình báo và Điều nghiên thuộc Bộ Ngoại giao (State Department ‘s Bureau of Intelligence and Research) tiết lộ rằng họ đã hướng dẫn một cuộc nghiên cứu về HTCM trên toàn thế giới. Đồng thời, cùng hợp tác với CIA, cơ quan này tổ chức một hội nghị nhằm mục đích thăm dò nhiều hình thức biểu lộ và gốc rễ của HTCM. Theo Richard Boucher, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, các quan chức Mỹ cần hiểu rõ “nguồn gốc và nguyên nhân và lý do khiến người ta không thích chúng ta ở một số nơi nào đó để chúng ta có thể phản công lại”. Một nhóm học giả và tác giả được mời đến với mục đích nghiên cứu và cải thiện hình ảnh của Mỹ. Các đề tài thảo luận đại loại như “Thái độ từng vùng đối với Hoa Kỳ” (Regional Attitudes towards the United States) “Có phải kiểu thức Hoa Kỳ đã trở thành chiếc cột thu lôi cho diễn ngôn toàn cầu Không?” (Has the American Model Become a Lightning Rod for Global Discourse?), “Những diễn viên mới trong Liên minh chống Mỹ – Liệu quyền năng mềm mỏng làm hại hay lợi cho Hình Ảnh của Mỹ?”…
Trong lúc đó, trong quần chúng và giới trí thức, nhiều sách báo, nhiều bài tham luận cũng được xuất bản, tập trung vào việc nghiên cứu xu thế chống Mỹ từ trong ra ngoài. Dù chuyện chống Mỹ không phải là điều mới mẻ đối với công chúng Mỹ, những HTCM thực sự chỉ mới được quan tâm trong thời gian gần đây, nhất là sau cuộc tấn công khủng bố 11/9 và các cuộc xâm lăng Afghanistan và Iraq. Tuy thế, phần nhiều bài viết đều do các nhà báo, các viên chức chính phủ đặc trách đề ra chính sách còn các học giả thì không mấy lưu tâm đến HTCM. Hoặc nếu có lưu tâm thì lại đưa ra một cái nhìn rất phiến diện. Trong vòng 20 năm qua, có khá nhiều tác phẩm viết về HTCM ở Trung Hoa, Đức, Canada, Hy Lạp hay Tây Ban Nha nhưng các điểm chính yếu đáng quan tâm thì chỉ được đề cập sơ sài. Tác phẩm nghiên cứu tương đối toàn diện về vấn đề là Anti-Americanism: Rational and Irrational của Paul Hollander. Dẫu vậy, chỉ có ba chương là nghiên cứu về HTCM ở nước ngoài. Phần còn lại, ông chuyên chú phân tích thái độ chống Mỹ ở trong nước Mỹ (domestic anti-Americanism). Thái độ đó là một hình thức tự phê hoặc chống đối lại một số chính sách đối ngoại hay đối nội nào đó của nhà cầm quyền Mỹ. Nhưng nhìn chung, theo ông, làm một người Mỹ mà lại chống Mỹ thì quả là phản bội nơi sinh ra và nuôi dưỡng mình. Ông cho rằng hầu hết các lý do căn bản của HTCM đều phi lý và xuất phát từ chỗ hiểu biết hoàn toàn lệch lạc về nước Mỹ.
Bernard Lewis, một học giả chuyên trách về Trung Đông, lại còn đi xa hơn và quá khích hơn. Trong một lần thuyết trình về chính sách Mỹ tại Trung Đông, Lewis bác bỏ ý kiến cho rằng những trả đũa quá mạnh bạo của Mỹ sẽ gây nên tâm lý bất lợi ở các nước Ả Rập. “Trong phần đó của thế giới, không có gì quan trọng hơn là một ý chí kiên định và sức mạnh”. Một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp như Lewis lại đưa ra một quan điểm vừa bảo thủ, cực đoan lại vừa bất chấp thực tiễn như thế thì không có gì ngạc nhiên khi Tom Delay, lãnh tụ đa số Hạ Viện lúc đó, mạnh miệng quả quyết “Trong thế giới Ả Rập trước 11/9, họ nghĩ rằng Mỹ là con hổ giấy. Một vị tổng thống của chúng ta (ám chỉ tổng thống Clinton) đã trả đũa khủng bố bằng cách ném một ít bom ở sa mạc. Họ cười ngạo. Và bây giờ họ thấy chuyện thật và sức mạnh thật. Và họ sợ sức mạnh” [2]. Thứ quan điểm diều hâu và ấu trĩ như thế mà biến thành chính sách ngoại giao thì trách gì chính quyền Mỹ đi hết sai lầm này đến sai lầm khác trong các chính sách về Trung Đông và các đối sách đối với thế giới Hồi giáo. Tình hình Iraq và Afghanistan hiện nay cho thấy một cái nhìn phiến diện, ngạo mạn như thế để lại những hậu quả trầm trọng và lâu dài như thế nào đối với nước Mỹ.
Tác phẩm tương đối có một cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về HTCM là Anti-Americanism [3] tập hợp nhiều tác giả là những học giả chuyên môn từ trường Đại học New York, tập trung phân tích HTCM qua nhiều khu vực khác nhau như Châu Mỹ Latinh, Trung Đông, Châu Âu, Đông Á và Hoa Kỳ. Đặc điểm của tác phẩm này là được viết bởi nhiều người thuộc các chủng tộc khác nhau và viết từ góc độ của người đứng ở vị thế chống Mỹ. Mục đích của cuốn sách là để khêu gợi sự quan tâm của công chúng Mỹ đối với một hiện tượng mà từ lâu họ vẫn có vẻ không hiểu hay không tìm cách hiểu cho đến nơi đến chốn. Chống HTCM, hóa ra, là tìm hiểu cặn kẽ nguồn gốc của HTCM. Vì có hiểu được gốc rễ sâu xa của nó, người ta mới chống lại HTCM một cách hữu hiệu hay nói cho đúng hơn, điều chính các chính sách và tính cách Mỹ cho phù hợp với phần còn lại của thế giới để tạo nên một thế cân bằng nào đó.
Điều khá trớ trêu, trong số những tác phẩm chống lại HTCM mạnh mẽ và quyết liệt nhất lại là tác phẩm của một người Pháp: Anti-Americanism [4] của Jean-Françoise Revel. Với 9 chương sách, Revel lần lượt phân tích từng điểm một của quan điểm chống Mỹ ở Pháp và đưa ra những lập luận cũng như bằng chứng cho thấy người Pháp hoàn toàn sai lầm trong việc đánh giá nước Mỹ. Jean-Françoise bênh vực từ cách bầu cử tổng thống Mỹ, việc từ chối ký thỏa hiệp Tokyo về môi trường, chính sách cho sử dụng vũ khí cho đến án tử hình, hệ thống giáo dục và nền văn hóa Mỹ. Chẳng hạn, về vấn đề ô nhiễm môi trường, nếu cho rằng quả thật Mỹ sản xuất ra 25% ô nhiễm môi trường thế giới thì “…cần vạch ra rằng Mỹ cũng sản xuất ra 25% các sản phẩm và dịch vụ của hành tinh, và rằng 167 nước ký vào hiệp ước Kyoto đã tuyệt đối chẳng làm gì để giảm bớt, dù trên bình diện tập thể hay cá nhân, 75% phần ô nhiễm môi trường do họ gây ra, trước giữa năm 2001” [5] .
Về lời cáo buộc “Mỹ áp đặt kiểu mẫu kinh tế và xã hội trên các nước khác”, Revel cho rằng: “…khi nền kinh tế Mỹ chậm lại, phần còn lại của thế giới sớm muộn gì cũng bắt đầu chịu đựng hậu quả, và mọi người sốt ruột đợi chờ một sự “phục hồi từ Mỹ” [6] . Về quan niệm cho rằng văn học Mỹ là tầm thường, không biết đến cái ác, chỉ biết đề cao bạo động, tình dục và khoe khoang cái hay cái đẹp của nó, Revel cho rằng những người phê phán đã không hề biết đến tác phẩm của những nhà văn như Frank Norris, Theodore Dreiser, Upton Sinclair hay Sinclair Lewis, John Steinbeck, Dos Passos… tố cáo bất công, tham nhũng, vô văn hóa trong xã hội Mỹ. Về nghệ thuật, bài bác ý kiến cho rằng nghệ thuật Mỹ chỉ là các khúc hát thời trang của Madona hay phim hành động với tài tử vai u thịt bắp Arnold Schwarzenegger thủ vai chính, Revel trưng dẫn nước Mỹ có đến 1700 rạp hát giao hưởng và hàng năm có đến bảy triệu rưởi người đi xem; các viện bảo tàng hàng năm có 500 triệu khách xem và tất cả các viện bảo tàng Mỹ đều do tư nhân là các nhà tư bản tài trợ và vào cửa hoàn toàn miễn phí [7] .
Revel than phiền rằng nhiều người Pháp chỉ ngồi nhà suy luận mà không hề chứng kiến thực tế Mỹ. Tinh thần chống Mỹ nói chung là bài Mỹ hơn là phê phán Mỹ. Revel mỉa mai: “Ở đây chúng ta sẽ thấy người Mỹ có ích với chúng ta như thế nào: nó an ủi chúng ta về các thất bại của riêng chúng ta, dùng cái huyền thoại cho rằng họ tệ hơn chúng ta, do đó, mỗi khi có điều gì không tốt xảy ra với chúng ta thì đó là lỗi của họ. Mỹ là con dê tế thần, được sinh ra để gánh chịu hết những tội lỗi của thế giới” [8] .
Revel nhận định: “Quyền lực thống trị của Mỹ chỉ nợ một phần ở sự sáng tạo và quyết tâm của nhân dân Mỹ; nó còn xuất phát từ sự bỏ cuộc do các thất bại chồng chất của phần còn lại của thế giới: sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, sự đổ nát của Phi châu, sự chia rẽ của Âu châu, sự chậm chạp của Á châu và châu Mỹ Latinh trong quá trình tiến đến chế độ dân chủ” [9] .
Tôi cho đó là một nhận định khá chính xác về tương quan Mỹ - thế giới.
Nhưng có thực là Á châu chậm chạp trong quá trình dân chủ hóa (có lẽ Revel muốn nói đến quá trình hiện đại hóa)?
So với các vùng khác, nói chung, ảnh hưởng của Mỹ đến với Á châu tương đối muộn và không đều. Sau Đệ nhị Thế chiến, do ảnh hưởng của cuộc Chiến tranh lạnh, với nhu cầu chống Liên Xô và đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ mới thực sự quan tâm đến Á châu. Sự quan tâm này - bất hạnh thay - đưa đến hai cuộc đụng độ lớn (chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam) khiến cản trở, làm đình đốn hay chậm lại mối quan hệ giữa hai bên. Dẫu vậy, HTCM ở Á châu không dẫn đến một tình hình cực đoan như một số nơi khác.
Người Á châu nói chung chống một số chính sách nào đó của Mỹ khi các chính sách này đi ngược lại quyền lợi của nhân dân hay của một nhà cầm quyền nào đó trong một giai đoạn nào đó. Khi chính sách này không còn nữa hay khi tình hình thay đổi, họ sẵn sàng chấp nhận Mỹ để tiến tới. Nhật Bản có lẽ là nước đầu tiên chọn thái độ này. Sau Đệ nhị Thế chiến, giữa những đổ nát và nhục nhã của một quốc gia thất trận và bị chiếm đóng, thế hệ những thanh niên mới lớn Nhật đã chấp nhận sự hiện diện và lệ thuộc Mỹ, hay nói một cách khác, lợi dụng tình hình đó để xây dựng lại nước Nhật, một nước Nhật hoàn toàn mới. Và chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã thành công.
Tiếp đó là Nam Hàn. Cũng như Nhật, người Nam Hàn chấp nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ, xem Mỹ như một cái ô dù về mặt quân sự để họ rảnh tay biến một Nam Hàn từ một trong những nước lạc hậu nhất thế giới đến một quốc gia công nghiệp hóa không thua gì các nước hàng đầu châu Âu.
Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Ấn Độ nối tiếp nhau dựa vào Mỹ để tiến bước. Đặc biệt, Ấn Độ đạt được những thành quả phi thường trên nhiều lãnh vực trong một chế độ dân chủ ổn định. Ngay cả một nước có dân số Hồi giáo đông nhất trên thế giới như Indonesia cũng đang có xu hướng đi gần với Mỹ và tập tễnh trò chơi dân chủ.
Trường hợp Trung Quốc khá ngoạn mục. Sự thay đổi của Trung Quốc từ chống Mỹ cực đoan đến hòa hoãn và thậm chí thân Mỹ ở một mức độ nào đó để lại những hình ảnh đầy ấn tượng. Sau mấy thập niên chống Mỹ cuồng nhiệt (và cuồng tín) không thua gì các nhóm cực đoan Hồi giáo hiện nay, qua sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc xoay một góc 180 độ. Tháng 2/1979, Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ, cưỡi ngựa, đội mũ cao bồi và ca ngợi kẻ cựu thù về nhiều mặt. Trở về nhà một tháng sau, ông ta ra lệnh “dạy cho Việt Nam một bài học” mà thực chất là rửa mặt giùm cho Mỹ sau thất bại ở Việt Nam bốn năm trước đó. Thành thật mà nói, các màn nặng tính chất trình diễn đó, tuy khôi hài và có chút gì cynic nhưng chứng tỏ quyết tâm của Trung Quốc từ bỏ hẳn quan điểm chống Mỹ theo lối cũ, vừa vô ích vừa vô hiệu. Từ đó, Trung Quốc nghênh ngang vươn lên.
Những con rồng châu Á tiếp tục ra đời, có khi, được thế giới phương Tây xem như là những “phép lạ”. Ừ, thì phép lạ!
Một trong những đặc điểm của tương quan Mỹ-Á châu là người Á châu chọn giải pháp thỏa hiệp. Nghĩa là, trong chừng mức cho phép, các nhà nước và nhân dân Á châu chấp nhận Mỹ - hay nói đúng hơn, lợi dụng Mỹ - để canh tân đất nước. Nữ ký giả Elizabeth Rosenthal, trên tờ International Herald Tribune, kể lại một mẩu chuyện tượng trưng cho đời sống của nhân dân Trung Quốc sau thời kỳ đổi mới. Một người dân Trung Quốc nói với bà: “So sánh cuộc sống chúng tôi bây giờ với mười năm trước đây cũng giống như so sánh giữa trần thế với thiên đàng. Người Mỹ không chỉ bán cho chúng tôi các sản phẩm của họ, mà họ bán cho chúng tôi cả một nền văn hóa và đó là thứ văn hóa mà người Trung Quốc ham thích. Người ta nói rằng: khi anh mua một sản phẩm Mỹ, đồng thời anh cũng mua một cách sống mới” [10] .
Qua quan hệ với Mỹ, nhiều nước chuyển sang hình thức dân chủ tự do kiểu Tây phương một cách êm thấm như Nhật, Đài Loan, Nam Hàn, Ấn Độ. Một số nước khác chọn giải pháp trung dung: hiện đại hóa theo kiểu Mỹ nhưng giữ một hình thức chuyên quyền nào đó, Singapore chẳng hạn. Trung Quốc thì đang loay hoay tìm một hình thức tồn tại mang tinh thần Đại Hán riêng của họ: phát triển kinh tế thị trường, chuyên quyền về chính trị và tiếp tục chính sách bá quyền khu vực.
Lý do chính một phần có lẽ do ở chỗ người Á châu không quá dị ứng với văn hóa Tây phương nói chung và văn hóa Mỹ – hay Americanism - nói riêng, như các nước Trung Đông. Mặt khác, văn hóa Á châu lại được những nhà trí thức Tây Phương yêu thích, cảm phục và đề cao. Phật giáo chẳng hạn, từng bước xâm nhập Tây Phương một cách nhẹ nhàng, lúc đầu qua các nhà sư Nhật Bản và hiện nay, qua hai khuôn mặt hàng đầu là Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng và Thiền sư Thích Nhất Hạnh của Việt Nam. So sánh cảnh những người ôm bom tự sát diễn ra hàng ngày ở Israel hay ở Iraq (làm cho Israel và người Mỹ bối rối và kinh hoàng, nhưng đổi lại, biết bao nhiêu tài năng ưu tú của người Ả Rập đã phí phạm đi một cách oan uổng theo những lần tự sát) với cảnh thánh Gandhi tuyệt thực trong tinh thần tranh đấu bất bạo động hay cảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma hay thiền sư Thích Nhất Hạnh đứng nói chuyện về lòng nhân ái và tha thứ trước hàng chục ngàn khán giả Mỹ tại một công viên ở New York hay tại một thiền viện nào đó ở California hay Massachusetts thì quả là khác nhau một trời một vực. Người Hồi giáo sốt ruột muốn trả thù. Người Á châu tận dụng thời gian để tiến tới.
Có lẽ người Á châu không thể – và không muốn - tạo nên những biến cố kinh hoàng như vụ 11/9 hay các vụ car bomb hay suicide bomber. Họ chống Mỹ bằng cách chinh phục Mỹ qua con đường văn hóa, mặt khác, thách thức Mỹ bằng cách học hỏi kinh nghiệm Mỹ để phát triển về kinh tế và giáo dục. Mỗi nước chọn con đường Mỹ hóa theo cách riêng của mình. Á châu phát triển bằng một phương thức có vẻ nghịch lý: chống Mỹ bằng cách Mỹ hóa. Một cách thích nghi giữa Americanism và anti-Americanism. Tóm lại, với người Á châu, Mỹ không phải là cái gì để người ta phải chiến đấu một mất một còn. Mỹ không là cái Ác và phần còn lại của thế giới không là cái Thiện. Không phải là một đối đầu Thiện/Ác. Thay vì tốn công sức và hy sinh để bảo vệ những truyền thống lỗi thời và lạc hậu như những người Hồi giáo cực đoan (đào tạo những kẻ cuồng tín) đang hăng hái làm, người Á châu tìm cách thích nghi truyền thống của họ với thời đại mới. Thay vì đào tạo những kẻ tuẫn giáo sẵn sàng ôm bom lao đầu vào các cơ sở Mỹ để tự sát và sung sướng nhìn thấy một nước Mỹ cuống cuồng, hoảng sợ thì người Á châu xây nhà máy, mời mọc tư bản Mỹ vào đầu tư và sản xuất các sản phẩm mỗi ngày mỗi tốt hơn, đẹp hơn để đưa vào cạnh tranh ngay trong thị trường Mỹ. Mặt khác, thay vì khư khư cho kinh Qu’ran là số một, là chân lý tuyệt đối và Thiên chúa giáo là hoàn toàn sai lầm, người Á châu hiện đại hóa tôn giáo và triết lý của mình để dễ dàng tiếp cận với xã hội Tây phương, từng bước đem ánh sáng văn minh phương Đông chan hòa vào phương Tây một cách hòa bình, trí thức và cao thượng. Phương cách đó có giá trị thuyết phục rất lớn đối với một nước Mỹ giàu có và đầy cao ngạo [11].
Với một sự sai khác như thế thì tiên đoán của Huntington về một “sự liên kết quân sự và kinh tế giữa hai nền văn minh Khổng giáo – Hồi giáo” (Confucian-Islamic connection) [12] để chống Tây phương nói chung và chống Mỹ nói riêng là hoàn toàn thiếu cơ sở thực tế. Nói cách khác, thay vì xem chuyện chống Mỹ là nhu cầu sinh tồn, là lý do tồn tại của truyền thống thì người Á châu xem đó là chuyện thứ yếu. Họ bận tâm với chuyện học hỏi và tiến bộ bằng chính phương cách của Mỹ hơn là cứ khư khư khước từ tất cả giá trị Mỹ.
Bây giờ đến lượt Việt Nam. Mỹ đến với Việt Nam khá sớm, từ những năm cuối Đệ nhị Thế chiến khi các sĩ quan OSS Mỹ tiếp xúc với Việt Minh trong một nỗ lực chung đánh bại quân đội Nhật đang chiếm đóng. Nhưng phải đến sau khi hiệp định Genève, người Mỹ mới thực sự có mặt ở Việt Nam. Do các yếu tố lịch sử, địa lý cùng với cuộc chiến tranh ý thức hệ đang ở thời kỳ cao điểm, quan hệ Mỹ - Việt trải qua những thời điểm cực kỳ bi kịch: miền Bắc CS chống Mỹ, miền Nam quốc gia thân Mỹ. Đó là trên hình thức. Thực ra, miền Bắc chắc không thiếu người thân Mỹ và miền Nam lại không thiếu người chống Mỹ. Cùng với những khác biệt về chính kiến, ở một điểm khác, vô hình trung, xu thế thân Mỹ và chống Mỹ một phần nào đó đã góp phần đưa đến sự chia rẽ và hận thù dân tộc. Sau chiến tranh, người thắng trận cay đắng vì đã đánh cho “Mỹ cút ngụy nhào” mà đất nước cứ thụt lùi đằng sau do Mỹ cấm vận và do áp dụng đường lối cộng sản trong lúc người bại trận thì cay đắng vì “đồng minh tháo chạy”. Nhưng ai cay đắng và dù cay đắng kiểu nào thì ba thập niên trôi qua kể từ ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, rốt cuộc, Việt Nam vẫn chạy trời không khỏi… Mỹ. Mỹ đi rồi Mỹ lại về!
Với chính sách xích gần với Mỹ của nhà cầm quyền cộng sản và với sự hiện diện của gần 1,5 triệu người Việt định cư ở Mỹ cùng với phong trào dân chủ đang dâng cao trong nước hiện nay, vấn đề bây giờ rõ ràng không phải là chống Mỹ hay thân Mỹ nữa. Vấn đề là người Việt Nam sẽ sử dụng “yếu tố” Mỹ như thế nào để đưa đất nước tiến lên?
Đó là câu hỏi mà tất cả người Việt (trong và ngoài nước) phải trả lời. Bằng thực tế.
Khoảng năm mươi năm trước đây một nhà hài hước Mỹ tên là Art Buchwald cho đăng một quảng cáo trên tờ báo Times ở Luân Đôn, đặt câu hỏi: Xin quý vị cho biết vì lý do nào mà người ta lại ghét Mỹ như thế?
Từ những câu trả lời thu thập được, Buchwald đi đến kết luận rằng hiện tượng chống Mỹ chỉ có thể được giải quyết nếu người Mỹ ngừng tiêu tiền một cách phung phí, ngừng ăn to nói lớn ở những nơi công cộng, chấp nhận một chính sách ủng hộ chế độ thuộc địa do các nước châu Âu thành lập, ủng hộ những cuộc phiêu lưu quân sự của Anh ở kênh Suez trong tương lai, đừng lấy dầu ra khỏi vùng Trung Đông, đừng nhai kẹo cao su, đừng xuất cảng nhạc Rock’n Roll, và nói tiếng Anh cho đúng với tiêu chuẩn của người Anh, v.v...
Ngừng và Đừng!
Ngày nay, nếu phải nói thêm thì có lẽ như thế này: HTCM chỉ chấm dứt nếu Mỹ ngừng chiếm đóng Iraq, đừng hô hào nhân quyền và chế độ dân chủ tự do, đừng phóng vệ tinh lên sao Hỏa, dân Mỹ ngừng làm overtime, chính quyền Mỹ đừng ủng hộ Israel, đừng dùng ưu thế của các phương tiện truyền thông như CNN, ABC để bành trướng ảnh hưởng, đừng chận hàng hóa của thế giới tràn vào đất Mỹ, đừng xuất cảng nhạc và văn hóa phẩm đủ loại đi khắp thế giới, đừng có Bill Gates, đừng mua chất xám của thế giới, đừng dùng các đại học Harvard, MIT, Yale, Cornell để đào tạo những người thân Mỹ. Vân vân và vân vân. Tùy theo chỗ đứng của mỗi một quốc gia hay mỗi một vị thế, mà người ta sử dụng chữ “đừng” khác nhau dành cho nước Mỹ như là điều kiện để thôi không còn hiện tượng chống Mỹ.
Tóm lại, để được thế giới chấp nhận, phải chăng Mỹ phải “đừng” là… Mỹ nữa?
Nghĩa là phải chăng HTCM chỉ chấm dứt khi nước Mỹ ngừng hiện hữu?
Nhưng nước Mỹ không ngừng hiện hữu, vậy thì sự tồn tại của HTCM có lẽ cũng hiển nhiên như chính sự tồn tại của nước Mỹ vậy. Hiện tượng Mỹ hay Hiện tượng chống Mỹ không thoát khỏi vận động biện chứng của lịch sử mà toàn nhân loại phải kinh qua và chia sẻ, dù muốn hay không.
Đôi khi phải trả một cái giá rất đắt!
(9/2006)
[1]Fernand Braudel, The Perspective of the World, dẫn theo Wikipedia
[2]Dẫn theo Andrew Ross và Kristin Ross, Anti-Americanism, tr. 26,27
[3]Andrew Ross và Kristin Ross , Anti-Americanism
[4]Jean-Francoise Revel, Anti-Americanism
[5]Jean-Francoise Revel, sđd, tr. 25
[6]Jean-Francoise Revel, sđd, tr. 29,30
[7]Jean-Francoise Revel, sđd, tr. 109, 110
[8]Jean-Francoise Revel, sđd, tr. 170
[9]Jean-Francoise Revel, sđd, tr. 17
[10]Elizabeth Rosenthal, In China, a Big Appetite for America, Inter national Herald Tribune, 26/2/2002. Dẫn lại theo Jean-Francoise Revel, Anti-Americanism, tr. 144
[11]Mới đây, ngày 13/9/2006, Hạ Viện Hoa Kỳ đã biểu quyết thông qua một dự luật tặng thưởng huy chương dân sự cao quý nhất của nước Mỹ, Congressional Gold Medal, cho Đức Đạt Lai Lạt Ma vì “những đóng góp bền bỉ và ngoại hạng của ngài cho hòa bình, bất bạo động, nhân quyền và sự cảm thông về tôn giáo”. Trước đó, vào tháng 5/2006, Thượng Viện Hoa Kỳ cũng đã thông qua một dự luật tương tự. Dự luật này được sự bảo trợ rộng rãi của 387 dân biểu và nghị sĩ của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, đại diện cho hơn 2/3 tổng số các nhà lập pháp Hoa Kỳ. Đồng thời ở Canada, một trung tâm đặt theo tên cùa ngài, International Dalai Lama Center for Peace and Education, cũng được thành lập tại thành phố Vancouver dưới sự điều hành của các lãnh tụ quốc tế như cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter, cựu tổng thống Tiệp Vaclav Havel, Tổng Giám Mục Nam Phi Desmond Tutu…Ngoài ra, một tác phẩm viết về cuộc đời Đức Phật Đường xưa mây trắng (Old Path White Clouds) của một khuôn mặt Phật giáo khác, thiền sư Thích Nhất Hạnh, đã được ký hợp đồng quay thành phim, do nhà tỷ phú Ấn Độ B.K Modi bỏ tiền ra sản xuất và Michel Shane (từ Holywood) làm giám đốc sản xuất.
[12]Samuel Huntington, “Clash of Civilizations”
Tài liệu tham khảo
1. Andrew & Kristin Ross biên tập, Anti-Americanism, nhiều tác giả, New York University Press, 2004
2. Noam Chomsky, Hegemony or Survival: America’s Quest for Global Dominance, Metropolitan Books, Henry Holt and Company, New York, 2003
3. Noam Chomsky, The Culture of Terrorism, South End Press, Boston, 1988
4. Noam Chomsky, “What Uncle Sam Really Wants” (http://www.zmag.org/chomsky/sam/sam-3-5.html)
5. Noam Chomsky, “The Responsibility of Intellectuals”, The New York Review of Books, 23/2/1967
http://www.chomsky.info/articles/19670223.htm
6. Martin Heidegger, An Introduction to Metaphysics, bản dịch tiếng Anh của Ralph Manheim, Yale University Press, 1959
7. Jean-Francois Revel, Anti-Americanism, bản dịch tiếng Anh của Diarmid Cammell, nxb Encounter Books, San Francisco, 2003 (nguyên bản tiếng Pháp: L’Obsession anti-américaine: Son fonctionnement, ses causes, ses conséquences)
8. Emmanuel Todd, After the Empire: the Breakdown of the American Order, bản dịch tiếng Anh của Jon Delogu, nxb Colombia University Press, 2004 (nguyên văn tiếng Pháp: Après l’Empire: Essais sur la décompositon du systèm américain)
9. Denis Lacorne, “Anti-Americanism and Americanophobia: A French Perspective” – 3/2005
(http://www.ceri-sciences-po.org)
10. Pew Research Center, “Anti-Americanism: Causes and Characteristics”
(http://people-press.org/commentary/display,php3?AnalysisID=77)
11. George Shadroui, “Dissecting Chomsky and Anti-Americanism”
(http://www.intellectualconservative.com/article3754.html)
12. Bernard Chazelle, “Anti-Americanism: A Clinical Study”
(http://www.cs.princeton.edu/~chazelle/politics/antiam.html)
13. Judy Colp Rubin, “The Five Stages of Anti-Americanism”
(http://www.fpri.org/enotes/20040904.americawar.colprubin.5stagesantiamericanism.html)
14. James W. Ceaser, “A genealogy of anti-Americanism”, Archived Issue - Summer 2003
(http://www.thepublicinterest.com/archives/2003summer/article1.html)
15. Walter Russell Mead, “Why Do They Hate Us?”, Foreign Affairs, March/April 2003
16. Wikipedia, “Anti-Americanism”, (http://en.wikipedia.org/wiki/Anti-americanism)
17. Keith Windschuttle, “The hypocrisy of Noam Chomsky”, The New Criterion Vol. 21, No. 9, May 2003
18. Ira Leonard, “Violence is the American Way”, AlterNet. Posted April 22, 2003
(http://alternet.org/story/15665)
19. Seymour Martin Lipset, “American Exceptionalism A Double Edged Sword”
(http://www.washingtonpost.com/wp-srv/style/longterm/ books/chap1/americanexceptionalism.htm)
20. Rob Kroes, “Anti-Americanism as a Subtext:French Views of the World Wide Web”,
(http://www.lboro.ac.uk/research/changing.media/Paper-Kroes.htm)
21. Jean-Francoise Revel, “Europe’s Anti-American Obsession”,
(http:// http://www.theamericanenterprise.org/issues/articleid.17764/article_detail.asp)
22. Samuel Huntington, “The Clash of Civilizations”, tạp chí Foreign Affairs, USA, Fall 1993
23. Paul Berman, “The Philosopher of Islamic Terror”, New York Times 23/3/2003
24. Pierre Bourdieu, “Questions aux vrais maitres du monde”, Le Monde 14/10/1999
Tạp chí Europe, số 756, tháng 4/1992, chủ đề đặc biệt: "L’Invention de l’Amérique”