Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 40)
THINH QUANG


VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 40)
Thinh Quang

MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 196

VẤN: Ông Vũ Thái Ruyệt, Orange County: Bà cụ có nhớ bài “Tự Quân Chi Xuất Hỉ” của tác giả nào không? Nếu được xin bà cụ nhắc lại toàn bài thơ này, luôn cả bản dịch. Xin cám ơn bà cụ.

ĐÁP:

Bài “Tự Quân Chi Xuất Hỉ” của Trương Cửu Linh. Toàn bài thơ đó như sau:

Tự quân chi xuất hỉ
Bất phục lý tàn ky
Tư quân như nguyệt mãn
Dạ dạ giảm quang huy.

Nhà văn Ngô Tất Tố chuyển dịch:

Từ ngày chàng bước chân đi
Cái khung dệt cửi chưa hề nhúng tay.
Nhớ chàng như mảnh trăng đầy
Đêm đêm vành sáng hao gầy đêm đêm.

VẤN: Bà Đỗ Đức Thu, Virginia: Trên đời có cái gì được xem là ngu nhất?

ĐÁP:

Ca dao ta có câu:


Trên đời có bốn cái ngu
Làm mai, hỏi nợ, gác cu, cầm chầu.

Vậy thì trên đời này không phải chỉ mỗi một cái “ngu nhất” mà có đến 4 cái ngu nhất nữa.

- Cái Ngu thứ nhất là “Làm Mai” (mai-dong). Cái lợi nhiều lắm cũng chỉ được mỗi cái đầu heo, cọng với dăm ba tiếng cám ơn và…một bữa ăn thịnh soạn trong ngày cưới. Nếu gặp may mắn, đầu năm bọn trẻ sinh con trai, cuối năm sinh con gái, thuận vợ thuận chồng làm ăn khá giả thì chẳng nói làm gì; vạn nhất đôi trẻ không được cảnh thuận thảo thì ông (hay bà) mai bị gọi tới gọi lui, giận hờn chê trách. Những lúc như vậy, đêm đêm nằm gác tay lên trán, mới cảm thấy thấm thía cái ngu của mình.

- Cái Ngu thứ hai là xách dù (hay đội nón lá) đi “hỏi nợ” hộ cho thiên hạ. Chẳng may người nhờ mình đi vay hộ trả không nổi thì…người lãnh nợ hộ này bị chủ nợ xỉa xói, tiếng bấc tiếng chì, còn có cơ phải ra trước tụng đình vì liên can tội lừa đảo.

- Cái Ngu thứ ba là vác chiếu đi “Gác cu” hộ để thiên hạ nằm nhà đọc sách. Kẻ đi làm chuyện lãng xẹt không công này ngồi suốt cả ngày ngoài rừng ngoài rú đợi cho chim cu sa vào lồng đỏ cả mắt, vị tất đã có cu nào bị vào bẫy. Đã mất công toi mà còn mang phải tiếng “ăn cơm nhà vác lồng ngà đi rong”.

- Cuối cùng là cái dại, đó là “Cầm chầu”, tức “đánh trống chầu” trong các buổi hạt bộ. Trong các cuộc hát, phải có tiếng trống thì mới nên cuộc chơi, tiếng trống nổi lên để cổ vũ cho câu hát, dđiệu múa tay chân (bộ điệu) theo tuồng tích. Sính là biết điệu đánh trống chầu hát bộ, để biểu diễn tài nghệ của mình trước đám đông giả, nếu gióng đúng điệu, thì chẳng sao nhưng rủi ro gặp lúc anh kép hay cô đào đang còn há mồm ra hát mà cứ gióng đại dùi xuống trống thì chắc chắn là không tránh sự phản ứng của ngay các cô đào hay các anh kép bịa ra đủ điều chửi xiên chửi xỏ.

Đó là bốn cái ngu mà chẳng ít người mắc phải.

VẤN: Cư sĩ Như Hải, San Jose: Tôi nghe từ “Ngũ Jina”, nhưng không hiểu ý nghĩa của nó. Phải chăng đó là Ngũ Tri Như Lai? Bà cụ biết không?

ĐÁP:

Ngũ Jina là Đại Lạc Quan Như Lai (Vairocana) chứ không là Ngũ Tri Như Lai. Từ này xuất phát từ một Đức Phật nguyên thủy, còn gọi là Adibuddha – biểu tượng nguyên lý sống động duy nhất và bất di bất dịch. Jina có nghĩa là khắc phục, chỉ về sự tự chế trước mọi sự tầm thường mà vươn lên, quyết chiến thắng trước những đam mê cám dỗ.

VẤN: Ông Hoàng Văn Hồng, Monterey Park: Tôi không hiểu rõ 2 câu:
1. “Lúc thì mặt mèo, khi thì mặt chó”. Nghĩa của câu nay là gì? Xuất phát từ đâu?
2. “Cửu tộc thăng thiên”, câu này ý nghĩa như thế nào?

ĐÁP:

Câu 1: “Khi mặt mèo, lúc mặt chó” hàm ý là tráo trở hai lòng. Nó xuất phát từ câu: ”Nhất thời miêu kiểm, nhất thời cẩu kiểm”.

Câu thứ 2: “Cửu tộc thăng thiên”, có nghĩa chín họ lên tiên.

Nguyên cả câu:

Nhất tử thành đạo
Cửu tộc thăng thiên

Có nghĩa:
Một người con thành đạo, chín họ lên tiên.

Tục ngữ ta cũng có câu:
Một người làm nên
Cả họ được nhờ.

MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 197

VẤN: Cụ Đào Văn Tập, Miami: Ngày còn nhỏ, tôi có học Tam Tự Kinh, thích nhất đoạn “Hương cửu linh, năng ôn tịch” xin bà cụ vui lòng nhắc lại. Cám ơn bà cụ nhiều.

ĐÁP:

Nguyên cả đoạn như sau:

Hương cửu linh
Năng ôn tịch
Hiếu ư thân
Sở đương chấp
Dung tử tuế
Năng nhượng lê
Đệ ư trưởng
Nghi tiên tri.

Có nghĩa đại khái nói về lòng hiếu thảo:

Hoàng Hương người Đông Hán, vì nhà nghèo, mùa Đông đến thường lên giường nằm trước mục đích làm cho chăn chiếu được ấm rồi mời cha đi ngủ. Nói lên lòng hiếu thảo đối với cha mẹ cần phải thực hành.

Khổng Dung – cháu đời thứ 20 của Đức Khổng Tử, lúc lên 4 tuổi, một hôm có người quen mang đến một giỏ lê đến biếu cho gia đình. Khổng Dung chỉ chọn quả lê nhỏ để ăn. Còn nhường lại những quả lê lớn cho các anh chị. Cái đức hạnh thương yêu và kính nhường anh chị em là điều đáng làm gương cho mọi người noi theo.

VẤN: Ông Hoàng Đặng, Orange Ave. La Puente, CA. Tôi nhớ có hai câu thơ:
An sinh phong cốt lăng tằng thậm
Nhất phiến u hoài chỉ vị khanh.
Có người dịch:
Nửa đời sương gió ngang tàng
U tình một khối vì nàng đấy thôi.
Chẳng biết hai câu thơ tuyệt tác này có phải của Chi Hoán không? Và, lời dịch hai câu này của dịch giả nào? Xin bà cụ giảng giải hộ.

ĐÁP:

Hai câu thơ nguyên tác không ít người hiểu lầm là của Chi Hoán – một trong những nhà thơ nổi tiếng thời Khai Nguyên. Chi Hoán cũng có hai câu tương tự ghi lại giai thoại trong sách “Tạp Di Ký” như sau:

Hoàng hà viễn thượng bạch vân giang
Nhất phiến cô thành vạn nhận sang.

Có nghĩa:

Hoàng Hà chảy tận đến một nơi xa tít mờ trong mây trắng. Một mảnh thành đứng chơ vơ ở tận núi cao muôn trượng.

Còn hai câu mà ông ngờ của Chi Hoán không phải như vậy. Tôi có tham khảo qua một số các lão thi hữu, có nhiều vị bảo đó là của Đỗ Mục Chi. Đỗ tiên sinh lsáng tác bài ấy lúc bấy giờ là Thứ Sử Giao Châu. Tuy nhiên cũng vị tất đã đúng.

Còn hai câu dịch không biết có phải của Vũ Hoàng Chương hay Đinh Hùng không, nhưng tuyệt đối không phải là của Huy Cận, bởi thơ của Huy Cận không có âm hưởng tuyệt vời như nhà thơ họ Vũ hay của Đinh Hùng.

VẤN: Bà Hà Huyền, San Diego: Tôi thường nghe nói ăn lươn thì bổ, song chẳng biết nó bổ gì? Và cách ăn chế biến như thế nào? Xin bà cụ chỉ giáo cho.

ĐÁP:

Lươn bổ về khí huyết. Lươn có nhiều ở Miền Đồng Bằng Cửu Long. Thật ra, toàn cõi Việt Nam và luôn cả trên hoàn vũ này nơi nào cũng có loại cá lươn này.

Theo kinh nghiệm dân gian bảo rằng con nào ưa ngóc đầu thẳng đứng hoặc nhìn thấy dươi họng có khoang trắng là loại rắn, tuyệt đối không nên dùng dễ bị trúng độc.

Lươn (Fluta alba) thuộc bộ lươn Symbranchiformes, khá phổ biến ở nước ta. Lươn sống ở các nương rạch, ruộng nước, ổ hang nơi đầy bùn lầy. Tại miền Trung thường có nhiều cá nước ngọt và lắm loài lươn vàng. Lươn mình dài như rắn, da trơn không vẩy, hai khe mang nối liền nhau. Thường con cái lơn hơn con đực. Khả năng sinh sản của lươn rất nhanh. Lươn có thể sống lâu trên cạn.

Lươn có tính bổ trung, ích khí, khử thấp, trừ phong. Máu lương bổ huyết, trị phong-thấp. Không bao giờ mổ bụng lươn bằng dao mà dùng một miếng cật tre già vót nhọn. Dùng vật này rất gọn và nhanh, không phải khía như dao. Tại sao lại phải dùng cật tre để mổ mà tránh dùng dao? Theo người xưa bảo máu lươn đã tanh, gặp kim khí càng tanh hơn. Vì lý do đó không ai nấu lươn trong nồi kim loại, mà bằng nồi đất để khỏi bị tanh.

Các món lươn:

1. Lươn nướng lá lốt. Tất nhiên là chặt từng khúc ngắn rồi mang cuốn lá lốt. Lá lốt khử được mùi tanh. Cả lươn lẫn lá lốt chẳng những khử được mùi tanh mà còn trị đưỡc bệnh phong thấp.

2. Cháo lươn là thuốc bổ máu, giúp tăng cường khí huyết. Thành ngữ ta có câu: “Một chén cháo lươn bằng mười thang thuốc bổ.

3. Lươn nhồi thịt: Chặt đầu lươn, lột da như lột da rắn, có nghĩa lột ngược để nguyên ống tròn; bỏ ruột, nghiền nát thịt lươn cùng máu lươn rồi thêm các gia vị phụ như lá lốt, hạt sen, nấm, mè đen, hà thủ ô nhồi cả vào trong ống da lươn. Xong mang bỏ vào chảo đã bỏ muối nóng. Món này thật công phu nhưng đổi lại là vị ngon ngọt, bổ dưỡng và trị được các bệnh kể trên.

MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 198

VẤN: Cư sĩ Linh Phong, Long Beach: Tôi nghe nói “Đạo Tiên” song không hiểu Đạo Tu Tiên như thế nào? Có thành tiên không? Nếu biết xin cụ giải thích cho. Cám ơn cụ nhiều.

ĐÁP:

Căn cứ theo Văn hiến thông thảo có ghi về “Đạo giáo” cho rằng Đạo Tu Tiên không qui về một mối mà nó lắm đầu mới tạo thành. Đạo giáo là tôn giáo bản địa, vừa kế thừa tư tưởng quỷ thần, vừa chịu ảnh hưởng vu thuật, lại vừa tiếp thu tư tưởng “Thần Tiên”. Chẳng những vậy đạo tu tiên còn có cả “thần học sấm vĩ”! Do đó tư tưởng Đạo gia rất phức tạp, lập thành từ nhiều đầu mối. (Đạo gia chi thuật, tạp nhi đa đoan). Lão tử làm giáo chủ của đạo Tu Tiên này.

Lão tử cho rằng, Đạo Tiên kế thừa cái Đạo đi trước Trời Đất mà Lão tử coi đạo mà ông lãnh đạo chính là gốc cội của vũ trụ. Đạo Tiên chú trọng thanh tịnh, vô vi, thanh đạm và chế ngự được khát vọng tầm thường của con người. Từ chổ chế ngự được lòng ham muốn mới phát sinh nguyên khí và cũng từ cái nguyên khí bé nhỏ đó mới hóa sinh ra Cõi Tiên ngoài trời, gọi đó là Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh… Các thủ lĩnh của Cõi Tiên thì có Nguyên Thủy thiên tôn, Linh Bảo thiên tôn và Đạo Đức thiên tôn.

Tiên gồm có Thiên Tiên và Địa Tiên. Tất nhiên thành phần Địa Tiên là do người quyết chí tu hành ở Cõi trần được đắc đạo. Như ở Quảng Ngãi có Ngài Địa Tiên là Đức Tùng Sơn, ở Chùa Hang Tư Nguyên.

…Có nhiều phương pháp tu luyện như nuốt thuốc, dưỡng khí, tồn thần ăn trường chay, phòng trung thuật v.v… Ngày xưa không ít các nhà vua luyuện tu tiên vì uống nhiều kim đơn từ khoáng chất mà chết v.v…

VẤN: Ông Vũ Hà Xuân Nhi, LA. Xin bà cụ nhắc hộ bài “Dân Ca Cổ Hung Nô” và luôn thể xin bà cụ nhắc lại bài “Kích Nhưỡng Ca”. Nếu có được lời diễn giải thì không gì bằng. Cám ơn cụ nhiều.

ĐÁP:

Nguyên văn bài Dân Ca Cổ Hung Nô:

Vong ngã Yên chi sơn
Sử ngã phụ nữ vô nhan sắc.
Vong ngã Kỳ liên sơn
Sử ngã lục súc bất phiền tức.

Nghĩa toàn bài:

”Xn đừng làm mất đi núi Yên chi sơn của chúng tôi,
khiến cho phụ nữ chúng tôi mất đi nhan sắc!
Xin đừng bỏ mất núi Kỳ liên sơn của chúng tôi,
khiến cho súc vật của chúng tôi phải biến bớt dần đi…”

Còn bài Kích Nhưỡng Ca như sau:

Nhât xuất nhi tác
Nhật như tức
Tạc tỉnh nhi ẩm,
Canh điền nhi thực,
Đế lữc ư ngã
Hà hữu tai!

Có nghĩa:

Mặt trời mọc thì làm,
Mặt trời lặn thì nghỉ.
Đào lấy giếng mà uống,
Cày lấy ruộng mà ăn.
Đừng trông mong nhà vua,
Sức Người thì có hạn.

MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 199

VẤN: Cụ Chế Nhường, Florida: Tôi nghe nói Dịch Kinh mênh mông như trời cao bể rộng. Cụ có thể giải thích hộ cho để được biết về cái bao la trùm khắp của nó không?

ĐÁP:

Có lần tôi đã mang vấn đề này ra bàn thảo cùng một ông bạn ở San Jose. Thật khó lòng mà thông suốt được pho kinh tối cổ này. Như cụ nói, quả đây là một kho tàng, mênh mông như trời cao bể rộng. Càng đi sâu vào nội dung của Kinh Dịch càng cảm thấy mình chẳng biết gì cả. Pho kinh này đã soi sáng cho nền văn minh nhân loại. Chính người Tây phương tự hào mình có nền văn minh tiền tiến, chinh phục được khắp nơi trên thế giới, nhưng khi đọc được pho kinh tối cổ này của Trung Quốc, họ giật mình thốt lên lời cáo giác coi chừng “cái họa da vàng” (Au péril de jaune). Từ đó họ đưa mắt xem chừng cái mà họ cho là “Hoàng Họa” (Péril Jaune). Người phương Tây đã nhìn thấy trước, nhìn bằng trực giác và công minh, không nặng màu cảm tính… Da vàng không phải chỉ mỗi một quốc gia Trung Hoa mà nó bao trùm cả Nhật Bản, Triều Tiên, Mông Cổ, Ấn Đô…và luôn cả Việt Nam nữa.

Tôi chỉ biết đại khái cái nghĩa của Dịch là để định giải muôn vật trong vũ trụ, bao trùm đạo lý cũng như sự sống của con người. Vì thế thánh nhân áp dụng đạo dịch để khai mở hoài bảo của thiên hạ, định được khả nghiệp của thiên hạ và đoán được sự ngờ của thiên hạ.

Chắc cụ đã nhận thấy sự xuất hiện các bộ kinh tối cổ của nhân loại như Cựu Ước, Dzyan, Dịch Kinh thì Dịch Kinh của Đông Phương được xem là lâu đời nhất. Có thể nói nó là cơ sở phát triển ra văn hóa, lập ra nền luân lý, chỉ ra con đường đạo đức mà người Đông Phương là tiêu biểu.

Dịch kinh thật huyền bí, vi nhiệm đến nổi Đức Khổng Phu Tử đã phải tốn ra rất nhiều công phu để hệ thống và lý giải sự huyền diệu gần như gần trọn cuộc đời mà vẫn không sao làm hết được. Trước khi nhắm mắt Ngài đã thảng thốt kêu lên:

-”Gia ngã sổ niên, tốt dĩ học Dịch, khả dĩ vô đại quá hỉ”.

Lời nói bất hủ này được các dịch giả trên thế giới chuyển dịch đưa ra nơi trang đầu để nói lên cái giá trị của pho kinh tối cổ này khiến cho vị Thánh Nhân của Đông phương thảng thốt kêu lên như vậy.

Trong tập A Philosophical Prophecy I Ching của Jayme F. Simmons dịch ra và đăng ngay nơi phần trên đầu trang:

”Confucius said:

-”Give me a few more years, so that I may have spent a whole fifty in study (of the Iching) and I believe that after that all I should be fairly free from error”.

Ngay trong thời khai minh thượng cổ, Đông phương tin rằng trong trời đất có lẽ âm dương, chuyển vận nhịp nhàng tuần tự…“Vua Phục Hy 4477-4363 trước TL đã nhận thấy điều này, Người chiêm nghiệm Hà Đồ lập ra thành quẻ lấy vạch liền ( - ) biểu thị cho Dương và lấy vạch đứt ngang ( - - ) biểu thị cái Âm. Thuyết Âm Dương được vua Phục Vi vạch ra từ pho Kinh Dịch và gọi Dương là “Cơ”, Âm là Ngẫu”, lập ra Bát Quái gồm có Kiền, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn. Đại cương là như vậy, xin kính hầu cụ.

VẤN: Ông Lý Hồng, Virginia: Bà cụ có nhớ câu Thần Chú Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm thứ 30 không? Xin nhắc hộ.

ĐÁP:

Đó là câu: “Ma Đát Rị Già Noa”.

MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 200

VẤN: Cô Phạm Hồng Tuyết, San Jose: Tôi nghe nói không phải riêng chỉ con người mới nằm mơ, mà còn cả…chuột cũng nằm mơ nữa. Có vậy hay không?

ĐÁP:

Tôi cũng nghe như vậy. Các nhà khoa học bảo rằng họ nghiên cứu biết được giống chuột cũng có giấc mơ như con người. Nghiên cứu này ủng hộ giả thuyết các ký ức được giữ kín kết hợp ở não trong giấc ngủ. Công trình nghiên cứu này cũng cho hiểu nhiều hơn về bản chất của giấc mơ động vật và cung cấp đầu mối quan trọng về vai trò của giấc ngủ trong việc xử lý ký ức về những trải nghiệm trong quá khứ, theo nhà nghiên cứu Matthew Wilson tại Viện công nghệ Massachusettes MIT tuyên bố như vậy. Quả thật, chuột ngủ cũng thường nằm mơ như con người chúng ta vậy.

VẤN: Ông Bùi Bảo, Orange County: Tôi còn nhớ ba câu câu tục ngữ Trung Hoa, nhưng quên mất nghĩa như sau:
1. Hảo hoa tu thượng lão nhân đầu.
2. Hạt tử kiến tiền nhãn đả khai
3. Hoa đối hoa,liễu đối liễu,phá bản ki.
Xin bà cụ nhắc lại hộ.

ĐÁP:

Câu thứ 1: Hào hoa tu thướng lão nhân đầu.

Có nghĩa: Hoa đẹp thẹn cài trên tóc bạc.

Ta cũng có câu ca dao tương tự:
Gái tơ mà lấy chồng già
Ra đường người hỏi là cha hay chồng

Câu thứ 2: Hạt tử kiến tiền nhân đả khai.

Có nghĩa:
Thằng mù thấy tiền, mắt cũng láo láo liên liên.

Truyện Kiều cũng có câu:
Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê.

Câu thứ 3: Câu tục ngữ này ông viết sót, xin ghi lại cho đúng:

Hoa đối hoa, liễu đối liễu, phá bản ki
Tương đối hoại thiều trửu.

Có nghĩa:
Hoa đối hoa, liễu đối liễu, sọt thủng đối chổi cùn.

Tục ngữ ta cũng có câu:
“Thuyền đua thì lái cũng đua
Con cóc nó nhảy, con cua nó bò.

VẤN:Ông Vũ Hồng, Chinatown LA. Bà cụ có nhớ bài vè “Đánh Bạc” không? Xin nhắc hộ. Cám ơn bà cụ.

ĐÁP:

Nghe vẽ nghe ve
Nghe vè đánh bạc.
Đầu hôm xao xác
Bạc tốt như tiên.
Đêm khuya không tiền
Bộ như chim cú.
Cái đầu xù xụ
Con mắt trỏm lơ
Hình đi phất phơ
Như con chó đói.
Chân đi cà khói
Dạo xóm dạo làng.
Quần rách lang thang
Lấy tay mà túm.

VẤN: Cháu Hoàng Bá Duy, Westminster: Bà cụ có nhớ câu ca dao nói về anh chàng nhà nghèo đi cưới vợ trong khi trong lưng chỉ có võn vẹn hai đồng, mà bắt buộc phải mua trà rượu, thức ăn để đãi đằn tiệc tùng…ngày cưới. Xin bà cụ nhắc lại hộ cho. Cháu vô cùng cảm tạ.

ĐÁP: Bài đó như sau:

Nhà anh đã khó lại khăn
Chỉ vài đồng bạc để dành cưới em.
Ba hào anh để mua nem
Đãi anh em bạn, chị em xa gần.
Đồn đây kết nghĩa Châu Trần
Từ Nam chí Bắc đồn mình cưới ta.
Ba hào anh để mua gà
Bảy xu mua vỏ, hào ba mua trầu.
Năm xu anh để mua cau
Hào rưỡi mua chén chè tàu uống chơi.
Một hào đơm rượu thổi xôi
Năm xu mua rượu cùng ngồi say sưa.
Anh về anh tính cũng vừa
Cưới em đồng bạc còn vừa mười xu.
Tiền xe tiền pháo lu bù
Hết chín hào chín một xu hãy còn.
Để dành làm vốn cho con
Mua gà bán lãi vốn còn một xu.

VẤN: Ông Vũ Duy Hằng, Philadelphia: Gần đây nghe đồn đãi là nạn ăn cắp lý lịch xuất hiện một cách thật tinh vi, khiến cho nhiều người mất sạch cả tiền bạc. Chẳng biết có thật như vậy chăng?

ĐÁP:

Ông hỏi câu này cũng vừa đúng lúc có một ký giả đề cập đến, đăng trên nhật báo Viễn Đông ngày thứ Hai 20-9-10 đã loan tải “MẤY ĐIỀU NÊN BIẾT ĐỂ ĐỀ PHÒNG ĂN CẮP LÝ LỊCH”. Đại khái 10 điều đó như sau:

1. Kẻ gian không cần biết số thẻ “TÍN DỤNG” bởi họ, những kẻ gian này thuộc hàng siêu đẳng, chỉ cần ghi tin tức của quý vị trên một mảnh giấy nhỏ đã đủ phăng ra đầy đủ lý lịch của bất cứ ai họ muốn. Heather Wells chuyên viên bảo vệ lý lịch của một công ty phát biểu:

-“Thời buổi bây giờ, điều tối cần là quý vị nên cất kỹ tất cả giấy tờ cá nhân như giấy khai sinh, thẻ An sinh xã hội, sổ thông hành, ngay cả thẻ tín dụnhg mà bạn chưa xài tới,

2. Ngay cả tin tức cá nhân KHÔNG thuộc về tài chánh đưa lên mạng cũng đủ đưa cho kẻ gian sử dụng. Nên chú ý cả những sự kiện cá nhân tưởng là vô hại, thật ra khi đưa lên trang mạng giúp cho kẻ gian ăn cắp lý lịch của mình một cách dễ dàng. Điều cần nhớ là KHÔNG bao giờ nên đưa lên FACEBOOK ĐẦY ĐỦ NGÀY SINH hay trên bất cứ một trang mạng xã hội nào, ghi các địa chỉ và số phone của mình ngay cả trên web. Nên chú ý cẩn thận thư từ bị đến chậm: Lucy Duni, phó chủ tịch của TrueCredit.Com nói:

-”Nếu một thẻ tín dụng không thấy gửi về hay một hóa đơn nào đó cũng vậy, điều này cho ta thấy có một kẻ ăn cắp đã lấy đi lý lịch và thay đổi địa chỉ của quý bạn”.

Giáo sư Al Marcella của Đại học Webster University’s School of Business and Technology tại St.Louis – chuyên viên về nạn ăn cắp lý lịch khuyến cáo Khi đặt chi phiếu nên đến tận ngân hàng lấy thay vì đợi họ gửi đến nhà. Kẻ gian có thể đánh cắp check của quý vị đem sửa đổi lấy hết cả tiền của quý vị.

3. Xem xét tất cả các báo cáo thẻ tín dụng.

4. Nếu thấy ngờ vực một máy rút tiền (ATM) nào có vẻ là lạ, không nên dùng máy này. Bà Heater Wells khuyên quan sát cẩn thận có kẻ gian gắn bất cứ dụng cụ gì để ăn cắp lý lịch v.v…

5. Kẻ gian rất thích khách du lịch. Nên cẩn thận.

6. Kẻ gian hay lén lút theo dõi ta cần kín đáo đề phòng. Nên ký tên trên thẻ tín dụng bằng bút Sharpie sẽ không bị tẩy xóa…

7. Nếu một người thu ngân hay người bán hàng cầm thẻ của quý vị mang đi chỗ khác, rất có thẻ kẻ đó “scan “ thẻ quý vị.

8. Theo Vaclav Vincalek, Giám đốc Pacific Coast Information Systems, một hãng an ninh của của IT cho biết:

-”Không bao giờ vứt đi một tờ giấy liên quan đến thẻ tín dụng, mà nên cắt thật nhỏ tất cả những gì liên quan đến con số.

Còn tiếp
THINH QUANG

Xem Phần 39 tại đây
Trở về  Website núi Ấn sông Trà
 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh