Mở speakers ON, click vào mũi tên màu trắng để nghe âm-thanh.
Không muốn nghe nữa, click vào hai gạch song song thẳng đứng để Off.
ĐỔI CẢ THIÊN THU TIẾNG MẸ CƯỜI
Thơ: Trần Trung Đạo
Diễn ngâm: Bạch Hạc
Xem Clip Video: Tại đây
NỘI DUNG BUỔI THƠ - NHẠC - RA MẮT SÁCH
Ấn Trà tường thuật
Ngày thứ bảy 02-10-2010, nắng ấm trả lại sự sinh động cho phố phường, sau một tuần gió mưa rả rích buổi Thu sơ. Nhiều đợt xe bóng loáng mang biển số CT và MA lần lượt tìm vào Parking lot của Raymond Library tại 840 Main St, East Hartford, CT 06108; nơi có đánh dấu bằng lá cờ vàng ba sọc đỏ và banderole “Phát hành Tùy bút viễn phương @ Trương Quang”.
Hội trường ở tầng dưới của tòa nhà Thư viện, được bài trí trang nhã: có bản đồ Việt Nam và biểu ngữ “Chào mừng thân hữu” đều bằng nỉ vàng trên nền vải xanh treo trên vách hai bên. Vách chính diện là 2 quốc kỳ Mỹ & Việt-Nam Cộng-Hòa, bên dưới có 2 bình hoa rực rỡ, trang trọng đặt trên bàn phủ khăn trắng tinh anh. Phần vách còn lại là biểu ngữ nhiều màu “Thơ - Nhạc - Ra mắt sách “Tùy Bút Viễn Phương”.
Một số văn nghệ sĩ và quan khách chụp hình lưu niệm buổi Thơ/ Nhạc/ Ra mắt TBVP
Trong phòng nhiều dãy ghế dựa sắp thẳng hàng, dành lối đi thoáng rộng. Trên bàn phát hành sách phủ vải trắng ở cuối phòng, bên bình hoa tươi thắm là khuông hình chân dung Trương Quang và bìa sách “Tùy Bút Viễn Phương”, có ghi ban Bảo trợ và ngày Ra mắt sách.
Đúng 12 giờ, ngưng nhạc thính phòng, MC Đỗ Khắc Hải lên tiếng mời cử tọa an vị và thay mặt Ban Tổ chức khai mạc buổi Hội ngộ Thơ/ Nhạc/ Ra mắt sách TBVP. Lễ chào quốc kỳ Mỹ - Việt cử hành trọng thể, tất cả cùng hát quốc ca VNCH và mặc niệm chư tiên liệt đã bỏ mình vì độc lập và tự do cho Tổ quốc và Dân tộc.
MC trân trọng giới thiệu quan khách và thân hữu, chúng tôi ghi nhận sự hiện diện của:
- Vị Tư lệnh anh hùng của Sư đoàn 18/BB can trường, Tướng Lê Minh Đảo.
- Thượng-tọa Thích Minh-Đức, Trụ trì chùa Phước-Long ở Ansonia, CT.
- Đại-đức Thích Minh-Thuận, Trù trì chùa Hải-Ấn ở New Britain, CT.
- Ông Nguyễn Xuân Hưởng, Chủ tịch Công đoàn Công giáo Hartford, CT.
- Quí ông Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Hùng trong ban Quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành, CT.
- Ông Lê Chí Nghị, Giám-đốc Liên hội Tương trợ người định cư (CCMAA) tại CT, và phu nhân.
- Quí ông Phó Phước Hồng, Dương Văn Danh là Hội trưởng đương nhiệm và tiền nhiệm Hội Tương trợ người Việt, CT và quí phu nhân.
- Quí ông Lê Khôi, Trần Đức Huy, Trịnh Văn Đường là Liên hội trưởng đương nhiệm và tiền nhiệm cùng toàn Ban Chấp hành LHĐH Quảng Ngãi New England, đến từ MA & CT.
- Quí ông Nguyễn Minh Châu, Trần Văn Giỏi, Chủ tịch và Thư ký Cựu Sĩ quan Võ bị Đà-Lạt.
- Ông Vũ Trọng Triêm, Trưởng ban Chấp hành hội SVSQ Thủ-đức.
- Quí ông Trần Hoàng Tuấn, Lê Văn Vinh, Lê Văn Hương, Nguyễn Thanh Bình/ Hội Không Quân VNCH.
- Quí Giáo sư Vũ Xuân Hoài, Lê Văn Trang, Lê Văn Lập...là Nhà Giáo VNCH.
- Quí Văn Thi hữu Trần Trung Đạo, Vinh Lê, Ngu Lễ, Đỗ Vĩnh Khanh, Hiệp An và quí Nhạc sĩ Nguyễn Thế Hiện, Lê Hùng Vĩ...từ các thành phố khác về tham dự.
MC giới thiệu Ban Bảo trợ buổi Thơ/ Nhạc/ Ra mắt sách gồm 5 hội đoàn và cơ sở nghiệp vụ là:
- Hội Tương trợ người Việt CT,
- Hội đồng hương Quảng-ngãi CT,
- Law office của Luật sư Hòa Nguyễn
- East Heaven, Công ty Địa ốc và Bảo hiểm Eraway Group/CT và
- Quỹ Khuyến học Việt CT.
Ban Tổ chức được giới thiệu, phần nhiều là nam nữ thanh niên trẻ, trang phục đẹp với huy hiệu Ban Tổ chức cài trên áo, đương điều hành buổi hội ngộ.
Mở đầu chương trình Ra mắt sách, ông Phó Phước Hồng, Hội trưởng Hội Tương trợ người Việt CT được mời lên diễn đàn phát biểu lời nói đầu (trích 3 đoạn):
-“Tôi hân hạnh giới thiệu đến quí vị, một nhân tài văn chương đang sống tại tiểu bang Connectucut, kể từ ngày gia đình ông rời khỏi quê hương. Ông tên thật là Trương Quang Trọng, có nhiều bút hiệu Trương Quang, Trương Quang Cẩm Thành, Văn Lang và TQT. Ông Trương Trọng xuất hiện trên Văn đàn với phong thái một nhà Giáo dục. Ông là nhà giáo, Sĩ quan Quân lực VNCH, Tù nhân chính trị, Nhà văn, Nhà báo”.....
-“Ông là sáng lập viên thành lập hội Đồng hương Quảng-Ngãi Connecticut vào năm 1994 và 3 năm sau ông thành lập Liên hội ĐH Quảng-Ngãi vùng New England. Để bảo đảm đời sống gia đình, ông retired trễ lúc tuổi đời 72”....
-“Hôm nay, chúng tôi giới thiệu một số tiểu phẩm được ghi lại trong “Tùy Bút Viễn Phương” là đứa con tinh thần đầu lòng của ông viết đủ mọi đề tài quê hương, văn học, biên khảo, du ký, tùy bút. Với hiện kim do quí vị mua sách, ông dùng 1/3 góp vào quĩ học bỗng Khuyến Học cho con em người Việt học xuất sắc. Nói về tài năng văn chương của ông, tôi nghĩ rằng quí vị sẽ tìm hiểu được tâm tư, quan niệm đối với ý chí bất khuất của ông trước bạo lực phi nhân”.
Cử tọa lắng nghe lời nói ngắn gọn mà súc tích của ông Hồng, một thành viên của Ban Bảo trợ.
Mở đầu cho Ca Nhạc do nghệ sĩ Nguyễn Quang Truyền độc tấu Tây-ban-cầm có phụ họa midi guitar của Chu Vũ, nhạc bản Les flots du Danube, một danh tác của Iosef Ivanovici người Romania. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đặt lời Việt cho kiệt tác nầy là “Sóng nước biếc”. Tiếng đàn acoustic guitar cuốn hút thính giả theo từng khúc sông êm đềm và sôi động theo nhịp điệu Waltz. Khi tiếng đàn ngừng tắt thì tràng pháo tay nổ dòn theo tiếng hô “Bis! Bis!”. Tay đàn tài hoa Nguyễn Quang Truyền ngồi lại solo nhạc khúc Granada, thể điệu Pasodoble vui tươi nhộn nhịp, nét đặc trưng của dòng nhạc Âu Mỹ.
Lúc ấy, trong hội trường đã có hơn 150 người tham dự, nếp sinh hoạt an vui hòa nhã đầy tin yêu chưa từng có, tạo nên sự thành công về phong cách của buổi hội ngộ văn học.
Nối tiếp chuyên mục Ra mắt sách, MC mời Văn thi hữu Hiệp-An đăng đàn giới thiệu về Tác giả và Tác phẩm. Hiệp-An cho biết là mình ở cùng quê tại huyện Đức-Phổ, tỉnh Quảng-Ngãi với Trương Quang từ khi tác giả là học trò và sau là đồng nghiệp với thân phụ của ông. Hiệp-An nói (trích):
“Trong bộ gia phả Trương tộc, có nhà thờ chính tại Mỹ-Khê, Quảng-Ngãi thì Thái-sư Trương Đăng Quế là đời thứ 7, đến Trương Quang Trọng là đời thứ 10. Mẹ ông sinh được ông là trai duy nhất với 4 người con gái. Ông bà Trương Quang lại có được 7 trai và 2 gái, nay đều đã định cư tại Mỹ.
Tác giả đã có năng khiếu văn chương từ lúc nhỏ, đến nay đã 76 tuổi đời mới cho xuất bản sách TBVP là do sự thôi thúc của nhiều thức giả và thân hữu từng đọc văn ông. Có những điều tác giả chưa nói ra, nhưng tôi được thấy và biết rõ khi giúp ông lập hồ sơ đi học lúc ông còn chân ướt chân ráo đến Hoa-kỳ, hôm nay tôi xin phép tác giả đựoc tiết lộ:
- Niên khóa 1947-1948: ông lãnh giải nhất về Văn và Sinh ngữ cuối lớp Đệ tam niên tại trung học Nguyễn Nghiêm, Đức-phổ
- Niên khóa 1953-54: ông đứng nhất cả năm trên sĩ số 58 của lớp 8 (tương đương Tú tài I) tại trung học Lê Khiết, Quảng-Ngãi.
- Năm 1958: Ông đậu Ưu hạng lớp Triết học nhân bản, Vĩnh-Long. Ông còn Tốt nghiệp bằng Thanh Huấn tại Nha-Trang, trở nên Huấn luyện viên Thanh niên Thể dục Thể thao, cái nghiệp dư tay trái này cùng đi đôi với khả năng Âm nhạc của ông.
- Năm 1968, do Tiểu đoàn 10 Chiến tranh Chính trị cử đi học, ông đậu Thủ khoa khóa Chính huấn và Lãnh đạo Chỉ huy của Quân lực VNCH, tại Sài-gòn.
- Đặc biệt trong năm 1972, ông đậu đồng thời 2 chứng chỉ Triết tại Đại học Văn khoa Sài gòn, điều hiếm có này giúp ông sớm hoàn thành Cử nhân Triết học đã bị gián đoạn khi ông tại ngũ”.
“Rất nhiều người Quảng-ngãi quen biết Trương Quang Trọng khi ông đi dạy và làm Hiệu trưởng các trường công lập trong tỉnh nầy, họ còn nhận ra tiếng nói của ông trong các lần ông thuyết trình trước sĩ quan tại bô tư lệnh Sư đoàn 2 BB hay Chương trình “Tiếng nói quân đội” do ông làm phóng sự trên Đài phát thanh Quảng-Ngãi”.
Về giới thiệu Tác phẩm, Hiệp-An đã lược qua đặc tính của 20 bài trong TBVP (tương tự như đã đựơc đăng tải trên các mạng điện tử và báo chí). Hiệp An nhận định: qua TBVP thì Trương Quang ở trong dòng Văn học hiện thực, có kiến thức và hành văn giống như Giản-Chi, Nguyễn Hiến Lê, Lãng-Nhân trước đây và Tiến sĩ Hương-Giang Thái Văn Kiểm hiện nay ở Pháp.
Nhạc khúc chuyển tiếp là “Một mai giã từ vũ khí” của Ngân-Khánh biểu lộ nỗi trăn trở của người lính ở 2 chiến tuyến đối nghịch khi chiến tranh kết thúc, đứng trước nhiều việc phải làm nhưng quá ít cơ hội để bắt đầu. Giọng hát dạt dào nhiệt huyết của Tạ Liêm Khoa được Vũ Chu đệm đàn uyển chuyển bằng chiếc Rythm Guitar đa hiệu.
Tiếng hát vừa dứt là tác giả Trương Quang bước lên Chào mừng và Cám ơn tất cả quan khách, các hội đoàn, quí Giáo-sư, quí Văn nghệ sĩ, quí Thân hữu gần xa đã dành thì giờ quí báu cuối tuần đến tham dự buổi Hội ngộ Văn nghệ đông vui như hôm nay. Trương Quang nói (trích 2 đoạn):
-“Gần như cả đời tôi lận đận với sách vở trường lớp, đến lửa đạn chiến tranh, rồi lao tù cải tạo; nay đến tuổi trung thọ mới cho ấn hành tập TBVP, âu là chuyện “chẳng đặng đừng” trứơc nguy cơ Ngôn ngữ và Văn hóa VN bị đồng hóa với ngoại bang. Lời dạy của tiền nhân chúng ta (đã được lịch sử thế giới chứng minh) rằng: Khi ngôn ngữ và Văn hóa của một Dân-tộc không còn, thì không còn Đất Nước nào cho dân tộc đó.
Vì thế trong TBVP không có chuyện hư cấu, không có thêu dệt để mua vui, mà là chút góp sức nhỏ mọn vào sự bảo tồn Ngôn ngữ và Văn hóa VN dưới dạng tùy bút, du khảo và Văn học.”......
-“Bọn đầu sỏ Việt Cọng dâng đất, dâng biển và hải đảo cả đến các tỉnh chiến lược gọi là khai thác bô-xít cho Trung-Cọng, đó là vết chém trí mạng trên đất nước. Còn Văn hóa thì sự băng hoại về Giáo dục, sự đồi trụy về phong hóa ở trong nước; còn tệ hại nào hơn sự đồng hóa dần dà theo Văn hóa Tàu: Như kéo nhau sang Quảng-Đông quay phim vở tuồng truyền hình quân dân của Hai bà Trưng sì sụp lạy tên tướng xâm lược Mã Viện. Như bộ phim lịch sử “Lý Công Uẩn, đường đến Thăng long” do Trung-Cọng dàn dựng trên đất Tàu theo phong cách và trang phục Tàu. Như lấy ngày Quốc khánh Trung-Cộng 1-10 làm ngày Đại lễ khai mạc “Ngàn năm Thăng-Long” cho nước Việt-Nam (đúng lịch sử là vua Lý Thái Tổ dời đô đến Thăng-long vào tháng 7-1010).
Nơi hải ngoại không mấy kỳ vọng vào một số trẻ con người Việt nói giỏi Anh ngữ (không nói được tiếng Việt), đã coi là đạt mục đích của người tỵ nạn. Con em ấy đâu biết rằng nói rành ngôn ngữ địa phương chỉ là phương tiện để đạt đến mục đích là có đời sống thích nghi với địa phương ấy, với căn bản vẫn là nói được tiếng nước Tổ để không hóa thành vong bản, bỏ mất căn cước của mình. Do đó, theo tôi, có sách TBVP đến tay người Việt, hơn là không”.
Trương Quang vừa dứt lời thì luật sư Nguyễn Hòa nâng bảng plate lồng kính, Phan Như-Nguyệt ôm bó hoa lên trao tặng cho tác giả và phu nhân. Cô Như-Nguyệt có lời phát biểu vinh danh tác gỉa, L.s. Hòa phát biểu Anh ngữ dành cho quan khách Hoa-Kỳ. Bảng danh dự nầy được Luật-sư tuyên đọc:
BẢN TUYÊN DƯƠNG
Giáo sư/ Nhà văn TRƯƠNG QUANG
Với “Tùy Bút Viễn Phương”, đã đóng góp tích cực trong việc Bảo tồn và Phát triển tiếng Việt và Văn hóa Việt-Nam tại hải ngoại.
Ngày 02 tháng 10 năm 2010
Quỹ Khuyến học Việt CT (dấu logo)
Một sắc thái Văn nghệ truyền thống là bài cổ nhạc do nghệ sĩ Dư Xuân Sơn sáng tác và trình diễn theo điệu Xuân tình có dàn nhạc ngũ cung phụ họa. Thính giả vô cùng tán thưởng tài sáng tác rất linh động đúng với tác giả và tác phẩm, được truyền đạt bằng giọng ca tuyệt hảo của chính soạn giả Xuân-Sơn.
Phần hội thoại văn học do quí Văn thi hữu Trần Trung Đạo và Hiệp An phụ trách. Một vị thức giả có nêu câu hỏi về nàng Kiều tự trầm ở nơi đâu? Vào ngày tháng do Trương Quang xác định trong TBVP là căn cứ vào đâu? Có thể kiểm nghiệm bằng khoa học không?
Trương Quang vui vẻ trả lời vắn tắt trong thời hạn cho phép rằng:
-“Thúy Kiều tự vận trên sông Tiền đường (là tên gọi của Triết Giang, đoạn cuối chảy ra biển), gần Hàng Châu và Lục hòa tháp, đó là không gian có ghi trong sách. Còn thời gian, thi hào Nguyễn Du chỉ hé lộ vài câu, dành lại cho hậu thế tìm hiểu được tính uyên bác của Truyện Kiều để tăng thêm thích thú:
Triều đâu nổi tiếng đùng đùng,
Hỏi ra mới biết là sông Tiền đường.
Nhớ lời thần mộng rõ ràng:
Thì thôi hết kiếp đoạn tràng là đây!
Đó là ngày 18 tháng 8 âm lịch hằng năm, nước thủy triều đùng đùng đổ vào sông Tiền-Đường cao đến 5 mét. Hiện tượng thủy văn kỳ lạ nầy tái diễn đúng ngày tháng từ ngàn năm nay, được ghi nhận qua thơ văn và giải thích bằng khoa học thực nghiệm có viết rõ trong TBVP. Ngày 18 tháng 8 âm lịch vào năm 1556 dương lịch, nàng Kiều tự trầm trên sông Tiền-Đường sau cái chết của chồng nàng là Từ Hải vài ngày, là phù hợp với Minh sử, đúng với niên giám thủy văn do tôi kiểm nghiệm khi lưu ngụ tại Hàng-Châu”.
Khoảng 2giờ PM, các hộp thực phẩm và thức uống được Ban tổ chức trao tận tay từng người nơi an vị, nên vẫn bảo đảm được trật tự trong khi ẩm thực, vừa tiếp tục theo dõi chương trình thơ nhạc.
Bài hát chuyển tiếp là nhạc bản “Tôi đi giữa hoàng hôn” của Văn Phụng đựơc giọng vàng ténor của thân hữu Dương Võ chuyên chở lòng tin yêu vào ngày mai thủy chung tươi sáng, cho dù đương còn mãi đi trong xẫm tối buổi hoàng hôn.
Phần hội thoại văn học tự động chuyển hướng cho Văn nghệ sĩ hiện diện tự trình bày thi nhạc phẩm của mình. Góp tiếng vào Văn học, nhà thơ Vinh Lê đến từ Boston diễn ngâm bài thơ “Tên giữ đền” anh sáng tác với tứ thơ phóng khoáng phiêu bồng, qua giọng trầm ấm rất Tao-đàn của anh, có Vũ Chu phụ đệm guitar acoustic. Một bài thơ có giá trị nghệ thuật, một giọng ngâm có giá trị thẩm âm.
Bài thơ “Hai dòng sông” của thi nhân Đỗ Vĩnh Khanh được cô Kim Nga diễn ngâm du dương như lời của trăng với nước của dòng sông, thánh thót theo tiếng nhạc đệm của Nguyễn Quang Truyền. Vừa cuối bài thơ, thi nhân Đỗ Vĩnh Khanh bước lên tặng cô Kim-Nga thi tập “Nỗi Buồn Dặm Cát” của anh. Thi nhân cũng tiết lộ nguồn cảm hứng sáng tạo nên bài “Hai dòng sông” khi anh đứng bên dòng Merrimack thanh bình trong sạch nhớ về sông Bến-Hải đỏ máu phân ly và còn mang u uất cho đến bao giờ?
Văn thi hữu Trần Trung Đạo nâng đàn diễn ngâm bài thơ đã gắn liền với tên anh: “ Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười”. Tay đàn tuyệt kỹ Vũ Chu cầm giúp micro.
Một nghệ sĩ nghiệp dư đa tài, cô Ngọc-Thu trình diễn nhạc khúc “Sen trắng quê mình” do cô sáng tác, được Trần Trung Đạo phụ đệm Tây-ban cầm. Nét đẹp tinh anh hiền dịu của hoa sen trắng Đồng-Tháp “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” như một ẩn ngữ nhắn gởi với ai còn nằm trong nghịch cảnh của xã hội nhớp nhúa về phong hóa ở trong nước như hiện nay.
Sảng khoái vì tính nghệ thuật trong buổi hội ngộ Thơ/ Nhạc/ Ra mắt sách, nhà thơ Trần Trung Đạo nâng guitar acoustic đứng giữa hội trường vừa đệm đàn vừa diễn ngâm “Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười”, bài thơ làm nên tên tuổi của anh. Tiếng vỗ tay tán thưởng tài năng Trần Trung Đạo vang dội.
Như một đáp từ, nữ Phật tử Châu-Ngọc, giọng ngâm thơ hàng đầu của chùa Pháp Hoa tiếp tục diễn ngâm thơ Trần trung Đạo, bài “Mỗi mùa Xuân lại một lần dối mẹ” do chính tác giả đàn phụ đệm. Hội thoại văn học vinh danh MẸ, một lần nữa được văn nghệ sĩ tài ba Trần Trung Đạo cầm đàn đứng lên diễn ngâm bài “Mẹ là thơ” của anh, được thính giả nhiệt liệt tán thưởng.
Theo sắp xếp của chương trình, cô Khoa Phương được mời lên diễn ngâm bài “Những sợi len màu” của nữ sĩ Liên Phương, trích từ thi tập “Đậm đà tình quê” của đôi vợ chồng thi nhân Phương-Đình + Liên-Phương, người núi Ấn sông Trà. Cảm khái từ sự đổi thay đen trắng trong giòng đời giống như màu len thay đổi khi nữ sĩ ngồi đan áo gởi lên chồng ở trại tù cải tạo Gia-Trung. Bài thơ có sức truyền cảm được chuyển tải bằng giọng ngâm mượt mà dễ làm mềm lòng người nghe. Cặp lão thi nhân nầy hiện cư trứ tận Manchester, NH, nên không thể đến tham dự buổi hội ngộ văn nghệ, đã ủy nhiệm cho Trương Quang tặng thi tập “Đậm Đà Tình Quê” cho nữ nghệ sĩ Khoa Phương.
Phần Thơ tạm ngưng để chuyển sang nhạc phẩm “Nửa hồn thương đau” của Phạm Đình Chương theo điệu Slow rock tha thiết ngậm ngùi, do ca sĩ Thanh-Vân từ East Heaven vừa đến kịp giờ trình diễn. Tiếng hát vút cao đưa thính giả về một thời gian tràn đầy hạnh phúc, chất trữ tình lãng mạn ấy nay chỉ còn lại dư âm. Hội trường từ đây dù có thưa dần, số tham dự viên còn lại vẫn không dưới 150 người.
Đến các nhac khúc “Biển Mặn” của Trần Thiện-Thanh và “Thương quá Việt-Nam” của Phạm Thế Mỹ thì tôi không kịp ghi chép, vì bận tìm hiểu bàn phát hành sách do cô Trương Phương Thảo và Nghiêm Minh Hằng (là con và dâu của tác giả) đảm nhận. Sách TBVP đã bán 136 tập, trong đó có vị mua 10 tập như Nguyễn Đình Vũ, Phan Luận - Minh Hằng; mua 5 tập như Trịnh Văn Đường, Võ Dương, Phan Thanh Hiển, biểu lộ nhiệt tình ủng hộ tác giả và giúp phổ biến đến bạn hữu vắng mặt.
Kết thúc buổi hội ngộ Thơ/ Nhạc/ Ra mắt sách, MC Đỗ Khắc Hải thay mặt Ban Tổ chức cám ơn quí thân hữu đến tham dự khá đông, tạo đươc không khí tương giao văn học là sự thành công tốt đẹp cho buổi tao ngộ. Sau lời chân thành cám ơn, tác giả Trương Quang cáo lỗi về sự khiếm khuyết trong tiếp đón quí khách ở xa đến muộn, về các ý kiến chưa được phát biểu trong hội thoại văn học, về các tài năng thơ nhạc chưa được xuất hiện. Xin quí vị thấu hiểu rằng sau 3PM, nhiều thân hữu phải rời hội trường để đi Boston dự Đại nhạc hội SBTN, hay trở về cơ sở tôn giáo đương tổ chức tiệc tiếp tân, gây quĩ; do đó thời gian của chúng ta bị hạn chế.
Xin đa tạ những tấm lòng vàng
Ngày 02 tháng 10 năm 2010
ẤN TRÀ tường thuật
Xem thêm về Giới thiệu "Tùy Bút Viễn Phương" tại đây.
Trở về Website núi Ấn sông Trà