Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
BIẾN CỐ “VỊNH CON HEO” HAY CUỘC ĐỔ BỘ CUBA.
LÊ CHÁNH THIÊM
Các bài liên quan:
    ĐẰNG SAU CHIẾN TUYẾN CỦA KẺ THÙ - CUỘC CHIẾN TRANH LẠNH CỦA CIA Ở TRUNG CỘNG.
    PHI-CƠ DO-THÁM U-2
    C.I.A., ÔNG LÀ AI?
    ĐIỆP-VỤ U-2 HAY PHÂN-ĐỘI TÌNH-BÁO 10-10 CỦA HOA-KỲ



I. Dẫn nhập:

Thế giới chiến tranh lần thứ hai chấm dứt đã để lại cho nhân loại không biết bao nhiêu thảm cảnh: nhiều triệu người bị thiệt mang, ngoài thảm-họa do các cuộc chiến gây nên cũng như do hai quả bom nguyên-tử, còn có quả bom thứ ba nguy-hiểm gập bội, đó là chủ-nghĩa Cộng-sản. Khi đã nhuộm đỏ Liên-bang Nga, chủ nghĩa nầy đã lấn sang lục địa Trung-Hoa, Đông Âu và sau đó hiện diện trên đảo quốc Cuba, một địa phận nằm sát nách Hoa Kỳ là quốc gia đại diện cho lực-lượng đối đầu với khối Cộng-Sản mà phe nầy muốn tiêu-diệt. Sau khi Fidel Castro làm chủ đảo quốc nầy, Chính quyền Nga đặc biệt chú ý, muốn biến nước nầy làm “tiền đồn” tấn công Mỹ. Nhận thấy nguy-cơ nầy, chính phủ Mỹ chủ trương lật đổ Fidel Castro qua việc ra lệnh cho CIA lập kế hoạch và thi hành cuộc đổ bộ vào Cuba với lực lượng là những người Cuba lưu vong, họ ra đi sau khi Cộng Sản xích-hóa Cuba.
 

Bản đồ Vịnh Con Heo


Cuộc đổ bộ vào Cuba là chủ đề bài viết nầy, được đặt tên là “Biến cố Vịnh Con Heo” (tiếng Tây Ban Nha: Bahía de Cochinos). Ở cuối bài, chúng ta nói sơ qua về “Biến cố hỏa tiễn Cuba” xảy ra giữa 2 ông lớn Nga Mỹ sau cuộc đổ bộ đó, suýt đưa nhân loại đi vào chiến-tranh hạt nhân. Cuộc đổ bộ nhằm tiêu diệt chế độ Fidel Castro là hành động đầu tiên của “biến cố hỏa tiễn Cuba”, cuộc đấu trí giữa 2 phe để rồi đi đến kết cuộc hòa dịu sau khi “biết người, biết ta”, đã làm cho cả thế giới “nín thở” theo-dõi. Trước khi đi vào đề tài, mời quý vị đọc một chuyện vui để thấy vai trò của nhân viên CIA - cơ quan đầu não tạo ra biến cố mà chúng ta sắp đề cập - như thế nào. Lắm người Mỹ khôi hài thường kể những chuyện giả tưởng về sự liên lạc giữa CIA và FBI, 2 cơ quan tình báo, gián điệp chủ chốt của Mỹ: “Một trong những chuyện thuộc dạng đó, là khi một điệp viên CIA bắt tay một nhân viên FBI xong, khi rút tay về, cả hai vội đếm xem thử mình có mất ngón tay nào không?” (One of the gags is that after a CIA man and an FBI agent shake hands, each quickly counts his fingers).

II. Nguyên nhân:

Trước tiên, xin nói đến nguyên nhân xảy ra “biến cố Vịnh Con heo”. Vào thập niên 1960, trong khi Nga Mỹ tiếp tục đàm phán về việc 2 bên cùng dừng lại việc “thử nghiệm hạt nhân” và “cắt giảm quân bị” nhưng cả hai phía lại tăng cường thử nghiệm hạt nhân. Năm 1959, một tướng lĩnh cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra dự đoán với các nhà hành pháp của Mỹ: “Đến cuối năm 1962, số lượng hỏa tiễn tầm xa của Nga sẽ gấp 3 lần Mỹ”.

 

Các dàn hỏa tiễn Nga đặt ở Cuba do U-2 chụp được.


Tổng Thống Mỹ lúc đó là Dwight D. Eisenhower và người kế nhiệm là John F. Kennedy, mới đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 11-1960 rất quan tâm tới điều này nên liên tục đề nghị Quốc Hội Mỹ tăng ngân sách quốc phòng. Tháng 3/1961, Kennedy ra lệnh đẩy mạnh việc nghiên cứu, chế tạo và sản xuất hỏa tiễn Polaris bắn từ tàu ngầm và hỏa tiễn Minuteman phóng từ lòng đất. Thêm vào đó, Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Tây Đức, Áo, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để tạo thành thế bao vây đối với Nga và khối Cộng Sản Đông Âu. Trong 2 năm 1959 và 1960, quân đội NATO nhiều lần tổ chức diễn tập hành quân hỗn hợp, lấy Nga và Đông Âu làm kẻ địch giả tưởng. Những hỏa tiễn của Mỹ đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ mất 5 đến 6 phút là có thể bay tới Mạc Tư Khoa. Ngược lại, nếu Nga phóng một trái hỏa tiễn từ lãnh thổ của mình đến được nước Mỹ phải mất từ 20 đến 30 phút bay. Điều bất lợi này khiến Khrushchev và chính quyền Mạc Tư Khoa cảm thấy bất an. Trước chuyến thăm Nga của Raul Castro, người đại diện của Cuba đến Nga với mục đích cầu viện, thì Khrushchev đi thăm Bảo Gia Lợi. Một hôm, Khrushchev đi dạo trên bờ Hắc Hải với Nguyên soái Rodion Malinovsky là Bộ trưởng Quốc phòng Nga. Malinovsky chỉ tay sang phía bờ đối diện nói:

-“Chỉ cần vài phút là những quả hỏa tiễn hạt nhân bố trí ở các căn cứ quân sự Mỹ trên đất Thổ Nhĩ Kỳ có thể huỷ diệt Kiev hay Mạc Tư Khoa ngay”.

Khrushchev hỏi lại:

-“Vậy tại sao chúng ta không thể thiết lập căn cứ quân sự ở gần nước Mỹ?”

Các dàn hỏa tiễn Nga đặt ở Cuba do U-2 chụp được

 

Thế là Nga làm theo lệnh của Khrushchev, quyết tâm biến ý tưởng đó thành hiện thực. Nhằm tạo thế cân bằng với Mỹ, Khrushchev nhận lời giúp đỡ Cuba. Nhưng Khrushchev nghĩ rằng nếu cung cấp những loại vũ khí qui ước như chiến xa hay đại pháo…cũng chỉ giúp Cuba nâng cao khả năng phòng ngự thông thường, không thể tạo ra sức mạnh răn đe hay gây thiệt hại to lớn đối với Mỹ. Khrushchev tuyên bố:

-“Chúng ta nhất định phải nghĩ ra biện pháp thực tế để đối phó với Mỹ và sự can thiệp của Mỹ ở biển Caribê”.

Cuối cùng, Khrushchev quyết định phải xây dựng căn cứ quân sự và đặt các giàn hỏa tiễn hạt nhân, phi trường cho máy bay Il-28 của Nga ở Cuba. Khrushchev cho rằng:

-“Người Mỹ xây dựng các căn cứ quân sự bao vây Nga, sử dụng vũ khí hạt nhân đe doạ Nga, nên họ đáng được nếm vị đắng khi thấy hỏa tiễn của Nga chĩa vào sườn của họ”.

Ngay sau đó, Nga cho chuyển các thiết bị rồi đặt các giàn hỏa tiễn hạt nhân, xây các căn cứ quân sự và sân bay cho các loại phi cơ chiến đấu tối tân nhất của Nga ở đó. Ngày 15-10-1959, phi-cơ thám-sát U-2 của Mỹ phát giác một số lượng vũ-khí lớn, trong đó có các giàn hỏa tiễn của Nga đặt trên đất Cuba nhắm vào nước Mỹ. Tất cả những hoạt động được U-2 chụp hình, ghi lại các âm thanh đang sinh hoạt ở các căn cứ đó một cách đầy đủ, đã làm cho Mỹ có quyết định mạnh, dứt khoát với các hành động của Nga.

Chính phủ của Tổng Thống Eisenhower thấy tầm nguy-hại nếu một ngày nào đó xảy ra chiến tranh, các loại vũ-khí của khối Cộng từ đất Cuba nầy tấn công vào lãnh-thổ Hoa Kỳ, sẽ là một thảm họa vô cùng to lớn. Vì thế, chính phủ Mỹ tìm cách mọi cách tiêu-diệt chế độ của Fidel Castro cầm đầu. Chính quyền Mỹ đã chỉ thị cho Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (Central Intelligence Agency, CIA) nghiên cứu, soạn thảo rồi thi hành kế hoạch tấn công vào đảo quốc nầy sau khi tìm ra một lý do nào đó. Cơ quan CIA đẻ ra kế-hoạch đưa những người Cuba lưu vong trở về phục quốc bằng quân sự. Cuộc đổ bộ dự trù sẽ diễn ra tại Playa Girón (bí danh Bãi xanh dương), Playa Larga (bí danh Bãi đỏ), và Caleta Buena Inlet (bí danh Bãi xanh lá).

III. Cuộc đổ bộ vào Cuba

Vào tháng 4-1961, một lực-lượng quân-sự vào khoảng 1,400 người, là những di-dân từ Cuba được chính-phủ Hoa-Kỳ hậu-thuẫn, dùng các phương-tiện do Mỹ cung cấp, đổ bộ vào Cuba hòng lật đổ chế độ do Fidel Castro cầm đầu. Tổng Thống Kennedy nhậm chức mới vừa mấy tháng nên yếu kém trong nhiệm vụ của một nhà lãnh đạo chính quyền kiêm Tổng Tư lệnh quân đội. Với chừng đó quân số là một lực-lượng quá nhỏ so với quân số của chính-phủ Cuba với hơn 250 ngàn quân chính quy, chưa kể các lực-lượng dân quân, cùng với những sai lầm trong kế hoạch, cuộc đổ bộ đã bị chính quyền Fidel Castro đập tan tức khắc. Đây là một sự kiện chính trị, quân sự trọng đại vào thời bấy giờ, tuy sớm chấm dứt nhưng đã để lại những di-hại vô cùng lớn lao cho nhiều quốc gia mà hai lực lượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là nước Mỹ và các lực lượng kiều dân Cuba lưu vong chống Cộng ở khắp nơi, nhiều nhất là ở Hoa Kỳ.


Phi cơ do thám U-2 của Hoa-Kỳ.


Cuộc đổ bộ này có cơ thành-công nếu lực-lượng đổ-bộ được sự ủng-hộ và tham gia của một tổ-chức có khuynh-hướng tự-do hạn-chế, đang được dân-chúng Cuba mến chuộng và cũng là lực-lượng chính đang chống lại Castro. Vụ đổ bộ không những không mang lại kết-quả như Mỹ mong muốn mà còn gây tác-hại to lớn mãi về sau này, làm giảm uy-tín của CIA nói riêng và ảnh-hưởng của Mỹ trên thế-giới nói chung cũng như gián-tiếp giết chết các tổ-chức, các công-tác chống lại chính-quyền độc-tài Fidel Castro tại hải-ngoại và trong nội-địa Cuba từ đó đến nay.

1. Kế hoạch đổ bộ.

Từ mùa Xuân năm 1960, chính-phủ của Tổng-thống Dwight D. Eisenhower có ý định tiêu diệt Fidel Castro khi chính-phủ của ông ta thân Cộng-sản rõ-rệt. Ngày 16-3-1960, Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh cho Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) dùng Đơn vị Hoạt động Đặc biệt của mình để vũ trang, huấn luyện và chỉ đạo những người Cuba lưu vong để thực hiện đổ bộ xâm lược vào Cuba, nhằm lật đổ chính quyền do Fidel Castro mới thành lập ở Cuba. CIA đã phúc-trình cho chính-phủ Hoa-Kỳ biết là Cuba đã gởi 24 phi-công của họ sang Tiệp-Khắc học lái các loại phản-lực-cơ Mig của Nga chế-tạo. Trong khoảng thời-gian trước đó, 30 ngàn tấn vũ-khí trị giá 50 triệu USD của Nga được đem vào Cuba để đối-phó với Hoa-Kỳ vì khối Cộng-Sản thấy Cuba nằm sát nách Hoa-kỳ, với số vũ-khí đó có thể tấn-công vào Mỹ sẽ gây thiệt hại nặng. Lực-lượng quân-sự của Cuba lúc đó có chiến xa JS-2 nặng 50 tấn, chiến-xa T-34 nặng 35 tấn, đại-bác SU-100, các sơn pháo 76 ly, 85 ly, 122 ly cùng rất nhiều đạn dược. Thêm vào đó, Nga gởi đến Cuba nhiều cố-vấn cùng với các cố-vấn Tiệp-Khắc để giúp đỡ cho quân đội Cuba, với quân số từ 250 ngàn đến 400 ngàn. Như vậy, cứ 30 người dân Cuba thì có 1 người là lính, so với Nga là 50/1 và Mỹ là 60/1 vào thời đó. Cuba cũng xây cất những công-trình bằng bê-tông như các giàn phóng hỏa-tiễn, các vị-trí đặt trọng-pháo, các dàn radar, các vi-trí quan-sát quân-sự, các vị-trí canh phòng, tuần-tiểu.

 

Các dàn hỏa tiễn Nga đặt ở Cuba do U-2 chụp được

Nhận thấy nguy-cơ khi có một nước Cộng-Sản sát nách mình, chính-quyền Mỹ giao cho CIA nhiệm vụ lập phương-thức và tổ-chức lật đổ chính-phủ Fidel Castro bằng mọi giá. Đầu tiên, người Mỹ tập hợp 2 nhóm người Cuba lưu-vong lớn nhất có các hoạt-động nhằm chống lại Fidel Castro đang hoạt-động tại Hoa-Kỳ và các kiều dân Cuba cư-ngụ tại các nước khác ở Trung, Nam Mỹ. Nhóm thứ nhất là nhóm Tân Cách-mạng (Movement for Revolutionary Recovery, M.R.R.), một tổ-chức ôn-hòa, gồm các cựu đồng-chí của Fidel Castro, là những sĩ-quan, những nhà kinh-tài, những người hành nghề tự-do và những thân-nhân liên-hệ với họ. Nhóm thứ hai là tổ-chức Cách-mạng Nhân-dân (People’s Revolutionary Movement, M.R.P.) do ông Manolo Antonio Ray lãnh-đạo. Tám tháng sau khi đoạn giao với Fidel Castro, ông Manolo Antonio Ray vẫn còn ở lại trên đảo quốc Cuba để tổ-chức một cơ-cấu kháng-chiến chống lại Castro. Lực-lượng của Ray đông đảo nhất, tương-đối hoàn-hảo hơn hết, rải đều trên toàn lãnh-thổ Cuba, ngay đến các làng nhỏ hẻo-lánh. Ông Ray có khuynh-hướng trung-dung, nửa muốn theo chế-độ tự-do nửa thiên tả. Cơ-quan Tình-báo CIA đã liệt Ray vào hạng bất-hảo vì thấy Ray có ý thiên tả, ngay đến các người Cuba lưu-vong cũng nghĩ về Ray như vậy. Vì thế, trong thâm tâm, người Mỹ cũng không thật tâm dùng Manolo Antonio Ray.

CIA tập-họp các nhóm người Cuba lưu-vong lại, kiện-toàn tổ-chức để thành-lập “Mặt-trận Dân-chủ Cách-mạng”, trong đó có cả một số người trong tổ-chức M.R.P của ông Ray. Vấn đề tài-chánh chi cho tổ-chức này do CIA và các nhà tài-phiệt Cuba tại Hoa-Kỳ cung-cấp, phần đông sống tập trung tại tiểu-bang Florida. Chính-phủ Hoa-Kỳ chỉ-thị cho CIA sửa-soạn mọi việc cho cuộc đổ bộ vào Cuba. Chính-phủ Mỹ cũng đã thương-nghị với Tổng-thống Guatemala là ông Fuenter để cho du-kích-quân chống Cuba được huấn-luyện ở Guatemala, cho Hoa-Kỳ lập một phi-trường có nhiều phi-đạo cho phi-cơ vận-tải lên xuống để phục vụ cho chiến-dịch nầy vì Guatemala gần với đất Cuba.

2. Chuẩn bị và huấn luyện cho cuộc đổ bộ.

Vào tháng 4-1960, CIA bắt đầu tuyển mộ người Cuba lưu vong có tư tưởng chống Fidel tại khu vực Miami. Đến tháng 7-1960, họ tuyển lựa và huấn luyện tại Đảo Useppa và một số địa điểm khác tại Nam Florida như Homestead AFB. CIA huấn luyện về đánh du kích tại Trại Gulick và Trại Clayton, Panama. Sau khi tăng mức độ tuyển mộ là việc huấn luyện bộ binh, được thực hiện tại một căn cứ của CIA có bí danh JMTrax gần Retalhuleu tại Sierra Madre trên bờ biển Thái Bình Dương của Guatemala. Nhóm lưu vong tự gọi mình là Lữ đoàn 2506 (Brigada Asalto 2506). Vào mùa Hè năm 1960, một trường bay ở Căn cứ Rayo (có bí danh JMMadd) được xây dựng gần Retalhuleu, Guatemala. Huấn luyện bắn súng và bay cho lực lượng bay của Lữ đoàn 2506 được những nhân viên đến từ Alabama ANG (Bảo vệ Hàng không Quốc gia) đảm nhiệm. Họ đã sử dụng 6 chiếc Douglas B-26 Invader, dán nhãn FAG (Fuerza Aérea Guatemalteca), những chiếc sẽ được bán hợp pháp cho FAG. 26 chiếc B-26 khác lấy từ kho vũ khí của Hoa Kỳ và khoảng 20 chiếc trong số đó được sửa đổi cho hợp với chiến dịch tấn công bằng cách bỏ đi các quân trang phòng vệ, chuẩn hóa mũi tám súng, bổ sung buồng thả dưới cánh, khay tên lửa, v.v…Việc huấn luyện lính nhảy dù được tiến hành ở căn cứ Garrapatenango, gần Quetzaltenango, Guatemala. Việc huấn luyện xử dụng thuyền và đổ bộ diễn ra tại Đảo Vieques, Puerto Rico. Huấn luyện chiến xa diễn ra tại Trại Knox, Kentucky và Trại Benning, Georgia. Huấn luyện phá hoại và xâm nhập dưới nước diễn ra tại Belle Chase gần New Orleans. CIA đã sử dụng máy bay vận tải Douglas C-54 để gửi người, lương thực, và vũ khí bay từ Florida vào ban đêm. Những chiếc Curtiss C-46 cũng được dùng để vận tải giữa Retalhuleu và căn cứ của CIA có tên JMTide (hay Happy Valley), tại Puerto Cabezas, Nicaragua. Ngày 9-4-1961, nhân sự, tàu bè, và máy bay của Lữ đoàn 2506 bắt đầu được chuyển từ Guatemala sang Puerto Cabezas, Nicaragua.


Các dàn hỏa tiễn Nga đặt ở Cuba.

 
Đầu năm 1961, quân đội Cuba sở hữu các loại vũ khí của Nga như xe tăng T-34 và IS-2 Stalin, SU-100 tự hành chống chiến xa, bích kích pháo 122 mm, các loại súng cối và vũ khí hạng nhẹ khác, trong đó có bích kích pháo 105 mm của Ý. Không quân Cuba được trang bị các loại máy bay ném bom hạng nhẹ Douglas B-26 Invader, chiến đấu cơ Hawker Sea Fury, phản lực Lockheed T-33, tất cả đều là những thứ để lại từ Fuerza Aérea del Ejército de Cuba (FAEC) của không quân Cuba dưới thời chính quyền Batista. Do đã tiên lượng được cuộc xâm nhập, Che Guevara đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lược lượng dân quân vũ trang, nói rằng "mọi người dân Cuba phải là một đội quân du kích, mỗi một người Cuba phải học cách sử dụng súng và khi cần phải dùng chúng để bảo vệ đất nước".

3. Diễn tiến cuộc đổ bộ.

Cơ-quan Tình-báo CIA và chính-phủ Hoa-Kỳ mắc phải nhiều sai lầm nghiêm-trọng trong kế-hoạch đổ bộ vào Cuba. Việc đầu tiên, Frank Bender là điệp-viên chính của CIA ở Guatemala, là người bảo-trợ và đề-nghị cho Manuel Artime Buesa, 29 tuổi, một cựu nhân-viên Bộ Tài-chánh trong chính-phủ Castro, là người không có một chút kinh-nghiệm gì về quân-sự được CIA chỉ định làm chỉ-huy trưởng cuộc đổ bộ. Việc đề cử nầy không được tham-khảo với người Cuba luu-vong, với các nhóm chống Fidel Castro đang cộng-tác với Mỹ trong ý đồ lật đổ chế-độ độc-tài thân Cộng. Đây là một trong những nguyên-nhân dẫn đến thất-bại sau nầy. Từ tháng 1-1961, Đại-úy Artime Buesa đã sửa soạn để chỉ-huy nhưng mãi đến 10 ngày trước ngày đổ bộ, CIA mới giao quyền cho ông ta mà không hỏi qua ý kiến của Manolo Ray. CIA cũng sai lầm ở chỗ bỏ rơi các chuyên-viên du-kích-chiến và các người từng cộng-tác với Castro trước đây đang sống lưu-vong. Chính-phủ Mỹ còn ngưng chương-trình phát-thanh về Cuba trong mục-đích chiến-tranh tâm-lý. CIA còn âm-thầm không thi-hành lệnh của Tổng-Thống Kennedy: “loại bỏ nhân-viên của Batista, nhà cựu lãnh-đạo độc-tài của Cuba và bắt giữ Masferrer, một người chủ hòa trong chính-phủ Batista”, nhưng CIA không làm.

Ngoài ra, các phúc-trình của nhân-viên CIA ở nội địa Cuba gởi về đều cho là sẽ được dân chúng Cuba ủng-hộ cuộc nổi dậy nên chính-phủ Mỹ tin-tưởng vào nguồn tin lạc-quan nầy. Theo chủ-trương của chính phủ Mỹ dưới thời TT Eisenhower thì Không-quân Mỹ sẽ can-thiệp để giúp cho quân đổ bộ vào Cuba, Mỹ sẽ lập đầu cầu không vận nhưng khi đến chính-quyền Kennedy thì không đồng ý chủ-trương này vì Kennedy cho là “đi quá đà”. Ông Kennedy chỉ đồng ý dùng phi-cơ ở Guatemala can-thiệp nếu Cuba dùng không-quân tấn-công quân đổ bộ. Cuộc không tập lần thứ nhất vào ngày 14-4 do các phi-công người Cuba lái với những phi-cơ sơn hiệu-kỳ Cuba trước ngày dự định đổ bộ 2 ngày đã phần nào thành công, nhất là gây ảnh hưởng tâm lý trong dân chúng Cuba nhưng cũng đã cảnh báo cho chính quyền Castro về nguy cơ sẽ có cuộc đổ bộ. Cuộc không tập lần thứ 2 theo dự trù đã bị Kennedy ra lệnh hủy bỏ. Như vậy kế hoạch nầy đã tự phía Mỹ hủy bỏ nửa chừng. Đây là quyết định sai lầm nghiêm-trọng thứ hai của TT Kennedy và ban tham mưu của ông.
 

Tàu Nga chở quân dụng, hỏa tiễn đến Cuba máy bay do thám Mỹ chụp được
 

CIA còn sai lầm về việc chọn vị-trí đổ bộ vào đảo quốc Cuba. Đại-tá Ramon Barquin là cố-vấn quân-sự của Ray là một người tài giỏi, là một trong những sĩ-quan lưu-vong tài năng nhất. Khi biết CIA chủ-trương đổ bộ khu đầm lầy bao quanh Vịnh Con Heo, ông ta cho rằng:

-“Chỉ cần Castro đưa quân án-ngữ 3 con đường hiểm hóc dẫn sâu vào nội-địa Cuba là quân đổ bộ bị tiêu-diệt dễ-dàng”.

Các cấp chỉ huy của CIA không nghe lời khuyến cáo ấy của ông ta.

Nửa đêm 16-4-1961, năm chiếc tàu đổ bộ thả quân lên bờ biển phía Nam tỉnh Matanzas thuộc Vịnh Con Heo để tiến vào nội địa Cuba. Đến rạng sáng hôm sau, các máy bay C-54, C-46 phát-xuất từ Guatemala và Nicaragua thả thêm quân nhảy dù tiếp-viện, 8 oanh-tạc cơ B-26 và các chiến-đấu cơ lỗi-thời P-51 yểm-trợ cho cuộc đổ bộ. Quân đổ bộ tiến sâu vào nội địa được 30 cây-số thì bị 1 tiểu-đoàn của Fidel Castro chận lại và sau đó lực-lượng tiếp-viện hùng-hậu của Castro đổ đến vây kín và lực-lượng đổ bộ phải buông súng đầu hàng, ngoài một số bị giết chết. Trước đó, CIA đã báo-cáo cho TT Kennedy là không-lực Cuba bị loại ra ngoài vòng chiến nhưng báo-cáo này hoàn toàn sai lạc. Ba chiếc phản-lực cơ T-33 của Mỹ mà Castro tịch thu của Batista đã bắn rơi tất cả các B-26 cổ-lổ ngay trên đầu cầu đổ bộ. Đến trưa, không-lực Cuba còn đánh chìm 2 tàu đổ bộ chứa súng đạn và các dụng-cụ truyền-tin của lực-lượng đổ bộ chưa kịp vận chuyển lên bờ. Sau đó, chiến xa và đại-bác Nga được gởi đến và càn-quét nốt tàn quân đổ bộ. Đến lúc này, nếu Tổng-thống Kennedy muốn đổi ý để can-thiệp vào Cuba thì cũng còn kịp, có thể tình-thế sẽ khác đi. Tối 18-4, Tổng-thống Kennedy đến hội-đàm với các nhân-vật quan-trọng trong chính-phủ nhưng bàn cãi suốt đêm mà vẫn không thống-nhất ý-kiến, đến sáng hôm sau thì không còn kịp nữa.

Khi nội vụ đã an bài, CIA diễn-giải là cuộc xâm lấn chỉ là một cuộc đổ bộ nhỏ của hai ba trăm người nhưng chính-phủ Fidel Castro cho truyền-hình đi khắp thế-giới với 1.200 người bị bắt. Castro còn để cho các tù binh tự thú là họ đã hoạt-động dưới sự bảo-trợ của CIA. John F. Kennedy là một tổng thống khi đắc cử thuộc vào hạng trẻ của lịch sử Mỹ, thiếu kinh nghiệm về quân sự, chính trị và nhất là bộ tham mưu của ông thiếu người tài. Hơn nữa, “hào quang chiến thắng” của cuộc bầu cử đã làm ông và nhóm cố vấn và tham mưu là đảng viên Dân Chủ quanh ông “tự kiêu” mà không còn nghe những người có nhiều kinh nghiệm chiến chinh bàn điều hay lẽ thiệt. Ta hãy nghe những lời “hùng hồn” của một ông tổng-thống trẻ, đẹp trai và nổi tiếng hào-hoa, đa tình, trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20-01-1961 tại Hoa Thịnh Đốn:

-“Hãy nói thẳng từ thời điểm nầy và nơi chốn nầy, với bạn cũng như thù, rằng ngọn đuốc đã được chuyền tay cho một thế-hệ mới của người Mỹ...không muốn chứng kiến hay cho phép sự trì-trệ của nhân-quyền mà quốc-gia này luôn luôn cam-kết, và nay đang cam-kết tại trong nước và trên thế-giới. Hãy cho mọi quốc gia biết, dù là chúc lành hay chúc dữ cho chúng ta, rằng chúng ta sẽ trả bất cứ giá nào, mang bất cứ gánh nặng nào, gặp bất cứ gian-lao nào, yểm-trợ bất cứ bạn hữu nào, chống lại bất cứ kẻ thù nào để bảo đảm sự tồn-tại và thành-công của tự-do”.
 

Tàu Nga chở quân dụng, hỏa tiễn đến Cuba

Ở Miami, Florida, ông Manolo Antonio Ray và M.R.P. tuyên-bố tách khỏi Hội-đồng Cách-mạng Cuba để phản-đối CIA, phản-đối sự chuyên-quyền của CIA. Vụ Cuba là một thất-bại ê-chề của cơ-quan CIA bắt nguồn từ việc họ quá nghiêng theo phe bảo-thủ, các kế hoạch hoàn toàn sai lầm, gây nên thiệt hại nghiêm trọng, vô phương cứu vãn. Sau thất bại này, chính-quyền Kennedy đã có nhiều biện-pháp cứu-xét trách-nhiệm của Bộ Ngoại-giao trong công-tác điểu-khiển đường-lối đối ngoại. Các Đại-sứ Mỹ phải phúc-trình về tình-trạng chính-trị và hệ-thống nhân-viên của mình nơi đó và cấm CIA không được tự hoạt-động về chính-trị và phải có đường-lối theo đúng đường-lối chính-trị của chính-phủ Mỹ.

III. Nguyên nhân dẫn đến thất bại.

Một đường lối đối-ngoại bao giờ cũng phải đặt căn-bản trên những nguồn tin tình-báo thu lượm được ở ngoại-quốc, kể cả ở các quốc-gia đồng-minh với mình. Ở về chính-quyền Mỹ, việc này giao cho CIA và những nhân-viên CIA lại có khuynh-hướng làm việc như những nhà thương-mai: họ không chỉ đề-nghị những tin-tức và những quyết-định mà còn bắt-buộc các nhà lãnh-đạo phải chấp-nhận những gì họ đề ra. Thường thì các dự đoán của CIA nếu không bi-thảm-hóa thì quá chủ-quan đối với những tiến-triển của địch quân. Đề-đốc Radford xác-nhận là CIA coi trọng khả-năng quân-sự của khối Công-Sản và cũng có nhiều ý-kiến của CIA cho là hệ-thống điệp-báo của Mỹ chậm tiến, lạc hậu. Nhiều nghị-sĩ yêu-cầu Quốc-hội kiểm-soát CIA chặt-chẽ hơn nhưng từ năm 1955, CIA chỉ chịu sự kiểm-soát độc nhất của Ủy-ban Hoover do Quốc-hội Mỹ đề cử mà Ủy-ban này lúc nào cũng xác-nhận là CIA hữu-ích và đáng tin-cậy. Đề-nghị yêu cầu Quốc-hội kiểm-soát CIA bị bác ở Thượng-viện vì Thượng-viện cho rằng CIA phải được hoàn-toàn bất-khả xâm-phạm. Tổng-Thống Kennedy đã thay Allen Dulles bằng John Alex Mc Cone, một kỹ-nghệ gia và là cựu Chủ-tịch Ủy-ban Nguyên-tử năng Mỹ điều khiển CIA, thuộc phe Dân chủ, là một người bất tài.

Phi cơ Mỹ dùng trong cuộc đổ bộ được Cuba đem đặt tại Bảo tàng viện tại Cuba.
 

Những hoạt-động của CIA không được chính-xác, tỷ dụ như việc dự đoán sai lầm về khả-năng nguyên-tử của Nga. Cơ-quan CIA dự đoán là Nga phải 10 năm sau Thế chiến 2 mới có thể thí-nghiệm về bom A nhưng năm 1949 Nga đã cho thí-nghiệm bom nguyên-tử, và họ vượt Mỹ về bom khinh-khí. Riêng về chương-trình không-gian của Nga, khi vụ vệ-tinh Spoutnik cùng việc Gagarine là người đầu tiên bay vòng quanh địa-cầu xảy ra, Mỹ mới tỉnh-ngộ và thấy những tắc-trách của CIA.

Những hệ-lụy của vụ đổ bộ vào Cuba thật to lớn, nhất là đối với những tổ chức lưu vong chống chế độ độc tài của Fidel Castro. Sau vụ này, 30 phản-lực cơ Mig 17 của Nga được viện-trợ cho Cuba, quân đội 200 ngàn người của Castro trở nên trung-thành hơn, con số quân nhân Cuba đào-ngũ rất hiếm hoi, viện-trợ do khối Cộng cho Cuba đều-đặn, các tổ-chức kháng-chiến chống Castro tan-rã dần. Tổng-thống Kennedy đã không tỏ ra được khả-năng lãnh-đạo và sự quyết đoán cần-thiết vì chưa quen với nhiệm-vụ Tổng-thống nhất là nhóm cố vấn của ông ta thiên về đối nội hơn đối ngoại, không có khả năng về các chiến lược quân sự, các kế hoạch sử dụng nhân lực và nhất là quá tin vào CIA. Tai mắt của ông là CIA mà CIA thường cung-cấp cho ông các tin-tức sai lầm. Ông tỏ ra lưng-chừng và ngần-ngừ khi quyết-định hủy bỏ cuộc không-tập lần thứ hai. Ông cũng tỏ vẻ sẵn-sàng cho CIA xin oanh-tạc lại nếu CIA có đủ lý lẽ yêu cầu. Nhiều điều đã xảy ra nữa trong việc điều hành guồng máy quốc gia cho thấy Kennedy quá yếu kém, thiếu kinh-nghiệm, số phiếu thắng đối thủ (Richard Milhous Nixon) quá ít (118.574 phiếu).

Sau đó, dưới nhiều áp lực, chính quyền Kennedy phải cho điều tra và tìm ra nguyên nhân dẫn đến thất bại. Hai báo cáo quan trọng nhất được giải mã như sau:

a. Ngày 22-4-1961, TT Kennedy đã yêu cầu Tướng Maxwell D. Taylor, Tổng trưởng lý Robert F. Kennedy, Đô đốc Arleigh Burke và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Allen Dulles báo cáo về những bài học có được từ chiến dịch thất bại. Ngày 13-6-1961, Tướng Taylor đệ trình báo cao của Uỷ ban Điều tra tới Tổng thống Kennedy. Thất bại được quy cho: “sự thiếu nhận thức sớm về sự không thể thành công bằng các biện pháp bí mật, thiếu máy bay, các hạn chế về vũ khí, phi công và những cuộc tấn công không quân để tạo ra ưu thế hợp lý và trên hết, thiếu những con tàu quan trọng và thiếu đạn dược”.


Phóng pháo cơ  tối tân nhất của Nga thời đó, IL-28 được đem sang Cuba sẵn sàng tấn công vào Mỹ.


b. Tháng 11-1961, nhà điều tra của CIA là tướng Lyman B Kirkpatrick đã thảo ra một báo cáo mang tên “Survey of the Cuban Operation”. Bản báo cáo nầy được xếp hạng tuyệt mật, cho tới năm 1996 mới được giải mã. Những kết luận của sự thất bại do:

1. CIA đã vượt quá những khả năng của mình khi phát triển dự án từ hỗ trợ du kích để tiến tới hoạt động vũ trang công khai mà không có bất kỳ khả năng thành công nào.

2. Không đánh giá thực tế được các nguy cơ và thông tin một cách thích hợp với các quyết định bên trong và với các thành phần chính phủ khác.

3. Không có sự tham gia đầy đủ của các lãnh đạo lưu vong.

4. Không thể tổ chức một cách hiệu quả sự nổi dậy từ bên trong Cuba.

5. Không thể thu thập và phân tích thông tin tình báo một cách chính xác về các lực lượng của Cuba.

6. Quản lý nội bộ về thông tin và nhân sự kém.

7. Không có đủ nhân sự trình độ cao.

8. Không đủ người nói tiếng Tây Ban Nha, thiếu các cơ sở huấn luyện và các nguồn tài nguyên thiết bị.

9. Thiếu các chính sách ổn định và các kế hoạch bất ngờ.

IV. Khủng hoảng Hỏa tiễn Cuba.

1. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng:

Cuộc đổ bộ vào Cuba do Mỹ chủ xướng chỉ là hành động đầu tiên của chính quyền Mỹ để giải quyết “Biến cố hỏa tiễn Cuba” với nguyên nhân đã được đề-cập trong phần trên (mục II. Nguyên nhân). Sau cuộc đổ bộ thất bại như vừa kể, Nga & Mỹ chính thức vào cuộc, đối đầu nhau trong cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba, bắt đầu từ tháng 10/1962. Đây là sự kiện kịch tính nhất trong thời kỳ “Chiến tranh Lạnh”, từng đẩy hai chính quyền tại Mạc Tư Khoa và Hoa Thịnh Đốn - hai nước đại diện cho hai khối Tự do và Cộng-Sản - đến bên bờ của một cuộc chiến tranh hạt nhân.

 

 Biếm họa trên báo về cuộc đối đầu tay đôi trong Biến cố Cuba


2. Sơ lược các tình tiết của cuộc đối đầu:

Đây chỉ là phần phụ của đề tài nên chúng ta chỉ lướt qua các hành động của Nga & Mỹ. Các nước khác nằm trong hai phe không có hành động gì công khai để “ăn có” trong chuyện nầy vì đây là quyết-định, hành động “sống còn” của 2 nước và chỉ 2 nước này mới có đủ khả năng và thẩm quyền quyết định. Hai bên đã đưa ra những đòn phép, từ “võ miệng”: đưa ra các tuyên-bố, chỉ trích nhau, đưa ra những hăm dọa…đến “võ tay” là những hành động. Hành động của Nga đã chuyển vận vũ khí, lắp đặt giàn phóng, xây dựng cơ cở chiến tranh,… trên đắt Cuba; còn phía Mỹ cho phi cơ thám sát theo dõi mọi động tịnh của Nga, họp bàn đối sách để hành động, ra chỉ thị cho quân đội, ban lệnh sẵn sàng chiến đấu, ra tối hậu thư cho Đại sứ Nga tại Mỹ, ban Thông báo sẽ hành động cho toàn dân và cả thế giới…và nhất là điều động quân sự để thi hành “nội dung văn kiện số 3504” (sẽ đề cập ở phần sau).

Tài liệu giải mã cho thấy các tình tiết như sau:

Vào chiều ngày 20/9/1962, lấy lý do sức khỏe không được tốt, TT Kennedy rời Chicago khi ông đang đi công cán để trở về Hoa Thịnh Đốn. Vừa về đến nơi, ông lập tức cho triệu tập khẩn cấp cuộc hội nghị lần thứ 505 Ủy ban An ninh Quốc gia. Kennedy đưa ra những tấm ảnh chụp các bãi phóng hỏa-tiễn của Nga ở Cuba, rồi giải thích cho những quan chức Mỹ dự hội nghị nên lập một phương án phong tỏa Cuba. Qua thảo luận và nghe ý kiến của các ủy viên trong Ủy ban An ninh Quốc gia cũng như sự tham vấn của Bộ tư lệnh không quân chiến lược, TT Kennedy quyết định kế hoạch phong tỏa trên biển đối với Cuba. 
 

Biếm họa về cuộc đối đầu tay đôi trong Biến cố hạt nhân Cuba trên báo Mỹ


Để giảm bớt không khí chiến-tranh và tính hiếu-chiến, thay vì dùng từ “phong tỏa” (blockkade), Hoa Thịnh Đốn sử dụng từ-ngữ “cách ly” (insulation) nhưng báo chí Mỹ thì dùng chữ phong tỏa. Trước khi công bố quyết định quan trọng nầy, đặt đất nước vào tình trạng khẩn cấp, chính phủ Mỹ đã hoàn thành các chuẩn bị, gồm: liên lạc và chỉ thị với các sứ quán Mỹ ở ngoại quốc những chuyện gì họ cần phải làm, soạn thảo các văn kiện liên hệ cho công việc và cho thời gian kế tiếp như dự định, chỉ thị cho các lực lượng Hải quân và Không quân Mỹ những chuyện họ phải làm và sẽ làm, thông báo cho các nước châu Mỹ (vì biến cố này xả ra ở châu Mỹ) và các liên-minh mà Mỹ có tên trong đó, tăng viện binh lực cho căn cứ hải quân Guantanamo nằm trên đất Cuba cùng huy động các lực lượng trừ bị cũng như nhiều việc cần kíp trước. Tất cả phải sẵn sàng trong tình trạng “ứng chiến”.

Vào lúc 6 giờ tối ngày 22/10/1962, một giờ trước khi Mỹ công bố lệnh phong tỏa Cuba, Ngoại trưởng Rusk triệu kiến khẩn cấp Đại sứ Nga tại Mỹ, ông Dobrynin, trao cho vị này bức thư Tổng thống Kennedy gửi nhà lãnh đạo Khrushchev và “Bản tuyên bố” đặt đất nước Mỹ trong tình trạng khẩn cấp. Ông cũng cho biết “Bản tuyên bố” nầy sắp được phát đi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước Mỹ một giờ sau đó. Ngoại trưởng Rusk từ chối đưa ra bất kỳ lời giải thích. Sau khi tiếp nhận hai văn kiện trên, Đại sứ Dobrynin nói luôn:

-“Chính phủ Mỹ đang âm mưu gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Điều đó có nghĩa Mỹ đã từ chối đàm phán về các vấn đề song phương giữa hai nước”.

Trong bức thư gửi Khrushchev, TT Kennedy viết:

-“Nếu như xảy ra một sự kiện nào đó, nhằm bảo vệ mình và an ninh của các đồng minh, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì phải làm. Ở Cuba đã xuất hiện căn cứ hỏa tiễn và hệ thống vũ khí tấn công của Nga, do đó, tôi phải nói với ngài rằng Mỹ quyết định phải loại bỏ tận gốc sự uy hiếp này ở Tây bán cầu. Hành động mà chúng tôi sắp sửa tiến hành chỉ là mức thấp nhất của việc loại bỏ tận gốc sự uy hiếp này ở Tây bán cầu”.

Vào lúc 7 giờ tối cùng ngày, Kennedy đọc bài phát biểu trên các hệ thống truyền hình, truyền thông Mỹ. Kennedy nói cùng quốc dân Mỹ:

-“Giống như những gì đã cam kết, chính phủ liên tục theo dõi chặt chẽ hành động quân sự của Nga ở Cuba. Tuần trước, có rất nhiều bằng chứng không thể chối cãi cho thấy trên hòn đảo này đang có sự xây dựng một hệ thống hỏa-tiễn tấn công. Căn cứ hỏa tiễn này, ngoài việc đem tới sức mạnh vũ trang tấn công Tây bán cầu thì không có mục đích nào khác.

Có được loại vũ khí tầm xa mang tính tiến công với sức sát thương quy mô lớn như vậy, Cuba sẽ lập tức biến thành căn cứ chiến lược quan trọng, tạo ra sự uy hiếp rõ ràng đối với người châu Mỹ và hòa bình, an ninh. Lần đầu tiên, người Nga quyết định bí mật bố trí thứ vũ khí chiến lược này ngoài lãnh thổ của họ. Điều đó cho thấy họ cố ý thay đổi hiện trạng. Nếu chúng ta hy vọng bạn bè tin vào dũng khí và những lời cam kết của chúng ta, Mỹ phải quyết không để Nga làm như vậy”.
 

 

Tàu Nga chở quân dụng, hỏa tiễn đến Cuba
 

Ngay sau đó, nhân danh Tổng Tư Lệnh quân đội, Kennedy ra lệnh cho quân đội Mỹ sẵn sàng chiến đấu. 24 giờ sau đó, Kennedy lại ký Văn Kiện số 3504, tuyên bố bắt đầu từ 14 giờ (giờ GMT) ngày 24/10/1962, Mỹ sẽ tiến hành phong tỏa toàn diện đối với Cuba: “Bất cứ tàu thuyền của bất cứ quốc gia nào tới Cuba đều phải chịu sự kiểm soát của các chiến hạm Mỹ. Nếu chống lệnh, sẽ bị bắn chìm”. Một hạm đội chiến lược khổng lồ của hải quân Mỹ được lệnh hiện diện ở vùng biển Caribê, bao vây Cuba để thi hành lệnh nầy.

Bộ Quốc Phòng Mỹ ra lệnh cho một nửa số máy bay ném bom chiến lược của Mỹ sẵn sàng cất cánh. Những chiếc tàu ngầm trang bị hỏa tiễn Polaris đã tiến vào trận địa sẵn sàng chiến đấu. Các chiến hạm và tàu ngầm khác nhắm vào Khối Cộng sản phải vào tư thế “nhiệm sở tác chiến 100%”. Bài phát biểu của TT Kennedy được phát đi trên các hệ-thống truyền hình, truyền thanh của Mỹ và được phát đi trên toàn thế giới bằng 38 loại ngôn ngữ khác nhau, đã gây ra phản ứng mạnh mẽ, cho thấy Mỹ bắt đầu ra tay hành động. Nguy cơ về một cuộc đối đầu nghiêm trọng kể từ sau chiến tranh Triều Tiên, thậm chí là sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II đã lộ diện. Cả thế giới lo sợ cho một cuộc chiến tranh nguyên tử xảy ra giữa 2 nước cầm đầu, dĩ nhiên sẽ lôi kéo cả thế giới vào vòng khói lửa mà hậu quả không ai lường trước được.

Một số tài liệu của Hoa Kỳ ghi lại vụ nầy, được lược dịch:

-“Vào một tuần, đầu tháng 10 năm 1962, Khrushchev trong ý đồ thống trị thế giới, y đã cho tàu chiến Nga đưa hoả tiễn có đầu đạn nguyên tử qua Cuba. TT Kennedy và lưỡng viện quốc hội họp khẩn cấp để tìm biện pháp trả đũa. Ủy ban Hành động được thành lập. Một kế hoạch phong toả Cuba được tung ra, đồng thời TT Kennedy lên đài truyền hình 22-10-1962, tuyên bố 7 điểm trả đũa. Hoa Kỳ mỗi ngày cho 3 chiếc máy bay do thám U 2 bay trên không phận Cuba. Nếu phi cơ thám thính này bị bắn, lập tức Hoa Kỳ tung ra cuộc đổ bộ lên Cuba. Bào đệ của TT Kennedy là Robert Kennedy, bộ trưởng Bộ Tư Pháp, cảnh cáo Đại sứ Liên xô Dobrynin rằng còn 2 ngày là hạn chót để Liên xô rút hoả tiễn khỏi Cuba.

Một Đại tá tình báo Nga tên là Alexander Fomin gọi điện thoại cho ký gỉa đài truyền hình ABC, John Scali, yêu cầu đến gặp anh ta khẩn cấp. Scali từ chối. Fomin nài nỉ vì có việc khẩn cấp. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đồng ý cho Scali gặp Fomin. Hai người như là người trung gian. Fomin đưa ra đề nghị 3 điểm:

- Một là Nga rút hết hoả tiễn về.
- Hai là Nga sẽ không đưa vũ khí tấn công vào Cuba nữa.
- Ba là Hoa Kỳ phải hứa không tấn công Cuba.

Scali và Fomin đã gặp nhau 2 lần. Cuối cùng Khrushchev gửi thư cho TT Kennedy nội dung tỏ ý lo ngại chiến tranh nguyên tử xẩy ra. Điều này cho thấy lãnh tụ Nga “già dái non hột””.

3. Kết cuộc của biến cố:

Tuy cuộc đối đầu căng thẳng như vậy nhưng rốt cuộc, nhân loại đã thoát ra khỏi thảm hoạ hạt nhân nhãn tiền đó với những tình tiết gay cấn qua các tài liệu mà 2 bên phổ biến, tuy chỉ được giải mã một phần - nhất là sau khi chủ nghĩa Cộng sản mà nước chủ chốt là Nga “liên bang” thành nước Nga “tang hoang” vào năm 1991 - hồ sơ phía Cộng sản mới được tiết lộ. Ngoài một số văn kiện từ văn khố Nga, còn các văn kiện của các nước Cộng sản chư hầu Đông Âu được giải mã.

Sự căng thẳng giữa hai bên về “biến cố hỏa tiễn Cuba” chỉ được giải toả khi Nhà lãnh đạo Xô viết Nikita Khrushchev đồng ý phá bỏ những tên lửa đã lắp đặt ở Cuba. Đổi lại, Washington phải đảm bảo sẽ không tấn công đất nước Cuba. Cả thế giới đã thở phào khi thoát khỏi thảm họa, mà nếu nó xảy ra, không ít nước liên đới chịu những tai họa khôn lường, không riêng gì Nga và Mỹ. Về thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, các tài liệu đều ghi: bắt đầu từ ngày 22/10/1962 khi Mỹ tuyên bố phong tỏa Cuba và kết thúc vào ngày 28/10/1962 khi Liên Xô và Mỹ ký hiệp định, theo đó, Nga phá bỏ các dàn hỏa tiễn họ đã đặt ở Cuba và triệt thoái tên lửa khỏi Cuba. Trong “tuần lễ đen tối” đó - nguyên văn của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ lúc đó, Robert Kennedy - cả thế giới như căng lên cùng cuộc đối đầu giữa hai siêu cường Nga - Mỹ.

4. Nguyên nhân cuộc triệt thoái của Nga:

Sau khi một phần trong những hồ-sơ về biến cố hỏa tiễn Cuba được giải-mã của cả 2 bên, người ta đưa ra những nhận định với những lý do chính sau đây:

a. Khả năng vượt trội của Mỹ:

Với các phương tiện do-thám tân-kỳ của các cơ quan tình báo Mỹ lúc đó, Hoa Kỳ đã biết và kiểm soát được tất cả mọi hoạt động của Nga tại các căn cứ trên đất Cuba nên họ dễ dàng đối phó vì chuẩn bị sẵn. Ngược lại, phía Nga không có được khả năng nầy nên mất đi yếu tố bất ngờ. Điển hình, U-2, loại máy bay do-thám tối-tân và hữu-hiệu nhất thời đó (và ngay cả 3 thập niên sau nầy) được trang bị vô cùng tối tân nên đã mang lại những kết-quả vô cùng hữu hiệu (xem thêm tài liệu nầy tại đây). Trên phi-cơ có gắn máy chụp ảnh hồng ngoại tuyến, có ống kính đặc biệt 915 mm, có thể chụp được những khu vực rộng khoảng 200 km, dài trên 4.800 km. Sau khi phóng to ảnh U-2 chụp được, người ta có thể phân-biệt rõ những vật thể có đường kính khoảng 50 cm ở dưới đất, tuy rằng nó bay ở cao độ 20 km, vượt khỏi sự phát giác của radar, tránh khỏi tầm hoạt động của phi-cơ đối phương. Các phi-cơ chiến đấu Nga khó có thể hoạt động ở cao độ như vậy. Vả lại Cuba rất gần với Mỹ, nếu bị tấn công, U-2 chỉ cần quay đầu ra biển là đã thuộc hải-phận quốc tế, khi đó lực lượng hộ tống cho U-2 của Không quân Mỹ sẵn sàng nghênh địch vì họ được lệnh ứng chiến 100% mỗi khi U-2 cất cánh. Ngoài ra, Guatanamo là một căn cứ Hải Quân Mỹ nằm trên đất Cuba, cũng là một cơ sở thông tin tình báo, mọi động tĩnh của Cuba đều không khỏi sự kiểm soát của Mỹ.

Khu trục hạm USS John Kennedy (bên trái) ra lệnh cho chiếc tàu vận tải treo cờ Leban nhưng do Nga sử dụng đang tiến vào Cuba dừng hại để họ khám xét sau khi TT Kennedy ban lệnh phong tỏa Cuba.

 

Khối Cộng thường rêu rao về vụ một chiếc U-2 của Mỹ rơi trên đất Nga, cho là chiến tích của không quân Nga bắn hạ nhưng hồ sơ của vụ nầy không nói như vậy (đã được đề cập trong bài “Phân-đội Tình-báo 10-10 hay Điệp-vụ U-2”) vì khi chiếc U-2 bị rơi nầy bay vào đến không phận Nga thì phía Nga đang “ngủ yên” trong Lễ diễn binh hàng năm vào ngày 1-5, và trong thời gian 4 năm trước đó, U-2 - người Nga gọi là “những “Thiếu phụ đen” (Black Lady) - đã “ra vào không phận Nga” bao nhiêu lần bình yên mà Nga không hay biết gì chính xác, mặc dù họ “đánh hơi” có cái gì đó bất thường và điệp viên của họ báo cáo về, nhưng không rõ ràng. Nga có phản kháng trên “Tạp chí Hàng Không” nhưng Mỹ làm ngơ vì không có bằng chứng. Các chuyến bay vượt qua lãnh-thổ Nga bao-la mà các phi-công U-2 gọi là “những chuyến đi dạo thường-xuyên” đã làm cho CIA có thể tự-hào và mãn-nguyện với những thành-quả họ đã thu-lượm được, làm cho Nga bẽ mặt khi sự thật phơi bày vì họ không biết rằng họ đã bị U-2 ghi mọi hoạt động trên toàn cõi lãnh thổ bao la của họ.

b. Hoàn cảnh địa lý:

Theo thực tế địa lý, các giàn hỏa tiễn hạt nhân của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi khai hỏa, chỉ cần 5 phút có thể hủy diệt Mạc Tư Khoa, Kiev hay các thành phố công nghệ cùng quân sự khác của họ mà Nga chưa có phương thức nào để vô hiệu hóa các hỏa tiễn đó. Ngoài ra, vô số hỏa tiễn được đặt trên các hàng không mẫu hạm và tàu ngầm nguyên tử của Mỹ thuộc Hạm Đội 6 luôn túc trực chung quanh lãnh-thổ Nga, sẵn sàng tấn công Nga khi hữu sự. Như thế, khi gây chiến, chưa chắc Mỹ đã thiệt hại mà phía Nga đã bị tiêu diệt trước. Ngoài ra, chưa kể đến các giàn hỏa tiễn của Minh-Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẵn sàng tấn công vào khối Cộng vì theo ký kết giữa Minh-ước nầy: “bất cứ quốc gia nào trong liên-minh bị tấn công, xem như các nước có tên trong minh ước bị tấn công”, dĩ nhiên các nước trong khối NATO sẽ trả đũa.

c. Phản ứng quyết liệt của Mỹ:

Người Nga đã “nhượng bộ” khi thấy phản-ứng của chính quyền Mỹ quá sức quyết liệt, thể hiện thái-độ cứng rắn, nhất là Nga được tin tại lưỡng viện Quốc-Hội Mỹ sau tháng 8/1962, khi phát giác nhân viên và trang bị của Nga được đưa vào Cuba, phía diều hâu của Đảng Cộng Hòa càng được thể, phê phán sự yếu kém về chính sách đối ngoại của chính quyền Kennedy của Đảng Dân chủ. Vì thế, chính phủ Mỹ đã mạnh tay giải quyết vấn đề này một cách dứt khoát.

d. Bất tương quan lực lượng.

Không phải vô cớ mà con cáo già Nikita Khrushchev phải viết thư cho Kennedy với những cam kết nhượng bộ. Trước đó, ông ta to giọng giải thích lý do Nga đặt hỏa tiên tại Cuba như sau:

-“The United States had already surrounded the Soviet Union with its own bomber bases and missiles. We knew that American missiles were aimed against us in Turkey and Italy, to say nothing of West Germany. It was during my visit to Bulgaria that I had the idea of installing missiles with nuclear warheads in Cuba without letting the United States find out they were there until it was too late to do anything about them. Everyone agreed that America would not leave Cuba alone unless we did something. We had an obligation to do everything in our power to protect Cuba's existence as a Socialist country and as a working example to the other countries in Latin America...The Americans had surrounded our country with military bases and threatened us with nuclear weapons and now they would learn just what it feels like to have enemy missiles pointing at you; we'd be doing nothing more than giving them a little of their own medicine”.

Báo Washington Post đăng bài về lệnh Phong tỏa Cuba. Trên báo, họ dùng chữ Blockade (phong tỏa).

 

Không dễ gì người Nga chịu thua một cách chóng vánh như vậy khi đã bỏ công tháo rời các cơ phận để đem xuống tàu, chỏ sang rồi thiết kế các giàn hỏa-tiễn mà phải tháo bỏ một cách đơn giản như thế mà bởi họ thấy người Mỹ ở thế thượng phong trong vụ nầy. Nga đã tự lượng sức mình, nếu các hỏa tiễn của họ không tàn phá được nước Mỹ mà thủ đô Mạc Tư Khoa và nhiều thành phố khác của họ lại nằm trong tầm đạn của Mỹ bởi rất gần, sự thiệt hại nghiêng về phía họ. Chính Khrushchev đã từng lớn tiếng đòi “chôn vùi” nước Mỹ nhưng con cáo già này cũng đã lượng sức mình trong vụ nầy. Và rồi họ đã thi hành cam kết: phá bỏ tất cả những gì họ đã làm, tháo gỡ rồi chở về Nga tất cả các vũ khí họ đã nhọc công mang đến lắp đặt.

Qua “Biến cố hỏa tiễn” nầy, uy tín của Mỹ được vớt vát chút đỉnh sau thất bại của cuộc đổ bộ vào Cuba không lâu trước đó. Điều đáng nói là cả thế giới nhẹ nhõm vì đã tránh được thảm họa của một cuộc chiến-tranh hạt nhân mà chắc chắn tàn khốc hơn những gì họ chứng kiến trong thế chiến thứ hai gần hai thập niên trước đó.

V. Lời kết.

Thất-bại của CIA trong biến-cố Vịnh Con Heo cũng là thất-bại to lớn của Hoa-Kỳ vào lúc đó. Tổng Thống Kennedy đã không đổ hết trách-nhiệm của thất bại này cho một ai mà tuyên-bố là tất cả phải cùng chịu lỗi lầm. CIA đã thành công trong các điệp vụ trước và sau đó, như: Cuộc đảo chánh ở Iraq, điệp vụ Đồng tiền rỗng, Điệp viên CIA trong điện Cẩm Linh, điệp vụ “Đường hầm Tòa Đại sứ Nga ở Tây Đức”, điệp vụ “máy bay gián-điệp U-2”, v.v… nhưng vụ đổ bộ Cuba thì CIA lãnh thảm bại, dĩ-nhiên là họ phải chịu trách nhiệm nặng nhất với quốc dân Mỹ. Chính vì vậy, sau nầy đã buộc Quốc Hội Mỹ phải thay đổi quan điểm về cách tổ chức, điều hành cùng những phương thức hoạt động của CIA trên khắp thế giới. Tuy nhiên, đến giờ đây, CIA - cùng với FBI – vẫn còn là những cơ quan quan trọng vào bậc nhất của Hoa Kỳ.

Vụ đổ bộ vào Cuba là một bài học cay đắng cho Hoa Kỳ, được điều hành bởi một chính quyền thuộc đảng Dân chủ, một đảng rất yếu về đối ngoại và thường có "phản xạ thụt lùi" trước những biến cố lớn. Tuy nhiên, có chút an ủi cho Mỹ là trong "biến cố hỏa tiễn ở Cuba" sau đó không lâu, với sự cứng rắn của Mỹ buộc Nga phải rút chạy khỏi đất Cuba, lại là một thất bại ban đầu của chủ thuyết “xích hóa thế giới” của chủ nghĩa Công sản. Nhiều chuyên gia quân sự, các sử gia, nhà văn... người Mỹ gọi cuộc đổ bộ vào Cuba của chính quyền John Kennedy là một "đại họa" (catsstrophe) của Hoa Kỳ, quả cũng không ngoa. Đây là bài học xương máu cho nhiều quốc gia có tham vọng chiến tranh. Nhân loại luôn mong mỏi sống trong hòa-bình nhưng cũng phải cương quyết trước những mưu đồ gây chiến để gieo tang thương cho loài người mà vụ đặt hỏa tiễn của Nga là một điển hình. Những hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Cộng tại nhiều nơi trong thời gian gần đây rồi đây rồi sẽ nhận lãnh hậu quả. Chúng ta vững tin như thế!

Lê Chánh Thiêm
California, 1998, có hiệu đính 2010.

Tài liệu tham khảo:

- CIA, by Andrew Tully, William Morrow & Company.
- Cuba missiles crisis.
- Kennedy and the Bay of Pigs Invasion
- Bay of Pigs: Invasion and Aftermath
- Kế hoạch phong tỏa Cuba (bản dịch)
- Ask.com, Google.com
- Tài liệu tổng hợp. 

 

*  *  *

 

Xem bài cùng tác giả, click vào đây
Xem trang Kiến thức, tài liệu, click tại đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com

  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh