Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 18, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
GIANG SƠN DỄ ĐỔI
THỦY LÂM SYNH

Mở speakers ON, click vào mũi tên màu trắng để nghe âm-thanh.
Không muốn nghe nữa, click vào hai gạch song song thẳng đứng để Off.
NẾU LỠ CUỐI ĐỜI
Thơ: Thủy Lâm Synh.
Nhạc: Nguyễn Văn Tý.
Ca sĩ trình bày: Nhất Sinh.
 

GIANG SƠN DỄ ĐỔI

Chiếc taxi Mai Linh đánh một vòng rồi đổ trước căn phố bán phụ tùng xe gắn máy Vĩnh Cữu. Người tài xế bước ra mở cánh cửa sau cho khách xuống, ông Tạ Luật đang ngồi hóng mát trước hiên trố mắt gọi lớn:

– Ai như anh hai về đấy à?

– Tao chứ ai - Ông Tạ Đức giọng reo vui trả lời thật lớn với người em ruột.

Ông Tạ Luật vội chạy ra mừng anh, nghiêng đầu nhìn vào xe taxi ngạc nhiên hỏi:

– Chị hai và ba đứa nhỏ đâu?

– Tui về một mình, bả và mấy nhỏ không về.

Ông Tạ Luật giúp anh đỡ chiếc vali mà ông nghĩ rất nặng từ tay người tài xế taxi. Cửa tiệm Vĩnh Cữu chất đồ phụ tùng ngỗn ngang, chỉ có lối đi đủ cho một người nên ông Tạ Luật phải vác chiếc vali lên vai mới vào được. Vào đến phòng khách, ông Tạ Đức gieo người xuống sa-lông, dáng mệt mỏi vì hành trình dài. Từ nhà trong vợ ông Luật bước ra chào và cũng hỏi như chồng:

– Chào anh hai, chị và mấy nhỏ có về không anh, anh định về chơi được bao lâu?

Ông Tạ Đức nén tiếng thở, giọng trầm buồn:

– Tui về luôn thím ạ, về một mình thôi.

Bà Tạ Luật không ngạc nhiên, vì nghĩ người anh chồng nói đùa, hỏi tiếp:

– Anh đã ăn uống gì chưa, em mua anh tô bún nha?

– Thôi khỏi, tôi không đói, thím cho tui ly nước lạnh được rồi.

Bà Luật đi lấy nước, ông Tạ Luật vào chuyện:

– Chà, từ ngày anh đi đến nay coi vậy cũng đã mười năm rồi, cuộc sống bên ấy ra sao, chị hai và ba đứa nhỏ Phúc Lộc Thọ chắc là thay đổi lắm. Anh thì không khác là bao, tánh vẫn... thẳng thắn đấy chứ?

Ông Tạ Đức trầm ngâm vài giây rồi kể:

– Nói thiệt với chú thím nghen, tôi không thích hợp với văn hóa, tập quán ở Mỹ. Nó là một xứ mà con hư không dám dạy, vợ quấy không dám rầy la, học trò hỗn với thầy mà thầy cũng phải nhịn... Cái phong tục kỳ quái đó tui không chịu nổi chú à.

Ông Tạ Luật nhún vai nói:

– Thì nhập gia tùy tục, thiên hạ sao mình vậy chứ hơi đâu anh.

– Không giấu gì chú thím, tui mới ở tù ra.

Vợ chồng người em trai há mồm kinh ngạc thốt:

– Chết! anh làm gì mà ở tù?

– Thì có làm gì đâu! Trẻ nhỏ lớn cả rồi, chúng nó ra ở riêng, nhà cửa trống trải, bà nhà tui mới nghe lời ai đó đăng báo “Giúp giữ trẻ tại nhà”. Sau đó có người đem đến đứa bé trai hai tuổi nhờ coi hộ, họ trả ngày mười đô.

Bà Tạ Luật nhanh nhẫu làm một hạch toán kinh tế:

– Như vậy tháng bốn chục, mười tháng bốn trăm, năm được bốn trăm tám, so với tiền Việt là giàu to rồi còn gì.

Ông Tạ Đức cười gằng tiếp:

– Vấn đề không phải bao nhiêu tiền mà là chuyện cắc cớ khiến cho tôi bị tai bay vạ gởi đó chứ!

Hai vợ chồng ông Tạ Luật nôn nóng hỏi dồn:

– Chuyện gì cắc cớ khiến anh ở tù, đâu anh nói sơ tụi em nghe thử.

Ông Tạ Đức hớp ngụm nước nghe cái ực rồi nói:

- Đây nè, ở bên mình, ông già bà cả hoặc cũng chẳng cần già cả, mình thấy đứa bé dễ thương, mình nựng nịu, hôn hít nó, ngay cả sờ con chim nó cũng đâu có gì lạ. Vậy mà hôm đó bà nhà tui tắm xong cho thằng bé, bả nhờ tui lau khô, tôi thấy con chim nó đã cắt da quy đầu, tui hiếu kỳ nhìn thật kỹ, lấy tay lật qua lật về để quan sát coi tụi Mỹ nó cắt da ra sao. Không ngờ mẹ của thằng bé đến rước nó sớm hơn thường lệ; rút điện thoại bấm mấy cái. Tui đâu có biết nó đã chụp hình và sau đó nó kiện tui về tội sách nhiễu tình dục trẻ em. Tổ cha nó, tui đã phải mướn luật sư để trình bày về việc hiếu kỳ mà xem cho biết chứ không có một hành động gì với thằng bé, phong tục xứ Việt Nam của chúng tôi không coi đó là có tội. May nhờ có một vụ án tương tự trước đó làm tiền lệ và thằng luật sư của tui tìm đâu được bức tranh thằng Việt Nam ở trần nên tôi chỉ mang tội thứ hai là chửi cảnh sát trong lúc hành sự bị tù giam 60 ngày mà thôi. Còn tội sách nhiễu trẻ em được miễn tố. Tuy vậy, chi phí cho luật sư cũng mất toi năm ngàn bạc. Tổ mẹ cái xứ gì rờ đâu cũng đụng luật với lệ.

Nghĩ đến cảnh hao tài, gan ông Tạ Đức sôi lên lẩm bẩm: “Rõ ràng bọn đế quốc”

Vợ chồng người em nghe qua ôm bụng cười nghiêng ngả, giá ở Việt Nam thì ông bà nội, ông bà ngoại sách nhiễu cháu của họ dài dài. Nhưng chợt thấy gương mặt hằm hằm của anh, họ chợt cụt hứng.

Sau nhà (Ảnh: Kim Xuyến)

 

Thật ra chuyện gia đình ông Tạ Đức từ lúc di dân cách đây mười năm đã được người quen về kể cho vợ chồng ông Tạ Luật nghe hết trơn rồi. Lúc mới qua Mỹ, hội bảo trợ mướn cho gia đình ông Tạ Đức căn nhà gần khu chợ Việt Nam để dễ sinh hoạt. Người ta đồn ông bà Tạ Đức khắc khẩu biết có đúng không. Có thể lắm – có người cả quyết như thế - đám tiệc, hội hè ít thấy hai người đi chung. Thực tế sai bét, ông bà Tạ Đức chẳng khắc khẩu gì cả. Chỉ ông Tạ Đức có cái tánh nóng còn hơn Trương Phi, đôi khi chuyện không ra gì mà ông cứ chấp nê, hoặc thổi phù lên khiến cả nhà ông cứ lục đục.

Hai cậu con lớn là Phúc và Lộc thì được hãng đông lạnh Ocean Link cách nhà vài chục phút đi bộ mướn vào lặt đầu tôm. Đồng lương rẻ mạt, nhưng khi biển được mùa, công việc làm khá nhiều giờ phụ trội nên mỗi hai tuần tấm check họ mang về cho ba má cũng nặng trĩu. Kiến tha lâu đầy tổ, sau năm năm chịu khó, gia đình ông Tạ Đức dọn vào căn nhà mới mua. Đó là kết quả cật lực của một gia đình tỵ nạn. Mặc cảm “trâu chậm uống nước đục” cũng được vỗ về phần nào.

Hôm ấy một ngày cuối tuần đẹp trời ở Pensacola, thành phố nằm sát biển tây bắc Florida. Những cơn gió mát từ vịnh Mexico thổi vào xóa tan sự oi ả khó chịu của mấy ngày nóng bức vừa qua. Dù không phải ăn tân gia truyền thống, nhưng khi vui thì gia đình nào cũng làm những món ăn để tự đãi mình. Bà Tạ Đức vụng nấu, mấy món ăn Tàu được order từ nhà hàng Shanghai để ông Tạ Đức tự mình chuốc chén cho say sưa một bữa. Biết cả nhà ai cũng vui, Thọ - cậu con trai thứ ba học chưa hết lớp 11 hí hửng dẫn về cô bạn gái người Mễ bụng chửa gần ngày sinh làm cả nhà tá hỏa. Bà Đức thốt:

– Trời ơi! Thằng nầy, mầy ăn cái gì mà ngu vậy? Thôi chớ còn chi tương lai hở con?

Thọ chưa hiểu tại sao bạn gái có chửa lại ảnh hưởng đến tương lai, tương lai là cái gì? Nó đứng vịn tay vào cạnh bàn đang bày ngỗn ngang thức ăn Tàu, mặt Thọ đực ra, không nói gì cả. Bà Đức lắc đầu nhìn cô gái ngoại quốc, tròn như hột mít, da ngăm ngăm, cái bụng to tướng, bà quay qua gạn hỏi Thọ:

– Có thiệt con của mầy không? Con mầy thì tao nuôi chớ trâu mình mà nghé người ta là tao...

Bà Đức chưa dứt câu, ông Đức đang xớ rớ đưới nhà bếp kiếm đồ khui chai bia chuẩn bị nhậu, nghe thấy bước vội lên phòng khách quát lớn:

– Không có trâu với nghé gì cả.

Ông Đức đặt chai bia trên lò ga, cúi xuống nhặt chiếc khăn lau chân trên sàn nhà bếp phóng tới quất tứ tấp vào mặt Thọ. Bụi bặm từ chiếc khăn bay ra, những hạt cát rớt vào bàn ăn nghe lộp cộp. Thọ cúi gập người, đưa hai tay làm khung che đầu. Bà Đức nhào tới lôi ông Đức ra, xô người ông về phía chiếc ghế sa-lon nghe cái bịch. Phúc và Lộc trong phòng riêng nghe ồn ào chạy ra ngơ ngác nhìn hết người nầy đến người khác. Bà Đức nhăn mặt nhìn chồng trách:

– Cái gì cũng thủng thẳng nói, ông làm gì mà đánh con như đánh kẻ thù.

Mặt ông Tạ Đức đỏ như gà đá, miệng run lắp phắp:

– Thằng kia, mầy đi cho khuất mắt tao, tao không muốn thấy đứa con mất dạy như mầy.

Thọ lúc nầy đã đứng thẳng người, đôi mắt đỏ và hình như có vài giọt nước, hai hàm răng nó cắn chặt vào nhau tạo cho gương mặt nó vuông và đanh ra. Bạn gái Thọ thất sắc, dù không hiểu được nhưng thấy tình thế như vậy cô ta mơ hồ có gì đó không ổn. Sau mấy phút lặng lẽ, Thọ đến chỗ cô bạn gái ngồi nắm tay cô đứng dậy lôi ra cửa, Thọ ngoái lại nói:

– Từ nay chúng tôi không về ngôi nhà hắc ám nầy nữa.
Tánh nóng nảy của ông Tạ Đức làm cho mâm cổ hết hấp dẫn, chúng nguội ngắt từ lúc nào. Và lúc nầy ăn uống đã không còn hứng thú, ông Tạ Đức đứng dậy đi lại bàn ăn, dang cánh tay hộ pháp lùa một cái khiến tất cả thức ăn đều bay hết xuống sàn. Mà không bay thì cũng đem ra thùng rác; chiếc khăn lót chân dơ dáy dưới nhà bếp mà ông Tạ Đức dùng đánh Thọ đầy bụi bặm đất cát đã phủ lên mâm thức ăn thì có ai đủ can đảm ăn vào. Tiếng chén đĩa vỡ rổn rảng, thức ăn văng tung tóe, chén mắm ớt chuẩn bị cho con cá nướng tung vào tường tạo thành bức tranh vân cẩu nguyệch ngoạc.
* * *
 

Cầu khỉ

 

Tám tháng nặng nề trôi qua. Gia đình ông Tạ Đức như đang phủ lên nỗi buồn ảm đạm. Trận đòn lãng xẹt của ông Đức đã đẩy thằng con út và có thể đứa cháu nội ra khỏi vòng tay thương yêu của gia đình. Trừ ông Tạ Đức ra, cả nhà đều nơm nớp lo cho Thọ có điều chi bất trắc, không biết nó làm gì để sống. Những lúc sa cơ, những đứa trẻ vị thành niên dễ bị sa ngã và trở thành tội phạm. Ba mẹ con bà Tạ Đức vẫn chưa hiểu tại sao một con người từng trải như ông Tạ Đức lại không rút ra được chút kinh nghiệm thất bại nào từ bản tánh nóng nảy đó.

Sau bữa cơm trưa nhạt như nước ốc. Phúc quyết định ngồi lại nói chuyện với ba:

– Ba có nghe tin tức gì thằng Thọ không, chắc giờ nầy vợ nó đã đẻ?

Tánh ngang bướng, nóng nảy mà ông Tạ Đức thường khoe với bạn bè trong lúc trà dư tửu hậu “tánh tôi nóng lắm, ai không phải là tôi quạt liền” có dịp kích thích. ông vẫn kiên định nóng như lửa là một đức tánh tốt. Ông Tạ Đức lên giọng:

– Ai cưới vợ cho nó mà vợ, thứ con bất hiếu nó chết đâu cũng được.

Mấy tháng nay vắng em, Lộc bỗng ác cảm với ba. Lộc đến tham gia cuộc đối thoại, chàng lên tiếng:

– Ba à, ở xứ nầy, thầy giáo không được đánh học sinh, cha mẹ không được đánh con cái, chồng không thể đánh vợ bừa bãi như bên nhà, Luật pháp không cho phép làm vậy.

Ông Đức ngắt lời:

– Mầy lên lớp tao phải không, luật nào không cho phép? Con tao hư, tao đánh, giỏi thằng nào tới đây bắt tao. Ngày xưa tao cầm quân đánh giặc, chỉ huy tao còn bắn què giò, huống hồ những chuyện trẻ con đó.

Chẳng biết ngày xưa là ngày nào, ông Tạ Đức bắn vào chân cấp chỉ huy, để bị trù dập một thời gian khá dài. Tuy nhiên, theo ông Tạ Đức đó cũng là chiến công hiển hách nên thỉnh thoảng ông nhắc đi nhắc lại như một khẳng khái đáng ghi nhớ trong đời.

Lộc bất chấp nói tiếp:

– Ngày xưa khác, bây giờ khác mới gọi là đổi đời. Ngày xưa ba làm sĩ quan, ra đường con rơi, con rớt. Ba cứ nghĩ những người đến với ba là họ tự nguyện nên ba không có bổn phận nuôi nấng. Dì Hà bán nước mía hận ba vì đã bỏ rơi mẹ con họ. Thằng Thọ không hành xử như ba được, nên mới dẫn về nhờ giúp đỡ. Theo con, nó là người có bổn phận.

Tưởng phân trần như thế, để hi vọng ông Tạ Đức nghĩ lại mà thương Thọ, không ngờ chạm đến quá khứ của ông. Ông đứng phắt dậy, xô ngã chiếc ghế dựa quát giằn mặt:

– Tụi bay tính làm phản phải không? Tao đuổi đi hết bây giờ.

Bà Đức nghe thấy tình hình càng lúc càng căng thẳng bà khóc rống lên:

– Ông ơi, sao ông không chịu giằn tánh nóng. Con nó phân trần thôi, có gì mà ông hùng hổ như thế?

– Bà còn bênh tụi nó nữa, nó nhục mạ tôi, nó chửi tôi như vậy bà không thấy sao?

Lộc bất bình nhưng cắn môi. Phúc quyết định đứng lên, vì không thể để cho ba mình giữ mãi quan niệm như còn ở quê nhà. Phúc nói:

– Chỉ vì tánh nóng nảy của ba mà thằng Thọ đi biệt tích. Mất một đứa con, mất đứa cháu nội, lẽ ra ba phải nhìn nhận quyết định đuổi thằng Thọ là sai. Tại sao ba cứ khăng khăng cho đó là chính nghĩa. Lẽ ra con không nói và lặng lẽ dọn ra khỏi nhà. Nhưng một lần rồi thôi, con sẽ nói hết, ba phải bình tâm lại, giảm bớt tính độc đoán mới được. Ngày xưa, ba làm quan, mẹ đã khổ vì tánh bay bướm của ba, sau khi mất nước, ba đi tù mẹ lại càng khổ hơn vì xã hội ngược đãi. Cái khổ tập thể của ba chỉ có một con đường – hoặc còn sống trở về, hoặc chết táng xác nơi rừng thiêng nước độc nào đó. Còn mẹ phải chống chọi với bao nghiệt ngã để kiếm cái ăn, cái mặt. Tụi con đứa nào cũng chẳng có học hành gì. Năm nay con đã gần ba mươi, thằng Lộc hai mươi tám chớ đâu còn trẻ con. Tụi con lẽ ra đã có gia đình cả rồi, nhưng dưới mắt ba, ai cũng không xứng, ba nghĩ xứng với cái gì; xứng với ba, hay xứng với tụi con?

-“Hô.hô...” Ông Đức phá lên cười mai mỉa: Trời ơi, con mà lại dạy cha à. Mấy đứa bay là thứ ngỗ nghịch. Nhà tao không thể có những đứa con bất hiếu.

Lộc không nhịn nữa:

– Ba định nghĩa thế nào là bất hiếu? Không lẽ tụi con phải rập khuôn như ba thì mới là có hiếu ư? Bà nội ở cái nhà như ổ chuột, già như vậy còn phải gói bánh ú mỗi đêm để đem ra chợ Vườn Chuối ngồi bán. Cuối cùng bà qua đời hai ba ngày sau mới phát hiện, đôi mắt của bà kiến đục gần hết. Chính con phải chạy tìm ba trong quán bia ôm Vườn Tao Ngộ.

Lộc định nói thêm nhưng bà Đức mãi đá vào chân Lộc, Lộc mới chịu ngừng.

Ông Tạ Đức quát:

– Thằng kia, mầy là con mà đi hạch tội ba mầy à?

– Đó không phải là hạch tội, ba quá độc đoán, con không thể nào tiếp tục nói chuyện với ba được nữa. Ngày mai con sẽ kiếm nhà thuê, thỉnh thoảng con về chơi thăm ba má.

Nói xong, Lộc vào phòng đóng cửa. Bà Đức sợ Lộc dọn ra vội chạy theo, ông Đức lôi tay vợ lại bảo:

– Nó đã quyết, bà đừng năn nỉ.

Bà Đức ngồi xuống ghế, thò tay vào túi áo lôi ra chiếc khăn cũ mèm, đã ướt lau nước mắt, bà khóc như đứa trẻ.

Thấy ba vẫn chứng nào tật đó, Phúc lặng lẽ đi về phòng riêng. Việc Phúc và Lộc bàn tán dọn ra ngoài mấy tháng nay được xác quyết chắc chắn. Chỉ thương cho mẹ từ nay sẽ cô đơn vì ba thằng con trai, chẳng có đứa nào mẹ được gần.

* * *

Từ ngày dọn ra ở riêng, ít khi Phúc và Lộc về nhà, là bởi vì mỗi lần về, mặt ông Tạ Đức cứ lầm lì không nói chuyện. Ông Tạ Đức luôn nghĩ mình là gia trưởng, mà gia trưởng thì phải có quyền. Con ông đã xúc phạm, ông không muốn thế.

Hôm nay về nhà thấy vắng ba, Phúc Lộc hỏi thì bà Tạ Đức cho biết ba họ đang ngồi tù mặc dù khi được luật sư chở vào thăm, ông Đức căn dặn vợ không được nói cho Phúc và Lộc nghe vụ nầy. Cũng may ông Tạ Đức chỉ ở tù về tội phản đối nhiệm vụ của nhân viên cảnh sát. Còn tội sách nhiễu tình dục trẻ em được tòa xử trắng án. Nội dung việc sách nhiễu vừa được ông Tạ Đức kể cho hai vợ chồng người em sau khi hồi hương.

Đồng hồ trên tường gõ vỏn vẹn một tiếng. Khuya lắm rồi, ông Tạ Luật đưa anh lên nghỉ ở phòng Hằng – đứa con gái vừa lấy chồng tháng trước, phòng Hằng đang bỏ trống. Vợ chồng ông Tạ Luật về phòng riêng của họ. Đặt lưng xuống giường, bà Tạ Luật nghiêm nghị hỏi chồng:

– Ông không có ý định cho anh hai ở đây với mình luôn chớ?

– Chắc anh ấy nói chơi chứ vợ con bên đó thì ở đây làm gì.

– Tui cũng hi vọng anh ta không ở nhà mình. Ờ, mà tui nói trước cho ông biết chừng, anh hai mà đòi ở đây là tui sẽ dọn đi.

Ông Tạ Đức không trả lời vợ, miệng đắng chát, tay phải gát lên trán:

“Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.

Thủy Lâm Synh
May 28. 2010


Xem các bài khác Cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage núi Ấn sông Trà
 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh