VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 42)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 206
VẤN: Ông Ngô Hữu Định, Virginia: Tôi nghe nói uống trà cũng là một nghệ thuật. Có phải vậy chăng, thưa cụ?
ĐÁP:
Đúng như vậy. Trà vừa là một thức nước uống để giải khát mà cũng vừa làm tăng trưởng sức khỏe và tạo cho tinh thần thêm sảng khoái. Chẳng những vậy, “Trà” còn có “tính dược” tiêu trừ một số bệnh được các nhà khoa học ngày nay công nhận. Uống trà trở thành một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa không riêng gì của Trung Hoa mà khắp mọi đất nước trên thế giới ngày nay. “Uống Trà” dần dà trở thành một nghệ thuật được gọi là “Trà Nghệ” xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 để chỉ về “Nghệ Thuật Uống Trà”.
Tập “LỤC VŨ TRÀ KINH” là tác phẩm đầu tiên khảo luận về “Trà”. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ được giá trị thập phần hoàn hảo của trà, những người sành về “trà nghệ” bày ra cách pha chế trà đúng theo khẩu vị và hợp với phong cách trong vấn đề giao tế. Ngày xưa người Việt có câu thành ngữ: “Điếu thuốc, miếng trầu là đầu câu chuyện” để tiếp đãi khách đến viếng nhà…chứng tỏ rằng trà được xem không thể thiếu được trên phương diện ngoại giao xuất phát từ lòng của một dân tộc hiếu khách.
Muốn có một tách trà ngon chẳng phải chuyện dễ dàng gì. Nó cần phải trải qua nhiều giai đoạn và cũng lắm điều kiện phức tạp mà người hưởng thụ cần phải tuân thủ theo đúng phương cách đòi hỏi pha chế khá công phu của nó.
Trà đảm nhận một vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày. Thời xa xưa, đối với vấn đề hiếu thảo mỗi sáng tinh sương người con pha một bình trà thơm dâng lên cho cha mẹ, không ngoài mục đích giúp cho đấng sinh thành tâm thần sảng khoái, minh mẩn…
Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh nhất trản trà.
(Nửa đêm ba cốc rượu, hầu cho máu huyết lưu thông trong cơ thể.
Sáng sớm một chung trà giúp cho tinh thần minh mẩn)
Trà có tác động làm tăng thêm tình cảm với cha mẹ, vợ chồng, bạn hữu…Người Trung Hoa hay Việt Nam quí trà hơn rượu. Câu: ”Chén rượu nhạt, chung trà thơm” cho thấy cổ nhân tuy thích rựou nhưng vẫn quý trà hơn. Đối với người Tàu Trà là món “Quốc Am”, tiêu biểu của quốc hồn, quốc túy.
“Trà” thực sự lấy từ lá non của cây trà chế biến một cách công phu. Phải biết cách ướp trà cho có hương vị thơm bằng các loại hoa tùy người biến chế, đòi hỏi phần chuyên nghiệp và kinh nghiệm của kỹ thuật ướp v.v…
Căn cứ theo độ lên men, có thể chia trà ra các loại như sau:
1. Trà tự nhiên không lên men là các loại: Lục Trà, Long Tĩnh, Bích La, Tiễn Trà.
2. Độ lên men chỉ một nửa, có loại Ô Long.
a. Lên men nhẹ, có: Thanh Trà, Hoa Trà, Lục Trà…
b. Độ lên men trung bình, có: Động Đình, Thiết Quan Âm, Thủy Tiên, Vũ Di, Thiên Lư Trà, Thiên Vu Trà
c. Độ lên men cao, có: Bạch Hào, Bành Phong Trà…
3. Lên men toàn bộ, có: Hồng Trà
Uống trà còn đòi hỏi lắm công phu khác như: Phương pháp tồn trữ, dụng cụ pha trà, cách pha trà…
Cuối cùng là dụng cụ uống trà như:
1. Loại độc ẩm nếu chỉ mỗi một người.
2. Loại song ẩm cho hai người
3. Loại quần ẩm cho 3 người trở lên tối đa là 6 người. Nếu trường họp quá 6 người thì chia ra từng nhóm.
Một bộ dụng cụ pha trà gồm có:
Ấm nước pha trà. Khay trà, một chén lớn, một bộ chén nhỏ, gọi là DẦM, BÀN, QUẦN, TỐNG’. Khay trà làm bằng gỗ khảm trai gọi là “Khảm Xa Cừ”… Nhưng ngày nay do kỹ thuật cao hơn thời xa xưa nhiều, nên từ dụng cụ để pha biến trà càng cầu kỳ, mùi vị thơm ngon có phần đặc biệt quyến rủ khiến người chuyên về “trà nghệ” luôn luôn đẻ ra các sáng kiến thêm phần kỹ thuật v.v…
VẤN: Ông Vũ Bằng Đoàn, Houston TX. Xin cụ giải hộ cho các câu tục ngữ bằng Hán Tự như sau:
a. Gia thái bất hương, ngoại thái hương
b. Gia gia hữu bản nan niệm đích thư
ĐÁP:
Câu thứ nhất:
a. Cơm nhà không thơm ngon, cơm người thì thơm phưng phức.
b. Nhà ai cũng có quyển nhất ký khó đọc.
Ta cũng có câu:
Mỗi nhà mỗi hoàn cảnh.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 207
VẤN: Cụ Hồ Tùng Bách, New York: Thời Xuân Thu có lời truyền tụng trong dân gian: ”Người sinh ra ta là cha mẹ. Người hiểu biết ta là Bảo Thúc”. Vậy câu nói này là của ai và ý nghĩa của nó hàm ý gì? Xin bà cụ vui lòng giảng giải hộ. .
ĐÁP:
Lời nói này của Quản Tử, còn gọi là Quản Trọng hay Quản Di Ngô. Lúc hàn vi mồ côi cha. Nhà nghèo khổ, lại phải phụng dưỡng mẹ già. Ông và Bảo Thúc Nha là bạn thâm giao hùn vốn chung nhau buôn bán. Sau mỗi chuyến buôn về đều chia nhau tiền lời, lần nào Quản Di Ngô cũng tranh phần hơn. Có người biết bảo làm như thế là chẳng công bình, nhưng Bảo Thúc Nha không cho Quản Di Ngô có lòng tham vì biết bạn mình còn có mẹ già cần tiền nuôi dưỡng. Có nhiều lần Quản Di Ngô dưa ra kế hoạch làm ăn, song bị thất bại. Có kẻ dèm pha, song Bảo Thúc Nha cho rằng Quản Di Ngô chẳng phải bất tài mà chỉ vì thời cơ chưa thuận lợi xui nên.
Có lần Quản Di Ngô xử sự nhút nhát, những người chung quanh cho rằng Di Ngô tham sinh húy tử, nhưng Bảo Thúc biết Di Ngô không phải là người hèn, vì còn mẹ già phải báo đáp ơn sinh thành và cũng còn phải giữ gìn mạng sống hầu giúp cho nước Tề được rạng rỡ.
Về sau Quản Di Ngô được thành công, cảm tình tri ngộ thường nhắc rằng: ”SINH NGÃ GIẢ: PHỤ MẪU; TRI NGÃ GIẢ: BẢO THÚC”. (Người sinh ra ta là cha mẹ, người biết lòng ta là Bảo Thúc).
Khi vua Lỗ giao trả Quản Tử cho sứ Tề, Thi Bá nói: Tề lập mưu đòi bắt sống Quản Tử, chẳng phải là để phạt tội, mà mục đích là để đưa hắn ta lên nắm quyền chính cho nước Tề.
Chính Quản Tử đã làm cho Lỗ thất bại ở Can Thời. Cái công ấy làm cho một bên được nắm lấy cơ hội của trời còn một bên đánh mất cơ hội của trời, nhưng thật ra suy về nhân sự cũng chỉ là “Một”.
Vì sợ Tề giận, vua Lỗ buộc lòng bắt giữ Quản Tử cùng Thiệu Hốt để giao trả cho Tề. Khi xe đưa hai ông về đến địa phận Tề, Thiệu Hốt tự vẫn trên xe, còn Quản Tử sắc mặt vẫn thản nhiên như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Cái chết của Thiệu Hốt giới trí thức trong nước phê bình rằng: ”Thiệu Hốt tử tiết hay hơn là sống, còn Quản Tử cứ ung dung sống có lợi hơn là đi tìm lấy cái chết.
Khi Hoàn Công lên ngôi muốn muốn cử Bảo Thúc Nha làm Tể Tướng, Bảo Thúc cương quyết từ chối, rồi tiến cử Di Ngô. Tê Hoàn Công hỏi bởi làm sao? Bảo Thúc nói rằng:
-”Đối với Di Ngô tôi kém 5 điểm:
1 Phải tỏ ra khoan hòa từ ái. Điều này tôi không làm được.
2. Trị nước và giữ vững được nước, quyền bỉnh ấy tôi không thể nào bằng được.
3. Lấy trung tín để kết nạp chư hầu, tôi không thể nào so sánh được đối với Quản Di Ngô.
4. Đặt qui chế cho bốn phương theo phép, tôi không thể nào bằng được.
5. Mặc áo giáp, đội mũ trụ, tay cầm dùi trống, đứng trước quân nhân, ra lệnh cho muôn người ganh đua dũng cảm, tôi quả thực là không thể nào sánh kịp.
Đối với năm điều này Quản Tử mới thực xứng đáng làm cha mẹ của dân.
Rồi một ngày kia, Quản Tử ốm nặng. Ngồi bên giường bệnh Hoàn Công bồn chồn lo sợ chẳng biết chọn ai thay thế bèn hỏi Quản Tử:
- Bảo Thúc Nha là người thế nào?
Quản Tử đáp:
-“Bảo Thúc Nha là người quân tử. Nếu không hợp đạo dù có đem thiên thặng mà dâng cho hắn, hắn cũng không thèm. Bản chất hắn không làm được chính trị bởi hắn quý điều thiện và ghét điều đại ác.
- Như vậy trong đám quần thần phải chăng chỉ có Thấp Bằng có thể dùng được?– Hoàn Công nói.
Quản Tử là bậc thánh tiên tri biết Thấp Bằng cũng sắp đến ngày chết, nên ông thở dài:
-”Thấp Bằng cũng sắp chết đến nơi. Trời sinh ra Thấp Bằng để dùng làm “Cái Lưỡi” của Di Ngô, nhưng thân này chết cái lưỡi làm sao sống được!
Nói xong, Quản Tử khuyến cáo Hoàn Công trả đất Giang, đất Hoàng cho Sở vì biết nước Sở sắp hùng cường. Đoạn dặn dò Hoàn Công hãy đuổi bọn DỊCH NHA, THỤ ĐIÊU, ĐƯỜNG VU và Công Tử KHAI PHƯƠNG nước Vệ, không nên tin dùng. Thế nào bọn này sẽ làm loạn nước Tề, gây nhiều nguy khổn.
Khi Quản Tử mất, Hoàn Công không nghe lời dặn, lại tin yêu bọn Dịch Nha, Thụ Điêu, Đường Vũ, Khai Phương …Quả nhiên chỉ trong vòng một thời gian không lâu bọn Dịch Nha chuyên quyền, cùng nhau cấu kết làm loạn, vây bắt Hoàn Công để đói ở một nơi.
Hoàn Công hối hận bởi không nghe lời Quản Tử bằng kếu lên:
-”Chao ôi, bây giờ ta mới biết lời nói của thánh nhân thật vô cùng sâu sắc. Phen này chết đi mà không biết gì nữa thì thôi, nhưng nếu chết rồi, mà vẫn hiểu biết thì ta còn mặt mũi nào trông thấy Trọng Phụ ở chốn tuyền đài!”
Nói xong Hoàn Công tự vẫn.
Trở lại bọn Dịch Nha, Thụ Điêu, Đường Vu và Công Tử Khai Phương sát hại Hoàn Công, vì sợ nước Sở bàn nhau tuyển chọn một số bất tài tham danh lợi vốn có cái tài tiểu xảo trao cho vàng bạc đóng vai trò giả danh làm kẻ bị lưu đày trốn chạy sang nước Vệ ẩn núp để theo lệnh dùng ba tấc lưỡi thay chúng nói lên những gì vốn chúng không thể nói được.
Quả như Quản Tử tiên liệu, nước Tề về sau bị chia năm xẻ bảy về tay nước Sở. Bọn Dịch Nha,Thụ Điêu, Đường Vu và Công Tử Khai Phương đều bị giết chết.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 208
VẤN: Ông Phan Chánh Thanh, Virginia: Lại thêm chuyện Dĩa Bay. Gần đây nhât hình như trung tuần tháng 10-2010, có tin Đĩa Bay tức UFO lại xuất hiện, chuyện này có hay không? Chẳng biết bà cụ có tin không?
ĐÁP:
Tôi có đọc được một bản tin nói về UFO xuất hiện tại Trung Quốc đã làm tê liệt nhiều chuyến bay trong tháng 10/2010. Nguồn tin này đã viết như sau:
”Báo Telegraph Anh Quốc loan tin rằng một phi trường ở thành phố Baotou, Nội Mông, phải đóng cửa để các phản lực cơ chở hành khách không phải đâm trúng một UFO (vật bay lạ). Các thông tin cho thấy các UFO vừa mới xuất hiện này dường như không phải là kiểu Dĩa Bay huyền thoại.
Có 3 chuyến bay Baotou đến Thượng Hải và Bắc Kinh buộc phải bay vòng vòng quanh phi trường đợi cho đến khi UFO biến mất mới đáp xuống.
Hai chuyến bay khác nhận lệnh bay tách khỏi Baotou vào khoảng 2 dặm rưỡi để tránh khỏi đụng khỏi vật lạ này. Phi trường quốc tế Xiaoshan gần thành phố Hangzhou cũng bị đóng cửa ngày 8-7-2010 vì một UFO đang hiện diện. Nhưng sau dó có nguồn tin cho rằng tại đây vào thời gian này bảo có thể là một phần thử nghiệm các vật lạ bay gần khu quân sự.
Tại Tân Cương, cũng nhìn thấy UFO ngày 30-6-2010, song cũng có nguồn tin có thể là loại phi đạn mới được bắn thử.“.
Năm 1950, Frank Scully, ký giả báo Variety đã viết một bài “Behind The Flying Saucers, đăng trên báo này, dựa trên các bài thuyết trình mà Scully đã nghe của Silas Newton nhà triệu phụ dầu hỏa tại Texas.
Ông Silas Newton nghe người bạn thân – một khoa học gia dự phần vào một cuộc điều tra của Air Force 3 UFO bị rớt, phát giác ra 16 thân thể dài độ 4 feet của người hành tinh. Sự tiết lộ của Scully đã gây xôn xao dư luận trong giới khoa học. Bắt đầu từ đó có những báo cáo liên tục về UFO như:
1. George W. Van Tassl
Ông là nhà kỹ thuật phụ trách cơ khí máy bay kiêm kỹ sư có nhiệm vụ “testing” các chuyến bay. Năm 1942 ông xuất bản một tác phẩm nhan đề ”I Rode In A Flying Saucer” (Tôi Đi Trên Đĩa Bay). Đây là tập Ký Ức về những thông điệp “Telepathy Messages” mà ông nhận được trong trạng thái xuất hồn.
2. Orfeo Angelucci
Nhà kỹ thuật cơ khí kiên khoa học gia thực nghiệm tài tử. Trong tác phẩm của ông tiết lộ ông là người đầu tiên được người hành tinh chọn đề làm người liên lạc, nhờ có điều kiện và khả năng cao độ trong cảm quan những âm ba rung động của làn sóng đĩa bay (higher vibrational perception). Trong tác phẩm này ông tiết lộ ngày 23-7-1952 ông được đưa lên đĩa bay mang đi tới một hành tinh đâu đó. Nơi này ông gặp được nhiều người không gian khác.
Suốt mùa hè năm 1952 các báo chí đều nói về UFO. Ông Ej Ruppelt cựu trưởng cơ quan nghiên cứu về UFO của Air Force Hoa Kỳ, cũng tiết lộ nhận được khoảng 20 báo cáo mỗi ngày từ các nơi trên thế giới.
3. Daniel Fry
Năm 1949-50 là chuyên viên cơ khí cho Aerojet General Cortporation tại White Sends, New Mexico. Theo lời ông ngày 4-7-1950 ông bị UFO bắt khi đang đi trên sa mạc và mang ông đến New York City. Sau đó ông xuất bản 2 tác phẩm nói về những kinh nghiệm mà ông đã trải qua với UFO v.v…
Tóm lại, chuyện Dĩa Bay xuất hiện có từ lâu lắm rồi, từ những thập niên đầu của thế kỷ 20 dẫn thẳng đến những năm đầu thập niên của thế kỷ 21. Mọi người trên thế giới ngày nay chẳng ai biết được bao giờ thì các nhà khoa học mới xác nhận quả đúng là có chuyện UFO? Hãy chờ xem.
VẤN: Bà Ngô Hồng Nhạn, San Jose: Thưa bà cụ, lắm lúc tôi có ý nghĩ ngây thơ như các cháu trẻ là chẳng gì khỏe bằng loài chim, nhởn nhơ bay trên bầu trời để du ngoạn đây đó, mệt thì nghỉ, đói thì ăn. Chẳng cần phải lo nghĩ đến chuyện kiếm tiền bạc để mua thức ăn, thức uống. Như vậy đói với con người thì loài chim sung sướng và hạnh phúc hơn nhiều. Phải không bà cụ?
ĐÁP:
Chưa chắc đã đúng như bà chị nói. Bà chị có biết không, những lúc nghỉ ngơi, loài chim tuy không phải tốn tiền để tiêu xài trong vấn ăn uống, mà phải hao tổn rất nhiều năng lượng để bồi dưỡng, còn hơn cả khi bay. Ở mỗi chặng dừng chân trong chuyến di cư dài ngày, nhưng con chim két Châu Mỹ phải dành ra năng lượng chúng dùng đe trả cho chuyện vỗ cánh trong mỗi chuyến di động bay đó.
Điều này nghe ra có khác thường, nhưng sự thực là những con chim phải chuẩn bị cho hành trình bay dài lâu của chúng bằng cách tích lũy mỡ và tiếp nhiên liệu, nhà sinh vật học Henk Visser, thuộc phòng thí nghiệm động vật học ở Haren giải thích. Chính việc tìm kiếm thức ăn trong những chặng nghỉ và co ro trong những đêm dài lạnh giá đã tiêu tốn phần lớn năng lượng của chúng.
Mỗi mùa Xuân, hàng triệu con chim két Catharus ở tân thế giới lại di cư từ Panama tới Canada, băng qua chặng đường dài 4.800 km trong vòng 40 ngày. Thường xuyên chúng nghỉ lại giữa chừng và chỉ bay vài giờ mỗi đêm. Nhóm nghiên cứu đã gắn thẻ phát tín hiệu cho 6 con chim két rồi lấy mẫu máu của chúng trước và sau một chuyến bay kéo dài 7 giờ nhằm tinh năng lượng mà chúng sử dụng v.v…
Như vậy thì tính ra chúng còn xài đồng “Năng Lượng” kiếm được còn nhiều hơn con người phải xài bằng mồ hôi nước mắt của mình hằng ngày nhiều.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 209
VẤN: Ông Thần Vũ, Orange County: Theo Quản Tử thời xa xưa nói nghề bán chữ nghĩa có khi bị xem là nguy hiểm nhất. Có như vậy chăng? Xin bà cụ giải hộ cho.
ĐÁP:
Quản Tử đúng là một vĩ nhân của thời Xuân Thu. Có thể nói Quản Tử có tài ngang trời dọc đất. Biết lợi dụng thời cơ. Biết chọn kẻ nhân tài. Không bao giờ nghe lời phĩnh dụ. Ong cho rằng kẻ luồn cúi để kiếm miếng đỉnh chung là phường đá cá lăn dưa, khi được việc thì xem thiên hạ đều dưới mắt mình. Lấy chức tước làm cái nghề để mong có sự giàu sang.
Theo sách Cương Giám Dị Tri Lục, có nêu ra các điều chính yếu của Quản Tử sắp đặt như: Phải chia thên hạ riêng ra bốn hạng. Đó là Sĩ, Nông, Công, Thương. Ví như kẻ Sĩ ở khu yên tĩnh, hàng ngũ công nhân ở gần chốn công nha dinh thự, đám thương gia ở những vùng thị tứ, nhà nông thì quần tụ nơi điền dã. Làm như vậy là lớp người nghề nào quen nghiệp nấy, chẳng những kinh nghiệm mà còn tinh tấn hơn, giúp cho bọn con em không phải bị khắc khổ mà thành công. Đó là chưa kể đến phân khu định cư cho nước Tề. Và ví như chia Tề làm 21 hương, 6 hương cho công thương nghiệp, 15 hương dành cho sĩ nông.
Tuy nhiên, Quản Tử vốn có đôi mắt tinh tường, có đầu óc xuất chúng. Ông biết giai cấp nào cũng có kẻ tốt người xấu, nghề nghiệp nào cũng không hiếm phường gian xảo, nịnh thần, nhất là đối với hạng người chuyên mua bán chữ nghĩa. Kẻ tiểu nhân thì mua quan bán chức, tranh danh đoạt lợi có thể làm bất cứ điều gì, đặt điều và luôn cả làm như con vẹt được dạy sao nói vậy. Hạng người này đội trên đạp dưới. Khi cần, họ sẵn sàng ví mình như con giun, con bọ nhưng khi “Công Thành Danh Đạt rồi thì tất cả những kẻ đã giúp mình thành danh thành giá rồi đều là con dân dưới mắt của mình. Họ có thể làm đủ mọi giá để vinh thân phì gia”.
VẤN: Ông Hồ Đắc Mãn, Maryland: Tôi nghe nói có các nền văn minh cổ đại bị biến mất. Có như vậy chăng? Thưa cụ!
ĐÁP:
Có thể là có như vậy. Theo Health thì nền văn hóa Harappa ở khu vực sống Ấn Độ với những pháo đài bằng đất sét nung đã đột ngột biến mất cách đây gần hai thiên niên kỷ. Người ta cho rằng có thể vì một cuộc đại chiến hoặc là bởi một trận động đất thảm khốc đã tiêu diệt nó.
Lịch sử loài người đã ghi nhận có tới 7 nền văn minh cổ đại như Ai Cập cổ đại, Lưỡng Hà, Maya…Cái còn lại của nền văn minh chỉ là những dòng chữ trong sử sách. Còn thành trì, đền đài đã đột ngột biến mất mà nguyên nhân vẫn chưa được tìm ra.
Câu chuyện về thành Troy được gắn liền với hai trường ca của Homer là Iliad và Odyssey và với thần thoại Hy Lạp. Thành Troy chẳng may bị coi như một câu chuyện trong trí tưởng tượng của người xưa. Trên trái đất thời hiện đại không có dấu vết của bức thành gắn liền với cuộc chiến tranh bất hủ và con ngựa gỗ huyền thoại.
Cứ theo cuộc nghiên cứu mới đây, thành Troy thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay là có thật. Họ khẳng định cách đây gần hơn 3.000 năm, thành Troy nằm trên một đỉnh đồi, gần bến cảng thông ra biển Aegae nhưng hiện cảng này đang bị cát vùi lấp. Khi những nhà buôn Hy Lạp, Ý, Bồ dong thuyền ra từ biển Aegae tới Biển Đen, họ đều dầng chân ở Troy để tiếp tế lương thực và giải trí. Những dấu tích khảo cổ học mới được phát hiện – mảnh thuyền và cọc sắt nằm rải rác dưới những lớp đất cách thành Troy khoảng 4 Km – là bằng chứng cho thấy chiếc thuyền Hy Lạp từng đậu ở đây trước khi tấn công thành cổ này, giống như lời kể của Homer trong anh hùng ca Iliad. Theo lời giáo sư vật lý Amos Nur tại Đại học Stanford, Mỹ nói:
-”Chúng tôi tin rằng các thảm họa tự nhiên, đặc biệt là động đất, đã đóng vai trò quan trọng trong sự mất tích bí ẩn của nhiều nền văn minh.”
Khi nghiên cứu vùng phía đông Địa Trung Hải ở cuối thời kỳ đồ đồng hiệp hội Địa vật lý Mỹ cũng cho rằng một trận động đất lớn có thể là thủ phạm chính đằng sau sự biến mất của nhiều thành phố như Troy, Mycenae và Knooos. Các thành phố này đã bị quét khỏi bản đồ thế giới trong khoảng năm 1225-1175 trước Công Nguyên.
MỘNG TUYỀN SAO LỤC VẤN ĐÁP 210
VẤN: Đông Y Sĩ Năng Hồng Diệp, Alhambra, CA.: Tôi muốn biết lai lịch của Đông Trùng Hạ Thảo và tác dụng của loại được xem lả thần dược này. Xin bà cụ chỉ giáo.
ĐÁP:
Cách đây không bao lâu, tôi có đọc được về lai lịch “Đông Trùng Hạ Thảo” mà Đông Y sĩ đề cập đến như sau:
Loài nấm tên là Cordyceps, một trong những loài nấm danh tiếng nhất thế giới mà dân gian thường quen gọi là Đông Trùng Hạ Thảo. Người Tây Tạng (Trung Quốc) gọi loại nấm này là Yartsa Gunbu hay Yaysa Gunbu.
Đông Trùng Hạ Thảo hay “Sâu Nấm” là kết quả hình thành từ một loài nấm và một ấu trùng của loài bướm ma có tên khoa học là Thitarodes, một vài loài sâu bướm này hiện đang sinh sống tại cao nguyên Tây Tạng gồm Tây Tạng, Thanh Hải, Tây – Phúc Kiến, Tây Nam tỉnh Cam Túc và Tây Bắc tỉnh Vân Nam, ngoài ra còn ở khắp nơi tại Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal và Bhutan.
Loài nấm này bắt đầu nảy mầm trong các cơ thể sống của một số loài ấu trùng, tiêu diệt các loài ấu trùng này làm thức ăn của nấm, khiến cho các ấu trùng trở thành một xác ướp khô tự nhiên.
Đông Trùng Hạ Thảo được xem là nấm thuốc và được sử dụng làm vị thuốc chữa bệnh từ hàng ngàn năm ở Trung Quốc. Đông Trùng Hạ Thảo sinh sống ở dưới mặt đất tại các vùng đồi cỏ ở miền núi cao và các vùng đất nhiều cây buội trên cao nguyên Tây Tạng và dãy Hy Mã Lạp Sơn ở độ cao từ 3.000m đến 5000 m. Loài nấm nói trên sống âm ỉ trong lòng đất hơn 5 năm trước khi trồi lên khỏi mặt đất.
Phần “trái nấm” hay tai nấm thường trồi trên mặt đất vào mùa xuân hay đầu mùa hè, luôn luôn lộ ra đầu của nấm. Tai nấm cao từ 5 – 15 cm bên trên bề mặt đất và phóng ra các bào tử nấm. Ở Nepal, Đông trùng hạ thảo thường được tìm thấy tại các vùng đồng cỏ gần các ngọn đồi cao gần các ngọn núi cao ở Dolpo thuộc vùng Karnali.
Loài nấm Cordyceps sinensis hay Đông Trùng Hạ Thảo được ghi nhận lần đầu tiên trong văn hóa y học cổ truyền của Trung Quốc trong bản trích yếu về y dược của Wang Ang vào năm 1694. Vào thế kỷ thứ 18, nấm Đông trùng hạ thảo được ghi nhận trong tài liệu y học mới của Wu Yiluo. Toàn bộ cây nấm này đều được sử dụng làm thuốc. Trong y học cổ truyền Tây Tạng, Đông Trùng Hạ Thảo là một vị thuốc được đánh giá cao. Y học Trung Quốc gọi là vị thuốc kích thích tình ái và có công dụng trong việc điều trị nhiều chứng bệnh từ suy nhược đến ung thư, cân bằng được Âm Dương. Tưởng cũng nên biết chất độc của Đông trùng hạ thảo cũng là nguyên nhân gây táo bón, trướng bệnh và làm giảm nhu động. Ở Tây Tạng, Yartsa gunbu trở thành một trong nguồn tài nguyên thu nhiều lợi nhuận nhất. Giá trị của nó tăng phá kỷ lục. Sản lương thu hoạch hàng năm vùng cao nguyên Tây Tạng ước chừng từ 100 đến 200 tấn v.v…Tùy kích cỡ của nấm bán từ 25 tệ đến 35 tệ. Loại thượng hạng có giá đến 360.000 Nhân dân tệ.
VẤN: Bà Ngô Hoàng Trâm, San Jose: Nghe nói sữa Yogurt ngoài tác dụng bỗ dưỡng còn là một vị thuốc được xem là điều được một số bệnh nguy hiểm nữa phải không? Thưa cụ.
ĐÁP:
Theo ông Thăng Cao Nguyễn loan tải, thì “SỮA CHUA ĐẬU NÀNH (SOY YOGURT) giúp kiểm soát tiểu đường và cao huyết áp.
Trong một khám phá gần đây nhất,các nhà khoa học thuộc viện đại học University Of Massachusetts ở Amhet Hoa Kỳ đã cho biết là Soy Yagurt tức sữa từ đậu nành và một số sản phẩm sữa chua pha trộn với trái cây có thể giúp kiểm soát cả bệnh đái đường loại 2 lẫn bệnh cao huyết áp. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Thực phẩm Sinh hóa “Journal Of Food Biochemistry” số ra ngày 9-11-2006.
Giáo sư Khalidas Shetty, trưởng công trình nghiên cứu trên cho rằng mặc dù bệnh nhân Tiểu Đường thường được khuyên không nên ăn đồ ngọt, song sữa chua tỏ ra có vai trò đáng kể trong phương pháp điều trị căn bệnh này.
Còn tiếp
THINH QUANG
Xem Phần 41 tại đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net