Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 13, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
CHÂU Á KHÔNG CỨU NỖI THẾ GIỚI.
Webmaster


TẠI SAO CHÂU Á KHÔNG CỨU NỖI THẾ-GIỚI?

Trong số ra ngày 19.10.2006, tờ The Economist (Anh) viết rằng ngay cả khi Mỹ hắt hơi, châu Á vẫn không phải nhập viện! Nhiều quyển sách như The New Asian Hemisphere: The Irresistible Shift of Global Power to the East (Bán cầu châu Á mới: sự chuyển giao quyền lực toàn cầu không thể cưỡng lại được cho châu Á) hoặc When China Rules the World (Khi Trung Quốc thống trị thế giới) đã chứng tỏ thêm luận thuyết này.

Từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhìn lại sự phát triển của châu Á

Sự trỗi dậy của châu Á ư, hãy nghĩ lại đi!” - tựa bài viết của giáo sư Mỹ gốc Hoa là Bùi Mẫn Hân trên chuyên san ngoại giao Foreign Policy (22.6.2009) - đã cho thấy “decouple” đến nay vẫn là một tham vọng bất khả. Đúng là những gì diễn ra trước thời điểm bùng nổ suy thoái kinh tế dễ khiến người ta nghĩ đến sự chuyển giao vị thế từ Tây sang Đông và sự “sang tay” cán cân quyền lực từ Mỹ sang Trung Quốc.

Năm 2005, công trình nghiên cứu Foresight 2020 được thực hiện bởi Economist Intelligence Unit (EIU) với sự tài trợ của Cisco Systems cho biết Mỹ cùng TQ và Ấn Độ sẽ chiếm hơn 50% tỷ lệ phát triển kinh tế toàn cầu từ 2005 - 2020, riêng châu Á chiếm đến 43%. Theo khảo sát trên, GDP toàn cầu sẽ tăng trung bình 3,5%/ năm, giúp kinh tế thế giới phát triển gấp 2/3 vào năm 2020 so với năm 2005 và Trung Quốc sẽ góp 27% trong tỷ lệ phát triển này. Trung quốc và Ấn Độ sẽ bổ sung tổng cộng 207 triệu nhân công trước năm 2020; riêng Trung Quốc sẽ có ít nhất 80 triệu hộ dân có thu nhập hơn 7.500 USD/năm trước năm 2020…

Một trong những lý do khiến người ta có thể tin rằng kinh tế châu Á có thể phát triển độc lập với ảnh hưởng của kinh tế Mỹ là mức độ thâm hụt cũng như thặng dư ngân sách không cao, giúp châu Á dễ xoay trở trong việc điều-chỉnh chính-sách để duy trì mức cầu thị trường nội địa nhằm bù đắp sụ sụt giảm của xuất cảng.

Tuy nhiên, như giáo sư Bùi Mẫn Hân đã chỉ ra, châu Á, ngay cả trong bối cảnh kinh tế thịnh vượng, vẫn không thể so sánh với Mỹ. Toàn bộ khu vực này sản xuất 30% tổng xuất lượng kinh tế toàn cầu nhưng nuôi quá nhiều nhân khẩu nên GDP/ đầu người chỉ đạt 5.800 USD so với 48.000 USD của Mỹ. Thu nhập bình quân/đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 1/10 thu nhập bình quân của Mỹ và tổng tiêu dùng của Trung Quốc năm 2007 là 1,7 ngàn tỷ USD so với 12 ngàn tỷ USD của Mỹ.

Tính theo tỷ lệ phát triển trước thời điểm khủng hoảng, người châu Á phải mất trung bình 77 năm nữa mới bắt kịp thu nhập trung bình của người Mỹ: Trung Quốc cần 47 năm, còn Ấn Độ cần 123 năm. Về quân sự, tổng ngân sách quốc phòng của châu Á có thể bằng mức hiện tại của Mỹ trong 72 năm nữa. Bởi yếu tố lịch sử vốn quen với sự cạnh tranh cũng như mâu thuẫn về biên giới và địa lý, châu Á khó có thể trở thành một khối thống nhất để thu hút tinh lực của thế giới.

Châu Á còn nhiều vấn đề nội tại khác.

Dù Goldman Sachs từng dự báo Trung Quốc có thể qua mắt Mỹ về sản lượng kinh tế vào năm 2027 (tức trị giá hơn 10 ngàn tỷ USD) và Ấn Độ cũng sẽ đuổi kịp Mỹ vào năm 2050 nhưng thật ra châu Á sẽ đối mặt với nhiều rào cản khó vượt qua trong nhiều thập niên tới, bất luận có suy thoái hay không. Hơn 20% dân châu Á sẽ trở thành người già trước năm 2050.

Tháng 2.2009, Ngân hàng Phát triển châu Á (Asian Development Bank, ADB) đưa ra báo cáo Aging in Asia: Trends, Impacts an Responses, cho biết tỷ lệ người già ở châu Á sẽ tăng từ 44% năm 1950 lên 62% năm 2050, và “vấn đề dân số sẽ chạm đến mọi mặt đời sống của chúng ta; trừ khi chúng ta sớm tiến hành những chọn lựa chính sách khó khăn, sẽ có ít cơ hội để châu Á sống thanh thản với tuổi già” - Jayant Menon, đồng tác giả của nghiên cứu trên nhận xét.

Báo cáo còn ghi nhận hiện chỉ có khoảng 60% đàn ông và 40% phụ nữ thuộc nhóm đối tượng trẻ tại các nước đang phát triển ở châu Á đang đi làm và nhiều người trong số họ phải làm những nghề không ổn định và được trả lương thấp. Theo The Economist (25-6-2009), số người trên 60 tuổi tại Trung Quốc có thể tăng từ 166 triệu vào thời điểm hiện tại lên 342 triệu trong hai thập niên nữa và tỷ lệ người già sống dựa vào những người còn trong độ tuổi lao động sẽ tăng rất nhanh từ 10% lên 40% trước năm 2050. Dân số đông luôn dẫn đến nhiều vấn đề nan giải: tài nguyên bị khai thác ráo riết hơn; môi trường bị đối xử tệ hơn; nguồn nước ngọt (và sạch) khan hiếm hơn; ô nhiễm nặng nề hơn (không khí ô nhiễm làm thiệt mạng gần 400.000 người Trung Quốc mỗi năm). Năng lượng cũng là bài toán bức xúc trong khi tình trạng khí hậu thay đổi đang tàn phá nông nghiệp châu Á.

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay có khả năng làm cho châu Á tụt hậu (chứ không phải qua mặt Mỹ như nhiều nhận định lạc quan) bởi khu vực này lâu nay phụ thuộc vào xuất cảng vốn được coi như một trong những yếu tố chủ lực mang lại tỷ lệ tăng trưởng. Sự bất ổn chính trị (như tại Pakistan hay Thái Lan) cũng là nguyên nhân làm chệch hướng hoặc làm chậm lại tiến trình phát triển của châu Á. Đó là chưa kể tình trạng tham nhũng và khoảng cách giãn rộng liên tục giữa người giàu và người nghèo. Khó có thể nói một quốc gia là giàu nếu chỉ “điểm danh” một vài tỷ phú. Wall Street Journal (25.7.2009) cho biết Trung Quốc hiện có 300.000 công dân “siêu giàu” với tài sản hơn 10 triệu tệ (khoảng 1,4 triệu USD) nhưng thống kê của chính phủ cho thấy nông dân Trung Quốc kiếm được không bằng 1/3 so với dân thành thị.

Nhà xã hội học nổi tiếng Tôn Lập Bình (Sun Liping) của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh cũng nói rằng chuẩn sống của thành thị và nông thôn Trung Quốc khác nhau đến 6 lần. Động lực của sự phát triển của châu Á thời gian gần đây là xu hướng đô thị hóa với những mặt tích cực bắt nguồn từ khuynh hướng tự do mậu dịch, cải cách thị trường và hội nhập kinh tế. Tất cả đều là sản phẩm của toàn cầu hóa. Nhưng giờ đây, toàn cầu hóa đang co cụm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thế giới nói chung.

Hơn nữa, các doanh nghiệp châu Á vốn theo mô hình gia đình và Nhà nước - cấu trúc giúp dễ điều chỉnh khi gặp biến cố - nhưng lại ít minh bạch và hạn chế sáng tạo so với mô hình doanh nghiệp phương Tây. Cần biết, khoa học kỹ thuật của Mỹ vẫn đang vượt trội. Nếu chỉ nhìn vào số bằng sáng chế của Mỹ được cấp cho giới kỹ thuật châu Á, Mỹ dường như tụt hậu. Chẳng hạn, các nhà phát minh Hàn Quốc được cấp 8.731 bằng sáng chế của Mỹ vào năm 2008 so với 13 bằng vào năm 1978. Năm 2008, gần 37.000 bằng sáng chế của Mỹ cũng được cấp cho giới phát minh của Nhật.

Một nghiên cứu từng xếp Mỹ hạng 8 thế giới về sáng tạo, lép vế hơn cả Singapore, Hàn Quốc và Thụy Sĩ. Tuy nhiên, trong thực tế, giới phát minh của Mỹ được cấp đến 92.000 bằng sáng chế trong năm 2008, gấp đôi tổng số bằng sáng chế cấp cho Hàn Quốc và Nhật! Người ta cũng không thể không để ý đến việc châu Á chỉ mới bắt đầu đầu tư nhiều cho giáo dục nâng cao nhưng điều đó vẫn chưa đủ để châu Á trở thành trung tâm của giáo dục và nghiên cứu của thế giới trong tương lai gần.
 

Trong danh sách 10 đại học hàng đầu của thế giới không có đại học châu Á nào và chỉ có một trường đại học châu Á, Đại học Tokyo, lọt vào top 20. Ba chục năm qua, chỉ có 8 người châu Á (7 là người Nhật) được trao các giải Nobel khoa học.

Hệ thống thi cử nặng nề còn là một trong những rào cản bóp chết các tài năng của châu Á. Hiện có 600.000 kỹ sư tốt nghiệp mỗi năm tại Trung Quốc (Ấn Độ có 350.000) trong khi Mỹ chỉ cho ra trường 70.000 kỹ sư. Thế nhưng chất lượng mới là điều đáng quan tâm. Năm 2005, Viện Toàn cầu McKinsey đưa ra báo cáo cho biết giới quản trị nhân sự tại các công ty đa quốc gia đánh giá chỉ có 10% kỹ sư Trung Quốc và 25% kỹ sư Ấn Độ “có thể được sử dụng” so với 81% kỹ sư Mỹ.

“Thế kỷ Trung Quốc” vẫn chưa bắt đầu.

Nhật báo New York Times (17.7.2009) cho biết kinh tế Trung Quốc - nhờ được tiêm liều kích cầu, trong đó có chính sách nới lỏng tín dụng - đã tăng 7,9% trong quý II năm 2009. Tuy nhiên, chỉ số tăng trưởng chưa hẳn là tín hiệu đáng mừng. Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tính ổn định và bền vững của phát triển cũng như khả năng đóng góp cho kinh tế thế giới.
 

Có vẻ như yếu tố giúp Trung Quốc thành công trong việc vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính là tỷ lệ tiêu dùng nội địa tăng nhanh (thay thế sự thiếu hụt của tỷ trọng xuất cảng). Tuy nhiên, theo Newsweek (13.7.2009), kẻ đang chi tiền giúp hồi phục kinh tế lại là chính phủ chứ không phải người dân (với dự trữ ngoại tệ lên đến 2 ngàn tỷ USD. Chính phủ Bắc Kinh dư tiền để thực hiện gói kích cầu bằng cách đổ vốn vào các dự án bất động sản). Thật ra, chỉ có mức độ tiêu dùng của công chúng mới là chỉ số tốt để kiểm tra “sức khỏe” của nền kinh tế.

Trong thực tế, người tiêu dùng Trung Quốc không đóng góp nhiều cho sự hưng thịnh của kinh tế nước nhà những năm gần đây. Tiêu dùng cá nhân liên tục giảm, từ 60% GDP năm 1968 xuống còn 36% năm 2008. Lý do khiến dân Trung Quốc tằn tiện là sự lo lắng tăng dần trước viễn cảnh không mấy sáng sủa, khi họ không được bảo vệ bằng mạng lưới an sinh xã hội một cách an toàn, như lương hưu, chính sách bảo hiểm y tế… (Bắc Kinh chỉ mới lập ra chế độ an sinh xã hội gần đây, chẳng hạn kế hoạch chi 127 tỷ USD cho các chương trình bảo hiểm y tế quốc gia trong 3 năm, nghĩa là mỗi người Trung Quốc nhận được không đến 50 USD!). Nếu tiêu dùng cá nhân tại Trung Quốc tiếp tục giảm, sự phát triển của nước này chỉ là hiện tượng trên bề mặt. Stephen Roach, chủ tịch công ty tài chính Morgan Stanley Asia, nói rằng tiêu dùng cá nhân cần đạt 50% GDP mới giúp Trung Quốc không lệ thuộc vào xuất cảng.

Thượng tuần tháng 7.2009, tổ chức phi lợi nhuận Liên minh các nhà sản xuất và sáng tạo (Manufacturers Alliance for Productivity & Innovation - MAPI, với thành viên gồm nhiều công ty toàn cầu, trong đó có Caterpillar, Ingersoll- Rand, United Technologies) đưa ra báo cáo China’s Future Growth: Savings, Investment and its Rebalancing Goal, cho biết Trung Quốc sẽ chẳng giúp gì cho kinh tế thế giới bởi khoảng cách giữa đầu tư và tiết kiệm của Trung Quốc tiếp tục giãn rộng trong khi thặng dư mậu dịch tiếp tục tăng. Kết quả là tiêu dùng cá nhân tại Trung Quốc giảm nhiều hơn và nhập cảng vào trung quốc sụt giảm theo nên khả năng Trung Quốc tác động tích cực đến thị trường thế giới để cứu nền kinh tế toàn cầu là điều không tưởng.

Financial Times (21.6.2009) cũng ghi nhận rằng ảnh hưởng từ gói kích cầu của Trung Quốc đối với kinh tế thế giới sẽ rất khiêm tốn: đóng góp chỉ khoảng 0,1% cho tổng xuất lượng toàn cầu năm 2009; Trung Quốc phải hướng đến một nền kinh tế được điều hành bởi nhu cầu tư hơn là công, hướng đến tiêu dùng (cá nhân) hơn là đầu tư (công), hướng đến dịch vụ mở rộng nguồn nhân lực (labour intensive services) hơn là công nghiệp nguồn vốn (capital intensive industry; dựa vào đầu tư nguồn vốn cho việc mua/ xây bất động sản hoặc tài sản) và hướng đến sự lệ thuộc vào thị trường nội địa hơn là nước ngoài.

Những thay đổi này cần một loạt cải cách: mở rộng cửa cho cạnh tranh tư nhân; nâng tỷ lệ lãi suất đối với thành phần được vay “ưu đãi”; cổ phần hóa công ty nhà nước… Nói cách khác, không như nhiều người bình luận (hoặc hy vọng), Trung Quốc vẫn chưa đủ sức để lợi dụng cơ hội nền kinh tế Mỹ suy thoái để chiếm vị trí đầu tàu bởi Trung Quốc vẫn chưa thể “decouple” khỏi Mỹ. Trong thực tế, Trung Quốc vẫn quan sát kỹ mọi động thái kích cầu của Mỹ. Mỹ vẫn tạo ảnh hưởng cho Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung hơn là thế giới chứng kiến một sự “sang tay” ngoạn mục nào đó.

 

Cần nhấn mạnh rằng Mỹ là nước đầu tiên tận dụng có hiệu quả hiệu ứng toàn cầu hóa (bằng sự “đổ bộ” khắp thế giới của các công ty Mỹ), với sự có mặt sâu rộng khắp nơi và gắn kết chặt chẽ với hệ thống tài chính kinh tế toàn cầu. Muốn thay thế vị trí của Mỹ, trước hết phải chặt đứt toàn bộ hệ thống mắt xích liên kết toàn cầu của Mỹ. Điều này, ít ra trong thế kỷ này, là bất khả thi!

Khuyết danh.

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh