Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 43)
THINH QUANG

 

Đường làng

 
VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 43)
Thinh Quang

MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 211

VẤN: Bà Nguyễn Thị Ba Linh, San Jose: Thưa bà, tôi còn nhớ không được rõ lắm, dường như trong năm 2008, tôi có đọc nơi trang NET nào đó đăng một câu chuyện phiếm nói về đề tài “CON NGỰA NON”. Và cũng nhờ sực nhớ về chuyện “Luận về ngựa” nên muốn biết người xưa nghĩ thế nào về ngựa? Ngựa có bao nhiêu giống vốn trời sinh ra và bao nhiêu về các loài “ngựa người” trong dân gian thường nói đến? Xin bà cụ chỉ giáo hộ. Cám ơn bà cụ thật nhiều.

ĐÁP:

Theo nghĩa thông thường thì ngựa là một loài thú trong “lục súc”, dùng để cưỡi, kéo xe. Nó là một trong các loài thú to, mông cao và cứng, thân dài, gáy của nó có lông dài gọi là bờm. Đầu dài. Có chùm tóc, tât nhiên là có đuôi rồi. Nó thích chạy. Sai bảo chạy đâu cũng cắm cổ chạy. Mặt của nó dài…Mắt của nó đen lay láy, được chủ thường xuyến đeo hai tấm chấn hai bên, trông như kiếng mắt đế nó khỏi phải ngó quàng xiêng mà lầm đàng lạc nẻo. Ca dao có câu:

Đùng đùng NGỰA chạy qua truông
Mảng mê con đĩ luông tuồng bỏ em"
.

Đó là nói về các chú “Ngựa Đực”. Nhưng phần nhiều hay bàn về “Mấy Nàng Ngựa Cái”. Ví như rủi ro có nàng nào trong loài người của chúng ta phạm phải những điều sai quấy thì các cụ ngày xa xưa đã cảnh cáo ngay: Này ”Long nhong như ngựa chạy đường quai” đấy nha! Nếu mấy nàng ngựa cái nào biết hối cải, thuần thục rồi, thì cũng được người xưa nhắn nhe đôi lời bảo đảm: “Ngựa đã thuần rồi xin mời ngài lên”.

Ngựa thì có ngựa bạch, ngựa cái, ngựa chứng, ngựa non…ngựa non còn gọi là tiễn mã, ngựa đua, ngựa giống… Nhưng có điều khó chịu nhất các loại ngựa cái non, bởi vì thứ “ngựa non” thường hiếu chiến. Tục ngữ có câu: ”Ngựa non háu đá”. Khi mà ngựa non ngựa giống cái mà háu đá thì bất xá, đụng đâu đá đó…bất luận phải trái. Ngoài ra còn có ngựa đua, ngựa giống, ngựa gỗ là loại tiểu mã, ngưa hồng, ngựa nòi…ngựa rừng, ngựa ô v.v…

Ngựa vốn chịu khó “làm thân trâu ngựa” thường được loài người bắt chước cái hình dạng nó làm thành “con ngựa gỗ” dùng để ngồi lên mà nghỉ ngơi, hoặc làm cái bàn xắt thuốc lá trông giống hệt như con ngựa vậy.

Trong dân gian còn có câu thành ngữ võn vẹn hai chư nói về “Ngựa”:

“Đồ Ngựa”. Nó có nghĩa tiếng dùng để chỉ người đàn bà lẳng lơ trắc nết: “Đồ ngựa đi rong” hay “Đồ ngựa rượt”. Cũng có câu tiếng lóng “Ngựa Bà” để miệt thị một người đàn bà nào đó có hành động không đứng đắn.

Các bà thường hét lên:

“Tôi phải xé xác con ngựa này mới được”.

Lại còn có giống ngựa bạch là ngựa trắng. Triết thuyết gia Công Tôn Long bảo: “Ngựa trắng không phải là ngựa bạch”. Nói như vậy là giống ngựa bạch không phải là ngựa.

Một trăm ba mươi sáu thứ ngựa. Nào là ngựa banh tức là ngựa đua. Ngựa Bắc thảo bên Tàu ở miền Bắc Trung Hoa, ngựa bền ngoài cái bền bĩ của nó có đôi chân dài hơn vì vậy mà mấy ông thầy tướng số còn bảo là giống “trường túc”, mà trường túc thì bất tri lao. Trong các loài ngựa có loài ngựa bở là dở nhất. Người cỡi ngựa kỵ nhất là “ngựa chứng”, họ thật bất trị, không chịu để dây cương điều khiển mình, hay chờm lên, dùng đầu lắc thật mạnh làm cho người kỵ mã nào non tay ấn đang ngồi trên người hắn đều ngã lăn xuống mặt đường. Còn có loài ngựa đá, loại này nếu ai lỏng lẻo đứng sau đuôi nó tức thì bị nó banh hai chân sau ra đá thốc đến…rủi ro nhằm trúng chỗ nghiệt thì khó lòng thoát khỏi cảnh hiểm nguy đến tính mạng. Ngựa già thì hợp ý nhất với những cụ già non. Ngựa này chịu nặng roi, có bị ăn đòn thì “lão mã” mới chịu dủi dong lên đường. Đó là chưa kể đến loài “ngựa nục”, vốn là tên của giống “ngựa cái”, nhưng thật ra là biểu trưng cho cái nết trời ban cho cái giống phải gió này. Có một giống khác nữa cũng được người đời phong cho chức “Ngựa Trời”, hay “Ngựa Bà Trời”. Nguyên là một giống bọ mình thon, đầu to, cánh mỏng, mắt lồi giống như đeo kiếng mắt. Ngựa này thường chỉ cho những người mà ta thường nghe “đồ đĩ ngựa”, là “đồ xí xọn”: Ngựa Bà Trời. Ngựa này gần giống với “ngựa truy phong” cũng mánh khóe, lừa lọc…

Tuy nhiên, có loại ngựa sau cùng này được gọi “Ngựa Sa Hoàng” chỉ cho giống ngựa “hăng” nhất. “chứng nhất” và quả đúng là bất kham nhất.

VẤN: Cụ Đàm Văn Khôi, San Jose: Thế nào là quẽ Trạch Sơn Hàm? Xin bà cụ chỉ dẫn hộ.

ĐÁP:

Đó là “Quẽ Đoài” tức đầm bùn và “quẽ Cấn” tức núi nhập chung lại gọi tắt là Quẽ Hàm.

Hàm có nghĩa là giao cảm, cảm.

Ví như trời đất cảm mà muôn vật hóa sinh.

Đấng thánh nhân cảm lòng người mà muôn việc hòa bình.

Con trai và con gái khi đã cảm nhau thì dễ đi đến chuyện hôn nhân vì lúc ấy đã tâm đầu ý hợp. Khi đã cảm được sự chia ly là đau đớn thì người ta không muốn bị chia ly.

Một chính khách đọc diễn văn trước quần chúng nếu sử dụng ngôn từ và ngôn tự cho dân chúng cảm thông được ý muốn của mình muốn truyền thông cho họ thì chính khách ấy như đã thành công.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 212

VẤN: Ông Vũ Quang Bình, Orange County: ẤN-HOA có phải là một địa danh không?

ĐÁP:

Ấn - Hoa là một tên ghép ẤN ĐỘ và TRUNG HOA. Các nước nói tiếng Anh gọi là INDOCHINA, tiếng Pháp gọi INDOCHINE. Indochina chỉ về khu vực lục địa liên nhau ở phía Đông Ấn và phía Nam Nam Trung Hoa. Vùng lục địa này gồm có Miến Điện, Thái Lan, Bán đảo Mã Lai, Lào, Campuchea và Việt Nam. Các nước Việt – Miên - Lào trước kia là thuộc địa của Pháp nên gọi la INDOCHINE FRANCAISE.

VẤN: Cụ Nguyễn Tư Duy, Alhambra: Tôi nghe nói có nhiều dấu hiệu báo trước trong cơ thể về bệnh ung thư. Bà cụ biết xin chỉ giáo. Cám ơ bà cụ nhiều.

ĐÁP:

Gần đây trên nhiều trang Web nói về sức khỏe, có đề cập đến trường hợp như ông cụ nêu ra. Tôi còn nhớ ông Anh Hữu Nguyễn có đề cập đến về chứng bệnh ung thư mới phát triển với các chứng cảm ho thông thường, mà ít khi lưu ý đến. Nhưng cẩn thận việc coi không có gì đáng bận tâm nhiều khi chẳng kịp trở tay.

Dưới đây là các triệu chứng dành cho phái Nam:

1. KHỐI LẠ Ở NGỰC: Ung thư “VÚ” phái nam tuy không phổ biến, nhưng vẫn có thể xảy ra. Bất cứ “KHỐI LẠ” nào ở vùng ngực đều cần được kiểm tra cẩn thận, đặc biệt khi có biểu hiện nào ví như trường họp da bị lõm nhăn nhúm. Đỏ và tróc vảy ở nơi nơi khối lạ đó. NÚM VÚ bị đỏ, co rút hoặc chảy dịch.

2. ĐAU: Thường gặp bệnh lý khác nhau, tuyệt đối KHÔNG LOẠI TRỪ UNG THƯ.

3. TINH HOÀN: NHỮNG THAY ĐỔI Ở TINH HOÀN, nam giơi phải thật cẩn thận quan sát, như một số đau ở TINH HOÀN phát triển nhanh và gây TỬ VONG cao. Ngoại trừ trường hợp “BẨM SINH” hoặc trẻ con. Nam giới nên biết TỰ KIỂM TRA

TUYỆT ĐỐI KHONG NÊN BỎ QUA hay TRÌ HOÃN. Đặc biệt là KHI THẤY MỘT SỐ BẤT THƯỜNG như TINH HOÀN TO dần ra, hoặc TEO LẠI, có cảm giác NẶNG HOẶC CĂNG ĐAU, KHIẾN TIỂU KHÓ. Thật là tai hại có cơ nguy đến tính mệnh nếu chần chừ không chữa trị.

Trường hợp dưới đây chung cho mọi giới tính:

1. NỔI HẠCH: Nếu thấy HẠCH NỔI ở nách, cổ tay hoặc bất cứ nơi nào trong cơ thể lớn nhanh ra hoặc sưng tấy trong thời gian dài nên kiểm tra xem có bị ác tính hay không? Nếu bị ác tính đúng là ung thư.

2. SỐT: Trường hợp SỐT mà không tìm ra nguyên nhân rõ ràng, thật khó lòng cho những ai bị trường hợp này có thể là bị ÁC TÍNH vì bệnh có gây sốt ở vài điểm nào đó thường xuất hiện sau khi UNG THƯ đã xâm nhập v.v…

Vấn: Bà Lê Đình Hoa. San Jose: Tôi nghe bị sạn thận cũng có phương thuốc gia truyền rất hiệu nghiệm. Có thật vậy chăng? Bà cụ có phương thuốc gia truyền nào trị được bệnh này không?

ĐÁP:

Tôi cũng nghe có phương thuốc gia truyền này. Xin kể lại đê bà chị đọc và hỏi các Đông Y Sĩ hay Bác sĩ thể dùng được hay không? Các vị thuốc đó thật đơn giản:

1. Một trái chuối chát sống, hay chuối của Mễ Tây Cơ cũng được.
2. Bốn củ khoai môn (loại nhỏ bằng trái banh đánh bóng bàn)
3. Một bó rau húng quế.

Cách làm:

1. Đầu tiên cạo lớp vỏ xanh của trái chuối, đoạn chặt hai ra rồi chẻ thành mỗi phần 4 mảnh, tức là 2 phần có được 8 mảnh (chuối)
2. Khoai môn, loại củ nhỏ, sần sùi có lông, cạo cho sạch, bổ làm hai của mỗi củ.
3. Rau húng quế rửa sạch. Tất cả bỏ vào nồi đổ một lít nước, nấu cho sôi, xong vặn nhỏ lửa cho riu riu, đợi nhìn thấy nước trong nồi chỉ còn ước lượng nửa lít, nhắt xuống uống như uống nước trà chung với ít mật ong.

VẤN: Bà Lê Đình Hạ, New York: Tôi tình cờ đọc trong báo Người Việt phát hành tại Nam California, ngày 6 tháng 9 năm 2010, trong đó có bài ông Bùi Tín nguyên Phó Tổng Biên Tập của tờ báo Nhân Dân – tờ báo được xem là đứng hàng đầu của chính quyền CS Việt Nam ở Sài Gòn, có bài viết có tựa đề “ÔNG BẠN CỒNG KỀNH”, hình như là vậy. Tôi chỉ thắc mắc về cái danh từ mà ông Bùi Tín đã viết đó là Á NAM, Á NỮ. Tôi ngơ ngác hỏi hết người bạn này đến người bạn khác, nhất là những nhà thâm nho hoặc các nhà viết lách về danh từ này, nhưng chẳng ai có thể hiểu được. Theo tôi nghĩ ông Bùi Tín chẳng phải lầm lẫn vì ông ở ngay trong lòng đất Sài Gòn – nơi vũng đất tràn ngập Hán Tự – không thể nào dùng sai được. Vậy xin bà cụ cho biết danh từ Á Nam, Á Nữ là có nghĩa làm sao?

ĐÁP:

Rất tiếc, tôi không lưu ý đến bài viết này mấy, có thể bà chị nhớ sai chăng? Không có danh từ ghép Á Nam, Á Nữ. Nếu là một từ đơn độc thì Á đó là CÂM, Ví như: “Á tử ngật hoàng liên, tự kỷ thân phủ, tự kỷ tri”, có nghĩa “Thằng câm ăn phải Hoàng Liên”, tự mình mình biết, tự mình mình hay”. Hoặc muốn nói là “Nửa Trai, Nửa gái” như “Guy” chẳng hạn là “Bán nam, bán nữ” (Bisexual), còn A Nam, Á Nữ thì thế nào, trong Tự Điển chẳng thấy. Tôi không đọc bài viết đó nên chẳng hiểu thế nào?

VẤN: Cụ Hà Thạch, Virginia: Thế nào là TAM BẢO, xin bà cụ giải hộ.

ĐÁP:

Đó là Ti-rattana tức là Tam Bảo. Tam Bảo gồm có: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo – dịch ra từ chữ Phạn: Buddha, Dhamma, Sangha.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LUC 213

VẤN: Cụ Nguyễn Đà Giang, San Jose: Bà cụ nhắc lại hộ lời Thánh xưa nói về “Ngũ Phúc và Lục Cực”. Thành kính cám ơn bà cụ nhiều.

ĐÁP:

a. Ngũ Phúc gồm:

1. Phú là giàu có.
2. Thọ là sống lâu.
3. Khang ninh là khỏe mạnh, bình an.
4. Du hảo đức là làm điều lành
5. Khảo chung mệnh: Chết già.

Năm điều Phúc này được rút gọn lại: “Phú, Quí, Thọ, Khang, Ninh”. Năm điều nầy ghi trong Kinh Thư, thiên Hồng Phạm.

b. Lục Cực, gồm:

1. Hung đoàn chiết: có nghĩa chết nạn, chết non.
2. Tật: Bệnh tật.
3. Ưu: có chuyện phải lo nghĩ.
4. Bần: là nghèo khó.
5. Ác: là làm điều ác.
6. Nịch: Mê đắm một thứ gì đó.

VẤN: Ông Hồ Anh, Los Angeles: Tôi có nghe một hiện tượng lạ xảy ra từ xa xưa nói về một cụ già thoát nạn nhờ biển được xẻ ra làm đôi để sang bên kia bờ. Bà cụ có nghe điều này không?

ĐÁP:

Tôi có đọc trên trang WEB có một ông bạn quên mất tên, nói rằng: ”Tại đất nước Triều Tiên, còn gọi là Cao Ly và ngày nay gọi là Hàn Quốc, có một truyền thuyết nói về một hiện tượng siêu linh tại làng Jindo bị con hổ dữ tấn công, khiến dân làng bỏ chạy đến hòn đảo tên là Modo tạm thời ẩn náu. Người trong làng này hầu hết đều ra đi, ngoại trừ một bà cụ không kịp rời khỏi nhà. Bà cụ sống trong cảnh sợ hãi không biết mạng sống mình có được an toàn không, trong cơn tuyệt vọng, bà chắp tay cầu nguyện và được Chúa nghe thấy bèn chia đôi ngay biển cả thành con đường đi ngang qua cứu bà cụ thoát khỏi cảnh bị hổ dữ bắt đi làm mồi.

VẤN: Bà Lê Ngọc Bửu, W Larch St. Alhambra (CA): Trong bài Văn tế phò mã Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ thượng thư Ngô Tùng Châu có câu: ”Mối tình sánh duyên gác tía, bước gian truân từng cậy dạ không phù; màn kinh giúp sức cung xanh, công mông dưỡng, đã đành lòng úy kỵ” Có mấy danh từ khó hiểu như “sánh duyên gác tía, màn kinh giúp sức cung xanh, công mông dưỡng…” bà cụ giài hộ cho. Cám ơn nhiều.

ĐÁP:

Sánh duyên gác tía: danh từ “gác tía” là chỉ nơi của công chúa ở. Nói về tích ông Võ Tánh cưới Ngọc Du công chúa em gái của vua Gia Long.

Màn kinh giúp sức cung xanh: Màn kinh chỉ cái màn nơi ông thầy ngồi giảng sách, cung xanh là cung của thái tử ở. Nói về việc ông Ngô Tùng Châu dạy Hoàng Tử Cảnh học.

Mông dưỡng: là nuôi dạy trẻ nít.

VẤN: Cụ Văn Lâm, Reseda CA. Tục ngữ Trung Hoa có hai câu:
1. Phu thê ân ái, thảo hảo ưng cai
2. Thế thượng vạn ban sầu khổ sự,
Vô như tử biệt dữ sinh ly.

Hàm ý hai câu này này như thế nào?

ĐÁP:

Câu thứ nhất:

Vợ chồng ân ái cốt sao thuận hòa

Tục ngữ ta cũng có câu tương tự:

Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê.

Hoặc:

Đầy tớ xét công, vợ chồng xét nhân nghĩa.

Câu thứ hai:

“Thế thượng vạn vật ban sầu cổ tự,
Vô như tử biệt dữ sinh ly.”

Tục ngữ ta có những câu tương tự như vậy:

Muôn thứ khổ sầu trên cõi thế,
Chi bằng khổ biệt với sinh ly.

Hay câu:

Đoạn trường thay lúc phân kỳ,
Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 214

VẤN: Ông Vũ Quang Hà, Washington DC. Nghe nói Ai Cập có nhiều phương pháp kìm hãm lại sự lão hóa của con người. Bà cụ có nghe thấy không?

ĐÁP:

Ai Cập là một quốc gia có nền văn minh siêu đẳng từ nhiều thiên niên kỷ trước. Nền văn minh này chẳng những thể hiện ở các Kim Tự Tháp mà còn có lối kiến trúc mãi đến ngày nay vẫn còn chưa khám phá được. Ngay trước khi Thiên Chúa giáng sinh Ai Cập cũng đã áp dụng nhiều phương pháp để gia tăng sự hưởng thụ hay kéo lại tuổi xuân của mình, như biết dùng chất “thần sa”,”chu sa” để làm đẹp cho phái yếu, dùng mỡ loài dơi trắng để giúp cho mắt được trong xanh, dùng gân của kỳ đà, đuôi của loài trăn để chế ra loại thuốc kích thích…

Tần Thủy Hoàng hay Thành Cát Tư Hãn từng mưu tìm thuốc trường sinh để mong được bất tử. Điều này thì không bao giờ được như ý. Chẳng ai cưỡng lại được mệnh trời. Biết vậy, nên các nhà vua này quay lại cố giữ lại xác thân mình được luôn tươi nhuận với thời gian sau khi đã qua đời. Họ hy vọng rằng ngày nào đó Trời sẽ cho họ sống lại…để tiếp tục vui hưởng với đời sống ở trần gian. Muốn được vậy, đương nhiên là tốn kém không phải ít. Ngày xưa chỉ có các bậc đế vương hay các bà hoàng hậu, công chúa…mới đủ tiền bạc để giữ lấy thể xác mình được đời đời kiếp kiếp…Việc ướp xác đòi hỏi phải thật giàu có, rất ít người ngoài dân gian làm được điều này. Tuy vậy, thỉnh thoảng có người khai quật được một số không phải nhờ vào phương pháp ướp xác mà chôn nhằm vào nơi có từ tính điện như bà Thánh Ana Sỹ chết cả hai trăm năm, khi đào lên thân xác bà vẫn còn nguyên vẹn…Ngay cả ở Ai Cập cũng vậy, có nhiều xác chết chôn ngót cả bốn nghìn năm mà lúc đào lên vẫn không hề bị suy suyển.

VẤN: Cháu Lý Đình Hồng, San Jose: Nghe nói Sâm Cao Ly có hình thù như người, được người đời xem là loại linh thảo. Bà cụ nghĩ thế nào? Có hay không?

ĐÁP:

Sâm Đại Hàn - Korea Ginseng - hay gọi Sâm Cao Ly được xem là đệ nhất linh thảo lừng danh trên thế giới. Loại sâm này có hình dáng giống như người, cũng có đầu mình và tứ chi. Nhiều củ còn có bộ phận sinh dục nam hay nữ.

Loại sâm tự nhiên thường xuất hiện ở Tây Bắc Đại Hàn. Loại sâm này đặc biệt có thân hình lớn bằng đứa trẻ, ít khi bắt gặp được nếu không có kỳ duyên với nó. Mấy thập niên trước đây, Bắc Hàn có tặng cho Mao Trạch Đông một củ sâm hoàn toàn giống như đứa bé thơ hiện còn giữ trong Viện Bảo Tàng ở Bắc Kinh.

Sâm Cao Ly có đến từ 12 đến 14 loại, liệt kê như sau:

1.SÂM THIÊN NHIÊN: Sâm này mọc hoang, thường gọi là Đại Linh Sâm. Loại này được liệt vào loại thần kỳ. Nó có thể hiện thành hình dáng như các trẻ em đi rong chơi hoặc nhập bọn với các đám trẻ bằng xương bằng thịt cùng vui đùa rong chơi đây đó. Loại THẦN KỲ này thường xuất hiện ở tỉnh Kuamo – nơi đó có nhiều ngọn núi rất cao gần miền cực Bắc Đại Hàn. Theo truyền thuyết thì dược năng của loại sâm này vô cùng linh diệu, có thể cải tử hoàn sinh, trị được bất cứ các chứng nan y nào mà xem là bất trị. Tóm lại, loại sâm thần kỳ này có linh tính đặc biệt, chỉ đến với người nào có kỳ duyên với nó.

2. BẠCH HỒNG SÂM: Loại sâm nửa trắng, nửa đỏ thuộc loại thiên nhiên, tự sinh tồn. Phần trên màu trắng dươi màu đỏ hoặc ngược lại. Nó có thể biến màu theo từng mùa. Loại này thường thấy xuất hiện ở đảo Chi Du miền cực Nam Đại Hàn. Đặc biệt ngâm với rượu có màu đỏ như máu.

3. Ngoài ra còn có các loại khác như: Hoàng Sâm, Linh Sâm, Thiên Quan Sâm, Dạ Điểu Sâm, Hoàng Đản Sâm,Lộc Sâm và Triều Tiên Sâm…

 

MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 215

VẤN: Bà Quý Văn Nguyễn, Westminter, Orange County: Tôi đọc trên nhât báo Ngươi Việt, số báo 9060 phát hành ngày 27-9-10 về bài “Phỏng Vấn DB Sanchez về lời tuyên bố trên Univision chung quanh vấn đề trong cuộc tranh luận giữa bà (DB. Sanchez) và ông Trần Thái Văn. Có sự hiểu lầm nhau sao đó, bà DB Sanchez có đến báo Người Việt, tại đây ông Vũ Quý Hạo Nhiên có mở cuộc phỏng vấn bỏ túi với bà, đại khái là lời phát biểu của bà trên đài UNIVISION liên quan đến bà và ông Văn Trần. Theo bà cho ông Vũ Quý Hạo Nhiên biết người phỏng vấn bà trên đài này là ông Jorge Ramos hỏi tôi về Văn Trần là một người Việt Nam và những người đảng Cộng Hòa ủng hộ ông, nói rằng tôi nói tất cả người Việt Nam. Khi tôi trả lời, vì ông ấy hỏi tôi có phải họ đang tìm cách lấy ghế của tôi không, tôi trả lời đúng vậy, đương nhiên NHỮNG NGƯỜI VIỆT NAM NÀY và những người đảng Cộng Hòa đang tìm cách lấy ghế của tôi. Những người VN này có nghĩa là những người ủng hộ Văn Trần không phải là tất cả những người Việt Nam. Văn Trần lấy lời phát biểu này nói ngược lại là TÔI CHỐNG LẠI TÂT CẢ NGƯỜI VN”.
Thưa bà cụ, tôi không hiểu nếu như vậy thì đâu có phải bà DB Sanchez nói tất cả người Việt Nam của mình? Bà cụ nghĩ thế nào?

ĐÁP:

Thật tình tôi xưa nay vốn không lưu tâm đến chuyện đôi co với nhau thường được gọi là tranh luận như thế này. Nay đọc mấy lời bà nêu ra hỏi chẳng biết thực hư thế nào như bà đã viết.

Nếu câu nói là: “NHỮNG NGƯỜI VIỆT NAM NÀY” thì chỉ cho một số nhỏ, MỘT ĐƠN VỊ. MỘT NHÓM CHỨ ĐÂU PHẢI LÀ TOÀN THỂ NGƯỜI VIỆT NAM! Ví như những lọ thủy tinh này, thì nó chỉ là một số lọ thủy tinh đó thôi, một đơn vị nhỏ đó thôi, chứ đâu phải là tất cả các lọ thủy tinh!

VẤN: Nơi Tuần Báo Viet Tide trang 5 có bài viết có một danh từ “QUÈ CỤT” mà ông Mạnh Hùng đã sử dụng. Vậy từ ”Què Cụt” là thế nào?

ĐÁP:

Có thể tác giả muốn nói là vừa “Què Tay vừa Cụt Chân” cũng nên. Vì vậy mà ông gọi là “Què Cụt”. Thông thường nói về người bị tàn phế là “Què Quặt” ít thấy nói là Què Cụt. Cũng chẳng sao, miễn người đọc hiểu là được. Tục ngữ ta có câu:

Chồng què lấy vợ khiễng chân
Nuôi được đứa ở đứt gân lại què.

Cũng có câu thành ngữ nói về xem tướng:

Khôn ngoan hiện ra mặt
Què quặt hiện ra chân tay.

VẤN: Ông Vũ Văn Việt, Orange County: Tôi thường đọc báo, nên hay lưu ý đến các từ ngữ mà làng báo hải ngoại đôi khi có nhiều danh từ dùng bị sai trái. Ví như danh từ VIỄN CẢNH và VIỄN ẢNH. Vậy hai từ này dùng vào trường hợp nào cho đúng?

ĐÁP:

Có như vậy. “VIỄN CẢNH” là ta đứng đầu xa trông đến một quang cảnh có thật, xa tầm mắt của ta. Cảnh tượng đó tất nhiên là có thật, ta có thể đi đến đó để ngao du hay làm một việc gì đó.

Còn VIỄN ẢNH là hình ảnh TRỪU TƯỢNG, được vẽ ra theo ý nghĩ của mình phác họa chứ không phải là hình ảnh thật. Hình ảnh nào đó có thể thực hiện được mà cũng có thể là không. Những nhà làm chính trị, cũng như những nhà quân sự thường phác họa ra một chiến lược chiến thuật nào đó để ứng phó hay nhằm thực hiện một việc gì, mà các sự kiện đồ có thể có mà cũng có thể là không. Đó là Viễn ảnh.

Còn tiếp
THINH QUANG

Xem Phần 42 tại đây
Trở về Webpage núi Ấn sông Trà
 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh