Mở speakers ON, click vào mũi tên màu trắng để nghe âm-thanh.
Không muốn nghe nữa, click vào hai gạch song song thẳng đứng để OFF.
BA LÝ DUYÊN TÌNH
Sáng tác: Trần Xuân Tiến
Ca sĩ: Vân Khánh
KHÚC TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI CON TRAI XÓM "GÒ MẠ"
Lê Ngọc Trác
Cầm trên tay tập thơ "Thầm thức cùng tiếng chim" còn thơm mùi mực mới của anh Trần Phố từ Đăklăk gởi tặng, lòng tôi trào dâng xúc động. Tôi thật sự mừng cho anh Trần Phố vừa cho ra đời thi phẩm thứ hai sau tập thơ "Hoa trong cỏ" xuất bản từ năm 1992. Và, tôi chợt nhớ lại ngày xưa ở quê nhà Quảng Ngãi thân thương. Ừ, đã gần 40 năm rồi! Tôi và anh Trần Phố bặt tin nhau. Ngày xưa... chúng tôi là những người con của ruộng đồng lên tỉnh học. Tôi và anh cùng ở trọ chung nhà của một người bác họ dưới chân núi Thiên Bút. Ngày ấy, trong mắt tôi: Trần Phố là một người anh chăm học, học giỏi, lúc nào cũng nghiêm nghị như một cụ đồ. Bên trong cái vẻ ít nói, trầm ngâm, chững chạc ấy, là một tâm hồn nghệ sĩ. Thế rồi tôi xa quê hương. Anh và tôi xa nhau. Mãi đến năm 2009 vừa qua mới biết tin nhau. Chúng tôi chỉ liên hệ qua điện thoại và đọc tác phẩm của nhau qua internet. Tôi mừng khi biết anh công tác trong ngành giáo dục và có nhiều bài thơ hay đã đi vào lòng người yêu thơ.
Để cho lòng mình lắng lại trước những kỷ niệm, tôi đọc "Thầm thức cùng tiếng chim". Đây là lần đầu tiên tôi đọc được nhiều bài thơ của Trần Phố.
"Thầm thức cùng tiếng chim" được NXB Hội nhà văn xuất bản và phát hành trong tháng/ 2010, gồm 47 bài thơ anh viết về tình yêu quê hương, về nghề, về những cái đẹp trong cuộc sống. Trong những trang đầu của tập thơ, Trần Phố tâm sự:
-"Làm người cũng cần chọn cho mình một sân chơi mà mình yêu thích, vừa có ích cho mình, vừa phục vụ cho đời, tôi chọn sân chơi trí tuệ, tài hoa và tao nhã: sân chơi văn nghệ, sân chơi thi ca. Trên cái sân chơi ấy có khi được, khi chưa được, nên thơ cũng có bài hay, bài chưa hay, đó là lẽ thường tình. Nhưng có một điều chắc chắn là tôi luôn hướng tới chân – thiện – mỹ, trong sáng, giản dị, cao thượng, cao cả, vì con người, vì cuộc đời. Bằng nghề ấy, bằng sân chơi ấy, tôi muốn vươn lên trên cái tầm thường và hướng tới niềm vui thanh cao".
Chân thật và bộc trực làm sao. Với tâm sự của Trần Phố, có lẽ đây là nét đặc trưng của người Quảng Ngãi. Thật đáng yêu biết bao!
Với tôi, "Thầm thức cùng tiếng chim" là khúc tâm tình của người con trai xóm "Gò Mạ" – một xóm nghèo dưới chân núi Long Phụng như bao làng quê nghèo khác của quê hương miền núi Ấn sông Trà (Núi Long Phụng là một trong những thắng cảnh đã đi vào ca dao, tục ngữ và thơ văn của miền núi Ấn sông Trà).
"Thầm thức cùng tiếng chim" đánh dấu sự trải nghiệm của Trần Phố trong đời sống. Những vần thơ: Ý thơ sâu sắc, lời dung dị, trong sáng mà chắt lọc, nhịp điệu nhẹ nhàng, tạo được sự đồng cảm của những người yêu thơ. Chúng ta phần đông đều sinh ra và lớn lên từ đồng đất quê nghèo. Đọc bài thơ "Xóm tôi" của anh, chúng ta nghe lòng bồi hồi:
"Như con thuyền xanh
Xóm tôi Gò Mạ
Ruộng đồng vây quanh
Lũ về trắng xóa
Nắng hè oi ả
Giếng khơi ngọt lành
Xám chiều đông giá
Khói đùn chái tranh
Giăng giăng cò lả
Rợp miền ca dao
Lạc đàn, nghé ọ...
Hoàng hôn nghẹn ngào
Vườn trưa chim hót
Cuốc vọng chiều hôm
Lời ru của mẹ
Xa vời mênh mông!
Rồi ngày đi xa
Tình quê chín mọng
Bận về thăm nhà
Nằm thương lá rụng..."
Những người làm thơ, viết văn phần đông đều viết về đấng sinh thành của mình với tất cả tấm lòng trân trọng, hiếu thảo. Trần Phố cũng vậy, anh có những câu thơ viết về cha, về mẹ, đọc xong chúng ta trào dâng xúc động:
"...
Cha đã ra đi và vĩnh viễn xa rồi
Mà bước chân như vẫn còn ran ran mỗi tối
Con day dứt mỗi khi lầm lỗi
Lại thấy bên cha bên cạnh dẫn đường
..."
(Trích bài thơ "Cha")
"...
Được mất bao nhiêu, lớn bấy nhiêu?
Buồn, vui, khôn, dại... đủ trăm điều
Vẫn như bé bỏng trong tình mẹ
Nhớ mẹ, chao ôi! Tím cả chiều
..."
(Trích bài thơ "Nhớ mẹ")
Trần Phố có những câu thơ tràn đầy niềm tin yêu với nghề dạy học. Có lẽ đây là niềm tự hào của anh với thiên chức nhà giáo:
"Cây nẩy chồi xanh trường lớp
Xanh tiếng giảng bài, xanh nắng mưa
Cỏ sớm mai xanh lời em hát
Mơ đến hương mùa... xanh gió đưa!"
(Xanh)
Chúng ta còn bắt gặp nỗi niềm của tác giả khi viết về tình yêu với những câu thơ đầy lãng mạn:
"Chim về núi lạc rừng
Sông xuôi khơi lạc biển
Ta một đời xao xuyến
Lạc giữa màu mắt xưa"
(Mắt xưa)
Những bài thơ hay của Trần Phố phần nhiều là cô đọng cả ý và lời, nhưng tính khái quát cao, khi đọc xong chúng ta nghe lòng mình thảng thốt trước dòng chảy của thời gian:
"Trầm mặc đôi tháp cổ
Thời gian ám màu rêu
Vũ điệu Chăm nghiêng ngả
Trôi về sau lưng chiều"
(Qua tháp đôi)
Hoài niệm một thời chưa xa, Trần Phố viết những vần thơ phiêu bồng:
"Từ vào cuộc 40 năm đưa tiễn
Yêu quá dòng sông, yêu quá con đò
Gió xuân thổi cỏ non bừng sức trẻ
Hạnh phúc trên từng cay đắng âu lo
60 tuổi cháy vèo như điếu thuốc
Nơi cổng trường thôi mọc dấu chân xưa
Lá bàng cháy đỏ trời còn mãi cháy
Nụ chồi lên cho nắng chuyển mùa
Giờ tắm gội bên dòng Krông Păk
Cùng núi CưKwin đón tiếng chim ca
Quẳng gánh vô thường mơ xứ Phật
Xanh tiếp hương đời, hương cỏ hoa..."
(Quẳng gánh vô thường)
Không dám làm nhà phê bình về thơ, khi viết những dòng này tôi đằm mình, cộng hưởng, đồng cảm, chia xẻ cùng "Thầm thức cùng tiếng chim". Và, tin rằng Trần Phố sẽ còn viết tiếp những câu thơ "xanh tiếp hương đời, hương cỏ hoa...".
Lê Ngọc Trác
Xem các bài khác Cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage núi Ấn sông Trà