Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
HƯỚNG NGOẠI, HÃY THỨC TỈNH!
LÊ CHÁNH THIÊM

Mở speakers ON, click vào mũi tên màu trắng để nghe âm-thanh.
Không muốn nghe nữa, click vào hai gạch song song thẳng đứng để OFF.
QUÊ HƯƠNG ƠI! THÔI ĐÀNH XA.
Sáng tác: Không rõ
Ca sĩ: Duy Khánh

 

HƯỚNG NGOẠI, HÃY THỨC TỈNH!
Lê Chánh Thiêm

I. Dẫn nhập

Trong kho-tàng văn-chương Việt-Nam có câu: 

“Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Đó là câu ca dao không mấy ai không biết. Lời văn giản dị, mới nghe qua, ai ai cũng hiểu: kêu gọi mọi người giữ-gìn và quí trọng những gì thuộc về của mình; nói rộng ra: hãy dùng những gì của dân mình làm ra, bảo vệ, giữ-gìn những gì của mình, của dân-tộc mình đã có, của tiền nhân để lại, dân-tộc mình. Nghĩa sâu xa hơn, khuyên mọi người phải biết quý mến, yêu thương những gì là của mình, cho dù những cái đó không hơn của người.

Khi loài người tiến-bộ, cùng với những văn-minh, sự giao-tiếp cũng mở rộng thêm, do đó có sự học hỏi để mỗi ngày một khá hơn, đó là điều cần-thiết. Tuy vậy, cái gì cũng có giới-hạn của nó; những học-hỏi đi quá xa, quá nhanh mà ngược với truyền-thống dân tộc chưa phải là điều hay hoàn-toàn. Trong phạm vị bài nầy, chúng ta chỉ xét đến quan-niệm “hướng ngoại” qua lãnh-vực ngôn-ngữ và văn-hóa, tìm hiểu câu ca dao ở trên cho ta những giá-trị gì, song song với việc tiến bước theo trào lưu tiến-bộ của nhân-loại trong vấn đề học hỏi, cầu tiến.

II. Những thực tế theo thời gian.

Từ khi người Việt bước chân ra nước ngoài cũng như từ khi có người nước ngoài hiện-diện trên quê-hương Việt-Nam, một số người Việt có tinh-thần hướng ngoại một cách “quá trớn”, coi bất cứ cái gì của người ngoài là hơn của dân mình. Trong ý nghĩ nầy, số người nầy, có được cái gì của người nước ngoài làm ra họ tự xem họ hơn hẵn người đồng chủng, học được những gì của ngoại nhân họ tự cho mình ở trong lớp thượng lưu trong một xã-hội Việt Nam nghèo khổ thiếu điều kiện để ăn học đến nơi đến chốn.

Trong suốt lịch-sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, niềm hãnh-diện to lớn nhất của dân-tộc Việt-Nam là không bị ngoại-bang đồng-hóa về bất cứ phương-diện gì. Trong khoảng một ngàn năm đất nước ta bị giặc truyền-kiếp phương Bắc đô-hộ, bọn chúng đã thi-hành không biết bao nhiêu chính-sách, dùng không biết bao nhiêu thủ-đoạn cốt làm sao biến Nam-Việt thành một quận huyện của chúng, nhất là về lãnh-vực văn-hóa và ngôn-ngữ nhưng chúng đã thất bại. Thực-dân Pháp, với gần một thế-kỷ hiện-diện trên quê-hương ta, với danh-nghĩa “khai-phóng các dân-tộc thuộc-địa” nhưng cũng có dã-tâm không nhỏ. Thật sự, họ có đem chút ít ánh-sáng văn-minh đến nhưng dân ta vẫn không chấp-nhận tuyệt-đối, ngoại trừ một số người vì quyền lợi cá-nhân mà quên đi bản-chất dân-tộc.

Nói như thế không có nghĩa là nhân-dân Việt ta lạc-hậu, bảo-thủ, quá nhiều mặc-cảm tự-ti hay không chịu tiếp-nhận các tinh-hoa của nhân-loại, không chịu học hỏi để tiến-bộ. Thật-tế, dân-tộc ta biết dung-nhận những gì phù-hợp với bản-chất của dân-tộc, còn những điều đi ngược lại truyền-thống dân-tộc khác, vì sự bắt-buộc hay vì không có lối thoát thì chỉ chấp-nhận một cách miễn-cưỡng. Bởi quan-niệm đó mà đến ngày nay đất nước Việt-Nam còn tồn-tại.

Trong thời-gian dưới ách đô-hộ hà-khắc của giặc Tàu xâm-lược, dân ta phải dùng chữ viết của họ vì ở thế bắt-buộc, bởi vì ngôn-ngữ và văn-tự là phương-tiện cần-thiết cho việc giao-tiếp trong xã-hội. Rồi khi người Pháp đến, họ cũng thất-bại khi muốn dân ta dùng ngôn-ngữ, chữ viết của họ. Họ đã mở trường học dạy chữ Pháp để truyền-bá Pháp ngữ cũng như khuyến khích, giúp đỡ những người sang Pháp học hành để sau nầy làm tay sai cho họ trong guồng máy cai-trị. Trong khi nước nhà không có những phương tiện để mở mang kiến thức hay huấn luyện một số người cần-thiết cho việc điều hành guồng máy quốc gia, việc học ngoại ngữ hay đỗ đạt các bằng cấp ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, tùy vào quan niệm cá nhân của những người đó, không xem việc học hành, bằng cấp… do ngoại nhân mang lại là “niềm hãnh-diện” cho họ mà phải đứng về phía dân tộc, phải xem quyền-lợi quốc-gia là tối-thượng.

Trong các khoảng thời-gian dài bị đô-hộ đó, dân-tộc ta vẫn không cho họ “đồng-hóa ngôn-ngữ”. Rồi từ khi có chữ quốc-ngữ, dân ta không còn dùng chữ Hán (ngày xưa còn gọi là chữ Nho) nữa. Các phong-trào dạy, phổ-cập và khuyến-khích chữ quốc-ngữ được phát-động trầm-rộ, rộng-rãi ở nước ta. Các câu: “Sách quốc-ngữ, chữ nước ta, con cái nhà, đều phải học” không phải là lời hô-hào thì là gì? Văn-hào Phạm Quỳnh thì mạnh dạn hơn nữa, với: “Tiếng Việt còn, nước Việt còn” và những lời trên đã trở thành khuôn mẫu khi chúng ta đề cập tới ngôn ngữ Việt-Nam, chẳng là những lời khuyên-nhủ nhân-dân “ta về tắm ao ta” sao?

Ta biết rằng quốc gia có tồn tại thì ngôn ngữ mới có điều kiện sinh sôi nẩy nở nhưng nếu tinh thần quốc-gia ăn sâu trong mỗi tam-khảm công dân thì dù có bị đô-hộ, ngôn-ngữ vẫn còn trong họ, khi có điều-kiện nó phát-triển trở lại; điển hình là dân-tộc Việt-Nam ta. Ngược lại, ta đã biết Chiêm Thành, đã từng là một nước, đã có văn hóa, ngôn ngữ riêng nhưng kể từ khi mất nước vào tay người Việt, ngôn ngữ Chàm không phát triển nếu không nói là bị Việt hóa hoàn toàn.

III. Những trường hợp liên hệ.

Chúng ta biết rằng mỗi một sắc dân có ngoại-hình, có ngôn-ngữ, có những sắc thái, có sinh-hoạt riêng biệt; người của sắc dân này không thể nào giống dân-tộc khác dù cùng chung sống trong một hợp-quần. Điển-hình là tại Hoa-Kỳ, đất nước được gọi là “hợp chủng” thật không ngoa vì không thiếu bất cứ một sắc dân, một ngôn-ngữ nào trên hành-tinh này. Tuy vậy, mỗi cộng-đồng một dân-tộc có mỗi vẻ khác nhau. Tuy luật-pháp Mỹ không cho phép phân-biệt chủng-tộc nhưng những tin-tức cho thấy không ít hành-động kỳ-thị xảy ra tại Hoa-kỳ. Như vậy, việc kỳ-thị do đâu? phải chăng là do tinh-thần dân-tộc nảy sinh? Họ không chấp-nhận những gì của dân-tộc khác, kể cả nhân dáng và ngôn-ngữ, chỉ việc biểu-lộ ra ngoài hay không mà thôi. Do đó, với một ngoại hình không thể sửa đổi được sắc-tộc của con người thật. Một con người khó có thể trở thành một con người của một sắc dân khác cho dù mong muốn, trừ một vài trường hợp thật đặc-biệt.

Với phương-tiện truyền-thông hiện đại, chúng ta được biết khá nhiều câu chuyện liên-quan đến vấn-đề nầy. Trước tiên, xin nêu lên chuyện một thanh-niên người Mỹ gốc Nhật, sinh ra và lớn lên tại Hoa-kỳ. Anh ta học hành giỏi-giang, đậu đạt các bằng-cấp danh-tiếng của Hoa-kỳ nhưng có một điều đặc-biệt là anh ta không biết viết một chữ Nhật, không biết nói một tiếng Nhật nào cả. Anh ta nghĩ rằng với bằng cấp và khả-năng của mình, anh ta sẽ thành-công trên trường đời nên sau khi thành tài, anh ta quyết-định trở về quê-hương của mình để làm việc. Nhưng khi về lại quê-hương, anh mới thấy mình có một sai lầm to lớn. Anh ta không được người đồng-chủng chấp-nhận vì anh không biết nói thứ ngôn-ngữ của họ, không đọc được chữ viết của họ, không biết hội-nhập vào cuộc sống của người dân Nhật. Họ còn tỏ những thái-độ khinh-bỉ một kẻ cố quên đi cái cội rễ của mình. Đến lúc nghiệm ra thì đã quá muộn, anh ta đã bỏ phí mất một thời-gian dài để học được những gì một người Nhật phải biết nếu muốn sống trên đất Nhật. Đó là một bài học đắng cay cho anh ta. Để được dân-tộc gốc của mình chấp-nhận, anh ta bắt đầu học nói tiếng Nhật và chữ Nhật. Hiện tại, anh ta hoạt-động rất tích-cực trong cương-vị một nhà xã-hội trong Hội Văn-hóa Mỹ-Nhật với niềm mong-mỏi làm thế nào để kết nối được nền văn-hóa giữa hai dân-tộc Mỹ-Nhật lại.

Một trường-hợp thứ hai, được tờ Washington Post đăng-tải, đó là trường-hơp Đại-Úy Không-quân Ted W. Lieu, một người Mỹ gốc Trung-Hoa trong Không-lực Hoa-Kỳ. Trong bài báo, Đại-úy Lieu tiết-lộ:

-“Ông thuộc Không-quân Trung-Hoa à?”, một phụ-nữ Mỹ da trắng, ăn vận lịch-sự ngồi cạnh hỏi tôi. Câu hỏi ấy làm tôi không mở miệng được trong một khoảnh-khắc. Chúng tôi đang dự một dạ tiệc, tôi mặc quân-phục màu xanh của Không-quân Mỹ với đầy-đủ lon Đại-Úy, quân-hiệu và huy-chương. Câu hỏi của người phụ-nữ làm tôi chát tai và khiến tôi nhận ra rằng dù với bộ đồ Không-quân màu xanh cũng không làm đảo lộn được sự phỏng đoán ban đầu của bà ta rằng “những người với nước da vàng và sắc diện Á-châu thì không phải là người Mỹ...".

Đại-Úy Ted W. Lieu nói thêm:

-"Đã có những người lạ đến gần tôi và cố bắt chước tiếng Trung-Hoa một cách diễu-cợt. Tôi được khen không biết bao nhiêu lần rằng tôi nói tiếng Anh “giỏi”. Tôi đã được hỏi “tại sao một kẻ như tôi lại có thể thích xem môn đấu bóng cà-na?” (football). Trong bất-cứ một ngày nào đó, nếu tôi đi dạo quanh-quẩn với một cái máy ảnh, tôi sẽ bị nhận lầm là một “du-khách Á-châu”. Hầu hết sư kỳ-thị mà tôi gặp đều tập-trung vào một điểm rằng tôi không phải là một phần của đất nước vĩ-đại này, dù rằng tôi đã lớn lên ở Ohio, tốt-nghiệp trường Luật tại Washington D.C. và gia-nhập Không-quân Mỹ vào năm 1991”.

Thứ ba, chắc chúng ta chắc không quên vụ thảm sát tại Trung-tâm Cộng-đồng Do-Thái tại thành-phố Los Angeles, California vào ngày 10-8-1999. Hung-thủ là Buford O’Neal Furrow Jr., một người Mỹ da trắng, đã dùng khẩu tiểu-liên Uzi nhả hơn 70 viện đạn vào những mái đầu xanh vô tội tại một trường tiểu-học của cộng-đồng Do-Thái. Trên đường tẩu-thoát khi bị cảnh-sát truy đuổi, y còn giết thêm một bưu-tín viên người Mỹ gốc Phi-Luật-Tân vì người này không phải là “người da trắng”. Động-cơ để tên hiếu sát này giết người, theo hắn tiệt-lộ, đó là “lời kêu gọi nước Mỹ hãy tỉnh thức để giết dân Do-Thái”. Trông người mà gẫm đến ta! Cộng-đồng Do-thái là một trong những cộng-đồng “cừ” nhất nước Mỹ; họ đã có không biết bao nhiêu nhà làm luật, giáo-sư đại-học, chính-trị gia, thương-gia nổi tiếng v.v..., họ còn nắm hầu hết các chức-vụ quan-trọng trong guồng máy tài-chính nước Mỹ, các nhà tài-phiệt hầu hết là dân gốc Do-Thái. Vậy mà họ bị “chiếu” đến như thế, cộng-đồng Việt-Nam ta “thấm-béo” vào đâu nếu đem so-sánh với họ.

Trường-hợp thứ tư, xin nhắc đến một sinh-viên Việt-Nam là em Nguyễn Phan Luyện, đã bị sát hại tại Coral Spring thuộc Florida. Thành-phố Coral Spring là một khu ngoại-ô yên-tĩnh ở phía Bắc Fort Lauderdale, nơi được mệnh-danh là “Amrerica’s Best home town” với các trường học tốt, thành-phố có tỉ-số tội-ác thấp, có các câu-lạc-bộ dành riêng cho dân có tiền. Em Luyện là con của ông bà Nguyễn Đạt, một bác-sĩ Quân-y của Quân-lực Việt-Nam Cộng-Hòa. Sau năm 1975, ông Đạt bị Cộng-sản bỏ tù 3 năm, ra tù, ông vượt biên sang Mỹ. Bà Đạt là một nhà giáo trước năm 1975 tại quê nhà, sang Mỹ, bà phải làm việc cật lực, có lúc làm việc tại một tiệm bán đồ ăn nhanh K.F.C. để lo sinh kế cho gia-đình khi ông Đạt đi học lại để thi lấy bằng Bác-sĩ. Ra trường, ông Đạt làm việc tại Texas một thời-gian, sau đó, gia-đình dọn về tiểu-bang Floria.

Nguyễn Phan Luyện là một học-sinh xuất-sắc ở bậc Trung-học với toàn điểm A và em đang theo học Y-khoa tại Đại-học Miami, Florida. Đêm 15-8-1992, em bị một đám thanh-niên da trắng đánh chết trước cặp mắt chứng-kiến của khoảng 20 người khác mà không một ai can-thiệp. Tại một party trong một khu chung-cư, Luyện vô-tình tham-dự vào cuộc tranh-cãi về tính “chì” (cùng nghĩa với chữ "cừ" của Việt ngữ), chữ Anh tương đương là “cool, tough” giữa hai binh-chủng Thủy-quân Lục-chiến và Bộ-binh Mỹ. Luyện đứng về phe TQLC vì em có một người bạn vừa mãn-khóa huấn luyện “boot camp” TQLC trong khi các người khác đứng về phía Bộ-binh. Cuộc tranh-cãi đến hồi gay-cấn, một tên đứng dậy chữi thề và gọi Luyện là “thằng Chệt” (chink). Nhiều tên khác tham-gia vào việc lăng-nhục chủng-tộc với Luyện, với nhiều từ ngữ nặng-nề, lỗ mãng, dơ bẩn, trong đó có đứa chửi thẳng rằng: “thằng Việt Cộng, đáng lẽ tao phải giết mày tại Việt Nam”!
Thấy tình-thế bất lợi, Luyện bỏ ra về nhưng đám thanh-niên da trắng ấy không chịu buông tha. Họ đuổi theo, đánh “hội-đồng” Luyện đến chết. Vụ giết người dã man này đã gây “sốc” cho cư dân sở tại và nhiều nơi khác khi báo chí phổ biến nội vụ. Bà Thị trưởng thành phố Coral Spring đã chỉ trích những kẻ điềm nhiên đứng xem trong khi một đồng loại bị đám đông vô cớ đánh đập tàn nhẫn và gọi đó là một sự “phi nhân” (inhumanity). Còn Bà Đạt, người mẹ đau khổ, đã nói với báo chí Mỹ:

-“Chúng tôi tới đây để tìm tự do. Giờ đây, mỗi khi nghĩ đến cách người ta giết con tôi, tôi không tin là đang sống trên đất Mỹ, chúng tôi đang sống ở địa ngục.”

Trong các trường-hợp nêu trên, không phải lỗi lầm hoàn-toàn do nạn-nhân gây ra nhưng một phần rất nhỏ nào đó, họ không ý thức được cái nhân diện của mình trước đám đông trước mặt họ vì họ là thiểu số. Chúng ta không đề cập đến lỗi lầm mà chỉ nêu lên các trường hợp không mấy đẹp liên quan đến vấn nạn đang nói đến. Những nạn nhân trên muốn hội nhập vào xã-hội mà họ đang sống hơn là muốn “làm nổi” trước người bản xứ.

Đáng trách hơn nữa là rất nhiều người cố quên đi cái gốc-gác của mình. Một thân-nhân của người viết bài này kể rằng lúc mới qua Mỹ, anh làm việc chung với một người mà các công-nhân Việt-Nam trong hãng đó xác-nhận anh ta là người Việt nhưng người này không nhận mình là người Việt khi được hỏi mà nhận mình là người Nhật-Bản. Anh ta không bao giờ dùng Việt ngữ trong các dịp giao tiếp, do vậy đã bị những người đồng-hương cùng hãng chế-nhạo đến độ anh ta phải bỏ đi tìm hãng khác.

Ngoài ra, còn có biết bao nhiêu người mang ảo tưởng rằng họ sinh sống ở Mỹ thì họ đương-nhiên là người Mỹ, cho dù họ đã được vào quốc-tịch Mỹ (người ta khôi hài gọi là Mỹ giấy) hay chưa. Có người còn muốn con cái họ phải tập làm Mỹ ngay từ khi còn bé. Có bậc cha mẹ chưa có dịp “ăn hết cánh gà chiên bơ Kentucky”, vốn liếng Anh-ngữ chưa đong đầy “lon sữa hộp” mà bắt con cái trong nhà phải nói tiếng Anh trong sinh-hoạt thường nhật trong gia đình. Các người cha mẹ nầy dùng thứ tiếng Anh không theo trường lớp nào cả, loại từ ngữ mà báo chí đã từng viết thành những chuyện cười... ra nước mắt. Họ đâu biết rằng con cái họ học ở trường thứ ngôn-ngữ khác, thứ từ-ngữ chính-xác của đất nước chúng đang sống và chúng nó chỉ kính-trọng người nào dùng “thứ tiếng của chúng nó”. Các bậc cha mẹ này đâu biết rằng họ tạo cho con cái họ sự khinh thường họ mặc dù chúng nó không nói ra mà thôi. Mở miệng ra họ dùng: Wow, yeah, yes, no, nghiêng đầu, nhún vai rất Mỹ tính,... Đa số con em của các gia đình nầy không dám nêu ý-kiến của mình với cha mẹ vì còn giữ quan-niệm Đông phương. Tuy nhiên có em can đảm hơn, nói với cha mẹ:

-“Cha (mẹ) làm ơn đừng nói tiếng Mỹ với bạn bè con. Tiếng Mỹ của cha (mẹ) nói “kỳ quá”, bạn con cười chết!”.

Có một số phụ-huynh Việt-Nam khác mang con cháu đến các lớp Homework (sau giờ học ở trường) nói với các trung-tâm nầy rằng họ chỉ cần dạy cho con (cháu) họ về Anh-ngữ hơn là các môn học khác. Quan-niệm này đúng, sai ra sao chúng ta suy-nghĩ sẽ có câu trả lời. Chỉ sợ chúng nó không biết tiếng Việt của gốc-gác cha mẹ chúng mà thôi, Anh ngữ chúng nó xử-dụng hàng ngày làm sao chúng không biết mà cần phải học?

Trong quan niệm đó, một số người khác, nói một câu thòng vào vài danh từ Hán trong những tình huống không cần thiết để chứng tỏ chữ… Hán của mình “rộng”; làm thơ họ phải cố đưa vào bài thơ vài chữ Hán vào cho người không đọc được chữ Hán xem. Có lẽ họ quan-niệm mình làm được thơ chữ Hán trong khi không ai khác làm được mới là điều hơn người. Họ đâu cần biết là có bao nhiêu người đọc được hay có bao nhiêu người muốn đọc những gì họ viết; đó là chưa kể đến việc họ viết đúng hay sai, dở hoặc hay và còn nào là niêm, nào luật. Viết văn, làm thơ không ai đọc thì làm chi cho nhọc sức? Việc làm được thơ chữ Hán đâu có gì là đặc-biệt vì họ học chữ Hán thì viết chữ Hán được; cũng giống như người đàn-bà có chửa thì sinh ra con, có gì là đặc-biệt.

Chuyện xưa có kể rằng một anh học trò học chữ Nho, học rất dốt, được vợ nuôi chỉ giỏi ”ăn” mà không chịu “học”. Gần đến ngày đi thi nên luôn tỏ vẻ bồn-chồn, rầu-rĩ. Vợ anh ta thấy chồng lo-lắng, thương chồng, bèn hỏi:

-“Bộ đi thi... khó lắm hả mình?”.

Anh chồng trả lời:

-“Ừ, khó ghê lắm, mẹ mày biết gì mà hỏi”.

Người vợ muốn biết khó đến mức nào nhưng không biết cách hỏi và muốn lấy sự so-sánh cái khó ra sao, bèn hỏi lại chồng:

- “Có khó bằng... tôi đẻ không?”.

Anh chồng trả lời:

-“Mụ ngu quá. Mụ đẻ khó nhưng trong bụng có đứa con trong đó rồi. Còn tôi, trong bụng đâu có chữ nào đâu nên khó hơn việc mụ đẻ nhiều”.

Đồng ý là trong văn viết có khác hơn văn nói, có nghĩa là đôi khi cần-thiết phải dùng một vài danh-từ Hán-Việt thì câu văn mới xuôi tai, bóng-bẩy, bài viết mới sinh-động nhưng tác-giả không nên “cố ý” đem cái khả-năng Hán học của mình ra để “hù” thiên-hạ. Việc ham học là một điều tốt, học thêm cái hay cái lạ của “người” là cần thiết để chúng ta tiến-bộ; không có nghĩa quên đi, lánh xa cái cội-rễ của mình, coi cái gì của mình là lạc-hậu, xấu-xa, cần xa lánh, đó là một việc làm cần-thiết. Việc áp-dụng cái học của mình không đúng chỗ là một điều sai lầm đó là chưa nói đến việc học những thói hư tật xấu của người hay dùng cái học của mình để “lòe” thiên-hạ. Như thế, việc nói lên những cái vọng ngoại sai lầm, áp-dụng cái học từ chủ đích đó vào việc làm để tạo ra bao sai quấy không phải là ý tưởng thiển-cận, hẹp-hòi, ngốc-nghếch, đáng chê-bai. Nhân loại tiến bộ, việc học hỏi những tinh hoa của loài người để đưa xã-hội vươn lên là điều cần thiết, là việc làm đúng đắn. Tư-tưởng hướng ngoại không phải là điều xấu nếu có mục-đích đúng-đắn; không đi ngược lại cội-nguồn dân-tộc, chê-bai những gì cha ông để lại mà những điều ấy không có gì sai trái, lạc-hậu, ngược lại trào lưu tiến-hóa của xã-hội.

Ông Khổng-Tử soạn kinh Xuân-Thu ghi lại những việc đời trước với những việc, những người đáng khen hay đáng chê. Đời sau đọc kinh này rồi bình rằng: “Nhất tự chi bao, vinh ư hoa cổn; nhất tự chi biếm, nhục ư phủ việt”, nghĩa là được Khổng-Tử khen một chữ thì cảm thấy vinh-dự như được vua ban áo quí; bị Khổng-Tử chê một chữ thì cảm thấy nhục-nhã như bị vua phạt đánh đòn. Đó là những việc xa xưa cách nay hàng mấy ngàn năm về trước mà “ảnh-hưởng” của nó còn đến ngày nay. Thật ghê gớm thay cho tinh thần vọng ngoại!

Người Tàu ngày trước coi họ là cái nôi văn-minh của Đông phương, họ gọi các dân-tộc chung quanh họ là: Bắc địch, Tây nhung, Nam man, Đông di. Ngày nay, quan niệm đó vẫn được giống dân nầy chất chứa trong lòng. Ngay cả trong truyện kiếm-hiệp cũng thế, họ dựng lên các nhân-vật: Đông tà Hoàng-Dược-Sư, Tây độc Âu-Dương-Phong, Bắc cái (ăn-mày) Hồng-Thất-Công, Nam đế Đoàn-Chính-Minh đều là thù địch của Trung thần-thông Vương-Trùng-Dương cả. Quan-niệm “độc-tôn” sẵn có ở mọi người dân Tàu, ngay cả một nhà văn chuyên viết tiểu-thuyết! Ngày nay, chính sách “Đại Hán” của Tàu Cộng vẫn vậy, cho rằng họ là cái nôi, là nước ở giữa (“trung” - trong từ ngữ “Trung quốc”: nước ở giữa) của nhân loại.

Nhân đây, xin nói thêm một chuyện liên quan đến vấn đề nầy. Khi chiếm được miền Bắc, Hà Nội được Tàu Cộng “chi viện” mọi thứ. Để “lấy lòng“người anh cả, bất cứ từ ngữ nào có chữ “Tàu” trong đó, Hà Nội chỉ thị mọi giới phải đổi thành “Trung quốc”, bất kể chuyện gì, lãnh vực nào, cho dù cách dùng như vậy không đúng. Sau khi “lệnh” đó ban ra, việc thi hành trở thành “lạc”, đến độ nhà văn Phan Khôi đã than: “Nếu chữ “Tàu” từ nay trở thành “Trung quốc” thì món “thịt kho tàu” xưa nay cũng trở thành “thịt kho Trung quốc” rồi!

Dân tộc Việt đã tốn biết bao xương máu vì ách độ-hộ dã-man của người Tàu, tại sao mãi đến ngày nay lại còn sính dùng cái ngôn-ngữ đã đày-đọa dân-tộc ta, đã bắt dân ta làm thân trâu ngựa cho họ? Người Tàu gọi dân Việt là “Nam man”, các người học “chữ thánh-hiền” chẳng lẽ lại không biết “thánh ý” hay sao, hỡi các bậc “học rộng”? Người Tàu đã truyền-bá chữ viết của họ cho một số người để hạng người này cam-tâm làm tay-sai (tiếng Hán là khuyển mã) cho họ. Khi được ban-bố chút bỗng-lộc, tất-nhiên hạng người này phải đem thân phục-vụ, vì lợi lộc, họ phải hoàn-thành nhiệm-vụ được giao-phó.

Đối với những người vọng ngoại này, mở miệng ra họ nói: "Tử viết:..., theo Luận-ngữ, Mạnh-tử, Tứ thư, ngũ kinh; cống-hỉ, yes, no, yeah, hi, OK, moa, toi, merci, Oh God,..." một cách tự-nhiên trong các sinh-hoạt với người đồng chủng. E rằng một ngày nào đó sẽ có thêm hạng người nói tiếng “xì” (Spanish) nữa nếu tinh-thần vọng ngoại này còn tồn-tại và phát-triển.

Trong nhiều lần, người viết bài nầy đi xem các trận đấu Football tại sân San Francisco và Oakland, cặp mắt nhiều người Mỹ ngồi bên cạnh nhìn có vẻ ngạc-nhiên với hàm ý “tên Á-châu này cũng "biết thích" football sao?”. Trong trận bán kết giải bóng tròn phụ-nữ thế-giới tổ-chức tại sân Palo Alto giữa đội Mỹ và Brazil người viết là một trong 73,123 khán giả trong sân hôm đó, một thanh-niên da trắng hỏi: “mầy cũng thích soccer à?”. Từ những cái nhìn, các câu hỏi có cùng một chủ-đích, chúng ta tự suy-gẫm để tìm lấy câu trả lời. Mặc dù đã vào quốc-tịch Mỹ, cư-trú tại Mỹ nhưng người viết luôn nhớ mình là người Việt, mình rời bỏ quê-hương ra đi bởi vì chế-độ Cộng-sản tàn ác nên đi tìm tự do, công bình. Một ngày nào quê-hương không còn chế độ kiềm-kẹp mình sẽ trở về và tâm-niệm rằng những gì của quê-hương mình vẫn là đẹp, là quí báu, nơi đó còn bao kỷ-niệm êm-đềm mặc dù nó không hoàn-toàn hơn của xứ người.

Chúng ta cũng biết rằng từ chủ-nghĩa dân-tộc thấm-nhuần trong đầu óc, lâu ngày nó sẽ sinh ra chủ-nghĩa quốc-gia cực-đoan. Cũng vì chủ-nghĩa quốc-gia cực-đoan đã sinh ra hai cuộc thế-chiến làm cho không biết bao nhiêu sinh-linh bị tiêu-diệt. Người Đức tự-hào với dân-tộc họ nên đã gây ra cuộc chiến với bao nhiêu triệu người bị tiêu diệt một cách thảm thương. Ngoài thảm-họa do hai quả bom nguyên-tử tạo ra còn có quả bom thứ ba nguy-hiểm gập bội, đó là chủ-nghĩa Cộng-sản. Chủ thuyết này đã và đang giết hại, đày-ải không biết bao nhiêu triệu sinh-linh trên thế-giới kể từ ngày nó ra đời đến nay mặc dù nó đã đi đến chỗ diệt vong ngay nơi nó sinh ra và bành-trướng đi các nơi khác.

Trên đây chỉ là những sự việc điển-hình về tinh-thần dân-tộc mù quáng và hướng ngoại sai lầm. Ngược lại, có không biết bao nhiêu nhiêu người có tâm-huyết với sự tồn vong của Việt-ngữ, đang ưu-tư nhiều trước tình cảnh tha-phương của mấy triệu di-dân Việt. Từ khi bỏ nước ra đi vì hiểm-họa Cộng-sản, dân Việt ta định-cư ở rất nhiều nơi trên thế-giới. Họ phải tiếp-xúc với rất nhiều sắc dân bản xứ, dĩ-nhiên vì nhu-cầu sinh-tồn họ phải nói tiếng địa-phương, viết chữ của nơi họ sống. Tuy vậy, họ vẫn còn thiết-tha với ngôn-ngữ của ông cha mình. Họ bắt-buộc con cháu phải dùng tiếng Việt với nhau trong nhà.

Một số người khác sợ tiếng Việt sẽ bị mai-một đi cho nên họ đã bỏ nhiều công sức để thành-lập các trung-tâm dạy tiếng Việt. Chúng ta hãy dành chút thì-giờ đến các trung-tâm này để xem tấm lòng tha-thiết với Việt-ngữ của những người chủ-trương. Họ cũng chỉ là những người định-cư như chúng ta: cũng phải trả tiền nhà, tiền xe, tiền bảo-hiểm, tiền ăn; họ cũng phải lo cho gia-đình, phải lo cho con cái, cũng cần nhu-cầu giải-trí, cũng có bạn-bè,... nhưng họ dành thì-giờ để phục-vụ cho Cộng-đồng trong nhu-cầu học tiếng Việt cho các em gốc Việt sinh ra và lớn lên tại hải ngoại hay rời Việt-Nam từ khi còn tấm bé. Họ làm việc trong tinh-thần không vụ lợi một cách hăng-say, tích-cực. Tinh-thần này đã thu-hút sự chú-ý của nhiều người có nhiệt-tâm với vấn đề tồn-vong của tiếng Việt nên số người cộng-tác gia-tăng. Điểm đặc-biệt là ngoài những người có vốn liếng tiếng Việt mang từ bên nhà sang, đến nay còn có những thanh niên trẻ sinh ra và lớn lên tại Mỹ nhưng Việt-ngữ khá cũng đang tham-gia dạy tiếng Việt cho các em ở các trung-tâm Việt-ngữ (như tại San Jose ở Bắc California, ở Nam California,...). Điều này thể hiện được tính “ao nhà vẫn hơn” của những tấm lòng cao quí, còn nghĩ đến ngôn-ngữ của dân-tộc. Họ hiểu tầm quan trọng của tiếng Việt theo quan-niệm của Phạm Quỳnh: “Tiếng Việt còn, nước Việt còn”.

Nhìn lại lịch-sử dân-tộc, chúng ta thấy rằng trong thời-gian người Tàu đô-hộ, họ không cho dân ta một lối thoát nào khác ngoài việc dùng văn-tự của họ. Họ muốn nhồi nhét vào đầu dân ta văn-hóa và phong-tục của họ để dễ bề đồng-hóa. Trong các triều-đại vua chúa Trung-hoa thì nhà Minh là triều đại có chính-sách cố đồng-hóa dân ta nhất. Họ đã cho tịch-thu sách vở trong nhân-dân, thứ nào quí chúng cho mang về Tàu, số còn lại chúng đốt sạch. Thời-gian này, ta không thể trách-cứ được việc dùng văn-tự, ngôn-ngữ của Tàu vì không có lối thoát nào khác. Điều đáng nói là khi đất nước sạch bóng quân thù, khi mà dân-tộc ta đã có chữ viết riêng, số người sùng-bái chữ Hán vẫn còn nhiều, số người mang tư-tưởng “thiên triều” là “số dách” vẫn không thiếu. Chữ Việt ta đâu khó đọc, đâu khó viết, ý-tứ đâu nghèo-nàn, văn nhân ta đâu thiếu, tại sao không dùng chữ Việt, không làm thơ, viết văn với chữ Việt, không trích dẫn các câu của người Việt mà phải làm phiền đến các ông Khổng, ông Mạnh để dẫn chứng khi dùng “Tử viết: ...”, dẫn chứng với thơ Tô Đông Pha, Lý Bạch, trích dẫn mưu của người Tàu nầy, gương sáng của người Tàu nọ. Những người đó chết đã quá lâu rồi, xin hãy để cho họ yên nghỉ!! Biết bao nhà thơ, nhà văn Việt-Nam cận đại đã để lại nhiều áng văn, nhiều bài thơ bất-hủ, họ đâu có cần phải dùng chữ Hán khó hiểu. Điển hình, trong bài thơ Trên dòng sông Nhuệ (Tình già) cụ Phan Khôi làm ra trong thời-gian thơ mới còn phôi-thai, có đoạn:

-“Ờ, đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẵn đà không đặng:
Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi bằng sớm liệu buông nhau!”.

-“Hay, nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ? Thương nhau chừng nào hay chừng ấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy! Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng mà tính việc thủy-chung!”.

Nhà thơ trên ai đọc cũng hiểu, ai nghe qua cũng thấy thấm tình, cảm-động cho dù người nghe là một dân giả chưa một lần đến trường học, đâu phải thông-thạo Hán học mới làm được những bài thơ có giá-trị, những bài thơ “để đời”.

IV. Lời kết:

Để chấm dứt đề tài nầy, xin nêu ra hai sự kiện. Thứ nhất, liên quan đến Tiến sĩ, học giả, nhà văn Trung Hoa lừng danh Lâm Ngữ Đường, người từng tốt nghiệp tại các Đại học nổi tiếng như St John (Thượng Hải), Harvard (Mỹ), Jena (ở Leipzig, Đức), một người đã cống hiến cuộc đời cho văn chương và học đường, đã để lại một sự so sánh mà người đời thường nhắc nhỡ. Khi nhận thấy ước vọng của những người Hoa trẻ muốn “biến thành người Âu Tây”, ông đã có những lời cảnh tỉnh họ khi đối diện vì ông từng là giáo sư tại nhiều nơi, sau đó là những bài viết, bằng những lời lẽ nặng nề nhưng thức tế. Ông nói rằng nhân dáng của một người Hoa thì không thể thành một người Âu Tây cho dù muốn “lột xác” cũng không được và nếu không từ bỏ thì một ngày nào đó, không còn là người Hoa nữa. Ông nói ví nếu còn như thế, họ sẽ thành những “con dơi”. Đã là loài “dơi” thì không thuộc loài chim vì chim thuộc loại lông vũ và đa số sống ban ngày nhưng cũng không thể là loài chuột, vì chuột là giống gắm nhắm, lại không biết bay như chim.

Sự kiện thứ hai là một câu chuyện trong một tác-phẩm mà tác-giả là một di-dân gốc Đông Âu. Câu chuyện có bối-cảnh là một vùng quê ở Trung Âu trong thời chiến-tranh. Nhân-vật chính trong truyện này là một gã thanh-niên có tâm-hồn, có đầu óc vô lương-tâm, tàn ác và bệnh-hoạn. Anh ta giỏi môn đánh bẫy chim. Gã ta nghĩ ra một cách rất độc-ác là đánh bẫy các con chim bay theo bầy khi bay ngang vùng mình; khi bắt được chim, anh ta dùng nước sơn để đổi màu lông con chim rồi sau đó thả chim bị sơn này bay đi. Đương nhiên là những con chim này sẽ bay về theo bầy cũ của mình và cũng dĩ-nhiên con chim này sẽ bị đồng bọn xúm vào đánh tả-tơi vì nó có màu lông “khác thường” lại bay nhập vào bầy của chúng.

Mong rằng những ai có tinh thần vọng ngoại một cách "sai lầm" hãy chớ nên “làm con chim bị đổi màu lông” khi muốn bay trở về bầy của mình hay biến thành loài biết bay nhưng không phải là chim. Xin đừng để quá muộn!!

Lê Chánh Thiêm
2004, có hiệu đính.

Xem các bài khác Cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage núi Ấn sông Trà


 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh