Mở speakers ON, click vào mũi tên màu trắng để nghe âm-thanh.
Không muốn nghe nữa, click vào hai gạch song song thẳng đứng để OFF.
CÁI ĐỒNG HỒ TAY
Sáng tác & Trình bày: Trần văn Trạch
(Xem thêm chi tiết bản nhạc nầy tại đây)
CỔ TÍCH HIỆN ĐẠI
Chuyện bịa
I.
Tôi chằm hăm ngó thẳng vào người thiếu phụ đối diện, cố ý tìm cho ra một đường nét thân quen cũ, nhưng thất vọng quá.
- Lé Mại, sao em thay đổi nhiều rứa! Chỉ mới năm sáu năm thôi …
Người đàn bà lộng lẫy với chiếc váy phủ gót chân. Sặc sỡ. Sang trọng. Xâu ngọc trai lơ lửng trên bộ ngực hở gần một nửa. Sống mũi cao thẳng như người Âu Mỹ. Viền mắt tím sen. Lúng liếng đôi đồng tiền khoét sâu hoắm. Nàng nhìn tôi:
- Anh ngạc nhiên lắm à? Khoa học đã mang sắc đẹp lại cho em với cái giá rẻ rề. Chỉ năm cây thôi!
Vợ tôi rú lên:
- Năm lượng vàng ư?
- Đâu mắc mỏ gì? Này nhé: Nâng sống mũi, sửa con mắt lé, rồi xâm mí mắt, làm hai cái lúm đồng tiền, hấp toàn bộ da mặt, và sửa cái lỗ rún. Vị chi cả thảy năm lượng vàng chứ sao!
Tôi trầm trồ:
- Hèn chi …
Quay qua vợ tôi, Lé Mại liến thoắng:
- Chị biết không? Đàn bà thì phải đẹp. Lỡ mang bộ mặt xấu xí làm sao kiếm được thằng chồng tử tế? Trước đây, em thì mũi tẹt chè bè tựa hai mái tranh. Con mắt trái bị lé sơ sơ. Tuy không đến nỗi hai tròng đen đá nhau sặc gạch, nhưng em mặc cảm chẵng dám để ý tới ông nào…
Tôi cười hóm:
- Bây giờ tân trang xong, chắc các thanh niên chạy theo em như biểu tình chứ gì?
Lé Mại bấu vào vai tôi đau điếng:
- Anh Lữ cứ chọc em hoài. Để em kể tiếp. Chị biết không? Ra khỏi mỹ-viện, em thẳng đến Sở Tư Pháp Thành Phố xin đổi tên. Chứ người đẹp như vầy mà mang cái tên Nguyễn Thị Lé, tức Lé Mại, thì ra thể thống gì?
- Bây giờ em mang tên chi? Tôi ngắt lời nàng.
- Nguyễn Duyên Lệ Mai. Bảnh chưa?
Vợ tôi mừng thiệt tình, hùn vào:
- Phải. Phụ nữ xinh đẹp, lịch thiệp như cô thì phải có cái tên hay ho như vậy mới xứng.
- Sau khi sửa nhan sắc và thay đổi tên tuổi khoảng một tháng mười một ngày, em nhận lời cầu hôn của một Việt-Kiều thứ thiệt. Anh ấy tên Huấn, Giám đốc hãng Baxibatuprodex. Tài hoa, đứng đắn, học vị tiến sĩ. Tuổi tác hơi lớn…
Chắc mẩm mình sắp tham dự một đám cưới xịn, tôi hỏi dồn:
- Gần cưới chưa?
Tự nhiên nàng ỉu xìu như bánh xe thủng lốp:
- Có một việc rất hệ trọng, quyết định hạnh phúc của em. Anh Lữ giúp em nghen!
Tôi tần ngần:
- Chẳng lẽ xinh đẹp và nhiều tiền như em, mà phải lần mò tận cái xứ mắm ruốc này mới tìm ra lá chủ bài hạnh phúc hay sao?
Bất ngờ, nàng rầu rĩ nói như đưa đám:
- Em chỉ tưởng đàn bà con gái chỉ cần thật tươi mát, quyến rũ, nhất là nhiều tiền bạc thì dễ dàng vớ tấm chồng ngon lành, hạnh phúc như nắm chắc nịch trong lòng bàn tay. Nhưng… chưa đủ. Anh Huấn bảo rằng, thời nay đàn bà phải có học vấn cao, trình độ văn hóa đại học, có năng khiếu thưởng thức nghệ thuật, thông thạo ngoại ngữ, rành xã giao và tiếp tân… Một ông tiến sĩ, giám đốc một công ty tầm cỡ quốc tế như anh Huấn, không thể nào chấp nhận người vợ mù chữ, dù em đẹp và giàu có đến mấy đi nửa…
Quá hứng khởi, tôi vụt mạnh bàn tay lên bàn:
- Đúng. Chú Huấn nào đó quả là tay khá. Hừm, đàn bà thật ngu dốt khi cho rằng tiền bạc và nhan sắc sẽ tạo nên hạnh phúc. Mấy thằng đàn ông cà chớn cà cháng, mới đủ đần độn để bợ một mụ vợ đẹp, giàu, nhưng chả có chút hiểu biết. Chẵng khác chi sống với con búp bê trát đầy son phấn, biết cử động, …nhưng thiếu linh hồn. Ồ, chán lắm!
Tưởng Lệ Mai giận vì lời nói huỵch toẹt của tôi, té ra nàng tỉnh bơ như không. Vợ tôi lừ đừ nhìn tôi tỏ vẻ hăm he. Nhưng tôi giả vờ không thấy. Hỏi tiếp:
- Nghĩa là chú Huấn muốn có người vợ có trình độ tương đương đại-học và hiểu biết đủ thứ?
Thấy nàng trầm ngâm không nói, vợ tôi rụt rè nắm tay nàng:
- Hay là…Lệ Mai chịu khó học bổ túc văn hóa vài năm thôi…Thời này, người ta gom cả chương trình trung học và cả đại học chỉ trong ba bốn năm gì đó. Kệ, ráng bỏ công mà học. Chẳng lẽ vuột mất một ông Giám đốc Tiến sĩ ngon lành như rứa?
Tôi thương Lệ Mai quá. Chẳng mong cô em mình là kẻ chỉ biết cộng trừ nhân chia, mà bỗng chốc cầm mảnh bằng đại học trong tay, e ông giám đốc-tiến sĩ sẽ bật ngửa chết giấc vài ba bốn bận chứ chẳng chơi. Tôi định phản đối “trò chơi” nguy hiểm ấy, thì nàng lắc đầu:
- Không được. Anh Huấn chả ưa cái kiểu học chớp nhoáng cà giựt ấy đâu. Vả lại, em nay bộn tuổi đầu, lại ôm sách vở đi học thì … ốt dột quá! Chỉ có một cách. Ngoài anh Lữ thì chả biết cậy ai …
Tôi hỉnh lỗ mũi, cười khoái trá:
- O.K. Anh hứa giúp em tới cùng. Nhưng việc gì vậy?
- Anh quen ông giáo sư Quỳnh chứ? Lệ Mai chăm chăm nhìn tôi với đôi mắt tuy hết lé mại, nhưng vẫn có chút gì khang khác.
- Rất thân. Vì ông ta là thầy giáo cũ của anh …
- À, anh làm ơn giới thiệu em với ổng. Và khẩn khoản nài nỉ …
Tôi bộp chộp cướp lời:
- Hiểu rồi. Chữa bệnh hả?
Lệ Mai giẫy nãy:
- Bậy. Em bệnh hoạn gì đâu? Chuyện ni quan trọng hơn cả vạn lần. Phi anh Lữ là không xong …
Tôi phễnh ngực:
- Em cứ nói. Vợ anh không phải kẻ nhiều chuyện đâu.
Nàng vuốt tóc, sửa tư thế ngồi:
- Nhờ anh cậy giáo sư Quỳnh giải phẫu hộp sọ. Và thay não…
Như bị hụt chân lộn cổ xuống ruộng sâu, tôi lúng búng:
- Sao? Mổ sọ, thay não?
- Vâng. Anh nghĩ sao? Nàng thản nhiên như ăn hàng vặt vậy.
- Lâu ni, anh chỉ biết giáo sư Quỳnh thành thạo châm cứu, dịch học, thần kinh học. Nhưng chưa hề nghe qua tài năng mổ sọ thay não của thầy.
Lệ Mai nghiêm túc bảo:
- Nghĩa là… nghe nói giáo sư Quỳnh sẽ giải phẫu hộp sọ của em. Xong, cấy vào não bộ một chút chất xám nhân tạo mà Hoa-Kỳ vừa phát minh không lâu. Qua ca mổ này, em thực sự trở thành con người mới. Có văn hóa Âu Mĩ thứ thiệt, nền học vấn tương đương sinh viên đại học các nước tân tiến. Khỏi cần bổ túc văn hóa chi cho nhọc xác.
Tôi ú ớ dựng đứng cả tròng đen, lắp bắp:
- Em … em … không đùa đấy chứ?
Lệ Mai vươn vai:
- Chắc chắn mà. Em thề rằng…
Tôi luống cuống, như con gà sắp bị trụng nước sôi:
- Anh tin em. Đừng thề … Anh sẽ đưa em đến gặp giáo sư Quỳnh tức khắc.
Trong khi Lệ Mai gọi taxi, thì tôi xoa mặt mũi, tợp một búng nước trà thật lẹ vào cổ họng, để biết mình đang tỉnh rụi và còn sống nhăn răng trên cõi đời lắm chuyện ly kỳ này.
II.
Biệt thự đồ sộ của giáo sư Quỳnh tọa lạc trên mảnh vườn chừng một héc-ta, xa thành phố với đủ loại cây lưu niên. Tôi dẫn vợ tôi cùng Lệ Mai theo lối đi rải sỏi xinh xắn. Phía giữa là ngôi nhà kiến trúc kiểu Pháp. Hai bên hai dãy nhà cao tầng rập khuôn bệnh viện Mỹ, với tiện nghi sang trọng, lạ mắt. Vài cô y tá đi qua đi lại. Xuyên qua lớp cửa kính, một vị giáo sư tóc bạc đang chăm chú đọc sách, tay cầm cây bút. Tôi khẽ đẩy cửa:
- Thưa thầy!
- Anh Lữ phải không? Nghe giọng nói rổn rảng, biết ngay liền à?
Giáo sư Quỳnh gỡ kiếng đeo mắt, buông sách:
- Mới anh ngồi. Ủa, đi với ai mà đông thế?
Tôi lễ phép:
- Thưa thầy, vợ con và đứa em gái từ Sài Gòn ra. Chúng con đến thăm thầy…
Tôi xoa tay, tiếp:
- Hôm nay con đưa cô em gái về nhờ thầy giúp giải phẫu hộp sọ và thay não. Chẳng hiểu thầy thực hiện khoa này tự bao giờ?
Giáo sư Quỳnh gật đầu:
- Anh lấy làm lạ sao? Khoa này tuy ở Việt Nam còn mới mẻ, nhưng các nước Nhật, Âu, Mỹ thì quá bình thường.
Quay sang Lệ Mai, thầy hỏi:
- Trước tiên chúng tôi muốn biết yêu cầu cụ thể của thân chủ.
Thu hết can đảm, Lệ Mai nói:
- Ở Sài Gòn, con nghe người ta bảo Thầy có thể biến một người ngu dốt, kém học, trở thành kẻ hiểu biết và có văn hóa Âu Mỹ nên con lặn lội đường xa, mong thầy cứu giúp…
Trong khi giáo sư Quỳnh ngấm ngầm định bịnh qua ngoại hình thân chủ thì tôi thắc mắc:
- Không ngờ cách biệt chưa đầy một năm, con rất kinh ngạc khi thấy thầy phát minh nhiều phương pháp trị liệu, vượt ra ngoài dự đoán của nhiều người…
Giáo sư Quỳnh cười nhạt:
- Bởi anh Lữ ít chịu theo dõi, chứ những ca như thế này, chúng tôi thực hiện suông sẻ từ năm ngoái lận. Đây là sự tổng hợp của Y Học Cổ Truyền Đông Phương và Khoa Học tiến bộ nhất Âu Mỹ, qua khả năng sáng tạo tuyệt vời của gia đình tôi. Nhưng trước khi hoàn tất hồ sơ bịnh lý, chúng tôi muốn nắm vài ba chi tiết lý lịch, gia thế của cô gì đây nhỉ?
Vợ tôi thưa:
- Lệ Mai. Nguyễn Duyên Lệ Mai ạ!
Thầy gật đầu:
- Vâng. Cô Lệ Mai sinh trưởng ở đâu?
Tôi hớt lời:
- Dạ, ở xóm Chuồng Bò. Cùng quê với con ạ…
Thầy vội ghi vào cuốn sổ:
- Hai cụ thân sinh làm nghề gì?
Lệ Mai ngượng ngùng:
- Dạ. Nghề giết mổ xưa nay. Ít ai được học hành tới nơi tới chốn. Cũng may, được ông anh đậu bằng Tiến sĩ Tại chức mà thôi.
Thầy lắc đầu quầy quậy, khoát tay:
- Không đáng kể. Hồi nhỏ cô làm gì? Chúng tôi cần biết rõ quá khứ và sinh hoạt đời thường của cô để tìm mẫu chất xám phù hợp, đáp ứng yêu cầu …
Giáo sư Quỳnh nhìn thẳng vào mặt Lệ Mai, nói tiếp:
- Nhưng chúng tôi xin thưa trước cùng thân chủ, phải trả một cái giá rất đắt …
Lệ Mai thót người, lo lắng:
- Bao nhiêu lượng vàng SJC?
Giáo sư Quỳnh trầm ngâm:
- Thưa cô, đắt lắm. Đắt hơn cả vàng nữa kia!
Lệ Mai nhếch môi, ra vẻ tự tin:
- Ở đây người ta chơi đô-la hay sao chứ? Được. Nếu muốn thanh toán bằng sec hoặc đô-la vẫn ô kê ngay liền à…
Giáo sư Quỳnh điềm nhiên lắc đầu:
- Cái giá quá đắt. Vàng hay đô-la đều không thể mua nổi.
Lệ Mai tái mặt:
- Xin bác sĩ cho biết rõ hơn, được chăng?
- Chỉ ngại cô sẽ ân hận mà thôi. Này nhé. Chúng tôi sẽ cấy vào não bộ của cô một loại chất xám nhân tạo đồng thời bắt buộc phải lấy ra những nơ-ron thần kinh lưu giữ truyền thống và văn hóa dân tộc. Như thế não bộ mới cân bằng. Nếu cô đồng ý thì ký tên vào tờ Cam Đoan để chúng tôi hoàn tất thủ tục hồ sơ cấn thiết …
Quay sang tôi, nàng hỏi:
- Anh Lữ nè, văn hóa và truyền thống là cái chi rứa?
Trong lúc thảng thốt, tôi bí. Lấy tay vò đầu bứt tai một lát, tôi nghĩ mãi mà chẳng tìm ra cách giải thích cho đứa em chưa qua lớp hai của bậc tiểu-học này. Lệ Mai thì sốt ruột hỏi tới tấp:
- Văn hóa là gì? Truyền thống là chi, hở anh Lữ?
Lúng túng hơn nữa, tôi nổi sùng quát lớn:
- Xì, từ từ đã nào. Văn hóa là …
Vợ tôi nín thở. Lệ Mai đứng dậy, dậm chân:
- Úi chào. Nghe anh học hành dữ lắm. Rứa mà hỏi mấy chữ cũng không biết …
Giáo sư Quỳnh bật cười:
- À, theo từ điển thì Văn Hóa nghĩa là những thói lề trong sự phát triển vê tinh thần, đạo lý, nghệ thuật, phong tục… phản ánh ra trong đời sống của nhân loại, hoặc một dân tộc, một nhóm người. Còn Truyền Thống nghĩa là nếp suy nghĩ hoặc cách sống được lưu truyền từ đời nọ sang đời kia, trở thành định chế bất-thành-văn trong một xã hội, một đoàn thể, một tôn giáo, một tổ chức … vân vân …
Lệ Mai xịu mặt tẽn tò. Nàng ngẩn ngơ, đỏ mặt, liếc mắt qua vợ tôi:
- Chị bảo anh Lữ thông dịch lại cho em nghe với chứ. Thú thật bác sĩ nói em không hiểu nếp tẻ chi cả …
Vợ tôi quắc mắt, ra lệnh:
- Anh Lữ dịch sao cho dễ hiểu một chút …
Tôi run lập cập như sắp sửa bước lên đoạn đầu đài:
- Văn hóa là … truyền thống là …
Bỗng Lệ Mai búng tay nghe “chóc”, cười tuếch toác:
- Em hiểu ra rồi anh Lữ ạ. Văn hóa nghĩa là những cái chi có vẻ mơ hồ trong cuộc sống. Và truyền thống tức là xưa bày nay làm, phải rứa không?
Như người vừa thoát nạn đắm tàu, tôi đáp ngay:
- Phải. Gần gần như thế …
- Vậy em bằng lòng kí vào tờ Cam đoan sẵn sàng đánh đổi văn hóa và truyền thống Việt Nam để lấy văn hóa và học thức Âu-Mỹ. Trước mắt là chớp được ông chồng giám đốc-tiến sĩ cái đã …
III.
Giáo sư Quỳnh dẫn chúng tôi sang phòng Lưu Trữ Chất Xám Nhân Tạo, trang bị máy lạnh và lồng kính sáng choang. Bác sĩ giới thiệu đủ kiểu chất xám do y học Hoa Kỳ chế tạo đồng thời giảng giải nguồn gốc của phát minh, và hiệu quả thiết thực của mỗi thứ. Tôi không ngờ nhân loại tiến triển dường ấy.
Giáo sư Quỳnh vẫn luôn trầm tĩnh:
- Đây là chất xám nhân tạo mệnh danh “Kiến thức và Văn hóa Tây phương”. Khi được cấy vào não-bộ, thì chúng ta trở nên thông thái và thực dụng như người Mỹ vậy. Vừa nói, bác sĩ vừa chỉ ngón tay vào những cụm điện-tử nhỏ bằng hạt bắp nằm trong lồng kính.
Đây là mẫu chất xám mới nhất Automatic. Nếu được cấy vào não, tức khắc chúng ta biến thành những Robot cùng những sinh hoạt rất ư tự động hóa hoàn toàn. Kia là mẫu chất xám Lý luận Nhị nguyên, dành cho những ai muốn trở thành tay tư duy xuất sắc, cừ khôi. Đằng ấy là con chip Ngụy tín Ngụy biện, dành cho những thân chủ muốn bẻ phải thành trái, đổi trắng thay đen, uống cong sự thật. Và hấp dẫn nhất vẫn là Con Chip gọi là Making Money, có thể giúp chúng ta kiếm tiền chớp nhoáng, mau lẹ, đương nhiên giá cả hơi đắt một tí …
Lệ Mai sửng sốt:
- Té ra có loại chất xám giúp mình kiếm tiền dễ dàng ư?
Rồi nàng nhìn Giáo sư Quỳnh với vẻ mặt tình tứ:
- Bác sĩ làm ơn cấy thêm cho em nhiều chất xám ấy nhé …
Giáo sư Quỳnh đắn đo:
- Chậc, cô lại sẽ trả cái giá rất đắt thêm lần nữa. Cô sẽ có thể đánh mất thứ quý báu nhất của kiếp người mà chẳng bao giờ tìm kiếm lại được…
- Em chấp nhận mọi giá, để trở thành người ăn ngủ trên đống đô-la suốt đời…
Giáo sư Quỳnh thở dài, băn khoăn:
- Bên Mỹ gởi mẫu chất xám Making Money này về tới đây đã lâu, nhưng chúng tôi chưa thực hiện cho một thân chủ nào cả. Lý do: lương tâm không cho phép …
- Tại sao? Lệ Mai tiếc hùi hụi nói.
- Nếu cô muốn, chúng tôi sẽ theo ý của cô. Nhưng cô có nhiều nguy cơ đánh mất một thứ gọi là Tâm Linh. Khi chất xám Making Money được cấy vào não-bộ, nó sẽ phát huy tác dụng của nó, đồng thời nó có thể gây nhiều phản ứng phụ: triệt tiêu tất cả năng lực tâm linh trong con người. Cô nghĩ sao?
Quay sang tôi (lúc nào cũng vậy) nàng hỏi:
- Tâm linh là chi rứa, anh Lữ?
Phen này độn thổ cũng không kịp nữa rồi. Tôi cà lăm:
- Ơ, tâm linh là … những quyền lực siêu nhiên trong ta, khiến ta khác với loài vật. Và có khả năng biến cuộc đời mình thành thánh-thiện hơn, cao thượng hơn, giải thoát tự tại…
Nàng phụng phịu:
- Anh lại phun tiếng tây tiếng u nữa rồi. Em chẵng hiểu tí ti …
Tôi vừa run vừa phều phào:
- Tâm Linh là thứ năng lực vô hình, mà chỉ có tu tập mới phát huy và cải biến …
Nàng nổi nóng ngắt lời:
- Em hiểu mà. Dễ ợt. Rứa mà anh cứ dông dài lung tung. Tâm Linh tức là sống như mấy ni-cô và mấy ông thầy chùa phải không?
Vốn tính dễ duôi, tôi gật đại cho xong:
- Phải. Phải. Gần gần như rứa …
- Vậy thì em cóc cần. Tâm Linh đáng giá quái gì đâu? Mất thì thôi. Bỏ hết. Có nhiều tiền mới sướng.
Sau khi ký rẹt rẹt vào cả đống giấy tờ, nàng trao cho giáo sư Quỳnh.
Lệ Mai đương nhiên ở lại đó khoảng một tuần lễ, để đợi giải phẫu. Xong xuôi, nàng đáp máy bay vô Sài Gòn.
Từ đó, vợ chồng tôi không nghe tin tức gì về nàng. Nhưng vẫn mong nàng hạnh phúc.
IV.
Vừa rồi, tôi đi Sài Gòn, tiện dịp tôi lên Đà Lạt thăm bạn bè, ghé Nha-Trang tắm biển. Cả tháng sau mới lò mò về tới Huế. Vợ tôi càu nhàu:
- Chà, đi chơi sướng nhỉ? Ở nhà có việc quan trọng mà vắng anh…
Tôi quăng hành lý xuống thềm nhà:
- Chi vậy?
- Cậu Thung mất rồi. Anh không biết thiệt hả?
- Ủa, mất hồi nào?
- Gần tháng nay. Lé Mại … ủa quên, Lệ Mai dẫn chồng ra chịu tang. Mà tức cười lắm…
Tôi lật đật thay áo quần. Lẽ ra tôi phải về sớm chịu tang vì cậu Thung là em ruột của mạ tôi. Chà, gì rồi cũng bị mạ trách cho mà coi…
Tôi tửng tửng bưng bó nhang bước vào cổng nhà cậu mợ. Từ đằng xa, mợ tôi gào lên:
- Thằng Lữ đó phải không?
- Thưa mợ, con ở Sài Gòn mới về. Thiệt có lỗi quá xá…
Không đợi tôi cắm nhang lên bàn thờ, mợ níu áo, khóc ròng:
- Úi chao, mi đi mô lâu về quá. Có mi ở nhà thì mợ nhờ biết mấy mà nói. Khổ quá, cháu ơi là cháu ơi…
Tôi kéo mợ, ngồi xuống ghế, dỗ dành:
- Lệ Mai có về chịu tang chứ?
Tức thì mợ rống to:
- Mụ cô cha cái con Lé Mại. Chết khuất mắt thì thôi. Hắn về gây đủ chuyện động trời, tau mất mặt với sui gia, làng nước, bà con…
Cả nhà nghe to tiếng, vội vả chạy túa lên đủ mặt. Tôi hỏi:
- Lệ Mai nó làm sao?
Mợ giành nói trước, nước mắt chưa khô:
- Cũng trông con cái nó về cho đông đủ. Nhưng nó quậy gớm quá. Chịu không thấu. Thằng Lữ biết không? Ai đời đám ma cha nó, mà nó lại bận quần cụt với cái may-dô mỏng tanh. Lại không chịu bịt khăn tang … Đi mô cũng kè kè cái máy chụp hình, hở tí liền bấm tách tách. Sui gia họ tới chia buồn, họ hỏi ai rứa. Tau nói con gái tui đó. Họ bưng miệng cười sặc sặc. Ốt dột chi lạ, Lữ à…
Nhác trông thấy chị Móm, tôi nói:
- Chị làm ơn kể đâu đuôi tui nghe với.
Chị Móm vừa ôm bụng cười, vừa lắp bắp:
- Cậu Lữ biết không? Nghe Lé Mại sắp tới Huế, cả nhà cùng vợ chồng chị xuống sân bay Phú Bài đón. Bề nào cũng có ông rể Việt-kiều thứ thiệt, lại Giám đốc hãng chi chi đó. Tất cả ùa ra chào. Lé Mại xổ toàn tiếng Mỹ, chẵng ai hiểu ất giáp chi hết. Cô ả lại ôm chồng chị mà hun chụt chụt. Anh Quang nổi da gà cùng mình. Chị thì thấy trơ trẽn quá, muốn chui đầu xuống đất cho khỏe …
Chú Bường chen ngang:
- Anh Lữ à, khi Lé Mại về thấu nhà rồi, nó cũng chẵng biết lạy vong linh cha nó nữa. Mình thắp nhang thơm như ri, mà nó hỏi đốt cái chi thối quá.
Tôi chỉ biết thở dài sườn sượt:
- Bậy quá.
Nãy giờ ngồi im, mợ Thung đột nhiên vỗ vai tôi:
- Lữ nè, hình như nó bị ma nhập hay sao chứ. Nó không còn là Lé Mại hồi xưa nữa…
Tôi ráng chịu trận suốt buổi sáng. Rồi cùng vợ chào cả nhà ra về. Dọc đường, vợ tôi cười khì:
- Em thấy Lệ Mai thay đổi hoàn toàn. Ăn nói, đi đứng đều rặt phong cách Mỹ. Hơn cả chú Huấn nữa kìa. Cả nhà mợ Thung đều chạy trối chết. Chịu đời không thấu, em bèn dẫn Lệ Mai qua nhà mình tạm trú đôi ba bữa. Cô ả trông quý Thầy tụng kinh ra vẻ lạ lùng lắm. Hỏi em rằng: mấy ông kia hát cái gì nghe ồn ào quá vậy. Em nói Quý Thầy tụng kinh cầu siêu cho cậu, cô ả hỏi tại sao không mở nhạc rock cho vui? Em bí rị. Chẳng biết trả lời on đơ chi cả…
Tôi thản nhiên:
- Gì nữa? Em cứ nói…
- Chưa hết. Lúc sang ở nhà mình, cô ả nghe thằng Soái hò ru em, cũng càm ràm: “Mầy hát cái gì nghe khó chịu quá hà. Bỏ đi!”. Ngày đưa quan tài ra huyệt, cô ả cũng mặc cái quần cụt, chướng mắt thật. Chú Huấn hình như tỉnh táo hơn, tỏ vẻ mắc cỡ vì thái độ luông tuồng của vợ mình … Chậc, có anh thì hay biết mấy. Vì xưa nay cô ả chỉ quý trọng một mình anh Lữ thôi…
Tôi chép miệng thở dài:
- Có anh cũng thế thôi … Chẳng còn gì để nói cả!
Nguyễn Xuân Chiến
Xem các bài khác Cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net