LỜI GIỚI THIỆU của ban Điều Hành,
Thưa quý độc giả,
Chúng tôi nhận được thư yêu cầu từ nhiều độc giả: nên mở mục Các sáng tác thuộc hạng “Cổ Kim Tuyệt xướng”, nhất là các tác phẩm thuộc thơ Đường để các độc giả yêu thơ Đường tìm đọc.
Xin giới thiệu đến độc giả tiết mục “Tuyệt xướng”, (cũng tạm dùng làm tên tác giả, để cho dễ tìm, tức là Webmaster) trên các trang bài trong website nầy.
Ban Điều hành www.nuiansongtra.net
- - - - - - - - - - - - -
"PHONG KIỀU DẠ BẠC" của TRƯƠNG KẾ
1. Sơ lược lý lịch Trương Kế:
“Phong-Kiều Dạ Bạc” là tên một bài thơ của Trương-Kế (Anh ngữ: Zhang Ji) . Theo Từ-Hải tự-điển thì Trương-Kế là một thi-hào đời Thịnh-Đường (713-766), tự là Ý-Tôn, người Tương-Châu, nay là Tương-dương, Hồ Bắc (Huei Bei). Ông đậu Tiến-sĩ vào năm Thiên-bảo 12 tức năm 753 (niên-hiệu Thiên-bảo từ năm 742 đến 755) đời Đường Huyền-tông; giữ chức Phán-quan Diêm-thiết (như chức Thương-Tá coi về muối và sắt). Vào năm Đại-lịch thứ 11 (776) đời vua Đại-Tông, ông giử chức Kiểm-hiệu Từ-bộ Viên Ngoại Lang (như bộ Lễ), phân chưởng tài-phú Hồng-Châu và ông mất tại đây.
Ông có kiến-thức rộng, thích đàm-luận, nhất là về văn-chương, thi phú. Ông cũng như Đổ Phủ, Bạch Cư-Dị là những nhà thơ có óc xã-hội, xót thương thân-phận hẩm-hiu, cuộc sống nhọc-nhằn đầu-tắt mặt tối của người dân nghèo nơi thôn-dã. Họ khác với Lý-Bạch, một người ưa rượu trà, hay say-sưa, thích hưởng-thụ, không mấy để ý đến lê dân nghèo khó, những thôn phu bị bắt đi lính và dân nghèo phải chịu sưu cao thuế nặng. Ông đã sáng tác nhiều bài thơ hay mà không cần phải công-phu đẽo gọt; còn để lại cho hậu thế tập thơ "Trương từ bộ".
2. Giai-thoại lúc bài thơ ra đời:
Đường Thi Ký sự chép rằng: Nghe tiếng cảnh đẹp Phong-Kiều, ông đã lặn-lội từ Hán-Khẩu xuôi dòng Dương-Tử giang, xuyên qua tỉnh An-Huy đến quá Nam-Kinh rồi theo các nhánh sông phía Nam thông với Thái-Hồ để đến Phong-Kiều.
Người ta cho rằng cái duyên của Trương Kế với tiếng chuông Hàn-Sơn tự là sự kết-hợp tình-cờ và lý-thú đã tạo nên một bài thơ lưu danh. Tuy nhiên, công đầu phải kể đến là sự chí-tình của tác-giả đối với ngoại-cảnh, qua tài đạo-diễn vô-hình của tạo-hóa. Thật thế, Trương-Kế muốn tả cảnh Phong-Kiều (Feng Qiao) không phải ông chỉ đi thuyền lướt qua, quan-sát sơ-lượt rồi vội-vàng hạ bút mà làm được bài thơ nầy. Nơi đây, ông đã ngủ đêm trên đò nơi bến nước, chính mắt thấy tai nghe cảnh tượng nên thơ để tạo được những vần thơ mà người đời xưa nay đều cho là tuyệt tác.
Nguyên tác Hán văn:
PHONG KIỀU DẠ BẠC
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Dịch nghĩa xuôi:
CẦU PHONG, ĐÊM NEO THUYỀN.
Trăng lan, quạ kêu, sương đầy trời
Cây phong bến sông, ánh đèn chài, trước giấc ngủ buồn
Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn Sơn
Nửa đêm tiếng chuông vọng đến thuyền khách.
3. Các bản dịch Việt ngữ:
Bài thơ này được chép đi chép lại ở nhiều tuyển tập, với nhiều tựa khác nhau. Trong “Trung Hứng Nhàn Khí tập” bài thơ có tựa là “Dạ Bạc Tùng Giang” nhưng trong “Văn Uyển Anh Hoa” thì tựa đổi là “Phong Kiều Dạ Bạc” như ngày nay. Có thể tựa trước do tác-giả đặt chăng? không ai dám đoan chắc cả. Ta có các bản dịch sang Viêt-ngữ sau đây:
1.
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi,
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co.
Con thuyền đậu bến Cô-tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn-san.
Bản dịch của Trần Trọng Kim.
2.
Quạ kêu, sương tỏa, trăng lui,
Đèn chài, cây bãi, đối người nằm khô.
Chùa đâu trên núi Cô-tô,
Tiếng chuông đưa đến bến đò canh khuya.
Bản dịch của Ngô Tất Tố.
3.
Đỗ thuyền đêm ở bến Phong Kiều
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô-tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn-San.
Bản dịch của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
(Bản dịch nầy có tài liệu cho là của Nguyễn Hàm Ninh)
4.
Trăng tà, tiếng quạ lẫn sương rơi,
Sầu đượm hàng phong, lửa giấc chài.
Ngoài ải Cô-tô, chùa vắng-vẻ,
Nửa đêm chuông vẳng đến thuyền ai.
Bản dịch của Trần Trọng San.
5.
Quạ kêu, trăng lặn, khắp trời sương
Cây bến, đèn chài, giấc ngủ suông.
Bên núi Cô-tô, thuyền khách đậu
Chùa Hàn, đêm vẳng một hồi chuông.
Bản dịch của Đỗ Bằng Đoàn và Bùi Khánh Đản
6.
Trăng lặn, quạ kêu, trời đầy sương
Ánh lửa chài xa quyện vấn vương.
Hàng cây phong ngủ bên bờ vắng
Văng vẳng chuông khuya vỗ mộng thường.
Bản dịch của Giáo sư Phạm Khắc Trí.
7.
Trăng lặn sương tan tỏa khắp nơi
Quạ đen kêu hoảng giữa bầu trời.
Sông Phong ánh lửa thuyền chài dọn,
Thành ngoài Cô Tô Hàn tự ngơi.
Thanh vắng nửa đêm chuông dục dã
Khách đò trở lại để ra khơi.
Bản dịch của Mai Huyền Nga (Hà Mai Nguyên).
8.
Quạ kêu trăng xế sương rơi
Bên sông phong rủ sầu khơi lửa chài.
Chuông Hàn vọng tới thuyền ai
Nửa đêm thanh vắng bên ngoài Cô Tô.
Bản dịch của Nguyễn Bá Hậu.
9.
Quạ kêu, trăng lặn, trời sương
Lửa chài le lói sầu vương giấc Hồ
Thuyền ai đâu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hà San.
Bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh.
(Bản dịch dưới đây, có tài liệu cho là của Tàn Đà, có khác vài chữ):
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
10.
Bên trời trăng xuống quạ kêu sương
Lửa rọi bờ phong đối mộng trường
Thuyền khách Cô Đài đêm vắng vọng
Chuông chủa buông nhẹ chút sầu vương.
Bản dịch của Thích Quảng Sự.
11.
Trăng lặn quạ kêu sương ngập trời,
Lửa chài cây bải muộn sầu khơi.
Ngoài Cô tô ấy Hàn san tự,
Chuông vọng đến thuyền ai giữa khuya.
Bản dịch của Trùng Dương.
12.
Thuyền đêm đỗ bến Phong kiều
Não-nùng tiếng quạ kêu sương,
Canh tà, nguyệt xế, thê-lương lạnh-lùng.
Lửa chài bến nước bập-bùng,
Chòm phong ủ-rũ, ven sông bơ-sờ
Sầu tư hồn điệp dật-dờ,
Ngân-nga chuông vọng Cô-Tô đến thuyền
Hàn-sơn cô tự u huyền,
Nửa đêm trầm bổng, cửa thiền nện khơi.
Chày kinh tỉnh giấc chơi vơi...
Bản dịch của Vũ Tùng Chi
13.
Quạ kêu trăng xế trời sương
Lửa chài cây bến đối sườn Sầu Miên
Hàn-san vẳng tiếng chùa-chiền
Nửa đêm đưa mãi đến thuyền Cô-Tô.
Bản dịch của Mai-Nguyệt Đái Đức Tuấn
14.
ĐÊM ĐẬU THUYỀN BÊN BẾN PHONG-KIỀU
Trăng tàn, tiếng quạ kêu sương,
Thuyền chài đèn sáng rọi thương khách buồn
Hàn Sơn chùa ấy xa buôn,
Nửa đêm chuông thỉnh tiếng buồn xa xăm!
Bản dịch của Nguyễn Danh Đạt
15.
Trăng tàn, tiếng quạ kêu sương
Bến Phong đèn lụn canh trường sầu miên.
Nửa khuya chuông vọng đến thuyền
Hàn San tự ngoại miền Cô Tô
Bản dịch của Ngươn Phạm
* 4 bài dịch của Hải-Đà:
16. Bài dịch 1:
Tiếng quạ kêu sương, bóng nguyệt mờ
Cầu phong đốm lửa giấc sầu mơ
Hàn Sơn khuất bãi Cô-Tô vắng
Đêm điểm hồi chuông khách sững sờ.
17. Bài dịch 2:
Nguyệt tà, quạ lảnh lót kêu sương
Ánh lửa cầu phong vỗ mộng thường
Bến vắng Cô-Tô thuyền lẻ bóng
Hàn-Sơn rền rĩ khách nghe chuông.
18. Bài dịch 3:
Trăng lặn, sương đầy, tiếng quạ kêu
Bến phong, ánh lửa, giấc đìu hiu
Cô-Tô quạnh quẽ thuyền neo bến
Chuông đổ Hàn-Sơn vẳng tiếng đều.
19. Bài dịch 4:
Quạ kêu, trăng lặn, sương đầy
Bến phong, lửa đóm, sầu say giấc hồ
Hàn-Sơn khuất bến Cô-Tô
Nửa đêm thuyền khách thẫn thờ nghe chuông.
* 2 bài dịch của Phạm-Vũ-Thịnh (Sydney)
20.
Đêm Neo Bến Phong-Kiều
Trăng tà, quạ rúc, trời đầy sương
Cây im lửa đóm người nằm suông
Cô-Tô bến lặng đêm già nửa
Chùa cổ Hàn-Sơn vẳng tiếng chuông.
21.
Trăng tà quạ rúc trời sương
Cây im lửa đóm nằm suông hững hờ
Nửa đêm neo bến Cô-Tô
Hàn-Sơn vẳng tiếng chuông chùa buồn tênh.
* 2 bài dịch của Vương-Uyên:
22.
Trăng khuất, quạ kêu, trời phủ sương
Lửa chài bến nước cõi sầu vương
Cô Tô đêm vắng thuyền ai đậu
Tĩnh lặng Hàn Sơn vọng tiếng chuông.
23.
Trăng tàn, sương phủ, quạ kêu
Lửa chài, bến nước dệt thêu mộng sầu
Cô-Tô tĩnh mịch đêm thâu
Hàn-San chuông điểm thuyền câu lặng lờ.
24.
Quạ kêu, trăng lặn, sương mù
Đêm nằm không ngủ, cây ru lửa chài
Cô-Tô đậu chiếc thuyền ai
Nửa đêm vọng tiếng chuông dài Hàn-Sơn.
Bản dịch của Ngọc-Ẩn (Tokyo)
25.
Quạ kêu, trăng xế ngang đầu
Lửa chài cây bến gối sầu ngủ mơ
Thuyền ai ngoài bến Cô-Tô
Nửa đêm lạnh tiếng chuông chùa Hàn San.
Bản dịch của Ngô-Văn-Phú
26.
Đêm đậu thuyền ở bến Phong kiều
Trăng tàn, quạ gọi trời sương,
Bờ phong, lửa bến, giấc buồn mênh-mang.
Cô-tô, ngoài có chùa Hàn,
Nửa đêm chuông gióng, âm vang đến thuyền.
Bản dịch của Việt Thao.
27.
Quạ kêu, trăng lặn, trời đầy sương
Phong bến, lửa chài, sầu mộng vương
Chùa ngoại, thành Tô, trên núi lạnh
Nửa đêm thuyền khách nằm nghe chuông.
Bản dịch của Nguyễn-Thế-Nữu
28.
Quạ kêu, sương phủ, trăng thâu
Lừa chài, cây bến lặng sầu trong mơ
Cô-Tô chùa vắng khuya mờ
Tiếng chuông tìm viếng khách thơ trong thuyền.
Bản dịch của Đinh-Vũ-Ngọc
29.
Sương mờ, quạ giục, ánh trăng phai
Cây bến sầu mơ ngọn lửa chài
Ngoài ngõ Cô-Tô chùa núi lạnh
Nửa đêm chuông vọng tới thuyền ai.
Bản dịch của Lê-Nguyễn-Lưu
* 2 bản dịch của Ái-Cầm:
30.
Quạ kêu, trăng khuyết trên cành sương
Đốm lửa hắt hiu giữa đêm trường
Cô-Tô thuyền đỗ sầu in bóng
Hàn-Sơn chùa vọng tiếng chuông ngân.
31.
Trăng khuyết trên cành sương quạ kêu
Lửa chài sông quạnh bến cô liêu
Cô-Tô thuyền đậu trong đêm vắng
Chuông Hàn-Sơn động sóng đìu hiu.
32.
Trăng lặn, quạ kêu, trời phủ sương
Lửa chài cây bến giấc sầu vương
Chùa Hàn ngoài ải Cô-Tô vắng
Thuyền khách đêm khuya vẳng tiếng chuông.
Bản dịch của Nguyễn Khuê
33.
Trời sương, trăng lặn, quạ kêu luôn
Ngủ đối cầu phong lửa cá buồn
Thuyền đậu thành Tô, chùa núi lạnh
Nửa đêm chuông nện tiếng boong boong.
Bản dịch của KD
34.
Tiếng nhạn kêu sương, nguyệt cuối trời
Bờ phong sầu hắt lửa thôn chài
Hàn- Sơn chuông vắng Cô-Tô lại
Khuya khoắt lay thuyền động giấc ai.
Bản dịch của Nguyễn-Hà
35.
Trăng tà, quạ gọi sương lên
Bờ cây chài lửa đôi bên giấc sầu
Chùa Hàn-Sơn giữa đêm thâu
Tiếng chuông thành ngoại đưa vào thuyền nhân.
Bản dịch của Nguyễn-Hùng-Lân
36. Thuyền dạo hồ Đông muôn dặm chơi,
Quạ kêu trăng lặn, nước mờ khơi
Hàn San vẳng tiếng chuông chùa sớm,
Cây bến đèn ngư, não mộng người.
Bản dịch của J. Leiba
37.
Chiều chiếc quạ kêu sương
Lửa chài vương ánh sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô-Tô?
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Bản dịch của Hồ Dzếnh
38.
Trăng tà, quạ gọi, sương sa.
Đèn câu nghiêng giấc sầu qua cây bờ
Chùa Hàn San, núi Cô Tô
Nửa đêm thuyền khách mơ hồ tiếng chuông.
Bản dịch của Lê Phương Nguyên.
39.
Trăng lặn, sương mờ, tiếng quạ kêu
Bên sông ánh lửa hắt đìu hiu.
Cô Tô ẩn bóng Hàn San tự.
Nửa đêm chuông vọng bến Phong Kiều.
Bản dịch của TH Nguyen.
40.
NEO THUYỀN BẾN PHONG KIỀU
Trăng tản, quạ rền, sương lãng đãng.
Sông - ngư, lửa - gió đối nghiêng sầu.
Nửa đêm đỗ thuyền nghe chuông vọng,
Cô Tô chùa cổ một Hàn Sơn.
Bản dịch của Hồ Tiểu Tà
41.
ĐÊM TÀN BẾN CẦU PHONG
Trăng lặn quạ kêu sương đầy trời,
Sầu nhuốm hàng phong với đèn chài,
Ngoài thành Cô Tô Hàn Sơn Tự,
Nửa tiếng chuông đêm vọng thuyền ai.
(Bản dịch của KhachSanNganSao)
Các bản dịch Anh ngữ:
* 2 bản dịch của Zhang Ji:
42.
NIGHT ANCHORAGE ART MAPLE BRIDGE
Moon sinks crows caw frostfrozen sky,
River Maple shudder in lantern glow, fitfull sleep
Outside Zuzhou city by Hanshan Temple,
Midnight bells shiver my boat.
Bản dịch của Zhang Ji,
43.
NIGHT-MOOR AT MAPLE BRIDGE
Moon set, crows caw, frost fills the sky
River maples, fishing fires, drowsing in sorrow
Outside Gusu City, the Cold Mountain Temple
At the midnight bell, arrives the visitor's boat
Bản dịch của Zhang Ji
44.
While I watch the moon go down, a crow caws through the frost;
Under the shadows of maple-trees a fisherman moves with his torch;
And I hear, from beyond Suzhou, from the temple on Cold Mountain,
Ringing for me, here in my boat, the midnight bell.
(Bản dịch của Witter Bynner)
45.
NIGHT MOORING AT MAPLE BRIDGE
The moon descends, and crows cry in the frost-filled sky.
I gaze at the riverside maples and fisherman's light in melancholy sleeplessness,
Then, outside the town of Suzhou, the night bell of Han Shan Temple,
Reaches as far as my boat.
(http://www.apec2001fm.gov.cn/suzhou/e-suzhou/suzhou.htm)
46.
ANCHORING AT NIGHT BY THE FENGQIAO BRIDGE
The moon sets and crows crow in a frosty sky,
the fisherman dozes off by his fishing light at the Feng Bridge;
the bell in Hanshan Temple on the outskirts of Suzhou chimes,
and arrives the passenger boat at midnight
(http://www.shanghai-rr.com/e-shrr/surround areas/main-3.htm)
47.
A NIGHT'S MOORING AT THE MAPLE LEAF TREE
Moon sets, crows cry and frost fills all the sky;
By maples and boat lights, I sleepless lie.
Outside Suzhou Hanshan Temple is in sight;
Its ringing bells reach my boat at midnight.
(http://www.chinapage.org/poet.html)
48.
OVERNIGHT STAY AT FENG QIAO
The moon goes down and in frost-filled air rings crow's cry,
Sleepless, in the shadow of riverside maples, I stare at the fisherman's lantern.
Away from the town of Suzhou stands Han Shan Temple,
The chime of its mid-night bell reaches as far as my boat."
(http://202.84.17.73/english/temple12.htm -Xinhua News Services)
49.
MOORING FOR THE NIGHT AT FENGQIAO BRIDGE
The moon goes down, crows cry under a frosty sky,
Dimly lit fishing boats' neath maples sadly lie.
Beyond the Suzhou walls the Temple of Cold Hill
Rings bells, which reach my boat, breaking the midnight still.
(http://www.chinatour1.com/Jiangsu.htm -Jiangsu)
50.
* Vào đời Tống, có thi-sĩ Tôn-Định khi đi ngang qua bến Phong Kiều này cũng cảm hứng làm một bài thơ cũng với nội dung tương tự như thế:
QÚA PHONG KIỀU TỰ
Bạch thủ trùng lai nhật mộng trung
Thanh sơn bất cải cựu thời dung
Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự
Ỷ trẩm do văn bán dạ trung
(Tôn Định - Đời Tống)
51.
QUA CHÙA PHONG KIỀU
Tay trắng hồn tay giấc mộng suơng
Cảnh xưa sắc núi mi xanh cùng
Quạ kêu, trăng lặn, bên chùa vắng
Tựa gối, đêm nằm, vẳng tiếng chuông
(Hải Đà phỏng dịch)
Trên đây là những bài dịch hay về nghệ-thuật, nhất là bài dịch của Tản-Đà. Nhưng trên phương-diện dịch-thuật, các bài dịch ấy vẫn chưa lột hết tinh-thần nguyên-tác của một bài thơ vừa tuyệt-hảo về âm-điệu, vừa thần-tình về ý; nhất là tiếng chuông: tác-giả khéo hình-tượng và nhân-cách hóa, khó dịch sống-động như nguyên-tác được.
Tuyệt Xướng (Webmaster)
Xem các bài khác Cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net