Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
BỖNG HOÁ TÂM HỒN
LÊ VĂN CÔNG

 


Lễ Khai Giảng Niên Khóa 1956-1957
Trường Trung học Trần Quốc Tuấn 
 

BỖNG HOÁ TÂM HỒN (*)
Lê Văn Công

 

Trong gần hai mươi năm theo đuổi con đường học vấn, tôi đã dành đến bảy năm gắn bó với ngôi trường trung học rất nổi tiếng ở quê hương.

Trường trung học Trần Quốc Tuấn của tôi, là ngôi trường công lập duy nhất cuả tỉnh Quảng Ngãi, vào thời điểm 1960. Vì là trường công lập duy nhất, nên muốn được vào trường, phải trải qua một kỳ thi tuyển hết sức cam go. Mỗi năm, với hơn ba ngàn học sinh tốt nghiệp tiểu học trong tỉnh, trường chỉ tuyển vào khoảng hơn ba trăm học sinh lớp đệ thất. Toàn tỉnh Quảng Ngãi có chín quận, một thị xã và chừng một trăm xã, thị trấn. Nếu chia bình quân thì mỗi xã hoặc thị trấn sẽ có chừng 3 suất học sinh được tuyển. Tuy nhiên, giống như mọi thời đại, ưu thế lúc nào cũng dành cho học sinh thành thị. Điều này có nghĩa là học sinh ở thị xã Quảng Ngãi, các thị trấn ven quốc lộ Một như Đức Phổ, Thạch Trụ, Đồng Cát, Thi Phổ, Sông Vệ, Tư Nghiã, Thu Xà, Sơn Tịnh và Châu Ổ, thường chiếm ưu thế hơn, vì là con nhà buôn bán hay công chức có tiền, được cha mẹ chăm sóc, tìm lớp luyện thi đệ thất để trui rèn trước khi ứng thí. Với các học sinh con nhà nông như chúng tôi, việc thi cử, ganh đua cùng thiên hạ, cốt yếu chỉ dựa vào vài miếng võ rừng, tức là biết đến đâu thi đến đấy, hoặc phú cho câu: hoc tài thi phận. Chẳng thế mà suốt những năm trước 1960, xã Đức Quang của tôi, với hơn mười ngàn dân, mỗi năm may mắn lắm mới có một học sinh thi đỗ vào đệ thất trường Trung học Trần Quốc Tuấn.

Cũng cần nói thêm về cái “bối cảnh học thuật” của tỉnh Quảng Ngãi thời bấy giờ. Ngoài ngôi trường trung học công lập duy nhất Trần Quốc Tuấn, thì tại thị xã có các trường trung học tư thục Chấn Hưng, Bồ Đề, Kim Thông, sau này có thêm trường Hùng Vương. Còn tại mỗi quận, cũng có các trường bán công. Tuy tiếng là bán công, song học phí không hề rẻ hơn tư thục.

Như thế, kỳ thi đệ thất Trần Quốc Tuấn hàng năm, đối với đám học trò nghèo như chúng tôi có một ý nghiã quyết định cho tương lai, và cả cuộc đời. Bởi vì thi đỗ có nghiã là sẽ được tiếp tục việc học, dù gia cảnh nghèo túng đến đâu. Còn nếu hỏng thi, thì đối với nhiều bạn, có thể là dấu chấm hết của con đường học vấn.

Song niềm hãnh diện của người học sinh đỗ vào TQT không chỉ có thế. Học sinh TQT là những hạt gạo trên sàng. Đỗ vào Trần Quốc Tuấn có thể coi là đã lọt vào cái nôi tri thức lớn nhất của đất Quảng, và luôn nhận được những ánh mắt quý trọng, nâng niu từ cộng đồng.

 

* * *

 

Một buổi chiều mùa hè, sau kỳ thi đệ thất năm 1960 độ hai tuần lễ, tôi vừa đi đá banh với đám trẻ chăn bò về nhà, thì cha tôi gọi lại và bảo:

-“Hãy đi rửa mặt mũi chân tay rồi cha chở qua nhà chú Đức. Lúc nãy thằng Tân ghé đây. Nó mới đi coi bảng về, nói mày đậu đệ thất rồi, mà đậu thứ tư”.

Tôi nghe tim mình rộn lên một niềm vui khó tả. Tôi làm được bài, cũng hy vọng đỗ, song đây là kỳ thi tuyển, lấy từ trên xuống dưới, nên đâu có thể tính được là bao nhiêu điểm thì sẽ đỗ? Đỗ là quý rồi, đâu ai dám mơ đỗ cao. Chú Đức, nghe cha tôi thông báo, có vẻ không tin, nhưng rồi cũng chép miệng:

-“Nếu cháu chỉ cần đỗ đệ thất thực, không cần đỗ cao đâu, thì cũng quả là nhờ phúc đức ông bà rất lớn đó cháu”

Sáng hôm sau, Cha, anh Tám Ruộng và tôi đạp xe ra thị xã để xem bảng.

Anh Tám Ruộng, con bác Hứa, hơn tôi ba tuổi, cùng học tiểu học và cùng đi thi đệ thất với tôi. Bảng vàng xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp, nên tôi chen vào và tìm ra tên mình rất nhanh. Đỗ đầu bảng là Lại Hoàng Ân, chỉ thêm có hai cái tên nữa là đến tên tôi. Tôi cố gắng nán lại tìm tên anh Tám Ruộng, nhưng không thấy. Liếc sang bện cạnh, bắt gặp đôi mắt tuyệt vọng của anh Tám, tôi cảm thấy niềm vui của mình giảm đi hơn một nửa. Chúng tôi đành chen ra ngoài và gặp ánh mắt lo lắng của Cha. Khi nghe tôi báo “con đậu rồi, anh Tám rớt”, Cha an ủi anh Tám Ruộng, rồi kéo tôi và anh Tám ra đường, chiêu đãi mỗi người một ly nước mía.

Năm 1960 là năm mà học sinh xã Đức Quang của tôi khởi sắc trong kỳ thi đệ thất. Thay vì chỉ có một mống như các năm trước, năm nay Đức Quang có tới bốn người đỗ đệ thất TQT. Ngoài tôi ra, ba người còn lại là: Trần Đình Tân, Võ Xuân Liêm và Trần Văn Hoá. Bùi Thị Xuân Hoa cũng đỗ, nhưng vì là người Đức Quang mà học ở Tư Lương, nên được tính vào thành tích của xã Tư Lương.

Buổi khai giảng năm học 1960-1961 cho tôi một ấn tượng nhớ đời. Học sinh xếp hàng trước lớp học của mình, theo mô hình chữ U trên sân. Ở giữa là trụ cờ kế bên một cây dầu lai cao lớn. Sau lễ chào cờ, thầy Hiệu Trưởng Hà Như Hy đọc diễn văn khai giảng năm học. Khi giọng nói trầm ấm nhưng oai nghiêm của thầy vang lên, tôi cảm thấy như có một luồng điện chạy qua người. Thầy ân cần căn dặn học sinh nỗ lực học tập, gương mẫu kỷ luật để xứng đáng là học sinh Trần Quốc Tuần

Trường Trần Quốc Tuấn, những năm đầu thập niên sáu mươi, là điển hình cho một môi trường mô phạm xuất sắc: Thầy Hà Như Hy, trong vai trò Hiệu trưởng, đã rất thành công trong việc xây dựng nề nếp kỷ luật và học tập cho nhà trường.

Học sinh Trần Quốc Tuấn nổi bật ngoài phố với cái bảng huy hiệu to bằng nắm tay, màu xanh lục, ở giữa là ngọn lửa đỏ rực có chữ TQT, đính vào túi áo bởi ba hạt nút bóp, trên đó ghi rõ họ tên và lớp học. Đồng phục cho nam sinh từ đệ thất đến đệ ngũ là quần sooc xanh, áo sơ mi trắng. Cho nữ sinh là áo dài trắng. Trong khi học sinh thành thị chọn vải kaki Mỹ để may quần, vải poblin trắng may áo, tại các nhà may nổi tiếng hàng hiệu, “quần Nguyễn Thảo, áo Thái Hoa”, giày da sandale, thì đám học trò nhà quê chúng tôi chỉ dám mơ những chiếc áo vải phin, quần vải xita, và đi dép cao su, thậm chí chân đất. Rõ ràng là khi áp đặt đồng phục, người ta muốn tạo ra một môi trường bình đẳng, không có sự phân biệt giữa các học sinh. Song muốn là một chuyện. Xã hội tự nó đã là một môi trường bất bình đẳng, cho nên người ta luôn tìm cách phá vỡ những tiêu thức ước lệ, dẫu là trong những chuyện không có gì lớn lao, như chuiyện đồng phục học sinh.

Học sinh TQT đương nhiên là học giỏi, còn về các mặt văn nghệ, thể thao cũng chẳng kém ai. Ca sĩ Hồng Vân hồi đó cũng từng là một nữ sinh có giọng ca rất nhuyển của Trần Quốc Tuấn. Anh Huợt. em ruột ông Đồi Non, học trên tôi mấy lớp là thủ môn xuất sắc của tuyển bóng đá Quảng ngãi.

 

* * *

 

Muà Đông 1963, xảy ra chính biến 1 tháng 11. Chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Thầy Hà Như Hy bị thuyên chuyển. Thày Nguyễn Khoa Phước về thay. Học sinh chúng tôi cũng dần dà trưởng thành và bắt đầu có ý thức về thời cuộc.

Qua kỳ thi trung học đệ nhất cấp, tôi bước vào đệ tam B1, ban toán, và bắt đầu chơi thân với Lê Văn Nghĩa, khi hai đưá ở cùng nhà trọ trên ngã Năm. Lê Văn Nghiã tham gia “tổ chức” và thường lên lớp tôi về chủ nghiã Mác, trao đổi với tôi về chuyện người Mỹ thò tay khuấy đảo chính trường Việt Nam. Có điều, Nghiã chưa bao giờ chính thức rủ tôi tham gia vào “tổ chức”. Có lẽ Nghiã cho rằng trình độ “giác ngộ” của tôi còn quá non yếu. Một buổi chiều, đi học về, tôi thấy cảnh sát đến nhà trọ tìm Nghĩa. Tuy nhiên, hình như biết trước, Nghĩa đã cao chạy xa bay ra vùng “giải phóng”. Kế đó là Phạm Toàn. Toàn tổ chức một cuộc họp ngoài vườn của Nguyễn Cho để “giác ngộ cách mạng“ cho bốn đứa chúng tôi gồm: Nguyễn Đình Bảo, Nguyễn Cho, Nguyễn Văn Ất và tôi. Chuyện giác ngộ chưa đến đâu, thì Toàn cũng bỗng dưng biến mất, theo con đường của Lê văn Nghĩa.

Những dao động một cách ngây thơ về thời cuộc rồi cũng qua đi, chúng tôi trở lại với việc học hành thi cử. Người bạn tôi thân nhất ở đệ tứ là Phạm Văn Đông đã qua ban C. Sau khi Nghĩa “nhảy núi” thì tôi bắt đầu chơi thân với Nguyễn Đình Bảo. Tình bạn này rất gắn bó, từ năm đệ tam cho mãi đến ngày nay. Chúng tôi đã có một cuộc hành trình đẹp suốt 3 năm cuối trung học. Lên đại học, chúng tôi tạm chia tay, khi Bảo học Y, còn tôi học Dược. Hai trường Y và Dược khá xa nhau, Y ở quận 5, Dược ở quận 1. Sau “giải phóng”, thời cuộc lại kéo chúng tôi đến gần nhau trong những chuyến vượt biên toát mồ hôi lạnh. Cuối cùng thì Bảo cũng đi thoát, và hiện nay là một bác sĩ có tiếng ở New Jersey, Hoa Kỳ.

Lạ cái là học ban B, nhưng chúng tôi không say mê toán, mà lại yêu thích văn chương. Cũng dễ hiểu thôi. Hàm số, đạo hàm, logarit, quỹ tích, giải tích, parapol, hyperpol, conic…rõ ràng không thể hấp dẫn bằng chủ nghĩa Hiện sinh, trào lưu siêu thực, chủ nghĩa tự nhiên, hay Cuốn theo chiều gió hoặc Chiến tranh và Hoà bình…Nhờ tạp chí Văn, Văn Học…, chúng tôi làm quen với các tác giả nước ngoài: André Malreaux, André Maurois, Jean Paul Sartre, Simon De Beauvoir, Alber Camus cuả Pháp. Ernest Hemingway, Wiliam Faulkner, John Steinbech của Mỹ. Charles Dickens, Jack London, Wiliam Thackerey của Anh, Leon Tolstoi, Dostoievsky của Nga, Franz Kafka của Tiệp…

Nhóm văn chương trong lớp chúng tôi gồm Nguyễn Đình Bảo, Nguyễn Cho, Nguyễn Văn Ất và tôi, cùng quyết định sẽ ra một tờ báo trào phúng, lấy tên là báo “Đùa Dzai” để làm diễn đàn của nhóm. Báo được viết tay trên một tờ giấy “manh”, có bốn trang, cũng phân chia hàng cột rõ rang, và bố trí các tiết mục. Ai phụ trách mục nào thì mang “tờ bao” về nhà để viết. Khi nào các trang đã kín, thì chúng tôi cho báo “phát hành”

Nguyễn Cho được phân công làm chủ nhiệm với bút hiệu Cà Khịnh. Tôi được phân công làm chủ bút với bút danh Gà Điên và phụ trách hai mục. Xã loạn là mục nêu lập trường đấu tranh với các thói hư tật xấu trong lớp, kể cả thói hay…”dê” các nữ sinh của quý Thầy. Mục Liêu trai thì chế giễu thói ưỡn ẹo của các bạn nữ trong lớp... Và Nguyễn Đình Bảo, phụ trách mục ”Thơ…thẩn”, đã mô tả chúng tôi, bằng mấy vần thơ...thẩn, mà đã 45 năm qua, tôi vẫn còn nhớ:

Đứng đầu sỏ là tên Cà Khịnh
Dáng hơi gầy, khuôn mặt xinh trai.
Ba hoa thì hắn rất tài
Gái theo cả lũ chỉ hoài công thôi.
Rồi kế đến, một chàng rám nắng
Chính hắn ta là gã Gà Điên
Xung phong lập báo xuất tiền
Liêu trai, xã loạn làm liền một hơi
Dáng có vẻ chịu chơi ghê gớm
Mau tìm nhau cho sớm trước đi
Cô nào cũng được, cần gì,
Có nhau hủ hỉ sướng chi cho bằng.

 


 

Nguyễn Đình Bảo (thứ 3 từ trái qua) ở Capitol Hill, W.DC.

 

Muà hè 1965 đến, chúng tôi kết thúc năm học đệ Tam, như là một giai đoạn dưỡng quân, để chuẩn bị cho kỳ thi Tú tài bán phần đầy cam go trước mặt. Tôi nói cam go là có lý do của nó. Suốt từ năm 1961 đến 1965, cả xã Đức Quang của tôi hình như chỉ có một người vượt qua được kỳ thi khó khăn này. Những đàn anh của tôi, kể cả các ông Thầy dạy hè cho tụi tôi, như anh TVT, hơn tôi 3 lớp, cũng đang xếp hàng đi thi Tú Tài I chung với tôi. Ác nỗi, đây là kỳ thi phân định giai cấp. Nếu có bằng tú tài I mà bị động viên, anh sẽ là sĩ quan Thủ Đức với cấp chuẩn úy. Nếu không đỗ nổi Tú tài I, anh phải đi hạ sĩ quan Đồng Đế và sẽ là trung sĩ. Sau mười năm ở trong quân ngũ, một chuẩn uý sẽ có thể lên đến Thiếu tá, thậm chí Trung tá, còn một trung sĩ thì chỉ có thể lên đến Thượng sĩ nhất. Từ việc khác nhau về một vài điểm ở kỳ thi Tú Tài I, sau mười năm, khoảng cách cuộc đời giữa hai người bạn cùng lớp sẽ trở nên xa vời vợi.

Cuối năm đệ nhị niên khoá 1965-1966, Nguyễn Đình Bảo đứng đầu lớp, tôi đứng nhì. Chúng tôi chia nhau phần thưởng của phó tỉnh trưởng Lê Bá Khiếu. Tôi đỗ kỳ thi Tú tài I, cùng một số bạn ở Đức Quang: Tạ Vĩnh Ảnh, Trần Đình Lãnh, Trần Văn Trợ. Đây là năm bội thu Tú Tài I của xã nhà.

Lên đệ Nhất, tôi và Bảo vẫn chơi thân và học chung với nhau. Các môn Toán Lý Hoá thì hai đưá ngang ngữa, nên việc học chung rất lý thú và bổ ích. Nhưng Anh văn và Pháp văn thì Bảo vượt trội. Nguyễn Văn Ất cho rằng Bảo có ưu thế sinh ngữ, nhờ là con trai ông trưởng ty Bưu Điện, nhà có đài (radio), được học chương trình tiếng Anh của BBC và VOA. Tôi cũng nghĩ vậy và tìm cách vượt Bảo ở các môn Triết và Sử.

Rồi muà hè đến. Trước khi tan trường, giáo sư toán Bùi Khắc Lạc, đã coi giò coi cẳng tụi tôi:

-“Lớp Đệ Nhất B1 này may ra chỉ có 4 anh là có khả năng đỗ kỳ một: Nguyễn Đình Bảo, Lê Văn Công, Trương Thân, Nguyễn văn Ất”.

Kinh nghiệm những năm trước cho thấy, một lớp mà có đến 4 học sinh đậu Tú Tài toàn trong kỳ một, thì đã là điều không dễ. Còn giáo sư lý hoá Nguyễn Văn Thinh, cố vấn lớp đệ nhất B1 thì tỏ ra ngạc nhiên khi xếp vị thứ cuối năm. Ông bảo tôi:

-”Năm nay anh tiến bộ quá, đứng nhất lớp đệ nhất B1, xin chúc mừng”.

Tôi và Bảo chia nhau giải thưởng của bác sĩ Buì Hoành, tỉnh trưởng Quảng Ngãi.

Kỳ thi Tú tài toàn phần lần thứ nhất của năm 1967, toàn tỉnh Quảng Ngãi có bốn mươi mốt thí sinh trúng tuyển. Lớp đệ nhất B1 của tôi có đến bảy người, vượt xa ước đoán của Thầy Buì Khắc Lạc.

Có lẽ cuộc chiến tranh đang leo thang đã khiến cho nhu cầu tuyển mộ sĩ quan của quân đội gia tăng. Điều này dẫn đến việc Bộ giáo dục có xu thế nới tay trong các kỳ thi Tú Tài. Xu thế này càng rõ nét ở các kỳ thi Tú Tài những năm sau này, nhất là sau biến cố Mậu Thân.

 

* * *

 

Bây giờ ngồi đây, nhớ lại cái quãng đường bảy năm Trần Quốc Tuấn, có người nói với tôi rằng, có lẽ trong mỗi chúng ta sẽ chỉ còn đọng lại những kỷ niệm đẹp, những ấn tượng huy hoàng. Đã là quá khứ thì thường người ta chỉ nhớ lại những gì tốt đẹp nhất. Thông thường là như vậy. Tuy nhiên làm sao chúng tôi có thể quên được những tháng ngày vất vả, thậm chí đắng cay, của một thời tuổi trẻ nghèo khó, trong điều kiện quê hương triền miên lửa đạn. Chúng tôi sẽ không quên những bạn bè đã gục ngã, dù bên này hay bên kia chiến tuyến. Đó là Nguyễn Cho, Nguyễn Ái, Phan Thượng Dư, Lê Mừng, Đặng Kim Bảng mang màu áo Quân lực VNCH. Đặc biệt là Lê Văn Nghĩa và Phạm Toàn ở phiá đối nghịch. Tôi có nhiều bạn bè từng là sĩ quan hay viên chức chính quyền miền Nam, đi học tập trở về, vượt biên, đi HO, hay ở lại lập nghiệp trong nước. Tôi cũng có cả những người bạn đã ra đi và trở về trong hàng ngũ những người chiến thắng.

Song tự trong thâm tâm, lòng tôi luôn ray rứt hướng về những người bạn. Bất kể bên nào, từng một thời đoàn tụ dưới mái trường Trần Quốc Tuấn thân yêu, để rồi giấc mơ ngày trở về ngôi trường cũ, vĩnh viễn không bao giờ được thực hiện.

Lê Văn Công
12/2010

(*) Thơ Chế Lan Viên:
Khi ta ở đất chỉ là nơi ở,
Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn
.


Xem các bài khác Cùng tác giả tại đây
Xem thêm Bài liên hệ tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net  
 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh