Mở speakers ON, click vào mũi tên màu trắng để nghe âm-thanh.
Không muốn nghe nữa, click vào hai gạch song song thẳng đứng để OFF.
BEETHOVEN’S SYMPHONY #5
(Nhạc giao hưởng, xin chú ý việc điều chỉnh âm thanh)
PHÁN XÉT
Mai Kim Ngọc.
"Chào ân nhân", tiếng ông Tòa H. vang lên trong căn phòng vắng. Tôi ngẩng lên thấy ông đang từ phía cửa bước tới đứng trước mặt tôi. Từ thế ngồi nhìn lên tôi thấy ông đã cao lại còn cao hơn. Tôi biết ông không chủ tâm mà nụ cười tuy dụng ý thân thiết vẫn đúng mức với khung cảnh. Và khung cảnh là phòng xử tòa án hành chánh liên bang tại vùng vịnh San Francisco, tường lát gỗ đánh vẹc-ni, bàn ghế bằng danh mộc, bục phán quan đồ sộ cuối phòng kê cao hơn những đồ đạc khác, và lá cờ Mỹ rộng chừng nửa tấm chiếu trụ cờ gắn con ó vàng của pháp quyền liên bang.
"Ân nhân", tôi vẫn chưa quen mỗi khi bị gọi như vậy. Chuyện ơn nghĩa xảy ra hoàn toàn bất ngờ trong một phiên xử cách đây đã lâu. Hôm ấy ông vừa thẩm vấn đương sự chưa đầy năm phút thì ôm ngực ngã từ trên bục xuống thảm. Mới đầu tôi khá lúng túng. Chuyên ngành bệnh tâm thần từ bảy năm nay, tôi đã không có dịp cấp cứu hồi sinh nhân tạo cho ai.
Nhưng phòng xử chỉ có tôi là bác sĩ, việc tới thì phải làm. Tôi đỡ ông nằm ngay ngắn, sờ cổ thấy động mạch đã ngưng đập bèn giật phăng chiếc áo thụng đen và áp tai vào ngực ông nghe ngóng. Tim ông cũng đã ngưng, trong khi mắt ông đục dần.
Tôi đấm mạnh vào bên trái xương mỏ ác bệnh nhân, hy vọng kích thích trái tim đã ngưng. Khi tôi cúi xuống ghé miệng vào miệng ông định thổi hơi vào phổi ông, thì ông ú ớ rên. Sờ lại cổ ông thấy mạch tuy không đều nhưng đã trở lại... Lát sau xe hồng thập tự tới tiếp thu bệnh nhân và chở đi bệnh viện...
Sau cuộc mổ tim sáu tiếng và sáu tuần dưỡng bệnh, ông trở lại tòa làm việc mặc dầu bác sĩ khuyên ông nên nghỉ ngơi thêm. Ông kể rằng các bác sĩ cho ông hay là nhờ quả đấm thôi sơn của tôi mà trái tim ông đã kịp thời đập lại, và nhờ trái tim đập lại mà bộ não ông còn nguyên vẹn cho đến khi giải phẫu.
Tôi không kiêu căng vì đã cứu được ông tòa, chuyện tôi làm thì cô y tá, anh hướng đạo, thậm chí bác y công, sau vài giờ huấn luyện cũng làm nổi. Nhưng đúng thời, đúng lúc, nó đem lại cho tôi một người bệnh biết ơn.
Ông trở nên thân với tôi. Hoàn cảnh thuận lợi cho công việc nhưng lại có cái phiền của nó. Khi thân rồi, ông tòa H. tự cho mình quyền chỉ dẫn cho tôi về cuộc sống tại tòa, nhất là về cách đối xử với những thành phần xấu thỉnh thoảng gặp trong khi hành sự.
Tất nhiên là ông biết đa số các đương sự tới tòa hành chánh này đều xứng đáng được lãnh trợ cấp. Một đời làm việc tận tụy, thuế má đóng hẳn hoi, chẳng may bệnh hoạn mới nhờ đến chính phủ thì có được giúp cũng là lẽ công bằng. Chỉ một số nhỏ không lương thiện coi quỹ an sinh như con bò vắt sữa, và ông muốn cảnh giác tôi về đám này.
Ông rổn rảng nói:
"Lát nữa có một trường hợp điển hình cho đám dân nghiện ngập. Chắc chắn bác sĩ sẽ có dịp học hỏi nhiều về tâm lý đám vô lại."
"Vậy sao?"
Tôi thờ ơ trả lời, cố không lộ ra sự khó chịu với giọng gia trưởng của tòa H. Tôi mong sau mấy câu thăm hỏi ông sẽ trở về văn phòng và để tôi yên. Nhưng ông không trở lại văn phòng. Ông gợi chuyện:
"Hôm nay bác sĩ đến sớm thế?"
"À, sáng nay tự nhiên xa lộ thoáng lắm, hóa ra tôi lợi được mươi phút. Nhưng ông Tòa cũng đến sớm như tôi."
Nói xong tôi để ý đến sự bất thường. Tòa H. thường 9 giờ mới bắt đầu làm việc. Theo lý thuyết thì ông ở lại sở trễ hơn mọi người, nhưng không ai bấm giờ ông và có lẽ chút đỉnh sớm muộn tùy nghi là điều có thể chấp nhận nơi vị phán quan trưởng thượng...
Ông giải thích:
"Nhà tôi hôm nay có hẹn bác sĩ. Tôi chở con đi học nên tới sớm."
"Cháu học lớp mấy rồi, ông Tòa?"
"Lớp 5, chương trình Gate."
Tưởng tôi không quen thuộc với hệ thống giáo dục Mỹ, ông cắt nghĩa:
"Chương trình Gate dành cho trẻ em sáng dạ và chăm học…”
Kiêu hãnh, ông nói tiếp:
"Để tôi lấy ảnh thằng Vincent cho bác sĩ xem."
Ảnh thằng Vincent thật ra là ảnh một gia đình ba người, có bố, có mẹ, và có cậu con trai nhỏ, chụp trên chiếc du thuyền. Xa xa đằng sau là ba hòn đảo Catalina. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ảnh vợ con ông. Tòa H. có tiếng là giữ đời sống riêng cách biệt với công việc, ít chia sẽ với ai về gia cảnh mình.
Ánh mắt trìu mến, ông nói về người đàn bà trong ảnh:
"Marie bơi giỏi lắm. Hồi đi học, nhà tôi là một nữ sinh viên sinh động lắm. Trước khi làm cán sự tâm bệnh lý, Marie đã có hồi là huấn luyện viên bơi lội..."
Trong tấm hình, Marie đẹp như người mẫu, chỉ khác là khuôn mặt rất có hồn, có cá tính. Người đàn bà xem ra đa cảm, với cái miệng tươi, không cười mà vẫn như cười. Lại trẻ quá, trông chỉ khoảng ba mươi lăm ba mươi sáu.
Tôi tránh không nhìn lại mái tóc bạc của ông tòa, chợt nghĩ thời buổi này chuyện bỏ vợ già đi lấy thư ký trẻ và những bất an của cuộc sống lứa đôi xem ra cũng không kiêng gì giới phán quan.
Ông Tòa nói:
"Tôi mới tục huyền tám năm nay, vợ đầu tôi mất hai mươi năm rồi, vì bệnh ung thư nhũ hoa."
Giọng phân bua của ông làm tôi nghi ông đã đọc được sự phán xét ngầm trong đầu tôi. Xem ra mấy thập niên ngồi tòa, ông đã thành thạo đọc ý nghĩ người ta, từ luật sư, can phạm, cho đến bác sĩ giảo nghiệm. Ông kéo ghế ngồi xuống bên tôi, tâm sự:
"Bệnh gì mà tệ hại và đau đớn quá. Hai mươi lăm năm rồi, nghĩ lại những cơn đau của nhà tôi mà tôi còn thấy xót xa. Thành thử, tôi phải luôn luôn nhắc Marie hàng năm đi khám chuyên gia về vụ này... Mà bác sĩ à, ung thư nhũ hoa bây giờ không còn độc hại như xưa phải không?"
Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn vì mõ tòa bước vào trịnh trọng báo cáo sắp đến giờ khai mạc phiên xử. Ông đứng dậy trở về văn phòng, để khi mọi người túc trực sẵn mới trở lại.
Tòa hành chánh không có phạm nhân, chỉ có đương sự trong vai bên nguyên khiếu nại cơ quan cấp dưới đã khước từ họ những quyền lợi này kia. Vậy mà nghi lễ vẫn trịnh trọng, mọi người gọi ông tòa bằng Your Honor, tước vị có lẽ tương đương với chữ Ngài hay Quan lớn của nền tư pháp phong kiến nước ta ngày xưa.
Bên nguyên hôm nay là một người đàn ông khoảng 50, da trắng, tên T. Anh ta bất mãn vì bị sở an sinh cắt tiền trợ cấp từ đầu năm dương lịch, theo tinh thần đạo luật mới là bệnh tật do rượu và xì-ke gây ra không được hưởng quy chế tàn phế. Phiên tòa được triệu tập để xét xem anh có vấn đề gì khác ngoài bệnh rượu để hưởng trợ cấp.
Anh T. và luật sư của anh chọn bệnh đau cột sống và bàn tọa làm đề tài mới. Như được tập luyện trước, sau năm phút thẩm vấn T. kêu đau lưng, xin được uống nước. Uống xong ly nước luật sư rót cho, T. xin phép nằm xuống thảm để bớt đau. Ông tòa chấp thuận. Trong thế nằm, anh vừa rên vừa trả lời vọng lên. Tuy vẫn một mực bẩm quan, thưa quan, anh rên rất to.
Hoàn cảnh có thể trở thành khôi hài, nhưng tòa H. vẫn bình thản. Ông quay sang hỏi tôi là rên có bớt đau không? Tôi trình bày rằng người đau hay rên, nhưng bớt đau thì không chắc. Ông lại hỏi không rên có đau hơn không, tôi trả lời không. Ông quay sang bên nguyên phán rằng căn cứ trên ý kiến của pháp y, bệnh nhân có thể uống thêm thuốc chống đau nhưng khẳng định phải ngưng rên vì không có lý do chính đáng. Tôi ngạc nhiên là anh T. vâng lời tức thì. Lát sau, anh khai đã bớt đau và xin ngồi lại ghế. Từ đấy về sau anh nghiêm túc và lễ phép cộng tác với cuộc thẩm vấn.
Khi đến lần tôi trình bày hồ sơ bệnh lý, tôi muốn giúp anh. Tuy ngoài bệnh rượu anh không có bệnh gì quan trọng, nhưng cuộc đời anh ghi trong hồ sơ thảm thương quá. Cha bỏ đi biệt tăm từ khi anh sáu tuổi. Dượng anh làm thợ xe tại một ga-ra gần xa lộ liên tỉnh. Y có tật đồng tính luyến ái, hãm hiếp anh hồi anh tám tuổi, lại đánh đập anh thường xuyên. Y rượu chè thuốc sái, có tiền án về tội ăn trộm xe hơi, đôi lần làm ngân phiếu giả, nhiều lần ăn cắp lốp xe bình điện của ga-ra đem đi bán. Mẹ anh bị y hành hạ đánh đập, nhưng nhất định đeo theo người đàn ông vô lại. Lần cuối cùng y vô tù, bà làm điếm để nuôi con. Có thể bà làm điếm từ trước, nhưng chung cuộc là hôm y được về phép bất thần, bắt được quả tang vợ đang đi khách, bèn đánh vợ đến xảy cái thai ba tháng...
Bà được cứu sống, nhưng y tá và bác sĩ báo cáo với nhân viên công lực về những dấu tích hành hung phát giác trên cơ thể nạn nhân. Khi cảnh sát đến bắt thì y kháng cự rồi sau cùng tự bắn vào đầu bằng khẩu súng lậu mua từ bao giờ và giấu ở đâu chẳng ai biết.
Mẹ T. ở bệnh viện về, tiếp tục làm điếm, lâu lâu lại bị kiểm tục bắt, sau cùng mắc bệnh lao và qua đời trong nhà thương thí. Mồ côi, T. luân lưu từ cha mẹ nuôi này đến cha mẹ nuôi khác do nhà nước chỉ định, thỉnh thoảng đụng độ lặt vặt với pháp luật...
T. học được nghề sửa xe như bố dượng ngày xưa, nhưng làm chỗ nào cũng không bền. Anh nghiện rượu từ năm 15 tuổi. Và nhờ suy nhược thần kinh và thân xác do rượu gây ra, anh đã được quỹ an sinh cấp dưỡng mấy năm nay. Anh hy vọng chứng đau cột sống và bàn tọa sẽ giúp anh được tiếp tục trợ cấp. Anh khai cai rượu đã được ba tháng, nhưng sau 15 phút trả lời ông tòa, hơi thở anh làm phòng xử nồng nặc hơi men.
Tôi tìm cách cứu anh:
"Kính thưa tòa, chiếu theo hồ sơ thì tất cả bệnh tình của đương sự là do rượu mà ra. Nhưng rượu chưa phải là nguyên do chính... Nguyên do chính là hoàn cảnh đương sự... Từ ấu thơ anh đã thua thiệt quá nhiều..."
Ông tòa lắng nghe, nhướn cặp lông mày. Tôi làm bộ tự tín, dõng dạc nói tiếp:
"Kính thưa tòa, đương sự đã không được sự nâng đỡ dìu dắt tối thiểu, nói chi đến sự khoan dung của cha mẹ. Nên chi nghiện rượu..."
Đến đây thì tòa H. ngắt lời tôi. Ông tuyên bố chỉ cần ý kiến tôi về y học. Vì hoàn cảnh nọ kia mà nhân nhượng hay không nhân nhượng cho bệnh rượu là bổn phận và lãnh vực của ông. Tôi bị ne vào đường rầy của y pháp, chỉ còn nước tiếp tục và hoàn tất bản phúc trình bất lợi cho đương sự.
Ông tòa cám ơn khi tôi hết lời. Sau khi phát biểu lòng thương xót quy ước cho bên nguyên, ông tuyên bố không có khoản nào trong bộ luật mới cho phép ông phán quyết thuận lợi cho đương sự. Trong vòng 30 ngày, đương sự sẽ được thông báo chính thức. Và ông tuyên bố bế mạc phiên tòa...
Nhớ lại cuộc đời vô vọng và trường kỳ gian khổ của đương sự, tôi bỗng thấy cái phán xét của tòa H. máy móc và mau chóng đến chỗ thiếu từ bi. Đã chứng kiến những dịp ông thông cảm và chấp thuận trợ cấp dễ dàng cho những người có quá trình lao động nghiêm túc trước khi tàn phế, ông đã cứng rắn đến chỗ nhẫn tâm với đương sự hôm nay.
* * *
Vụ xử thứ hai phút vào phút chót bị bãi bỏ. Luật sư cho hay thân chủ của ông ta hôm nay uống thuốc chống đau mà sao không thấy hiệu nghiệm nên xin tòa hoãn đến phiên khác. Khi người luật sư đi rồi, ông tòa giảng cho tôi là chắc đương sự hôm qua quá chén, hôm nay chưa dã rượu nên không dám tới công đường. Cắt nghĩa xong, ông trở về văn phòng bên kia hành lang.
Quá trễ để làm việc gì khác, tôi ngồi lại phòng xử lấy cuốn tiểu thuyết ra đọc, đợi tới giờ sẽ ra cafeteria của pháp đình ăn trưa. Tôi đọc chưa được bao nhiêu thì cửa phòng xịch mở. Ông tòa H. trở lại, một tay cầm chiếc bình cà-phê thủy tinh tròn đai sắt loại chính phủ liên bang cung cấp cho các công sở, tay kia mấy chiếc ly bằng bọt nhựa trắng chồng lên nhau.
“Bác sĩ uống chút cà-phê nhé?” ông mời tôi.
Rõ ràng là ông lại muốn nói chuyện. Tôi ngần ngại, tiếc rẻ cuốn tiểu thuyết hay mà mấy trang đầu vừa đọc xem ra hứa hẹn nhiều hấp dẫn. Tuy nhiên tôi không có cách gì khác là gấp sách lại để tiếp ông. Ông vừa rót cà phê, vừa nói:
"Lúc nãy tôi ngắt lời, bác sĩ có bực không?"
Tôi xã giao:
"Câu chuyện có gì đâu, ông Tòa. Mà quả thật tôi cũng có lạc đề, toan lái sang diện nhân tâm và hoàn cảnh... Nếu ở địa vị ông Tòa, chắc tôi cũng ngắt lời bác sĩ giảo nghiệm như ông Tòa đã ngắt lời tôi.”
Ông nửa đùa nửa thật nói ông biết những người thông minh mà lạc đề là có chủ đích. Rồi nghiêm trang, ông bảo ông thấy tôi quá dễ bị thuyết phục bởi con người nghiện hút hôm nay. Vợ ông cũng có xu hướng đó. Ông tò mò là tại sao đám dân ghiền lại có khả năng quyến rũ tất mạnh với những người bình thường như bà Marie và tôi.
Tôi thoáng ngạc nhiên, bà tòa biết gì về dân xì ke mà phát biểu về họ. Đem những trường hợp đã xử lý ở tòa về nhà kể cho vợ nghe không phải là cung cách của tòa H. Nhưng ông đã nói tiếp:
"Bác sĩ biết đấy, nghề bác sĩ cũng như nghề thẩm phán, phải giữ khoảng cách thôi, phải lùi lại một bước mà ứng xử. Đem cảm tính ra hành nghề thì không thể lâu bền được."
Tôi đối đáp:
"Tôi nghĩ chỉ có phần pháp y là nghề tôi mới giống nghề ông tòa. Còn phần trị liệu lấy thương người làm gốc. Ở phòng mạch, bệnh nhân có bệnh thì tôi chữa, có đau thì tôi ráng giảm đau cho họ...
"Chỉ có ở tòa là chúng ta không chữa bệnh mà phán xét là cái đau có đáng đồng tiền trợ cấp của chính phủ hay không. Có lẽ phải ít lâu nữa tôi mới quen với cách làm việc ở đây, là phán xét mà không nhìn đến hoàn cảnh gia đình và xã hội..."
Ông nói cụt ngủn:
"Tôi phán xét theo bộ luật của tòa, mà tôi nghĩ trong địa vị pháp y, bác sĩ cũng nên làm như vậy."
Câu chuyện của tôi với ông tự nhiên căng thẳng vì một lý do chẳng đâu vào đâu. Tôi thấy không có gì phải bàn thêm, và định bụng từ nay sẽ tránh những cuộc cãi lý vô bổ như vậy. Tôi lại nghĩ đến cuốn tiểu thuyết vừa gấp lại, và hy vọng thấy tôi không còn mặn chuyện, ông sẽ bỏ đi.
Nhưng ông không bỏ đi. Nửa như sửa sai cho cái cộc lốc của mình, nửa như có chuyện phải hỏi cho ra, ông mềm giọng:
"Đương sự trong vụ xử vừa rồi làm bác sĩ xúc động đến vậy sao?"
Tôi nói:
"Xúc động thì không đúng. Có lẽ tôi thắc mắc là bị ông tòa cắt trợ cấp rồi, con người đã xuống tận đắt đen như đương sự sẽ ăn đâu, ngủ đâu?"
Ông tòa như sẵn câu trả lời:
"Vợ tôi cũng đã hỏi tôi những câu tương tự. Nhưng trả lời thì cũng dễ thôi. Sự thật là chính phủ liên bang hay quận hay tỉnh đều có những chỗ cho họ tá túc tạm thời. Nhưng bất đắc dĩ họ mới dùng tới, vì những nơi ấy tất nhiên là phải theo kỷ luật.
"Họ ngủ bờ ngủ bụi, ngủ dưới gầm cầu xa lộ. Không, tôi nói chưa đúng hẳn. Mới đầu họ ngủ trong xe tối tối đậu trong một bãi xe công cộng nào đấy. Cho đến khi bán nốt xe đi để mua rượu uống..."
Rồi ông lẩm nhẩm, "Chiếc xe Corvette mới mua chưa đầy năm bán đi chưa được một phần nửa giá, bất cần cha mẹ phải vất vả bao nhiêu mới mua cho con được món đồ chơi đắt tiền ấy..."
Ai bán xe Corvette, tôi ngạc nhiên toan hỏi nhưng ông đã nói tiếp:
"Còn ăn ấy ư? Bác sĩ đoán đi, họ ăn bằng gì nào?"
"Bằng... tiền ăn xin", tôi trả lời để thoáng tức cười trong bụng vì thấy mình như một học sinh rụt rè trước cái bẫy của thày giáo. Và như một thày giáo, ông giảng giải:
"Không phải. Họ đi ăn xin, đồng ý. Nhưng tiền xin được, họ mua rượu. Còn ăn, họ ăn bằng những đồ moi ra từ thùng rác ra. Với họ thùng rác là tủ đồ ăn, với thực phẩm hư thối siêu thị vứt đi, với những món thực khách ăn thừa bỏ lại, vài miếng khoai chiên, góc cái bánh Hamburger... Còn uống ấy ư? Dễ lắm, họ uống bằng những vòi nước tại các công viên. Nếu không tiện, họ có thể vào mấy nhà xí công cộng....
Tôi nói:
"Ông tòa không từ bi với những người thất bại."
Ông lại nhìn tôi, với cái nhìn dành cho một người không từng trải mà lại ưa bàn về sự đời. Gần như độ lượng, ông bảo:
"Vấn đề là bác sĩ nói chuyện nghiện ngập như từ ngoài nói vào, với sự đa cảm của người bình thường không chút kinh nghiệm gì về tâm lý dân ghiền.
"Sự thật là các bợm ghiền vào đây xin tiền đều đã được luật sư mớm cho đầy đủ bài bản. Mà không cần ai dậy, một khi sự nghiệp bình sinh là ăn bám xã hội, người ta sẽ phát triển rất nhanh những ngón tài vặt ấy.
"Vài tháng nữa, hai ba chục vụ nữa, bác sĩ sẽ thấy câu chuyện của y hôm nay giống hệt câu chuyện của mọi dân nghiện hút khi ngửa tay xin tiền trợ cấp. Cũng bị cha mẹ đánh đập, cũng một thủa thơ ấu thua thiệt, thậm chí cưỡng dâm... Lỗi bao giờ cũng ở người khác...
"Đám này không phải là không láu cá đâu nhé. Họ bấm mặt, bác sĩ muốn nghe chuyện gì họ sẽ kể cho nghe chuyện ấy... Họ bán thân xác, bán con cái, bán cha mẹ, bán cả Chúa để có tiền nghiện..."
Nét hằn học nơi ông làm tôi khó chịu. Tôi buột miệng:
"Ông tòa có một ác cảm phủ tạng với bệnh nghiện rượu. Tôi sợ như vậy không công bằng, nhất là ở tư thế phán xét người khác..."
Ông sững người, ngồi thẳng lại, tay dơ lên như muốn đập bàn. Tất nhiên là ông tự kiềm chế được và ngưng lại kịp thời, nhưng để lộ sự nóng giận dù trong vài giây cũng quá bất thường nơi tòa H.. Bất ngờ, ông thay đổi thái độ, trầm giọng xuống bảo tôi:
"Đúng, tôi không ưa dân nghiện ngập, không chỉ nghiện rượu mà thôi mà tất cả mọi thứ nghiện ngập trên đời này. Tôi có kinh nghiệm quá gần với nghiện ngập. Con trai đầu của tôi là một bợm ghiền."
Bây giờ thì tôi hiểu. Ngoài cậu út học giỏi, ông bà tòa còn có một cậu khác nghiện ngập đáng ghét bỏ. Ông kể thằng con ông mới đầu uống cho vui. Nó uống rượu từ khi còn học trung học nhưng giỏi giấu diếm nên ông không biết. Tốt nghiệp đại học cấp một, bắt đầu có việc làm thì nó uống nhiều hơn và sau cùng trở thành nghiện. Nó giữ được bề ngoài và sinh hoạt bình thường thêm vài năm để sau cùng cũng mất việc. Từ đó là cuộc xuống dốc không thắng. Nó đã làm tất cả những chuyện tồi bại của người nghiện. Ngủ đường, ngủ chợ, lục thùng rác kiếm đồ ăn, thậm chí đã làm cả đĩ đực trên Tacoma. Sau cùng lấy lý do bệnh tâm thần nó xin trợ cấp xã hội.
Tòa H. nói:
"Bác sĩ có thể tưởng tượng là nó khai là tôi vì công danh sự nghiệp đã sao nhãng dậy dỗ nó nên người. Nó còn khai đã bị tôi ép dâm khi nó mới mười một tuổi. Quả là thằng con tôi đã có hồi từ giã cõi người ta để gia nhập cảnh sống của giống súc sinh."
Nói xong ông ngồi yên lặng, không biết vì quá mệt sau câu chuyện đau lòng hay xấu hổ đã ủy mị tâm sự riêng tư với người ngoài. Nhưng chỉ phút sau ông ngồi lại tư thế bình thường, thư giãn như người vừa trút được bầu tâm sự. Tôi đứng dậy cáo từ, nói dối là phải trở về phòng mạch vì có hẹn với bệnh nhân.
* * *
Ít hôm sau tôi gặp ông trong cafeteria của pháp đình. Xã giao tôi hỏi thăm chuyện gia đình, không ngờ ông lại đem việc nhà ra kể. Tôi thoáng ngạc nhiên, rồi nghĩ ai cũng cần có người tâm sự, kể cả tòa H. Ông đã chọn tôi để tâm sự có lẽ vì cảm thấy không cần giấu diếm gì với người đã chứng kiến cảnh ông nằm hấp hối sóng soài dưới đất, phơi trần trụi bộ ngực xương không còn được che bởi chiếc áo thụng đen uy quyền của phán quan.
Ông sung sướng khoe cậu út không những học giỏi lại có khiếu về thể thao, được tuyển vào đội quần vợt của trường. Ông cho hay bà Marie vẫn bình thường, vẫn thương người, vẫn là niềm hạnh phúc và kiêu hãnh của ông.
Tôi hỏi thăm cậu cả, ông bảo:
"Thật ra câu chuyện không đen tối lắm. Hôm trước, mải nói về sự sa đọa do rượu gây ra, tôi không kịp cho bác sĩ hay là thằng con tôi đã cai rượu được hơn năm nay."
Và ông kể gần hai năm trước, ông quyết định dùng biện pháp mạnh, nhất định không cho con trai thêm một đồng, nếu anh ta không sửa đổi. Ông lại căn dặn bạn bè không được giúp, kể cả các vị đồng nghiệp có phận sự xét đơn xin trợ cấp của anh ta. Anh ta chống đối thêm một thời gian rồi cũng chịu thua và xin ghi tên vào bệnh viện chuyên môn để cai rượu.
Mấy tháng sau và 20 ngàn đồng phí tổn lấy từ tiền dành giụm của ông ra, con trai ông đã bỏ được rượu. Cho đến bây giờ, anh ta không đụng tới một giọt bia, một giọt vang, chỉ uống toàn cà-phê và nước ngọt. Đã gần năm nay anh ta kiếm được việc làm đốc công cho một hãng sản xuất ống cống bên San Jose.
Tôi cộng nhẩm trong đầu những năm tháng đi học, đi làm, nghiện ngập và nằm nhà thương cai rượu vân vân, và nghĩ cậu con cả của ông không còn bé bỏng gì.
Tôi hỏi:
"Cậu cả năm nay bao nhiêu tuổi?"
"Ba mươi ba."
Tôi chợt nghĩ đến tấm ảnh gia đình ông cho tôi coi hôm trước, với bà Marie còn quá trẻ để có con lớn như vậy. Như biết tôi nghĩ gì, ông tòa cắt nghĩa:
"Nó là con vợ trước của tôi."
Rồi ông bảo công của Marie rất lớn. Nguyên là cán sự tâm bệnh lý sở trường trong việc cố vấn kẻ nghiện, Marie đả bỏ nhiều công lao thời giờ để làm việc với con ông. Không có Marie thì thằng cả chắc không bao giờ ra khỏi được vũng bùn.
Ông lại nói:
"Nó bắt đầu biết lo cho bản thân, lo cho bạn gái cũng vừa cai xì-ke. Mấy tháng trước nó tỏ ý muốn cưới con bé và cùng nhau làm lại cuộc đời. Tất nhiên là nó muốn tôi giúp vốn mua một căn hộ để ở với vợ mới cuới. Nó bảo hai đứa cùng đã qua cảnh khốn khổ như nhau sẽ hiểu nhau, nâng đỡ nhau, và có lầm lỗi gì cũng sẽ tha thứ cho nhau...
“Tôi thấy con nói cũng hợp lỳ, nhưng Marie khuyên tôi nên cản. Marie xem tướng cô gái, thấy không có khả năng làm người vợ tốt. Hai đứa có lấy nhau cũng không bền mà chỉ đem lại khổ sở cho con tôi..."
Tôi tò mò về bà Marie. Tôi nhớ lại khuôn mặt xinh đẹp thông minh và hiền hậu của bà trong tấm ảnh, thấy lại nét chữ mềm mại của bà trong tấm thiếp mời tôi tới dự bữa ăn Thanksgiving với gia đình sau khi ông mổ tim thành công. Tôi tiếc rẻ nghĩ nếu đã không vì bận mà từ chối bữa ăn ấy, tôi đã được biết rõ hơn về người đàn bà đặc biệt. Bà đã không ghen tuông với quá khứ của chồng, không bận tâm với sự chênh lệch tuổi tác, lại từ bi bỏ công ra cải huấn đứa con ghẻ cho nó trở lại làm người từ cảnh sống của giống súc sinh.
Ông tòa lại nói:
"Về vụ con bạn gái của thằng con tôi ấy mà, mới đầu tôi cho là đàn bà thường ít rộng lượng với đàn bà. Nhưng tôi phải công nhận Marie tinh lắm. Vợ tôi thường thấy những cái mà có khi tôi không thấy. Marie còn nói con tôi mới phục hồi, người chết đuối vừa được vớt lên sức đâu mà vớt nổi người chết đuối khác."
Ăn tới món tráng miệng, ông tòa bỗng hỏi tôi:
"Thằng con tôi xin dọn về nhà ở, bác sĩ nghĩ sao?"
Câu hỏi đột ngột làm tôi suy nghĩ. Tôi bỗng thương hại cậu con cả của ông. Bị ông trị cho đến chỗ thuần thục, con ngựa bất kham này đã đầu hàng vô điều kiện. Con trai ông trên ba chục tuổi đầu bây giờ không những đã nghe ông trong chuyện yêu đương, mà còn xin về ở với ông. Không biết tìm lại được đời sống gọi là bình thường, anh ta có tìm lại được bản ngã không, hay đã trở thành con bún trong tay bố.
Tôi bàn chung chung:
"Đó cũng là triệu chứng tốt."
"Tất nhiên tôi biết đó là triệu chứng tốt. Nhưng chuyện tôi muốn hỏi bác sĩ là có nên cho nó về hay không. Tôi nghĩ nó có thể nguy hiểm cho những người bình thường xung quanh."
Mới đầu tôi nghĩ đến bà Marie, một người đàn bà còn trẻ, tốt bụng, có thể dễ tin... Nhưng tôi lại nghĩ không phải, vì bà là cán sự tâm lý học không xa lạ gì với giới nghiện ngập để bị mắc lừa. Có lẽ ông ngại cho thằng út mới chín tuổi của ông. Hai anh em nó sẽ thân nhau như mọi anh em trai, mà đời sống của thằng lớn còn quá cồng kềnh với bao nhiêu hành lý bất thường.
Tôi hỏi cậu út có thắc mắc tại sao cậu cả xuất hiện trễ như vậy trong đời sống gia đình. Ông bảo:
"Có, nhưng tôi giải thích là anh nó đang trị một bệnh truyền nhiễm có thể lây sang trẻ con nên chưa tiện dọn về."
Rồi ông lập lại câu ông hỏi mà tôi chưa trả lời:
"Bác sĩ nghĩ có nên cho nó về không?".
Tôi trả lời nước đôi:
"Ông tòa cẩn thận thì cũng phải. Nhưng nếu cậu cả đã hoàn toàn phục hồi, thì anh em đoàn tụ là chuyện cũng nên."
Ông nói:
"Nhà tôi thì muốn cho nó về. Marie nghĩ chuyện quá khứ phải tha thứ thôi, tha thứ hoàn toàn, cho kẻ đã hồi tâm một cơ hội làm lại cuộc đời..."
Tôi đợi nghe tiếp. Ông không nói gì thêm, chăm chú khuấy thêm đường vào tách cà-phê nhưng nét mặt lại tư lự. Sau cùng ông bảo tôi:
"Như tôi vẩn nói, Marie có nhiều điểm giống bác sĩ, rộng lượng với những người thất cơ lỡ vận. Kể thì tốt, tính rộng lượng nơi người nữ cũng là điều nên. Nhưng ở địa vị bác sĩ và tôi, thì rộng lượng có khi bị họ lừa...”
* * *
Sau cùng tôi có dịp gặp vợ con ông tòa, nhân một hôm tình cờ chúng tôi không hẹn mà tới cùng một tiệm ăn. Tình cờ bạn tôi hỏng xe dọc đường tới trễ, nên tôi nhận lời uống chung ly rượu khai vị với ông bà tòa. Sau khi giới thiệu tôi với vợ, ông quay sang con trai đầu:
"Đây là thằng C. tôi vẫn nói chuyện với bác sĩ."
Vừa nói ông vừa vỗ nhẹ vào lưng người đàn ông trẻ. Bàn tay ông tòa tự tại thoải mái mà trông nặng như cái cùm đặt trên lưng con ngựa bất kham ông đã trị cho thuần thục. Tôi nhớ cũng bàn tay này đã vỗ vai tôi lần ông cao hứng thuyết phục tôi rằng phương án cải huấn của ông tuy cứng rắn nhưng bản chất lại từ bi theo lối riêng của nó. Rõ ràng là làm con ông tòa chắc không phải là chuyện dễ dàng...
Tôi bắt tay C., trao đổi đôi câu xã giao với anh. Tôi ngạc nhiên thấy anh không thê thảm như ông tòa kể lại. Anh cao và mảnh khảnh như bố, quần jean ôm lấy hai ống chân dài, sơ-mi ca-rô bằng dạ mỏng loại thợ thuyền thường mặc, tay áo sắn cao lộ những bắp thịt gân chắc. Khuôn mặt anh xương xương, vừng trán rộng có món tóc rơi ngang, đẹp như khuôn mặt ông tòa, nhưng trẻ hơn. Cũng đôi mắt xanh biếc, cũng cái mũi cao và mảnh, nhưng cái thần của người con khác cái thần của người cha.
Nơi anh vắng cái tự tại của bố, mà hiển hiện một nỗi buồn thâm sâu. Thật ra nỗi buồn ấy còn buồn hơn cả buồn, mà là cái bơ vơ vô cùng bất an của người đã có lần xuống tận địa ngục rồi trở về. Bầu trời nội tâm thoáng đằng sau đôi mắt anh nặng những đám mây đen của những sa đọa trải qua chưa lâu.
Chỉ lạ là gương mặt hèn yếu này không tạo ra khinh bỉ. Nó tạo ra tội nghiệp. Thật ra nó có cái xúc tích của những người đã đau những cái đau lớn, đã nhục những cái nhục lớn, đậm đà như câu chuyện một cảnh đời đáng thương tâm. Tôi không ngờ chân dung của thất bại có thể hấp dẫn đến mức ấy. Nó làm cho gương mặt quắc thước của ông tòa tuy oai nghiêm đấy nhưng trở thành đơn điệu vô hồn.
Tôi quay sang bà Marie, bắt gặp bà đang nhìn con chồng, kẻ nghiện hút bệ rạc mà bà đã giúp cho phục hồi nhân cách. Đôi mắt đen láy có niềm vui sướng và kiệu hãnh của người đang ngắm tác phẩm thành công của mình... Nhưng rồi tôi giật mình. Ánh mắt của người đàn bà còn có một cái gì khó tả, một cái gì không chỉ định chính xác được, nhưng vẫn rành rành chứng tỏ rằng cái ma lực có sức hút nam châm tôi cảm thấy nơi người đàn ông bệ rạc, Marie cũng cảm thấy.
Tôi chợt nhớ lại lời ông tòa nói với tôi về vụ con trai xin dọn về nhà, và cũng nhớ sự ngần ngại của ông. Tôi bỗng thấy có cẩn thận như ông cũng không quá đáng.
Tôi trốn những điều xấu xí hay nguy hiểm sắp nghĩ, mà tích cực nghĩ tới những người vì từ bi hàng ngày sinh hoạt sát gần tội lỗi mà không bị tội lỗi dính vào. Những Quan Âm ấy như những bông sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn... Dù sao, tôi hy vọng Marie kinh nghiệm nghề nghiệp cao, biết giữ khoảng cách với công việc, biết không nên quá gần với thân chủ, biết lùi lại một bước mà hành nghề, như chồng bà vẫn khuyên tôi.
"Thế là bác sĩ đã biết gia đình tôi", ông tòa nói. Ông nói đúng. Thật ra tôi có cảm tưởng đã biết anh C. và Marie hơn là tôi biết ông. Trừ sự thiếu khoan dung của ông với nghiện ngập, trừ sự nghiệp đáng kể của ông trước khi lui về làm thẩm phán hành chánh dưỡng già, tôi không biết gì về ông cả. Qua cách xử lý mẫu mực của ông, tôi chỉ thấy mẫu mực mà không thấy con người. Tôi không hình dung được ông sướng làm sao đau làm sao... Thậm chí tôi không chắc ông có biết sướng biết đau không nữa, vì tựa hồ như ông định nghĩa cái sướng là cái đúng, cái đau là cái sai, và cuộc sống của ông thu gọn lại trong hai chữ sai đúng.
"Bác sĩ nghĩ gì?", ông hỏi tôi.
Tôi sung sướng không phải nói dối để trả lời ông tòa, vì bạn tôi vừa bước vào tiệm và đang nhớn nhác tìm tôi...
* * *
Sáng hôm sau gặp lại tôi ở tòa, ông hỏi:
"Bác sĩ khuyên tôi thế nào?"
Tôi hỏi lại:
"Khuyên ông tòa chuyện gì?"
Ông nói với chút sốt ruột:
'Bác sĩ đã thấy thằng C. rồi. Có nên cho nó dọn về nhà không?"
Tôi nói:
"Tôi nghĩ cũng tùy.. "
Thật ra tôi đã có ý kiến, nhưng đang còn chọn chữ. Bây giờ thì rõ ràng là tôi không lo cho thằng con út của ông, nhưng Marie quá trong sáng, quá hiền lành để đối phó với con chiên ghẻ. Cố vấn tâm bệnh lý cho C. là một chuyện, nhưng ở chung với anh ta dưới cùng một mái nhà lại là chuyện khác. Rồi nhớ đến cái sức quyến rũ thụ động mà đầy ma lực của người con trai, tôi khẳng định:
"Tôi nghĩ là chưa."
Nói xong tôi cảm thấy ân hận. Tôi không có gì cụ thể để đoan chắc rằng anh ta nguy hiểm cho ai. Thực ra tôi không đủ lý do để cản trở hạnh phúc của anh, một con chiên lạc bầy đang cố gắng tìm về chuồng. Nhưng ông tòa sung sướng bắt tay tôi:
"Bác sĩ quả là giỏi. Thật ra tôi cũng đã quyết định như vậy."
Mấy người luật sư đi ngược hành lang ngang chỗ chúng tôi kính cẩn chào ông. Tôi thích thú nghĩ không ai ngờ vị phán quan oai nghi như làm chủ được mọi tình thế lại tìm tôi để hỏi ý kiến...
* * *
Bốn tháng sau tôi lại có dịp gặp ông tòa H.. Vẫn còn áy náy vì đã phát biểu không công bình về C., tôi hỏi thăm chuyện nhà ông, hy vọng được nghe những tin tốt lành về kẻ biết phục thiện. Ông cho hay C. vẫn ở bên San Jose. Anh rất biết điều. Anh đã nghe lời Marie và ông mà đoạn tuyệt hẳn với con bạn gái nghiện ngập.
Ông không đả động tới chuyện C. dọn về nhà. Thay vì, ông cao hứng cho hay ông nghĩ C. đã có người yêu mới mặc dầu anh ta còn giấu bố. Ông nói:
"Thằng C bây giờ yêu đời lắm.”
Ông nghĩ bạn gái mới của C. rất được. Thị xem ra phẩm chất tốt và ăn ở lịch sự. Con ông quá khứ bầm dập thế ấy mà gặp được người đàn bà cung cách thế này thì quả thật là may.
Như sợ tôi không hiểu làm sao ông suy diễn ra chừng ấy chuyện về kẻ chưa gặp, tòa H. cắt nghĩa:
"Khi yêu một người đàn bà có phẩm chất, thì một phần nào phẩm chất ấy cũng lây sang người đàn ông. Và thằng C. rõ ràng có phẩm chất hơn trước. Nó ăn mặc nhã nhặn hơn. Mấy dịp lễ lạc nó mua quà cho em và cả nhà, những món quà thích ứng với từng người, phản ảnh một khiếu thẩm mỹ lịch thiệp trước kia không thấy. Nó mua chiếc xe mới, loại gia dụng để tiện đi làm...
"Từ lời ăn tiếng nói, nó rõ ràng có cung cách. Nó đang làm những cố gắng đặc biệt, tựa hồ không những cho bản thân, mà còn để xứng đáng với người đàn bà nó yêu."
Ông kết luận, về sự phục hồi của C. là nếu ông và Marie có công được 40%, thì người đàn bà chưa lộ diện này có công tới chỗ 60% còn lại. Tôi tức cười là tòa H. bao giờ cũng cố gắng cân đo chính xác ngay cả những sự việc mà mọi người chấp nhận là không cân đo được.
Cao hứng, tôi nghĩ tình yêu nam nữ có thể làm được những chuyện phi thường. Tôi thấy C. bây giờ đã sẵn sàng đoàn tụ với gia đình. Tôi hỏi:
"Ông tòa đã xét lại chuyện cho anh ấy về nhà chưa?"
Ông nói:
"Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện đó."
Rồi ông nói tiếp:
"Nhưng kỳ này đến lượt Marie phản đối..."
Tôi ngạc nhiên, vì trong quá khứ chính Marie đã đề nghị cho C. sớm về đoàn tụ. Chặc lưỡi, tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ tôi hiểu được đàn bà. Đại cương mà nói họ nhìn sự việc cũng giống đàn ông, rồi vì cảm tính hay một yếu tố rất đàn bà nào đấy, bao giờ họ cũng có những quyết định nhiều khi trái ngược với nhửng gì tôi ước đoán.
Nhưng thật ra chuyện C. về nhà hay không về nhà không còn quan trọng. Về hay không về, anh vẫn đã phục hồi đủ để có thể tự túc tự cường. Ông tòa hình như cũng thấy sự việc nhẹ nhàng như tôi. Ông nói với nụ cười hiền từ của người đàn ông rộng lượng, chấp nhận một hành động ngộ nghĩnh và vô hại của vợ:
"Kể ra Marie cũng có lý, vì dù sao C. cũng sẽ phải sống độc lập. Chuyện này càng sớm càng càng hay."
Khi chia tay, cả ông tòa và tôi cùng vui. Ông vui vì con trai lớn mỗi ngày mỗi khá và liên hệ gia đình ông mỗi ngày mỗi bình thường. Còn tôi, tôi thấy nhẹ nhõm vì sau cùng được biết chắc là lời cố vấn cẩu thả của tôi mấy tháng trước đã không tạo ra chuyện gì đáng tiếc. Chút thắc mắc về thái độ khó hiểu của bà tòa tuy còn trong đầu tôi, nhưng thiếu một con én không làm mùa xuân bớt xuân...
* * *
Gần cuối năm, tôi lại có dịp cộng tác với ông với tư cách pháp y trong một phiên tòa. Xong việc, tôi rủ ông xuống cafeteria ăn trưa. Câu chuyện thời sự nắng mưa đưa đẩy, chúng tôi trở lại chuyện anh C.. Ông tòa cho hay anh tiếp tục làm tốt những việc được giao phó. Chủ lớn lại nhớ đến quá trình học vấn của anh, chuyển anh từ công trường về văn phòng trung ương và giao cho một chức vị tương xứng với bằng cấp.
Chỉ có điều là ông không hoan hỉ khi kể thành tích mới của con. Tôi nghĩ ông quả là người cha khó tính, con trai sau khi cai rượu có thành công đến đâu cũng chỉ là chuyện bình thường thôi. Thấy ông không công bình, tôi nói như đền bù cho C.:
"Mọi chuyện tốt lành và thuận lợi quá, ông Tòa phải ăn mừng thôi."
Ông tòa không vui theo câu nói phấn khởi của tôi. Sắc diện ông vẫn tư lự. Tôi cụt hứng, nghĩ thầm con người khó khăn và cứng nhắc như ông chỉ thật sự vui khi hoàn toàn kiểm soát được mọi hành động của người thân. Nhưng ông còn muốn kiểm soát chuyện gì nữa, tôi tự hỏi.
Rồi tôi nghĩ đến bạn gái của C., người đàn bà không những giúp C. phục hồi mà phẩm chất còn lây sang anh một cách đáng mừng. Có lẽ ví C. chưa chịu mang bạn gái về giới thiệu nên ông chưa kiểm soát được nốt góc đời sống riêng tư cuối cùng của con nên chưa thỏa mãn. Tôi hỏi:
"Ông Tòa đã gặp mặt con dâu tương lai chưa?"
"Chưa."
Tôi không ngã lòng vì câu trả lời cụt ngủn. Theo trớn, tôi hỏi tiếp:
"Sao ông Tòa không tìm gặp cô bạn gái mới của anh ấy? Dù sao chị ấy cũng sắp là con cái trong nhà."
"Tôi không thể hạ mình xuống để làm chuyện rình mò."
Tôi khựng lại vì hai chữ rình mõ gần như sỗ sàng của ông. Có lẽ ông lỡ miệng, dùng chữ không chuẩn. Nhưng tòa H. mà dùng chữ không chuẩn là chuyện bất ngờ.
Rồi tôi thấy mình lẩn thẩn, quan trọng hóa những chi tiết không đâu vào đâu, cũng lẩn thẩn như lúc nãy khi tưởng tượng ra nét tư lự trên mặt ông. Có lẽ chính tôi đã để tôi quá gần với những nhân vật trong gia đình ông, nên không còn khoảng cách cần thiết để nhìn họ cho đúng...
Bầu không khí trên bàn ăn trưa không hẳn là căng thẳng, nhưng không còn nhẹ nhõm nữa. Tôi muốn cáo lui, thì may mắn thay, bà thư ký của ông bước vào cafeteria. Bà nhìn quanh như tìm kiếm, rồi tiến thẳng tới bàn chúng tôi. Bà xin lỗi đã phá rầy chúng tôi vì có điện thoại gấp cho ông tòa từ trung ương gọi tới. Ông cáo lui để trở về văn phòng xử lý công việc khẩn cấp. Tôi cũng đứng dậy, lát bánh kem tráng miệng ăn dở trên đĩa không còn hấp dẫn nữa.
Bẵng đi mấy tháng bị trưng dụng để săn sóc đám cựu chiến binh đánh vịnh Ba Tư về, tôi không có dịp làm việc chung với ông. Vào dịp cuối năm, tôi nhận được tấm thiệp chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới, cùng với mấy hàng viết tay "cảm ơn ân nhân". Khác với năm ngoái, ông viết ngắn ngủi có bốn chữ trên để thêm vào những lời chúc mừng in sẵn.
Tôi như có linh tính chuyện gì, nhưng tự thuyết phục là ông không có lý do gì để bất an, và nếu gặp nhau ông sẽ sẵn sàng cãi lý hay giáo dục tôi về chuyện nhân tình thế thái như thường lệ. Hơn nữa, ông sẽ tiếp tục thuyết phục tôi về chính sách từ bi bằng biện pháp mạnh của ông.
* * *
Mãi tới cuối Xuân tôi mới gặp lại ông trong hành lang pháp đường. Ông già đi nhiều quá, chút nữa tôi không nhận ra. Ông bảo tôi cuối tháng ông sẽ về hưu sớm hơn dự định. Chuyện gì đã xảy ra cho ông, tôi thắc mắc mà không dám hỏi. Ngang văn phòng ông, ông dừng lại chìa tay ra cho tôi bắt. Ông cầm tay tôi khá lâu như muốn mời tôi vào nói chuyện tiếp. Rồi bất thần ông đổi ý buông tay tôi và giã từ:
"Từ biệt ân nhân nhé..."
Như thường lệ, ông lại trêu tôi, và cười tinh ranh khi thấy tôi vẫn lúng túng với hai chữ ân nhân. Nhưng khác thường lệ, nụ cười ông sớm tắt. Khi cánh cửa đồ sộ của văn phòng ông đóng lại, hình ảnh cuối cùng tôi ghi nhận không những là đôi vai mới xệ xuống, hay cái lưng mới còng, mà là đôi mắt xanh của ông không còn lạnh như thép nguội, không còn tự tại và tự tín. Đôi mắt ấy đã mất tinh anh, đã tắt lửa...
Ra bãi đậu xe, không khí trong lành ngoài trời làm tôi nghe bớt ngột ngạt. Tôi lại nghĩ đến đôi mắt của tòa H.. Những ông già về hưu không có đôi mắt ấy. Cái buồn trong mắt ông buồn đến rợn người. Không những buồn, mà còn toát ra một cái gì mất phương hướng, một cái gì đổ vỡ đến vô phương cứu chữa.
Bất hạnh nào đã tới với ông, một con người mà chứng nan y nhồi máu cơ tim không làm sứt mẻ nổi, ngã sống soài từ trên bục xuống sàn tòa án để rồi chỉ sáu tuần sau khi mổ tim đã trở lại phán xét... một con người đủ nghị lực để mặc dầu tình phụ tử tất có, chỉ giúp con theo chiều hướng của nghị lực, của khổ hạnh, không khoan nhượng như cây roi không những của pháp lý mà còn của đạo lý. Tôi nghĩ muốn hạ gục con người này, tai biến chắc phải ghê gớm lắm.
Nhưng thể xác hay tâm thần nào chẳng có ngày bị thời gian phá hủy, và không phải sự suy tàn nào cũng phải đầy đủ khúc mắc hay gay cấn hay bất ngờ. Vả lại, tôi nghĩ có người vợ như Marie, cuộc sống của ông dù cam go đến đâu chắc cũng bớt cam go đi nhiều lắm...
Tôi quên bẵng ông tòa H. cho đến một hôm ăn trưa tại cafeteria pháp đình, tôi tình cờ ngồi chung bàn với bà già da đen thư ký riêng của ông những ngày ông còn tại chức. Tôi hỏi thăm tin tức ông.
"Chuyện gì xảy đến cho xếp cũ của tôi ấy ư? Bác sĩ không biết sao?" bà thư ký hỏi lại.
Rồi bà cho hay một hôm hai ông bà tòa H. và cậu con út đi chơi tầu buồm vắng nhà, người con đầu của ông đã cạy cổng biệt thự chui vào nhà xe treo cổ chết. Cậu út nhờ ghé lại trường để tập bóng chày với bạn nên không thấy cảnh hãi hùng ấy.
"Thật ra thì chẳng ai đáng trách," bà thư ký già phê phán.
Theo bà, ông tòa H. đã hết lòng với con, đã giúp nó cai rượu và ma túy. Ông đã bỏ ra bao nhiêu công của để đem nó trở lại xã hội loài người. Vợ trước chết cả mười lăm năm ông mới tục huyền, chẳng qua là để rảnh tay lo cho con. Đáng trách chăng là người con trai. Vịt gà trong nông trại, một trăm con thì cũng có dăm ba con có tật, không đủ khả năng để sống. Tuy nhiên, đã muốn chết mà còn dụng tâm làm hại người thân thì đúng là đồ súc sinh.
Rõ ràng bà thư ký không được ông tòa cho hay hết chuyện nhà, nhất là chuyện người con trai cả. Nghĩ đến C., tôi vô cùng ân hận. Anh ta không được về đoàn tụ với em và dì cũng như bố ruột, một phần là lỗi tại tôi. Tôi chẳng đã khuyên ông tòa theo chiều hướng khắc nghiệt ấy sao. Tôi đã phần nào trách nhiệm trong việc ông tòa khước từ anh cảnh sống bình thường của một gia đình ngăn nắp, đạo đức và sung túc. Biết đâu giữa những người thân yêu, anh chẳng đã vượt qua được cái thử thách cuối cùng và đã không rơi vào sự tuyệt vọng tối hậu của múi dây thòng lọng.
Rồi tôi thấy cái mỉa mai lẫn thảm thương của câu chuyện. Bị ông tòa và tôi ngăn cản khi sống, anh đã tìm về mái ấm gia đình bằng cái chết...
“Bác sĩ ạ, tội nghiệp nhất là bà tòa”, bà thư ký già kể tiếp.
Nhắc đến Marie, tôi giật mình nhớ lại là người cuối cùng chống lại việc C. dọn về nhà không phải là tôi, mà chính là bà. Phản ứng bất thường của bà mà tôi đã cho là không đáng bận tâm, phản ứng ấy phải chăng quan trọng hơn tôi nghĩ.
Bà thấy gì, sợ gì mà cản trở không cho con chồng dọn về lại nhà. Bà muốn che chở cho ai, che đậy chuyện gì. Bất hạnh nào đã xảy đến cho người đàn bà đáng yêu đáng trọng này...
"Sự thể làm sao?" tôi hấp tấp hỏi lại bà thư ký. Và bà cho tôi biết thêm về những biến cố thảm thương đã chồng chất và dồn dập đổ xuống gia đình ông tòa H..
“Tất cả là tại cái tên vô lại”, bà nói.
Sự thể là khi mở nhà xe thấy xác con chồng chết lủng lẳng cuối dây thòng lọng, bà tòa sợ quá hét lên một tiếng, rồi ngã lăn xuống đất. Bà cứ vật vã như vậy, hết la hét lại rên rỉ lảm nhảm cho đến khi xe cứu thương tới chở đi.
Bà thư ký già kể tiếp:
"Bác sĩ à, bệnh tâm thần, à chuyên môn của bác sĩ đấy, quả thật là kỳ lạ. Khi tỉnh thì có duyên và khôn ngoan lịch lãm là thế... Mà khi điên lên thì chẳng còn gì ra đầu ra đuôi... Bác sĩ biết không, tuy được chở ngay đi bệnh viện, nhưng Marie không bao giờ phục hồi được cái sốc vì thấy thằng con chồng chết lè lưỡi mặt sưng như cái thúng. Lên tới nhà thương họ chích thuốc an thần cho mê đi, nhưng khi tỉnh dậy, bà cứ ngồi thẫn thờ như người mất hồn, miệng lẩm bẩm một mình “Thế là hết, hết thật rồi... “
"Thế có điên không, chết chẳng hết thì còn sao mới hết nữa... Mấy tuần sau Marie chẳng nói chẳng rằng, ngồi yên bất động, trân trân nhìn ra cửa sổ bệnh viện. Người thân, kể cả ông tòa, tới thăm đều bị bà chửi mắng đuổi ra. Rồi bà xé quần xé áo, hung dữ đến độ phải chuyển sang nhà thương điên."
Bà thư ký già kết luận:
"Bây giờ thì Marie không còn liên hệ gì với ngoại giới, sống đấy mà như cái xác không hồn. Tội nghiệp, hôm nọ tôi vào thăm thì tương đối ổn định, nghĩa là không cần phải trói tay trói chân...
"Nhưng Marie không còn là Marie nữa. Chưa đầy nửa năm mà béo gấp đôi trước, tóc bạc phơ bệt lại từng đám, da chảy xuống như bị, đồ ăn bê bết xuống áo cũng không buồn thay... Marie nhận ra tôi, mà cũng không nhận ra tôi. Cứ cầm hai tay tôi như muốn căn dặn điều gì quan trọng mà chẳng dặn gì, chỉ nói đi nói lại một câu là, “Kim ơi, thế là hết, hết thật rồi...”, rồi ứa nước mắt ra.
"Xem ra Marie sẽ ở lại vĩnh viễn trong viện tâm thần. Điên thế, không biết bao giờ mới trở lại được với xã hội loài người..."
Câu trở lại xã hội loài người làm tôi nhớ lại những câu chuyện trước kia với tòa H.. Tôi cũng nhớ lại cái triết lý của ông trong chức năng phán quan, là muốn giúp ai, ta không những phải tốt mà còn phải mạnh nữa. Cay đắng, tôi nghĩ biện pháp mạnh nào có thể cứu ông ra khỏi cái sa mạc của tuyệt vọng tôi thoáng thấy hôm đã lâu trong đôi mắt ông, đôi mắt thường ngày tự tin tự tại và xanh và lạnh như thép nguội.
Tôi chạnh nhớ đến con trai ông, người đàn ông có gương mặt yếu hèn nhưng xúc tích vì dấu vết của những cái đau lớn anh đã đau, những cái nhục lớn anh đã nhục, và hấp dẫn như cả một cuốn truyện hay và thật về cõi nhân sinh... Tôi nhớ đến sức quyến rũ như nam châm tỏa ra từ ma lực của sa đọa và tội lỗi... Và tôi nghĩ đến những buổi trị liệu có thể kéo hàng giờ Marie đã dành cho anh suốt những tháng dài khi bà giúp anh phục hồi... Và tôi không muốn nghĩ đến những liên hệ phức tạp và hỗn loạn có thể xảy ra về sau, nguyên do làm Marie không dám cho con chồng về đoàn tụ dưới mái gia đình...
Tôi lại nghĩ đến ông tòa, và những cuộc cãi lý giữa hai chúng tôi. Phải công nhận dù không trong ngành y, ông hiểu tâm bệnh lý của những phần tử thất bại cặn bã của loài người, của thế giới súc sinh như ông thường nói. Dù không được huấn luyện, nhưng rõ ràng là ông hiểu họ hơn tôi.
Nhưng cũng rõ ràng là ông không hiểu được tâm lý của những người bình thường như tôi, như bản thân ông, và nhất là như Marie, người đàn bà có phẩm chất, xinh đẹp, và nhậy cảm thật ra tôi mới gặp một lần mà bỗng dưng muốn che chở. Lòng tôi se lại khi nghĩ đến cuộc sống của bà bên ông chồng liêm khiết và đức độ đến chỗ không có gì có thể chê trách, nhưng cũng không có gì có thể yêu thương. Và tôi nghĩ đến lời ông khuyên tôi, mà chắc cũng đã khuyên Marie, là nghề nào cũng vậy, cần nhất là phải biết giữ khoảng cách, phải lùi lại một bước mà xử lý... Bước lùi an toàn ấy, Marie chắc đã không làm, hoặc có làm thì đã quá trễ...
Mai Kim Ngọc
Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net