Mấy ngày nay, các thành phố lớn trong đó có Qui Nhơn như lên cơn sốt. Cái thông cáo chính phủ Mỹ sẽ nhận gia đình có con lai được di dân lan đi rất nhanh. Nhiều người chạy đôn chạy đáo tìm mua con lai để ghép hộ. Lão Khoái nghe các bà trên chợ nói rần rật về mẩu tin trên. Nhưng việc ấy không mắc mớ gì đến lão, ngày ngày lão cứ việc đạp xe ba gác kiếm tiền độ nhật. Người khách đầu tiên và cuối cùng của một ngày là gánh hàng tạp hóa của chị Phúc; tư nhà lên chợ buổi sáng, từ chợ về nhà buổi tối, cứ như thế không thay đổi. Sáng nay, khi cho xe vào sân, lão đứng tần ngần trước cửa dáo dác nhìn vào trong nhà chị Phúc nhưng cánh cửa sắt vẫn im lìm khóa chặt. Ngôi nhà hai tầng nầy xây trước “giải phóng” vài năm, đáng lý ra gia đình chị Phúc không có quyền ung dung ở đây vì biết bao cán bộ đang cần đến. Nhưng chưa sao, anh của chồng chị Phúc là một thanh niên “thức thời” đã biết theo “cách mạng” rất sớm, nên việc trưng dụng nhà được tạm hoãn lại vô hạn định.
Mặt trời đã lên khỏi mấy mái nhà lợp tôn bên kia đường, ánh nắng sớm rọi xiên xuống khoảng đường trống làm một mảng lưng áo đen của lão Khoái ướt đẫm mồ hôi vốn đã có những vành trắng khô loang lổ. Lão Khoái kéo thắng tay, xuống khỏi yên xe, đứng lưỡng lự một hồi, rón rén bước đến gần nút chuông điện. Chưa vội bấm chuông, lão Khoái lấy tay che mắt nhìn sâu vào khe cửa nhưng bên trong vẫn im lìm như tất cả còn say ngủ. Bình thường thì giờ này chị Phúc đã mở toang cánh cửa sắt, tiếng rít ghê rợn làm cho mấy nhà xung quanh chưa muốn dậy cũng dậy theo.
Lão Khoái nôn nóng muốn biết tại sao hôm nay chị Phúc lại không mở cửa để cho lão chở hàng ra chợ. Không đợi được nữa, lão Khoái đưa tay bấm chuông thật khẽ và ngắn, nhưng khi hai mối điện âm dương đã chạm vào nhau thì tiếng “tứng, từng” vang lên bên trong làm lão ái ngại. Nghe tiếng chuông, chị Phúc mắt nhắm mắt mở trong bộ đồ ngủ chạy xuống thang lầu, dòm qua cửa sắt thấy người phu ba gác. Chị Phúc nheo mắt nói:
-“Hôm nay mệt quá, tôi nghỉ bán một bữa, bác có thể đi chở cho người khác.”
Nói xong chị Phúc chạy lại lên lầu, có lẽ chị sẽ nằm ngủ thêm chút nữa. Lão Khoái toát ra vẻ lo lắng, chiều hôm qua, khi đánh xe lên chợ để chở hàng về cho chị Phúc, chị ấy cũng đã mướn người khác chở về trước rồi. Lão đưa tay sờ túi và mơ hồ nghĩ đến hộp thuốc cảm Tylenol còn nằm nguyên trong ấy. Sáng hôm qua khi dọn hàng lên sạp, lúc đó chị Phúc đi mua tô cháo lòng, lão định mở hộp thuốc lấy cắp vài viên đem về cho vợ đang lên cơn sốt, nhưng lão chưa kịp mở nắp thì bóng chị Phúc đã trở lại. Lão Khoái run lập cập nhét nguyên hộp thuốc cảm vào túi quần. Khi về nhà, lão lấy ra hai viên cho vợ uống, hai viên để dành. Bỏ hộp thuốc vào túi, định bụng sáng nay khi dọn hàng, lão sẽ tìm cơ hội để hộp thuốc vào chỗ cũ cho chị Phúc. Nhưng hôm nay chị Phúc đã từ chối, hay là chị ấy biết được hành động ăn cắp của lão, lão đang lo vì sợ mất mối hàng.
Trước khi rướn người đạp xe ra khỏi sân nhà chị Phúc, lão Khoái đã toan quay vào trả lại hộp thuốc và nói thật hoàn cảnh cho chị Phúc biết như một lời thú tội. Lão tin rằng chị Phúc sẽ thông cảm cho hoàn cảnh của lão. Nhưng do dự một lúc rồi lão chậm rãi đạp xe đi. ‘Hôm nay mệt quá, tôi nghỉ bán một bữa’ Trí lão Khoái lặp lại câu chị Phúc để suy nghiệm thử chị Phúc có ý từ chối khéo lão hay không. Nhưng khó gì, lát nữa ta ghé mắt vào sạp chợ, nếu chị Phúc dọn hàng, nghĩa là chị không còn tín nhiệm mình nữa. Lão Khoái hi vọng không có chuyện ấy xảy ra.
Thực tế thì Lão Khoái đoán sai. Hôm qua trong lúc đang bán hàng trên chợ Qui nhơn, bà Thìn bán vải kế bên đã kề tai chị Phúc nói nhỏ:
-“Tui đã tìm cho bà được đứa con lai rồi”
-“Thật không?” – Đôi mắt chị Phúc sáng quắc hỏi dồn.
-“Chuyện quan trọng ai lại đi nói chơi” – Bà Thìn trả lời.
Chị Phúc đưa ngón tay út ngoéo với ngón tay bà Thìn như thầm bảo nếu được việc chị sẽ nhường cái sạp cho bà Thìn như đã hứa trước kia. Giấc mộng vượt biên bất thành vì nhà chị Phúc có đến bảy cô con gái, hai cậïu con trai. Một gia đình đông đảo gần một tiểu đội như thế không chủ ghe nào chịu cho đi vì tiếng ồn của trẻ nít chẳng khác nào ‘lạy ông tôi ở bụi nầy’. Đã hai lần làm giấy tờ giả người Hoa để đi bán chính thức: Lần đầu, khi chuẩn bị lên tàu, cậu con trai chơi trên gác té xuống sân trọng thương. Đưa vào bệnh viện, cậu con trai đã không cứu được, lại trễ tàu, coi như số vàng mỗi đầu người đã chung đủ nhưng đành bỏ cuộc. Cái quy luật lúc đó nó lạ lắm; chủ ghe gạt tiền, gạt vàng thì người đi cũng cắn răng mà chịu, huống chi mình tự bỏ cuộc thì chủ chỉ phân ưu cho hợp thủ tục chứ vàng thì đã mọc cánh còn đâu. Lần thứ hai, khi bồng tống gia đình vào Sông Cầu theo sự hướng dẫn của một cán bộ nhà nước. Anh ta cho biết bãi đã mua xong, đâu đó đều do chỉ thị của huyện. Thế nhưng gia đình chị Phúc ngồi chờ cho đến sáng thì bị bắt đưa về huyện Tuy An về tội vượt biên. Chị Phúc tin tưởng vào giấy tờ người Hoa được đi bán chính thức nên mạnh miệng cãi. Kết cuộc vì do ăn chia không đều của công an huyện mà gia đình chị lại một vố nữa tiền mất tật mang. Khi được tha về, tức tối cho số phận. Chị Phúc chạy đi tìm thầy Thái Lưu bói một quẻ, xem vận mạng ra sao. Nổi tiếng là bói đâu trúng đó, thầy Thái Lưu lắc đầu nói:
-“Con đường gia đạo đã qua có nhiều điều trắc trở thấy rõ. Chị tuổi Bính Tuất mạng Kim kỵ Thủy. Chị không có số xuất ngoại bằng đường thủy. Có thể trong tương lai xuất ngoại bằng đường hàng không.”
Điều nầy thì không cần thầy bói cũng biết vì con chị Phúc mất cả làng đều hay. Nhà chị Phúc với hai lần xuất ngoại bất thành, cả người mua lẫn người bán hàng ở chợ Qui nhơn ai mà không biết. Trại tỵ nạn phong phanh đóng cửa, các quốc gia tây phương mệt mỏi không muốn nhận người, đài BBC nói ra rả mấy ngày nay, có mù cũng nghe thấy. Nếu không có phong trào vượt biên thì đã có bao người xuất ngoại bằng đường thủy - thầy bói có khác.
Nhưng không sao, thầy Thái Lưu nói thế chị Phúc nghe để dạ. Cái số xuất ngoại của chị vẫn còn âm ỉ mãi cho đến mấy năm sau mới thật sự bùng cháy trở lại. Đó là lý do tại sao sau khi nghe bà Thìn cho biết đã tìm được đứa con lai, chị Phúc đã lật lật dọn hàng về để hai vợ chồng phóng xe gắn máy như bay ra tận Phù Cát để “làm lễ ra mắt” đứa con lai mà anh chị Phúc tin là vị thần cứu tinh của gia đình chị. Trên đường đi hai người vẫn mang theo một hi vọng tràn trề bởi câu nói chắc như đinh đóng cột của thầy Thái Lưu vẫn vọng về đâu đây vô cùng ấm áp.
Nếu ngày xưa người ta hất hủi con lai bao nhiêu thì bây giờ các vị con trời nầy lại được trọng vọng bấy nhiêu. Người ở thành phố đổ xô về các hang cùng ngõ hẹp để tìm mua con lai như một món hàng thời thượng. Cái giá cứ nâng lên tùy ý bởi nó không nằm trong tiêu chuẩn gái hay trai, đẹp hay xấu, trắng hay đen, mà tiêu chuẩn đòi hỏi chỉ là mắt xanh, mũi lõ, hoặc tóc quăn như râu bắp khô và da càng đen như cô gái vợ chồng chị Phúc sắp yết kiến càng bảo đảm nguyên chất, khó bị Mỹ từ chối.
Dù khá vất vả, anh chị Phúc cũng tìm được nhà Đó là một mái tranh xiêu vẹo, trống trước trống sau. Cái nghèo đang phơi bày một cách lộ thiên không che giấu được. Cái lu sành hứng nước mưa vỡ miệng kê sát thân cây cau với đùm lá chuối quấn xung quanh để chờ nước mỗi khi trời mưa. Hai cây cau cao lểu nghểu là cái đích mà người ta chỉ đường cho anh chị Phúc tìm đến. Cô gái Mỹ lai da đen to xương hóc tay đang cầm cây dao lưỡi bự ngồi xắt chuối cây để chuẩn bị nấu nồi cháo heo. Thấy khách lạ chạy xe vào sân, cô gái lễ phép ngẩn đầu chào rồi lại tiếp tục xắt.
Chị Phúc hài lòng nhìn sơ cô gái, nước da đen như cây cột đèn ngâm dầu. Chị lên tiếng hỏi:
-“Em tên gì, có ba má em ở nhà không?”
-“Dạ có má em trong nhà, em tên Lài”
Đoạn cô gái nhìn vào trong gọi lớn:
-“Mẹ ơi! Có khách”
Từ trong nhà bước ra, người đàn bà tên Phên dáng khắc khổ, mặc bộ đồ đen bạc phếch đã trở nên màu xám tro, cúi đầu chào vợ chồng chị Phúc.
-“Anh chị tìm ai?”
Chị Phúc nhập đề ngay vì chị còn lo cho chuyến về lại Qui nhơn, trời sẽ tối mất.
-“Thú thật với chị, chúng tôi muốn tìm một em bé lai để làm cha mẹ. Không biết gia đình chị có định đi không?”
Tiếng “đi” lúc bấy giờ ai cũng biết là xuất ngoại, đi diện con lai, chẳng cần vòng vo cho mệt. Bà Phiên ấp úng:
-“Nghe nói đi tốn kém lắm, nhà chúng tôi chắc không có tiền để lo”
Chị Phúc mở cờ trong bụng, nhưng cũng đẩy đưa:
-“Thủ tục chắc không đến nỗi nào, chị cứ nạp đơn thử coi”
Bà Phên chép miệng than:
-“Cách đây mấy hôm, có người trên xã xuống mách nước. Ông ấy có nói phỏng là tiền giấy tờ lo cho đến ngày ra đi phải mất khoảng ba, bốn cây vàng. Nhà tôi làm sao có được số tiền to tát đó.”
Chị Phúc thêm vào cho công việc mau kết quả:
-“Đúng ra thì cho đến ngày đi, cái giá người ta vừa nói sẽ không thấm vào đâu, bữa nay rờ đâu cũng tiền chị ạ.”
Mẹ Lài mời anh chị Phúc vào nhà, anh chị Phúc đề nghị ngồi ngoài hiên cho mát. Mẹ Lài miễn cưỡng kéo chiếc băng dài mời anh chị Phúc ngồi.
Chị Phúc vào đề:
-“Thật ra chúng tôi muốn mượn cháu thời gian để làm giấy tờ di dân. Khi đi qua bên ấy rồi, chúng tôi sẽ giúp đỡ cháu làm ăn kiếm tiền gởi về cho chị. Nếu tìm được cha ruột nó thì chúng tôi giao cho cha nó, coi như lá rụng về cội. Lẽ dĩ nhiên ngay khi chị đồng ý, chúng tôi trả cho chị năm cây vàng.”
Trả vàng thì được nhưng giao cho cha nó là chuyện mà chị Phúc bịa đặt. Làm như thế hóa ra mình đi tố mình về cái tội gian lận, lường gạt chính phủ Mỹ ư.
Bà Phiên ngồi trầm ngâm, cúi mặt xuống đất. Tưởng với năm cây vàng sẽ làm cho người mẹ an tâm, đón nhận. Ngờ đâu chị Phúc đã khơi lại một dĩ vãng đau thương của người mẹ mười mấy năm trước. Lúc đó gia đình bà và những gia đình có người đi lính quốc gia đều tản cư khỏi làng xuống gần Quốc Lộ Một để lánh nạn bởi vì ‘đại bác đêm đêm dội về làng xóm’.
Khi đi thì ai cũng háo hức nhưng lúc tới nơi bà Phên, tột cùng lo lắng. Nhà này cách nhà kia chỉ có lối đi không đầy nửa thước. Nhà lợp tole, vách bằng giấy carton lượm từ các bãi phế thải của lính Mỹ. Chính quyền không có biện pháp giúp đỡ nên mạnh ai nấy dựng nhà dọc theo hai bên Quốc Lộ Một mà ở. Hàng ngày nơi đây lại chứng kiến những đoàn xe nhà binh nối đuôi nhau chở đồ tiếp vận, không khí chiến tranh sôi sục đâu đó đã làm cho người dân cảm nhận thêm nỗi bất an. Thỉnh thoảng tiếng khóc lại vang lên thảm thiết vì nhà ai đó nghe tin có người thân tử trận. Không khí nhộn nhịp sặc mùi tử khí so với trước kia ở trong xóm. Thêm vào đó, nhìn trước trông sau bà Phên choáng váng vì chẳng biết làm cách nào kiếm cho ra ngày hai lon gạo để bà và hai đứa con ăn, ông Phên thì khỏi lo bởi ổng đi lính năm khi mười họa mới ghé về, mà mỗi lần về chỉ có kiếm chác chút đỉnh từ cái túi vốn đã cạn khô của bà Phên. Nay thì không còn vốn liếng khiến bà Phen chới với như người đang bị dòng nước vừa cuốn phăng đi gần ra tới cửa biển.
Hoàn cảnh gia đình bà Phên thật sự kiệt quệ. Chưa đầy ba mươi tuổi mà trông bà già đi như người trên bốn mươi. Bà Phên nghĩ ra một cách, làm một gánh hàng xén gánh ra chợ mỗi ngày. Dĩ nhiên bà cũng bán được, thời buổi khó khăn, cây kim sợi chỉ có thể giúp người ta bớt trống trải. Nhưng gánh hàng của bà Phên ốm o dần vì chỉ bán ra mà chẳng mua vào. Bà quyết định dẹp nó qua một bên.
Bà Phên vét những đồng bạc cuối mua vài con gà mái làm giống. Chưa đầy hai tháng, hai con gà thi nhau đẻ. Những chiếc trứng, trắng hồng bầu bĩnh bà không dám luộc cho con ăn, mà phải mang hết ra chợ để đem về từng lon gạo. ‘Như thế không được’, bà quyết định không phá ổ để cho gà ấp. Chẳng bao lâu bà Phên có cả đàn gà, dù thiếu ăn nhưng đôi chân của chúng cũng cao theo thời gian. Nhốt hoài bất tiện, mấy chú gà con chui ra ngoài làm mẹ chúng kêu toáng lên, bà hé chiếc giỏ úp cho gà mẹ ra ngoài đoàn tụ. Nhưng vừa thả ra sau ruộng, gà xơi thức ăn của chuột ngã lăn ra chết, nhịn thèm nhưng cũng đành liệng xác vì sợ chất độc.
Vận cũng còn may, bà Phên liên lạc được với người bạn cũ và người nầy đã đem bà Phên vào làm trong một đơn vị tiếp liệu của quân đội Mỹ tại Phù Mỹ. Nơi đây bà Phên học nhanh được những tiếng bồi để bước đường hoạn lộ dễ hanh thông. Làm được hai năm, cuộc sống của gia đình bà Phên đỡ hơn nhiều. Từ túp lều như cái bát úp, bà Phên đã làm lại được nhà có mái tôn, vách ván. Riêng ông Phên vẫn thế, cuộc đời một Địa Phương Quân không có khả năng nuôi nổi bản thân mình. Mỗi lần về là ông Phên khảo tiền của vợ để đi nhậu với đồng đội, bà Phên thông cảm cho đời lính, chết nay, sống mai nên đưa tiền cho chồng mà không một tiếng phàn nàn.
Tưởng cuộc sống gia đình bà Phên cứ thế mà êm xuôi. Mỗi ngày công việc của bà Phên vẫn giống nhau: sáng sáng sau khi các cậu lính Mỹ ra khỏi phòng đi làm việc, bà vào từng phòng thay vải tủ giường (drape) mới và lấy drape cũ cũng như quần áo, vớ dơ bỏ vào một cái xe đẩy cho đến hết dãy nhà số 2 thì đem đi giặt.
Mấy bữa nay cứ nghe tin các bà làm chung xầm xì về việc chiết giảm nhân công vì lính Mỹ rút dần về nước, trong lòng bà Phên cứ nao nao làm sao. Bà không ngờ việc chẳng lành ấy lại xảy đến cho bà, tên giám thị khu vực cho người gọi bà lên văn phòng để báo tin là nay mai bà sẽ nghỉ việc. Mặt bà Phên tái mét như người đau mới dậy, bà lảo đảo dựa lưng vào tường cho khỏi ngã quỵ, bà Phên toan lên tiếng năn nỉ vì thấy ngay viễn ảnh khó khăn trở lại với gia đình bà nếu bà mất việc. Gã giám thị đọc suốt tâm tư đó của bà Phên một cách dễ dàng, hắn bảo:
-“Thôi ngươi đi làm việc đi, lát nữa tao ghé nhà giặt xem thử có cách nào tao giúp đỡ không”
Câu nói nhát gừng đó không làm cho bà Phên bớt lo âu, bà thẩn thờ bước ra khỏi văn phòng, miệng đắng chát nghĩ tới những đứa con và ông chồng lính nghiện rượu mà thở dài. Bà Phên đi nhanh về phía nhà giặt vì không muốn ai bắt gặp gương mặt đưa đám của bà lúc nầy. Một lúc sau khi bà đang ủi đồ trong một phòng riêng có cửa khép. Tên giám thị bước vào, hắn nói:
-“Tao có cách giúp mầy ở lại làm việc, dĩ nhiên tao phải cho người khác nghỉ, nhưng mầy phải giúp tao.”
Bà Phên run lên vì mừng rỡ, bà muốn nhào tới ôm người giám thị tốt bụng để cảm ơn, nhưng bà chưa kịp làm thế thì hắn đã nhanh tay kéo bà Phên vào lòng. Mùi thuốc lá từ đôi môi dày, mùi khét từ lớp da đen đủi pha lẫn mùi nước hoa sau khi cạo râu làm bà muốn ói. Hắn hôn tới tấp từ cổ xuống vai, hai tay hắn bóp vào ngực bà Phên như đang nhồi bột làm bánh khiến bà thấy đau đớn. Bà toan bỏ chạy nhưng hai cánh tay hộ pháp như hai thanh sắt kiềm hãm khiến bà Phên chỉ có thể vẫy vùng trong lòng hắn. Trong cơn hốt hoảng bà Phên còn đủ tỉnh táo để suy nghĩ giữa hai sự lựa chọn: hoặc nghỉ việc hoặc thỏa mãn hắn. Nước mắt Bà Phên bắt đầu chảy ra. Dường như khi đàn bà khóc thì duyên dáng càng tăng hơn nên lửa dục trong hắn càng cháy cao hơn. Hắn bế bà Phên vào phòng chứa đồ rồi đóng sầm cửa lại... Bà Phên định xô cửa chạy ra, nhưng hắn ghì chặt bà vào lòng, hăm dọa:
-“Tùy ý mầy, nếu còn muốn tiếp tục làm việc ở đây. Ngày mai là ngày tao phải báo cáo tên những người nghỉ việc để người ta tính lương cuối cùng.”
Nước mắt bà Phên đầm đìa, bà nghĩ đời bà tại sao lại gặp điều bất hạnh như thế nầy. ‘Ngày mai bà sẽ nghỉ việc’ Một màu đen trước mắt, tiếng nói những đứa con rách rưới bên tai, hình ảnh người chồng khốn khổ hiện về trong trí. Có lẽ bà không còn lối thoát nào khác. Tay hắn cứ thoa bóp khắp nơi, bà Phên cố giữ bàn tay hắn lại nhưng vô ích, hắn như con hổ đói, miệng hôi hám vì thuốc lá cứ hôn, liếm vào gáy và cổ bà Phên. Hắn không chịu ngừng ở đó, hắn quỳ xuống hôn vào mông bà Phên rồi kéo cạp quần xuống. Bà Phên cố chống cự nhưng bà đuối sức đành nhắm mắt đưa chân. Nhưng lạ quá – tại sao trong cơn thịnh nộ, hốt hoảng bà vẫn nghe thấy một chút gì sung sướng dâng lên. Bà tự nguyền rủa mình, nhưng cùng lúc lại cũng tự bào chữa rằng bà là một con người bình thường với sự tổng hợp của vui, buồn, thương ghét, nên bà đã nhắm mắt cho số phận đẩy đưa. Bà quyết không hợp tác, nhưng không chống đối mãnh liệt như lúc đầu. Nhưng cũng chính trong lúc nầy hình ảnh chồng bà hiện về rất rõ trong trí với đôi mắt giận dữ, bà cảm thấy có lỗi với chồng, bà cố gỡ hai bàn tay sần sùi của hắn đang ôm chặt cứng lấy người bà. Sự chống cự của bà Phên lúc này lại chỉ càng làm tăng thêm cái dục tính đang lên cao chất ngất của hắn mà thôi, vả lại chắc gì hắn chịu buông tha mà trái lại bà sẽ bị nghỉ việc. Bà Phên nhắm mắt cắn hai hàm răng thật chặt chịu đựng và cứ để cho nước mắt chảy dài hai bên má. Từ phía sau thằng xếp da đen hung hăng như con thú dữ, hai tay giữ chặt lấy hai bên sườn bà kéo lui đẩy tới cho đến khi xong việc. Hắn kéo facture quần và bà Phên cũng tự kéo quần lên. Khi ra khỏi phòng chứa đồ, bà Phên dớn dác nhìn hai bên vì bà có cảm tưởng như đã có người trông thấy chuyện gì vừa xảy ra. Suốt ngày hôm đó, bà Phên cứ thấy ngượng ngùng khi gặp mấy người đồng nghiệp, và trong thâm tâm bà tự bào chữa cho mình là bà không hề có ý ngoại tình.
Như thường lệ, lâu lâu ông Phên về thăm nhà. Vì mặc cảm tội lỗi, bà Phên yêu chồng hơn thường lệ. Bà Phên cố gắng phục vụ chồng để bù lại những mất mát, dù bà vẫn nghe câu 'lẳng lơ thì cũng chẳng mòn, chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ'- Bà có lẳng lơ đâu? Nằm bên vợ, có đôi khi ông Phên vô tình nói giỡn:
-“Lúc nầy em láng quá, không biết ở chỗ làm có thằng nào dòm ngó em không?
Bà phên tát yêu vào má chồng:
-“Anh cứ nói tào lao! Cơm ăn còn không đủ, cứ lo chuyện vớ vẩn đâu không à.”
Sau ba ngày cật lực “trả bài” ông Phên trở ra đơn vị, bà Phên ở nhà có triệu chứng mang thai. Bà chép miệng than: Có thêm đứa con nữa phiền quá.
Bụng bà Phên lớn dần theo ngày tháng, gần đến ngày bà được nghỉ ở nhà hai tháng để sinh con. Nhưng sau khi lâm bồn thì bà tái mặt, đứa con gái chào đời lần nầy sao mà nó đen thui. Trời đất như sụp đổ, bà làm sao có thể ăn nói với chồng và chòm xóm. Nỗi đắng cay cứ bao trùm bà Phên khiến có những lúc quá xấu hổ, bà chỉ muốn tự tử cho rồi, và có lần bà toan bóp mũi cho đứa con oan nghiệt kia chết đi, vì nó chỉ là cái họa cho bà mà thôi. Nhưng cả hai điều đó bà đều không thể thực hiện được vì bởi nếu bà chết đi thì lấy ai nuôi mấy đứa con và bóp mũi cho đứa con hoang chết thì lại mang tội giết người mà lại giết chính đứa con mình mang nặng đẻ đau thì cái nghiệp lại còn nặng hơn nữa. Vì thế bà gượng sống để chờ trăm ngàn khốn đốn giáng xuống. Quả nhiên như thế, khi ông Phên nghe tin vợ đẻ ra con Mỹ đen, ông đã xách theo về khẩu súng, ông định bắn chết bà Phên và đứa nhỏ để xóa đi vết nhục. Nhưng khi về tới nhà thì đã đông đủ hàng xóm kéo đến chật ních để xem ông Phên xử vợ ra sao. Đặc biệt các bà làm cùng sở Mỹ với bà Phên cũng có mặt tại nhà không phải để bênh vực bà Phên hay để can gián ông Phên đừng hành hung, mà họ đến để chứng minh rằng chỉ có bà Phên mới là người lăng nhăng chứ còn họ đều là những người chung thủy với chồng. Thực tế những người đến chưa chắc đã không lăng nhăng, họ không mang bầu là mặc nhiên trong trắng hơn bà Phên. Việc này không có gì kiểm chứng vì tám phần mười các bà các cô bồi phòng đều chiều chuộng lính Mỹ để được những hoạnh tài riêng, biết đâu trong bóp họ lúc đi làm lại không thủ sẵn vài cái condom để cho tiết sạch giá trong. Từ khi bị ép uổng đến ngựa quen đường cũ, các bà coi như đó là những đổi chác hợp lệ, cả hai đều có lợi, không phải đứng đường như các cô bán dâm công khai. Trong thực tế, các cô gái giang hồ lại ít khi mang bầu hơn bởi họ có nhiều phương pháp, trong khi đó những đứa con lai sinh ra bởi các bà mẹ làm bồi phòng cho Mỹ chiếm đa số.
Hôm nay nhà ông Phên chật ních người đến để trợ giúp ông Phên trừng trị vợ còn đang nằm trên giường ở cữ. Ông Phên vừa vô nhà là bà Hai ở kế bên đã lên tiếng dù chưa biết ông Phên hành sử với vợ ra sao.
-“Tôi biết chị Phên có lỗi với anh, nhưng mong anh tha thứ cho chị ấy kẻo tội nghiệp.”
Ông Phên mặt đỏ gay vì trên đường về chắc ông đã dừng đâu đó làm vài xị để lấy tinh thần về hỏi tội vợ, ông kéo cơ bẩm súng lách cách, khiến mấy bà im thiêm thiếp.
-“Tôi phải bắn nó, con đàn bà khốn nạn và đồi bại kia đã làm nhục gia đình tôi.
Bà hàng xóm tốt bụng và cả đám hoảng hồn phóng ra cửa và cả mấy chục cái miệng cùng la lên:
-“Ông Phên bắn vợ bà con ơi” - dù chưa ai nghe tiếng nổ nào cả.
Một người đàn ông lớn tuổi đứng phía ngoài lóng ngóng nói vào:
-“Chú đừng nóng, việc gì cũng để thủng thẳng tính, chú không bình tĩnh là không giải quyết được đâu.”
Một bà nữa cũng nói chõ vào:
-“Tuy việc thím nhà làm thế là sai, nhưng ở đời này chả mấy ai hoàn hảo cả. Con gái tui cũng đẻ đứa con lai vậy, bà gì ở gầm cầu năm ngoái cũng đẻ ra thằng con đen rồi cũng có sao đâu. Chuyện dĩ lỡ rồi chú nên bình tĩnh, thím ấy quá khổ với hoàn cảnh gia đình, nếu có mệnh hệ gì thì các con chú lấy ai nuôi.”
Ông phên thở hổn hển nói:
-“Nó đã làm nhục nhã cho dòng họ nhà tôi.”
Ông già thêm vào:
-”Thời loạn lạc, chiến tranh, con người ta dễ bị thời thế đẩy đưa, lôi cuốn đến những sai trái, chú nên tha thứ cho thím.”
Vừa nói ông già vừa tiến vào thêm phía trong hiên và lớn tiếng gọi:
-“Thím Phên đâu ra đây mà xin lỗi chú, dù sao việc đã lỡ, thím phải biết lỗi về việc thím đã làm.”
Bà Phên trùm khăn kín tai, mặt tái xanh, chầm chậm vén tấm màn cửa buồng đi ra và nói:
-“Em xin lỗi mình, em đã bị hiếp nhưng không dám nói vì xấu hổ và sợ mất việc làm.
Bà tưởng nói thế ông Phên bớt giận nhưng không, ông tiện chân đá cho bà một cái ngã quỵ xuống đất và chửi lớn:
-“Đồ con đĩ.”
Mấy người hàng xóm lại bao quanh bà Phên như đang ban bố cho bà một ân huệ vì họ thầm nghĩ rằng nếu không có họ thì ông Phên sẽ giết chết bà. Điều đáng ngạc nhiên là những bà đang đứng bao quanh để bảo vệ bà Phên lại cũng là những bà mà mấy ngày nay mắng nhiếc bà Phên không tiếc lời, thế mà bây giờ họ đang đóng vai những nhà đạo đức. Họ là những người vô công rỗi nghề, những người hay ngồi lê đôi mách, suốt ngày chỉ mong có những biến cố nhỏ trong xóm xảy ra rồi khuếch đại ra để có việc mà xầm xì tán ra nói vào.
Nhưng ở đời chuyện gì rối rắm cho lắm rồi cũng theo thời gian mà trôi qua đi. Sau tháng tư 75, tất cả nhà cửa của dân tản cư dọc Quốc Lộ Một được giải tỏa hoặc bị chính quyền đuổi về nguyên quán, hoặc đi kinh tế mới. Gia đình bà Phên về lại xã Cát Thắng, quận Phú Cát cho gần gũi với mẹ của bà. Ông Phên biệt tích sau biến cố 75. Nhiều người cho rằng ông Phên xấu hỗ nên cơ hội nầy bỏ nhà đi luôn. Lài đi học trường làng luôn bị chúng bạn chọc ghẹo với đủ loại danh từ: con ngụy, con đế quốc, con me Mỹ, con Đen, v.v... nên Lài đã nghĩ học luôn ở nhà phụ mẹ việc nhà.
Khi Lài mới sinh, bà Phên buồn lắm chẳng muốn đặt tên. Hai ba tháng sau mới nghĩ đại ra cái tên Lai để mà gọi. Nó chẳng cần có khai sinh bởi ông Phên đã khai thêm vài đứa để lãnh lương rồi. Lài ra đời là một biến cố lớn trong gia đình ông bà Phên. Sự có mặt của nó khiến tâm tánh ông Phên khác đi nhiều. Chuyện hương lửa coi như hoàn toàn nguội lạnh, ông Phên từ đó tìm cách mua vui ngoài đường. Lâu dần tên Lai được nâng cấp bằng dấu huyền để cho Lai thành ra Lài. Nhưng Lai hay Lài thì cũng là con ruột của bà, xa nó bà đứt ruột. Bà quay qua phía vợ chồng anh Phúc chép miệng nói:
-“Lẽ nào tôi lại đi bán con của tôi”
Chị Phúc trấn an:
-“Đây là chị giúp gia đình tôi để đi. cháu Lài không phải vất vả làm lụng gì cho chúng tôi hết. Vả lại đi ra nước ngoài vài năm cháu về lại thăm chị. Qua tới nơi, chúng tôi không giữ cháu làm gì, chị hiểâu ý cho chúng tôi.”.
Đêm hôm đó hai mẹ con bà Phên không ngủ, lần đầu tiên Lài gát chân lên đùi mẹ, choàng tay ôm cổ mẹ thủ thỉ: ‘Con sẽ kiếm thật nhiều tiền để lo cho mẹ’ï Những giọt nước mắt lặng lẽ cùng lăn xuống gối.
Thủy Lâm Synh
Sept. 26, 2008
Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net