VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 46)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 226
VẤN: Ông Hà Hữu Anh, Maryland: Cháu hiện đang học năm thứ tư bậc đại học. Cháu thường giao du với các vị thâm nho và thường nghe nói từ ngàn xưa người Trung Quốc dùng “lục nghệ” từ “số học” mà ra. Tôi muốn biết sự tương quan giữa “Số” và “Lục Nghệ” xin bà cụ giải thích ho cho. Cháu vô cùng cám ơn.
ĐÁP:
Thời nhà Chu coi việc giáo dục là điều không thể không có được đối với vấn đề khai hóa nhân tâm, mục đích mở rộng tầm kiến thức cho người dân. Triều đình lúc bấy giờ chủ trương nâng cao trình độ cho dân chúng. Muốn được như vậy trước hết phải lấy “đạo” mà nuôi dưỡng con dân và dùng “lục nghệ” mà nuôi dưỡng cho thiên hạ. Lời thánh nhân thường nhắc đến “Dưỡng quốc tử dĩ đạo, nãi giáo chi lục nghệ”. Lục nghệ đó gồm: một là ngũ lễ, hai là lục nhạc, ba là ngũ xạ, bốn là ngũ ngự, năm là lục thư, sáu là cửa số”. Cửu số mà ta nhận thấy đó là số học đương thời.
Trung Quốc là nước văn minh sớm nhất trên thế giới. Ho đã biết ghi phép tính đến 10 bậc và tìm ra đáp số 100 do từ 90 cọng với 10 hay lấy số thành con số nhỏ hơn là từ số 9 cộng với 1. Thời Tiên Tần có sách Thượng thư nêu ra các số hàng vạn ức như: “ức” như “triệu”. Chẳng những sách Thượng thư mà Kinh thi cũng đề cập đến con số mà ngày nay ta thấy nhiều con số dài từ trăm, ngàn, vạn, ức, tỉ v.v…Đời nhà Hán, Từ Nhạc cũng có sách bàn về “Số học ký di” nói rằng “Hoàng Đế lập ra phép tắc số có mười bậc ”Nhưng mà giả dụ Hoàng Đế có thật thì chắc phải biết tính ngược lại thời gian mà đi tìm đến cái vô cùng v.v… Trong thời Xuân Thu Chiến Quốc người Trung Quốc biết sử dụng vị thứ một cách hoàn bị hơn thế giới và luôn cả biết trước hơn các dân tộc như người Babylone, La Mã. Theo Liwits tức Lý Ước Sắt nói: ”Về sau này Tây phương đánh cắp con số của Ấn Độ”, nếu tính ra thì vị thứ xuất hiện sớm nhất của Trung Quốc kể ra có cả hai ngàn năm rồi, còn vượt xa Ấn Độ.
VẤN: Bà Vũ Như Oanh, Reseda: Bà cụ nghĩ có “tiền kiếp” hay không?
ĐÁP:
Có nhiều sách vở chẳng riêng gì ở Đông Phương mà còn luôn cả Tây Phương cũng đề cập đến vấn đề thuộc về tâm linh này. Như chuyện cô gái Anh một hôm khi thức giấc dậy bất thần nói ra một thứ ngôn ngữ khác và cũng không còn nhớ ngôn ngữ Anh của mình như thường nhật nữa. Đã vậy cô gái cũng không nhận ra cha mẹ sinh ra mình nữa, và cô luôn tỏ ra sợ sệt như người xa lạ.
Các chuyên gia được mời đến khám nghiệm đều xác nhận cô bé này vẫn bình thường chẳng có triệu chứng gì khác thường cả. Cô bé đã sử dụng tiếng Tây Ban Nha và khẳng định mình sinh ra tại thành phố Toledo và đã bị người hàng xóm vì tị hiềm dùng dao đâm chết cô.
Sau khi kiểm chứng lại lời nói này, cảnh sát mở cuộc điều tra thì quả đúng đó là cô gái 22 tuổi từng sinh sống nơi cô đã khai với nhà chức trách. Hiện cha mẹ cô đã già vẫn còn sống tại Toledo luôn luôn buồn thảm và tưởng nhớ đến con gái xấu số của mình.
Khi hỏi đến người hàng xóm đã giết hại cô và người này đã thú nhận tội ác của mình. Câu chuyện này được báo chí khắp thế giới loan tải. Các khoa học gia được hỏi đến và đều xác nhận cho rằng chẳng có gì khác lạ vì hiện tượng này không phải là mới mẻ gì.
Một câu chuyện khác nữa. Đó là chuyện năm 1970, một cô gái người Đức 20 tuổi tên là Elena Markard ở Tây Bá Linh. Cô gái này bị trọng thương trong một tai nạn. Cô được cứu chữa tỉnh dậy, nhưng quên cả ngôn ngữ hằng ngày của mình mà chỉ nói toàn tiếng Ý Đại Lợi rất sỏi. Điều làm cho những người Ý được mời đến nghe, họ vô cùng ngạc nhiên và cho đó là một cô gái rõ ràng là người của Ý Đại Lợi. Cô khẳng định tên mình là Rozetta Liani, sinh ở Ý năm 1887 và đã chết ở đó năm 1917. Khi được đưa tới địa chỉ cũ tại ngay quê cô ở Ý Đại Lợi, Elina gặp mặt một bà cụ già mà mọi người đều biết vốn là con gái của người phụ nữ có tên Rozetta đã quá cố. Nhà đương quyền chỉ vào bà cụ già hỏi Rosetta: “Bà cụ già này là ai?” Không một chút do dự cô gái 20 tuổi Elina chỉ vào bà cụ và nói: ”Đây là con gái của tôi. Hắn có tên là Fransa”. Nói xong nàng ôm lấy bà cụ già này thốt lên bằng giọng xúc động: “Con gái yêu của tôi”! Và nàng bật khóc.
Còn rất nhiều câu chuyện khác nữa, nếu có dịp nào đó tôi sẽ tiếp tục kể tiếp.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 227
VẤN: Cụ Lê Nguyên Lượng, Virginia: Tôi thường nghe giáo lý Mật Tông chuộng về pháp thuật, chẳng biết bà cụ có nghe thấy như vậy chăng?
ĐÁP:
Trong ký sự vạn biên có đoạn ghi về Nam Ông Mộng Lục kể rằng, xưa kia có một một vị sư họ Nguyễn, tên Minh Không đến trụ trì chùa Không Lộ. Minh Không là một nhà sư có tiếng phẩm hạnh và đạo đức được nhiều người ngưỡng mộ. Sư Minh Không sống tại ngôi chùa có nhiều người cùng tu hành. Hôm nọ nhà sư Minh Không đi ra bên ngoài trở về bất thình lình có tiếng hổ gầm từ trong xó cửa vang lên, do một đồng nghiệp không ngoài mục đích dọa đùa chơi với ngài. Sư Minh Không chẳng những vẫn điềm nhiên như nhiên mà còn cười bảo:
-”Chẳng lẽ anh tu hành mà muốn trở lại thành kiếp hổ sao? Được, tôi sẽ giải cứu cho anh”.
Đến năm sau, nhà sư giả đội lốt hổ kia mất, hồn đầu thai vào Thế Tử Lý Quốc Vương. Khi sinh ra Thế Tử Lý Quốc Vương vẫn bình thường, nhưng về sau lớn dần chợt thấy thân hình đầy cả lông bao phủ, còn đầu thì cứ biến trông như như đầu của hổ. Nhà vua cho chạy chữa mời tất cả các danh y, cũng như các nhà vu thuật về kinh trị bệnh cho con, nhưng không thể nào trị hết bệnh được. Sau đó nhà vua nghe có Minh Không, pháp thuật cao cường bèn cho sứ giả đưa thuyền đi đón. Minh Không nhậm lời và mang theo một cái nồi nhỏ xuống thuyền tự mình thổi cơm. Đến khi cơm chín liền mời sứ giả cùng tất cả các thủy thủ cùng ăn buổi tối. Viên sứ giả bật cười nói:
-”Thủy thủ chúng tôi đông xin tự tìm lấy thức ăn, đâu dám cảm phiền nhà sư?”.
Minh Không bèn bảo:
-”Ta có hậu ý mời tất cả anh em trên thuyền một bữa ăn, tất nhiên là phải đủ cho tất cả anh em dùng. Các người cứ ăn cho đến khi no, nồi cơm kia cũng không bao giờ vơi hết được. Ăn xong cứ yên lòng nằm ngủ. Ta sẽ ngồi hóng mát canh chừng, lúc đến sẽ đánh thức cả dậy“.
Sợ mất lòng nhà sư, viên sứ giả cùng đám thủy thủ nằm giả ngủ say. Được một lúc thì nhà sư đã đánh thức dậy. Viên sứ giả ngạc nhiên:
”Đường từ kinh đô đến nơi chùa Minh Không ở có đến 300 dặm đường cớ sao đến nhanh như vậy?”.
Lần này, sư Minh Không im lặng đằng vân vào trong cung điện ra mắt nhà vua xin nấu ngay nồi nước sôi để tự mình tắm rửa cho Thái Tử. Thế rồi, nhà sư một tay tưới nước đang sôi lên người Thái Tử, một tay nắm từng chòm lông hổ nhỗ vất vào chậu nước. Chỉ trong giây lát Thái Tử lành bệnh ngay tức khắc.
Vua hỏi:
-”Cớ sao mà tài tình như vậy?”
Minh Không đáp:
-“Với người tu hành chỉ cần nhất niệm mê chấp, sám hối rửa sạch ấy là khỏi bệnh, có gì là khó đâu?”
(Tu hành nhân, nhất niệm mê trước sảm tẩy nhi dĩ, vô nan dã)
Khi hỏi đến phép thần thông nào mà khiến cho nhà sư đi nhanh đến như vậy? Sư Minh Không đáp:
-”Chẳng có thần thông nào cả, thần vốn có bệnh phong gặp lúc phát ra không nhìn thấy hiện tượng chung quanh mình, không biết có không gian, cứ phóng bước đi đâu cần phải có thần thông nào cả!”
(Thần túc hữu phong tật,tì phát thời, bất kiến vạn tượng, bất tri hà giả vi không, nãi tín bộ nhĩ, phi thần thông dã).
Đây là một trong muôn ngàn thần thông biến hóa với phép mầu Mật Tông vốn có sẵn nói khôn cùng, dùng không hết. Mật Giáo hiện đang thịnh hành tại Tây Tạng.
VẤN: Cháu Hồ Văn Kỳ Anh, Washington DC. Gần đây cháu có đọc một tờ nhật báo có đề cập đến các đứa trẻ có khả năng phát lộ trí nhớ mạnh hơn người lớn và thường sống lại trong quá khứ. Bà cụ nghĩ thế nào? Có hay không?
ĐÁP:
Có chứ. Các nhà khoa học thuộc Đại học Delhi (Ấn Độ) và Đại học Virginia (Mỹ) đã đưa ra một thống kê cho thấy trẻ nhỏ có khả năng phát lộ trí nhớ gene mạnh hơn người lớn. Chúng thường sống lại “quá khứ xa xăm” của mình mà ngay bản thân và bố mẹ không hề biết. Chẳng hạn nhiều đứa trẻ có những thái độ, cử chỉ lời nói hay sự lo lắng rất đặc biệt, sự kiện này được xác định là có liên quan đến một người ở tiền kiếp. Nếu người ấy đã chết vì tai nạn sông nước hay những gì liên quan đến nước thì đứa trẻ này rất sợ nước. Hoặc nếu người ấy bị bắn chết thì đứa trẻ rất sợ tiếng nổ, hay thấy súng là hoảng hốt kêu khóc ngay.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 228
VẤN: Bà Bùi Hồng Tuyết, San Jose: Tôi có nghe kể trong các món ăn chơi, mà các ông thường bảo là món nhậu, lại là một bài thuốc vô cùng hiệu nghiệm. Xin bà cô giúp cho.
ĐÁP:
Nhiều món ăn chơi vô cùng bổ ích, nếu không lạm dụng thái quá với men rượu. Ví như “Gỏi Cá”. Mua cá chép hay cá mè, riềng già, nước chấm bằng lạc rang, bánh đa nướng. Rau sống lá mơ, lá đinh lăng, rau giáp cá, đọt sung, bắp đậu rau thơm, rau răm, rau mùi…
Cách làm:
Sau khi làm sạch cá.lóc thịt hai bên lườn, cắt lát mỏng. Củ riềng giã vụn ướp cá cho khỏi tanh. Nhớ là ruột cá phải làm sạch, bằm vụn chung vơi xương cá.
Xong xuôi phi hành mỡ rồi cho xương với thịt cá bằm vụn xào sơ. Đoạn hòa với nước giấm (nếu muốn nước chấm chua hay với nước mật đường nếu nước chấm ngọt). Cũng có nhiều người dùng mắm tôm vắt chanh hay mắm nêm bỏ thêm thơm tức trái khóm.
Ăn cá với rau sống và bánh đa nướng. Nhớ ăn món này không thể thiếu lá đinh lăng hay rau giấp cá.
Đặc biệt của cá chép có vị ngọt, tính bình, không độc.
Lưu ý:
Cá chép có tác dụng hạ khí, tiêu thủng, làm tan máu ứ, trị ho đàm, an thần. Cá mè có vị ngọt, tính ấm, không độc. Cá mè giúp điều hòa vệ khí, bổ trung khí, làm mát phổi.
Riềng: làm ấm tì vị, tiêu thực. Riềng trị đầy bụng, ợ hơi, nôn mửa, giải độc.
Lá mơ: còn gọi là lá thối địt, có tính giải độc, thanh nhiệt, trị sôi bụng và ăn không tiêu.
Rau giấp cá: có tính tán nhiệt, tiêu thực. Đặc biệt là cá hết tanh. Món này dùng cá sống nên giáp cá rất cần không thể thiếu.
Lá đinh lăng còn gọi là “lá gỏi cá”. Nhớ là loại đinh lăng lá nhỏ, tên khoa học là Polycias fruticosa. Lá đinh lăng có tính giải nhiệt, thông tiểu, tiêu thực. Lá đinh lăng dễ ăn hơn ăn giấp cá. Lá đinh lăng ăn với cá sống sẽ không nghe mùi tanh, và có vị bùi bùi ngon miệng … Nếu nhai với lạc rang hay bánh đa nướng thì ngon tuyệt vời. (Năm 1984 người ta phát hiện đem lá đinh lăng bón vào gốc cây có thể làm cho cây chóng lớn).
Công dụng của các loại rau sống:
Riềng, rau giáp cá, lá đinh lăng: Khử mùi tanh.
Húng quế, tía tô, gừng: Làm ấm bụng.
Hành, tỏi, tiêu, sả: Tiêu thực.
Lá mơ, giá sống, khế: Giải độc.
Chuối xanh, đọt xoài: Chất chát.
Củ đậu, dưa chuột, xà lách: Chống khát.
Đây là một món ăn chơi, thường các đấng mày râu làm món nhậu, nhưng thật ra nó là một bài thuốc rất có công hiệu.
VẤN: Bà Vũ Như Hải, Reseda: Nghe kể thời cổ đại của Trung Quốc có những bữa tiệc có cả hàng trăm món, toàn là cao lương mỹ vị, chẳng biết có thật như vậy chăng?
ĐÁP:
Trong Kinh Thi có đề cập đến thực phẩm của thời Tây Chu gồm có đến 130 loài thực vật, 20 loại động vật. Thời đại này chăm chút về vấn đề ăn uống tiệc tùng. Do đó mới có câu: “Muốn ăn cá phải là cá phương dưới sông” hay “Muốn ăn cá phải là cá chép dưới sông”. Qua đến thời Xuân Thu càng phong phú hơn nhiều đến nỗi Khổng Tử đề ra điều “Thất Bất Thực”, có nghĩa “Bảy điều không nên ăn”.
Công thức nấu ăn đời Hán dùng muối dấm để nấu thức ăn, thêm mật, hành, tỏi là gia vị, còn hương liệu thì ngoài gừng, quế còn có cả rau thơm…Những hương vị cay đắng nhờ Trương Tiến lúc bấy giờ bắt chước theo người Tây Vực. Như ta thấy dưa hấu, dưa chuột, hồ đào, thạch lựu v.v…
Đời nhà Hán thích ăn thịt chó, do đó mà người hành nghề giết chó càng ngày càng lắm người nhập cuộc trở nên chuyên nghiệp. Đó là chưa nói đến các loại bánh, như các bánh ngày Tết nhất là đời nhà Tống. Nào là các loại bánh nguyên tiêu hoặc bánh huynh đồn, đó là loại bánh tròn đòn dài nhân thịt, có thế là bánh tét của ta trong ngày tết. Tóm lại có hàng trăm loại bánh. Thời Bắc Tống còn có bánh bao Vương Lâu Mai Hoa, bánh thịt Tào Phu Nhân, quán cơm thịt dê Thím Ngô, canh huyết nhà họVương…
Hai đời Minh Thanh vua Gia Khánh (nhà Thanh) trong một lần yến tiệc đãi khách đã huy động đến 1.500 (một ngàn năm trăm) hỏa lò để nấu 326 loại…Ngoài ra còn rất nhiều tập tục ăn uống kỳ lạ khác nữa.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 229
VẤN: Ông Bùi Bằng An, Virginia: Trà xuất xứ từ đâu? Nghe nói uống trà là một nghệ thuật, tôi chẳng biết nghệ thuật uống trà như thế nào? Bà cụ giải thích hộ cho.
ĐÁP:
Trà xuất hiện từ Trung Quốc và các nước lân cận. Tuy nhiên nguồn gốc của trà tại tỉnh Phúc Kiến, Đài Loan, Nhật Bản và Việt Nam ta. Nguyên trà là một thức uống để giải khát, làm tăng trưởng sức khỏe và tạo cho tinh thần được sảng khoái. Đã vậy, trong trà còn có “tính dược” tiêu trừ được các loại bệnh nên trở thành một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa Trung Hoa.
Dần dà, việc uống trà được xem là một nghệ thuật nên danh từ “Trà Nghệ” xuất hiện để chỉ cho nghệ thuật uống trà. Tập “Lục Vũ Trà Kinh” là tác phẩm đầu tiên trên thế giới đặc biệt khảo luận về trà, được truyền đi khắp thế giới từ châu Á, châu Âu và ngay cả Mỹ và Úc Châu. Sau khi tìm hiểu được giá trị thập phần hoàn hảo của trà nên bày ra cách hưởng thụ đúng theo lợi ích và cái thú của nó trong đời sống hằng ngày.
Trà đảm nhận một vai trò quan trọng trong cuộc sống đối với Trung Quốc, Nhật Bản, Cao Ly cũng như Việt Nam. Như vấn đề hiếu thảo, người con pha một bình trà thơm ngon dâng lên cho cha mẹ vào mỗi buổi sáng. Có người phân vân tại sao không là buổi trưa hay xế chiều hay là buổi tối?
Bởi theo tính dược uống trà buổi sáng giúp cho tinh thần sảng khoái, trí óc minh mẩn thêm ra. Chẳng khác nào nhâm nhi ba chung rượu vào lúc nửa đêm. Đối với các nhà thơ trà cũng như rượu dễ kích thích cho nguồn cảm hứng để phun châu nhả ngọc…Vì vậy mới có câu:
“Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh nhất trản trà.”
Trà hái ra từ các lá non nơi cây trà để chế biến. Nó tùy thuộc vào độ lên men của lá trà trong không khí và nhiệt độ “sao trà” để có được màu sắc và hương vị thơm ngon. Ngoài ra còn ướp các loại mùi thơm của hoa, tùy theo sự biến chế theo nhu cầu của người thưởng thức trà.
Trà gồm các loại như:
1. Trà tự nhiên không lên men như: Lục Trà, Long Tỉnh, Bích La Xuân, Tiễn Trà.
2. Lên men chỉ một nửa có loại Ô Long.
a. Độ lên men nhẹ có: Thanh trà, Hoa trà, Lục trà.
b. Độ lên men trung bình có Đống Đình, Thiết Quan Âm, Thủy Tiên, Vũ Di, Thiên Lư Trà, Thiên Vu Trà…
c. Độ lên men cao có: Bạch Hào, Ô Long, Bành Phong Trà, Thiên Vu Trà…
Sự khác biệt giữa Lục trà và Hồng trà còn tùy theo quá trình chế biến. Ngoài ra còn phương pháp tồn trữ trà đòi hỏi thật cẩn thận để tránh bị biến chất, mất mùi vị và luôn cả bị mốc vô cùng tai hại. Đặc biệt nên lưu ý dùng các loại họp để tồn trữ nên tìm các loại bằng chai hoặc bằng sứ hay bằng sắt không có mùi lạ. Các loại họp tồn trữ không cho hở gió, lọt ánh sáng hay ẩm ướt nhất là phải cất vào nơi mát mẻ, khô ráo. Tốt nhất bọc thật kín để vào tủ lạnh…
VẤN: Cô Hồng Bạch Tuyết, San Jose: Cháu bị ngã, đi bác sĩ xương bó bột, đau nhức vô cùng. Cháu được cho uống thuốc giảm đau, song cháu không muốn uống nhiều thuốc khoáng chất của Tây Y. Nghe nói thuốc Đông phương có nhiều loại chận đứng được. Bà cụ có biết không?
ĐÁP:
Tôi đọc được trên một trang Web có bài thuốc như cô hỏi. Xin ghi lại gửi cô: Bài thuốc này của cô ba Hương Biên Hòa hiện ở Thụy Sĩ do một thầy Tàu chỉ dẫn cho cô. Toa thuốc đó như sau:
1. Môt con gà con cở 100gr.
2. Một trăm gram Đâu phụng còn vỏ đỏ.
3. Một trăm gr. Đậu trắng.
4. Một củ tỏi lột vỏ.
5. Một chút muối.
CÁCH NẤU:
Ngâm hai thứ đậu lối một đêm, đến sáng nấu với khoảng hai lit nước vơi các món liệt kê trên. Đợi sôi rồi để lửa riu riu. Nấu khoảng 1 giờ 30 phút. Xong nhắc xuống ăn như ăn canh. Vô cùng hiệu nghiệm.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 230
VẤN: Bà Hồng Hà, Monterey Park: Tôi từng xem phim Tây Du Ký, biết ông Tam Tạng thỉnh kinh, biết ông Tề Thiên Đại Thánh vốn là con khỉ đá, biết Sa Tăng và Trư Bát Giới…Chuyện rất là hay, coi đến mê say không thấy chán. Tuy vậy tôi chưa biết tác giả là ai? Biết Tam Tạng sang Ấn Độ thỉnh kinh, nhưng thỉnh được bao nhiêu bộ thì không được rõ? Cây thiết bản mà Tề Thiên Đại Thánh lấy được ở đâu? Bà cụ giải thích hộ.
ĐÁP:
Truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Chuyện xảy ra vào thời nhà Đường năm thứ 2 niên hiệu Trịnh Quán. Huyền Quang không sợ gian nan một mình sang Thiên Trúc Ấn Độ thỉnh kinh. Ông đi lâu đến 17 năm, qua hơn 50 quốc gia, đầy gian nan nguy khổn, thập phần tử nhất phần sinh. Cuối cùng mang về được 657 bộ kinh.
Tôn Ngộ Không là hình tượng anh hùng, sinh ra từ một khối đá, làm Chúa đàn khỉ ở Động Thủy Liêm, núi Hoa Quả – một lạc viên lý tưởng. Đàn khỉ dưới quyền Tề Thiên cai quản, nhưng không chịu kỳ lân trông coi, chẳng phục tùng phụng hoàng cai quản và cũng không chịu ràng buộc bởi vua ở thế gian. Nhưng lại chịu quản thúc của Diêm Vương.
Tôn Ngộ Không bản chất phóng túng, náo động Long Cung, lấy gậy sắt của Đông Hải Long Vương. Gậy này có tên là “gậy như ý” bọc vàng trấn đáy song trời, sức nặng đến 13.500 cân. Ngộ Không mang thiết bản xuống đánh Cõi Âm Phủ làm cho quỷ đầu trâu trốn chui trốn nhủi, còn quỷ mặt ngựa phải chạy nam chạy bắc, ngay cả Diêm Vương cũng khiếp vía…kinh hồn! Đại khái là như vậy.
VẤN: Cụ Lê Hồng Anh, Los Angeles: Tôi có nghe nói ngày xưa có “Bái Vật Giáo”, vậy giáo phái này như thế nào? Bà cụ giải thích hộ cho. Cám ơn cụ.
ĐÁP:
Thời xã hội nguyên thủy, Bái Vật Giáo coi như là một tôn giáo. Bái Vật Giáo gồm có các loại: nhân thể, thần tượng và vật hộ thân, trong đó có vật tự nhiên như hòn đá, cành cây, xác người hoặc xác động vật, cung tên, công cụ v.v…Theo người nguyên thủy thì những vật thể này có sức mạnh siêu nhiên thần bí trừ tà, cầu phúc…
VẤN: Ông Vũ Quốc Anh, Maryland: Người Việt ta khi nói về tuổi tác hay nói đến tử vi đều nhắc đến “Can Chi”, vậy Can Chi là gì thưa cụ?
ĐÁP:
Can Chi chẳng phải chỉ người Việt ta nói đến mà người Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên đều áp dụng trong tuổi tác. Như “Can” gồm Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mồ, Kỷ Canh, Tân, Nhâm, Quí. Còn “Chi” gồm 12 con Giáp như: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi.
VẤN: Ông Hà Như Chi, Virginia: Bà cụ có nhớ tờ báo nào xuất bản đầu tiên ở Việt Nam không?
ĐÁP:
Tờ Đông Dương Tạp Chí là tờ báo tiếng Việt đầu tiên xuất bản tại Hà Nội. Chủ nhiệm tờ báo này là một người Pháp tên là Francois Henri Schneider. Chủ bút là học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Số 1 ra đời ngày 15-5-1913. Trợ bút là Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Đinh Bá Trác và Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Tờ báo kéo dài được hơn 7 năm và tự đình bản vào ngày 15-9-1919.
Còn tiếp
THINH QUANG
Xem Phần 45 tại đây
Xem bài cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage núi Ấn sông Trà tại đây.