Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 48)
THINH QUANG


VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 48)
Thinh Quang

MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 236

VẤN: Bà Nguyễn Hải Hoa, San Jose: Nghe nói lươn là món ăn sẽ được trường sinh, có vậy không? Xin bà cụ giải thích.

ĐÁP:

Lươn là một món ăn bổ khí huyết. Miền đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lươn, đặc biệt là lươn tại địa phương này rất lớn, có con bằng cổ tay. Lươn (Fluta alba) khá phổ biến ở Việt Nam. Lươn xuất hiện khắp nơi như mương, rạch, ruộng nước, nơi bùn lầy. Các đồng lúa Miền Trung nổi tiếng có nhiều cá nước ngọt và cũng có nhiều lươn.

Người dân địa phương có nhiều cách nấu các món ăn thịt lươn, như lươn nướng lá lốt, là một trong các vị thuốc trị được phong thấp. Ăn cháo lươn bổ máu, mạnh khí huyết, ăn một chén cháo lươn bằng cả thang thuốc bổ. Ngoài ra, còn có món “lươn nhồi”. Món ăn này thật lắm công phu, nhưng chính cái lắm công phu nên nó được sắp xếp thuốc hàng đại bổ.

Muốn ăn món “lươn nhồi”, trước tiên là chặt đầu lươn, lột da như lột da rắn, nghĩa là tuốt ngược để giữ nguyên ống tròn. Bỏ ruột nghiền nát thịt cùng máu lươn. Các gia vị kèm theo như lát lốt, hạt sen, nấm, mè đen, hà thủ ô…tất cả nhồi vào bên trong da lươn. Xong xuôi mang đem rang trong chảo muối nóng.
Đây là món ăn vừa ngon vừa bổ.

Món mà bà chị hỏi đó là “Lươn Biển Nấu Sâm”, được xem là “Bài huốc Trường Sinh”.

Tưởng cũng nên biết “lươn biển” còn gọi là “cá chình” có thân hình dài chừng một thước, có hình dạng như con lươn. Lưng nó có vây, luôn cả ngực và đuôi. Loại cá chình này sống ở vùng nước lợ ven biển. Ngày xưa, người đi biển hay vùng nước ngọt lợ chỉ thấy cá chình toàn một cỡ, không bao giờ thấy con nhỏ, mà cũng chẳng thấy chúng sinh đẻ. Vì vậy người xưa có quan niệm là loại cá này trẻ mãi không già. Tư đó họ tin là người nào ăn được nó sẽ trường sinh bất lão. Nhưng vào khoảng năm 1967, nhờ có tàu ngầm lặn ở biển sâu nên mới biết rõ toàn bộ đời sống của con lươn biển. Từ 8 đến 10 năm tuyến sinh dục nó mới bắt đầu phát triển. Thời kỳ này cá chuyển sang màu xám. Chúng bơi ra biển khới lặn sâu vài ngàn mét tìm đến vùng rong mơ để đẻ trứng.

Thịt lươn đã bổ mà còn được nấu với loại “Sâm Nam” tức là sâm đất hoặc sâm mồng tơi. Lá và hoa hái quanh năm dùng để nấu canh. Đây là loại ăn đại bổ. Loại sâm này có tính hoạt mạnh hơn rau mồng tơi. Nên dùng củ nấu với lươn biển. Củ có vị ngọt nhạt, tính bình. Củ sắc trắng nên đi vào “phế”, vị ngọt đi vào “tỳ”, ít đắng sinh “tân dịch”. Ăn vào trị được hơi thở khô nóng, táo bón, những sản phụ sau khi sinh đẻ, những người “đái són”, “suy nhược”. Tóm lại ăn được các vị bên trên sẽ giúp không ít cho cơ thể khỏe mạnh và sống lâu, nhất là đối với những người bị chứng có tinh hoàn lớn hay bị biến chứng có thêm tinh hoàn như bóng nước. Ăn vào sẽ dứt hẳn.

VẤN: Ông Vương Thanh Hoàng, San Jose: Thưa cụ, tôi nghe Nghệ là một loại sát trùng, bà cụ nghĩ thế nào?

ĐÁP:

Trên trang mạng có đề cập đến loại “bột nghệ” như ông hỏi. Hiện trên thị trường có bán loại bột nghệ vào chai. Là một loại thuốc sát trùng (antiseptic) rất mạnh. Là một antibiotic thiên nhiên, cùng một dạng như trụ sinh, có nhiều antioxidants chống lão hóa. Khi dùng nghệ tươi để tẩy sẹo mổ hay sẹo trứng cá, thì vết thẹo lành thật nhanh và các mụn cũng bị tẩy sạch. Nghệ thuật hơn các thuốc trị trứng cá vì vừa sát trùng vừa lành vết thương, vừa làm nhạt thẹo rất hiệu nghiệm, chỉ trong vòng vài tuần là hết. Nếu ta trộn chung bột nghệ với mật ong thật và sống (nhớ không phải nước đường). Bị lang beng loang lổ cùng mặt, trộn bột nghệ với mật ong tươi viên thành cục nhỏ như “mai cam thảo”. Sau khi phơi khô cho vào microwave cho thật khô thêm. Mỗi ngày nhai 3 viên buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều. Trong vòng 2 hay 3 tháng da mặt sẽ trở lại bình thường, trắng và mịn đẹp thêm ra.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 237

VẤN: Ông Nguyễn Phú Hào, Orange County: Tôi nhận thấy dân tộc nào cũng có ngày đặc biệt về tập tục biểu tượng cho nền văn hóa của họ. Như Việt Nam ta có nhiều lễ hội song, đặc biệt là “Mùa Cưới” cũng như người Mỹ có ngày “Valentine”… Bà cụ có biết gì nhiều cho hai ngày lễ hội này không?

ĐÁP:

Đúng như ông đã biết. Nước VN ta có “Mùa Cưới”, hàng năm vào tiết Đông Thiên, tức vào mùa Đông khoảng tháng 10 và tháng 11 Âm lịch, thường được tổ chức ngày thành hôn cho đôi lứa. Tính theo Dương lịch thì Mùa Cưới của VN nhằm tháng 1 và 2 Dương lịch, cũng đúng vào mùa Đông.

Hoa Kỳ CŨNG theo như người La Mã từ mấy thế kỷ nay chọn ngày 14-2 làm ngày “Lễ Tình Yêu” – cũng nhằm vào mùa đông – và được gọi là ngày lễ Valentine.

Có giả thuyết đưa ra giải thích về nguyên nhân đa phần chọn ngày thành thân của đôi lứa trong mùa cưới để cầu xin cho đôi trẻ được trọn đời yêu nhau, mong sao cho sắt cầm hảo hiệp, bách niên giai lão…Và tiếp theo đó là tuần trăng mật trong những ngày đầu xuân có trăm hoa đua nở… bướm lượn ong vờn… Còn gì hạnh phúc bằng!

Có giả thuyết ngày lễ Valentine là ngày kỷ niệm tưởng nhớ đến bà hoàng Juno là người bảo vệ cho hôn nhân và hạnh phúc gia đình. Họ đã tặng cho các phụ nữ những đóa hoa được xem là biểu tượng của hạnh phúc và lòng chung thủy.

Một giả thuyết khác ngày Valentine là ngày kỷ niệm thánh Valentine đúng vào ngày 14-2 nói lên lòng trung kiên của Đức Hồng Y Valentine chịu chết trước quyền lực của Claudius Goticus – nhà vua La Mã xử tử hình để bảo vệ lòng chung thủy. Lúc sinh thời Đức Hồng Y Valentine thường tặng hoa cho những đôi nhân tình, nên sau khi chết dân chúng chọn ngày 14-2 để tưởng niệm Ngài.

Tuc tặng hoa cho ngày Tình Yêu có từ đó.

Có rất nhiều loài hoa được chọn tặng cho nhau, như Acacia biểu tượng cho ngày tình yêu tinh khiết, hay hoa Alpine rose nói lên sự hẹn hò tái hội “khi nào thì chúng ta gặp lại nhau?” Hoặc hoa Anemonne tỏ sự vui mừng và lòng tin tưởng…Cũng có loại hoa dành cho phái nam bày tỏ trái tim mình “vẫn còn trống vắng”, bằng loại hoa Chrysanthemum v.v…Cũng có hình ảnh của loài hoa ca tụng sắc đẹp mê hồn như Jasmin, hay hứa hẹn ngày thành hôn đôi lứa, đó là loại hoa Myrtle v.v… Hàng trăm loại hoa và hàng trăm trường hợp vui buồn lẫn lộn v.v..

Ngoài ra còn có các kỷ vật biểu tượng cho tình yêu, như Quả Táo nói về sự tích của vườn Địa Đàng - nơi đó có ông A Dong và bà E Và lén ăn trái cấm, Quả trứng sự tích của người Ai Cập cổ nói lên sự sinh sản, Hoa Hồng nói lên sự tích thần Vệ Nữ, Nhẫn Cưới là sự hứa hẹn về lứa đôi, Mặt Trăng cầu xin Dì Nguyệt cho sự ước muốn của đôi lứa được trăm năm hạnh phúc v.v..

VẤN: Bà Đào Duy Hy, Reseda: Tôi thường nghe nói Vitamin C có tác dụng nhiều cho sưc khỏe, nhất là trong các trái cây. Xin bà cụ chỉ giúp sự lợi ích của vitamin này và sự lợi ích của nó ra làm sao?

ĐÁP:

Rau và trái cây thuộc cùng một nhóm trong bốn nhóm thực phẩm mà mỗi bữa ăn nên có. Nhất là trái cây rất quan trọng đối với cơ thể vì nó chống oxy hóa tan trong nước rất hiệu quả để bảo vệ cơ thể chống lại sự hủy hoại. Vitamin C rất cần cho sự hình thành collagen nên rất quan trọng cho sức khỏe của làn da, sụn, khớp và mạch máu. Nó còn giúp cho vết thương chóng lành. Vitamin C cũng giúp tăng hấp thụ một số chất dinh dưỡng như sắt và kẽm từ chế độ ăn uống. Đó là chưa kể sự tăng cường cho sức đề kháng của cơ thể v.v..

Các loại trái cây có nhiều Vitamin C như cam, chanh, bưởi, ổi, đu đủ, táo, trái hồng, cherry, thơm, dâu tây, nho, dưa hấu, xoài…


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 238

VẤN: Ông Vũ Hồng, Canoga Park: Ngày xưa có nhiều tuồng hát bộ, nhưng tôi thích nhất là tuồng “Sơn Hậu” từng được in ấn hay được diễn xuất trên sân khấu. Bà cụ còn nhớ về vở San Hậu đó không? Xin thành thật cảm ơn.

ĐÁP: Tuồng Sơn Hậu được nhiều dịch giả in ấn như:

- Sơn Hậu của dịch giả Lê Nhựt Anh, ấn hành năm 1901.
- Sơn Hậu của Phụng Hoàng, San và Võ Thành Ký, 1903,
- Sơn Hậu của Hoàng Minh Tự.
- Sơn Hậu của Nguyễn Kim Đính.
- Sơn Hậu của Lê Ngọc Báu 1930
- Sơn Hậu của Tú Tông Khê và
- Sơn Hậu của Nguyễn Bá Thời…
Tổng cộng 7 dịch giả dịch cùng một tác phẩm.

VẤN: Cụ Đỗ Hồng Nhiên, Monterey Park: Ngày xưa trong Văn Học Sử Trung Hoa có ghi lại một giai thoại lý thú. Câu chuyện văn học gồm có ba địa tiên thường rủ nhau uống rượu làm thơ, khôn màng danh lợi…Bà cụ có nhớ giai thoại này chăng?

ĐÁP:

Thời Khai Nguyên có ba thi nhân nổi danh thơ hay thường rủ nhau đi ngao du rong chơi đây đó, khi hứng thì đối tửu làm thơ cùng ngâm câu xướng họa. Theo sách Tập di ký ghi rằng:

”Ba nhà thơ khét tiếng này là Vương Xương Linh, Cao Thích và Vương Chi Hoán. Một ngày kia, tiết trời giá rét, tuyết rơi xuống như thể mưa hoa, ba thi nhân cùng đến uống rượu tại Kỳ đình. Tại đây nghe tin có lối mươi người trong “lê viên linh quan” đưa nhau lên lầu dự tiệc. Vương Xương Linh khẽ bảo với Cao Thích và Vương Chi Hoán rời khỏi bàn đang ngồi lẻn đến cạnh lò sưởi để nghe các nàng ca hát. Quả thật, chỉ trong chốc lát các nàng ca kỷ kéo đến, ăn vận xa hoa, trông thập phần diễm lệ trông thật quyến rủ. Qua tuần rượu các nàng lần lượt cất lên tiếng hát, nhịp nhàng với điệu nhạc khiến cho mọi người trong Kỳ đình đều lên tiếng tán thưởng.

Vương Xương Lương cùng hai bạn thơ thì thầm bảo nhau:

-”Này hai ông bạn! Chúng ta vốn nổi tiếng trên thi đàn, nhưng đem ra so sánh thì lâu nay chưa phân định được vị thế của nhau. Vậy Chi Hoán này đề nghị hãy cứ ngồi lặng lẽ nghe các nàng ca kỷ trong bọn linh quan lấy thơ ai trong bọn chúng ta hát lên nhiều nhất thì lấy đó mà phân định ngôi vị trên thi đàn”.

Cả ba đồng gật đầu ưng thuận.

Thế rồi chỉ trong giây lát sau, một vị linh quan cử nhạc để các nàng thi nhau véo von tiếng hát:

Bốn câu hát đầu tiên là bài “Phù Dung Lâu Tống Tân Tiệm” của Xương Linh:

“Hán vũ liên giang dạ nhập Ngô,
Bình minh tống khách Sở sơn cô.
Lạc dương thân hữu như tương vấn,
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.

Dịch thơ:

Đêm khuya mưa lạnh vào Ngô
Bình minh tiễn khách Sơn Cô lạnh lùng.
Lạc dương bè bạn hỏi han
Bảo rằng một mảnh băng tâm ngọc hồ.
(Thinh Quang dịch)

Tiếng hát vừa dứt, Vương Xương Linh đưa tay vẽ lên tường ba chữ: “Nhất Tuyệt Cú”.

Các nàng lại hát tiếp bài thơ thứ hai:

“Khai khiếp lệ triêm ức.
Kiến quân tiền nhật thư.
Dạ đài hà tịch mịch,
Do thị Tử Vân cư.”

Đây là bài “Trường Tín Thu Từ”. Dịch thơ:

Mở nắp ra trắp nhòa thấm ngực
May thay còn tìm được thư chàng.
Dạ đài bao xiết cô đơn
Thì ra chốn ấy vẫn còn Tử Văn.
(Thinh Quang dịch)

Lần này, nghe xong Cao Thích vẽ một vòng nói: “Nhất Tuyệt Cú”.

Rồi đến bài “Xuất Tái” của Vương Chi Hoán tức bài thứ ba:

Phụng trửu bình minh kim điện khai,
Cưởng tương đoàn phiến cộng bồi hồi.
Ngọc nhan bất cập hàn nhan sắc,
Do đế Chiêu dương nhật ảnh lai.

Dịch thơ:

Sáng ra, ngõ cửa, quét đền vàng,
Nâng quạt, dầng chân, dạ vấn vương.
Mặt ngọc những thua con quạ rét,
Nó còn sưởi nắng điện Chiêu dương.
(Ngô Tất Tố dịch)

Đến lượt cô gái búi tóc song hoàn, cất tiếng:

Hoàng hà viễn thượng bạch vân giang
Nhất phiến cô thành vạn nhận san.
Khương địch hà tu oán dương liễu,
Xuân phong bất độ Ngọc môn quan.

Dịch thơ:

Hoàng hà mây trắng lửng lơ trôi
Một tấm cô thành chọc thẳng trời
Khương địch trổi chi dương liễu oán,
Gió xuân nào lọt chốn xa xôi!
(Thinh Quang dịch)

Nàng ca kỷ sau cùng trong “lê viên linh quan” vừa dứt tiếng hát, tức thì Chi Hoán vui mừng bảo với Xương Linh cùng Cao Thích:

-”Ta nào có nói sai đâu!”

Nói xong ba nhà thơ đều nổi lên cười rộ, khiến đám người trong bàn tiệc kia ngạc nhiên cùng hỏi:

-”Chẳng hay ba vị chuyện gì mà vui lắm vậy?

Lúc bấy giờ Xương Linh cùng các bạn mới thuật lại mọi chuyện. Đám linh quan giât mình cùng nhau quì lạy, thưa rằng:

-”Chúng tôi người trần mắt thịt, không biết được các bậc thần tiên, cúi xin được lượng tình tha thứ”.

Xong xuôi ba nhà thơ đều ngồi vào bàn tiệc cùng hoan hỉ uống say mèm cho đến sáng.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 239

VẤN: Ông Vũ Văn Vân, Virginia: Nền kinh tế khủng hoảng hiện nay, chẳng những Hoa Kỳ mà hầu hết các quốc gia trên thế giới lâm vào cảnh lao đao không ít. Nghe nói vào những thập niên đầu của thế kỷ 20 nạn khủng hoảng kinh tế còn tệ hại hơn nhiều. Tiếp đến bắt đầu cuộc chiến ở Đông Á do Nhật phát động gây nên cảnh chết chóc cho dân chúng Việt Nam ta không ít. Xin bà cụ thuật lại tình trạng kinh tế lúc bấy giờ như thế nào?

ĐÁP:

Nạn khủng hoảng kinh tế vào những thập niên đầu của thế kỷ 20 xem như là lâm vào tình trạng tồi tệ nhất. Tình trạng thất nghiệp kéo dài nhiều năm kể từ năm 1929 đến 1934. Suốt 5 năm trường như vậy làm điên đảo mọi tầng lớp trong xã hội, nhất là giới công nhân lao động. Đã vậy, sau năm 1929, tức suốt hai năm 1930-1931 loạn lạc lại nổi lên khắp nước khiến nhân dân đang đói khổ lại càng lầm than hơn nữa.
Sau khi nền kinh tế vừa phục hồi, thì tiếp đến là cuộc thế chiến thứ hai bắt đầu bùng nỗ. Đế quốc Nhật mở màn cho cuộc thế chiến thứ hai ở Đông Á, tấn công Trung Hoa tiến thẳng xuống Hoa Nam làm cho tình hình Đông Dương căng thẳng. Năm 1943 đến 1945 quân đội Nhật tiến chiếm Việt Nam, gom cả lúa gạo làm lương thực cho quân đội của Thiên Hoàng, tạo nên cảnh đói khổ giết chết cả hàng triệu người…

VẤN: Ông Hồ Văn Hạc, Onrange County: Tôi từng nghe nói, trong Tam Quốc Chí có ba cái “tuyệt”, vậy ba cái “tuyệt” đó như thế nào?

ĐÁP:

Đúng là Tam Quốc Chí có ba cái “Tuyệt”. Đó là:

1. Tào Tháo gian tuyệt.
2. Quan Vũ nghĩa tuyệt.
3. Khổng Minh trí tuyệt.

VẤN: Bà Lê Hồng Vân, San Jose: Nghe nói Yogurt mà ta thường nói là một thực phẩm rất tốt. Vậy nó bổ ích cho những gì trong cơ thể ta? Bà cụ biết xin chỉ giáo.

ĐÁP:

“Da Ua” (tiếng Anh là Yoghurt or yogurt) tức là tên của thực phẩm “sữa chua”, rất tốt cho sức khỏe. Trong “Da Ua” có vi khuẩn tên “probiotic”, thường gọi là vi khuẩn bạn của cơ thể con người. Khi ăn vào sẽ giúp cho hệ thống tiêu hóa. Tác dụng của “Da Ua” giúp cho đường tiêu hóa thuận lợi. Hay nhất là các chứng nhiễm trùng. Phụ nữ ăn Da Ua rất tốt đối với sự nhiễm trùng đường tiết niệu. Nó có thể làm các tế bào của hệ miễn nhiễm cơ thể tăng cường hoạt động giúp cơ thể của họ chống lại sự hoạt động của các vi khuẩn bất thường trong đường tiết niệu, nhất là giúp làm giảm nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiểu tiện. Đặc biệt là ngăn ngừa bệnh ung thư ruột già v.v… Đại khái như vậy.

VẤN: Cụ Lý Chính Nghĩa, Los Angeles: Bà cụ có nhớ bài “Phong Kiều Dạ Bạc” không? Bài này của nhà thơ nào? Nếu được bà cụ ghi luôn bài thơ dịch của cụ Tản Đà. Cám ơn cụ nhiều.

ĐÁP:

Bài “Phong Kiều Dạ Bạc” của Trương Kế, như sau:

“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
Cô tô thành ngoại Hàn san tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.”

Dịch nghĩa xuôi:

CẦU PHONG, ĐÊM NEO THUYỀN.

Trăng lan, quạ kêu, sương đầy trời
Cây phong bến sông, ánh đèn chài, trước giấc ngủ buồn
Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn Sơn
Nửa đêm tiếng chuông vọng đến thuyền khách.

Ta có bản dịch thơ sau đây:

Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,
Lửa chày, cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
(Tản Đà dịch)

(Xem thêm 49 bản dịch bài thơ nầy tại đây)


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 240

VẤN: Cháu Hoàng Ngọc Phu, Philadelphia: Tại sao người ta thường bảo “Mẹ Mướp” là hồ ly, xin bà cụ giải thích cho.

ĐÁP:

Lời đồn đãi thì…ngày xưa trong dân gian thường dùng danh từ “Mẹ Mướp” để ví người đàn bà nào đanh đá, độc ác, đến nỗi phải chuyền tai nhau cảnh giác “ai trêu vào mụ tức thì bị mụ xé xác cho mà khốn đốn”. Ca dao Trung Hoa có câu:

“Tha thị cửu vĩ hồ ly
Tự đích bất hảo nhạ.”

Bốn câu dưới được ta dịch ra:

“Ả là cửu vĩ hồ ly
Chớ có trêu vào mà khốn.”

“Biết tay ăn mặn thì chừa
Đừng trêu mẹ mướp mà xơ có ngày.”

VẤN: Võ Văn Kiểm, Reseda: Thưa cụ, có mấy điều tôi muốn được sáng tỏ thêm trong giáo lý của nhà Phật:
1. Vị nào chủ trương “Bát Không” và Bát Không” đó là gì?
2. Người tu hành thường tâm niệm được mặt trời nở ra trong lòng. Tại sao lại có hoài vong này?

ĐÁP:

Câu thứ 1: Long Thọ (Nagarjuna) có lần tuyên bố, ông chủ trương Bát Không. Theo ông thì:

“Chẳng sinh mà cũng chẳng diệt
Chẳng đi mà cũng chẳng lại
Không thường mà cũng không đoạn
Không một mà cũng chẳng khác.”

Bốn câu này là để phủ định tất cả những quan niệm cho thế giới và tuyệt đối không khác nhau. Chủ trương của ông là phải thực hiện cái “Tâm Vô Niệm”, tức là Sunyata. Là Hư Không, trống rổng, không còn đối tượng mà cũng chẳng có chủ thể của trí thức nữa. Đó là cái Praina, cái ta thường nói “Bát Nhã”…

Câu thứ 2:

Đối với Trung Quán do Nagarjuna nói:

”Trực giác về thực tại Chân Như xuất hiện khi mà quan niệm và suy tư đã biến mất”.

Vậy thì cái “trực giác” đó chính là cái tính của Phật, mà đồng thời nó chính là cái tính của chúng sinh. Vì vậy mới có câu “Phật tức tâm, tâm tức Phật. Và, theo câu cụ nêu ra hỏi tại sao “Ngưởi tu hành thường quan niệm được mặt trời nở ra trong lòng. Tại sao lại có hoài vọng này?” Khi mà sự suy tư của người ta biến mất thì tất nhiên trực giác về Chân Như sẽ xuất hiện, như đã nói ở bên trên. Mê vọng hết thì cái “tâm Phật” sẽ tỏ ra, khiến cho cái mê vọng không còn nữa mà thay vì vào đó là “tự tính” xuất hiện. Vì vậy mới có câu ”Phật tức tâm, tâm tức Phật”. Bách Trượng há đã không bảo:

“Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu”.

Có nghĩa:
“Cái lòng mình không còn vọng động nữa thì (dĩ nhiên) cái mặt nhật trực giác tự nó cũng phải tỏ ra.”

VẤN: Bà Nguyễn Thu Hằng, Monterey Park: Nghe nói thịt công ngon, vì vậy mới có câu thành ngữ: “Nêm công chã phụng”. Tôi muốn biết, quả thực có phải thịt công ngon không? An thịt công có độc không? Xin bà cụ chỉ giáo.

ĐÁP:

Thịt công có ngon không, có thể nói rằng, công thuộc loài chim hiếm co, nên nhiều người quan niệm nó thuộc hàng siêu thực phẩm, bởi vậy mới có câu “nem công. Sự thật thì công thuộc loại chim rừng có bộ lông tuyệt đẹp. Công thường xù lông, xòe đuôi, vũ lộng rất hay. Công cũng như loài chim cút, vợ chồng thủy chung. Một trong hai con rủi ro bị qua đời thì con chồng hay vợ buồn cho đến chết …Thịt công cũng ngon như thịt gà, vị ngọt hơi mẵn, nhưng cũng có chút độc,song không đến nỗi hại đến sức khỏe. Thịt công có khả năng giải các thứ thuốc. Vì vậy, nếu uống thuốc rồi ăn thịt công vào, theo Tuệ Tĩnh thì sẽ đi tả ra thuốc. Theo giới Đông y thì ăn thịt công sẽ giải thuốc độc.

Tác dụng thịt công trị được cổ trướng, trị trùng, làm tiêu bứu dịch hoàn. (Điều căn dặn tuyệt đối là “Mật Công” rất độc. Khi làm thịt phải cẩn thận không để vỡ túi mật, cắt bỏ đi. Điều này cho ta thấy thật đặc biệt: “mật công cực độc, song thịt công lại giải độc”. Lông công có phấn độc, không nên để bay vào mắt sẽ rất nguy hiểm.

Còn tiếp
THINH QUANG

Xem Phần 47 tại đây
Xem bài cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage http://www.nuiansongtra.com  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh