Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
NGƯỜI TRẦN QUỐC TUẤN Ở PARIS
LÊ VĂN CÔNG
Các bài liên quan:
    TÌNH KHÔNG NHẠT PHAI.
    LỘNG LẪY NHỮNG CUỘC TÌNH
    Trường TRẦN QUỐC TUẤN ...
Paris có gì lạ không em?
Giòng sông xanh

Mở speakers ON, click vào mũi tên màu trắng để nghe âm-thanh.
Không muốn nghe bản đang phát, click vào hai gạch song song thẳng đứng

để OFF rồi click vào mũi tên trắng vào ô kia để mở bản nhạc khác.
Bài 1: PARIS CÓ GÌ LẠ KHÔNG EM
Sáng tác: Ngô Thụy Miên
Ca sĩ: Ngọc Hạ
Bài 2: GIÒNG SÔNG XANH (BLUE DANUBE)
Sáng tác: Nhạc ngoại quốc
Lời Việt: Dương Thiệu Tước
Ca sĩ: Mai Hương.
 

NGƯỜI TRẦN QUỐC TUẤN Ở PARIS
Lê Văn Công

 

Đúng một năm, sau khi nhậm chức Tổng Giám đốc Novartis Việt Nam, ước vọng cuả Emmanuel Puginier về việc promotion trở thành hiện thực, khi ông được đề cử làm Export General Director cuả Novartis Pháp và được về làm việc ở Paris. Cuối năm ấy, vào dịp Noel, với tư cách là Tổng Giám đốc xuất khẩu cuả Novartis Pháp, Puginier mời tôi và Liệp, một người bạn cùng công ty, tham dự hội nghị hàng năm về xuất khẩu, được tổ chức tại Paris. Giấy mời ghi rõ: chi phí toàn bộ của chuyền đi bao gồm: vé máy bay, khách sạn, taxi, metro, tiền tiêu vặt của chúng tôi tại Paris, sẽ do Novartis Pháp tài trợ.

Từ khi làm việc cho công ty CIBA rồi sau đó là Novartis Việt Nam, tôi có nhiều dịp công tác ở nước ngoài, được biết đến những chân trời rộng mở. Lần đầu tiên là Singapore, thành phố xanh sạch đẹp vào hạng nhất nhì thế giới. Những lần sau này là Selangor thơ mộng cuả Malaisia, Yojakarta đầy nắng gió cuả Indonesia, Nanning thành phố ồn ào, thủ phủ tỉnh Quảng Tây, rồi Shanghai đang hiện đại hoá cuả Trung Quốc. Nơi nào cũng để lại trong tôi nhiều ấn tượng, đẹp có, xấu có. Song nói cho cùng, đó là những thành phố châu Á, tuy có những phát triển vượt bực về hạ tầng, vẫn chưa gột rửa hoàn toàn dấu vết yếu kém cuả các quốc gia thuộc thế giới thứ ba.

Song Paris thì lại là một câu chuyện khác hẳn. Paris, trong trí tưởng cuả tôi thời tuổi trẻ, là sông Seine trong xanh, khu rừng Boulogne thơ mộng với những kiều nữ xinh đẹp thoát hiện thoát ẩn. Paris có nhà thờ Đức Bà với anh gù Quasimodo nổi tiếng và cô gái Digan xinh đẹp Exmeranda, đã được Victor Hugo khắc hoạ bằng những đường nét sâu sắc, đến nỗi chúng tôi cảm thấy như có thể hình dung ra được trước mắt mình. Rồi tháp Eiffel cao ngất, viện bảo tàng Louvre rộng mênh mông. Cũng như, rõ ràng chúng tôi khó lòng quên được những giai điệu nao lòng, trong bản nhạc ”Paris có gì lạ không em?” cuả Ngô Thụy Miên, với lời thơ Nguyên Sa, mang đầy chất trữ tình một cách phiêu hốt. (Nghe bản nhạc này ở trên, Webmaster)

Thời trung học, chúng tôi học “Cours de Language et Civilisation de la France” cuả Mauger, đã thấm nhiễm đôi chút nỗi niềm yêu mến đời sống tinh thần cuả dân tộc Pháp, một dân tộc có nền văn hoá phong phú nhất châu Âu. Chúng tôi yêu Albert Camus và Jean Paul Sartre, hai triết gia cuả trường phái hiện sinh, thích đọc các nhà văn Victor Hugo, André Maurois, André Malreaux, Romain Rolland, Simone de Beauvoir, rung cảm trước những vần thơ da diết cuả Félix Avers, Guillaume Appolinaire, Paul-Marie Verlaine. Tôi còn nhớ hai câu thơ cuả Félix Arvers, đã theo tôi đi suốt quãng đời thanh xuân lãng mạn:

Mon âme a son secret.
Ma vie a son mystère.
(Tâm hồn tôi có một niềm bí mật
Cuộc đời tôi có một sự nhiệm mầu).

Sự nhiệm mầu và niềm bí mật riêng tư ấy, không ngờ lại đeo đuổi tôi đến tận chặng bay Thành phố Hồ Chí Minh - Dubai, như một định mệnh. Câu chuyện của mười bốn năm về trước, câu chuyện về Lolita, với: “LOLITA…, mon âme, mon péché, feu du mon coeur…” (LOLITA, linh hồn tôi, tội lỗi của tôi, lửa của trái tim tôi...) đột ngột tái hiện, khi tôi đang ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế máy bay, nhâm nhi một ly Vang trắng. Lolita cuả ngày xưa, đêm nay xuất hiện trong chiếc áo dài màu đỏ gụ, đồng phục của tiếp viên Vietnam Airline.

Nhưng giờ đây, liệu tôi có nên sa đà vào câu chuyện tình lãng mạn, mà quên mất là mình đang đối diện với một Paris bằng xương bằng thịt ở cuối cuộc hành trình này?
 

*  *  *

 

Trong một tâm trạng háo hức, chúng tôi đáp xuống sân bay Charles De Gaulle vào một buổi sáng có tuyết rơi, trong khi theo lời một người bạn, Paris ít khi có tuyết. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi thực sự đứng giữa một trời băng tuyết, và cảm thấy thật thú vị khi nhìn những bông tuyết trắng xoá bay bay quanh mình. Em trai của Liệp là kỹ sư Trung, đón chúng tôi ở cổng sân bay và đưa về khách sạn Mercury, một khách sạn năm sao ở khu Parc de la Defense, nơi công ty Novartis tổ chức hội nghị.

Đến Paris lần này tôi định bụng thế nào cũng phải tìm gặp Nguyễn Cư Trinh. Trinh cùng học Trần Quốc Tuấn với tôi hồi trung học. Xuất thân từ trường Nguyễn Công Trứ, song Trinh học rất giỏi, nên được ưu tiên xét tuyển vào đệ tam Trần Quốc Tuấn. Vào được Trần Quốc Tuấn, Trinh lại càng tự khẳng định mình, khi trở thành một trong hai thí sinh đỗ hạng bình trong kỳ thi Tú tài I năm 1966. Điều này có nghiã: Trinh là một trong hai thủ khoa của khoá thi năm đó. Kỳ thi Tú tài II năm 1967, Trinh cũng đỗ cao. Lên Đại học, Trinh học Quốc gia hành chánh, rồi ra làm “quan”. Biến cố 1975, đã đưa Trinh vào “trại cải tạo”. Ra trại, Trinh sống vất vưởng ở Sàigòn, bằng nghề bán báo ở Ngã Bảy, rồi sau đó vượt biên sang Pháp.

 

Ở Paris, Trinh học lại và thi đỗ bằng kỹ sư Tin học, thuộc loại “hàng hot” của thời thập niên 80 và nhờ vậy, đã kiếm được đủ tiền để có cuộc sống sung túc. Trong đợt tu nghiệp ở Pháp hơn một năm, bác sĩ Nguyễn Văn Chừng, một người bạn Trần Quốc Tuấn khác của chúng tôi, đã nhiều lần đến chơi nhà Trinh, nên những gì liên quan đến Trinh, tôi biết khá rõ. Mặc dù là một người thành đạt trong sự nghiệp, Trinh lại phải chịu nỗi đau dai dẳng, khi gia đình riêng của anh tan vỡ, mà các con anh đều sống với mẹ chúng, bỏ anh một thân một mình. Sống cô độc ở một thành phố như Paris, quả thực là chẳng dễ dàng gì.

Nguyễn Cư Trinh đang cư ngụ ở Le Plessis Trevise, ngoại thành Paris. Khi gọi điện cho Trinh, thông báo địa chỉ khách sạn Mercury, nơi tôi cư ngụ, thì chỉ năm phút sau, Trinh đã có mặt ở sảnh. Té ra, nơi làm việc cuả Trinh lại nằm đối diện với khách sạn Mercury, trong khu vực Parc de la Defense. Một sự trùng hợp hiếm có và đầy thú vị. Chiều hôm đó, sau buổi meeting của công ty, tôi gặp Trinh đang chờ tôi ở sảnh khách sạn. Trinh đưa tôi về nhà, một villa song lập trong một khu vườn ở ngoại thành Paris. Vườn nhà Trinh có một thảm cỏ trước mặt, và trồng nhiều hoa hồng. Nhìn cơ ngơi nhà Trinh ở một nơi mà đất ở được coi là đắt nhất thế giới như Paris, tôi có thể đoán biết rằng Trinh đã có được gia sản lớn.

Trong khi chờ người nhà chuẩn bị bữa ăn tối, tôi ngồi chơi ở phòng khách, và bỗng nhiên cảm thấy buồn ngủ một cách lạ lùng. Mới có sáu giờ chiều. Giờ này ở Sài gòn khoảng hai giờ sáng, tức là giờ tôi đang ngủ say khi còn ở nhà. Rõ ràng tôi đang bị “hội chứng múi giờ” hành hạ. Nhìn điệu bộ của tôi, Trinh đoán biết. Anh cười và bảo:

-“Ông đang bị hội chứng múi giờ, để tôi chữa cho”.

Trinh bảo tôi ngồi lên một chiếc ghế dựa và yêu cầu tôi nhắm mắt lại. Trinh dùng ngón tay giữa của bàn tay phải, ấn nhẹ lên nê hoàn cung tức là xoáy đỉnh đầu của tôi. Tôi nghe như có một luồng nhiệt khí dưới ngón tay của Trinh. Độ mười phút trôi qua, tôi nghe Trinh bảo:

-“Mở mắt ra, còn buồn ngủ không?”.

Tôi cảm thấy hoàn toàn tỉnh táo, nhìn Trinh thán phục:

-“Thật tuyệt vời, ông tài thật đấy”

Trinh cười:

-“Ăn thua gì, tôi còn biết rõ sức khoẻ của ông, thông qua động tác vừa rồi. Ông khoẻ như trâu vậy, nhưng thỉnh thoảng lại nghe tim bị nhói. Đúng không?”

Đến đây thì tôi thực sự kinh ngạc về cái khả năng kỳ lạ của Trinh. Đó là khả năng chẩn bệnh và chữa bệnh bằng khí công cùng với nội lực. Tôi chợt nhớ đến nhân vật Sát nhân danh y Bình Nhất Chỉ trong Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung. Bình Nhất Chỉ cũng chửa bệnh bằng bằng nội lực và có thể chữa được bất cứ bệnh gì. Có điều, hành vi của vị danh y này rất là cắc cớ: cứ chữa bệnh cho một người, thì lại yêu cầu bệnh nhân phải đi giết một người. Không biết Trinh có sẽ yêu cầu tôi “giết” ai đây?

Trong khi chờ đợi, Trinh muốn đưa tôi xuống thăm hầm rượu nhà anh. Anh giới thiệu cặn kẽ các lại rượu, từ Champagn, Vang trắng, Vang đỏ đến các loại Liquer, Wishky, Cognac…với rất nhiều nhãn hiệu mà tôi chỉ mới thấy lần đầu. Tôi vốn không sành lắm về các loại rượu, nên lơ đãng nghe Trinh và không để ý lắm đến sự hãnh diện của Trinh, về hầm rượu của mình.

Bữa ăn tối có bốn người. Ngoài tôi, Trinh, Isbelle, bạn gái Trinh, còn có thêm một người khách nữa là Frank Nguyễn, sếp cuả Trinh. Vốn là Việt kiều ở Cambodia, Frank theo gia đình chạy loạn trong đợt Polpot diệt chủng, dạt sang Thái Lan rồi được Pháp tiếp nhận làm dân tỵ nạn. Frank học rất giỏi và thăng tiến nhanh, nên tuy trẻ hơn Trinh mấy tuổi, mà đã được đề bạt làm giám đốc công ty. Frank cực kỳ lịch thiệp, vạch ra cho tôi mấy địa điểm thiết yếu ở Paris mà tôi cần phải tham quan. Theo Frank, đó là những địa điểm mà bất cứ người nước ngoài nào, khi đến Paris, đều muốn thăm viếng: Lâu đài Versaille, Viện bảo tàng Louvre, Tháp Eiffel, Notre Dame de Paris. Frank lại còn hứa sẽ thu xếp để đưa tôi đi chơi khắp Paris, nếu Trinh bận việc và có yêu cầu.

Có vẻ như Trinh đang muốn thết đãi chúng tôi một bữa tiệc thịnh soạn. Anh hoàn toàn có lý. Một người bạn gái, một ông sếp và một người bạn cũ gặp lại sau hơn hai mươi năm, ở nơi đất khách quê người, tại thời điểm sắp đón Noel. Quá nhiều lý do cho một bữa tiệc thịnh soạn.

Chúng tôi ăn tối dưới ánh đèn nến, khai vị bữa tiệc bằng tiếng nổ của một chai Chamgne. Món sò huyết Groix và món trứng cá Caviar là hai món khai vị được dùng với Champagn. Kế đó là món soupe de voignon và món cá hồi filet nướng được dùng với vang trắng Chateau Brian. Trinh thuyết minh cho chúng tôi về món đặc sắc nhất của bữa tiệc: món gan ngỗng béo. Món này chỉ có ở Paris vào dịp Noel. Quy trình chế tạo món ăn này khá kỳ lạ: người ta nuôi ngỗng một cách bất bình thường bằng cách treo mỏ của ngỗng lên cao, rồi cứ thế tộn thức ăn vào họng của chú ngỗng tội nghiệp. Đến khi gan cuả ngỗng, do quá tải, sinh bệnh và nhiễm mỡ, thì sau đó là công đoạn thu hoạch.

Món gan ngỗng béo được dọn lên là một món nướng, với mùi thơm lừng, đặt trên những chiếc đĩa ăn bằng sứ trắng, bên cạnh là mấy cọng ngò tây tươi xanh. Được thưởng thức với vang đỏ Chateau Noaysac, gan ngỗng béo cho một hương vị không thể nhầm lẫn với bất kỳ món gan nướng nào.

Sau cùng, món đùi trừu rô ti được dọn lên với salad trộn dầu Olive, nhưng chúng tôi đã hơi no, nên chỉ ăn ít một với salad, vả lại còn phải dành bụng để uống Cognac.

Tuy mới đến Paris, nhưng tôi phát hiện là các bữa tiệc tối của người Pháp thường kéo dài rất lâu. Có lẽ họ cho rằng, ban ngày làm việc cực nhọc, thì đêm đến phải tận hưởng thời gian, và tiệc không có nghĩa là ăn, mà có nghiã là “thưởng thức”. Thưởng thức thức ăn, thưởng thức các loại rượu, thưởng thức cái duyên nói chuyện của người cùng bàn, và thưởng thức những câu chuyện kể, có khi là hài hước, có khi là tâm tình, có khi là bi thương…Tóm lại, Trinh đã chiêu đãi chúng tôi một bữa tiệc kiểu Pháp đúng nghiã.

Bữa ăn kéo dài đến quá nửa đêm.Trinh nhờ Frank đưa tôi về khách sạn.

Tôi lên xe Frank và rời nhà Trinh lúc đồng hồ chỉ 12 giờ15 phút. Frank ngỏ ý muốn đưa tôi đi dạo một vòng khu trung tâm Paris, trước khi về ngủ. Tôi đồng ý và cảm ơn Frank. Có lẽ nhờ nội lực mà Trinh đã trút vào người tôi, tối nay tôi luôn cảm thấy tỉnh táo và hưng phấn, mặc dù đã uống không ít các loại thức uống có cồn.

Đêm Paris thật tuyệt vời. Đã gần Noel, song Paris không quá lạnh. Đã hơn nửa đêm mà xe cộ ngoài đường vẫn như mắc cửi. Lễ Giáng sinh đang ở trước mặt, biểu hiện rõ nhất trong cảnh hoành tráng của hoa đăng, trên đại lộ Champs Elysée. Đã khuya, song những quán rượu và café vẫn còn đông khách. Tại quãng trường Concord, đèn điện rực sáng và buổi hoà nhạc trên quãng trường vẫn tiếp tục khi xe chúng tôi chạy qua.

… Ở sảnh khách sạn Mercury, đồng hồ chỉ một giờ 30 sáng. Tôi từ giã và cảm ơn Frank, lên phòng vừa lúc điện thoại reo. Nina gọi cho tôi từ Mỹ.

Nina là bạn tôi hồi nàng còn ở Việt Nam. Tình cảm của chúng tôi rất gắn bó, song cả hai đều thầm hiểu rằng chẳng thể nào…Cô ấy từng viết cho tôi, rằng dù bao nhiêu năm xa cách, song nghĩ đến những tình cảm chân thành của một thời tuổi trẻ, không ai khỏi nở một nụ cười thương nhớ. Tôi rất cảm động khi biết từ tối đến giờ, Nina đã gọi cho tôi không biết bao nhiêu lần, đến giờ mới “tóm” được tôi. Càng cảm động hơn, khi Nina thổ lộ những tình cảm chân thành:

-“Từ lúc nghe được tin anh, em cứ thấy nôn nao thế nào ấy, y như được nghe tin về …”người yêu” vậy”.

Chúng tôi nói chuyện mãi đến ba giờ sáng. Và Nina kết luận:

-”Ở Paris giờ này quá khuya, thôi, em tha cho anh đấy. Tối mai em sẽ gọi lại sớm hơn.”

Đêm ấy tôi chỉ ngủ đúng hai tiếng đồng hồ.

Ở Paris, tôi còn có một người quen nữa, là Hoàng. Hoàng là một nghiên cứu sinh đang làm luận án Tiến sĩ ngành điện. Do Trinh phải đi làm, nên anh nhờ Hoàng đưa tôi đi thăm thú Paris.

Buổi sáng chúng tôi đi thăm lâu đài Versaille, cung điện cuả các vương triều Pháp từ thế kỷ 17. Sự lộng lẫy cuả lâu đài Versaille, được bảo tồn một cách tuyệt hảo qua nhiều thế kỷ, đã khiến tôi cảm thấy ái ngại và buồn cho các di sản văn hoá vật thể cuả Việt Nam mình.

Buổi chiều, chúng tôi đi thăm bảo tàng Louvre. Tôi dừng lại rất lâu trước bức tượng thần Venus, và suy ngẫm về cánh tay bị mất cuả nữ thần. Người ta nói đến cái triết lý về sự không hoàn hảo, hay nói cách khác, đó là “sự hoàn mỹ cuả cái không hoàn hảo”. Đã có không biết bao nhiêu nhà điêu khắc tài danh của thế giới đã cố gắng tạo thêm cánh tay cho vị Nữ thần danh tiếng này, nhưng đều thất bại. Người ta rút ra kết luận:

-“Sự hoàn mỹ là duy nhất, không thể thêm vào hay bớt đi”.

Nơi dừng chân thứ hai của chúng tôi là bức danh họa La Joconde. Nàng Mona Lisa cuả Leonard de Vinci vẫn mỉm cười rạng rỡ trong một khung bê tông lồng kính cuả viện bảo tàng. Nghe nói bức tranh trị giá năm chục triệu đô la Mỹ này đã từng bị mất cắp và tìm lại được. Ngày hôm trước, với cuộc du lịch bằng tàu cao tốc TGV do Novartis tổ chức, tôi đã được đến thăm chateaux D’Employe, rồi sau đó là căn nhà và khu vườn của Leonard de Vinci ở thành phố Tour, cách Paris hai trăm cây số. Tại đây, tôi đã được tận mắt chứng kiến những di cảo cuả Leonard de Vinci: những mô hình máy bay, tàu ngầm, hoả tiễn, những thứ mà ngày nay đã được thực hiện, song ở thời của Leonard de Vinci, người ta nhìn chúng như những ý tưởng điên rồ.

Chiếu tối, chúng tôi thăm tháp Eiffel. Đi thang máy lên tầng cao nhất cuả tháp, từ đây chúng tôi có thể quan sát toàn cảnh Paris. Vì là ban đêm nên Paris dưới mắt chúng tôi là những chuỗi trân châu, đỏ vàng xanh rực rỡ. Tôi đang đứng tại một nơi cao nhất cuả kinh đô ánh sáng, với cảm giác hơi lạ lùng. Đó là cảm giác khó hiểu, không biết vì sao, cơ duyên nào đã đưa đẩy mình đến được nơi đây, một nơi mà trong tâm tưởng tôi luôn cảm thấy vừa mơ hồ lại vừa quen thuộc. Từ trên đỉnh cuả tháp Eiffel, cũng không hiểu sao, tôi lại liên tưởng đến một đỉnh cao khác cuả phương đông: Vạn Lý trường thành. Nếu mình đến được nơi này nữa, thì mình có thể coi như đã hoàn thành ước nguyện, được đặt chân lên đỉnh của cả hai nền văn minh. Về sau này, tôi đã phải mất ba năm nữa mới đạt được ước mơ đó.

Rời tháp Eiffel, tôi và Hoàng phóng xe xuống quận mười ba. Hoàng bảo nơi đó có rất nhiều quán ăn Việt Nam. Đến Pháp mới mấy ngày, tôi đã cảm thấy ngán ngẩm với các bữa ăn toàn là fromage, thịt trừu nướng hay beefsteak. Tôi đã cảm thấy thèm cơm hoặc phở. Ăn tối xong, Hoàng đưa tôi về khách sạn rồi lái xe quay về nhà, ở tận Fontainebleaux.
 

*  *  *

 

Ba hôm sau, khi công ty Novartis bế mạc kỳ họp, Cư Trinh mang xe đến khách sạn, đón tôi về nhà. Chúng tôi đã cùng thiết kế chương trình, theo đó tôi sẽ ở chơi nhà Trinh một hôm, trước khi bay về Sài Gòn. Đêm hôm đó, chúng tôi nói chuyện rất khuya, uống hết một chai Vang đỏ và nửa chai Cognac. Cùng ôn lại những tháng ngày gian khổ của một miền quê triền miên lửa đạn. Đặc biệt là những năm tháng Trần Quốc Tuấn đầy vinh quang nhưng không kém phần cay đắng.

Cư Trinh hỏi tôi:

-“Rốt cuộc, thì dân Trần Quốc Tuấn tụi mình, ngoài những đứa vượt biên ra, những tên còn ở lại, có bao nhiêu người vươn lên được? “

Một câu hỏi quả thực không dễ trả lời.

Nói đến những con người Trần Quốc Tuấn, thế hệ chúng tôi, thì có cả một kho tàng để mà suy ngẫm. Sống trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, nên số phận mỗi con người chúng tôi cũng rất đặc thù, phụ thuộc vào chừng mực mà chúng tôi tham gia, trong cái tiến trình lịch sử ấy. Với cái nhìn phổ quát, có thể phân chia những học sinh Trần Quốc Tuấn thế hệ chúng tôi thành hai nhóm: nhóm thứ nhất là nhóm dính líu vào chế độ miền Nam, thường là những sĩ quan hoặc viên chức. Nhóm thứ hai là nhóm tham gia vào lực lượng đối nghịch.

Nhóm thứ nhất, khi miền Nam chiến bại, sau những năm tháng ở trong trại cải tạo, trở lại cuộc sống bình thường, phần đông đã tìm mọi cách ra đi. Không vượt biên như Nguyễn Cư Trinh hay Nguyễn Đình Bảo, thì cũng thuộc diện HO như Ngô Xuân Vũ hay Phạm Văn Đông. Số này đang định cư ở nước ngoài và đã có cuộc sống tương đối ổn định. Những người còn lại ở trong nước, thì bằng cách này, cách khác tìm đường mưu sinh, và những trường hợp thành công cũng không phải là quá hiếm.

Nhóm thứ hai, nếu không chết hay bị nhiều thương tật trong chiến tranh, thì phần lớn trở thành các quan chức trong chế độ mới, như Huỳnh Họp, Trương Vỹ Công, Đặng Hậu.

Tất nhiên, cũng có những người bạn mà tôi chưa rõ là nên xếp họ ở nhóm nào. Như Trần Đình Lãnh, tốt nghiệp kỹ sư công nghệ ở trung tâm quốc gia kỹ thuật Phú Thọ, trước 1975, là trưởng ty cấp nước Lâm Đồng. Sau 75, Lãnh được lưu dụng, có lẽ nhờ vào khả năng kỹ thuật, lần lượt giữ các chức vụ phó giám đốc rồi giám đốc nhà máy nước Đà Lạt. Như Tạ Vĩnh Ảnh, kỹ sư công chánh, trước 75, là trưởng ty kỹ thuật nha Lộ Vận của chế độ cũ, nay là Giám đốc khu vực đường sông TPHCM. Như Hoàng Thọ Vĩnh, kỹ sư hoá học, từng làm việc ở nhà máy đường Quảng Ngãi. Khoảng thập niên 80, bị vu cáo, bị bắt giam. Ra tù, phải phấn đấu từ khởi điểm, trong những điều kiện cực kỳ nghiệt ngã, để nay trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc BIBICA. Như Dương Minh Chính, từng một thời tham gia tiếp quản Sài Gòn ngày 30-04-1975, nhưng rồi chán, bỏ của chạy lấy người, nay là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Minh Dương Furniture, với hai nhà máy sản xuất gỗ xuất khẩu, có trên ba ngàn công nhân.

Những bạn bè Trần Quốc Tuấn của tôi, dù bên này hay bên kia chiến tuyến, dù thành công hay thất bại, đều đã chứng tỏ được đởm lược của mình, chứng tỏ được sĩ khí và cốt cách của một thành phần ưu tú từ quê hương Quảng Ngãi.

Tôi nói với Trinh:

-”Ông đã về Việt Nam, đã gặp Trần Đình Lãnh. Ông khen nó đã kiến tạo Thung Lũng Vàng, và mang một phần hồn của bờ xe nước từ Quảng Ngãi lên Đà Lạt. Ông cũng biết Dương Minh Chính, người có khả năng mang lại công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, nhất là khi Chính xây dựng một nhà máy thứ hai tại Chu Lai để thu hút công nhân Quảng Ngãi. Đây chính là cái mà ông gọi là thứ đạo đức cao nhất mà một kẻ sĩ có thể làm. Tôi thấy như vậy, về mặt nhận thức, cái nhìn của chúng ta không khác nhau bao nhiêu. Người xưa nói: ”sĩ vi bách nghệ”. Kẻ sĩ có thể làm bất cứ chuyện gì, nhất là trong thời đại nhiễu nhương, miễn là lương tâm thanh thản. Tất nhiên tôi cũng có nghe qua, về việc ông từng đóng góp cho quê hương Quảng Ngãi, bằng cách cấp học bỗng cho các em học sinh nghèo. Về việc này, tôi tán dương ông.

Trinh nói:

-“Nhìn bề ngoài, mình hiện nay là một dân Paris chính hiệu. Đã ở đây trên hai mươi năm rồi còn gì. Vậy mà, trong thâm tâm, mình vẫn cảm thấy rằng mình cứ là một thằng ”củ mì” chính gốc. Ông nhìn đó, cái villa của mình có hai căn, nếu mình để nguyên và ở như thế, thì chỗ ở của mình sẽ rất đẹp, sang trọng và yên tĩnh, mà mình cũng không thiếu tiền. Nhưng máu “củ mì” nó không cho phép mình lãng phí, nên mình dành ra một căn cho tụi Tây nó thuê. Mình lấy tiền cho thuê căn villa này, để thiết kế một chương trình cấp học bỗng cho những học sinh nghèo ở trường Trần Quốc Tuấn, và đã thực hiện từ nhiều năm nay”.

Trinh nhờ tôi về Quảng Ngãi, nhớ ghé qua thăm Trường Trần Quốc Tuấn, để tìm hiểu thực tế về hiệu quả của công việc cấp học bỗng. Tôi đã thực hiện điều này trong đợt quay về Quảng Ngãi gần nhất sau đó. Quả thật, chương trình học bỗng của Trinh đã có tác động khá tốt, không chỉ đối với những học sinh được nhận học bỗng, mà dư âm của việc cấp học bỗng còn có tác động lan truyền. Anh Trọng, hiệu trưởng Trần Quốc Tuấn, cho tôi biết việc tuyển chọn học sinh để cấp học bỗng đã được giám sát nghiêm túc bởi ban giám hiệu, với sự cộng tác chu đáo của Nguyễn Oai, cũng là một người bạn chung của chúng tôi, đang dạy toán tại trường. Mặt khác, sau Nguyễn Cư Trinh, đã có nhiều vị Mạnh Thường quân khác noi gương.

Về điểm này, khách quan mà nói, Trinh đã nêu một tấm gương rất đáng cảm phục về tấm lòng rộng mở, đối với lớp đàn em ở trường Trần Quốc Tuấn. Đã trải qua những gian truân của thời là cậu học trò có cha mẹ xuất thân nông dân, chúng tôi thấm thiá nỗi cơ cực của các em học sinh nghèo xứ Quảng. Quá khứ trong chúng tôi đầy ắp những kỷ niệm đắng cay, của những cậu học trò nhà quê, không có nổi chiếc xe đạp, nhưng cuối tuần vẫn phải tìm cách này, cách khác để mang một ruột nghé gạo ra tỉnh học. Rồi những bữa ăn cực kỳ thanh đạm. Nếu là mùa nắng ráo thì chỉ có vài đĩa rau luộc, bát nước rau và đĩa cá vụn. Nếu là muà mưa gió thì chỉ vài quả trứng vịt trộn với bột mì rán lên, cho mâm cơm cuả bốn năm cậu học trò. Chúng tôi phải nhịn ăn từ bữa cơm chiều hôm trước đến bữa trưa hôm sau. Triền miên như vậy năm này qua năm khác. Có những buổi sáng, ngồi trong lớp, nhưng tai chúng tôi ù đi, mồ hôi vã ra, tay chân run, bụng đói cồn cào, những lời giảng của thầy cô không thể nào đọng lại một chút gì.

Sau này nghĩ lại, chúng tôi không hiểu được, thuở ấy, chúng tôi đã tìm ra năng lượng ở đâu, để vừa học tập, mà lại học giỏi, vừa phải phát triển thể chất để trở thành những thanh niên cường tráng, có tầm vóc không đến nỗi nào. Mọi kiến thức sinh học mà sau này tôi học được, liên quan đến calories, biến dưỡng căn bản, năng lượng tiêu hao và năng lương dự trữ, hầu như đều không thể áp dụng hay giải thích một cách logic những nghịch lý về năng lượng trong trường hợp của chúng tôi thời trọ học.

Giá như hồi ấy, có nhiều những Mạnh Thường Quân như Trinh hôm nay, chìa bàn tay gíup đỡ, thì chắc là chúng tôi sẽ bồi hồi nắm lấy với tấm lòng vô cùng tri ân, ngưỡng mộ. Và biết đâu, nếu có những bửa ăn cung cấp đầy đủ calories như thế, thì chúng tôi đã có thể trở thành những…Ngô Bảo Châu.



Tác giả (bên trái) và Nguyễn Cư Trinh (Nhà ở Le Plessis Trevise - Paris)

 

Đêm đã khuya. Câu chuyện sau cùng chuyển sang một hướng khác.

Tôi nói với Trinh:

- Trước khi tôi đi Paris, Giáo sư Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Chừng nhờ tôi chất vấn Trinh, là tại sao ổng đã đem hết tâm sức mai mối cô học trò ruột của ổng là bác sĩ H. cho Trinh, cô ấy đã bằng lòng rồi, thì Trinh lại thoái thác?

Trinh trầm ngâm và lắc đầu:

- Mình thấy không được, vì cô ấy còn trẻ quá.

Tôi hỏi:

-Vậy thì bác sĩ H. bao nhiêu tuổi?

- Ba mươi sáu.

Tôi trợn mắt:

-Trời đất, ba mươi sáu thì trẻ nỗi gì. Tụi tôi còn đang muốn tìm mấy em hai mươi đây.

Trinh lắc đầu, cười buồn, vẻ mặt thẩn thờ:

- Như mấy ông tìm bạn gái, và ở Việt Nam, thì trẻ đẹp bao nhiêu mà chả được. Còn riêng mình, mình đang tính chuyện nghiêm túc. Nếu đưa một cô gái còn quá trẻ qua đây, thì chả khác gì mình đi rước vợ giùm cho thiên hạ. Ở Paris này mọi chuyện đều không dễ dàng gì đâu.

Tôi cũng đã từng nghe nói đến sự khắc nghiệt cuả đời sống xã hội ở phương Tây, song qua lời Trinh, tôi mới hình dung rõ tính chất nghiệt ngã của nó, mặc dù tôi cũng hơi hoài nghi về sự xác quyết của Trinh. Tôi nhìn Trinh. Từ đôi mắt thẳm sâu của anh, tôi thấy thiếu vắng cái tia nhìn tự tin của một con người Paris đang thành đạt. Mà dường như đang biểu hiện một nỗi buồn còn hơn cả buồn. Nó là cái gì đó từng làm anh thương tổn, đau đớn, và vật vã. Rõ ràng, vết thương quá khứ đã chưa hề khép lại trong anh.

Dẫu sao đây là một vấn đề tế nhị, nên tôi đã phải ngần ngừ. Có thể nào đi sâu, tìm hiểu, rồi với tư cách là một người bạn, đưa ra những lời khuyên hữu ích cho Trinh? Nhưng tôi có thể làm được điều đó hay không? Chúng tôi chỉ là hai người bạn khác lớp ở Trần Quốc Tuấn, gặp lại nhau nơi đất khách quê người trong một thời gian ngắn ngủi, sự đồng cảm chỉ nằm trong giới hạn của tình đồng hương cộng với tình đồng môn. Quá khứ, tình cảm, và bi kịch đời anh, tôi chĩ được nghe qua một cách loáng thoáng. Vậy thì tôi có thể lấy tư cách gì, hay lấy quyền gì mà đi sâu các ngóc ngách tâm hồn, để giúp anh tìm ra một hướng đi thích hợp?

Sự ngần ngừ này của tôi có thể đã làm Trinh cảnh giác. Và với cá tính hướng nội của mình, anh muốn cố thủ trong cái thế giới nội tâm của riêng anh. Anh vụt đứng dậy, đi lấy cà phê cho tôi và trà cho anh, đồng thời tìm cách nói sang chuyện khác. Tôi cũng cảm thấy là thời cơ đã đi qua, và đành chấp nhận bỏ cuộc.

Song từ thâm tâm, tôi vẫn cảm thấy có một điều gì đó chưa thể lý giải về một con người. Con người ấy đã từ gốc rạ của xứ Quảng nghèo khó vươn lên, đạt đến đỉnh cao học vấn dưới chế độ VNCH. Biến cố 1975 đã quật anh ngã xuống, buộc anh xếp hàng từ “khởi điểm âm”, để tham dự vào một cuộc đua tranh mới, mà phần thua thiệt thì hầu như đã nắm chắc trong tay. Nhưng rồi anh lại vươn lên lần nữa, thành đạt tại một trong những nơi khó thành đạt nhất thế giới, được mệnh danh là kinh đô ánh sáng. Đó quả là một quá trình phấn đấu dữ dội, mà người trong cuộc, ngoài trí thông minh, nhất thiết phải có nghị lực phi thường.

Vậy mà giờ đây, con người ấy đang chần chừ, dao động, và gần như chìm trong một nỗi bi quan khi đối diện với việc đi tìm cho mình một bến bờ hạnh phúc. Vẫn biết vấn đề tình cảm và tâm linh là những lĩnh vực trừu tượng của tâm hồn, chứa đựng nhiều bí nhiệm. Song điều tôi mong muốn, trước hết, không phải là nhìn thấy một Nguyễn Cư Trinh trong buổi tối hôm ấy, với vẻ mặt thẩn thờ, hoang mang và nụ cười buồn bã. Tôi muốn thấy một Nguyễn Cư Trinh khác, với hào khí Đông A và tinh thần Trần Quốc Tuấn, lăn xả vào khó khăn để giành giật những gì mà mình cho rằng mình xứng đáng được hưởng, dù có phải đối diện với nguy cơ hay thất bại.

Và như vậy là, ngày rời Paris, tôi vẫn chưa rời một nỗi băn khoăn.

Lê Văn Công
12/2010


Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net  
 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh