Luận Cổ Suy Kim:
NĂM NGỰA LẾU-LÁO CHUYỆN NGỰA MÀ CHƠI!
Phương-Đình
Vào đề
Năm nay, 2002, theo Âm-lịch là năm Nhâm-Ngọ. Theo can chi tương-ứng thì sau “cơn gió bụi” tháng Tư đen 1975 đến nay, chúng ta thấm-thoắt đã trải qua 3 năm Ngọ: Mậu-Ngọ 1978, Canh-Ngọ 1990 và Nhâm-Ngọ 2002. Song nếu kể từ đầu thế-kỷ 19 đến nay, đã có 4 năm Nhâm-Ngọ; đó là những năm 1822, 1882, 1942 và 2002.
Năm Ngọ, con vật tiêu-biểu là ngựa. Nói nôm-na, năm Ngọ là năm Ngựa. Mà “ngựa con (thì) háu đá” vì thế xưa có một nho sinh hay chữ lỏng lại xổ nho chùm là “mã tử lục thạch” mới thật là vui!
Trong dòng văn-học Việt-Nam, từ văn-chương bình-dân buổi sơ-khai qua tục-ngữ, ca-dao, câu hò, câu ví, chuyện phiếm,... đến Kim Vân Kiều, Cung oán ngâm khúc v.v... ngựa đã được nhắc đến nhiều.
Năm Nhâm-Ngọ nầy, thế-giới chắc sẽ nổ ra nhiều chuyện động trời; năm Tân-Tỵ vừa qua đã châm ngòi bộc-phá rồi đó. Chả biết rồi đây ở Việt-Nam ta, cục-diện sẽ xoay chiều đổi hướng thế nào đây? Chắc không ít cụ trong lúc trà dư tửu hậu buổi đầu Xuân, bèn ung-dung mở tập sấm ký của cụ Trạng-Trình Nguyễn-Bỉnh-Khiêm ra để vừa ngâm-nga vừa nghiền-ngẫm luận giải những điều áo-bí mà có lẽ sau những buổi can-qua, cơn quốc biến, bao nhiêu năm Ngựa đã đi quan như... nước chảy qua cầu. Xin được trích-dẫn vài câu để góp vui cùng hải nội/ ngoại chư quân-tử:
Cửu cửu càn-khôn dĩ định
Thanh-minh thời-tiết hoa tàn
Nhược đáo dương đầu mã vĩ (1)
Hồ binh bát vạn nhập Trường an.
(xin Cụ Trạng giải hộ)
Hay:
Long vĩ xà đầu khổ chiến-tranh
Can qua xứ xứ khởi đao binh
Mã đề dương cước anh-hùng tận (2)
Thân Dậu niên lai kiến thái-bình
Theo “Từ-điển điển-cố”, ngựa tha-hồ chạy ngang chạy dọc, bay thẳng 9 tầng mây: nào da ngựa bọc thây (mã cách lý thi); một lời đã thốt, xe bốn ngựa khó chạy kịp (nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy); chén rượu tiễn hành trên lưng ngựa (thượng mã bôi); ngựa câu chạy xa ngàn dặm (thiên lý câu); nào ngựa câu trắng bay qua khe cửa (bạch câu quá khích); nào thi pháp khí thế hào-phóng không chịu câu thúc (thiên mã hành không) v.v...
Tạm gọi là lung khởi một hơi như thế, dụng tâm người viết muốn mời quý vị và quý bạn lướt qua một số câu chuyện về NGỰA từng xảy ra đâu đó kể từ ngày xửa ngày xưa - mà dường như chưa xưa là mấy - gọi là có món quà tri-ngộ đơn-sơ để chúc mừng nhau trong buổi đầu Xuân nơi miền khách địa tha hương nầy.
Ngựa Phi, Ngựa Phi Đường Xa hay là Mấy Câu Chuyện...NGỰA.
BÁ NHẠC VÀ CON NGỰA KÝ.
Hãn-Minh, một hiền sĩ nước Sở, muốn yết-kiến Xuân-Thân-Quân, đợi 3 tháng mới được tiếp. Đàm đạo xong, Xuân Thân Quân thích lắm. Hãn-Minh muốn bàn thêm, Xuân Thân Quân bảo:
-“Tôi đã hiểu tiên-sinh rồi, xin tiên-sinh nghỉ-ngơi đã”.
Hãn-Minh buồn rầu đáp:
-“Minh tôi muốn hỏi ngài một vài vấn-đề, lại e mình quá thiển lậu. Chẳng biết ngài so với ông Nghiêu, ai thánh-minh hơn ai?”
Xuân Thân Quân bảo:
-“Tiên-sinh quá lời rồi, làm sao tôi dám ví với ông Nghiêu được?”.
Hãn-Minh tiếp:
-“Thế thì ngài xem tôi với ông Thuấn ai hơn?”.
Xuân Than Quân đáp:
-“Tiên-sinh tức là ông Thuấn rồi!”.
-“Không phải. Tôi xin được giảng hết lời: Ngài thực không hiền bằng ông Nghiêu, tôi cũng không bằng được ông Thuấn. Hiền như ông Thuấn mà thờ bậc thánh như ông Nghiêu còn phải 3 năm mới biết nhau được. Nay ngài chỉ trong một lúc mà đã biết tôi rồi thì ngài quả là thánh hơn ông Nghiêu mà tôi cũng hiền hơn ông Thuấn rồi”.
Xuân Thân Quân đáp:
-“Hay!”.
Rồi sai thủ-hạ ghi tên Hãn-Minh vào sổ các tân khách cứ 5 ngày được vào yết-kiến 1 lần. Hãn-Minh lại bảo:
-“Ngài có biết chuyện con ngựa ký (kí) không? Khi nó tới tuổi già, người ta bắt nó kéo xe muối lên núi Thái Hằng, mông nó duỗi ra, đầu gối nó khuỵu lại, đuôi nó, chân nó mồ-hôi đầm-đìa rỏ giọt xuống đất trộn với mồ-hôi rịn ướt toàn thân. Đến giữa dốc, nó thụt lùi, ráng đội càng xe lên nhưng không còn leo lên được nữa. Bá-Nhạc gặp nó, xuống xe, ôm đầu nó mà khóc, cổi áo mà phủ cho nó. Nó liền cúi đầu xuống mà phì hơi, ngửng sổ lên mà hí, tiếng hí động tới trời mây trong-trẻo tựa hồ tiếng kim tiếng thạch. Tại sao thế? Tại vì thiên-lý-mã gặp được Bá-Nhạc và xem như là “tri-kỷ” của nó vậy”.
-“Nay tôi là kẻ kém tài đức, khốn-đốn tại châu quận, sống chốn hang cùng ngõ hẻm từ lâu bị vùi lấp trong chỗ bỉ-lậu dơ-dáy. Hôm nay mới được riêng ngài vô-tình rửa sạch, đề-bạt cho. Ngài có cho tôi được lớn tiếng gào lên nỗi ủy-khuất của tôi ở miền Sơn Lương nầy không?”.
LỰA NGỰA VÀ LỰA TƯỚNG QUỐC.
Có người khách vô yết-kiến vua Triệu, hỏi vua Triệu:
-“Tôi nghe nói nhà vua muốn sai người đi mua ngựa, có chăng?”
Vua đáp: “Có”.
-“Sao tới bây giờ chưa sai người ta đi?”.
-“Chưa tìm được người biết coi tướng ngựa”.
-“Thế sao nhà vua không sai Kiến-Tín đi?”.
-“Kiến-Tín quân bận việc nước, vả lại không biết coi tướng ngựa”.
-“Thế sao nhà vua không sai bà Kỷ-Cơ đi?” (Kỷ-Cơ là tên một phi-tần được nhà vua sủng-ái).
-“Kỷ-Cơ là đàn-bà, không biết coi tướng ngựa”.
-“Mua được ngựa tốt có lợi gì cho nước không?”.
-“Không ích gì cho nước”.
-“Mua phải ngựa xấu thì có hại gì cho nước không?”.
-“Không hại gì cho nước”.
-“Vậy thì mua được ngựa tốt hay mua phải ngựa xấu cũng vậy thôi, không ích gì mà cũng không hại gì cho nước. Thế mà nhà vua muốn mua ngựa phải đợi chọn được người giỏi coi tướng ngựa rồi mới sai đi. Nay trị thiên-hạ mà thất-đáng như thế thì quốc-gia nguy nàn, xã-hội tro tàn khói lạnh, mà nhà vua không đợi tìm được người giỏi lại đem giao-phó cho Kiến-Tín Quân là sao vậy?”.
Vua Triệu chưa biết đáp ra sao thì khách đã hỏi tiếp:
-“Yên-Quách có phép coi bói gọi là “tang ung” nhà vua có biết không?”.
Vua đáp:
-“Chưa hề nghe nói”.
Khách bảo:
-“Tang ung chỉ những bề tôi thân-cận, siểm nịnh và những phu-nhân, những con gái đẹp được vua sủng ái. Bọn đó đều khéo ton-hót, nhân lúc nhà vua mê say mà xin-xỏ nhà vua những điều họ muốn. Bọn họ mà đắc sủng ở trong thì đai-thần làm trái phép ở ngoài. Cho nên mặt trời mặt trăng sáng rỡ ở ngoài đấy (ám chỉ vua Triệu) mà ở trong có bệnh. Cẩn thận đề-phòng cái mình ghét mà thường bị tai-họa về cái mình yêu”.
KHÉO CAN ĐƯỢC VUA.
Vua Cảnh-Công nước Tề có con ngựa quý, giao cho một người chăn nuôi. Con ngựa tự nhiên một hôm lăn ra chết. Vua giận lắm, cho là giết ngựa, sai ngay quân cầm dao để phanh thây người nuôi ngựa.
Án-Tư đang ngồi chầu, thấy thế ngăn lại, hỏi vua rằng:
-“Vua Nghiêu, vua Thuấn xưa phanh thây người thì bắt đầu từ đâu trước?”.
Cảnh-Công ngơ-ngác nhìn, nói:
-“Thôi hãy buông ra, đem giam xuống ngục để rồi trị tội”.
Án-Tử nói rằng:
-“Tên phạm này chưa biết rõ tội mà phải chịu chết, thì vẫn tưởng là oan. Tôi xin vì vua kể rõ tội nó rồi hãy hạ ngục”.
Án-Tử kể tội rằng:
-“Nhà ngươi có 3 tội đáng chết. Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết, là một tội đáng chết. Để vua mang tiếng vì một con ngựa mà giết một mạng người, làm cho trăm họ nghe thấy ai cũng oán vua, các nước ai thấy cũng khinh vua. Người làm chết một con ngựa mà để đến nỗi dân-gian đem lòng oán giận, nước ngoài có bụng dòm dỏ, là ba tội đáng chết, ngươi đã biết chưa? Bây giờ hãy tạm giam ngươi vào ngục”.
Cảnh-Công nghe nói ngậm-ngùi than rằng:
-“Thôi, tha cho nó! Thôi, tha cho nó! Kẻo để ta mang tiếng bất nhân”.
YÊN CHIÊU VƯƠNG CẦU HIỀN
(Hay câu chuyện Mua xương ngựa)
Yên Chiêu-Vương, sau khi khôi-phục được nước Yên đã bị tàn-phá, lên ngôi, hạ mình và dùng lễ vật cực hậu để chiêu hiền, ý muốn báo thù, bèn lại thăm Quách-Ngỗi, bảo:
-“Tề thừa lúc nước tôi có nội loạn mà đánh úp và phá nước Yên. Dù biết rõ rằng nước Yên nhỏ, sức yếu không thể đánh báo thù được nhưng tôi vẫn mong được người hiền giúp sức cùng trị nước để rửa hận cho tiên vương. Xin hỏi tiên-sinh muốn báo thù cho nước thì phải làm sao?”.
Quách-Ngỗi đáp:
-“Bậc đế thân-cận với bậc sư-phó, bậc vương thận-cận với bạn-bè, bậc bá thân-cận với bề tôi, còn ông vua vong quốc thì thân-cận với bọn đầy-tớ. Chịu khuất tiết mà thờ người hiền, quay mặt về hướng Bắc mà thụ giáo thì những người giỏi gấp trăm mình sẽ tới với mình. Tiến trước người ta, nghỉ sau người ta, chịu hỏi người ta trước rồi lặng im nghe người ta thì những người giỏi gấp mười mình sẽ tới với mình. Người ta tiến trước, mình tiến sau thì những người bằng mình sẽ tới với mình. Dựa cái kỷ, cầm cái trượng, liếc mắt mà sai bảo người ta thì những kẻ tôi-tớ sẽ tới với mình. Còn như tàn-bạo đánh-đập người ta, giậm chân, nhảy-nhót, la hét, mắng-mỏ người ta thì chỉ có bọn đê-tiện, nô-lệ mới tới với mình. Đó là phép hành đạo và chiêu hiền của người xưa. Nếu nhà vua thực-tâm muốn chọn những bậc hiền giả khắp nước mà đích-thân từ cửa bước xuống tiếp đón họ thì thiên-hạ sẽ nghe danh nhà vua triều-kiến hiền thần, mà tất cả kẻ sĩ sẽ đến nước Yên”.
Vua Chiêu-Vương hỏi:
-“Quả nhân nên triều-kiến ai bây giờ?”.
Quách-Ngỗi đáp:
-“Tôi nghe nói ngày xưa một ông vua bỏ ra 1.000 giật vàng (một giật tương đương 24 lượng) để tìm mua một con thiên-lý mã, 3 năm không mua được. Viên quan giữ việc truyền đạt mệnh-lệnh vua tâu với vua:
-“Tôi xin đi tìm ngựa”.
Ông vua đó bèn sai đi, 3 tháng tìm được một con thiên-lý-mã; nó đã chết nhưng cũng bỏ ra 500 giật vàng mua cái đầu nó đem về cho vua. Ông vua cả giận bảo: “Ta muốn mua là mua ngựa sống chứ ngựa chết thì dùng được việc gì mà mua cho phí 500 giật vàng”.
“Viên quan đó đáp: “Ngựa chết mà còn chịu mua với giá 500 giật vàng, huống-hồ ngựa sống. Thiên-hạ hay tin tất cho rằng nhà vua biết mua ngựa và người ta sẽ dắt ngựa tốt tới” (Quả nhiên không đầy một năm, người ta dắt 3 con thiên-lý-mã tới)”.
“Nay nhà vua mà thành tâm cầu hiền-sĩ thì nên bắt đầu từ Ngỗi tôi. Ngỗi tôi mà còn được nhà vua trọng-dụng huống-hồ là những người hiền tài hơn Ngỗi tôi; họ đâu có ngại xa ngàn dặm mà không tới Yên?”.
Vua Chiêu-vương lập-tức dùng Quách-Ngỗi, kính trọng Quách-Ngỗi như thầy.
Quả nhiên không bao lâu, những người giỏi các nơi tranh nhau sang nước Yên, giúp Yên Chiêu-Vương bàn mưu với Tần, Sở, Tam Tấn để đánh Tề. Vua Tề Mẫn-Vương phải trốn ra nước ngoài. Quân Yên vào Lâm-Tri (thủ-đô của Tề) đốt hết cung-thất, vét hết châu-báu, phá rụi tôn-miếu của Tề.
HỌA PHÚC KHÔNG LƯỜNG
Hay chuyện Tái ông thất mã
Một ông lão ở gần cửa ải (Tái ông) có con ngựa tự nhiên đi sang nước Hồ. Người quen kẻ thuộc đều đến hỏi thăm. Ông lão nói:
-“Mất ngựa thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu!”
Cách mấy tháng sau, con ngựa về lại rủ thêm một con ngựa hay nữa. Người quen kẻ thuộc lại đến mừng-rỡ. Ông lão nói:
-“Được ngựa thế mà họa ho tôi biết đâu!”.
Từ khi được con ngựa hay, con ông lão thích cỡi, chẳng may ngã ngựa què chân. Người quen kẻ thuộc đến hỏi thăm. Ông lão nói:
-“Con què thế mà phúc cho tôi đấy biết đâu!”
Cách một năm sau, giặc Hồ sang quấy-nhiễu. Nhà vua bắt lính đi đánh giặc; quân lính 10 người chết đến 9. Chỉ cậu con ông lão vì què chân không phải đi lính, mà cha con vẫn có nhau.
HẠNG VÕ VÀ NGỰA Ô TRUY.
Câu chuyện về Hạng vương gặp buổi khốn-cùng phải từ-biệt Ngu-Cơ tại Cai-Hạ và cuối cùng tự-vận tại bến Ô-Giang là gia-đoạn cuối của năm Hán Sở tranh hùng.
Vụ Cai-Hạ và Ô-giang đó vừa là một thiên chiến-sự oai-hùng vừa là một thiên tình sử diễm-tuyệt mà đầy cảm-động đã được Tư-Mã-Thiên chép lại trong bộ Sử Ký bằng một bút pháp rất cao và đã được biết bao văn nhân thi-sĩ đời sau đưa vào thi-ca, tiểu-thuyết ...
(Đoạn tiếp theo, Phương-Đình lược dịch theo “Sử ký tinh hoa” và phỏng theo một phần bộ “Sử Ký Tư-Mã-Thiên” do Giản-Chi và Nguyễn-Hiến-Lê trích dịch).
... Quân Hạng Vương đóng ở Cai-Hạ có ít mà lương-thực lại hết. Quân Hán và quân chư-hầu bủa-vây mấy vòng. Đêm đến, nghe quân Hán tứ phía đều trỗi lên những khúc ca giọng Sở (tứ diện Sở ca thanh). Hãng Vương sợ quá nói:
-“Hán lấy được Sở rồi ư? Sao người Sở đông như thế nầy?”.
Hạng Vương đêm dậy uống rượu trong trướng. Theo hầu Hạng Vương thường có ái-cơ tên là Ngu; ngựa của Hạng Vương thường cỡi là con tuấn mã tạp sắc là ngựa Ô-truy. Hạng Vương quá đỗi xúc-động, than thở, liền ứng khẩu hát:
Lực bạt sơn hề, khí cái thế,
Thời bất lợi hề, truy bất thệ!
Truy bất thệ hề, khả nại hà?
Ngu hề Ngu hề! nại nhược hà?
Nghĩa là:
Sức nhổ núi chừ, hùng khí trùm đời,
Thời chẳng gặp chừ, con Truy không chạy!
Truy không chạy chừ, còn biết làm sao?
Ngu ơi, Ngu ơi! Em rồi ra sao?
Hạng Vương hát đi hát lại mấy lượt. Ngu mỹ-nhân hát theo:
Hán binh dĩ lược địa,
Tứ phương Sở ca thanh.
Đại Vương ý khí tận,
Tiện thiếp hà liêu sinh?
Nghĩa là:
Đất đai Hán chiếm còn gì,
Ngồi nghe giọng Sở tư bề hát vang.
Mà ý khí Đại-Vương dường hết,
Thân hèn nầy một chết cho xong.
Nước mắt Hạng Vương giàn-giụa. Người chung quanh đều khóc, không một ai dám nhìn lên. Rồi nàng dùng gươm của Hạng-Vũ, tự đâm vào cổ tự vận.
Sáng sớm hôm sau, Hạng Vương lên ngưa Ô-Truy, đoàn kỵ sĩ dưới cờ theo hơn 800 người, phá vòng vây phóng chạy về hướng sông Hoài. Số quân theo kịp chỉ còn hơn 100 người. Đến Âm-Lăng thì Hạng-Vương lạc đường, bị người làm ruộng dối gạt. Dẫn quân chạy về Đông-Thành chỉ còn 28 lính kỵ trong khi quân Hán đông cả mấy nghìn người. Biết mình không thể trốn thoát, Hạng Vương nói với sĩ tốt:
-“Ta đây khởi binh đến nay là 8 năm, xông pha hơn 70 trận, chạm địch là thắng, động đánh là được, chưa thua bao giờ, làm bá chủ thiên-hạ. Thế mà nay bị khốn ở đây. Đó là Trời bỏ ta chớ đâu phải ta dùng binh vụng. Hôm nay cố nhiên là phải quyết tử. Âu là ta đánh một trận cho khoái, nhất định thu cho bằng được 3 thắng-lợi nầy: phá vòng vây cho các chú, chém đầu tướng địch và chặt gãy cây cờ hiệu của họ để cho các chú thấy: Trời bỏ ta chứ không phải ta dùng binh vụng (thử thiên chi vọng ngã, phi chiến chi tội dã)”.
... Sau một trận quyết-liệt quân Sở chỉ hao có 2 người. Bây giờ Hạng Vương toan qua sông Ô-Giang để rút về Đông. Viên đình trưởng Ô-Giang neo thuyền đợi sẵn, khẩn-khoản mời Hạng Vương qua sông gấp chỉ có mỗi một chiếc thuyền nầy, quân Hán tới sẽ không thể nào qua sông được. Hàng Vương cười nói:
-“Trời bỏ ta, ta sang làm gì nữa! Vả lại, Tịch nầy cùng 8.000 con em đất Giang-Đông vượt sông tiến về Tây, nay chẳng còn lấy một người nào trở về. Túng sử các bậc cha anh ở Giang-Đông thương tình mà tôn ta lên làm vua, ta cũng không còn mặt mũi nào mà trông thấy họ nữa. Dù họ không nói ra, ta tự vấn tâm cũng thẹn chứ!”.
Rồi bảo viên đình trưởng:
-“Ta biết ông là bậc trưởng giả. Con ngựa nầy của ta, ta cưỡi đã 5 năm nay, thường một ngày chạy cả ngàn dặm, không ngựa nào sánh kịp. Ta chẳng nỡ giết, thôi biếu ông”.
Bèn ra lệnh cho quân sĩ xuống ngựa đi bộ, cầm đoản binh tiếp chiến. Riêng mình Tịch giết được mấy trăm quân Hán, trên người cũng bị hơn 10 vết thương. Ngó lại thấy tướng Hán là Lữ Mã Đồng, Hạng Vương nói:
-“Ta nghe Hán vương mua cái đầu ta với ngàn dật vàng và một phong ấp vạn hộ, thôi ta làm quà cho ngươi”.
Bèn tự đâm cổ chết chứ không cho quân Hán bắt sống.
Hạng Võ vốn dòng dõi tướng nước Sở, không học nhưng có sức mạnh (nhắc nổi cái đỉnh 500 cân), giỏi chiến-thuật, biết dùng mưu sĩ Phạm-Tăng, 8 năm khởi binh, 5 năm tranh hùng với Hán (Lưu-Bang), chết vào lúc 31 tuổi, đáng gọi là anh-hùng chăng?
Nhân đây, người viết chợt nhớ lại “Câu chuyện ở đền Hạng Vương” trong “Truyền Kỳ mạn Lục” của Nguyễn Dữ, Tiến-sĩ khoa Bính-Dần, niên-hiệu Hồng-Đức thứ 27 (1496) triều Lê. Bản dịch của Trúc-Khê Ngô-Văn-Triện.
Câu chuyện nói về quan Thừa-chỉ Hồ-Tôn-Thốc, người Thổ-Thành, phủ Diễn-Châu (Nghệ-An), đậu Thái-Học-sinh đời Trần Nghệ-Tôn. Khoảng cuối đợi Trần, ông phụng mệnh sang sứ Tàu, nhân đi qua đền Hạng Vương, có đề thơ:
Bách nhị sơn hà khởi chiến phong,
Huề tương tự đệ nhập Quang-Trung.
Yên tiêu hàm cốc châu cung lãnh,
Tuyết tán hồng môn ngọc đẩu không.
Nhất bại hữu thiên vong Trạch tả,
Trùng lai vô địa đáo Giang Đông.
Kinh doanh ngũ tải thành hà sự?
Tiêu đắc khu khu tán Lỗ Công.
Dịch thơ:
Non nước trăm hai nổi bụi hồng,
Đem đoàn tử đệ đến Quang Trung.
Khói tan Hàm Cốc cung châu lạnh,
Tuyết rã Hồng Môn đấu ngọc không.
Thua chạy trời xui đường Trạch tả
Quay về đất lấp nẻo Giang Đông
Năm năm lặn lội hoài công cốc,
Còn được vùi trong mả Lỗ Công.
Đề xong ruổi ngựa về nhà trọ. Rượu say nằm ngủ trọn ngày, ông Hồ chiêm-bao thấy một người mời ông đi gặp Hạng Vương. Cuộc đối thoại có nhiều điểm ly-kỳ, lời bình ở cuối truyện đầy thích-thú ...
Thay Lời Kết
Mới kể sơ qua mà vận-tốc đã muốn có chiều “phi mã” rồi! Song le, qua 6 câu chuyện Ngựa kể hầu quý vị và quý thân-hữu gần xa có thể nói là những chuyện xưa, nhưng xưa mà chẳng cũ. Đó có thể là những ngụ-ngôn để quý bạn vừa “nhâm-nhi” trong buổi đầu Xuân, vừa rộng đường “luận cổ suy kim”, sực gẫm lại thế-thái nhân-tình để cười xòa trong chánh-niệm về “hữu, vô”, rõi theo bóng quang-âm như “bạch câu quá khích”.
Manchester, N. H.
Tiết Mạnh Xuân Nhâm-Ngọ, 2002.
Phương-Đình.
(1) đầu năm Mùi, cuối năm Ngọ
(2) Cuối năm Ngọ, đến cuối năm Mùi?
Phần Phụ Chú:
Nhân bài viết của tác-giả Phương-Đình, trong đó có đề-cập đến con ngựa Ô-Truy của Tây Sở Bá Vương Hạng-Võ, xin góp một vài chi tiết liên-quan như sau:
1- Hạng Võ đóng tàn quân tại Cai-Hạ, khi binh mỏi lương cạn lại bị quân Hán bao vây. Hàn-Tín dùng tiếng sáo để làm nản lóng quân Sở. Trong đêm Thu, đêm về khuya, gió Thu lạnh-lẻo, trăng Thu ảm đạm nhả ánh sáng vàng nhạt trên các ngọn cây cao , tiếng tiêu Trương Lương từ núi Kê-Minh réo rắt vọng ra với bài bi ca:
Đêm Thu mù mịt trời sương
Có người thiếu-phụ quê hương lạnh lùng
Sa trường vó ngựa
Trẩy gót binh nhung
Con thơ nheo nhóc mịt mùng dặm xa
Cơ hàn đau đớn mẹ cha
Canh khuya vò võ tuổi già đợi con
Chí trai vạn dặm
Hồ-thỉ bốn phương
Nhưng con đã đi lầm đường
Giúp người tàn-bạo không thương danh tình
Mơ màng nửa giấc ba-sinh
Một đi, một nhớ, một mình canh thâu.
Nghe xong, quân Sở bỏ trốn gần hết, ngay cả các tướng cao cấp như Chung-Ly-Muội, Hạng-Bá,... doanh trại trống không; chỉ còn 2 tướng Chu-Lan và Hoàn-Sở và một ít quân sĩ ở lại mà thôi.
Tỉnh dậy, biết quân tình như vậy, Hạng Võ rất buồn, sai quân sĩ bày tiệc rượu uống cùng Ngu Cơ, Hạng Võ ngâm mấy câu thơ, với một bản dịch như sau:
Tấm thân lấp biển vá trời
Thanh gươm yên ngựa một đời dọc ngang
Giờ đây mưa gió phủ-phàng
Anh hùng mạt lộ giang san tiêu điều
Ngâm xong, Hạng Võ mời Ngu Cơ uống rượu. Ngu cơ uống chén rượu xong cũng ngâm mấy câu thơ, có bản dịch như sau:
Cát đằng nương bóng cội tùng
Bấy lâu khằng-khít thủy chung một lòng
Tơi-bời vì ngọn gió Đông
Cội tùng xiêu-vẹo, cát đằng bơ-vơ
2- Khi Hạng Võ cùng tàn quân chạy đến bờ Bắc của Ô-Giang, gặp người đình-trưởng chống sào đợi để đưa Hạng Võ qua sông nhưng Hạng Võ không chịu dù người đình-trưởng cố thuyết-phục. Cảm tấm lòng của người đình trưởng với mình, Hạng Võ cầm tay ông ta nói:
-“Ta có con ngựa quý, đã dùng trong việc chiến chinh, rất khôn ngoan, ngày đi ngàn dặm. Nay sợ quân Hán bắt được, mà giết nó thì ta không nỡ. Nhà ngươi nên đưa nó sang sông, mang về nuôi, mai sau thấy nó cũng như thấy ta”.
Nói dứt, sai tùy-tốt dắt ngựa xuống thuyền. Con Ô-Truy hí vang mấy tiếng rồi đưa mắt nhìn Hạng Vương ra chiều quyến-luyến như không nỡ rời.
Người đình trưởng bước xuống thuyền, sắp buông chèo, bỗng con Ô-Truy chúm 4 chân nhảy ùm xuống nước mất dạng, ai nấy nhìn thấy kinh hồn.
Lịch-sự con Ô-Truy được nhắc từ khi nó vào tay Hạng Võ và kết-thúc một cách lạ-lùng giữa dòng Ô-Giang như vừa nói.
3- Về một số bản dịch ghi lại số tuổi của Hạng Võ lúc chết có khác nhau. Có bản ghi là Hạng Võ tự vận tại Ô-Giang lúc 41 tuổi, có bản ghi 31 tuổi. Có tài-liệu ghi: “Hạng Tịch, tên tự là Vũ, sinh năm Tần-Thủy-Hoàng thứ 15, tự vận năm Hán Cao-Tổ thứ 5 tại bến Ô-Giang, thọ 31 tuổi”. Chúng tôi xin nêu lên để độc giả rộng đường tìm hiểu.
Lê Chánh Thiêm
Sưu lục