Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 51)
THINH QUANG


VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 51)
Thinh Quang

MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 251

VẤN: Cụ Huỳnh Phú Hải, Philadelphia: Bệnh thận là một chứng nan y, thuốc men ngày xưa không thể nào đánh ngã được cơn bệnh nguy hiểm này. Nhưng ngày nay, nền y học Tây phương có thể giúp bệnh nhân chận đứng được căn bệnh và nhất là nếu có người sẵn sàng hiến cho thận. Gần đây tôi nghe nói, trong các loại rau quả được xem như một loại thần dược cứu được căn bệnh nguy hiểm này. Có như vậy chăng?

ĐÁP:

Gần đây có nguồn tin được loan truyền ra. Đó là tin “Lọc Thận bằng loại rau không đắc quá 1 dollar”. Nguồn tin này viết:

-”Năm này qua năm khác, các quả thận của chúng ta phải lọc máu bằng cách loại bỏ muối, chất độc và bất kỳ những chát vô bổ vào trong cơ thể của chúng ta. Trong thời gian muối sẽ tích tụ ngày càng nhiều và phải được xử lý lọc bỏ. Điều này rất dễ dàng. Trước tiên chúng ta chỉ cần mua MỘT BÓ NGÒ TÂY và rửa thật sạch rồi cắt ra thành những đoạn ngắn cho vào một cái ấm rồi chế nước sạch vào rồi đem nấu sôi trong thời gian 10 phút sau đó để nguội và lọc lại đổ vào một bình sạch và để vào tủ lạnh.

Mỗi ngày uống một ly sẽ thấy muối và các chất độc đã tích tụ sẽ bị thải ra khỏi thận qua đường tiểu. Chúng ta sẽ thấy nhiều điều khác lạ mà chúng ta chưa từng cảm nhận bao giờ”.

Rau ngò tây được biết đến như là một liệu pháp lọc thận tuyệt diệu mà lại là vị thuốc thiên nhiên nữa.

VẤN: Cụ Vũ Hà Thúc, San Jose: Bà có biết có loại bệnh gì có thể chữa được, có loại bệnh gì không thể chữa được và cũng có loại bệnh gì vừa có thể chữa được mà cũng vừa không thể chữa được? Xin bà cụ giải thích hộ cho. Cám ơn bà cụ.

ĐÁP:

Đây là ba loại bệnh trong sách Phật The Requisites of Enligh Tenment của The venerable Ledi Sayadaw có đề cập đến trong 37 phẩm trợ đạo. Theo nguồn kinh điển của Đức Phật chia ra làm ba hạng như sau:

1. Một loại bệnh nhân chắc chắn sẽ được lành bệnh đúng lúc, cho dù không uống thuốc hay chữa trị.

2. Một loại bệnh nhân thứ 2 sẽ không được phục hồi và sẽ chết dù có chữa trị cũng như được uống thuốc gì cũng không thể kéo dài sự sống được.

3. Một loại bệnh nhân thứ 3 chắc chắn sẽ được phục hồi nếu uống thuốc thích nghi và chữa trị đúng mức, sẽ được phục hồi và có thể chết nếu dùng không đúng thuốc cũng như được chạy chữa đầy đủ.

Theo kinh điển nhà Phật loại bệnh nhân đầu tiên đã được vị Phật quá khứ thọ ký, điều này cho thấy chắc chắn sẽ được giải thoát trong kiếp sống này.

Còn bệnh nhân thứ 2 chẳng khác nào ở hạng Padaparama, thuộc loại không có tia hy vọng nào giải thoát khỏi khổ đau của đời sống. Hạng này chỉ còn hy vọng trong các kiếp sống tương lai mới mong được giải thoát hay có thể trong Giáo Huấn của Đức Phật hiện tiền hay từ vị Phật tương lai.

Bệnh hạng 3 Neyya được phục hồi tình trạng sức khỏe hoặc phải chết vì căn bệnh hoặc được thoát khỏi khổ đau của thế gian hiện tại, hoặc được phục hồi hay sẽ không giải thoát. Có điều nhớ là biết được điều gì là Tốt cho mình, nên tiếp nhận và biết lánh xa những gì xét thấy cần phải xa lánh thì có thể giải thoát ngay trong kiếp hiện tại mà mình đang gửi gấm tạm thời.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 252

VẤN: Bà Vũ Hồng Nhung, San Jose: Đời nhà Đường có Võ Tắc Thiên, người đàn bà có thể nói chọc trời khuấy nước, xuất thân từ một nàng con gái tầm thường trong giới bình dân, tuần tự cưỡng đoạt được mọi quyền hành để rồi cuối cùng lên làm vua trị vì khắp thiên hạ. Nhưng tôi không rõ được là làm thế nào mà Võ Tắc Thiên lại có thể chiếm được cả giang san cơ nghiệp của nhà Đường?

ĐÁP:

Chẳng những Võ Tắc Thiên cướp được cơ nghiệp của nhà Đường và lên làm vua đời thứ tư sau Đường Cao Tổ, Đường Thái Tông và Đường Cao Tông, cầm quyền hơn nửa thế kỷ.

Nguyên người con gái họ Võ thuộc giới bình dân quê quán ở Kinh Châu. Thời Đường Thái Tông nàng được tuyển vào cung để làm con hầu nhỏ lo việc vặt vĩnh, lúc nàng chưa đến tuổi tròn trăng. Nàng con gái họ Võ vốn tính hiếu học, thông minh. Lảu thông kinh sử, nổi tiếng trong triều ai cũng biết đến cô gái tài ba này. Có điều tuy là phận gái nhưng nàng lại thích ăn vận y phục của nam giới. Lúc bấy giờ, trong cung đình có một con ngựa to lớn khác thường và vô cùng hung dữ, chẳng một ai dám trèo lên lưng cưỡi, mọi người đều gọi nó với cái tên tôn xưng là “sư tử xám”.

Từ ngày nàng vào cung mọi người trong triều đều gọi là Võ Mỵ Nương, thấy vậy bằng xung phong đứng ra nhận lãnh công việc thuần phục con ngựa chứng này với điều kiện làm cho nàng ba roi sắt, một cái vồ sắt và một mũi dao sắt. Thoạt đầu, nàng dùng roi sắt đánh, nó tỏ ra bất khuất, nàng lại dùng cái vồ sắt bủa mạnh vào mặt, nhưng ngựa vẫn chòm lên càng dữ dằn hơn. Cuối cùng, nàng quyết dùng đến mũi dao sắt bén lẹm chọc mạnh vào cổ nó, máu tuôn ra lênh láng. Nó rống lên một tiếng hãi hùng rồi từ từ quì hai chân trước xuống tỏ vẻ hàng phục và sẵn sàng để nàng trèo lên lưng cưỡi theo lệnh sai khiến của nàng. Đức Thái Tông phấn khởi truy phong cho nàng chức “Tài Nhân”. Đến khi Đường Thái Tông băng hà, Võ Mỵ Nương xin ra tu và học tại chùa sư nữ. Lúc ấy nàng đã được 27 tuổi.

Năm sau, Đường Cao Tông kế vị, nhân đi vãn chùa, nhìn thấy nàng họ Võ liền ra lệnh mang nàng trở về cung làm cung phi. Đến năm sau đó Cao Tông phế bỏ đương kim Hoàng hậu họ Vương và lập Võ Mỵ Nương vào ngôi vị này. Lúc bấy giờ nàng vừa lên 32 tuổi.

Vốn là một nhà vua nhu nhược biếng nhác việc triều chính, mọi việc nhà vua đều giao phó cho Tể Tướng Chữ Toại Lương cùng đám quần thần trị nước. Vốn người cần mẫn, hiếu động lại tinh tế mọi việc, nên sau khi được phong làm Hoàng hậu, chỉ ít lâu bà truất bỏ Chữ Toại Lương rồi bức tử sau đó. Không ngừng tại đây, tiếp đến bà ra tay bức tử lão thần Trương Tôn Vô Kỵ – câu ruột của nhà vua – bằng cách tự sát. Mấy năm sau, Đường Cao Tông chính thức ủy thác việc triều chính cho Võ Hậu. Khi Võ Hậu hoàn toàn nắm quyền bỉnh trong tay đám quần thần lập tức tôn xưng là Đế Hậu Nhị Thánh có nghĩa Nhà Vua Thứ Hai. Thời gian sau đó, Đường Cao Tông định nhường ngôi cho Thái tử Lý Hoằng (người con trưởng trong bốn anh em của Võ Hậu).

Biết tin này, mặc dù Lý Hoằng là con trai trưởng, nhưng Võ Hậu vẫn tìm cách đầu độc chết. Đường Cao Tông lại định lập con thứ là Lý Hiền, bà liền phê xuống làm thứ dân rồi đày đi chốn thâm sơn cùng cốc. Sau đó lập Lý Hiển là Thái Tử, định truyền ngôi. Chưa kịp, năm sau Đường Cao Tông qua đời. Thái Tử Lý Hiển lên ngôi, tức Đường Trung Tông. Võ Hậu được tôn Hoàng Thái Hậu. Tuy vậy Hoàng Thái Hậu vẫn nắm toàn quyền và lâm triều “Xưng Chế” tức làm thay Vua Trẻ. Lòng tham vọng của Hoàng Thái Hậu không ngừng nghỉ tại đây bà hạ bệ nhà vua đương kim là con trai thứ ba của mình xuống làm Chúa địa phương và lập Lý Đán là người con trai thứ tư lên ngôi Hoàng Đế, tức vua Đường Huệ Tông. Bắt đầu ngay năm này bà xưng Đế, chỉnh đốn sự nghiệp chính trị của mình, đổi tên Đông đô Lạc Dương thành Thần Đô, cải tổ bộ máy quan lại. Năm 690 Võ Hậu giao cho bọn Tăng hồ Pháp Minh lập ra bộ Đại Vân Kinh gồm 4 tập ghi là Võ Hậu nguyên là Đức Phật Di Lặc xuống trần làm vua nhà Đường. Cuối cùng bà đổi quốc hiệu Đường thành Chu rồi lên ngôi xưng là Tắc Thiên Hoàng Đế.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 253

VẤN: Ông Hà Bằng Đàn, Virginia: Có thể là tôi bị mắc bệnh trầm cảm. Nhiều hôm thật buồn và cũng thỉnh thoảng cảm thấy thật thoải mái. Nhưng có điều buồn nhiều hơn vui. Lắm lúc cảm thấy mình đang mắc nhiều chứng bệnh cùng lúc. Chẳng biết là tôi thật sự bị mắc các bệnh cùng một lúc? Cụ có phương pháp nào chỉ giáo cho.

ĐÁP:

Cách đây không bao lâu, tôi đọc được “Chân Lý Của Sự Sống”, xin ghi lại như sau hầu cụ.

a. Tri túc. Có nghĩa là chấp nhận những gì mình đang có.
b. Thích nghi với hoàn cảnh của mình.
c. Điều chỉnh để đạt điều mong muốn.

Những điều vô cùng quan trọng:

1. Không nên vui quá. Vui quá hại TIM.
2. Không nên buồn quá. Buồn quá hại PHỔI.
3. Không nên tức quá sẽ hại đến GAN.
4. Không nên quá sợ, ắt hại THẦN KINH.
5. Không suy nghĩ quá sẽ bị hại TỲ.
6. Xua tan sự đắng cay hãy thứ tha và quên lãng.
7. Quí cụ cao niên tránh tranh luận hơn thua.

Hãy biết lấy những cảm xúc để tự chữa trị:

1. Ít nói năng để dưỡng NỘI KHÍ.
2. Kiêng sắc dục để dưỡng TINH KHÍ.
3. Bớt bội thực để dưỡng HUYẾT KHÍ.
4. Đừng thường xuyên nhổ nước bọt để dưỡng TẠNG KHÍ.
5. Chớ hờn giận để dưỡng CAN KHÍ.
6. Ít ưu tư để dưỡng TÂM KHÍ.
7. Tránh tà tâm để dưỡng THẦN KHÍ.

VẤN: Cụ Hồng Hoạnh, Philadelphia: Tôi nghe nói “Vô Vi” là bậc Đế Vương. Quả tình tôi không hiểu. Cụ bà giải thich hộ cho.

ĐÁP:

“Vô Vi” có nghĩa là không làm gì. Ý nói thản nhiên, hợp đạo, không phải vất vả, chẳng phiền nhiễu. Thời “Vô Vi” đó là Ngũ Đế tức là Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế, Đế Nghiêu và Đế Thuấn…

VẤN: Ông Lữ Hà, San Jose: Bà cụ có còn nhớ bài “Quy Viên Điền Cư” của Đào Tiềm không? Xin nhắc lại và nghĩa của nó.

ĐÁP:

Bài Quy Viên Điền Cư của Đào Tiềm như sau:

Ai ái viễn nhân thôn,
Y y khư lý yên,
Cẩu khuyển thâm hạng trung,
Kê minh tang thọ diên.

Dịch thơ:

Xa tít mù cô thôn mờ bóng
Chòm nhà kia lồng lộng mâyvàng.
Đầu xa bầy chó sủa vang
Rộn ràng gà gáy, trên ngàn dâu xanh.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 254

VẤN: Ông Đinh Văn Hữu, Maryland: Chùa Ông Thu Xà được dựng lên từ năm nào? Hiện ngày nay có còn để lại di tích không? Bà cụ biết xin chỉ giáo.

ĐÁP:

Theo bài biên khảo của nhà văn Lê Hồng Khánh, thì Chùa Ông ở Thu Xà tên gọi theo Hán tự là Quan Thánh Tự, tọa lạc tại thị tứ Thu Xà cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi 10 Km về hướng Đông.

Chùa được xây dựng vào năm 1821 (Minh Mạng thứ 2) do người Hoa thuộc Tứ Bang Phước Kiến, Triều Châu, Hải Nam và Quảng Đông cùng với làng Minh Hương, tức làng người Việt gốc Hoa đồng tạo lập.

Quan Thánh Tự là ngôi chùa cổ được bảo tồn tương đối nguyên vẹn, được Bộ Văn Hóa – Thể Thao và Du Lịch Công nhận “Di tích quốc gia” theo quyết định số 43 VN/QD ngày 7/1/1993.

VẤN: Ông Lý Thương, Reseda: Tôi nghe có một số bệnh cũng như bị thương tích nhỏ được chữa trị bằng phương pháp “Mẹo Vặt” chẳng biết có hay không?

ĐÁP:

Có. Theo ông Nguyễn Hữu Anh có một số mẹo vặt có thể chữa trị lành bệnh trước khi để lâu quá muộn. Như:

- Bị ong đốt: Lấy viên aspirin chà xát lên vết chích.
- Cao máu: Ăn nhiều rau cần (celary).
- Chán đời: Uống B-Complex và Amino acid.
- Cholesterol: Uống sinh tố B.
- Hay quên:Uống Nhân sâm hay Ginko Biloba.
- Hôi nách: Ăn nhiều rau ngò (Parsley)
- Khó chịu trước kinh kỳ: Uống sinh tố B 6.
- Khó ngủ: Uống sinh tố B 6,sẽ dễ ngủ hơn.
- Lên cơn suyển: Uống ngay một ly cà phê đen.
- Muốn hết ngáy: Hãy ôm gối ngủ, hoặc nằm nghiêng về phía tay trái.
- Muốn không bị muổi chích: Uống sinh tố B1.
- Mỏi lưng: Uống sinh tố B5 và B-Complex.
- Mắt cườm: Uống sinh tố B2.
- Nấc cụt: Bịt kín hai lỗ tai lại sẽ hết ngay.
- Nhức răng: Để một cục nước đá trên huyệt Hớp Cốc giữa hai ngón tay trỏ và ngón cái, sẽ bớt 80%.
- Nổi mụt trong miệng: dùng 1 hay 2 ngày với chất kẽm.
- Nôn mửa: Uống trà gừng hoặc nhai sống 2 lát gừng.
- Lỡ mếp: Dùng 1 hay 2 ngày với sinh tố B6.
- Sạn thận: Sinh tố A và B6.
- Say sóng: Bấm mạnh vào cổ tay sẽ hết.
- Sình bụng: Dùng bột nổi.
- Sổ mũi: Súc miệng bằng nước muối.
- Vạp bẻ: Hãy bấm mạnh vào môi trên sẽ hết ngay.
Thêm một mẹo nữa bằng thảo mộc:
- Mọc mụt trong cổ họng ăn uống không được: Ngắt nắm “Me Đất” nơi các ảng kiển hoa hay ơ mép hè hoặc quanh bờ tường nơi nào cũng có. Me đất vị chua, lá nhỏ.
Hãy giã cho dập với rất ít muối rồi ngậm trong miệng để nước từ từ lọt qua cổ họng, chỉ trong vòng 15 đến 20 phút mụt trong cổ sẽ bể ngay, máu và mủ sẽ tuông ra. Bệnh hết ngay tức thời.


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 255

VẤN: Bà Hồ Thụy Thúy, Virginia: Nghe nói gần đây các nhà khoa học nghiên cứu về việc “trừng trị” các tế bào ung thư? Bà cụ có nghe nói điều này hay không?

ĐÁP:

Có nghe. Trên trang mạng, bắt đầu từ ông Seantang, rồi tiếp đến các ông Dang Tho và sau đó là ông Bùi Trung Trực đưa ra nguồn tin “Chữa ung thư phối hiệp nhiều biện pháp” theo David Servan Schreiber phổ biến đến việc chống lại bệnh ung thư.

Đầu tiên tốt hơn hết là “bỏ đói” cancer. Thế có nghĩa là tuyệt đối không cung cấp protein để nuôi chúng. Vậy cung cách “bỏ đói” ung thư bằng cách: Ép nước trái cây cho bệnh nhân uống. Không cho bệnh nhân dùng bất cứ thịt động vật nào. Thay vì vào đó là cung cấp cho người mang chứng ung thư các loại rau cải Pumpkin, brocolie, carrot ect… được xay nhuyển nấu chung với gạo lức rang rồi uống thay cho các bữa ăn hàng ngày. Miễn làm sao cung cấp cho người bệnh tối thiểu được 1000 calorie cho mỗi ngày để cơ thể có thể làm việc. Nhớ là chỉ nên uống nước ấm. Đặc điểm này là giúp cho bệnh nhân không cảm thấy một chút đau đớn đến nỗi phải tìm tới morphin.

Trong tập sách mang tựa đề “ANTICANCER” tức chống lại ung thư của David Servan Schreiber phát hành tại Pháp. Ông là một bác sĩ tâm thần học mà cũng là nhà nghiên cứu thần kinh được đào tạo ở Mỹ hiện làm việc tại Pháp. Ông bị ung thư não và được chữa trị thành công. Thoát khỏi lưỡi hái tử thần, ông viết tất cả kinh nghiệm của mình trong việc chữa trị căn bệnh “ung thư não” của mình mang tựa đề “Anticancer”- một best-seller được dịch ra 34 thứ tiếng, hơn 1 triệu bản. Ngoài ra, ông còn đăng tải 90 bài viết trong đó có tác dụng về các biện pháp y học phụ trợ bằng thực phẩm chức năng trên các bệnh nhân có vấn đề về tâm thần học.

Ông có ghi lại về thời gian ông bị mắc chứng nan y cách đây 19 năm, phát hiện bị ung thư não. Trải qua một thời gian chữa trị ông chiến thắng trước căn bệnh ngặt nghèo này, hiện ông vẫn còn sống khỏe mạnh, vẫn làm bác sĩ. Bác sĩ David Servan – Schreiber nói về 5 yếu tố cần thiết: cơ thể, thức ăn, lối sống, môi trường và đời sống tâm lý.

Theo ông, khi đã mắc phải bệnh ung thư, việc đầu tiên là cần tích cực theo các trị liệu của y học hiện đại. Ông theo đúng công việc chữa trị như qua phẫu thuật, hóa trị liệu và xạ trị. Kế đến là thay đổi chế độ ăn uống. Ăn các thức ăn chống ung thư như: RAU XANH, đặc biệt là BẮP CẢI, SÚP LƠ, SÚP LƠ XANH, CÀ RỐT, BÍ ĐỎ, CÀ CHUA, HÀNH, TỎI, NGHỆ và các loại như táo, nho, quả lựu …Về đồ ngọt nên dùng ĐƯỜNG TRÁI CÂY, MÍA…MẬT ONG…Thức uống: nên uống trà xanh.

Các thực phẩm hạn chế tối đa: Thịt, đặc biệt thịt có màu đỏ, đồ béo quá, đường, đồ nướng, đồ ráng cháy, đồ chế biến sẵn và các sản phẫm từ sữa như pho mát, nhưng lại được khuyến khích ăn sữa chua. Tuyệt đối không uống rượu, hút thuốc.

Cần tập luyện như đi bộ, tập thư giãn và tập thiền, yoga, khí công…Nhớ tránh môi trường ô nhiễm. Tránh tiếp xúc với các chất hóa học, chất tẩy rửa…

Tạo cho bản thân một đời sống tâm lý ổn định, sống lạc quan, vui vẻ và tránh bị rơi vào các cảm xúc bất lực…Hãy sống với tình yêu thương gia đình, và với bạn bè.

Lúc đầu lý luận của David gây ra nhiều tranh cãi trong giới y học nhưng cuối cùng đến tháng 10–2007 Quỹ nghiên cứu chống ung thư thế giới khẳng định về tầm mức quan trọng của cách ăn uống, hoạt động cơ thể trong vấn đề phòng và chữa bệnh, như bác sĩ David đã viết ra trong tập Anticancer.

VẤN: Cụ Đồ Vũ Hữu Đạo, San Jose: Tôi nhận thấy trong văn chương Trung Hoa ngày xưa có rất nhiều nói về từ “dụng”. Ví như: “Phiên dụng”, Tá dụng, Am dụng v.v…Bà cụ biết xin chỉ giáo về cái nghĩa của nó. Cảm ơn bà cụ nhiều.

ĐÁP:

Đúng như vậy. Đây là cái cách dùng điển cố của các nhà văn thời xa xưa. Ví như:

- Phiên dụng: dùng cái từ điển cũ mà nói cái mới. Câu: ”xử hạc triệt dĩ độc hoan” trong Đằng vương các tự. Điển cố này lấy ở sách Trang Tử Ngoại vật. Ý nói nguồn nước ở xa xôi làm sao giải khát được cho người gần. Nhưng nói trái lại là “tuy ở vào nghịch cảnh mà vẫn lấy cái cảnh đó làm vui.”

- Tá dụng: Mượn chuyện xưa mà nói chuyện ngày nay, mượn đông nói tây, mượn Hán nói Đường….Như mượn cái cảnh của Khuất Nguyên, Giả Nghị mà chỉ cho tình huống của mình v.v…

Còn tiếp
THINH QUANG

Xem Phần 50 tại đây
Trở về Webpage www.nuiansopbngtra.com

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh