NÓI VỀ BỨC TRƯỜNG THÀNH TẠI QUẢNG NGÃI VỪA ĐƯỢC KHÁM PHÁ
THINH QUANG
Theo bài viết của hãng tin CNN loan tin ngày Thứ Ba, 25-1-2011, sau 5 năm thám hiểm và khai quật, một đoàn khảo cổ đã khám phá ra một bức tường dài đến 127 km mà người địa phương gọi là “Trường thành của Việt Nam”. Cũng theo bài viết này thì gtíao sư Phan Huy Lê chủ tịch Hội Sử Học Việt Nam nói rằng:
-”Đây là công trình dài nhất Đông Nam Á”.
Theo bài báo viết:
-”Trường thành được xây đắp bằng đá với đất mà một số đoạn cao đến 4 mét. Năm 2005, Tiến sĩ Andrew Hardy, giáo sư phụ khảo và cũng là trưởng chi nhánh Hà Nội của trường Viễn Đông Bác Cổ tìm thấy một chi tiết bất ngờ về Trường thành ở Quảng Ngãi trong một tài liệu của triều đình Huế năm 1885 có tựa đề: ”Địa lý miêu tả của triều vua Đồng Khánh”.
Nó kích thích trí tưởng tượng của ông và rồi dẫn đến một dự án thám hiểm và khai quật do Tiến si Hardy và Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, một nhà Khảo Cổ Việt Nam, dẫn đầu.”
Theo bài báo của CNN thì bưc Trường thành này đã được khám phá sau 5 năm khảo cứu khai quật. Nó kéo dài từ bắc tỉnh Quảng Ngãi xuống phía nam đến tỉnh Bình Định, cho rằng là công trình xây dựng lớn nhất của triều Nguyễn. Cũng theo bài cho biết công trình xây dựng Trường thành từ năm 1819 dưới sự chỉ huy của tướng quân Lê Văn Duyệt, vị quan dưới thời vua Gia Long…”
Thật ra, bức Trường thành của CNN cho biết là mới vừa được các nhà khảo cổ phát hiện và có một chiều dài đến 127 cây số cần phải xem lại các tài liệu đã có từ lâu gần cả thế kỷ hay gần nhất là trên nửa thế kỷ. Theo Địa phương chi “NON NƯỚC XỨ QUẢNG” của Phạm Trung Việt có ghi rõ ràng về bức tường được gọi là “PHẾ THÀNH CHÂU SA” (Thành cổ Châu Sa) tái bản năm 1998 xin trích lại để tìm hiểu được rõ ràng hơn vì đây là một tài liệu lịch sử:
“Theo tài liệu của Bảo Tàng Tổng Hợp Quảng Ngãi, thành Châu Sa nằm về phía bắc hạ lưu sông Trà Khúc, thuộc xã Tịnh Châu (huyện Sơn Tịnh). Đông thành giáp xã Tịnh Thiện. Phía bắc giáp núi Đồng Dinh, phía Nam giáp sông Trà Khúc và phía Tây nam giáp núi Bàn Cờ.
Khoảng cách từ trung tâm thị xã (tỉnh lỵ Quảng Ngãi) đến di tích thành Châu Sa dài khoảng 8 km. Đây là một loại thành được đắp bằng đất, không có gạch.
Thành cổ qui mô gồm có hai vòng thành chạy theo trục chính Bắc - Nam. Thành nội có cạnh ngắn là đoạn chạy theo trục chính Bắc – Nam. Thành nội có bình đồ chữ nhật nối liền với thành ngoại có bình đồ càng cua không khép kín. Thành nội có cạnh dài là đoạn chạy theo hướng Đông - Tây dài 550m, cạnh ngắn chạy theo trục Bắc - Nam dài 540m.
Đáy bờ thành 25m, mặt thành rộng 5.2m, bờ thành cao 4,6m, chân thành xoài vào trong 12.5m.
Thành nội Châu Sa gồm các cửa Bắc, Nam, Tây, Đông. Trung bình mỗi cửa rộng 10m. Tại mái nhà ông Phạm Thân, người ta còn thấy dấu vết xác định là cửa Bắc của thành và cũng tại nơi đây, dân chúng đào lấy đất đoạn dài 15m là bờ thành chạy theo trục Đông - Tây.
Mức độ nguyên vẹn của thành nội còn khoảng 80%. Tại các cửa thành đều có công trình kiến trúc phòng thủ xây dựng bằng gạch.
Các nhà khảo sát đã tìm thấy ngói móc mũi hài, gạch cỡ lớn. Các công trình phòng thủ này có diện tích khoảng 35m xây dựng.
Thành ngoại gồm có hai hình vòng dài 6m, bờ thành cao 3.5m đáy bờ thành 12m, mặt thành 4m, hào thành rộng 4m. Hiện nay hào thành dân chúng dùng để cấy lúa, mức độ nguyên vẹn 60%.
Đến nay chưa có tài liệu nào công bố niên đại thành cổ Châu Sa. Trong thành còn bệ thờ, dây leo thực vật mang phong cách Chánh Lộ (thế kỷ IX-X) cùng với phía Tây Nam là khai quật nghiên cứu, có nhận định Châu Sa gồm thành nội và thành ngoại song còn thiếu một đoạn ở phía Đông thành ngoại.
Năm 1885, cán bộ khảo cổ Việt Nam (Hà Nội), phối họp Bảo Tàng Tỉnh, đã phát hiện thành ngoại phía Đông”.
Xin ghi lại di tích lịch sử này được trích ra trong Non Nước Xứ Quảng đã xuất bản từ khoảng nửa thế kỷ thứ 20 căn cứ theo tài liệu của Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi, không ngoài mục đích làm cho Phế Thành Châu Sa được thêm phong phú hơn hoặc cắt xén những điểm bị sai lệch (nếu có) như trường hơp chiều dài của bức Trường thành, có thật đến 127 cây số hay không?
THINH QUANG.
Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net