“Chiều chiều quạ nói với diều
Đồng Kè Đồng Ú thật nhiều gà con”.
Hai câu ca dao nó đã nghe và nhớ nằm lòng từ hồi còn rất nhỏ, có thể từ Mẹ hay chị nó ru em nó ngủ; hay lời ru con của người mẹ (nào đó) mỗi khi chiều về trên ngôi làng miền quê cận sơn. Vì ở gần miền núi nên chiều (tối) về sớm lắm, người miền núi đã từng than rằng:
“Núi cao chi lắm núi ơi!
Núi che mặt trời chẳng thấy người thương.”
Cho nên hễ bốn năm giờ chiều là mặt trời ngã xuống núi rồi, bóng người và trâu bò trên cánh đồng cũng bắt đầu quay về làng, vì trời sắp tối! Nhưng diều thì từ sáng sớm đến chiều hôm đã ráo riết đi “tảo thanh” mấy con gà con rồi. Quạ thì ít khi thấy bắt gà con thành công mà chỉ giỏi ở chỗ là đi “ăn cắp” trứng gà!
Nhưng Đồng Kè Đồng Ú ở đâu mà quạ nói với diều rằng là nơi đó có nhiều gà con?
Ngày còn ở quê nó thích đi bắt những con có lông như cu đất, sáo sậu, chim Ri, Dòng Dọc đem về nuôi. Suốt ngày lẩn quẩn rong chơi trên núi tìm chim bắt nên cái gì chứ chim thì nó biết nhiều lắm. Trước làng nó cũng có cánh đồng nhưng không phải Đồng Kè, Đồng Ú, và trên đồng cũng chả có chú gà con nào mà chỉ toàn là ruộng lúa với nước. Có nơi nước sâu quá đầu người, lúa trồng không được mà chỉ có lùng với lác mọc hoang đầy đồng! Mà nói đến lùng với lác chắc có người sống nơi thành thị không mường tượng ra.
Để dễ hiểu thì chiếc chiếu nằm ở vùng quê Việt Nam được làm bằng lác. Lác cao, mảnh mai có hình sao ba cạnh, nhỏ, dẹp lớn hơn lá lúa một chút, mọc thành từng đám nơi có nhiều bùn sình và nước. Những đám lác già được chặt xuống mang đem phơi trên những đám ruộng khô. Khi lác hơi heo héo thì người ta bó lại thành từng bó, dùng đòn xóc lụi vào hai đầu hai bó lác gánh về nhà, tước ra thành những sợi nhỏ và tiếp tục phơi. Khi phơi đúng nắng lác sẽ được cho “ăn sương” để dịu lại, không bị giòn dễ gãy, rồi dùng sợi đay đan thành chiếu.
Và trên những nẻo đường quê hương, người thanh niên gánh trên vai mỗi đầu năm ba bó chiếu, tiếng rao “Chiếuuuuu... đây!” cứ lanh lãnh vang lên rồi nhỏ dần ở cuối thôn. Hình bóng người thiếu nữ mua chiếu nào đó đã len vào tim và anh đã thầm yêu nàng trong những lần bán chiếu. Nhưng chiếu anh bán cho người anh thương mang đi lấy chồng, nên từ đó người ta đã viết lên vở tuồng: “Tình Anh Bán Chiếu” nói lên tâm trạng của gã si tình bị “bò” đá!
Nhớ ngày xưa Cha nó có đôi lần lên Suối Bùn, Ba Tơ, Đồng Kè, Đồng Ú tìm mua gỗ quý. Khi gỗ đã mua đầy đủ Cha nó tìm mua thêm bụi tre già, hạ xuống đóng thành bè rồi bỏ gỗ lên bè, chống xuôi sông Vệ mang về làm cột nhà. Có lần trở về Cha nó mang theo một cái lồng đựng bảy con cuốc con, lông đen thui, trục lúc, trông giống như những chú gà con, cho anh em tụi nó vọc chơi. Nó nhìn những con cuốc cụt đuôi, đen thui vui mừng mà thấy lạ! Hằng ngày nó ngắm nghía mấy con cuốc đến mê mệt! Một hôm nó bắt cuốc con thả ra sân chơi, không ngờ cuốc cao giò chạy lẹ quá, chạy tuốt vô bụi tre già. Nó đi chụp con này thì con kia lại chạy đi trốn, cuối cùng không còn con cuốc con nào trong lồng! Nó đòi Cha nó đi bắt con khác, nhưng Cha nói:
-“Cuốc là thứ quí hiếm, con phải biết gìn giữ, chớ có ham chơi mà để cho mất đi!”
Rồi ông nói tiếp:
-“Đồng Kè Đồng Ú đâu phải gần đây mà muốn đi là đi! Đồng Kè Đồng Ú tuốt trên miền núi, xa lắm, hôm nào rảnh Cha mới lên đó bắt.”
Nơi đó có nhiều người thượng du sinh sống, và họ nuôi một giống trâu to lắm, gọi là trâu Mọi. Sừng to cong vòng, thân hình to lớn không thua gì mấy con voi!
Nó nhớ mang máng ngày xưa (trước năm 1963) những người giàu có ở xã Nghĩa Thành (nay là Hành Thịnh) như ông Quản Lý Mân, ông Bang Tòng, ông Hội Viên Hầu v.v... mang súng săn lên miền thượng du đổi lấy trâu Mọi (đực) đem về nuôi làm giống. Trâu Mọi khỏe, có thể kéo cày, kéo cát hay đạp mía chiếc, đặc biệt nữa là trâu Mọi biết “đuổi” cọp để bảo vệ cho đàn trâu nhỏ nên người ta quý mến lắm. Từ đó trong làng nó xuất hiện vài ba con trâu Mọi và sau đó là những con trâu con lai giống, to con và cũng chống lại cọp beo không thua gì trâu Mọi.
Nhưng nói đến cọp beo tức là nói đến núi rừng! mà núi rừng thì hoang vu, nhiều điều bí ẩn. Núi rừng có thể mang lại sự chết chóc, nhưng núi rừng cũng có thể mang lại sự sống, và con người xưa nay vẫn gắn bó với rừng núi. Đặc biệt người dân sống vùng sơn cước, rừng núi ăn sâu vào cuộc sống như cây và rễ.
Quảng Ngãi có rất nhiều rừng đẹp, hùng vĩ và hiểm trở! Có biết bao vách núi dựng đứng sừng sững như vách nhà (núi Đá Vách), có biết bao thác nước trắng xóa chảy róc rách giữa những bãi cỏ xanh rì, hang động, và cũng có biết bao cảnh trùng trùng điệp điệp những đồi sim, màu tím hoa sim lăn dài trên những triền núi.
Một trong những ngọn núi đó là núi Giàng. Ngọn núi to, cao, nằm sừng sững giữa trời bao la, và dưới chân núi là nơi nó sinh ra và lớn lên.
Với nó và những đứa trẻ trong làng, núi Giàng không những hùng vĩ về kích thước, sự huyền bí mà còn là cả một tuổi thơ với những khám phá chưa bao giờ có đoạn cuối. Núi Giàng có lắm cây ăn trái, có xoài, ổi, có chuối rừng, có móc, chà là, có suối nước trong, xanh, mát, và có những đồi sim, “màu tím hoa sim tím cả chiều hoang”. Để rồi một buổi chiều năm 1965, đoàn quân từ đồn Cộng Hòa băng qua núi, qua những đồi sim để tiếp viện cho đơn vị bạn đang chiến đấu trong ngôi làng của nó, đã bị kẻ phản bội phản gián nên đoàn quân bị mai phục trên đoạn đường gồ ghề, nhỏ hẹp, cây lá phủ trùm lối đi giữa dốc núi. Một tiếng a-lê xáp lá cà. Đoàn quân chưa kịp lên đạn! Những cây súng khạc ra lửa đành uất hận nơi chiến trường. Những cành sim cúi mình trước những tâm hồn cao thượng, như muốn nhắn nhủ với ai: “Nhỡ mai mình không về, thì thương cho người vợ chờ bé bỏng chiều quê!”
Nhưng đó là chuyện của thời chinh chiến mà nó hứa sẽ có một ngày ghi lại những trận chiến khốc liệt trên mảnh đất nó sinh ra.
Giờ thì trở lại núi Giàng của những ngày bình an, những ngày thơ mộng, những ngày mà cả thiên thu chỉ có một thời. Một thời của Ông, một thời của Cha và một thời của nó. Một thời thanh bình dù rất ngắn ngủi nhưng cũng đủ để khắc một dấu ấn thật sâu trong cuộc đời của nó, của những đứa trẻ lớn lên nơi miền sơn cước. Một thời mà quê hương núi rừng đã dạy cho nó cách sống, hay nói đúng hơn đã tôi-luyện và trang-bị cho người dân nó thế nào để được tồn tại trong mọi điều kiện!
Sau này bước vào đời nó thầm tự hào đã vượt qua và lớn lên trong một môi trường nghiệt ngã ngay trên quê hương của nó, với những ngày hạnh phúc và đau khổ.
Có lần nó tâm sự với người anh bà con rằng mình là dân Việt Nam và là lớn lên trong lửa đạn nơi miền quê khô - cằn - sỏi - đá thì, sẽ là người cuối cùng gục ngã trong mọi hoàng cảnh khó khăn.
Núi Giàng:
Đông và Bắc giáp xã Hành Thịnh, Nghĩa Hành; Tây giáp xã Hành Tín Đông, Nghĩa Hành; Nam giáp xã Đức Sơn, Mộ Đức. Chu vi khoảng chừng 25 km, đỉnh có độ cao chừng 490m (theo Google Earth).
Núi Giàng có hình thù giống như con voi với đầu hướng về phía Tây (Hành Tín Đông) và đuôi hướng về phía Đông (Hành Thịnh); Cho nên phần núi phía Tây tục gọi là núi Đầu Voi, và phần núi phía Đông kéo dài ra như đuôi chuột nên tục gọi là núi Đuôi Chuột.
Núi “Giàng” có nhiều tên gọi khác nhau. Ngày xưa có người gọi là núi Dàn hay Dương Sơn. Nếu đứng trên quốc lộ số 1 từ ngã ba Quán Lát, quận Mộ Đức nhìn lên thì thấy núi “Dàn” có hình thù như mái hông nhà, như là một cái sườn, cái “dàn” nhà, có lẽ tên gọi “núi Dàn” từ đó mà ra? Nhiều người dân địa phương còn gọi là “núi Vàng”. Khắp nơi trên núi “Vàng” ngày xưa có rất nhiều tranh. Tranh tốt, cao và rậm rạp, đứng dưới làng nhìn lên sẽ thấy một màu vàng khắp núi, có lẽ vì vậy mà người địa phương gói là “núi Vàng”. Đặc biệt tranh không bao giờ bị tận diệt, có những trận cháy rừng nhiều ngày khói bay nghi ngút, tưởng chừng như tranh sẽ bị tiệt chủng. Nhưng sau những trận cháy rừng thì tranh mọc lại và tươi tốt hơn do tro từ cây cối và tranh cháy làm thành phân bón. Người dân sống dưới chân “núi Vàng” hằng năm lên núi cắt tranh về lợp nhà.
Và một tên gọi nữa là “núi Giàng”. Chữ “Giàng” ở đây có lẽ được phiêm âm từ chữ “Yang” của dân tộc thiểu số có nghĩa là Trời. Có lẽ người miền núi và dân tộc thiểu số ngày xưa có cuộc sống gắn liền với rừng núi và nhìn thấy sự linh thiêng của núi rừng nên đã gọi núi là Trời để tỏ sự kính trọng. Và biết đâu chính ý Trời đã tạo nên những điều huyền bí lạ lùng trên núi Giàng, làm lòng người phải suy ngẫm mỗi khi nhìn thấy!
Hình: Núi Giàng (nhìn từ xã Hành Thịnh)
Nghiêng về phía Đông trên đỉnh núi Giàng, trước khi đến núi Đuôi Chuột, có nhiều tảng đá to nằm ngỗn ngang trên đỉnh núi. Tại đó có một hòn đá cao, to, nhiều người ôm không xuể, rất ngộ nghĩnh trông y như cái cối xay lúa, có hai thớt và hai tai, tục gọi là Đá Ông Cối (xem hình). Tương truyền ngày xưa có người lên núi Giàng cắt tranh trèo lên đá Ông Cối chơi nghịch phá. Nhưng khi xuống thì xuống không được, người đứng dưới đất phải cúng bái, khấn vái vang xin mới leo xuống được. Từ đó người ta nói đá linh và không ai dám leo lên đá Ông Cối nghịch phá nữa. Xuống không được có lẽ vì sợ do đá cao như vách nhà, không có thế leo xuống, hay biết đâu đá của núi “Trời” nên linh thiêng đã trừng phạt kẻ ngạo mạn!
Đứng trên đỉnh núi Giàng nhìn xuống chung quanh là những cánh đồng lúa rộng bao la như đồng An Ba, đồng Đức Sơn, đồng Sa Băng, và bên phía Tây là cánh đồng Vạn Xuân (nay là Thiên Xuân). Khách thập phương du chơi nơi đây và có để thơ lại, thơ đề rằng:
“Sườn non tranh mọc xanh rì”
“Trời xây Đá Cối xay gì mà xay?”
Có lẽ người khách thập phương nào đó chưa ngộ ra rằng ông Trời đã có ý xây nên Đá Cối cho những cánh đồng lúa đồ sộ dưới chân núi Giàng đấy sao! Nhưng nhà nho Cao Sung (1) có vịnh về núi Giàng rằng:
“Cao ngất Dương Sơn đá chất chồng,
Tây, Đầu Voi phục, chuột quay Đông.
Hố Cau Vườn Mít sum sê trái,
Truông Mướp Gò Cà rực rỡ bông.
Hố Sặc Mò O trời giúp sức,
Hóc Tre Mây Đắng đất hùn công.
Gành Vườn Sân Ruộng còn nguyên đó,
Lánh mặt nơi đâu hỡi chủ ông?”
Hình: Đá Ông Cối (chụp từ xã Hành Thịnh)
Ngược lại, bên phía Tây núi Giàng, nơi gần thôn Vạn Xuân và gần khu làng cỗ (mới khám phá sau này), lại có một “kỳ quan” thứ hai, trông còn ngộ hơn Đá Ông Cối. Đó là Đá Kê. Đá Kê lớn như một cái chòi, trên to, dưới nhỏ, nằm nghiêng nghiêng trên một tảng đá. Và Đá Kê đứng (như muốn té) nhờ một hòn đá nhỏ cở bắp vế kê giữa Đá Kê và tảng đá nằm bên dưới! Thoạt nhìn thấy Đá Kê rất lỏng lẽo, trông có vẽ không cân bằng và có thể lăn xuống núi bất cứ lúc nào. Vậy mà bao nhiêu năm trời mưa to gió lớn, Đá Kê vẫn nằm sừng sững trên dốc núi nhìn xuống dân làng Vạn Xuân.
Ngoài hai hòn đá ngộ nghĩnh trên, dưới chân chung quanh núi Giàng còn có nhiều hang động, hố, truông, vườn, ruộng, gò, hóc, đất bằng v.v... Những nơi này mang ý nghĩa từ cái tên của nó và mỗi nơi có một đặc điểm khác nhau, như:
Hố Trầu (vì hố có đầy trầu), hố Cau, hố Voi, hố Cả, hố Sặc, hố Dâu. Gò Đồn, gò Rú, gò Dạo, gò Cà. Hóc Tre (hóc Trên), hóc Xóa (hóc Dưới, hóc Bà Mỹ), hóc Ông Hựu, hóc Thu. Vườn Mít, vườn ông Bì, truông Mướp, Đèo Mướp (con đèo nối liền xã Hành Thịnh và Đồng Ngỗ). Những địa danh này nằm bên xã Hành Thịnh.
Hố Voi bắc đầu từ hóc Xóa ăn sâu vào núi Giàng, ngày xưa có nhiều voi, nhưng sau này (những thập niên 1950, đầu 1960) voi trở nên hiếm thấy và bù vào đó là cọp và heo rừng đi từng bầy trên hố.
Nhưng hóc Xóa (còn gọi hóc Dưới hay hóc Bà Mỹ vì Bà Mỹ có nhiều ruộng rẫy nơi đây) là một địa danh rất đặc biệt liên quan đến những cuộc đấu tranh cách mạng thời Pháp thuộc và ngay cả sau này! Nơi đây Ông Mỹ vì theo đạo Cao Đài mà năm 1945 đã bị Việt Cọng chém làm ba khúc ngay trên hóc có tên vợ ông (Cao Đài và Cộng Sản là hai chủ thể không đội trời chung). Nhưng nó thắc mắc và không tài nào hiểu được là, mấy người con ông Mỹ sau này lại theo Việt Cọng! Một trong những người con đó là một “sắc nước hương trời”, nó gọi là chị, chị Sáu đã bỏ mình cùng một toán giao liên gồm sáu thiếu nữ tại một trận đột phá nơi Chợ Chùa khoảng năm 1966, 1967 khi chị còn quá trẻ cỡ đôi mươi.
Hóc Xóa cũng là nơi hội tụ của những đứa trẻ chăn trâu chăn bò đến từ những ngôi làng dưới chân núi Giàng như An Ba, Chu Me, Đồng Ngỗ, Đức Sơn, Ba Bình, Xuân Đình, Đồng Xuân v.v... Vì hóc Xóa có đủ thứ hết, từ “hồ bơi” thiên nhiên, suối nước với những con cá leo, cá trầu, cá rô thóc, những cánh đồi đầy cỏ thơm và sim. Những đứa mục đồng mang trâu bò bỏ vào hóc Xóa rúc ăn trong những ngọn đồi xanh nối liền hố Voi với suối nước róc rách; Còn bản thân của những mục đồng thì leo trèo lên những cây xoài trái chín thơm ngát. Nhưng đối với nó thì hóc Xóa ấn tượng nhất là cây dúi và cây xoài nằm sát nhau giữa một cái rẫy trống. Không biết ai và từ đời nào đã khéo tay trồng lên hai cây này và những bàn tay của kẻ mục đồng đã biến cây xoài và cây dúi thành “nhà lầu” nhiều tầng bằng những sợi giây giang đan những cành cây lại nhau như những chiếc võng treo. Những buổi trưa nó thường leo nằm trên cái võng trên cây dúi đung đưa. Gió thổi, tiếng chim kêu chim chiếp và tiếng kêu kẽo kịt của cây dúi dẽo nhẹo đã ru một bầy con nít nó ngủ, những giấc ngủ dài và bình an giữa rừng hoang.
Những ngày nắng ấm nó rong chơi trong hóc Xóa bắt cá bắt chim và hái trái cây rừng. Hóc Xóa và núi Giàng có nhiều trái cây rừng như chà là, mẩng khiểng, sim, ổi, móc, chùm chày,... Ngươi dân Nghĩa Thành còn trồng: thơm, khóm, mía, bắp, đậu phụng, khoai lang, khoai mì, củ kiệu (nhiều nhất ở hóc ông Hựu), dưa hấu, tranh và lúa gieo. Hóc Xóa có những cánh đồi nghiêng nghiêng, có ruộng, có gò có đủ quang cảnh của một “phố núi” nhỏ và sinh động nhộn nhịp suốt ngày.
Ngày xưa, thời chống Pháp, hóc Xóa có nhiều nơi bí ẩn để mở những cuộc hội họp và là sào huyệt của nghĩa quân và những nhà cách mạng chống Pháp. Dọc trên những rẫy rừng ở hóc Xóa còn có nhiều hầm hố trốn bom đạn sâu và rộng vài ba thước, dài bốn, năm thước nay vẫn còn đó. Một nơi khác nữa có nhiều hầm hố làm cộng sự chiến đấu đánh đuổi thực dân Pháp là gò Hầm dưới chân núi Giàng.
Sau này du kích địa phương dùng hóc Xóa, hóc Tre làm sào huyệt. Có buổi chiều ngồi trên lưng trâu trở về xóm, đi ngang qua Đập Làng nó nhìn qua gò Dạo bất chợt thấy hai bóng người chui ra giữa bụi tre bên cạnh ụ mối, nó sợ tái mặt, chân thúc vào hông trâu cho chạy lẹ. Vài ngày hôm sau, người anh dân vệ làm tình báo hỏi nó:
-“Em có thấy gì trong đó cho anh biết”.
Nó nói nói về bụi tre và ụ mối bên cạnh Đập Làng, nhưng rồi lòng thấy sợ!
Một nơi đặc biệt khác bên cạnh núi Giàng là hóc Tre, nơi có nhiều tre và suối nước chảy ngoằn ngoèo bên cạnh những cụm núi bạc đầu (núi Đá Bạc.) Hóc Tre có cảnh đẹp, những mảnh ruộng bên chân đồi trông rất thanh bình với tiếng gõ mõ đuổi chim của “thằng mõ”. Ăn sâu vào hóc Tre là hóc ông Thuần, hố Cả, hố Sặc, nơi cảnh đẹp như tranh, có những tảng đá bằng phẳng nằm bên hố nước. Hai bên hố Cả, hố Sặc có nhiều Mò O (một loại tre) và cả một rừng Lau. Nơi đây ẩm thấp nên Lau rất tốt, cao quá đầu, người dân Nghĩa Thành hay lên đây chặt về làm chổi đót. Và nơi đây cũng có rất nhiều ong mật về làm tổ vì có nước quanh năm, hoa thơm cỏ dại mọc khắp nơi. Những buổi trưa cha con ông Thuần và những người làm rẫy quay quần bên những cái chòi kéo lửa nấu ăn.
Người miền núi ngày xưa không mang hột quẹt hay máy lửa theo, mà mỗi khi ra đồng cần có lửa nấu nướng là họ dùng hai thanh tre khô kéo mạnh và nhanh, một hồi do cọ xát vào nhau tre khô sẽ nóng và bốc lửa đốt cháy cỏ mồi. Những cụm khói xanh bay lẫn vào không gian ruộng đồng, phất phơ qua ngọn cau, ngọn tre với những ổ chim Dòng Dọc treo lũng lẳng đu đưa trong gió, và tiếng chim cu gù trong lồng mời gọi những chú chim trống “thèm gái” bên ngoài! Tiếng gù thúc dục sự thèm thuồng đến một lúc không chịu nỗi nữa thì, sập một cái, chiếc bẫy lồng khóa chặt con chim cu trống đang vùng vẫy trong lưới. Tiếc cho một đời khôn ba năm dại một phút!
Đặc biệt nữa là dưới chân núi Giàng có Cấm Ông Thi bên xã Nghĩa Thành (Hành Thịnh) và khu Rừng Già bên xã Nghĩa Phú (Hành Tín Ðông). Cấm với Rừng Già có nhiều cây cổ thụ, rậm rạp, có nhiều cây quý và là nơi sinh sống của thú rừng như mang, nai, heo rừng, rắn, trăng, nưa... Cấm Ông Thi còn có nhiều cây Dẽ. Mỗi độ Đông về Dẽ già khô rụng xuống đầy gốc, những đứa mục đồng thả trâu bò ăn dưới đầm cạnh chân Cấm rồi vào Cấm Ông Thi lượm trái Dẽ nướng ăn. Những ngày của mùa Ðông trẻ mục đồng thường mang theo con dúi làm bằng rơm, dài, lửa ngún suốt ngày để mỗi khi lạnh thì nhóm củi lại đốt sưởi ấm.
Trên dông núi Giàng có một nơi bằng phẳng gọi là Gành Vườn. Nơi đây có nhiều đá lớn, đứng thẳng tắp như vách nhà và có nhiều hang đá. Ngày xưa (có lẽ bây giờ cũng vậy?) người dân chung quanh núi Giàng mang trâu cầm trên Gành Vườn vào dịp ba ngày Tết để rảnh tay ăn Tết. Hàng trăm con trâu được mang bỏ trên đó có khi cả tháng trời sau Tết mới lừa về. Và trong những hang động trên Gành Vườn có rất nhiều sừng trâu nằm vất vã do bị cọp ăn. Một nơi nữa mà dân xã Nghĩa Thành và Nghĩa Phú mang trâu lên cầm Tết là Sân Ruộng. Sân Ruộng là một khu đất trủng, bằng phẳng nằm gần đỉnh núi Ngang (dãy núi nối liền với núi Giàng về hướng đèo Quán Thơm, sông Vệ). Sân Ruộng có hai hai khu là Sân Ruộng trong và Sân Ruộng ngoài được nối liền bởi gò Ông Phụng. Sân Ruộng ngày xưa có trồng lúa nhưng sau này bỏ hoang, cỏ mọc đầy nhưng thuộc về cỏ hôi nên trâu bò ít ăn. Sân Ruộng trong nối liền hồ Sâu và là nơi có nhiều cọp về. Những cánh đồi chung quanh Sân Ruộng và gò Ông Phụng có nhiều ổi rừng. Mùa ổi chín mùi thơm bay ngào ngạt. Nơi đây cũng có nhiều nai mang và heo rừng xuất hiện.
Những năm sau này (1964) rừng bị động nên cọp thường xuống làng bắt bò, heo. Nó nhớ năm 1964 có hai con cọp từ núi Đuôi Chuột, Đèo Mướp xuống thôn An Ba bắt bò bị dân vệ bắn chết một con trong đêm, con còn lại chạy về rừng. Sáng ngày dân vệ mang xác cọp bỏ trên sân nhà nó (vì ngày đó cơ quan hội đồng xã bị đốt cháy sau trận đánh, nên tạm dùng nhà Cha nó làm cơ quan) rồi mang về quận Nghĩa Hành cho ông quận trưởng. Đêm đó dân vệ bắn lạc đạn chết một đứa bé! Một điều là ngay sau khi cọp bị bắn chết người ta nhổ hết lông mép, cắt sạch móng chân và cho con nít cởi lưng cọp cho chóng biết nói! Không biết có chóng biết nói hay không nhưng dễ gì được cởi lưng cọp!
Ngược thời gian trở về ngày xưa, thời của Ông, của Cha nó. Nơi đây, dưới chân núi Giàng đã có một cuộc sống thật thanh bình. Ngoài những ngày đồng án ruộng nương với những ngày mùa tấp nập cảnh người, người dân nơi đây còn có niềm vui đi săn thú rừng. Từ trong hóc núi người ta đào hầm, hố sâu. Chiều về trên mặt hầm được phủ một lớp cành cây và lá khô. Tối về những thú rừng như voi, cọp beo, heo rừng xuống rẫy tìm thức ăn bị sụp hầm, và sáng ra thợ săn dùng cây nhọn đâm chết mang về. Nhưng vui và sôi động nhất là những cuộc săn chồn trên những ngọn đồi bên bìa rừng. Hàng mấy chục con chó săn được Cha, Chú, Bác nó mang vào rừng với một đám người lớn nhỏ có đủ.
Rồi những con chó săn chạy - la - sủa - rượt - bắt những con chồn (nhỏ hoẳng) và tiếng la hò của đoàn người thợ săn làm rung động cả khu rừng. Sau một buổi chiều đi săn nhiều khi chỉ bắt được vài con chồn nhỏ, chỉ đủ để nhét mũi cho những người nhậu thâm niên, nhưng có lẽ đám người vui nhất lại là đám con nít chạy theo sau, trong đó có nó.
Sau này, nó chứng kiến một trận “đi săn” nhưng không phải săn chồn mà là săn “trâu rừng”. Trên Gành Vườn và núi Giàng có một số trâu hoang, trâu rừng, và có một con trâu đực đang dậy cổ, rất khỏe mạnh và đẹp! Người trong làng tìm mọi cách để bắt nhưng không được, khi bóng người đến gần là nó đánh mùi phát hiện liền bỏ chạy lên núi. Một hôm người ta mang một con trâu cái vào bìa rừng cho ăn và nhữ con trâu rừng kia. Suốt buổi chiều hôm ấy, “tình cho không biếu không” nên gã trâu rừng hả hê trên lưng “người đẹp”! Khi chiều về “nàng” tự biết “núi đã che mặt trời” nên quay trở về chuồng, gã trâu rừng vì “mê gái” nên quyết theo nàng một phen. Khi đi được nữa cánh đồng, đến cầu Bân, trâu rừng phát hiện có người theo dõi nên quay đầu bỏ “người đẹp” chạy về rừng. Vậy là mấy người thợ săn tiếc hùi hụi, dùng đến cả “Mỹ Nhân Kế” mà đánh lừa con trâu rừng cũng không được. Ai dám bảo “đồ ngu như trâu” đâu!
Ngày nay núi Giàng đã khác. Cấm Ông Thi không còn cây cổ thụ rậm rạp mà đã bị đốn sạch, trơ cả cỏ cây. Núi không còn cây lớn và con người đang đục khoét khai thác đến tận ngọn. Thú rừng như cọp, beo, nai, mang, heo rừng và ngay cả những con chồn nhỏ cũng dường như vắng bóng! Những cánh đồi, những khe suối, cánh đồng và dông núi bạt ngàn những thức ăn rừng không biết có được bàn tay con người vun trồng cho những thế hệ mai sau để chiêm ngưỡng và thưởng thức hay đã bị chính bàn tay con người tàn phá với một cái nhìn sai lệch. Cũng như biết bao khu “rừng đầu nguồn” trên quê hương Việt Nam đang bị ngọai nhân khai thác, tiêu diệt, bởi những cá nhân vô ý thức, tham lam, làm tổn thương quê cha đất mẹ!
Bây giờ có những khi tối về nó thường vào Google Earth trở về khu rừng xưa: Trên màn ảnh, những tiếng cười, tiếng reo hò, tiếng chim kêu ríu rít trong bìa rừng và tiếng suối nước róc rách lần lượt cứ hiện về bên cạnh lũ mục đồng vô tư vui đùa bên cánh rừng hoang. Của những ngày xa xưa!
Đồng Sa Băng.
5-11-2010
(1): Cao Sung là một Nho Sĩ người quận Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Phóng viên báo Tiếng Dân do Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Ông làm nghề Đông Y và dạy học, bị Việt Minh giết trong ngày tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, vu cáo là thân Nhật, Việt gian (Theo lời học giả Đinh Tấn Dung).
Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net