Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 09, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
DẤU ẤN BÁO TIẾNG DÂN
LÊ HỒNG KHÁNH


 

Trụ sở báo "Tiếng Dân"

 

DẤU ẤN BÁO TIẾNG DÂN
Lê Hồng Khánh

 

Những năm 1924-1927, ở Huế và cả nước là thời kỳ sôi động của các hoạt động yêu nước, chống Pháp.

1924: Phạm Hồng Thái ném bom ám sát hụt Merlin (toàn quyền Dông Dương) ở tô giới Sa Diện (Trung Quốc); chí sĩ Phan Chu Trinh sau nhiều năm bôn ba nước ngoài, trở về Sài Gòn; các tờ báo yêu nước Le Paria (Người cùng khổ) do Nguyễn Ái Quốc chủ xướng và Việt Nam hồn (của Nguyễn Thế Truyền) xuất bản tại Pháp và bí mật lưu hành ở Đông Dương; Huỳnh Thúc Kháng sau khi mãn hạn tù ở Côn Đảo trở về, được khôi phục học vị Tiến sĩ và được toàn quyền Pasquier trực tiếp mời ra làm quan, nhưng đã từ chối thẳng thừng…

1925: Phan Bội Châu bị mật thám Pháp bắt ở Thượng Hải, bí mật đưa về nước, mượn tay Nam triều định xử tử, nhưng cả nước dấy lên phong trào đấu tranh đòi thả nhà yêu nước kỳ cựu, buộc chúng phải đưa cụ về giam lỏng ở Bến Ngự (Huế); Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) thành lập Hội Viêt Nam cách mạng thanh niên, truyền bá Chủ nghĩa Mác cho tầng lớp thanh niên cách mạng; Huỳnh Thúc Kháng vào Nam gặp Phan Chu Trinh và các nhà yêu nước Nguyễn Quyền, Võ Hoành;…

1926: Phan Chu Trinh tạ thế tại Sài Gòn, phong trào để tang Phan Chu Trinh lan tràn cả nước; Huỳnh Thúc Kháng đắc cử Nghị viện, trở thành Viện trưởng viện Dân biểu Trung Kỳ và ngay trong kỳ hội đầu tiên của viện này đã công khai trình bày thảm trạng của nhân dân, mâu thuẩn gay gắt với viên Khâm sứ D’elloy. Cũng trong năm này, các nhà yêu nước thuộc nhiều thế hệ, sau nhiều lần gặp gỡ, thảo luận ở Huế đã đi đến quyết định thành lập Đảng Phục Việt (sau đổi thành Tân Việt) do Lê Văn Huân làm Đảng trưởng, đồng thời chủ trương xuất bản một tờ báo để công khai tư tưởng dân chủ, dân quyền, chống thực dân, phong kiến.

Sự ra đời của báo Tiếng Dân do Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử báo chí nước nhà. Tờ báo được chuẩn bị từ khi Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh mới về nước, và được bàn tán rất nhiều trong giới sĩ phu, nhân sĩ và dân chúng. Để làm vốn cho tờ báo và thuận lợi trong việc điều hành, Huỳnh Thúc Kháng thành lập một công ty tập cổ và huy động vốn thông qua các cổ phần. Dự liệu số vốn cần có là 10.000 đồng (tiền Đông Dương), nhưng số tiền gửi đến trên 30.000 đồng, nhiều nhất là các cổ đông ở Bình Thuận, Quảng Nam, những nơi đã từng sôi động phong trào Duy Tân thời kỳ 1904-1908.

Được các cổ đông cử ra trực tiếp điều hành công ty và tờ báo, Huỳnh Thúc Kháng dự định đặt trụ sở tại Đà Nẵng (lúc bấy giờ là đất Nhượng địa, cửa ngõ giao thương của miền Trung), nhưng thực dân Pháp buộc phải đặt tòa soạn báo tại Huế (kinh đô của Nam Triều và nơi đóng tòa Khâm sứ Trung Kỳ) để chúng tiện việc kiểm soát và nộp bài cho Ty kiểm duyệt một ngày trước khi lên khuôn in. Sau nhiều lần tham khảo ý kiến đồng sự, Huỳnh Thúc Kháng chọn đóng trụ sở báo ở đường Đông Ba, nay là căn nhà số 127 đường Huỳnh Thúc Kháng – TP. Huế.

Từ số báo ra đầu tiên (1927) đến khi bị thực dân Pháp rút giấy phép, (1943) Huỳnh Thúc Kháng là Chủ nhiệm kiêm chủ bút, đồng thời là linh hồn, ngòi bút chủ lực của tờ báo chính trị-xã hội công khai đầu tiên ở miền Trung. Với hàng loạt các bút danh: Huỳnh Thúc Kháng, Sử Bình Tử, Tha Sơn Thạnh, Khỉ Ưu Sinh, xà Túc Tử, Ưu Thời Khách, Nga Sơn, Hải Âu, Điền Dân, Thức Tự Dân, Tiếng Dân,… có lẽ Huỳnh Thúc Kháng là một trong những nhà báo có nhiều bút danh nhất trong làng báo Việt Nam. Ngoài ra, báo Tiếng Dân còn có sự cộng tác của những tên tuổi khá nổi tiếng sau này như Lạc Nhân (Nguyễn Quý Hương, chồng bà Lê Ngọc Sương, anh rể nhà thơ Bích Khê), Ngô Đức Diễn (em ruột nhà báo, nhà yêu nước Ngô Đức Kế), Phi Bằng (bút danh chung của Lê Nhiếp và Võ Nguyên Giáp), Đào Duy Anh, Nguyễn Vỹ,… Các nhà thơ Hàn Mặc Tử (lúc bấy giờ lấy bút danh Lệ Thanh), Bích Khê cũng nhiều lần đăng thơ trên báo Tiếng Dân.

Tồn tại 16 năm (1927-1943), một khoảng thời gian không phải là dài so với mong ước của những người chủ trương tờ báo, nhưng quả là hiếm hoi so với điều kiện hoạt động khắc nghiệt của báo giới dưới chế độ nửa phong kiến-nửa thực dân ở Trung Kỳ lúc bấy giờ, báo Tiếng Dân về cơ bản đã làm được những điều mà Huỳnh Thúc Kháng và các đồng chí, đồng sự của ông đã gởi gắm ở chính tên gọi của nó: Tiếng Dân đã nói được tiếng nói của người dân Việt nam cùng khổ, mất nước; góp phần giáo dục tình cảm yêu nước, thương nòi; tố cáo áp bức, bất công; chỉ ra những thối nát của bộ máy quan lại Nam Triều, nhiều lần trực diện đấu tranh với nhà cầm quyền thực dân ở Trung kỳ.

Tiếng Dân cũng là cơ quan ngôn luận tiếp tục những tư tưởng của phong trào Duy Tân do chính Huỳnh Thúc Kháng cùng Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp và nhiều nhà chí sĩ phát động từ những năm đầu thế kỷ XX. Vừa mang đến cho bạn đọc những tư tưởng mới của thời đại, công kích hệ tư tưởng phong kiến lỗi thời, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những thói tục hủ bại, những tật xấu cần vứt bỏ trong đời sống nông thôn Việt Nam trước năm 1945.

Vừa là “chén thuốc đắng” của đồng bào, vừa là khôn khéo “làm người bạn ngay” của nhà nước “bảo hộ”, để mượn diễn đàn báo chí công khai thể hiện sự bất mãn của người dân đối với chế độ thực dân, trong điều kiện sự kiểm duyệt của Khâm sứ Trung Kỳ và mật thám Pháp ngày càng nghiệt ngã, Tiếng Dân khó tránh khỏi những hạn chế, kể cả những hạn chế của chính Huỳnh Thúc Kháng trước những vấn đề tư tưởng xã hội. Tuy nhiên, những gì mà Tiếng Dân đã làm được, đã tác động vào xã hội đương thời là rất đáng trân trọng và cần được ghi nhận đúng đắn trong lịch sử tư tưởng - báo chí nước nhà.

Lê Hồng Khánh


Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh