Đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp đang tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Đông Dương, thì trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây được truyền bá vào Việt Nam. Thông qua các tân thư, tân văn Trung Quốc, các học thuyết về nhân bản, về dân quyền của Jean-Jacques Rousseau, Charles Louis Mongtesquieu, Voltaire (François Marie Arouet)... cùng với cuộc Duy Tân của Nhật Bản bắt đầu từ 1868 đã gây được tiếng vang lớn và có sức hút đối với các sĩ phu yêu nước tiến bộ. Phong trào cách mạng dân chủ ở Trung Quốc với đỉnh cao là cách mạng Tân Hợi (1911), đặc biệt là chiến thắng của Nhật trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1901-1905) đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng và tình hình tư tưởng Việt Nam. Những sự kiện nầy đã gióng một hồi chuông "tỉnh ngộ" đối với các sĩ phu ái quốc đang khao khát tìm kiếm một con đường cứu nước mới.
Những chuyển biến trong lòng xã hội Việt Nam, cùng sự ảnh hưởng của tư tưởng từ ngoài vào đã làm nảy sinh các phong trào yêu nước và cách mạng có tính chất dân chủ, dân quyền do các sĩ phu phong kiến tiến bộ lãnh đạo. Đó là Duy Tân hội và phong trào Đông Du (1904 - 1908), phong trào Duy Tân (1905 - 1908), Đông Kinh Nghĩa Thục (1907), phong trào chống sưu thuế ở miền Trung (1908), Việt Nam Quang Phục hội (1912 - 1917) ... Tựu trung các phong trào này diễn ra theo hai xu hướng chính: cách mạng bạo động và cải cách ôn hòa với các đại diện tiêu biểu là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh.
Hai xu hướng này song song tồn tại nhưng không đối lập nhau một cách tuyệt đối mà đan xen, hòa lẫn vào nhau, tạo điều kiện cho nhau phát triển.
Bối cảnh chung của thế giới và Việt Nam trên tác động đến Quảng Ngãi, làm cho phong trào yêu nước ở đây cũng có nhiều chuyển biến. Với tấm lòng kiên trung cứu nước, cứu dân, các sĩ phu yêu nước Quảng Ngãi như Nguyễn Bá Loan, Lê Đình Cẩn, Lê Khiết (Lê Tựu Khiết), Lê Ngung, Trần Kỳ Phong, Nguyễn Thụy, Nguyễn Đình Quảng, Mai Bá, Mai Tuấn, Nguyễn Tuyên... đã nhanh chóng tiếp thu trào lưu tư tưởng mới và ra sức hoạt động để làm chuyển biến phong trào yêu nước ở tỉnh nhà tiến kịp với trào lưu dân tộc chủ nghĩa của cả nước.
Để thống nhất lực lượng và lãnh đạo phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ, các sĩ phu yêu nước tiến bộ đã thành lập một tổ chức yêu nước bí mật, sau này gọi là "Hội Duy Tân", vào tháng 3 năm Bính Ngọ (1906). Chủ trương của Hội là kết hợp cứu nước với Duy Tân, kết hợp xu hướng cải cách và xu hướng bạo động trong con đường cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản với hai hình thức hoạt động công khai và bí mật.
Về mặt công khai hợp pháp, Hội Duy Tân chủ trương phải gây một phong trào cách tân rộng rãi trong tỉnh với các hoạt động: vận động đồng bào lập Nông hội, Thương hội, mở trường dạy chữ quốc ngữ, dạy "cách vật trí tri"; vận động bỏ hủ tục, bó khăn đen áo dài, mặc quần áo cộc bằng vải thô nội hóa, bài trừ ngoại hóa, vận động cắt bỏ búi tóc; đẩy mạnh việc sáng tác thơ ca để tuyên truyền vận động, đề cao ý thức "tự lập, tự cường, tự cứu lấy mình".
Về mặt bí mật, liên hệ với phái Đông Du của Phan Bội Châu đưa thanh niên du học để khi có thời cơ thì có sẵn nhân tài đảm đương việc cứu nước, cứu dân.
Sự thành lập "Hội Duy tân" Quảng Ngãi và hoạt động của tổ chức này đánh dấu sự chuyển biến về mặt tư tưởng, tổ chức và biện pháp đấu tranh của phong trào yêu nước chống Pháp ở Quảng Ngãi trong những năm đầu thế kỷ XX, đồng thời thể hiện quyết tâm của những người yêu nước ở Quảng Ngãi trong công cuộc cứu nước dưới tác động của phong trào dân tộc, dân chủ do Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh khởi xướng.
Dưới sự lãnh đạo của Hội Duy Tân, một cuộc vận động duy tân cải cách đã diễn ra sôi nổi ở Quảng Ngãi. Với khẩu hiệu "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh", phong trào hướng các hoạt động vào việc mở mang tri thức cho nhân dân, tuyên truyền đường lối chủ trương chống đế quốc và phong kiến, khơi dậy tư tưởng dân quyền, giáo dục động viên lòng yêu nước, thực hiện nếp sống văn minh, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân. Các nhà khởi xướng phong trào xem đây là những biện pháp để đi đến mục tiêu cao nhất là giành độc lập, tự do.
Cùng với việc phổ biến những tân thư, tân văn, những tài liệu vận động cứu nước của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục,... các sĩ phu yêu nước Quảng Ngãi còn sáng tác nhiều thơ ca để tuyên truyền vận động cách mạng. Tiêu biểu là các bài "Xin đúc một chữ đồng" của Lê Đình Cẩn, "Tới, bước tới", "Cải lương hương tục"... của Phan Long Bằng; "Bài ca vận động binh lính" của Nguyễn Thụy, "Quảng Ngãi quê ta" của Nguyễn Quang Mao, "Quyết giữ trọn tấm lòng" của Nguyễn Công Phương, "Chớ quên lời nguyền" của Võ Tòng (Tùng)...
Để giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, các nhân sĩ trong Hội Duy tân Quảng Ngãi đã phát động một phong trào cải cách theo hướng "Cách tân Âu hóa", trong đó cuộc vận động cắt tóc ngắn là rầm rộ hơn cả.
Cuộc vận động duy tân cải cách ở Quảng Ngãi còn được tiến hành dưới các hình thức mở "hội học", "hội nông", "hội thương"...
Về "hội học", ngoài các trường có quy mô nhỏ còn còn có 9 trường nổi tiếng; trường học lớn nhất mở tại vùng Sung Tích huyện Sơn Tịnh do cử nhân Nguyễn Đình Quảng chủ trì.
Hội buôn ở Quảng Ngãi tồn tại dưới các hình thức như cửa hàng thuốc Bắc, bán hàng nội hóa, quán cơm,... Tiêu biểu nhất là hiệu buôn thuốc Bắc Quảng Tri ở tỉnh lỵ, do Lê Tựu Khiết chủ trì.
Về "hội canh nông", cơ sở chính tại làng Tình Phú (Nghĩa Hành) có diện tích gần 40 mẫu, số hội viên khoảng 70 người do Nguyễn Bá Loan tổ chức và làm Hội trưởng.
Các hội trên đây vừa là nơi liên lạc, vừa là nơi cung cấp tài chính cho các hoạt động khác của phong trào Duy Tân.
Trong các tổ chức hội ở Quảng Ngãi, thương hội và học hội phát triển hơn cả, như Phan Bội Châu đã nhận xét: "Khoảng vài năm Tị, Thân, Dậu (1907 - 1909) về sau, nhà Đông Kinh nghĩa thục phát khởi ở giữa Hà Nội, Thương hội, Học hội rầm rầm rực rỡ ở Quảng Ngãi, Quảng Nam" (1)
Vận động xuất dương cũng là một trong những hoạt động của phong trào Duy Tân ở Quảng Ngãi nhằm hưởng ứng chủ trương xuất dương của Phan Bội Châu và Duy Tân hội. Mở đầu cuộc xuất dương ở Quảng Ngãi là cuộc xuất dương của Trần Kỳ Phong và Lê Đình Cơ (Thượng tuần tháng Chạp năm Bính Ngọ - 1906) sang Quảng Đông (Trung Quốc) gặp Phan Bội Châu để nhận chỉ thị, tài liệu đưa về nước tuyên truyền cách mạng, vận động xuất dương. Tiếp sau Trần Kỳ Phong có hàng chục người xuất dương sang Nhật Bản, Trung Quốc, Xiêm (Thái Lan) như Võ Quán (Lâm Quán Trung), Võ Tòng (Lưu Khải Hồng), Phạm Cao Đài (Nguyễn Yên Chiêu), Đào Trọng Đường, Đào Hoa Vũ, Bùi Tự Cường, Huỳnh Long Thạch, Lê Khôi Luân, Hoàng Thanh Tùng, Nguyễn Công Mậu, Bùi Phụ Thiệu, Võ Hàng, ...
Những người yêu nước Quảng Ngãi xuất dương không chỉ học để trở thành nhân tài mà còn nhằm xác lập mối quan hệ giữa lực lượng cách mạng trong và ngoài nước, nhiều người đã trở thành yếu nhân của các tổ chức Duy Tân hội và Việt Nam Quang phục hội ở nước ngoài như Võ Quán, Võ Tùng, Phạm Cao Đài, ...
Cuộc vận động Duy tân ở Quảng Ngãi tuy chỉ tồn tại từ 1905 đến 1908 nhưng đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ chính trị tư tưởng, kinh tế đến văn hóa giáo dục, nhằm tìm kiếm một phương thức cứu nước mới. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, những hoạt động này biểu hiện tư tưởng "tân văn hóa", để tỏ sự "đồng tâm đồng chí" với nhau, thể hiện lòng yêu nước thương nòi. Cuộc đấu tranh yêu nước mang màu sắc chính trị mới ở Quảng Ngãi diễn ra sôi nổi mạnh mẽ và bị đàn áp khủng bố gay gắt. Song sĩ phu yêu nước tiến bộ và nhân dân Quảng Ngãi vẫn kiên trì đẩy mạnh cuộc vận động Duy tân cứu nước, như Huỳnh Thúc Kháng đã nhận xét: "Sĩ phu và dân Quảng Ngãi khẳng khái và cương quyết, phần đông hy sinh vì nước, một mực thẳng tới, không thối lui trước một trở lực nào" (2)
Cuộc vận động Duy tân cải cách ở Quảng Ngãi đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong lịch sử đấu tranh yêu nước chống Pháp của nhân dân Quảng Ngãi, góp phần cùng với phong trào Duy Tân cả nước khơi dậy, nuôi dưỡng lòng yêu nước, vận động tân văn hóa, tân sinh hoạt, đề xướng dân quyền, đề cao nghề nghiệp, cải thiện sản xuất, phát triển công nông thương nghiệp, xây dựng một nền giáo dục chống từ chương, khoa cử, đề cao khoa học, chữ quốc ngữ. Cuộc đấu tranh này nhằm đòi lại giá trị thực của người Việt Nam, chống vọng ngoại, chống chủ nghĩa cá nhân, đề cao đoàn thể, phát huy nội lực, tiếp tục kế thừa và phát triển truyền thống chuộng cách tân của dân tộc, trực tiếp châm ngòi cho phong trào chống sưu thuế 1908.
Lê Hồng Khánh
(1) Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, NXB Thuận Hoá), Huế, 1990, tr 134).
(2) Huỳnh Thúc Kháng, Vụ kháng thuế ở Trung kỳ năm 1908, NXB Ích Tri, Huế, 1946, tr 20-21).
Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net