Mở speakers ON, click vào mũi tên màu trắng để nghe âm-thanh.
Không muốn nghe nữa, click vào hai gạch song song thẳng đứng
(góc trái dưới cùng trong khung) để tắt âm thanh.
MÙA XUÂN NÀO TA VỀ
Sáng tác: không rõ
Ca sĩ: Thái Châu, Phương Hồng Quế, Hương Lan.
ĂN TẾT QUÊ NHÀ
Phạm Công-Hiệu
Mỗi năm cứ đến khoảng tháng Chạp Âm lịch thì người Việt mình “bỗng nhiên” quên mất cái lịch Tây! Mọi người bắt đầu nói với nhau bằng ngày tháng Âm một cách tự nhiên như…ông bà mình ngày xửa ngày xưa. Rồi đây đó râm ran cái điệp khúc “về nhà ăn Tết”. Ai đó có điều kiện, đều lớn tiếng hãnh diện rằng năm nay ”ta ăn tết ở nhà”! Còn số khác vì lý do này nọ thì…”chậc…thôi thì thêm một năm xa nhà vậy” .
Thì ra cái vụ “nhà” của người Việt mình cũng khá là rối rắm! Có ai phải ăn Tết ngoài đường đâu? Nhưng nếu không về đón Xuân ở nơi mình sinh ra thì cũng giống như…ăn Tết bá vơ nơi đầu đường xó chợ, thì cũng như kẻ không quê, không gốc! Dẫu cho có công thành danh toại nơi xứ người, dẫu cho có nhà cao cửa rộng ở đâu đó, mình vẫn cứ có cái cảm giác của một người dân lưu lạc! Thế nên cứ tới gần Tết thì cái thôi thúc “về nhà” cứ mỗi ngày mỗi lớn ,mỗi ngày mỗi dồn dập theo từng tờ lịch rơi!
Năm nay mình tròn 60 tuổi, thế mà cái cảm giác nôn nao chờ ngày về quê vẫn giống hệt thời còn con nít xưa kia. Năm 1972, thời sinh viên không tiền về đành ở lại Sài Gòn ăn tết ké với hai đứa em họ Phạm Văn Toản và Tuyết Hạnh. Năm 1973, nhớ nhà quá leo ghe đi về nhà từ chân cầu Hà Ra, về tới nhà đã gần hết ngày mồng một.
Năm nay mình cương quyết về nhà vì một là ông bố yếu rồi mình phải về cho ông vui mà sống thêm với con cháu. Hai là phải đưa cháu nội Sông Trà về quê lần đầu tiên ra mắt họ hàng.
Mua vé về quê trong những ngày Tết là cả một cực hình. Năm nào về mình cũng phải nhờ thằng em cán bộ ở Nguyễn Trãi mua hộ còn bằng không thì chào thua. Năm nay mình cũng phải về nhà bằng chế độ ”công tác đăc biệt”. Chiều 25 Âm lịch cả nhà kéo nhau đi “công tác khẩn” tới Đà Nẵng. Cái lạnh đột ngột 19 độ C ở miền Trung chào đón đoàn chúng tôi làm cho thằng con út của tôi nhăn nhó. Tôi phải động viên cháu rằng có lạnh thế này thì mới biết…thế nào là giao mùa, chứ ở miền Nam con không có Tết đâu. Để “bù lỗ” cho các cháu tôi đãi cả nhà một bữa cháo vịt Đà Nẵng. Năm người ăn tơi tả mà chỉ phải trả có một trăm lẻ năm ngàn đồng (khoảng 5 USD). Rẻ bằng 1/3 giá ở Sài Gòn. Vịt quê nhà cũng ngon hơn, có lẽ vì…có mùi vịt. Có phải thế không không biết, hay là tại cái bệnh địa phương!
Về tới nhà ở Mộ Đức, lúc tám giờ tối. May mắn là cháu nhỏ Sông Trà vẫn khỏe và tươi tắn. Hình như cháu cũng lây cái háo hức từ ông nội.
28 Tết mình ra thị xã (nay đã là thành phố). Thăm bà già vợ, mấy đứa em vợ, gia đình bà chị ở Quảng Phú. Thành phố Quảng Ngãi thay đổi nhiều lắm nhưng cái hồn xưa vẫn đâu đấy trong cái lạnh lẽo co ro mỗi cuối năm, trong cái mùi nem, mùi ram nướng khi đi qua đường Nguyễn Nghiêm (Võ Tánh cũ). Khách sạn Trà Giang nơi ngày xưa mình chạy bàn bán cháo vịt, tiết canh bây giờ không còn. Không nhìn ra nỗi nhà của A. T ở kế bên. Cổng trường Trần Quốc Tuấn xưa hình như đã bị thay mới (hay mình nhầm?). Những hàng cây long não trong sân trường vẫn còn đó, lớn hơn nhiều, già hơn, xanh hơn, cứng cỏi hơn chứ không như mình già thì…xụi lơ!
Đường Quang Trung bây giờ cũng khác quá. Mấy cái quán cơm gà, lục tàu xá có mấy cô gái đẹp đẹp ngày xưa…không biết giờ ở đâu? Ngày xưa mình là khách trọ của thị xã Quảng Ngãi (dân quê lên thị), giờ thì vẫn là khách - khách qua đường! Thế thôi! Qua Trần Hưng Đạo tìm số 30. Dừng lại một chút để nhớ những ngày mình ở nhà thuê bằng chính những đồng tiền đầu tiên mình kiếm được trong đời (chạy bàn, rửa xe, giặt quần áo cho mấy thầy giáo). Nhớ cái khoảng thời gian khó nhọc mà lắm tự hào vì được ”tự sống”!
Viết tới đây mình nhớ thầy Lý Minh Trai “bày” việc để có cớ giúp mình chút ít! Nhớ anh Võ Hữu Nhân (mình gọi thầy Nhân bằng anh), nhường lớp dạy hè để mình có tiền đi học. Nhớ cái quần anh cho rộng thênh thang mình phải cột cả hai bên mới mặc được. Giờ đây sóng gió xô đẩy, biết Thầy, biết anh ở đâu mà thăm mà hỏi? Mong sao người xưa được an lành! Mình nhớ cái hiên nhà 30 THĐ bóng loáng vì mình mài đũng quần ngồi chờ em đi lễ, rồi chờ em tan lễ! Hồi đó chỉ biết ngắm thế thôi rồi …về làm thơ con cóc. Đại khái như “…Và bây giờ là mùa Xuân. Trong vườn ai mấy lần hoa Cúc nở.” Cứ có chữ Cúc là ăn tiền rồi! Cái người ngoại đạo ngày xưa ấy may mắn đã “dụ” được em bỏ Chúa cùng đi cho đến giờ! Bây giờ em hay than đau lưng, nhức mỏi và hay cằn nhằn không lý do. Mình nhớ những ngày dạy Anh Văn thay thầy Nhàn ở Trung Học Hùng Vương. Các ”em” hồi ấy không biết có ông thầy nào mà trẻ thế (nhưng phải làm bộ già). Sau này các “em” mới biết thầy ấy đang học ở Trần Quốc Tuấn! Thế thôi, mình không còn ai, không nhớ ai ở cái thị xã này, cái nơi mình đã sống qua thời tuổi thơ không có tuổi thơ!
(Lại nhớ Xuân Diệu với Giao lại tuồi thơ, trong Phấn Thông Vàng: ”Tội nghiệp thay cho bao nhiêu đàn ông, suốt kiếp phải làm một người đời mà chưa hề làm gã con trai. Họ đã bỏ qua cái tuồi nụ hoa không biết hưởng, chỉ có một tuổi đó tha hồ mơ mộng, thì họ lại hững hờ quên mất, thành ra suốt đời chẳng biết một làn sương xanh”. Ông Xuân Diệu ơi, ai mà chẳng muốn có một tuổi thơ tràn đầy mơ mộng, nhưng cái nghiệt ngã của cuộc sống thời buổi nghèo khổ và loạn ly có cho phép mình đi tìm một làn sương xanh đâu?).
Mộ Đức là nơi mình về. Cái làng nhỏ ven sông, làng Cây Gạo mà bây giờ không có cây Gạo nào! Mình nói với các cháu là ở miền Bắc cây Gạo còn gọi là cây Mộc Miên, hoa màu đỏ, thường trồng ở đầu làng. Làm sao kiếm đem về trồng vài cây cho nó ra làng Cây Gạo. Các em, các cháu bây giờ chỉ lo trồng cây Sanh, cây Lộc Vừng để bán cho các đại gia dễ có tiền. Không ai nhớ tới cái cây Gạo dân dã ngày xưa!
Năm nay Quảng Ngãi lạnh kéo dài, hoa trái khan hiếm quá! Một nãi chuối đơm bàn thờ giá lên tới một trăm ngàn đồng (một ngày lương thợ). Mà ai cũng phải có vài nãi, dù giàu hay nghèo! Tết mà! Nhớ rằng trong Nam người ta không đơm chuối vì sợ chúi đầu chúi cổ cả năm! Ở trong ấy người ta chưng ”Cầu (mảng cầu), Sung, Dừa, Đủ, Xài (xoài)”. Rõ là ”phong tục Bắc, Nam cũng khác”! Dân Nam Bộ không tham lam, chỉ cần sung vừa đủ xài thôi, không cần sung quá nên thuốc Sidenafil bán không được nhiều!
Năm nay Quảng Ngãi không có lấy một cành mai trong khi mai trong Nam rực rỡ vàng! Thiên nhiên sao cũng…không công bằng! Sao không chia bớt cái nóng cho miền Trung lạnh lẽo? Mình mua cho chú em hai chậu cúc đại đóa chín chục ngàn và một chậu Quấc (ở Quảng Nam gọi là Quậc, miền Tây kêu là Tắc) bốn trăm rưỡi ngàn. Những thứ này trong Nam rẻ hơn nhiều. Nhưng có đắt cũng mua để là có tí vàng, tí đỏ chứ! Hoa hồng lạnh quá không nở. Dân trồng hồng than trời trách đất!
Bàn thờ Tổ tiên bây giờ bày biện cũng khác xưa: có thêm bánh Tây, rượu Tây, gói xanh, gói đỏ. Mình lại nhớ quay nhớ quắc những cái bánh nổ, bánh in, bánh thuẩn thô mộc mà hiền như dân xứ nẩu. Mình lang thang ra chợ quê mua mỗi thứ hai túm đem về để bàn thờ mẹ. Thương làm sao những món quà Tết xấu vỏ - đỏ lòng của dân Quảng. Những cái bánh nổ, bánh in, bánh ít lá gai xấu xí nhưng ngọt ngào thơm lựng. Người Quảng Ngãi mình cũng vậy, Thô kệch trong ứng xử và nói năng nhưng thông minh, hiền hòa và chơn chất. Tết Việt thì không thể chỉ có bánh rượu Tây! Quảng Ngãi dẫu còn nghèo nhưng cũng chẳng thiếu thứ gì! Bia rượu ngập trời, nhưng bia Dung Quốc vẫn chạy nhất. Ngon chẳng thua bia Sài Gòn mà rẻ hơn nhiều, hợp túi tiền chưa mấy nhiều của dân mình.
Cái lạnh lui dần khi năm mới đến. Năm nay mồng Hai là Lập Xuân. Các cháu có dịp thấy, nghe, đụng, chạm tới ”mùa Xuân”. Cái mà trong Nam không cảm nhận được! Ăn Tết là phải “ăn” bằng tất cả giác quan. Ăn Tết là khi ta cảm nhận được sự chuyển vận của thời tiết - cái se lạnh cuối Đông lui dần nhường chỗ cho cái ấm còn e ấp của mùa Xuân mới. Ăn Tết là khi ta nghe tiếng nước sôi ục ục của nồi bánh tét, tiếng heo eng éc đầu làng cuối xóm. Ăn Tết là khi mắt ta no nê với biết bao sắc màu của hoa, của trái, của những chiếc áo mới trẻ con. Ăn Tết là khi ta say với mùi hương, mùi trầm trên bàn thờ tổ tiên và với biết bao thứ mùi mà chỉ Tết mới có. Ăn Tết là khi tay ta sờ nhẹ những cánh hoa mong manh mới nở, những lộc non run rẩy mới nhú trên cành sau những ngày Đông giá. Ăn Tết là khi ta nhấm nháp những thức ăn dành cho ngày Tết: chút dưa món mặn quê nhà (miền Nam chỉ có dưa chua) cộng hưởng với cái béo, cái vị bùi, thơm dẽo của bánh tét, cái cay nồng của hạt tiêu, trái ớt mà nghe như cả cuộc đời hội tụ: cay - đắng - mặn - nồng!
Mấy ngày Tết mình dẫn các cháu đi nhà thờ họ, thăm mộ ông bà và đặc biệt cho các cháu viếng mộ ông tổ (đời thứ 1). Đến cháu Sông Trà đã là đời thứ mười lăm. Mười lăm thế hệ đi qua cái làng quê nhỏ bé này. Ba mươi nhận điện thoại chúc Tết của Kông từ Mỹ. Bên đó lạnh quá, đường sá đóng băng. Chú Kông không đi làm được chắc ở nhà càng buồn thêm nhỉ? Điện thoại đầy tin nhắn chúc qua, chúc lại. Chúc nhau những mong ước mà ngày thưòng mình không có: giàu sang, phú quí, công danh, tài lộc...Ngày Mồng Một, nhận điên thoại chúc Tết của Phạm Văn Toản mà nghe như có…nước mắt khi dặn “anh nhớ chụp hình nhà em nghe, chụp hình nhà anh nghe, chụp cả nhà bác Trợ nữa nghe…”. Cảnh cũ còn chút dấu xưa. Người xưa giờ đã là… xưa quá thể rồi. Mấy đứa cháu trong họ nhìn mãi mới ra: “A, thì là bác Hiệu con cố Hồng đây”. Thì mình đã là bác, là ông, mai này là cố. Thôi thì còn sức còn cố về nhà mà ăn Tết. Về để còn có người nhớ! Còn nếu không, có ngày mình thành khách lạ trên chính quê mình!
Ngày Mồng Bốn lại phải đi vào lại Sài Gòn. Ông già trông mệt mỏi hơn mọi ngày. Mình cũng không muốn đi nữa! Muốn ở lại mãi mãi với hàng cau, vạt chuối để rồi khi nào đó, mệt mỏi nằm luôn dưới chân mộ mẹ cho xong một đời người long đong, “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt?”. Thế mà vẫn phải đi với con vào Nam. Ngày mốt lại tiếp tục cày… Nhưng cũng cám ơn cuộc đời còn dành chỗ cho mình cày...phải thế không?
Mình về, đem lại chút vui. Mình đi, lại gây nỗi buồn lớn. Mình chào tạm biệt cả nhà, bà con, mà không dám nhìn ai. Sợ thấy ai đó buồn hay sợ ai đó thấy mình không vui! Biết làm sao? Biết phải làm sao? Lại phải đi…và lại hẹn ngày về!!!
Phạm Công Hiệu.
Xem các bài của tác giả Lê Văn Công tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net