VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 55)
Thinh Quang
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 271
VẤN: Ông Vũ Văn Bỉnh, Los Angeles: Tôi thường nghe nhiều người đề cập đến “cá ngựa” và đều cho rằng nó là một món ăn ngon và được xem là loại thần dược. Chẳng biết có đúng vậy chăng? Bà cụ giải thích cho.
ĐÁP: Thường “cá ngựa kho với củ súng” vừa là món ăn ngon vừa là vị thuốc chữa khỏi được nhiều bệnh. Món này ít người biết đến vì cá ngựa rất hiếm, thường chỉ bắt được vài ba con trong một mẻ lưới. Vả lại cá ngựa thuộc loại hải sản ít bắt được nhiều. Dân chài lưới bắt được thường mang phơi khô bán được nhiều tiền hơn.
Cá ngựa còn có tên hải mã, tên khoa học là Hippocampus, họ hải long syngathidae. Đây là giống cá nước mặn dài 15 –> 30cm, đầu gống như đầu ngựa, hình thù cũng tương tợ con tuấn mã đang phi nước đại. Cá ngựa có nhiều loại: loại lớn gọi là đại hải mã, loại có gai gọi thiết hải mã, loại có ba khoan được gọi tam ban hải mã.
Về màu sắc thì màu nào cũng có thể làm thuốc được, bất kể trắng hay vàng, hoặc đen hay xanh nhạt. Tuy vậy quí nhất là màu trắng và vàng. Cá ngựa hiện diện quanh năm tại bờ biển Việt Nam, nhưng bắt được chúng rất khó khăn, người kéo lưới thường chỉ được lác đác vài ba con.
Cá đực có một cái túi ở bụng để chứa trứng và cá con. Cá mái đẻ xong là bỏ đi để mặc cho con cá bố chịu lấy trách nhiệm. Con đực có túi nuôi con vì vậy nhiều người tưởng lầm cá có túi là con mái.
Khi bắt được cá ngựa, bỏ ruột, phơi khô rồi uốn cong đuôi lại cho đẹp, thường buộc một cặp hai con lại với nhau gọi là một đôi trống mái.
Theo sách thuốc cổ truyền, hải mã có vị ngọt mặn, tính ấm đi vào kinh thận. Nó có công năng tráng dương, ấm thủy tạng, bổ ích phòng sự chuyện vợ chồng, cường dương, làm cho người hiếm con dễ thụ thai, trị đau bụng do khí huyết… Nhớ là các bà có thai thì không được dùng.
Cá ngựa làm ấm thận, làm mạnh cơ qua sinh dục. Khí huyết thông, nên các cơ quan này hoạt động tốt. Do đó mà mới khẳng định cá ngựa bổ ích phòng sự. Những người bị u tuyến tiền liệt lại càng phải dùng cá ngựa.
Phương thuốc cá ngựa:
Cá ngựa kho với củ súng được xem là một bài thuốc hay. Lý do là hai chất đều có tính bổ thận.
Nên biết tính bổ tỳ làm mạnh chức năng vận hóa, tăng thủy cốc là các chất cần thiềt để yểm trợ cho sự hoạt động của thận.
Tính an thần của củ súng phụ trợ cho tính bổ thận, có tác dụng cố tinh. Tuy bài thuốc chỉ có hai chất nhưng lại đầy đủ các nhiệm vụ quân bình.
Ngoài ra còn có bài thuốc phối họp hai chất cá ngựa với câu kỷ tử. Hạt câu kỷ tử (lycium sinense), họ cá có vị ngọt, tính bình. Tác dụng vào ba kinh phế, can, thận. Điều cần nhớ là trước khi dùng cá ngựa khô nên rửa sạch, để ráo rồi nướng sơ cho đỡ mùi tanh.
Phù hiệu trên bộ quân phục của các khóa sinh, sinh viên sĩ quan và quân nhân cơ-hữu của Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang thời Việt Nam Cộng Hòa có hình con cá ngựa nằm giữa phù hiệu, rất thanh nhã, đẹp mắt; được gắn trên túi áo của bộ quân phục.
VẤN: Cụ Huỳnh Thanh Tịnh, Virginia: Bà cụ có biết nước ta có “báo chí” từ lúc nào không?
ĐÁP:
Kề từ ngày Pháp chiếm Nam Kỳ thì vào năm 1865, có tờ báo đầu tiên ra đời. Đó là Gia Định báo. Thật ra đó chỉ là tờ báo dùng để đăng thông tư, nghị định. Có thể nói Gia Định báo là một thứ công báo, lúc đầu, mỗi tháng xuất bản một số rồi dần dà hai số… Về sau bắt đầu có tin tức, bình luận, thi văn, lịch sử…không ngoài mục đích giúp cho trường học có tài liệu để giảng dạy. Sau Gia Định báo có Phan Yên báo phát hành vào năm 1868 do Diệp Văn Cương chủ biên. Tiếp đến là Nhật trình Nam Kỳ phát hành năm 1883 v.v…
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 272
VẤN: GS. Trịnh Văn Hoành, Virginia: Tôi nghe nói ngoài ca dao, tục ngữ, thời xưa còn có “Lý Ngữ”. Vậy lý ngữ là gì, bà chị biết xin chỉ giáo.
ĐÁP:
Đó là lời hát Vè về dân gian xuất hiện từ đời Tống có liên hệ với văn học dân gian nặng về ứng dụng khẩu ngữ thông tục. Âu Dương Tu lúc bấy giờ thường viết nhiều bài thông tục gần với khẩu ngữ. Trong Văn-học-sử Trung Quốc đã ghi nhận đời Tống xuất hiện một thứ văn nghệ thích ứng với thị hiếu thị dân. Có điều những tác phẩm không còn lưu truyền, tuy vậy được biết đến là nhờ các thoại bản hay bình thoại viết bằng khẩu ngữ ghi nhận lưu truyền lại.
VẤN: Ông Đỗ Phú Hào, Orange County: Bà cụ giài nghĩa hộ thành ngữ: “Bỉnh chúc dạ du”. Cám ơn bà cụ.
ĐÁP:
“Bỉnh chúc dạ du” có nghĩa “Cầm đuốc đi chơi đêm”
VẤN: Ông Hồ Trọng Nhân, Orange County: Xác ướp bảo tồn trong bao lâu? Có phải chỉ có Ai Cập mới thật sự có xác ướp được xem là dài lâu và không bị hủy hoại?
ĐÁP:
Đúng là Ai Cập là quốc gia có nhiều xác ướp được xem là dài lâu và ít bị hủy hoại. Tuy nhiên cũng có không ít các quốc gia khác có xác ướp chẳng kém thua gì các xác ướp của các nhà vua của Ai Cập. Như mới đây vào cuối tháng 2 năm 2011 tại Trung Quốc tìm thấy một xác ướp 700 năm trên tuyến đường ở thành phố Thái Châu thuộc tỉnh Giang Tô. Các công nhân mở rộng tuyến đường này đã rất ngạc nhiên khai quật được chiếc quan tài bằng gỗ còn tốt nằm ở độ sâu lối 2 mét dưới lòng đất.
Khi khai quật quan tài, các nhân viên bảo tàng Thái Châu phát hiện xác ướp của một phụ nữ chưa bị mục nát nằm bên trong. Thi thể người phụ nữ bọc bởi nhiều lớp vải và chăn – tất cả được ngâm trong dung dịch màu nâu. Tay phải xác ướp cho thấy da còn nguyên, với một chiếc nhẫn ngọc màu xanh đeo ở ngón giữa. Một chiếc kẹp tóc bằng bạc cũng được phát hiện.
Xác ướp được tin là của một phụ nữ trang trọng, thuộc hàng quý phái từ thời nhà Minh (1368-1644). Xác ướp này được các hãng truyền hình Hoa Kỳ truyền đi khắp thế giới.
Tưởng cũng nên nhắc lại trong khoảng thời gian 1979-2008, có 5 xác ướp cũng được phát hiện, tất cả đều được bảo quản nguyên vẹn.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 273
VẤN: Ông Vũ Đức Hành, San Jose: Nghe có tin loan truyền là vừa rồi ở Đài Loan có hiện tượng hai mặt trời. Chẳng biết có hay không?
ĐÁP:
Tin này theo giới truyền thông loan truyền tại PENGHU, Đài Loan vào ngày Thứ Sáu, 4-3-2011, nhiều người đã nhìn thấy hai mặt trời cùng mọc trên đảo Penghu. Không bao lâu sau đó, đoạn phim quay cảnh hai mặt trời được tung lên mạng, trở thành đề tài nóng bỏng trong giới truyền thông và các diễn đàn. Quả thật nhiều người nhìn thấy rõ ràng có hai mặt trời, một hơi mờ có màu vàng cam và một sắc nét màu vàng, xuất hiện cạnh nhau. Trang web Life’e LittleMysteries tìm đến nhà thiên văn Jim Kaler, đại học Illinois để được giải thích.
Theo ông Kaler, hiện tượng “hai mặt trời là kết quả của một hiện tượng khúc xạ quang học khá hiếm, và trên thực tế, khoa học vẫn còn chưa giải thích được. Giới khoa học cho rằng hiện tượng hai mặt trời hay hai mặt trăng đã từng xuất hiện, được ghi lại trong một quyển sách có tựa đề “Light and Color in the Outdoors xuất bản năm 1993 tác giả là một nhà thiên văn nổi tiếng Marcel Minnaert. Ngoài ra còn một số các hiện tượng khác như hiện tượng hào quang bao quanh mặt trời chẳng hạn v.v…
VẤN: Bà Đỗ Vân. LA. Tôi nghe các loại đậu có thể chữa trị các chứng bệnh hiểm nghèo. Chẳng biết bà cụ có nghe như vậy không?
ĐÁP:
Theo sự sưu tầm của một trang web tôi đọc được thì có 5 loại đậu có khả năng chữa trị các căn bệnh. Nếu mỗi ngày ăn thực phẩm đậu chỉ cần trong vòng hai tuần, cơ thể có thể giảm bớt được hàm lượng chất béo, tăng thêm sức đề kháng, giảm thấp nguy cơ mắc bệnh. Ví như:
ĐẬU ĐỎ BỔ TIM: Đậu đỏ hàm chứa có nhiều chất xơ cho bữa ăn, có tác dụng nhuận trường thông tiện, giảm huyết áp, giảm mỡ máu, điều tiết đường máu, giải độc chống ung thư, phòng chống kết sỏi, làm đẹp giảm phì nộn. Đậu đỏ còn có tác dụng lợi tiểu rất tốt, nhất là đối với người đi tiểu tiện khó, có thể giải rượu, giải độc, đều có tác dụng nhất định đối với bệnh tim bệnh thận và phù thũng.
ĐẬU XANH BỔ GAN: Đậu xanh vị ngọt tính mát thường dùng để thanh nhiệt, giải độc. Thường xuyên ăn đậu xanh có thể giúp thải độc tố trong cơ thể. Đậu xanh có tác dụng giảm cholesterol, lại có thể bảo vệ gan và chống dị ứng. Nếu trong đậu xanh có thêm vào một ít mật ong uống cùng thì tác dụng bài trừ độc tố càng tốt hơn.
ĐẬU VÀNG BỔ TÌ: Đậu vàng hàm chứa chất saponin phong phú, có thể kích thích mật bài tiết tiêu hóa chất béo lại có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa, khỏe tì,ích khí,bổ hư, thường xuyên ăn còn trợ giúp làm chậm lão hóa.
ĐẬU TRẮNG BỔ PHỔI: Đậu trắng có saponin,urease, chất xúc tác niệu tố và nhiều thành phần protit cầu, có chức năng tạo sức đề kháng cho cơ thể,hoạt tế bào T tuyến dịch liêm pha đồng thời có tác dụng rất tốt trong việc phòng chống các bệnh về đường hô hấp.
ĐẬU ĐEN BỔ THẬN: Đậu đen hàm chứa nhiều thành phần chống o xy hóa, đặc biệt là chất isoflavone, anthocyanidin là thuốc chống o xy hóa rất tốt, bổ thận, ích tâm hoạt huyết, mạnh gân khỏe xương cốt và an thần sáng mắt.
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 274
VẤN: Vũ Hà Văn, San Jose: Nghe nói quả đu đủ được xem là loại quả “thiên thần” phải không?
ĐÁP:
“Đu đủ” được phổ biến trên mạng, cho rằng ngoài cái ngọt ngào, căng mọng và quyến rũ, còn được xem là loại quả thần dược, có thể giúp cải thiện sức khỏe cho hệ tiêu hóa và làm sạch đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ phổi và khớp xương. Đã vậy, đu đủ còn là một thứ vũ khí chống lại kẻ thù của nhân loại – đó là bệnh ung thư. Đu đủ có thể làm ngưng sự phát triển của tế bào ung thư vú. Các nhà khoa học đã nghiên cứu 14 thực phẩm thực vật được ăn phổ biến ở Mexico để xác định về khả năng kỳ diệu này. Theo sự nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí quốc tế “Journal Food Science & Nutrition” vào tháng 5 năm 2009, ghi nhận có các quả bơ, ổi, xoài, dứa, nho, cà chua và “ĐU ĐỦ” – là những loại trái cây súc tích beta-carotene, phenol, axit galloic và các chất chống oxy hóa, đặc biệt là đu đủ.
Đu đủ có nguồn lycopene chống ung thư dồi dào. Chất này hiện lên màu cam rực rỡ thể hiện sức mạnh vô địch của chất của carotenoids v.v…
Các nghiên cứu cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa việc ăn nhiều lycopene và nguy cơ tuyến tiền liệt. Họ chỉ ra rằng nạp càng nhiều lycopene màu cam thì nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt càng thấp. Nghiên cứu tại Australia trên 130 bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt cho thấy nam giới ăn nhiều hoa quả và rau xanh nhiều chất lycopene nhất như đu đủ sẽ giảm 82% nguy cơ phát triển về chứng bệnh này. Đồng thời trong nghiên cứu cho thấy “TRÀ XANH” cũng được đưa vào như một chất kháng ung thư mạnh. Nên nhớ rằng khi những thực phẩm giàu chất lycopene được kết hợp với Trà Xanh hiệu quả sẽ tăng cao hơn nhiều.
ĐU ĐỦ có thể làm ngưng sự tăng trưởng của CÁC TẾ BÀO UNG THƯ VÚ.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã làm rõ được cơ chế hoạt động của một loại isothiocyanate tìm thấy trong đu đủ, còn bảo vệ sự chống lại ung thư vú, ung thư phổi, và ngăn chận sự lan truyền phát triển của tế bào ung thư…
Các chất được tìm thấy trong đu đủ như ENZYM PROTEOLYTIC bảo vệ cơ thể khỏi bị viêm nhiễm và giúp lành vết thương do bỏng v.v…
Vậy lúc nào nên ăn đu đủ? Nhớ là sau bữa ăn sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa, phòng đầy bụng, trướng bụng và khó tiêu v.v…
Đặc biệt nhờ chất enzym proteolytic, papain có thể hủy diệt những ký sinh trùng đường ruột. Để tẩy sạch các ký sinh trùng đường ruột hãy uống một cốc nước đu đủ cùng với nước dưa chuột ép với nước đỗ xanh liên tục mỗi tiếng, kéo dài 12 tiếng sẽ thấy ngay sự hiệu nghiệm như thần.
Đu đủ còn giúp giảm nguy cơ máu vón cục và cải thiện chất lượng tế bào máu, giúp cho thông mạch v.v…
VẤN: Bà Nguyễn Đình Tấu, San Jose: Bà cụ có nhớ thời tiền chiến giá cả thực phẩm ở Việt Nam ta như gạo, trứng, thịt v.v…như thế nào không?
ĐÁP:
Trước năm 1936 sau đệ nhất thế chiến giá trung bình về thực phẩm, theo sự ghi nhận của các báo lúc bấy giờ như sau:
Gạo: Tính 10 lit 40 xu (tức 40 cents.)
Trứng vịt: 1 trứng O$01 (tức 1 cent)
Thịt heo: 1 kg O$30 (30 cents)
Đậu tây: 100 gr. 0$06 (tức 6 cents)
Thịt bò: 1 kg. 0$50 (tức 50 cent)
Nhưng đến tháng 12 cùng năm giá nhảy lên 0$60 cho 10 lit gạo. Trứng vịt 0$01 (1 cents) nhảy lên 0$02 cho 1 trứng. Thịt heo tăng 0$40 cho 1 kg v.v…
MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 275
VẤN: Cụ Vũ Văn Tùng, Reseda: Trời đất sinh ra vạn vật đủ mọi loài, mọi thứ. Sinh ra cỏ cây thì gọi là thực vật. Sinh ra các loài cá chim, thì gọi là động vật v.v… Hình như trong Tam Tự Kinh có mấy lời nói đủ các loài, các vật. Bà cụ có nhớ các câu này không? Nếu nhớ xin nhắc hộ luôn về sự tích. Xin cám ơn bà cụ nhiều.
ĐÁP:
Các câu mà ông cụ hỏi đó là:
ĐỊA SỞ SINH, HỮU THẢO MỘC.
THỬ THỰC VẬT, BIẾN THỦY LỤC.
HỮU TRÙNG NGƯ, HỮU ĐIỂU THÚ.
THỬ ĐỘNG VẬT, NĂNG PHI TẨU.
Có nghĩa:
Trên trái đất còn sinh trưởng các loại cỏ cây gọi là thực vật. Chúng có ở khắp nơi dưới nước và trên cạn.
Còn có các loại sâu bọ, cá chim và thú vật gọi là động vật. Chúng có loại có thể bay trên trời, có loại có thể chạy trên mặt đất.
Có câu chuyện kể rằng:
”Cách đây khoảng 2000 năm trước, Trung Hoa đã có nhiều chuyện thần thoại về các loại cỏ cây, chim thú. Tập ”Sơn Hải Kinh” là quyển sách chuyên ghi chép các chuyện thời cổ đại. Trong sách này có nói: Có một ngọn núi tên là Chiêu Dao Sơn. Trên núi mọc một loại cỏ tên là Chúc Dự. Loại cỏ này có hình dáng giống như cây hẹ, hoa nhỏ mà xanh. Khi ăn loại cỏ này con người có cảm giác no như ăn cơm.
Ngoài ra còn có một loại cây, thân cây có những hoa vân màu đen. Các vân có một cái tên kỳ quái là “Mê Cốc”. Nếu đeo “Mê Cốc” trên người, thì có thể tránh được các tà ma quỉ quái.
Trong sách còn kể rằng: Phương Bắc có một nước tên là Hắc Xỉ Quốc. Dân tại nước này đều mọc răng đen. Hắc Xỉ Quốc có một thung lũng. Thung lũng này có một cái hồ, xung quanh hồ mọc một loại cây gọi là cây Phù Tang. Theo truyền thuyết thời cổ đại, trên trời có mười ông Mặt Trời. Mười ông Mặt Trời này thường lui tới hồ này để tắm mát.
Sách còn chép rằng: Một ngọn núi gọi là Đan Huyết San, trên núi có một con chim, trông giống gà được gọi là con Phượng Hoàng. Đầu con Phượng Hoàng có vân gọi là “Đức”. Lông ở cánh có vân gọi là “Nghĩa”. Lông trên lưng có vân gọi là “Lễ”. Lông ở ngực có vân gọi là “Nhân”. Lông ở bụng có vân gọi là “Tín”. Chim này chẳng những biết hót rất hay, rất êm tai, mà còn biết nhảy múa trông rất đẹp mắt. Người xưa xem con phượng hoàng như một con chim Thần. Mỗi lần con chim xuất hiện trong nhân gian thì thiên hạ thái bình.
Những chuyện kể trên đây tuy là thần thoại nhưng cũng nói lên tình cảm của con người đối với muôn loài muôn vật trên trái đất này rất là thắm thiết.”
VẤN: Ông Vương Hà Thiện, Virginia: Chẳng biết ngoài trái đất ta ở còn có sự sống nào nữa trong vũ trụ hay không?
ĐÁP:
Trên không gian có hằng hà sa số các dãi thiên hà, hàng ức triệu các vì sao, chẳng lẽ duy chỉ ở trái đất ta mới có sự sống không thôi sao? Nột nguồn tin từ nhà khoa học NASA tuyên bố mình tìm ra sự sống ngoài hành tin đã được giới truyền thông loan tải trong những ngày gần đây. Nhà khoa học Richard B. Hoover, nghiên cứu ngành sinh vật học vũ trụ tại trung tâm không gian Marshall thuộc NASA, vừa tuyên bố rằng ông đã tìm ra bằng chứng về sự sống bên ngoài Trái Đất. Đó là các hóa thạch của nhiều loại vi khuẩn tìm thấy trong những mảnh thiên thạch cực kỳ hiếm Cl1 carbonaceous chondrites. Trên Trái Đất hiện chỉ có 9 mảnh thiên thạch loại này.
Ông Hoover phát hiện hóa thạch vi khuẩn khi đập vỡ một thiên thạch Cl1, và phân tích các mảnh đá bằng một kính hiển vi điện tử. Ông Hoover đã tìm ra hóa thạch của nhiều loại vi sinh vật, trong số này có cả một số sinh vật rất giống với những vi khuẩn trên Trái Đát.
Nhà khoa học này đã cho đăng các phát hiện của mình lên tạp chí Journal of Cosmology để các đồng nghiệp kiểm chứng.
Còn tiếp
THINH QUANG
Xem Phần 54, click vào đây.
Đọc các Bài cùng tác giả tại đây.
Trở về website www.nuiansongtra.com