HOÀI NIỆM BỜ XE NƯỚC
Mai Bá Ấn
Chị trở về sau gần mười năm từ biệt quê hương làm thân ly xứ.
Mười năm… cảnh vật xưa giờ đã khác đi nhiều. Bờ xe nước của tuổi thơ chị thì đã từ lâu không còn hiện diện. Cả cái bờ tre xanh bên bờ Bắc sông Trà líu ríu tiếng chim mỗi trưa hè giờ cũng không còn nữa. Đường mở lớn dọc theo hai bờ Trà Khúc, đèn đường sáng choang, lộng lẫy. Quê chị giờ đã là phố mất rồi. Có cố tìm lại chút cảnh vật xưa thì cũng khó mà tìm. Chỉ có kỷ niệm mang mang về mối tình đầu là hiện lên mồn một.
Ngày ấy, mười bảy tuổi đầu, Phượng hồn nhiên như gió. Buổi chiều, mỗi lần đạp xe về ngang cầu Trà Khúc, cô dễ dàng nhận ra dáng anh tựa lan can cầu giả vờ nhìn xuống nước sông trôi. Cứ thế, Phượng vô tư như chẳng biết gì để đến một chiều… khi xe vừa đi ngang chỗ anh đứng, anh vội vàng quay lại ném vào giỏ xe của Phượng một bó hoa phượng đỏ kèm theo một bức thư tình. Đọc thư, Phượng biết anh đã để ý mình từ lâu lắm. Từ dạo Phượng mới vào học lớp 10 trường Trần Quốc Tuấn. Thư anh viết hay đến nỗi, dù chưa có tình ý gì với anh, Phượng vẫn cứ mê mải đọc hàng đêm sau khi đã chuẩn bị xong bài vở. Bức thư tỏ tình đã khiến Phượng không còn giữ được sự vô tư mỗi chiều về ngang cầu Trà Khúc.
Từ hôm đó, anh vẫn đứng chờ để mong có thể nhận được hồi âm của Phượng. Song Phượng thì vẫn bình thản đạp xe qua trước mặt anh, gửi lại một nụ cười không hề cắt nghĩa. Nhưng cũng từ đó, mỗi lần đến trường, lòng cô lại rộn ràng hơn. Dù chẳng là gì, nhưng cứ chiều nào vắng bóng anh im lìm đứng đó là Phượng buồn suốt cả một đêm. Nhà anh ở phía bờ Nam Trà Khúc. Anh tên Thắng, học cùng trường nhưng trên cô một lớp. Chỉ có điều, khối lớp 12 của Thắng thường học vào buổi sáng, còn khối 11 của Phượng lại học buổi chiều. Thỉnh thoảng những giờ ngoại khoá, họ mới nhận ra nhau. Cái sự chênh nhau này cũng là một vật cản vô hình trong cho việc cầu thân. Và vì vậy, anh luôn chọn địa điểm trồng si ngay lan can cầu Trà Khúc. Phượng nhớ như in đoạn thư tự thú của chính anh:
“Phượng ạ! Xưa nay, nhân gian trồng cây, bất kỳ một loại cây gì, cũng đều trồng trên đất. Anh lại ngu ngơ đem cây trồng giữa lan can cầu. Vì thế, tưới nước hoài mỗi chiều mà cây chẳng thể bén rễ xuống mặt sông. Ôi! Cây tình si tự phủ rễ cả thân mình…”.
Thư anh ngộ nghĩnh, giản dị nhưng sâu sắc. Nếu ai đó bảo “Văn là người” thì có lẽ con người này thật đáng để yêu. Nhưng Phượng xác định rõ là chưa thể yêu lúc này vì hai đứa còn quá trẻ, chuyện học hành chưa đâu vào đâu. Vì thế, suy nghĩ mãi rồi Phượng cũng nặn được một đôi dòng ném trả lại cùng bó hoa phượng đã héo khô của anh hôm trước. Dòng chữ đơn sơ:
“Em rất cảm ơn về những tình cảm của anh, song bây giờ thì em đề nghị: mình phải lo học đã!”.
Dòng thư ngắn gọn như một lời phán. Cầm phong thư cùng bó hoa khô, Thắng đạp xe băng băng về nhà, chui vào phòng riêng run run mở đọc. Anh săm soi từng chữ, phân tích từng dòng, huy động hết vốn liếng bình văn cô giáo văn đã dạy vẫn chưa thể nào giải mã nỗi tình cảm của Phượng đối với anh. “Mình” đây là ai? Là cả hai hay chỉ là một riêng em? Là thật thế hay chỉ là lời chối từ tế nhị? Bình tĩnh mà xét thì lời đề nghị của Phượng là vô cùng hợp lý. Song, đó là chuyện của lý trí lạnh lùng. Còn con tim thì lại có nẻo đi riêng của nó. Càng suy ngẫm, lại càng buồn, anh ngồi vào bàn, viết một bức thư dài đến hai trang giấy đôi của vở học trò. Anh nói rất nhiều, nhưng với bức thư dài ấy, những người ngoài cuộc có thể tóm gọn rằng:
“Mong em giữ nguyên tình cảm trong sáng ấy của anh để làm niềm vui tiếp tục học hành. Và anh cũng vậy! Mình hẹn nhau khi cả hai cùng bước vào trường đại học, Phượng nhé!”.
Theo nguyên bài bản cũ, chiều ấy, anh đứng tại vị trí cũ với bó hoa Phượng (đúng hơn là bó lá phượng tươi vì đã hết mùa Hè) chờ Phượng đến. Khi ném bó hoa kèm phong thư vào giỏ xe, anh nhận được nụ cười như đồng tình của Phượng. Anh cảm thấy yên lòng hơn, đạp xe bon về nhà để tận hưởng niềm vui vừa mới đến. Chưa là gì, nhưng nụ cười ấy, dẫu sao, cũng là một tín hiệu vui.
Từ đó, như để chứng minh cho Phượng thấy, Thắng lao vào học hành, thỉnh thoảng anh chép tặng Phượng vài bài thơ hay hoặc gửi tặng cô một vài cuốn sách nhân các ngày kỉ niệm. Cuối năm ấy, Thắng thi vào Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Ngày nhận được giấy báo đỗ vào trường, anh vui mừng cầm ra lan can cầu chờ đợi. Và khi xe Phượng vừa đến, khác với mọi lần, Thắng leo lên xe mình, đạp theo sau Phượng. Đợi qua khỏi đầu cầu phía Bắc, khi xe rẽ vào con hẽm ngoằn ngoèo về nhà Phượng, Thắng mới tăng tốc độ để đi song song cùng Phượng. Khi xe sóng ngang nhau, Thắng chìa tấm giấy báo và nói to:
- Phượng ơi! Anh đã đỗ vào Đại học Kinh tế thành phố.
Phượng dừng xe, ngượng ngùng nhìn anh, mĩm cười:
- Em chúc mừng anh. Bao giờ anh nhập học?
- Mười ngày nữa thôi. Vào trong ấy, anh sẽ cố học thật giỏi để đợi sang năm Phượng vào cùng. Phượng đồng ý không?
- Đồng ý! Nhưng đó chỉ là ước mơ thôi. Chắc gì em đã đỗ… Thôi chúc anh lên đường vui vẻ và học giỏi, cho dù sang năm em không đỗ vào trường.
- Cảm ơn Phượng! Nhưng… em…
- Thôi em về đây, mẹ đang đợi. Chúc anh thành đạt.
Nói xong Phượng nhìn anh mĩm cười và phóng xe rẽ vào ngõ nhà. Bỏ kẻ si tình đứng như trời trồng giữa con đường hẻm. Vào nhà thì sợ, anh đành quay xe thui thủi trở về.
Sau bao đêm trăn trở, chiều cuối cùng trước khi vào thành phố, anh lại tiếp tục đứng bên cầu. Trong túi đã thủ sẵn một phong thư dài. Lần này thì không có bó hoa phượng nữa vì anh định, nếu Phượng không cho vào nhà thì đường cùng, anh phải đưa thư. Anh đạp xe theo Phượng và nói như van lơn:
- Cho anh xin vào nhà em để biết nhà, làm quen với nhau trước khi anh đi học.
Đến nước này thì Phượng đành phải dừng xe, và cũng nói như van lơn:
- Không được đâu Thắng ơi! Ba mẹ em không chấp nhận chuyện này đâu. Khó lắm! Xưa nay em chưa từng đưa bạn trai về nhà một mình bao giờ cả. Mong anh hiểu cho em.
- Nhưng… ngày mai anh đi rồi!
- Em biết, chúc anh lên đường bình yên. Luôn nhớ rằng có một người con gái nơi đây luôn nhớ về anh. Nhớ viết thư cho em!
“Được lời như cởi tấc lòng”, Thắng vội vàng chìa phong thư ra trước mặt:
- Đây là tình cảm của anh đối với em. Em hãy đọc nó và… nhớ rằng: anh luôn luôn nghĩ về em.
Phượng vội vàng cầm lấy phong thư đút ngay vào cặp xách như sợ có người nhìn thấy. Mặt cô ửng đỏ vì e thẹn. Cô đạp xe thật nhanh về nhà như trốn chạy. Thắng lại lặng im đứng đó nhìn theo. Dưới sông, dòng Trà giang vẫn êm đềm trôi bên Long Đầu Hí Thuỷ. Đầu rồng đang cười đùa với nước, còn tình anh? Chưa biết cười vui hay khóc buồn cả lúc chia tay!
Học kỳ đầu năm thứ nhất nơi giảng đường đại học trôi đi trong quay quắt nhớ thương về Phượng. Anh nôn nao chờ đợi ngày lên ga Sài Gòn đón Phượng vào thi. Đây sẽ là một ngày vui sau gần một năm chờ đợi. Nhưng oái oăm thay, năm ấy, Phượng vào Sài Gòn thi cùng người anh trai nên cô không thể báo cho Thắng biết. Thi xong, Phượng cùng anh lên Đà Lạt thăm người dì theo lời dặn của ba mẹ. Vậy là cái ngày chờ đợi đầy hi vọng của Thắng đã trở nên vô vọng. Anh buồn đến phát khóc. Lòng cứ mãi thắc mắc, buâng khuâng. Hay Phượng chỉ xem tình anh như một trò đùa! Những lá thư Thắng viết vẫn tha thiết, mặn mà, những dòng thư của Phượng thì vẫn nhẹ tênh như gió thoảng. Mấy ngày sau kỳ thi, anh nhận được thư của Phượng. Lá thư chứa chất nỗi buồn và thất vọng vì bài làm của Phượng không như ý muốn. Trong thư thì Phượng khẳng định là mình không thể đỗ, nhưng trong lòng Thắng thì lại nhuốm lên những hi vọng mơ hồ. Hè năm ấy, anh cũng về quê và cũng có đôi ba chiều dừng xe đứng nơi lan can cầu ngày cũ. Nhưng chỉ đứng để hướng về phía nhà Phượng chứ không phải để đợi chờ vì Phượng đã không còn đi học. Ngày hè cuối cùng, cũng là dịp các trường đại học đã có giấy báo, anh mạo muội đạp xe đến nhà Phượng để xem có kết quả gì không. Nhưng khi đến nhà thì người anh trai bảo rằng:
- Từ lúc đi thi về nó chỉ nằm vùi trong buồng riêng lo học, chẳng có tiếp ai hết. Cậu thông cảm, đừng quấy rầy nó lúc này.
- Nhưng thưa anh! Kết quả thi đại học của Phượng thế nào?
- Thiếu 1 điểm. Nó buồn là vì thế! Đang đóng cửa học bài để năm sau thi tiếp.
Thắng chào người anh trai quay xe trở lại lan can cầu đứng nhìn dòng nước trôi vô tâm trên mặt cát. Lại đợi một năm nữa trong thấp thỏm mõi mòn ư! Thà rằng Phượng nói thẳng với mình là không hoặc có, đàng này, những dòng thư cô cứ mông lung có có không không khiến Thắng lại càng hoang mang, lo nghĩ.
Hôm sau, anh trở lại trường trong nỗi thất vọng. Càng nghĩ về Phượng, Thắng càng rạo rực muốn được yêu, được sẻ chia. Và có một người con gái đến sẻ chia cùng Thắng. Ban đầu Loan đến trong sự vô tâm của Thắng. Nhưng tình yêu là gì khó mà lý giải. Cứ ngỡ với bao đó tình cảm đầu đời Thắng đã dành riêng cho Phượng. Ai đâu ngờ… Cô sinh viên đã biết chia sẻ cùng anh những vui buồn đắng ngọt cả về vật chất và tinh thần của những ngày tháng sinh viên xa xứ. Dần dần, họ gắn kết với nhau thành một cặp xứng đôi vừa lứa. Dần dần Phượng chỉ còn mơ hồ trong tâm tưởng. Em trong như nước đầu nguồn Thạch Nham. Em vô tư như gió mới sơ sinh trong trời đất vô thường. Em chân chất, thật thà như bờ xe nước cần cù quay sớm tối. Nhưng bờ xe nước bên dòng Trà giang giờ chỉ còn trong quá vãng. Em cũng xa xôi, mơ hồ như sương khói. Tà áo dài trắng của cô nữ sinh Trần Quốc Tuấn cứ thoắt ẩn thoắt hiện trong tâm khảm riêng anh. Trong anh, hình như đã diễn ra một điều gì đó rất trái ngược nhau. Cái sâu kín anh thật lòng yêu lại là cái mơ hồ, huyền diệu, thiêng liêng trong hàng đêm trăn trở. Nhưng cái trần ai với những nụ hôn nồng cháy vẫn rạo rực trong anh muôn nỗi khát thèm. Phượng gần gũi mà xa xôi quá đỗi. Hình như em là mây trên lưng trời để anh mải miết dõi theo. Chỉ dõi theo và chẳng bao giờ bắt trói được mây trời, dù mây có vô tư la đà trôi chứ không hề trốn chạy cùng cơn gió.
Cuộc sống rộn ràng nơi phố chật người đông đã dần dần lấn vào trong nghĩ suy của chàng trai xứ Quảng. Lời hứa đợi chờ với Phượng giờ cũng dần phôi pha. Đôi lúc anh tự trách lòng mình, nhưng rồi… lòng anh vẫn không kìm nén được những nụ hôn tuôn trào của tuổi trẻ đang yêu mỗi khi Loan đến. Anh lại tự bênh vực mình và đỗ lỗi cho sự vô tư của Phượng. Từ đó, thư anh cũng bớt dần tình cảm. Những lá thư không còn bay bỗng, hồn nhiên, thật lòng như trước. Thư Thắng gửi cho Phượng vào năm hai đã khác đi nhiều. Hiện thực hơn và cũng ít mộng mơ hơn. Thôi thì, Phượng nghĩ, cứ xem như một thoáng tình qua. Một rung động đầu đời của người con gái. Dẫu có buồn nhưng Phượng vẫn cố nhủ lòng: Phải đỗ đại học vào năm sau mới có thể hiểu hết tình cảm của Thắng. Vì thực ra, thời gian qua, mình đã nói gì với anh đâu! Mục tiêu bây giờ là phải vào đại học, còn chuyện tình yêu rồi sẽ đến về sau. Âu cũng là một thử thách vậy thôi! Vượt qua được sẽ đến được với tình yêu chân chính. Cầm bằng không giữ được lòng mình thì xem tình cảm ấy như một rung động thoáng qua, lãng mạn, mơ hồ của những trái tim đang tuổi học trò. Với niềm hi vọng ấy, Phượng lao vào học miệt mài để đợi ngày thi năm đến. Trong lúc đó, Thắng đã sống trọn trong vòng tay ấm áp của người tình sinh viên và Phượng chỉ còn hàng đêm đi về trong nỗi nhớ.
Thi đại học lần hai nên Phượng không cần có anh trai theo nữa. Lá thư gần đây gửi Thắng, cô chỉ báo ngày vào chứ không mong Thắng đón. Bằng linh cảm của một người con gái, Phượng có cảm giác Thắng đã dần quên. Còn Thắng, khi nhận được thư Phượng, anh vừa vui mừng vừa lo lắng. Bảo quên Phượng thì rõ ràng anh chẳng thể quên vì đêm đêm sau những cuộc vui cùng Loan, hình bóng Phượng vẫn đi về trong anh vô tư như gió thổi. Trời đất sao cứ phải đặt bày những chuyện éo le. Cách đây một năm, Thắng đã từng hết lòng chờ đợi, hi vọng vào ngày này, thì niềm vui không đến! Còn bây giờ, gần như phận số đã an bài thì anh lại nhận tin vui! Hình như trời thử thách lòng người, để đến bây giờ, anh tự trách lòng mình hơn là trách Phượng. Mấy hôm nay, anh đã lo thuê chỗ ở cho Phượng. Ngay trong việc thuê chỗ ở, anh cũng đã tự mâu thuẫn với chính mình. Phần thì muốn Phượng ở gần nhà trọ mình để được đưa Phượng đi thi, phần lại sợ người yêu phát hiện cho dù anh đã nói dối xa gần là có cô em bà con ở quê vào thi. Chính vì thế, ngày hôm đó, bằng mọi cách đặt bày, anh chỉ lên ga một mình để đón Phượng mặc dù Loan cố xin anh để được theo đi.
Và những ngày ấy, Thắng đã sống trong sự giả dối của chính mình. Nhưng bằng linh cảm con gái, hình như Phượng đã nhận ra sự khác lạ ở anh. Không hiểu sao cô có cảm giác Thắng hôm nay không còn là chàng Thắng ngu ngơ đứng tựa lan can cầu Trà Khúc. Mới một năm gió bụi thị thành mà đã khiến con người đổi thay đến thế này sao? Đọc những lá thư gần đây của Thắng, Phượng đã dần dần mất đi cảm xúc. Không còn một chút dại khờ của tình yêu đầu đời mà hầu như có gì đó rất đặt bày trong từng câu chữ ép buột. “Văn là người” mà! Phượng ngộ ra rằng: khi lòng người thay đổi thì văn cũng đổi thay theo. Cái chân lý này vô cùng hiển nhiên, nhưng đột nhiên, hôm nay, khi ngộ ra, Phượng cũng cảm thấy như mình vừa bị mất đi một điều gì thiêng liêng lắm.
Thực ra, cái buồn hỏng thi năm trước không làm Phượng phải suy sụp đến thế đâu vì bạn bè chung quanh cũng rất nhiều người thi hỏng, cái chính là do cô không được gặp Thắng sớm hơn để bày tỏ lòng mình. Hơn nữa, Phượng lại là một cô gái quê chân chất, một khi đã ngỏ lời yêu là xem như lời thề xưa trói buộc cả một đời. May mà Phượng chưa một lần hé lộ tình yêu của mình cho Thắng biết, mặc dù những phong thư của Thắng vẫn thường xuyên nhắc chuyện xa gần. Bằng sự chín chắn của người con gái quê trong chọn lựa bạn tình, và bằng linh cảm của trái tim con gái mới biết yêu, dần dần cô đã nhận ra sự đổi thay của Thắng. Bây giờ gặp lại Thắng, Phượng càng nhận ra sự đổi thay một cách rõ ràng hơn. Đó chính là những cử chỉ lịch thiệp phố phường trong giao tiếp, đó là cái bó hoa điệu đàng Thắng mang lên ga, nó hoàn toàn khác với bó phượng ngày xưa Thắng ném trong giỏ xe ở lan can cầu Trà Khúc! Chàng Thắng ngu ngơ xưa giờ đã trở thành một con người lịch lãm. Lịch lãm trong trường đời thì rất đáng yêu nhưng quá lịch lãm trong tình yêu thì thật là đáng ghét. Nghĩ mông lung như vậy, nhưng trước thái độ ân cần của Thắng, Phượng cũng giả vui khi gặp lại anh. Vì thế, Phượng đồng ý lên xe về nơi trọ mà Thắng đã xếp đặt. Đêm đầu tiên thành phố, Phượng bắt đầu chú tâm vào việc thi cử. Vì một năm qua, sống trong khổ sở của người thi hỏng, Phượng đã hiểu rất rõ rằng: năm nay mà hỏng nữa xem như về quê lo lấy chồng cho sớm. Đôi ba lần, vào lúc đã khuya, Thắng có đến rủ Phượng đi chơi, song Phượng kiên quyết không rời khỏi bàn học:
- Cảm ơn anh! Em không quen ra phố ban đêm. Anh về nghỉ đi, mai còn đi học.
Thắng lủi thủi trở về và nhận ra sự vô lý của chính mình. Tại sao lại buồn? Mình đã yêu Loan rồi cơ mà! Mình vừa mới đi chơi với Loan về. Ôi tình yêu ! Như một trò đùa quái gở. Cái thiết tha yêu, ước mơ hoài thì chẳng đến, cái hiển nhiên lại đến thật tình cờ, cứ như là có sẵn. Chẳng cần mơ mộng, dài dòng, chỉ những cử chỉ ân cần, săn sóc của Loan, Thắng đã nắm được tay nàng mà chẳng cần đến hoa hoè, thư từ gì hết. Nó đến như một tất nhiên, như để bù vào chỗ khoảng trống mà thứ tình yêu thiêng liêng của Phượng đã chừa ra. Phượng thì vẫn như xưa, vẫn vô tư cười nói đó, nhưng hình như… trong lời nói cũng đã có thái độ dè dặt hơn. Cái nét dưa duyên như mời gọi ngày xưa không còn hiện lên trên mắt. Điều đó, càng khiến Thắng đớn đau hơn. Càng buồn, Thắng càng lao vào những cuộc rong chơi đêm cùng Loan. Và cứ thế, anh sống trong những ngày dằn vặt. Ngày thi sắp hết, Phượng sắp trở về mà vẫn chưa một lần Thắng kéo Phượng rời khỏi căn nhà trọ. Anh đâm tức tối vô lý. Và trong trạng thái vô lý ấy, đêm cuối cùng anh rủ Loan đến nơi Phượng ở:
- Ngày mai em về, anh mời em đi liên hoan chia tay đây. Đây là Loan, bạn học của anh.
- Em chào chị! Thi xong, làm bài tốt, em khao anh chị mới đúng chứ!
- Thôi, thôi! Nghe em còn tiếp tục về Quy Nhơn thi đợt 2 cơ mà.
- Thì đã sao đâu! Anh chị đừng ngại.
Thấy vẻ khách sáo khác thường nếu xét theo mối quan hệ anh em bà con, lại cứ đôi co qua lại, Loan quá khôn khéo, nói cùng Phượng:
- Không phải Thắng mời đâu! Chị mời em để làm quen. Mấy hôm nay, anh Thắng nhắc mãi về em, thế mà chị xin đến thăm em, Thắng cứ bảo: để cho em học. Đừng ngại, đi với chị!
Phượng ngoan ngoãn ngồi sau xe Loan. Trong mơ hồ Phượng đã hiểu ra mối quan hệ giữa Loan và Thắng. Không được xúc động, hãy bình tĩnh Phượng ơi! Cứ xem như là anh em bà con cũng được. Chưa tắt niềm vui làm bài thi suôn sẻ, từ trong thâm tâm Phượng lại nhú lên một niềm vui mới: Linh cảm con gái quả là không sai vào đâu được!
Họ ngồi với nhau trong một quán cà phê vườn thoáng đãng. Đúng như tên quán: “Một thoáng quê”. Cứ y như có một khu vườn quê được bê nguyên vào đặt giữa lòng phố xá. Thắng nhanh nhảu nói như để giải thích:
- Trong này, mỗi lần nhớ quê, anh thường đến đây để được sống trong bầu không khí quê hương.
Loan nói chen vào tiếp lời Thắng như cố ý để cho “người em bà con” hiểu sự gần gũi của họ:
- Nhạc ở quán này cũng hoàn toàn khác, em nghe đó, toàn nhạc đồng quê.
- Thú vị thật! Cảm ơn anh chị!
Sau đó chủ yếu hai người con gái nói chuyện với nhau, còn Thắng hầu như im lặng. Anh chỉ còn tự chất vấn lấy chính mình. Biết nói gì đây! Đời toàn nghịch cảnh. Ôi! Ước gì hôm nay là ngày này của một năm về trước! Ước gì ngồi đây chỉ riêng ta và Phượng! Mình sẽ nói thật nhiều, thổ lộ thật nhiều tình cảm phức tạp đang diễn ra trong lòng để lòng thanh thản. Loan càng chứng tỏ cho Phượng hiểu mối quan hệ gần gũi của mình với Thắng bao nhiêu thì Thắng lại càng cảm thấy chán nãn bấy nhiêu. Tại sao Loan lại vô duyên thế! Chao ôi! Hai người con gái mà sao cứ như hai thế giới khác nhau. Một như tự cõi thiêng liêng hiện về, một lại trần ai và vô cùng thực tế. Tình yêu mơ mộng của tuổi sinh viên sao lại sớm già nua đến thế này? Càng nghĩ, Thắng càng cảm thấy xót xa thương lấy chính mình. Rõ ràng mình không thể xứng với tình cảm trong veo của Phượng. Mình đã trần ai hoá tình yêu ngay ở mối tình đầu. Hình như thứ tình yêu trong sáng, vô tư Thắng đã dành hết cho Phượng. Và hình như nó cũng đã chết trong lòng Thắng từ lâu. Từ cái đêm đầu tiên khi đôi môi nóng hổi của Loan đặt lên môi anh với hơi thở hổn hển và tấm thân run bắn của nàng. Càng nghĩ, Thắng càng cảm nhận ra sự ngán ngẫm của chính mình.
Chia tay nhau ra về, Thắng đạp xe đi như tự thất lạc mình trong cơn mộng du cay đắng. Thôi nhé! Vĩnh biệt Phượng yêu để rồi ngàn đời sau anh vẫn chẳng thể quên được tình yêu trong veo cùng Phượng.
Sáng hôm sau, Thắng giả vờ ốm không đến tiễn Phượng, anh chán nãn phó mặc cho Loan lo liệu. Lánh mặt đi trong hoàn cảnh này còn cảm thấy dễ thở hơn. Và, Phượng cũng đã hiểu rất rõ về sự vắng mặt của Thắng. Cô cảm thấy thương hại Thắng chứ không hề oán hận. Mặc dù trước khi đi thi, Phượng vẫn còn mơ ước được cùng Thắng học chung ở một mái trường. Để rồi hiểu nhau hơn, gần gũi với nhau cùng động viên nhau học tập, để cùng về lại quê xưa và… Thôi thế là đành. Tình đầu xem như đã chết! Vĩnh biệt Thắng.
Con tàu hú còi rời ga Sài Gòn. Tiếng hú thảng thốt như chính ánh mắt của Thắng đêm qua ở quán cà phê. Tự nhiên, từ đôi mắt trong veo của Phượng, nước mắt cứ tự trào ra. Không chỉ có nước mắt buồn mà hình như trong hương vị mặn của nước mắt chen cả niềm vui, vì dù sao, Phượng cũng vừa lòng với chính mình là… đã cư xử đúng mức suốt hai năm quen biết. Vậy là hú vía! Vậy là đã đi qua một rung động đầu đời! Thôi, bây giờ hãy lo tập trung cho đợt thi này đã. Và ngay trong lúc con tàu đang đưa Phượng xa dần thành phố, cô đã thắp lên một ước mơ mới rất bất ngờ: cố thi đỗ ở Quy Nhơn để được học gần quê cho tiện. Thành phố đối với Phượng bây giờ chẳng còn một chút ý nghĩa nào dù trước đó, cô đã bao lần mơ ước đến. Cả ở cái quán cà phê “Một thoáng quê” dễ thương mà Thắng đã đưa Phượng đến cũng chỉ gợi trong cô một nỗi chán chường. Tàu dừng ga Diêu Trì và Phượng cũng chẳng cần nhắn ai đến đón. Cô tự đón xe buýt về nhà người quen. Hình như từ đêm qua, Phượng đã khôn lớn và chín chắn hẵn lên trong suy nghĩ của chính mình.
Năm ấy, Phượng đỗ cả hai trường. Và tất nhiên là cô đã chọn học ở Quy Nhơn như đã định, mặc dù sau khi biết tin Phượng đỗ Đại học Kinh tế thành phố, Thắng đã bao lần viết thư đề nghị Phượng hãy vào. Trong thư, Thắng cũng kể lại toàn bộ chuyện tình của mình và Loan cho Phượng hiểu. Bức thư gửi không lâu sau kỳ thi, Thắng cũng đã báo tin rằng: tình yêu của anh và Loan đã kết thúc. Chóng vánh đến thế sao, ôi những cuộc tình!
Sau cú rung động đầu đời giúp mình nhận chân ra tất cả, Phượng già dặn hẳn lên. Tất nhiên, đỗ trong kỳ thi lần hai thì so với bạn cùng khoá, Phượng lớn hơn một tuổi. Nhưng chỉ một tuổi lớn hơn kia đâu đủ để chứng minh sự già dặn mỗi người. Nói cho đúng, là Phượng chín chắn và già dặn hơn trong suy nghĩ về quan hệ tình cảm so với những người cùng lớp.
Khi Phượng đang còn học năm thứ tư thì Thắng cũng vừa tốt nghiệp. Chán nãn phố phường, anh về xin công tác ở quê. Về quê để tìm lại thứ tình cảm trong trắng ngày xưa mà mình đã tự mình đánh mất. Chôn vùi cuộc tình với Loan thì quá nhẹ nhàng mà tại sao cố quên Phượng đi anh vẫn chẳng thể nào quên được. Từ đó, Thắng chỉ sống bằng hoài niệm và chối bỏ mọi thứ tình yêu trần tục trên đời. Chiều chiều, anh thường chạy xe ra lan can cầu Trà Khúc để ngắm sông và thỉnh thoảng ngước đôi mắt vợi xa nhìn về bờ bắc, nơi đã một thời từng có một bờ xe nước đẹp như thơ. Nơi đã một thời từng là thiêng đường tình yêu riêng của Thắng. Tât cả giờ đã thành quá vãng. Một dĩ vãng tuyệt vời đẹp mà cũng bất tận buồn…
Gác bỏ chuyện yêu đương qua một bên sau cú sốc đầu đời, Phượng lao vào học tập. Học giỏi và cuối cùng, tốt nghiệp với tấm bằng đỏ, Phượng đã được giữ lại giảng dạy tại trường. Những năm học ở Quy Nhơn, thỉnh thoảng Phượng vẫn nhận thư Thắng với lời lẽ thiết tha, nhưng hình như tình yêu chỉ một lần qua thì không thể nào trở lại cho dù những bức thư ân hận về sau Thắng luôn viết bởi một tình cảm dạt dào.
Nói quên Thắng đi thì rõ ràng Phượng cũng khó mà quên, nhưng nói trở về quê để sống lại những rung động đầu đời thì Phượng cũng không hề nghĩ đến. Vì cô biết có cố trở về quê, có cố để tìm lại thì thứ tình cảm trong veo như mặt nước Trà giang xưa cũng không thể dễ gì tìm lại được. Cô quyết định ở lại Quy Nhơn cũng bởi vì cô muốn trốn chạy khỏi những ám ảnh của mối tình đầu. Bây giờ về lại mà chứng kiến cái cảnh Thắng mỗi chiều đứng tựa lan can cầu đợi mình như trong thư Thắng viết, Phượng thấy cũng không còn dễ thương và đẹp đẽ như xưa. Chính vì thế, dù Thắng gửi thư nhiều nhưng Phượng chưa một lần hồi âm cho Thắng. Không, đúng hơn là có một lần duy nhất, khi biết tin Thắng đã về công tác ở quê. Trong bức thư cuối cùng ấy, Phượng mong Thắng sớm vượt qua nỗi đau để tìm vui mà sống. Thắng hãy quên Phượng đi vì thực ra chúng ta chỉ cảm nhận ở nhau những rung động đầu đời chứ chưa phải là tình yêu đích thực. Vướng vít, nợ nần nhau là trong tâm tưởng chứ còn thực tế thì quan hệ tình cảm của hai ta chưa có nợ nần gì. Thắng cũng chưa từng đến nhà Phượng, chỉ mới một lần gặp anh trai cô ngoài ngõ. Còn Phượng thì cũng chỉ biết mang máng nhà Thắng ở đường bờ Nam sông Trà, thế thôi. Cả hai cũng chưa hề một lần đi chơi riêng cùng nhau, chỉ có những hò hẹn, đợi chờ trong thư. Mà trong thư thì Phượng cũng chưa một lần trả lời là yêu Thắng. Hãy quên nhau đi để mỗi người tự tạo cho mình một cuộc đời riêng. Cuối năm đó, Phượng được trường cử đi làm Nghiên cứu sinh ở Nhật Bản. Phượng vứt bỏ hết những tình cảm riêng tư để chuyên tâm vào việc học. Con đường mở ra trước mắt Phượng bây giờ đã khác. Sống và học nơi xứ người, dần dà Phượng sẽ tìm quên và cũng là cơ hội để Thắng chẳng còn bao giờ biết địa chỉ mà viết thư thăm Phượng.
Làm xong Tiến sĩ ở nước ngoài mất hơn bảy năm tròn, Phượng trở về quê. Vậy là đã gần mười năm xa cách. Quê hương đã đổi thay nhiều, con hẽm vào nhà Phượng xưa ngoằn ngoèo là thế, bây giờ đã là đường nhựa thẳng băng. Ngôi nhà Phượng ngày xưa um tùm bóng mát, giờ đã trở thành một địa điểm lý tưởng trên mặt tiền thoáng đãng của đường đê bao bờ bắc sông Trà. Ôi ước gì bờ xe nước vẫn còn để Phượng sống lại với tuổi thơ trong sáng của mình, chiều chiều cùng chúng bạn đùa vui, cả lũ ríu rít bơi dọc sông để móc từ ống tre dưới bờ xe những con cá bống sông Trà trong veo như lòng cát. Thảo nào người ta gọi nó là cá bống cát. Loài cá độc đáo của sông Trà này giờ đã trở thành đặc sản ẩm thực có mặt khắp mọi nơi. Ăn cá bống sông Trà nhưng hiểu tận tường về loài cá bé nhỏ này không phải ai cũng hiểu. Những tháng năm học tập ở nước ngoài, hình ảnh cái bờ xe nước bên sông và con cá bống quê hương cứ ắp đầy trong tâm khảm Phượng mỗi lúc nhớ quê.
Phượng dạo bước trên triền đê nhìn về bờ Nam. Bờ Nam lại càng đô thị hoá nhanh hơn. Những hàng điện đường cao áp nối dài từ đầu cầu Trà Khúc đến tận cầu Trường Xuân khiến cái bờ sông hoang vắng ngày xưa bây giờ đã rộn ràng những ngôi nhà cao tầng và những nhà hàng sang trọng.
Hình như tất cả đã đổi thay. Cảnh vật cũ mất đi nhiều, chỉ có hồn quê là luôn luôn ngự trị. Ai cũng có một quê hương. Quê hương trong Phượng là bờ tre xanh ríu rít tiếng chim chuyền và cái bờ xe nước rì rào hàng đêm quay tròn trong hơi gió. Tất cả đó chỉ còn trong tâm khảm. Cả bóng người ngày xưa đã trồng cây si đợi cô bên lan can cầu, bây giờ cũng đã biệt mù xa… Nghe đâu, khi hay tin Phượng đi học ở nước ngoài, anh từ biệt quê đi làm ăn xa, và đến mãi bây giờ, cũng chẳng ai biết anh đang ở đâu và làm gì nữa. Ra đi, âu cũng là một cách để cố tìm quên…
Gọi là để cố mà quên nhưng thực ra có lẽ đến hết cuộc đời cũng chẳng ai có thể nguôi quên. Ngược lại, khi tuổi càng cao thì quá khứ càng sống lại rõ nét hơn. Với Thắng, có khi là cảm giác về sự ân hận, lỡ làng. Còn với Phượng, những rung động đầu đời ấy là nét điểm tô thêm để những kỉ niệm về quê hương, về tuổi thơ luôn luôn ngự trị trong lòng và trở thành gia tài tình cảm đẹp trong niềm tin yêu cuộc sống.
Bất chợt, Phượng nhận ra mình đã dừng lại ngay chỗ lan can cầu mà ngày xưa Thắng thường đứng đợi. Cô lại đưa mắt xa xăm hướng về bờ bắc sông Trà - nơi, ngày xa xưa, đã từng có một bờ xe nước đẹp như thơ…
Mai Bá Ấn