Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
CỜ BẠC LÀ BÁC THẰNG BẦN
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

VĂN HƯỜNG MÊ SỐ ĐỀ
Soạn giả: Viễn Châu
Giọng ca: Văn Hường

* * *

CỜ BẠC LÀ BÁC THẰNG BẦN
Đào Đức Nhuận.

 

Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè
.

Đây là hai câu mở đầu của một bài ca dao cổ. Thời gian ở đây chính là thời gian 3 tháng mùa Xuân. Các sự kiện được câu ca dao nhắc đến chắc hẳn không phải là những sự kiện cố định cho mỗi tháng mà thực sự nó chỉ muốn diễn tả một cách tổng quát rằng đây là khoảng thời gian trong dân gian của ta ngày xưa dành để tổ chức những hội hè đình đám và sự kiện "ăn Tết" khởi đầu cho mùa lễ hội được nhắc đến trước tiên, thứ đến là sự kiện "cờ bạc" cũng xảy ra đồng thời với "ăn tết" và còn kéo dài cho đến hết những ngày "hội hè", tức là cho đến hết mùa xuân, tùy theo hoàn cảnh sinh hoạt hội hè của từng địa phương. Sự kiện "cờ bạc" này đã khiến cho hầu hết các nhà biên khảo khi nhận định về tính cách của người Việt Nam đều đi đến kết luận "người Việt có máu mê cờ bạc".

Quả vậy, sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược (1) và sử gia Phạm Văn Sơn trong Việt Sử Toàn Thư (2), khi nhận xét về đặc tính chung của người Việt Nam đều cho rằng người Việt Nam có tính "mê cờ bạc".

Cũng tương tự như vậy, Đào Duy Anh trong Việt Nam Văn Hóa Sử Cương (3) đã nhận xét người Việt Nam "thích chơi bời cờ bạc", các ông Cửu Long Giang và Toan Ánh trong Người Việt Đất Việt (4) cho rằng người Việt Nam "ham mê cờ bạc", Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu trong Đất Lề Quê Thói (5), cũng đi đến kết luận người Việt Nam"ham cờ bạc". Còn Lương Đức Thiệp trong Xã Hội Việt Nam (6), bằng cái nhìn duy vật sử quan, khi xét về "Việt Nam tính", ông cũng đã nhận xét "Tật cờ bạc, - kết quả của óc tư hữu bị nghẽn lối - do cuộc sống chật hẹp gây nên, cũng là một tật phổ thông của người Việt Nam."

Có lẽ chỉ có Bưu Văn Phan Kế Bính trong Việt Nam Phong Tục với tiểu mục "Cuộc cờ bạc" là có nhận xét tương đối nhẹ nhàng "Những người vô công rồi nghề thường có tính ham mê cờ bạc" (7)

Quả thực, có nhiều người Việt Nam có máu "mê cờ bạc", phổ biến nhất là trong xã hội nông nghiệp của ta ngày xưa. Thế nhưng, đâu có riêng gì người Việt chúng ta "mê cờ bạc". Cả nhân loại này, dân tộc nào lại không có nhiều người mê cờ bạc?

Hơn nữa, đối với dân Việt Nam ta ngày xưa, ngày Tết là ngày hầu như "nam phụ lão ấu" ai ai cũng ít nhất một lần nhúng tay vào đám đỏ đen. Người lớn có môn cờ bạc của người lớn. Trẻ con có môn cờ bạc của trẻ con. Giới bình dân có môn cờ bạc của giới bình dân. Giới sang trọng có môn cờ bạc của giới sang trọng. Dân cờ bạc nghề có môn cờ bạc sát phạt của dân cờ bạc nghề. Thật là muôn hình vạn trạng. Như nhận xét sau đây của Đoàn Văn Khanh trong bài báo nhan đề "Bác Thằng Bần" đã hạ bút:

-"Chẳng thế mà ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm dù có cấm ngặt con cháu không được cờ bạc rượu chè nhưng trong dịp Tết, người gia trưởng vẫn phải xả giới để cho mọi người được vui chơi theo đúng với truyền thống dân tộc" (8)

Cái truyền thống không mấy tốt đẹp này đã không được các thế hệ người Việt cổ vũ và xiển dương mà cờ bạc luôn luôn bị bài bác và chê trách một cách không thương xót như trong phần dưới đây chúng tôi sẽ dùng tục ngữ ca dao - tinh hoa đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam - để minh chứng.

Có những thời kỳ tệ nạn cờ bạc quá hoành hành, nhà nước phải có những hình phạt thật nghiêm để răn đe như sau khi bị nhà Minh đô hộ 20 năm (1407-1427), phong hóa suy đồi, đến lúc thắng giặc Minh lên ngôi vua (1428), thì mùa xuân năm sau (1429), Thuận Thiên năm thứ hai, vua Lê Thái Tổ đã phải ban hành những hình luật thật nghiêm ngặt:

-"...ra lệnh chỉ cho các quan, cho kinh đô và các lộ, huyện, xã rằng: kẻ nào du thủ du thực, đánh cờ đánh bạc thì quan ty và quân dân bắt nộp để trị tội. Đánh bạc thì chặt 5 ngón tay, đánh cờ thì chặt một ngón tay, những kẻ không phải là việc quan mà vô cớ tụ họp uống rượu thì xử phạt 100 trượng, người chứa chấp bị tội kém một bậc" (9).

Thực ra, tệ nạn cờ bạc dù không được chính thức khuyến khích hay cho phép nhưng sự ngăn cấm cũng không phải thực sự gắt gao. Do đó, những trò chơi mang tính cách cờ bạc vẫn rất được phổ biến, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, thứ đến là trong các dịp hội hè đình đám - mà hội hè đình đám thì lại được tổ chức liên tục tại các địa phương khác nhau vào dịp mùa Xuân (*).

Bưu Văn Phan Kế Bính đã viết trong Việt Nam Phong Tục:

-"Trong những tháng giêng, hai, ba, gọi là tháng ăn chơi, đàn bà trẻ con cho chí người lớn, chỗ thì xúm năm, chỗ thì tụm ba, nào đám thò lò, nào đám xúc xắc, quay đất, xóc đĩa, giồi mỏ, giồi chẵn lẻ, bài phu, tam cúc, tứ sắc, bài cào...Đâu đâu cũng chỉ nói đến chuyện cờ bạc." (10).

Đây là một hình ảnh sinh hoạt của xã hội Việt Nam ta cách đây hơn bảy tám mươi về trước. Cái hình ảnh sinh hoạt có vẻ khác thường đối với chúng ta ngày nay đó đã đưa đến nhận xét cay đắng rằng người Việt Nam "ham mê cờ bạc" không phải là không có nguyên do!

Thói xấu cờ bạc bắt đầu từ ba ngày Tết và cũng chỉ trong ba ngày Xuân nhật cái nạn cờ bạc mới thực sự phổ biến mà thôi! Còn như nhận xét của Bưu Văn Phan Kế Bính thực ra chỉ xảy ra ở các làng xã có hội hè đình đám, chứ có ai ăn dưng ngồi rồi để chơi trò cờ bạc suốt cả 3 tháng Xuân "gọi là tháng ăn chơi" như đã được nêu trên!

Thực ra, sau lễ khai hạ tức ngày hạ nêu mồng 7 tháng giêng Âm lịch, mọi người lại bắt tay vào công việc làm ăn, chỉ còn cái đám người vô công rồi nghề mới lại tiếp tục cờ bạc và với những hạng người nầy cờ bạc đã trở thành cái thú sát phạt nhau, lăm le giỡ nhà của nhau và cuối cùng thì các tay cờ bạc đều bị bọn chủ chứa và hàng quán giỡ nhà!

Phần lớn những người vướng vào con đường cờ bạc thường chống chế cho sự ham mê tai ác của mình bằng luận điệu rằng, bệnh cờ bạc như con sâu trong máu có muốn bỏ cũng không bỏ được, giống như có "ma đưa lối, quỷ đưa đường", dù không muốn mà rồi cũng phải bước chân vào sòng:

Cờ bạc là cái máu mê
Tuy không ham muốn cũng lê chân vào!

"Tuy không ham muốn" là một lời chống chế không thực lòng!

Ta hãy nghe một con bạc thú nhận:

-"Khi tôi bắt đầu, tôi không thể nào ngưng. Tất cả những gì tôi nghĩ tới là làm thế nào để có tiền đi đến các sòng bài để đánh bạc".(Trích Việt Báo, Chủ nhật 30-9-2007)

Thế nên "cái máu mê" trở nên bất trị khi "cái máu mê" trở thành "nghiện" như Bác sĩ Thái Minh Trung đã viết trong bài "Nghiện cờ bạc và Tôn giáo":

"Khi bị nghiền cờ bạc, não bộ của người nghiện dần dần bị thay đổi. Những thay đổi này liên hệ đến các chất Dopamine và Opioids. Những điều trước đây mang đến hạnh phúc như quan hệ gia đình và bạn bè dần dần trở thành vô vị. Mắt họ chỉ sáng lên khi nghe đến sòng bài. Cuộc sống họ xoay quanh cái đỏ đen của cờ bạc. Họ có cảm giác hồi hộp thích thú khi đặt chân vào sòng bài, sự căng thẳng tăng tột độ khi ván bài sắp được đặt ra, hy vọng lớn lên khi thắng chút đỉnh rồi thất vọng khi thua thật nhiều. Thất vọng nuôi dưỡng hy vọng, họ bỏ tiền ra chơi càng ngày càng nhiều và dần dần họ mất tự chủ hành động của họ. Họ trở thành con thiêu thân đốt sự nghiệp và hạnh phúc gia đình trong sòng bài".(11)

Thế nhưng, trước khi trở thành "nghiện" cờ bạc, thực tế máu mê cờ bạc là do mình tự tạo nên từ lòng tham và thói quen mà lúc đầu đã do xã hội cho phép, đó là cái tệ nạn cờ bạc giải trí hay thử thời vận trong ba ngày Tết của xã hội ta xưa (hay cờ bạc được thực hiện một cách tự do tại các sòng bài không có một sự ràng buộc ngăn cấm nào như tại xã hội Hoa Kỳ ngày nay). Tục ngữ ta có câu:
 

Đánh bạc quen tay!
Ngủ ngày quen mắt!
Ăn vặt quen mồm!

Từ cái thói "đánh bạc quen tay" bất trị đó đã nảy sinh ra một hạng người chỉ biết lấy cờ bạc làm thú vui(!) hay lấy cờ bạc làm lẽ sống(!) bằng cờ gian bạc lận.

Mọi con bạc khi bước chân vào sòng bạc đều có một niềm tin và luận điệu như nhau. Họ thường lý luận rằng, con người có lúc rủi, có lúc may, trong cờ bạc cũng có canh đỏ canh đen, lúc may lúc rủi:

Cờ bạc canh đỏ, canh đen
Nào ai có dại đem tiền vất đi!

Biết thế, nhưng khi bước chân vào sòng bạc thì họ lại luôn luôn tin rằng mình đang có vận may, mình đang có vận đỏ.

Vâng, bất cứ ai khi bước chân vào sòng bạc cũng đều nghĩ rằng mình khôn, mình đủ mánh lới để "giỡ nhà thiên hạ"! Những tay cờ bạc nghề vẫn tin vào cái tài "cờ gian, bạc lận" của mình, tin vào cái tài "tráo bài ba lá" để gạy gạo! Nhưng nào có mấy ai nghĩ rằng, trong cờ bạc còn có sự may rủi, còn có vận đỏ đen. Thế nên "con bạc" (tức người đánh bài) tính một đường mà "con bài" lại chạy đi một ngả.

Vậy nên, suy cho cùng, dù có vận đỏ, vận may đi nữa thì cái tiền ăn cờ bạc nhờ vận may vận đỏ cũng không giữ được lâu; bởi vì như trong tác phẩm Việt Nam Phong Tục, Bưu Văn Phan Kế Bính đã viết:

-"...trước còn cho là một cuộc tiêu khiển, rồi cay vào thành ra gỡ gạc, chẳng kể gì mấy đám gỡ gạc nho nhỏ, các tay đại phú, các bực hào thương thường cũng có kẻ đam mê mà bỏ cả công việc buôn bán. Hạng ấy thì lại mộng tưởng những sự may rủi rất lớn lao, tưởng những sự gỡ một ngày còn hơn buôn cả tháng. Cái mộng tưởng ấy thì trăm người may cũng có một người được phỉ lòng, nhưng chẳng qua được buổi này thua buổi khác, chớ mấy người mà nhờ cờ bạc làm nên giàu." (12)

Đồng tiền làm nên bằng cờ bạc vẫn bị xem là đồng tiền phi nghĩa, là "đồng tiền bẩn" dưới cái nhìn đạo đức, thế nên người xưa đã khuyên:

Tiền buôn, tiền bán thì để trong nhà
Tiền cờ tiền bạc để ra đầu hè

Hay:

Tiền cờ bạc gác ngoài sân
Tiền phù vân để ngoài ngõ!

Bởi lẽ, khi có tiền rủng rỉnh trong túi hay khi cờ bạc mà ăn, thì con bạc lại rủ rê nhau đi hàng quán, đi nhà thổ, ăn chơi cho thỏa thích rồi lại tiếp tục "ngồi sòng" cho đến khi không còn đồng xu nào dính túi mới chịu ra về:

Bạc tiền sẵn có trong lưng
Anh em chè chén, tưng bừng ăn chơi.
Kẻ thì xóc dĩa, đố mười
Tổ ôm, chắn cạ, phá ui, ách xì
Bạc thua mặt xám như chì
Gạo tiền hết sạch, lấy gì mà ăn?

Đó là chưa kể tiền cờ bạc một phần nữa chaỵ vào tay chủ chứa hay chủ sòng bài. Ai đã góp tiền để xây nên cái kinh đô cờ bạc vĩ đại là Las Vegas? Xin thưa, đó là các con bạc! Chính những tay cờ bạc đã nuôi các chủ sòng bài, các hàng quán và các người phục dịch trong các nơi chốn này!

Vả chăng, những kẻ ham mê cờ bạc chính là những kẻ có lòng tham vô đáy. Từ lòng tham vô đáy đó, cờ bạc sẽ tạo cho con người có một nếp sống ích kỷ, chỉ biết có mình mà không nghĩ gì đến người khác, kể cả vợ con, cha mẹ, anh em! Kẻ ham mê cờ bạc là những kẻ mà con tim đã bị lung lạc trước sức quyến rũ của những con bài nên trở thành chai sạn trước nỗi vất vả, khổ đau, nhục nhằn của cha mẹ, vợ con.

Cha già, con dại anh ơi
Anh đi cờ bạc suốt đời, suốt năm
Anh thiêu hàng chục, hàng trăm
Em đi bán vải nhặt dăm ba đồng
Cha già, con dại chờ mong
Anh đi vui thú chơi rong một mình
Uổng công cha mẹ sinh thành
Uổng công gánh chữ chung tình của em!

Người có máu mê cờ bạc thường có những tính toán thật kỳ lạ, dường như nó không phù hợp với tâm ly của người bình thường. Vì vậy không thể lấy tâm ly bình thường để giải thích tâm ly của những con bạc. Họ tham lam chăng? Họ dại dột chăng? Hay cả tham lam lẫn dại dột?

Bạc ba quan tha hồ mở bát
Cháo ba đồng chê đắt không ăn!

Ngày xưa, một quan tiền tính ra đến những 600 đồng cơ đấy! (Một quan là sáu trăm đồng - Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi! - thơ Nguyễn Bính).

Ta thử làm một bài toán nhân: 1 quan bằng 600 đồng, vậy 3 quan bằng 1,800 đồng; rồi thử làm một bài toán chia: 1 tô cháo giá 3 đồng, vậy 1,800 đồng mua được 600 tô cháo! Khiếp chưa!? Có thể những đứa con của họ ở nhà đang thèm một chén cháo nhà hàng! Có thể vợ của họ ở nhà đang thèm một chén cơm không độn ngô, độn khoai! Nhưng con bạc không cần biết những điều đó. Mắt họ mờ vì những con bài hay những đồng tiền sấp ngửa!

Thế mới biết cái thú "mở bát" đó đã gây ra bao nhiêu tang thương cho người cờ bạc! Không phải chỉ có cầm cố quần áo trong sòng bài để lấy tiền gỡ gạc không thôi đâu:

Cờ bạc là bác thằng bần
Áo quần cố hết, ngồi trần tô hô!

Hay:

Cờ bạc anh đánh có chừng
Hết khăn đến áo, giây lưng cùng quần!

Rõ ràng là kẻ nào đã lâm vào vòng cờ bạc rồi thì hầu như quên cả nhân phẩm! Không còn lòng tự trọng! Không còn biết xấu hổ! Và dĩ nhiên không còn biết nhân nghĩa là gì! Họ chỉ biết con bài, chỉ nhìn thấy con bài, ngoài ra họ không còn thấy gì nữa hết!

Thật không còn hình ảnh nào tội nghiệp hơn, khôi hài hơn hình ảnh của một anh chàng thua bạc được người bình dân miêu tả sau đây:

Cờ bạc nó đã khinh anh
Áo quần bán hết, một manh không còn
Gió đông nam chui vào đống rạ
Hở mông ra cho quạ nó lôi
Anh còn cờ bạc nữa thôi?

Một câu hỏi thật chua xót! Một câu hỏi mà như một gáo nước lạnh tạt vào mặt người chồng ham mê cờ bạc!

Vào cái thời mà người phụ nữ còn hoàn toàn lệ thuộc vào người đàn ông, "xuất giá tòng phu" (có chồng phải theo chồng), "phu xướng phụ tùy" (chồng nói gì vợ phải nghe theo) thì người đàn bà có chồng lâm vào con đường cờ bạc đã phải buông lời van xin thật thảm thiết:

Nước nguồn chảy xuống soi dâu
Thấy anh đánh bạc lùa trâu đi cầm
Cầm trâu, cầm áo, cầm khăn
Cầm dây lưng lụa, xin đừng cầm em!

"Xin đừng cầm em!". Đó là một lời van xin thê thiết, một lời van xin thực sự của một người vợ trong một xã hội mà người chồng có toàn quyền trên sinh mạng của vợ con mình: "cầm vợ, đợ con"!

Đôi khi kẻ mê say cờ bạc giống như người mất nhân tính, chỉ biết có con bài hay đồng tiền sấp ngửa, không nghĩ đến vợ con, bao nhiêu của cải trong nhà đều đem cầm cố hết, ngay cả bộ đồ thờ là vật thiêng liêng của gia đình cũng đem cầm cố luôn. Họ có thể vô liêm sỉ đến độ quỳ lạy trước mặt vợ con, nói dối với vợ con bằng bất cứ giá nào để có thể có tiền đem nướng vào sòng bài:

Anh thua chi thua dại thua khờ
Nhà cửa anh thua hết, đồ thờ anh cũng thua
Nay chừ em còn cái quần lãnh mới mua
Anh năn năn nỉ nỉ anh đem thua cho rồi
Con anh đứa đặt, đứa ngồi
Em than, em khóc, chồng ơi là chồng!

Trước thảm cảnh cửa nhà tan hoang như vậy, người vợ chỉ biết van nài người chồng. Người vợ van nài vì nàng đã thấy trước một viễn ảnh vô cùng đen tối sẽ đến với gia đình nàng: cái cảnh bán hết của nhà thì lại đi vay của người mà nướng vào vòng đỏ đen, rồi thì mang công mang nợ suốt một đời.

Lúc đầu nàng còn khuyên nhẹ nhàng, lời khuyên còn cỏ vẻ dễ thương:

Anh ơi, anh ở lại nhà
Thôi đừng cờ bạc nữa mà hư thân
Ham chi những của phù vân
Lỡ ra công nợ nhiều phần xấu xa!

Lời khuyên nhẹ nhàng không lọt vào lỗ tai của người chồng, buộc lòng nàng phải vẽ ra cái cảnh ê chề, nhục nhã cho chàng thấy mà tởn. Mà cái cảnh bị chủ nợ giằng thúc lôi kéo mới thật là nhục nhã ê chề, đau đớn làm sao!

Anh ham xóc đĩa, cò quay
Máu mê cờ bạc, lại hay rượu chè
Eo xèo công nợ tứ bề
Kẻ lôi người kéo, ê chề lắm thay!
. . . . . .

Thế nhưng rồi, có những anh chồng chứng nào vẫn tật nấy, vẫn bằng cách này hay cách khác xoay xở cho có tiền để ngồi vào sòng. Vợ con có khuyên răn, chẳng nghe thời chớ lại còn lấy quyền chồng - cái quyền mà xã hội "trọng nam khinh nữ" vẫn coi "chồng chúa vợ tôi" - mà ức hiếp vợ con, và ở đây ta mới thấy hết đức hy sinh vô bờ bến của người đàn bà Việt Nam xưa, một đời chỉ biết phục tòng chồng, dù là anh chồng chẳng ra gì - và ta thấy ngay trong cách chịu đựng cũng đã có mầm khinh khi, không tôn trọng (chồng em nó):

Chồng em nó chẳng ra gì
Tổ tôm, xóc đĩa nó thì chơi hoang
Nói ra xấu thiếp hổ chàng
Nó giận nó phá tan hoang cửa nhà
Nói đây có chị em nhà
Còn dăm thúng thóc với vài cân bông
Bán đi trả nợ cho chồng
Còn ăn, hết nhịn cho thỏa lòng chồng con
Đắng cay ngậm quả bồ hòn
Con nhà thi lễ chồng con kém người!

Vợ chồng "đầu ấp, tay gối" lẽ nào không thương. Thế nhưng, khi gặp phải anh chồng ham mê cờ bạc, thì đã có nhiều người vợ phải nói thật lòng mình cho dù đó là một nỗi lòng thật đắng cay, một lời nói thật phũ phàng:

Thương ai cho bằng thương chồng
Bởi chồng cờ bạc nên lòng chẳng thương!

Từ chỗ "chẳng thương" đi đến chỗ khinh miệt chỉ có một bước thật ngắn:

Chồng em là đứa vô nghì
Tổ tôm, xóc đĩa việc gì cũng ngoan!

Có nhiều người vợ đã phải nhiều đêm thức trắng để mà chiêm nghiệm cái cảnh có chồng vướng vào máu mê cờ bạc:

Đêm nằm nghĩ lại mà coi
Lấy chồng cờ bạc như voi phá nhà

Chính cái sự thật phũ phàng nầy đã khiến cho nhiều cô gái đã phải đi đến những quyết định quyết liệt một khi đã thấy Ỷ trung nhân của mình đang lâm vào vòng cờ bạc, thà dứt trước hơn phải mang nợ về sau:

Lăm le dạ muốn kết duyên
Thấy anh giở chén chung tiền, em chê!

"Giở chén chung tiền" là công việc của một người làm cái xóc đĩa!

Hậu quả chắc chắn nhất của cờ bạc chính là sự tán gia bại sản, cửa nhà, ruộng vườn đều không cánh mà bay vào sòng bạc. Khi cơ nghiệp không còn mà máu mê cờ bạc vẫn đeo đẳng thì phải tìm mọi cách để kiếm ra tiền kể cả lường gạt hay trộm cướp, và từ đó có thể dẫn đến tù tội:

Cờ bạc là bác thằng bần
Ruộng nương bán hết, xỏ chân vào cùm

Hay:

Cờ bạc là bác thằng bần
Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm!

Cách chơi cờ bạc của ta ngày xưa phần lớn là lối chơi cờ bạc cò con, có ăn thua cũng chẳng là bao vì nó chỉ được tổ chức trong ba ngày xuân nhật hay trong những ngày hội hè đình đám. Cách ăn thua còn có thể lấy cớ dựa vào phần đen đỏ, rủi may. Chỉ trừ máu mê cờ bạc quá lớn, lòng tham quá nặng, đặt những tiếng bạc lớn để chực giỡ nhà của nhau thì không kể! Dưới thời các vua chúa, triều đình không cho phép mở sòng bạc. Do đó chỉ có những sòng bạc tư nhân lén lút, chứa nhiều lắm là mươi lăm con bạc để lấy xâu, kiếm tiền độ nhật. Mỗi con bạc bỏ tiền vào nuôi chủ chứa không là bao!

Thế nhưng ngày nay, nhất là tại đất nước Hoa Kỳ nơi đa số người Việt chúng ta đang định cư, cờ bạc được tổ chức quy mô và cùng khắp, có nơi cho cả xe đưa đón, có nơi còn tổ chức cả ca nhạc miễn phí, mức quyến rũ của cờ bạc mới ghê gớm biết chừng nào! Và tai nạn từ đó cũng ghê gớm biết chừng nào!

Sau đây, tôi xin mượn lời của nhà văn Trần Văn Giang để kết thúc bài viết này, một lời kết luận, theo thiển nghĩ, có thể là lời cảnh tỉnh cho những kẻ có máu mê cờ bạc vừa rõ ràng thiết thực, vừa chân thành:

"Cờ bạc lấy đi từ trong túi chúng ta mỗi năm gần 80 tỷ đô la ; hơn cả tất cả tổng số chi phí mà chúng ta chi tiêu cho vé xem xi-nê, vé xem thể thao và tiền chơi "video games," cả 3 cộng lại với nhau. Trước đây, cờ bịch chỉ giới hạn ở một vài nơi hẻo lánh thuộc tiểu bang Nevada. Bây giờ bài bạc dưới mọi hình thức mọc lên chung quanh chỗ chúng ta sống như nấm dại mọc sau cơn mưa: Super Lottery Plus, Mega Millions, Fantasy, Keno, Daily Derby, Big Spin, Power Ball, Bingo, Scratchers, Indian Casinos, On-line Gamblings."

"Ngày hôm nay, nhất là ở hải ngọai, bộ mặt của cờ bạc đã thay đổi tòan diện từ hình thức cho đến kích thước. Mỗi ngày, chứ không phải chờ đến ngày lễ hội, chúng ta đều nhìn và cảm thấy chuyện cờ bạc đỏ đen diễn ra từ phải qua trái: xổ số, keno, bingo, thẻ cạo [scratchers] số đề, cá độ thể thao, đua ngựa, cờ bạc trên mạng .và ngay cả chơi "stocks" trên thị trường chứng khóan.

Cờ bạc bây giờ đã biến thành một cơn bệnh xã hội. Nó diễn tiến từ từ thành nhiều giai đọan. Cờ bạc không còn là cơ hội để mọi người có dịp "vui chơi, xả hơi" như ngày xưa; mà có thể là một "cơ hội" sẵn sàng phá hủy người đánh bạc một cách tòan diện; gây khổ lụy cho những người có liên hệ trực tiếp với cá nhân đánh bạc như: vợ, chồng, con cái, bố mẹ v.v.." (13)

ĐÀO ĐỨC NHUẬN

Chú thích:

(*) Xem bài "Một số lễ hội mùa Xuân qua mấy vần ca dao" của cùng tác giả đăng trong Đặc san Quảng Ngãi Nam California, Xuân Tân Tỵ, 2001

(1) Việt Nam Sử Lược 1 - Trần Trọng Kim, Trung Tâm Học Liệu xuất bản, 1971, tr.6
(2) Việt Sử Toàn Thư, Phạm Văn Sơn, Đai Nam HK, tr.16
(3) Việt Nam Văn Hóa Sử Cương - Đào Duy Anh, Xuân Thu Hoa Kỳ, tr.23
(4) Người Việt Đất Việt - Cửu Long Giang & Toan Ánh, Nam Chi Tùng Thư, 1967, tr.41
(5) Đất Lề Quê Thói - Vũ Văn Khiếu, Đại Nam HK, tr.68
(6) Xã Hội Việt Nam - Lường Đức Thiệp, Liên Hiệp, 1950, tr.419
(7) Việt Nam Phong Tục - Phan Kế Bính, TP. HCM, tr. 291
(8) Bác Thằng Bần - Đoàn Văn Khanh
(9) Đại Việt sử kỶ toàn thư, Bản kỷ, quyển 10, tr.365
(10 Việt Nam Phong Tục, tr.291
(11) Nghiện cờ bạc và tôn giáo - Bác sĩ Thái Minh Trung, Saigon Times, Thứ sáu, 9/21/07
(12) Việt Nam Phong Tục, tr.293
(13) Cờ bạc - Trần Văn Giang, Việt Báo, Thú sáu, 8/17/07


Xem các Bài khác cùng tác giả tại đây
Trở về Webpage www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh